Thứ Ba 27/02/2024– Thứ Ba tuần 2 Mùa Chay. – Biệt Phái giả hình.
- In trang này
- Lượt xem: 4,548
- Ngày đăng: 26/02/2024 10:00:00
Biệt Phái giả hình.
27/02 – Thứ Ba tuần 2 Mùa Chay.
“Họ nói mà không làm”.
Lời Chúa: Mt 23, 1-12
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng và các môn đệ rằng: “Các Luật sĩ và các người biệt phái ngồi trên toà Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ, vì họ nói mà không làm. Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta, còn chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử. Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy, vì thế họ nới rộng thẻ Kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là “thầy”. Phần các ngươi, các ngươi đừng muốn được người ta gọi là thầy, vì các ngươi chỉ có một Thầy, còn tất cả các ngươi đều là anh em với nhau.
Và các ngươi cũng đừng gọi ai dưới đất là cha, vì các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự trên trời. Các ngươi cũng đừng bắt người ta gọi là người chỉ đạo, vì các ngươi có một người chỉ đạo, đó là Ðức Kitô.
Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi. Hễ ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
Suy Niệm 1: Nói mà không làm
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)
Bài Tin Mừng hôm nay được đọc trong Mùa Chay
không phải để chúng ta nghiền ngẫm thói hư của một số người Pharisêu,
nhưng để chúng ta soi gương họ mà nhận ra mình.
Chẳng có thói đạo đức giả nào của họ mà ta được miễn nhiễm.
Đạo đức giả đơn giản là một sự mâu thuẫn, thiếu thống nhất nơi lòng người.
Nói rất hay, giảng rất đúng, nhưng lại chẳng sống điều mình nói hay giảng.
Có một khoảng cách thật xa giữa ngôn và hành.
Chất trên vai người khác gánh nặng của luật lệ với những đòi hỏi chi li,
nhưng chính mình lại không muốn chia sẻ chút nào gánh nặng đó.
Vẫn là khoảng cách giữa nói và làm, giữa mình với người khác.
Đeo trên trán hay cánh tay những hộp kinh thật to, đính những tua áo thật dài:
các cử chỉ này lẽ ra để bày tỏ tình yêu đối với Lời Chúa, qui hướng về Chúa,
thì lại trở nên những cử chỉ qui về mình,
nhằm làm cho người ta thấy mình, thấy sự đạo hạnh của mình, để tìm tiếng khen.
Người đạo đức giả không thực sự tìm Chúa.
Chúa chỉ là phương tiện để họ tự đánh bóng mình trước mặt người đời.
Háo danh là điều họ khó dứt bỏ trong cuộc sống:
ưa ngồi chỗ nhất, ưa chiếm ghế đầu, thích được chào là rabbi…
Cộng đoàn Kitô hữu của Matthêu là một cộng đoàn huynh đệ.
Trong cộng đoàn ấy hẳn có những vị thầy dạy.
Có những bậc thầy cao niên được gọi một cách trân trọng là rabbi.
Có những đấng sáng lập cộng đoàn được gọi một cách kính cẩn là cha.
Nhưng bất chấp điều đó, Đức Giêsu khẳng định:
“Tất cả anh em đều là anh em với nhau” (c.8).
Mọi thành viên trong cộng đoàn đều lệ thuộc như nhau
vào một vị Thầy duy nhất là Đức Giêsu Kitô,
vào một người Cha duy nhất là Cha trên trời.
Các Kitô hữu gọi nhau là anh, là chị, là em,
và đối xử với nhau như anh chị em, con một Cha, học trò một Thầy.
”Đừng để ai gọi mình là thầy, đừng gọi ai là cha…”
Lời của Đức Giêsu vẫn là một lời cảnh giác cho Giáo hội mọi thời.
Càng lớn mạnh theo thời gian, Giáo hội càng cần một cơ cấu tổ chức,
bao gồm nhiều chức vụ lãnh đạo có uy quyền.
Làm sao để tinh thần phục vụ khiêm hạ của Đức Kitô thấm vào mọi cơ cấu?
Làm sao để mọi vị thầy của Giáo hội không che khuất Đấng là vị Thầy duy nhất?
Làm sao để các người cha thiêng liêng múc được tình phụ tử dịu hiền
từ Người Cha duy nhất là chính Thiên Chúa?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
khi đến với nhau,
chúng con thường mang những mặt nạ.
Chúng con sợ người khác thấy sự thật về mình.
Chúng con cố giữ uy tín cho bộ mặt
dù đó chỉ là chiếc mặt nạ giả dối.
Khi đến với Chúa,
chúng con cũng thường mang mặt nạ.
Có những hành vi đạo đức bên ngoài
để che giấu cái trống rỗng bên trong.
Có những lời kinh đọc trên môi,
nhưng không có chỗ trong tâm hồn,
và ngược hẳn với cuộc sống thực tế.
Lạy Chúa Giêsu,
chúng con cũng thường ngắm mình trong gương,
tự ru ngủ và đánh lừa mình,
mãn nguyện với cái mặt nạ vừa vặn.
Xin giúp chúng con cởi bỏ mọi thứ mặt nạ,
đã ăn sâu vào da thịt chúng con,
để chúng con thôi đánh lừa nhau,
đánh lừa Chúa và chính mình.
Ước gì chúng con xây dựng bầu khí chân thành,
để chúng con được lớn lên trong bình an. Amen.
Suy Niệm 2: Cha – Thầy – Lãnh đạo
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Mùa Chay không phải là lý thuyết. Sống mùa Chay phải thực hành. Như dân thành Sô-đô-ma và Gô-mô-ra. Nếu thực hành Lời Chúa dạy thì tội “dù có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hóa trắng như bông”.
Nhưng ta thường nói mà không làm. Hoặc chỉ dạy người khác mà bản thân không thực hành. Trước hết vì nói dễ làm khó. Đặc biệt những người có trách nhiệm đứng đầu, có bổn phận dạy dỗ. Ta dễ méo mó công việc khi dạy lý thuyết cho người khác còn chính bản thân không thực hành. Và tệ hơn nữa khi ta tự coi mình là cha, là thầy, là người lãnh đạo. Hôm nay Chúa Giê-su dạy ta biết chỉ có Chúa mới là cha, là thầy, và là người lãnh đạo.
Cha là người ban sự sống. Ta chẳng thể ban sự sống. Chỉ Thiên Chúa mới ban sự sống. Chỉ Thiên Chúa là Cha của chúng ta. Khôn ngoan là phải biết khiêm nhường tìm đến Thiên Chúa là đấng ban sự sống.
Thầy là người nắm giữ chân lý. Ta chẳng có chân lý. Chỉ Thiên Chúa mới có sự thật. Chúa Giê-su mới là Thầy duy nhất. Vì thế khôn ngoan là khiêm tốn lắng nghe Lời Chúa.
Lãnh đạo là người dẫn đường. Ta không biết đường. Hằng ngày phải dọ dẫm tìm đường đi. Chỉ Thiên Chúa biết đường dẫn đến Người. Chúa Giê-su là người lãnh đạo duy nhất. Ta phải ngoan ngoãn tuân theo hướng dẫn của Người.
Mùa Chay ta hãy đi theo Chúa Giêsu. Người chính là “Con Đường, Sự Thật và Sự Sống”. Đi theo Người là đi trên đường khổ nạn. Nhưng đi theo Người ta chắc chắn đi trên Con Đường thẳng tắp dẫn đến Sự Thật, đạt đến Sự Sống muôn đời. Đi theo Người trên con đường hiếu thảo. Luôn vâng phục thánh ý Chúa Cha. Luôn tìm thi hành thánh ý Chúa Cha. Đó chính là tin nhận Thiên Chúa là Cha, là Thầy, là Người Hướng Đạo.
Lạy Cha, xin cho con sống hiếu thảo với Cha, để được là người con, nhận được Sự Sống từ Cha. Xin cho con biết lắng nghe Lời Cha, để được biết Sự Thật. Xin cho con hằng chăm chú học hỏi với Lời Chúa để con đạt tới Sự Thật. Xin cho con biết luôn đi theo con đường của Con Cha, để con đạt tới chính Cha là hạnh phúc muôn đời cho con.
Suy Niệm 3: Biệt Phái giả hình
Có người kể câu chuyện khôi hài như sau:
Một luật sư mới ra trường thuê một căn nhà sang trọng để làm văn phòng. Nhằm gây ấn tượng nơi các thân chủ tương lai, ông cho gắn một ống điện thoại loại đắt tiền trên bàn làm việc. Ngày khai trương, ông ăn mặc chải chuốt và ngồi chờ đợi trong một tư thế rất tự tin. Có tiếng chuông reo, ông ra mời thân chủ đầu tiên vào văn phòng và để người đó chờ hơn một khắc đồng hồ, trong khi đó ông làm như đang nghe điện thoại. Người thân chủ cười thầm khi nghe cuộc nói chuyện tưởng tượng của ông với một Giám đốc của một cơ quan rất quan trọng trong thành phố. Chấm dứt cuộc nói chuyện tưởng tượng, ông luật sư quay sang hỏi thân chủ: “Thưa ông, tôi có thể làm gì để giúp ông?”. Người thân chủ đầu tiên trả lời: “Thưa ông, tôi là nhân viên của sở viễn thông thành phố, tôi được gửi đến để nối đường dây điện thoại cho ông”.
Những giao tế xã hội dễ khiến cho con người đeo mặt nạ hay đánh bóng khuôn mặt mình bằng những nét giả tạo. Ngay cả trong đời sống tôn giáo, con người cũng dễ bị cám dỗ tô vẽ và đánh bóng gương mặt mình thêm đạo đức. Đó là một trong những thái độ mà Chúa Giêsu đã đả phá một cách gay gắt.
Mùa Chay, người Kitô hữu được mời gọi gia tăng các việc đạo đức: ăn chay, cầu nguyện, hãm mình, bố thí. Ý nghĩa của sám hối dễ bị biến mất khi các việc làm đó biến thành một thứ thi đua, phô trương. Chính vì muốn các tín hữu đề cao cảnh giác trước thái độ phô trương giả hình ấy mà Giáo hội cho chúng ta lắng nghe lời kêu gọi của Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay. Qua thái độ phô trương công đức của các Biệt phái và luật sĩ, Chúa Giêsu nêu bật dung mạo của kẻ giả hình. Kẻ giả hình là người muốn đánh lừa người khác bằng các hành vi đạo đức. Họ tìm kiếm vinh dự mà lẽ ra chỉ thuộc về Thiên Chúa. Họ làm những động tác thờ phượng Thiên Chúa, nhưng thật ra chỉ tìm danh vọng và tư lợi. Tựu trung, giả hình là một hình thức tiếm vị Thiên Chúa. Dưới nhiều hình thức khác nhau, giả hình là một nọc độc dễ len lỏi vào tâm hồn người Kitô hữu. Khi con người thực thi những việc đạo đức cốt chỉ để tìm mình, thì lúc đó con người đang rơi vào thái độ giả hình.
Mùa Chay là mùa của hoán cải, là mùa của trở về. Trở về đối với người Kitô hữu chính là trở về với chân lý về con người. Con người đã được tạo dựng để sống cho Thiên Chúa. Chỉ khi nào con người sống trọn cho Thiên Chúa, con người thực sự tìm được chính mình. Chỉ khi nào con người bị tiêu hao vì Thiên Chúa, con người mới đạt được tầm vóc viên mãn của mình. Đó là định luật Chúa Giêsu đã đề ra cho các môn đệ Ngài khi nói: “Ai mất sự sống mình thì sẽ tìm lại được”.
Tìm kiếm và yêu mến chỉ một mình Thiên Chúa, đó là định hướng cơ bản của người Kitô hữu mà chúng ta được mời gọi để đeo đuổi và thực thi trong mùa chay này.
Suy Niệm 4: Phục vụ đến cùng
(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Dạy người khác luôn tuân giữ điều này, thực hiện điều kia, lúc nào cũng dễ hơn chính mình tuân hành chúng. Người Việt chúng ta thường nói: “Chỉ tay năm ngón” để nói về những người chỉ biết ra lệnh cho kẻ khác, còn mình thì chẳng hề mó tay vào việc. Vào thời Chúa Giêsu, các kinh sư và những người Pharisiêu giả hình cũng sống theo cung cách này. Họ dạy người ta làm đủ điều, còn họ thì chẳng hề làm điều gì như lời họ dạy.
Ðoạn Tin Mừng trên đây gồm hai phần: phần đầu ghi lại những lời Chúa Giêsu nhận xét về các kinh sư và những người Pharisiêu; phần sau ghi lại những lời Chúa Giêsu dạy dỗ đám đông và các môn đệ.
Ở phần đầu, Chúa Giêsu chỉ trích thái độ nói một đàng làm một nẻo của các kinh sư và những người Pharisiêu. Họ là những người có vai vế trong đạo. Họ nghiên cứu lề luật, giảng dạy lề luật, bảo vệ lề luật. Nhìn từ bên ngoài thì họ là những nhân vật đáng kính, học cao, biết nhiều, dáng vẻ nghiêm trang, đạo mạo, y phục chỉnh tề, đi đâu họ cũng ngồi chỗ quan trọng, đến đâu họ cũng chiếm vị trí ưu tiên. Ấy thế mà buồn thay, họ chỉ được cái vỏ xanh tốt bên ngoài, còn bên trong thì lại cằn cỗi khô héo. Chúa Giêsu không phủ nhận vai vế của các kinh sư và những người Pharisiêu trong dân. Chúa khuyên dân chúng hãy tuân giữ những gì họ giảng dạy. Nhưng bởi họ dạy mà không làm những gì mình dạy nên Chúa Giêsu cảnh giác dân chúng đừng làm theo những gì họ làm.
Sau khi nêu rõ những thói tật của các kinh sư và những người Pharisiêu, Chúa Giêsu chuyển sang phần giáo huấn cụ thể cho dân chúng và các môn đệ. Ở phần này khi nói: “Các con đừng gọi ai là cha, cũng đừng để ai gọi mình là thầy hay là nhà lãnh đạo”, Chúa Giêsu đã dùng lối nói cường điệu để nhấn mạnh vai trò tuyệt đốì của Cha và của chính Ngài. Khi giảng dạy như thế, Ngài không có ý phủ nhận vai trò của cha mẹ hay của thầy dạy hoặc của người lãnh đạo trên trần gian, mà Ngài chỉ muốn người ta đừng tuyệt đối hóa những vai trò đó, đến độ đặt ngang hàng hoặc cao hơn Thiên Chúa. Chỉ có Chúa Cha mới là Ðấng sinh thành tối cao và chỉ có Chúa Kitô mới là Ðấng giáo hóa tối thượng, còn tất cả mọi người đều là anh chị em bình đẳng với nhau. Ở đây, chúng ta gặp được một quan niệm rất quen thuộc của tư tưởng Á đông: tứ hải giai huynh đệ, người trong bốn bể đều là anh em, mà đã là anh em thì không còn lên mặt lên mày, không còn tranh chấp ghế cao ghế thấp làm gì nữa. Ðã là anh em thì yêu thương phục vụ là chuyện đương nhiên phải làm: “Trong các con, ai là người làm lớn hơn cả phải là người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống thì sẽ được tôn lên.”
Thời các kinh sư và những người Pharisiêu đã qua từ lâu, nhưng não trạng ăn trên ngồi trước, chỉ tay năm ngón vẫn luôn tồn tại trong bản tính đã bị hư hoại của con người. Xét mình cho kỹ, chúng ta thấy đã không thiếu những lần chúng ta đối xử với những người khác theo cách thế đáng buồn trên đây. Nếu Chúa Giêsu xuất hiện, chắc hẳn Ngài cũng nặng lời quở trách chúng ta như Ngài đã từng quở trách các kinh sư và những người Pharisiêu ngày xưa.
Lạy Chúa Giêsu, con vốn thích nói hơn thích làm, thích ra lệnh hơn là tuân lệnh, thích sai khiến hơn là vâng phục, thích vênh vang hơn là khiêm hạ. Con thật chẳng khác gì các kinh sư và những người Pharisiêu trong bài Tin Mừng hôm nay. Xin Chúa giúp con thay đổi cách nhìn, cách nghĩ, cách làm để con trở nên anh chị em đích thực của mọi người.
Suy Niệm 5: Biệt phái và chúng ta.
Vậy những gì họ nói thì anh em hãy làm, hãy giữ; nhưng đừng theo hành động của họ mà làm, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là: “Ráp-bi”
Phần anh em thì đừng để cho ai gọi mình là “Ráp-bi”, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một người lãnh đạo là Đức Ki-tô. Trong anh em người lớn hơn cả, phải là người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống; sẽ được tôn lên.(Mt. 23, 3-11)
1) Đức Giê-su cảnh giác các môn đệ và đánh động dân chúng hãy coi chừng những biệt phái và luật sĩ: “Họ ngồi trên tòa Môi-sê mà giảng dạy, vậy, những gì họ nói thì anh em hãy làm, hãy giữ. Nhưng đừng làm theo những hành động của họ, vì họ nói mà không làm”. Họ sống nghịch với giáo lý họ dạy. Họ không làm những điều mà họ buộc người ta làm. Những việc họ làm đều để khoe khoang và tìm danh vọng, nên vô ích trước mặt Thiên Chúa. Đức Giê-su đã vạch rõ cái thói phù phiếm giả hình công chính mà họ lợi dụng quyền thế để trình diễn những cái sai lầm, vô ích, dối trá, giả dạng trang trọng của họ. Chúng ngược lại với điều công chính chân thật mà Đức Giê-su rao giảng cho các môn đệ và cho tất cả các Ki-tô hữu. Người nhắc nhở chúng ta hãy kiểm điểm đời sống mình, hãy đề cao cảnh giác đừng đi theo vết chân của biệt phái. Đó là phương thế lành mạnh.
2) Mỗi tín hữu phải được Đức Giê-su dạy dỗ. Tất cả những ai lãnh trách nhiệm dìu dắt người khác, trước hết phải được Đức Giê-su dẫn dắt. Đoạn Tin mừng này của Chúa luôn luôn là lời mời gọi và là một lệnh truyền đối với Giáo hội. Thời nay người ta có thể tự hỏi: Lời cảnh giác của Chúa còn trong lương tri của chúng ta không? Bản văn này còn đánh động chúng ta không? lời kêu gọi khẩn thiết này có giúp chúng ta ăn năn trở về với đường công chính của Chúa không? Điều cốt yếu ở đây không phải chỉ dẹp bỏ những danh hiệu danh vọng, mà phải nhắm đào sâu lương tri nội tâm của môn đệ Đức Ki-tô, họ không được có một yêu sách nào cả. Không được tìm danh vọng nào cả, dù trong ý nghĩ.
3) Thà rằng tự dẹp bỏ gánh nặng của mình đi, còn hơn là nhận lấy với ước muốn được vinh dự, được xuất hiện vẻ vang, được chức nọ tước kia. Đức Giê-su thật tự do thoát khỏi những ham muốn con nít đó. Không màng chi tước vị nào cả. Người đã trở nên tôi tớ mọi người, giúp đỡ hầu hạ tất cả. Thật là Người cao cả.
Lạy Chúa, xin giải thoát con khỏi mọi vẻ quan trọng và sang trọng đó.
Suy Niệm 6: Ngôn hành thống nhất
Nói đến việc giữ chay, có lẽ bên Công Giáo giữ chay tương đối ít! Các tôn giáo khác họ giữ chay nhiều khi cả tháng, hay có người giữ chay cả cuộc đời!
Luật của chúng ta chỉ buộc giữ chay có hai ngày: Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh. Nhưng biết bao người đã so đo, tính toán thiệt hơn, coi việc giữ chay là chuyện nặng nề, mệt nhọc... Sống đạo như vậy là hình thức, là cái vỏ, còn trong thực tế không có gì cả! Chúng ta trung thành từng chi tiết nhỏ của luật, nhưng không hề có chút tâm tình hay có hồn trong đó!
Vì thế, nhiều người tham gia rất nhiều đoàn thể, lễ hội, nhưng điều quan trọng là sống bác ái, yêu thương, nhân hậu và công bằng thì họ lại không hề mảy may quan tâm!
Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu vạch mặt chỉ tên những người Pharisêu giả hình. Họ thuộc hạng phô trương, hình thức, khoe mẽ. Họ giữ luật từng chi tiết, nhưng đời sống của họ thì không hề có chút tình thương nào cả! Ngài nói: “Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào; họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "ráp-bi". Và Đức Giêsu cảnh báo: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên”.
Chúng ta đang sống trong những tuần đầu của Mùa Chay, mỗi người Kitô hữu được mời gọi hãy hoán cải để nhận ra sự kiêu ngạo, khoe khoang, hình thức bấy lâu nay. Từ đó, hãy lo sám hối và xin ơn tha thứ của Thiên Chúa. Đồng thời biết khiêm tốn để Lời Chúa được thấm nhập vào trong tâm hồn của mình, ngõ hầu chúng ta sẽ trở thành người có Chúa và loan truyền Chúa cho anh chị em mình bằng chính đời sống khiêm tốn, phục vụ.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con được ơn khiêm tốn trong việc sống đạo, nhất là trong các mối tương quan với mọi người. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy Niệm 7: Dạy bảo trong khiêm tốn và phục vụ
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Chúa Giêsu dạy những ai có trách nhiệm dạy bảo người khác phải thực hành những điều mình nói, với thái độ khiêm tốn và phục vụ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu là Thầy của con, con là môn đệ của Thầy. Con chẳng thấy ai được như Thầy, vì Thầy là mẫu mực hoàn hảo cho con bắt chước. Những điều Thầy dạy con thì Thầy đã sống trước và sống tới mức độ tột cùng. Thế mà lúc nào Thầy cũng khiêm tốn, và khiêm tốn cũng tột độ.
Lạy Thầy Giêsu, trước mặt Thầy, chúng con chẳng phải là cha, là thầy, và là người lãnh đạo của nhau, mà chỉ là anh em với nhau. Tuy nhiên, Thầy đã trao phó cho chúng con trách nhiệm dìu dắt nhau sống theo chân lý Thầy đã mặc khải. Xin Thầy dạy con biết chu toàn nhiệm vụ này theo gương của Thầy.
Xin giúp con là cha mẹ biết chu toàn bổn phận giáo dục con cái. Bổn phận của con quá nặng nề, con cảm thấy bất lực. Rất nhiều lúc lời con dạy dỗ chỉ gặp thấy sự dửng dưng hoặc kháng cự. Xin Thầy giúp con biết khiêm tốn giữ sự bình tĩnh tế nhị, gia tăng lời cầu nguyện, và nỗ lực sống đạo đức thánh thiện hơn. Xin đừng để gương xấu của con trở thành cớ vấp phạm cho con cái, trái lại, xin cho con biết làm gương sáng, biết thực hành những điều con dạy bảo. Xin ban ơn để con có thể ảnh hưởng tốt nơi con cái bằng chính cuộc sống của con.
Con cũng cầu xin cho các linh mục và tu sĩ được noi gương Thầy sống đời thánh thiện gương mẫu, khiêm tốn phục vụ, để lời rao giảng và cuộc đời tận hiến lôi kéo được nhiều linh hồn về với Chúa hơn.
Về phần con là con cái, xin Thầy giúp con biết hạ mình khiêm tốn vâng phục các bề trên. Dù đời sống các ngài còn nhiều thiếu sót và nhiều lỗi lầm, nhưng xin Thầy thánh hóa các ngài, và xin giúp con biết nhận ra những điều đúng đắn để tuân giữ. Amen.
Ghi nhớ: “Họ nói mà không làm”.
Suy Niệm 8: Tất cả đều là anh em với nhau, là con một Cha
(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Aristogiton lúc thanh bình, là một nhà ái quốc thượng thặng. Thở ra lửa trận, nói ra sấm sét. Chàng lợi dụng mọi hoàn cảnh để cổ vũ những đức tính anh hùng của người chiến sĩ yêu nước. Nghe chàng nói, thính giả có ấn tượng như chàng đang tuyên chiến với các cường quốc trên thế giới.
Nhưng đến khi phải thi hành lệnh quân dịch, người ta thấy chàng đột nhiên bước đi khập khiễng, tay chống gậy, chân thì băng bó, trông thảm não vô cùng. Biết rõ những bí ẩn của chàng, Photion trợn mắt nói: “Aristogiton đã làm một người què lại còn hèn nhát”.
Suy Niệm
Các tiến sĩ luật, các biệt phái thời Chúa Giêsu là các ban lãnh đạo dân. Tiến sĩ luật có nhiệm vụ chú giải Luật Môisê để áp dụng vào đời sống hàng ngày. Người pharisiêu (biệt phái) là một tầng lớp tri thức đạo đức bao gồm những người chủ trương sống đạo nhặt nhiệm, nhất là trong việc thi hành luật đạo. Là những vị vọng có trách nhiệm hướng dẫn đời sống đạo đức, thế nhưng họ chỉ chú trọng đến hư danh, đến chiếc ghế danh dự trong cộng đoàn. Ðức Giêsu chỉ trích và vạch trần cách họ dạy đạo và sống đạo hình thức, chỉ mong hư danh của người biệt phái và kinh sư. Đối chiếu với sự hám danh dự nơi các người trách nhiệm Do Thái, Ngài dạy các môn đệ tinh thần phục vụ yêu thương: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em”. Theo giáo huấn của Thầy, người làm lớn được ngồi trên ghế danh dự quyền bính nhưng không vì hư danh mà vì chính tinh thần phục vụ.
Chúng ta cảm thấy “sốc” khi nghe Chúa Giêsu xưng hô “Cha” chỉ dành cho Thiên Chúa và danh “Thầy” nên chỉ được dành cho Đức Kitô. Theo Giáo lý Công giáo: “Thiên Chúa với danh hiệu Cha, ngôn từ đức tin chính yếu đề cập đến hai khía cạnh: Thiên Chúa là nguồn gốc đệ nhất của muôn vật và quyền bính siêu việt. Ðồng thời Ngài cũng tốt lành, ân cần yêu thương mọi con cái” (Giáo lý Công giáo, số 239).
Ngay cả Giáo hội sơ khai, đã có các đấng bậc làm cha, thánh Phaolô đã coi mình là cha sinh ra các tín hữu, đã gọi các người mình dẫn dắt là con (1Cr 4,14-17; Gl 4,19). Gọi các bậc lãnh đạo trong Giáo hội là cha, chúng ta ý thức rằng các ngài được chia sẻ quyền làm cha của Thiên Chúa. Trong Giáo hội, mọi người dù có chức vụ hay chức vị khác nhau, tất cả anh em đều là anh em với nhau, con một Cha.
Trong Giáo hội cũng có những thầy dạy (Cv 13,1; 1Cr 12,28), và những vị lãnh đạo (Cv 15,22; Rm 12,8). Chỉ có một vị thầy là Ðức Giêsu, gọi thầy nơi các bậc dạy dỗ trong dân Chúa là thầy vì các ngài tham dự vào nhiệm vụ thầy dạy của Đức Kitô. Thầy Giêsu lại sống như bạn của các môn đệ, như anh em với họ (Ga 15,14; Mt 12,49-50), và nhất là như tôi tớ phục vụ họ (Mt 20,28), Ngài là mẫu gương phục vụ tuyệt vời và mời gọi người mang tinh thần công vụ “người làm lớn” phải phục vụ.
Thật thế, dù công quyền hay giáo quyền, mọi quyền bính đều bắt nguồn từ Thiên Chúa và phải quy về Thiên Chúa. Nếu có ai làm thầy, làm người lãnh đạo, thì vì họ được chia sẻ quyền làm thầy của Ðức Giêsu. Xin tinh thần phục vụ đến từ Chúa Kitô thanh tẩy tâm trí tôi và bạn, tâm trí của các nhà lãnh đạo, các bậc thầy dạy dỗ trong dân, để xã hội và đất nước được xây dựng trên tinh thần phục vụ trong trách nhiệm, liêm chính…
Ý lực sống: “Luôn đặt trách nhiệm của mình cao hơn những gì người khác mong đợi” (Henry Ward Beecher).
Suy Niệm 9: Đừng có giả hình
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
1. Đức Giêsu đưa ra hình ảnh người luật sĩ và biệt phải giả hình. Họ là những người nói nhiều làm ít, mồm miệng đỡ chân tay, nói hay nhưng làm dở. Họ lo tô vẽ dáng bề ngoài cho đạo đức mẫu mực nhưng lòng họ thì hám danh, phô trương và tham lam. Chúa phân biệt rõ hai phương diện: những gì họ nói thì đều là nói Lời Chúa, nên hãy nghe theo; nhưng những việc họ làm thì mâu thuẫn với những lời họ giảng dạy, cho nên đừng bắt chước.
2. Luật sĩ và biệt phái tượng trưng cho quyền bính trong dân. Họ có bổn phận phải giảng dạy dân chúng và người dân có nghĩa vụ tuân giữ những lời họ giảng dạy. Thế nhưng nhiều lần họ đã bị Đức Giêsu khiển trách, chỉ vì họ tự cho mình là tài giỏi, đạo đức, từ đó họ phê bình chỉ trích lên án người khác; làm gì họ cũng muốn cho người khác thấy và khen ngợi; họ ham muốn danh vọng chức quyền, luôn luôn lên mặt dạy đời, nhất là họ nói mà không làm.
Tuy thế, Chúa vẫn khuyên chúng ta tôn trọng họ vì họ có nghĩa vụ giảng dạy, và hãy thực hiện những lời họ giảng dạy. Vì thế Chúa phán: “Vậy, những gì họ nói thì anh em hãy làm, hãy giữ!
3. “Các ngươi chất lên vai kẻ khác những gánh nặng...”
Thật vậy, nhiều tiến sĩ luật Do thái ưa nói về luật cách tỉ mỉ, nhưng lời nói của họ không đi đôi với việc làm, nói một đàng làm một nẻo, lo tô vẽ cho cái bên ngoài nhằm che đậy sự xấu xa lợi dụng trong lòng họ. Họ dạy luật thì để cho dân giữ, còn chính họ lại không làm gương, họ dùng luật làm thứ bình phong che chắn và làm lợi cho họ, còn dân chúng thì cảm thấy nặng nề, để rồi thay vì yêu mến và tự nguyện, họ chỉ giữ vì buộc phải giữ và luật trở thành gánh nặng đè trên vai họ.
Phải chăng chỉ những luật sĩ và biệt phái thời xưa mới kiêu căng giả hình? Phải chăng thời nay không còn hạng người đó nữa? Nhan nhản trước mắt chúng ta: biết bao người ngoài miệng rêu rao là vị nhân vị nghĩa, mà kỳ thực, họ tham lam, ích kỷ, tự tôn, lợi dụng thế lực để bóc lột người khác; họ lường gạt xảo trá không những đối với con người mà cả với Chúa nữa.
Aristogiton lúc thanh bình, là một nhà ái quốc thượng thặng. Thở ra lửa trận, nói ra sấm sét. Chàng lợi dụng mọi hoàn cảnh để cổ võ những đức tính anh hùng của người chiến sĩ yêu nước. Nghe chàng nói, khán giả có ấn tượng như chàng đang tuyên chiến với các cường quốc trên thế giới. Nhưng đến khi phải thi hành lệnh quân dịch, người ta thấy chàng đột nhiên bước đi khập khiễng, tay chống gậy, chân thì băng bó, trông thảm não vô cùng.
Biết rõ những bí ẩn của chàng, ông Photion trợn mắt nói: “Aristogiton đã làm một người què lại còn hèn nhát”.
4. Có một người nêu ý kiến rằng: Nếu phải chọn một trong hai điều, một là cứu rỗi một triết nhân, chỉ biết mình là tất cả, kiêu ngạo, khoe khoang về kiến thức của mình. Hai là phải cứu rỗi một trăm người tội lỗi, điếm đàng, thì hiển nhiên nên chọn điều thứ hai.
Tại sao vậy? Vì ở trần gian, không có gì khó bằng khuất phục một người trí thức kiêu ngạo, tâm hồn họ đầy cái tôi của mình thì chẳng còn chỗ nào cho Thiên Chúa len vào được. Cũng như một chiếc bình đầy nước thì không thể đồng thời chứa đầy dâu hôi. Đối với tâm hồn, tình trạng cũng chẳng khác gì, Thiên Chúa chỉ ban chân lý và sự sống của Ngài cho những ai trống rỗng với chính mình. Do đó, chúng ta phải tạo một khoảng trống trong tâm hồn để có thể chứa ơn thánh.
5. Mọi quyền hành đều bắt nguồn bởi Thiên Chúa và phải trở về Thiên Chúa. Nếu có ai làm thầy, làm người lãnh đạo thì vì họ được chia sẻ quyền làm thầy của Đức Kitô, họ phải nêu gương trước. Nhưng trong thực tế, vẫn còn đó đây những vị này vị nọ nói thuyết thì hay nhưng lại tự chuẩn cho mình; dạy dỗ người ta nhưng chính mình lại không giữ, thậm chí còn tệ hơn – ngôn hành bất nhất. Lại nữa, chỉ thấy người khác phạm luật và trách mắng họ, nhưng thực tế thì “suy bụng ta ra bụng người” – chính mình còn bê bối hơn cả những gì mình trách người... Xin Chúa giúp chúng ta, biết dùng chính hành động làm cho lời nói có giá trị, nghĩa là khi muốn ai giữ luật, thì mình phải làm gương trước – ngôn hành như nhất.
6. Truyện: Bé cái lầm.
Có một người đi dạo đến nơi hành hương. Vì quá mệt nhọc, ông ngồi nghỉ chân trên một bệ đá. Ông hết sức ngạc nhiên và rồi tỏ ra hãnh diện sung sướng khi thấy nhiều người đi qua trước mặt ông, họ đã ngả mũ cúi chào.
Trong khi còn đang nghĩ ngợi, thắc mắc, thì cũng có một bà già đến trước mặt ông. Sau khi cúi chào, bà đã ngước nhìn lên và miệng lâm râm nhiều lời mà ông không thể nghe rõ.
Thế rồi bà ta tiếp tục đi như những người khác. Lúc ấy ông mới quay lưng lại và nhìn lên theo hướng bà kia đã nhìn. Ông nhận ra ngay sau lưng và phía trên đầu ông có một cây Thánh giá đã được dựng lên ở đó. Và ông xấu hổ bỏ đi nơi khác.
Suy Niệm 10: Sống là lãnh đạo
(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích
Lời Chúa hôm nay đặc biệt nói với các “thủ lãnh”
1. Bài đọc I (trích sách Isaia): Ngôn sứ Isaia bảo các thủ lãnh Sôđôma và Gômôra “Hãy làm điều lành, tìm kiếm công lý”, đó là cách để ta được Chúa thứ tha: “Cho dù tội lỗi các ngươi như màu đỏ thắm cũng sẽ trở nên trắng như tuyết, cho dù đỏ như vải điều cũng sẽ trở nên trắng như len”. Ta hãy chú ý tới những động từ “làm”, “tìm kiếm”. Đó là những hành động tích cực chứ không phải là những tâm tình hay lời nói suông.
2. Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói về những người biệt phái và luật sĩ. Họ nói nhiều nhưng làm ít, nói tốt nhưng làm xấu. Họ lo tô vẽ dáng bề ngoài cho đạo đức mẫu mực nhưng lòng họ thì hám danh, phô trương và tham lam. Chúa phân biệt rõ hai phương diện: những gì họ nói thì đều là nói lời Chúa, nên hãy nghe theo; nhưng những việc họ làm thì mâu thuẫn với những lời họ dạy, cho nên đừng bắt chước.
B. Suy Niệm
1. Là Linh mục, tu sĩ thì theo một phương diện nào đó cũng là làm “lãnh đạo”, vì cách sống của chúng ta ảnh hưởng đến cách sống của người khác. Sám hối của kẻ “lãnh đạo” là:
- Không chỉ nói mà còn làm.
- Không chỉ lo cho dáng vẻ bề ngoài của mình có vẽ mô phạm, mẫu mực mà còn phải trau dồi cái tâm đạo đức thật của mình.
2. Isaia đặc biệt bảo các nhà lãnh đạo hãy quan tâm đến những kẻ yếu thế dưới quyền mình: “hãy cứu giúp kẻ bị áp bức, mồ côi, góa bụa”
3. Người kia kể lại giấc mơ khủng khiếp như sau: Tôi thấy mình đứng trước một biệt thự nguy nga. Bước vào trong tôi thấy hai hành lang với hai hàng chữ ”Bên phải dành cho người công giáo; bên trái dành cho kẻ ngoại”. Tôi đi theo hàng lang bên phải. Đi được một lúc tôi tới ngã rẽ khác, lần này tôi đọc thấy bảng chỉ dẫn như sau ”Bên phải dành cho người có đức tin vững mạnh, bên trái dành cho kẻ có đức tin yếu kém”. Tôi lại đi theo bên phải. Đến một ngã rẽ khác, tôi loại thấy bảng chỉ dẫn ”Bên phải dành cho những người có lòng bác ái, bên trái dành cho những kẻ ích kỷ”. Tôi lại chạy qua bên phải. Cuối cùng tôi gặp bảng chỉ dẫn ”Bên phải dành cho những ai có đời sống thánh thiện, bên trái dành cho những kẻ tội lỗi”. Một lần nữa, tôi chọn bên phải. Tôi đang hân hoan rảo bước thì bỗng một cảnh tượng hãi hùng khủng khiếp hiện ra ở cuối hành lang ấy: cảnh hoả ngục với muôn vàn hình khổ không lời nào tả xiết. Tôi hoảng hốt kêu rú lên và giật mình thức dậy. Sau một phút, tôi tự hỏi” Phải chăng cuộc sống đạo của tôi toàn là giả hình như giấc mơ hãi hùng ấy?” (Trích ”Món quà giáng sinh”)
Suy Niệm 11: Nói mà không làm
(Lm Giuse Đinh Tất Quý)
1. Cái tội nói mà không làm chẳng phải là của những người Pharisêu và luật sĩ như Chúa nói trong bài Tin Mừng hôm nay, mà phải nói đó là cái tội của mọi thời đại.
Trong kho tàng giai thoại văn chương thế giới, có câu chuyện này. Chuyện xảy ra vào thời Hoàng đế Néron ở Rôma. Néron nổi tiếng là ông vua tàn bạo, rất thích phạt tội nhân bằng cách cho sư tử xé xác họ ra.
Cứ mỗi lần xử, Néron lại cùng hoàng hậu và các quan văn võ lên khán đài chứng kiến. Dĩ nhiên là quần chúng cũng được phép đến xem.
Một hôm, có tên tử tội bị xử theo kiểu này. Anh ta bị đẩy ra giữa hí trường và người ta thả sư tử ra. Con sư tử gầm gừ nhảy ra. Ai nấy đều phập phồng kinh hãi cho phút thụ hình của anh ta.
Nhưng lạ thay, lần này con sư tử hung dữ thay vì cắn xé tử tội thì nó chỉ nhảy chồm lên... rồi đến trước tội nhân lấy mũi hít hít vài cái rồi thôi.
Quân lính làm thế nào nó cũng mặc. Đoạn nó cúi đầu chào tội nhân rồi ngoắt đuôi lủi thủi đi vào với vẻ mặt buồn rầu như bị một cái gì đe dọa.
Theo luật, nếu sư tử không ăn thịt thì tội nhân được tha bổng.
Néron lấy làm lạ, nên trước khi tha về, ông ta gọi tội nhân đến mà hỏi:
- Nhà ngươi làm cách nào mà con sư tử của trẫm không dám đụng đến. Phải nói cho trẫm biết, trẫm sẽ thưởng tiền để về làm ăn.
Tội nhân đáp:
- Tâu bệ hạ, thần không làm gì mà cũng không có bùa phép chi cả, mà chỉ khẽ bảo nó một câu.
- Câu gì? Néron hỏi gấp
Anh ta thưa:
- Muôn tâu bệ hạ, thần chỉ bảo: Mày muốn ăn tao, cứ việc. Nhưng tao cho mày hay ăn xong, thế nào nhà vua cũng bắt mày đọc diễn văn bày tỏ cảm tưởng và cám ơn. Vậy nếu mày muốn ăn tao, hãy lo thảo diễn văn trước đi. Muôn tâu bệ hạ, ấy thế là nó hoảng hồn bỏ đi ngay.
Câu chuyện trên đây là do nhà văn Gilbert Chesterton đặt ra chế nhạo cái phong trào đọc diễn văn của vua quan và những người quý phái ở nước Anh vào thời ông, mà dân chúng đã quá nhàm.
Không phải chỉ ở những thời xa xưa, mà ngày nay, thế giới càng văn minh, khoa học càng phát triển, con người càng nhiều kiến thức thì những bài diễn văn lại càng uyên bác và càng dài.
Biết bao nhiêu hội nghị, biết bao nhiêu bài diễn văn, biết bao nhiêu giấy mực, thời giờ và công sức bỏ ra để soạn thảo, để nói, để nghe.
Nhưng cuối cùng, thì người ta nói quá nhiều mà làm quá ít, hay chẳng làm gì cả.
Người ta nói để trấn an dư luận, để lấn át tiếng lương tâm, để che đậy cái man trá của lòng mình.
2. Hãy nhớ Lời Chúa Giêsu quở trách: “Khốn cho các ngươi! Vì các ngươi nói mà không làm” (Mt 23,3).
Một công chúa Ả Rập quyết định cưới một trong những nô lệ của cô làm chồng. Nhà vua nói và làm đủ cách để khuyên can con gái, nhưng không thành công. Không một cố vấn nào của nhà vua có thể nghĩ ra cách nào để giúp ông. Cuối cùng, một quan tể tướng nổi tiếng khôn ngoan xuất hiện tại triều đình. Sau khi nghe câu chuyện của nhà vua, viên quan này nói:
- Bệ hạ đã được cố vấn một cách sai lầm rồi. Vì nếu bệ hạ cấm công chúa điều đó, công chúa sẽ oán trách bệ hạ và càng gắn bó hơn với anh chàng nô lệ kia.
- Vậy nhà ngươi hãy cho biết ta phải làm gì?
Quan tể tướng đề xuất một kế hoạch hành động. Nhà vua không tin tưởng lắm vào kế hoạch này, nhưng cũng quyết định thử xem sao. Ông cho gọi con gái đến và nói:
- Ta sẽ kiểm tra tình yêu của con đối với anh chàng kia. Con sẽ bị giam trong một căn phòng nhỏ với anh ta trong ba mươi ngày đêm. Nếu sau đó, con vẫn muốn cưới anh ta, ta sẽ hoàn toàn chấp thuận.
Công chúa vui mừng ôm chầm lấy thân phụ mình và chấp nhận bài kiểm tra nói trên.
Mọi sự đều trôi chảy tốt đẹp trong những ngày đầu. Nhưng chẳng bao lâu, tất cả trở nên chán chường. Chỉ sau một tuần, cô trở nên dị ứng với mọi hành vi, cử chỉ, lời nói của chàng - và ước gì mình có một sự bầu bạn khác. Sau hai tuần, cô chán anh ta đến nỗi cô thường xuyên la hét và đập vào cánh cửa. Cuối cùng khi được giải phóng, công chúa ôm chầm lấy vua cha, rối rít cám ơn cha mình đã cứu mình khỏi người đàn ông mà bây giờ cô không muốn gặp nữa.
Lạy Chúa Giêsu,
xin làm cho con thật mạnh mẽ,
để không nỗi thất vọng nào
còn chạm được tới con.
Xin làm cho con thật đầy ắp,
để ngay cả một ước muốn nhỏ
cũng không còn có chỗ trong con.
Xin làm cho con thật lặng lẽ,
để con chỉ còn loan báo Chúa mà thôi.
Xin Chúa ngự trong con thật sống động,
để không phải là con,
mà là chính Ngài đang sống. Amen.
Bài cùng chuyên mục:
+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 213)
CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.
Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 2,371)
Thứ Bảy tuần 33 thường niên.
Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,509)
Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.
Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,322)
Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.
Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,780)
Thứ Tư tuần 33 thường niên.
Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,783)
Thứ Ba tuần 33 thường niên.
Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,875)
Thứ Hai tuần 33 thường niên.
+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,072)
CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.
Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,558)
Thứ Bảy tuần 32 thường niên.
Thứ Sáu 15/11/2024 – Thứ Sáu tuần 32 thường niên. – Sống trong ngày của Chúa. (14/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,949)
Thứ Sáu tuần 32 thường niên.
-
+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu.
CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.
- Thứ Bảy tuần 33 thường niên.
- Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo....
-
Đức Giesu Kito, một vị Vua khác
Hôm nay, “nếu bạn tin vào Chúa Kitô, hãy để Ngài là Vua trong cuộc đời bạn. Hãy để Ngài hướng dẫn bạn sống theo sự thật, bởi vì Ngài là...
-
Gia vị cho bài giảng CN lễ Chúa Kito là Vua - 2024
Khi Người đến trong vinh quang, Chúa Kitô Vua sẽ xét xử chúng ta về những việc bác ái chúng ta làm cho tha nhân. (Cha Tony)
-
Kinh Tin Kính phổ quát
Mầu nhiệm của Chúa Kitô hoạt động thông qua các Giáo hội kitô lịch sử nhưng cũng hoạt động, và hoạt động rộng rãi, bên ngoài các Giáo hội...
-
Suy nghĩ và cầu nguyện CN 34 TN B - 2024
Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy dẫy sự dối trá, vì người ta sợ sự thật, sợ nói thật, sợ sống thật. Sự thật không còn là sự thật,...
-
Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh
Ngoài việc cầu nguyện, các vị thánh sẽ đưa ra ba lời khuyên nào cho những người đang tìm kiếm người phối ngẫu tương lai?
-
Linh hướng là gì?
Trong xã hội và thời đại hỗn loạn của chúng ta, hơn bao giờ hết, hướng dẫn đời sống tâm linh là một nguồn lực tinh thần cần thiết. Người...
-
Tôi có thể làm gì cho những đứa con không sống đạo của mình?
Tôi là phụ huynh của ba đứa trẻ, tất cả chúng tôi đều cố gắng sống theo đức tin Công giáo. Một trong số chúng có vẻ không mấy hứng thú,...
-
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 145 - Thử tìm hướng đi
Người trẻ làm gì để không bị cuốn đi với những "tư tưởng" rất đời kia? Nếu có nhu cầu thì sao kiểm soát khi chưa lập gia đình? Tụi con...
-
Bác ái là nhân đức cần thiết cho sự phát triển tâm linh
Chúng ta phải xin Chúa ban cho chúng ta đức ái mỗi ngày cho đến khi chúng ta gặp được Ngài trên Thiên Đàng!
-
Đạo còn sống khi ta còn sống đạo
Phải chăng giá trị Tin Mừng trong lòng tín hữu đang phai nhạt dần ? Phải chăng việc đạo nghĩa chỉ còn là sự quan tâm thứ yếu ? Phải chăng...
-
Nghĩ đến những điều tốt đẹp
Hãy thôi nghĩ đến chuyện buồn ấy và hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp và đáng yêu khác trong cuộc sống để lòng bà được thanh thản
- Sự cần thiết của việc lắng nghe
- Lớn lên từ những thử thách
- Nhận nhưng không, cho nhưng không
- Niềm tin lớn nhất