Lời chúa mỗi ngày

Thứ Ba 24/05/2022 – Thứ Ba tuần 6 Phục Sinh. – Hoạt động của Thánh Thần.

  • In trang này
  • Lượt xem: 7,298
  • Ngày đăng: 23/05/2022 08:00:00

Hoạt động của Thánh Thần.

24/05– Thứ Ba tuần 6 Phục Sinh.

 “Nếu Thầy không đi, thì Đấng Phù Trợ sẽ không đến với các con”. (Ga 16,7)

 

Lời Chúa: Ga 16, 5b-11

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Bây giờ Thầy về với Đấng đã sai Thầy, mà các con không ai hỏi Thầy: Thầy đi đâu? Nhưng vì Thầy đã nói với các con điều đó, nên lòng các con tràn ngập u sầu.

Dầu vậy Thầy phải nói sự thật cho các con: Thầy đi thì ích lợi cho các con, vì nếu Thầy không đi, thì Đấng Phù Trợ sẽ không đến với các con, nhưng nếu Thầy ra đi, Thầy sẽ sai Người đến với các con.

Khi Người đến, Người sẽ tố cáo thế gian về tội lỗi, về sự công chính và về án phạt. Về tội lỗi vì họ đã không tin vào Thầy. Về sự công chính, vì Thầy về cùng Cha, và các con sẽ không còn thấy Thầy. Về án phạt, vì thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử”.

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy niệm 1: Có lợi cho anh em

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Người Pháp vẫn thường nói: ra đi là chết một chút.

Cuộc chia ly nào cũng đem lại những mất mát buồn phiền.

Khi biết mình sắp phải chia tay Thầy,

các môn đệ cũng không tránh khỏi tâm trạng đó (c.6).

Gần ba năm sống bên Thầy, tuy ngắn ngủi nhưng có bao là kỷ niệm.

“Bây giờ Thầy đến cùng Đấng đã sai Thầy” (c. 5).

Thầy Giêsu đã an ủi bằng cách nói rằng mình đi để dọn chỗ cho họ.

Rồi Thầy trò lại được chung sống bên nhau (Ga 14, 1-3).

Chuyện Thầy về với Cha lẽ ra phải làm họ vui sướng,

vì Thầy được Cha tôn vinh (Ga 14, 28).

Nhưng lý do chính khiến Thầy ra đi là nhằm lợi ích cho môn đệ.

“Nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em;

nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em” (c. 7).

Rõ ràng sau khi Đức Giêsu chết, phục sinh, hiện ra nhiều lần và lên trời,

sau khi các môn đệ không còn thấy Ngài nữa,

thì Đấng Bảo Trợ bắt đầu đóng một vai trò quan trọng.

Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần, sẽ làm công việc của một người Thầy.

“Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại

mọi điều Thầy đã nói với anh em (Ga 14, 26).

Thầy Thánh Thần giúp ta hiểu được và đến được với Thầy Giêsu.

Thánh Thần như người phụ đạo, tiếp nối việc giảng dạy của Thầy Giêsu.

Thánh Thần còn là người làm chứng cho Thầy Giêsu nữa,

để các môn đệ cũng can đảm trở nên chứng nhân cho Thầy (Ga 15, 26-27).

“Thầy đi thì có lợi cho anh em” (c.7).

Khi Đức Giêsu hoàn tất phần công việc Cha giao cho mình (Ga 17, 4; 19, 30),

Ngài chuyển giao mọi việc còn lại cho Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ.

Ngài tìm điều có lợi hơn cho sự lớn lên của các môn sinh,

dù Ngài rất yêu họ và muốn được sống gần họ (Ga 13, 1; 17, 24).

“Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em” (Ga 14, 18).

Đức Giêsu đến với môn đệ bằng việc sai Thánh Thần.

Đúng là họ sẽ chẳng bao giờ mồ côi, vì họ đã có một Đấng Bảo Trợ.

Trong cuộc sống lắm khi người Kitô hữu thấy Chúa Kitô như vắng mặt.

Buồn chán, thất vọng, xao xuyến, sợ hãi, khô khan chiếm lấy lòng mình.

Không phải lúc nào cũng thấy Chúa gần bên, ấm áp và thân thiện.

Những lúc khó khăn đó lại có thể là dịp để ta tập yêu Ngài cách nhưng không,

tin Ngài chỉ tìm điều có ích hơn cho ta,

và kiên nhẫn đợi chờ quà tặng bất ngờ do Ngài gửi đến.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Thánh Thần,

xin Ngài hãy đến như cơn gió mát

thổi vào đời con,

thổi vào Giáo Hội,

thổi vào thế giới,

để đem lại cho chúng con

sự tươi mới nhẹ nhàng, sự tự do thanh thoát.

Xin Ngài hãy đến như dòng nước trong

chảy vào đời con,

chảy vào Giáo Hội,

chảy vào thế giới,

để cuốn trôi đi mọi nhơ nhớp, khô cằn, cứng cỏi,

và làm bật dậy

những mầm xanh sự sống nơi chúng con.

Xin Ngài hãy đến như ngọn lửa hồng

chiếu sáng đời con,

chiếu sáng Giáo Hội,

chiếu sáng thế giới,

để chúng con không còn đồng lõa với tối tăm,

nhưng mang trong tim một ước mơ nóng bỏng,

đó là làm cho vũ trụ này rực sáng Tình yêu. Amen.

 

Suy niệm 2: Đấng bảo vệ

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Các môn đệ đã từ bỏ tất cả để gắn bó với Chúa Giê-su. Nay Người ra đi hỏi sao các môn đệ không buồn phiền lo lắng. Nhưng Chúa Giê-su quả quyết: “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Vệ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em”.

Chúa Giê-su ra đi thì có lợi. Vì các môn đệ từ nay không sống bằng thế giới khả giác nữa, nhưng đi vào thế giới siêu nhiên mầu nhiệm. Ánh mắt dõi theo Chúa trong ngày lễ Thăng Thiên sẽ hướng về nội tâm, để họ kết hợp với Chúa Giê-su vinh hiển trong thế giới thần linh. Đó là thế giới của mầu nhiệm Ba Ngôi. Và biểu hiện mạnh mẽ qua Chúa Thánh Thần.

Ngôi Lời nhập thể hữu hình trong thời gian phải chịu những giới hạn của con người. Nay Người ra đi về thế giới thần linh. Để quyền năng của Người thể hiện qua Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là sự sống của Chúa Giê-su. Là Thần Khí Đức Ki-tô.

Đấng Bảo Vệ đến bảo vệ các môn đệ. Điều đó thể hiện cụ thể trong bài sách thánh hôm nay. Người bảo vệ Phao-lô và Si-la tuy bị đánh đập nhưng không phải chết. Tuy bị giam cầm nhưng tâm hồn vẫn tự do và vui tươi. Vẫn ca hát và dậy dỗ, khuyên nhủ và rao giảng. Cửa sắt và gông xiềng chẳng đủ sức trói buộc các ngài.

Thần Chân Lý đến cho thế gian thấy sự sai lầm. Thế gian cụ thể qua viên cai ngục. Sau biến cố động đất và cửa ngục cùng gông xiềng bật tung ra, viên cai ngục nhận biết mình tội lỗi vì đã không tin Chúa. Nên quì sấp mặt xin Phao-lô tha tội. Ông muốn sống công chính khi trả về cho Chúa quyền năng trên cuộc đời minh. Nên ông tuân phục Thiên Chúa. Và ông tránh án phạt. Vì không tin Chúa là đi vào sự chết. Chỉ tin Chúa mới đem đến sự sống. Ông đã hỏi Phaolô: “Tôi phải làm gì để được ơn cứu độ”. Thánh Phaolô đã vạch cho ông con đường sự sống: “Phải tin vào Chúa Giêsu”.

Tạ ơn Chúa Giêsu hiển vinh đã ban Đấng Bảo Vệ và Thần Chân Lý đến. Xin Chúa Thánh Thần xuống tràn đầy trong con. Để con được bình an hoan lạc. Và luôn sống theo sự thật của Chúa.

 

Suy niệm 3: Hoạt Động Của Thánh Thần

Sách Công vụ Tông đồ kể lại rằng trong dịp lễ Ngũ tuần khi người Do thái tự khắp nơi tuôn về Yêrusalem để mừng lễ, các Tông đồ lúc đó đang tề tựu một nơi, thì bỗng từ trời một tiếng ào ào như thế cuồng phong thổi đến, vang khắp cả nhà, hết thảy họ được đầy Thánh Thần và nói được các thứ tiếng tùy theo Thần Khí ban cho họ. Phêrô đã mạnh mẽ rao giảng về Đức Giêsu thành Nazaret vừa bị Hội đồng Do thái kết án và đống đinh Thập gía, nhưng Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại. Nghe Phêrô giảng, có khoảng 3000 người đã hối cải và xin chịu thanh tẩy.

Lời giảng của Phêrô đạt được kết quả như vậy là nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng đã tác động trên người nghe lẫn người giảng, một công việc đã được Chúa Giêsu tiên báo trước khi Ngài từ giã các môn đệ như được tường thuật trong Tin mừng hôm nay: “Khi Đấng Phù trợ đến, Ngài sẽ tố cáo thế gian về tội lỗi, về sự công chính và về án phạt”.

Lời tiên báo của Chúa Giêsu đã hiện thực trong đám đông Do thái vào dịp lễ Ngũ tuần. Việc làm của họ một lần nữa được Phêrô nhắc lại và nhờ Thánh Thần họ đã hiểu thế nào là tội, là sự công chính, là án phạt. Việc làm ngày hôm trước Lễ Vượt qua, họ tưởng là phụng sự Thiên Chúa mà kỳ thực họ đã lầm vì đã giết chết Đấng thánh của Thiên Chúa được sai đến để cứu dân. Về phần Chúa Giêsu Ngài bị giết chết, nhưng đã sống lại và đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Khi Đức Giêsu đi đến tận cùng của việc bị kết án, thì cũng là lúc con người nhận ra sự công chính nơi Ngài. Viên bách quản đã thốt lên: “Người này thật là Con Thiên Chúa”, và đám đông chứng kiến cảnh tượng ấy đã đấm ngực mà lui về. Cái chết của Ngài là một chiến thắng tội lỗi và sự chết, để những ai bước theo Ngài không còn lo âu thất vọng, nhưng phấn khởi vui mừng vì một ngày kia cũng được thông phần vinh quang với Ngài.

Kitô hữu ngày nay cũng được đón nhận Thánh Thần và được Ngài cho biết về tội lỗi, về sự công chính, về án phạt. Tuy nhiên hiểu biết mà thôi chưa đủ, mà còn phải hành động nữa. Chính hành động đã dẫn họ đến miền đất của công chính hay án phạt 3000 người Do thái trở lại vào dịp lễ Ngũ tuần không phải là những người vô tội. Trong nhóm họ, nhiều người đã kết án Chúa Giêsu, nhưng không vì thế mà bây giờ họ không còn lối thoát. Thánh Thần đã mở lối cho họ hiểu biết, Ngài cũng vạch đường cho họ bước theo.

Như người Do thái, nhiều lần chúng ta đã nhiệt tâm hành động và cứ tưởng như thế là tôn vinh Thiên Chía. Chỉ khi đối diện với Thần Chân Lý, chúng ta mới nhận ra điều sai lầm của chúng ta. Xin Thánh Thần soi sáng để chúng ta luôn đi trong chính lộ và mau mắn chỗi dậy mỗi khi chúng ta lầm lỗi.

   

Suy niệm 4: Sứ mạng của Chúa Thánh Thần

Các nhà tu đức thường đưa ra lời mời gọi đến mỗi người tín hữu là: mỗi tối, hãy dành ra ít phút, lắng đọng trước nhan Thiên Chúa để hồi tâm. Tại sao vậy? Thưa, hồi tâm là một phương pháp rất có ích cho đời sống thiêng liêng, nó giúp cho đương sự nhớ lại những điều tốt – xấu đã làm trong ngày. Tốt thì phát huy, xấu thì loại trừ. Các thánh là những người đã đi theo con đường này.

Hôm nay, Đức Giêsu loan báo Ngài sẽ ra đi, nhưng Ngài sẽ gửi Chúa Thánh Thần đến để làm chứng cho Ngài, và Chúa Thánh Thần sẽ đến để thực thi sứ vụ là tố cáo thế gian vì đã không tin nhận Đức Giêsu. Người cũng tố cáo những điều sai lỗi mà thế gian đã làm.

Nói cách khác, Người đến làm cho Lời của Đức Giêsu được bừng sáng lên, đồng thời cũng làm cho sự xấu xa, tội lỗi bị lên án.

Ngày nay, qua tiếng nói Lương Tâm và nơi các dấu chỉ, Chúa Thánh Thần vẫn đang hoạt động và thúc dục mỗi người biết làm lành, lánh dữ. Tuy nhiên, vì còn mang nặng tính tự kiêu, ích kỷ và bảo thủ, nên nhiều khi chúng ta đã bỏ qua tiếng nói của Lương Tâm, không đón nhận Chúa Thánh Thần vì lý do sợ Chân lý, sợ Sự Thật. Như thế, đôi khi vẫn cứ đi sai đường trệch lối mà không biết, nhưng cũng không thiếu những lúc ta cố tình không chịu biến đổi, dẫu biết điều đó là không đúng, là sai.

Vì thế, việc hồi tâm là điều cần thiết. Bởi lẽ, trong thinh lặng nội tâm, Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta biết được đâu là điều tốt nên làm và đâu là điều xấu cần tránh.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy chiếu soi ngọn lửa Chân Lý vào trong tâm hồn chúng con, để chúng con cam đảm quay lưng lại với điều xấu. Xin cũng giúp sức cho chúng con biết can đảm, yêu mến, lựa chọn những điều tốt và làm theo. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy niệm 5: Ðấng Phù Trợ sẽ đến

 (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu hứa ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ. Chúa  Thánh Thần được gọi là Đấng Bảo Trợ sẽ giúp các môn đệ tin vào Chúa Giêsu là Đấng Chúa Cha sai đến để cứu độ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con thường nói: xa mặt cách lòng, thân xác xa nhau thì tâm hồn cũng xa nhau. Tuy nhiên nhiều lúc chúng con thấy thân xác sống bên nhau mà lòng dạ vẫn xa cách nhau, và ngược lại chính lúc thân xác xa cách nhau thì tâm hồn lại cảm thấy gần gũi và quí mến nhau hơn. Khi cha mẹ còn đang sống, con cái thường hất hủi thờ ơ, nhưng khi cha mẹ qua đi rồi, con cái mới thấy cần và quý mến cha mẹ hơn.

Lạy Chúa, nhờ kinh nghiệm ấy, con hiểu được Lời Chúa nói: Chúa ra đi thì có lợi hơn. Khi  Chúa còn sống trong thân xác, người Do Thái vẫn thường chống đối Chúa, và ngay cả môn đệ vẫn chẳng tin vào Chúa. Nhưng sau khi Chúa chịu chết, nhờ Chúa Thánh Thần hiện diện và tác động, các môn đệ tin vào Chúa hơn, và người Do thái theo Chúa nhiều hơn.

Ngày nay đôi mắt con chẳng còn được thấy Chúa, nhưng Chúa vẫn ở gần con, Chúa Thánh Thần vẫn ở bên con và lôi kéo lòng con lại gần Chúa. Con xin Chúa ban Chúa Thánh Thần cho con như lời Chúa đã hứa để Người yên ủi dạy dỗ con. Con hứa sẽ để lòng con gần Chúa bằng cách siêng năng cầu nguyện hằng ngày.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin soi sáng tâm hồn và đốt lửa yêu mến trong trái tim  con. Xin Chúa giúp con ngày càng hiểu biết và yêu mến Chúa Giêsu nhiều hơn. Xin Chúa bênh vực, bảo vệ con trước sức tấn công của quỷ dữ hằng muốn lôi kéo con xa Chúa Giêsu và chống lại Người. Giữa một thế giới đang muốn gạt Thiên Chúa ra bên ngoài, xin Chúa giúp con luôn trung thành với Chúa Giêsu. Amen.

Ghi nhớ: “Nếu Thầy không đi, thì Ðấng Phù Trợ sẽ không đến với các con”.

 

Suy niệm 6: Sống nhờ Thần Khí

(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Khi Nansen lần đầu tiên thám hiểm Bắc Cực, ông đem theo một con chim bồ câu khỏe mạnh, có đôi cánh dài. Sau hai năm làm việc giữa băng tuyết, ông viết một lá thư, buộc vào chân chim và thả nó ra. Con chim chao liệng mấy vòng rồi bay thẳng về phương Nam, vượt hàng ngàn dặm giữa đại dương và cuối cùng đến bên đầu giường vợ của nhà thám hiểm. Nhờ đó, bà biết được chồng mình vẫn bình an.

 Thánh Linh cũng tựa như chim bồ câu, một loại bồ câu thần thiêng, báo cho ta biết Chúa Kitô vẫn đang sống và hành động giữa thế giới này.

Suy niệm

Ðức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể thực hiện chương trình tình yêu của Thiên Chúa đem ơn cứu độ cho nhân loại. Ngài tiếp tục mạc khải cho các đồ đệ về Chúa Thánh Thần và vai trò của Người trong chương trình cứu độ.

Đức Giêsu nhấn mạnh Ðấng Phù Trợ ở lại (menei) với các môn đệ (Ga 14,17; 16,8) như Ngài đã ở lại (emeinen) trên Đức Giêsu (Ga 1,32). Ngài là Đấng Phù Trợ ở giữa các môn đệ để thay thế sự vắng mặt của Chúa Giêsu. Sự hiện diện của Ngài bảo đảm cho họ sẽ không mồ côi (Ga 14,15-18; 16,7-8). Các môn đệ tin vào Chúa Giêsu, nên được đón nhận Ngài (Ga 7,39; 14,12-14). Còn thế gian không thể nhận lấy Đấng Phù Trợ vì họ không tin vào Chúa Giêsu. Khi Thần Chân Lý đến, thế gian sẽ bị hạch hỏi về sự cứng lòng đó.

Chúa Thánh Thần biến đổi và hướng dẫn các môn đệ đến chân lý vẹn toàn (x. Ga 16,13), và dẫn dắt các ông đi trong con đường thần thiêng của đức tin, để rồi ra đi làm chứng cho Chúa. Vì thế, Chúa Giêsu ra đi để làm lợi cho chúng ta – Thần Chân Lý đến…

Kể từ khi khai sinh trong Chúa Thánh Thần vào ngày lễ Ngũ Tuần, Giáo hội của Đức Kitô luôn đứng vững và phát triển dưới sự hướng dẫn, tác động của Chúa Thánh Thần như lời Chúa Giêsu truyền: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).

Chúa Thánh Thần soi sáng trí lòng, sưởi ấm tâm hồn, thúc giục chúng ta làm điều lành, tránh điều xấu, điều dữ như thánh Phaolô nhấn mạnh: “Hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an” (Rm 8,6). Ngay khi được rửa tội, Thánh Thần triển khai các hành động của Người như một hạt giống nhỏ bé trong tim chúng ta. Hạt giống ấy sẽ lớn lên dần dần trong âm thầm thinh lặng, nhưng chắc chắn sẽ kết quả. Thánh Thomas tiến sĩ nhấn mạnh rằng: “Chúa Thánh Thần được trao ban đến để cư ngụ trong chúng ta và làm cho chúng ta nên mới”.

Xin ngự đến, lạy Thánh Thần sáng tạo,

Ðến viếng thăm và tuôn đổ ơn trời

Xuống cõi lòng và tâm trí bề tôi

Là sản phẩm do tay Ngài mà có.

(Thánh Thi Kinh Chiều I Lễ Hiện Xuống)

Xin Thần Khí ở cùng chúng ta luôn mãi...

“Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước” (Gl 5,25).

Ý lực sống:

“Ai được Thánh Thần Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa” (Rm 8,14).

 

Suy niệm 7: Chúa Thánh Thần sẽ đến

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Đang lúc buồn sầu, rồi nghĩ đến giây phút Thầy trò chia ly, lại nghe nói đến những sự bách hại  mai ngày, các Tông đồ thêm chán nản. Đức Giêsu thương hại, nhìn các ông và hứa sẽ sai Thánh Thần đến ủng hộ các ông. Vì Đức Giêsu về trời là điều kiện phải có để Thánh Thần đến. Vì thế, bài Tin Mừng hôm nay ghi lại lời Đức Giêsu loan báo về việc Chúa Thánh Thần đến ở với các Tông đồ để an ủi, soi sáng và ban thần lực cho các ông.

2. Về phương diện tự nhiên, “đi là chết trong lòng một ít” (Xuân Diệu). Cuộc ra đi nào ít nhiều  cũng thế cả, buồn cho người ở cũng như người đi. Nhưng nếu sự ra đi ấy có ích và nhất là cần thiết thì Đức Giêsu khuyên chúng ta chấp nhận sự ra đi đó. Đàng khác, có sống thì phải có chết, có đoàn tụ có ngày cũng chia ly, đó là qui luật của cuộc sống, chính  Đức Giêsu cũng nếm cảm và kinh qua qui luật đó. Nhưng Chúa chết là để sống lại, ra đi là để đoàn tụ: “Thầy về cùng Cha, “Để Thầy ở đâu các con sẽ ở đó với Thầy”.

Hơn nữa, Ngài còn nói với các môn đệ: “Thầy ra đi thì có lợi cho các con, vì nếu Thầy không ra đi  thì Đấng Bảo Trợ không đến với các con”, Đấng Bảo Trợ Chúa nói đây là Chúa Thành Thần. Chúa Thánh Thần đến soi sáng, trợ giúp và thúc đẩy các Tông đồ minh chứng về Đức Giêsu và tiếp tục sứ mạng của Ngài.

3. Động từ “ra đi” trong bản văn Tin Mừng được nhắc đến nhiều lần, nhưng mang hai ý nghĩa khác nhau. Trước hết, “ra đi” là đi về cùng Chúa Cha; thứ đến, “ra đi” là không còn ở với các môn đệ một cách thể lý nữa. Có “ra đi” thì có trở về. Thầy Giêsu, sau cuộc Khổ nạn và Phục sinh, sẽ đến với các môn đệ nhưng đó là sự hiện diện mới mẻ, thiêng liêng hơn và cũng thân mật hơn, thâm sâu hơn. Thầy sẽ gửi Thánh Thần đến dạy dỗ các môn đệ, cho các ông biết rằng từ nay Ba Ngôi Thiên Chúa sẽ đến, ngự trị nơi tâm hồn con người. Thánh Thần cũng sẽ đến làm chứng về Thầy Giêsu, soi sáng cho các môn đệ hiểu được những lời Thầy mình dạy ngày nào. Rốt cùng, đặt thế gian trước sự lựa chọn hoặc tin vào Đức Giêsu để được cứu rỗi, hoặc cứng lòng ở lì trong tội lỗi (5 phút Lời Chúa).

4. Chúa Thánh Thần đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm:

- Chúa Thánh Thần đến sẽ làm chứng về Đức Giêsu là Đấng công chính, và như vậy Người cũng chứng thực về tội lỗi của những  người từ chối và giết Đức Giêsu.

- Chúa Thánh Thần cũng dùng những dấu lạ để làm chứng về sự công chính của Đức Giêsu: là Đấng đã tử nạn, phục sinh và lên trời.

- Chúa Thánh Thần cũng làm chứng cho sự thật  là ma quỉ và tay sai sẽ bị xét xử và luận phạt, vì Thập giá của Đức Giêsu là nguồn ơn cứu độ.

5. Một nguyên tắc triết lý rất cơ bản là “Errare humanum est”, nghĩa là đã là người thì thế nào cũng có sai lầm. Cho nên nhận ra những sai lầm của mình là một điều cần thiết và rất hữu ích để còn có thể sửa sai, để ngày càng hoàn thiện chính mình. Từ đó lời khuyên thứ nhất của đoạn Tin Mừng này là mỗi người chúng ta hãy khiêm tốn ý thức mình không phải là hoàn hảo, mình còn nhiều sai lầm, mình cần tự nhận ra những sai lầm ấy.

Trong bài hát về Chúa Thánh Thần, có câu: “Thánh Thần khấn xin Ngài đến, hồn con đang mong chờ Ngài... Ngài ơi, xin Ngài mau đến chiếu sáng tối tăm u mê sai lầm, Ngài ơi xin Ngài mau đến hiển linh Ngài ơi”. Lời khuyên thứ hai của bài Tin Mừng hôm nay là chúng ta phải nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng thì mới thấy rõ và đúng những sai lầm của mình.

6. Ngày nay, qua tiếng nói Lương tâm và nơi các dấu chỉ, Chúa Thánh Thần vẫn đang hoạt động và thúc dục mỗi người biết làm lành lánh dữ. Tuy nhiên, vì còn mang nặng tính tự kiêu, ích kỷ và bảo thủ, nên nhiều khi chúng ta đã bỏ qua tiếng nói của Lương tâm, không đón nhận Chúa Thánh Thần vì lý do sợ Chân lý, sợ Sự thật. Như thế, đôi khi vẫn cứ đi sai đường trệch lối mà không biết, nhưng cũng không thiếu những lúc ta cố tình không chịu biến đổi, dẫu biết điều đó là không đúng, là sai.

Vì thế, việc hồi tâm là điều cần thiết. Bởi lẽ, trong thinh lặng nội tâm, Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta biết được đâu là điều tốt nên làm và đâu là điều xấu nên tránh.

7. Truyện: Con hiểu làm sao được.

Chú bé bị mù từ bẩm sinh. Nhờ cuộc giải phẫu, mắt chú được trông thấy những cảnh vật chúng quanh sao mà đẹp thế. Chú liền nói với mẹ: “Sao bao lâu nay mẹ không nói cho con hay đất trời đẹp quá”. Bà mẹ bật khóc nói: “Con ạ, mẹ đã cố gắng nói cho con hay đấy chứ, nhưng lúc đó con làm sao hiểu được”!

Nếu Thánh Linh không gỡ màn che, mở con mắt tâm linh cho ta, thì ta cũng chẳng thấy sự hiện diện của Chúa (Góp nhặt).

 

Suy niệm 8: Chúa Thánh Thần là Đấng tố cáo thế gian

(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

Phân tích

Tiếp theo bài giáo lý về Chúa Thánh Thần: Chúa Thánh Thần là Đấng tố cáo thế gian.

Vì là Thần chân Lý, Chúa Thánh Thần sẽ tố cáo thế gian về tất cả những gì sai lầm của nó:

“Về tội lỗi”: người Do Thái coi Chúa Giêsu là kẻ lộng ngôn phạm thượng, Chúa Thánh Thần sẽ chứng minh Chúa Giêsu là Đấng công chính của Thiên Chúa.

“Về án phạt”: Thượng hội đồng Do Thái đã xử án chết cho Chúa Giêsu và nhiều người Do Thái cho rằng án xử ấy là đúng bởi vì được xử bởi một cơ quan có thẩm quyền. Chúa Thánh Thần sẽ chứng minh án xử đó là bất công.

Suy gẫm

1. Trong bài Tin Mừng hôm qua, Chúa Giêsu nói Chúa Thánh Thần là Parakletos của các tông đồ và của chúng ta. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho biết tiếp một vai trò nữa của Chúa Thánh Thần: Ngài là “kẻ chứng minh thế gian sai lầm,” nghĩa là vạch cho con người thấy những sai lầm của mình.

Chúa Thánh Thần sẽ vạch cho thấy 3 thứ sai lầm:

Sai lầm thứ nhất là “về tội lỗi”: đối với người Do Thái xưa, đó là tội đã không tin Chúa Giêsu, còn đối với chúng ta ngày nay, chúng ta đã tin Chúa nhưng nhiều khi chúng ta không sống xứng đáng là môn đệ Chúa. Mỗi người đều có tội, đều có nhiều tội, nhưng lắm khi tự mình không thấy tội mình, do đó cần phải có người vạch ra cho ta thấy, người đó là Chúa Thánh Thần.

Sai lầm thứ hai là “về sự công chính”: Đối với người Do Thái, họ đã không nhìn nhận Chúa Giêsu là Đấng công chính nên đã giết Ngài. Đối với chúng ta ngày nay, đây là thứ sai lầm khi nhận định về Chúa. Rất nhiều khi chúng ta nhận định sai về Chúa: bóp méo hình ảnh của Chúa theo sở thích chủ quan của mình. Thí dụ:

- Kẻ cố chấp miệt mài trong tội thì dựa vào quan niệm Thiên Chúa là Đấng nhân hậu vô cùng;

- Kẻ khắt khe hay lên án người khác thì dựa vào quan niệm Thiên Chúa là Đấng công minh nhất định sẽ trừng phạt người tội lỗi;

- Kẻ đang dan díu trong tình yêu ngang trái thì cái phao của họ là “Thiên Chúa là tình yêu” để tự an ủi: Yêu nhau thì có tội gì đâu…

Sai lầm thứ 3 là “về việc xét xử”: ngày xưa Thượng hội đồng Do Thái đã xử án chết cho Chúa Giêsu và nhiều người Do Thái cũng cho rằng án ấy là đúng bởi vì được xử bởi một cơ quan có thẩm quyền. Đây là một thứ sai lầm do dự và do dư luận. Chúng ta ngày nay nhiều khi cũng dựa vào dư luận để có thành kiến không đúng về người khác.

2. Một nguyên tắc triết lý cơ bản là “Errare humanum est” nghĩa là đã là người thì thế nào cũng có sai lầm. Cho nên nhận ra những sai lầm của mình là một điều cần thiết và rất hữu ích để còn có thể sửa sai, để ngày càng hoàn thiện chính mình. Từ đó lời khuyên thứ nhất của đoạn Tin Mừng này là mỗi người chúng ta hãy khiêm tốn ý thức mình không phải là hoàn hảo, mình còn nhiều sai lầm, mình cần tự nhận ra những sai lầm ấy.

Trong bài hát về Chúa Thánh Thần có câu: “Thánh Thần khấn xin ngự đến, hồn con đang mong chờ Ngài… Ngài ơi xin Ngài hãy đến chiếu sáng thế gian u mê sai lầm, Ngài ơi mau đến hiển linh Ngài ơi.” Lời khuyên thứ hai của bài Tin Mừng hôm nay là chúng ta phải nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng thì mới thấy rõ và đúng cái sai lầm của mình.

3. Chú bé bị mù từ bẩm sinh. Nhờ cuộc giải phẫu, mắt chú dần dần sáng ra. Ngày nọ, mẹ dẫn chú ra đường và mở mắt che, chú say sưa ngắm nhìn trời đất. Chú kêu lên: “Mẹ ơi, sao bao lâu nay mẹ không nói cho con hay đất trời đẹp như thế này.” Bà mẹ bật khóc nói: “Con ạ! Mẹ đã cố gắng nói cho con hay đấy chứ, nhưng lúc đó con làm sao hiểu được.”

Nếu Thánh Linh không gỡ màn che, mở con mắt tâm linh cho ta, thì ta cũng chẳng thấy sự hiện diện của Chúa.

 

Suy niệm 9: Chúa Thánh Thần là Đấng chứng minh thế gian sai lầm

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Trong bài Tin Mừng hôm qua, Chúa Giêsu nói Chúa Thánh Thần là Parakletos (Đấng Bào chữa) của các tông đồ và của chúng ta. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho biết thêm một vai trò khác nữa của Chúa Thánh Thần: Ngài là “kẻ chứng minh thế gian sai lầm”, nghĩa là vạch cho con người thấy những sai lầm của mình.

Chúa Thánh Thần sẽ vạch cho ta thấy 3 thứ sai lầm:

- Sai lầm thứ nhất là “về tội lỗi”: Với người Do Thái xưa là tội đã không tin Chúa Giêsu, với chúng ta ngày nay, là tin nhưng không sống xứng đáng với niềm tin của mình.

- Sai lầm thứ hai là “về sự công chính”:

Với người Do Thái xưa là tội không nhìn nhận Chúa Giêsu là Đấng công chính nên đã giết Ngài. Với chúng ta ngày nay, là nhiều khi chúng ta có những ý nghĩ sai về Chúa, bóp méo hình ảnh của Chúa theo sở thích chủ quan của mình. Thí dụ kẻ cố chấp miệt mài trong tội thì dựa vào quan niệm Thiên Chúa là Đấng nhân hậu vô cùng; kẻ khắt khe hay lên án người khác thì dựa vào quan niệm Thiên Chúa là Đấng công minh nhất định sẽ trừng phạt người tội lỗi; kẻ đang dan díu trong tình yêu ngang trái thì cái phao của họ là “Thiên Chúa là tình yêu” để tự an ủi: Yêu nhau thì có tội gì đâu…

- Sai lầm thứ 3 là “về việc xét xử”: xưa thượng hội đồng Do Thái lên án xử tử Chúa và nhiều người Do Thái cũng cho rằng, án ấy là đúng bởi vì được xử bởi một cơ quan có thẩm quyền. Đây là một thứ sai lầm dựa vào dư luận. Còn chúng ta ngày nay là nhiều khi chúng ta dựa vào những dư luận sai lầm để có thành kiến không đúng về người khác.

2. Cái nguy của ngày xưa cũng như ngày nay là nhiều người không nhận ra được những sai lầm của mình.

Trong những câu chuyện của người Da Đỏ xưa tại Châu Mỹ người ta còn giữ lại câu chuyện này.

Có một anh nông dân chất phác nọ, ngày kia lượm được quả trứng chim phượng hoàng. Lòng tốt thôi thúc anh đi tìm tổ chim phượng hoàng để trả lại. Không tìm được, anh đem trứng đó đặt vào ổ vịt. Vịt nở trứng và trứng phượng hoàng cũng nở. Phượng hoàng con sống giữa đàn vịt, lặn lội trong nước, ăn uống, đi đứng, kêu cạp cạp... tất cả đều giống như bao con vịt chung quanh.

Phượng hoàng con không bao giờ đặt vấn đề mình là ai. Nó cứ nghĩ, mình là vịt như bao con vịt khác và hành động giống như vịt vậy. Ngày này qua ngày khác, phượng hoàng con sống kiếp vịt! Nhưng một ngày kia, trong một lần đi ăn chung với các bạn, phượng hoàng con bỗng nhìn lên trời và thấy một phượng hoàng nghiêng cánh bay lượn qua lại... Phượng hoàng ở dưới đất bỗng cảm thấy mình như muốn bay lên cao, bay nghiêng như vậy. Nhưng khi nó vừa vỗ cánh muốn bay lên cao thì mấy con vịt đứng bên cạnh mắng nó rằng:

- Đừng làm kiểu muốn bắt chước kẻ khác. Mày chỉ là một con vịt mà thôi, không thể bay cao như con phượng hoàng đang bay lượn trên kia được đâu.

Thế là con phượng hoàng lạc loài sống và chết trong xác tín sai lầm: “Mình chỉ là con vịt”

Thái độ của chúng ta đối với chính mình nhiều khi cũng như thế. Mình sai nhưng không biết là mình sai, không thấy được cái sai lầm của mình.

3. Và còn có một thái độ nguy hiểm hơn nữa đó là nhiều khi đã được soi sáng để nhận ra những sai lầm của mình nhưng lại không dám đối mặt với chúng và không dám can đảm sửa lại.

Nhà hiền triết Mạnh Tử sang nước Tề. Một hôm nhân cuộc nói chuyện thân tình, ngài đánh bạo hỏi vua Tề Tuyên Vương mấy câu:

- Giả sử có người bầy tôi nhà vua đem đời sống của vợ con gửi gắm một người bạn thân, nhờ trông nom giúp để sang chơi nước Sở có việc. Tới khi về mới hay bạn để vợ con mình đói rét, người ấy phải xử trí thế nào?

Tuyên Vương đáp:

-Tuyệt giao ngay.

Mạnh Tử lại hỏi:

- Giả sử có người làm quan sĩ sư (coi việc hình ngục) không chăm nom mỗi thuộc viên để hình ngục sai lầm, công việc lộn xộn, nhà vua xử sao?

- Đuổi cổ đi!

Mạnh Tử luôn dịp hỏi thêm một câu nữa:

- Thế làm vua một nước mà không lo việc triều chính để đến nỗi ở trong nước không bình trị thì trách nhiệm về ai và nên xử ra sao?

Tề Tuyên Vương nghe nói, ngoảnh ngay sang tả hữu, nói lảng qua việc khác, vừa có ý chữa thẹn, vừa tránh không trả lời.

Giả như Chúa hỏi chúng ta “Thế làm cha… làm mẹ một gia đình mà không lo cho gia đình để đến nỗi gia đình không còn giữ được thế giá gia phong, không còn giữ được phẩm chất đạo đức của gia đình nữa thì trách nhiệm về ai và nên xử ra sao?

Lạy Chúa, trong cuộc đời đã có nhiều lần Chúa soi sáng cho chúng con nhưng chúng con cũng giả điếc làm ngơ như thế. Xin Chúa tha thứ cho chúng con. Amen.

 

Bài cùng chuyên mục:

+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,309)

CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.

Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,029)

Thứ Bảy tuần 33 thường niên.

Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,669)

Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,389)

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.

Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,800)

Thứ Tư tuần 33 thường niên.

Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,796)

Thứ Ba tuần 33 thường niên.

Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,895)

Thứ Hai tuần 33 thường niên.

+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,134)

CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.

Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,566)

Thứ Bảy tuần 32 thường niên.

Thứ Sáu 15/11/2024 – Thứ Sáu tuần 32 thường niên. – Sống trong ngày của Chúa. (14/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,956)

Thứ Sáu tuần 32 thường niên.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7