Thứ Ba 31/01/2023 – Thứ Ba tuần 4 thường niên. – Thánh Gioan Boscô, linh mục. Lễ nhớ – Tin nơi Chúa Giêsu.
- In trang này
- Lượt xem: 6,877
- Ngày đăng: 30/01/2023 10:00:00
Tin nơi Chúa Giêsu.
31/01 – Thứ Ba tuần 4 thường niên. – Thánh Gioan Boscô, linh mục. Lễ nhớ
"Hỡi em bé, Ta bảo em hãy chỗi dậy".
* Chào đời năm 1815 tại Cáttennôvô, giáo phận Tôrinô, Gioan đã trải qua thời thơ ấu trong hoàn cảnh khó khăn, vì thế, khi làm linh mục, người dấn thân lo việc giáo dục thanh thiếu niên. Người lập dòng các tu sĩ Salêdiêng và dòng Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu để huấn luyện thanh thiếu niên về nghề nghiệp và đời sống đạo. Người qua đời năm 1888.
Lời Chúa: Mc 5, 21-43
Khi ấy, Chúa Giêsu đã xuống thuyền trở về bờ bên kia, có đám đông dân chúng tụ họp quanh Người, và lúc đó Người đang ở bờ biển. Bỗng có một ông trưởng hội đường tên là Giairô đến. Trông thấy Người, ông sụp lạy và van xin rằng:: “Con gái tôi đang hấp hối, xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống". Chúa Giêsu ra đi với ông ấy, và đám đông dân chúng cũng đi theo chen lấn Người tứ phía.
Vậy có một người đàn bà bị bệnh xuất huyết đã mười hai năm. Bà đã chịu cực khổ, tìm thầy chạy thuốc, tiêu hết tiền của mà không thuyên giảm, trái lại bệnh càng tệ hơn. Khi bà nghe nói về Chúa Giêsu, bà đi lẫn trong đám đông đến phía sau Người, chạm đến áo Người, vì bà tự nhủ:: “Miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành". Lập tức, huyết cầm lại và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. Ngay lúc ấy, Chúa Giêsu nhận biết có sức mạnh đã xuất phát tự mình, Người liền quay lại đám đông mà hỏi:: “Ai đã chạm đến áo Ta?" Các môn đệ thưa Người rằng:: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy tứ phía, vậy mà Thầy còn hỏi: “Ai chạm đến Ta?" Nhưng Người cứ nhìn quanh để tìm xem kẻ đã làm điều đó. Bấy giờ người đàn bà run sợ, vì biết rõ sự thể đã xảy ra nơi mình, liền đến sụp lạy Người và thú nhận với Người tất cả sự thật. Người bảo bà:: “Hỡi con, đức tin con đã chữa con, hãy về bình an và được khỏi bệnh".
Người còn đang nói, thì người nhà đến nói với ông trưởng hội đường rằng:: “Con gái ông chết rồi, còn phiền Thầy làm chi nữa?" Nhưng Chúa Giêsu đã thoáng nghe lời họ vừa nói, nên Người bảo ông trưởng hội đường rằng:: “Ông đừng sợ, hãy cứ tin". Và Người không cho ai đi theo, trừ Phêrô, Giacôbê và Gioan, em Giacôbê.
Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường. Và Chúa Giêsu thấy người ta khóc lóc kêu la ồn ào, Người bước vào và bảo họ:: “Sao ồn ào và khóc lóc thế? Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó". Họ liền chế diễu Người. Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, chỉ đem theo cha mẹ đứa bé và những môn đệ đã theo Người vào chỗ đứa bé nằm. Và Người cầm tay đứa nhỏ nói rằng:: “Talitha, Koumi!", nghĩa là:: “Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy!" Tức thì em bé đứng dậy và đi được ngay, vì em đã được mười hai tuổi. Họ sửng sốt kinh ngạc. Nhưng Người cấm ngặt họ đừng cho ai biết việc ấy, và bảo họ cho em bé ăn.
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
Suy Niệm 1: Đụng đến áo
Suy niệm:
Giữa đám đông chen lấn chung quanh Ðức Giêsu,
có những người đụng vào áo Ngài.
Nhưng chỉ có một cái đụng cố ý,
đụng lén như sợ bị bắt quả tang.
Ðó là cái đụng của một người phụ nữ,
mười hai năm mắc bệnh băng huyết,
mười hai năm tìm thầy chạy thuốc mà không khỏi,
mười hai năm bị coi là ô nhơ:
không được đụng đến người khác,
không được tham dự nghi lễ ở Ðền thờ.
Người phụ nữ đụng vào áo Ðức Giêsu
bằng tay và bằng lòng tin,
một lòng tin đơn sơ mà mạnh mẽ.
“Dầu tôi chỉ đụng vào áo Ngài, tôi sẽ được khỏi.”
Cái đụng của lòng tin đã cứu bà khỏi bệnh.
Trong đời sống Kitô hữu,
chúng ta đã nhiều lần đụng vào Chúa.
Ðụng đến Lời Ngài, đụng đến Mình Máu Thánh Ngài.
Ðụng bằng tay, bằng miệng, bằng rung động của trái tim.
Có những lần đụng chạm hời hợt vì thói quen,
không để lại một âm vang nào,
không đem lại một biến đổi nào trong cuộc sống.
Nhưng cũng có lần, như người phụ nữ,
ta run rẩy đụng vào Ngài, dù biết mình ô nhơ tội lỗi.
Hay nói đúng hơn,
vì biết mình ô nhơ tội lỗi mà ta cả dám đụng vào Ngài.
Ðụng vào Ðấng Thánh để được nên trong sạch.
Chúng ta cần đụng đến Ðức Giêsu mỗi ngày
và chúng ta cũng cần được Ngài đụng đến.
Ông trưởng hội đường xin Ngài đặt tay trên con mình.
Ngài đã cầm tay cô bé để kéo cô ra khỏi cái chết.
Như con gái của ông trưởng hội đường,
chúng ta cần được Chúa cầm tay và bảo:: “Hãy trỗi dậy.”
Trỗi dậy khỏi bệnh tật và cái chết.
Trỗi dậy và đi lại, ăn uống như người bình thường.
Trỗi dậy và sống vui tươi, tự do như con cái Thiên Chúa.
Hai phép lạ xảy ra nhờ có lòng tin.
Ðức Giêsu xác nhận lòng tin vững vàng của người phụ nữ:
“Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con” (c.34).
Ngài nâng đỡ lòng tin đang chao đảo của Giarô:
“Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi” (c.36).
Cần có lòng tin khi đụng chạm Chúa Giêsu.
Cần nhạy cảm để nhận ra cái đụng nhẹ của Ngài.
Khi đụng vào Thân Mình Ngài nơi bí tích Thánh Thể,
ta được mời gọi đụng đến nỗi khổ của anh em,
là những chi thể của Nhiệm Thể Ngài.
Khi đụng đến Lời Chúa nơi những trang Tin Mừng,
ta được mời gọi chạm đến Lời Chúa nơi mọi biến cố.
Chỉ cần để Chúa đụng đến bạn một lần thôi,
đời bạn sẽ hoàn toàn đổi mới.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
dân làng Nazareth đã không tin Chúa
vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.
Các môn đệ đã không tin Chúa
khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.
Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa
chỉ vì Chúa sống như một con người,
Cũng có lúc chúng con không tin Chúa
hiện diện dưới hình bánh mong manh,
nơi một linh mục yếu đuối,
trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.
Dường như Chúa thích ẩn mình
nơi những gì thế gian chê bỏ,
để chúng con tập nhận ra Ngài
bằng con mắt đức tin.
Xin thêm đức tin cho chúng con
để khiêm tốn thấy Ngài
tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Suy Niệm 2: Sự ân cần
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Bài Tin mừng cho thấy quyền năng phi phàm nhưng đồng thời cũng cho thấy sự ân cần của Chúa. Giữa những người chen lấn vẫn có sự quan tâm đến từng người. Giữa những người cao sang vẫn còn thì giờ quan tâm đến những người bé nhỏ. Quan tâm đến một phụ nữ vô danh. Đưa chị ra ánh sáng để ca ngợi đức tin mạnh mẽ của chị. Con người này cao quí vì có đức tin mạnh mẽ chứ không vì có địa vị trong xã hội. Quan tâm nên đến tận nhà một em bé. Thời xưa, trẻ con, nhất là trẻ gái, thường không được quan tâm. Huống hồ đây là một trẻ gái đã chết. Thái độ của Chúa thật ân cần. Chúa cầm tay và nói với em. Vừa yêu thương. Vừa trân trọng.. Và còn ân cần hơn nữa. Khi mọi người tíu tít mừng rỡ thì Chúa quan tâm lo cho em ăn uống.
Điều này khiến ta an tâm tin tưởng. Vì Chúa yêu thương và quan tâm đến từng người chúng ta. Dù chúng ta là những người bé nhỏ nghèo hèn, vô danh tiểu tốt. Còn hơn cả quan tâm, Chúa hi sinh vì chúng ta. Chúa gánh lấy mọi bệnh hoạn, đau khổ tật nguyền của chúng ta. Để chúng ta được lành mạnh. Người còn cam lòng chịu chết cho ta được sống. Như thư Do thái khẳng định:: “Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa. Anh em hãy tưởng nhớ Đấng đã cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình như thế, để anh em khỏi sờn lòng nản chí”. Vì thế nếu ta gặp khó khăn thử thách, hãy vững lòng tin tưởng chiến đấu. Vì Chúa sẽ trợ giúp và giải thoát ta.: “Hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Đức Giê-su là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin” (năm lẻ).
Chúa bày tỏ tấm lòng của người cha yêu thương con. Nếu Đa-vít tiếc thương Áp-sa-lôm là đứa con phản bội. Thánh vương còn muốn chết thay cho con. Khi Áp-sa-lôm đã chết, nhà vua khóc thương:: “Áp-sa-lôm con ơi! Phải chi cha chết thay con”. Nhưng Chúa không chỉ muốn chết thay cho ta. Chúa thực sự đã chết cho ta (năm chẵn).
Vì thế dù tội lỗi đến đâu, ta hãy tin tưởng. Đứng dậy trở về. Vì Chúa quan tâm yêu thương từng người. Chúa đến tìm con chiên lạc. Chúa sẵn sàng chết cho ta được sống.
Suy Niệm 3: Nhận ra phép lạ mỗi ngày
Ngày 17/9/1961, máy bay chở ông Ðavít Hamacon, Tổng thư ký Liên hiệp quốc, đã ngộ nạn trên không phận nước Congo, Phi Châu. Ông Hamacon không chỉ là người hoạt động cho hòa bình và là một nhà chính trị lỗi lạc, ông còn là một nhà tu đức có chiều sâu. Sau khi ông qua đời, tại căn phòng của ông ở Nữu Ước, người ta đã tìm được tập tài liệu đánh máy, ghi lại những suy tư và cầu nguyện hằng ngày của ông. Trong tập tài liệu này người ta đọc thấy những dòng như sau:: “Thiên Chúa sẽ không chết, ngày mà chúng ta không còn tin ở thần linh nào nữa. Nhưng chính chúng ta sẽ chết, ngày nào cuộc sống của chúng ta không còn thấm nhập bởi ánh sáng của phép lạ không ngừng xảy ra, phép lạ mà lý trí chúng ta không biết từ đâu tới".
Cái chết mà ông Ðavít Hamacon nói trên đây chính là cái chết của tinh thần con người. Khi tinh thần con người không còn vượt qua khỏi chính mình để đi vào chiêm niệm, nghĩa là đi vào thế giới ở bên ngoài khả năng nắm bắt của lý trí, thì đó là lúc nó trở nên cằn cỗi và chết dần chết mòn.
Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta đi vào thế giới ấy, thế giới của những câu hỏi: “tại sao", mà lý trí con người không thể lý giải được. Phép lạ một người đàn bà bị băng huyết được chữa lành nhờ chỉ chạm đến áo của Chúa Giêsu, và phép lạ một em bé gái chết được Chúa Giêsu cho sống lại; cả hai phép lạ đều phát xuất từ lòng tin của con người. Ông trưởng hội đường đã biểu lộ lòng tin bằng cách lặn lội tìm đến với Chúa Giêsu xin Ngài tới đặt tay trên con gái của ông; người đàn bà băng huyết tin một cách mãnh liệt nơi sức mạnh phát xuất từ con người Chúa Giêsu. Nơi ông trưởng hội đường, lòng tin được tuyên xưng tỏ tường; nơi người đàn bà băng huyết, niềm tin rụt rè kín đáo. Nhưng dù tỏ tường hay kín đáo, chính lòng tin đã giúp cho phép lạ xảy ra, như Chúa Giêsu đã nói với người đàn bà:: “Lòng tin của con đã cứu chữa con".
Niềm tin làm cho con người được sống, điều này vẫn thường xảy ra trong đời sống con người. Tất cả những thành công trong cuộc sống đều nhờ ở niềm tin, nhưng niềm tin tôn giáo thì quan trọng hơn, bởi vì chính sự sống tinh thần và tâm linh mới là điều cần thiết cho con người đạt được thành công. Có tất cả, nhưng thiếu đời sống tâm linh, con người vẫn như sống dở. Sống sung mãn, sống dồi dào, chính là sống nội tâm. Chỉ có một đời sống nội tâm sung mãn mới giúp con người thấy được, cảm nhận được những gì mà giác quan và lý trí không thể đạt được.
Cuộc sống vốn là một phép lạ, từng hơi thở con người là một phép lạ, mỗi ngày là một phép lạ, mỗi phút giây là một phép lạ. Chỉ có đôi mắt nội tâm mới cho con người cảm nhận được phép lạ triền miên ấy. Sống đích thực, sống dồi dào, là biết chiêm ngưỡng để đón nhận phép lạ từng ngày ấy.
Nguyện xin Chúa ban cho cuộc sống chúng ta luôn được thấm nhập bởi ánh sáng của phép lạ triền miên ấy.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 4: Một y dược mới lạ
Đức Giêsu xuống thuyền, lại trở sang bờ bên kia. Một đám rất đông tụ lại quanh Người. Lúc đó, Người đang ở trên bờ Biển Hồ. Có một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia đi tới. Vừa thấy Đức Giêsu, ông sụp xuống dưới chân Người, và khẩn khoản nài xin:: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống.” (Mc. 5, 21-23)
Tương truyền thánh Maccô là một y sĩ. Phúc âm của ngài đầy rẫy những chi tiết về thuốc men cùng những ngón nghề trị bệnh. Nhưng hình như ngài đã tự ý bỏ nghề làm thuốc sau khi đã so sánh những thành công về y khoa của mình với những thành công của Tin Mừng nơi Đức Giêsu Kitô. Thế nên, trong bài tường thuật này, Maccô muốn minh chứng sự đụng chạm đến Chúa Giêsu, dù là kín đáo, cũng tạo được một khả năng hữu hiệu là phục hồi sức khỏe hay phục sinh.
Đụng chạm đến Chúa Giêsu
Chúa Giêsu thực hiện một số phép lạ: “từ xa” hoặc bằng lời nói của Người. Trong trường hợp này, Maccô nhấn mạnh đến chi tiết này là phép lạ đã xảy ra nhờ tiếp xúc với Chúa:: “Ai đã sờ vào tôi?”,: “Người cầm lấy tay đứa bé”.
Chúng ta biết Chúa Giêsu có thể chữa bệnh từ xa, nhưng cũng phải biết rằng Người có thể tác động cách gần gũi, cảm thấy được. Các Bí tích là gì, nếu không phải là những cử chỉ và hành động của Đức Kitô – như trong Bí tích Thánh Thể – của chính Đức Kitô.
Nhưng chúng ta có giống như đám đông chen lấn Chúa, đụng chạm đến Người, mà chẳng sinh được hiệu quả gì chăng? Hay sẽ như người đàn bà nọ bị bệnh băng huyết tiến đến gần Người với lòng tin nên được khỏi bệnh chăng? Chúng ta đến lãnh nhận các Bí tích với tinh thần nào?
Dù là kín đáo không ai hay biết
Có nhiều phép lạ Chúa Giêsu đã thực hiện trước công chúng, mà mọi người được mắt thấy tai nghe. Trong trường hợp phép lạ ở đây, lại khác hẳn. Việc người phụ nữ bị bệnh loạn huyết được khỏi, chẳng có ai hay biết, còn số người chứng kiến việc con gái ông Giai-ia được phục sinh cũng chỉ có mấy người. Việc Chúa Giêsu hành động cách kín đáo, hoặc Người bảo người ta phải kín miệng cảnh báo chúng ta phải coi chừng những phép lạ hàng loạt, và những trường hợp lành bệnh có tính cách phô trương rùm beng. Mỗi người cần có niềm tin sâu xa tự đáy lòng mình, đó mới là điều cốt yếu.
Tiến tới một sự phục hồi toàn diện
Cuối cùng, sự tiếp xúc với chính Chúa Kitô và đụng chạm đến Người phải đưa đến một sự phục hồi toàn diện con người. Chúa Giêsu không ngừng làm cho ta đứng thẳng, trong tư thế của người đang làm việc; Người làm cho chúng ta trở thành người hữu ích, đảm đang. Và cứ như thế cho đến giai đoạn phục hồi chung cuộc, khi con người toàn diện của chúng ta, luôn tỉnh thức phục vụ, được phục sinh trong ngày Chúa ngự đến.
Suy Niệm 5: Tin sẽ được khỏi
Trong suốt hành trình rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu gặp rất nhiều người đến xin Ngài chữa bệnh hoặc người ta tự ý đụng chạm đến Ngài để được khỏi bệnh. Trong mọi trường hợp, Ngài đều khơi gợi lên nơi họ một mối tương quan trực tiếp với Ngài. Mối liên hệ đó chính là đức tin. Có đức tin sẽ được lành. Không có đức tin thì không thể khỏi.
Hôm nay Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu chữa lành một người đàn bà bị băng huyết và cho em bé 12 tuổi đã chết được sống lại.
Trường hợp người đàn bà băng huyết thì Đức Giêsu đòi hỏi bà ta phải có niềm tin trực tiếp vào Ngài. Còn với em bé được Ngài cho sống lại thì chính đức tin của cha em đã làm Đức Giêsu chạnh lòng thương và cứu sống em.
Trong cuộc sống đạo của chúng ta, nhiều khi chúng ta tin Chúa, nhưng tin nửa vời, tức là tin khi thành công, thuận lợi, nhưng khi đức tin bị thử thách, chúng ta sẵn sàng buông xuôi. Như vậy, nếu không có lợi thì tức khắc chúng ta chuyển niềm tin sang đối tượng khác! Chúa không còn là Đấng duy nhất chúng ta tin tưởng!
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết cộng tác với ơn Chúa để làm cho đức tin của mình được triển nở. Bởi vì đức tin mà không việc làm thì đức tin chết. Đức tin phải được thanh uyện bằng những thử thách. Có thế, chúng ta mới có kinh nghiệm về sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời của mình, và mình mới đủ can đảm để làm chứng cho Chúa ngay trong những lúc khó khăn, thử thách nhất.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con, để chính nhờ đức tin của chúng con vào Chúa, chúng con được sự sống đời đời. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy Niệm 6: Sờ vào áo Người, là sẽ được cứu
Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ
Câu chuyện
Một tác giả người Mỹ đã ghi lại một câu chuyện về niềm tin như sau: Tại một vùng bên Hoa Kỳ, những tháng ngày nắng hạn kéo dài đã làm cho những cánh đồng nứt nẻ vàng úa. Ngày nào người dân trong vùng cũng ngước mắt nhìn lên trên trời với niềm mong đợi sẽ có một tín hiệu tốt, nhưng đất vẫn khô cằn, mưa vẫn không chịu rơi.
Một ngày Chúa nhật nọ, tất cả các vị mục sư tại các nhà thờ trong vùng kêu gọi mọi người đến tham dự một buổi cầu nguyện chung tại quảng trường thành phố để xin trời đổ mưa. Mọi người được yêu cầu đừng mang theo bất cứ điều gì ngoài niềm tin của mình.
Vào giữa trưa một ngày thứ Bảy, tất cả mọi cư dân trong vùng tập trung tại quảng trường. Tất cả mọi người đều tin tưởng ở sức mạnh của lời cầu nguyện. Họ đến đó tràn trề hy vọng. Các vị mục sư rất cảm động khi nhìn thấy đám đông đã hưởng ứng lời kêu gọi của họ. Từng đám đông đứng sát bên nhau, nắm tay nhau liên kết với nhau trong cùng một niềm tin và hy vọng. Những bài thánh ca được cất lên một cách sốt sắng. Mọi người đều tin tưởng và chờ đợi phép lạ. Khi buổi cầu nguyện vừa kết thúc, như có một lệnh thần diệu nào đó, những giọt mưa nhỏ đã bắt đầu rơi, những tiếng reo hò cũng bắt đầu vang lên. Mọi người đều phấn khởi trước phép lạ tỏ tường. Cầm trong tay bất cứ đồ vật gì, người ta cũng giơ lên để biểu lộ niềm hân hoan. Nhưng từ xa nhìn về đám đông người ta chỉ thấy có một biểu tượng đáng chú ý, đó là hình ảnh một cậu bé trai chín tuổi cầm dù gương lên cao. Em là người duy nhất mang theo dù để chuẩn bị đón mưa (Theo Radio Véritas).
Suy niệm
Bà góa bị bệnh băng huyết, theo quan niệm của người Do Thái xưa, máu huyết tượng trưng cho sự sống. Người phụ nữ bị băng huyết có nghĩa là sự sống nơi bà mất dần đi, tiêu hao đi coi như bà là người đang đi vào cõi chết. Hơn thế nữa, theo Luật Môisê (x. Lv 15,25) bệnh xuất huyết là thứ bệnh dơ nhớp, bệnh nhân không được công khai giao thiệp với dân chúng: Bà có thể làm cho những người khác cũng bị nhơ vì tiếp xúc với bà. Cho nên, bà không chỉ đau đớn về bệnh tật hoành hành cả đời bà, niềm đau hơn nữa là bà bị loại ra khỏi mọi sinh hoạt xã hội, khỏi cộng đoàn tôn giáo. Trong cơn thất vọng về tình trạng bệnh tật và tâm linh, bà tin Đức Kitô có thể chữa bà khỏi cơn bạo bệnh và qua đó còn đưa bà trở về với cuộc sống xã hội. Bà tin và chân thành xin một chút sức mạnh từ nơi Đấng Mêssia bằng cử chỉ đụng vào áo Ngài, lòng tin đơn sơ nhưng thật mạnh mẽ:: “Dầu tôi chỉ đụng vào áo Ngài, tôi sẽ được khỏi” (Mc 5,28). Và bà: “chạm đến áo Người” trong lúc bà mang cơn bệnh là thái độ liều lĩnh vì đã xé rào Luật Lệ ngăn cấm, nhưng đó cũng là thái độ đức tin vững vàng của bà. Cái đụng của lòng tin đã cứu bà khỏi bệnh.Ông Giairô đã không hề ngại đến thân thế của mình là trưởng hội đường, ông khiêm tốn nài xin Chúa Giêsu đến thăm viếng để cứu chữa người con gái ông đang bị bệnh nặng:: “Xin Ngài đặt tay trên nó”(Mc 5,23). Cử chỉ đặt tay trên bệnh nhân là cử chỉ Chúa thường dùng khi cứu chữa bệnh nhân và họ được khỏi bệnh (x. Mc 6,5; 7,32; 8,23). Xin Chúa đặt tay tức là tin rằng: Ngài sẽ chữa khỏi được bệnh cho con ông. Ông xác tín cử chỉ đặt tay của Thầy - Đấng Mêssia mang đến cho con ông được cứu như ông tuyên tín:: “Để nó được khỏi và được sống” (Mc 5,23b), dù em bé bệnh rất nặng và đang hấp hối nguy ngập. Thái độ này của Giairô biểu lộ một đức tin vững vàng, xác tín vào quyền năng của Chúa Giêsu và con ông đã được sống dù nó đã chết như người nhà loan báo khi Chúa đến đầu ngõ nhà ông.
Hai phép lạ xảy ra nhờ có lòng tin mà Đức Giêsu xác nhận. Với người phụ nữ đau khổ góa bụa mắc bệnh băng huyết có lòng tin vững vàng:: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con” (Mc 5,34) như mỗi lần chữa lành bệnh tật, Ngài thường khẳng định:: “Niềm tin của con đã cứu chữa con” (Mt 9,22; Lc 8,48; 17,19; 18,42…). Được lành bệnh, được phục hồi, người được chữa lành không chỉ tìm lại được sức khỏe thể lý mà còn có cuộc sống mới trong niềm tin và họ đã tuyên xưng. Còn ông Giairô, Ngài nâng đỡ ông hãy vững lòng tin:: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi” (Mc 5,36), khi ông muốn ngã quỵ vì nhận được tin dữ như sét đánh ngang tai:: “Con ông đã chết rồi: “ (Mc 5,35).
Sống đức tin là dám sẵn sàng ra khỏi chính mình để đi theo tiếng gọi của niềm tin, sẵn sàng đi ra khỏi tư tưởng áp đặt đám đông để sống thực cho những đòi hỏi của đức tin. Sống đức tin đích thực là sẵn sàng lội ngược dòng như bà góa vượt qua lề luật để gặp và sờ áo Chúa và ông Giairô vượt qua thân phận chủ hội đường mà đến với Đức Kitô.
Ngày hôm nay, mỗi chúng ta đều mang bệnh tật: Có thể về thể xác như mang các cơn bệnh, có thể là những thứ bệnh tâm lý như lo lắng, cô đơn, cay đắng, giận hờn, stress, có thể là những cơn bạo bệnh tâm linh khi sống mất phương hướng, hoang tàn trong cuộc đời, còn tệ hơn nữa là chết về tâm hồn... Chúng ta luôn cần được chữa lành như người phụ nữ mang bệnh tật đến với Đức Giêsu với niềm tin vào Ngài, như người cha Giairô xin Thầy đến bên con gái ông đang bị bệnh gần chết với niềm tin con ông được sống.
Mỗi giây phút cuộc đời, với tất cả tình trạng của mình, chúng ta hãy chạy đến với Thầy:: “Như trẻ thơ đặt hết niềm tin nơi Chúa” (Tv 131,2).
Suy Niệm 7: Chữa bệnh và cho sống lại
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
1. Bài Tin Mừng hôm nay thánh Marcô thuật lạ cho chúng ta hai phép lạ. Khi Chúa Giêsu đang đứng trên bãi biển thì ông trưởng hội đường đến sấp mình van xin Người cứu chữa con gái ông sắp chết. Người liền đi với ông, và dân chúng kéo theo rất đông. Dọc đường, có người đàn bà mắc bệnh xuất huyết đã mười hai năm. Bà đã tìm thầy chạy thuốc hết tiền hết của mà không hết bệnh. Khi nghe nói đến Chúa Giêsu, bà thầm nghĩ: nếu sờ được áo Người chắc khỏi bệnh, nên bà lẩn vào đám đông và sờ vào áo Chúa. Tức thì bà được lành bệnh.
Lúc ấy người nhà ông trưởng hội đường đến đưa tin con gái ông đã chết và khuyên đừng rước Chúa đi nữa. Nhưng Chúa bảo ông cứ vững tin. Rồi Người cùng với Phêrô, Giacôbê và Gioan đến nhà ông. Người cầm tay đứa bé và bảo: “Hỡi con, Ta truyền cho con chỗi dậy”. Tức thì đứa bé chỗi dậy, trước sự kinh ngạc của mọi người.
2. Muốn có phép lạ phải có đức tin đi trước.
Tất cả các phép lạ Chúa Giêsu làm đều có ý khơi dậy lòng tin cho người ta. Không ai có thể chối cãi đuợc những phép lạ Người đã làm như chữa bệnh, trừ quỉ, dẹp yên sóng gió, làm cho kẻ chết sống lại... Vì những phép lạ này làm công khai trước mặt mọi người và làm ngay tức khắc nên mọi người phải công nhận. Khi chữa bệnh xong, Chúa Giêsu hay nói với bệnh nhân: ”Đức tin của con đã chữa con”.
Người đàn bà bị băng huyết này không dám công khai trực tiếp xin Chúa chữa bệnh cho bà, nhưng bà tự nhủ: “Tôi chỉ cần sờ vào gấu áo Người thì tôi sẽ được khỏi”. Nghĩ thế và bà đã dám làm, bất chấp luật lệ cấm đoán phiền phức và khắt khe. Điều đó chứng tỏ bà đã có đức tin vững mạnh, và thúc đẩy Chúa làm phép lạ. Kết quả là bà đã được như ý khi Chúa nói với bà: “Đức tin của con đã chữa con”.
3. Phép lạ còn đòi phải có lòng khiêm nhường.
Ông trưởng hội đường Giairô hôm nay đã diễn tả lòng tin tưởng với khiêm nhường thẩm sâu. Ông là một người có địa vị và thế giá trong dân. Điều này nói lên việc ông làm có ý thức và có thế giá. Thái độ khiêm nhường của ông trước mặt Chúa Giêsu diễn tả niềm tin sâu sắc của ông, ông đã quỳ mọp xuống dưới chân Chúa và khẩn khoản van xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi, xin Ngài đến đặt tay trên cháu, để nó được cứu chữa và được sống”. Như vậy ông này phải tin Đức Giêsu là ai, có quyền phép thế nào mới có cử chỉ và thái độ khiêm nhường và kêu xin như thế. Qua thái độ tin tưởng và lời cầu xin ấy, ông đã được toại nguyện.
4. Qua việc chữa lành cho người đàn bà bị xuất huyết và phục sinh cho con gái ông trưởng hội đường, Chúa Giêsu đã tỏ bầy lòng thông cảm và quan tâm đến những nỗi khổ của con người.
Trong cuộc sống hằng ngày mà ai ai cũng biết thông cảm và quan tâm đến nhau thì đau khổ sẽ bị chế ngự và hạnh phúc sẽ ngự trị nơi mỗi người và trong xã hội.
Mỗi người trong chúng ta có một vai diễn trên sân khấu của cuộc đời.
Mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm với mọi người xung quanh, nói với họ rằng chúng ta yêu mến họ.
Nếu bạn không quan tâm đến người khác, bạn sẽ không bị trừng phạt đâu, đơn giản bạn chỉ bị lãng quên, hững hờ y như bạn đã từng đối với người khác.
Vậy từ hôm nay, chúng ta hãy tập thói quen bày tỏ sự quan tâm đến người khác. Đâu mất gì khi chúng ta nở một nụ cười, siết chặt một bàn tay, thốt lên một lời khích lệ hoặc đơn giản nói rằng chúng ta muốn lắng nghe.
5. Truyện: Biết lưu tâm đến người khác.
Vào tháng hai của một khóa học tại trường đào tạo nghiệp vụ y tá, giảng viên chúng tôi làm một bài kiểm tra về kiến thức phổ thông.
Tôi vốn là một sinh viên chăm chỉ nên dễ dàng trả lời mọi câu hỏi trong bài kiểm tra, trừ câu hỏi cuối: “Chị tạp vụ ở trường tên là gì”? Tôi nghĩ đó chỉ là câu hỏi cho vui. Tôi đã trông thấy chị vài lần. Chị có dáng người cao, mái tóc nâu sậm và khoảng 50 tuổi, nhưng làm thế nào mà tôi có thể biết tên chị được kia chứ? Tôi nộp bài và bỏ trống không trả lời câu hỏi đó.
Trước khi tan học, một sinh viên đứng lên hỏi giảng viên về cách tính điểm câu hỏi cuối trong bài kiểm tra vừa làm. Giáo sư bộ môn trả lời:
- Tất nhiên là có tính điểm. Trong mọi ngành nghề, các anh chị luôn phải gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều người. Tất cả những con người đó đều có ý nghĩa. Họ đáng được các anh chị quan tâm chú ý đến, cho dù tất cả những gì ta có thể làm cho họ chỉ là một lời chào hỏi và một nụ cười.
Tôi đã không quên bài học đó trong suốt cuộc đời mình. Tôi cũng đã biết được tên của chị tạp vụ trong trường. Chị tên là Mai Hương.
Vâng, chúng ta hãy học tập cho mình một thói quen biết cảm thông và chia sẻ. Một trái tim biết cảm thông và chia sẻ là trái tim của con người.
Các nhà đạo đức ngày nay đã nói nhiều về sự: “dửng dưng và vô cảm” của người thời đại. Hình như cuộc sống càng cao, càng sung túc thì con người lại càng ích kỷ thêm. Nhiều người đã biến trái tim của mình thành vô cảm trước những nỗi khổ đau của người khác, nhất là những người nghèo khó đau khổ.
Là những người con của Chúa, chúng ta đừng bao giờ làm như thế. Hãy nhớ: Niềm vui biết chia sẻ là niềm vui sẽ được nhân lên gấp bội và nỗi buồn được chia sẻ là nỗi buồn sẽ vơi đi một nửa.
Suy Niệm 8: Uy quyền của Chúa Giêsu trên sự sống và sự chết
(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Hạt giống...
Phép lạ cuối cùng trong loạt 3 phép lạ mặc khải uy quyền của Chúa Giêsu trên sự sống và sự chết
- Nơi đứa con gái của ông Giairô sự sống đã mất hẳn vì nó đã chết, ai nấy cũng xác nhận cái chết ấy vì họ đã bắt đầu khóc than kêu la ầm ĩ, người ta còn cười nhạo khi Chúa Giêsu bảo nó chưa chết.
- Nơi người phụ nữ bị băng huyết sự sống đang mất dần (máu là biểu tượng của sự sống).
- Chúa Giêsu là chủ và là nguồn của sự sống a/ Người phụ nữ bị băng huyết chỉ cần sờ đến gấu áo Ngài thì sự sống được phục hồi; b/ Ngài gọi cô bé sống lại cách dễ dàng như đánh thức một người khỏi giấc ngủ.
B.... nẩy mầm.
1. "Đứa bé có chết đâu. Nó ngủ đấy thôi". Khi Ladarô chết, Chúa Giêsu cũng nói "Ladarô bạn của ta đang yên giấc. Thầy đi đánh thức anh ấy dậy" (Ga 11,11). Đối với Chúa, chết chỉ là một giấc ngủ, mở mắt thức dậy là một cuộc sống thật, vĩnh cửu.
2. Một bà cụ năng đến nhà thờ cầu nguyện. Một cậu bé lấy làm ngạc nhiên liền theo dõi. Cậu nấp sau bàn thờ nghe bà cầu nguyện lớn tiếng "Lạy Chúa, con đã già và sống đủ. Bất cứ lúc nào Ngài gọi, con sẵn sàng."
Bà cầu nguyện suốt ba ngày vẫn những lời ấy. Ngày thứ tư, sau khi bà cầu nguyện, cậu bé giả giọng nói vọng ra từ sau bàn thờ "Ta đã nghe lời cầu xin của con, Ta sẽ đến đón con lúc chín giờ sáng mai."
Bà về nhà, không sao ngủ được vì lo lắng về điều đã nghe. Bà không chấp nhận nổi những gì bà đã cầu nguyện. (Góp nhặt)
Ta chỉ tin suông vào sự sống thật mai sau. Thực chất là ta vẫn còn coi trọng sự sống đời này hơn.
3. Một ông lão ở Marocco đến gặp một nhà truyền giáo để tìm con đường cứu độ, vì ông biết mình chẳng sống bao lâu nữa. Để giúp ông, nhà truyền giáo dùng một cuốn sách, trong đó trang 1 màu đen tượng trưng cho tội lỗi, trang 2 màu đỏ tượng trưng máu Chúa Kitô, trang 3 màu trắng chỉ lương tâm trong sạch, trang 4 màu vàng chỉ vinh quang Nước Trời.
Sau khi nhập đạo ít lâu, người đó lâm cơn hấp hối. Bà vợ là người theo đạo Hồi khuyên ông kêu cầu đức Mahomet, nhưng ông không chịu, bảo Chúa của ông là Đức Kitô. Bà vợ nói "Vậy ông hãy lấy cuốn sách nhà truyền giáo cho, mở trang 3, hi vọng Chúa sẽ cho ông sạch tội mà vào thiên đàng." Ông đáp "Không, hãy mở trang 2 cho tôi." Và ông chết trong lúc tựa đầu vào trang sách tượng trưng máu Chúa Kitô. (Góp nhặt)
4. Một vị giám mục nổi tiếng hiền hoà, dễ mến. Khi được hỏi bí quyết, ngài đáp bí quyết đó là:
Thứ nhất, tôi nhìn lên trời để nhớ rằng đời tôi phải tới đó.
Thứ hai, tôi nhìn xuống đất để thấy phần mộ tôi sau này thật nhỏ hẹp.
Thứ ba, tôi nhìn chung quanh để thấy bao người nghèo khổ mà đáng kính trọng hơn tôi.
Thứ bốn, tôi học để biết hạnh phúc thật nằm ở đâu, mọi nổ lực của tôi sẽ chấm dứt thế nào và những than thở của tôi thật vô cớ biết bao! (Góp nhặt).
5. "Người phụ nữ lách qua đám đông tiến đến phía sau Chúa Giêsu và sờ vào áo của Người, vì bà tự nhủ Tôi mà sờ được vào áo Người thôi là sẽ được cứu. Tức khắc bà đã được khỏi bệnh" (Mc 5,27-29)
Băng huyết là bệnh nan y trong thời Chúa Giêsu. Người mắc bệnh này thường tuyệt vọng. Nhưng người phụ nữ trong câu chuyện Tin Mừng đã không giam mình trong nỗi thất vọng. Chị đã đến với Chúa và hết lòng tin tưởng vào Người, tin rằng Người có thể lấp đầy những khát vọng của mình.
Dù cách biểu lộ niềm tin của chị còn thô thiển là tìm cách sờ vào áo của Người, nhưng chỉ cần ngần ấy thôi cũng đủ để Chúa Giêsu nhận ra lòng tin mãnh liệt của chị, lòng tin mà, theo Người, đã cứu chữa chị và đem lại cho chị sự bình an.
Tôi chợt nghĩ đến căn bệnh của thời đại, đến những người đang thất vọng vì nhiễm HIV, và thầm nguyện cho họ được vững một niềm tin vào Chúa, Đấng duy nhất có thể thoả mãn những mong đợi mà Người đã đặt trong trái tim của mỗi người. Chính Người đã đến để loan báo cho ta niềm hy vọng tuyệt vời, vì Người là tác giả của sự sống.
Lạy Chúa Giêsu, con cảm tạ Chúa vì nhờ Người mà con đã khám phá ra khuôn mặt mới của Thiên Chúa một Thiên Chúa giàu lòng thương xót và yêu thương hết mọi người. (Epphata).
Bài cùng chuyên mục:
Thứ Hai 25/11/2024 – Thứ Hai tuần 34 thường niên – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (24/11/2024 10:00:00 - Xem: 367)
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam.
+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,719)
CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.
Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,188)
Thứ Bảy tuần 33 thường niên.
Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,737)
Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.
Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,420)
Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.
Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,810)
Thứ Tư tuần 33 thường niên.
Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,804)
Thứ Ba tuần 33 thường niên.
Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,909)
Thứ Hai tuần 33 thường niên.
+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,196)
CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.
Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,577)
Thứ Bảy tuần 32 thường niên.
-
Thứ Hai 25/11/2024 – Thứ Hai tuần 34 thường niên – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa.
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam.
- CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B....
- Thứ Bảy tuần 33 thường niên.
-
Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh(phần 1)
Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô...
-
Đức Giesu Kito, một vị Vua khác
Hôm nay, “nếu bạn tin vào Chúa Kitô, hãy để Ngài là Vua trong cuộc đời bạn. Hãy để Ngài hướng dẫn bạn sống theo sự thật, bởi vì Ngài là...
-
Gia vị cho bài giảng CN lễ Chúa Kito là Vua - 2024
Khi Người đến trong vinh quang, Chúa Kitô Vua sẽ xét xử chúng ta về những việc bác ái chúng ta làm cho tha nhân. (Cha Tony)
-
Kinh Tin Kính phổ quát
Mầu nhiệm của Chúa Kitô hoạt động thông qua các Giáo hội kitô lịch sử nhưng cũng hoạt động, và hoạt động rộng rãi, bên ngoài các Giáo hội...
-
Suy nghĩ và cầu nguyện CN 34 TN B - 2024
Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy dẫy sự dối trá, vì người ta sợ sự thật, sợ nói thật, sợ sống thật. Sự thật không còn là sự thật,...
-
Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh
Ngoài việc cầu nguyện, các vị thánh sẽ đưa ra ba lời khuyên nào cho những người đang tìm kiếm người phối ngẫu tương lai?
-
Linh hướng là gì?
Trong xã hội và thời đại hỗn loạn của chúng ta, hơn bao giờ hết, hướng dẫn đời sống tâm linh là một nguồn lực tinh thần cần thiết. Người...
-
Tôi có thể làm gì cho những đứa con không sống đạo của mình?
Tôi là phụ huynh của ba đứa trẻ, tất cả chúng tôi đều cố gắng sống theo đức tin Công giáo. Một trong số chúng có vẻ không mấy hứng thú,...
-
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 145 - Thử tìm hướng đi
Người trẻ làm gì để không bị cuốn đi với những "tư tưởng" rất đời kia? Nếu có nhu cầu thì sao kiểm soát khi chưa lập gia đình? Tụi con...
-
Bác ái là nhân đức cần thiết cho sự phát triển tâm linh
Chúng ta phải xin Chúa ban cho chúng ta đức ái mỗi ngày cho đến khi chúng ta gặp được Ngài trên Thiên Đàng!
-
Nghĩ đến những điều tốt đẹp
Hãy thôi nghĩ đến chuyện buồn ấy và hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp và đáng yêu khác trong cuộc sống để lòng bà được thanh thản
- Sự cần thiết của việc lắng nghe
- Lớn lên từ những thử thách
- Nhận nhưng không, cho nhưng không
- Niềm tin lớn nhất