Thứ Bảy 04/11/2023 – Thứ Bảy đầu tháng, tuần 30 thường niên. – Thánh Carôlô Borômêô, giám mục. Lễ nhớ.– Khiêm tốn hạ mình.
- In trang này
- Lượt xem: 4,432
- Ngày đăng: 03/11/2023 10:00:00
Khiêm tốn hạ mình.
04/11– Thứ Bảy đầu tháng, tuần 30 thường niên. – Thánh Carôlô Borômêô, giám mục. Lễ nhớ.
"Hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên".
* Thánh nhân sinh năm 1538 tại A-rô-na, miền Lom-ba-đi-a. Sau khi đã học xong luật đạo luật đời, người được cậu là đức giáo hoàng Pi-ô IV nhận vào hàng hồng y, rồi được đặt làm giám mục Mi-la-nô. Người ra sức thể hiện gương mẫu một giám mục như đã được Công Đồng Tren-tô nêu lên.
Người cố công cải tổ hàng giáo sĩ, lập các công đồng miền và các chủng viện. Người cũng canh tân phong hoá của các tín hữu bằng cách thăm viếng họ, trình bày cho họ biết thế nào là sống trung thành thật sự với Hội Thánh. Người qua đời ngày 3 tháng 11 năm 1584.
Lời Chúa: Lc 14, 1. 7-11
Khi ấy, Chúa Giêsu vào nhà một thủ lãnh các người biệt phái để dùng bữa, và họ dò xét Người. Người nhận thấy cách những kẻ được mời chọn chỗ nhất, nên nói với họ dụ ngôn này rằng:
"Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: "Xin ông nhường chỗ cho người này", bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết. Nhưng khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời ngươi đến nói với ngươi rằng: "Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên", bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những người dự tiệc. "Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên".
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
Suy niệm 1: Ngồi chỗ cuối
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)
Khi thấy các khách dự tiệc có khuynh hướng chọn ngồi chỗ nhất,
Đức Giêsu đưa ra một lời khuyên đối với họ (cc. 8-10).
Mới nghe những lời khuyên này,
ta có cảm tưởng đây chỉ là những lời dạy cách ứng xử khôn khéo.
Nên chọn ngồi chỗ cuối,
vì nếu chủ tiệc sắp xếp lại chỗ ngồi theo thứ bậc,
bạn có cơ hội được mời lên chỗ trên.
Thà ngồi dưới rồi được đưa lên, còn hơn ngồi trên mà bị kéo xuống.
Như thế ngồi chỗ cuối rốt cuộc chỉ là một giả vờ,
để che dấu tham vọng muốn được ngồi lên trên.
Ngồi chỗ cuối chỉ là để tránh một xấu hổ, sỉ nhục,
và nhắm đến một vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn (cc. 9-10).
Đức Giêsu có ý khuyên dạy người ta như thế không?
Chắc là không.
Qua dụ ngôn đơn sơ và có thể gây hiểu lầm trên đây (c. 7),
Đức Giêsu muốn nói với khách dự tiệc một điều quan trọng hơn nhiều.
Bài ca Magnificat đã nói đến một sự đảo ngược lớn lao sẽ xảy ra:
Chúa dẹp tan kẻ kiêu căng, hạ bệ người quyền thế, đuổi kẻ giàu sang,
nhưng nâng cao kẻ khiêm nhường, ban dư đầy cho người đói (1, 51-53).
Các Mối Phúc cho và Khốn cho cũng nói lên sự đảo ngược này.
Phúc cho người nghèo, người đói, người khóc than.
Khốn cho người giàu, người no, người được ca tụng (6, 20-26).
Dụ ngôn Ladarô và ông nhà giàu là một minh họa về điều đó (16, 19-31).
Trong câu cuối của bài Tin Mừng hôm nay,
Đức Giêsu cũng nói lên sự đảo ngược ấy khi Nước Thiên Chúa đến.
“Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống.
Còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (c. 11).
Bị hạ xuống trong bữa tiệc, thật là điều hổ nhục.
Nhưng bị Thiên Chúa hạ xuống trong ngày sau hết thì kinh khủng hơn nhiều.
Nỗi hổ nhục sẽ muôn đời còn mãi.
Để thực hành lời khuyên của Đức Giêsu cho đúng đắn,
thánh Basiliô cho ta một soi sáng như sau:
“Chúng ta phải để cho chủ tiệc lo chuyện xếp chỗ các khách mời.
Như thế chúng ta mới nâng đỡ lẫn nhau trong nhẫn nhục và bác ái,
đối xử với nhau trong sự kính trọng,
xa tránh mọi tìm kiếm hư danh và khoe khoang.
Chúng ta không giả vờ khiêm tốn.
Bởi lẽ thích tranh chấp và cãi vã là dấu hiệu kiêu ngạo
còn lớn hơn chuyện ngồi ghế đầu khi phải ngồi chỉ vì vâng phục.”
Kitô hữu vẫn phải đối diện với cám dỗ của tham vọng và quyền uy.
Ngấm ngầm hay lộ liễu, những tranh giành ảnh hưởng vẫn xảy ra.
Trong lòng, ai cũng nghĩ mình xứng đáng hơn người khác.
Thèm muốn vinh dự, chức tước, đã gây bao chia rẽ trong Giáo Hội.
Chỉ mong tôi thực sự hạ mình trước anh em tôi.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, vì con bé nhỏ,
nên xin yêu ngài bằng khả năng bé nhỏ của con.
Cho con biết yêu
những công việc bé nhỏ mỗi ngày,
những công việc âm thầm,
những bổn phận mà con làm vì yêu mến.
Cho con biết yêu những hy sinh bé nhỏ mỗi ngày,
vui lòng đón nhận những thánh giá tuy nhỏ,
nhưng làm tim con đau đớn.
Cho con biết yêu tinh thần bé nhỏ của trẻ thơ,
đơn sơ thú nhận mình yếu đuối và bất lực,
sung sướng nương tựa vào duy một mình Chúa.
Hơn nữa, xin cho con can đảm,
dám chọn những gì giúp con trở nên bé nhỏ hơn,
nhờ đó con vui tươi phục vụ mọi người
và hạnh phúc khi thấy Chúa lớn lên trong con.
Mỗi lần bị cám dỗ tự cao,
xin cho con biết ngắm nhìn con đường Chúa đã đi,
con đường bé nhỏ và khiêm hạ.
Ước gì con được làm bạn của Chúa
trên đường từ Bêlem đến Núi Sọ,
và được ở bên Chúa trong Nước Trời. Amen.
Suy niệm 2: Nâng lên – hạ xuống
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Bữa tiệc bộc lộ những khuynh hướng của xã hội. Rõ nét là khuynh hướng thể hiện đẳng cấp. Đẳng cấp của chủ tiệc. Đẳng cấp của khách mời. Thế gian kiêu ngạo. Ai cũng muốn thể hiện mình. Nhưng chỗ ngồi có hạn. Quyền định đoạt là do gia chủ.
Chúa dùng hình ảnh bữa tiệc để nói về Nước Trời. Vị thế trong Nước Trời do Chúa quyết định. Theo những tiêu chí ngược hẳn với trần gian. Cũng như bữa tiệc trần gian, bữa tiệc Nước Trời cũng thể hiện cuộc chiến. Trần gian thể hiện mình bằng đấu tranh với người khác. Nước Trời thể hiện bằng đấu tranh với chính mình. Đấu tranh với người khác để chiến thắng. Thắng về tiền tài, danh vọng, chức quyền. Đấu tranh với chính mình để thắng chính mình. Thắng bằng hạ mình, quên mình, huỷ mình. Chủ tiệc trần gian căn cứ vào tiền tài, địa vị, chức quyền mà xếp chỗ. Chúa căn cứ vào việc chiến thắng chính mình. Và theo tiêu chí: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống. Còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.
Thư Rô-ma cho biết giáo huấn của Chúa ứng với dân Ít-ra-en. Họ tự tôn vì là dân tộc được Chúa chọn. Nhưng vì tự tôn nên họ không tin Chúa Giê-su. Không ăn năn sám hối. Họ sẽ bị loại trừ. Vì họ bị loại trừ. Nên dân ngoại được Chúa mở rộng cửa đón tiếp. “Thiên hạ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa…con cái bị loại ra”(Lc 13,29). Nhưng thánh Phao-lô tin tưởng rằng sau khi dân ngoại được đón nhận, Chúa lại thương đưa dân được tuyển chọn vào Nước Trời. Đó là lòng thương xót vô biên của Chúa (năm lẻ).
Hiểu được điều đó nên thánh Phao-lô không còn đấu tranh theo ý riêng. Chỉ biết theo ý Chúa. Chỉ gắn bó với Chúa Ki-tô. Quên mình để phục vụ Chúa. Và phục vụ anh em, “Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi. Nếu sống ở đời này mà công việc của tôi được sinh hoa kết quả, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. Vì tôi bị giằng co giữa hai đàng: ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Ki-tô, điều này tốt hơn bội phần: nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn, vì anh em. Và tôi biết chắc rằng tôi sẽ ở lại và ở bên cạnh tất cả anh em để giúp anh em tấn tới và được hưởng niềm vui đức tin mang lại cho anh em” (năm chẵn).
Hãy theo gương thánh Phao-lô. Hoàn toàn quên mình. Thuận theo ý Chúa. Phục vụ Chúa. Phục vụ lợi ích linh hồn anh em. Không tính toán gì cho mình. Ta sẽ được Chúa trả lại gấp bội. “Ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.
Suy niệm 3: Bài Học Khiêm Nhường
(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Sống trong xã hội ngày càng tiến bộ, con người tự nhiên muốn vượt lên khỏi những cái tầm thường hiện tại. Họ muốn tìm cho mình một địa vị nào đó để đảm bảo cho cuộc sống; họ ham muốn giàu sang, uy quyền, muốn chiếm cho mình chỗ nhất nơi công hội, tiệc tùng. Nhưng Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay lại đề ra nét đặc thù của Kitô giáo đi ngược với thái độ hám danh và cũng là bài học cho mỗi người, đó là bài học khiêm nhường.
Thật thế, theo Tin Mừng thuật lại, hôm đó Chúa Giêsu đến dùng bữa tại nhà một đầu mục nhóm Biệt phái. Nhận thấy ở đó có những thực khách háo hức chọn chỗ nhất, Chúa Giêsu liền nói với họ một dụ ngôn, trong đó Ngài mời gọi người ta hãy sống khiêm nhường bằng cách chọn lấy địa vị sau chót: khi anh được mời đi ăn cưới, anh đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng cũng được mời... Trái lại, khi được mời, anh hãy ngồi vào chỗ cuối.
Xét bề ngoài, thì đây chỉ là một vấn đề lịch sự, bởi vì xếp chỗ ngồi là việc của chủ nhà, chứ không phải của người dự tiệc. Tuy nhiên, việc chọn chỗ cuối như thế phải được thực hiện một cách đơn sơ, tự nhiên, chứ nếu tìm chỗ cuối với hậu ý và hy vọng được mời lên chỗ cao hơn, thì đó là một sự khiêm nhường giả tạo, một sự kiêu ngạo tinh tế.
Lời khuyến cáo của Chúa Giêsu còn tiềm ẩn một ý nghĩa sâu sắc hơn. Ðối với Ngài, tiệc cưới tượng trưng cho Nước Thiên Chúa, trong đó kẻ nào nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống, còn kẻ hạ mình xuống sẽ được nhắc lên. Vượt ngoài tầm đòi hỏi của xã giao, lời nói của Chúa làm cho con người đi xuống chiều sâu của khiêm nhường và tiến lên chiều cao của Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa là một vinh dự, một ân ban, mà chỉ những ai tự hạ và ý thức mình là hư vô mới có thể lãnh nhận. Còn kẻ tưởng mình cao trọng, chắc chắn không thể chiếm hữu Nước Thiên Chúa, và Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng, nhưng ban ơn cho người khiêm nhường.
Với lời mời gọi và gương sống tự hạ, khiêm nhường của Chúa từ lúc sinh ra cho đến lúc chết trên Thập giá, chúng ta hãy quyết đi vào con đường khiêm nhường bằng cách sống đúng với giới hạn của một thụ tạo nhỏ bé trước mặt Thiên Chúa vô biên, để nhờ đó Ngài sẽ là tất cả cho chúng ta.
Suy niệm 4: Con Ðường Khiêm Hạ
(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta sống khiêm tốn. Lấy câu chuyện chỗ ngồi trong bàn tiệc như một bài dụ ngôn, Chúa Giêsu muốn mạc khải cho chúng ta tín hữu Kitô điều thâm sâu trong đạo: "Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên". Với châm ngôn này, Chúa Giêsu muốn đặt con người ra trước mặt Thiên Chúa. Thật thế, tất cả phẩm giá con người có được đều bởi Thiên Chúa mà ra. Từ sự sống thể lý đến các phẩm tính tinh thần, từ giá trị cho đến những thành đạt trong cuộc sống và nhất là những nhân đức con người tôi luyện được. Tất cả đều nhờ bởi ơn Chúa. Nhân câu chuyện ngồi trong bàn tiệc mà thực khách hầu hết là những người biệt phái, vốn hám danh và tự mãn, Chúa Giêsu hẳn muốn nhắc đến thói giả nhân giả nghĩa và kiêu ngạo của họ. Với những thực hành tôn giáo như ăn chay, cầu nguyện, bố thí mà họ chuyên cần thực thi, những người biệt phái dễ lên mặt khinh thị những thành phần thấp hèn trong xã hội. Chúa Giêsu đưa họ trở về với chân lý của con người. Con người chỉ thực sự sống cho ra người khi biết nhận ra giá trị đích thực của mình trong tương quan với Thiên Chúa. Và nhận ra giá trị của mình cũng có thể là nhận ra sự hư không và thân phận hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa. Ðây chính là tâm tình cơ bản của Mẹ Maria. Chính khi nhận ra mình là người tôi tớ trước mặt Thiên Chúa mà Mẹ đã nên cao trọng. Mẹ đã khiêm hạ trước mặt Thiên Chúa cho nên đã được Thiên Chúa nâng lên. Nguyện xin Mẹ Maria cầu bầu cho chúng ta cũng dõi bước theo Mẹ trên con đường khiêm hạ ấy.
Suy niệm 5: Phúc Cho Ai Hạ Mình Xuống
“Khi anh được mời, thì hãy vào ngồi vào chỗ cuối, để cho người đã mời đến nói: “Xin mời ông bạn lên trên cho, Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn.Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Lc. 14, 10-11)
Đức Giêsu thường đồng bàn với biệt phái và luật sĩ. Họ đã rình xét lúc Người chữa người phù thũng và kết án Người trong lòng họ. Về phần Người đã để ý tới những khách đến chọn chỗ nhất.
Thực vậy, họ có thói quen tôn mình lên tự xếp mình vào bàn trọng vọng nhất. Những kẻ tưởng mình xứng đáng nhất đã giành nhau chỗ danh dự nhất vì trật tự chỗ ngồi không lệ thuộc vào tuổi tác nhưng sắp xếp theo địa vị cao thấp.
Đức Giêsu không dạy khôn ngoan của loài người
Theo sự khôn ngoan của loài người, người ta thường dạy nhau khi được mời đến dùng bữa, tốt hơn nên chọn chỗ thấp. Khi chủ thấy khách quan trọng thì đến mời người khách ấy lên chỗ cao hơn, lúc đó người ấy được vẻ vang trước mặt mọi người. Nếu khách làm trái lại thì thật xấu hổ, vì những kẻ được mời dự tiệc theo tục lệ Do thái, họ nằm trên đi-văng để ăn và rất khó đứng dậy đổi chỗ cho người vị vọng hơn. Cho nên ai hạ mình xuống không còn sợ bị hạ bệ trước mặt những người khác.
Đức Giêsu không trưng dẫn lời khuyên cổ nhân của sách khôn ngoan loài người. Sứ điệp của Người luôn luôn hướng dẫn ta đến nước Thiên Chúa và lời giáo huấn của Người luôn liên quan đến ơn cứu độ.
Người áp dụng vào nước trời
Người luôn luôn diễn tả chân lý đáng ghi nhớ này: Ai muốn vào nước trời phải trở nên bé nhỏ và khiêm tốn, không được đòi địa vị như luật lệ loài người sắp xếp. Không phải nhờ chính giá trị riêng của mình mà người ta sẽ được xét xử. Nhưng chính Chúa Cha, Đấng thấu suốt con tim và bụng dạ sẽ xét xử người ta.
Đức Giêsu lên án tính kiêu ngạo cố chấp của biệt phái. Họ sẽ bị hạ xuống vì họ đã cho mình là cao trọng, họ tìm danh lợi ở dưới đất, họ đã được phần thưởng rồi. Trái lại những kẻ nghèo khổ, thâu thuế, tội lỗi ý thức mình nhỏ bé hèn hạ trước mặt Thiên Chúa thì sẽ được nâng lên.
Phúc cho ai khiêm nhường, vì họ sẽ được thấy vinh quang nước Chúa.
RC
Suy niệm 6: Thế nào là người khiêm nhường
Có một lần, trên xe buýt có hai linh mục, hai giáo dân. Vị linh mục lớn tuổi hỏi một bác đang cùng lộ hành với ngài rằng: theo ông, thế nào được gọi là người khiêm nhường?
Tưởng rằng với tuổi đời khá cao và đã từng trải, mình sẽ trả lời “ngọt như đường mía lau”. Bác ta trả lời rằng: “Thưa cha, người khiêm nhường là người không có bon chen với ai; luôn nghe lời của người khác và làm theo; và người khiêm nhường là luôn cho mình bất xứng!”. Vị linh mục kia trả lời: “Không đúng! Vì nếu người khiên nhường chỉ mong cho được bình yên thì họ thuộc về hạng người bị thụ động, mềm yếu; hay luôn làm theo ý người khác là người trốn tránh trách nhiệm, thiếu tự chủ, chứ thực chất không phải khiêm nhường; hoặc luôn coi mình là bất xứng thì không chừng, khiêm nhường kiểu này chẳng khác gì ‘một lần khiêm tốn bằng bốn lần kiêu ngạo’ vì họ có thể dùng chiêu thức này để người khác đề cao, khen ngợi và đánh giá mình đạo đức trước mặt mọi người”. Bác kia hỏi lại: “Vậy ai là người khiêm nhường thật?” Linh mục trả lời: “Người khiêm nhường là người sống đúng sự thật, biết nhận ra sự thật và tôn trọng sự thật”.
Thật vậy, theo tinh thần Tin Mừng, người khiêm nhường thật chính là người biết nhận ra sự thật hữu hạn của mình và nhận thấy Chúa quyền năng. Nhận ra mình yếu hèn, tội lỗi và Thiên Chúa yêu thương. Người khiêm nhường cũng là người biết mở rộng tâm hồn để đón nhận hồng ân của Thiên Chúa, sự góp ý của anh chị em.
Nói chung, người khiêm nhường là người biết ý thức rằng: mọi sự mình có là do Chúa yêu thương. Vì thế, sống khiên nhường là luôn biết hạ mình trước mặt Chúa và tha nhân. Luôn biết sám hối, canh tân để được Thiên Chúa nâng lên trong ân sủng của Ngài, bởi vì: "... hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên".
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con học được bài học khiêm nhường của Chúa để chúng con được thuộc về Chúa cách trọn vẹn. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy niệm 7: Khiêm tốn thật sự
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Khiêm tốn là nét duyên của người Kitô hữu trước mặt Chúa. Thiên Chúa thương yêu và nâng dậy những ai khiêm cung nhỏ bé.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, thân phận con người trước nhan Chúa chỉ là thụ tạo đối với Đấng Tạo Thành, là giới hạn đối với vô hạn, là kẻ yêu đuối lỗi lầm đối với Đấng Chí Thánh. Ai tưởng mình là thánh thiện, người đó thật ảo tưởng. Khi con đòi hỏi Chúa phải ban ơn như ý con, là lúc con quên thân phận thụ tạo của mình. Người kiêu căng tự phụ thật vô duyên trước mặt Chúa. Con không thể quên hình ảnh người biệt phái lên đền thờ vênh vang kể công đức của mình và coi thường anh em, và đã bị Chúa Giêsu chê trách.
Con muốn là người khiêm tốn để được Chúa thương mến. Người khiêm tốn là người biết nhận đúng về thân phận mình và cậy trông vào Chúa. Con nhìn về gương Mẹ Maria nhận mình là tôi tớ Chúa, phó thác cậy trông để Chúa dẫn dắt cuộc đời Mẹ. Chúa đã dẫn dắt Mẹ đi vào con đường làm Mẹ Thiên Chúa đầy đau khổ, nhưng cũng đầy bình an và hạnh phúc.
Lạy Chúa, xin giúp con biết sống khiêm tốn và phó thác, đừng than thân trách phận làm phiền lòng Chúa, Đấng đã vì thương mà tạo dựng nên con. Xin cho con biết sống khiếm tốn trước mọi người: biết tôn trọng, nhường nhịn, phục vụ nhau, biết nhận lỗi và can đảm xin lỗi khi con có lỗi với anh chị em. Con tin rằng khi con khiêm tốn phó thác cậy trông vào Chúa, như con thơ trong tay Cha nhân lành, Chúa sẽ dẫn dắt đời con tới bến bờ bình an và hạnh phúc. Amen.
Ghi nhớ: “Hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên”.
Suy niệm 8: Khiêm tốn và thực thi bác ái quảng đại
(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Mẹ Têrêsa thành Calcutta tỏa sáng trong thế giới với giải Nobel Hòa bình và nhiều giải thưởng vinh danh khác vì những hoạt động bác ái cho người nghèo, phục vụ người bệnh tật, quan tâm người bị bỏ rơi. Dù vĩ đại như vậy, được mọi người ngưỡng mộ nhưng mẹ đã khiêm tốn chỉ nhìn nhận mình là “cây viết chì trong tay Thiên Chúa”. Chính bằng cuộc sống phục vụ trong hy sinh, khiêm tốn và chân thành, mẹ Têrêsa đã để lại cho thế giới một di sản tinh thần bác ái không biên giới…
Công trình bác ái của mẹ và tất cả những công trình bác ái, giáo dục trong lòng của Giáo hội, nếu chúng ta tìm về nguồn gốc ban đầu, sẽ khám phá đều bắt đầu từ những việc nhỏ nơi những tâm hồn khiêm tốn nhưng giàu lòng quảng đại như mẹ.
Suy niệm
Giáo huấn của Chúa Giêsu mang sứ điệp tinh thần khiêm tốn và cách thực thi sống bác ái quảng đại không vụ lợi, không mong được đáp trả như người đời thường nghĩ: “Có qua có lại mới toại lòng nhau”. Giáo huấn khiêm tốn và bác ái đó đã được thánh Phaolô nối tiếp khi chia sẻ với giáo hữu thành Ephêsô: “Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau” (Ep 4,2). Trong thư gửi giáo đoàn Galat, vị Tông đồ còn nhấn mạnh các hoa trái sinh từ Thánh Linh trong đó có đức ái và sự khiêm tốn hiền hòa. (x. Gl 5,22)
Trong hai đức tính mà giáo huấn của Đức Kitô mời gọi, theo thánh Phaolô: Trổi vượt hơn những đặc sủng (1Cr 12,31-13,2), đức mến được xếp tối thượng trong các “hoa trái của Thánh Thần” (Gl 5,22-23). Còn tấm gương khiêm tốn hiền hòa, chúng ta học nơi chính Chúa Giêsu như Người đã dạy: “Anh em hãy mang lấy ách của Ta và hãy học với Ta vì Ta có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29). Như thế, khiêm tốn và bác ái đều khởi đi từ cung lòng Thiên Chúa và được chuyển đến con người với mong muốn: Con người thực thi trong lòng dương gian để cho chính bản thân mình và cho anh em. Khiêm nhường và bác ái như là nền tảng và trụ cột trong việc xây dựng đời sống nhân bản và thiêng liêng. Sách Huấn Ca đã viết: “Càng khiêm tốn thì các con càng cao cả, và các con sẽ được Chúa ủng hộ cho” (Hc 3,19-20). Trước đó sách Huấn Ca cũng nhấn mạnh làm việc phục vụ yêu thương một cách khiêm tốn thì càng được yêu mến hơn: “Hỡi các con trai và con gái của ta, hãy thi hành công việc của các con một cách khiêm tốn thì các con sẽ được yêu mến hơn khi các con đem quà tặng cho kẻ khác” (Hc 3,17-18). Hơn nữa khiêm tốn giúp ta thực thi bác ái với một tâm hồn quảng đại không mong đáp trả như Chúa Giêsu đã kêu gọi (x. Lc 14,12-13) đó là đức ái không tìm tư lợi mà thánh Phaolô khuyên người tín hữu (x. 1Cr 13,4).
Thật thế, đó là đức ái trong khiêm tốn.
Chính lúc chúng ta khiêm hạ và sống bác ái vô vị lợi, chúng ta đang “thêu dệt” công trình nhân cách chính mình trong cuộc sống hằng ngày. Hơn nữa, tinh thần đức tin của chúng ta đang vươn tới núi Sion Thành Thánh, nơi đại hội Giêrusalem của những người tin, đó là đại hội giữa các con đầu lòng của Thiên Chúa là những kẻ đã được ghi tên trên trời, như thư Do Thái phác họa (x. Dt 12,18-19.22-24a).
Ý lực sống
Cây lúa trĩu hạt càng nép mình xuống, mang những bông hạt cống hiến cho đời những bát gạo thơm ngon…
Suy niệm 9: Hãy mau mắn hối cải
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
Đoạn Tin mừng hôm nay có ý kêu gọi mọi người hãy ăn năn hối cải. Lời giảng và dụ ngôn của Đức Giêsu chứng tỏ Thiên Chúa khoan dung, kiên nhẫn chờ đợi con người sám hối và hoán cải. Trước hai tai nạn đột ngột làm chết nhiều người, họ kết luận ngay rằng: những nạn nhân ấy là “ác giả” cho nên bị “ác báo”. Đức Giêsu khuyên đừng hồ đồ suy đoán về người khác, nhưng mỗi người hãy coi các tai nạn đó là tiếng nhắc nhở hãy xét lại lương tâm của mình để lo sám hối.
Sám hối là điều kiện cần thiết để chúng ta được Thiên Chúa tha thứ. Và cũng qua dụ ngôn cây vả, chúng ta phải biết nhận ra giới hạn của mình và tích cực sửa đổi để được Thiên Chúa đón nhận và yêu thương.
Người Do thái thường quan niệm rằng, mọi tai hoạ là hậu quả của tội lỗi. Những người được kể lại trong bài Tin mừng hôm nay bị chết như thế là do tội lỗi của họ. Nhưng Đức Giêsu không nghĩ như vậy. Ngài giải thích kiểu khác: những tai họa, thảm nạn không phải là hình phạt của Thiên Chúa mà là dấu chỉ cho một lời mời gọi để kêu gọi mọi người hoán cải. Như vậy, việc những người bị giết chết do bàn tay của Philatô hay bị tháp Siloe đổ xuống đè chết không được coi là cớ để ta xét đoán và kết án người khác, mà phải được coi là dịp để “duyệt xét lại đời sống” của chính mình bằng tâm tình sám hối, để trở về với đường ngay nẻo chính. Chỉ có cách đó con người mới xứng đáng với diễm phúc làm con cái Chúa.
“Chúa phạt”, đó có thể là phản ứng của chúng ta khi đứng trước một tai hoạ cho người khác. Chúng ta vừa gán cho Chúa một hình ảnh không mấy đúng đắn về công bình, vừa vô tình kết án người khác mà quên đi thân phận yếu hèn của mình.
Đức Giêsu mời gọi chúng ta nhìn vào các biến cố với niềm tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa. Dù con người tội lỗi đến đâu, Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương, tha thứ cho họ. Ý thức về tình yêu ấy, con người cũng được mời gọi hoán cải. Càng nhận ra tình yêu Thiên Chúa, càng ý thức về thân phận yếu hèn của mình và càng phải cảm thông và yêu mến người khác nhiều hơn. Sám hối trước tiên phải là sám hối trong cái nhìn về Thiên Chúa nhân từ, đồng thời thay đổi cái nhìn đối với người khác (Mỗi ngày một tin vui).
Nhân hai sự kiện thời sự - những người nổi loạn bị tống trấn Philatô giết và mười tám người bị tháp Siloe đè chết – Đức Giêsu cảnh báo người đương thời phải sám hối. Điều lạ lùng là một đàng, Chúa dạy phải mau mau sám hối; đàng khác, Chúa lại kiên trì chờ đợi con người sám hối qua dụ ngôn “người làm vườn và cây vả”. Hoãn binh chi kế thông thường là thủ thuật của kẻ dưới nhằm có thời giờ đối phó với người trên. Còn Thiên Chúa luôn luôn là người trên, đồng thời là Đấng “chậm giận và giàu tình thương” lại chấp nhận “phương án” hoãn binh, không phải như cơ hội cho con người mưu tính, song là để chúng ta nhận ra lòng thương xót của Ngài. Thay vì trừng phạt ta “ở đây và ngay lúc này”, Ngài lại kiên nhẫn đợi chờ. Ngài dành cho chúng ta thời gian sửa đổi, nhận ra lỗi lầm của mình, cũng như cảm nghiệm được ý muốn nhân từ của Ngài. Một khi nhận thức được thâm ý của Chúa, sự hoán cải đổi đời của ta sẽ có giá trị bền vững (5 phút Lời Chúa).
Qua hai sự kiện - quan Philatô ra lệnh giết và tháp Siloe đè chết người - dù muốn hay không, chúng ta phải công nhận cái chết là một thực tại mà chúng ta chứng kiến mỗi ngày. Cái chết là một biến cố không ngừng tra vấn con người. Khi nói đến cái chết và kêu gọi sám hối, Đức Giêsu không chỉ kêu gọi con người chuẩn bị để đón cái chết vốn đến một cách bất ngờ, Ngài còn muốn nhắc nhở con người về một điều cơ bản hơn, đó là thân phận mỏng manh bất toàn của con người. Chấp nhận thực tại của cái chết là chấp nhận cái thân phận bất toàn ấy, có nghĩa là chấp nhận sự lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa (R.Veritas).
Sự kiên trì trong yêu thương của Thiên Chúa phải làm cho chúng ta nhận ra mình bất toàn, yếu đuối. Vì thế, ngay lúc này, phải lo sám hối để trở nên con cái Chúa thực sự. Khi nhận ra điều đó, chúng ta nên có cái nhìn cứu độ của Đức Giêsu, đến để cứu những gì đã mất. Ngài luôn yêu thương những người tội lỗi cách đặc biệt. Dụ ngôn đồng bạc đánh mất, hay dụ ngôn người Cha nhân hậu, hoặc con chiên thất lạc cho thấy bản chất của Thiên Chúa là tình yêu.
Truyện: Hãy kịp thời thống hối
Sau khi đánh tan một cuộc nổi loạn, nhà vua bắt những kẻ phản loạn về. Ông ra lệnh thắp lên một cây nến, rồi nói với họ: “Ai chịu đầu hàng và thề trung thành với ta thì sẽ được tha, bằng không sẽ bị giết. Các ngươi hãy suy nghĩ. Khi cây nến tắt thì cuộc hành quyết sẽ bắt đầu”.
Thiên Chúa cũng đối xử với tội nhân như vậy. Ngài cho họ một thời gian gia hạn. Tuy nhiên có một khác biệt quan trọng: không ai biết cây nến của đời mình còn dài hay ngắn.
Suy niệm 10: Bài học về chỗ ngồi - địa vị
(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Hạt giống...
Nhân dịp dự một bữa tiệc và thấy thái độ của những khách được mời, Chúa Giêsu đưa ra bài học về chỗ ngồi, tượng trưng cho địa vị:
- Không nên tự mình tranh dành địa vị, vì có thể địa vị ấy không tương xứng với khả năng và phẩm giá của mình.
- Địa vị ấy, hãy để cho người khác sắp xếp cho mình, do sự đánh giá khách quan của họ đối với mình.
- Và tốt nhất là hãy để chính Chúa lo việc đó, vì “hễ ai tự nâng mình lên sẽ bị (Thiên Chúa) hạ xuống, còn ai tự hạ mình xuống sẽ được (Thiên Chúa) nâng lên”.
B.... nẩy mầm.
1. Ba mức độ giá trị của địa vị:
- Địa vị do chính mình dành lấy: kém nhất và dễ lung lay nhất.
- Do người khác trao cho mình bởi nhận thấy khả năng và phẩm chất của mình: vững vàng hơn.
- Do chính Thiên Chúa đặt cho mình: đúng và vững chắc nhất.
2. “Lên voi xuống chó” là cảnh thường xảy ra ở đời. Bởi đó tôi chẳng nên quá quan tâm đến địa vị và danh vọng ở đời. Chỉ xin Chúa giúp tôi làm tròn nhiệm vụ Ngài giao trong hoàn cảnh và thân phận hiện nay của tôi.
3. Trong bàn tiệc Nước Chúa, điều quan trọng không phải là chỗ danh dự mà là tư cách phục vụ: càng phục vụ, càng cao trọng. ("Mỗi ngày một tin vui")
4. Một ngày năm 11 tuổi, tôi trở về nhà khóc vì chỉ được giao một việc nhỏ của chương trình Thiếu nhi tại nhà thờ, trong khi các bạn khác được phân công vai chính. Thản nhiên, mẹ tôi lấy chiếc đồng hồ của bà và đặt vào tay tôi.
- Con có thấy gì không?
- Một hộp vàng, mặt và những cây kim.
Rồi bà mở phía sau hộp và nhắc lại câu hỏi. Tôi nhìn thấy những bánh xe nhỏ và những đinh vít. Bà nói: “Chiếc đồng hồ này sẽ vô dụng nếu thiếu đi mỗi phần, ngay cả những phần con không thể nhìn thấy”.
Bài học của bà làm tôi vui sướng hơn tất cả. (Góp nhặt).
Suy niệm 11: Tư cách phục vụ
(Lm Giuse Đinh Tất Quý)
1. Nhân dịp được mời dự một bữa tiệc và thấy thái độ của những khách được mời, Chúa Giêsu đưa ra bài học về chỗ ngồi, chỗ ngồi ở đây phải hiểu là địa vị. Theo Chúa Giêsu thì:
- Chúng ta không nên tự mình tranh giành địa vị, nhất là địa vị ấy không tương xứng với khả năng và phẩm giá của ta.
- Hãy để cho người khác sắp xếp địa vị cho ta vì sự đánh giá khách quan của họ đối với ta sẽ có giá trị hơn.
- Tốt nhất là hãy để chính Chúa lo việc đó,
2. Vâng! Cảnh “Lên voi xuống chó” là cảnh thường xảy ra thường ngày. Bởi đó, chúng ta đừng nên quá quan tâm đến địa vị và danh vọng ở đời. Cách tốt nhất là xin Chúa giúp chúng ta được làm tròn nhiệm vụ Ngài giao, trong hoàn cảnh và cũng như trong vai trò hiện tại của mình.
Ngày nọ, con Mi-mi chạy chơi trong cánh đồng của chủ. Một con ngựa lên tiếng bảo nó:
- Này chú chó nhỏ, chú thấy không. Ông chủ quí tôi hơn những con vật ở đây đấy chứ. Vì tôi giúp ông chủ chuyên chở mọi thứ cần thiết. Còn chú, tôi nghĩ chú chả giúp được gì cho ông.
Mi-mi gật đầu bỏ đi. Nó lại nghe tiếng bò cái:
- Này, tôi chiếm địa vị đặc biệt ở đây vì nhờ sữa của tôi mà gia đình ông bà chủ mới có bơ và phô mát. Còn chú chắc chả cung cấp được gì cho chủ.
Lúc đó, con cừu ở gần đó lại nói:
- Bò cái ơi, chị không hơn tôi đâu vì tôi cung cấp len cho chủ dệt áo ấm mùa đông. Không có tôi thì chắc là cả nhà chết vì lạnh đấy. Nhưng có lẽ chị nói đúng. Chú chó con này không giúp được gì cho chủ cả.
Lần lượt các con vật đều khoe với Mi-mi về công nghiệp của chúng, từ con ngựa, con bò cho tới con mèo, con vịt, con gà.
Nghe những lời chê bai sự vô ích của mình, Mi-mi buồn quá, nó tìm một chỗ vắng vẻ để than khóc thân phận. Chợt một con chó già tiến lại và bảo nó:
- Này con, đừng than khóc về những điều mình không làm được. Đàng rằng, con quá nhỏ không thể kéo xe như ngựa, cũng không cung cấp được trứng, sữa, len... nhưng con hãy dùng tới khả năng mà Thượng Đế đã ban cho loài chó chúng ta, là mang đến cho con người nụ cười và lòng quý mến.
Chiều hôm ấy, khi chủ trở về nhà sau những giờ lao động mệt nhọc, Mi-mi vui vẻ chạy ra vẫy đuôi, liếm tay chủ và chạy thót vào lòng ông. Cả hai lăn tròn trên thảm cỏ xanh. Ông chủ ôm Mi-mi vào lòng và nói với nó:
- Về đến nhà ta mệt biết bao, nhưng bây giờ ta thấy đỡ mệt hẳn đi vì Mi-mi đã làm ta vui. Ta không thể sánh Mi-mi với bất cứ con vật nào trong nông trại này được. Vì điều quan trọng nhất đối với ta là lòng quý mến, và chỉ có Mi-mi quý mến ta hơn cả!
Con vật là loài vô tri mà xem ra còn biết cư xử khéo léo và vô vị lợi. Con người có trí thức, có khôn ngoan, lẽ nào lại không biết đối xử với nhau cho xứng với danh nghĩa làm người
3. Trong bàn tiệc Nước Chúa, điều quan trọng không phải là chỗ danh dự mà là tư cách phục vụ: càng phục vụ, càng cao trọng. (“Mỗi ngày một tin vui”)
Đừng tưởng rằng, phải làm những việc vĩ đại mới là phuc vụ. Trong Tin Mừng chúng ta thấy, Chúa rất thích biến những cái tầm thường thành những cái vĩ đại.
Một hôm, hoàng tử gọi vào đền vua một người lái buôn chuyên nghề bán ngựa. Ông ta dẫn đến trước mặt hoàng tử hai con ngựa bạch đã được huấn luyện rất kỹ để hoàng tử kén chọn. Bề ngoài, hai con ngựa trông giống hệt nhau, nhưng người lái buôn lại đòi hai giá khác nhau, con này gấp đôi giá con kia. Hoàng tử liền gọi các quan cận thần đến mà bảo:
- Ta có thể tặng hai con ngựa này cho ai giải thích cho ta biết, tại sao con ngựa này gấp đôi giá con ngựa kia?
Các quan cận thần đến gần hai con ngựa và quan sát thật kỹ, nhưng không một ai nhận ra có điều gì khác biệt. Thấy vậy, hoàng tử cho gọi hai người lính hầu cận đến và sai họ cưỡi lên hai con ngựa, hy vọng rằng, các quan cận thần sẽ nhận ra giá trị của mỗi con. Sau mấy vòng phóng ngựa chung quanh sân, không ai trong các quan nhận ra sự khác biệt về giá trị của hai con ngựa. Cuối cùng, hoàng tử phải lên tiếng giải thích cho họ:
- Chắc các ngươi đã nhận ra rằng: trong khi ngựa chạy quanh sân, con ngựa thứ nhất không để lại dấu gì đằng sau, nó chạy cách nhẹ nhàng như bay. Trái lại con ngựa thứ hai để lại lớp bụi bay ngập trời. Chính vì lý do đó mà con ngựa thứ nhất có giá gấp đôi con ngựa thứ hai.
Vâng, sự to lớn trước mặt Chúa không hệ tại ở những việc vĩ đại hay hoành tráng bên ngoài, nhưng là ở cách thể hiện âm thầm, nhẹ nhàng kín đáo phát xuất từ tâm tình bên trong. Amen.
Bài cùng chuyên mục:
Thứ Hai 25/11/2024 – Thứ Hai tuần 34 thường niên – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (24/11/2024 10:00:00 - Xem: 2,770)
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam.
+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,797)
CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.
Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,268)
Thứ Bảy tuần 33 thường niên.
Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,790)
Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.
Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,440)
Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.
Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,819)
Thứ Tư tuần 33 thường niên.
Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,811)
Thứ Ba tuần 33 thường niên.
Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,915)
Thứ Hai tuần 33 thường niên.
+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,265)
CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.
Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,583)
Thứ Bảy tuần 32 thường niên.
-
Thứ Hai 25/11/2024 – Thứ Hai tuần 34 thường niên – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa.
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam.
- CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B....
- Thứ Bảy tuần 33 thường niên.
-
Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh(phần 1)
Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô...
-
Đức Giesu Kito, một vị Vua khác
Hôm nay, “nếu bạn tin vào Chúa Kitô, hãy để Ngài là Vua trong cuộc đời bạn. Hãy để Ngài hướng dẫn bạn sống theo sự thật, bởi vì Ngài là...
-
Gia vị cho bài giảng CN lễ Chúa Kito là Vua - 2024
Khi Người đến trong vinh quang, Chúa Kitô Vua sẽ xét xử chúng ta về những việc bác ái chúng ta làm cho tha nhân. (Cha Tony)
-
Kinh Tin Kính phổ quát
Mầu nhiệm của Chúa Kitô hoạt động thông qua các Giáo hội kitô lịch sử nhưng cũng hoạt động, và hoạt động rộng rãi, bên ngoài các Giáo hội...
-
Suy nghĩ và cầu nguyện CN 34 TN B - 2024
Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy dẫy sự dối trá, vì người ta sợ sự thật, sợ nói thật, sợ sống thật. Sự thật không còn là sự thật,...
-
Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh
Ngoài việc cầu nguyện, các vị thánh sẽ đưa ra ba lời khuyên nào cho những người đang tìm kiếm người phối ngẫu tương lai?
-
Linh hướng là gì?
Trong xã hội và thời đại hỗn loạn của chúng ta, hơn bao giờ hết, hướng dẫn đời sống tâm linh là một nguồn lực tinh thần cần thiết. Người...
-
Tôi có thể làm gì cho những đứa con không sống đạo của mình?
Tôi là phụ huynh của ba đứa trẻ, tất cả chúng tôi đều cố gắng sống theo đức tin Công giáo. Một trong số chúng có vẻ không mấy hứng thú,...
-
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 145 - Thử tìm hướng đi
Người trẻ làm gì để không bị cuốn đi với những "tư tưởng" rất đời kia? Nếu có nhu cầu thì sao kiểm soát khi chưa lập gia đình? Tụi con...
-
Bác ái là nhân đức cần thiết cho sự phát triển tâm linh
Chúng ta phải xin Chúa ban cho chúng ta đức ái mỗi ngày cho đến khi chúng ta gặp được Ngài trên Thiên Đàng!
-
Nghĩ đến những điều tốt đẹp
Hãy thôi nghĩ đến chuyện buồn ấy và hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp và đáng yêu khác trong cuộc sống để lòng bà được thanh thản
- Sự cần thiết của việc lắng nghe
- Lớn lên từ những thử thách
- Nhận nhưng không, cho nhưng không
- Niềm tin lớn nhất