Lời chúa mỗi ngày

Thứ Bảy 18/02/2023 – Thứ Bảy tuần 6 thường niên. – Chúa biến hình trên núi cao.

  • In trang này
  • Lượt xem: 5,580
  • Ngày đăng: 17/02/2023 10:00:00

Chúa biến hình trên núi cao.

18/02 – Thứ Bảy tuần 6 thường niên.

"Người biến hình trước mặt các ông".

 

Lời Chúa: Mc 9, 2-12

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia cùng Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu.

Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia". Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ. Lúc đó một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: "Ðây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người". Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông.

Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: "Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?" Và các ông hỏi Người: "Tại sao các biệt phái và luật sĩ lại nói Êlia phải đến trước đã?" Người đáp: "Êlia phải đến trước để sửa lại mọi sự, và như có lời chép về Con Người rằng 'Người phải chịu nhiều đau khổ và khinh bỉ'. Vậy Thầy bảo cho các con hay: Êlia đã đến rồi và chúng xử với người mặc ý chúng, như đã chép về người".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Hãy nghe Người

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Trong Tin Mừng Máccô, Đức Giêsu được tuyên bố là Con Thiên Chúa ba lần:

lúc chịu phép rửa (1, 11), lúc được biến hình (9, 7), và sau khi tắt thở (15, 39).

Trong cả ba lần này, Đức Giêsu đều ở trong thái độ vâng phục tự hạ.

Lần thứ nhất, khi Ngài đứng chung với những tội nhân chịu phép rửa (1, 9).

Lần thứ hai, sau khi Ngài tiên báo và chấp nhận cuộc Thương Khó (8, 31).

Lần thứ ba, sau khi Ngài bị đóng đinh và chết trên thập giá (15, 39).

Như thế khi Đức Giêsu đi xuống đến cùng của phận người tội lụy

thì Ngài lại được tôn vinh là Con Thiên Chúa.

Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện Đức Giêsu lên một ngọn núi cao.

Ngài chỉ đem theo ba môn đệ thân tín, Phêrô, Giacôbê và Gioan.

Ba ông này đã được thấy Ngài hồi sinh con gái ông Giairô (5, 37),

và sẽ được ở bên Ngài trong vườn Dầu sau này (14,33).

Đức Giêsu được biến hình trước mắt các ông, y phục Ngài trắng tinh rực rỡ.

Cha đã muốn cho ba môn đệ thấy sự cao trọng thánh thiêng của Đức Giêsu,

vốn được ẩn giấu che khuất bởi bề ngoài rất đỗi bình thường.

Đức Giêsu biến hình không phải là đổi qua một hình khác,

mà là vén mở trong một thời gian ngắn

để cho ta thấy tư cách thần linh vẫn luôn luôn có nơi Ngài.

Phêrô và các bạn ngây ngất trước cảnh tượng chưa từng thấy.

Hơn nữa, họ còn thấy ông Êlia và ông Môsê hiện ra trò chuyện với Đức Giêsu.

Hai ông này đã từng đàm đạo với Thiên Chúa trên núi (Xh 33,11; 1V 19, 8-18).

Bây giờ họ cũng đàm đạo với Đức Giêsu trên núi cao.

Phêrô chỉ muốn kéo dài giây phút tuyệt vời này mãi.

Ông đề nghị căng ba lều để ba vị ở lại đây luôn.

Có lẽ ông quên là Thầy Giêsu còn cả một con đường nhọc nhằn phải đi.

“Đây là Con Ta yêu dấu, hãy nghe ngài” (c. 7).

Câu duy nhất của Chúa Cha nói với chúng ta trong Tin Mừng Máccô.

Cha giới thiệu cho ta Con của Cha, Cha mời gọi ta vâng nghe Ngài.

Ba môn đệ chẳng thể ngờ rằng trên ngọn núi này

họ sẽ được bao phủ bằng sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa qua đám mây,

và tai họ được nghe thấy lời của chính Thiên Chúa nói.

Rồi đến lúc Thầy và các trò phải xuống núi.

Con người Thầy Giêsu trở lại như thường, y phục trở lại bình thường.

Thầy xuống núi này để chuẩn bị lên một ngọn núi khác.

Nhưng những gì diễn ra ở ngọn núi này thật là không thể quên.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa thường hay lên núi cầu nguyện.

Thỉnh thoảng xin dẫn con lên một ngọn núi cao

để con sống tình bạn với Chúa.

Xin cho con ngỡ ngàng khi chiêm ngắm khuôn mặt của Chúa,

khuôn mặt mà con tưởng mình đã quen biết từ lâu.

Chúa cho con thấy những nét đơn sơ để lòng con trở nên giản dị.

Chúa cho con thấy những nét hiền hậu để con biết thứ tha.

Chúa cho con gặp những nét sáng tươi

để con nở một nụ cười với cuộc sống.

Lạy Chúa, xin hãy cho con có kinh nghiệm lên núi với Chúa,

yêu thích sự cô tịch và thanh thoát, trầm lặng để lắng nghe.

Ước gì khoảng trời bao la trên đỉnh núi

nâng con lên khỏi những nhỏ mọn hằng ngày.

Và ước gì khi xuống núi,

con thấy mình mạnh mẽ hơn để đón lấy những gai góc của đời con. Amen.

 

Suy Niệm 2: Đức tin hi vọng

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Thư Do thái khẳng định: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy”. Ta tin tưởng vì Lời Chúa hoàn toàn chân thực và quyền năng.

Ta hi vọng tin tưởng, vì Lời Chúa sáng tạo vũ trụ. Vì thế Thiên Chúa là Chúa Tể Càn Khôn. Nơi Người tràn đầy sức sống, tình yêu và hạnh phúc. Đó chính là điều nhiều vị thánh đã được chứng nghiệm. Mô-sê trên đỉnh Xi-nai khói lửa mịt mù. I-sa-i-a trong thánh điện rực rỡ vinh quang. Hôm nay các môn đệ trên đỉnh núi Ta-bo. “Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy”. Đó chỉ là cố gắng diễn tả. Ngôn ngữ trần gian không tài nào tả hết cảnh huy hoàng lộng lẫy của thiên đình. Càng không thể diễn tả hết niềm hạnh phúc tâm hồn cảm thấy. Phê-rô mê mẩn thưa rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay!”..Thật ra ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng”. Không thể diễn tả. Nhưng thật đáng mơ ước. Kinh hoàng vì vượt quá sức loài người. Nhưng hạnh phúc vì đạt tới niềm vui khôn tả. Đó là niềm hi vọng có thật. Hoàn toàn vững chắc. Bảo chứng muôn đời.

Ta hi vọng tin tưởng, vì Lời Chúa dẫn đường chỉ lối cho ta đạt tới hạnh phúc Chúa hứa: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người”. Các tổ phụ đã có đức tin lớn lao nên đã vâng nghe Lời Chúa. Và đạt tới lời Chúa hứa. “Nhờ tin…, ông A-ban đã được chứng nhận là người công chính…Ông Kha-nốc..khỏi chết…vì đã làm đẹp lòng Thiên Chúa. Mà không có đức tin, thì không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa…Nhờ đức tin, ông Nô-ê …cứu được gia đình ông. Tin như thế là ông đã lên án thế gian, và được phần gia nghiệp là sự công chính nhờ đức tin” (năm lẻ).

Ta hi vọng tin tưởng, vì Lời Chúa chân thật xứng đáng cho ta tin cậy. Lời thế gian thường gian dối. Nó phát xuất từ cái lưỡi “làm cho toàn thân bị ô nhiễm, đốt cháy bánh xe cuộc đời, vì chính nó bị lửa hoả ngục đốt cháy….Cái lưỡi thì không ai chế ngự được: nó là sự dữ không bao giờ ở yên, vì nó chứa đầy nọc độc giết người”. Vì thế thánh Gia-cô-bê khuyên nhủ ta hãy biết dùng lời mà nói những lời thánh thiện và chân thật. Đó là phải “dùng lưỡi mà chúc tụng Chúa là Cha chúng ta”. Đã tin vào Lời Chúa, ta phải luôn nói lời chân thật “Ai không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo” (năm chẵn).

 

Suy Niệm 3: Biến hình với Chúa

Lịch sử cứu độ được dệt bằng những cuộc ra đi. Dường như Thiên Chúa không muốn cho người dậm chân tại chỗ: Ngài kêu gọi Abraham từ bỏ quê hương xứ sở để đi đến một nơi mà ông không biết; Ngài thúc đẩy Môsê rời bỏ cung điện nguy nga để tìm đến nơi hoang vắng, Ngài ra lệnh cho ông phải đưa dân Israel ra khỏi Ai Cập; Ngài kêu gọi Êlia hãy lên ngọn núi cao để nhận ra sứ điệp của Ngài. Chính Chúa Giêsu cũng đã làm một cuộc ra đi: Ngài rời bỏ ngôi nhà của Cha để đến cư ngụ giữa loài người.

Tin Mừng hôm nay hé mở cho chúng ta thấy vinh quang mà Con Thiên Chúa đã có trước khi đến trần gian. Vinh quang mà Chúa Giêsu hé mở cho các Tông đồ thân tín được thể hiện sáu ngày sau khi Ngài loan báo về cuộc khổ nạn và cái chết mà Ngài sắp trải qua. Qua cuộc biến hình này, Ngài muốn củng cố niềm tin của các Tông đồ vào sứ mệnh của Ngài: Ngài phải chịu chết rồi mới sống lại vinh hiển, Ngài phải trẩy đi từ sự sống qua sự chết và đạt tới sự Phục sinh vinh hiển. Và đó cũng là con đường tất yếu của những ai muốn đi theo Ngài; con đường Chúa Giêsu sẽ đi qua cũng sẽ là con đường mà các môn đệ Ngài phải đi qua.

Cuộc biến hình nào cũng là một cuộc trẩy đi, một cuộc đổi đời. Cuộc sống của người Kitô hữu là một chuỗi những ra đi, những cái chết từng giây từng phút. Ðó là điều Chúa Giêsu đòi hỏi nơi chúng ta: "Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sai, thì không xứng đáng là môn đệ Ta".

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nghiêm chỉnh tự đặt cho mình câu hỏi: Tôi có thực sự muốn được biến hình không? Tôi có thực sự muốn sống sự sống thần linh của Chúa không? Tôi có thực sự muốn làm môn đệ của Chúa không? Ðức tin của tôi có đủ mạnh để biến đổi cuộc sống của tôi không? Mỗi quyết định của tôi trong cuộc sống có là một bước tiến để đưa tôi đến gần cuộc sống vĩnh cửu không?

Ước gì Lời Chúa hôm nay soi sáng cuộc sống hiện tại của chúng ta. Những vất vả khổ đau mà chúng ta đang trải qua trong cuộc sống này phải được sống và được nhìn với niềm hy vọng vào cuộc biến hình vinh hiển đang chờ đón chúng ta. Từng bước một, xin Chúa Kitô Phục Sinh thêm sức để chúng ta vững tin tiến tới.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Không được phép dựng lều

Sáu ngày sau, Đức Giêsu đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. (Mc. 9, 2-3)

Trèo lên núi cao, có nghĩa là ra khỏi quê hương hay nơi cư trú của mình, là nâng mình lên cao khỏi những lo lắng thường ngày, là cắt nhịp sống tầm thường để tiến tới cuộc sống phi thường. Thánh Phêrô đã thấy rõ khía cạnh này khi đi lên núi cùng với Chúa Giêsu, Giacôbê và Gioan. Ông cảm thấy khoan khoái khi được ở trên ngọn núi này. Vì thế ông đề nghị dựng lều cho Chúa Giêsu ở đây. Chúa Giêsu từ chối lời đề nghi này của Phêrô, bởi lẽ đối với Chúa không có vấn đề du lịch, cũng không phải ra khỏi xứ. Việc lên núi này tham dự vào sứ mạng của Người. Thực vậy, biến cố Chúa hiển dung trước tiên là vì các môn đệ, và củng cố niềm tin của các ông đối với Chúa Giêsu. Chúa biến đổi hình dạng sáng láng, y phục Người trở nên rực rỡ trắng tinh có nghĩa là Người được bao trùm vinh quang của Thiên Chúa. Hơn nữa, cuộc đàm đạo của Chúa với những nhân vật có thế giá của Cựu ước là Elia và Mô-sê cũng là cách nói cho các môn đệ hiểu rằng Đức Giêsu được nhập vào hàng ngũ và đang đi theo đường lối của hai vị đại ngôn sứ này. Thánh Luca nói đến đề tài của cuộc đàm đạo này: “Các ngài nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem.” Cả hai vị Môi-sê và Elia đều là những người từng trải về xuất hành: vị thứ nhất đã đưa dân Do thái ra khỏi Ai cập; còn vị thư hai đã đi khỏi trần gian này một cách huyền bí vào lúc cuối đời. Bằng cái chết và sự phục sinh của Người, Chúa Giêsu phải thực hiện một cuộc xuất hành mới sẽ cho phép những kẻ thuộc về Người tiến đến cùng Thiên Chúa làm một với Người

Tiếng Chúa Cha phán

Trong chương chín, thánh Maccô đã trình bày cho ta thấy các tông đồ đã gặp ngày xui: các ông chậm hiểu, và Phêrô lại còn bị Chúa quở trách. Tình trạng đó hẳn làm cho các tông đồ mất tinh thần và khiến các ông phải tự hỏi liệu Người có phải đúng vị kinh sư mà mình đã chọn để đi theo không. Vì thế việc Chúa biến đổi hình dạng sáng láng đến đúng lúc. Phêrô đã trả lời nói lên căn tính của Đức Giêsu: “Thầy là Đấng Kitô”. Đúng, nhưng chưa đủ. Ở đây, Thiên Chúa Cha cho câu trả lời đầy đủ: “Đây là Con Ta yêu dấu”. Chứng từ này của Chúa Cha làm cho vẻ tăm tối ảm đạm nơi định mệnh của Chúa Giêsu là chân chính, xác thực. Đó là “những tư tưởng của Thiên Chúa “và các tông đồ chỉ có chọn lựa để chấp nhận: “Hãy vâng lời Người!” Dừng lồng khuôn Chúa Giêsu theo hình ảnh đấng thiên sai của các ông, đừng gán cho Người sứ mạng của một Đấng Kitô mang tính cách chính trị phải chiến thắng và phục thù. Các ông phải đón nhận Đấng-Thiên-Chúa-sai như Thiên Chúa sai đến: một Đấng thiên sai phải chịu đau khổ rồi mới vinh quang. Phải có điều này vì điều kia.

 

Suy Niệm 5: Một cuộc biến đổi

Cuộc biến hình hôm nay được diễn ra sau sáu ngày Đức Giêsu loan báo cuộc khổ nạn của Ngài cho các môn đệ.

Giờ đã đến, Đức Giêsu hé mở vinh quang của Ngài trong tư cách là Đấng Thiên Sai - Con Thiên Chúa. Qua cuộc biến hình của Ngài với Êlia và Môsê, Đức Giêsu muốn dạy cho các ông bài học rằng: chính Ngài phải chịu đau khổ rồi mới đến vinh quang; phải trải qua cái chết rồi mới phục sinh. Đây cũng là con đường dẫn đến hạnh phúc dành cho người môn đệ nếu muốn chung phần với Thầy của mình.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta vững tin vào Chúa. Luôn biết quy chiếu cuộc đời chúng ta trong niềm hy vọng phục sinh. Biết đón nhận thử thách và đau khổ trong cuộc đời với lòng yêu mến Chúa, để nhờ đó, chúng ta được hạnh phúc như Chúa đã mặc khải cho các môn đệ khi xưa.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con lòng yêu mến Chúa tha thiết. Biết trung thành với Chúa trong mọi hoàn cảnh, để mai sau được phục sinh với Ngài. Amen.

 Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 6: Chúa Giêsu biến hình trong vinh quang

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu biến hình trong vinh quang để báo trước thân xác sẽ phục sinh vinh hiển. Muốn được sống lại trong vinh quang Nước Trời, chúng ta cần chuẩn bị trong đời sống hiện tại, bằng cách vâng nghe lời Chúa Giêsu, nhất là liều mạng sống vì Tin Mừng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã tỏ mình vinh quang trên núi như một báo hiệu phục sinh. Con đang chờ đợi cả linh hồn và thân xác con người được tham dự vào vinh quang của Chúa, con chờ đợi thân xác được sống lại trong Nước Trời. Con tin rằng trong cuộc chờ đợi này, Chúa vẫn luôn hiện diện với con. Lời Chúa trở thành bảo đảm cho đời sống tâm linh. Chúa vẫn luôn tỏ mình qua Lời Chúa. Xin giúp con nhận ra bóng dáng Chúa hiện diện như một an ủi cho con: “Ở đây thì tốt quá”.

Lạy Chúa, hôm nay con lắng nghe và ghi nhớ Lời Chúa Cha tuyên phán: “Các ngươi hãy nghe lời Người”. Vâng, Lời Chúa có sức mạnh biến đổi con người. Xin Chúa ban cho con một lời - dù chỉ một lời thôi - đủ sức cải hóa con. Nhưng để sống Lời Chúa, con biết mình phải hy sinh thật nhiều: hy sinh những ý riêng, hy sinh từ bỏ những tật xấu, hy sinh những điều con ưa thích nhất. Điều đó thật cam go, vì nó ngược với tính tự nhiên của con. Xin Chúa giúp con sống Lời Chúa, giúp con thống hối ăn năn trở lại với Chúa, và kiên trì thực hành Lời Chúa với lòng yêu mến chân thành.

Lạy Chúa Giêsu, được Lời Chúa tăng cường sinh lực và cải hóa, con sẽ góp phần xây dựng Nước Chúa, với niềm vui hy vọng được sống muôn đời như Chúa đã hứa ban. Amen.

Ghi nhớ: “Người biến hình trước mặt các ông”.

 

Suy Niệm 7: Đức Giêsu biến hình

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Tin Mừng hôm nay hé mở cho ta thấy vinh quang mà Con Thiên Chúa đã có trước khi đến trần gian. Vinh quang mà Đức Giêsu hé mở cho các Tông đồ thân tín  được thể hiện sáu ngày khi Ngài loan báo về cuộc khổ nạn và cái chết mà Ngài sắp trải qua. Qua cuộc biến hình này, Ngài muốn củng cố niềm tin của các Tông đồ vào sứ mệnh của Ngài: Ngài phải chịu chết rồi mới sống lại vinh hiển, Ngài phải trải đi từ sự sống qua sự chết rồi mới đạt tới sự Phục sinh vinh hiển. Và đó cũng là con đường tất yếu của những ai muốn đi theo Ngài. Con đường Đức Giêsu sẽ đi qua cũng sẽ là con đường mà các môn đệ Ngài phải đi qua.

2. Mục đích việc biến hình của Chúa.

Chắc chắn tâm tư các môn đệ vẫn còn xót xa, hoang mang bởi lời quả quyết của Đức Giêsu khi Ngài tiết lộ cho các ông: Ngài phải tới Giêrusalem, để chịu nhục hình, bị đối xử như tên tội phạm, chịu đau đớn, chịu đóng đinh vào thập giá và chết. Trước mắt họ, tương lai toàn là mầu đen nhục nhã. Nhưng toàn cảnh núi Biến hình là vinh quang. Mặt Đức Giêsu sáng rỡ ràng như mặt trời, áo Ngài rực rỡ chói lòa như ánh sáng...

Chắc chắn cảnh tượng đó làm cho các ông phấn khởi, họ đã thấy vinh quang  bên kia cảnh nhục nhã, khải hoàn bên kia cảnh đau khổ, vương miện bên kia thập giá. Ngay lúc ấy, họ cũng chưa phải là đã hiểu trọn vẹn, nhưng chắc chắn họ đã lờ mờ ý thức được rằng thập giá là hoàn toàn khổ nhục, nhưng nó đi liền với vinh quang, là nét chính của cuộc xuất hành đến Giêrusalem và đến cái chết.

3. Các ông cần được củng cố, nâng đỡ.

Các môn đệ cần được nâng đỡ qua biến cố biến hình này, vì sẽ đến một ngày và ở trên một ngọn đồi kia, lúc đó bầu trời sẽ trở nên tối tăm, khuôn mặt Đức Giêsu sẽ đầm đìa mồ hôi và máu, quần áo của Ngài sẽ không còn chói sáng nữa, mà sẽ bị lột khỏi thân mình Ngài. Sẽ không có tiếng nói phát xuất từ trời nữa, nhưng chỉ có những giọng nói chế diễu và nhạo báng mà thôi. Các môn đệ sẽ bị tản mác, và không muốn tham dự vào những sự việc đang xẩy ra.

Biến cố biến hình còn cho các môn đệ niềm hy vọng là: con đường đau khổ sẽ dẫn đến hạnh phúc, cái chết tủi nhục sẽ dẫn đến ngày Phục sinh hân hoan. Tựa như học sinh kiên nhẫn và miệt mài hy vọng một mùa thi tốt đẹp, người nông phu dầm mưa dãi nắng cấy cầy vì hy vọng vào mùa gặt bội thu.

4. Các ông muốn hưởng những phút huy hoàng.

Qua cuộc biến hình nhiều người đã có cảm nghiệm như thánh Phêrô: ông muốn làm ba lều cho Đức Giêsu, cho Maisen và cho Êlia. Ông muốn kéo dài giây phút huy hoàng ấy. Ông không muốn trở về với công việc thường ngày, ông muốn ở lại mãi mãi với vinh quang rực rỡ. Ai đã từng trải qua những giây phút thân mật, trong sáng, bình an, gần gũi với Chúa cũng đều muốn kéo dài những giây phút ấy, như có người đã diễn tả: “Núi Biến hình bao giờ cũng thích thú hơn là công tác phục vụ hằng ngày hay con đường thập giá”.

Nhưng núi Biến hình được ban cho ta chỉ để cho ta có sức mạnh làm công tác phục vụ. Giờ phút vinh quang  không xuất hiện vì chính nó, nó xuất hiện là để khoác vẻ đẹp lóng lánh, rực rỡ  cho những công việc bình thường mà trước kia chúng ta chẳng hề có.

5. Nhưng các ông cần phải xuống núi.

Cũng như Phêrô và các môn đệ, mỗi người chúng ta  ai cũng muốn được  ở trên đỉnh vinh quang, nhưng lại không muốn đối diện với thực tế của cuộc đời, và muốn trốn tránh kiếp lữ hành trần thế, muốn trốn tránh thập giá là con đường duy nhất đưa đến sự phục sinh. Đức Giêsu hôm nay vừa tỏ cho chúng ta thấy viễn cảnh Phục Sinh  để nâng đỡ niềm tin cho chúng ta và cho chúng ta một niềm hy vọng chắc chắn về đời sống vĩnh hằng, nhưng Ngài mời gọi chúng ta phải xuống núi: xuống núi vừa để giúp những người khác  thêm niềm tin và hy vọng, xuống núi để tiếp tục cuộc lữ hành trần thế tiến về quê Trời.

6. Truyện: Thưa, chính Chúa đấy ạ.

Cha John Diamond một nhà giảng thuyết nổi tiếng ở Mỹ có kể lại câu chuyện này:

“Hôm đó có một linh hồn vì chán ngấy cuộc sống ở thế gian cho nên linh hồn đi lên trước cửa Thiên đàng. Tới nơi linh hồn gõ cửa. Ở trong có tiếng nói vọng ra: “Ai đó”? Linh hồn trả lời: “Con đấy ạ”.

Cửa vẫn đóng.

Sau đó linh hồn trở về với đời sống ở trần thế tìm thầy học đạo. Sau một thời gian thấy mình đã tiến bộ, linh hồn lại lên gõ cửa Thiên Đàng một lần nữa. Lại một tiếng hỏi từ bên trong như lần trước và linh hồn trả lời  một cách quả quyết hơn: “Dạ chính con đây”.

Cửa vẫn đóng.

Linh hồn lại phải trở về trần thế... mở sách Tin Mừng để xem Chúa muốn gì. Quả thực khi mở Tin Mừng ra linh hồn mới thấy con đưởng của mình phải đi  là con đường nào. Đó là con đường tự hủy. Chúa nói thật rõ về con đường phải làm chết cái tôi ích kỷ, hay khoe khoang, phô trương, hay tự mãn, hay ghen ghét. Phải làm chết đi cái tôi đầy hận thù, nhiều kiêu ngạo và đầy dẫy những ham muốn bất chính để làm cho con người của mình dần dần được giống Thiên Chúa Cha trên trời.

Sau một thời gian thấy mình quả thực đã không còn là mình nữa thì linh hồn lại lên trời... lại gõ cửa... lại có tiếng từ bên trong hỏi vọng ra: “Ai đó”?

Vừa nghe xong câu hỏi linh hồn đáp lại ngay: “Dạ, thưa chính Chúa đấy ạ”.

Vừa trả lời xong thì linh hồn thấy cửa Thiên đàng được mở ra và cả một đạo binh các thiên thần long trọng đón linh hồn vào Thiên đàng. Thật vui biết bao!

 

Suy Niệm 8: Con đường thập giá của Chúa Giêsu

(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

Việc Chúa Giêsu biến hình xảy ra sau khi Chúa Giêsu báo tin Ngài sẽ chịu nạn chịu chết và bảo các môn đệ của Ngài cũng hãy đi theo con đường thập giá của Ngài. Như vậy, việc biến hình nhằm an ủi các môn đệ sau thập giá là phục sinh, sau đau khổ sẽ tới vinh quang.

B.... nẩy mầm.

1. Phêrô muốn dựng lều cho Môsê, Êlia và Chúa Giêsu, nghĩa là ông thích hưởng cảnh vinh quang sáng láng. Nhưng cảnh đó chỉ diễn ra trong thoáng mắt, sau đó mọi sự trở lại như trước, Chúa Giêsu dẫn các ông xuống núi. Ai mà không thích thiên đàng, nhưng muốn lên thiên đàng thì trước đó phải vác thập giá theo Chúa.

2. Chúa Giêsu biến hình để trở lại hình ảnh vinh quang vốn có của Ngài trước đây. Chúng ta cũng thường biến hình, nhưng biến từ hình ảnh Thiên Chúa lúc mới được tạo dựng thành hình ảnh méo mó xấu xí vì tội lỗi. Vì thế chúng ta phải thường cố gắng biến trở lại hình ảnh ban đầu.

3. "Hãy vâng nghe lời Ngài" các môn đệ Đức Giêsu – và cả chúng ta – rất sung sướng được ở trong vinh quang của Chúa. Họ khó chịu khi nghe Ngài nói tới con đường thập giá. Thậm chí Phêrô còn cản ngăn Ngài. Nhưng Chúa Cha bảo "Hãy vâng nghe lời Ngài", nghĩa là phải chấp nhận đi theo Ngài trên con đường thập giá trước rồi mới được tới vinh quang. Nhưng thực ra, nghe lời một Đức Giêsu vinh quang thì dễ hơn nghe lời một Đức Giêsu thập giá nhiều!

4. "Từ trong đám mây có tiếng phán rằng Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người" (Mc 9,7b)

Tối hôm đó, sau khi đã từ giã bà con thân thuộc và những ân nhân, bạn hữu đến thăm, chỉ còn lại hai mẹ con trong nhà, bà Magarita âu yếm nhìn con và nói "Gioan của mẹ, hôm nay con đã là Linh mục của Chúa và con được diễm phúc cử hành Thánh lễ. Từ nay con đừng lo gì cho mẹ hết, nhưng hãy lo một điều duy nhất là cứu rỗi các linh hồn". Những lời của mẹ, Gioan Boscô đã ghi lòng tạc dạ và đã nên thánh. Lời của một người mẹ còn có sức mạnh như thế, huống hồ là lời Chúa. Lời Chúa có sức mạnh ngàn lần. Vậy mà tôi lại xem thường, không để tâm thực hành trong cuộc sống.

Lạy Cha, xin giúp con làm những gì Chúa Giêsu đã làm, là hướng về Cha trong tâm tình cầu nguyện. Ước gì con cũng được nghe Cha nói với con "Con là con yêu dấu của Cha" (Epphata).

5. "Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy" (Mc 9,3)

Để tổng kết cuối năm, các Công ty tính toán sổ sách và nhìn lại một năm qua đã tiến hay lùi thế nào.

Tôi cũng dành lại thời gian để hồi tâm về quá khứ, tổng kết các công việc của tôi. Trước mắt tôi là "cuốn sổ ghi cuộc đời". Những kế hoạch, dự định đặt ra vào đầu năm, tôi vẫn cứ loay hoay ở bước khởi đầu; mọi vốn liếng về kiến thức, nhân đức, ơn Chúa như đang bị thâm thủng, nói chi đến lãi lời. Tôi đang chùn bước hay đang tiến? Và nếu có tiến thì tiến ở tốc độ nào? Biết bao nhiêu câu hỏi đặt ra cho tôi vào tối nay. Tôi quyết tâm như thế nào đây?

Lạy Chúa, nhìn lại thì không thiếu, nhìn tới thì không thừa. Xin cho con nhận ra ý Chúa ngay trong hiện tại. (Epphata)

 

Suy Niệm 9: Hình ảnh đích thực của Chúa Giêsu

(Lm. Giuse Đinh Tất Quý)

1. Chúa Giêsu biến hình để cho các môn đệ thấy hình ảnh vốn có của Ngài.

Chúng ta cũng thường biến hình, nhưng biến từ hình ảnh Thiên Chúa mới tạo dựng, thành hình ảnh méo mó xấu xa vì tội lỗi.

Léonard de Vinci là một họa sĩ trứ danh vào thế kỷ XVI, quê ở gần thành Florence nước Ý. Lần kia cha bề trên tu viện Sancta Maria delle Grazie nhờ họa sĩ vẽ cho ngài một bức ảnh lớn "Chúa Giêsu đang dùng bữa tiệc ly với 12 tông đồ", để trang trí tại phòng ăn. Theo ý cha bề trên, các nhân vật trong bức ảnh phải vẽ theo hình dạng của người địa phương. Chính vì thế họa sĩ phải đi tìm người làm kiểu mẫu để vẽ hình Chúa Giêsu trước hết. Hôm ấy, ngày lễ bổn mạng nhà thờ Milan, khi vào dự thánh lễ, họa sĩ thấy một thanh niên đang giúp lễ. Thanh niên này chừng độ 18 tuổi, mặc áo dòng trắng, người cao và gầy. Tóc quăn như sóng dợn. Mặt mũi vui tươi, biểu lộ một tâm hồn trong trắng. Hai con mắt sáng sủa hiền từ với nụ cười duyên dáng luôn nở trên môi. Lễ xong, họa sĩ Léonard liền vào phòng thánh gặp chàng thanh niên mà hỏi:

- Tên em là gì?

Chàng thanh niên mỉm cười trả lời:

- Thưa ông, tên tôi là Pietro Bandinelli, tôi đang học la-tinh với cha sở, để sau vào chủng viện làm linh mục.

Họa sĩ đã nhờ thanh niên này ngồi làm kiểu mẫu để vẽ hình Chúa Giêsu. Khi vẽ xong, ai cũng phải khen ngợi là hình giống Chúa Giêsu, rất đẹp và sống động.

Sau ba năm trổ tài, họa sĩ vẽ xong mười một tông đồ khác. Chỉ còn thiếu mỗi hình Giuda. Họa sĩ đã vào các nhà tù, tìm gặp các phạm nhân để làm kiểu mẫu, nhưng không tìm được ai xứng hợp. Lần kia, tình cờ đang đi trong một ngõ hẻm, thì gặp một người đàn ông say rượu, đang đi thất thểu, ngã tới ngã lui. Mặt mũi còm cõi hốc hác, tóc tai rối bời. Họa sĩ Léonard de Vinci liền kéo giấy và lấy bút để vẽ người này làm hình Giuda. Vẽ xong, họa sĩ Léonard hỏi người say rượu:

- Anh tên là gì?

Người đó trả lời

- Tên tôi là Pietro Bandinelli...

Nghe vậy họa sĩ Léonard giật mình, hỏi thêm:

- Có phải trước đây 3 năm, anh đã giúp lễ trong nhà thờ thành Milan không?

Người say rượu trả lời:

- Thưa phải.

Lúc ấy họa sĩ Léonard thở dài kêu lên: "Ôi con người chóng thay đổi dường nào? Người mà trước đây 3 năm, tôi đã dùng làm kiểu mẫu vẽ hình Chúa Giêsu, thì cũng con người ấy, hôm nay tôi lại dùng để làm kiểu mẫu vẽ hình Giuda phản bội" (Cổ tích tạp chí trang 21).

Có lẽ chúng ta chưa đến mức độ như thế, nhưng nhìn lại và so sánh với hình ảnh của Chúa Giêsu nơi mỗi người chúng ta có lẽ nhiều lúc chúng ta cũng phải giật mình!

2. Chính vì thế mà chúng ta phải cố gắng rà lại cuộc sống của mình và làm cho cuộc sống mỗi ngày tốt hơn.

Cha Laminfgal là một linh mục rất nổi tiếng trong việc giáo dục thanh thiếu niên bụi đời. Một lần nọ, có cậu bé mới tám tuổi đã phạm tội giết cả cha mẹ và cướp nhà băng. Cảnh sát đã nhiều lần bắt em, nhưng không thể bỏ tù vì em quá nhỏ, phải 12 tuổi mới bị giam tù được. Cảnh sát đành bó tay không biết làm sao, nhưng nếu thả em ra, em lại tiếp tục làm những điều gian ác khác. Sau cùng, họ gọi điện thoại cho cha Lamingal xin ngài nhận em trong trường của ngài. Không chút do dự, cha trả lời:

- Được, cứ đem em tới đây.

Chính em sau này đã kể lại:

- Hôm ấy, em được cảnh sát đem xe chở tới trường của cha Lamingal, dọc đường em tự nhủ, nếu đến nơi mà cha mở miệng nói thương em, em sẽ giết ngài ngay tại chỗ.

Đến cửa phòng cha, cảnh sát đứng ngoài gõ cửa. Từ trong phòng, cha mở cửa cho họ vào. Vừa thấy em, cha vui vẻ nói:

- Ồ, cậu bé này là ai đây?

- Thưa cha, David.

- Đúng, đúng lắm. Con là David, cả trường đang đợi con đấy. Cha mừng vì con đã tới. Có lẽ con cũng thích đi quanh trường một vòng xem các lớp học, nơi làm việc, phòng ăn, phòng ngủ và bạn bè. Đây là Henry. Henry sẽ dẫn con đi xem trường và nếu con muốn, con có thể chọn một nghề mà con ưa thích. Nhưng chưa có gì phải vội đâu, con cứ thong thả, lát nữa cha sẻ nói chuyện với con sau.

Và David kể tiếp:

Cha Lamingal chỉ nói với em có bấy nhiêu thôi, không thêm bớt chút nào nữa. Nhưng thật ra, sau mấy phút gặp gỡ cha lúc đó cũng đủ để đổi thay toàn bộ cuộc đời em.

David thú nhận, đó lần đầu tiên em nhìn thẳng vào mắt một người. Người ấy không nói là người ấy thương em, nhưng qua ánh mắt, người ấy nói với em rằng: "Con là đứa trẻ tốt. Con không phải là đứa trẻ xấu xa và phạm nhiều tội ác".

Và từ ngày đó, em nhất quyết thay đổi đời sống để càng ngày càng trở nên tốt hơn.

Lạy Chúa, xin biến đổi con, để con được trở nên giống Chúa hơn. Amen.

 

Bài cùng chuyên mục:

Thứ Hai 25/11/2024 – Thứ Hai tuần 34 thường niên – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (24/11/2024 10:00:00 - Xem: 390)

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam.

+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,750)

CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.

Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,190)

Thứ Bảy tuần 33 thường niên.

Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,740)

Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,420)

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.

Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,810)

Thứ Tư tuần 33 thường niên.

Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,804)

Thứ Ba tuần 33 thường niên.

Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,909)

Thứ Hai tuần 33 thường niên.

+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,199)

CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.

Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,577)

Thứ Bảy tuần 32 thường niên.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7