Lời chúa mỗi ngày

Thứ Ba 22/02/2022 – Thứ Ba tuần 7 thường niên. – LẬP TÔNG TOÀ THÁNH PHÊRÔ. Lễ kính. – Tảng đá Phêrô.

  • In trang này
  • Lượt xem: 7,160
  • Ngày đăng: 21/02/2022 08:00:00

 Tảng đá Phêrô.

22/02 – Thứ Ba tuần 7 thường niên.  – LẬP TÔNG TOÀ THÁNH PHÊRÔ. Lễ kính.

"Con là Ðá, Cha sẽ trao cho con chìa khoá nước trời". 

 

* Được đặt trong nhà thờ chính toà của giáo phận, toà của một vị giám mục là dấu chỉ quyền dạy dỗ, quyền hiến tế và quyền lãnh đạo của giám mục.

Lễ kính Tông toà thánh Phêrô nhắc chúng ta nhớ lại sứ mạng Chúa Kitô đã trao phó cho vị thủ lãnh các Tông Đồ. Nhờ đặc ân không sai lầm, thánh Phêrô là người bảo đảm đức tin của các anh em trong Tông Đồ đoàn. Lòng tin của thánh Phêrô là đá tảng, trên đó Chúa đã xây Hội Thánh của Người

 

Lời Chúa: Mt 16, 13-19

Khi ấy, Chúa Giêsu đến miền Xêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: "Người ta bảo Con Người là ai?"

Các ông thưa: "Kẻ thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một trong các tiên tri!"

Chúa Giêsu nói với các ông: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?"

Simon Phêrô thưa rằng: "Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống".

Chúa Giêsu trả lời rằng: "Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo con biết: Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy niệm 1: Trên tảng đá này

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Simon là khuôn mặt nổi bật trong nhóm Mười Hai.

Ông thuộc nhóm những môn đệ đầu tiên theo Ðức Giêsu,

và là một trong ba môn đệ thân tín nhất.

Ông có mặt lúc Chúa hiển dung và trong Vườn Dầu.

Ông thường là phát ngôn viên của cả nhóm (x. Mt 19,27).

Ðức Giêsu phục sinh đã hiện ra cho ông trước tiên (1Cr 15,5),

và giao cho ông chăn dắt đoàn chiên của Ngài (Ga 21,15-17).

Simon có bản tính bộc trực, hăng hái.

Vì quá tin vào sức mình, ông đã sa ngã, chối Chúa.

Bất chấp những yếu đuối và giới hạn của Simon,

Ðức Giêsu vẫn chọn ông đứng đầu nhóm Mười Hai,

và làm nền tảng cho Hội Thánh của Ngài.

Ngài đặt cho Simon một tên mới là Phêrô,

tiếng Aram gọi là Kêpha, nghĩa là Tảng Ðá.

Tên mới này phản ánh sứ mạng Chúa giao cho ông.

Phêrô được tuyên bố là người có phúc,

vì ông đã được Cha trên trời cho biết Ðức Giêsu là ai.

Ông đã tin tưởng đón nhận mạc khải ấy.

“Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.”

Ðó là lời tuyên xưng đức tin của Phêrô.

Nhưng ông không chỉ tuyên xưng đức tin của mình,

ông còn tuyên xưng tình yêu nữa:

“Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy.”

Với niềm tin-yêu vào Ðức Giêsu,

Phêrô sẵn sàng chia sẻ sứ mạng Mục Tử của Ngài,

sẵn sàng hiến mình vì đoàn chiên.

Quả thực, Phêrô đã giang tay chịu chết như Thầy Giêsu,

đã theo Thầy và đến nơi mình không muốn đến.

Chúng ta ngỡ ngàng trước sự tin tưởng của Ðức Giêsu.

Ngài cho Phêrô được chia sẻ trách nhiệm với Ngài.

dù ông chỉ là một ngư phủ bình thường, ít học.

Chỉ mình Ðức Giêsu mới là Nền Tảng (x. 1Pr 2,4-5),

nhưng Phêrô cũng được làm nền cho Hội Thánh.

Chỉ mình Ðức Giêsu nắm giữ chìa khóa (x. Kh 3,7),

nhưng Phêrô cũng được trao chìa khóa Nước Trời.

Nếu Phêrô có quyền giáo huấn,

quyền thánh hoá và quản trị Hội Thánh,

thì chỉ nhằm mục đích là phục vụ Dân Chúa.

Hội Thánh đã gặp biết bao khó khăn trong dòng lịch sử.

Không phải chỉ là những cuộc bách hại đẫm máu,

mà còn là những chia rẽ, tranh chấp nội bộ,

những sa sút trầm trọng vì chạy theo thế gian.

Hôm nay, Hội Thánh cũng gặp khó khăn không ít,

khi nhiều người bỏ nhà thờ, bỏ đức tin,

khi ơn gọi giảm sút ở nhiều nơi,

khi Ðức Thánh Cha bị công kích?

Ước gì mỗi người chúng ta ở lại và yêu mến Hội Thánh,

cải tổ và canh tân Hội Thánh

bằng việc canh tân chính bản thân mình.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,

chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon,

một người đánh cá ít học và đã lập gia đình,

để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.

Chúa xây dựng Giáo Hội

trên một tảng đá mong manh,

để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.

Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con

theo Chúa, sống cho Chúa,

đặt Chúa lên trên mọi sự:

gia đình, sự nghiệp, người yêu.

Chúng con chẳng thể nào từ chối

viện cớ mình kém đức kém tài.

Chúa đưa chúng con đi xa hơn,

đến những nơi bất ngờ,

vì Chúa cần chúng con ở đó.

Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon,

bỏ mái nhà êm ấm để lên đường,

hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa. Amen.

 

Suy niệm 2: Nền tảng đức tin của thánh Phêrô

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu thiết lập Hội Thánh trên nền tảng đức tin của thánh Phêrô. Ngài được Chúa đặt làm thủ lãnh của Hội Thánh. Hiệp thông cùng Hội Thánh có nghĩa là phải hiệp thông với thánh Phêrô và người kế vị là Đức Thánh Cha.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, cùng với thánh Phêrô, con tuyên xưng Chúa là Đấng Cứu Thế, là Con Chúa Cha hằng sống. Con thấy mình thật có phúc vì được biết Chúa, tin Chúa và đi theo Chúa, thật có phúc vì được sống trong Hội Thánh của Chúa. Con cảm tạ Chúa.

Lạy Chúa, trải qua hai ngàn năm, Hội Thánh Chúa bước đi giữa muôn ngàn bách hại, cám dỗ, thử thách và đau thương. Có những lúc Hội Thánh tưởng chừng như tiêu tan, hoặc sa lầy hay quỵ ngã. Nhưng cho tới hôm nay, Hội Thánh của Chúa vẫn còn đó giữa lòng thế giới để trở nên dấu chỉ tình thương cứu độ của Chúa. Con tin Chúa vẫn hiện diện và nâng đỡ Hội Thánh như lời Chúa đã hứa. Xin Chúa làm cho Hội Thánh luôn vững tin vào sức mạnh của Chúa.

Con xác tín rằng Chúa là Con Thiên Chúa hằng sống. Chỉ mình Chúa có đủ quyền năng cứu độ thế giới, chỉ có Phúc Âm Chúa là ánh sáng dẫn dắt nhân loại tới hạnh phúc đích thực. Vì thế, xin Chúa giúp con trung thành với Chúa, với Hội Thánh, bằng cách tuân theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Cha là người thay mặt Chúa trên trần gian. Con đường của Chúa và Hội Thánh thật khác với lối đi của trần gian, nhưng con tín nhiệm vào Chúa và vào giáo huấn của Hội Thánh. Con cầu nguyện xin Chúa ban cho Đức Thánh Cha niềm tin sắt đá, lòng cậy trông vững vàng. Amen.

Ghi nhớ: “Con là Ðá, Cha sẽ trao cho con chìa khóa nước trời”.

 

Suy niệm 3: Hiểu biết về Chúa Giêsu

(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Tin Mừng cho thấy 3 mức độ hiểu biết về Chúa Giêsu:

1. Mức độ của dân chúng: Nếu chỉ thấy những việc Chúa Giêsu làm và nghe những lời Ngài dạy mà không suy nghĩ thêm thì người ta chỉ biết Ngài là một ngôn sứ thôi.

2. Mức độ của Phêrô: Được ơn Chúa soi sáng, thánh Phêrô hiểu Chúa Giêsu là Đức Kitô Con Thiên Chúa. Nhưng nếu ơn soi sáng của Thiên Chúa không có sự hợp tác là sự “đi theo” của con người thì dù có hiểu biết Chúa Giêsu, con người vẫn có thể phản đối và cản bước Thiên Chúa.

3. Mức độ Chúa Giêsu đòi hỏi nơi người môn đệ: Hiểu biết Chúa Giêsu cộng thêm sự từ bỏ và vác thập giá đi theo Ngài.

Tôi hiểu biết Chúa Giêsu tới mức độ nào?

- Coi Ngài là một ngôn sứ. Do đó tôi chỉ liên hệ với Ngài để xin ơn?

- Coi Ngài là Đức Kitô Con Thiên Chúa, là lẽ sống đời tôi, nhưng lại sợ khó, ngại khổ?

- Sẵn sàng bỏ tất cả và vác thập giá đi theo Ngài?

“Con là đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”

Chúng ta hãy cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng và cho Giáo Hội.

Chúng ta có nhiều cách để khước từ thập giá: khi không tiếp nhận cuộc sống như một ơn ban, khi chỉ bị quay nhìn về các biến cố và con người, khi bán đứng lương tâm vì chút lợi lộc vật chất, khi đóng kín niềm tin trong các buổi phụng vụ mà quên rằng sống đạo là sống niềm tin Kitô trong từng phút giây cuộc sống.

Ngày kia, Hoàng đế của một vương quốc lớn đã mời gọi các nghệ sĩ từ nhiều nước đến dự cuộc thi “mô tả chân dung hoàng đế”. Các nghệ sĩ Ấn Độ đến với đầy đủ dụng cụ và các thứ đá hoa kim cương quí nhất. Các nghệ sĩ Ai cập thì mang đến đủ thứ đồ nghề và một khối cẩm thạch hảo hạng. Sau cùng người ta rất nhạc nhiên khi thấy phái đoàn Hy Lạp chỉ mang vỏn vẹn một gói thuốc đánh bóng.

Mỗi phái đoàn dự thi trong một căn phòng đặc biệt của cung điện. Khi thời gian đã hết, Đức vua cho trưng bày các tác phẩm tranh giải. Ông hết sức khen các bức chân dung của chính mình do các nghệ sĩ Ấn Độ và Ai cập tạc nên. Sau cùng đến phòng trưng bày của người Hy Lạp, Hoàng đế chỉ thấy duy nhất một bức tường đã được đánh bóng đến độ khi Hoàng đế nhìn vào ông thấy khuôn mặt của mình hiện ra từng nét. Và phái đoàn Hy Lạp đã đoạt giải nhất trong cuộc thi đó.

Sứ mệnh căn bản của mỗi kitô hữu là hoạ lại dung nhan của Đức Kitô nơi cuộc sống và tâm hồn của mình. Để đạt được điều đó, chúng ta phải đục đẽo, phải loại bỏ tất cả những gì là gồ ghề, thô nháp, những thói hư tật xấu và phải cầu xin để có một đức tin vững mạnh.

Ông Simon Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống”.

Hằng ngày tôi phải đối mặt với biết bao vấn đề, biết bao chuyện mà Thiên Chúa đòi tôi phải làm chứng cho Ngài. Trước bao vấn đề cần sự can thiệp của tôi: kỷ luật trong lớp học, dàn hoà một cuộc cãi nhau hay một xích mích, giúp đỡ kẻ nghèo... Tôi chỉ biết suy nghĩ tìm hết cách giải quyết này đến cách giải quyết khác. Tất cả chỉ là những lý tưởng, vì chúng chỉ lẩn quẩn trong đầu tôi mà không thể đi tới hành động.

Ông Phêrô đã tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống, nhưng khi chối Chúa ba lần, ông đã không dám dấn thân đến cùng cho niềm tin. Và đức tin không có việc làm là đức tin chết!

Khi xưa Chúa nói với Phêrô: “Anh là Tảng Đá”. Hôm nay nghe lại đoạn Tin Mừng này tôi cảm thấy như Chúa nói với tôi. Mỗi viên đá đều góp phần tạo nên nền móng cho ngôi nhà.

Bé nhỏ, yếu hèn và bất lực, tôi lo sợ viên đá của mình có lúc sẽ vỡ tan. Đó là lúc tôi đánh mất chính mình trong bổn phận hằng ngày.

Thánh Phêrô đã tuyên xưng niềm tin của mình bằng trọn cả tấm lòng của một con người đã từng đi theo Chúa, sống gắn bó với Chúa. Niềm tin được diễn tả bằng trải nghiệm chứ không bằng lời nói suông, bằng con tim cảm mến chứ không bằng trí hiểu. Giờ này nếu Chúa đến hỏi bạn và tôi cũng một câu tương tự, chúng ta sẽ trả lời ra sao?

 

Suy niệm 4: Lập Tông tòa Thánh Phêrô

(Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Đức Giêsu nói về ngày Ngài sẽ trở lại vũ trụ để phán xét mọi người. Ngày đó ta quen gọi là ngày cánh chung hay ngày tận thế. Trong bài Tin mừng Đức Giêsu gợi lên hình ảnh của toà phán xét cuối cùng, để dạy chúng ta sống tinh thần tương thân tương ái với hết mọi người. Đó cũng là tinh thần Mùa Chay đích thực mà Giáo hội mời gọi chúng ta.

Trong ngày tận thế, Thiên Chúa sẽ phân chia loài người thành hai nhóm và Chúa ra ví dụ như người mục tử tách chiên ra khỏi dê. Ban ngày người mục tử có thể chăn dắt chiên và dê lẫn lộn với nhau, nhưng đêm đến ông ta phải tách ra, dê để một nơi và chiên một nơi.

Cũng thế, trong cuộc sống hôm nay, nơi trần gian này, Chúa để người lành kẻ dữ, người công chính và kẻ tội lỗi sống chung lẫn lộn với nhau, nhưng trong ngày tận thế, Chúa sẽ tách ra để người lành được hưởng an vui hạnh phúc, còn người tội lỗi phải vào chốn cực hình muôn đời.

Trong ngày phán xét, Chúa chỉ xét xử dựa trên cách chúng ta cư xử với tha nhân mà thôi. Nếu chúng ta khước từ tha nhân, thì tức là chúng ta khước từ chính Chúa Giêsu, và như vậy Ngài cũng chối bỏ chúng ta trong ngày phán xét. Trái lại, mỗi hành động yêu thương mà chúng ta thực thi cho tha nhân cũng chính là một tiếp đón chúng ta dành cho Ngài và Ngài cũng căn cứ vào đó để tiếp đón chúng ta trong ngày phán xét.

Qua mọi thời, Đức Giêsu vẫn luôn hoà đồng với kẻ khốn cùng, những kẻ ngửa tay xin lòng trắc ẩn của nhân loại. Ngài ở trong các anh em bé mọn nhất, những người mù chữ, những trẻ em đường phố, những người bệnh tật lây lất khắp xóm chợ, những người bị suy sụp tinh thần được chia sẻ được yêu thương. Lòng yêu thương kéo sự hiện diện của Thiên Chúa nơi con người, và làm thế giới được tồn tại trong tình yêu như Fyodor Dostoyevky đã cảm nhận: “Lòng trắc ẩn là quy luật chính yếu của sự tồn tại con người”.

Vì thế, chúng ta hiểu vì sao những tấm lòng mang tinh thần bác ái được đứng vào hàng ngũ của những kẻ bên phải trong ngày phán xét chung. Ngày chung cuộc theo Tin mừng, những ai sống trong yêu thương chia sẻ được đón vào Vương quốc vĩnh cửu tình yêu với Đức Kitô.

Lòng yêu thương chân thật phải được thể hiện trong đời sống thực tế chứ không trừu tượng. Bác ái cần hành động chứ không phải lý thuyết suông. Chúa kể ra sáu tình cảnh rất thực tế và là nhu cầu thiết yếu của cuộc sống chứ không phải chuyện cao xa trừu tượng: đói, khát, khách lạ, đau yếu, trần truồng, tù đầy. Nghĩa là đối tượng chúng ta nhắm đến là những thân phận đang cần chúng ta hơn hết. Điều đặc biệt hơn cả là Đức Giêsu đồng hóa mình trong những thân phận bất hạnh đó. Những tình cảnh của những con người đau khổ kia lại là hiện thân của Đức Giêsu và là cơ hội cho chúng ta gặp Chúa: ”Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính ta vậy” (Vinh Sơn).

Như vậy chúng ta thấy Đức Giêsu đặt trước chúng ta một chân lý tuyệt diệu: là tất cả mọi sự giúp đỡ hay không giúp đỡ, chúng ta làm hay không làm cho anh em mình là làm hay không làm cho chính Ngài.

Chị Chiara Lubich, người sáng lập phong trào Focolare chủ trương sống tinh thần Tin mừng, chia sẻ một kinh nghiệm sống như sau: coi những kẻ đang đau khổ là hình ảnh Chúa Giêsu đang bị bỏ rơi trên Thập giá. Cũng như Chúa Giêsu bị bỏ rơi rất cần người an ủi giúp đỡ, ta cũng hãy giúp đỡ ủi an những kẻ đau khổ ấy.

Truyện: Tìm thấy Chúa trong tha nhân

Một đêm trăng nọ, nhìn qua cửa sổ, một tu sĩ già bỗng nhìn thấy một thiên thần đang ngồi viết trên một cuốn sách vàng. Lòng tràn ngập hân hoan, vị tu sĩ rón rén đến gần và lên tiếng hỏi:

- Ngài đang viết gì trong quyển sách này thế?

- Ta đang ghi danh những ai yêu mến Thiên Chúa.

Vừa lo lắng vừa hồi hộp, vị tu sĩ mới hỏi xem tên mình có trong sách không. Thiên thần giở từng trang, chăm chú đọc từng hàng, nhưng không thấy tên ông. Thế nhưng điều đó không làm cho tu sĩ thất vọng. Ông nói với thiên thần:

- Xin Ngài vui lòng ghi tên tôi như một thầy dòng lúc nào cũng yêu mến tha nhân.

Thiên thần chiều ý ông. Thế là tên ông được ghi vào sổ vàng.

Sau khi vị tu sĩ già qua đời, xem lại nhật ký của ông, người ta thấy dòng chữ đầu tiên trong nhật ký chính là câu trích dẫn thư 1Ga 4,20: “Nếu ai nói mình yêu mến Chúa mà lại ghét anh em mình thì đó là kẻ nói dối, vì kẻ không yêu mến người anh em nó thấy đó tất không thể yêu mến Thiên Chúa mà nó không thấy”.

Tiếp theo lời trích dẫn vị tu sĩ ghi chú: “Tôi đi tìm kiếm linh hồn tôi, nhưng tôi không thấy; tôi đi tìm Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa vượt thoát khỏi tôi; tôi đi tìm người anh em, tôi đã gặp được Thiên Chúa và linh hồn tôi” (Mỗi ngày một tin vui).

 

Suy niệm 5: Sứ mệnh Chúa giao phó cho Phêrô

(Lm. Giuse Đinh Tất Quý)

I. Hôm nay Giáo Hội kính nhớ việc Lập Tông Tòa Thánh Phêrô.

Việc này làm cho chúng ta nhớ đến sứ mệnh Chúa Kitô đã giao phó cho Phêrô. Chúa đã đặt Phêrô làm đầu Giáo Hội là để củng cố niềm tin của chúng ta đối với vị Chủ Chăn. Phụng Vụ hôm nay làm nổi bật lên đức tin mạnh mẽ của Phêrô. Chính đức tin này đã khiến cho Phêrô trở thành đá tảng để trên đó Chúa xây dựng Giáo Hội của Ngài.

Đàng khác, qua Phêrô Chúa tiếp tục chăn dắt đoàn chiên của Ngài. Bằng Lời hằng sống Chúa tiếp tục xây dựng sự hiệp nhất giữa các kitô hữu, làm sao cho mọi người đã chịu phép Rửa Tội cùng được tham dự vào việc chia sẻ với nhau một bánh thánh và cùng uống chung với nhau một chén thánh.

Đây cũng chính là sứ mệnh của các vị kế tiếp Phêrô trên ngai tòa giám mục của thành Roma. Bởi vậy mừng lễ hôm nay chúng ta cùng cầu xin Chúa cho đức giáo hoàng nên “nguyên lý và nền tảng hữu hình hợp nhất toàn dân kitô hữu trong một đức tin và cùng một mối hiệp thông”.

II. BÀI HỌC

Dựa vào tâm tình và ý nghĩa của ngày lễ mà chúng ta vừa nói trên, chúng ta thấy:

1. Người kitô hữu là người có phước vì được vinh dự làm con Chúa qua bí tích Rửa tội.

Idaho người Ấn Độ mới trở lại công giáo và đã được chịu phép rửa tội. Lần kia có người vô thần hỏi:

- Anh là người Kitô hữu, vậy anh có biết gì về Đức Kitô không?

Người tân tòng trả lời tôi có biết.

Người vô thần hỏi thêm:

- Đức Kitô sinh vào năm nào?

Người tân tòng trả lời ấp úng. Người vô thần lại hỏi thêm:

- Đức Kitô chết lúc bao nhiêu tuổi?

Người tân tòng cũng trả lời trật lơ. Nghe thế người vô thần mới bảo:

- Như vậy thì anh có biết gì về Chúa Giêsu đâu?

Anh tân tòng thưa:

- Tôi biết ít lắm, nhưng tôi biết chắc điều này, là hai năm trước đây tôi say xỉn, cờ bạc, nằm đường nằm chợ, lười biếng làm việc. Hai năm trước đây, vợ tôi rất ít mỉm cười, con cái sợ sệt khi gặp tôi. Nhưng ngày nay, tôi là người đàn ông tiết độ, chịu khó làm việc, nên đã nuôi sống gia đình, lại còn đủ tiền mua một căn nhà mới. Ngày nay vợ tôi tươi cười, con cái vui vẻ quấn quít tôi. Chính đức Kitô đã làm cho tôi tất cả những điều ấy. Như vậy mà ông bảo tôi không biết rõ Đức Kitô là Chúa Cứu thế sao. Ngài đã chữa thế gian cho khỏi tội, và Ngài đã cứu chính tôi trước.

Hãy nhớ đến ngày lãnh bí tích rửa tội của mình, để cảm tạ Thiên Chúa đã đoái thương nhận chúng ta, nhận chúng ta vào số những người con cái của Chúa và đồng thời hãy ôn lại lời hứa từ bỏ mà chúng ta đã hứa với Chúa trong ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội để biết sống xứng đáng với ơn Chúa mỗi ngày.

2. Chúa đã trao quyền cai trị Hội Thánh cho Phêrô. Chúng ta hãy tin tưởng vào những việc Chúa làm.... chúng ta hãy tỏ bày lòng kính mến và vâng phục các vị bản quyền bằng cách thực thi mọi giáo huấn của Hội Thánh và góp phần mình vào việc xây dựng Hội Thánh địa phương cũng như hoàn cầu.

3. Và cuối cùng phải tin tưởng vào sự vững bền của Giáo Hội. Trên Phêrô và trên đức tin của ông, Chúa Giêsu xây Hội Thánh của Người, không một quyền lực nào có thể phá nổi, cho đến khi Con Người lại đến. Vậy phải tin tưởng vào sự vững bền của Giáo Hội trong những lúc thịnh vượng cũng như những lúc bị bách hại hay gặp khó khăn.

Trong một bữa cơm thân mật, có người hỏi Đức ông Polgallo:

- Đức ông là người thân cận Đứa Thánh Cha, vậy có điều gì nơi Đức Thánh Cha đánh động Đức ông hơn cả?

- Dĩ nhiên Đức Thánh Cha Phaolô VI là một vị Giáo Hoàng rất thông minh và thánh thiện. Nhưng riêng tôi, điều làm cho tôi cảm kích hơn cả nơi ngài là lòng ngài muốn hy sinh vì yêu Hội thánh. Mỗi khi hòa mình vào đám đông ở Bombay, ở Manila chẳng hạn, hầu như ngài quên tất cả Ngài để cho mọi người lôi kéo. Chúng tôi, những kẻ có nhiệm vụ bảo vệ ngài, phải lắm phen cực nhọc... Nên những lúc thân mật cha con, chúng tôi vẫn thưa với ngài: “Thưa Đức Thánh Cha, chúng con thấy Đức Thánh Cha vất vả quá với muôn ngàn lo âu, thức khuya dậy sớm, lắm phen nguy hiểm đến tính mạng. Đức Thánh Cha để cho đám đông lạ mặt lôi kéo mình như thế, chúng con ngăn cản bảo vệ không nổi. Xin Đức Thánh Cha giữ gìn sứcc khỏe cho”. Nhưng mỗi lần như thế, ngài đều đáp lại với chúng tôi như một điệp khúc nhỏ nhẹ, dịu dàng: “Tất cả vì Hội thánh! Vì Hội thánh!”  Nhiều khi chúng tôi mệt lả, ngao ngán, nhưng nhớ đến câu nói của ngài, chúng tôi phải vươn lên theo ngài, không thể bỏ ngài, và cảm phục kính mến ngài hơn!

 

Suy niệm 6: Phêrô, con người trong sáng

Người ta nhớ rằng trong Tin Mừng người được nghe thấy luôn luôn chính là Phêrô. Ngài còn để lại hai bức thư, rất ngắn, trong công vụ tông đồ 14 chương đầu nói về Phêrô. Sau công đồng Giê-ru-sa-lem, Luca không nói về Phêrô nữa, phần còn lại dành cho Phaolô.

Biết Đức Giê-su...

Phaolô là nhà luân lý như trong thư Ngài viết, vì Ngài là biệt phái trung thành. Còn Phêrô trong các bài diễn văn như Luca kể lại, Ngài chỉ nói về Đức Giê-su và về Đức Giê-su Phục Sinh.

Phaolô trong những thư Ngài viết, dù bị chi phối về những bài giảng mà Ngài nghe, Ngài vẫn có những trực giác do ân sủng Ngài lãnh nhận.

Nhưng Phêrô còn những hung hăng, mãnh liệt lại bước nhịp nhàng theo chân Đức Ki-tô, Phêrô một con người trong sáng về đức tin. Bài diễn văn của Ngài đầy vẻ an bình. Theo gương Thầy chí thánh, Ngài không pha loãng chân lý bằng những lời nồng nhiệt bốc khói. Nhưng cũng như Thầy, trái tim Ngài cởi mở đón tiếp tất cả. Đức Giê-su rao giảng Chúa Cha cho người Do Thái. Phêrô cũng rao giảng cho người Do Thái về Đức Giê-su Đấng thiên sai cứu thế, Đấng tế lễ và ngôn sứ, Đấng con Thiên Chúa. Và sứ điệp Ngài cũng nói cho chư dân đã được Ngài gặp gỡ và làm cho trở lại đạo trước Phaolô.

Ngài là lời, là mục tử, là đá góc tường, là vị kế nghiệp của Đức Ki-tô.

Tất cả vì Đức Ki-tô...

Đó là sức mạnh con người tự nhiên! Ngài đã theo Đức Ki-tô trong cuộc đời công khai với tất cả bản năng tự nhiên, còn do dự về Đức Ki-tô và về chính mình, thường hay đòi hỏi cho mình làm xúc phạm đến một người cùng làng quê với mình!

Sau lễ hiện xuống thì thật trong sáng, thật vững chắc, Phêrô đã có đức tin sao? chẳng nhưng tin mà còn biết bằng tai nghe, mắt thấy, tay sờ, và lòng mến được những hương vị ngạt ngào êm dịu trước sự hiện diện của Đức Ki-tô cháy đến từng thớ thịt toàn thân.

Ngài có thể nói với chúng ta như Đức Ki-tô nói: “hãy tin tôi đi, tôi đã thấy, đã nghe Người”. Với thánh Phêrô, chúng ta có thể thêm: “Tôi đã chối Chúa, nhưng Người vẫn yêu tôi”.

J.M

 

Suy niệm 7: Ngai Tòa Thánh Phêrô Tông Ðồ

Hôm nay chúng ta tưởng nhớ việc Ðức Kitô chọn Phêrô là người thay thế Ngài trong việc cai quản Giáo Hội.

Sau một "cuối tuần mất mát" đầy đau khổ, hồ nghi và dằn vặt sau khi Ðức Kitô bị đóng đinh và đem đi chôn, Phêrô đã được nghe Tin Mừng. Thiên thần ở ngôi mộ nói với bà Maria Mađalêna: "Chúa đã sống lại! Hãy đi nói với các môn đệ và Phêrô." Gioan kể lại khi ngài và Phêrô chạy đến mộ, vị tông đồ trẻ đi nhanh hơn tông đồ lớn tuổi kia, nhưng ngài đứng đợi ở ngoài. Khi Phêrô bước vào, thấy các khăn liệm ở dưới đất, khăn che mặt được gói lại để ở đúng vị trí của nó. Gioan trông thấy và tin. Nhưng ngài viết thêm: "... Họ không hiểu rằng theo kinh thánh, Ngài phải sống lại từ cõi chết" (Ga 20:9). Họ về nhà. Ðầu óc họ như nổ tung với một khám phá mới, điều bất khả đã trở thành hiện thực. Chúa Giêsu đã hiện ra với họ trong căn nhà khóa kín. Ngài nói, "Bình an cho anh em," và họ quá đỗi vui mừng (Ga 20:21b).

Và biến cố trong ngày Ngũ Tuần đã giúp Phêrô cảm nhận được Ðức Kitô phục sinh một cách trọn vẹn. "... Tất cả đều tràn đầy Thánh Thần" (Cv 2:4a) và họ bắt đầu rao giảng bằng các thứ tiếng khác nhau tùy theo Thánh Thần ban cho.

Chỉ khi ấy Phêrô mới chu toàn nhiệm vụ mà Chúa đã trao cho ngài: "... Một khi anh trở lại, hãy củng cố các anh em" (Lc 22:32). Từ lúc đó, ngài trở nên phát ngôn viên cho nhóm Mười Hai về những gì họ được cảm nghiệm qua Thánh Thần -- trước nhà cầm quyền muốn chặn đứng sự rao giảng, trước thượng hội đồng Giêrusalem, trước cộng đoàn về vấn đề của Ananias và Sapphira. Ngài là người đầu tiên rao giảng Tin Mừng cho Dân Ngoại. Sức mạnh chữa lành của Ðức Kitô ở trong Phêrô được chứng tỏ: cho kẻ chết sống lại, chữa người ăn xin tàn tật. Dân chúng khiêng bệnh nhân ra đường phố để khi Phêrô đi ngang qua, bóng của ngài có thể chữa họ lành.

Ngay cả một vị thánh cũng gặp khó khăn của cuộc đời Kitô Hữu. Khi Phêrô không còn ăn uống với Dân Ngoại tòng giáo vì ngài tế nhị không muốn tổn thương đến người Kitô gốc Do Thái, Phaolô viết: "... Tôi chống đối ông ấy ra mặt vì rõ ràng là ông ấy sai... Các ông ấy không đi đúng với chân lý của phúc âm..." (Gl 2:11b, 14a).

Trong đoạn cuối Phúc Âm Thánh Gioan, Chúa Giêsu nói với Phêrô, "Thật, Thầy bảo thật cho anh biết, khi anh còn trẻ, anh muốn mặc quần áo nào và muốn đi đâu tùy ý; nhưng khi anh lớn tuổi, anh sẽ phải giang tay ra, và người khác sẽ mặc áo cho anh và dẫn anh đến nơi anh không muốn" (Ga 21:18). Chúa Giêsu tiên đoán về cái chết mà Phêrô phải chịu để vinh danh Thiên Chúa. Trong thời gian cai trị của Nero, trên Ðồi Vatican ở Rôma, Phêrô đã vinh danh Chúa Giêsu với sự tử đạo, có lẽ cùng với nhiều Kitô Hữu khác.

Lời Trích

Trong Thơ Thứ Nhất, Thánh Phêrô diễn tả ơn gọi của người tín hữu Kitô: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để lãnh nhận niềm hy vọng sống động nhờ Ðức Giêsu Kitô đã sống lại từ cõi chết..." (1 Pr 1:3a).

 

Suy niệm 8: Kính tông tòa thánh Phêrô

(http://www.tgpsaigon.net)

Cuộc tuyên tín của Thánh Phêrô tại địa hạt Philipphê Cêsarê là một bất ngờ lớn. Khi Phêrô được soi sáng để tuyên xưng “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16).

Trước lời tuyên xưng tuyệt vời của Phêrô: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16), Chúa liền hứa: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16, 18). Thánh Phêrô và những đấng kế vị ngài là những người được Chúa chọn để lãnh đạo Hội Thánh Chúa nơi trần gian. Đặc biệt hơn, sức mạnh chống được sự dữ không phải là sức mạnh của cá nhân Thánh Phêrô, nhưng là chính quyền năng của Chúa hoạt động trong con người Phêrô cũng như trong các đấng kế vị ngài.

Lúc nào cũng vậy, Phêrô là con người nhanh mồm nhanh miệng, luôn nhiệt tình mau mắn để đại diện anh em để tỏ bày tâm tư thay cho anh em như khi Chúa Giêsu nói về Bí tích Thánh Thể, nhiều môn đệ đã bỏ đi. Nhưng Phêrô đã tỏ bày thật dễ thương “Bỏ Thầy chúng con sẽ theo ai, Thầy mới có lời ban sự sống đời đời.” Rồi trong đêm Chúa bị bắt Phêrô cũng bộc trực thề thốt: “Con thề sống chết với Thầy.” Nhưng rồi Phêrô đã vấp ngã khi chối Thầy ba lần.

Tưởng chừng là dấu chấm hết cho cuộc đời Phêrô. Những giọt nước mắt ăn năn tuôn chảy trước cái nhìn thân thương của Thầy Giêsu. Phêrô vẫn được Chúa Giêsu tín nhiệm trao trách nhiệm đứng đầu Hội Thánh sau lời tuyên xưng ban đầu: “Anh là Phêrô nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt 16,18) bằng lời thân thương: “Phêrô Con có yêu mến Thầy không... Hãy chăn dắt đàn chiên của Thầy.”

Chúa Giêsu gọi Simon là Phêrô, nghĩa là Đá. Điều này diễn tả sự chia sẻ quyền lực của Thiên Chúa cho người đại diện Chúa nơi trần gian là Phêrô và các Đấng kế vị ngài. Chúng ta tin vào sự vững bền của Hội Thánh vì chính Chúa là Đá Tảng đã đặt ngai tòa Phêrô như Đá vững chắc cho ngôi nhà Giáo Hội. Sức mạnh của Đức Giêsu phục sinh là cơ sở cho niềm tin và bình an khi ta sống trong Hội Thánh của Chúa.

Thánh Phêrô đã được Chúa trao cho chìa khóa Nước Trời, có nghĩa là thánh nhân sẽ được tham dự vào quyền bính của Chúa. Chính vì thế, thánh Phêrô cũng như các vị kế nhiệm sẽ đại diện Chúa ở trần gian với quyền giáo huấn, quyền thánh hóa và quyền quản trị để phục vụ Dân Chúa. Do vậy, khi người tín hữu không vâng nghe Đấng kế vị thánh Phêrô cũng chính là không vâng nghe Đức Giêsu.

Điều này cũng như quyền năng của nối kết hoặc cầm buộc và của tách rời hoặc tháo cởi cũng được trao cho cộng đoàn (Mt 18, 18) và cho các môn đệ khác (Ga 20, 23). Một trong những điểm mà sách Tin Mừng Mátthêu nhấn mạnh nhiều nhất là sự hòa giải và tha thứ hoặc khoan dung. Nó là một trong những nhiệm vụ quan trọng hơn đối với các điều hợp viên của cộng đoàn. Bắt chước thánh Phêrô, họ phải cầm buộc hoặc tháo cởi, đó là, làm theo cách để có sự hòa giải, chấp nhận lẫn nhau, xây dựng tinh thần huynh đệ.   

Khi cử hành lễ kính Tông Tòa Thánh Phêrô, phụng vụ muốn cho chúng ta thấy ngai tòa vững chắc mà Chúa Giêsu đã nói với Thánh Phêrô ”Anh là Phêrô nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt 16,18), đồng thời trao cho Thánh Phêrô nhiệm vụ chăn dắt. Do đó ngai tòa thánh Phêrô mang một ý nghĩa quan trọng tuyệt đối, Đức Giáo Hoàng là vị kế nhiệm thánh Phêrô hướng dẫn toàn thể Giáo Hội toàn cầu. Vì thế ngày lễ hôm nay là một lời tuyên xưng long trọng về quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng trong toàn thể Hội Thánh.

Ngày lễ lập Tông tòa thánh Phêrô cũng nhắc nhở mỗi người cầu nguyện thật nhiều cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Thời đại nào cũng vậy, con thuyền Giáo hội vẫn luôn gặp những sóng gió của thử thách. Đức Giáo Hoàng luôn phải đối đầu với những khó khăn của Hội Thánh. Chính vì thế ngài luôn phải có ơn Chúa, sự soi sáng khôn ngoan của Chúa Thánh Thần để chu toàn trách nhiệm chăn dắt chiên con chiên mẹ của Chúa.

Mừng Lễ hôm nay, Hội Thánh mời gọi tất cả chúng ta hướng về Đức Giáo Hoàng, đấng kế vị Phêrô. Ngài là vị cha chung của Hội Thánh, có trách nhiệm chăm sóc và hướng dẫn Dân Chúa. Với tấm lòng con thảo, chúng ta hãy yêu mến, vâng lời và siêng năng cầu nguyện cho ngài.

 

Suy niệm 9: Lập tông tòa thánh Phêrô

(Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT)

Ông Phêrô thưa với Chúa Giêsu: ”Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Chúa Giêsu trả lời: ”Anh là Phêrô nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt 16, 16.18). Giáo Hội hôm nay cử hành lễ kính tông tòa thánh Phêrô và cũng là lễ để tôn vinh Đức Giáo Hoàng, vị kế nhiệm thánh Phêrô dưới trần gian, cai trị, điều khiển Giáo Hội hoàn vũ.

LỄ LẬP TÔNG TÒA THÁNH PHÊRÔ:

Khi cử hành thánh lễ kính tông tòa thánh Phêrô, phụng vụ muốn cho chúng ta thấy ngai tòa vững chắc mà Chúa Giêsu đã nói với vị thủ lãnh Hội Thánh tiên khởi: ”Phêrô, Con là đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” hay ”Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho những anh em khác vững tin” (Lc 22, 32). Chúa Giêsu đã trao trách nhiệm nặng nề cho Phêrô là chăn dắt các chiên con và chiên mẹ của Ngài. Do đó, ngai tòa thánh Phêrô mang một ý nghĩa quan trọng tuyệt đối: Đức Giáo Hoàng là vị kế nhiệm thánh Phêrô hướng dẫn toàn thể Giáo Hội toàn cầu.

Vì thế, thánh lễ lập tông tòa thánh Phêrô là một lời tuyên xưng hết sức quan trọng nhưng lại rất long trọng về quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng trong toàn thể Hội Thánh. Trước kia, Giáo Hội cử hành hai thánh lễ riêng biệt, một để kính tòa thánh Phêrô ở Antiokia, và một để kính tòa thánh Phêrô ở Roma. Tựu trung hai thánh lễ này đều mang cùng một ý nghĩa, nên ngày nay Giáo Hội chỉ cử hành một thánh lễ là: ”Lập Tông Tòa Thánh Phêrô”.

HÃY CẦU NGUYỆN CHO ĐỨC THÁNH CHA:

Ngày lễ lập tông tòa thánh Phêrô là lời mời gọi toàn thể dân Chúa trên hoàn vũ hãy cầu nguyện thật nhiều, cầu nguyện liên lỉ cho vị Cha chung của Giáo Hội, trước một trọng trách nặng nề mà Chúa và Giáo Hội trao phó cho Ngài. Trước muôn vàn thách đố của một thế giới luôn luôn biến chuyển, Đức Giáo Hoàng luôn phải đối đầu với muôn vàn khó khăn của Hội Thánh, của thế giới. Chính vì vậy, Ngài cần có đầy đủ ơn Chúa và sự soi sáng, khôn ngoan của Chúa Thánh Thầnh để Ngài chu toàn trách nhiệm chăn dắt chiên con và chiên mẹ của Chúa.

Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã thiết lập Hội Thánh trên nền đá vững bền là lời tuyên xưng đức tin của thánh tông đồ Phêrô. Xin gìn giữ Hội Thánh khỏi nao núng giữa cảnh đời thử thách gian nan (Lời nguyện nhập lễ, lễ lập tông tòa thánh Phêrô).

 

Suy niệm 10: Lòng tin của Phêrô

"Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống." (Mt 16,16)

Suy niệm: Chúng ta nhìn vào đức tin của thánh Phêrô, hầu rút ra bài học cho mình. Phêrô vừa biết Chúa Giêsu thì đã tin vào Ngài, trở nên một trong bốn môn đệ đầu tiên. Ông được nghe lời giảng dạy của Chúa và chứng kiến những phép lạ Chúa làm. Tưởng chừng như lòng tin của ông kiên vững lắm.

Nhưng ta chưng hửng biết bao khi thấy ông tỏ ra yếu tin, ngã lòng, thất đảm, thậm chí chối bỏ đức tin nữa. Các trình thuật về việc Phêrô đi trên mặt nước rồi bị chìm (Mt 14,22-33), chối Chúa ba lần (Mc14,66-72), trốn chạy khi Chúa chịu nạn... cho thấy lòng tin của ông như thế nào! Cuối cùng, sau những lần yếu đuối, Phêrô đã kiên vững trong lòng tin cho đến chết. Gương của Phêrô cho thấy đức tin là một ơn của Chúa, con người khó mà có được lòng tin vững mạnh nếu Chúa không nâng đỡ (Lc 22,31-32). Về phần Chúa, ta thấy Ngài luôn lạc quan, tin tưởng vào Phêrô, dù biết rõ con người của ông.

Mời Bạn: Hẳn bạn không thể tự mãn về lòng tin của mình, dù bạn vẫn giữ đạo tốt, vẫn tin vào Chúa. Bạn cũng chẳng dám cho rằng mình có đức tin "lớn bằng hạt cải" (Lc 17,6). Đức tin của bạn phải trải qua thử thách thì mới là đức tin thật và mạnh mẽ.

Sống Lời Chúa: Khiêm tốn nài xin Chúa nâng đỡ lòng tin yếu kém của bạn, trong sự xác tín rằng đức tin của bạn sẽ được củng cố nhờ cầu nguyện, nhờ Lời Chúa và bí tích Thánh Thể.

Cầu nguyện: Tâm sự với Chúa bằng lời Phúc Âm: "Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho chúng con" (Lc 17,5); "Lạy Chúa, con tin, nhưng xin nâng đỡ lòng tin yếu kém của con" (Mc 9,24).

 

Suy niệm 11: “Abba”

Ông Phêrô thưa: "Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống." (Mt 16,16)

Suy niệm: Ben Hur trong bộ phim cùng tên đã thốt lên: "Tại sao Con Thiên Chúa không muốn làm vua Do Thái hở mẹ? Những điều kỳ diệu Ngài làm khiến con kinh ngạc. Chỉ cần một hơi thở của Ngài đủ hủy diệt sức mạnh Roma. Thế mà Ngài lại từ chối sự trợ giúp của các binh đoàn, khiến bao gian lao trở thành vô ích? Chúng ta lại phải rên siết dưới sự bảo hộ của Roma và để vũ khí mà ta khổ công rèn đúc phải rỉ sét ư?"

Anh cũng như nhiều đồng hương đã thất vọng về Đức Giêsu, vì chờ đợi Ngài như Đấng Cứu Thế vinh quang bằng cách trừng phạt quân đội Roma, mang lại phồn vinh cho trần thế qua sức mạnh chinh phục. Ngài quả thật là Con Thiên Chúa hằng sống, là Đức Kitô Cứu Thế như Phêrô tuyên xưng. Thế nhưng, là người Con hiếu thảo với Cha, đời Ngài chỉ canh cánh một điều là làm đẹp ý Cha trong mọi sự. Thế mà ý Cha là sai Con mình đến, không phải để luận phạt, nhưng để cứu thế gian và để thế gian nhờ đó được sống dồi dào.

Mời Bạn: Bạn không tin Thiên Chúa cách chung chung như những tín đồ tốt lành của các tôn giáo khác. Bạn tin và đến với Thiên Chúa qua người Anh Cả Đức Giêsu, Đấng là Thiên-Chúa-thần-linh, nhưng đồng thời cũng là con-người-xương-thịt như bạn. Nhờ sống trong tương quan thân thiết với người Anh Cả Thiên-Chúa-con-người này, bạn gặp được Thiên Chúa và dám mở miệng gọi Thiên Chúa: "Abba!" ("Cha ơi").

Sống Lời Chúa: Xem lại cách tôi sống với Đức Giêsu như thế nào: gắn bó thân thiết như nên "một" với Ngài hay hờ hững qua loa? Và tìm mọi cách để có thể như Ngài sống trong tôi mỗi ngày.

Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.

 

Suy niệm 12: Công trình Hội Thánh

Đức Giê-su hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mt 16,15)

Suy niệm: Khi xây nhà, ai cũng thừa biết phải bắt đầu từ nền móng, và là một nền móng được gắn vào đá vững chắc, chứ không ai khờ dại xây nhà hờ hững trên nền cát.

Để xây Hội Thánh, Chúa Ki-tô cũng muốn xác định tính vững chắc của những tảng đá Ngài sẽ dùng để làm nền móng cho Hội Thánh là các tông đồ. Phép thử của Ngài là một câu hỏi. Cần phải biết “Thầy là ai?” để hiểu mục đích mà Thầy nhắm đến khi thiết lập Hội Thánh. Cần phải biết Thầy để biết được giới hạn của mình cũng như để lường trước sức nặng của Hội Thánh mà Thầy sẽ đặt lên vai mình. Qua phép thử này, Chúa Ki-tô cho biết tính vững chắc của Hội Thánh không hệ tại những đầu óc thông thái mà là một niềm xác tín vững vàng vào Đấng mà mình đang đi theo. Với niềm tin vào Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống thì Hội Thánh có sức đứng vững trước mọi thách thức, chống phá, dù là quyền lực của ác thần Sa-tan.

Mời Bạn: Qua hơn hai mươi thế kỷ, biết bao vương quyền hay thể chế trần gian đã sụp đổ, nhưng Hội Thánh Chúa Ki-tô vẫn kiên vững; sự thật này minh chứng cho một nền móng vững chắc của tòa nhà Hội Thánh. Mời bạn tiếp nối lời tuyên xưng: “Thầy là Đức Ki-tô Con Thiên Chúa hằng sống” để góp phần xây dựng Nước Chúa ở trần gian nay.

Sống Lời Chúa: Nhiệt thành tham gia vào đời sống của Giáo Hội địa phương, là bạn đang góp phần xây dựng Hội Thánh Chúa Ki-tô.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, chúng con tin rằng Hội Thánh Chúa luôn vững bền. Xin gìn giữ chúng con trong Hội Thánh để chúng con thuộc về Chúa luôn.

 

Suy niệm 13: Lập Tông Tòa thánh Phêrô

1. Ghi nhận lịch sử - Phụng Vụ

Quyển lịch cổ nhất của Rôma (Depositio martyrum) có từ năm 354, xác nhận Thánh Lễ “Ngai Tòa Thánh Phêrô – Chaire de Saint Pierre” được mừng kính ngày 22.02, ngày dân Rôma nhớ đến những người quá cố. Nhưng sau đó, vì các Giáo Hội xứ Gaule không cử hành trọng thể các lễ trong Mùa Chay, nên Thánh Lễ này được dời vào ngày 18.01, trong khi Giáo Hội Rôma vẫn giữ ngày cũ. Ngày lễ cũng khác và chủ đề cũng khác: trong xứ Gaule, người ta mừng lễ “Ngai Tòa thánh Phêrô tại Rôma”; tại Rôma, người ta mừng lễ “Ngai Tòa thánh Phêrô tại Antiochia”. Cuối cùng hai lễ nhập lại làm một và được xác định vào ngày 22.02, dưới một chủ đề: Ngai Tòa Thánh Phêrô.

Tại Rôma, trong đại thánh đường thánh Phêrô, người ta còn giữ được ngai toà (tiếng La Tinh cathedra) của vị giáo hoàng tiên khởi, có nghĩa là ngai toà, theo truyền thống, thánh Phêrô đã sử dụng. Nó là biểu trưng cho uy quyền của Đức Giáo Hoàng như là Thầy dạy, Thượng Tế và mục tử của Hội Thánh toàn cầu.

2. Thông điệp và tính thời sự

Thánh lễ kính Ngai Tòa Thánh Phêrô giúp chúng ta đào sâu sứ vụ của vị Tông Đồ Phêrô và các đấng kế vị trong Hội Thánh, nhờ phong trào đại kết, tìm cách kết hợp mọi Kitô hữu.

a. Ngai Tòa Thánh Phêrô trước tiên nhắc nhớ đến sứ vụ Đức Giêsu trao phó cho Simon-Phêrô: “Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho các anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22,32). Mặc cho thử thách mà đức tin các Tông Đồ phải chịu (Satan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo), đức tin của thánh Phêrô giữ vai trò nền tảng trong Hội thánh tiên khởi. Thánh Phaolô xác nhận Chúa Giêsu đã hiện ra với Céphas (Phêrô), sau đó cho nhóm Mười Hai (1 Cr 15,5); cũng thế, Phúc Âm thánh Luca xác nhận trong câu chuyện hai môn đệ đi làng Emmaus: “Nhóm Mười Một và các bạn hữu nói với họ: Chúa chỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simon” (Lc 24,34)

Phụng Vụ nhấn mạnh việc “đức tin của thánh Tông Đồ Phêrô” là đá tảng, trên đó Chúa đã xây dựng chúng ta. Phúc Âm Thánh lễ soi rọi niềm tin này của thánh Phêrô (Mt 16,13-19), trong lời tuyên xưng của Phêrô: “Thầy là Đấng Mêssias, Con Thiên Chúa hằng sống”. Đức Giêsu đáp: “Anh là đá, trên đá này Tôi sẽ xây Hội Thánh của Tôi” (c 18). Lời tuyên bố của Đức Giêsu là nguồn gốc sứ vụ cao vời thánh Phêrô thực hiện trong cộng đoàn tiên khởi, và theo truyền thống Công Giáo, là nguồn gốc Tối Thượng Quyền mà tất cả các Đức Giáo Hoàng được lãnh nhận từ thánh Phêrô.

b. Sứ vụ của thánh Phêrô, công bố niềm tin đích thực và chân chính vào Đức Giêsu Kitô, cũng là xác nhận niềm tin của anh em và khuyến khích những người có trách nhiệm trong Hội Thánh (Các kỳ mục hay trưởng lão). Vì thế, trong bài đọc một (1 Pr 5,1-4) thánh Phêrô nhắc nhở các kỳ mục, có nghĩa là những người đứng đầu các cộng đoàn, trách nhiệm của họ: “Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng vì lòng nhiệt thành... Đừng lấy quyền mà thống trị, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên.”

Đoạn Công Vụ Tông Đồ đọc trong Phụng Vụ Giờ Kinh nhắc đến việc những người đã cắt bì tranh luận với Phêrô. Sau khi thánh Tông Đồ “nhắc lại câu chuyện từ đầu và trình bày từng điểm một cho họ, các thính giả bình tĩnh trở lại và ca ngợi Thiên Chúa”. Như thế thánh Phêrô đã củng cố đức tin cho anh em và kết hợp mọi người trong Hội Thánh. Đá góc là Đức Kitô, nhưng Đức Giêsu nói với Phêrô: “Con là đá, có nghĩa là: Ta là đá không thể lay chuyển... còn con, con cũng là đá, con cũng vững vàng nhờ sức mạnh của Ta” (thánh Lêô Cả, Phụng Vụ Giờ Kinh).

 

Suy niệm 14: Phê-rô đứng dậy sau vấp ngã

Nếu như Thánh Phaolô có ngày té ngựa để làm lại cuộc đời, thì thánh Phêrô có mẻ cá kỳ diệu nhờ vâng lời để đứng dậy làm lại cuộc đời

Hôm nay lễ lập tông tòa thánh Phê-rô, là dịp chúng ta tưởng nhớ việc Đức Kitô chọn Phêrô làm người thay thế Ngài trong việc cai quản Giáo Hội.

Người ta tưởng rằng đêm tối vườn cây dầu đã tiêu huỷ sự nghiệp của một tông đồ miền duyên hải. Một con người mang đậm tính chất phác, bộc trực và ngay thẳng tên là Simon Phêrô. Một con người đã từng tuyên bố: “anh em có bỏ Thầy, riêng con thì không bao giờ”. Thế mà đêm đó, ông đã bỏ chạy tuy đã rút gươm chém đứt một bên tai của người lính. Có lẽ ông đã phản ứng bởi tự nhiên, bởi tự vệ và cũng có thể vì ông nghĩ rằng giờ của Chúa đã đến. Ông sẽ cùng Thầy khôi phục lại nhà Israel. Nhưng ông đã lầm. Chúa Giêsu không những đã không hoan nghênh lại còn oán trách ông là hành động hồ đồ. Dùng gươm sẽ chết vì gươm. Đó không phải là cách Thiên Chúa dùng để thâu nạp muôn dân vào trong Nước của Ngài.

Thất vọng ông đã bỏ chạy trong đêm tối. Đêm tối của đức tin. Đêm tối của tuyệt vọng. Tưởng rằng sau đêm đó người ta sẽ không còn thấy mặt ông nữa. Ông đã bỏ chạy cao xa, để mặc Thầy bị những con người cuồng nhiệt, nhân danh tôn giáo để giết hại Thầy mình. Nhưng rạng sáng hôm đó, người ta lại thấy ông xuất hiện chen lẫn giữa đám người còn đang cuồng nhiệt đòi giết Thầy mình. Một hành động quá chân thành, đầy cảm thông với Thầy Chí Thánh. Thế mà, ông lại một lần nữa vấp ngã trước sự dữ. Ông đã chối Chúa đến ba lần trong một đêm vì một đứa tớ gái đã vạch mặt chỉ tên là đồng bọn với tử tội Giêsu.

May mắn cho cuộc đời của ông. Tiếng gà gáy đêm khuya tựa như tiếng lương tâm thức tỉnh lòng ông. Ông lấm lét nhìn lên Chúa và bắt gặp ánh mặt đầy nhân từ, cảm thông của Thầy. Chúa không nói lời nào với ông và ông cũng không còn lời nào để nói. Nhưng qua ánh mắt đầy nhân từ của Chúa, ông tin rằng Chúa biết rõ con người của mình. Chúa biết ông yêu mến Ngài.

Ông đã đứng dậy, bước ra ngoài sự dữ. Dứt bỏ nơi chốn nên cớ cho ông vấp phạm và khóc lóc ăn năn.

Và sau một "cuối tuần mất mát" đầy đau khổ, Đức Kitô bị đóng đinh và đem đi chôn, Phêrô đã được nghe Tin Mừng. Thiên thần ở ngôi mộ nói với bà Maria Mađalêna: "Chúa đã sống lại! Hãy đi nói với các môn đệ và Phêrô." Gioan kể lại khi ngài và Phêrô chạy đến mộ, vị tông đồ trẻ đi nhanh hơn tông đồ lớn tuổi kia, nhưng ngài đứng đợi ở ngoài. Khi Phêrô bước vào, thấy các khăn liệm ở dưới đất, khăn che mặt được gói lại để ở đúng vị trí của nó”. Họ về nhà. Đầu óc họ như nổ tung với một khám phá mới, điều bất khả đã trở thành hiện thực. Chúa Giêsu đã hiện ra với họ trong căn nhà khóa kín. Ngài nói: "Bình an cho anh em," và họ quá đỗi vui mừng (Ga 20:21b).

Và biến cố trong ngày Ngũ Tuần đã giúp Phêrô cảm nhận được Ðức Kitô phục sinh một cách trọn vẹn. "... Tất cả đều tràn đầy Thánh Thần". Chỉ khi ấy Phêrô mới chu toàn nhiệm vụ mà Chúa đã trao cho ngài: "... Một khi anh trở lại, hãy củng cố các anh em" (Lc 22:32). Từ lúc đó, ngài trở nên phát ngôn viên cho nhóm Mười Hai về những gì họ được cảm nghiệm qua Thánh Thần trước nhà cầm quyền muốn chặn đứng sự rao giảng, trước thượng hội đồng Giêrusalem, về những vấn đề cấp bách của Giáo hội.

Thánh Phêrô được chọn làm đại diện của Chúa không phải vì Ngài hoàn hảo, cũng không phải vì Ngài tài trí hơn người, mà điều quan yếu hệ tại ở lòng thánh nhân luôn yêu mến Thầy chí thánh Giêsu. Xin cho chúng ta biết học nơi thánh nhân. Biết chỗi dậy sau những vấp ngã. Biết tin tưởng, phó thác cuộc đời trong tình thương quan phòng của Chúa. Đồng thời, xin cho chúng ta luôn biết yêu mến Giáo hội, biết kính trọng vâng phục các người đại diện Chúa nơi trần gian, vì các ngài là hiện thân của Chúa đang dẫn dắt chúng ta. Amen.

 

Suy niệm 15: Lập Tông Tòa thánh Phêrô

Mừng kính lễ thiết lập ngai toà của thánh Phêrô, chúng ta không tôn thờ chiếc ghế như dấu chỉ của quyền cai quản Giáo Hội mà Chúa đã trao phó cho thánh Phêrô và những người kế vị ngài là các Đức Giáo hoàng. Nhưng chúng ta được mời gọi tôn vinh một tình yêu sẻ chia của Thiên Chúa dành cho chúng ta: “Con là đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi”.

Quả thế, Chúa Giêsu đã có lần dạy các môn đệ rằng: “Anh em biết những người được coi là thủ lãnh các dân thì áp đặt trên họ quyền bá chủ, những người làm lớn thì áp đặt trên họ quyền hành của mình. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em, ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến dâng mạnh sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10, 42-43).

Như thế, khi thiết lập ngai toà thánh Phêrô, Chúa muốn thông chia quyền bính cai trị dân Chúa cho con người, cụ thể là cho thánh Phêrô và các Tông tồ và những người kế vị các ngài là Giáo hoàng và Giám mục. Và những người lãnh nhận nhiệm vụ ấy sẽ phải hành xử theo cung cách của thầy Giêsu: “Thầy ở giữa anh em như người phục vụ” hay “Ta đến để cho chúng được sống dồi dào”.

Như thế, chia sẻ quyền bính cai trị cho con người là Thiên Chúa muốn mời gọi con người đi vào con đường phục vụ trong yêu thương. Và càng phục vụ trong yêu thương như Chúa, chúng ta sẽ tiếp tục làm cho ngai toà tình yêu ấy ngày một triển nở trong xã hội trần thế này. Nhờ đó, chúng ta hy vọng sẽ nhìn thấy một thế giới yêu thương trong hiệp thông với nhau và phục vụ lẫn nhau. Và như vậy chúng ta sẽ đẩy lùi sự hận thù và gian trá, loại bỏ sự bất công và ghen ghét trong cuộc sống này.

Lạy Chúa Giêsu, cảm tạ Chúa đã yêu thương và chia sẻ quyền bính cai trị dân Chúa trong yêu thương và phục vụ cho chúng con. Xin cho các Đức Giáo hoàng, các Giám mục và tất cả chúng con biết đón nhận hông ân này trong tin yêu và phó thác, để chúng con có thể làm cho nước Chúa được vinh hiển trong cuộc đời này. Amen.

 

Suy niệm 16: Kính Ngai tòa Thánh Phêrô Tông đồ

Hằng năm, vào ngày 22 tháng 2 tại Rôma, trong Đền thờ Thánh Phêrô ở Vatican, Ngai tòa Thánh Phêrô do Berlini xây năm 1656 được thắp nến sáng.

Ngai tòa Thánh Phêrô tại Rôma là chiếc ngai khổng lồ, bên trong dựng chiếc ghế gỗ khảm xà cừ của Thánh Phêrô, được bốn Thánh Tiến sĩ nâng trên tay: Thánh Augustinô, Thánh Ambrôsiô, Thánh Atanasiô và Thánh Gioan Kim Khẩu. Bên trên có một hào quang rực rỡ bằng cẩm thạch giả, chính giữa có hình chim bồ câu tượng trưng cho Chúa Thánh Thần.

Bên phải Ngai tòa Phêrô là đài kỷ niệm ÐGH Urbanô VIII và hai tượng biểu trưng cho nhân đức Bác Ái và Công Bằng. Bên trái là đài kỷ niệm ÐGH Phaolô III do G. della Porta tạc: phía trên có tượng của ÐGH, bên dưới là hai tượng biểu trưng cho hai nhân đức Cẩn Trọng và Công Bằng. Trên đường sang cánh trái của gian ngang, bên phải là đài kỷ niệm ÐGH Alessanđrô VIII do E. di S. Martino tạc năm 1725, bên trái là bức tranh Thánh Phêrô chữa người bất toại được khảm đá mầu của F. Mancini.

Chữ “Cathedra” có nghĩa là chiếc ghế hay giảng tòa và có nguồn gốc từ chữ “Cathedral”, nơi một vị giám mục có giảng toà để ngài giảng dạy. Một từ khác được dùng cho “Cathedra” là “sedes” từ chữ “See” nghĩa là Tòa nơi một vị giám mục điều hành giáo phận của mình. Như thế từ “Holy See” nghĩa là Tòa Giám mục Rôma, nơi Ðức Giáo Hoàng ngự trị, hay được gọi là Tòa Thánh.

 Trong suốt dòng lịch sử, Ngai tòa Thánh Phêrô mang theo hai nghĩa: Ðó là chiếc ghế như một biểu tượng (biểu tượng quyền tối thượng của Thánh Phêrô); trong thời cổ chiếc ghế hay “cathedra” là một biểu tượng quyền giảng dạy và như thế chiếc ghế được coi như một vật thể (ngai tòa của Charles de Bald được Đức Giáo Hoàng Gioan VIII sử dụng và các vị Giáo Hoàng kế nhiệm).

Lễ lập Tông tòa Thánh Phêrô được kỷ niệm hằng năm vào ngày 22 tháng 2. Vào thời kỳ phụng vụ Rôma còn chịu ảnh hưởng của Giáo Hội Gallica, ngày mừng của Phụng Vụ Gallica, là ngày 18 tháng 1, nhưng ngày 22 tháng 2 vẫn được cử hành với tước hiệu “Lễ lập Tông tòa Phêrô tại Antiôkia”. Ðức Giáo Hoàng Phaolô IV đã truyền vào năm 1558 phải mừng cả hai lễ trọng. Bộ luật Chữ Ðỏ năm 1960 chỉ giữ lại ngày 22 tháng 2 là “Ngày lập Tông tòa Phêrô tại Rôma” cho giáo hội toàn cầu.

Hôm nay, chúng ta cũng tưởng nhớ đến việc Ðức Kitô chọn Phêrô là người thay thế Ngài trong việc cai quản Giáo Hội.

Sau những ngày sống trong đau khổ, hồ nghi và dằn vặt vì chối Thầy, và nhất là phải chứng kiến cảnh Thầy bị đóng đinh, bị chết và được an táng, thì ngày thứ ba, Phêrô đã được nghe Tin Mừng Phục Sinh. Thiên thần ở ngôi mộ nói với bà Maria Mađalêna: “Chúa đã sống lại! Hãy đi nói với các môn đệ và Phêrô”. Thánh Gioan tường thuật lại: khi ngài và Phêrô chạy đến mộ, vị tông đồ trẻ nhanh chân hơn vị tông đồ lớn tuổi kia, đến mộ Thầy trước, nhưng ngài đứng đợi ở ngoài. Khi Phêrô bước vào, thấy các khăn liệm ở dưới đất, khăn che mặt được gói lại để ở đúng vị trí của nó. Gioan trông thấy và tin. Nhưng ngài viết thêm: “... Họ không hiểu rằng theo Kinh Thánh, Ngài phải sống lại từ cõi chết" (x. Ga 20,1-10). Họ về nhà. Ðầu óc họ như nổ tung với một khám phá mới, điều bất khả đã trở thành hiện thực. Chúa Giêsu đã hiện ra với họ trong căn nhà khóa kín. Ngài nói: “Bình an cho các con,” và họ quá đỗi vui mừng (Ga 20,21b).

Và biến cố trong ngày Ngũ Tuần đã giúp Phêrô cảm nhận được Ðức Kitô phục sinh một cách trọn vẹn. “... Tất cả đều tràn đầy Thánh Thần” và họ bắt đầu rao giảng bằng các thứ tiếng khác nhau tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho. (x. Cv 2,1-12)

Chỉ khi ấy Phêrô mới chu toàn nhiệm vụ mà Chúa đã trao cho ngài: “... Một khi anh trở lại, hãy củng cố các anh em” (Lc 22,32). Từ lúc đó, ngài trở nên phát ngôn viên cho nhóm Mười Hai về những gì họ được cảm nghiệm qua Thánh Thần - trước giới thẩm quyền muốn chặn đứng sự rao giảng, trước Thượng hội đồng Giêrusalem, trước cộng đoàn về vấn đề của Ananias và Sapphira. Ngài là người đầu tiên rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại. Sức mạnh chữa lành của Ðức Kitô ở trong Phêrô được chứng tỏ: cho kẻ chết sống lại, chữa người ăn xin tàn tật. (x. Cv 9,32-42) Dân chúng khiêng bệnh nhân ra đường phố để khi Phêrô đi ngang qua, bóng của ngài có thể chữa họ lành. (x. Cv 5,12-16)

Ngay cả một vị thánh cũng gặp khó khăn của cuộc đời Kitô hữu. Khi Phêrô không còn ăn uống với dân ngoại tòng giáo vì ngài tế nhị không muốn tổn thương đến người Kitô gốc Do Thái, Phaolô viết: “... Tôi chống đối ông ấy ra mặt vì rõ ràng là ông ấy sai... Các ông ấy không đi đúng với chân lý của Phúc âm...” (Gl 2,11b.14a).

Trong đoạn cuối Phúc Âm Thánh Gioan, Chúa Giêsu nói với Phêrô: “Thật, Thầy bảo thật cho anh biết, khi anh còn trẻ, anh muốn mặc quần áo nào và muốn đi đâu tùy ý; nhưng khi anh lớn tuổi, anh sẽ phải dang tay ra, và người khác sẽ mặc áo cho anh và dẫn anh đến nơi anh không muốn” (Ga 21,18). Chúa Giêsu tiên đoán về cái chết mà Phêrô phải chịu để vinh danh Thiên Chúa. Trong thời gian cai trị của Nerô, trên đồi Vatican ở Rôma, Phêrô đã vinh danh Chúa Giêsu với sự tử đạo, có lẽ cùng với nhiều Kitô hữu khác.

Mừng lễ kính Ngai tòa Thánh Phêrô là một dịp Giáo Hội kêu mời các tín hữu hãy cầu nguyện nhiều cho Ðức Giáo Hoàng trước những khó khăn lớn lao mà ngài phải đương đầu trong thế giới hôm nay.

 

Suy niệm 17: Lập Tông Tòa Thánh Phêrô

“Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc …”

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu hỏi các môn đệ: “Người ta nói Con Người là ai?”. Câu hỏi này thật dễ với những người nhạy tin tức như các tông đồ. Các ông đua nhau trả lời: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia, hay một trong các vị tiên tri”. Các câu trả lời cho thấy dân chúng nhìn nhận Đức Giêsu là người được Thiên Chúa sai đến, là một tiên tri, nhưng vẫn chưa nhận ra Đức Giêsu là Đấng Mêsia.

Câu hỏi Đức Giêsu là ai, không chỉ là vấn nạn cho những người cùng thời, thắc mắc này cũng mang đến sự hoài nghi ngay giữa các môn đệ thân tín của Đức Giêsu. Khi Người hỏi: “Còn anh em bảo thầy là ai?” Chúa Giêsu đọc thấy được sự im lặng cách bị động từ phía các tông đồ. Các ông không còn tranh nhau nói nữa. Các môn đệ đi theo Đức Giêsu ròng rã gần 3 năm, là những người thân thiết nhất của Ngài, nhưng họ cũng không có câu trả lời xác đáng cho chính mình. Chỉ một mình Phêrô lên tiếng: “Thầy là Đấng Kitô”.

Và Đức Giêsu bảo Phêrô: “Anh thật là có phúc”. Thật là phúc cho Phêrô vì không phải tự ông cảm nghiệm và biết được mầu nhiệm Đấng Kitô đã làm người. Phúc cho ông khi điều ông vừa tuyên xưng được chính Chúa Cha mặc khải cho. Đây là một hồng ân lớn lao dành cho Phêrô. Phêrô không thuộc hàng học giả chuyên nghiên cứu Kinh Thánh như nhóm Pharisêu hay tư tế. Cũng không nằm trong số những bậc trưởng lão đáng kính có tư tưởng cao siêu trong dân. Phêrô chỉ là một anh đánh cá nhà quê ít học, sống bằng nghề chài lưới. Vì thế, việc Phêrô được chọn, được mặc khải là một ơn ban cách đặc biệt.

Chúa đã chọn gọi và trao cho Phêrô sứ vụ xây dựng Hội Thánh của Chúa. Phêrô đã đáp trả bằng hành động tuyên xưng và tin vào Đức Kitô. Vì tin, Phêrô dám bỏ tất cả để theo Thầy. Vì tin, Phêrô dám quay trở lại sau khi chối Thầy. Vì tin, Phêrô đã hiến trọn cuộc sống còn lại ở trần gian vì thập giá của Thầy. Và vì tin, Phêrô dám chết trên cây gỗ như Thầy, nhưng xin treo ngược vì vẫn cảm thấy không xứng đáng với Thầy. Tin nghĩa là yêu. Và yêu tức là tin. Phêrô đã diễn tả niềm tin và tình yêu của mình một cách mạnh mẽ và mãnh liệt nhất để bù lại những yếu đuối và bất xứng của ông.

Lạy Chúa, xin cho con biết noi gương thánh Phêrô. Biết dâng trọn những yếu đuối và bất toàn của con trong bàn tay quan phòng của Chúa, để con được Chúa thánh hóa và trở nên công cụ hữu dụng của Chúa. Xin cho con biết tin yêu Chúa trong mọi hành động, trong mỗi giây phút của cuộc đời con. Amen!

 

Suy niệm 18: Ngai tòa thánh Phêrô

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Mộ phần của vị tông đồ trưởng Phêrô ở ngay dưới bàn thờ chính của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Truyền tụng từ xưa vẫn tin như thế, và mới đây đã được xác định nhờ các cuộc điều tra khảo cổ. Ngôi mộ này như một biểu tượng bền vững cho chân lý: Simon Phêrô theo sự ưu tuyển của Thiên Chúa, đã là nền móng của Giáo hội. Tiếng nói của Đấng Cứu Thế vẫn được lắng nghe suốt các thế kỷ, qua lời giáo huấn của các Đức Giáo hoàng.

Ngai tòa thánh Phêrô mang một ý nghĩa quan trọng tuyệt đối: Đức Giáo hoàng là vị kế nhiệm thánh Phêrô, đại diện Chúa Kitô ở trần gian hướng dẫn toàn thể Giáo hội toàn cầu. Lễ lập tông tòa thánh Phêrô là một lời tuyên xưng long trọng về quyền tối thượng của Đức Giáo hoàng trong toàn thể Giáo hội. Trước kia, Giáo hội cử hành hai thánh lễ riêng biệt một để kính tòa thánh Phêrô ở Antiokia (trước khi Ngài đến Rôma) và một để kính tòa thánh Phêrô ở Rôma. Hai thánh lễ này đều mang cùng một ý nghĩa, nên ngày nay Giáo hội chỉ cử hành một thánh lễ: “Lập Tông Tòa Thánh Phêrô”.

Có ba bản văn Kinh Thánh là nền tảng về ngai tòa của Thánh Phêrô: “Con là Phêrô, nghĩa là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Giáo hội… Ta sẽ trao cho con chìa khóa nước Trời…” (Mt 16,13-19). “Con hãy làm cho các anh em của con nên vững mạnh” (Lc 22,31-32). “Hãy chăn dắt chiên của Thầy” (Ga 21,15-19).

Suy niệm

Sau lời tuyên xưng đức tin của Phêrô: Thầy là Đấng Kitô - Mêssia, là “Con Thiên Chúa”, Đấng Mêssia (tiếng Hy Lạp Christos - Kitô) nghĩa là Đấng được xức dầu mà các ngôn sứ đã tiên báo; Phêrô lại gọi Chúa Giêsu là “Con của Thiên Chúa”, ông khẳng định nguồn gốc thần linh của Ngài… Đức Giêsu đã mời gọi Phêrô đứng lên để cùng cộng tác trong công trình xây dựng Giáo hội của Ngài: “Phêrô! con là Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt 16,18). Trong ngôn ngữ của Thánh Kinh Cựu ước chỉ có Chúa là Đá Tảng: “Chúa là tảng đá của tôi, là thành trì của tôi” (Tv 72,3), và sau này trong Tân ước, Đức Giêsu là Thiên Chúa Phục Sinh cũng là nền tảng. (x. 1Pr 2,4-5), nhưng Phêrô cũng được Chúa Giêsu đặt làm đá tảng, là nền cho Giáo hội. Ngài cho Phêrô được chia sẻ trách nhiệm với Ngài. Simon như tên căn cước được đặt bởi cha mẹ, nhưng Chúa Giêsu gọi ông là Đá - Phêrô, sau này biệt danh Phêrô luôn gắn liền với ông và theo Kinh Thánh Tân ước, ông đã được cộng đoàn tiên khởi biết đến dưới cái tên Kêphas - Phêrô - nghĩa là đá tảng (x. 1Cr 1,12; 15,5; Gl 1,18; 2,9; 2,11.14). Trong Kinh Thánh về việc đổi tên và với tên mới, ý nghĩa thật quá rõ ràng: Simon sẽ là tảng đá móng, tảng đá vững bền trên đó Chúa Giêsu sẽ xây Hội Thánh của Ngài.

Chúa Giêsu trao cho Phêrô chìa khóa, sách Khải huyền nhấn mạnh chỉ mình Đức Giêsu nắm giữ chìa khóa (x. Kh 3,7), chìa khóa là hình ảnh rất cổ xưa, dấu chỉ sự chính thống về cai quản (x. Is 22,22). Cho nên, người nào giữ chìa khóa của một ngôi nhà, người ấy có toàn quyền trên ngôi nhà đó. Chìa khóa tượng trưng cho quyền hành và trách nhiệm cai quản. Trao chìa khóa theo ngôn ngữ Kinh Thánh tượng trưng cho sự ủy thác trách nhiệm…

Phêrô được trao chìa khóa nước Trời, nghĩa là được tham dự vào quyền bính trách nhiệm của Chúa Giêsu, chính vì thế, Phêrô đại diện Chúa Kitô có quyền giáo huấn, quyền thánh hoá và quản trị Giáo hội, nhằm mục đích là phục vụ dân Chúa. Các Đức Giáo hoàng sau này kế vị thánh Phêrô và là đại diện Chúa Kitô ở trần gian mang trọng trách cùng quyền bính của Phêrô. Thánh Augustinô đã chú giải đoạn Phúc Âm Matthêu (16,13-23) như sau: “Chúc tụng Chúa, Đấng đã đoái thương đặt thánh Phêrô Tông Đồ trên toàn thể Giáo hội. Nền tảng này được tôn kính thật xứng hợp bởi vì đó là phương thế để chúng ta có thể được lên thiên đàng”.

Cho nên, ngai tòa thánh Phêrô mang một ý nghĩa quan trọng tuyệt đối, Đức Giáo hoàng là vị kế nhiệm thánh Phêrô hướng dẫn toàn thể Giáo hội toàn cầu. Vì thế, ngày lễ hôm nay là một lời tuyên xưng long trọng về quyền tối thượng của Đức Giáo hoàng trong toàn thể Giáo hội. Chúng ta thần phục và lắng nghe giáo huấn của Ngài, cũng như cầu nguyện cho Ngài trong sứ vụ lèo lái con tàu của Giáo hội …

Ý lực sống: “Thánh Phêrô giữ quyền tối thượng để chứng tỏ Giáo hội của Chúa Kitô là duy nhất, và Tòa của ngài là duy nhất. Thiên Chúa là duy nhất. Đức Kitô là duy nhất. Giáo hội là duy nhất. Tòa được Chúa Kitô thiết lập cũng duy nhất” (Thánh Cyprianô vào thế kỷ III).

 

Bài cùng chuyên mục:

+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 2,697)

CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.

Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 2,910)

Thứ Bảy tuần 33 thường niên.

Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,648)

Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,378)

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.

Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,794)

Thứ Tư tuần 33 thường niên.

Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,793)

Thứ Ba tuần 33 thường niên.

Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,887)

Thứ Hai tuần 33 thường niên.

+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,128)

CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.

Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,565)

Thứ Bảy tuần 32 thường niên.

Thứ Sáu 15/11/2024 – Thứ Sáu tuần 32 thường niên. – Sống trong ngày của Chúa. (14/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,956)

Thứ Sáu tuần 32 thường niên.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7