Lời chúa mỗi ngày

Thứ Bảy 04/03/2023 – Thứ Bảy đầu tháng, tuần 1 Mùa Chay. – Yêu mến thù địch.

  • In trang này
  • Lượt xem: 4,875
  • Ngày đăng: 03/03/2023 10:00:00

Yêu mến thù địch.

04/03– Thứ Bảy đầu tháng, tuần 1 Mùa Chay.

"Các ngươi hãy nên trọn lành như Cha các ngươi trên trời".

 

Lời Chúa: Mt 5, 43-48

Khi ấy, Chúa phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đã nghe dạy: Ngươi hãy yêu thân nhân, và hãy thù ghét địch thù. Còn Ta, Ta bảo các con: Hãy yêu thương thù địch và làm ơn cho những kẻ ghét các con; hãy cầu nguyện cho những ai bắt bớ và nguyền rủa các con, để như vậy các con nên con cái của Cha các con, Ðấng ngự trên trời: Người khiến mặt trời mọc lên cho người lành kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người liêm khiết và kẻ bất lương.

Vì nếu các con yêu thương những ai mến trọng các con, thì các con được công phúc gì? Các người thu thuế không làm như thế ư? Nếu các con chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì các con đâu có làm chi hơn? Những người ngoại giáo không làm thế ư?

Vậy các con hãy nên hoàn hảo như Cha các con trên trời là Ðấng hoàn hảo".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Yêu kẻ thù

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

“Tại sao anh lại bắn tôi khi cả hai chúng ta đều tin

vào sự hiện hữu của một Thiên Chúa duy nhất.”

Đó là một câu trong lá thư Đức Thánh Cha Gioan Phaolô định gửi

cho anh Ali Agca, người đã ám sát ngài vào ngày 13-5-1981 tại Rôma.

Nhưng ngài đã đích thân thăm anh trong tù năm 1983, và đã tha thứ cho anh.

Vào Đại Năm Thánh 2000, ngài đã xin Tổng Thống Ý cho anh được ân xá.

Điều đáng nói là anh đã chẳng bao giờ công khai xin ngài tha lỗi.

“Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù” (c.43).

Thật ra Luật Môsê không dạy ghét kẻ thù,

nhưng ghét kẻ thù của Thiên Chúa là chuyện có trong các thánh vịnh.

“Lạy Chúa kẻ ghét Ngài làm sao con không ghét?...

Con ghét chúng, ghét cay ghét đắng,

chúng trở thành thù địch của chính con” (Tv 139, 21-22).

Đức Giêsu dạy các môn đệ yêu kẻ thù (c. 44),

Nhưng vào sau năm 70, kẻ thù của các môn đệ là ai?

Là quân xâm lược Rôma, là thế giới dân ngoại đang bắt đạo (Mt 10, 22).

Là những người đồng hương thuộc hội đường đang ngược đãi các Kitô hữu.

Là những ai không phải là anh em, nghĩa là những ai không tin Đức Giêsu.

Đức Giêsu mời ta vượt qua khuynh hướng tự nhiên là chỉ yêu kẻ yêu mình.

Tình yêu Kitô vươn đến cả những kẻ ghét và làm hại mình nữa.

Hãy yêu kẻ thù, nhưng yêu lại không phải là một tình cảm tự nhiên.

Yêu là một thái độ của lòng nhân được diễn tả bằng những hành động cụ thể.

Yêu là cầu nguyện cho kẻ bách hại, là chào hỏi và chúc bình an cho họ.

“Tôi luôn cầu nguyện cho người anh em đã bắn vào tôi”,

Đức Gioan Phaolô II đã tuyên bố như thế sau khi hồi phục.

Yêu kẻ thù làm chúng ta được ơn trở nên con cái Cha trên trời (c. 45),

trở nên giống Cha là Đấng ban mặt trời và mưa cho kẻ bất chính.

Trở nên con cái Cha là tiến trình dài một đời,

xuyên qua những hành vi yêu thương vượt trên tự nhiên.

Cha yêu mọi người chẳng trừ ai bằng một tình yêu vô điều kiện.

Chúng ta được mời gọi trở nên hoàn thiện như Cha

nhờ yêu kẻ thù như Cha đã yêu họ (c. 48).

Kẻ thù cũng là anh em tôi, vì họ cũng là con được Cha yêu như tôi.

Chúng ta nên nghĩ đến những kẻ thù của mình, ở rất gần mình,

những người mình không muốn chào hỏi hay nhìn mặt, chỉ muốn nguyền rủa.

Tôi sẽ làm gì để bày tỏ tình yêu tha thứ đối với họ trong Mùa Chay này?

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,

có những ngày

đón nhận những người khác

là điều vượt quá sức con,

vì con kiêu hãnh, tự hào và yếu đuối.

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,

có những ngày

con không thể nào kính trọng kẻ khác được,

vì ý kiến, vì màu da, vì cái nhìn của người ấy.

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con

có những ngày

mà yêu mến người khác

làm cho tim con đau nhói,

vì nỗi sợ hãi, nỗi khổ đau

và những giới hạn của bản thân con.

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con

trong những ngày khó khăn đó,

xin hãy nhắc cho con nhớ rằng

tất cả chúng con đều là con cái Chúa

và đừng để con quên lời Chúa nói:

“Điều gì chúng con làm cho người bé nhỏ nhất

là làm cho chính Ta.” Amen. (Trích trong PRIER)

 

Suy Niệm 2: Hoàn thiện như Cha trên trời

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Chúa yêu thương ta biết bao. Vì yêu thương nên Chúa muốn ta là của riêng Chúa. Là dân riêng của Chúa. Là con riêng của Chúa. Cũng vì yêu thương mà Chúa đòi hỏi ta hơn người khác. Ta phải “trổi vượt mọi dân tộc, xẻt về vinh dự, danh tiếng và vinh quang…” Và vì thế ta phải trổi vượt cả về đức độ. Vì ta phải hoàn thiện như Chúa là Cha chúng ta ở trên trời là đấng hoàn thiện. Đó là phải yêu như Chúa.

Ai cũng cảm thấy hạnh phúc khi được yêu thương. Ai cũng cảm thấy đau buồn khi bị ghét bỏ. Nhưng lòng ghen ghét vẫn tồn tại. Và tình yêu vẫn thiếu thốn. Đó là vì chúng ta yêu thương theo cảm tính, theo liên hệ bình thường. Yêu những người dễ yêu. Yêu những ai yêu mình. Đó là cảm tính. Đó là vụ lợi. Đó chưa phải là tình yêu. Vì tình yêu như thế không tùy thuộc vào ta nhưng tùy thuộc vào đối tượng. Đối tượng đó quyết định tình yêu của ta. Như thế chưa phải là tình yêu. Như thế là tình yêu có điều kiện.

Chúa Giêsu dạy ta biết thế nào là tình yêu thực sự. Tình yêu thực sự không phải là cảm tính nhưng là lý trí. Tình yêu thực sự phát xuất từ trái tim mình chứ không bị điều kiện hóa bởi đối tượng. Tôi yêu vì tôi yêu chứ không phải vì đối tượng dễ yêu hay vì đáp lại tình yêu của người khác. Tình yêu như thế cứ bừng nở, dàn trải, tỏa lan, bất chấp đối tượng có đón nhận hay không, có dễ thương hay không, có đáp lại hay không.

Yêu thương đến bao phủ mọi người trong tình yêu. Yêu thương đến hoán cải mọi người nên tình yêu. Vì thế không phân biệt kẻ thân người sơ. Vì thế cầu nguyện cho những ai chưa yêu để họ được biết yêu.

Yêu thương như thế là nên giống Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu cho mặt trời mọc lên soi sáng tất cả mọi người, cho mưa xuống trên tất cả mọi người. Tình yêu như thế sẽ lan tỏa khắp nơi. Ai lấy tay che được mặt trời. Ai có thể ngăn chặn không cho mưa rơi. Hãy là mặt trời bừng sáng bất chấp quanh ta có bóng tối hận thù. Hãy là cơn mưa tràn trề để không một loài cỏ cây hoa lá nào, không một miền nào dù đất thịt hay cát sỏi, cũng đều được mưa nhuần thấm đượm.

Yêu thương như thế là tiến đến con đường hoàn thiện. Là mang trái tim Thiên Chúa bao phủ ấp ủ cả thế giới. Yêu thương như thế là biến đổi thế giới. Vì chẳng có cái ác nào có thể ngăn chặn được tình yêu ấy. Chẳng có chia rẽ hận thù nào có thể cản trở trái tim ấy mở ra.

 

Suy Niệm 3: Yêu mến thù địch

Đời nước Tề, có một người nằm mơ thấy có người đem gươm vào nhà ông mắng chửi rồi giận dữ bỏ đi. Ông ta giật mình tỉnh dậy nhưng không tài nào ngủ lại được. Sáng hôm sau, ông nói với người bạn: “Từ nhỏ đến giờ, tôi vốn là người trí dũng, đến nay đã 80 tuổi, tôi chưa hề bị ai hạ nhục, thế mà đêm qua có người đến làm nhục tôi, tôi cảm thấy bứt rứt và cố tìm gặp cho được người đó, nếu không tôi phải chết mất”.

Thế là ngay sáng hôm ấy, ông cùng với người bạn đi tìm kẻ thù. Năm năm trôi qua mà ông vẫn chưa thấy được kẻ thù. Tức tối vì bị kẻ thù làm nhục, hậm hực vì không tìm được kẻ thù, ông ta về nhà mất ăn mất ngủ mà chết.

Cicéron đã nói: “Con người là kẻ thù khủng khiếp nhất của chính mình”, vì con người tự tạo cho mình kẻ thù để rồi tự tiêu diệt chính mình.

Chúa Giêsu không đến để chối bỏ hận thù, nhưng để bày tỏ bộ mặt thật của nó và đánh bại nó. Thù hận là dấu chỉ sự thống trị của Satan theo đúng nghĩa nhất. Chính Satan gieo thù hận trong lòng con người, đặt con người vào thế chống đối và huỷ diệt nhau. Chúa Giêsu đã đánh bại kẻ thù ấy bằng cái chết yêu thương tha thứ của của Ngài.

Chỉ có yêu thương, tha thứ mới là khí giới tiêu diệt được kẻ thù. Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta khí giới ấy trong bài Tin mừng hôm nay, đó là: “Hãy yêu mến thù địch và làm ơn cho kẻ ghét ngươi”.

Mỗi người là kẻ thù của chính mình. Mỗi khi chúng ta cưu mang thù hận thì đó là lúc chúng ta tự tạo nên kẻ thù và tự tiêu diệt mình. Mỗi khi chúng ta khước từ tha thứ và không thi ân cho những kẻ thù ghét bách hại chúng ta, đó là lúc chúng ta tự giam hãm trong thù hận để tự huỷ hoại mình.

Kẻ thù khủng khiếp nhất, kẻ thù tiếp cận với con người nhất là cõi lòng tích chứa thù hận. Nếu loại bỏ thù hận ra khỏi lòng mình, chúng ta sẽ biến đổi kẻ thù thành bạn hữu, và lúc đó sự bình an và vui sống cũng được tái lập trong tâm hồn chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Yêu thương kẻ thù

Sau hơn 50 ngày bị bắt làm con tin và bị sút gần 20 ký vì sống trong thiếu thốn vật chất cũng như tinh thần, một nhà truyền giáo nọ đã bình tĩnh trả lời câu hỏi của các phóng viên về những gì mình đang suy tính trong lòng: "Tôi vẫn yêu mến đất nước và dân tộc đó, như ngày tôi mới đến truyền giáo cách đây 40 năm. Tôi đã tha thứ cho những kẻ bắt giữ và hành hạ tôi. Tôi muốn nói với họ rằng tôi không có gì thù ghét họ, nhưng vẫn yêu thương và sẵn sàng trở lại đó làm việc mục vụ".

Những lời dạy của Chúa Giêsu mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay, cũng không mập mờ, không nhượng bộ hay chiều theo khuynh hướng tự nhiên của con người muốn giới hạn tình yêu của mình đối với tha nhân.

"Hãy yêu mến anh em mình", mệnh lệnh này được ghi rõ trong sách Lêvi 19,18. Những "anh em" được nhắc đến ở đây chỉ những kẻ thân thuộc, đồng hương, thuộc về dân riêng của Chúa. Còn câu: "Hãy ghét kẻ thù địch" thì chúng ta không gặp thấy công thức nào tương tự như vậy trong Kinh Thánh. Những lời này có thể hiểu như một diễn tả tự nhiên của tâm lý thường tình nơi con người, một hậu quả của tình yêu thương có giới hạn trong khung cảnh những kẻ thân thuộc, những người thuộc về cùng một dân tộc, một xã hội. Theo tâm thức hạn hẹp của Cựu Ước, bất cứ ai không thuộc về Dân Chúa chọn, thì người đó là kẻ xa lạn, là kẻ thù địch, không được yêu thương.

Chúa Giêsu đã đến để mạc khải sứ điệp trọn hảo hơn, bẻ gẫy những giới hạn tự nhiên: "Còn Thầy, Thầy bảo các con: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con". Chúng ta chú ý đến hai chi tiết trong lời dạy của Chúa Giêsu: thứ nhất: không còn ai bị loại ra khỏi tình yêu thương của người môn đệ Chúa và sự phân chia con người ra làm hai loại: thân thuộc và thù địch không còn nữa. Thứ hai: Tình yêu thương đó được thể hiện bằng những hành động cụ thể, và quan trọng nhất, đó là thi ân và cầu nguyện cho những kẻ không tự nhiên được chúng ta yêu thương, và đây không còn là tình yêu thương theo tình cảm, mà là tình yêu thương thực sự hướng đến lợi ích của người khác.

Nhưng tại sao phải yêu thương như vậy? Bởi vì chính chúng ta là con cái của Thiên Chúa và do đó phải noi gương trọn lành của Ngài, Ðấng cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người lành.

Xin Chúa đổ tràn trên chúng ta tình thương của Chúa, để chúng ta được giải thoát khỏi tình yêu hạn hẹp, có tính toán, mà quảng đại yêu thương tất cả mọi người, ngay cả kẻ chống đối và có ác cảm với chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 5: Luân lý cởi mở

Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. (Mt. 5, 44)

Bài trích sách Đệ Nhị Luật hôm nay thiết lập bước đầu tiên đến một nền luân lý cởi mở. Thực vậy, sách này chứa đựng nhiều điều răn có tính tôn giáo, nó nhấn mạnh tới mối giây liên lạc giữa Thiên Chúa và dân Do thái: “Ngươi sẽ là dân Ta và Ta sẽ là Thiên Chúa ngươi”. Điều quan trọng ở đây là hai bên liên kết với nhau được hoàn toàn tự do chọn lựa: một bên là Thiên Chúa và một bên là dân Do thái. Và những điều răn cũng do sự chọn lựa tự do này. Giới luật theo sau sự ban ơn cứu thoát và không qua một phương tiện nào khác, vì Thiên Chúa đã cứu thoát họ trước khi họ trung thành, sự trung thành của dân với lề luật cũng không phải là cách nhận biết ơn cứu độ đã có trước. Do đó, đây là nền tảng luân lý và đường lối sống đạo ăn rễ sâu vào kỷ niệm quá khứ: “Ngươi hãy nhớ” là câu nói then chốt của sách Đệ Nhị Luật. “Ngươi nhớ rằng ngươi đã làm nô lệ trong nước Ai cập và Gia-vê Thiên Chúa đã giải thoát ngươi ra khỏi đó”. Khi nhớ đến sự tự do và giao ước, Ít-ra-en sao quên được Đấng đã yêu thương và giải phóng mình? Những lúc họ lầm lạc, bất chính, áp bức, là những lúc họ quên kỷ niệm quá khứ.

Đức Giêsu trong Tin mừng, đã rao giảng một luân lý cởi mở. Còn đối với dân Do thái chỉ biết nên trọn lành ở sự giữ luật khắt khe, nên họ chống đối một kiểu nên trọn lành mới là kiểu của Cha trên trời. Đó là ân sủng, là tình yêu hậu đãi. Đức Kitô dùng hình ảnh mặt trời, mưa tưới. Thiên Chúa đã cho mặt trời mọc lên soi sáng cho muôn dân không phân biệt ai, đã làm cho mưa xuống làm phì nhiêu cho mọi loài trên trái đất. Thiên Chúa không thiên vị ai. Ngài săn sóc tất cả mọi người do lòng nhân hậu của Ngài ban cho người công chính cũng như kẻ bất lương. Theo gương Ngài mỗi người Kitô hữu không được phân biệt đối xử, cũng không được đặt rào cản lối với đức yêu người. Họ phải yêu cả kẻ thù mình, không được sống theo tình cảm tự nhiên, dù kẻ thù đó là người mắc nợ với mình. Luân lý cởi mở chính là tình yêu cho không điều kiện, hoàn toàn do ân huệ của Thiên Chúa. Chúng ta phải noi gương Ngài vì Ngài đã ban Con Một Ngài đến thương yêu chúng ta dù chúng ta là kẻ tội lỗi. Kitô hữu phải nhớ Đức Giêsu Kitô, nhớ hồng ân ban đầu của Thiên Chúa đã đoái thương mình để mình cố gắng nhờ ơn Chúa mà diễn tả lòng thương yêu đó trong đời sống mình.

J.G

 

Suy Niệm 6: Yêu cả kẻ thù

Có nhiều nghịch lý trong Tin Mừng! Một trong những nghịch lý ấy là lời dạy của Đức Giêsu hôm nay. Ngài dạy: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”, có thế, anh em mới trở thành con của Cha trên trời.

Tại sao Đức Giêsu lại dạy như thế? Thưa! Vì chính Ngài đã sống như vậy. Hơn nữa, đây là đặc tính của Thiên Chúa Cha, vì “Người cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương”.

Khi Đức Giêsu mời gọi yêu kẻ thù và nên hoàn thiện như Cha trên trời, có nghĩa là Ngài muốn chúng ta phải hành động như Ngài và nên giống Thiên Chúa.

Tuy nhiên, có điều chúng ta phải cẩn trọng để không bị lầm lẫn trong chuyện yêu và thích. Yêu là làm ơn cho họ. Thích là phản ứng tự nhiên. Chính Đức Giêsu đã yêu kẻ thù, tội lỗi và làm ơn cho họ, nhưng Ngài không chấp nhận tội, vì thế, mỗi khi làm ơn, Ngài thường nói: “Hãy về và đừng phạm tội nữa”.

Mẫu gương của thánh Phanxicô cho ta thấy hai yếu tố hoàn toàn khác nhau: ngài rất gớm người cùi, nhưng lại yêu thương người cùi cách đặc biệt. Lý do: họ là hình ảnh của Thiên Chúa, được dựng nên vì tình yêu.

Mong sao, lời mời gọi của Đức Giêsu: hãy yêu kẻ thù sẽ làm cho mỗi người chúng ta đón nhận và sống trong cuộc đời chứng tá của mình, để chúng ta được trở nên giống Thiên Chúa và hoàn thiện như lời Đức Giêsu mời gọi: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”.

Lạy Chúa Giêsu, lời mời gọi của Chúa hôm nay khó quá! Nhưng xin Chúa ban cho chúng con noi gương Chúa để yêu bằng một tình yêu vô vị lợi và nhân từ. Xin Chúa biến đổi lòng chúng con và những kẻ thù đang tìm cách hại chúng con, để chúng con được nên một trong tình yêu. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 7: Tình yêu đến cả kẻ thù

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Tình yêu thương đích thực không được đóng khung trong gia đình, họ hàng bạn hữu thân thuộc, nhưng cần phải được mở rộng tới hết mọi người, kể cả thù địch làm hại ta. Đó là giáo lý mới của Chúa Kitô.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đang dẫn con đến đỉnh cao đời sống Kitô giáo trong tình bác ái yêu thương. Chúa Cha trở thành mẫu mực duy nhất cho loài người chúng con: Ngài luôn quảng đại ban ơn một cách “phung phí”. Con cảm tạ hồng ân Chúa, vì con không bao giờ xứng đáng với ơn lành Chúa ban. Dù con bất xứng yếu hèn và tràn đầy khuyết điểm…, nhưng Chúa vẫn một lòng yêu thương.

Chúa mời gọi con vươn mình tới nguồn thánh thiện của Chúa. Chúa muốn con nên hoàn thiện bằng cách thoát ra khỏi chính mình, vượt ra ngoài tình thương mến hạn hẹp trong gia đình, họ hàng thân thuộc, bạn hữu, để đi đến với tất cả mọi người, để tôn trọng, quý mến và yêu thương họ.

Nhưng Chúa ơi, yêu mến những người thân là dĩ nhiên, nhưng yêu mến những người con không ưa thật là khó! Và quý mến những kẻ làm hại con là một hy sinh quá lớn lao. Xin Chúa giúp con nhận ra rằng Chúa vẫn yêu thương họ và Chúa muốn con cũng thực hiện điều ấy. Xin cho con một trái tim quảng đại, biết hướng mở tới mọi người. Xin cho con biết mở tung cánh cửa tâm hồn để sẵn sàng đón nhận tất cả mọi người. Nhờ đó hằng ngày con vui sướng đọc lời kinh Chúa dạy với đầy đủ ý nghĩa: Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.

Ghi nhớ: “Các ngươi hãy nên trọn lành như Cha các ngươi trên trời”.

 

Suy Niệm 8: Sống yêu thương tha thứ theo Tin Mừng

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Khi vua Louis XII được tấn phong ở Reims, ông truyền đem lại danh sách các kẻ thù nghịch của ông,. Khi đọc qua danh sách, ông đánh dấu thập đỏ bên cạnh một số tên, nhất là những người chống đối ông khi ông còn là công tước xứ Orléans. Những người vô phúc không được lòng sủng ái của vua đâm hoảng sợ khi biết rằng không sớm thì muộn họ cũng sẽ bị thanh trừng. Do đó, họ tìm cách lẩn tránh khỏi triều đình. Khi được báo cáo lý do rút lui của những người này, vua Louis XII cười rộ lên và truyền lệnh gọi tất cả họ lại. Cơn sợ hãi của họ càng tăng lên bội phần.

Nhưng nhà vua nói với họ: “Ta ngạc nhiên về sự rút lui bất chợt và về lý do của sự đào thoát này của các người. Ta không hề bao giờ có ý hại các người: Vị vua nước Pháp không can dự gì vào các tranh chấp của công tước xứ Orleans. Hơn nữa, dấu thập đỏ mà ta đánh dấu bên cạnh tên của các người thay vì kích thích ta trả thù các người, thì lại khuyến khích ta khoan dung. Đúng thế, ta phải tha thứ các lỗi lầm mà các người đã làm cho ta, như Đức Giêsu Kitô trên cây thập giá đã xin Cha Người tha thứ cho những kẻ đã đóng đinh Người”.

Suy Niệm

Để đạt tới đức ái tuyệt hảo thì Đức Kitô mời gọi chúng ta yêu thương trong mọi tương quan, với cả những người mình không thích, thậm chí với cả kẻ thù: “Hãy yêu thương thù địch và làm ơn cho những kẻ ghét các con; hãy cầu nguyện cho những ai bắt bớ và nguyền rủa các con, để như vậy các con nên con cái của Cha các con, Ðấng ngự trên trời”.

Có lẽ bài học khó nhất là bài học thể hiện lòng yêu thương trọn vẹn nhất trong cuộc đời: Tha thứ và yêu cả kẻ thù. Đó cũng là đỉnh cao của lòng bác ái Kitô giáo mà Chúa Giêsu đã đề nghị: Yêu kẻ ghét mình và làm ơn cho người hại mình. Chính Ngài trên thập giá đã sống đỉnh cao yêu thương này và làm gương cho chúng ta khi Ngài đối xử với những kẻ giết mình bằng lời cầu nguyện với Chúa Cha và cũng là di chúc cho chúng ta: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23,34). Lời di chúc này gợi trong lòng chúng ta: Yêu thương tha thứ như Chúa Giêsu, đến độ triệt để khai trừ mọi hành động trả thù và luôn luôn sẵn sàng đối thoại, lập lại sự giao hảo với người ghét mình, với kẻ hại mình. Sẵn sàng chia sẻ và quảng đại làm ơn: “Thi ân xóa bỏ thù hận”, cách hành xử của tôi và bạn tràn ngập yêu thương đó là luật vàng của lòng bác ái.

Như thế là sống theo lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Vậy các con hãy nên hoàn hảo như Cha các con trên trời là Ðấng hoàn hảo” (Mt 5,48).

Xin Chúa giúp chúng ta canh tân đời sống yêu thương tha thứ theo Tin Mừng.

Ý lực sống: “Có nhiều cách thức để làm việc bố thí, để giúp ta lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa, nhưng không có cách nào cao cả hơn là cách chúng ta tha thứ thật lòng cho người anh em đã xúc phạm đến ta” (Thánh Augustinô).

 

Suy Niệm 9: Hãy yêu thương kẻ thù

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)               

1. Để sống hoàn thiện theo gương Thiên Chúa là Cha trên trời, Đức Giêsu dạy các môn đệ không những không được báo thù (Mt 5,38-42), mà còn phải yêu thương kẻ thù nữa.

Trong bài Tin Mừng Đức Giêsu dạy các môn đệ một cách sống cao hơn: “Các ngươi đã nghe dạy hãy yêu thương thân nhân và hãy thù ghét kẻ thù. Còn Ta, Ta bảo các ngươi hãy yêu thương thù địch và làm ơn cho kẻ ghét các ngươi, hãy cầu nguyện cho những ai bắt bớ và nguyền rủa các ngươi”.

Lý do chúng ta phải yêu thương kẻ thù là: ”Các ngươi hãy nên hoàn hảo như Cha các ngươi ngự trên trời là Đấng hoàn hảo”.

2. Tác giả sách Đường Hy Vọng đã chia sẻ như sau: “Bác ái yêu thương là tu đức liên lỉ: tu miệng lưỡi, tu quả tim, tu lỗ tai, tu con mắt, tu lá gan. Tất cả con người của con cũng vậy, nhưng con phải yêu thương như Chúa Giêsu. Hãy lấy một tờ giấy và bình tĩnh viết lên đó đức tính của người mà con bất bình, con sẽ thấy rằng họ không hoàn toàn xấu như con nghĩ đâu. Con đừng muốn biết quá khứ của anh em, nhưng hãy chỉ muốn biết hiện tại của anh em để khuyến khích nâng đỡ nhau. Sống bổn phận hiện tại không phải là thụ động, nhưng là liên lỉ canh tân, là quyết định chọn hay chối Chúa, là tìm Nước Chúa, là tin vào tình yêu và vào Lời Chúa, là hành động với tất cả hăng say, là thể hiện mến Chúa yêu người ngay trong giây phút này”.

3. Mahatma Gandhi, vị cha già của dân tộc Ấn độ, người đã tranh đấu bất bạo động, đòi người Anh phải trao trả độc lập cho dân tộc ông, đã thực hiện đúng Lời Chúa: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ngược đãi anh em”, chính ông đã phát biểu: “Thế giới đã mệt mỏi vì sự giận ghét hận thù. Tôi cảm thấy không thể nào chất chứa trong lòng sự căm hờn thù ghét đối với bất cứ một tạo vật nào. Nhờ sự huấn luyện lâu năm trong việc tự chủ và cầu nguyện từ hơn 40 năm nay, tôi chấm dứt được sự giận ghét và oán thù đối với bất cứ người nào”.

3. Cicéron, nhà hùng biện nổi tiếng ngày xưa đã nói: “Con người là kẻ thù khủng khiếp nhất của chính mình”, vì con người tự tạo cho mình kẻ thù để rồi tự tiêu diệt lấy chính mình.

Mỗi người là kẻ thù của chính mình. Mỗi khi chúng ta cưu mang thù hận thì đó là lúc chúng ta tự tạo nên kẻ thù tự tiêu diệt mình. Mỗi khi chúng ta khước từ tha thứ và không thi ân cho kẻ thù ghét bách hại chúng ta, đó là lúc chúng ta  tự giam hãm trong thù hận để tự hủy hoại mình.

Kẻ thù khủng khiếp nhất, kẻ thù tiếp cận với con người nhất là cõi lòng tích chứa hận thù. Nếu loại bỏ thù hận ra khỏi lòng mình, ta sẽ biến đổi kẻ thù thành bạn hữu, và lúc đó sự bình an và vui sống cũng được tái lập trong tâm hồn chúng ta.

4. Trong đòi hỏi yêu thương kẻ thù, giai đoạn đầu tiên là yêu thương  mọi người, không trừ ai. Giai đoạn thứ hai phát xuất từ giai đoạn một: một khi đã yêu thương mọi người không trừ ai, tất phải yêu thương cả kẻ thù nghịch là những người cố ý hay vô tình làm hại ta. Nếu làm được như thế là đã cố gắng trở thành toàn thiện  như Cha trên trời toàn thiện.

Mức độ tình yêu đối với tha nhân:

- Yêu người như người yêu mình, là công bằng.

- Yêu người như Chúa yêu mình, là luật bác ái.

- Yêu người như Thiên Chúa Ba Ngôi yêu thương nhau đó là mẫu gương tình yêu hiệp nhất.

5. Thường tình ai cũng yêu những người gần gũi, thân thuộc với mình, còn kẻ thù thì không yêu được, như vậy là hợp lẽ phải và công bằng. Nhưng Thiên Chúa đòi chúng ta tiến xa hơn. Đức Giêsu đòi ta mở rộng tâm hồn, kéo dài tầm nhìn vượt qua phạm vi bạn hữu, gia đình, thân cận, phe nhóm của ta.

Chúa muốn dạy chúng ta không những phải sống theo lẽ phải mà còn vượt trên lẽ phải. Bình thường chúng ta yêu bạn ghét thù, nhưng Chúa dạy chúng ta yêu bạn yêu thù, tức là Chúa dạy chúng ta đối xử với mọi người không có điều kiện nào cả, dù người đó tốt hay xấu, bạn hay thù. Chúa đưa ra ví dụ mặt trời và mưa rơi làm sáng tỏ vấn đề này.

6. Truyện: Vua Louis XII tha thứ.

Khi Louis XII được tấn phong ở Reims, ông truyền đem lại danh sách của tất cả các kẻ thù nghịch ông, nhất là những kẻ chống đối ông khi ông còn là công tước xứ Orléans. Khi đọc qua danh sách, ông đánh dấu thập đỏ bên cạnh một số tên, nhất là tên của những kẻ mà chúng ta vừa nói ở trên. Những người vô phúc không được lòng sủng ái của vua đâm hoảng sợ  khi biết rằng không sớm thì muộn họ cũng sẽ bị thanh trừng. Do đó, họ tìm cách lẩn tránh khỏi triều đình. Khi được báo cáo lý do rút lui của những người này, vua Louis XII cười rộ lên và truyền gọi tất cả họ lại. Cơn sợ hãi của họ càng tăng lên bội phần.

Nhưng nhà vua nói với họ: “Ta ngạc nhiên về sự rút lui bất chợt của sự đào thoát này của các ngươi. Ta không hề bao giờ có ý hại các ngươi: Vị Vua nước Pháp không can dự gì vào các tranh chấp của công tước xứ Orléans. Hơn nữa, dấu thập đỏ mà ta đánh dấu bên cạnh tên của các ngươi thay vì kích thích ta trả thù các ngươi, thì lại khuyến khích ta khoan dung. Đúng thế, ta phải tha thứ các lỗi lầm mà các ngươi đã làm cho ta, như Đức Giêsu Kitô trên cây thập giá đã xin Cha Người tha thứ cho những kẻ đã đóng đinh Người”.

 

Suy Niệm 10: Hoàn hảo như Cha trên trời là Đấng hoàn hảo

(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống...)

1. Bài đọc Cựu Ước khuyên tín hữu tuân giữ lề luật và huấn lệnh Chúa. Lý do là: “Người sẽ làm cho ngươi được vinh quang, thanh danh và huy hoàng hơn mọi dân tộc Người đã tạo dựng, để ngươi trở thành dân thánh của Chúa là Thiên Chúa ngươi”

2. Bài Phúc Âm: Chúa dạy môn đệ phải biết sống một cách cao hơn: “Các con đã nghe dạy: Ngươi hãy yêu thân nhân, và hãy thù ghét địch thù. Còn Ta, Ta bảo các con: Hãy yêu thương thù địch và làm ơn cho những kẻ ghét các con; hãy cầu nguyện cho những ai bắt bớ và nguyền rủa các con”.

Lý do cũng cao hơn: “các con hãy nên hoàn hảo như Cha các con trên trời là Đấng hoàn hảo”

B- Suy gẫm (...nẩy mầm)

1. Kitô hữu là con của Chúa Cha nên cũng phải cố gắng có tấm lòng yêu thương bao la như Chúa Cha. “Người khiến mặt trời mọc lên cho người lành kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người liêm khiết và kẻ bất lương”. Biên giới của tình thương là không biên giới. Chính thiên nhiên cũng nhắc chúng ta cố gắng bắt chước tình thương không biên giới và không phân biệt của Cha trên trời.

2. Chúa Giêsu kể ra ba mức độ đối xử với kẻ không yêu thương mình:

1/ Yêu thương.

2/ Làm ơn.

3/ Cầu nguyện.

Nếu tôi chưa thể yêu thương thì hãy cố gắng lấy ơn để báo oán. Nếu vẫn chưa thể thì ít ra là cầu nguyện cho họ.

3. Người không tôn giáo chủ trương phân biệt rõ rệt bạn và thù và cư xử “ân oán phân minh”. Phật giáo đã nhận ra sự bế tắc của cách đối xử đó: Lấy oán báo oán, oán sẽ chất chồng. Chúa Giêsu dạy tích cực hơn nữa: hãy yêu thương kẻ thù địch. Chỉ có yêu thương tha thứ mới tiêu diệt được kẻ thù.

4. Con người là kẻ thù của chính mình. Đời nước Tề, có một người nằm mơ thấy có người đem gươm vào nhà ông mắng chửi rồi giận dữ bỏ đi. Ông ta giật mình tỉnh dậy. Nhưng không tài nào ngủ lại được nữa. Sáng hôm sau ông nói với một người bạn: Từ thuở nhỏ đến giờ tôi chưa hề bị ai làm nhục. Thế mà đêm hôm qua có người đến làm nhục tôi. Tôi cảm thấy bứt rứt và cố tìm gặp cho được người đó, bằng không thì tôi phải chết mất.

Thế là sáng hôm ấy, ông cùng người bạn đi tìm kẻ thù đã khiêu khích mình. 5 ngày trôi qua nhưng vẫn chưa tìm được kẻ thù. Tức tối vì bị kẻ thù làm nhục, hậm hực vì không tìm được kẻ thù, ông ta về nhà mất ăn mất ngủ mà chết.

Cicéron diễn giả La Mã đã nói: “Con người là kẻ thù khủng khiếp nhất của chính mình”. Đúng thế, con người tự tạo cho mình kẻ thù rồi tự tiêu diệt chính mình. (Trích món quà Giáng Sinh)

5. Ngày nọ, Đức Giám Mục John Selwyn thấy một cậu con trai người bản địa cư xử thô bạo với kẻ khác, ngài gọi cậu lại khiển trách. Chẳng những không chịu nghe, cậu ta còn vung tay đánh vào mặt vị Giám Mục. Mọi người thấy vậy đứng chết trân. Nhưng vị Giám Mục không cho họ làm gì. Rồi Ngài quay lưng bỏ đi.

Nhiều năm sau. một nhà truyền giáo được mời đến với một bệnh nhân. Ông sắp chết và xin được rửa tội. Khi nhà truyền giáo hỏi anh muốn lấy tên thánh là gì. Anh đáp: “Xin đặt là John Selwyn vì chính ngài đã dạy cho tôi biết Đức Kitô là ai khi tôi đánh Ngài” (Góp Nhặt)

 

Suy Niệm 11: Phục vụ và yêu thương như Chúa

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Kitô hữu là con của Chúa Cha, nên cũng phải cố gắng có tấm lòng yêu thương bao la như Chúa Cha. “Ngài khiến mặt trời mọc lên cho người lành kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người liêm khiết và kẻ bất lương” (Mt 5,45). Biên giới của tình thương là không có biên giới. Chính thiên nhiên cũng nhắc chúng ta cố gắng bắt chước tình thương không biên giới và không phân biệt của Cha trên trời.

Chúa Giêsu kể ra ba mức độ phải đối xử với kẻ không yêu thương mình:  

a/ Yêu thương.

b/ Làm ơn.

c/ Cầu nguyện.

Nếu tôi chưa thể yêu thương thì hãy cố gắng lấy ơn để báo oán. Nếu vẫn chưa thể thì ít ra là cầu nguyện cho họ.

Người không tôn giáo chủ trương phân biệt rõ rệt bạn và thù và cư xử “ân oán phân minh”. Phật giáo đã nhận ra sự bế tắc của cách đối xử đó: Lấy oán báo oán, oán sẽ chất chồng.

Philipphê, vua nước Macedonia, khi đang đem quân vây thành Meton, có một tên cung thủ đại tài tên là Asthê đến xin vua cho hắn được sát nhập vào đội tinh binh của nhà vua. Người ấy khoe rằng, tài nghệ cung tên hay lắm, chim bay dầu lẹ đến mức nào, y cũng bắn không sai bao giờ. Vua mỉa mai bảo:

- Được, để bao giờ đánh trận với chim sẻ ta sẽ dùng đến tài ngươi.

Asthé nghe câu nói mỉa mai ấy, lấy làm căm tức vô cùng, liền chạy thẳng vào thành đang bị vây để chờ dịp trả thù.

Một hôm, Asthé đứng trên bờ thành, thấy vua Philipphê đang đi kinh lý các trại đóng binh ở ngoài thành. Asthé liền lấy một cây tên, viết vào mấy chữ: gửi cho con mắt bên phải của vua Philipphê rồi bắn xuống. Tên trúng giữa mắt phải của vua. Nhà vua tức giận vô cùng, truyền cho cận vệ ghi lên mũi tên ấy câu này: “Ta mà lấy được thành này, Asthé sẽ bị xử giảo”, rồi truyền cho quân sĩ bắn tên ấy vào thành.

Sau quả đã xảy ra đúng như vậy.

Vua Philipphê thật đã mua một giá rất đắt cái thú được nói một lời có ý mỉa mai. Nhưng mà Asthé lại mua đắt hơn cái thú trả được thù.

Lòng hiềm thù nhiều khi đưa con người đến chỗ bế tắc. Cái thói muốn châm chích người ta cũng nguy hiểm chẳng kém gì. Đành rằng, nói được những câu thâm trầm khiến cho người ta bị chạm và đau khổ nhiều khi cũng là một cái thú ở trên đời. Thế nhưng, đó không phải là điều mà lúc nào người ta cũng nên làm.

Thường thường người ta có thể tha thứ cho ta một tội ác dễ hơn là tha thứ cho ta một lời nói độc.

Chúng ta không thể quên Lời Chúa Giêsu dạy: “Hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét các con” (Mt 5,44) và “Hãy tha thứ để được Thiên Chúa tha cho” (Lc 6,37).

2. Hãy yêu thương kẻ thù địch. Chỉ có yêu thương tha thứ mới tiêu diệt được kẻ thù.

Hai người cùng bán hàng tại một khu phố. Vì tranh giành khách hàng nên hai người đã trở nên kình địch với nhau.

Một trong hai người này xin trở lại đạo Công Giáo. Một hôm người này đến hỏi cha xứ:

- Thưa Cha, con vẫn ghét kẻ thù địch của con, con không biết làm thế nào để có thể lướt thắng được điều này. Xin Cha giúp ý cho con.

Cha xứ hỏi:

- Kẻ thù của ông là ai?

Sau khi đã nghe biết đầu đuôi câu chuyện, cha xứ góp ý:

- Mỗi lần có khách hàng nào đến cửa tiệm của ông mà ông không có món hàng người đó muốn mua, ông hãy giới thiệu cho người khách đó qua cửa tiệm của người đang kình địch với ông. Ông hãy cứ thử làm như thế xem sao!

Người kia đã về làm như lời cha xứ dạy và kết quả là số khách hàng đến cửa hàng của người không Công giáo mỗi ngày một đông. Nhưng đồng thời người này cũng nhận ra rằng, hàng hóa của ông bán cũng chạy hơn kể từ ngày ông thực hiện lời khuyên của cha xứ.

Thành thực mà nói, ai trong chúng ta, ít nhiều gì cũng có kẻ thù và có lẽ lúc này đây chúng ta cũng đang mang một mối hận thù hay là một sự cay đắng nào đó đối với một người đã xúc phạm đến chúng ta.

Phương thuốc hay nhất để diệt kẻ thù là biến kẻ thù trở thành bạn. Khi đó chúng ta không mất người, nhưng lại còn được thêm bạn.

Tổng thống Abraham Lincoln của Hoa Kỳ có thói quen áp dụng phương pháp bất thường để kết bạn.

Một lần kia ông đã dùng lời hay ý đẹp để nói tốt về những chính trị gia đối lập với mình. Nghe biết thế, một phụ nữ thắc mắc:

- Tại sao ông lại ca ngợi những địch thù của mình như vậy, khi mà lẽ ra ông phải phê bình chỉ trích để làm hạ giá và hủy diệt họ?

Tổng thống Abraham Lincoln đã trả lời người đã hỏi ông về vấn đề này bằng một câu nói:

- Biến thù thành bạn, đó lại không phải là cách tôi tiêu diệt kẻ thù hay sao?

Lạy Chúa Giêsu,

Giữa một thế giới còn tràn ngập hận thù và chia rẽ.

Xin dạy con biết phục vụ và yêu thương như Chúa. Amen.

 

Bài cùng chuyên mục:

Thứ Bảy 30/03/2024 – THỨ BẢY TUẦN THÁNH. ĐÊM THÁNH VỌNG CHÚA PHỤC SINH. – Người đã sống lại thật. (29/03/2024 10:00:00 - Xem: 95)

THỨ BẢY TUẦN THÁNH. ĐÊM THÁNH VỌNG CHÚA PHỤC SINH.

Thứ Sáu 29/03/2024 – THỨ SÁU TUẦN THÁNH. KỶ NIỆM CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA. – Thủ phạm giết Chúa. (28/03/2024 10:00:00 - Xem: 2,100)

THỨ SÁU TUẦN THÁNH. KỶ NIỆM CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA.

Thứ Năm 28/03/2024 – THỨ NĂM TUẦN THÁNH. THÁNH LỄ TIỆC LY. – Thánh Thể Bí Tích Phục Vụ (27/03/2024 10:00:00 - Xem: 5,946)

THỨ NĂM TUẦN THÁNH. THÁNH LỄ TIỆC LY.

Thứ Tư 27/03/2024 – THỨ TƯ TUẦN THÁNH. – Dung mạo kẻ phản bội. (26/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,618)

THỨ TƯ TUẦN THÁNH.

Thứ Ba 26/03/2024 – THỨ BA TUẦN THÁNH. – Bóng đêm tội lỗi – Sự thật về Giuđa và Phêrô. (25/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,716)

THỨ BA TUẦN THÁNH.

Thứ Hai 25/03/2024 – THỨ HAI TUẦN THÁNH. – Yêu là cho đi. (24/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,923)

THỨ HAI TUẦN THÁNH.

+ Chúa Nhật 24/03/2024 – CHÚA NHẬT LỄ LÁ năm B. – Chúa Giêsu: tung hô và thương khó. (23/03/2024 10:00:00 - Xem: 5,110)

CHÚA NHẬT LỄ LÁ năm B.

Thứ Bảy 23/03/2024 – Thứ Bảy tuần 5 mùa Chay. – Người công chính. (22/03/2024 10:00:00 - Xem: 3,409)

Thứ Bảy tuần 5 mùa Chay.

Thứ Sáu 22/03/2024 – Thứ Sáu tuần 5 Mùa Chay. – Ðường chân lý. (21/03/2024 10:00:00 - Xem: 4,046)

Thứ Sáu tuần 5 Mùa Chay.

Thứ Năm 21/03/2024 – Thứ Năm tuần 5 Mùa Chay. – Niềm tin và lý trí. (20/03/2024 10:00:00 - Xem: 4,032)

Thứ Năm tuần 5 Mùa Chay.

Bài viết mới