Lời chúa mỗi ngày

Thứ Ba 25/04/2023 – THÁNH MÁCCÔ, TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG. Lễ kính. – Sư Tử Có Ðôi Cánh.

  • In trang này
  • Lượt xem: 5,365
  • Ngày đăng: 24/04/2023 10:00:00

Sư Tử Có Ðôi Cánh.

25/04 – Thứ Ba tuần 3 Phục Sinh – THÁNH MÁCCÔ, TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG. Lễ kính.

"Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng".

 

* Thánh Marcô là cháu của thánh Barnaba. Người đã đi theo thánh tông đồ Phaolô trong hành trình truyền giáo lần thứ nhất, và theo đến tận Rôma.

Người cũng là môn đệ của thánh Phêrô và là thông ngôn của thánh Phêrô, đã soạn lời giảng của thánh Phêrô thành sách Tin Mừng. Truyền thống cho rằng người đã sáng lập giáo đoàn Alexandria.

 

Lời Chúa: Mc 16, 15-20

Khi ấy, Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ và phán: "Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những phép lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc, thì cũng không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân sẽ được lành mạnh".

Vậy sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa. Phần các ông, các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố lời giảng dạy bằng những phép lạ kèm theo.

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

1. Loan báo Tin Mừng--Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ thánh Marcô, tác giả sách Tin Mừng.

Ngài thường được coi là người viết cuốn sách Tin Mừng đầu tiên.

Ngài đã thu tập những tài liệu có trước, rồi sắp xếp lại thành một câu chuyện.

Marcô muốn kể một câu chuyện lý thú về Đức Giêsu.

Dù khả năng viết tiếng Hy lạp của ngài không thuộc loại giỏi,

nhưng bù lại, ngài là một nhà kể chuyện có tài.

Ngài cho chúng ta một khuôn mặt Đức Giêsu rất sống động và rất người.

Đức Giêsu ấy biết giận dữ, biết xao xuyến, biết ngạc nhiên như người khác.

Marcô đã cầm bút viết tác phẩm của mình về Thầy Giêsu

trong một giai đoạn đen tối của Giáo hội sơ khai.

Vào năm 64, bạo chúa Nêrô đốt thành Rôma và đổ tội cho các kitô hữu.

Cuộc bách hại dữ dội bắt đầu tại Rôma.

Vậy mà tại nơi ấy, giữa thời điểm căng thẳng ấy, Marcô viết sách Tin Mừng

dành cho những kitô hữu không phải là người Do Thái.

“Khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” (Mc 1, 1):

Marcô đã bắt đầu tác phẩm của mình như thế.

Sách này thật là Tin Mừng nâng đỡ các tín hữu bị chao đảo bởi bách hại.

Đức Giêsu vác thánh giá mời gọi người ta trung tín bước theo Ngài.

Ngài đã chết nhưng hẹn gặp lại các môn đệ ở Galilê sau khi Ngài phục sinh.

Bài Tin Mừng hôm nay, tuy không phải do thánh Marcô soạn thảo,

nhưng lại hợp với ngày lễ mừng thánh nhân.

Đấng sống lại kêu gọi nhóm Mười Một đi khắp thế giới để rao giảng Tin Mừng.

Đó là Tin Mừng về Đức Giêsu bị đóng đinh nhưng nay được phục sinh,

được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa (c. 19).

Các tông đồ đã vâng lời, đi rao giảng khắp nơi.

Chúa lên trời nhưng Ngài vẫn cùng làm việc với họ như xưa.

Ngài giúp họ có khả năng trừ quỷ, chữa bệnh, nói những thứ tiếng mới.

Ngài bảo vệ họ khỏi những hiểm nguy do rắn rít hay thuốc độc (cc. 17-18).

Giáo Hội hôm nay cần nhiều kitô hữu say mê rao giảng Tin Mừng.

Trên quê hương vẫn còn nhiều nơi vắng tiếng chuông nhà thờ buổi sáng.

Marcô đã kể chuyện về Giêsu bằng ngòi bút, viết trên giấy da hay giấy cói.

Chúng ta có nhiều phương tiện nhanh hơn, rộng hơn, để kể chuyện về Giêsu.

Làm sao để Giêsu đến gặp con người qua internet, sách báo, phim ảnh…?

Làm sao để cuộc đời chúng ta trở thành một cuốn sách Tin Mừng

để ai đọc cũng gặp được Giêsu?

 

Cầu nguyện:

Lạy Cha,

Cha muốn cho mọi người được cứu độ

và nhận biết chân lý,

chân lý mà Cha đã bày tỏ nơi Đức Giêsu, Con Cha.

Xin Cha nhìn đến hàng tỉ người

chưa nhận biết Đức Giêsu,

họ cũng là những người đã được cứu chuộc.

Xin Cha thôi thúc nơi chúng con

khát vọng truyền giáo,

khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc,

niềm vui và bình an của mình cho tha nhân,

và khát vọng muốn giới thiệu Đức Giêsu cho thế giới.

Chúng con thấy mình nhỏ bé và bất lực

trước sứ mạng đi đến tận cùng trái đất

để loan báo Tin Mừng.

Chúng con chỉ xin đến

với những người bạn gần bên,

giúp họ quen biết Đức Giêsu và tin vào Ngài,

qua đời sống yêu thương cụ thể của chúng con.

Chúng con cũng cầu nguyện

cho tất cả những ai đang xả thân lo việc truyền giáo.

Xin Cha cho những cố gắng của chúng con

sinh nhiều hoa trái. Amen.

 

2. Loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo--TGM Giuse Nguyễn Năng

Sứ điệp: Qua các tông đồ, Chúa Giêsu sai toàn thể Giáo Hội đi loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Chính Chúa đang âm thầm hoạt động để hỗ trợ Giáo Hội trong sứ mạng cao cả này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, thật vinh dự cho con biết bao khi con được Chúa tín nhiệm và trao phó sứ mạng loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Chúa để dành phần cho con được cộng tác vào chương trình cứu độ thế giới. Chúa nhìn con như một người con trưởng thành và ủy thác trách nhiệm cho con gánh vác. Các tông đồ và mỗi người chúng con đây chỉ là những kẻ tài hèn sức mọn, nhưng Chúa vẫn tin tưởng và sai chúng con đi. Con xin dâng lời tạ ơn Chúa.

Thật tình con đã quá coi thường lệnh truyền và lòng tín nhiệm của Chúa. Rất nhiều lúc con đã bỏ bê hoặc ngại ngùng chẳng dám dấn thân. Con nghĩ rằng lo cho mình chưa xong thì nào dám khuyên bảo ai. Con e ngại vì đời con còn đầy tội lỗi và chưa theo Chúa trọn vẹn, con viện lẽ không có thời giờ, chẳng có khả năng. Con nhát đảm nhụt chí khi nhìn thấy thực tế bị chống đối khước từ. Chúa sai con đi mà chân con vẫn chưa hề tiến bước.

Lạy Chúa, Thánh Mác-cô đã nghe được lệnh truyền của Chúa và cộng tác với Thánh Phê-rô trong việc loan báo Tin Mừng, qua lời rao giảng và qua việc viết sách Tin Mừng. Xin Chúa giúp con noi gương các ngài ý thức sứ mệnh của mình, dám lên đường, dám dấn thân. Con tin Chúa vẫn hằng ở bên con và nâng đỡ con khi con làm công việc của Chúa.

Con quyết tâm sẽ không bao giờ làm điều gì ô danh Chúa. Trái lại, con sẽ cố gắng sống Phúc Âm hằng ngày và làm chứng cho Chúa hết khả năng con. Xin Chúa giúp con. Amen.

Ghi nhớ: “Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng”.

 

3. Thánh Mác-cô--Lm Giuse Đinh Tất Quý

1. LỊCH SỬ

Thánh Marcô có thể thuộc dòng tộc Arong, sinh tại Galilê. Là một trong 72 môn đệ của Chúa Giêsu. Trong công cuộc truyền giáo, ngài là đệ tử trung kiên của thánh Phêrô. Chính nhờ sự giúp đỡ và lời yêu cầu nguyện của vị thủ lãnh các tông đồ mà thánh nhân đã viết cuốn Tin Mừng thứ hai, gọi là Tin Mừng theo thánh Marcô.

Tin Mừng của ngài vắn gọn. Lời văn không chải chuốt như thánh Matthêo hoặc Luca, nhưng rất chân thành và thực tế. Ngài không giấu diếm sự chậm hiểu, kém tin của các tông đồ: “Các ông không hiểu ý nghĩa phép lạ bánh hóa nhiều: lòng trí các ông còn ngu muội” (Mc 5, 52 ); ngài cũng chẳng che đậy tham vọng của các ông: “Khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả “ (Mc 9. 34 ).

Theo nhiều nguồn tài liệu, mẹ ngài là bà Maria, một bà góa giàu có ở Giêrusalem, có nhà rộng rãi, có thể làm nơi hội họp của các tín hữu được và thánh Phêrô cũng thường trú ngụ ở nơi này.

Thánh nhân theo người bà con là Barnabê và tông đồ Phaolô trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ nhất. Nhưng khi đến Pergê thì ngài trở về Giêrusalem, có lẽ vì lý do sức khỏe. Sau đó, ngài đã tháp tùng theo thánh Phêrô giảng đạo ở Rôma. Ngài đã chứng kiến “khoảng ba ngàn người theo đạo “ nhờ bài giảng của thánh Phêrô; ngài thấy tận mắt thánh Phêrô chữa lành người què từ khi lọt lòng mẹ” tại cửa Đền thờ; ngài cũng bị “các tư tế viên lãnh binh Đền thờ và các người thuộc nhóm Sađốc” bắt giam...

Chính thánh Phêrô đã trao cho ngài sứ mạng phúc âm hoá Alexandia. Ngài đã thành lập giáo đoàn này, và hướng dẫn mọi người sống hoàn thiện đạo đức không kém giáo đoàn Giêrusalem. Toàn thể giáo đoàn đều hiệp nhất trong một niềm tin, cậy, mến, chuyên cần phụng sự Chúa và phục vụ nhau.

Chính vì thế mà ma quỷ ganh tị. Chúng xúi dục những người ngoại giáo quá khích chống đối bách hại thánh nhân. Họ bắt ngài; cột cổ kéo lôi trên sỏi đá làm cho da thịt ngài bị xé rách nát ra. Máu chảy đầm đìa. Rồi đem bỏ vào ngục. Sáng hôm sau, họ lại dắt ngài ra và hành hạ y như hôm trước. Đau đớn quá, ngài kiệt sức dần và tắt thở..

II. GƯƠNG TÔNG ĐỒ

“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”. Bổn phận loan báo Tin Mừng là bổn phận của mọi người. Mỗi người đều có thể là tông đồ cho Chúa trong hoàn cảnh và khả năng của mình.

June là một cô bé 5 tuổi xinh đẹp và lanh lợi. Cha là một mục sư. Mỗi khi đi đâu, Mẹ thường cho em theo.

Ngày nọ, khi hai mẹ con vào bưu điện, một ông lão thấy em liền hỏi:

- Này bé, ai cho bé mái tóc đẹp thế?

- Chúa cho cháu đó!

Nói xong bé nhìn thẳng vào ông hỏi:

- Thế ông có được Chúa cho gì không? Có được Chúa cứu không?

Ông già kinh ngạc và xúc động trước câu hỏi đơn sơ đó. Ông thẫn thờ đáp:

- Không, bé ạ!

- Thế thì ông phải đến với Chúa ngay đi. Rồi Chúa sẽ cho ông thành một người thật đẹp đẽ!

Nói xong, bé vội chạy theo mẹ.

Ít tuần sau, ông tìm đến nhà thờ và theo đạo. Ông cho biết lời của em bé luôn ám ảnh trong đầu và ông quyết định theo Chúa. (Góp nhặt)

Một cách truyền giáo đơn sơ nhưng kết quả thật không ai ngờ!

Tại sao chúng ta phải truyền giáo? Thưa vì chúng ta đã được lãnh nhận nhưng không thì chúng ta cũng phải biết cho đi nhưng không.

Lịch sử kể lại rằng Fritz Kreisler (18751962) là một nhạc sĩ vĩ cầm nổi tiếng khắp thế giới. Ông đã tạo được một cơ nghiệp đồ sộ nhờ các buổi hòa nhạc và soạn nhạc, nhưng lại hào phóng cho đi gần hết của cải. Do đó, trong một chuyến lưu diễn, ông tìm được một cây vĩ cầm thanh tú nhưng không đủ tiền mua.

Đến khi ông kiếm đủ tiền và trở lại, thì cây đàn đã được bán cho một nhà sưu tầm nhạc cụ. Kreisler tìm đến chủ mới của cây vĩ cầm để xin mua lại. Nhà sưu tầm không muốn bán vì theo ông, nó là một bảo vật quí giá. Kreisler buồn bã và sắp sửa ra về, bỗng nảy ra một ý:

-Xin đàn một lần trước khi nó bị ký thác cho sự câm lặng.

Chủ nhân chấp thuận. Vị nhạc sĩ tài ba đã làm cho nhà sưu tầm thực sự xúc động vì tiếng đàn du dương của mình, đến nỗi ông ấy phải kêu lên:

- Kreisler ơi! Tôi, tôi không có quyền giữ chiếc đàn này. Nó thuộc về ông. Ông hãy đem nó đi khắp thế giới để thiên hạ được thưởng thức âm thanh của nó.

Chúng ta cũng thế, chúng ta không có quyền giữ cho mình tất cả hồng ân Chúa đã ban tặng cho ta. Tất cả đã được đón nhận thì tất cả cũng phải được sẻ chia. (Epphata)

Thế giới hôm nay vẫn còn đầy rẫy những nạn nhân của chiến tranh, của đói nghèo, của bệnh tật, thiên tai, phân biệt chủng tộc và đang cần những người đem đến cho họ tình thương của Chúa.

Lạy Chúa, xin cứ dùng con theo ý Chúa,

làm chân tay cho người què cụt,

làm đôi mắt cho ai đui mù,

làm lỗ tai cho người bị điếc,

làm miệng lưỡi cho người không nói được,

làm tiếng kêu cho người chịu bất công.

Lạy Chúa, xin cứ gửi con ra đồng lúa,

Để đem cơm cho người đói đang chờ,

Và đem nước cho người họng đang khô,

Đem thuốc thang cho người đang đau ốm,

Đem áo quần cho người đang trần trụi,

Đem mền đắp cho người rét đang run.

Lạy Chúa, xin cứ gửi con ra đường vắng,

Thắp đèn soi cho ai bước trong đêm,

Đốt lửa ấm cho những ai giá lạnh,

Truyền cảm thông cho lữ khách đơn côi,

Nâng phẩm giá cho kẻ đời chà đạp,

Đem tự do cho những kiếp đọa đày.

Lạy Chúa, xin cứ gửi con vào thôn xóm,

Đem an hòa cho những ai bất thuận,

Đem thanh bình cho kẻ sống âu lo,

Đem ủi an cho người đang sầu khổ,

Đem niềm vui cho những ai bất hạnh,

Đem vận may cho người gặp rủi ro.

Lạy Chúa, xin cứ dùng con làm tất cả,

Cho mọi người được hạnh phúc an vui.

Còn phần con xin gửi hết nơi Ngài,

Là Thiên Chúa, là tình yêu, là lẽ sống.

Ngài cho con tất cả niềm hy vọng,

để tin yêu mà vui sống trọn đời. (Một Linh mục Dòng Tên).

 

4. Thánh sử Mác cô: Mc 16,15-20 –Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái

* Lịch Sử

Gioan với tên phụ là Mác-cô (Cv 12,12) là con của bà Maria. Nhà bà là nơi cộng đoàn tiên khởi tại Giêrusalem thường tới tụ họp.

Mác-cô theo người bà con tên là Bác-nê-bê và vị Tông Đồ Phao-lô trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ nhất; nhưng khi họ tới Per-gê miền Pam-phi-li-a, thì Mác-cô bỏ về Giêrusalem (Cv 13,13), có lẽ vì mất can đảm.

Trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ hai, Phao-lô không muốn đem Mác-cô theo; nhưng sau đó chúng ta lại thấy Mác-cô ở bên Phao-lô (Plm 24; Cl 4,10; 2 Tm 4,11). Rồi tiếp theo Mác-cô lại tháp tùng Phê-rô ở Rô-ma. Nhưng kỷ niệm của thánh Phê-rô tạo thành khung cho Phúc Âm thánh Mác-cô. Chắc chắn quyển Phúc Âm này được viết trước khi thành Giêrusalem bị tàn phá (năm 70 sau cn).

Theo truyền thuyết, Thánh Mác-cô là đấng sáng lập giáo đoàn A-lê-xan-đri-a, đã lãnh đạo giáo đoàn và cũng chịu tử đạo tại đây. Thi hài của ngài được chuyển về Vơ-ni-sơ vào thế kỷ thứ VII. Tại đây người ta đã xây một thánh đường nổi tiếng, dâng ngài. (Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh)

A. Hạt giống...

Những lời cuối cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ:

- Sai các ông đi loan Tin Mừng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”.

- Hứa hỗ trợ đặc biệt cho các ông: “Nhân danh Thầy họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, cầm rắn trong tay, và nếu có uống phải chất độc thì cũng không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh và bệnh nhân sẽ được lành mạnh”. Những “dấu lạ” mà Chúa Giêsu hứa có thể mang 2 nghĩa: a/ Nghĩa bóng: Chúa giúp các ông chiến thắng thế lực của sự dữ; b/ Nghĩa đen: các ông sẽ thật sự làm được những phép lạ

Các môn đệ vâng lời Thầy, đi khắp nơi loan Tin Mừng, và những lời Chúa hứa đã thành sự thật: “Có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố lời giảng dạy bằng những phép lạ kèm theo”

B.... nẩy mầm.

1. Việc loan Tin Mừng nhằm 2 mục đích: thứ nhất là nhằm Rửa tội cho người ta trở thành kitô hữu; thứ hai là phổ biến những giá trị của Tin Mừng. Có những người vì lý do gì đó mà không lãnh nhận bí tích Rửa tội được nên không trở thành kitô hữu. Nhưng nếu họ sống theo những giá trị Tin Mừng thì, nói theo từ ngữ của nhà thần học Karl Rahner, họ cũng là những “kitô hữu vô danh” (chrétien anonyme). Chúng ta phải cố gắng tạo thêm cả những “kitô hữu hữu danh” và những “kitô hữu vô danh”.

2. “Củng cố lời giảng bằng những dấu lạ kèm theo”: Việc loan Tin Mừng sẽ có sức thuyết phục hơn nếu có những dấu lạ kèm theo. Những dấu lạ này không hẳn là các phép lạ lớn lao, mà còn là cách sống có sức thu hút của chúng ta.

3. June là một cô bé 5 tuổi xinh đẹp và lanh lợi. Cha là một mục sư. Mẹ mỗi khi đi đâu, thường cho em theo.

Ngày nọ, khi hai mẹ con vào bưu điện, một ông lão thấy em liền hỏi: “Này bé, ai cho bé mái tóc đẹp thế?"

"Chúa cho cháu đó! ”Nói xong bé nhìn thẳng vào ông hỏi: “Thế ông có được Chúa cho gì không? có được Chúa cứu không?"

Ông già kinh ngạc và xúc động trước câu hỏi đơn sơ đó. Ông thẫn thờ đáp: “Không, bé ạ!"

"Thế thì ông phải đến với Chúa ngay đi. Rồi Chúa sẽ cho ông thành một người thật đẹp đẽ!” Nói xong, bé vội chạy theo mẹ.

Ít tuần sau, ông tìm đến nhà thờ và theo đạo. Ông cho biết lời của em bé luôn ám ảnh trong đầu và ông quyết định theo Chúa. (Góp nhặt)

4. “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”.

Fritz Kreisler (1875-1962) là một nhạc sĩ vĩ cầm nổi tiếng khắp thế giới. Ông đã tạo được một cơ nghiệp đồ sộ nhờ các buổi hoà nhạc và soạn nhạc, nhưng lại hào phóng cho đi gần hết của cải. Do đó, trong một chuyến lưu diễn, ông tìm được một cây vĩ cầm thanh tú nhưng không đủ tiền mua.

Đến khi ông kiếm đủ tiền và trở lại, thì cây đờn đã được bán cho một nhà sưu tầm nhạc cụ. Kreisler tìm đến chủ mới của cây vĩ cầm để xin mua lại. Nhà sưu tầm không muốn bán vì theo ông, nó là một bảo vật quí giá. Kreisler buồn bã và sắp sửa ra về, bỗng nảy ra một ý: “Xin đàn một lần trước khi nó bị ký thác cho sự câm lặng”. Chủ nhân chấp thuận. Vị nhạc sĩ tài ba đã làm cho nhà sưu tầm thực sự xúc động vì tiếng đàn du dương của mình, đến nỗi ông ấy phải kêu lên “Kreisler ơi! Tôi, tôi không có quyền giữ chiếc đàn này. Nó thuộc về ông. Ông hãy đem nó đi khắp thế giới để thiên hạ được thưởng thức âm thanh của nó”.

Lạy Chúa, con cũng không có quyền giữ cho mình tất cả hồng ân Người đã ban tặng cho con. Tất cả đã được đón nhận thì tất cả cũng phải được sẻ chia. (Epphata)

5. “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15)

Thế giới còn đầy dẫy những nạn nhân chiến tranh, đói nghèo, bệnh tật, thiên tai, phân biệt chủng tộc…

Thế nhưng vẫn có những người đem niềm vui đến cho họ; có những người chữa lành và chăm sóc họ; có những người đấu tranh cho công bằng xã hội; có những người xây dựng một thế giới hòa bình, tự do và bình đẳng; có những người trẻ cùng trang lứa với tôi không ngừng gieo rắc tình thân và niềm vui trong gia đình cũng như nơi học đường.

Đức Kitô hằng sống trong tâm hồn của những người xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Qua họ, Ngài ban hòa bình cho thế giới; qua họ, Ngài dẫn đưa nhân loại đến sự sống; qua họ, Ngài chiến thắng mọi thế lực sự dữ. Tin Mừng sẽ được loan báo khắp nơi cho đến tận cùng ngõ hẻm.

Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con đi (Epphata)

6. “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15)

Trong những năm gần đây, theo thống kê, số lượng người công giáo chỉ bằng 1/5 dân số thế giới. Dường như xã hội ngày càng văn minh thì khuynh hướng xa lìa Thiên Chúa càng nhiều. Ở Âu Mỹ, nhiều nhà thờ phải đóng cửa. Bên cạnh đó, khắp nơi, ngày càng có nhiều hành động xúc phạm đến quyền sống của con người.

Lời Chúa như thúc bách tôi: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”.

Giêsu ơi, xin cho con theo bước chân Ngài đi loan báo Tin Mừng khắp nơi. (Hosanna)

 

5. Thánh Mác-cô--Nhóm Châu Kiên Long

Chúng ta không biết nhiều về quãng đời niên thiếu của thánh nhân. Chỉ biết rằng ngài là một trong bốn vị thánh sử đã ghi chép Phúc Âm.

Người ta quen vẽ hình ngài là một con sư tử, một trong bốn con vật được tiên tri Ezekiel xem thấy trong thị kiến.

Thánh nhân là người Do Thái, thuộc dòng họ Lêvi. Sau khi Chúa Giêsu về trời, ngài theo thánh Phêrô sang truyền giáo tại La Mã. Ngài đã được vị Giáo Hoàng tiên khởi yêu quý cách đặc biệt do lòng hăng say rao truyền đạo Chúa. Số người trở lại càng ngày càng tăng mà không có tài liệu nào để họ học hỏi. Ðồng thời họ cũng ao ước được một bản chép đầy đủ về cuộc đời Chúa Cứu Thế. Vì những lý do đó, thánh Máccô đã ghi chép mạch lạc thành những chương mục về cuộc sống của Chúa Giêsu, dựa theo những lời giảng dạy của thánh Phêrô. Chính thánh Phêrô đã duyệt và cho phép dùng trong giáo đoàn.

Sau đó, ngài được ủy phái đi truyền giáo ở Ai Cập. Với cuốn Phúc Âm, ngài đã đưa nhiều người trở về với Chúa. Ngài là vị sáng lập và là Giám Mục đầu tiên giáo đoàn Alexandria. Nhờ tài lợi khẩu, trí thông minh và sự thánh thiện, ngài đã dẫn đưa được nhiều người về cùng Chúa.

Bóng tối không bao giờ thích ánh sáng. Những lương dân đã quyết tâm tìm cách ám hại ngài. Họ đã bắt ngài điệu qua các phố với mục đích bêu xấu ngài, và lôi kéo ngài trên đường đá gồ ghề cho tới khi tắt thở. Hôm đó là ngày 25/4/67.

Ngài mất đi để lại một sự nghiệp vô giá. Phúc Âm do ngài biên chép vẫn còn mãi. Danh ngài sẽ luôn được nhắc đến trong Giáo Hội, nhưng quan trọng hơn hết là phần thưởng bội hậu mà Thiên Chúa đã ban cho ngài trên Thiên Quốc.

 

6. Thánh sử Máccô, tác giả sách Tin Mừng-- giaophanvinhlong.net

 Là học trò của Thánh Phêrô (1Pr 5,13), Thánh Máccô còn được gọi là Gioan-Máccô (Cv 12,12). Mẹ của ngài là bà Maria - một góa phụ giàu có, nơi ngôi nhà của bà, các tín hữu tiên khởi hay đến để tụ họp (Cv 12, 16-17).

Nhiều lần Thánh Máccô cũng cùng với Thánh Phaolô và Thánh Barnabê đồng hành bên nhau trong các hành trình truyền giáo. Như vậy, dù không thuộc nhóm Mười Hai, nhưng Máccô đã trở nên rất thân quen với cộng đòan các Kitô hữu tiên khởi. (Col 4,10; II Tim 4,11).

Thánh Máccô là người đầu tiên viết Tin Mừng. Là thính giả của Thánh Phêrô, Máccô đã ghi lại một cách trung thực cho hậu thế những điều Phêrô đã giảng (Cv 4,20). Lối văn của ngài sống động, uyển chuyển, trung thực. Lối trình bày của Ngài chân thành, đơn sơ, mộc mạc, mang tính kể chuyện về cuộc đời của Chúa Giêsu, thích hợp cho mọi độc giả, đặc biệt cho những anh chị em bình dân. Đây là một tuyển tập các lời Chúa dạy, các việc Chúa làm, kết thành một sách bỏ túi cần thiết cho mọi người, cụ thể là những anh chị em giáo lý viên.

Các tín hữu thuộc các Giáo hội cổ Ai Cập, Syri và Byzantin đều mừng kính Ngài vào ngày 25 tháng 4. Ở phương Tây, kể từ thế kỷ thứ IX, người ta cũng mừng lễ thánh Máccô vào ngày này. Một truyền tụng từ thế kỷ thứ III cho rằng thánh nhân đã thiết lập giáo đòan Alexandrie (Ai cập), và qua đời tại nơi đây.

Biểu tượng của Tin Mừng Máccô là con sư tử, con vật của vùng sa mạc thảo nguyên, tương thích với câu Tin Mừng Máccô 1,13: “Người ở trong hoang địa… sống giữa loài dã thú…”  Tin Mừng của ngài giúp chúng ta xác tín vào một Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã nhập thể trong dòng chảy của lịch sử của loài người, đã chết và phục sinh để mang ơn cứu độ đến cho muôn người.

 

7. Sư Tử Có Ðôi Cánh-- ‘Lẽ Sống’--Radio Veritas Asia

Khách du lịch đến thưởng ngoạn Venezia, một thành phố mơ mộng nằm trên sông nước và được làm tăng thêm vẻ đẹp bằng những công trình kiến trúc độc đáo cũng như bằng những tác phẩm nghệ thuật thời danh nằm ở mạn đông bắc Italia, không thể bỏ qua công trường Marcô, công trình mang tên của vị thánh bổn mạng của thành phố Venezia và cũng là vị thánh Giáo hội mừng kính hôm nay.

Trên con đường tiến gần đến công trường Marcô, du khách nhìn thấy một con sư tử có đôi cánh đứng sừng sững trên một ngọn tháp cao. Hình sư tử này nhắc đến sự nghiệp viết sách Phúc Âm đầu tiên của thánh Marcô, như chứng từ của sử gia Papias, sinh sống vào cuối thế kỷ thứ hai viết như sau:

"Marcô, người thông ngôn của Phêrô, đã viết ra đúng những gì nhớ được, tuy không theo thứ tự, về những điều Ðức Kitô đã nói và đã làm. Marcô không trực tiếp nghe Chúa giảng, cũng không phải là môn đệ của Ngài. Nhưng ông đã tháp tùng Phêrô, người đã giảng dạy theo những gì ông cảm thấy cần thiết, chứ không phải chủ tâm thuật lại lời Chúa một cách có hệ thống".

Marcô là người thông ngôn và lãnh trách nhiệm chép lại những lời Phêrô giảng, vì thế không lạ gì ở cuối bức thư thứ nhất, Phêrô gọi ông là "Marcô, người con của tôi".

Ngoài sự gần gũi với thánh Phêrô, Marcô cũng tiếp xúc lân cận với Phaolô, bắt đầu vào lần gặp gỡ đầu tiên vào năm 44, khi Phaolô và Barnaba đưa về Giêrusalem số tiền cộng đoàn Antiokia quyên được để trợ giúp cộng đoàn Mẹ. Khi trở về, Barnaba đem theo Marcô, là cháu của ông.

Sau đó, trong khi đồng hành với Phaolô và Barnaba để hoạt động truyền giáo ở đảo Cypre, vì một sự bất đồng ý kiến nào đó, Marcô đã bỏ về Giêrusalem. Vì lý do này, trong chuyến truyền giáo thứ hai, Phaolô đã nhất quyết không cho Marcô theo, mặc dù Barnaba tha thiết yêu cầu. Sự kiện này đã gây đổ vỡ đến sự cộng tác giữa Phaolô và Barnaba.

Nhưng trong những ngày cuối đời, khi chờ đợi ngày hành quyết, Phaolô đã viết thư nhắn với Timôthê: "Hãy đem cả Marcô đến nữa, vì tôi cần sự giúp đỡ của anh ấy lắm". Bạn bè người ta muốn gặp trong những ngày cuối đời phải là những người đồng sinh đồng tử!

Những chi tiết khác nhau đó của cuộc đời của thánh Marcô không lấy gì làm chắc. Có tài liệu cho là thánh nhân chết tự nhiên. Tài liệu khác lại cho là thánh nhân được phúc tử đạo. Vương cung thánh đường tại công trường Marcô ở Venezia tự hào là còn giữ lại hài cốt của Ngài.

Trong cuộc sống, Marcô đã chu toàn bổn phận mà mọi người Kitô được kêu gọi phải thực thi: Ðó là rao giảng Tin Mừng và làm chứng về Ðức Kitô. Marcô đã thực hiện công việc này đặc biệt qua công tác viết sách Phúc Âm, những người Kitô khác qua kịch nghệ, âm nhạc, thơ phú hay qua việc dạy đạo cho con em quanh bàn ăn của gia đình hoặc qua cuộc sống chứng tá trong những sinh hoạt và nếp sống hằng ngày.

 

8. Khiêm nhường và dũng cảm như thánh mác-cô-- giaophanvinhlong.net

Chúa Giêsu khi muốn chọn ai, Ngài đã cầu nguyện lâu giờ vì việc tuyển chọn con người là một công việc hết sức quan trọng. Chúa chọn ai là do quyết địnnh hoàn toàn tự do của Ngài. Ơn gọi của một con người nói lên tình thương và sự nhưng không của Chúa Giêsu. Vì yêu con người, Chúa đến trần gian và cũng vì yêu con người, Ngài tuyển chọn, cất nhắc con người với tất cả sự tự do của Ngài. Thánh Máccô là người Do Thái, thuộc dòng họ Lêvi. Sau khi Chúa lên trời, thámh nhân theo thánh Phêrô, vị tông đồ trưởng sang La mã.

Thánh nhân được thánh Phêrô trìu mến và yêu thương, nâng đỡ cách đặc biệt. Thánh Máccô hăng say giảng đạo và nhờ lòng nhiệt thành, hăng say loan báo Tin Mừng cho Chúa Giêsu, nhiều người đã quay trở về với Chúa và Giáo Hội. Số người trở lại càng ngày càng đông, nhưng không có một tài liệu nào để giúp giáo dân học hỏi và tham khảo. Nhiều người ao ước có một bản viết về cuộc đời của Chúa Cứu Thế.

Dựa vào bút pháp của Máccô, chúng ta cố gắng tìm hiểu tính khí của ngài. Tính chất sống động của Phúc âm thứ II biểu lộ rõ chứng tích mục kiến của Phêrô, chứ không phải của Marcô, dầu có thể là Marcô đã chứng kiến việc bắt bớ Chúa Giêsu vì các nhà chú giải đồng hóa ngài với người thanh niên vô danh bỏ chạy mình trần (Mc 14,50-52). Dầu vậy, thánh Máccô không phải là một máy ghi âm diễn lại lời của Phêrô, ngài là tác giả ghi lại ký ức của Phêrô với bút pháp riêng. Ngài là người ít lời (673 câu so với 1068 câu nơi Matthêu) và có giọng văn không chải chuốt.

Với những yêu cầu và khao khát của nhiều người. Thánh Máccô đã viết lại cuộc đời của Chúa Giêsu một cách mạch lạc và rõ ràng theo chương mục dựa theo lời giảng dạy của thánh Phêrô. Thánh Phêrô đã cho phép phổ biến và dùng trong giáo đoàn. Thánh Mác-cô sau đó đã được thánh Phêrô, vị Giáo Hoàng tiên khởi sai đi truyền giáo ở Ai Cập. Với lòng nhiệt thành, đạo đức, tài hùng biện và lợi khẩu, thánh nhân đã đưa rất nhiều linh hồn về với Chúa. Thánh Máccô là vị sáng lập và là Giám Mục đầu tiên của giáo đoàn Alexandria.

Được Chúa mời gọi, thánh Máccô đã đáp trả lại lời gọi mời yêu thương của Chúa. Với lòng đạo đức, trí thông minh, sự khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, thánh Mác-cô đã đem muôn vàn người trở về với Chúa. Vì ghen tức, ích kỷ, những lương dân đã quyết tâm hãm hại Người. Họ đã bắt thánh nhân với mục đích lăng mạ, bêu xấu Ngài và lôi kéo Ngài trên đường đá ghồ ghề, lởm chởm cho tới khi Ngài trút hơi thở cuối cùng vào ngày 25 tháng 4 năm 67.

Với những công đức to lớn, với cuốn Tin Mừng thánh Máccô để lại, danh của thánh nhân mãi mãi ngời sáng trong Giáo Hội và triều thiên vinh hiển Thiên Chúa trao cho Ngài muôn đời sẽ rực sáng trên nước trời. Mãi mãi nhân loại và đặc biệt Giáo Hội sẽ tôn vinh thánh nhân vì lòng nhiệt thành, sự thánh thiện và gương sáng thánh nhân để lại cho dân Chúa.

Hãy đi khắp thế gian và rao giảng Tin Mừng cho mọi thụ tạo.

Hôm nay, chúng ta đọc những lời này trong Ca Nhập Lễ.  Đây là sứ vụ tông đồ Chúa đã ban và thánh Máccô đã ghi lại.  Về sau, được ơn Chúa Thánh Thần thúc đẩy, thánh nhân đã minh chứng lệnh truyền ấy đã được thực hiện khi ngài chép Tin Mừng: Các tông đồ ra đi và rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố tin mừng bằng những phép lạ kèm theo.  Đó là những lời thánh Máccô kết thúc Tin Mừng của ngài.

Thánh Máccô đã trung thành với sứ vụ tông đồ mà ngài đã nghe qua lời giảng của thánh Phêrô : Hãy đi khắp thế gian.  Chính thánh Máccô và Tin Mừng của Ngài đã là một thứ men hiệu quả cho thời đại ngài. Chúng ta cũng phải trở nên một thứ men tốt cho thời đại chúng ta.  Nếu sau lần nhát đảm, thánh nhân đã không khiêm nhượng và dũng cảm làm lại, có lẽ giờ đây chúng ta không có những kho tàng lời giảng và việc làm của Chúa Giêsu để thường xuyên suy gẫm, và nhiều người, nếu không nhờ ngài, chắc cũng chẳng bao giờ biết được Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ của nhân loại.

Sứ mạng của thánh Máccô - cũng như của các Tông Đồ, của các nhà truyền giáo, của các tín hữu tốt lành luôn ra sức sống đúng với ơn gọi của mình - chắc chắn không phải là một sứ mạng dễ dàng.  Chúng ta biết ngài đã chịu tử đạo. Ắt hẳn thánh nhân đã trải qua kinh nghiệm chịu bách hại, mệt mỏi, và hiểm nguy trong việc theo bước Chúa.

Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa, cũng như các tín hữu thời các Tông Đồ, vì sức mạnh và niềm vui Chúa Kitô đã được truyền lại đến ngày nay cho chúng ta.  Mọi thế hệ Kitô hữu, mọi cá nhân đều được mời gọi lãnh nhận sứ điệp Phúc Âm và truyền thụ lại cho người khác.  Ơn Chúa không bao giờ thiếu: Cánh tay Chúa không bị thu ngắn. Người tín hữu biết Chúa đã thực hiện các phép lạ từ nhiều thế kỷ trước kia, và hiện nay Người vẫn đang thực hiện. Với ơn Chúa giúp, mỗi người chúng ta cũng sẽ thực hiện những phép lạ nơi tâm hồn thân nhân, bạn bè, và những người quen biết, nếu chúng ta sống trong mối kết hợp với Chúa Kitô qua lời cầu nguyện.

Giáo Hội hôm nay nêu lên mẫu gương thánh Máccô. Thật là một hy vọng và ủi an khi chiêm ngưỡng đời sống vị sử gia thánh thiện này. Mặc dù có những yếu đuối, nhưng chúng ta vẫn có thể như ngài, tin tưởng vào ơn Chúa và sự phù trợ của Mẹ Giáo Hội. Những thất bại và những hành vi nhát đảm của chúng ta, dù lớn hoặc nhỏ, phải làm chúng ta khiêm tốn hơn, liên kết chúng ta mật thiết hơn với Chúa Giêsu, và kín múc từ nơi Chúa nguồn sức mạnh mà chúng ta đang thiếu thốn.

Tin Mừng là của Thánh Máccô, một Tin Mừng có một có một sức mạnh rất cụ thể sống động chống lại sức mạnh của quỉ dữ muốn làm hại Chúa Giêsu. Ngày nay người ta khá coi thường một thứ Tin Mừng có nhiều phép lạ, nó lôi kéo chú ý về những kỳ lạ hơn về sứ điệp thứ tha và giải tháot của Tin Mừng; may thay bản văn vẫn ưu tiên dành cho lời Chúa. Hãy suy nghĩ đến sức mạnh tâm hồn của các vị truyền giáo, đến những ân huệ các Ngài đã mang đến cho một thế giới trong lầm than được nghe loan báo về Đấng Cứu Thế đã toàn thắng, đã đoạt được vinh quang của ngai tòa Thiên Chúa. Như Máccô, khiêm tốn nhưng hăng say, chính Ngài đã tiếp tục theo chân những người nghèo khó nói những lời định mệnh cho đến tận thế để nối đất của chúng ta với trời.

Và ta thấy Thánh Máccô thực hiện mệnh lệnh ra đi loan báo Tin Mừng của Chúa bằng cách đi truyền giáo với Thánh Phaolô. Ngài đi truyền giáo với Banaba. Ngài đi theo và làm phụ  tá cho Thánh Phêrô. Ngài làm giám mục phục vụ cộng đoàn Alexadre. Cuối cùng, Ngài đã viết và lưu truyền cho hậu thế cuốn Tin Mừng mang tên Ngài, Tin mừng theo Thánh Máccô.

Mỗi người chúng ta mừng lễ Thánh Máccô hôm nay, hãy noi gương bắt chước Ngài, bằng cách đóng góp phần mình cho việc loan báo Tin mừng. Bởi vì, loan báo Tin mừng là lệnh truyền của Chúa, là bổn phận của Giáo hội và của mỗi người kitô hữu chúng ta.

 

9. Thánh Sử Marcô-- L. P

Người ta không chắc chắn Mác-cô là tác giả sách Tin Mừng thứ hai, nhưng người ta rất đồng ý về đời sống của Ngài là một phần tử thực hiện lệnh truyền đi rao giảng Tin Mừng của Đức Giê-su Ki-tô cho mọi dân tộc không phân biệt ranh giới không gian và thời gian. Sách Công Vụ Tông Đồ (13, 13, 15, 38) đã cho chúng ta thấy Mác-cô còn trẻ người non dạ, vì Thánh Phaolô đã thất vọng từ chối không nhận  Mác-cô trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ hai của Ngài. Tuy nhiên khi trở về Giê-ru-sa-lem quê nhà cha mẹ, Mác-cô đã có nhiều điểm tốt phụng vụ cộng đồng Ki-tô hữu tiên khởi. (Cv. 12, 12). Rồi Ngài đi với cậu mình là Bêrnabê đi truyền giáo ở đảo Síp. (Chypre), sau đó đến Rôma nhập đoàn với Thánh Phaolô đang bị tù, và Ngài đã giúp Thánh Phêrô như là một thông dịch viên, có lẽ nhờ công việc này, đã xuất bản cuốn Tin Mừng Mác-cô, rất tượng hình, rất gần kinh nghiệm của Phêrô sống với Đức Giê-su; người ta còn nói Ngài còn là Giám Mục tiên khởi Hội Thánh ở Alexandria, và sau cùng ở Venise, nên Tin Mừng của Ngài có biểu tượng nổi tiếng là con sư tử.

Chúng ta hãy trở lại Tin Mừng của Ngài. Người ta tin tác phẩm Tin Mừng là của Ngài đã để lại một tâm sự trong đoạn 14, 51-52  kể lại: “Trong khi đó có một cậu thanh niên đi theo Người, mình khoác vỏn vẹn chỉ một tấm vải gai. Họ túm lấy anh. Anh liền trút tấm vải lại, bỏ chạy trần truồng”. Đây cũng là dấu chỉ sự sống lại trong những người được sai đi rao giảng Tin Mừng và cũng đủ trả lời khá rõ ràng về tác giả Tin Mừng là của Thánh Mác-cô, một Tin Mừng có một có một sức mạnh rất cụ thể sống động chống lại sức mạnh của quỉ dữ muốn làm hại Đức Giê-su. Ngày nay người ta khá coi thường một thứ Tin Mừng có nhiều phép lạ, nó lôi kéo chú ý về những kỳ lạ hơn về sứ điệp thứ tha và giải tháot của Tin Mừng; may thay bản văn vẫn ưu tiên dành cho lời Chúa. Hãy suy nghĩ đến sức mạnh tâm hồn của các vị truyền giáo, đến những ân huệ các Ngài đã mang đến cho một thế giới trong lầm than được nghe loan báo về Đấng Cứu Thế đã toàn thắng, đã đoạt được vinh quang của ngai tòa Thiên Chúa. Như Mác-cô, khiêm tốn nhưng hăng say, chính Ngài đã tiếp tục theo chân những người nghèo khó nói những lời định mệnh cho đến tận thế để nối đất của chúng ta với trời.

 

10. Thánh Marcô thánh sử--Hạnh Tích Các Thánh

Marcô là ai? Chắc chắn Ngài không phải là một trong 12 tông đồ. Nhưng một người tên Marcô đã được các cộng đoàn Kitô giáo sơ khai biết đến, nhiều như là người bạn đồng hành của thánh Phaolô và như người bạn thân ái của thánh Phêrô ở Roma (Cl 4, 10; 1Pr 5, 13; 2Tim 4, 11). Sách Công vụ ba lần nói tới một "Gioan cũng gọi là Marcô" (Cv 12, 12; 25, 15. 17) là bạn thiết của thánh Barnaba.

Các học giả thường đồng ý rằng: Marcô đã được nói tới trong các thánh thư, Gioan tên Marcô trong sách công vụ và tác giả Phúc âm thứ II đều chỉ là một người. Đồng ý với sự đồng hóa trên, chúng ta có thể phác họa hình ảnh của thánh sử như sau:

- Ngài là con của Maria. Một góa phụ giàu có ở Giêrusalem có một người giúp việc và căn nhà rộng rãi làm nơi tụ họp các tín hữu.

Năm 43, sau khi thoát khỏi ngục tù, thánh Phêrô đã chọn nhà này làm nơi trú ngụ (Cv 12, 12-17). Như thế, Marcô sớm quen thuộc với những ghi nhận của thánh Phêrô. Hai năm sau, tức là năm 45, chúng ta thấy Marcô và thánh Barnaba cùng đi trong cuộc hành trình thứ nhất của Phaolô. Nhưng khi đoàn truyền giáo đi về hướng bắc, Marcô đã từ giã để trở về Giêrusalem (Cv 13, 13). Phaolô bất bình và không muốn nhận cho Marcô đi theo trong cuộc hành trình thứ hai. Năm 50, như Barnaba đề nghị, Barnaba về phe với Marcô, và đáp tàu về Cyprus là quê hương của Barnaba (Cv 15, 36-39).

Chúng ta không thấy nói gì đến Marcô nữa cho tới năm 61 khi Ngài ở Roma với Phaolô (Cl. 4, 10), ba năm sau tức là năm 64 thánh nhân vẫn có mặt ở Roma vì Phêrô có nhắc tới tên Người trong các lời chào của mình (1Pr 5, 13). Đây là năm thánh Phêrô chịu tử đạo. Ít lâu sau đó có lẽ thánh Marcô đã bắt đầu viết sách Phúc âm ở Roma, dầu một số tác giả mới đây cho rằng ở Alexandri. Năm 67, thánh sử ở Ephesô vì một ít tháng trước khi qua đời, thánh Phaolô dặn dò Timothêô đưa theo Marcô đến Roma (2Tm 4, 14). Mối bất hòa xưa đã được hàn gắn hoàn toàn.

Từ đây, chúng ta phải dựa vào truyền thống để tìm hiểu về Marcô. Có lẽ sau khi thánh Phêrô qua đời, Marcô đi rao giảng ở Alaexandria thành lập và làm giám mục giáo đoàn này. Sự kiện không được chắc vì các bậc tiến sĩ của Alexandria như Clêmente (200), và Origênê (203) không nhắc nhở gì đến.

Cuốn Chronicon-Pascale không mấy có thế giá cho rằng: Marcô đã làm giám mục ở Alexandrie và bị thiêu sống dưới thời Trajanô (năm 98 - 117).

Dựa vào bút pháp của Marcô, chúng ta cố gắng tìm hiểu tính khí của Ngài. Tính chất sống động của Phúc âm thứ II biểu lộ rõ chứng tích mục kiến của Phêrô, chứ không phải của Marcô, dầu có thể là Marcô đã chứng kiến việc bắt bớ Chúa Giêsu vì các nhà chú giải đồng hóa Ngài với người thanh niên vô danh bỏ chạy mình trần (Mc 14, 50-52). Dầu vậy, thánh Marcô không phải là một máy ghi âm diễn lại lời của Phêrô, Ngài là tác giả ghi lại ký ức của Phêrô với bút pháp riêng. Ngài là người ít lời (673 câu so với 1068 câu nơi Matthêu) và có giọng văn không chải chuốt.

Người ta có thể cho rằng: Ngài không có đau khả năng viết văn cho duyên dáng. Nhưng với những khiếm khuyết này, Marcô lại tỏ ra rất chân thành, Ngài đã ương ngạnh từ chối việc bỏ bớt những sự kiện vụng về hay là giải thích chúng. Chẳng hạn không thánh sử nào giấu giếm sự chậm hiểu của các thánh tông đồ, nhưng ở Marcô nhấn mạnh: "Lòng họ ra như chai lại" ( Mc 6, 51). Marcô cũng không che dấu tham vọng không thể tin nổi của họ (Mc 9, 34). Chính Phêrô cũng rất thẳng thắn: "Ông không biết phải đáp ứng làm sao" (Mc 9, 6). Có lẽ chứng cớ hùng hồn nhất nói lên sự lương thiện của Marcô là Ngài đã liều tỏ ra mâu thuẫn với chính mình.

Chẳng hạn đối với Ngài Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa với ý nghĩa đầy đủ nhất của từ ngữ "vượt các thiên thần" (3, 32) "có quyền tha tội" (2, 10). Nhưng rồi Ngài không ngần ngại viết rằng: "Ở Nazareth Người đã không làm được phép lạ nào" (6, 5) Ngài cũng không dấu diếm sự kiện bà con Chúa Giêsu nghi ngờ Người thiếu khôn ngoan (3, 21) hay sự kiện Chúa Giêsu thất vọng với cây vả không trái (11, 13). Những chi tiết loại này khiến cho tựa đề của Marcô được nguyên vẹn (Phúc âm Chúa Giêsu Kitô Con Thiên Chúa) nhưng lại mang dáng vẻ khó hiểu vì Ngài đã không thèm dấu giếm gì hết. Với một sử gia tài danh như vậy, chúng ta rất an tâm.

Tại đền thờ thánh Marcô người ta nói có chôn dưới bàn thờ thánh nhân do các thương gia mang từ Alexandria về vào thế kỷ IX. Thánh sử được biểu trưng bằng hình con sư tử vì Phúc âm của Ngài mở dầu bằng tiếng nói oai hùng của Gioan tẩy giả từ trong sa mạc. Đọc Phúc âm theo thánh Marcô, chúng ta như có thể nghe tiếng nói thô sơ của thánh sử "Đừng nhìn tôi, hãy nhìn Người".

 

11. Thánh Marcô thánh sử--dongcong. net

Thánh Marcô, mặc dù mang tên Roma, nhưng lại là người Do Thái, và còn được gọi theo tên Do Thái là Gioan. Tuy không thuộc nhóm Mười Hai Tông Đồ, nhưng rất có thể ngài đã quen biết Chúa Giêsu. Nhiều văn gia Giáo Hội phát hiện ra chữ ký kín ẩn của thánh Marcô trong Phúc Âm của ngài, trong trình thuật người thanh niên bỏ chạy với một mảnh vải trên người, khi Chúa Giêsu bị bắt trong vườn Cây Dầu: ý nghĩa ở đây là chỉ có mình thánh Marcô đề cập đến chi tiết ấy. Điều này còn trùng hợp với một chi tiết khác: Marcô là con trai bà Maria, một góa phụ giàu có, sở hữu ngôi nhà, nơi các tín hữu Jerusalem tiên khởi thường tụ họp. Theo một truyền thống cổ xưa, ngôi nhà này chính là ngôi nhà có phòng Tiệc Ly, nơi Chúa Giêsu đã ăn bữa Tiệc Ly và thiết lập bí tích Thánh Thể.  Marcô có bà con với thánh Barnabas; ngài đã đồng hành với thánh Phaolô trong cuộc truyền giáo lần thứ nhất, và ở bên cạnh vị Tông Đồ dân ngoại trong những ngày cuối đời của ngài. Tại Roma, Marcô còn làm môn đệ của thánh Phêrô. Trong Phúc Âm của ngài, với ơn linh hứng Chúa Thánh Thần, thánh Marcô đã trung thành trình bày giáo huấn của vị Tông Đồ trưởng. Theo một truyền thống cổ xưa được thánh Jerome kể lại, sau khi hai thánh Phêrô và Phaolô chịu tử đạo, thánh Marcô đã sang Alexandria, giảng đạo, thành lập giáo đoàn và trở thành giám mục tiên khởi ở đó. Vào năm 825, thánh tích của ngài được dời từ Alexandria về Venice, thành phố hiện nay nhận ngài làm quan thầy.

1. Marcô, người phụ tá của thánh Phêrô.

Ngay từ khi còn rất trẻ, Marcô đã thuộc vào nhóm các tín hữu tiên khởi ở Jerusalem, những người quen biết và được sống bên cạnh Đức Mẹ và các Tông Đồ. Mẹ của ngài là một trong những phụ nữ đã lấy tài sản chu cấp cho Chúa Giêsu và mười hai Tông Đồ. Marcô cũng có bà con với thánh Barnabas, một trong những nhân vật chính yếu trong thời kỳ đầu, và là người đầu tiên dìu dắt ngài trong công cuộc rao giảng Phúc Âm. Marcô đồng hành với thánh Phaolô và thánh Barnabas trong hành trình truyền giáo lần thứ nhất, 1 nhưng khi đến đảo Cyprus, Marcô cảm thấy không thể tiếp tục được nữa nên đã từ giã và trở về Jerusalem. 2 Thánh Phaolô dường như rất thất vọng về tính thay đổi của Marcô. Về sau, khi trù định cho hành trình truyền giáo lần thứ hai, thánh Barnabas muốn đem theo Marcô, nhưng thánh Phaolô nhất định không chịu vì nhớ lại sự việc trước đó. Cuộc tranh luận giữa thánh Phaolô và thánh Barnabas căng thẳng đến nỗi sau cùng hai vị đã chia tay, mỗi người tiến hành chương trình của riêng mình.

Khoảng mười năm sau, chúng ta lại thấy Marcô tại Roma, lần này ngài giúp đỡ thánh Phêrô. Lời thánh Phêrô đã viết trong thư: con tôi là Marcô, 3 minh chứng mối liên hệ lâu bền và gần gũi giữa hai vị. Thời gian ấy, Marcô là thông dịch viên cho vị Tông Đồ trưởng, việc này đem lại một lợi điểm mà chúng ta nhận ra trong Phúc Âm được ngài viết sau đó ít năm. Mặc dù không ghi lại một bài giáo huấn dài nào của Chúa, nhưng bù lại, thánh Marcô đã mô tả rất sinh động về những biến cố trong cuộc sống của Chúa Giêsu với các Tông Đồ. Trong các trình thuật của ngài, chúng ta thấy hiện lên những thị trấn nhỏ ven bờ biển Galilê; chúng ta cảm nhận được những lời bàn tán của đám đông đi theo Chúa Giêsu, chúng ta như thể tiếp xúc với những cư dân của các địa phương ấy, nhìn thấy những việc kỳ diệu của Chúa Giêsu, và những phản ứng tự phát của nhóm Mười Hai. Tóm lại, chúng ta thấy mình như giữa đám đông dân chúng, được chứng kiến các biến cố Phúc Âm. Qua những mô tả sinh động, thánh Marcô đã in đậm vào linh hồn chúng ta một hấp lực dịu dàng nhưng không sao cưỡng lại của Chúa Giêsu mà dân chúng và các Tông Đồ đã cảm nghiệm được trong cuộc sống với Thầy Chí Thánh. Thánh Marcô đã trung thành ghi lại những hồi tưởng thân mật của thánh Phêrô với Thầy Chí Thánh: những ký ức ấy không phai nhòa theo năm tháng, nhưng càng ngày càng sâu đậm và sinh động hơn, càng thấm thía và hứng thú hơn. Có thể nói Phúc Âm thánh Marcô là tấm gương sinh động về giáo huấn của thánh Phêrô. 4

Thánh Jerome cho chúng ta biết, theo thỉnh nguyện của các tín hữu Roma, Marcô, môn đệ và thông ngôn của thánh Phêrô, đã viết Phúc Âm theo những gì ngài đã được nghe thánh Phêrô giảng dạy. Và chính thánh Phêrô, sau khi đã duyệt bản Phúc Âm ấy, đã dùng quyền bính chấp thuận cho sử dụng trong Giáo Hội. 5 Đây thực sự là sứ mệnh chính trong cuộc đời thánh Marcô: trung thành ghi lại những lời giảng của thánh Phêrô. Ngài đã để lại cho hậu thế biết bao ích lợi! Ngày nay, chúng ta thực sự phải mang ơn thánh Marcô vì nhiệt tâm ngài đã đặt vào công việc và lòng trung thành với ơn linh hứng của Chúa Thánh Thần! Ngày lễ kính thánh Marcô là dịp để chúng ta xét lại việc hằng ngày chúng ta đọc Phúc Âm, lời Chúa nói trực tiếp với chúng ta, như thế nào. Chúng ta có thể tự hỏi đã bao lần chúng ta đã sống như người con hoang đàng, hoặc áp dụng cho mình lời cầu khẩn của anh mù Bartimaeus: Lạy Chúa, xin cho con được nhìn thấy – Domine, ut videam! Hoặc lời thỉnh nguyện của người cùi: Lạy Thầy, nếu Thầy muốn, xin cho tôi được sạch – Domine, si vis, potes me mundare! Bao lần chúng ta cảm thấy tận đáy lòng rằng Chúa Kitô đang nhìn và mời gọi chúng ta hãy sát bước theo Người, kêu gọi chúng ta hãy vượt thắng một thói xấu nào đó làm chúng ta xa cách Người, hoặc như các môn đệ trung thành, hãy sống nhân ái hơn nữa với những người khó hòa hợp với chúng ta?

2. Là khí cụ của Chúa, chúng ta phải luôn sẵn sàng thực hiện một cuộc khởi đầu mới.

Thánh Marcô đã giúp đỡ thánh Phêrô nhiều năm tại Roma, ở đó, chúng ta còn thấy ngài phụ giúp thánh Phaolô nữa. 6 Quả thế, con người mà thánh Phaolô thấy không thể sử dụng trong hành trình truyền giáo lần thứ hai thì nay lại là một niềm an ủi7 và một người bạn trung thành. Vào khoảng năm 66, thánh Tông Đồ đã viết cho Timothy: Con hãy đem Marcô đi với con, vì anh ấy rất hữu ích cho công việc phục vụ của cha. 8 Sự kiện đảo Cyprus một thời hết sức ảm đạm, thì nay dường như đã bị quên lãng hoàn toàn. Giờ đây, thánh Phaolô và thánh Marcô là bạn hữu và đồng sự của nhau trong công cuộc quan trọng là mở rộng vương quốc Chúa Kitô. Thực sự đây là một tấm gương lớn lao và cũng là một bài học tuyệt vời cho chúng ta học biết: đừng bao giờ kết luận dứt khoát về một ai, khi nào cần thiết một ai, chúng ta hãy biết cách nối lại mối dây thân hữu mà đã có lúc xem như đã tan rã hoàn toàn!

Giáo Hội hôm nay nêu lên mẫu gương thánh Marcô. Thật là một hy vọng và ủi an khi chiêm ngưỡng đời sống vị sử gia thánh thiện này. Mặc dù có những yếu đuối, nhưng chúng ta vẫn có thể như ngài, tin tưởng vào ơn Chúa và sự phù trợ của Mẹ Giáo Hội. Những thất bại và những hành vi nhát đảm của chúng ta, dù lớn hoặc nhỏ, phải làm chúng ta khiêm tốn hơn, liên kết chúng ta mật thiết hơn với Chúa Giêsu, và kín múc từ nơi Chúa nguồn sức mạnh mà chúng ta đang thiếu thốn.

Chúng ta đừng để những bất toàn nên cớ làm chúng ta xa cách Chúa hoặc từ bỏ sứ mạng tông đồ, mặc dù đôi khi chúng ta đã không đáp ứng đúng mức với ơn Chúa, hoặc chúng ta đã ngần ngại khi được nhờ cậy. Những hoàn cảnh như thế, nếu có khi nào xảy ra, chúng ta không nên ngạc nhiên, bởi vì như lời thánh Phanxicô Salê đã nói, Không có gì phải ngạc nhiên vì bệnh tật là bệnh tật, yếu đuối là yếu đuối, và gian ác là giac ác. Tuy nhiên, hãy hết sức gớm ghét điều bạn đã xúc phạm đến Chúa, và với lòng tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa, hãy quảng đại quay lại con đường mà bạn đã từ bỏ. 9

Những thất bại và những hành vi nhát đảm rất quan trọng. Chúng khiến chúng ta trở về bên Chúa để nài xin ơn tha thứ và trợ giúp của Người. Nhưng Chúa vẫn tin tưởng chúng ta, và chúng ta vẫn cậy trông ơn Chúa, nên chúng ta hãy lập tức làm lại và quyết tâm trung thành hơn trong tương lai. Với ơn phù trợ của Đức Mẹ, chúng ta sẽ biết cách rút ra điều hữu ích từ những yếu đuối, nhất là khi kẻ thù, những kẻ không bao giờ nghỉ ngơi, ra sức làm chúng ta thất đảm và từ bỏ cuộc chiến. Chúa Giêsu muốn chúng ta thuộc về Người mặc dù chúng ta đã có một lịch sử yếu đuối với những sai phạm.

3. Sứ vụ tông đồ.

Hãy đi khắp thế gian và rao giảng Tin Mừng cho mọi thụ tạo. 10 Hôm nay, chúng ta đọc những lời này trong Ca Nhập Lễ. Đây là sứ vụ tông đồ Chúa đã ban và thánh Marcô đã ghi lại. Về sau, được ơn Chúa Thánh Thần thúc đẩy, thánh nhân đã minh chứng lệnh truyền ấy đã được thực hiện khi ngài chép Phúc Âm: Các tông đồ ra đi và rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố tin mừng bằng những phép lạ kèm theo. 11 Đó là những lời thánh Marcô kết thúc Phúc Âm của ngài.

Thánh Marcô đã trung thành với sứ vụ tông đồ mà ngài đã nghe qua lời giảng của thánh Phêrô: Hãy đi khắp thế gian. Chính thánh Marcô và Phúc Âm của ngài đã là một thứ men hiệu quả cho thời đại ngài. Chúng ta cũng phải trở nên một thứ men tốt cho thời đại chúng ta. Nếu sau lần nhát đảm, thánh nhân đã không khiêm nhượng và dũng cảm làm lại, có lẽ giờ đây chúng ta không có những kho tàng lời giảng và việc làm của Chúa Giêsu để thường xuyên suy gẫm, và nhiều người, nếu không nhờ ngài, chắc cũng chẳng bao giờ biết được Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ của nhân loại.

Sứ mạng của thánh Marcô - cũng như của các Tông Đồ, của các nhà truyền giáo, của các tín hữu tốt lành luôn ra sức sống đúng với ơn gọi của mình - chắc chắn không phải là một sứ mạng dễ dàng. Chúng ta biết ngài đã chịu tử đạo. Ắt hẳn thánh nhân đã trải qua kinh nghiệm chịu bách hại, mệt mỏi, và hiểm nguy trong việc theo bước Chúa.

Chúng ta hãy cám tạ Thiên Chúa, cũng như các tín hữu thời các Tông Đồ, vì sức mạnh và niềm vui Chúa Kitô đã được truyền lại đến ngày nay cho chúng ta. Mọi thế hệ Kitô hữu, mọi cá nhân đều được mời gọi lãnh nhận sứ điệp Phúc Âm và truyền thụ lại cho người khác. Ơn Chúa không bao giờ thiếu: Non est abbreviata manus Domini – Cánh tay Chúa không bị thu ngắn. 12 Người tín hữu biết Chúa đã thực hiện các phép lạ từ nhiều thế kỷ trước kia, và hiện nay Người vẫn đang thực hiện. 13 Với ơn Chúa giúp, mỗi người chúng ta cũng sẽ thực hiện những phép lạ nơi tâm hồn thân nhân, bạn bè, và những người quen biết, nếu chúng ta sống trong mối kết hợp với Chúa Kitô qua lời cầu nguyện.

 

12. Hãy mau loan báo tin mừng--tonggiaophanhanoi. org

“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. ” (Mc 16, 15)

Suy niệm: Giáo Hội Hàn Quốc đang thực hiện chương trình Loan Báo Tin Mừng Hai Mươi Hai Mươi, nghĩa là mọi người Công Giáo phải nỗ lực truyền giáo để đến năm 2020, số tín hữu Công Giáo chiếm tỉ lệ 20% tổng số dân Nam Hàn, đạt 10 triệu người Công Giáo, gấp đôi số tín hữu hiện nay. Đang khi ấy ở Việt Nam, các số liệu cho thấy năm 1960, tỉ lệ người Công Giáo chiếm 7, 17% dân số và cuối năm 2010 tỉ lệ này là 7, 18%! Thật đáng tiếc và cũng đáng trách, việc loan báo Tin Mừng của chúng ta không được quan tâm đúng mức, nên chưa làm tăng được 1% tỉ lệ dân số trong 50 năm qua! Vì thế, hôm nay mệnh lệnh loan báo Tin Mừng của Đức Gisu cần phải được mọi người Công Giáo Việt Nam khẩn cấp thực hành.

Mời Bạn: “Truyền giáo chính là kể câu chuyện về Đức Giêsu như các Tông Đồ xưa” (Sứ điệp Đại Hội Truyền Giáo Á Châu năm 2006). Đó là một Giêsu chính bạn đã cảm nghiệm trong cuộc sống bản thân, một Giêsu Phục Sinh đang đồng hành với con người. Bạn kể về Ngài bằng ngôn ngữ của tình yêu, một tình yêu được diễn đạt bằng mọi lãnh vực của cuộc sống: tinh thần lẫn vật chất. Cuối cùng, câu chuyện về Đức Giêsu ấy được kể trong Nhiệm Thể Ngài là Giáo Hội, khi bạn cộng tác, phối hợp và liên kết với các hội đoàn, nhóm… trong giáo xứ, giáo phận của mình.

Sống Lời Chúa: Tôi suy nghĩ xem sẽ kể câu chuyện về Đức Giêsu bằng phương cách nào (x. Mời Bạn) và quyết tâm thực hiện mỗi ngày.

Cầu nguyện: Sốt sắng hát bài “Lạy Chúa, xưa Chúa đã phán: Lúa chín đầy đồng, mà thiếu thợ gặt…”

 

13. Thánh Mac-cô, tác giả sách Tin Mừng-- tonggiaophanhanoi. org

1. Ghi nhận lịch sử - Phụng Vụ

Tín hữu thuộc các Giáo hội cổ Ai Cập, Syrie và Byzantin đều mừng kính thánh Marcô vào ngày 25 tháng 4. Ở Tây Phương, kể từ thế kỷ IX, người ta cũng mừng lễ thánh nhân vào ngày này.

Marcô (tiếng Hy-lạp: Marcos, và la ngữ: Marcus = búa) được gọi là “môn đệ và phát ngôn viên của Phêrô” đồng thời là tác giả sách Tin Mừng thứ hai, theo như lời lưu truyền rất xưa, từ thời Trưởng lão Gioan (cuối thế kỷ I) được Papias (khoảng 150), giám mục thành Hierapolis (Phrygie) thuật lại. Người xưa thường đồng hóa tác giả sách Tin Mừng Marcô với Gioan Marcô, mà sách Công vụ Tông Đồ và các thư của thánh Phaolô thường nhắc đến. Họ nói người xuất thân từ Giêrusalem (Cv 12, 12), là bạn đồng hành với Phaolô và Banabé (Cv12, 25; 13, 5, 13 . . . ) sau đó với Phêrô tại “Babylon” (1 Pr 5, 13) ngụ ý là Rôma.

Một truyền tụng khác từ thế kỷ III cho rằng thánh Marcô thiết lập giáo đoàn Alexandrie (Ai Cập), nơi đây ngài đã tử vì đạo. Thi hài của ngài ban đầu được tôn kính gần Alexandrie, rồi được các lái buôn thành Venise chuyển về thành phố của họ vào thế kỷ IX. Các thánh tích của ngài hiện được lưu giữ và tôn kính tại đại thánh đường dâng kính ngài (thánh đường thánh Marcô).

Biểu hiện hình ảnh của thánh Marcô là con sư tử, con vật của vùng sa mạc thảo nguyên. Quả thật sách Tin Mừng của Marcô khởi đầu bằng việc trình bày Gioan Tẩy giả như là tiếng hô trong sa mạc (1, 3).

2. Thông điệp và tính thời sự

Phụng Vụ tôn vinh Marcô trước tiên do chính công soạn sách Tin Mừng của ngài. Ngài là người đầu tiên soạn thảo “sách Tin Mừng”, có lẽ tại Rôma, giữa các năm 40 và 75. Là phát ngôn viên của Tông Đồ Phêrô, ngài thuật lại bằng tiếng Hy Lạp - qua một câu chuyện sống động và cụ thể cuộc đời Đức Giêsu từ lúc chịu thanh tẩy cho đến khi sống lại. Đối với ngài, cuộc Khổ Nạn mang một tầm quan trọng đặc biệt.

a. Lời xướng đáp và lời nguyện đầu lễ nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo, cũng như Đức Giêsu công bố điều này trong chương cuối sách Tin Mừng của Marcô mà chúng ta đọc một trích đoạn trong Thánh lễ: Đức Giêsu nói với mười một Tông Đồ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” . . . còn họ (nhóm mười một) thì ra đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi (16, 15 . . . 20).

b. Lời tung hô Tin Mừng nhắc lại (1 Cr 1, 23 –24): Chúng tôi rao giảng Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

Quả vậy trong sách Tin Mừng Marcô, mọi sự đều tập trung vào Giêsu, Đấng Kitô. Là Người thật và rất nhân ái, là Con Người (2, 10. . . ) nên Người chạnh lòng thương đám đông (8, 2); Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng (10, 16); Người cảm thấy hãi hùng và xao xuyến (14, 33). Nhưng Người cũng dần dần tự tỏ mình ra như Đấng Thánh của Thiên Chúa (9, 24) hay Con Thiên Chúa (3, 11. . . ) biểu lộ quyền năng Thiên Chúa của mình qua nhiều dấu lạ. Marcô mô tả chừng hai mươi dấu lạ. Các dấu lạ Người làm khiến mọi người hỏi nhau rằng: thế nghĩa là gì? (1, 27) hay: vậy người này là ai? (4, 41). Chính Đức Giêsu cũng hỏi các Tông Đồ: Anh em bảo Thầy là ai? (8, 29). Phêrô trả lời: Thầy là Đức Kitô (= Đấng Mêssias), còn viên đại đội trưởng ngoại giáo, nhân chứng cuộc đóng đinh Đức Giêsu vào thập giá, đã thốt lên: Quả thật, người này là con Thiên Chúa! (15, 39).

c. Lời nguyện đầu lễ kết thúc với lời xin Thiên Chúa ban ơn cho chúng ta, nhờ lời giảng dạy của Marcô, được trung thành “bước theo Đức Kitô”.

Phần hai của sách Tin Mừng Marcô (9 –16) chỉ rõ cụ thể cách thế để theo Đức Giêsu. Cũng như con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sống lại (8, 31), cũng thế, Đức Giêsu phán: Ai muốn theo Tôi phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Nói cách khác, người môn đệ chân chính là người dám liều mất mạng sống mình vì Đức Kitô và vì Tin Mừng. Đức Giêsu còn nói: Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy (8, 35).

 

14. Sứ mệnh ngôn sứ của tông đồ Đức Giêsu--Lm Giuse Đinh Quang Thịnh

Thiên Chúa muốn làm cho vạn vật Ngài đã dựng nên đều tốt đẹp, Ngài không chỉ muốn sai Con  Một của Ngài đến trần gian thực hiện, mà Ngài còn muốn mọi người cùng cộng tác. Vì thế Đức Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha chọn cho Ngài 12 người gọi là Tông Đồ, để cùng với Ngài lo việc Nước Thiên Chúa (x Lc 6, 12-16); Cũng vì thế ông Phêrô vị Giáo hoàng tiên khởi đã mời gọi ông Marcô cộng tác, để khi ông Phêrô giảng Lời thì ông Marcô ghi lại nội dung, đó là cuốn Phúc Âm thứ hai sau Tin Mừng Matthêu.

Hôm nay lễ kính thánh Marcô, Hội Thánh muốn chúng ta phải biết cộng tác với các chủ chăn của mình sống ba điểm giáo lý dựa vào các Bài đọc trong Thánh Lễ:

- Làm Tông Đồ là cộng tác với Chúa Giêsu Phục Sinh, để làm hoàn hảo công trình Chúa sáng tạo.

- Ai có Chúa Giêsu thì sống, kẻ không có Ngài là chết.

- Chúa Giêsu Phục Sinh thông chia chiến thắng cho các Tông Đồ.

I. LÀM TÔNG ĐỒ LÀ CỘNG TÁC VỚI CHÚA GIÊSU PHỤC SINH, ĐỂ LÀM HOÀN HẢO CÔNG TRÌNH CHÚA SÁNG TẠO.

Sau khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, Ngài ra lệnh cho các môn đệ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16, 15: Tin Mừng).

“Giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” phải hiểu theo hai nghĩa:

1/ Làm cho đồng loại đúng nghĩa người là giống Thiên Chúa.

Vì khi Thiên Chúa sáng tạo Adam - Eva, Ngài phán: “Chúng Ta hãy dựng nên con người giống Chúng Ta” (St 1, 26a). Đó mới là ước định. Con người chỉ thực sự trở nên giống Thiên Chúa khi được tái sinh bởi Lời Chúa (x Gc 1, 18), và tin vào danh Chúa Giêsu (x Cv 2, 38).

Thực vậy, thánh Phaolô nói: “Trong Đức Ki-tô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô” (Ep 1, 4. 10). Và ông còn nói: “Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là Trưởng Tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người. Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1, 15-16. 19-20). Bởi vì nếu con người không được Con Thiên Chúa tái sinh, họ chỉ là một sinh vật (x 1Cr 15, 45), chẳng hơn gì loài thú (x Gv 3, 18-19).

2/ Làm cho vạn vật biết phục vụ dân Chúa để cùng ca tụng Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói: “Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái Người. Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang. Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa. Quả thế, chúng ta đã được cứu độ, nhưng vẫn còn phải trông mong. Thấy được điều mình trông mong, thì không còn phải là trông mong nữa: vì ai lại trông mong điều mình đã thấy rồi? Nhưng nếu chúng ta trông mong điều mình chưa thấy, thì đó là chúng ta bền chí đợi chờ. ” (Rm 8, 19-25).

Thánh Phaolô đã tóm tắt sứ mệnh Tông Đồ bằng câu: “Tất cả đều thuộc về anh em, mà anh em thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô lại thuộc về Thiên Chúa” (1 Cr 3, 22b-23). Như thế thì khi tôi dọn một đống phân nằm giữa đường đổ vào gốc cây, tôi phải hãnh diện vì làm cho cây nên tốt, hầu phục vụ con người đúng với mục đích Chúa đã tạo dựng vạn vật, và như thế là cách tôi “rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16, 15: Tin Mừng), vì đã làm cho “thụ tạo không lâm cảnh hư ảo, không lệ thuộc vào sự hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8, 20-21).

II. AI CÓ CHÚA GIÊSU THÌ SỐNG, KẺ KHÔNG CÓ NGÀI LÀ CHẾT (1 Ga 5, 12)

Đức Giêsu xác định: “Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. ” (Mc 16, 16:Tin Mừng).

Thực vậy, Đức Giêsu đã khẳng định với ông Nicodemo: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3, 5). Qua Bí tích này, con người được tháp vào Chúa Giêsu như cành  nho tháp vào thân nho (x Ga 15), để được nên một trong Chúa Giêsu. Vì “ngoài Đức Giêsu ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ. " (Cv 4, 12). Nhưng Chúa Giêsu chỉ muốn cứu loài người trong Hội Thánh Ngài thiếp lập.

Giáo huấn của thánh Công Đồng Vat. II trong Hiến Chế Hội Thánh số 14 dạy: “Những ai biết rằng Giáo Hội Công Giáo được Thiên Chúa thiết lập nhờ Chúa Giêsu Kitô, như phương tiện cứu rỗi cần thiết, mà vẫn không muốn gia nhập, hoặc không kiên trì sống Đức Ái trong Hội Thánh, thì cho dù có tên người Công Giáo, thì  xác người ấy ở trong Hội Thánh, nhưng linh hồn ở ngoài Hội Thánh, người ấy chẳng những không được cứu độ mà còn bị xét xử nghiêm khắc”.

Tuy nhiên “những người vô tình không biết Phúc Âm của Chúa Giêsu và Hội Thánh Ngài, nhưng nếu thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng chu toàn thánh ý Thiên Chúa trong công việc mình theo sự hướng dẫn của lương tâm, thì họ có thể được cứu độ. Cả những kẻ vô tình chưa biết Thiên Chúa cách rõ ràng, nhưng nhờ ơn Chúa, cố gắng sống đời chính trực, thì Chúa quan phòng không từ chối ban ơn trợ lực cần thiết để họ được cứu độ” (Hiến Chế Hội Thánh số 16).

III. CHÚA GIÊSU PHỤC SINH THÔNG CHIA CHIẾN THẮNG CHO CÁC TÔNG ĐỒ.

Đức Giêsu hứa cho các Tông Đồ: “Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ. " (Mc 16, 17-18: Tin Mừng). Những ơn lạ Chúa ban cho các ông như trên phải hiểu cách cụ thể:

1/ Để thúc giục lòng người tin vào Chúa Giêsu.

Đối với những người còn yếu đuối về Đức Tin, Chúa thường cho họ những ơn lạ, để họ nhận biết quyền năng Thiên Chúa. Cụ thể như ông Phaolô, có lần bị đắm tầu, nên  ông bơi vào bờ tìm nơi sưởi ấm vì quá lạnh, ông thấy những thổ dân đang đốt lửa, ông ôm bó củi tiến lại quăng vào đống lửa, đột nhiên có con rắn độc quấn lấy tay ông, những thổ dân thấy thế nắm chắc ông sẽ chết, thế nhưng ông Phaolô bình tĩnh rũ con rắn vào lửa, và ông vẫn an toàn! (x Cv 28, 3-6).

2/ Ai đã tin vào Chúa Giêsu phải có lòng nhân ái sống hòa hợp với mọi loại người.

Thực vậy, người đã được tái sinh làm con Thiên Chúa, thì phải sống hòa hợp với hết mọi loại người, kể cả những kẻ hại mình, để làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia đã nói về thời đại Thiên Chúa cứu độ: “Sói sống chung với  chiên, trẻ con thọc tay vào hang rắn lục” (Is 11, 5-9). Đan cử như Phó tế Stephanô, vì nhiệt tình với Tin Mừng, ông bị bao nhiêu kẻ ác ném đá, trong đó có Phaolô, người này ôm áo động viên ném đá Stêphanô. Nhưng Stêphanô vẫn hiền hòa cầu nguyện cho họ, kết quả “sói Saulo” trở thành Tông Đồ Phaolô xuất sắc (x Cv 7-8; 2 Cr 11, 5).

3/ Chúa Giêsu Phục Sinh thông chia chiến thắng cho các Tông Đồ.

Thánh Marco đã bố cục Tin Mừng của ông: Mở đầu Tin Mừng ông cho thấy “Đức Giêsu sống giữa dã thú mà chúng không làm hại Ngài” (x Mc 1, 13). Dã thú ở đây phải hiểu cụ thể là những kẻ  làm theo ý Satan xúi, chống đối Đức Giêsu nhằm diệt Ngài, nên suốt cuộc đời phục vụ của Đức Giêsu, những kẻ ác tâm mở hai chiến dịch tấn công Ngài:

F Chiến dịch mở đầu: Chúng tấn công năm đợt:

- Mc 2, 1-12: Ông lấy quyền nào mà tha tội?

- Mc 2, 15t: Tại sao ông làm bạn với quân thu thuế và đĩ điếm?

- Mc 2, 18t: Tại sao ông không dạy môn đệ ăn chay?

- Mc 2, 23t: Tại sao vào ngày Sabbat ông để môn đệ mở đường bằng cách dập lúa của người ta.

- Mc 3, 1-6: Ai cho phép ông chữa bệnh vào ngày thứ bảy?

Tất cả những lần Đức Giêsu bị tấn công như thế, Ngài đã phá tan mưu thâm độc của chúng, tưởng đó chúng phải nhận ra Ngài là Thiên Chúa. Nhưng sau những đợt tấn công ấy, chúng rút vào nơi vắng bàn mưu tính kế với phe cánh Hêrôđê, rồi chúng lại tung năm chưởng tiếp tục tấn công Đức Giêsu:

F Chiến dịch kết thúc đời phục vụ của Đức Giêsu.

- Mc 11, 27t: Ai cho ông quyền đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi Đền Thờ?

- Mc 12, 13t: Ông cho biết có nên nộp thuế cho hoàng đế Roma không?

- Mc 12, 18t: Ông giải thích thế nào cho hữu lý về sự sống lại?

- Mc 12, 27t: Ông cho biết Giới Răn nào quan trọng nhất?

- Mc 12, 35-37: Ông giải thích cho chúng tôi hiểu: Tại sao Đức Kitô là Con vua Đavid, khi mà chính Đavid được Thánh Thần linh hứng cho thì đã nói: “Chúa đã nói cùng Chúa tôi: Hãy ngự bên hữu Ta, chờ Ta đặt quân thù ngươi dưới chân”. Chính Đavid gọi Ngài là Chúa, thì bởi đâu Ngài lại là Con của ông?

Dù chúng tung chưởng nào Đức Giêsu cũng bẻ gãy. Nhưng cuối cùng Đức Giêsu cho phép chúng giết Ngài, và chỉ sau ba ngày Ngài chiến thắng mọi sự ác, đánh gục thần chết.

Bởi thế khi Đức Giêsu sai các môn đệ lên đường nối tiếp sứ mệnh của Ngài, thì Ngài chia cho các ông chiến thắng qua trải nghiệm cuộc đời phục vụ: chẳng có sự dữ nào diệt được Ngài, để bảo đảm cho việc Tông Đồ của các ông làm đạt kết quả. Chiến thắng đó được diễn tả qua cách nói gợi hình: “Cầm rắn trong tay, uống nhằm thuốc độc cũng không bị hề hấn gì!” (Mc 16, 18: Tin Mừng).

Tuy nhiên trong cách sống Đạo phải luôn nhớ thực hành lời thánh Phêrô khuyên dạy: “Những người trẻ hãy vâng phục các kỳ mục: Anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường, và Thiên Chúa sẽ cất nhắc anh em lên. Mọi âu lo hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em. Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ thù địch của anh em như sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong Đức Tin mà chống cự. Anh em còn phải chịu khổ ít lâu, chính Thiên Chúa sẽ cho anh em được nên hoàn thiện” (1Pr 5, 5-10: Bài đọc).

Quả thật, hết thảy những ai chịu đau khổ vì sống Lời Chúa dạy, người ấy mới là người hoàn thiện, để làm tròn sứ mệnh Tông Đồ Chúa Giêsu trao phó khi ta sống và nói được như thánh Tông Đồ: “Chúng tôi rao giảng một Đức Kitô bị đóng đinh. Người là sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1, 23a-24b: Tung Hô Tin Mừng), để mọi người cùng cất lời tạ ơn: “Lạy Chúa, tình thương Chúa đời đời con ca tụng” (Tv 89/88, 2a: Đáp ca).

THUỘC LÒNG

Mọi âu lo, hãy trút cả cho Chúa, vì Người chăm sóc anh em (1Pr 5, 7).

 

15. Hãy đi khắp thế giới và rao giảng Tin Mừng cho toàn thể thụ tạo--Don Schwager// Bro. Paul Thanh Vu

Ngày nay, trong nhiều thánh đường ở Tây và Đông Phương, thánh sử Máccô được người ta tôn kính. Mỗi câu chuyện trong bốn Tin mừng cho chúng ta chân dung của Đức Giêsu, cuộc đời, sứ mạng, và việc giảng dạy của Ngài. Mỗi câu chuyện đều khác biệt trong phong cách, tình tiết và điểm nhấn. Nhưng tất cả đều có chung một sợi chỉ và một mục đích – loan báo Tin mừng của Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế. Trong bốn Tin mừng, Tin mừng của Máccô là kỳ lạ trong nhiều cách. Nó là Tin mừng ngắn nhất và xem ra có sớm nhất. Thánh sử Máccô là người cộng sự của Phêrô và xem ra đã viết Tin mừng của mình ở Rôma, nơi Phêrô ở. Máccô viết nó bằng tiếng Hylạp. Có lẽ nó được viết cho các độc giả dân ngoại (không phải Dothái) nói chung, và cho các tín hữu ở Rôma nói riêng.

Có dấu hiệu chứng tỏ rằng Máccô, cũng như Luca, được Chúa Thánh Thần tuyển chọn để viết Tin mừng, mặc dù ngài không phải là một trong số 12 tông đồ. Thánh Augustine thành Hippo giải thích: “Chúa Thánh Thần đã muốn chọn hai người (Máccô và Luca) cho việc viết sách Tin mừng, thậm chí họ không từ nhóm 12, để không ai nghĩ rằng ơn sủng loan báo Tin mừng không chỉ đến với các tông đồ, và nơi các ngài, nguồn mạch ơn sủng đã khô cạn” (bài giảng 239.1).

Tất cả mọi người phải nghe Tin mừng của Đức Giêsu Kitô cho tới khi Người lại đến

Máccô kết thúc Tin mừng của mình với sự xuất hiện cuối cùng của Đức Giêsu với các tông đồ trước khi Ngài về trời. Sự ra đi và lên trời của Đức Giêsu, cả hai đều là sự kết thúc và là sự khởi đầu cho các môn đệ. Trong khi nó là sự kết thúc của sự hiện diện hữu hình của Đức Giêsu với các môn đệ yêu dấu, nó lại đánh dấu sự khởi đầu của sự hiện diện của Đức Giêsu với họ trong một cách thức mới mẻ. Đức Giêsu hứa rằng Người sẽ ở với họ cho tới ngày tận thế. Giờ đây, với tư cách là Đức Chúa và Đấng cứu thế đã vinh quang và phục sinh, đã ngự bên hữu Chúa Cha trên Thiên đàng, Đức Giêsu hứa sẽ gởi Thánh Thần đến với họ, Đấng sẽ xức dầu tấn phong họ với sức mạnh vào ngày Lễ Ngũ Tuần, cũng như Đức Giêsu được xức dầu tấn phong cho sứ mệnh của mình ở sông Giođan. Khi Đức Giêsu rời khỏi các tông đồ cách hữu hình, họ không còn buồn phiền hay đau khổ nữa. Thay vào đó, họ tràn đầy niềm vui và tích cực tham dự vào việc Chúa Thánh Thần ngự đến.

Những lời cuối cùng của Đức Giêsu với các môn đệ nói tới sứ mệnh cứu độ của Người và sứ mệnh làm chứng tá của họ về sự chết cứu chuộc và việc phục sinh vinh quang và công bố Tin mừng cứu độ cho toàn thể thế giới. Công việc của họ là loan truyền Tin mừng cứu độ, không chỉ riêng cho người Israel, nhưng cho tất cả toàn thế giới. Tình yêu Thiên Chúa và ơn cứu độ không chỉ dành riêng cho một số ít người, không chỉ cho một quốc gia, nhưng cho toàn thể thế giới – cho tất cả những ai đón nhận Tin mừng. Tin mừng là quyền năng của Thiên Chúa, quyền năng tha thứ tội lỗi, chữa lành, giải thoát khỏi sự dữ và áp lực, và phục hồi sự sống. Bạn có tin tưởng vào sức mạnh của Tin mừng không?

Đức Kitô mời gọi mọi tín hữu trở nên sứ giả Tin mừng của Người (sứ điệp Tin mừng)

Đây là nhiệm vụ cao cả mà Đức Giêsu Kitô phục sinh ban cho toàn thể Giáo hội. Tất cả các tín hữu đều được chia sẻ sứ mạng này – trở thành những sứ giả của Tin mừng (sứ điệp Tin mừng) và đại diện cho Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ duy nhất của thế giới. Chúng ta không bị đơn chiếc trong nhiệm vụ này, vì Chúa phục sinh cùng làm việc trong và qua chúng ta bởi quyền năng của Thánh Thần. Ngày nay, chúng ta làm chứng một lễ Hiện xuống mới khi Thiên Chúa đỗ Thánh Thần Chúa xuống trên dân Người để canh tân và củng cố thân thể của Đức Giêsu Kitô, và để trang bị cho nó về mục vụ và sứ mệnh hiệu quả cho các quốc gia và các dân tộc. Bạn có làm chứng cho người khác về niềm vui Tin mừng và niềm hy vọng phục sinh không?

Lạy Chúa Giêsu, qua hồng ân Chúa Thánh Thần, Chúa lấp đầy lòng con một tinh thần ca ngợi và vui mừng bất khuất, mà không có thử thách trên trần gian này có thể khuất phục được. Xin Chúa lấp đầy lòng con niềm vui phục sinh của Chúa, và xin giúp con sống cuộc đời ca ngợi và cảm tạ cho vinh quang của Chúa. Chớ gì con làm chứng cho những người sống xung quanh con về niềm vui Tin mừng và thực tại sự phục sinh của Chúa.”

 

16. Thánh Mác-cô, tác giả sách Tin Mừng--Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Thánh Mác-cô là một trong bốn tác giả đã ghi lại cuộc đời của Chúa Giêsu. Bốn thánh sử viết Tin Mừng của Chúa Giêsu là Matthêu, Máccô, Luca và Gioan. Tất cả bốn thánh sử, mỗi người một vẻ, mỗi người một cách đã tường thuật đầy đủ cuộc đời của Chúa Giêsu. Thánh Mác-cô đã được Chúa gọi mời, tuyển chọn để trở nên tông đồ và là một người tường thuật lại đời sống của Chúa Giêsu.

MỘT CON NGƯỜI, MỘT CUỘC ĐỜI

Chúa Giêsu khi muốn chọn ai, Ngài đã cầu nguyện lâu giờ vì việc tuyển chọn con người là một công việc hết sức quan trọng. Chúa chọn ai là do quyết địnnh hoàn toàn tự do của Ngài. Ơn gọi của một con người nói lên tình thương và sự nhưng không của Chúa Giêsu. Vì yêu con người, Chúa đến trần gian và cũng vì yêu con người, Ngài tuyển chọn, cất nhắc con người với tất cả sự tự do của Ngài. Thánh Mác-cô là người Do Thái, thuộc dòng họ Lêvi. Sau khi Chúa lên trời, thámh nhân theo thánh Phêrô, vị tông đồ trưởng sang La mã. Thánh nhân được thánh Phêrô trìu mến và yêu thương, nâng đỡ cách đặc biệt. Thánh Mác-cô hăng say giảng đạo và nhờ lòng nhiệt thành, hăng say loan báo Tin Mừng cho Chúa Giêsu, nhiều người đã quay trở về với Chúa và Giáo Hội. Số người trở lại càng ngày càng đông, nhưng không có một tài liệu nào để giúp giáo dân học hỏi và tham khảo. Nhiều người ao ước có một bản viết về cuộc đời của Chúa Cứu Thế. Với những yêu cầu và khao khát của nhiều người. Thánh Mác-cô đã viết lại cuộc đời của Chúa Giêsu một cách mạch lạc và rõ ràng theo chương mục dựa theo lời giảng dạy của thánh Phêrô. Thánh Phêrô đã cho phép phổ biến và dùng trong giáo đoàn. Thánh Mác-cô sau đó đã được thánh Phêrô, vị Giáo Hoàng tiên khởi sai đi truyền giáo ở Ai Cập. Với lòng nhiệt thành, đạo đức, tài hùng biện và lợi khẩu, thánh nhân đã đưa rất nhiều linh hồn về với Chúa. Thánh Mác-cô là vị sáng lập và là Giám Mục đầu tiên của giáo đoàn Alexandria.

THÁNH MÁC-CÔ ĐƯỢC PHÚC TỬ ĐẠO

Được Chúa mời gọi, thánh Mác-cô đã đáp trả lại lời gọi mời yêu thương của Chúa. Với lòng đạo đức, trí thông minh, sự khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, thánh Mác-cô đã đem muôn vàn người trở về với Chúa. Vì ghen tức, ích kỷ, những lương dân đã quyết tâm hãm hại Người. Họ đã bắt thánh nhân với mục đích lăng mạ, bêu xấu Ngài và lôi kéo Ngài trên đường đá ghồ ghề, lởm chởm cho tới khi Ngài trút hơi thở cuối cùng vào ngày 25 tháng 4 năm 67. Với những công đức to lớn, với cuốn Tin Mừng thánh Mác-cô để lại, danh của thánh nhân mãi mãi ngời sáng trong Giáo Hội và triều thiên vinh hiển Thiên Chúa trao cho Ngài muôn đời sẽ rực sáng trên nước trời. Mãi mãi nhân loại và đặc biệt Giáo Hội sẽ tôn vinh thánh nhân vì lòng nhiệt thành, sự thánh thiện và gương sáng thánh nhân để lại cho dân Chúa.

“Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh Mác-cô vinh dự rao giảng và ghi chép Tin Mừng. Xin cho chúng con được hiểu thấu những lời thánh nhân giảng dạy để trung thành bước theo Chúa Kitô “( Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Mác-cô, tác giả sách Tin Mừng ).

 

17. Thánh Mác-cô, thánh sử

Thánh Marcô, mặc dù mang tên Roma, nhưng lại là người Do Thái, và còn được gọi theo tên Do Thái là Gioan. Tuy không thuộc nhóm Mười Hai Tông Đồ, nhưng rất có thể ngài đã quen biết Chúa Giêsu. Nhiều văn gia Giáo Hội phát hiện ra chữ ký kín ẩn của thánh Marcô trong Phúc Âm của ngài, trong trình thuật người thanh niên bỏ chạy với một mảnh vải trên người, khi Chúa Giêsu bị bắt trong vườn Cây Dầu: ý nghĩa ở đây là chỉ có mình thánh Marcô đề cập đến chi tiết ấy. Điều này còn trùng hợp với một chi tiết khác: Marcô là con trai bà Maria, một góa phụ giàu có, sở hữu ngôi nhà, nơi các tín hữu Jerusalem tiên khởi thường tụ họp. Theo một truyền thống cổ xưa, ngôi nhà này chính là ngôi nhà có phòng Tiệc Ly, nơi Chúa Giêsu đã ăn bữa Tiệc Ly và thiết lập bí tích Thánh Thể.

 

Marcô có bà con với thánh Barnabas; ngài đã đồng hành với thánh Phaolô trong cuộc truyền giáo lần thứ nhất, và ở bên cạnh vị Tông Đồ dân ngoại trong những ngày cuối đời của ngài. Tại Roma, Marcô còn làm môn đệ của thánh Phêrô. Trong Phúc Âm của ngài, với ơn linh hứng Chúa Thánh Thần, thánh Marcô đã trung thành trình bày giáo huấn của vị Tông Đồ trưởng. Theo một truyền thống cổ xưa được thánh Jerome kể lại, sau khi hai thánh Phêrô và Phaolô chịu tử đạo, thánh Marcô đã sang Alexandria, giảng đạo, thành lập giáo đoàn và trở thành giám mục tiên khởi ở đó. Vào năm 825, thánh tích của ngài được dời từ Alexandria về Venice, thành phố hiện nay nhận ngài làm quan thầy.

1. Marcô, người phụ tá của thánh Phêrô.

Ngay từ khi còn rất trẻ, Marcô đã thuộc vào nhóm các tín hữu tiên khởi ở Jerusalem, những người quen biết và được sống bên cạnh Đức Mẹ và các Tông Đồ. Mẹ của ngài là một trong những phụ nữ đã lấy tài sản chu cấp cho Chúa Giêsu và mười hai Tông Đồ. Marcô cũng có bà con với thánh Barnabas, một trong những nhân vật chính yếu trong thời kỳ đầu, và là người đầu tiên dìu dắt ngài trong công cuộc rao giảng Phúc Âm. Marcô đồng hành với thánh Phaolô và thánh Barnabas trong hành trình truyền giáo lần thứ nhất, nhưng khi đến đảo Cyprus, Marcô cảm thấy không thể tiếp tục được nữa nên đã từ giã và trở về Jerusalem. Thánh Phaolô dường như rất thất vọng về tính thay đổi của Marcô. Về sau, khi trù định cho hành trình truyền giáo lần thứ hai, thánh Barnabas muốn đem theo Marcô, nhưng thánh Phaolô nhất định không chịu vì nhớ lại sự việc trước đó. Cuộc tranh luận giữa thánh Phaolô và thánh Barnabas căng thẳng đến nỗi sau cùng hai vị đã chia tay, mỗi người tiến hành chương trình của riêng mình.

Khoảng mười năm sau, chúng ta lại thấy Marcô tại Roma, lần này ngài giúp đỡ thánh Phêrô. Lời thánh Phêrô đã viết trong thư: con tôi là Marcô, minh chứng mối liên hệ lâu bền và gần gũi giữa hai vị. Thời gian ấy, Marcô là thông dịch viên cho vị Tông Đồ trưởng, việc này đem lại một lợi điểm mà chúng ta nhận ra trong Phúc Âm được ngài viết sau đó ít năm. Mặc dù không ghi lại một bài giáo huấn dài nào của Chúa, nhưng bù lại, thánh Marcô đã mô tả rất sinh động về những biến cố trong cuộc sống của Chúa Giêsu với các Tông Đồ. Trong các trình thuật của ngài, chúng ta thấy hiện lên những thị trấn nhỏ ven bờ biển Galilê; chúng ta cảm nhận được những lời bàn tán của đám đông đi theo Chúa Giêsu, chúng ta như thể tiếp xúc với những cư dân của các địa phương ấy, nhìn thấy những việc kỳ diệu của Chúa Giêsu, và những phản ứng tự phát của nhóm Mười Hai. Tóm lại, chúng ta thấy mình như giữa đám đông dân chúng, được chứng kiến các biến cố Phúc Âm. Qua những mô tả sinh động, thánh Marcô đã in đậm vào linh hồn chúng ta một hấp lực dịu dàng nhưng không sao cưỡng lại của Chúa Giêsu mà dân chúng và các Tông Đồ đã cảm nghiệm được trong cuộc sống với Thầy Chí Thánh. Thánh Marcô đã trung thành ghi lại những hồi tưởng thân mật của thánh Phêrô với Thầy Chí Thánh: những ký ức ấy không phai nhòa theo năm tháng, nhưng càng ngày càng sâu đậm và sinh động hơn, càng thấm thía và hứng thú hơn. Có thể nói Phúc Âm thánh Marcô là tấm gương sinh động về giáo huấn của thánh Phêrô.

Thánh Jerome cho chúng ta biết, theo thỉnh nguyện của các tín hữu Roma, Marcô, môn đệ và thông ngôn của thánh Phêrô, đã viết Phúc Âm theo những gì ngài đã được nghe thánh Phêrô giảng dạy. Và chính thánh Phêrô, sau khi đã duyệt bản Phúc Âm ấy, đã dùng quyền bính chấp thuận cho sử dụng trong Giáo Hội. Đây thực sự là sứ mệnh chính trong cuộc đời thánh Marcô: trung thành ghi lại những lời giảng của thánh Phêrô. Ngài đã để lại cho hậu thế biết bao ích lợi!  Ngày nay, chúng ta thực sự phải mang ơn thánh Marcô vì nhiệt tâm ngài đã đặt vào công việc và lòng trung thành với ơn linh hứng của Chúa Thánh Thần!  Ngày lễ kính thánh Marcô là dịp để chúng ta xét lại việc hằng ngày chúng ta đọc Phúc Âm, lời Chúa nói trực tiếp với chúng ta, như thế nào. Chúng ta có thể tự hỏi đã bao lần chúng ta đã sống như người con hoang đàng, hoặc áp dụng cho mình lời cầu khẩn của anh mù Bartimaeus: Lạy Chúa, xin cho con được nhìn thấy – Domine, ut videam!  Hoặc lời thỉnh nguyện của người cùi: Lạy Thầy, nếu Thầy muốn, xin cho tôi được sạch – Domine, si vis, potes me mundare!  Bao lần chúng ta cảm thấy tận đáy lòng rằng Chúa Kitô đang nhìn và mời gọi chúng ta hãy sát bước theo Người, kêu gọi chúng ta hãy vượt thắng một thói xấu nào đó làm chúng ta xa cách Người, hoặc như các môn đệ trung thành, hãy sống nhân ái hơn nữa với những người khó hòa hợp với chúng ta?

2. Là khí cụ của Chúa, chúng ta phải luôn sẵn sàng thực hiện một cuộc khởi đầu mới.

Thánh Marcô đã giúp đỡ thánh Phêrô nhiều năm tại Roma, ở đó, chúng ta còn thấy ngài phụ giúp thánh Phaolô nữa. Quả thế, con người mà thánh Phaolô thấy không thể sử dụng trong hành trình truyền giáo lần thứ hai thì nay lại là một niềm an ủi, và là một người bạn trung thành. Vào khoảng năm 66, thánh Tông Đồ đã viết cho Timothy: Con hãy đem Marcô đi với con, vì anh ấy rất hữu ích cho công việc phục vụ của cha. Sự kiện đảo Cyprus một thời hết sức ảm đạm, thì nay dường như đã bị quên lãng hoàn toàn. Giờ đây, thánh Phaolô và thánh Marcô là bạn hữu và đồng sự của nhau trong công cuộc quan trọng là mở rộng vương quốc Chúa Kitô. Thực sự đây là một tấm gương lớn lao và cũng là một bài học tuyệt vời cho chúng ta học biết: đừng bao giờ kết luận dứt khoát về một ai, khi nào cần thiết một ai, chúng ta hãy biết cách nối lại mối dây thân hữu mà đã có lúc xem như đã tan rã hoàn toàn!

Giáo Hội hôm nay nêu lên mẫu gương thánh Marcô. Thật là một hy vọng và ủi an khi chiêm ngưỡng đời sống vị sử gia thánh thiện này. Mặc dù có những yếu đuối, nhưng chúng ta vẫn có thể như ngài, tin tưởng vào ơn Chúa và sự phù trợ của Mẹ Giáo Hội. Những thất bại và những hành vi nhát đảm của chúng ta, dù lớn hoặc nhỏ, phải làm chúng ta khiêm tốn hơn, liên kết chúng ta mật thiết hơn với Chúa Giêsu, và kín múc từ nơi Chúa nguồn sức mạnh mà chúng ta đang thiếu thốn.

Chúng ta đừng để những bất toàn nên cớ làm chúng ta xa cách Chúa hoặc từ bỏ sứ mạng tông đồ, mặc dù đôi khi chúng ta đã không đáp ứng đúng mức với ơn Chúa, hoặc chúng ta đã ngần ngại khi được nhờ cậy. Những hoàn cảnh như thế, nếu có khi nào xảy ra, chúng ta không nên ngạc nhiên, bởi vì như lời thánh Phanxicô Salê đã nói, Không có gì phải ngạc nhiên vì bệnh tật là bệnh tật, yếu đuối là yếu đuối, và gian ác là giac ác. Tuy nhiên, hãy hết sức gớm ghét điều bạn đã xúc phạm đến Chúa, và với lòng tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa, hãy quảng đại quay lại con đường mà bạn đã từ bỏ.

Những thất bại và những hành vi nhát đảm rất quan trọng. Chúng khiến chúng ta trở về bên Chúa để nài xin ơn tha thứ và trợ giúp của Người. Nhưng Chúa vẫn tin tưởng chúng ta, và chúng ta vẫn cậy trông ơn Chúa, nên chúng ta hãy lập tức làm lại và quyết tâm trung thành hơn trong tương lai. Với ơn phù trợ của Đức Mẹ, chúng ta sẽ biết cách rút ra điều hữu ích từ những yếu đuối, nhất là khi kẻ thù, những kẻ không bao giờ nghỉ ngơi, ra sức làm chúng ta thất đảm và từ bỏ cuộc chiến. Chúa Giêsu muốn chúng ta thuộc về Người mặc dù chúng ta đã có một lịch sử yếu đuối với những sai phạm.

3. Sứ vụ tông đồ.

Hãy đi khắp thế gian và rao giảng Tin Mừng cho mọi thụ tạo. Hôm nay, chúng ta đọc những lời này trong Ca Nhập Lễ. Đây là sứ vụ tông đồ Chúa đã ban và thánh Marcô đã ghi lại. Về sau, được ơn Chúa Thánh Thần thúc đẩy, thánh nhân đã minh chứng lệnh truyền ấy đã được thực hiện khi ngài chép Phúc Âm: Các tông đồ ra đi và rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố tin mừng bằng những phép lạ kèm theo. Đó là những lời thánh Marcô kết thúc Phúc Âm của ngài.

Thánh Marcô đã trung thành với sứ vụ tông đồ mà ngài đã nghe qua lời giảng của thánh Phêrô: Hãy đi khắp thế gian. Chính thánh Marcô và Phúc Âm của ngài đã là một thứ men hiệu quả cho thời đại ngài. Chúng ta cũng phải trở nên một thứ men tốt cho thời đại chúng ta. Nếu sau lần nhát đảm, thánh nhân đã không khiêm nhượng và dũng cảm làm lại, có lẽ giờ đây chúng ta không có những kho tàng lời giảng và việc làm của Chúa Giêsu để thường xuyên suy gẫm, và nhiều người, nếu không nhờ ngài, chắc cũng chẳng bao giờ biết được Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ của nhân loại.

Sứ mạng của thánh Marcô - cũng như của các Tông Đồ, của các nhà truyền giáo, của các tín hữu tốt lành luôn ra sức sống đúng với ơn gọi của mình - chắc chắn không phải là một sứ mạng dễ dàng. Chúng ta biết ngài đã chịu tử đạo. Ắt hẳn thánh nhân đã trải qua kinh nghiệm chịu bách hại, mệt mỏi, và hiểm nguy trong việc theo bước Chúa.

Chúng ta hãy cám tạ Thiên Chúa, cũng như các tín hữu thời các Tông Đồ, vì sức mạnh và niềm vui Chúa Kitô đã được truyền lại đến ngày nay cho chúng ta. Mọi thế hệ Kitô hữu, mọi cá nhân đều được mời gọi lãnh nhận sứ điệp Phúc Âm và truyền thụ lại cho người khác. Ơn Chúa không bao giờ thiếu: Non est abbreviata manus Domini – Cánh tay Chúa không bị thu ngắn. Người tín hữu biết Chúa đã thực hiện các phép lạ từ nhiều thế kỷ trước kia, và hiện nay Người vẫn đang thực hiện. Với ơn Chúa giúp, mỗi người chúng ta cũng sẽ thực hiện những phép lạ nơi tâm hồn thân nhân, bạn bè, và những người quen biết, nếu chúng ta sống trong mối kết hợp với Chúa Kitô qua lời cầu nguyện.

Lạy Chúa là Thiên Chúa của chúng con,

Có rất nhiều điều trong chúng con đã che lấp lời của Chúa

Và ngăn trở chúng con trở thành Giáo Hội thật sự của Chúa.

Hôm nay, chúng con cầu xin Chúa:

Xin hãy gọi chúng con, như Chúa đã gọi Máccô xưa kia,

Để chúng con nói và sống Lời Chúa.

Xin Chúa hãy linh ứng chúng con qua Chúa Thánh Thần

Và xin hãy dạy chúng con sống trong hy vọng

Rằng vương quốc của Chúa sẽ đến

Và ở lại giữa chúng con

Nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con

Bây giờ và muôn đời. (Sưu tầm)

 

18. Thánh Mác-cô, thánh sử--Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng” (Mc 16, 9-18)

Kinh nghiệm lắng nghe

Thánh sử Mác-cô trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ mừng kính ngài hôm nay, kể lại biến cố Đức Ki-tô Phục Sinh tỏ mình ra cho Nhóm Mười Một và sai các ngài đi loan báo Tin Mừng:

Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. (c. 15)

Tuy nhiên ngay trước khi Người sai các Tông Đồ đi rao giảng Tin Mừng, Đức Ki-tô Phục Sinh, theo lời kể của Thánh Sử Mác-cô, đã khiển trách các ông đã không tin và cứng lòng, đối với các chứng nhân.

Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy. (c. 14)

Như thế, Đức Ki-tô coi trọng việc chúng ta làm chứng cho nhau biết bao: lời của của người khác dành cho chúng ta, lời chứng của chúng ta dành cho người khác. Trước khi trở thành chứng nhân, chúng ta được mời gọi mở lòng ra để lắng nghe các chứng nhân. Và điều này phải làm chúng ta ngặc nhiên: kinh nghiệm này cũng phải có, ngay cả đối với các tông đồ, vốn là các chứng nhân ưu tuyển! Thật vậy, trước khi trở thành chứng nhân, chính các tông đồ cũng đã phải trải qua kinh nghiệm lắng nghe các chứng nhân khác, vốn đã được ban ơn nhận ra Đức Ki-tô phục sinh trước. Đó là chứng từ của bà Maria Magdala (Mc 16, 11 và Ga 20, 18), chính vì thế bà được Truyền Thống Giáo Hội tặng ban tước hiệu “Tông đồ của các Tông Đồ”; và đó cũng là chứng từ của hai môn đệ từ Emmau trở về:

Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê. Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này. (c. 12-13)

Kinh nghiệm gặp gỡ

Tuy nhiên, để trở thành chứng nhân được sai đi loan báo Tin Mừng, lắng nghe lời chứng vẫn chưa đủ, bởi vì đó mới chỉ là lời mời gọi hướng đến, chứ không thay thế được, kinh nghiệm đích thân nhận ra sự hiện diện sống động của Đức Ki-tô phục sinh; nhưng niềm tin mà chúng ta đặt để lời chứng của các chứng nhân là điều kiện không thể thiếu dẫn chúng ta đi vào kinh nghiệm đích thân gặp gỡ Đấng Phục Sinh.

Đức Ki-tô phục sinh bày tỏ mình ra cách trực tiếp, đó là ơn đặc biệt Ngài dành cho các chứng nhân đầu tiên, để các ngài có thể thực hiện sứ mạng lớn lao và khó khăn. Về phần chúng ta hôm nay, chúng ta không nên đòi hỏi Đức Ki-tô hiện ra, vì những lí do khác nhau. Hơn nữa, không “thấy” Chúa cách hữu hình, đó chính là điều Chúa ước ao: “Phúc cho những ai không thấy mà tin” (Ga 20, 29). Đòi hỏi Chúa hiện ra, là làm khó Chúa rồi, nếu không muốn nói là thử thách Chúa, vì làm sao sự sống mới hoàn toàn khác lại có thể hiện hiện trong sự sống này được, nếu không phải trở lại như cũ.

Chính vì thế, Chúa ước ao chúng ta không thấy mà tin, nghĩa là nhận ra Chúa qua những dấu chỉ Lời Chúa, bí tích Thánh Thể, các chứng nhân, và nhất là hoa trái phong phú do Đức Ki-tô phục sinh đem lại cho nhân loại, cho Giáo Hội, cho Hội Dòng, cho cộng đoàn, cho gia đình chúng ta. Như hai môn đệ Emmau, chúng ta được mời gọi nhận ra Chúa sống động ngang qua việc hiểu Kinh Thánh dưới ánh sáng của Mầu Nhiệm Vượt Qua và dấu chỉ “bẻ bánh”, trong cuộc sống và trong cử hành Thánh Thể.

Đi loan báo Tin Mừng

Như thế, để trở thành chứng nhân được sai đi loan báo Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, cần phải có hai kinh nghiệm nền tảng, liên kết chặt chẽ với nhau: kinh nghiệm lắng nghe các chứng nhân khác và kinh nghiệm đích thân nhận ra sự hiện diện sống động của Đức Ki-tô phục sinh. Đó là con đường của các tông đồ và của những chứng nhân đầu tiên; nhưng trong con đường của các ngài, chúng ta sẽ tìm ra những kinh nghiệm nền tảng làm nên con đường dành riêng cho mỗi người chúng ta hôm nay.

Dù vừa mới khiển trách các môn đệ “không tin và cứng lòng”, Đức Ki-tô phục sinh vẫn tin tưởng các môn đệ của mình, ngang qua việc trao sứ mạng. Chúng ta hãy dừng lại suy gẫm từng lời của Đức Ki-tô:

“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”. Như thế, Tin Mừng của Đức Giê-su Ki-tô có tầm mức sáng tạo, bởi vì sứ điệp của Tin Mừng và sứ điệp của sáng tạo là một, vì cả hai đều có cùng một nguồn gốc là Ngôi Lời Thiên Chúa. Để hiểu điều này chúng ta có thể đọc Rm 10, 18 dưới ánh sáng của Tv 19, 5.

“Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án”. Khi không tin, người ta đã tự kết án chính mình, như Đức Giê-su nói trong Tin Mừng theo thánh Gio-an: “kẻ không tin, thì bị kết án rồi” (Ga 3, 18). Và thực tế cuộc sống cho thấy, khi không tin vào sự sống, người ta sẽ chẳng mấy chốc làm việc cho sự chết, sống cho sự chết và thuộc về sự chết, bởi vì đối với họ chết là mạnh nhất, là cùng đích. Ngược lại, lòng tin mang lại cứu độ, như Đức Giê-su hay tuyên bố: “lòng tin của con đã cứu con”.

“Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”

Thế hệ đầu tiên đã được ơn đặc biệt như thế, để khai sinh ra Giáo Hội. Còn chúng ta, những ơn này bây giờ vẫn được ban, nhưng dưới những hình thức khác, tuy không ngoạn mục, nhưng sâu xa và bền vững hơn:

- Nhận định thần loại, nghĩa là phân biệt và nhận ra cách hành động của Chúa và các hành động của Sự Dữ, dưới ánh sáng của Lời Chúa, và nhất là ngôi vị của Đức Ki-tô trong mầu nhiệm Vượt Qua.

- Thông truyền đức tin và kinh nghiệm, cho dù có rất nhiều khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa… (kinh nghiệm của các nhà truyền giáo)

- Con rắn, thuốc độc, biểu tượng của sự dữ và bạo lực. Chúng ta có thể chiến thắng nhờ Thập Giá Đức Ki-tô; như lời Tv 8: “Chúa cho miệng con thơ trẻ nhỏ, cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù, khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan”.

- Hiện diện, quan tâm chăm sóc bệnh nhân, là điều không thể thiếu bên cạnh các biện pháp chữa trị y khoa, và sẽ là điều còn lại sau cùng giúp người bệnh tín thác vào tình yêu Thiên Chúa ngay trong thử thách bệnh tật và sự chết.

Nhưng trên hết là, chúng ta được mời gọi thi hành sứ mạng “nhân danh Đức Ki-tô”, chúng ta chỉ là tôi tớ, là nữ tì; và vì thế, phải để cho Chúa hành động.

 

Bài cùng chuyên mục:

Thứ Bảy 20/04/2024 – Thứ Bảy tuần 3 Phục Sinh. – Biết chọn lựa. (19/04/2024 10:00:00 - Xem: 372)

Thứ Bảy tuần 3 Phục Sinh.

Thứ Sáu 19/04/2024 – Thứ Sáu tuần 3 Phục Sinh. – Con đường hiến thân. (18/04/2024 10:00:00 - Xem: 2,900)

Thứ Sáu tuần 3 Phục Sinh.

Thứ Năm 18/04/2024 – Thứ Năm tuần 3 Phục Sinh. – Tin vào Lời Chúa – cử hành Thánh Thể. (17/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,629)

Thứ Năm tuần 3 Phục Sinh.

Thứ Tư 17/04/2024 – Thứ Tư tuần 3 Phục Sinh. – Ý nghĩa của cuộc sống. (16/04/2024 10:00:00 - Xem: 4,040)

Thứ Tư tuần 3 Phục Sinh.

Thứ Ba 16/04/2024 – Thứ Ba tuần 3 Phục Sinh. – Bánh trường sinh. (15/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,923)

Thứ Ba tuần 3 Phục Sinh.

Thứ Hai 15/04/2024 – Thứ Hai tuần 3 Phục Sinh. – Tin vào Đấng Thiên Sai. (14/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,783)

Thứ Hai tuần 3 Phục Sinh.

+ Chúa Nhật 14/04/2024 – CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH năm B. – Chứng nhân về Chúa Giêsu Phục sinh. (13/04/2024 10:00:00 - Xem: 4,524)

CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH năm B.

Thứ Bảy 13/04/2024 – Thứ Bảy tuần 2 Phục Sinh. – Bến bờ bình an. (12/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,238)

Thứ Bảy tuần 2 Phục Sinh.

Thứ Sáu 12/04/2024 – Thứ Sáu tuần 2 Phục Sinh. – Năm chiếc bánh và hai con cá. (11/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,898)

Thứ Sáu tuần 2 Phục Sinh.

Thứ Năm 11/04/2024 – Thứ Năm tuần 2 Phục Sinh. - Thánh Ta-nít-la-ô, giám mục tử đạo. Lễ nhớ. – Tình yêu thương. (10/04/2024 10:00:00 - Xem: 3,901)

Thánh Ta-nít-la-ô, giám mục tử đạo. Lễ nhớ.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7