Thứ Bảy 08/04/2023 – THỨ BẢY TUẦN THÁNH. ĐÊM THÁNH VỌNG CHÚA PHỤC SINH. – Người đã sống lại thật.
- In trang này
- Lượt xem: 8,774
- Ngày đăng: 07/04/2023 10:00:00
Người đã sống lại thật.
08/04 – THỨ BẢY TUẦN THÁNH. ĐÊM THÁNH VỌNG CHÚA PHỤC SINH.
"Ngài đã sống lại và sẽ đến xứ Galilêa".
Lời Chúa: Mt 28, 1-10
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Qua chiều ngày Sabbat, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa tảng sáng, Maria Mađalêna và bà Maria khác đến thăm mồ. Bỗng chốc đất chuyển mạnh vì Thiên Thần Chúa từ trời xuống và đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên đó. Mặt Người sáng như chớp và áo Người trắng như tuyết. Vì thế những lính canh khiếp đảm run sợ và hầu như chết.
Nhưng Thiên Thần lên tiếng và bảo các người nữ rằng: "Các bà đừng sợ. Ta biết các bà tìm Chúa Giêsu, Người đã chịu đóng đinh. Người không có ở đây vì Người đã sống lại như lời Người đã nói. Các bà hãy đến mà coi nơi đã đặt Người và đi ngay bảo các môn đệ Người rằng: Người đã sống lại, và kìa Người đến xứ Galilêa trước các ông: Ở đó các ông sẽ gặp Người. Ðây Ta đã báo trước cho các bà hay". Hai bà vội ra khỏi mồ, vừa sợ lại vừa hớn hở vui mừng, chạy báo tin cho các môn đệ Người.
Và này Chúa Giêsu đón gặp các bà, Người nói: "Chào các bà". Các bà liền lại gần ôm chân Người và phục lạy. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo: "Các bà đừng sợ. Hãy đi báo tin cho các anh em Ta phải trở về Galilêa, rồi ở đó, họ sẽ gặp Ta".
Lời Chúa: St 1,1 - 2,2; Xh 14,15 - 15,1 (bắt buộc); Is 55, 1-11; Ed 36, 16-17a. 18-28; Rm 6, 3-11; Mt 28, 1-10
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
1. Chào chị em!-- Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Thật lạ lùng khi vào thời Đức Giêsu,
thời người ta không coi lời chứng của phụ nữ là có giá trị pháp lý,
Mátthêu lại kể cho chúng ta chuyện hai phụ nữ làm chứng về Chúa phục sinh.
Nếu chuyện ấy không có thật,
chẳng ai bịa đặt ra một chuyện vô bổ như thế.
Hai bà Maria này đã chứng kiến cái chết của Thầy Giêsu (Mt 27, 56),
đã dự việc chôn cất Thầy và biết rõ vị trí ngôi mộ (27, 61).
Suốt ngày sabát, trong đau đớn và nhớ nhung,
hai bà như sống trong một cuộc canh thức dài.
Họ chỉ mong cho chóng sáng để ra viếng mộ.
Các bà là những người đến mộ đầu tiên,
nên được diễm phúc chứng kiến những điều kỳ diệu.
Đất rung chuyển dữ dội, một thiên thần chói ngời từ trời xuống,
lăn tảng đá che cửa mộ ra và ngồi lên trên.
Quyền năng uy nghi của Thiên Chúa đè bẹp sức mạnh của tử thần.
Tảng đá nặng nề chẳng cầm giữ được Đấng bị đóng đinh.
Các bà đi tìm Đấng đã chết nơi nấm mộ.
Nhưng Đấng ấy đâu có ở đây, vì Đấng ấy đã trỗi dậy rồi (v. 6).
Thiên thần mời các bà đến xem chỗ Người nằm để kiểm chứng.
Quả thực, chẳng còn thân xác Người ở đó, ngôi mộ trống trơn.
Nhưng sự trống trơn này lại thật là một tin mừng.
Vì nếu Người còn nằm đó thì ai dám nói Người đã sống lại.
Ngôi mộ trở nên trống là do bàn tay quyền năng của Thiên Chúa Cha.
Cha đã nâng con trỗi dậy và cho con được phục sinh.
Đấng bị đóng đinh đã chết và đã nằm xuống.
Đấng nằm xuống đã được nâng dậy và sẽ đi gặp môn đệ ở Galilê (c. 7).
Lòng vui như mở hội, các bà vội vã chạy về báo tin cho các môn đệ.
Đang khi chạy về thì chính Đấng phục sinh hiện ra đón gặp họ.
Ngây ngất vì cuộc gặp gỡ quá đỗi bất ngờ,
các bà chỉ biết phủ phục dưới chân Người mà thờ lạy (c. 9).
Thầy Giêsu không dặn điều gì khác với vị thiên thần ngoài mộ.
Chỉ có điều Thầy vẫn gọi các môn đệ là anh em (c. 10),
dù họ đã bỏ rơi Thầy trong lúc Thầy cần đến họ nhất.
Rõ ràng Thầy Giêsu phục sinh muốn tha thứ và làm hòa với họ.
Các phụ nữ đã trở nên những chứng nhân đầu tiên của sự phục sinh.
Họ đã thấy ngôi mộ trống, hơn nữa, họ còn được gặp Đấng sống lại.
Nhờ họ mà có cuộc gặp gỡ giữa Thầy Giêsu và các môn đệ ở Galilê.
Giáo Hội hôm nay cần những người có kinh nghiệm gặp Chúa,
để loan báo Tin Mừng và giúp người khác gặp Chúa.
Lúc nào Giáo Hội cũng cần những Maria cháy bỏng một tình yêu.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu phục sinh
Chúa đã sống đến cùng cuộc Vượt qua của Chúa,
xin cho con biết sống
cuộc Vượt qua mỗi ngày của con,
Vượt qua sự nhỏ mọn và ích kỷ.
Vượt qua những đam mê đang kéo ghì con xuống.
Vượt qua nỗi sợ khổ đau và nhục nhã.
Vượt qua đêm tăm tối cô đơn của Vườn Dầu.
Vượt qua những khắc khoải của niềm tin.
Vượt qua những thành kiến con có về người khác...
Chính vì Chúa đã phục sinh
nên con vui sướng và can đảm vượt qua,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.
Ước gì con biết noi gương Chúa phục sinh
gieo rắc khắp nơi bình an và hy vọng,
tin tưởng và niềm vui.
Ước gì ai gặp con
cũng gặp thấy sự sống mãnh liệt của Chúa.
2. Chúa đã sống lại--TGM Giuse Nguyễn Năng
Sứ điệp: Đấng Cứu độ đã chịu khổ hình thập giá và được mai táng trong mồ, để từ cõi chết sống lại và giải thoát loài người khỏi chết.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Kitô là Đấng cứu thế, Chúa đã muốn cho Thánh Mẫu hiện diện khi Chúa chết trên thập giá và được mai táng trong mồ, xin cho chúng con mỗi khi gặp thử thách gian truân, cũng biết chia sẻ những cực hình Chúa đã chịu.
Chúa như hạt lúa gieo vào lòng đất đã đem lại sự sống là hoa trái muôn đời, xin cho chúng con biết từ bỏ tội lỗi để chỉ còn sống cho Thiên Chúa mà thôi.
Chúa đã chịu mai táng trong mồ, xin dạy con biết sống âm thầm trong tình thương của Chúa.
Chúa là Ađam mới đã xuống tận âm phủ giải thoát những người công chính bị giam cầm, xin cho những ai bị chôn vùi trong tội lỗi, biết nghe tiếng Chúa và được cứu sống.
Chúa là Con Chúa Trời Hằng sống, đã cho chúng con được chết với Chúa qua Bí tích Thánh tẩy, xin cho chúng con được sống lại với Chúa, để tiến lên trong cuộc đời mới. Amen.
Ghi nhớ: “Ngài đã sống lại và sẽ đến xứ Galilêa”.
3. Đêm Vọng Phục Sinh-- TGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn
Trong đêm Vọng Phục Sinh, việc công bố Lời Chúa là một phần căn bản của nghi thức Phụng vụ. Khởi đầu, chúng ta đọc bài trích Sách Sáng Thế, tường thuật việc Thiên Chúa tạo dựng muôn vất muôn loài. Và lời sáng tạo đầu tiên của Thiên Chúa là “Hãy có ánh sáng!” Nơi nào có ánh sáng, nơi đó phát sinh sự sống.
Lễ nghi đêm nay, khởi đầu trong bóng tối là hình ảnh của nhân loại đi trong bóng tối tội lỗi, bóng tối của sự chết. Nến Phục sinh được thắp lên, lan tỏa ra khắp mọi người, cả nhà thờ rực sáng. Đức Kitô phục sinh đem lại sự sống cho cả thế giới, cho cả lịch sử nhân loại. Ngọn lửa nến Phục sinh vừa sáng vừa nóng biểu hiện Đức Giêsu Kitô vừa là Chân lý vừa là Tình yêu, là Chân lý trong Yêu thương. Nhưng nến cháy sáng rồi thì bị tiêu hủy, sống-chết đi đôi với nhau. Chúa Giêsu qua cái chết thập giá, Ngài đã phục sinh và phục sinh tất cả những ai tin vào Ngài. Cây nến mà chúng ta cầm trong tay được thắp lên từ cây nến phục sinh cũng như Chúa Phục sinh đã thông ban sự sống của Ngài cho chúng ta. Lát nữa đây, khi cử hành Phụng vụ làm phép rửa cho 37 anh chị em dự tòng đây, chúng ta cầu nguyện và cũng hãy cảm nghiệm sự sống của Chúa được chuyển qua anh chị em để trở nên con cái của Chúa. Khi chịu phép rửa, anh chị em hãy tin vào lời Chúa phán:” Hãy có ánh sáng”, và Chúa phân chia anh chị em ra khỏi bóng tối như Ngài đã làm vào lúc sáng tạo vũ trụ. Và trong Đức Kitô, chúng ta nhận ra cái gì đúng cái gì sai, cái gì rạng ngời cái gì tối tăm, cái gì phải làm cái gì phải tránh. Và ánh sáng cuộc đời chúng ta, nhờ đó, cũng lan tỏa ra chung quanh để người khác nhận ra Đức Kitô cũng là ánh sáng cho cuộc đời của họ.
Yếu tố quan trọng thứ hai trong nghi lễ nầy là nước. Trong Đêm Canh thức Phục sinh, đọc 9 bài Kinh thánh: 7 bài Cựu Ước và 2 bài Tân Ước. Vì lý do thời gian hay yếu tố nào khác, phải bớt các bài Đọc , thì cuối cùng cũng giữ lại tối thiểu 4 bài. Nhưng trong bất cứ trường hợp nào cũng không được bỏ bài Sách Xuất Hành, chương 14, là chương tường thuật dân Do Thái vượt qua Biển đỏ cách lạ lùng. Nói đến biển, chúng ta dễ dàng liên tưởng đến sức mạnh của sóng thần đã tàn phá miền Bắc Nước Nhật vừa qua. Trong mạc khải, biển cũng được diễn tả như thế lực thù nghịch, nơi giam giữ ác thần, là nơi hoành hành của sự chết. (Chúa ra lệnh cho biển im tiếng !) Dân Do Thái đi vào Biển Đỏ là nơi chôn vùi binh lính của Pharaô Aicập đuổi theo. Người dự tòng, ngày nay thay vì được dìm vào hồ nước, thì được dội nước trên đầu, nói lên sự chết cho tội lỗi, như Chúa Giêsu bị đóng đinh thân xác vào thập giá và chôn cất trong mồ. Và như lời thánh Phaolô trong thư Do Thái: “(…) khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Giêsu Kitô, là chúng ta đã được dìm vài trong cái chết của Người …” Nhưng nước đồng thời cũng mang ý nghĩa của sự thanh tẩy, của sự sống mới, sự tăng trưởng và Chúa Giêsu cũng dùng để nói về Chúa Thánh Thần. Và thánh Phaolô nói tiếp: “Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được một đời sống mới”.
Qua bí tích Thánh tẩy, chúng ta được tham dự vào sự Phục Sinh của Đức Kitô. Qua Đêm Canh thức nầy, Giáo hội mời gọi tất cả chúng ta hãy vui mừng, vì trong Đức Kitô, sự sống của chúng ta đã chiến thắng sự chết và sự cứu rỗi cho chúng ta mạnh hơn tội lỗi, vì thế, như Phụng vụ Lời Chúa vừa được cử hành, “Tôi loan báo cho anh chị em một tin rất vui mừng, đó là Alleluia, Chúa đã sống lại!”
4. Đấng chiến thắng--TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Một chi tiết nhỏ trong trình thuật thương khó của Thánh sử Gioan đáng chúng ta lưu ý: ngôi mộ Chúa Giêsu được an táng là một ngôi mộ mượn của người khác. Tác giả viết như sau: “Nơi Đức Giêsu bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai”. Thánh sử rất cẩn thận và chi tiết, khi nói đến một ngôi mộ mới, lại còn nhắc thêm: “chưa chôn cất ai”. Sự kiện Chúa Giêsu được an táng trong ngôi mộ mượn của người khác diễn tả sự nghèo khó đến tột cùng của Con Thiên Chúa làm người. Khi trút hơi thở cuối cùng trên thập giá, Chúa không có đến một mảnh vải che thân. Hơn thế nữa, những kỳ lão, biệt phái và người dân thành Giêrusalem đi qua còn buông lời chế diễu Người. Trên thập giá, Người trở nên người nghèo hơn hết trong số những người nghèo. Không chỉ nghèo về vật chất, khái niệm “nghèo” còn được thể hiện qua sự tín trung và phó thác nơi Chúa Cha: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).
Việc Chúa Giêsu được an táng trong một ngôi mộ mượn, cũng cho chúng ta thấy một góc cạnh khác của mạc khải. Thông thường, khi ta mượn của ai cái gì, ta chỉ dùng tạm, sau đó trả lại cho người có quyền sở hữu. Đức Giêsu được an táng trong ngôi mộ mượn, và Người cũng chỉ ở đó một thời gian ngắn. Đến ngày thứ ba, Người đã phục sinh, vinh quang sáng láng bước ra khỏi mồ. Ngôi mộ này chỉ là mượn. Điều này làm chúng ta liên tưởng tới con lừa Chúa cưỡi khi tiến vào thành Giêrusalem, cũng là con lừa đi mượn (x Lc 19,28-34). Phòng tiệc ly nơi Chúa mừng lễ Vượt Qua cũng là phòng đi mượn (x. Lc 22,7-13). Thân xác của Người không nằm yên trong mồ tối và chịu hư nát do tác động của thời gian. Ngôi mộ mượn ấy chỉ là điểm tạm dừng, chỉ là thời gian lắng đọng để giúp chúng ta suy tư về sự chết và sự sống nơi Thiên Chúa cũng như nơi con người. Đức Giêsu phục sinh đã chứng minh với chúng ta quyền năng Thiên Chúa nơi kiếp sống nhân sinh. Giây phút Chúa sống lại là một thời khắc quan trọng của lịch sử. Đó cũng là một điều phi thường của đức tin.
Trong sự chết và sự phục sinh của Đức Giêsu, sự sống đã chiến thắng sự chết. Khi bị bắt ở vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu đã nói với những người lính Do Thái: “Đây là giờ của các ông, là thời của quyền lực tối tăm” (Lc 22,53). Những gì xảy ra liên tiếp sau đó, cho thấy có vẻ như quyền lực tối tăm đã chiến thắng. Những kinh sư và người biệt phái, thậm chí cả thày Thượng tế, đều hả hê trước cái chết của Chúa Giêsu, vì họ đã diệt được một đối thủ. Đối thủ này dám lên án họ với những lời lẽ gay gắt. Sự phục sinh của Chúa đã đảo ngược tình thế. Sự sống đã chiến thắng sự chết. Đức Giêsu đã sống lại như Người đã nói trước đó. Cái chết và quyền lực của tối tăm đã thất bại. Sau này, thánh Phaolô đã mạnh dạn thách thức: “Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi?” (1 Cr 15,55).
Trong sự chết và sự phục sinh của Đức Giêsu, sự thiện đã chiến thắng sự ác. Trước những lời vu khống của một số kỳ lão Do Thái, trước sự hành hạ phỉ nhổ của quân lính Rôma, Chúa Giêsu vẫn khiêm nhường đón nhận. Người không dùng bạo lực để đối lại với bạo lực. Người như con chiên hiền lành bị đem đi xén lông. Chúa Giêsu là nạn nhân của bạo lực, của ghen ghét và hận thù. Cái chết trên thập giá và nhất là lời Chúa Giêsu cầu nguyện xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ giết mình chính là sự chiến thắng của sự thiện trên sự ác. Qua cái chết trên thập giá, Chúa nói với chúng ta: ở đời này, không phải lúc nào sự chết cũng là một thất bại, và không phải lúc nào kẻ mạnh hơn cũng là người chiến thắng. Đem hận thù đối lại với hận thù, chỉ làm cho hận thù càng chồng chất. Đem tình yêu vào nơi oán thù, sẽ làm cho hận thù tiêu tan. Đời sống cụ thể của chúng ta đã hơn một lần chứng minh điều ấy.
Trong sự chết và sự phục sinh của Đức Giêsu, niềm hy vọng chiến thắng sự thất vọng. Kể từ khi Chúa Giêsu chịu treo trên thập giá, cây gỗ gồm một thanh ngang và một thanh dọc đã trở thành biểu tượng của hy vọng đối với các Kitô hữu. Đây không phải là sự ru ngủ, mua chuộc hay mị dân. Trái lại, niềm hy vọng đến từ quyền năng của Thiên Chúa. Hãy nhìn xem hai người trộm bị đóng đinh cùng với Chúa Giêsu: một người khước từ tin vào Chúa và thậm chí phê phán thách thức Người; trái lại, người kia lại cầu xin với lòng thành tín cậy trông. Người “trộm lành” đã được Chúa hứa ban thiên đàng ngay ngày hôm đó. Sự kiện này nhắc nhở chúng ta: dù tội lỗi đến đâu cũng không mất niềm hy vọng vào lòng thương xót của Thiên Chúa.
Ngày hôm nay, Đức Giêsu Phục sinh đến gặp những ai đang mang gánh nặng cuộc đời, Người mời gọi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28),
Ngày hôm nay, Đức Giêsu Phục sinh đến nâng đỡ những ai đang kiếm tìm chân lý và ý nghĩa cuộc đời, nhất là các bạn trẻ. Người khẳng định: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,16).
Ngày hôm nay, Đức Giêsu Phục sinh đến đổi mới tâm hồn những ai tin vào Người, với niềm xác tín “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16.16).
Ngày hôm nay, thế giới Kitô giáo đứng trước ngôi mộ trống và mang tâm trạng như tông đồ Gioan: “Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20,8).
Ngôi mộ mượn của người khác chỉ là một điểm dừng chân của Chúa Giêsu. Người đã sống lại. Người đã chiến thắng tử thần và lòng hận thù ghen ghét. Người cũng đem lại niềm hy vọng cho những ai đang đau khổ chán chường do sức ép của gánh nặng cuộc đời. Ngôi mộ của người tín hữu cũng chỉ là nơi ở tạm, đợi ngày thân xác được phục sinh trong ngày tận thế. Mỗi chúng ta, khi mừng lễ Phục Sinh, hãy cùng với Chúa chiến thắng những tội lỗi bủa vây xung quanh chúng ta. Như thế chúng ta sẽ trở thành những người tự do, nhờ ân sủng của Đấng Phục sinh.
5. Niềm hy vọng Phục Sinh--Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái
Lối xóm gọi anh là Tư còm vì thân hình gầy còm lại sáng, lại sáng xỉn, chiều say, tối lăn quay, ngày mai nhậu tiếp và khi nhậu say, anh chửi bới tất cả xóm làng không trừ ai. Người ta tìm hiểu được biết anh có một vợ năm con, đạp xích lô suốt ngày không đủ nuôi mấy miệng ăn. Các con anh lần lượt bỏ học vì không đủ tiền đóng học phí, nhà anh nằm trên vũng sình lầy và dột nát. Sống trong hoàn cảnh kéo dài tháng này qua năm khác như thế, anh đâm ra thất vọng nên mượn chén rượu giải sầu, nhưng chén rượu càng vơi, thì chén sầu càng đầy ắp.
Hiểu được hoàn cảnh của anh, lối xóm kẻ công người của cất lại cho anh căn nhà trên đất liền chắc chắn và kín đáo; lối xóm lại tiếp tục đem đến lon gạo, bó củi, cái nồi, cái dao, cái chén, cái tô. Thế là anh có đủ vật dụng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày và một căn nhà đàng hoàng bảo đảm cho sức khoẻ: các con anh cũng được các bà mẹ nhận đỡ đầu và đài thọ học phí, tất cả đều được đi học trở lại. Quá cảm động trước lòng ưu ái của bà con lối xóm, anh Tư còn đã bỏ rượu hẳn và bắt đầu giữ đạo sốt sắng cùng với gia đình anh.
Theo một nghĩa nào đó, chúng ta có thể nói: anh Tư còm được phục sinh từ cõi chết của những ngày say sưa và bê trễ. Anh đã chết cho tính nghiện ngập của mình và sống lại trong tình yêu thương của Chúa và của mọi người. Chúng ta đã trải qua 40 ngày của Mùa Chay là thời gian chuẩn bị cho Phục sinh bằng ăn năn sám hối, hãm mình đền tội, thực thi bác ái. Giờ đây chúng ta sắp mừng lễ Phục Sinh. Chúng ta vui mừng vì Chúa Kitô sống lại từ cõi chết, chúng ta cũng hân hoan vì Ngài đã hứa cho chúng ta sẽ được cứu sống lại với Ngài. “Cùng chết với Ngài, chúng ta sẽ được sống lại với Ngài”. Qua việc lặp lại lời tuyên hứa khi chịu phép thanh tẩy trong nghi thức Vọng Phục Sinh, chúng ta khẳng định lại chân lý này và cố gắng mỗi ngày chết cho tội nhiều hơn để sống lại với Chúa trọn vẹn hơn. Trong biến cố Phục Sinh, với quyền năng Thiên Chúa, ngôi mộ chôn cất Chúa Giêsu đã mở ra và Ngài đã bước ra khỏi mồ. Cũng với quyền năng Thiên Chúa, những hòn đá chôn vùi cuộc đời chúng ta sẽ bị lăn đi. Đó có thể là hòn đá của ích kỷ chỉ biết đến lợi riêng của mình.
Đức Kitô Phục Sinh sẽ giúp chúng ta lăn hòn đá ấy đi để biết dấn thân phục vụ Chúa và tha nhân. Đó có thể là hòn đá tham lam, mê ăn uống đã từng đè nặng tâm hồn và thân xác chúng ta. Đó có thể là hòn đá lãnh đạm, thiếu tình thương đã ngăn cản chúng ta phục vụ Chúa và anh em. Đó có thể là hòn đá an phận, nhút nhát khiến chúng ta chỉ giữ đạo ngày Chủa Nhật qua việc đọc kinh, xem lễ. Đức Kitô Phục Sinh sẽ giúp chúng ta sống đạo, sống niềm tin, thực thi bác ái tích cực hơn. Mỗi năm khi mừng lễ Phục sinh, chúng ta chiêm ngưỡng tình thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta, và chúng ta đón nhận sức mạnh của Đức Kitô để phá vỡ những hòn đá chôn vùi cuộc đời mình. Để thực sự sống lại với Đức Kitô, trong ngày hôm nay, chúng ta hãy tìm thời giờ sống những giây phút thinh lặng để tìm xem những hòn đá nào cần phải lăn đi, như thiếu trong sạch, lười biếng, không lương thiện, kiêu căng, giần hờn, ghen tuông. Cùng với Đức Kitô, chúng ta hãy ném nó ra khỏi cuộc đời chúng ta, để tận hưởng niềm vui Phục Sinh trọn vẹn hơn. Nhưng Phục Sinh cuộc đời mình mà thôi chưa đủ, mỗi người chúng ta còn có bổn phận giúp thân nhân, bạn hữu và đồng loại cùng hưởng ơn Phục sinh.
Chúa đã chết để cho chúng ta được sống, chúng ta quyết tâm tiếp tục cuộc sống của Chúa: dám sống cho một niềm vui và dám chết cho một cuộc tình. Tin vào tình thương của Chúa, chúng ta xin tận hiến cuộc đời để sống trọn vẹn luật yêu thương: yêu Chúa và thương anh em.
6. Sứ điệp của Chúa Phục Sinh--Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái
Bài Phúc Âm đêm vọng Phục Sinh tường thuật lại sự kiện các phụ nữ đến thăm mộ Chúa từ sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần. Các bà chứng kiến cảnh tảng đá đậy cửa mộ bị lăn ra ngoài và thi hài Chúa Giêsu không còn ở đó nữa. Thấy vậy các bà rất phân vân, lo sợ. Tuy nhiên Thiên Thần trấn an các bà “Tại sao các bà tìm người sống nơi những kẻ chết ? Người không còn ở đây. Người đã sống lại...
Nhờ đó các bà tin nhận Chúa đã Phục Sinh. Các bà hân hoan trở về báo tin cho các tông đồ, dù rằng các ông vẫn còn nghi ngờ.
Trình thuật của bài Phúc Âm Phục Sinh tối nay muốn gởi đến chúng ta hai sứ điệp quan trọng sau.
Sứ điệp I: Chúa Phục Sinh mang đến niềm vui.
Trước nỗi lo sợ hoang mang của các bà phụ nữ, Thiên Thần Chúa đã trấn an các bà: “Người không còn ở đây. Người đã sống lại”...
Biến cố Chúa Giêsu chịu chết, đã gây nên cho các bà phụ nữ cũng như hầu hết các tông đồ một nỗi hoang mang và lo sợ. Chính vì thế mà ngay khi Phục Sinh, Chúa muốn trấn an họ bằng cách làm cho các bà phụ nữ nhớ lại Lời Người đã nói khi còn sống: “Con Người phải bị nộp vào tay những kẻ tội lỗi, bị đóng đinh vào thập giá và ngày thứ ba sẽ sống lại”. Nhất là qua sự kiện ngôi mộ trống và lời xác minh của các Thiên Thần, các bà đã tin nhận Chúa đã sống lại.
Như thế, sự kiện Chúa Phục Sinh mang đến cho các bà phụ nữ cũng như cho tất cả chúng ta một sứ điệp lớn lao, sứ điệp của niềm vui.
Vui bởi lẽ từ nay thập giá sẽ trở thành Thánh Giá vinh quang.
Vui bởi lẽ người đời chỉ có thể giết được thân xác, nhưng không giết được linh hồn.
Vui bởi vì từ nay các thế lực thống trị trần gian: Ma quỷ, thế gian, thần chết đã bị đánh bại nơi Đức Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh. Do đó ai tin nhận Người cũng sẽ có được niềm vui chiến thắng vinh quang ấy.
Sứ điệp II: Nhiệm vụ loan truyền Phúc Âm, tin mừng Chúa Phục Sinh
Sau khi nhận ra Chúa Phục Sinh, nhờ sự soi dẫn của các Thiên Thần và Lời Chúa đã nói, các bà như được thúc đẩy để thực thi sứ mạng loan truyền Phúc Âm. “Bỏ mồ đi về, các bà tường thuật lại tất cả sự việc cho mười một Tông đồ và các người khác”.
Tin mừng Chúa Phục Sinh phải được loan báo cho mọi người, đó là lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan truyền Phúc Âm” (Ga 10,27).
Chúa Giêsu đã chịu khổ hình, chịu chết trên Thánh Giá và đã Phục Sinh để đem lại sự sống đời đời cho chúng ta. Đó là tin mừng lớn lao mà chúng ta phải tin nhận và loan báo cho mọi người.
7. Lửa và Ánh sáng --Lm Giuse Đinh Tất Quý
Trong nghi thức Phụng vụ Vọng Phục Sinh đêm nay, Giáo Hội hướng chúng ta về Lửa và Ánh sáng. Lửa và ánh sáng là hai yếu tố rất quan trọng và rất cần thiết trong cuộc sống của chúng ta.
Cách đây hơn 8.000 năm, con người chưa khám phá ra lửa. Không có lửa, cuộc sống con người thật tăm tối và bấp bênh.
Đầu thập niên 80, bên Mỹ người ta trình chiếu rộng rãi một bộ phim dị thường mang tựa đề là “Săn tìm lửa”(Quest for fire). Trong bộ phim này, nhà sản xuất đã cho người xem được chứng kiến một cảnh hết sức vui mừng khi người ta khám phá ra lửa lần đầu tiên trên trái đất này. Chính lửa đã giúp cho những con người trên hành tinh này khỏi bị tiêu diệt hoàn toàn.
Nếu không có lửa không biết cuộc sống của chúng ta sẽ ra sao.
Bên cạnh ngọn lửa, trong đêm cực thánh này Giáo Hội còn đề cao Ánh sáng.
Không có Ánh sáng, thế giới sẽ sống trong tăm tối. Ánh sáng giữ một vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển của tất cả các tạo vật có sự sống trên trái đất này.
Bài Sách Thánh thứ 1 trong sách Sáng thế Ký chúng ta vừa nghe thuật lại việc Thiên Chúa tạo dựng nên vũ trụ. Không phải vô tình mà tác giả Sách Thánh đã đặt ánh sáng là yếu tố đầu tiên được Thiên Chúa tạo dựng nên trong chương trình sáng tạo của Người. Ánh sáng được tạo dựng nên trước tất cả mọi tạo vật khác kể cả con người. Tác giả Sách Thánh có lý do để trình bày thứ tự ưu tiên như thế.
Không có lửa và ánh sáng, giá lạnh và bóng tối sẽ ập xuống và tiêu diệt tất cả các mầm sống trên hành tinh trái đất này. Chúng ta không thể tưởng tượng được một cuộc sống mà không có lửa và ánh sáng.
Vậy thì khi Giáo Hội đem Lửa vá Ánh sáng vào đêm Vọng Phục Sinh mừng Chúa sống lại, Giáo Hội muốn cho chúng ta nhận ra sự thật này: Sự sống, nhất là sự sống đời đời của chúng ta lệ thuộc vào Thiên Chúa. Nếu con người không thể sống mà không có lửa và ánh sáng thì cuộc sống siêu nhiên của chúng ta cũng không thể có và không thể tồn tại nếu không biết lệ thuộc vào Thiên Chúa.
Nhiều người ngày hôm nay đã quên hay cố tình quên đi sự thật đó.
Vũ trụ này đã không phải tự nhiên mà có. Khoa học đã cho chúng ta thấy điều đó. Vũ trụ này đã có một sự khởi đầu.
Con người cũng không phải tự nhiên mà có. Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người chúng ta, tạo dựng nên từ tro bụi.
Chính Thiên Chúa cho con người sự sống và chính Người gìn giữ sự sống của con người. Từ bụi đất Chúa đã làm nên chúng ta và vì yêu thương, Thiên Chúa cho chúng ta được chia sẻ sự sống của Người.
Tội lỗi đã làm cho sự sống của Chúa nơi chúng ta bị mất đi. Dù chúng ta có phản bội, tình yêu của Người vẫn tồn tại.
Một lần nữa, Thiên Chúa lại cho chúng ta thấy Tình yêu của Người. Người đã sai Con của Người xuống cõi trần ai làm người và chịu chết để chuộc tội cho chúng ta.
Bằng sự Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô, Người muốn cho chúng ta được quyền chia sẻ lại sự sống của Người nếu chúng ta biết chết đi cho con người tội lỗi của mình, để phục sinh lại trong con người mới với Đức Kitô.
Chính sự Phục Sinh của Đức Kitô bảo đảm sự sống đời đời cho chúng ta.
Hãy sống lại với Chúa Giêsu trong con người mới: Con người thánh thiện, nhân từ, đầy lòng yêu thương, để xứng đáng với ơn Chúa cứu chuộc và Tình thương của Người.
Một thương gia theo Ấn giáo sống tại Ấn Độ, một lần kia đã hỏi một nhà truyền giáo Kitô Giáo:
- Ông có thoa cái gì trên mặt ông không mà lúc nào tôi thấy mặt ông cũng rạng rỡ thế ?
Ngạc nhiên quá, vị giáo sĩ trả lời:
- Tôi có thoa gì đâu!
Ông nhà buôn nhấn mạnh:
- Có, chắc chắn mà! Tôi thấy hầu hết những người tin Chúa Giêsu đều có vẻ mặt tươi sáng tương tự như Ngài. Tôi đã thấy những người đó tại thành phố Agra và Surat và ngay cả thành phố Bombay này nữa.
Thình lình vị giáo sĩ hiểu ra và hối hả trả lời: “Bây giờ tôi hiểu ông nói gì rồi và tôi xin cho ông biết bí quyết của chúng tôi. Đây không phải là những gì chúng tôi thoa từ bên ngoài, nhưng là những gì phát xuất từ bên trong. Đó là sự phản chiếu ánh vinh quang Thiên Chúa trong lòng của chúng tôi”.
Hãy tin tưởng vào Chúa và hãy thanh thản bước đi an bình giữa một thế giới đầy dẫy những cạm bẫy và bất trắc này, vì Chúa Phục Sinh đang đồng hành cùng chúng ta trong cuộc sống này. Amen.
8. Vượt qua--Lm Giuse Đinh Tất Quý
I. Đêm nay là đêm Vượt qua.
Bài đọc thứ nhất Chúa tạo dựng lên trời đất: Vượt qua từ không sang có.
Bài thứ hai câu truyện của Abraham: Vượt qua từ con người ích kỷ, chỉ biết sống cho mình với ý riêng của mình để sống cho Thiên Chúa.
Bài thứ ba kể lại chuyện người Do thái vượt qua Biển đỏ: Trước khi vượt qua Biển đỏ họ sống một cuộc sống nô lệ. Khi vượt qua Biển đỏ họ bắt đầu bước vào cuộc sống sống tự do.
Bài Thánh thư Thánh Phaolô: Vượt qua tội lỗi bước vào đời sống ơn sủng.
Bài Phúc Âm: Chúa Giêsu vượt qua từ sự chết bước vào sự sống. Đây là cuộc vượt qua hoàn hảo nhất, trọn vẹn nhất.
Mọi cuộc vượt qua…như vượt qua từ không sang có, từ con người ích kỷ sang cuộc sống quảng đại hiến thân, từ nô lệ sang tự do, từ tội lỗi sang đời sống ân sủng, từ cái chết bước vào sự sống đều đòi hỏi một sự giã từ, giã từ một cái gì đó bất toàn để bước sang một sự hoàn hảo hơn. Việc giã từ như thế không phải lúc nào cũng suông sẻ, không phải lúc nào cũng dễ dàng nhưng rất nhiều khi nó đòi hỏi đến mức độ phải hy sinh, phải quên mình, có khi phải trả bằng cả một cuộc sống đầy máu. Chúng ta hãy nhìn cảnh Abraham đau xót như thế nào khi dẫn đứa con duy nhất của mình lên núi để tế lễ cho Thiên Chúa! Chúng ta hãy nhìn cảnh những người Do thái phải điêu đứng trả giá như thế nào trong suốt 40 năm trời ở sa mạc để rồi sau đó mới được vào đất hứa. Và chúng ta hãy nhìn xem Chúa Giêsu Chúa của chúng ta đã phải trả giá như thế nào để có được sự Phục Sinh vinh hiển hôm nay.
II. Vâng! Một con tằm phải trải qua đau đơn để tự chui ra khỏi cái kén và trở thành con bướm biết bay. Một hạt giống nằm sâu trong lòng đất nảy mầm phải tự vươn thẳng lên xuyên qua tầng đất dày để thành cây cứng cáp.
Con tằm nào được người ta cắt vỏ kén chui ra sẽ chỉ mãi bò quẩn quanh cái kén mà không bao giờ thành loài bướm biết bay được.
Hạt giống nằm trên mặt đất dễ dàng nảy mầm nhưng rồi sẽ bị bật gốc ngay khi gặp cơn giông tố.
Con người không thể chọn cho mình nơi sinh ra, nhưng có thể tự chọn cho mình một cách sống; rèn luyện cho mình khả năng chịu đựng để trở thành một con người có bản lĩnh với một ý chí mạnh mẽ đã được tôi luyện qua thử thách, khó khăn, bất hạnh và có khi cả thất bại. Thất bại, bất hạnh có thể là điều tuyệt vọng với người này nhưng có thể là may mắn với người khác - tùy vào cách họ đón nhận một cách dũng cảm để vượt qua hay tự thương thân trách phận mình mà gục ngã.
Một cậu bé 10 tuổi quyết định học môn võ judo cho dù cánh tay trái của cậu đã mất trong một tai nạn xe hơi. Cậu theo học judo với một võ sư Nhật. Vì tin rằng mình đã học tập rất chuyên cần và tiến bộ nên cậu vô cùng thắc mắc tại sao sau ba tháng tập luyện mà thầy chỉ dạy cho mình có mỗi một thể võ duy nhất.
Cuối cùng, không kiên nhẫn nổi nữa, cậu bé hỏi thầy:
- Thưa thầy, chẳng lẽ con không thể học thêm được một thể võ nào khác nữa sao?
Ông trả lời:
- Đây là thể võ duy nhất thầy dạy con, và đây cũng chính là thế võ duy nhất mà con cần phải học.
Tuy không hiểu hết lời thầy nhưng tin tưởng ở thầy, cậu bé tiếp tục tập luyện.
Nhiều tháng sau, võ sư dẫn cậu đi tham dự một cuộc thi Judo. Cậu bé rất ngạc nhiên khi thấy mình thắng dễ dàng trong hai trận đầu. Trận thứ ba khó khăn hơn một chút nhưng sau một hồi, đối phương mất kiên nhẫn trong các đòn tấn công, cậu bé đã khéo léo sử dụng thể võ và chiến thắng. Vẫn chưa hết ngạc nhiên vì thành công của mình, cậu tự tin bước vào trận chung kết.
Lần này đối thủ của cậu là một võ sinh cao lớn, to khỏe và dày dạn kinh nghiệm hơn. Vào trận không lâu, cậu bé đã liên tiếp trúng đòn và hoàn toàn bị đối phương áp đảo. Hết hiệp đầu, sợ cậu bé bị thương, trọng tài ra hiệu để kết thúc trận đấu sớm nhưng người thầy của cậu không đồng ý:
- Cứ để cậu bé tiếp tục. - Võ sư yêu cầu.
Ngay sau khi trận đấu bắt đầu lại, đối phương phạm phải sai lầm nghiêm trọng: anh ta coi thường đối thủ và mất cảnh giác. Ngay lập tức cậu bé dùng thể võ duy nhất của mình quật ngã đối phương và khóa chặt anh ta trên sàn. Cậu bé đã đoạt chức vô địch.
Trên đường về, hai thầy trò ôn lại các thế đánh trong từng trận đấu. Lúc này cậu bé mới thu hết can đảm nói ra cái điều ám ảnh trong đầu mình bẩy lâu nay:
- Thưa thầy, làm sao con có thể trở thành vô địch chỉ với một thể võ như thế?
- Con chiến thắng vì hai lý do. - Người thầy trả lời - Lý do thứ nhất, con gần như đã làm chủ được một trong những cú đánh hiểm và hiệu quả nhất của môn võ này. Lý do thứ hai, cách duy nhất mà đối thủ của con có thể phá được thể võ đó là họ phải giữ chặt cánh tay trái của con lại - mà con lại không có tay trái.
Vâng! Đôi khi một điểm yếu của ai đó lại trở thành điểm mạnh vững chãi nhất của họ. Có ưu điểm là một điều tốt nhưng nếu có thể biến khuyết điểm thành lợi thế lại càng là một điều kỳ diệu hơn. Hãy tin vào chính mình, chúng ta có thể làm được tất cả!
Martha Washington: "Phần lớn hạnh phúc hay bất hạnh được quyết định bởi tính cách của chúng ta chứ không phụ thuộc vào hoàn cảnh."
Lạy Chúa Giêsu Chúa đã làm người và sống cuộc sống làm người của chúng con. Nhìn vào cuộc sống làm người của Chúa trên trần gian, chúng con thấy Chúa đã gặp quá nhiều bất hạnh, khó khăn, đau khổ và cả sự chết nữa nhưng Chúa đã vượt qua tất cả… vượt qua để bước vào vinh quang.
Xin Chúa giúp cho chúng con cũng biết sống như Chúa, biết cố gắng vượt qua những khó khăn thách đố… để sau này chúng con cũng được tham dự vào sự vinh quang với Chúa. Amen.
9. Người đã sống lại thật--‘Xây Nhà Trên Đá’--Lm. ViKiNi
1- Một phi thuyền đang du hành trong vũ trụ từ ngày 20/08/1977 để tìm xem có sự sống loài người nào trên các hành tinh không? Phi thuyền bắt đấu thăm dò từ hỏa tinh, mộc tinh, thổ tinh, thiên vương tinh, hải tinh, diêm tinh và phải vượt qua thái dương hệ 40.000 năm nữa mới tới một hành tinh gần nhất. Sau đó phi thuyền phải bay 100 triệu năm nữa mới tới một hành tinh xa hơn. Phi thuyền đem theo một đĩa vàng có thể tồn tại hơn 100 triệu năm để phát ra 106 tín hiệu diễn tả văn hóa loài người đi thăm dò xem có thế giới loài người nào khác đáp lại chăng? Thật là một kỳ công đi tìm sự sống loài người khác, ngoài thế giới loài người trên trái đất này.
2- Đêm Phục sinh này, Đức Giêsu đang đáp lại tín hiệu của loài người đi tìm sự sống xa lạ đó, một sự sống không còn đau khổ, không còn thập giá, không còn mạo gai đinh đóng, lưỡi đòng, không còn nếm dấm chua mật đắng, không còn bị chôn trong mồ, không còn phải chết ở đâu nữa. Đó là sự sống lại của Đức Giêsu. Sự sống lại của Đức Giêsu làm cho thập giá trở nên Thánh giá cứu độ, làm cho mạo gai trở nên triều thiên, lưỡi đòng trở nên lò lửa yêu mến của Thánh Tâm, dấm chua trở nên mật ngọt, cửa mồ phải bật tung ra, chỗ nằm u tối trở nên sáng ngời, sự chết đời đời trở nên sự sống trường sinh.
Bài đọc một sách Sáng Thế cho chúng ta thấy Thiên Chúa đã biến đổi tối tăm mù mịt, u ám mông quạnh, ra sáng láng chan hòa sức sống tươi mát, rực rỡ như buổi bình minh, thông thoáng như cảnh chiều dương, vạn vật sinh động, vui thỏa, nhuộm muôn mầu ngàn sắc. Đó là cảnh Phục sinh mà Thiên Chúa đã sáng tạo thuở ban đầu. Thiên Chúa đã cho con người sống vương giả trong cảnh trời đất huyền diệu đó như trong vườn thượng uyển của vua nước Trời.
3- Con người được sống vương giả, chính ra càng ngày càng trở nên xứng đáng với sứ mệnh cao cả của Thiên Chúa đã ban cho mình. Trái lại, con người: nhân dục vô nhai, dục vọng vô bờ, lòng tham không đáy, no bụng đói con mắt, thèm thuồng đủ thứ nên đã nếm phải nọc độc của rắn quỷ. Tham thực cực thân, ăn no tức bụng. Nọc độc đã cướp đi sự sống vương giả của con người. Lịch sử đã cho thấy bao nhiêu triều đại đế vương sụp đổ chỉ vì những ông hoàng bà chúa sống vương giả, được voi đòi tiên, ăn chơi trác táng, tranh bá đồ vương, chém giết lẫn nhau. Đức Giêsu nhiều lần đã nói những dụ ngôn về các ông bá hộ như thế, chẳng bao lâu họ phải bỏ mạng: “Đồ ngốc đêm nay người ta sẽ đòi mạng ngươi” (Lc. 12, 20). Tổ tiên loài người đã sống mất mạng vì lối sống phú hộ đó. Cain đã giết em, Evà đã kinh hoàng ôm lấy xác con vào lòng đầy đau xót chỉ vì bà đã ham mê nuốt trái cấm đầy quyến rũ ngon ngọt. “Chỉ vì một người đã sa ngã mà sự chết đã thống trị, thì Thiên Chúa làm qua một Người là Đức Giêsu Kitô sự sống lại được ban dồi dào” (Rm. 5, 12, 17-19).
4- Đêm nay, Đức Giêsu đã phục sinh sự sống dồi dào cho con người, cho chúng ta. Đêm nay Đức Giêsu đã giải phóng con người chúng ta khỏi thần chết như Mosê đã giải phóng cho dân Israel khỏi nô lệ khốn cùng của Ai cập. Israel đã dứt bỏ mọi quyến luyến Ai cập, chỗi dậy theo lệnh Mosê, vâng lời Thiên Chúa vượt qua biển máu, nên Thiên Chúa đã ra tay chôn vùi quân địch đeo bám họ dưới đáy biển máu và đã dẫn đưa họ về sống trong miền đất tự do chảy sữa và mật (Bài đọc 3). Đêm nay, chúng ta cũng phải dứt bỏ mọi quyến luyến tội lỗi, chỗi dậy theo lệnh Giáo hội, vâng lời Thiên Chúa vượt biển chết tội lỗi, thì sẽ được Đức Giêsu giải phóng ta khỏi tà thần, tiêu diệt quỷ dữ, dẫn đưa ta về miền đất phục sinh vinh quang muôn đời.
Lạy Chúa Giêsu, con đã chết và qua phép Rửa tội, Chúa đã cho con được chỗi dậy từ cõi chết. Con xin hết lòng cảm tạ Chúa vì Chúa hảo tâm vì đức từ bi Người muôn thuở. Xin Chúa gìn giữ con, ấp ủ con trong nguồn Phục sinh muôn đời của Chúa (2Cr. 3, 1-4; Tv. 117).
10. Chúa đã sống lại thật rồi (Mc 16, 1-8)--Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
“Mừng vui lên”, đó là lời đầu tiên của Giáo hội cất cao giọng công bố với niềm vui cả thể trong Đêm canh thức Phục sinh, đồng thời mời gọi con cái mình cùng mừng vui vì niềm vui ơn cứu độ. Chúa Kitô Vị Thủ Lãnh của chúng ta sau khi đã hiến mình chịu chết, Người đã sống lại khải hoàn và qua sự sống lại ấy, Người trao ban Sự Sống Mới cho chúng ta.
Đêm nay, chúng ta vui mừng chiêm ngắm vinh quang chiến thắng rạng ngời của Chúa Giêsu trên đau khổ và sự chết, để tất cả những ai tìm kiếm và tin vào Chúa là Chân lý thì được đời sống đời đời. Chúa Giêsu sống lại, niềm hy vọng của chúng ta. Không ai phải thất vọng, như những bà dù đã an táng Chúa, vẫn “mua thuốc thơm để đi xức xác Chúa Giêsu” (Mc 16,1) không một ai trong các bà tuyệt vọng hết.
Chúa Giêsu sống lại là một điều có thật không thể nghi ngờ. Chẳng có gì ngạc nhiên khi một sự kiện hiển nhiên từ trời, một thân xác phục sinh, các phương tiện trên mặt đất không tài nào nắm bắt được. Nhưng từ sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, bà Maria Mađalêna, bà Maria, mẹ ông Giacôbê và bà Salômê là những chứng nhân không thể sai được, sau nhiều lần Chúa hiện ra, tất cả những ngờ vực bị loại trừ, lời thiên thần nói với các bà: “Các bà đừng sợ: Các bà đi tìm Chúa Giêsu Nadarét chịu đóng đinh, nhưng Người đã sống lại, không còn ở đây nữa. Đây là chỗ người ta đã đặt Người” (Mc 16, 6).
Vâng, Người đã sống lại rồi, hãy tìm kiếm sự hiện diện của Chúa ở đây, ngay bây giờ, giữa dân Chúa, giữa những khổ đau của Người, và hãy đi theo Chúa. Trong lá thư ngày thứ Tư Lễ Tro, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI nói với chúng ta rằng: “Ơn cứu độ quả là hồng ân, đó là ân sủng của Thiên Chúa, nhưng nó có ảnh hưởng đến sự hiện hữu của tôi, cần có sự đồng ý của tôi, sự thật, có nghĩa là mong muốn sống như Chúa Giêsu, đi theo Người “.
Còn sự vui mừng nào lớn hơn niềm vui Chúa sống lại, sự kiện này mang lại cho chúng ta một câu trả lời thỏa đáng về những vấn nạn của những người vẫn hỏi chúng ta: chúng ta đang chờ đợi điền gì sau cái chết? Đâu là ý nghĩa của khổ đau? Chúng ta chắc chắn rằng sau khi chết một cuộc sống mới đang chờ đón chúng ta: “Ở đó các ông sẽ thấy Người như Người đã từng nói trước” (Mc 16, 7). Thánh Phaolô khẳng định với niềm xác tín rằng: “Nếu chúng ta đã chết với Đức Kitô, chúng ta tin rằng chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người, vì biết rằng Đức Kitô, một khi từ cõi chết sống lại, Người không chết nữa, sự chết không còn làm chủ được Người nữa” (Rm 6,8-9). Khi được hỏi về ngày sau hết, người Kitô hữu phải trả lời một cách hợp lý với niềm vui và hy vọng.
Tin Mừng lễ Vọng đêm nay nhấn mạnh rằng người thanh niên tức thiên thần ngồi bên phải mộ đã nói với các bà về ý nghĩa của khổ đau, Thập giá và vinh quang: Đấng đã sống lại chính là Đấng bị đóng đinh. Saint Leo cả nói: “… (nhờ thập giá của Chúa) những người tin kín múc được sức mạnh từ sự yếu đuối, vinh quang từ sự nhục nhã, sự sống từ cái chết “, những thập giá hàng ngày là một con đường Phục Sinh.
Phần chúng ta, “chạy ra khỏi mồ …” (Mc 16,8), trở về từ nỗi khổ đau, ngờ vực trong ta, chúng ta hãy mang đến cho những người xung quanh ta đang ở trong thung lũng đầy nước mắt niềm hy vọng và sự tự tin. Bóng tối của ngôi mộ bừng sáng lên lời hứa bất tử. Chúng ta hãy xin Chúa Giêsu hướng chúng ta dõi mắt về trời để có thế nhìn thấy Dân Vượt Qua. Chúng ta cũng cầu xin cho những ai sống trong buồn sầu của ngày “Thứ Sáu Tuần Thánh” trở thành một dân sống trong niềm vui của lễ Vượt Qua.
Mừng vui lên, vì Chúa đã sống lại thật rồi! Allêluia, Allêluia, Allêluia.
Bài cùng chuyên mục:
Thứ Hai 25/11/2024 – Thứ Hai tuần 34 thường niên – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (24/11/2024 10:00:00 - Xem: 1,023)
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam.
+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,348)
CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.
Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,221)
Thứ Bảy tuần 33 thường niên.
Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,764)
Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.
Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,428)
Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.
Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,815)
Thứ Tư tuần 33 thường niên.
Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,804)
Thứ Ba tuần 33 thường niên.
Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,914)
Thứ Hai tuần 33 thường niên.
+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,230)
CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.
Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,580)
Thứ Bảy tuần 32 thường niên.
-
Thứ Hai 25/11/2024 – Thứ Hai tuần 34 thường niên – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa.
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam.
- CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B....
- Thứ Bảy tuần 33 thường niên.
-
Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh(phần 1)
Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô...
-
Đức Giesu Kito, một vị Vua khác
Hôm nay, “nếu bạn tin vào Chúa Kitô, hãy để Ngài là Vua trong cuộc đời bạn. Hãy để Ngài hướng dẫn bạn sống theo sự thật, bởi vì Ngài là...
-
Gia vị cho bài giảng CN lễ Chúa Kito là Vua - 2024
Khi Người đến trong vinh quang, Chúa Kitô Vua sẽ xét xử chúng ta về những việc bác ái chúng ta làm cho tha nhân. (Cha Tony)
-
Kinh Tin Kính phổ quát
Mầu nhiệm của Chúa Kitô hoạt động thông qua các Giáo hội kitô lịch sử nhưng cũng hoạt động, và hoạt động rộng rãi, bên ngoài các Giáo hội...
-
Suy nghĩ và cầu nguyện CN 34 TN B - 2024
Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy dẫy sự dối trá, vì người ta sợ sự thật, sợ nói thật, sợ sống thật. Sự thật không còn là sự thật,...
-
Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh
Ngoài việc cầu nguyện, các vị thánh sẽ đưa ra ba lời khuyên nào cho những người đang tìm kiếm người phối ngẫu tương lai?
-
Linh hướng là gì?
Trong xã hội và thời đại hỗn loạn của chúng ta, hơn bao giờ hết, hướng dẫn đời sống tâm linh là một nguồn lực tinh thần cần thiết. Người...
-
Tôi có thể làm gì cho những đứa con không sống đạo của mình?
Tôi là phụ huynh của ba đứa trẻ, tất cả chúng tôi đều cố gắng sống theo đức tin Công giáo. Một trong số chúng có vẻ không mấy hứng thú,...
-
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 145 - Thử tìm hướng đi
Người trẻ làm gì để không bị cuốn đi với những "tư tưởng" rất đời kia? Nếu có nhu cầu thì sao kiểm soát khi chưa lập gia đình? Tụi con...
-
Bác ái là nhân đức cần thiết cho sự phát triển tâm linh
Chúng ta phải xin Chúa ban cho chúng ta đức ái mỗi ngày cho đến khi chúng ta gặp được Ngài trên Thiên Đàng!
-
Nghĩ đến những điều tốt đẹp
Hãy thôi nghĩ đến chuyện buồn ấy và hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp và đáng yêu khác trong cuộc sống để lòng bà được thanh thản
- Sự cần thiết của việc lắng nghe
- Lớn lên từ những thử thách
- Nhận nhưng không, cho nhưng không
- Niềm tin lớn nhất