Lời chúa mỗi ngày

Thứ Bảy 11/03/2023 – Thứ Bảy tuần 2 Mùa Chay. – Người cha nhân hậu.

  • In trang này
  • Lượt xem: 5,249
  • Ngày đăng: 10/03/2023 10:00:00

Người cha nhân hậu.

11/03 – Thứ Bảy tuần 2 Mùa Chay.

“Em con đã chết nay sống lại”.

 

Lời Chúa: Lc 15, 1-3. 11-32

Khi ấy, những người thâu thuế và những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng”. Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này:

“Người kia có hai con trai. Ðứa em đến thưa cha rằng: “Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con”. Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả tiền của mình trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ, phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của, thì gặp nạn đói lớn trong miền đó và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho.

Bấy giờ nó mới hồi tâm lại và tự nhủ: “Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói! Tôi muốn ra đi, trở về với cha tôi và thưa người rằng: “Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha”. Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy lại ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu. Người con trai lúc đó thưa rằng: “Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa”. Nhưng người cha bảo các đầy tớ: “Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu; hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng, vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.

“Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: “Ðó là em cậu đã trở về và cha cậu đã giết con bê béo, vì thấy cậu ấy trở về mạnh khoẻ”. Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào, nhưng anh trả lời: “Cha coi, đã bao nhiêu năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn; còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn điếm nay trở về, thì cha lại sai làm thịt con bê béo ăn mừng nó”. Nhưng người cha bảo: “Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”.

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Ăn mừng

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Dụ ngôn người cha nhân hậu là một dụ ngôn nổi tiếng,

qua đó Đức Giêsu cho thấy tại sao Ngài đón tiếp và ăn uống với tội nhân.

Đơn giản chỉ vì ngài giống Thiên Chúa là người Cha nhân hậu.

Người cha nhân hậu là người tôn trọng tự do của đứa con thứ,

người đã chia một phần ba gia sản cho nó ngay khi ông còn sống.

Ông đã không tìm con, như người ta tìm chiên lạc hay tìm đồng bạc bị mất.

Ông tin và hy vọng sớm muộn nó sẽ về, nên ông kiên nhẫn chờ.

Vì chờ, nên ông là người đầu tiên trông thấy con trở về tiều tụy.

Không cầm lòng được vì thương, ông chạy ra, ôm lấy cổ con mà hôn.

Người con của ông đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy.

Khi con thứ sám hối, ông đã trả lại cho cậu tất cả vinh dự của người con.

Việc duy nhất phải làm ngay là mở tiệc ăn mừng (cc. 23, 24. 29, 32).

Khi con cả giận dỗi, không chịu vào nhà chung vui với cha và em,

một lần nữa người cha lại đi ra và năn nỉ (c. 28).

Ông chấp nhận ở thế yếu vì ông không muốn mất một đứa con nào.

Ông không thể yên tâm ở trong nhà khi còn một đứa con ngoài cổng.

Hoán cải bao giờ cũng khó.

Con thứ phải can đảm lắm mới dám trở về nhà cha.

Làm sao lường được phản ứng của cha, anh, của gia nhân, hàng xóm?

Làm sao dám về nhà trong tình trạng thân tàn ma dại?

Nhưng con cả cũng không dễ vào nhà chút nào,

vì vào nhà là phải bắt tay thằng em đã phung phí hết của cải,

vào nhà là phải chấp nhận sự thiên vị khó hiểu của người cha (cc. 29-30).

Cả hai người con đều cần hoán cải.

Người con cả cũng hỗn hào với cha không kém gì đứa em (c. 30).

Em bỏ nhà ra đi nên đói, còn anh không chịu vào nhà nên cũng có thể bị đói.

Anh phục vụ cha rất tốt nhưng lại mong cha trả công như người thợ (c. 29).

Anh ở gần cha, nhưng thực sự trái tim lại xa cha.

Khi cha vui vì em trở về thì anh lại buồn giận.

Mùa Chay là thời gian trở về với Cha, trở lại với anh em.

Người con thứ đã đứng lên trở về nhà cha và tìm được hạnh phúc.

Không rõ người con cả có vào nhà cha và ôm lấy em mình không?

 

Cầu nguyện:

Lạy Cha,

người con thứ đã muốn tự định đoạt lấy đời mình.

Chúng con vẫn rơi vào tội của người con thứ,

khi coi Cha

như người cản trở hạnh phúc của chúng con.

Chúng con thèm được tự do bay nhảy

ngoài vòng tay Cha,

nhưng tự do ấy lại biến chúng con thành nô lệ.

Hạnh phúc do thế gian ban tặng thì bọt bèo.

Như người con thứ,

chúng con bỗng thấy mình tay trắng,

rơi xuống chỗ cùng cực và bị cái chết đe dọa.

Lạy Cha đầy lòng bao dung,

xin kéo chúng con trở về với Cha mỗi ngày,

giúp chúng con điều chỉnh những đam mê lệch lạc.

Xin nâng chúng con đứng lên trong niềm vui

vì tin rằng tình Cha lớn hơn tội chúng con vạn bội.

Ước gì những vấp ngã khiến chúng con lớn lên,

thấy mình mong manh, thấy Cha rộng lượng.

Ước gì sau mỗi lần được Cha tha thứ,

chúng con lại thấy mình hiền hòa hơn với tha nhân. Amen.

 

Suy Niệm 2: Tấm lòng Cha

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Trung tâm điểm của mùa chay, đó là trở về với Chúa là Cha chúng ta. Thiên Chúa là người Cha rất yêu thương có tấm lòng nhân hậu vô biên. Cha là người ban sự sống. Không có cha thì không có sự sống. Có sự sống là có tất cả. Không có sự sống là không có gì hết. Vì thế cha không những là nguồn cội phát sinh mà còn là nguồn mạch hạnh phúc.

Nhưng ma quỉ đưa ra một cơn cám dỗ tinh vi. Làm cho người ta nghĩ rằng lệ thuộc vào Thiên Chúa là mất tự do. Xui khiến người ta tìm cách làm chủ đời mình, bằng cách tách lìa khỏi Thiên Chúa. Nhưng họ đã phải đón nhận hậu quả phũ phàng.

Khi chiếm đoạt của cải của Thiên Chúa, con người nghĩ rằng mình giầu có. Nhưng không ngờ con người trở nên nghèo túng nhất.

Khi ra khỏi ảnh hưởng của Thiên Chúa, con người tưởng mình tự do. Nhưng không ngờ lại trở nên nô lệ nhất.

Khi con người chống lại Thiên Chúa, mọi thứ chống lại con người. Cả thiên nhiên, cả súc vật. Và con người chống lại nhau.

Khi không còn lệ thuộc Thiên Chúa, con người tưởng phẩm giá mình được nâng cao. Không ngờ con người trở nên tồi tệ, mất nhân phẩm.

Nhưng khi trở về nhà Cha, mọi sự lập tức thay đổi. Người con tưởng như không có gì mà giờ đây có tất cả. Có áo đẹp, giầy mới, nhẫn quí và bữa tiệc thịt béo rượu ngon. Hơn nữa nó có phẩm giá cao quí, được mọi người kính trọng. Trên hết nó được đón nhận và được yêu thương. Về nhà người con hoang đàng thấy rõ. Lìa bỏ cha là mất tất cả. Ở trong cha là có tất cả. Vì mọi sự của cha là của con. Và đặc biệt tấm lòng cha bao dung tha thứ như tiên tri Mika nói: “Người không giữ mãi cơn giận, nhưng chuộng lòng nhân nghĩa. Người sẽ lại thương xót chúng ta. Tội lỗi chúng ta, Người chà đạp dưới chân. Mọi lỗi lầm chúng ta, Người ném xuống đáy biển”.

Tôi đang theo mốt thời đại, muốn thể hiện sĩ diện khi muốn tự do, tách lìa quyền năng của Thiên Chúa. Tôi đang bị cám dỗ muốn toàn quyền sử dụng tiền của, kể cả sức khỏe, thân xác của mình và của người khác. Tôi đang phạm tội. Nhưng cha đang chờ tôi. Hãy mau mắn như người con hoang đàng quyết định: “Vâng, tôi quyết chỗi dậy và đi về nhà Cha”.

 

Suy Niệm 3: Người con hoang đàng

Văn hào Nga Dostoievki khi biết mình không còn sống bao lâu nữa, đã gọi các con đến bên giường bệnh và yêu cầu vợ đọc cho chúng nghe dụ ngôn người con hoang đàng. Khi bà vợ vừa dứt lời, Dostoievki nói như để lại di chúc riêng của ông như sau:

“Các con yêu dấu, các con đừng quên những gì các con vừa nghe đọc. Hãy tin tưởng tuyệt đối vào Chúa, đừng bao giờ thất vọng về sự tha thứ của Ngài. Cha thương các con vô cùng, nhưng tình thương của cha không thể sánh được với tình yêu Thiên Chúa dành cho những ai Ngài đã tạo dựng. Cho dù các con có phạm tội ác, các con đừng bao giờ thất vọng về Thiên Chúa. Các con là con cái Ngài, hãy khiêm tốn đến trước mặt Ngài. Hãy xin Ngài tha thứ và Ngài sẽ vui mừng vì sự sám hối của các con, như người Cha đã vui mừng khi người con hoang trở về”.

Những lời trăn trối của Dostoievki có lẽ cũng chính là tâm tình mà Giáo Hội mời gọi chúng ta khi cho chúng ta lắng nghe dụ ngôn về người con hoang đàng. Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn nêu bật lòng thương xót của Thiên Chúa được chính Ngài cụ thể hoá qua sự gần gũi của Ngài với các tội nhân. Nêu bật lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người, Chúa Giêsu cũng nhắm đến thái độ chai đá của các biệt phái và luật sĩ, được Ngài tô vẽ qua hình ảnh của người con cả. Trong một vài nét ngắn ngủi, nhưng Chúa Giêsu đã phô bày được bộ mặt chai đá, ích kỷ, mù quáng của biệt phái và luật sĩ. Người con cả là hạng người không bao giờ nhận ra được tình thương của Thiên Chúa. Bao lâu nay sống bên cạnh cha, người con cả vẫn xem mình như một thứ người làm công trong nhà, mà không nghĩ rằng “tất cả những gì của cha đều là của con”.

Đó có thể là tâm tình của rất nhiều người trong chúng ta. Chúng ta tuân giữ và thực hành đúng đắn với giới răn, nhưng có lẽ chúng ta chỉ ngước lên Chúa như một quan toà công thẳng hay như một viên cảnh sát lúc nào cũng rình rập theo dõi để trừng phạt chúng ta. Từ một hình ảnh như thế về Thiên Chúa, tâm tình mà chúng ta có đối với Ngài có lẽ chỉ là sợ hãi, nô lệ. Và bởi lẽ không nhận ra Thiên Chúa như một người cha, cho nên con người cũng không nhận ra tha nhân là anh em của mình và như vậy cũng là xúc phạm đến chính Thiên Chúa.

Mùa Chay là mùa của hoán cải. Hoán cải trước tiên là trả lại cho Thiên Chúa gương mặt mà Chúa Giêsu đã mạc khải, đó là gương mặt của người Cha yêu thương con người đến thí ban Con Một mình. Nhưng không thể trở về với Thiên Chúa là Cha mà lại không yêu thương tha thứ cho người anh em của mình.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Người cha nhân hậu

Ðoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe trên đây là một trong những đoạn rất quen thuộc với người Kitô. Trước đây, đoạn Tin Mừng này có tên gọi là Người Con Hoang Ðàng, nhằm nhấn mạnh đến sự hư hỏng và sau đó là sự ăn năn hối lỗi của người con thứ. Theo cách nhìn này thì người con hoang đàng là nhân vật chính trong câu chuyện, nhưng trọng tâm của câu chuyện không phải là người con đi hoang mà là người cha nhân hậu, do đó dụ ngôn này có tên gọi là dụ ngôn về người cha nhân hậu, và được chia làm hai phần với hai dụng ý rõ rệt. Phần đầu nói về Thiên Chúa là Cha nhân hậu. Ngài luôn luôn yêu thương con người, sẵn sàng tha thứ mọi lỗi lầm của họ và hằng mong chờ họ quay trở về với Ngài. Phần thứ hai nói về tính ghen tị của những người tự xưng mình là con của Thiên Chúa, nhưng lại rất nhỏ mọn, thiếu vị tha đối với anh chị em.

Qua ba hình ảnh người cha, người em đi hoang, người anh cả ở nhà trong dụ ngôn trên đây, chúng ta thấy rõ bài học mà Chúa Giêsu muốn nếu lên đó là hãy tin vào lòng nhân từ vô biên của Thiên Chúa Cha, hãy ăn năn sám hối mà trở về với Ngài, hãy chìa tay nâng đỡ anh chị em sa ngã đứng lên.

Lạy Chúa là Cha tuyệt vời của chúng con, xin cho chúng con biết thực hành ba điều giáo huấn mà Chúa Giêsu đã dạy chúng con trong dụ ngôn hôm nay.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 5: Trả lời cho anh cả

Đức Giê-su nói: “Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng: “Thưa cha, xin cho con phần tai sản con được hưởng. Và người cha đã chia của cải cho hai con. Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình. (Lc. 15, 11-13)

Trong dụ ngôn này, chính anh cả là quan trọng nhất, vì chính anh đặt ra những thắc mắc phải được giải đáp.

Người cha vui như điên khi thấy đứa con lầm lạc trở về. Thiên Chúa quan tâm săn đón thương xót kẻ tội lỗi biết bao, để tỏ cho người ta thấy một chút về trái tim thương yêu của Thiên Chúa, để người ta có một chút về hình ảnh công chính của Thiên Chúa. Nhưng bao nhiêu đứa con có vẻ trung thành, lại tỏ ra ngang ngược với cha như đứa con cả, đó là một mầu nhiệm.

Chính ra chúng phải nói tốt và làm tốt như người cha, ông không bao giờ được lợi lộc gì ở đứa ăn bám, nhưng ông vẫn đối xử đẹp với nó, dầu suốt đời ông đã chịu khổ nhọc vì nó. Có lẽ chúng ta vừa mới trách người anh cả khá tệ vì chúng ta cũng nuôi dưỡng cùng một thái độ như anh ta. Vậy nên trách mình trước rồi trách người sau “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Đức Giê-su cũng nói: “Hãy lấy cái xà khỏi mắt anh trước, rồi sẽ lấy cái rác ra khỏi mắt người”.

Trung tín luôn luôn là giá trị tốt nhất của người Ki-tô. Những bản văn Tin mừng đều đề cập đến chủ đề này rất dồi dào: “Hãy đến, tôi tớ tốt lành và trung tín, anh đã trung tín trong việc nhỏ, Ta sẽ trao phó cho anh việc lớn”. “Phúc thay tôi tớ tỉnh thức cho tới lúc chủ về …”

Nhưng đức tin đòi kẻ trung tín không được lộng quyền qua mặt lòng thương xót của Thiên Chúa. Lòng trung tín chân chính biết sống nhân hậu, nó không ghen tương, không tìm cái không thuộc quyền nó, nó không tính toán công lao. Ai dám có quyền trên Thiên Chúa?

Lời đáp của cha rất đẹp: “Con ơi, tất cả của cha là của con”. Thực ra ta phải nói ngược lại và rất hợp lý rằng: “Tất cả của con, con đã nhận được, kể cả lòng trung tín đều là của cha”. Không ai trung tín nếu Thiên Chúa không đoái thương.

Đức trung tín và đức tin đều là ơn huệ của Thiên Chúa ban và vô phúc cho kẻ lạm dụng chiếm lấy như một quyền lợi. Người con cả đã lầm tưởng mình trung tín với cha nên chẳng còn chân thành nghe lời cha nữa, anh tưởng anh phục vụ cha khi ở với cha, nhưng chính cha đã ban cho anh tất cả.

J.G.

 

Suy Niệm 6: Trở nên giống Thiên Chúa trong tình thương

Có một người mẹ đã suốt một đời hy sinh cho con cái. Tuy nhiên, ngay cả đến lúc già nua tóc bạc, bà vẫn không nhận được một nghĩa cử đền ơn báo nghĩa nào của người con. Nhưng mang trong mình tâm tư của người mẹ, với một tình mẫu tử, bà vẫn hết mực thương con.

Câu chuyện trên đây phản chiếu một phần nào hình ảnh của người cha nhân hậu trong bài Tin Mừng hôm nay.

Ông đã quá vất vả vì con cái! Tuy nhiên, thay vì tuổi già, ông được con cái phụng dưỡng, đằng này, nó lại đòi chia gia tài để rồi đi ăn chơi trác táng với phường tội lỗi gian dâm. Hết tiền, hết bạc, bị người ta coi thường, khinh miệt trong thân phận nô lệ và bụng đói thì mò về với Cha của mình!

Tuy nhiên, thay vì xua đuổi, ông lại tỏ ra nhân hậu khi đứa con tội lỗi trở về. Vì thế, người cha này đã tìm mọi cách để phục hồi nhân phẩm và phục quyền cho đứa con lêu lổng một thời đi hoang, và cuối cùng là mở tiệc ăn mừng...

Thế nhưng, hành động của ông nhân từ bao nhiêu, thì hình ảnh, lời nói và thái độ của người con cả lại ngược lại với ông bấy nhiêu.

Người con cả trong bài Tin Mừng hôm nay đã không chấp nhận tha thứ cho người em của anh. Anh ta trách móc cha mình rồi tỵ nạnh với em mình khi kể lể công trạng của anh ta với cha của anh.

Trong cuộc sống hôm nay, chúng ta vẫn thấy hình ảnh phóng đãng ăn chơi của người con thứ, hay thái độ ích kỷ, kiêu ngạo như người con cả ngay trong con người của chúng ta, mỗi lần chúng ta đi xa hay không chịu hiểu về tình thương của Thiên Chúa và lời mời gọi của Ngài.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm, đứng dạy và trở về để được ơn tha thứ của Thiên Chúa. Đừng sợ tình thương của Thiên Chúa, vì tội lỗi của chúng ta có đỏ như son thì Chúa cũng làm cho trắng như tuyết, có thẫm tựa vải điều, Chúa cũng làm cho trắng như bông. Thiên Chúa luôn chờ đợi chúng ta từng ngày, từng giờ như người cha trong bài Tin Mừng hôm nay để tha thứ, tẩy rửa tội lỗi cho chúng ta.

Mặt khác, Lời Chúa hôm nay cũng mời gọi chúng ta đừng vì ích kỷ mà ngăn cản tình thương của Chúa xuống trên anh chị em mình như người con cả trong bài Tin Mừng vừa nghe.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con biết quay trở về với Chúa trong Mùa Chay này như người con thứ, biết từ bỏ thói kiêu ngạo, tự phụ như người con cả, và biết mặc lấy tâm tình từ bi, nhân hậu nơi người Cha trong dụ ngôn hôm nay. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 7: Vui mừng đón nhận con cái trở về

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Niềm vui trở về không phải chỉ là của kẻ quyết tâm sám hối ăn năn, nhưng đó là niềm vui chung của mọi người, niềm vui của cả Thiên Đàng. Chúa Cha vui mừng đón nhận con cái trở về.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, người con hoang đàng trên đường trở về nhà cha trĩu nặng ưu tư lo lắng. Tâm hồn anh xao xuyến nhưng vẫn dũng cảm đến gặp cha mình. Nhưng tất cả ưu tư xao xuyến kia đã bị xóa sạch vì cha yêu thương hơn anh tưởng. Tình thương luôn mang lại nhiều bất ngờ.

Lạy Chúa, cũng như người con thứ kia, có lúc con đã tự tạo cho mình những ngày vui tươi, hạnh phúc theo cách nghĩ riêng con. Nhưng cuối cùng, con cảm nhận những niềm vui và hạnh phúc đó thật là bèo bọt, phũ phàng! Vì thế, hôm nay con muốn dứt khoát, quyết tâm trở về nhà Cha.

Lạy Chúa, đường trở về nhà Cha tràn đầy niềm vui vì là con đường duy nhất có thể cứu sống. Con biết điều đó. Nhưng vẫn còn nhiều trở ngại ngăn cản con. Cũng như người con thứ, con tưởng mình không được đón tiếp mà chỉ mong được cư xử như người làm thuê. Nhưng không! Chúa đón nhận con hơn cả người cha trong dụ ngôn. Hôm nay, không phải người giúp việc mặc áo mới cho con, xỏ nhẫn, xỏ giày cho con. Nhưng chính Chúa làm cho con điều ấy. Tình thương Chúa luôn chờ đợi con trở về và đổi mới cuộc đời con. Niềm vui của con trước hết bắt đầu từ nơi Chúa. Và đó là niềm vui chung của cả gia đình, của cả Nước Trời. Xin cho con biết tin vào tình yêu Chúa và xin nâng đỡ lòng quyết tâm của con.

Lạy Chúa, khởi điểm của lòng sám hối là nhận biết mình yếu đuối tội lỗi. Xin Chúa soi sáng để con nhận ra con người thật của mình với bao lầm lỗi khuyết điểm, và giúp con can đảm đứng dậy trở về với Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “Em con đã chết nay sống lại”.

 

Suy Niệm 8: Dụ ngôn người cha nhân hậu

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Danh họa Rembrandt, người Hà Lan, vào thế kỷ thứ XVII là một thanh niên kiêu hãnh, tự hào về tài năng. Anh làm ra nhiều tiền, nhưng cũng phung phí nhiều và cuối cùng mất hết tất cả.

Tiếp theo giai đoạn thành công và giàu có ngắn ngủi ấy là một chuỗi những thất bại, tai họa và phiền muộn: Năm 1635, người con trai của ông tên là Prubertus qua đời; ba năm sau đến lượt người con gái đầu tiên của ông là Cornelia cũng ra đi, hai năm sau đó, chính người vợ của ông cũng từ giã cõi đời. Ông phải sống cảnh gà trống nuôi con với một đứa con trai là Titô vừa mới được chín tháng tuổi. Sau khi vợ chết, ông toàn gặp khổ đau và thử thách, cuộc tình bất hạnh với bà vú nuôi của Titô đã để lại cho ông thêm hai đứa con khác. Trong những năm sau đó, mặc dù các nhà sưu tầm và giới phê bình nghệ thuật nhìn nhận tài năng của ông, nhưng tiếng tăm của ông đã bắt đầu đi xuống. Ông đã nhìn lại bản thân và cuộc đời để rồi ký thác cái nhìn về cuộc sống đầy sóng gió của mình trong bức tranh nổi tiếng “Người con hoang đàng”.

Suy Niệm

Dụ ngôn người con hoang đàng, hay còn gọi là dụ ngôn ba cha con vì ba nhân vật trong dụ ngôn: Cha, con cả và con thứ hoang đàng hoặc gọi là dụ ngôn người cha nhân hậu làm nổi bật trái tim của người cha: Một trái tim nhân hậu, bao dung tha thứ và tràn đầy yêu thương. Đức Giêsu qua hình ảnh người cha, Ngài mạc khải Thiên Chúa - một người Cha luôn bao dung như lời tuyên bố của ngôn sứ Hôsê: “Chúa vẫn trung thành tiếp tục thương yêu người bất trung” (Hs 14,5). Người con thứ bất trung, bất hiếu lấy tài sản ra đi hoang đàng ăn chơi, bỏ cha già ở nhà, nhưng cha vẫn mong mỏi đứa con trở về.

Người em lạm dụng tình thương, tự cắt bỏ cung lòng yêu thương của cha, của gia đình ra đi hoang đàng sống theo ý mình. Khi rơi xuống tận đáy cặn bã của cuộc đời, trong sự hoang tàn không sức sống và nghèo đói, nghèo hơn cả thân nô lệ, anh trở về xin lỗi mong được nương nhờ nơi nhà cha trong thân phận người làm công, nhưng hơn cả mong đợi, từ sự sám hối, anh được sống trong cảm nghiệm lòng thương của cha.

Người con cả hờn dỗi trách cha vì đón tiếp em về trong niềm vui vô bờ với tiệc mừng và sự đối xử bao dung của cha dành cho đứa em hoang đàng. Anh tự hào về phẩm hạnh của mình, anh sống bên cha trong ân tình của cha mà vẫn không khám phá và cảm nghiệm tình yêu. Vì thế, dù sống bên cha mà sống như người nô lệ không ý thức địa vị là con. Như nhận định của thánh Ambrôisiô: Anh là “biểu tượng của những tâm hồn khi tin vào sự trung thành, yêu và dành hết với những sự việc bên ngoài nhưng xa lạ tinh thần của Thiên Chúa”. Cho nên, dù tất cả là của anh nhưng anh không cảm nghiệm được mình đang có. Thánh Gioan Kim Khẩu suy diễn lời của cha nói với anh “tất cả của cha là của con” bằng lời diễn giải: “Bầu trời là của con, đất đai là của con... Giáo hội, bàn thờ, của lễ hiến dâng, thiên thần, tông đồ, tử đạo, hiện tại, tương lai, sự phục sinh, vĩnh cửu, tất cả là của con. Cha đã không hề lấy cẩm bào của con mà mặc cho em. Cha cũng không lấy gì của con để cho em. Nhưng khi chúng ta nhìn thấy một người chết sống lại, niềm vui thật vô bờ, và người này chính là con cha”. Với người anh cả, đứa em hoang đàng - con của cha, cũng là em của anh, nhưng anh chẳng tình nghĩa gì với cậu em trai, đã không biết chia sẻ niềm vui của cha… anh dù bên cha, nhưng vẫn nhạt nhòa không có tình yêu trong tim.

Một người cắt nguồn tình yêu cha, ra đi sống hoang đàng, nay quay về. Một người sống bên cha, nhưng tinh thần lại xa cách. Anh cả cũng cần mang tinh thần quay về khám phá lại tình yêu sống bên cha... Cả hai mang hình ảnh của mỗi người chúng ta ngày hôm nay hoang tàng đời mình, hay sống thánh thiện phẩm hạnh nhưng lại khô héo tình yêu trong tâm hồn.

Cả hai người con cả và thứ đều cần trở về trong tâm tình sám hối. Sám hối là trở lại với tình yêu, niềm vui, sự sống. Trở về trọn vẹn để được sống lại trong cung lòng thương xót của Chúa như người con thứ. Trở về để khám phá và sống trọn vẹn tình yêu cha, như người anh cả cần khám phá.

Ý lực sống:

“Sự hối cải là một lời cầu nguyện, những người ăn năn sám hối sẽ thấy lòng thương xót của Thiên Chúa được biểu lộ những thực tại tuyệt vời” (Thánh Gioan Kim Khẩu).

 

 Suy Niệm 9: Dụ ngôn đứa con hoang đàng

 (Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Để nói về tình yêu tha thứ của Thiên Chúa đối với người tội lỗi, thánh Luca đưa ra cho chúng ta 3 dụ ngôn: con chiên bị thất lạc, đồng tiền của bà góa bị mất và nhất là đứa con hoang đàng. Hôm nay thánh Luca dưa ra dụ ngôn đứa con hoàng đàng để nói về tình yêu tha thứ của Thiên Chúa đối với người tội lỗi biết ăn năn sám hối. Thực ra, dụ ngôn hôm nay không nhằm đứa con hoang đàng, nhưng Lời Chúa nhấn mạnh đến lòng nhân từ thương xót vô biên của Thiên Chúa đối với người tội lỗi.

2. Người con hoang đàng này là người con thứ và cũng là con út trong gia đình khá giả, nên cậu được nhiều ưu đãi, cưng chiều. Vì được ưu đãi nuông chiều nên dễ hư hỏng, đúng với câu phương ngôn của Pháp: “Con cưng là con hư”. Vì muốn sống tự do, thoải mái, cậu đòi người cha chia gia tài, và người cha đã chia gia tài cho cậu. Số gia tài được đổi thành tiền để dễ dàng ra đi. Vừa trẻ, lại có tiền, lại được tự do không bị ai ràng buộc... nên chỉ có một con đường nhào tới là hư hỏng.

Thực vậy, cậu đi phung phí tiền bạc, chơi bời trác táng. Thế là tiền mất tật mang. Địa vị của cậu suy sụp quá mau lẹ, rơi vào tình trạng khốn đốn phải đi chăn heo cho người ta để sống qua ngày. Nhưng rất may, câu chuyện không  chấm dứt ở đây. Giữa cảnh túng đói cùng cực, chàng trai trẻ đã biết nghĩ lại và quyết tâm trở về với gia đình. Cậu can đảm trở về cũng như cậu đã can đảm ra đi, cậu quay gót 180 độ để về cùng cha.

3. Một trong những cách đánh động lương tâm nhân loại mà Đức Giêsu mang đến, đó là lòng thương xót của Thiên Chúa, được diễn tả qua nhiều câu nói, qua nhiều dụ ngôn, như dụ ngôn được đề tựa: ”Người con hoang đàng” được Giáo hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay. Đúng hơn, dụ ngôn đó phải được đề tựa là: “Người cha nhân hậu”, bởi vì nhân vật chính trong câu chuyện là người cha với lòng thương xót vô bờ bến của ông. Người cha ở đây chính là Thiên Chúa. Thánh Luca đã nêu bật  khuôn mặt của một người cha nhân từ, thương xót và xem niềm vui tha thứ là niềm vui to lớn nhất đối với ông.

Thiên Chúa nhân từ thương xót chúng ta như thế đó nhưng phần đông chúng ta lại ăn ở bội bạc với Thiên Chúa. Vậy cả hai ngươi con đều phải quay trở về với  cha, cả hai đều phải bước vào nhà cha, cả hai đều phải rũ bỏ nếp sống cũ, nếp nghĩ xưa để về ẩn mình trong trái tim cha: nhân hậu, bao dung, tha thứ và tròn đầy yêu thương.

4. Trong dụ ngôn đứa con hoang đàng ra đi, người cha không dùng sức mạnh của uy quyền để giữ lại. Ông đã tôn trọng sự tự do, đó là mầu nhiệm lớn lao. Đối với Thiên Chúa, Ngài có thể ngăn cản tội lỗi và sự dữ, nhưng làm như thế, Ngài sẽ tước mất sự tự do của con người. Không có tự do, con người không thể yêu mến Thiên Chúa như Ngài mong muốn. Mặt khác, con người sẽ không tìm thấy trong cuộc sống, một tình yêu trọn vẹn dẫu là có trách nhiệm.

5. Đó là ý nghĩa dụ ngôn. Chúng ta có thể rút ra được nhiều điều hữu ích cho cuộc sống. Hôm nay chúng ta chỉ cần ghi nhớ một điều thôi: Những người Do thái xưa kia đã nhạo báng, xỉ nhục, đánh đòn và đóng đinh Chúa Giêsu. Chúng ta ngày nay có xử với Chúa như vậy không? Chúng ta đừng tưởng rằng chúng ta không đối xử với Chúa như vậy. Thưa rằng: Có đấy, và rất nhiều lần, mỗi khi chúng ta phạm tội nhẹ là một lần chúng ta nhạo báng, xỉ nhục Chúa, và nhất là khi phạm tội trọng là chúng ta đã đánh đòn và đóng đinh Chúa mà giết Chúa ngay bên lòng chúng ta. Chúng ta hãy xin lỗi Chúa và quyết tâm sống đẹp hơn.

6. Truyện: Chúa quên hết rồi.

Một bà già thường đến gõ cửa phòng cha xứ, kể cho ngài nghe rằng đêm qua Chúa mới hiện ra với bà. Để làm bà nản lòng đừng đến nữa, Cha xứ bảo: “Lần sau, nếu Chúa có hiện ra, bà hãy hỏi Ngài “Cha xứ con có tội gì nặng nhất?“, sau đó tới kể cho tôi nghe”. Mấy ngày sau, bà già không đến nữa. Cha xứ mừng thầm vì bà đã trúng kế của ngài. Nhưng một tuần sau đó, bà già trở lại.

- Thưa cha, tối hôm qua Chúa lại hiện ra với con.

- Thế bà có hỏi Ngài không?

Cha xứ bắt đầu hồi hộp:

- Bà hỏi thế nào?

- Thì con hỏi y như cha đã bảo: “Cha xứ con có tội gì nặng nhất”?

Cha xứ càng hồi hộp thêm:

- Vậy Chúa có trả lời không?

- Có chứ.

Bây giờ thì cha xứ lo lắng thật sự:

- Chúa nói sao?

- Chúa nói: “Ta đã quên hết rồi”

Cha xứ thở phào nhẹ nhõm (Kể theo ĐHY Nguyễn Văn Thuận).

 

Suy Niệm 10: Lòng nhân từ vô biên của Thiên Chúa

(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống...)

Lời Chúa hôm nay nhấn mạnh đến lòng nhân từ thương xót vô biên của Thiên Chúa đối với người tội lỗi:

1. Bài đọc 1 có câu: “Chúa không khư khư giữ mãi cơn thịnh nộ của mình, vì Chúa ưa thích lòng từ bi. Chúa còn thương xót chúng tôi, còn dày đạp những bất công của chúng tôi dưới chân Chúa, và ném mọi tội lỗi chúng tôi xuống đáy biển”.

2. Hình ảnh người Cha trong bài Tin Mừng minh hoạ rất sống động tấm lòng nhân từ bao la đến độ không thể ngờ của Thiên Chúa.

3. Bởi đó, câu xướng trước bài Tin Mừng mời gọi người tội lỗi hãy an tâm quay về với tình thương tha thứ của Chúa, vì “Đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ”.

B- Suy gẫm (... nẩy mầm)

1. Nhà truyền giáo T.R. Stevenson ở Thượng hải kể: một thương gia giầu có ở Quảng đông có hai con trai, người con lớn thường kết bè tụ đảng với bọn bất lương phá phách làng xóm. Một lần, quá túng, hắn dẫn cả một băng về cướp ngay tại nhà mình. Khi tội hắn bị lộ, người cha cho người đến nói với hắn: nếu biết đường cải tà qui chánh thì sẽ được tha. Người nhắn còn bảo đây là lần gia ân cuối cùng của ông chủ. Hắn chầm chậm đứng lên và quay về nhà cha. Một bữa tiệc đón tiếp xem ra cũng vui vẻ, nhưng trong dĩa thức ăn của hắn có bỏ thuốc độc. Hắn chết ngay đêm đó, nhưng người cha không bị ra toà vì theo luật Trung hoa, cha có quyền giết con. Từ câu chuyện này, các nhà truyền giáo thường đem đối chiếu với đoạn 15 Tin Mừng thánh Luca.

2. Dụ ngôn này giống như một bộ tranh gồm 3 bức. Bức nào cũng đáng ta chiêm ngưỡng:

- Hãy nhìn bức tranh người cha, và chiêm ngưỡng tấm lòng nhân hậu vô biên của Thiên Chúa.

- Hãy nhìn bức tranh đứa em, để suy nghĩ về con đường hư đốn của kẻ tội lỗi và con đường trở về của kẻ sám hối.

- Hãy nhìn bức tranh người anh, để thấy cõi lòng “người công chính” có thể trở nên hẹp hòi như thế nào.

3. Một bà già thường đến gõ cửa phòng Cha xứ, kể cho ngài nghe rằng đêm qua Chúa mới hiện ra với bà. Để làm bà nản lòng đừng đến nữa, Cha xứ bảo: “Lần sau, nếu Chúa có hiện ra, bà hãy hỏi Ngài ‘Cha xứ con có tội gì nặng nhất?’, sau đó tới kể cho tôi nghe”. Mấy ngày sau, bà già không đến nữa. Cha xứ mừng thầm vì bà đã trúng kế của ngài. Nhưng một tuần sau đó, bà già trở lại.

- Thưa Cha, tối hôm qua Chúa lại hiện ra với con.

- Thế bà có hỏi Ngài không?

- Thưa có chứ.

Cha xứ bắt đầu hồi hộp:

- Bà hỏi thế nào?

- Thì con hỏi y như Cha đã bảo: “Cha xứ con có tội gì nặng nhất?”

Cha xứ càng hồi hộp thêm:

- Vậy Chúa có trả lời không?

- Có chứ.

Bây giờ thì cha xứ lo lắng thật sự:

- Chúa nói sao?

- Chúa nói: “Ta đã quên hết rồi”

Cha xứ thở phào nhẹ nhỏm (Kể theo Đức Cha Px NVT)

 

Suy Niệm 11: Sống như Chúa đầy yêu thương và nhân từ

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

Lời Chúa hôm nay nhấn mạnh đến lòng nhân từ thương xót vô biên của Thiên Chúa.

Hình ảnh người Cha trong bài Tin Mừng minh họa rất sống động tấm lòng nhân từ bao la đó.

 1. Hãy nhìn bức tranh đứa em, để suy nghĩ về con đường hư đốn của kẻ tội lỗi và con đường trở về của kẻ sám hối.

Trong một tuyển tập ngụ ngôn, tác giả người Ý, ông Yacob Basavalti có kể câu chuyện như sau: Một tên cướp nọ muốn trút bỏ gánh nặng tội lỗi đang đè nặng trên lương tâm, nên đã tìm đến với một linh mục. Nhưng vừa nghe xong những lời thẳng thắn của linh mục, anh ta liền nổi giận, tuốt gươm chém chết vị linh mục. Một thời gian sau, cảm thấy hối hận, anh ta lại tìm đến một vị linh mục khác, lần này vị linh mục cho biết để được ơn tha thứ của Chúa, anh phải đến Tòa Thánh. Cũng thấy bị xúc phạm, anh ta liền tuốt gươm kết thúc cuộc đời vị linh mục thứ hai.

Vị linh mục thứ ba mà tên cướp tìm đến xưng tội sẵn sàng ban phép giải tội cho anh, nhưng về việc đền tội, ngài yêu cầu anh hãy đi chôn cất tất cả những người chết mà anh gặp, đồng thời hãy khóc lóc như thể họ chính là người thân của anh. Vị linh mục trao cho anh một cái chai nhỏ để hứng nước mắt. Tên cướp ra về và nghe bất cứ nơi nào có đám tang, anh cũng tìm đến, nhưng mắt anh vẫn luôn khô ráo, anh không thể nhỏ được một giọt nước mắt nào. Cho đến một hôm tình cờ anh được đối diện với Chúa Giêsu đang khóc trên một cây Thập Giá, anh nhìn lên và than thở với Chúa về nỗi khổ đau không hề biết khóc là gì. Chính lúc đó, tự nhiên nước mắt anh trào ra. Anh lấy chai đã nhận được từ tay vị linh mục trao cho để hứng lấy và từ lúc đó anh đã hiểu được thế nào là sám hối. Sau đó anh đã tìm vào sa mạc để sống những ngày còn lại.

2. Hãy nhìn bức tranh người anh, để thấy cõi lòng “người công chính” có thể trở nên hẹp hòi như thế nào.

Nhà tu đức học nổi tiếng người Ấn Độ là cha Anthony de Mello có kể câu chuyện ngụ ngôn:

Một ngày nọ, Thiên Chúa đi vào Thiên Đàng, và ngài ngạc nhiên khi khám phá ra tất cả mọi người đều được vào đó cả. Thế là ngài dừng lại suy nghĩ: “Phải chăng ta không phải là Đấng công bình vô cùng”.

Ngài liền cho gọi sứ thần Gabriel:

- Ngươi hãy tập trung mọi người lại trước mặt Ta và đọc cho họ nghe 10 giới răn của Ta.

Tất cả mọi người đều đến trình diện trước tòa Chúa. Sứ thần Gabriel đọc giới răn thứ nhất, và Chúa phán:

- Tất cả những ai đã phạm giới răn thứ nhất hãy xéo khỏi mặt Ta, và đi vào hỏa ngục.

Một số người từ từ ra khỏi đám đông, buồn bã đi vào hỏa ngục.

Sứ thần tiếp tục đọc các giới răn khác, và cứ sau mỗi giới răn thì có một số người lặng lẽ đi vào hỏa ngục như trên.

Sau khi sứ thần Gabriel đọc giới răn thứ 6, thì cả đám đông đều tự động đi vào hỏa ngục, chỉ còn lại vị ẩn sĩ già, đầu hói, “béo mập”.

Thiên Chúa đưa mắt nhìn sứ thần rồi hỏi:

- Phải chăng chỉ có người này được vào Thiên Đàng thôi sao? Nếu vậy thì hắn phải cô độc lẻ loi lắm.

Nói xong, Thiên Chúa truyền lệnh cho sứ thần gọi đám đông lại và cho họ được trở lại Thiên Đàng. Nhìn thấy đám người tội lỗi xấu xa bỗng nhiên có được sự tha thứ, vị ẩn sĩ già bèn nổi giận và hằn học nói:

- Chúa không phải là Đấng công bình. Tại sao Chúa không cho con biết trước điều đó.

Đây quả là hình ảnh của người anh trong dụ ngôn: Rất hẹp hòi với anh em mình.

3. Hãy nhìn bức tranh người cha, và chiêm ngưỡng tấm lòng nhân hậu vô biên của Thiên Chúa. Đây là câu chuyện Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận rất thích kể:

Một bà già thường đến gõ cửa phòng cha xứ, kể cho ngài nghe việc Chúa hiện ra với bà mỗi đêm. Để làm bà nản lòng đừng đến nữa, cha xứ bảo:

- Lần sau, nếu Chúa có hiện ra, bà hãy hỏi Ngài xem ‘Cha xứ con có tội gì nặng nhất, sau đó tới kể cho cha nghe”.

Mấy ngày sau, bà già không đến nữa. Cha xứ mừng thầm tưởng là bà đã trúng kế của ngài.

Nhưng rồi một tuần sau, bà già lại trở lại.

- Thưa cha, tối hôm qua Chúa lại hiện ra với con.

- Thế bà có hỏi Ngài không?

- Thưa có chứ.

Cha xứ bắt đầu hồi hộp:

- Bà hỏi thế nào?

- Thì con hỏi y như Cha đã bảo: “Cha xứ con có tội gì nặng nhất?”

Cha xứ càng hồi hộp thêm:

- Vậy Chúa có trả lời không?

- Có chứ.

Bây giờ thì cha xứ lo lắng thật sự:

- Chúa nói sao?

- Chúa nói: “Ta đã quên hết rồi”

Cha xứ thở phào nhẹ nhõm.

Lạy Chúa,

xin cho mỗi người chúng con biết sống đầy lòng yêu thương và nhân từ như Chúa. Amen.

 

Bài cùng chuyên mục:

Thứ Hai 25/11/2024 – Thứ Hai tuần 34 thường niên – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (24/11/2024 10:00:00 - Xem: 630)

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam.

+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,104)

CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.

Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,205)

Thứ Bảy tuần 33 thường niên.

Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,748)

Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,425)

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.

Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,812)

Thứ Tư tuần 33 thường niên.

Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,804)

Thứ Ba tuần 33 thường niên.

Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,911)

Thứ Hai tuần 33 thường niên.

+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,213)

CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.

Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,579)

Thứ Bảy tuần 32 thường niên.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7