Lời chúa mỗi ngày

Thứ Bảy 25/02/2023 – Thứ Bảy sau lễ Tro. – Tin mừng của lòng thương xót.

  • In trang này
  • Lượt xem: 4,610
  • Ngày đăng: 24/02/2023 10:00:00

Tin mừng của lòng thương xót.

25/02 – Thứ Bảy sau lễ Tro.

“Ta không đến kêu mời người công chính, nhưng để gọi kẻ tội lỗi ăn năn hối cải”.

 

Lời Chúa: Lc 5, 27-32

Khi ấy, Chúa Giêsu trông thấy một người quan thuế tên là Lêvi đang ngồi ở bàn thu thuế, Ngài bảo ông: “Hãy đi theo Ta”. Ông liền bỏ mọi sự đứng dậy theo Người. Lêvi đã dọn một bữa tiệc linh đình thết đãi Người tại nhà ông. Có đông người thu thuế và nhiều người khác cùng ngồi ăn với các ngài.

Những người biệt phái và các luật sĩ của họ lẩm bẩm với các môn đệ của Người rằng: “Sao các người lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như vậy?” Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Những ai mạnh khoẻ không cần tới thầy thuốc, chỉ những người đau yếu mới cần thôi. Ta đến không phải để kêu mời người công chính, nhưng để gọi kẻ tội lỗi ăn năn hối cải”.

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Kêu gọi người tội lỗi sám hối

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Việc Thầy Giêsu kêu gọi anh Lêvi làm môn đệ

phải được coi là một cuộc cách mạng lớn vào thời bấy giờ.

Chẳng ai gọi một người thu thuế bị xã hội khinh miệt vào nhóm của mình.

Làm thế là hạ giá chính Thầy và cả nhóm môn đệ.

Đức Giêsu đã vượt qua những biên giới ngăn cách rạch ròi

giữa tội lỗi và công chính, giữa thanh sạch và ô nhơ.

Người Do Thái thường không giao tiếp với các người thu thuế,

họ bị coi là tội nhân vì làm việc cho dân ngoại, vì dễ ích kỷ tham lam.

Đức Giêsu chẳng sợ mời anh Lêvi đi theo mình: “Anh hãy theo tôi.”

Ngài không nhìn anh bằng ánh mắt khác với các môn đệ kia.

Chỉ một lời mời của ngài đủ lấp đi mọi hố sâu ngăn cách.

Lêvi đã quảng đại đáp lại bằng hành động: bỏ tất cả, đứng dậy, đi theo.

Đối với người Do Thái, bữa ăn có tính thiêng liêng.

Đó là lúc người ta thông hiệp với nhau, nên một trong tình bạn.

và cùng chia sẻ với nhau một thứ đồ ăn, thức uống.

Chính vì thế ăn uống với người tội lỗi là điều không được phép,

vì điều ấy sẽ khiến mình bị ô nhơ.

Đức Giêsu có vẻ không sợ chuyện này,

khi ngài nhận lời ăn tiệc chia tay do anh Lêvi khoản đãi.

Bữa tiệc thật là lớn, có đông đủ bạn bè đồng nghiệp của anh.

Trong số khách mời có cả các môn đệ.

Đức Giêsu dám đến nhà người tội lỗi và ăn với họ.

Hẳn là ngài rất vui và tự nhiên, chẳng có gì phải e dè, xa cách.

Chỉ có những người Pharisêu là khó chịu và lẩm bẩm đặt câu hỏi tại sao.

Đức Giêsu sẽ cho họ thấy những lý do.

Vì những người thu thuế và tội nhân là những người đau yếu (c. 31).

Những người đau yếu mới cần đến thầy thuốc Giêsu.

Vì mục tiêu của đời Đức Giêsu là kêu gọi người tội lỗi sám hối (c. 32),

nên ngài phải đến với họ, gần gũi và chia sẻ, mời gọi và yêu thương.

Đức Giêsu cho họ thấy trái tim thật sự của Thiên Chúa.

Không như người Pharisêu nghĩ, trái tim ấy có chỗ cho tội nhân.

Đức Giêsu cũng dành chỗ cho anh Lêvi trong nhóm môn đệ.

Đức Giêsu giúp chúng ta biết cách mời người khác hoán cải.

Đến với họ, nhìn họ bằng cái nhìn mới, và vui vẻ làm bạn với họ.

Trước khi làm cho người khác hoán cải,

chính chúng ta phải hoán cải nơi cái nhìn của mình về người khác.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,

xin dạy con luôn tươi tắn và dịu dàng

trước mọi biến cố của cuộc sống,

khi con gặp thất vọng, gặp người hờ hững vô tâm,

hay gặp sự bất trung, bất tín

nơi những người con tin tưởng cậy dựa.

Xin giúp con gạt mình sang một bên

để nghĩ đến hạnh phúc người khác,

giấu đi những nỗi phiền muộn của mình

để tránh cho người khác phải đau khổ.

Xin dạy con biết tận dụng đau khổ con gặp trên đời,

để đau khổ làm con thêm mềm mại,

chứ không cứng cỏi hay cay đắng,

làm con nhẫn nại chứ không bực bội,

làm con rộng lòng tha thứ,

chứ không hẹp hòi hay độc đoán, cao kỳ.

Ước gì không ai sút kém đi

vì chịu ảnh hưởng của con,

không ai giảm bớt lòng thanh khiết, chân thật,

lòng cao thượng, tử tế,

chỉ vì đã là bạn đồng hành của con

trong cuộc hành trình về quê hương vĩnh cửu.

Khi con loay hoay với bao nỗi lo âu bối rối,

xin cho con có lúc

thì thầm với Chúa một lời yêu thương.

Ước chi đời con là cuộc đời siêu nhiên,

tràn trề sức mạnh để làm việc thiện,

và kiên quyết nhắm tới lý tưởng nên thánh. Amen.

(dịch theo Learning Christ)

 

Suy Niệm 2: Tin mừng của lòng thương xót

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Hôm qua, I-sai-a đã chỉ cho ta cách ăn chay đẹp lòng Chúa là sống tình bác ái với tha nhân. Hôm nay I-sai-a còn đi xa hơn khi cho thấy tình yêu thương có sức biến đổi thế giới, sửa chữa và tái thiết thế giới bị hủy hoại, đem lại sự sống đã suy tàn. Ngài nói: “Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở gông cùm, cử chỉ đe dọa và lời nói hại người, nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thỏa lòng người bị hạ nhục, thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu tỏa trong bóng tối.. Nhờ ngươi người ta sẽ tái thiết những tàn tích cổ xưa, ngươi sẽ dựng lại những nền móng của các thế hệ trước, người ta sẽ gọi ngươi là người sửa lại những lỗ hổng, là kẻ tu bổ phố phường cho người ta cư ngụ”.

Điều đó hoàn toàn ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu. Đặc biệt với việc Chúa đến bàn thu thuế và kêu gọi Matthêu. Việc kêu gọi Mat-thêu nói lên tình yêu thương của Chúa. Vì lòng thương xót nên Chúa hạ mình xuống nơi nhơ uế này. Vì lòng thương xót nên Người đưa mắt nhìn Mat-thêu. Không nhìn với ánh mắt khinh miệt. Nhưng nhìn với tình yêu thương tin tưởng. Và thật lạ lùng với lòng thương xót, Chúa kêu gọi Mat-thêu, một người tội lỗi, làm tông đồ của Chúa.

Lòng thương xót đã biến đổi Matthêu. Từ một người tội lỗi thành một người thánh thiện. Từ một người phản đạo thành một tông đồ nhiệt thành. Từ một người theo đuổi tiền bạc thành một người tha thiết với các linh hồn. Từ một người ham mê tiền bạc thành một người siêu thoát dứt bỏ. Việc đổi đời, dứt bỏ được tiền bạc khiến ông vui mừng đến nỗi mở tiệc ăn mừng. Quả thật tình yêu có sức biến đổi con người.

Thế giới hôm nay như sau một trận chiến để lại biết bao người mang thương tích, biết bao hoang tàn đổ vỡ. Cần có lòng thương xót để chữa lành vết thương, tái thiết thế giới. Chính trong bản thân ta đang có đổ vỡ, có nhiều vết thương. Xin lòng thương xót của Chúa đến băng bó và chữa lành ta.

 

Suy Niệm 3: Tin mừng của lòng thương xót

Vua thánh Louis IX của Pháp nổi tiếng là khôn ngoan, ứng biến tài tình.

Có một nông dân nọ được mùa củ cải. Để đánh dấu thành công, ông chọn củ cải lớn nhất trong vụ mùa và đem dâng kính Đức vua. Ông đến cung điện và xếp vào hàng những người ngày ngày đến dâng tặng vật cho đức vua. Ai cũng mang đến một lễ vật cao quí và cũng chuẩn bị xin vua một đặc ân.

Người nông dân nghèo trái lại chỉ có một tâm tình duy nhất, là nói lên niềm vui được trung mùa của mình. Mọi người không ngờ rằng đây là tặng vật đã làm vua hài lòng nhất.

Nhà vua sai các cận vệ đem đến một cái cân và truyền lệnh hãy cân số lượng vào bằng củ cải này và trao cho người nông dân. Hành động này của vua đã khơi dậy lòng ham muốn của các đình thần. Một tuần sau, một nịnh thần giầu có lựa con ngựa đẹp nhất đem tặng vua với hy vọng được tưởng thưởng. Thế nhưng, khi đón nhận con ngựa, nhà vua cám ơn và truyền cho các cận vệ: “Các khanh hãy mang tặng người này một củ cải, đó là phần thưởng dành cho những người suốt ngày chỉ biết nói những lời xua nịnh và chờ chực đặc ân”.

Giai đoạn trên đây có thể gợi lại cho chúng ta thái độ của Chúa Giêsu đối với những kẻ bé mọn, nghèo hèn, đĩ điếm, thu thuế, nói chung những người bị đẩy ra bên lề xã hội. Ngài kết thân với họ, đồng bàn với họ, và tuyên bố họ là những người vào Nước Trời trước những kẻ tự xưng là công chính. Những con người nghèo khổ ấy là một thể hiện cụ thể của mối phúc đầu tiên mà Chúa Giêsu đã công bố trong Bài giảng trên núi: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó”. Tin mừng được loan bao cho những người nghèo, hay đúng hơn chỉ người nghèo mới có thể mở rộng tâm hồn để đón nhận Tin mừng.

Tin mừng của Chúa Giêsu là Tin mừng của lòng thương xót: chỉ khi nào con người nhận thức được thân phận nghèo hèn tội lỗi cảu mình, con người mới thấy được tình thương bao dung hải hà của Chúa. Thánh Phaolô đã nói: “Nơi nào tội lỗi càng nhiều, nơi đó ân sủng càng dồi dào”. Tin mừng của Chúa Giêsu là Tin mừng của lòng tin tưởng phó thác: có thấy được nỗi bất toàn của mình, con người mới cảm nhận được sức mạnh nâng đỡ của Chúa. Tin mừng của Chúa là Tin mừng của an bình, hạnh phúc: có dốc cạn những ham muốn ích kỷ và những sức mạnh của danh vọng, có trở nên thực sự trống rỗng, thanh thoát, con người mới có thể được Thiên Chúa lấp đầy và tìm được hạnh phúc bình an đích thực.

Giữa những bôn ba tìm kiếm của cuộc sống, xin cho chúng ta luôn đặt Chúa vào chỗ nhất. Cho dù phải đánh mất tất cả, xin cho chúng ta luôn tin rằng chúng ta đang có tất cả và được Chúa làm gia nghiệp duy nhất.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Trở về

Sau đó, Đức Giê-su đi ra và trông thấy một người thu thuế, tên là Lê-vi, đang ngồi ở trạm thu thuế. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người. Ông Lê-vi làm tiệc lớn đãi Người tại nhà ông. Có đông đảo người thu thuế và những người khác cùng ăn với các Ngài. (Lc. 5, 27-29)

Đức Giê-su đến không phải để kêu gọi người công chính. Nhưng để kêu gọi những người tội lỗi. Những người đáng phải quan tâm là những người nghèo khó, khốn khổ, đói khát, tội lỗi, và tất cả những kẻ bị xã hội coi là hạng bất hảo (pas bons). Những người ấy được Chúa muốn biến đổi, muốn cứu chuộc. Đó là những kẻ Người phó dâng đời sống, niềm vui và bình an của Người cho họ. Họ được Người kêu gọi trở về.

Ước mong chúng ta được vào nhóm các người “bất hảo” ấy để được Đức Giê-su mời gọi đến với Người. Chúng ta không luôn luôn dễ dàng nhận mình vào hạng xấu đó đâu. Chỉ cần thấy chúng ta liếc nhìn những người sống chung quanh chúng ta, là chúng ta nghĩ mình chẳng hề xấu như thế, cho nên chúng ta không cần ăn chay trở lại.

Thực ra cũng đúng. Chúng ta khá can đảm, và là người tín hữu khá tốt. Chắc có nhiều kẻ xấu hơn chúng ta! Nhưng nghĩ mình không cần ăn năn trở lại thì đã tự đặt mình ra rìa, và là kẻ tự cao tự đại quá xá rồi.

Cứ nhìn ông Lê-vi đã làm, chúng ta có thể có một chút hiểu biết về thế nào là trở về, rồi ra đi bỏ hết cả tài sản. Ông đã bỏ hết như Tin mừng nói. Ông đã bỏ chức vị. Ông đổi mới cái nhìn, đổi mới phán đoán, đổi mới những tập quán thói quen của đời sống. Và ông đã bắt đầu sống trở về tận nguồn gốc theo Đức Ki-tô mời gọi.

Nếu muốn được trở về, phải sống tận nguồn gốc là Tin mừng để thấy phải từ bỏ mọi hòa hoãn, mọi nửa vời và đi đến tột đỉnh chí thiện và chí ái, lúc đó chúng ta mới thấy sáng tỏ sự cần thiết phải sám hối trở về biết chừng nào. Ai nghĩ ngược lại thì chỉ là kẻ tự phụ, lừa dối mình.

 

Suy Niệm 5: Từ bỏ... và đi theo để làm lại cuộc đời

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta vẫn thấy đây đó có những người đạo đức tốt lành xuất hiện như một mẫu gương sáng ngời cho chúng ta noi theo! Tuy nhiên, trong số đó, không thiếu những thành phần ăn chơi trác táng một thời; đầu trộm đuôi cướp khét tiếng; hay cũng không thiếu những vị trước đó buôn gian bán lận, sống bằng nghề nhàn hạ khi cho vay nặng lãi trên xương máu của anh chị em mình...

Tại sao họ lại có một sự thay đổi đến lạ thường như vậy? Thưa! Bởi vì họ đã biết dừng lại, nhận thấy mình đi sai đường và nhận ra tình thương của Thiên Chúa, nên họ thay thái độ để đổi cuộc đời trong ân sủng của Người.

Tin Mừng hôm nay trình thuật cho chúng ta thấy một Mátthêu ăn trên ngồi trước, hà hiếp, bóc lột, phản dân, hại nước khi sống bằng nghề thu thuế cho đế quốc! Nhưng hôm nay, trên chiếc ghế đã gắn liền cuộc đời ông với cái nghề đáng nguyền rủa; trên chiếc bàn đã là bệ kê cho ông chắp bút để ghi những con số nhơ nhớp, bẩn thỉu nhằm thu lại những đồng tiền khốn cùng nơi anh chị em đồng loại của ông. Nhưng chính một thứ tội không thể tha, một con người đáng khinh bỉ, thì hôm nay, tấm lòng nhân hậu của Đức Giêsu ngang qua ánh mắt cảm thông, trìu mến và lời mời gọi đầy yêu thương: "Anh hãy theo tôi!", đã đảo lộn tất cả. Vì thế, như cá gặp nước, Mátthêu đã sẵn sàng đứng dạy, từ bỏ nơi chốn tội lỗi, và dứt khoát quay lưng lại với cái nghề ám muội để đi theo và làm môn đệ cho Đức Giêsu.

Từ khi bước theo Thầy Chí Thánh, ông đã trở thành người đầy kinh nghiệm về Thiên Chúa tình thương, và luôn mang trong mình tâm tư, nguyện ước của Thầy. Sau này, ông đã viết lại một con người vĩ đại đã cải hóa cuộc đời ông nơi những trang Tin Mừng đầy sống động.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy sám hối như Mátthêu và có lòng nhân từ như Đức Giêsu. Đồng thời tránh xa và không được lưu trữ thái độ coi thường, khinh bỉ, cố chấp như những người Pharisêu trong tâm trí của mình, bởi vì trên đời này có ai là vô tội đâu? Tự nhận mình là người xứng đáng và coi khinh kẻ khác là dấu hiệu của một tâm hồn trống rỗng, kiêu ngạo, thích đi theo và làm môn đệ cho ma quỷ chứ không phải là môn sinh của Thầy Giêsu.

Thật vậy, nếu là học trò của Đức Giêsu, chúng ta phải hiểu và thấm câu nói của Thầy mình: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần” vì “tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn".

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con biết khiêm tốn, lắng nghe lời mời gọi của Chúa, để sẵn sàng đi theo và làm môn đệ Chúa. Xin cho chúng con biết yêu thương và nâng dạy những người tội lỗi như Chúa khi xưa. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 6: Kêu gọi kẻ tội lỗi ăn năn hối cải

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu luôn mở rộng trái tim để đón nhận tất cả mọi người, đặc biệt Ngài yêu thương và đón nhận các tội nhân trở về với Chúa. Là tội nhân, tôi đã sẵn sàng trở về với Chúa chưa?

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con cảm phục Chúa đã tự mình đi đến với tội nhân trước, gặp gỡ và sống thân tình với họ. Điều quan trọng là chính Chúa đã đến và gọi đích danh từng người. Chúa quan tâm tới hết mọi người, nhất là thành phần vô danh trong xã hội, bị xã hội lên án, ruồng bỏ hoặc coi thường. Chúa đã gọi ông Lê-vi. Hôm nay Chúa cũng đi tìm và gọi con.

Lạy Chúa, ông Lê-vi đã đứng dậy, nghĩa là ông đã dứt khoát từ bỏ đường lối cũ. Hôm nay, Chúa cũng kêu mời con giã từ nếp sống ươn lười, tội lỗi. Xin ánh sáng Tin Mừng của Chúa soi chiếu tâm hồn con, để con nhận ra con người thật của mình, một con người mang nhiều yếu đuối và khuyết điểm.

Ông Lê-vi đã đi theo Chúa, nghĩa là hoàn toàn phó thác, cậy nhờ Chúa, sống với Chúa và vì Chúa. Xin sức mạnh của Chúa Quyền Năng tác động nơi con, để con đủ nghị lực đi theo Chúa, dám can đảm sống điều Chúa truyền dạy. Tự sức mình, con không thể thực hiện được những điều ấy. Nhưng với ơn Chúa, con sẽ làm được.

Lạy Chúa, ông Lê-vi đã mở tiệc mời Chúa. Nhưng ngày nay, chính Chúa đã mở tiệc mời con tham dự. Con được tham dự Bàn Tiệc Lời Chúa và Bánh Thánh Thể. Chúa tự nguyện đứng lên phục vụ con. Chúa tự hiến chính mình để trở thành lương thực nuôi sống con. Nay con nhận ra tình Chúa yêu thương con và con quyết tâm đứng dậy trở về với Chúa.

Lạy Chúa, xin đón nhận con. Amen.

Ghi nhớ: “Ta không đến kêu mời người công chính, nhưng để gọi kẻ tội lỗi ăn năn hối cải”.

 

Suy Niệm 7: Chúa Giêsu kêu gọi người thu thuế Lêvi

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Một người bán gỗ cho xưởng mộc. Anh thường thủ lợi bằng cách đo gỗ thiếu. Ngày kia, có tin đồn đến xưởng là anh ta nhập đạo. Nghe thấy thế, mọi người bán tín bán nghi rồi bàn thảo mỗi người mỗi ý. Có một người lặng lẽ ra kho gỗ, một lúc sau trở vào dõng dạc tuyên bố:

- Đúng, anh ta nhập đạo thật.

- Sao anh biết?

- Tôi vừa xem lại số gỗ anh ta chở tới hôm qua. Tôi thấy là đúng với quy cách ta đặt, không thiếu nữa.

Người nào tiếp nhận Đức Kitô cũng phải thay đổi cuộc đời và sống ngay chính.

Suy Niệm

Khi nghe tiếng gọi của Đức Kitô, người thu thuế Lêvi đã bỏ tất cả để cất bước theo Ngài, bỏ cả một nghề nghiệp đang hốt bạc của người thu thuế, bỏ cả một quá khứ tội lỗi để Chúa Kitô thánh hiến trở thành môn đệ Ngài…

Người thuế vụ trong xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu bị anh em đồng bào mình khinh miệt do các anh ăn chặn của dân, hơn nữa lại là tay sai cho đế quốc Rôma để bóc lột dân mình... Họ là hình ảnh của những gì xấu xa nhất, tội lỗi nhất, đáng khinh miệt nhất mà dân chúng coi đồng hạng với các kẻ cắp và các phụ nữ ngoại tình.

Hơn nữa, những người Pharisiêu cho rằng: một người Do Thái ngoan đạo, không được giao du với những người bị coi là tội lỗi…

Thế nhưng Đức Kitô đã ngồi cùng bàn với phường thu thuế, tiếp xúc với bọn đĩ điếm, kẻ tội lỗi (x. Mt 9,10-13; Mc 2,15-17; Lc 5,8; 7,36-50; 15,1-2; 19,7). Họ là người bệnh, người mang vết thương, Đức Giêsu đến chữa lành cho họ. Ngài sẵn sàng đồng bàn, nghĩa là cùng chia sẻ gánh nặng tội lỗi. Ngài mang nó lên thập giá và tiêu diệt nó nhờ cuộc phục sinh vinh hiển của Ngài (x. 1Cr 15,25-26). Ngài đã trở nên như tội nhân để đưa tội nhân vào sự cứu chuộc khi Ngài đã chết treo trên thập giá với thân phận của một tội nhân, đồng hạng với tội nhân để cứu chuộc tội nhân. Sứ mạng của Ngài là để cứu độ tất cả, chữa lành những người bất hạnh, trong đó có cả những tội nhân. Trên thập giá, Ngài xin ơn tha thứ những kẻ đóng đinh Ngài (x. Lc 23,34).

Chúng ta có bao nhiêu vết thương lòng, bao nhiêu khiếm khuyết bất toàn, bao nhiêu những yếu đuối tội lỗi, hãy chỉ cho Đức Kitô, để Ngài - vị thầy thuốc băng bó, chữa lành, và làm công chính, lúc đó chúng ta cảm nghiệm tại sao thánh Phaolô chia sẻ: ”Khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2Cr 12,10). Nếu không có Ngài - vị thầy thuốc đến từ Thiên Chúa, chúng ta sẽ chết trong bệnh tật là tội lỗi, trong vết thương yếu đuối và khiếm khuyết của chính chúng ta như người Pharisiêu tự phụ công chính không cần ân sủng nên vẫn sống trong sự tội lỗi (x. Ga 9,41).

Ý lực sống:

“Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối để được sống” (Ed 18,23).

 

Suy Niệm 8: Đức Giêsu kêu gọi ông Lêvi

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Phụng vụ hôm nay chọn bài Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu gọi ông Lêvi, để trình bầy cho chúng ta về lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân, để khích lệ chúng ta là kẻ có tội biết trông cậy vào Thiên Chúa tình thương.

Bài Tin Mừng cho thấy Đức Giêsu thực hiện điều đó. Cứu một người thu thuế tội lỗi là Lêvi, còn gọi ông làm môn đệ, và còn ngồi ăn cùng bàn với những người tội lỗi khác. Ngài tuyên bố: ”Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn”.

2. Nghề thu thuế thời Đức Giêsu.

Một trong những tội bị người dân ghét nhất từ cổ chí kim là “cõng rắn cắn gà nhà”, hay là “nối giáo cho giặc”, vì họ cộng tác với ngoại bang làm khổ anh em đồng bào của mình. Là nhân viên thuế vụ, Lêvi làm việc cho Rôma đang cai trị dân Do thái, sưu cao thuế nặng, ức hiếp dân lành và làm giầu trên mồ hôi nước mắt của dân.

Người Do thái thời ấy coi kẻ thu thuế là vừa phản đạo vừa phản quốc và coi họ đứng ngang hàng với gái điếm, phải bị loại trừ bằng vạ tuyệt thông cách ly. Không ai thèm chơi với họ. Họ chỉ chơi với quân xâm lược La mã và những tín đồ cặn bã của các Hội đường. Lêvi biết tất cả những điều ấy nhưng ông vẫn bất chấp, vì đổi lại ông được chức vụ rất hấp dẫn, đem lại của cải giầu sang.

3. “Tôi đến kêu gọi người tội lỗi”.

Ai cũng biết, một bệnh viện mà chỉ nhận săn sóc cho người mạnh khỏe thì không còn là bệnh viện; người khỏe mạnh thì không cần đến bác sĩ. Cũng thế, Đức Giêsu không còn là Đấng Cứu Thế nữa, nếu Ngài chỉ muốn tiếp xúc với những người tự phụ cho mình là người công chính không cần đến Thiên Chúa.

Luật Do thái coi ai tiếp xúc với kẻ thu thuế là đồng lõa với tội lỗi, nhưng Đức Giêsu đã vượt lên tất cả. Chúa cứ gọi ông. Ngài không nhìn quá khứ của Lêvi, nhưng nhìn ông bắt đầu từ lúc ông và Ngài gặp nhau, còn quá khứ của ông thì Ngài đã quên hết rồi.

Người Do thái coi người thu thuế là hạng tay sai cho đế quốc, hạng người mang tiếng là ăn bẩn, tội lỗi. Chúa lại nghĩ khác vì Chúa thấu suốt tâm can của con người. Biệt phái, luật sĩ, tư tế luôn nghĩ xấu cho người khác. Chúa lại nói với họ: ”Ta đến không để gọi những người công chính, mà là gọi những người tội lỗi” và “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần”.

4. Lòng thương xót của Thiên Chúa.

Việc kêu gọi Lêvi nói lên tình yêu thương của Chúa. Vì lòng thương xót nên Chúa hạ mình xuống nơi nhơ uế này. Vì lòng thương xót nên Ngài đưa mắt nhìn Lêvi. Không nhìn với ánh mắt khinh miệt, nhưng nhìn với tình yêu thương tin tưởng. Và thật lạ lùng với lòng thương xót Chúa kêu gọi Lêvi, một người tội lỗi, làm Tông đồ của Chúa.

Lòng thương xót đã biến đổi Lêvi. Từ một người tội lỗi thành một người thánh thiện. Từ một người phản đạo thành một tông đồ nhiệt thành. Từ một người theo đuổi tiền bạc thành một người tha thiết với các linh hồn. Từ một người ham mê tiền bạc thành một người siêu thoát dứt bỏ. Việc đổi đời, dứt bỏ được tiền bạc khiến ông vui mừng đến nỗi mở tiệc ăn mừng. Quả thật  tình yêu có sức biến đổi con người.

5. Một phút hồi tâm.

Câu chuyện ơn gọi của Lêvi lại một lần nữa khẳng định, Đức Giêsu gọi ai thì Ngài không quan trọng đến thời điểm nào, lý lịch ra sao mà trên hết tất cả là Ngài nhìn thấy nơi ta có dám sẵn sàng bỏ hết tất cả để theo Chúa không?

Ngày hôm nay, nếu bạn đang ngồi nơi bàn giấy quyền cao lương hậu, đang vui thích với công việc đầy lợi nhuận... nếu Chúa gọi bạn theo ơn gọi tu trì, bạn có dám bỏ lại để theo Ngài không. Khi phải lựa chọn giữa một bên là đức tin và lề luật Công giáo và một bên là danh lợi vật chất, bạn có dám chọn Chúa không?

Ngày hôm nay, Chúa cũng đang mời gọi bạn làm Tông đồ cho Chúa. Thế nhưng, bạn có đáp lại lời mời gọi của Chúa cách thành tâm, thiện chí hay không, dám từ bỏ không, hay còn đang vướng víu bởi những của cải vật chất làm cho tâm hồn trở nên nặng trĩu trước lời kêu gọi?

6. Truyện: Cải tà qui chính.

Piri Thomas có viết một tác phẩm nhan đề “Hãy xuống những con đường tồi tàn này”. Tác phẩm thuật lại viêc ông cải tà qui chính từ một người bị kết án tù vì nghiện ma túy và cố tình giết người, cuối cùng đã sám hối để trở thành một tín hữu Kitô gương mẫu.

Một đêm kia, Piri đang nằm trong phòng giam chuẩn bị ngủ. Đột nhiên, anh nghĩ tới tình trạng tai hại xấu xa mà anh đã gây ra trong đời mình.  Anh cảm thấy có một ước muốn mãnh liệt cần phải cầu nguyện. Nhưng anh đang nằm chung  với một tù nhân khác tên là Chicô. Nên anh phải đợi cho Chicô ngủ đã, anh mới quì gối trên sàn nhà và cầu nguyện. Anh kể lại rằng: ”Tôi bầy tỏ với Chuá những gì có trong trái tim tôi... Tôi nói với Ngài những điều tôi muốn, những thiếu thốn của tôi, những hy vọng và thất vọng... Tôi cảm thấy dường như có thể khóc được... đó là một điều mà bao nhiêu năm nay tôi không thể làm được”.

Sau khi Piri cầu nguyện xong, một tiếng nói đáp lại: ”Amen”. Đó là tiếng của Chicô. Rồi Chicô nói nhỏ với Piri: ”Tôi cũng tin Chúa”. Thế là hai người bạn tù dốc cạn quá khứ tội lỗi xấu xa và cùng chia sẻ quyết tâm sám hối trở về. Không biết họ đã tâm sự với nhau bao lâu, nhưng trước khi đi ngủ lại, Piri đã nói: ”Chúc Chicô ngủ ngon nhé! Tôi nghĩ rằng Thiên Chúa luôn luôn ở với chúng ta, chỉ có chúng ta là không ở với Ngài thôi”.

                      

Suy Niệm 9: Chúa Giêsu kêu gọi người tội lỗi Lê-vi

(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

A.- Phân tích (Hạt giống...)

Bài đọc I trích sách Isaia tiếp tục nói về kiểu ăn chay đẹp lòng Thiên Chúa, đó là chấm dứt những việc làm bất công, rộng tay cứu giúp những người đói khổ, tôn trọng ngày hưu lễ.

Bài trích Phúc Âm cho thấy Chúa Giêsu thực hiện điều đó: cứu một người thu thuế tội lỗi là Lêvi, còn gọi ông làm môn đệ, và còn ngồi ăn cùng bàn với những người tội lỗi khác. Ngài tuyên bố “Ta đến không phải để kêu mời người công chính, nhưng để gọi kẻ tội lỗi ăn năn hối cải”.

B- Suy gẫm (... nẩy mầm)

1. Tôi muốn sống cảnh tượng của Lêvi:

- Tôi là người tội lỗi

- Tôi đang “ngồi” yên tại “bàn” tội lỗi của tôi.

- Chúa đang “đi ngang” qua, Ngài “trông thấy” tôi rồi, Ngài “nói với” tôi: Hãy đi theo Ta.

- Tôi “bỏ mọi sự” - Tôi “đứng dậy” - Tôi “theo Người”.

2. Nhà truyền giáo giảng đạo giữa rừng già Phi châu, dưới ánh trăng đêm và trong hoang lạnh của núi rừng. Ngài kể về đời sống và các phép lạ của Chúa Giêsu, cuối cùng là cái chết trên thánh giá. Ngồi trước bục giảng là viên tù trưởng. Ông chăm chú nghe lời nhà truyền giáo. Khi ngài tả việc Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thánh giá, vị tù trưởng bổng đứng phắt dậy nói: ”Ngừng lại! Hãy đem Ngài xuống khỏi thánh giá! Tôi mới là người đáng phải đóng đinh trên đó, chứ không phải Ngài!” Vị tù trưởng nghĩ rằng mình mới là tội nhân, còn Chúa Giêsu vô tội. (Góp nhặt)

 

Suy Niệm 10: Thầy thuốc Giêsu chữa bệnh nhân Lê-vi

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Trong tất cả những người sống ở Palestine, thì những người làm nghề thu thuế là những kẻ bị khinh miệt hơn hết. Người Do Thái liệt những người thu thuế vào chung với những tên trộm cướp, sát nhân.

Những người thu thuế bị người Do Thái coi khinh cũng phải bởi vì họ thường lạm dụng quyền hành của mình để sách nhiễu làm khổ dân chúng. Tại sao thế? Thưa, vì hệ thống thuế má đã tạo ra nhiều cơ hội cho những lạm dụng như thế.

Người Rôma thường cho đấu thầu việc thu thuế. Họ ấn định một mức thuế nào đó cho một vùng. Họ bán quyền thu thuế cho ai trả giá cao nhất, miễn là cuối năm người đó nộp đủ số tiền ấn định là được. Ngoài ra thì người thầu được quyền giữ lại bất kỳ món tiền nào họ thu thêm được từ dân chúng. Đây là điểm dễ sinh ra những lạm dụng nhất.

2. Vậy mà Chúa Giêsu đã chọn một người bị xã hội khinh rẻ như thế làm môn đệ Ngài.

Chúa Giêsu không phải không biết điều đó. Thế nhưng, cái nhìn của Chúa trên con người này thật khác xa với cái nhìn thông thường của dân chúng. Trước mặt Chúa, Lêvi là một con người bệnh hoạn đang cần đến Thầy thuốc và Chúa Giêsu chính là thầy thuốc mà con người này cần đến. Chính cách đối xử bao dung của Chúa đã làm cho Lêvi được khoẻ mạnh lại và hơn nữa còn làm cho ông trở thành một dụng cụ đắc lực trong tay của Chúa sau này.

Sự bao dung thường đem lại những thành quả tốt đẹp, nhiều khi con người chúng ta không lường được.

Ngày 17/7/1990, cả thế giới thương tiếc vì sự ra đi của bà Peggy Mann. Bà đã an bình ra đi để lại bao luyến nhớ cho gia đình cũng như cho nhiều người trên toàn thế giới. Lý do vì bà là một người đã có những cống hiến và những hoạt động không biết mệt mỏi cho việc chống ma túy. Bà đã mang lại rất nhiều lợi ích cho nhiều người. Trước khi nhắm mắt từ giã cõi đời, nhìn thấy bên giường có chồng và con gái thân yêu, bà đã thầm nói với người con gái: “Mẹ mãn nguyện, con gái của mẹ, về những bài mẹ viết để chống lại ma túy”. Kéo ông đến gần hơn, bà nói rất rõ bằng một giọng xúc động: “Em yêu anh biết bao!” Đó là câu nói cuối cùng của bà.

Sau khi bà Peggy nằm xuống, con gái bà là cô Jenifer Mann đã kể lại câu chuyện sau đây, một mặt như bổ sung vào công trình của mẹ một phương pháp nữa trong nỗ lực đẩy lùi tệ nạn nghiện ngập ma túy, và mặt khác cũng để cho mọi người biết, nguyên nhân nào đã thúc đẩy và tạo quyết tâm cho bà, để bà nỗ lực làm việc không biết mệt mỏi chống lại với ma túy để bảo vệ gia đình.

Cô nói “Khi mẹ tôi biết tôi dùng ma túy, bà rất khổ tâm nhưng chưa vội nói gì. Từ hôm ấy, bà bắt đầu đọc các sách báo nói về ma túy để tìm hiểu tính chất độc hại và các hậu quả mà ma túy gây ra. Bà đọc một cách cặn kẽ, chính xác và đầy đủ. Hai tuần sau, mẹ tôi gọi tôi lại và nói:

- Mẹ biết là con không muốn mẹ giảng giải dài dòng về tác hại của ma túy. Thôi thì từ nay mỗi tối, khi nghe đồng hồ đổ “binh binh” báo hiệu giờ đi ngủ, mẹ sẽ nói cho con biết một điều rất ngắn về ma túy thôi.

Tôi không phản đối gì. Đêm đầu, khi đồng hồ đổ “binh binh”, mẹ tôi nói: “Con có biết không, chỉ hút 3 điếu thuốc có ma túy là làm hại phổi bằng 20 điếu thuốc lá bình thường không?”. Đêm thứ hai: “binh binh” “Con có biết là hút ma túy liên tục thì hệ thống miễn nhiễm trong cơ thể bị hủy hoại không?”. Đêm thứ ba “binh binh”, “Con có biết ma túy có hại đến đời sống tính dục, làm phụ nữ có thể sinh ra quái thai không?” Tất cả những điều mẹ tôi nói đều rất chính xác và có những số liệu chứng minh rõ ràng. Bà nói với tôi bằng một giọng thật bình tĩnh và tràn đầy yêu thương với mong ước cho tôi hiểu tác hại khôn lường của ma túy và can đảm đứng lên làm lại cuộc đời.

Một đêm, tôi ngồi trên giường, hai tay ôm đầu suy nghĩ. Lòng tôi dâng tràn tình yêu dành cho mẹ, Tôi khóc và chạy sang phòng bà. Hình như đêm đêm bà đều chờ đợi tôi như vậy. Tôi ngã vào vòng tay mẹ tôi trong dòng nước mắt và lời nói nghẹn ngào, tôi thì thầm trên ngực bà: “Con nhất định từ bỏ ma túy”. Hai tay bà nâng mặt tôi lên và nhìn thẳng vào mắt tôi. Tôi thấy nụ cười rạng rỡ, ánh mắt vui mừng của mẹ và cả hai hàng nước mắt đầm đìa trên má. Bà ôm chặt tôi vào lòng và khẽ nói vào tai tôi: “Ôi! Con yêu.... con yêu”. Và từ giây phút đó cuộc đời tôi hoàn toàn đổi khác.

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ lòng bao dung của Chúa. Xin cho chúng con một quả tim rộng lớn bao dung, để chúng con cũng biết tha thứ và cảm thông với mọi người. Amen.

 

Bài cùng chuyên mục:

Thứ Hai 25/11/2024 – Thứ Hai tuần 34 thường niên – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (24/11/2024 10:00:00 - Xem: 659)

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam.

+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,130)

CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.

Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,207)

Thứ Bảy tuần 33 thường niên.

Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,749)

Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,425)

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.

Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,812)

Thứ Tư tuần 33 thường niên.

Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,804)

Thứ Ba tuần 33 thường niên.

Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,911)

Thứ Hai tuần 33 thường niên.

+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,213)

CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.

Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,580)

Thứ Bảy tuần 32 thường niên.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7