Thứ Bảy 25/03/2023 – Thứ Bảy tuần 4 Mùa Chay – Lễ TRUYỀN TIN. Lễ Trọng. – Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai.
- In trang này
- Lượt xem: 9,758
- Ngày đăng: 24/03/2023 10:00:00
Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai.
25/03 – Thứ Bảy tuần 4 Mùa Chay – Lễ TRUYỀN TIN. Lễ Trọng.
“Này Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai”.
* Chín tháng trước lễ Giáng Sinh, chúng ta mừng ngày Con Thiên Chúa nhập thể trong lòng Đức Trinh Nữ Maria. Biến cố này được thánh Luca tường thuật lại trong phần đầu sách Tin Mừng của người.
Phụng vụ ngày hôm nay được soi sáng nhờ lời của tác giả Thánh Vịnh 39. Lời này đã được tác giả thư Do Thái đặt lên miệng Chúa Kitô khi Người bước vào trần gian: “Lạy Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài”.
Lời Chúa: Lc 1, 26-38
Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ”. Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì.
Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận”.
Nhưng Maria thưa với thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?”
Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế Ðấng Bà sinh ra, sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ họi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”.
Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và thiên thần cáo biệt Bà.
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
LỄ TRUYỀN TIN
Lời Chúa: Is 7, 10-14; Dt 10, 4-10; Lc 1, 26-38
1. Tôi là nữ tỳ của Chúa--Lm Nguyễn Cao Siêu SJ
Suy niệm:
Chín tháng trước khi mừng lễ Giáng Sinh, Giáo hội mừng lễ Truyền Tin.
Lễ Truyền Tin là lễ trọng, lễ Con Thiên Chúa xuống thế giới này làm người.
Mầu nhiệm Nhập Thể là mầu nhiệm lớn, đã bắt đầu từ giây phút này đây.
Nhưng sự trọng thể và lớn lao ấy lại diễn ra rất đỗi bình thường và bé nhỏ.
Galilê là vùng đất của dân ngoại, Nadarét chỉ là một tỉnh nhỏ ít danh tiếng.
Đây là nơi sinh sống của Chị Maria, một thiếu nữ đã đính hôn với ông Giuse.
Sứ thần Gáprien được Thiên Chúa sai đến với người trinh nữ Do thái ấy
vào lúc Chị đang sống đời sống thường nhật như các cô gái khác.
Chị sống bên cha mẹ, chờ ngày về nhà chồng.
Chị có biết đời mình sắp bước vào một khúc quanh mới không?
Thiên Chúa cần Chị Maria cho công trình cứu độ thế giới của Ngài.
Lễ Truyền Tin là lễ Thiên Chúa hỏi ý một thụ tạo, một thiếu nữ nhỏ bé.
Ngài tôn trọng tự do mà Ngài đã ban cho Chị, Ngài cần sự ưng thuận của Chị.
Qua trung gian sứ thần Gáprien, Thiên Chúa muốn Chị làm Mẹ của Con Ngài.
Người Con ấy là Vua thuộc dòng Đavít, là Đấng Mêsia, là Con Thiên Chúa.
Chị Maria đã hết sức bối rối trước lời chào của sứ thần.
Lời chào ấy khiến Chị phải suy nghĩ và sợ hãi (c. 29, 30).
Và khi được báo tin mình sẽ thụ thai,
Chị đã hỏi lại: “Việc ấy sẽ xảy ra như thế nào?”
vì cho đến nay Chị vẫn còn là trinh nữ, chưa về chung sống với Giuse (c. 34).
Trước khi nói tiếng Xin Vâng, Chị Maria đã suy nghĩ cầu nguyện nhiều.
Chị biết mình được Thiên Chúa mời gọi bước vào cuộc phiêu lưu.
Cuộc hôn nhân với Giuse, người mà Chị yêu mến, hẳn sẽ không như cũ.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Chị mang thai bây giờ? Giuse sẽ nghĩ sao?
Ai sẽ tin chuyện Chị được thụ thai bởi Thánh Thần (c. 35)?
Maria đã nói tiếng Xin Vâng không phải vì thấy rõ con đường Chúa muốn.
Xin Vâng là mềm mại, buông mình để Chúa dẫn đi giữa đêm đen,
yên tâm không phải vì mình làm chủ được tương lai,
nhưng vì tin nó nằm trong tay Chúa.
Xin Vâng là để cho những dự tính và ước mơ của mình bị tan vỡ.
Chị Maria đã dám chấp nhận mọi hậu quả khi nói tiếng Xin Vâng.
“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa.” (c. 38).
Tiếng Xin Vâng của Chị Maria đã cho Con Thiên Chúa có chỗ trong thế giới.
Nhờ những tiếng Xin Vâng của tôi, Đức Giêsu đi vào được thế giới hôm nay.
Tôi có kiên nhẫn cưu mang Ngài trong đời tôi, để cho Ngài lớn lên cứng cáp,
trước khi sinh ra Ngài cho môi trường tôi đang sống không?
Cầu nguyện:
Lạy Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa,
xin gìn giữ nơi con quả tim của trẻ thơ
tinh tuyền và trong ngần như dòng suối.
Xin ban cho con quả tim đơn sơ,
mau quên những nỗi buồn phiền.
Một quả tim hào hiệp dám hiến thân,
dịu dàng để cảm thông.
Một quả tim trung thành và quảng đại,
không quên ơn, không báo oán.
Xin tạo cho con quả tim hiền từ và khiêm tốn,
yêu mà không mong được yêu lại,
hân hoan xóa mình đi
để Con của Mẹ có chỗ trong lòng người khác.
Một quả tim vĩ đại và bất khuất,
không khép lại trước những kẻ vô ơn,
không chán nản trước người lạnh nhạt.
Một quả tim khắc khoải
lo tìm vinh danh Chúa Giêsu Kitô,
quả tim mang vết thương vì yêu Ngài,
vết thương chỉ lành
khi được sống với Ngài trên trời. Amen.
2. Khiêm nhường đón nhận—TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
Ðọc Tam Quốc Chí, ai cũng mến mộ Trương Lương, một trong những vị tướng tài ba của Lưu Bang. Thuở nhỏ, Trương Lương đi dạo chơi ngoài bờ sông. Thấy một ông lão ăn mặc rách rưới nằm ngủ trên cầu. Ông lão ngủ say làm rơi một chiếc dép xuống sông. Thấy Trương Lương, ông sai bảo: "Thằng bé, nhặt chiếc dép cho ta". Trương Lương vui vẻ xuống sông nhặt chiếc dép kính cẩn đưa lại cho cụ già. Cụ cầm lấy. không một lời cám ơn. Loay hoay xỏ mãi không vào, cụ đánh rơi chiếc dép một lần nữa. Cụ lại quát bảo Trương Lương: "Thằng bé, xuống nhặt dép cho ta". Trương Lương vẫn vui vẻ giúp cụ. Lần thứ ba cũng thế. Thấy vậy, ông lão khen: "Thằng bé này dạy được đây". Thì ra cụ là một cao nhân lỗi lạc. Và cụ nhận Trương Lương làm học trò, truyền dạy binh pháp cho ông. Nhờ thế, Trương Lương trở nên một danh tướng văn võ song toàn, đã giúp cho Lưu Bang dựng nên nghiệp đế vương.
Trương Lương gặp được thầy giỏi một phần nhờ cơ may. Nhưng phần lớn là nhờ sự khiêm nhường phục vụ của ông. Ðọc truyện Trương Lương, tôi lại nhớ đến Ðức Mẹ. Thời Ðức Mẹ, ai cũng mong chờ Ðấng Cứu Thế, nhưng chỉ mình Ðức Mẹ được diễm phúc đón nhận. Chúa chọn Ðức Mẹ, đó là do ơn lành nhưng không của Chúa, nhưng cũng vì Ðức Mẹ có tâm hồn khiêm nhường đón nhận.
Ðức Mẹ khiêm nhường trong đời sống bình dị. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo. Sống trong một thôn xóm nghèo hèn vô danh. Ngày ngày chu toàn những công việc tầm thường như nấu nướng, may vá, dọn dẹp nhà cửa. Ðức Mẹ khiêm nhường trong thái độ ứng xử. Trước mặt thiên sứ Gáp-ri-en, Ðức Mẹ xưng mình là nữ tỳ của Thiên Chúa, dù thiên sứ đã loan báo Mẹ sẽ là Mẹ Thiên Chúa. Sau đó, Ðức Mẹ đến thăm bà chị họ Ê-li-sa-bét. Vừa nghe Ðức Mẹ chào, bà Ê-li-sa-bét đã ngợi khen Ðức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Ðáp lại, Ðức Mẹ chỉ nhận mình là phận hèn bé nhỏ. Nếu có được ơn gì là do Thiên Chúa thương ban.
Vì khiêm nhường nên Ðức Mẹ hoàn toàn vâng phục Thánh Ý Thiên Chúa. Ðức Mẹ đã có chương trình riêng. Chương trình đó là sống độc thân trinh khiết. Ðó là một chương trình tốt đẹp. Nhưng khi Thiên Chúa ngỏ ý muốn Ðức Mẹ theo chương trình của Chúa, Ðức Mẹ đã mau mắn từ bỏ chương trình riêng tư để đi vào chương trình của Thiên Chúa. Ðức Mẹ nhận biết rằng, chương trình của Chúa là vô cùng tốt đẹp, còn chương trình riêng chỉ là bất toàn. Thánh Ý Thiên Chúa là tuyệt đối, còn ý riêng chỉ là khiếm khuyết.
Vì khiêm nhường nên Ðức Mẹ phó thác trọn vẹn vận mạng trong tay Chúa. Khi thưa "Xin vâng", Ðức Mẹ đã mạnh dạn vượt qua những toan tính dè dặt của người đời để nép mình vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Nếu ta hiểu luật lệ khắc nghiệt của người Do-thái đối với phụ nữ không chồng mà có con, ta sẽ thấy Ðức Mẹ liều lĩnh biết bao, và sự phó thác của Mẹ vào Thiên Chúa mãnh liệt đến thế nào.
Vì đã thưa "xin vâng", nên Ðức Mẹ chấp nhận tất cả, dù chưa hiểu hết Thánh Ý Thiên Chúa. Tại sao Con Thiên Chúa phải sinh ra trong cảnh thiếu thốn nghèo nàn? Tại sao Vua trời đất lại phải chạy trốn như một kẻ yếu hèn? Tại sao Ðấng Cứu Thế làm nhiều phép lạ đến thế để cứu nhân độ thế lại bị người ta chống đối, hành hạ, giết chết nhục nhã như một tội nhân? Hoàn toàn không hiểu, nhưng Ðức Mẹ vẫn khiêm nhường chấp nhận và tin tưởng phó thác. Vì thế Ðức Mẹ vẫn kiên trì theo Chúa Giê-su trên khắp mọi nẻo đường, cho đến dưới chân Thập Giá.
Thái độ khiêm tốn chấp nhận của Ðức Mẹ đã được Thiên Chúa yêu thương. Nước chảy xuống chỗ trũng. Ân huệ Thiên Chúa đổ xuống tâm hồn khiêm nhường. Càng khiêm nhường càng nhận được nhiều ân phúc. Ðức Mẹ có một tâm hồn khiêm nhường thẳm sâu, nên Ðức Mẹ đã nhận được đầy tràn ân phúc của Thiên Chúa, nhận được chính Ngôi Hai Thiên Chúa, là nguồn mạch mọi ân phúc.
Mùa chay là Mùa đặc biệt nhắc nhở và giúp chúng ta "trở lại”đúng địa vị của con người được tạo dựng theo hoạ hình của Thiên Chúa, đúng địa vị trong mọi tương hệ với Thiên Chúa là Cha, với mọi người là anh chị em, với vũ trụ tạo thành là người quản lý. Ta mong được đón rước Chúa vào tâm hồn. Ta mong được ân huệ dư đầy của Thiên Chúa. Ta hãy noi gương Ðức Mẹ, biết khiêm nhường nhận mình tội lỗi yếu hèn, biết khiêm nhường từ bỏ ý riêng để thi hành ý Chúa, biết khiêm nhường vâng theo ý Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, biết khiêm nhường phó thác vận mệnh trong tay Chúa dù không hiểu hết những ý định mầu nhiệm của Người. Chỉ khi khiêm nhường tan biến thành hư không, ta mới được Chúa thương đổ đầy tràn ân phúc vào tâm hồn.
Lạy Ðức Mẹ Ma-ri-a, xin dạy con biết sống khiêm nhường để con đi vào chương trình của Thiên Chúa.
3. Lời ”Xin Vâng” trong l ễ Truyền Tin--GM G.B Bùi Tuần
Trong ngày lễ Truyền Tin, Hội Thánh kính nhớ một biến cố quan trọng. Thiên thần báo tin cho Đức Mẹ rằng: Thiên Chúa muốn chọn Đức Mẹ làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Tin đó quá bất ngờ, vượt mọi suy nghĩ, mọi tưởng tượng, mọi đợi chờ. Phản ứng của Đức Mẹ bắt đầu là bỡ ngỡ bàng hoàng lo sợ, nhưng tiếp đó là xin vâng (Lc 1, 38). Xin vâng là xin tuân phục ý Chúa. Xin vâng là xin cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa, với sự từ bỏ mình, với sự tuyệt đối phó thác đời mình trong tay Chúa. Lập tức sau lời "xin vâng”của Đức Mẹ, Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế nhập thể trong lòng Đức Mẹ. Tất cả đều diễn tiến một cách âm thầm, khiêm tốn. Từ đó "xin vâng”đã được coi như một giao ước mới, một bài ca mới, một con đường mới, của con người mới.
Khi nói xin vâng được coi như một giao ước mới, tôi nhớ lại việc Đức Mẹ vội vã lên đường đi thăm viếng bà Ê-li-da-bét (Lc 1, 39 – 45). Đi thăm để chia sẻ, để phục vụ, để nâng đỡ khích lệ bà Ê-li-da-bét. Theo Đức Mẹ, thì mình được Chúa thương, là để mình biết thương người khác. Mình được Chúa chọn cộng tác với Chúa trong việc cứu độ, thì mình phải quyết tâm dấn thân góp phần cứu độ người khác. Mình nhận ơn Chúa ban, thì mình sẽ cố gắng chia sẻ ơn đó cho người khác.
Thiết tưởng đó là một giao ước mới về bác ái liên đới phát sinh từ lời xin vâng.
Khi nói xin vâng được coi như một bài ca mới, tôi nhớ lại tâm tình Đức Mẹ trong kinh Tạ Ơn "Linh hồn tôi tung hô Chúa” (Lc 1, 46 – 55). Tâm tình Đức Mẹ là lời nói chân thành của người con bé nhỏ, đầy khiêm tốn, ngỡ ngàng biết ơn và phó thác đối với Chúa. Tâm tình Đức Mẹ là khát vọng cứu độ tỏa ra sức nóng của tình yêu thương xót, nhưng lại khiêm nhường tế nhị đối với đồng bào, nhân loại. Tâm tình Đức Mẹ là cái nhìn tiên tri sâu sắc của trái tim khiêm nhường về tương lai dành cho những kẻ khiêm tốn.
Thiết tưởng đó là một bài ca mới về khiêm tốn khởi đi từ lời xin vâng.
Khi nói xin vâng được coi là một con đường mới, tôi nhớ lại biến cố Đức Mẹ sinh Chúa Giê-su tại hang đá Bê-lem (Lc 2, 1 – 7). Đang khi hầu hết mọi người đều coi giàu sang chức quyền danh vọng là những bậc thang giới thiệu gía trị con người, thì Đức Mẹ đã không nghĩ như vậy, đã không vận động chút nào để được như vậy. Trái lại, Đức Mẹ đã lặng lẽ đi vào con đường khó nghèo. Con đường đó đã khởi đi từ hang đá Bê-lem và kéo dài từng ngày, từng tháng, từng năm, suốt cả cuộc đời Đức Mẹ. Trên con đường đó, Đức Mẹ đã cầu nguyện, đã suy gẫm trong lòng, đã lắng nghe Chúa, đã thông hiệp với sự sống Chúa.
Thiết tưởng đó là một con đường mới về sự nghèo khó được vạch ra từ lời xin vâng. Con đường mới đó, bài ca mới đó, giao ước mới đó đều nói lên Đức Mẹ là con người mới. Mới về nhiều phương diện, nhưng nhất là về phương diện Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Đức Mẹ, để đổi mới con người của Mẹ (Lc 1, 35).
Qua việc Ngôi Hai xuống thai trong lòng Đức Mẹ, Chúa Thánh Thần đã đưa tình yêu thương xót của Thiên Chúa vào nhân loại, đã mạc khải Thiên Chúa là tình yêu, đã khai mở một nguồn mạch ơn thánh cứu độ vô cùng phong phú cho mọi người thiện chí.
Do đó, Đức Mẹ là con người mới, là tác phẩm tuyệt vời của Chúa Thánh Linh. Với đặc điểm là Đức Mẹ có một trái tim giống trái tim Chúa Giêsu, trong sạch, hiền lành, khiêm nhường, cháy rực lửa tình yêu thương xót.
Những chia sẻ vắn tắt trên đây có thể giúp chúng ta phần nào, để chuẩn bị mừng Lễ Truyền Tin một cách sống động sát với thời sự.
Thời sự hiện nay, nếu nhìn về góc độ xin vâng ý Chúa, thì đó là cả một vấn đề đáng phải lo ngại. Bởi vì có những người coi trọng ý Chúa và xin vâng ý Chúa. Cũng có những người coi thường ý Chúa và chống lại ý Chúa. Có những người hiểu sai ý Chúa, vô tình hoặc cố tình. Có những người gán cho ý Chúa những ý riêng của mình. Có những người muốn ý Chúa hợp theo ý riêng mình, cho dù ý riêng mình là quái gở. Thời sự hôm nay là Ít-ra-en, quê hương của Đức Mẹ, đang là mảnh đất diễn ra vòng xoáy hận thù và đổ máu. Vòng xoáy kinh hoàng này càng ngày càng mở rộng trên đất, đồng thời càng xoáy sâu vào lòng dân. Từ mảnh đất này hằng ngày truyền đi khắp năm châu những tin đau đớn, gây nên băn khoăn nặng nề cho hoà bình thế giới. Thời sự này làm cho rất nhiều người phải khóc, phương chi Đức Mẹ.
Nhưng theo tôi, thời sự hiện nay quan trọng nhất chính là chuyện của bản thân ta. Ta có lắng nghe ý Chúa không? Và ta có xin vâng ý Chúa thực không? Đoạn Phúc Âm sau đây sẽ gợi ý cho ta thấy rõ ý Chúa về ta trong thời sự hôm nay:
"Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Đức Giê-su đáp lại rằng: "Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê đó tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác, bởi lẽ họ đã chịu đau khổ như vậy sao? Tôi nói cho các ông biết: Không phải thế đâu. Nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy". "Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-e đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao? Tôi nói cho các ông biết: Không phải thế đâu. Nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết như vậy” (Lc 13, 1 – 5).
Suy gẫm đoạn Phúc Âm trên, tôi có cảm tưởng là Chúa muốn báo tin cho từng người chúng ta biết rõ ý Chúa. Đó là đừng quá bận tâm xét đoán người khác, nhưng hãy ưu tiên lo phần rỗi của mình. Lo bằng cách sám hối ăn năn, đổi mới chính mình. Cách đó là cách tốt nhất để góp phần vào việc cứu độ người khác.
Chúa báo tin cho chúng ta ý Chúa là như thế đó. Rất rõ ràng. Ở Fatima Đức Mẹ cũng báo cho chúng ta tin đó. Cũng rất rõ ràng. Chúng ta hãy đáp lại bằng lời xin vâng.
Xin vâng của chúng ta là một hành trình dài đi về với Chúa. Hãy bước đi với những bước nhỏ. Như hằng ngày cầu nguyện bằng kinh Kính Mừng và chuỗi Mai Khôi. Như hằng ngày đến bên trái tim Đức Mẹ, để xin trái tim Đức Mẹ chia sẻ cho ta bầu khí thinh lặng, chiêm niệm, lửa bác ái nồng nàn và sức mạnh lạ lùng của khiêm nhường nghèo khó. Như hằng ngày thực hiện đôi ba việc bác ái, thương cảm liên đới với những người nghèo, bệnh tật, xa Tin Mừng, bị xã hội loại trừ. Như hằng ngày tập nói và làm những gì mang tính cách phục vụ hoà bình hiệp nhất trong yêu thương và tế nhị. Như hằng ngày dùng lòng tin mến biến những mệt mỏi khổ đau của mình thành của lễ đền tội tạ ơn, và xin ơn an bình cho gia đình quê hương và thế giới.
Nếu lời xin vâng của chúng ta được hiệp thông sâu sắc với lời xin vâng của Đức Mẹ, thì đây sẽ là một hy vọng mới cho tương lai bản thân ta, cho Hội Thánh ta, cho quê hương Việt Nam chúng ta, và cho tất cả nhân loại.
4. Xin Vâng, sự hợp tác của con người--TGM Giuse Nguyễn Năng
Sứ điệp: Nhờ lời ưng thuận của Đức Maria, Con Thiên Chúa đã nhập thể trong cung lòng người Mẹ đồng trinh. Thiên Chúa là Đấng khởi xướng mọi hoạt động cứu độ, nhưng Ngài cần sự hợp tác của con người.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con thờ lạy Chúa là Con của Chúa Cha, Chúa đã nhập thể, đã trở thành người trong lòng Đức Mẹ đồng trinh. Với tâm hồn thánh thiện đầy ân sủng và thân xác tinh tuyền, Mẹ đã được Chúa chọn làm cung thánh để từ đó Chúa đi vào lịch sử loài người. Mẹ đã cưu mang Chúa trong tâm hồn trước khi cưu mang Chúa trong thân xác. Tâm hồn Mẹ tràn đầy Chúa nên thân xác Mẹ cũng được Chúa cư ngụ, để rồi Mẹ ban tặng Chúa cho chúng con. Mẹ đã khiêm tốn ưng thuận để Chúa đi vào cuộc đời Mẹ và làm chủ cuộc đời Mẹ, nhờ vậy Chúa đã đi qua cuộc đời Mẹ để đến với chúng con.
Lạy Chúa, hôm nay, Chúa đang muốn đi qua cuộc đời con để đến với thế giới, Chúa cũng đang muốn hiến mình cho con, để qua con, Chúa hiến mình cho nhân loại hôm nay. Xin Chúa giúp con biết khiêm tốn đón nhận Chúa và ưng thuận Lời Chúa mời gọi. Con không thể đem Chúa đến cho anh em nếu con chẳng có Chúa trong lòng. Hằng ngày, nhờ thánh lễ, Chúa lại muốn nhập thể trong con. Xin cho con biết đón nhận Chúa vào cuộc đời mình. Nhờ đức tin và tình yêu mến, nhờ tâm hồn trong sạch và khao khát Chúa, con sẽ được cưu mang Chúa trong tâm hồn. Nhờ việc rước lễ, con sẽ được cưu mang Chúa trong cả thân xác nữa. Xin Chúa ở với con luôn mãi. Con xin dâng hiến đời con cho Chúa, để Chúa dùng con như khí cụ của tình thương cứu độ của Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Này Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai”.
5. Sẵn sàng để Chúa hoạt động trong ta --Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái
A- Phân tích (Hạt giống...)
Vai chính trong tường thuật này là Đức Mẹ Maria, được Thánh Luca mô tả với những nét như sau:
- Một thiếu nữ bề ngoài bình thường như mọi thiếu nữ khác (câu 27)
- Nhưng đặc biệt hơn mọi thiếu nữ vì”đầy ơn phước”và được”Thiên Chúa ở cùng” (câu 28)
- Được Thiên Chúa chọn làm Mẹ Đấng Messia Con Thiên Chúa (cc 30-33)
- Dù không hiểu rõ (câu 34), Maria cũng sẵn sàng cho Chúa dùng mình để làm công việc của Chúa (câu 38: Fiat =“Tôi xin vâng”...).
B- Suy gẫm (... nẩy mầm)
1. Đức Mẹ Maria hỏi”Việc đó xảy đến thế nào được, vì”.... Thiên Thần đáp”không có việc gì mà Chúa không làm được” (câu 37). Rất nhiều điều con người tưởng không thể nào làm được thế mà Thiên Chúa vẫn làm được: Ngài đã làm cho Êlisabét son sẻ được có con, đã làm cho Đức Mẹ Maria đồng trinh sinh ra Đấng Cứu Thế. Thiên Chúa cũng có thể làm nơi mỗi người chúng ta những việc trọng đại, miễn là chúng ta sẵn sàng để Ngài hoạt động trong chúng ta.
2. Mặc dù”không có việc gì mà Chúa không làm được”, nhưng thường Thiên Chúa không làm một mình, Ngài thích có sự hợp tác của con người. Để cho Đấng Cứu Thế nhập thể, Thiên Chúa đã nhờ Đức Trinh Nữ Maria hợp tác. Và Đức Trinh Nữ Maria đã hợp tác bằng cách ngoan ngoãn để cho ơn Chúa hành động trong mình và qua mình: “Tôi xin vâng”.…
3. Một thanh niên kia có thói quen ngủ rất say, luôn cần có mẹ gọi mới thức dậy được. Sau khi tốt nghiệp, anh đi làm ở một chỗ xa nhà. Mẹ anh mua cho anh một chiếc đồng hồ báo thức. Ngày đầu tiên anh quên vặn đồng hồ trước khi ngủ nên đến sở làm trễ. Ngày thứ hai, anh nhớ vặn đồng hồ, nhưng sáng sớm khi nó reo thì anh đưa tay tắt bỏ, nên lại đi làm trễ. Và anh bị đuổi việc. Khi anh trở về gia đình, mẹ anh hỏi về chiếc đồng hồ. Anh đáp:
- Chiếc đồng hồ đó hoàn toàn vô dụng đối với con.
- Nó vô dụng là vì con không chịu dùng nó. Mẹ anh đáp.
Bao nhiêu ơn Chúa ban cho ta cũng đều vô dụng nếu ta không xử dụng đến. (Góp nhặt)
4.”Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ” (Lc 1,28-29)
Đứng trước một biến cố trọng đại, bất ngờ, Mẹ đã bối rối. Sự bối rối ấy không đến từ sự hoang mang nghi ngờ như trường hợp ông Dacaria, nhưng đến từ sự băn khoăn muốn tìm hiểu thánh ý Thiên Chúa.
Phần tôi, đứng trước những khó khăn xảy đến trong cuộc sống thì hầu như chỉ biết than vãn, kêu trách Chúa mà không thử tìm xem Chúa muốn nói gì với tôi qua những biến cố ấy. Chúa vẫn đi ngang qua đời tôi nhưng tôi đã không gặp được Ngài. Chúa đứng ngoài và gõ cửa nhà tôi nhưng tôi đã không nghe được tiếng Ngài. Lòng tôi vẫn khép kín.
Lạy Chúa. Xin cho con biết lắng nghe tiếng Chúa trong từng biến cố của cuộc sống, và biết xin vâng như Mẹ. (Epphata)
6. Lễ Truyền tin cho Đức Mẹ--Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
Hỡi Sứ thần Thiên Chúa Gabriel,
Khi người xuống truyền tin cho Thánh nữ,
Người có nghe xôn xao muôn tinh tú,
Người có nghe náo động cả muôn trời? (Hàn Mạc Tử)
Đức Mẹ có hai nhân đức rất quan trọng này: lòng kính sợ Thiên Chúa và sự khiêm nhường
Lòng kính sợ Thiên Chúa
Sách thánh vịnh nói: "Lòng kính sợ Thiên Chúa là đầu mối của mọi sự khôn ngoan” (Tv 111,10). Lòng kính sợ Thiên Chúa nơi Đức Mẹ được biểu lộ ra trong nhiều trường hợp nhưng đặc biệt được biểu lộ ra một cách rõ rệt trong hai trường hợp này.
+ Trước hết vì lòng kính sợ Thiên Chúa cho nên Đức Mẹ không dám làm những gì mất lòng Chúa. Thí dụ như trong biến cố truyền tin hôm nay, Đức Mẹ chỉ chấp nhận lời đề nghị của sứ thần Gabriel khi biết chắc việc thụ thai là do quyền lực của Chúa Thánh Thần.
+ Thứ đến là Đức Mẹ luôn sẵn sàng thi hành mọi mệnh lệnh của Thiên Chúa.
- Trong việc đưa Hài nhi Giêsu trốn qua Ai cập
- Trong việc đưa Chúa Giêsu trở về
- Nhất là theo Chúa Giêsu lên đến đỉnh đồi Golgôtha.
Lòng khiêm nhường
Các nhà tu đức học đều coi "Khiêm nhường là đức nền tảng của mọi nhân đức". Sự khiêm nhường của Đức Mẹ được biểu lộ rất rõ nét qua hai sự việc này:
- Đức Mẹ đã biết nhìn nhận thật rõ về con người của mình. Khác hẳn với Eva thuở xưa trong vườn địa đàng, tuy chỉ là con người mà cứ tưởng mình ngang tầm với Thiên Chúa. Đức Mẹ là Eva mới dù được Thiên Chúa đặc biệt ưu ái tuyển chọn lên bậc "quân vương”làm Mẹ sinh ra Đấng Cứu thế, nhưng Đức Mẹ vẫn chỉ xưng mình là một tôi tớ không hơn không kém…
- Đức Mẹ nhìn nhận tất cả những gì mình có được đều là do Thiên Chúa.
"Người đã đoái thương nhìn tới phận nữ tỳ hèn mọn” (Lc 1,48)
"Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả” (Lc 1,49)
"Thiên Chúa đã hạ bệ những ai quyền thế và nâng cao những kẻ khiêm nhường - Thiên Chúa đã ban đầy dư cho những kẻ nghèo, còn người giàu có thì Người đuổi về tay không” (Lc 1,48).
Phải có một lòng khiêm nhường thật thẳm sâu thì mới có thể thấy hết được những sự thật đó. Thái độ của Đức Mẹ khác hẳn với thái độ của Eva thuở xưa. Eva thuở xưa mới có được một chút quyền hành Thiên Chúa ban cho trong công việc canh giữ và làm chủ vườn địa đàng đã tưởng mình là quan trọng, thậm chí có lúc còn tưởng là Thiên Chúa như muốn ghen tương với mình. Thật là kiêu ngạo.
7. Một đời Xin Vâng--Lm Giuse Đinh Lập Liễm
I. NGÀY LỄ TRUYỀN TIN
1. Việc chọn ngày lễ
Lễ Truyền Tin được kính vào ngày 25 tháng 3, tức là 9 tháng trước lễ Giáng Sinh, là khoảng thời gian Đức Mẹ cưu mang Chúa Giêsu.
Lễ này trước kia được mừng kính ở Giáo hội Đông phương với tước hiệu lễ "Ngôi Lời nhập thể”từ khoảng năm 550. Giáo hội Rôma mãi đến thế kỷ thứ 7 mới chấp nhận thánh lễ này.
Ngày nay, Lịch Phụng vụ Rôma lấy lại danh xưng "Lễ Truyền Tin”vì có lý do chính đáng, nhưng trước sau vẫn là lễ chung của Đức Kitô và Đức Trinh Nữ: Lễ của Ngôi Lời làm "con Đức Trinh nữ”và lễ Đức trinh nữ là "Mẹ Thiên Chúa".
Ngay từ đời đời, Thiên Chúa đã có ý định tái lập tất cả những gì đã hư mất bởi tội lỗi, và phác họa một công trình cứu chuộc mà Chúa Kitô là trung tâm, với sự cộng tác cần thiết của một người nữ thánh thiện. Cả hai sẽ là Adong và Evà mới thay thế cho Adong và Evà cũ đã phạm tội.
Người nữ ấy không ai khác hơn là Mẹ Maria, Đấng đầy ân phúc, trổi vượt hơn mọi phụ nữ. Mẹ đã được tiên báo qua lời hứa tại vườn Địa đàng xưa: “Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người nữ. Người sẽ đạp nát đầu mi, còn mi sẽ rình cắn gót chân Người” (St 3,15). Mẹ đã được chọn làm Evà mới thực hiện lời hứa xưa kia tại vườn Địa Đàng.
2. Quang cảnh Truyền tin
Trong toàn bộ Thánh Kinh, chỉ có Tin mừng theo thánh Luca (1,26-38) ghi lại biến cố truyền tin. Sứ thần Gabriel đến với một thiếu nữ đã đính hôn tên là Maria tại làng Nazareth để loan báo tin vui về việc hạ sinh Đấng Được Xức Dầu được đợi trông từng bao đời. Sứ thần loan tin cho thiếu nữ: "Này đây, bà sẽ thụ thai và hạ sinh một con trai, và bà sẽ đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao".
Tin báo này làm Đức Maria ngỡ ngàng, vì Ngài đã quyết chí giữ đức khiết tịnh. Sứ thần đã giải thích về cách thức Thiên Chúa sẽ làm cho sự kiện mang thai lạ lùng xẩy ra: “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không có thể".
Mặc dù đã có lời trấn an của sứ thần, nhưng chắc chắn Đức Maria cũng hoảng hốt vì Ngài không biết đến việc vợ chồng. Tuy nhiên, Maria đã can đảm và suy phục thánh ý Chúa nên đã thưa với sứ thần: “Này tôi là nữ tỳ Thiên Chúa, xin hãy làm trọn nơi tôi điều sứ thần truyền".
Sau câu trả lời dứt khoát của Maria, Ngôi Lời đã nhập thể làm người và Maria đã trở thành Mẹ Thiên Chúa.
Truyện: Thị kiến của thánh Catarina Emmerrich
Một hôm, Chúa cho bà thánh Catarina Emmerrich được xem thấy quang cảnh ngày lễ Truyền Tin.
Theo bà thuật lại: Ngày 23 tháng 3, tôi thấy Đức Mẹ quỳ ngay ở chỗ phòng tôi, đầu và mặt phủ một khăn trắng mỏng, hai tay búp măng chắp trước ngực, đôi mắt đăm đăm nhìn về phía góc trời, rồi tôi thấy một luồng ánh sáng đổ xuống bên tay hữu Đức Mẹ; và trong luồng sáng trong tốt đó, tôi thấy Thiên thần Gabriel, y phục trắng toát, tóc hoe hoe và phất phới. Đoạn một tiếng chào của Thiên thần làm tan làn không khí im lặng.
Nghe tiếng chào mình, Đức Mẹ có vẻ sợ sệt, hơi nghiêng về phía tả, song con mắt vẫn đăm đăm nhìn về góc trời, chứ không quay hẳn về phía tiếng chào, và cầm trí nghe lời thiên thần - mỗi lời thiên thần nói như nhả ra từng dòng chữ lửa.
Sau khi đã hiểu ý câu truyện, Đức Mẹ xoay mình lại, mở hé khăn trùm, khiêm tốn trả lời rằng: “Này tôi là nữ tỳ Thiên Chúa, xin hãy làm trọn nơi tôi điều sứ thần truyền".
Quang cảnh tới đây hạ màn.
II. VÀI SUY TƯ TỪ LỄ TRUYỀN TIN
1. Thiên Chúa là Đấng toàn năng.
Trước việc sinh con mà vẫn còn đồng trinh, Maria thắc mắc và hỏi lại sứ thần: “Việc ấy xẩy ra cách nào được, vì..."? Sứ thần liền đáp: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không có thể” (Lc 1,37).
Câu trả lời của sứ thần nói lên quyền năng của Thiên Chúa, Ngài sáng tạo muôn vật từ hư vô, quyền năng Ngài không giới hạn. Quyền năng của Thiên Chúa cũng đồng nghĩa với yêu thương, nên trong lịch sử cứu độ, Ngài luôn đi bước trước trong sáng kiến yêu thương con người. Chỉ với bài Tin mừng hôm nay thôi cũng đủ thấy sáng kiến táo bạo của Ngài.
Thiên Chúa lại muốn trở thành một con người, đó là sang kiến táo bạo thứ nhất. Hơn thế nữa, không muốn đột nhiên xuất hiện cách phi thường mà lại muốn làm người con bình thường sinh ra bởi một người nữ như bao nhiêu người khác. Đây chẳng phải là sáng kiến táo bạo thứ hai sao?
Táo bạo và kỳ diệu hơn nữa đã làm phát sinh sáng kiến thứ ba thật tuyệt vời và mầu nhiệm, đó là: người phụ nữ ấy lại đồng trinh trước và sau khi sinh con. Thực ra, không có gì Thiên Chúa không làm được. Một Vị Thiên Chúa mà còn làm con người được, thì chuyện bảo vệ sự đdồng trinh cho Đức Maria trước và sau khi sinh thì có nghĩa lý gì đâu?
Cũng vậy, nếu sau khi phục sinh, Chúa Giêsu hiện ra cho các Tông đồ trong lúc cửa vẫn đóng kín, thì việc Ngài hạ sinh mà tấm lòng băng trinh của Mẹ Maria vẫn còn nguyên vẹn lại không được chấp nhận sao? Quả thật, không có gì Thiên Chúa không làm được. Điều đó mời gọi chúng ta tin tưởng tuyệt đối vào quyền năng Thiên Chúa.
Thiên Chúa cũng có thể có thể làm nơi mỗi người chúng ta những việc trọng đại, miễn là chúng ta sẵn sàng để Ngài hoạt động nơi chúng ta.
2. Thiên Chúa cần con người cộng tác
Nhưng có một điều mà "Thiên Chúa không làm được", đó là "Thiên Chúa không thể cứu độ con người nếu con người không cộng tác với Ngài". Lời quả quyết này có vẻ nghịch thường, nhưng nội dung bài Tin mừng hôm nay là như thế. Thiên Chúa không làm được không phải vì quyền năng Ngài bị giới hạn, nhưng vì yêu thương, tôn trọng tự do của con người nên Ngài không làm được những điều mà con người không cộng tác.
Mặc dù Thiên Chúa đã ban cho con người sự tự do, nhưng Thiên Chúa vẫn có thể ép buộc Maria phải làm theo ý định của Ngài vì Ngài có khả năng làm như vậy. Tuy nhiên, Thiên Chúa không muốn. Điều Ngài muốn là thấy Maria tự nguyện đáp lại ý muốn của Ngài vì Thiên Chúa yêu thích những ai cho một cách vui lòng.
Ôi! Thiên Chúa nhân từ dườg nào! Một Thiên Chúa quyền năng tuyệt đối mà lại phải đi hỏi ý kiến của một thiếu nữ nhỏ bé, quê mùa, và lo lắng chờ đợi trước quyết định của cô, dù nó là một đặc ân cao cả, mà nếu chấp nhận thì sẽ có lợi cho toàn thể nhân loại và riêng cho thiếu nữ nữa.
Truyện: Chiếc đồng hồ báo thức
Một thanh niên kia có thói quen ngủ rất say, luôn cần có mẹ gọi mới thức dậy được. Sau khi tốt nghiệp, anh đi làm một chỗ ở xa nhà. Mẹ anh mua cho anh một chiếc đồng hồ báo thức. Ngày đầu tiên anh quên vặn đồng hồ trước khi ngủ nên đến sở làm trễ. Ngày thứ hai, anh nhớ vặn đồng hồ, nhưng sáng sớm khi nó reo thì anh đưa tay tắt bỏ, nên lại đi làm trễ. Và anh bị đuổi việc. Khi anh trở về gia đình, mẹ anh hỏi về chiếc đồng hồ. Anh đáp:
- Chiếc đồng hố ấy hoàn toàn vô dụng đối với con.
- Nó vô dụng là vì con không dùng nó. Mẹ anh đáp.
Qua câu truyện trên, chúng ta thấy rằng trong cuộc đời chúng ta, Thiên Chúa ban cho chúng ta muôn vàn ơn, nếu chúng ta không biết sử dụng thì nó cũng trở nên vô dụng đối với chúng ta.
3. Lời Fiat của Đức Maria
Bấy giờ bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Thiên Chúa, xin cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói".
Bình luận về câu trả lời trên, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong bài giảng tại Vương cung Thánh đường Mexicô City đã nói: “Virgo fidelis: Đức Nữ trung tín thật thà. Đức trung tín của của Maria nghĩa là gì? Trung tín bao gồm chiều kích gì?
- Chiều kích thứ nhất là tìm kiếm. Trước hết, Maria tỏ ra trung tín khi Ngài bắt đầu tìm kiếm ý nghĩa sâu xa của chương trình Thiên Chúa nơi mình và cho thế giới. Quomodo fiet? Sự việc xẩy ra như thế nào? Ngài hỏi sứ thần Truyên Tin (...).
- Chiều kích thứ hai của trung tín gọi là tiếp nhận, chấp nhận. Lời Quomodo fiet? trên môi Maria chuyển thành một lời fiat: Xin cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền, tôi sẵn sàng, tôi chấp nhận. Đây là giờ phút hệ trọng của đức trung tín, giờ phút mà con người cảm thấy mình sẽ không bao giờ hiểu thấu được từ "như thế nào"; trong kế hoạch của Thiên Chúa có các khu vực mang tính nhiệm mầu nhiều hơn là tính sáng sủa rõ ràng; cho dù có ra sức phấn đấu đến đâu chăng nữa thì cũng chẳng tài nào lĩnh hội đầy đủ sự việc (...)
- Chiều kích thứ ba của đức trung tín là sự kiên định, kiên trì sống theo nhừng điều mình tin tưởng, sẵn sàng điều chỉnh cuộc đời mình cho phù hợp với mục tiêu mình theo đuổi. Sẵn sàng chấp nhận bị hiểu lầm, bắt bớ còn hơn là ngôn hành bất nhất, tin một đàng mà làm thì một nẻo, điều này gọi là tính kiên định.
- Tuy nhiên mọi sự trung tín đều phải trải qua cuộc thử thách khốc liệt nhất: sự thử thách của thời gian. Do đó, chiều kích thứ tư là tính thủy chung như nhất. Kiên trì ngày một ngày hai thì dễ. Kiên trì trong suốt cuộc đời thì khó và đây mới là điều quan trong. Kiên trì đang khi hào hứng, hồ hởi phấn khởi thì dễ, còn vẫn giữ được sự kiên trì trong cơn thử thách khốn quẫn mới khó. Và chỉ có sự kiên trì kéo dài cho đến suốt đời mới là tín trung.. Lời thưa "Fiat": xin vâng của Đức Maria trong buổi truyền tin trở nên viên mãn trong tiếng fiat xin vâng âm thầm mà Mẹ lặp lại dưới chân Thập giá (Đức Gioan Phaolô II, Bài giảng tại Vương cung Thánh đường Mexico City, 26 tháng 01 năm 1979).
Đức Maria đã tận hiến làm tôi tớ Chúa, phục vụ cho thân thế và sự nghiệp của Con Ngài, và nhờ ân sủng của Thiên Chúa toàn năng, phục vụ mầu nhiệm cứu chuộc dưới quyền và cùng với Con Ngài. Bởi vậy, các thánh Giáo phụ đã nghĩ rất đúng rằng: Thiên Chúa đã không thu dụng Đức Maria một cách thụ động, nhưng đã để ngài tự do cộng tác vào việc cứu rỗi nhân loại.
Truyện: Tờ giấy và cây viết
Nhắc đến ông Leonard de Vinci, chúng ta thường nghĩ ngay đến những phát minh khoa học và những bức họa tuyệt diệu của ông. Nhưng để giải trí, ông còn sưu tầm những truyện cổ tích, hay đặt ra những truyện mới, như câu truyện sau đây về cuộc đối đáp tưởng tượng của tờ giấy trắng và cây viết.
Có tờ giấy trắng nọ nằm ù lì trên bàn viết với bao đồng bạn khác từ nhiều năm tháng qua. Nhưng rồi một hôm nó được chọn đem ra trước bàn chịu cảnh cây viết với mực đen vẽ lên nó không biết bao nhiêu là những dấu hiệu mà nó không hiểu gì cả. Tờ giấy phàn nàn với cây viết như sau: "Tại sao anh lại làm thế, anh vẽ trên mình tôi những dấu làm tôi mất đi sự trắng sạch ban đầu, anh làm nhục tôi thế này sao? Anh làm hư cả cuộc đời tôi rồi".
Nhưng cây viết trả lời: “Không, anh giấy hiểu lầm tôi rồi, tôi không làm dơ anh đâu, tôi vẽ lên anh những dấu hiệu, những dòng chữ và kể từ nay, anh không còn là tờ giấy vô dụng nữa, mà mang trên mình một sứ điệp, anh trở thành kẻ cộng tác với con người lưu giữ những tư tưởng cao siêu của con ngưởi, và vì thế sẽ được con người nâng niu bảo vệ; anh được sống mãi để trợ giúp con người".
Tờ giấy chưa kịp trả lời cây viết, thì nó bỗng nhìn thấy một bàn tay con người quơ lấy những tờ giấy trắng đồng bạn của nó mà nay đã trở thành vàng đục, già cỗi và đầy bụi bặm mà quăng vào ngọn lửa bên cạnh. Bấy giờ tờ giấy trắng đầy chữ viết mới hiểu được hành động vừa rồi của cây viết và lấy làm sung sương vì được trở thành kẻ cộng tác và lưu giữ kho tàng trí khôn của con người.
Cuộc đời mỗi người chúng ta có thể được so sánh như tờ giấy trắng kia, nếu không chấp nhận để cho bàn tay Thiên Chúa viết vào đó những dòng chữ, những chương trình hành động, thì sẽ không được hạnh phúc trở thành người cộng tác với Thiên Chúa, trở thành kẻ lưu truyền sự khôn ngoan của Thiên Chúa, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tờ giấy không hiểu được những hành động của cây viết vẽ những dấu lạ trên mình nó, con người cũng chắc chắn không thể nào hiểu được ý định của Thiên Chúa là ý định khôn ngoan, hợp lý nhất để đưa con người đến hnạh phúc.
Thật vậy, Đức Maria đã tự nguyện trở thành tôi tớ của Thiên Chúa để cộng tác vào chương trình cứu chuộc nhân loại. Ngài đã trở nên một dụng cụ tuyệt vời của Thiên Chúa, hoàn toàn đặt mình dưới quyền sử dụng của Thiên Chúa như như một tờ giấy trắng trước cây viết.
Thánh Irênê nói: “Chính Ngài, nhờ vâng phục, đã trở nên nguyên nhân cứu rỗi cho mình và cho toàn thể nhân loại". Và cùng với thánh Irênê còn có rất nhiều thánh Giáo phụ thời xưa cũng không ngần ngại giảng dạy rằng: “Nút dây đã bị thắt lại do sự bất tuân của Evà, nay được gỡ ra nhờ sự vâng phục của Đức Maria. Điều mà Evà đã buộc lại bởi cứng lòng tin, Đức Maria đã tháo ra nhờ lòng tin; và so sánh với Evà, các ngài gọi Đức Maria là "Mẹ kẻ sống", và thường quả quyết rằng: “Bởi Evà đã có sự chết, thì nhờ Maria lại được sống” (Lumen gentium, số 56).
Bài cùng chuyên mục:
Thứ Hai 25/11/2024 – Thứ Hai tuần 34 thường niên – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (24/11/2024 10:00:00 - Xem: 644)
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam.
+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,117)
CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.
Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,206)
Thứ Bảy tuần 33 thường niên.
Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,748)
Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.
Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,425)
Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.
Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,812)
Thứ Tư tuần 33 thường niên.
Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,804)
Thứ Ba tuần 33 thường niên.
Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,911)
Thứ Hai tuần 33 thường niên.
+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,213)
CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.
Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,579)
Thứ Bảy tuần 32 thường niên.
-
Thứ Hai 25/11/2024 – Thứ Hai tuần 34 thường niên – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa.
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam.
- CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B....
- Thứ Bảy tuần 33 thường niên.
-
Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh(phần 1)
Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô...
-
Đức Giesu Kito, một vị Vua khác
Hôm nay, “nếu bạn tin vào Chúa Kitô, hãy để Ngài là Vua trong cuộc đời bạn. Hãy để Ngài hướng dẫn bạn sống theo sự thật, bởi vì Ngài là...
-
Gia vị cho bài giảng CN lễ Chúa Kito là Vua - 2024
Khi Người đến trong vinh quang, Chúa Kitô Vua sẽ xét xử chúng ta về những việc bác ái chúng ta làm cho tha nhân. (Cha Tony)
-
Kinh Tin Kính phổ quát
Mầu nhiệm của Chúa Kitô hoạt động thông qua các Giáo hội kitô lịch sử nhưng cũng hoạt động, và hoạt động rộng rãi, bên ngoài các Giáo hội...
-
Suy nghĩ và cầu nguyện CN 34 TN B - 2024
Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy dẫy sự dối trá, vì người ta sợ sự thật, sợ nói thật, sợ sống thật. Sự thật không còn là sự thật,...
-
Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh
Ngoài việc cầu nguyện, các vị thánh sẽ đưa ra ba lời khuyên nào cho những người đang tìm kiếm người phối ngẫu tương lai?
-
Linh hướng là gì?
Trong xã hội và thời đại hỗn loạn của chúng ta, hơn bao giờ hết, hướng dẫn đời sống tâm linh là một nguồn lực tinh thần cần thiết. Người...
-
Tôi có thể làm gì cho những đứa con không sống đạo của mình?
Tôi là phụ huynh của ba đứa trẻ, tất cả chúng tôi đều cố gắng sống theo đức tin Công giáo. Một trong số chúng có vẻ không mấy hứng thú,...
-
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 145 - Thử tìm hướng đi
Người trẻ làm gì để không bị cuốn đi với những "tư tưởng" rất đời kia? Nếu có nhu cầu thì sao kiểm soát khi chưa lập gia đình? Tụi con...
-
Bác ái là nhân đức cần thiết cho sự phát triển tâm linh
Chúng ta phải xin Chúa ban cho chúng ta đức ái mỗi ngày cho đến khi chúng ta gặp được Ngài trên Thiên Đàng!
-
Nghĩ đến những điều tốt đẹp
Hãy thôi nghĩ đến chuyện buồn ấy và hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp và đáng yêu khác trong cuộc sống để lòng bà được thanh thản
- Sự cần thiết của việc lắng nghe
- Lớn lên từ những thử thách
- Nhận nhưng không, cho nhưng không
- Niềm tin lớn nhất