Lời chúa mỗi ngày

Thứ Bảy 26/02/2022 – Thứ Bảy tuần 7 thường niên. – Điều kiện vào Nước Thiên Chúa.

  • In trang này
  • Lượt xem: 7,131
  • Ngày đăng: 25/02/2022 08:00:00

Điều kiện vào Nước Thiên Chúa.

26/02 – Thứ Bảy tuần 7 thường niên.

"Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó".

 

Lời Chúa: Mc. 10, 13-16

Khi ấy, người ta đưa những trẻ nhỏ đến cùng Chúa Giêsu để Người đặt tay trên chúng, nhưng các môn đệ khiển trách họ.

Thấy vậy, Chúa Giêsu bất bình và bảo các ông rằng: "Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng.

Thầy bảo thật các con: Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó". Rồi Người ôm chúng, đặt tay ban phép lành cho chúng.

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Ngài ôm các trẻ em

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện Đức Giêsu với trẻ em.

Chắc các em còn nhỏ nên cần có người đưa các em đến với Ngài.

Đó có thể là cha mẹ hay một người trong gia tộc.

Những người đưa các em đến phải có lòng tin vào Đức Giêsu.

Họ đưa con của họ đến gặp Đấng mà họ tin là Người của Thiên Chúa.

Họ không mong Thầy Giêsu chữa bệnh hay cho con mình bánh kẹo.

Điều họ mong là được Ngài chạm tay vào chúng (c. 13).

Một cái chạm tay rất nhẹ của Thầy, một cái chạm nhẹ của Thiên Chúa.

Họ mong có sự tiếp xúc giữa chính tay Thầy với thân xác con cái họ.

Ơn phúc lành đến qua tay, qua sự tiếp xúc đơn sơ.

Thầy Giêsu rất vui lòng làm chuyện đó.

Nhưng các môn đệ lại không nghĩ như vậy.

Họ nghĩ chơi với trẻ em chỉ tổ mất thì giờ, bị quấy rầy vì ồn ào, lộn xộn.

Vả lại, trẻ em thì đâu có xứng đáng để được gặp Thầy.

Bởi vậy họ đã ngăn cấm không cho các em đến với Đức Giêsu.

Nói chung họ vẫn chưa hiểu ra bài học mới đây của Thầy (Mc 9, 36-37).

Khi thấy các môn đệ ngăn cản, Thầy Giêsu đã nổi giận thực sự.

Chắc Ngài giận vì không hiểu được sao các ông vẫn hẹp hòi đến thế,

sao các ông vẫn chưa đổi được cái nhìn của mình về trẻ em.

“Hãy để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng” (c. 14).

Đây là một mệnh lệnh nghiêm chỉnh và có giá trị mãi.

Trẻ em có chỗ trong trái tim Giêsu.

Thầy Giêsu dù bận bịu nhưng vẫn có giờ cho các em gặp gỡ.

Ngài không coi chuyện chơi với các em là phiền phức.

Chúng ta chẳng những không được ngăn cản,

mà còn phải giúp đưa các em đến với Thầy Giêsu.

Chúng ta là cha mẹ, là thầy của các em,

nhưng mặt khác chúng ta lại là học trò để học hỏi nơi các em.

“Vì Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng” (c. 14).

Chúng ta cần học nơi các em lòng biết ơn, sự cậy dựa và khiêm nhu.

“Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ em,

thì sẽ chẳng được vào” (c. 15).

Như thế phải học cách đón lấy Nước Trời như trẻ thơ,

nghĩa là đón lấy như một quà tặng mà mình không xứng,

đón lấy với sự ngỡ ngàng, ca ngợi, tri ân.

Hãy nhìn Thầy Giêsu bồng các em nhỏ trên cánh tay (c. 16; Mc 9, 36).

Hãy nhìn nét mặt hạnh phúc của Thầy.

Thầy chẳng những chạm đến các em, mà còn bồng các em.

Thầy còn trịnh trọng chúc lành bằng cách đặt hai bàn tay trên các em.

Rõ ràng Thầy Giêsu quý các em, và Ngài không muốn ta làm hư các em.

Thế giới hôm nay có bao điều ngăn cản không cho trẻ em gặp Chúa.

Bao trẻ thơ đã bị lạm dụng từ nhỏ, bị ngược đãi, bị bắt làm nô lệ,

bị thất học, bị bỏ rơi, bị ném vào cuộc đời quá sớm.

Bao trẻ thơ bị suy dinh dưỡng, bị bệnh tật và chết khi còn trong lòng mẹ.

Bao trẻ thơ thèm được chút hơi ấm của tình thương gia đình.

Nhất là có những trẻ em đã sớm mất tuổi thơ

và dính vào thói hư của người lớn như nghiện ngập, phạm tội hình sự.

Hãy giúp các em làm quen với Giêsu và đừng làm gương xấu cho các em.

Hãy đón tiếp các em để gặp được chính Thầy Giêsu

và gặp được chính Thiên Chúa (Mc 9, 37).

 

Cầu nguyện :

Lạy Cha nhân ái, từ trời cao,

xin Cha nhìn xuống

những gia đình sống trên mặt đất

trong những khu ổ chuột tồi tàn

hay biệt thự sang trọng.

Xin thương nhìn đến

những gia đình thiếu vắng tình yêu

hay thiếu những điều kiện vật chất tối thiểu,

những gia đình buồn bã vì vắng tiếng cười trẻ thơ

hay vất vả âu lo vì đàn con nheo nhóc.

Xin Cha nâng đỡ những gia đình đã thành hỏa ngục

vì chứa đầy dối trá, ích kỷ, dửng dưng.

Lạy Cha, xin nhìn đến những trẻ em trên thế giới,

những trẻ em cần sự chăm sóc và tình thương

những trẻ em bị lạm dụng, bóc lột, buôn bán,

những trẻ em lạc lõng bơ vơ, không được đến trường,

những trẻ em bị đánh cắp tuổi thơ và trở nên hư hỏng.

Xin Cha thương bảo vệ gìn giữ

từng gia đình là hình ảnh của thánh Gia Thất,

từng trẻ em là hình ảnh của Con Cha thuở ấu thơ.

Xin Cha sai Thánh Thần Tình Yêu

đem đến hạnh phúc cho mỗi gia đình;

nhưng xin cũng nhắc cho chúng con nhớ

hạnh phúc luôn ở trong tầm tay

của từng người chúng con. Amen.

 

Suy Niệm 2: Bé nhỏ

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Thế gian trọng lớn khinh nhỏ. Đó là thú tính. Càng văn minh càng biết trân trọng những gì bé nhỏ. Càng thánh thiện càng biết sống bé nhỏ. Vì nhận biết con người thật của mình. Biết Thiên Chúa lớn lao. Biết mình bé nhỏ. Biết Thiên Chúa có tất cả. Mình chỉ là hư vô. Biết Thiên Chúa là Cha. Mình là con. Mình tuỳ thuộc vào Thiên Chúa. Từ mạng sống. Đến sức khoẻ. Tài năng. Hạnh phúc. Tất cả đều bởi Chúa. Vì thế cần sống tâm tình người con bé nhỏ.

Các môn đệ cũng theo thói đời, khinh thường trẻ nhỏ. Nhưng Chúa đã dạy các ông chân lý về Nước Trời. “Khi ấy, người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng. Nhưng các môn đệ la rầy họ. Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là chủa những ai giống như chúng”.

Sách Huấn ca dạy ta: Ta phải biết mình bé nhỏ. Vì Thiên Chúa tạo dựng ta từ hư vô. Từ bụi đất. Ta phải tạ ơn Chúa không ngừng. Vì Thiên Chúa nâng ta lên làm con cái, cho ta trổi vượt muôn loài. Ta phải tạ ơn Chúa. Vì Thiên Chúa ban cho ta trí khôn phân định phải trái. Phải biết ca tụng, tạ ơn Chúa. Và nhất là phải luôn tuân giữ lề luật và sống trong thánh ý Chúa: “Người đặt con mắt mình vào tâm hồn chúng, để chúng nhận ra các công trình vĩ đại của Người. Danh Thánh Người, chúng sẽ ca ngơi, những công trình vĩ đại của Người, chúng sẽ kể ra… Bổn phận đối với tha nhân, Người truyền cho ai nấy phải thi hành. Đường lối của chúng luôn luôn ở trước mặt Người, và không bao giờ giấu mắt Người được” (năm lẻ).

Khi biết mình hoàn toàn tuỳ thuộc vào Chúa ta sẽ phó thác cho Chúa tất cả. Dù vui. Dù buồn. Dù đau yếu. Dù khoẻ mạnh. “Ai trong anh em đau khổ ư? Người ấy hãy cầu nguyện. Ai vui vẻ chăng? Người ấy hãy hát thánh ca”. Người phó thác cho Chúa sẽ trở thành công chính. Lời cầu nguyện của người công chính sẽ được Chúa nhận lời. Tiên tri Ê-li-a hoàn toàn sống cho Chúa. Phó thác vào Chúa. Nên lời cầu của ngài rất có hiệu lực. “Ông Ê-li-a xưa cũng là người cùng chung một thân phận như chúng ta; ông đã tha thiết cầu xin cho đừng có mưa, thì đã không có mưa xuống trên mặt đất suốt ba năm sáu tháng. Rồi ông lại cầu xin, thì trời liền mưa xuống, và đất đã trổ sinh hoa trái” (năm chẵn).

Hãy sống bé nhỏ. Như người con thơ dại đối với Thiên Chúa. Chúa là Cha nhân từ sẽ lo liệu cho ta mọi sự. Sẽ làm việc thay ta. Sẽ sắp xếp mọi sự thuận lợi cho ta.

 

Suy Niệm 3: Thương yêu trẻ em

Ðức Giáo Hoàng Piô X khi nhậm chức Giám mục giáo phận Mantova, Ngài đã nghĩ đến người mẹ hiền và trở về thăm mẹ như để nói lên lòng biết ơn. Trong câu chuyện thân mật với mẹ, Ngài vừa nói vừa khoe chiếc nhẫn Giám mục của mình: "Mẹ xem chiếc nhẫn Giám mục của con có đẹp không?"

Người mẹ mỉm cười đưa chiếc nhẫn cũ kỹ trên bàn tay đầy vết nhăn cho con xem và nói: "Nếu không có chiếc nhẫn này, thì đâu có chiếc nhẫn Giám mục của con".

Thật thế, nếu cha mẹ không để tâm giáo dục con cái, làm sao chúng có thể nên người, nhất là nên người con của Chúa được.

Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy những cha mẹ tìm cách đem con cái đến với Chúa Giêsu để xin Ngài đặt tay và chúc lành cho chúng. Chúa Giêsu rất thương mến trẻ em, Ngài tỏ ra không hài lòng vì các Tông đồ ngăn cản không cho các cha mẹ đem các trẻ em đến với Ngài. Trái ngược với quan niệm coi khinh trẻ em của các tác giả đạo đức Do Thái, Chúa Giêsu đề cao trẻ em như kiểu mẫu đón nhận Nước Trời: "Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào". Nơi khác, Ngài bảo vệ trẻ em một cách quyết liệt: "Ai làm cớ cho một trong những trẻ nhỏ này sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà quăng xuống biển còn hơn".

Cha mẹ là những người cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh dưỡng và giáo dục con cái, để chúng được hạnh phúc đời này, nhất là được hạnh phúc đời sau. Tuy nhiên, có những cha mẹ chỉ lo làm giàu, chứ không quan tâm xây dựng đạo đức cho con cái, cũng có những cha mẹ khoán trắng việc giáo dục đức tin của con cái cho các vị lãnh đạo tinh thần và thiêng liêng, mà quên rằng đó là nhiệm vụ trước tiên của cha mẹ do Bí tích Hôn phối và tình thương yêu đòi buộc. Con cái sống trong gia đình nhiều hơn các nơi khác, và cha mẹ cũng hiểu biết tính tình con cái hơn bất cứ ai khác, đó là những thuận lợi để cha mẹ góp phần vào việc giáo dục con cái.

Nhưng để có thể giáo dục con cái một cách hiệu quả, cha mẹ phải lo trau dồi kiến thức, cách riêng về tôn giáo, và sống đạo gương mẫu, sao cho con cái thực sự là nguồn hạnh phúc của gia đình và là triều thiên của chính cha mẹ.

Xin Chúa chúc lành cho tất cả các cha mẹ. Xin Ngài soi sáng để các cha mẹ hiểu biết và yêu mến Chúa nhiều hơn, đồng thời nhiệt tâm giáo dục con cái và dẫn đưa chúng đến với Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Chúa Giêsu sống liên hệ với mọi người

Người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu, để Người chạm tay vào chúng. Nhưng các môn đệ xẵng giọng với chúng. Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào.” (Mc. 10, 13-15)

Trích đoạn Phúc âm này tưởng chừng tầm thường, nhưng không phải vậy. Trái lại, mấy câu vắn vỏi này là một mạc khải quan trọng về Thiên Chúa và mối quan hệ của Người với chúng ta. Suốt cuộc đời Người và khi thi hành sứ vụ, Đức Giêsu Kitô đã chỉ có một sứ mệnh duy nhất là làm cho chúng ta nhận biết Thiên Chúa: “Sự sống đời đời, chính là họ nhận biết Cha và Đấng Cha sai.” Và Chúa đã thực hiện tốt sứ mệnh đó bằng việc làm cũng như bằng lời nói; tốt hơn nữa bằng những quan hệ giữa con người cũng như bằng những phép lạ của Người. Các Phúc âm phần lớn đều là tường thuật về những quan hệ của Chúa Giêsu với người ta. Trong mối quan hệ của Người với tha nhân, Chúa Giêsu tỏ ra hoàn toàn tự do, hoàn toàn độc lập đối với dư luận quần chúng và người xung quanh. Các môn đệ thì muốn dân chúng ở xa Người, tạo nên một bức màn che chắn Người. Các ông làm như thể muốn sàng lọc những người có thể đến với Chúa Giêsu. Trước mọt dụng ý như thế, Chúa Giêsu bực mình, nặng lời khiển trách các ông… rồi Người gọi trẻ em đến với mình, đặt tay chúc lành cho chúng và ôm hôn chúng.

Lời mời gọi nên như trẻ thơ

Chúa Giêsu không đành đón tiếp các trẻ em như đón tiếp các người thu thuế và tội lỗi, Người đi xa hơn nhiều; Người lấy chúng làm gương mẫu cho những thính giả cúa mình: “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào.” Nên giống như trẻ em, có nghĩa là gì? Chúng ta vốn nghĩ, trẻ em chẳng có chi hoàn hảo, chẳng có chi đáng bắt chước về mọi phương diện. Ông La Bruyère đã viết một cách cay nghiệt rằng: “Trẻ em là đồ ăn cắp, nói dối, chúng đã là những người lớn đấy.” Cũng không phải là chuyện trở lại vẻ hồn nhiên trong trắng của trẻ em như trở lại vẻ tinh tuyền ban đầu của nguyên tổ khi ở vườn địa đường. Kinh thánh không nhìn trẻ em ở khía cạnh này. Vả lại đòi hỏi một người lớn phải khổ sở vì không còn là một đứa trẻ nữa có lẽ đó là một yêu cầu có phần nào bệnh họan.

Tuổi thơ đồng nghĩa với tươi mát, hồn nhiên, đơn sơ. Chúa mời gọi chúng ta đón nhận Nước Thiên Chúa với những tâm tình này, nghĩa là với niềm hân hoan vui sướng như được một cái mới, không tính toán, không hậu ý, nhưng đồng thời cũng phải nhận thức rằng mình tùy thuộc vào Chúa và liên quan tùy thuộc đối với người khác. Tuy nhiên trong bất cứ trường hợp nào, ta không được là con người ấu trĩ và từ chối làm cho chính ta điều gì có thể làm được.

Bởi lẽ, tinh thần thơ ấu mà Chúa Giêsu đề nghị không phải là một sự “nhõng nhẽo”, ươn lười, nhưng là một tâm hồn rộng mở đón nhận lời Chúa với tinh thần đơn sơ vậy.

 

Suy Niệm 5: Hãy nên như trẻ nhỏ

Nếu xét về đời sống thiêng liêng: Nước Trời là gia nghiệp của con người, thì đời sống tự nhiên, con cái là gia sản của các bậc cha mẹ.

Muốn cho gia sản ấy thực sự có giá trị và ý nghĩa thì phải lo giáo dục con cái cho đàng hoàng.

Giáo dục đúng thì sẽ được hưởng hoa trái của niềm vui. Giáo dục sai sẽ lãnh hậu quả buồn.

Hôm nay, người ta đem đến cho Đức Giêsu các trẻ em và xin Ngài đặt tay chúc lành cho chúng. Tuy nhiên, các môn đệ đã ngăn cản các bà mẹ khi các bà dẫn các trẻ em đến với Đức Giêsu. Thấy vậy, Đức Giêsu đã lên tiếng quở trách các môn đệ và đề cao các em.

Qua hình ảnh, tính tình của trẻ em mà Đức Giêsu dạy cho các môn đệ bài học quan trọng: “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào”. Câu nói này vừa là một giáo huấn về sự chân thành, đơn sơ cần có đối với người môn đệ. Mặt khác, vừa là một mặc khải về quy luật tất yếu để được vào Nước Trời là trong sạch như trẻ thơ.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy chú tâm đến việc giáo dục con cái. Đồng thời cần phải làm gương cho con cái của mình noi theo.

Nhưng điều chính yếu mà Đức Giêsu muốn mời gọi chúng ta là: hãy sống những đặc tính của trẻ thơ thì sẽ được vào Nước Trời. Đặc tính ấy được thể hiện qua sự chân thành, không lươn lẹo, quanh co, không giam tham, hối lộ, vu vạ, cáo gian, không cướp của, giết người...

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết nêu gương sáng cho trẻ em và học được những bài học đơn sơ, trung thành, trong trắng để được vào Nước Trời. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 6: Mở rộng vòng tay đón tiếp mọi người

(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

1. Lý do khiến người ta đem trẻ nhỏ đến với Chúa Giêsu là để Ngài chúc lành cho chúng ("đặt tay trên chúng").

2. Lý do khiến các môn đệ khiển trách họ là vì thời đó người do thái coi khinh trẻ nhỏ (do chúng chưa biết Luật). Trẻ nhỏ bị coi là hạng còn ở ngoài lề xã hội.

3. Phản ứng của Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ bài học mở rộng vòng tay đón tiếp tất cả mọi người, không loại bỏ bất cứ ai.

4. Chúa còn bảo người lớn phải có tâm thế của trẻ nhỏ thì mới được vào Nước Trời.

B.... nẩy mầm.

1. "Thấy vậy Ngài bất bình": Chúa khó chịu và bất bình khi môn đệ Ngài đuổi xua trẻ nhỏ. Ngày nay Chúa cũng tiếp tục khó chịu và bất bình nếu Ngài thấy tôi có thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử và không rộng tay đón tiếp mọi người.

2. "Hãy để trẻ nhỏ đến với": Tôi nên hiểu "trẻ nhỏ" theo nghĩa rộng. Chúa bảo tôi hãy sống làm sao để tất cả mọi người đều có thể gần gũi tôi, hơn nữa đều cảm thấy thoải mái khi ở gần bên tôi. Nhất là những người "nhỏ bé", tức là kém cỏi, vụng về, chậm trí v.v.

3. "Nước Thiên Chúa là của những người giống như trẻ nhỏ". Trẻ nhỏ hoàn toàn tin tưởng và phó thác nơi cha mẹ, trẻ nhỏ biết vâng lời cha mẹ không cần lý luận xem tại sao cha mẹ bảo làm thế, trẻ nhỏ không tính toán lời lỗ thiệt hơn… Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ là thần tượng, cha mẹ làm gì cũng đúng, nói gì cũng hay…  Tôi đối với Chúa như thế nào? Có giống những nét trên của trẻ nhỏ không?

4. "Những gì tôi cần biết, tôi đều học được lúc tôi còn ở nhà trẻ", đó là tựa đề quyển sách của Mục sư Robert Fangum, một quyển sách bán chạy nhất tại Hoa kỳ trong thời gian gần đây. Tác giả viết "Những bài học chúng ta  học được ở nhà trẻ đều là những điều chúng ta  cần biết để sống hạnh phúc; nếu tất cả chúng ta đều trở lại nhà trẻ thì có lẽ thế giới này không hỗn loan như hiện nay." Những điều đó là gì?

- Hãy chia xẻ mọi sự, hãy chơi đúng luật, đừng làm tổn thương người khác, và nếu có xúc phạm đến ai thì hãy xin lỗi.

- Lấy đâu thì trả lại đó, dọn dẹp những gì mình bày ra, và nhất là không lấy những gì không thuộc về mình.

- Ra đường phải chú ý đến xe cộ qua lại, phải nắm tay nhau mà đi.

- Biết ngạc nhiên trước những mầu nhiệm của cuộc sống. (Chờ đợi Chúa)

 

Bài cùng chuyên mục:

Thứ Bảy 04/05/2024 – Thứ Bảy đầu tháng, tuần 5 Phục Sinh. – Chấp nhận lội ngược dòng. (03/05/2024 10:00:00 - Xem: 146)

Thứ Bảy đầu tháng, tuần 5 Phục Sinh.

Thứ Sáu 03/05/2024 – Thứ Sáu đầu tháng, tuần 5 Phục Sinh. – THÁNH PHILIPPHÊ VÀ THÁNH GIACÔBÊ, Tông Đồ. Lễ Kính. – Ðến với Chúa. (02/05/2024 10:00:00 - Xem: 2,753)

THÁNH PHILIPPHÊ VÀ THÁNH GIACÔBÊ, Tông Đồ. Lễ Kính.

Thứ Năm 02/05/2024 – Thứ Năm đầu tháng, tuần 5 Phục Sinh. – Thánh Athanasiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ. – Niềm vui được trọn vẹn. (01/05/2024 10:00:00 - Xem: 4,016)

Thánh Athanasiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

Thứ Tư 01/05/2024 – Thứ Tư tuần 5 Phục Sinh. – Thánh Giuse thợ. – Người thợ vô danh: Thinh lặng, cầu nguyện và xin vâng. (30/04/2024 10:00:00 - Xem: 4,678)

Thánh Giuse thợ.

Thứ Ba 30/04/2024 – Thứ Ba tuần 5 Phục Sinh. – Hiệp nhất và bình an. (29/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,690)

Thứ Ba tuần 5 Phục Sinh.

Thứ Hai 29/04/2024 – Thứ Hai tuần 5 Phục Sinh. – Thánh Catarina Siêna, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ. – Những giới hạn. (28/04/2024 10:00:00 - Xem: 4,042)

Thánh Catarina Siêna, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

+ Chúa Nhật 28/04/2024 – CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH năm B. – Cây nho nối kết cành nho. (27/04/2024 10:00:00 - Xem: 4,225)

CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH năm B.

Thứ Bảy 27/04/2024 – Thứ Bảy tuần 4 Phục Sinh. – Cầu nguyện nhân danh Chúa. (26/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,191)

Thứ Bảy tuần 4 Phục Sinh.

Thứ Sáu 26/04/2024 – Thứ Sáu tuần 4 Phục Sinh. – Ðường về quê trời. (25/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,887)

Thứ Sáu tuần 4 Phục Sinh.

Thứ Năm 25/04/2024 – Thứ Năm tuần 4 Phục Sinh – THÁNH MÁCCÔ, TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG. Lễ kính. – Sư Tử Có Ðôi Cánh.  (24/04/2024 10:00:00 - Xem: 4,688)

THÁNH MÁCCÔ, TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG. Lễ kính.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7