Lời chúa mỗi ngày

Thứ Bảy 21/01/2023 – Thứ Bảy tuần 2 thường niên. – Thánh Anê, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Thân nhân của Chúa!!!.

  • In trang này
  • Lượt xem: 6,302
  • Ngày đăng: 20/01/2023 10:00:00

Thân nhân của Chúa!!!.

21/01 – Thứ Bảy tuần 2 thường niên. – Thánh Anê, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

"Những thân nhân của Người nói: Người đã mất trí".

 

* Anê là một thiếu nữ Rôma, mới từ mười hai đến mười lăm tuổi đã tình nguyện chết vì đức tin khi cuộc bách hại của hoàng đế Đi-ô-cơ-lê-xi-a-nô tới hồi khốc liệt nhất (năm 305).

Đó là sự việc thánh Am-rô-xi-ô đã ghi lại, và là lý do khiến Hội Thánh Rôma tưởng nhớ thánh nữ với hết tình yêu mến.

 

LỜI CHÚA: Mc 3, 20-21

Khi ấy Chúa Giêsu cùng các môn đệ trở về nhà, và dân chúng đông đảo lại đổ xô tới, đến nỗi Người không dùng bữa được.

Những thân nhân của Người hay tin đó, liền đi bắt Người, vì họ nói: "Người đã mất trí".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Người bị mất trí

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Bài Tin Mừng hôm nay thật là ngắn, chỉ gồm có hai câu.

Nhưng câu chuyện kể lại có thế làm chúng ta bối rối.

Đức Giêsu đã gặp sự chống đối từ phía các kinh sư và người Pharisêu.

Bây giờ Ngài lại gặp sự hiểu lầm từ phía những thân nhân,

trong đó có thể có thân mẫu của Ngài (x. Mc 3, 31).

Khi Đức Giêsu và các môn đệ trờ về nhà ở Caphácnaum,

đám đông lại kéo đến.

Nhu cầu thật lớn lao và thúc bách khiến cả nhóm không thể nào có giờ ăn.

Thân nhân của Ngài nghe tin ấy thì hốt hoảng.

Có lẽ họ đã đi từ quê làng Nadarét đến để gặp Đức Giêsu.

Họ nghĩ Ngài bị mất trí và họ muốn lôi Ngài về lại quê nhà.

Họ sẵn sàng dùng sức mạnh để ép Đức Giêsu phải đi.

Kể cũng lạ nếu chỉ dựa vào chuyện Đức Giêsu không ăn

để vội vã kết luận là Ngài mất trí.

Các thân nhân chẳng để ý đến chuyện đám đông chạy đến với Ngài

để được trừ quỷ, được chữa bệnh và để được nghe giảng.

Làm sao một người mất trí có thể làm được những việc như thế?

Xem ra họ không hiểu mấy về con người và sứ mạng của Đức Giêsu.

Thật ra dưới mắt của các thân nhân,

Đức Giêsu có những điều chẳng bình thường chút nào.

Ngài đã không lập gia đình như những thanh niên khác.

Ngài đã bỏ nghề thợ mộc ở Nadarét để lang thang khắp đó đây.

Dù không phải là người học thức,

Ngài đã chiêu tập một nhóm môn đệ chủ yếu là dân đánh cá,

đã giao du với những hạng người nên tránh, đã dám đụng độ với các kinh sư,

và bây giờ Ngài đang mê mệt với một đám đông cuồng nhiệt theo Ngài.

Họ tự hỏi ông Giêsu, người thân của họ, có vấn đề gì về tâm lý không,

có rơi vào tình trạng hoang tưởng tự đại không.

Chúng ta cần nhiều thời gian để hiểu được sự “mất trí” của Đức Giêsu.

Quan hệ máu mủ có khi lại làm cản trở việc nhận ra Ngài là ai.

Đức Giêsu bao giờ cũng vượt trên những gì chúng ta thường nghĩ.

Cần thấy được sự khôn ngoan và lòng nhân hậu của Thiên Chúa

nơi sự “mất trí” và điên rồ của Đức Giêsu trên thập giá (1 Cr 1, 18).

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

dân làng Nadarét đã không tin Chúa

vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.

Các môn đệ đã không tin Chúa

khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.

Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa

chỉ vì Chúa sống như một con người,

Cũng có lúc chúng con không tin Chúa

hiện diện dưới hình bánh mong manh,

nơi một linh mục yếu đuối,

trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.

Dường như Chúa thích ẩn mình

nơi những gì thế gian chê bỏ,

để chúng con tập nhận ra Ngài

bằng con mắt đức tin.

Xin thêm đức tin cho chúng con

để khiêm tốn thấy Ngài

tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống. Amen.

 

Suy Niệm 2: Mất trí

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Người bình thường lo cho bản thân. Những nhu cầu tối thiểu trong đời sống hằng ngày: ăn uống, ngủ nghỉ. Nhưng “Chúa Giê-su cùng với các môn đệ trở về nhà, và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được”. Người đời và nhất là thân nhân, những kẻ thương mến Người “liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí”. Người đã rất quyết liệt. Nên không để bị bắt trở về. Từ đây Người giã từ gia đình trần thế. Để hiến thân cho gia đình Nước Trời. Để thi hành thánh ý của Cha. Để toàn tâm toàn ý cho tha nhân. Cho gia đình mới của Người.

Anh hùng là những người quên bản thân, quên lợi ích riêng tư, vì quyền lợi chung của đất nước, của dân tộc. Sa-un và Gio-na-than là những bậc anh hùng. Vì đất nước, dân tộc mà tử nạn. Nên Đa-vít và toàn dân khóc thương các ngài. Các ngài quên mình vì dân tộc: “Thiếu nữ Ít-ra-en hỡi, hãy khóc Sa-un, người đã mặc cho các cô vải điều lộng lẫy, đính trên áo các cô đồ trang sức bằng vàng”(năm chẵn).

Chúa Ki-tô đáng ca tụng gấp bội. Vì Sa-un và Gio-na-than lo cho đời sống vật chất mau qua của dân Ít-ra-en. Còn Chúa Ki-tô hiến mình vì đời sống vĩnh cửu và vì kho tàng không hư nát của mọi dân tộc trên thế giới.

Sa-un và Gio-na-than bất đắc dĩ chịu chết. Còn Chúa Ki-tô tự hiến thân mình để đền tội muôn dân.

Chúa Ki-tô là Thượng Tế trổi vượt. Các thượng tế dâng lễ vật là súc vật. Còn Chúa Ki-tô dâng chính bản thân mình. Các thượng tế phải dâng nhiều lần. Còn “Người vào chỉ một lần, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta” Máu chiên bò chỉ làm cho thân xác trong sạch. “Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết”(năm lẻ).

Người không chỉ mất trí. Mà còn điên dại. Yêu ta nên tự hiến mình chịu chết. Đổ máu mình ra. Nhưng chính nhờ tình yêu điên dại của Người ta được ơn cứu độ. Được sống. Được hạnh phúc.

Thế giới hôm nay cần nhiều người mất trí để lo cho tha nhân. Cần nhiều môn đệ bước theo tình yêu điên dại của Thầy Giê-su. Thế giới mới được cứu rỗi.

 

Suy Niệm 3: Vai trò của gia đình

Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ về tương quan với Chúa Giêsu và gia đình của Ngài, để từ đó rút ra những bài học thực tiễn về vai trò gia đình đối với con người.

Chúa Giêsu đã sinh ra và lớn lên trong một gia đình. 33 năm sống kiếp làm người, Ngài đã sống 30 năm với gia đình. Hơn nữa, cũng như bất cứ một người Á Ðông nào, Chúa Giêsu rất xem trọng những mối giây liên hệ thân thuộc: trong ba năm rao giảng công khai, Ngài vẫn tìm dịp trở về thăm làng cũ, và giữa lúc Ngài bận bịu với sứ vụ công khai, bà con thân thuộc của Ngài vẫn tìm đến thăm Ngài. Quả thật, Chúa Giêsu xem trọng những liên hệ máu mủ và tình bà con xóm giềng, Ngài quý trọng gia đình; Ngài đề cao sự thánh thiêng và bất khả phân ly của giây hôn phối. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không lập gia đình; trong ba năm thi hành sứ vụ công khai, Ngài sống xa gia đình, không nhà, không cửa.

Như vậy, đối với Chúa Giêsu, trên cõi đời này, gia đình cũng như mọi thứ định chế khác của loài người đều không phải là những giá trị tuyệt đối. Chỉ có một giá trị tuyệt đối, đó là con người, bởi có con người mới có một vận mệnh vĩnh cửu. Tất cả đều hiện hữu vì con người. Trong Kinh Tin Kính, Giáo Hội tuyên xưng: "Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trờ xuống thế". Như vậy, ngay cả mầu nhiệm Nhập Thể cũng là vì con người. Chính Chúa Giêsu đã tuyên bố rằng Ngài đến để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ; nếu Con Thiên Chúa nhập thể là để phục vụ con người, thì huống chi những định chế của xã hội loài người. Tất cả đều hiện hữu vì con người: gia đình cũng như xã hội hiện hữu vì con người, chứ không phải con người vì gia đình và xã hội.

Từ cái nhìn trên đây của Chúa Giêsu về gia đình, chúng ta có thể thấy được vai trò của gia đình và một cách cụ thể mục đích của việc giáo dục trong gia đình.

Trong tuyển tập "Giới Luật Yêu Thương", Ðức Cha Bùi Tuần đã có một phân tích sâu sắc về mục đích của việc giáo dục gia đình, Ngài viết:

"Các bậc cha mẹ muốn biết xưa nay mình nhằm mục đích gì trong việc giáo dục con cái, thì hãy xét xem ta thường muốn gì, chờ đợi gì ở con cái. Có phải muốn chúng nên giàu sang không? Có phải chờ đợi ở chúng một lợi lộc vật chất chăng? Không thiếu những cha mẹ nhắm cái đó khi giáo dục con cái. Những hy vọng đó không phải là xấu, nhưng chắc chắn không phải là chính mục đích mà cha mẹ phải nhắm để đưa con cái mình đi tới. Mục đích chính đó là gì?"

Mục đích đó là giúp chúng nên người với tất cả ý nghĩa cao đẹp của nó. Mà nên người trước hết là thực hiện đầy đủ ý nghĩa câu nói quen thuộc: "Con người, đầu đội trời, chân đạp đất". Chân đạp đất là thái độ phải thắng dẹp những lôi cuốn tội lỗi thế tục, là đạp lên trên những gì làm cho mình ra hèn như cát bụi, là đạp lên trên những gì đưa ta xuống đất, xuống địa ngục. Nếu chân đạp đất chỉ những sự phàm trần, thì đầu đội trời chỉ những sự siêu phàm. Ðầu đội trời chi thái độ vươn lên những gì cao thượng, đầu đội trời chỉ sự cố gắng phóng mình tới lý tưởng xa vời, đầu đội trời chỉ sự hướng tâm con người về mục đích ở tận bên kia thế giới, đầu đội trời chỉ nỗ lực băng mình lên cao để tìm về quê hương trên trời.

Những suy tư của Ðức Cha Bùi Tuần gợi lại cho chúng ta câu nói của Chúa Giêsu với cha mẹ Ngài khi hai Ðấng gặp lại Ngài trong Ðền Thờ Yêrusalem: "Cha mẹ không biết con phải lo việc Cha con sao?" Ðầu đội trời chính là lo việc Cha trên trời, là hướng về trời cao, là sống cho những giá trị vĩnh cửu. Nên người thực sự là sống đúng ý nghĩa ba chữ "đầu đội trời", và đó phải là mục đích của giáo dục gia đình, bất cứ hành động nào đi ngược mục đích ấy đều là phản giáo dục.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tự vấn lương tâm xem đâu là những giá trị đích thực mà chúng ta đang theo đuổi và muốn truyền đạt cho người khác. Nguyện xin Ðấng là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống soi sáng và hướng dẫn chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Người đã mất trí

Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được. Thân nhân của người hay tin ấy, liền bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí. (Mc. 3, 20-21)

Thân nhân của Chúa Giêsu đã không được chiều chuộng cho lắm. Buổi đầu khi Người xuất thân đi rao giảng, nhứng người thân của Chúa đã phải chịu nỗi phiền hà là có liên hệ bà con với một con người kỳ quặc, tự cao. Sau này khi Chúa Giêsu đã có tiếng tăm rồi và bà con muốn tới gặp Người thì lại bị rầy la, khi Người nói: “Ai là anh chị em tôi?”

Phần chúng ta, chúng ta có hạnh phúc vì được kể vào hàng bà con thân thích mới này- chúng ta sung sướng được gọi là anh là chị của Đức Kitô. Nhưng vấn đề Phúc âm hôm nay đặt ra cho ta là hãy tìm xem liệu ta có nét nào giống với đám bà con ấy là những người đã coi Chúa Giêsu như kẻ “phá rối” cần sớm cho vào “nhà nghỉ mát” không?

Tại sao có sự phiền hà này

Ta có thể hiểu thế nào về phản ứng của những thân nhân ấy? Phản ứng này một phần lớn là Do thái độ tự phụ của Chúa Giêsu dám coi mình là “Con Người”. Với danh xưng này, Người đòi buộc người ta phải nhìn nhận mình là một nhân vật của Truyền thống có quan hệ thân cận độc nhất vô nhị với Đức Giavê Vì thế, là thân nhân của một con người tự phụ, một anh “ngộ đạo”, thì chẳng có gì là vinh quang cả! Tốt hơn là nên coi Người như một người khùng thay vì đưa ra tòa hoặc bịt miệng Người lại.

Còn chúng ta có “giam tù” Người không?

Những thân nhân của Chúa Giêsu có lập trường rõ ràng. Còn ý định của chúng ta lại tế nhị hơn. Hãy coi xem.

Chúng ta không nói rằng Chúa Giêsu đã mất trí. Nhưng chúng ta để trong ngoặc đơn những đòi hỏi gắt gao nhất của Người.Ta có can đảm như thế nào khi làm chứng Người là Thiên Chúa? Ta làm chứng gì về sự Phục sinh của Người?

Chúng ta không muốn bắt Người để tống vào ngục, nhưng chúng ta gác ra một bên những yêu sách quyết liệt nhất của Người: “… Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo … rồi hãy đến theo Tôi!” - “Phúc thay ai xây dựng hòa bình! Phúc thay ai hiền lành!”

Bôi bác Tin mừng của Đức Kitô, làm méo mó chân dung Người, đòi Phúc âm phải hợp với lý luận, đó chính là một cách thế nào đó đã giam giữ Đức Kitô vậy.

 

Suy Niệm 5: Vì sứ vụ

Có một linh mục sống tại một đất nước phồn thịnh, nhưng khi làm linh mục được 5 năm, ngài đã xin phép bề trên để về Việt Nam phục vụ những bệnh nhân sida, nghiện ngập, những bạn trẻ cơ nhỡ và trẻ em mồ côi. Khi quyết định của ngài được thông báo cho gia đình, bà cố đã không chấp nhận và cho rằng con mình có vấn đề...!!!

Hôm nay, Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu tất bật lo lắng cho dân chúng, đến nỗi không có thời giờ để nghỉ ngơi và ăn uống. Những việc như: giảng dạy, chữa bệnh, xua trừ Ma Quỷ... Ngài làm mọi việc không xuể, nên đã gọi và chọn các môn đệ để hỗ trợ Ngài trong sứ vụ.

Tuy nhiên, sự nhiệt tình vì sứ vụ khi chăm lo cho người nghèo, bệnh tật, ốm đau thì lại là mối lo của bà con, họ hàng của Ngài khi họ nghe tin đổn thổi Ngài bị mất trí..., vì thế, họ đã đến để tìm cách ngăn cản Ngài.

Thật vậy, trong cuộc sống, chúng ta vẫn thấy xuất hiện đây đó những hình ảnh sống động của Đức Giêsu khi những anh chị em Kitô hữu luôn sống chu toàn bổn phận và sẵn sàng đặt lợi ích của cộng đoàn, gia đình lên trên cá nhân của mình. Luôn đứng về phía người nghèo khổ để nâng đỡ và phụ giúp họ... Luôn coi sứ vụ là chính yếu, nhu cầu cá nhân là phụ thuộc...

Nhưng lẽ ra, theo lối suy nghĩ của người đời thì họ phải được tán dương, chúc tụng mới xứng! Tuy nhiên, điều đó có lẽ có nhưng họa hiếm, ngược lại có khi chỉ là những lời dè môi bỉu mỏ cho rằng: họ bị điên, bị khùng thì mới làm những chuyện như thế!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết đặt sứ vụ lên trên hết mọi chuyện. Nếu có phải khinh thường, chỉ trích, thì chúng ta cũng biết vui chịu để danh Chúa được cả sáng và Nước Chúa được trị đến. Chỉ khi nào chúng ta trở nên giống Chúa, thì hình ảnh, khuôn mặt của Ngài mới được lộ hiện nơi chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết yêu mến Chúa tha thiết. Luôn biết trung thành với sứ vụ được trao. Và xin cho chúng con biết đón nhận tất cả, miễn sao anh chị em chúng con được hạnh phúc và Chúa được loan báo. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 6: Nhận ra điều kỳ diệu Chúa làm

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu đã hy sinh sức lực, hy sinh thời giờ để phục vụ mọi người. Điều Chúa làm thật là cao cả tốt đẹp, nhưng những người thân họ hàng lại không chấp nhận. Phải có con mắt đức tin và sống trong tình yêu mới có thể hiểu được công việc của Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Ngôi Lời Thiên Chúa, là tình yêu Thiên Chúa nhập thể, Chúa đã đến bày tỏ tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa. Tình yêu ấy không phải là lý thuyết, nhưng là tình yêu cụ thể và có thật, được biểu lộ qua những hoạt động của Chúa nhằm cứu độ chúng con. Nhưng với cái nhìn hẹp hòi, với cõi lòng ích kỷ, nhiều kẻ không bắt gặp được con tim quảng đại của Chúa. Đồng thời, họ cũng không cộng tác với Chúa, và cũng không tin vào Chúa.

Lạy Ngôi Lời Thiên Chúa, hằng ngày con được đón nhận Lời Hằng Sống khi cùng cộng đoàn dâng Thánh lễ, khi đọc và suy niệm Tin Mừng. Nhưng Lời Chúa còn quá xa lạ đối với con. Và thậm chí, cuộc sống con còn đối nghịch với Lời Chúa nữa. Chúa đến với con trong bí tích Thánh Thể nhưng con chẳng nhận ra Chúa. Chúa là Thiên Chúa cao cả vô biên. Nhưng để con khỏi chết vì thấy sự rực rỡ huy hoàng vô cùng của Chúa, nên Chúa đến với con trong thân phận con người đơn sơ, nhỏ bé, nghèo hèn, bình thường, thầm lặng. Thế mà con lại vì đó mà coi thường Chúa.

Xin Chúa mở mắt cho con nhìn thấy các công trình Chúa thực hiện. Xin mở rộng tâm trí con để con đón nhận những điều kỳ diệu Chúa đã làm vì thương con. Xin ban tình yêu cho con, để trong tình yêu, con nhận ra tình yêu Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “Những thân nhân của Người nói: Người đã mất trí”.

 

Suy Niệm 7: Người đã bị mất trí

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm) 

1. Sau khi đi rao giảng một thời gian, Đức Giêsu và các môn đệ trở về nhà và giảng dạy tại nhà bà mẹ vợ ông Phêrô ở Capharnaum, dân chúng lại đổ xô tới đông đúc, đến nỗi các ngài không có thời giờ ăn uống. Thấy vậy, các thân nhân của Chúa đến bắt giữ Ngài vì được tin người ta cho biết là Ngài đã mất trí. Thân nhân Ngài làm như vậy có ý cho các môn đệ của Ngài được rảnh rỗi nghỉ ngơi, đồng thời cũng để cho họ khỏi bị liên lụy về Ngài. Vì nếu dân chúng kéo theo Ngài đông đảo rùm beng như vậy thì sợ nhà chức trách sẽ làm khó dễ.

2. Bài Tin Mừng hôm nay rất vắn gọn, nhưng cũng hé mở cho chúng ta biết Chúa nhiệt thành phục vụ đến mức nào. Trong thời gian đầu của đời sống công khai, Đức Giêsu đã khơi dậy lòng nhiệt thành sùng mộ của đông đảo quần chúng. Ngài phục vụ cách vị tha và vô vị lợi, Ngài hoạt động ở nơi hội đường, ở ngoài trời và ở đây ngay tại nhà. Điều đó chứng tỏ Ngài hiến thân trọn vẹn cho tác vụ, miệt mài với công việc bổn phận, không còn thì giờ nghĩ đến mình đến nỗi không có cả thời giờ dùng bữa.

3. Trong thời Tam Quốc, khi Lưu Bị khởi quân chống Tào Tháo, nhiều tướng lãnh oai hùng và nhiều hiền nhân lỗi lạc đã đến giúp đỡ ông, vì tin rằng ông chính là minh chủ, sẽ thống nhất sơn hà. 

Thánh Marcô hôm nay kể rằng có nhiều người kéo đến với Đức Giêsu, đông đến nỗi Người không có thời gian để dùng bữa, vì họ tin rằng Người là Đấng uy quyền và bởi Thiên Chúa mà đến. Họ nghe Người giảng và đi theo Người. Chính đức tin đã thúc đẩy họ hành động, thúc đẩy họ tìm đến và bước theo Đức Giêsu.

4. Ngài không phải là con người dễ hiểu, ngay các Tông đồ đã ở với Ngài gần ba năm trời, khi Chúa hỏi các ông cho Ngài là ai, thì các ông cũng chỉ biết lơ mơ như dân chúng hiểu thôi. Còn đối với quần chúng thì cũng có người, nhất là các biệt phái và luật sĩ còn cho Ngài là bị quỉ ám. Còn hôm nay thì người ta cho là Ngài bị mất trí.

Người ta kể rằng, ngày nay ở bên Mỹ tại nhà quốc hội có một thư viện lớn vào loại bậc nhất thế giới. Hàng năm có cả ngàn người viết thư đến hỏi viên quản thủ thư viện này nhiều vấn đề khác nhau. Trong số những câu hỏi người ta gửi đến, có một câu hỏi được nhiều người hỏi nhất, đó là câu: “Ai là người được nhiều tác giả viết nhất”?

Sau khi cho kiểm kê, viên quản thủ thư viện đã tổng kết được kết quả như sau

Có 1735 cuốn viết về Napoléon.

Có 1755 cuốn viết về George Washington,

Có 2319 cuốn viết về Abraham Lincoln,

Có 3175 cuốn viết về William Shakespeare,

Và có tới 5151 cuốn viết về Đức Giêsu Kitô.

5. “Phải chăng  Đức Giêsu là người mất trí, một kẻ điên”?

Bài hát “Mùa Đông Của Anh” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh có một câu lột tả hết sự thật của tình yêu đôi lứa là: “Em chỉ là người điên trong vòng tay tình ái”. Thật vậy, khi yêu nhau, người ta như một ”kẻ điên” theo sự rung cảm của con tim hơn là lý trí;  người ta biết đau khổ và rắc rối do chính sự lựa chọn đem lại, nhưng vẫn lao vào, thậm chí biết rằng có thể mất tất cả từ danh dự đến sự nghiệp, thậm chí mất cả mạng sống... chỉ vì yêu.

Tắt một lời, khi yêu làm người ta lắm khi như người mất trí, như NGƯỜI ĐIÊN.

Nhưng cái “điên” của Chúa là tất cả cho con người đến nỗi hy sinh cả mạng sống vì con người. Thánh Phaolô cũng đã nói về sự “điên rồ của thập giá”. Cũng như đôi tình nhân yêu nhau, họ cần đến sự gặp gỡ và hy sinh cho nhau, thì nếu Chúa Giêsu ở trên trời nói vọng xuống rằng “Ta yêu nhân loại” thì liệu có ai tin chăng? Quả thật, Ngài đã đến với con người, ở với con người và cuối cùng chết đi vì con người. Để rồi từ đó, rất nhiều tâm hồn bước theo Chúa Giêsu và “điên vì Chúa”...

6. Truyện: Phải biết đúng sự thật khi nói.

Một ngày kia có một người hàng xóm đến gặp Socrate, một triết gia Hy lạp nổi tiếng ngày xưa. Ông ta nói:

- Này ông Socrate, ông đã nghe chuyện này chưa?

Socrate vội ngắt lời:

- Khoan đã! Anh có chắc rằng, tất cả những gì anh sắp kể cho tôi đều đúng sự thật không?

Ông hàng xóm ấp úng:

- À, cũng không chắc  lắm. Tôi chỉ nghe người ta kể thôi.

Socrate mỉm cười bảo:

- Thế vậy chúng ta không cần quan tâm đến nó trừ phi nó là một chuyện tốt không?

Ông hàng xóm thật sự lúng túng:

- Không, chuyện này không tốt lắm. Phải nói đây là một chuyện xấu.

Socrate vỗ vai ông ta hỏi thêm:

- Chà, anh có nghĩ rằng, tôi cần phải biết chuyện ấy để giúp ngăn ngừa những điều không hay không tốt cho người khác chăng.

Lần này thì ông hàng xóm tiu nghỉu cúi gầm mặt:

- Ờ... Ờ, kể ra thì cũng chẳng giúp được cho ai!

Socrate kết luận:

- Thế này nhé, chúng ta hãy quên ngay chuyện ấy đi. Còn vô số chuyện đáng giá hơn trong đời sống, chúng ta không nên mất công bận tâm vào những chuyện tầm phào, vừa không đúng sự thật, vừa không tốt, lại vừa không cần thiết cho ai.

 

Suy Niệm 8: Quan tâm nghe Chúa giảng dạy

(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống...)

Lúc Chúa Giêsu đang giảng thì thân nhân của Ngài tìm đến. Ta hãy chú ý chung quanh Chúa Giêsu có hai vòng:

a/ Vòng phía trong gần gũi với Chúa là những người đang nghe Ngài giảng. Họ "đang ngồi chung quanh Ngài"

b/ Vòng ngoài là những người ba con của Ngài. Những người này đứng đó không phải để nghe giảng mà để bắt Ngài về quê không cho Ngài giảng nữa vì nói Ngài bị mất trí.

Tin Mừng Maccô không nói nhưng Tin Mừng Mát-thêu thái độ của Chúa Giêsu đối với những người ở vòng trong rất đặc biệt. (Mt 12,46-50). Chúa Giêsu coi trọng những người ở vòng trong hơn vòng ngoài: Chẳng những Ngài không bỏ việc giảng để ra ngoài gần gũi với bà con mà còn nói những kẻ đang nghe Ngài giảng mới là gia đình thật của Ngài.

B. Suy niệm (...nảy mầm)

1. Chúa Giêsu coi trọng những kẻ nghe Lời Chúa hơn chính cha mẹ và anh em ruột thịt. Đây không phải chỉ là một cách nói khuyến khích mà là sự thật: Các thánh được Chúa coi như người nhà của Ngài; và không vị thánh nào không siêng năng nghe lời Chúa và thực thi Lời Chúa.

2. Sự quan tâm lo lắng: những người bà con của Chúa quan tâm lo lắng về việc ăn uống của Ngài; Còn Chúa Giêsu thì coi những kẻ đang nghe Ngài giảng là gia đình thiêng liêng của mình, nên quan tâm lo cho họ có lương thực thiêng liêng. Ngài quan tâm điều này đến nỗi quên luôn của ăn vật chất của mình.

3. Thái độ cần có khi nghe lời Chúa:

- Tiêu cực: Cố gắng bỏ qua một bên những trở ngại làm cho Lời của Chúa không thể bén rễ, nảy mầm và phát triển:

Trong vườn, một gốc nho héo úa giữa bao cây xanh tươi mơn mởn. Bón bao nhiêu phân cũng không thấy khá hơn. Cuối cùng người chủ đào gốc lên xem thì thấy có miếng gỗ nằm chắn ngang gốc nho.

Có lẽ đời của ta cũng vậy. Nếu không đâm rễ sâu vào lòng đất là Lời Chúa, đời ta cũng sẽ tàn úa (Góp Nhặt)

- Tích cực là cố gắng đáp lại Lời Chúa bằng một lòng yêu mến chân thành

Một bà kia rất thường đọc sách thánh và đọc rất sốt sắng. Khi được hỏi tại sao thì bà dùng một thí dụ để giải thích:

Hôm qua tôi nhận được một bức thư của một người tôi rất quí mến. Tôi đã đọc rất chăm chú và đọc đi đọc lại đến 5 lần. không phải vì tôi không hiểu lời lẽ trong thư vốn đã quá rõ, nhưng vì tôi biết đó là những lời của một người rất thương tôi và tôi cũng rất thương người đó. (United Presbyterian).

4. Thân nhân Chúa Giêsu đi bắt Người vì họ nói rằng Người mất trí (Mc 3,21)

Chuyện kể về một em bé đã giúp môt người bạn nghèo trong lớp. Hạnh phúc quá, em về khoe với mẹ. Không ngờ mẹ mắng: "Không được chơi với đứa khố rách áo ôm đó." NỤ cười trên môi em bé chợt tắt, em thất vọng trước sự cố gắng của mình.

Hôm nay qua lời nói của mình, tôi cũng dập tắt niềm hạnh phúc mỏng manh của người khác. Tôi đã giết chết đi những mầm non hy vọng, sự cố gắng, lòng nhiệt thành của những người chungquanh. Tôi như những người thân của Chúa ngày xưa, không hiểu và không nhìn ra sứ mạng của Ngài để rồi vô tình cản trở buớc rao giảng Tin Mừng nuớc Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Cha. xin cho con biết quan tâm tới người khác để nhận ra những cố gắng và thiện chí của họ; biết đem hết khả năng của mình để nâng đỡ, khích lệ, cộng tác với anh em. (Epphata).

 

Suy Niệm 9: Chúa Giêsu bị cho là mất trí

(Lm. Giuse Đinh Tất Quý)

1. Bài Tin mừng hôm nay thật vắn gọn. Chỉ có hai câu nhưng qua hai câu này chúng ta cũng có rất nhiều điều để nói về Chúa Giêsu.

Tin mừng kể lại lúc Chúa Giêsu đang giảng thì thân nhân của Ngài tìm đến, đến để bắt Ngài, không cho Ngài giảng nữa vì nghe người ta nói là Ngài đã mất trí.

Đây không phải là lần duy nhất mà người ta cho là như thế. Chúng ta còn nhớ có lần người ta đã cho Ngài là người bỉ quỉ ám, là khùng điên, là một người nổi loạn.

Thực ra Chúa cũng chẳng phải là một nhân vật dễ hiểu. Các tông đồ của Chúa ngày xưa dù đã được sống với Chúa cả mấy năm trời vậy mà các ông ấy cũng chẳng hiểu được Chúa là ai.

Người ta kể rằng, ngày nay ở bên nước Mỹ tại tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ có một thư viện lớn vào loại bậc nhất thế giới. Hằng năm có cả hàng ngàn người viết thư đến để hỏi viên quản thủ thư viện này nhiều vấn đề khác nhau. Trong số những câu hỏi người ta gửi đến có một câu hỏi được nhiều người hỏi nhất đó là câu: “Ai là người được nhiều tác giả viết nhất?”

Sau khi cho kiểm kê, viên quản thủ thư viện đã tổng kết được kết quả như sau:

Có 1735 cuốn viết về ông Napoléon,

Có 1755 cuốn viết về ông George Washington,

Có 2319 cuốn viết về ông Abraham Lincohn,

Có 3175 cuốn viết về ông Wiliam Shakespeare,

Và có tới 5151 cuốn viết về Đức Giêsu Kitô.

5151 cuốn tức là 5151 loại sách. Thông thường mỗi loại sách người ta chỉ ấn hành vài ngàn cuốn. Nếu bán chạy người ta sẽ tái bản, và tái bản cùng lắm chừng 10 lần, mỗi lần vài ba ngàn cuốn. Riêng cuốn Kinh Thánh, đặc biệt là cuốn Tân Ước nói về Đức Giêsu, đã được ấn hành nhiều nhất bằng đủ thứ tiếng và được phổ biến trên khắp thế giới.

Từ khi ông Gutenberg in cuốn Thánh Kinh thứ nhất năm 1465 cho tới nay, người ta không thể biết được đã có bao nhiêu triệu Sách Thánh được ấn hành và được phổ biến. Chỉ nguyên năm 1989 đã có đến gần 350.000 cuốn Sách Thánh toàn bộ và hơn nửa triệu cuốn Tân Ước đã được gởi tặng các tin đồ Kitô ở Liên xô, vì từ năm 1988, nhà nước Liên Xô đã cho tự do nhập khẩu sách Thánh Kinh.

Sách nói về Chúa Giêsu nhiều như thế, vậy mà thử hỏi ngày hôm nay đã có được bao nhiều người thực sự hiểu một cách sâu xa về Chúa? Chắc là không nhiều lắm.

2. Vậy thì vấn đề còn lại hôm nay là chúng ta hãy xem xem trong những trường hợp Chúa bị người ta hiểu lầm hay bị người ta nghĩ xấu về mình như thế, Chúa đã có thái độ như thế nào?

Phải nói rằng, Chúa đã có một thái độ rất cao thượng. Không những Ngài không buồn, không trách móc mà còn coi những chuyện đó chẳng đáng để Ngài phải bận tâm. Đàng khác như chúng ta thấy, ngay cả như việc Chúa bị người ta vu oan cáo vạ rồi đưa Ngài lên đồi Golgotha để đóng đinh, lúc sắp chết Ngài cũng còn ngửa mặt lên trời cầu xin Thiên Chúa Cha tha cho những kẻ đã hành hạ và giết Ngài một cách dã man như vậy. Lý do Chúa đưa ra là vì họ không biết Ngài.

Cuộc đời của Chúa là như thế. Cuộc đời của mỗi người chúng ta chắc nhiều khi cũng như vậy.

Trong cuộc sống, chẳng thiếu gì những lúc chúng ta bị hiểu lầm. Cũng chẳng thiếu gì những lúc chúng ta bị người ta ghét bỏ.

Những lúc như thế, chúng ta phản ứng lại thế nào? Cách tốt nhất tôi tưởng chúng ta hãy nhớ lại cuộc đời của Chúa Giêsu và bắt chước cách hành xử của Ngài.

Một ngày kia có một người hàng xóm đến gặp Socrates. Chúng ta biết Socrates là triết gia Hy Lạy nổi tiếng ngày xưa. Ông ta nói:

- Này ông Socrates, ông đã nghe chuyện này chưa?

Socrates vội ngắt lời:

- Khoan đã! Anh có chắc rằng, tất cả những gì anh sắp kể cho tôi đều đúng sự thật không?

Ông hàng xóm ấp úng:

- À, cũng không chắc lắm. Tôi chỉ nghe người ta kể lại thôi.

Socrates mỉm cười bảo:

- Thế vậy chúng ta không cần quan tâm đến nó trừ phi nó là một chuyện tốt. Vậy chuyện ông sắp kể cho tôi có phải là một chuyện tốt không?

Ông hàng xóm thật sự lúng túng:

- Không, chuyện này không tốt lắm. Phải nói đây là một chuyện xấu.

Socrates vỗ vai ông ta hỏi thêm:

- Chà, anh có nghĩ rằng, tôi cần phải biết chuyện ấy để giúp ngăn ngừa những điều không hay không tốt cho người khác chăng.

Lần này thì ông hàng xóm tiu nghỉu cúi gầm mặt:

- Ờ.... Ờ kể ra thì cũng chẳng giúp được gì cho ai!

Socrates kết luận:

- Thế này nhé, chúng ta sẽ quên ngay chuyện ấy đi. Còn vô số chuyện đáng giá hơn trong đời sống, chúng ta không nên mất công bận tâm vào những chuyện tầm phào, vừa không đúng sự thật, vừa không tốt, lại vừa không cần thiết cho ai.

Lạy Chúa,

Xin ban cho chúng con một trái tim quảng đại

để chúng con biết sống yêu thương như Chúa. Amen.

 

Bài cùng chuyên mục:

Thứ Hai 25/11/2024 – Thứ Hai tuần 34 thường niên – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (24/11/2024 10:00:00 - Xem: 362)

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam.

+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,696)

CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.

Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,187)

Thứ Bảy tuần 33 thường niên.

Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,737)

Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,420)

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.

Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,810)

Thứ Tư tuần 33 thường niên.

Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,804)

Thứ Ba tuần 33 thường niên.

Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,909)

Thứ Hai tuần 33 thường niên.

+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,193)

CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.

Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,577)

Thứ Bảy tuần 32 thường niên.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7