Lời chúa mỗi ngày

Thứ Ba 21/06/2022 – Thánh Lu-y Gôndaga, tu sĩ. Lễ nhớ. – Thi hành điều muốn người khác làm cho mình.

  • In trang này
  • Lượt xem: 8,111
  • Ngày đăng: 20/06/2022 08:00:00

Thi hành điều muốn người khác làm cho mình.

21/06 – Thứ Ba tuần 12 thường niên. – Thánh Lu-y Gôndaga, tu sĩ. Lễ nhớ.

"Tất cả những gì các con muốn người ta làm cho các con, thì hãy làm cho người ta".

 

* Sinh năm 1568, gần Man-tu-a miền Lom-bác-đi-a, trong một gia đình Cát-ti-di-ô-nê quyền quý, hấp thụ lòng đạo đức của thân mẫu. Lu-y sớm có khuynh hướng sống đời tu. Sau khi trao lại cho anh (em) phần đất người được tổ tiên giao cho để cai quản, người gia nhập dòng Chúa Giêsu. Trong khi phục vụ bệnh nhân đang kỳ dịch, thánh nhân bị lây và qua đời lúc mới 23 tuổi (năm 1591)

 

Lời Chúa: Mt. 7, 6. 12-14

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Đừng lấy của thánh mà cho chó, và đừng vất ngọc trai trước mặt heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi quay lại cắn xé các con.

"Vậy tất cả những gì các con muốn người ta làm cho các con, thì chính các con hãy làm cho người ta như thế! Đấy là điều mà lề luật và các tiên tri dạy.

"Các con hãy vào qua cửa hẹp, vì cửa rộng và đường thênh thang là lối đưa đến hư mất, và có nhiều kẻ đi lối ấy; cửa và đường đưa tới sự sống thì chật hẹp, và ít kẻ tìm thấy".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Cửa hẹp và đường chật

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Bài Tin Mừng hôm nay gồm những câu rời rạc.

Câu đầu tiên là một câu khó hiểu đối với chúng ta ngày nay (c.6),

tuy có thể rất dễ hiểu đối với những người trực tiếp nghe Đức Giêsu.

“Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai chớ liệng cho heo…”

Heo là con vật nhơ uế, chó thường được dùng để chỉ dân ngoại.

Vào khoảng đầu thế kỷ thứ hai,

sách Điđakhê coi của thánh ở đây là Mình Thánh Chúa,

từ đó xác định rằng chỉ tín hữu mới được rước lễ (9, 5).

Tuy nhiên, có thể hiểu của thánh hay ngọc trai là Tin Mừng Nước Trời.

Tin Mừng này có thể được đón nhận hay bị từ chối một cách thô bạo.

Không hẳn chỉ dân ngoại mới có người từ chối và chà đạp viên ngọc quý.

Cả người Do thái cũng có kẻ bách hại những ai rao giảng (Mt 10, 17).

Thái độ của người môn đệ là không dừng lại, nản lòng khi bị chối từ.

nhưng là tiếp tục mang sứ điệp ấy đến cho người khác.

Câu 12 thường được coi là khuôn vàng thước ngọc.

Nó xuất hiện trong nhiều tôn giáo và văn hóa từ xưa.

“Làm cho người khác mọi điều mình muốn họ làm cho mình.”

Đây là một thái độ tích cực đòi chúng ta một chút tưởng tượng.

Tôi thử nghĩ xem mình muốn gì nơi người khác.

Cảm thông, bao dung, yêu mến, kính nể, trung thành, nâng đỡ…

Rồi tôi tìm cách trao cho họ những điều tốt lành mà tôi ước mong,

vì giữa con người với nhau, vẫn có chung những khát vọng.

Trong một thế giới mà người ta chỉ tìm làm điều tốt cho nhau,

thì thế giới đó là địa đàng, nơi sự dữ không còn đất đứng.

Như thế người Kitô hữu không chỉ yêu anh chị em trong cộng đoàn,

yêu người thân cận như chính mình (Mt 22, 39),

mà còn yêu mọi người đau khổ cơ nhỡ (Mt 25, 31-46),

thậm chí yêu cả kẻ thù (Mt 5, 44).

Cộng đoàn Kitô hữu là cộng đoàn yêu bằng hành động tích cực:

“chính anh em hãy làm cho người ta” (c. 12).

Người ta ở đây là mọi người, vượt quá mọi thứ biên giới.

Con đường mà Đức Giêsu đã đi là con đường hẹp, khó đi.

Nó hẹp vì nó là con đường tình yêu, mà yêu thì không dễ.

Ít ai tìm thấy con đường này, mà cũng ít người muốn đi (c. 14).

Chúng ta được mời chọn đi con đường Giêsu,

con đường tình yêu đòi hy sinh mạng sống,

con đường đòi ra khỏi mình để sống cho và sống với tha nhân.

Và chúng ta tin mình sẽ gặp được hạnh phúc.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, Tình Yêu của con,

nếu Hội Thánh được ví như một thân thể

gồm nhiều chi thể khác nhau,

thì hẳn Hội Thánh không thể thiếu

một chi thể cần thiết nhất và cao quý nhất.

Đó là Trái Tim, một Trái Tim bừng cháy tình yêu.

Chính tình yêu làm cho Hội Thánh hoạt động.

Nếu trái tim Hội Thánh vắng bóng tình yêu,

thì các tông đồ sẽ ngừng rao giảng,

các vị tử đạo sẽ chẳng chịu đổ máu mình...

Lạy Chúa Giêsu,

cuối cùng con đã tìm thấy ơn gọi của con,

ơn gọi của con chính là tình yêu.

Con đã tìm thấy

chỗ đứng của con trong Hội Thánh:

nơi Trái tim Hội Thánh, con sẽ là tình yêu,

và như thế con sẽ là tất cả,

vì tình yêu bao trùm mọi ơn gọi trong Hội Thánh.

Lạy Chúa, với chỗ đứng Chúa ban cho con,

mọi ước mơ của con được thực hiện. Amen.

(dựa theo lời của thánh Têrêxa)

 

Suy Niệm 2: Vào cửa hẹp

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Chúa chỉ cho ta con đường dẫn đến sự sống đó là phải vào qua cửa hẹp.

Cửa hẹp là chế ngự được thú tính. “Đừng quăng của thánh cho chó; đừng liệng ngọc trai cho heo”. Trong ta có của thánh và ngọc quí. Đó là đức tin, là ơn thánh, là tước hiệu con cái Chúa. Quí giá vì quyết định hạnh phúc đời đời. Vì thế phải bảo vệ trân trọng bằng bất cứ giá nào. Bằng cả mạng sống ta. Nhưng trong ta cũng có những con thú. Thú dữ như chó. Thú dơ bẩn như heo. Nếu ta không kềm chế, thả lỏng những con thú này. Chúng sẽ chà đạp hết những gì cao quí trong con người ta rồi quay lại cắn xé ta tan nát. Chế ngự thú tính là bắt mình đi vào cửa hẹp, không cho thú tính tự do tung tác. Như thế mới bảo vệ được ơn thánh và ngọc quí trong ta.

Cửa hẹp là biết quan tâm đến tha nhân sống chung quanh ta. Quan tâm để phục vụ: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta”. Đó là yêu người như mình. Khi muốn làm vui lòng tha nhân, phải từ bỏ mình. Phải chịu hẹp một chút. Đó là vào cửa hẹp yêu thương. Cửa hẹp này sẽ mở rộng cánh cửa tâm hồn của ta và của tha nhân.

Như Áp-ra-ham biết giữ những giá trị tinh thần cao quí. Giá trị đó là đức tin vào Chúa một cách tuyệt đối. Giá trị đó cũng là tình gia tộc. Phải phân chia nơi ở để gìn giữ hòa khí. Trong phân chia, Áp-ra-ham đã đi vào cửa hẹp là nhường nhịn. Dành cho Lót quyền ưu tiên chọn lựa. Dù Lót là phận dưới. Lại chỉ là người ăn theo lời hứa. Lót đã chọn thành Xô-đô-ma là một thành phố giầu sang thịnh vượng. Vừa dễ làm ăn vừa vui tươi. Còn Áp-ra-ham theo lời hứa đã chọn hướng ngược lại, vào sa mạc cắm lều dưới rặng sồi Măm-rê. Ông đã giữ được của thánh và ngọc quý. Ông được Chúa thưởng công gấp bội (năm lẻ).

Như Khít-ki-gia. Không cậy dựa vào sức mạnh của nhân loại. Cũng không hèn nhát hàng phục. Nhưng phó thác cho Chúa. Trước sức hung hãn của Át-sua. Giống như chó dữ. Và như heo dơ bẩn. Muốn cắn xé đức tin của ông. Muốn chà đạp sự linh thiêng của Chúa. Khít-ki-gia đi vào cửa hẹp. Lên Đền Thờ tỏ bày với Chúa. Và ông đã được Chúa cứu thoát khỏi ách xâm lược của Át-sua. “Chính đêm ấy, thiên sứ của Đức Chúa ra đánh chết một trăm tám mươi lăm ngàn người trong trại quân Át-sua. Vua Át-sua là Xan-khê-ríp nhổ trại và lên đường. Ông rút về Ni-ni-vê” (năm chẵn).

Đường rộng thênh thang muôn lối nhưng dẫn đến diệt vong. Xin Chúa cho con biết đi vào đường hẹp, chỉ có một lối duy nhất của Chúa dẫn đến sự sống.

 

Suy Niệm 3: Hãy qua cửa hẹp

Một cuốn phim Mỹ với nội dung như sau: Có đôi vợ chồng trẻ mới thành hôn đưa nhau đi nghỉ cuối tuần tại Las Vegas, một thành phố cờ bạc nổi tiếng nhất nước Mỹ. Ðang lúc thuận thời vận, hai người chia sẻ cho nhau ước muốn có được một căn nhà. Một nhà tỷ phú tình cờ theo dõi câu chuyện của đôi vợ chồng trẻ. Với tất cả nghiêm chỉnh, ông đề nghị với họ: nếu cô vợ chịu ngủ với ông một đêm, ông sẽ tặng cho họ một triệu Mỹ kim. Chỉ sau một đêm họ có thể trở thành triệu phú. Nghĩ thế, họ ra phòng luật sư để ký giao kèo. Nhưng khi người vợ lên đường đến với nhà tỷ phú, người chồng cũng bắt đầu nghĩ lại, viễn ảnh mất vợ bỗng làm anh lo sợ. Thế nhưng đã quá muộn, sau một đêm để có được tất cả cũng chính là lúc họ mất nhau để rồi đi đến tan vỡ.

Câu chuyện phim trên đây có thể là một dụ ngôn cho chúng ta hiểu được giáo huấn của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay: con đường dễ dãi là con đường dẫn đến hư mất, đó là định luật chung của cuộc sống. "Hãy vào qua cửa hẹp, vì cửa rộng và đường rộng đưa đến diệt vong". Thái độ hững hờ không thể đi đôi với những đòi hỏi của Tin Mừng; cuộc sống dễ dãi, buông thả không có chỗ đứng trong nếp sống của những người theo Chúa. Ðã một thời cùng ăn, cùng uống, cùng nghe giảng dạy, chưa phải là giấy thông hành để vào Nước Trời: "Ai nghe những lời Ta dạy mà không đem ra thực hành, thì ví được như người ngu xây nhà trên cát". Nếu viện lý do mình là con dòng cháu giống, cũng chưa phải là lý do để được thâu nhận vào Nước Trời.

Trong lúc huấn đức cho đồ đệ, một người mới nhập viện lên tiếng hỏi vị Thiền sư:

- Thưa Thầy, con quyết chí tu cho đắc đạo dễ hay khó?

Thiên sư trả lời:

- Không dễ cũng không khó.

Người đồ đệ ngạc nhiên hỏi:

- Tại sao lại không dễ cũng không khó? Con thật không hiểu, xin thầy giải thích.

Thiền sư dõng dạc trả lời:

- Vì tu đắc đạo không ở đó.

Người đồ đệ càng sửng sốt hơn:

- Con không thể nào hiểu được. Vậy làm sao để đạt đích?

Thiền sư trả lời:

- Vì đường tu không khoảng cách. Khi con ngưng bước là lúc con tới đích.

Xin Chúa cho chúng ta thực thi những gì Chúa đòi hỏi. Xin cho chúng ta luôn đi sát Chúa và hướng thẳng tới đích cao vời.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Cửa hẹp

“Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng là đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua cửa đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.” (Mt. 7, 13-14)

Những cánh cửa khép kín

Ta nghĩ đến cái gì khi nghe Phúc âm nói về cửa hẹp? Có lẽ ta cho đó là chuyện chẳng có gì đáng “tếu”, đáng phấn khởi cả. Trong đầu óc ta, đó là những tiếng gợi nên cảnh nhiệm nhặt, khổ chế, những điều răn, thập giá và đau khổ. Trong tất cả những điều này, chẳng có gì làm cho ta ham sống cả. Một phần nào đó cũng giống như muốn qua cửa hẹp, thì trước tiên là phải lo đóng chặt các cửa chung quanh, phải bận tâm nhiều đến những điều cấm đoán, phải thường xuyên ở thế phòng thủ, phải luôn luôn canh chừng để khỏi rơi xuống hố sâu vực thẳm.

Như vậy thiết tưởng cửa hẹp là một cái vòng xiềng cổ, là cái áo bó chặt vào người, là con đường khúc khuỷu gập ghềnh chẳng có nhiều ánh sáng, niềm vui sống và tự do.

Những cánh cửa mở rộng

Nghĩ tưởng như vậy đúng là không biết đánh giá cao điều Chúa Giêsu đề nghị cho ta. Để tỏ ra công bằng đối với Chúa, khĩ nghĩ đến cửa hẹp, thiết tưởng ta phải nghĩ nhiều đến những cánh cửa rộng mở hơn là những cánh cửa khép kín. Chúa Giêsu chẳng phải là con người dập tắt niềm vui, sự sống và tự do. Và chính cửa hẹp Chúa nói đến ở đây, sẽ đưa ta tới đó.

Nếu Chúa Giêsu có mời gọi ta sống nhiệm nhặt khắc khổ, chính là để nếp sống ấy đưa ta tới nguồn vui. Chúng ta sẽ phải đau khổ, nếu Chúa không giấu ta điều đó, chính là để nói với ta rằng hạnh phúc đang chờ ta ở cuối đoạn đường. Nếu Người thúc ép ta vác thập giá mình, chính la để dẫn ta đến sự sống.

Thế nên cửa hẹp được gọi là tình yêu thương, sự hiến thân, đức công bình, sự tha thứ lỗi lầm, lòng quảng đại, nhân từ, dịu hiền. Cửa hẹp này mở rất rộng rãi hướng về một thế giới tuyệt vời; thế giới chan hòa tự do và hoan lạc này chỉ mình Thiên Chúa mới có thể vun trồng ở thâm sâu của lòng ta.

 

Suy Niệm 5: Khuôn vàng thước ngọc

"Tất cả những gì các con muốn người ta làm cho các con, thì hãy làm cho người ta".

Đây là khuôn vàng thước ngọc để ta thi hành đức ái theo thánh ý Chúa.

Thật vậy, chẳng ai muốn điều xấu đến với mình bao giờ. Vì thế, không có lẽ gì lại mong muốn điều xấu đến với anh chị em mình. Chỉ có ai nuôi lòng hận thù, hay vì ích kỷ thì mới làm điều bất chính cho tha nhân và muốn điều tốt cho riêng mình mà thôi.

Hôm nay, Đức Giêsu đã đưa ra kim chỉ nam cho các môn đệ và cũng cho mỗi người chúng ta là: hãy muốn và làm điều tốt cho tha nhân trước khi thi hành điều tốt cho chính mình. Phải quên đi bản thân để mưu cầu hạnh phúc cho tha nhân trước. Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của anh chị em và hãy đối xử với họ như chính mình muốn được đối xử khi ở địa vị của họ.

Lời Chúa hôm nay không chỉ kêu mời chúng ta “hãy làm cho người khác những điều mình muốn họ làm cho mình” mà Ngài muốn chúng ta đi xa hơn nữa là hãy cư xử với tha nhân tốt hơn là họ đáng được cư xử. Không chỉ “yêu tha nhân như chính mình” mà hãy “yêu tha nhân như Chúa đã yêu thương chúng ta”. Đó là yêu vô điều kiện, yêu đến mức hy sinh cả mạng sống.

Khi yêu như thế, ấy là lúc chúng ta đang đi trên con đường hẹp, con đường của hy sinh, từ bỏ, của yêu thương, quảng đại và vô vị lợi. Sẵn sàng từ bỏ con đường thênh thang là con đường của kiêu ngạo, ích kỷ, nhỏ nhen, trục lợi cho cá nhân mình.

Lạy Chúa Giêsu, Lời Chúa hôm nay vạch ra cho chúng con con đường về trời. Con đường đó là hy sinh, yêu thương và bác ái vô vị lợi.

Xin cho chúng con biết chọn con đường hẹp ấy để tiến bước trên hành trình sứ vụ của chúng con. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 6: Cửa hẹp và đường chật

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Điều ta muốn người khác làm cho mình thì ta hãy làm cho họ. Đó là cửa hẹp và đường chật mà ta phải đi vào để gặp được sự sống.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa luôn sống hạnh phúc viên mãn vì Chúa hoàn toàn sống cho Chúa Cha và cho chúng con. Chúa Cha cũng hạnh phúc viên mãn vì hoàn toàn trao ban chính mình cho Chúa và cho chúng con. Chúa cho con hiểu rằng hạnh phúc hệ tại cuộc sống quên mình và biết sống vì người khác.

Lạy Chúa, ai trong chúng con cũng muốn coi mình là trung tâm, ai cũng muốn sống cho mình, ai cũng muốn người khác hy sinh cho mình, mà chẳng bao giờ muốn sống cho người khác và hy sinh cho người khác. Chính vì thế nhân loại chẳng bao giờ gặp được hạnh phúc đích thực và lâu bền.

Chúa dạy con phải biết làm cho người khác điều mà con muốn họ làm cho con. Xin Chúa giúp con đi bước trước. Xin Chúa dạy con biết yêu mến và an ủi người khác hơn là mong được họ yêu mến và an ủi, biết giúp đỡ quan tâm và tế nhị với họ hơn là được họ giúp đỡ, quan tâm. Con mong được người khác tha thứ cảm thông, thì xin Chúa giúp con biết quảng đại tha thứ và cảm thông trước. Và sau đó Chúa sẽ cho con nhận lại tất cả.

Lạy Chúa, hạnh phúc của con là làm sao cho người khác được hạnh phúc. Con sẽ chẳng bao giờ hạnh phúc khi chỉ biết chờ đợi người khác hầu hạ khen tụng con, nhưng trái lại hạnh phúc sẽ bắt đầu khi con biết sống cho người khác. Điều này ngược với tính ích kỷ của con. Xin Chúa giúp con biết hy sinh đi vào cửa hẹp và con đường chật như chính Chúa đã dạy và làm gương cho con. Amen.

Ghi nhớ: “Tất cả những gì các con muốn người ta làm cho các con, thì hãy làm cho người ta”.

 

Suy Niệm 7: Phấn đấu qua cửa hẹp

(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Có một khách bộ hành phải đi qua một cái làng để đến một nơi mà ông ta không biết đích xác còn bao xa nữa thì mới tới được. Dọc đường ông ta gặp một bác tiều phu, liền dừng lại hỏi xem khoảng bao lâu nữa thì tới nơi mình muốn tới. Bác tiều phu nhìn ông khách rồi đáp ngay: “Tôi không biết”.

Nghe thế, ông khách vội bước đi và nghĩ rằng người nhà quê đó không biết thật, chứ không phải khó tính khó nết. Nhưng khi vừa mới đi được vài bước thì bác tiều phu gọi với theo: “Này ông ơi, ông đi độ 15 phút nữa thì tới nơi đó”. Ngạc nhiên, ông khách quay trở lại hỏi bác tiều phu: “Tại sao khi nãy hỏi bác, bác trả lời không biết?”. Bác tiều phu thông cảm đáp: “Lúc ông hỏi tôi, ông chưa hành động nên chưa thấy bước đi của ông dài hay ngắn, mau hay chậm thì làm sao tôi có thể trả lời cho ông rõ ràng được”.

Suy niệm

Chúa Giêsu trình bày giáo huấn của Ngài với ba ý khác nhau:

“Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai chớ liệng cho heo”… Người Do Thái coi heo là con vật nhơ uế, chó thường được dùng để chỉ dân ngoại. Chúa Giêsu muốn dùng hình ảnh của thánh hay ngọc trai để nói về Tin Mừng nước Trời. Tin Mừng có thể được đón nhận hay bị từ chối một cách thô bạo từ dân ngoại. Ngay cả nơi người Do Thái cũng có kẻ bách hại những ai rao giảng (x. Mt 10,17). Sách Điđakhê vào khoảng đầu thế kỷ thứ hai, nhấn mạnh thêm coi của thánh ở đây là Mình Thánh Chúa, từ đó xác định rằng chỉ tín hữu mới được rước lễ.

Đức Giêsu đưa ra khuôn vàng thước ngọc về bổn phận của người tin vào Ngài: Luôn làm những điều tích cực, điều tốt cho anh em với tất cả lòng quảng đại và yêu mến. Cựu ước dạy: “Đừng làm cho người khác những điều chính mình không thích” (Tb 4,16). Giáo huấn của Chúa Giêsu mang tính cách tích cực hơn: “Hãy làm cho người ta trước”. Muốn người khác giúp đỡ, thì chính mình cũng phải giúp đỡ cho người khác.

Qua hình ảnh con đường hẹp, cửa hẹp. Ðức Giêsu dạy ta cần phải luôn cố gắng, phấn đấu hết sức để được vào nước Chúa. Ngài nói phải phấn đấu bước qua: “Hãy đi qua cửa hẹp”. Ngài nhấn mạnh: “Cửa hẹp dẫn đến sự sống” (Mt 7,14). Qua cửa hẹp, phải cố gắng, phải chiến đấu không ngừng để về quê Trời. Cho nên, Tin Mừng nói đến hình ảnh: “Chỉ những ai mạnh sức mới chiếm được nước Trời” (Mt 11,12; Lc 16,16).

Xin cho chúng ta luôn gìn giữ ơn thánh được trao ban qua Lời Chúa và Thánh Thể, đó là sức mạnh để chúng ta cùng nhau đi trên con đường mà Đức Giêsu đã đi - con đường hẹp, khó đi - con đường tình yêu đòi hy sinh mạng sống - con đường đòi ra khỏi mình để sống cho và sống với tha nhân.

Ý lực sống:

“Các con hãy vào qua cửa hẹp… cửa và đường đưa tới sự sống thì chật hẹp” (Mt 7,13-14)

 

Suy Niệm 8: Khuôn vàng thước ngọc

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

Chúa Giêsu đưa ra khuôn vàng thước ngọc về bổn phận của mọi người đối với tha nhân. Sự độc đáo nơi nguyên tắc của Ngài: không chỉ không làm những điều tiêu cực, mà còn phải làm những điều tích cực, điều tốt cho anh em, nghĩa là sống bác ái, cho đi với tất cả với lòng quảng đại và yêu mến.

Qua hình ảnh con đường hẹp, cửa hẹp, Chúa Giêsu dạy ta phải khước từ những quyến rũ bất chính của cuộc sống để được vào Nước trời. Muốn theo Chúa Giêsu, chúng ta phải phấn đấu với chính mình và đi trên con đường Ngài đã đi, đó là con đường khổ giá.

Chớ phạm thánh: “Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi quay lại cắn xé anh em”. Với lời dạy này Chúa Giêsu, trước hết, được hiểu là Bí tích không thể phát bừa bãi cho kẻ không tin và không có ý ngay lành. Lời này cũng là một sự nhắc nhở cho chúng ta sự cẩn trọng đối với đồ thánh, nơi thánh và tất cả những gì liên quan tới phụng tự. Vì những gì dành cho việc phụng thờ Thiên Chúa là Đấng Chí Thánh thì cần được trân trọng và gìn giữ. Đặc biệt, mọi Kitô hữu luôn ý thức mình đã được hiến thánh khi chịu các Bí tích, thì hãy luôn giữ mình trong sạch để xứng đáng là nơi thánh cho Thiên Chúa ngự, và xứng đáng đến tham dự cử hành các mầu nhiệm thánh trong đạo (Hiền Lâm).

Khuôn vàng thước ngọc. Trước Chúa Giêsu, sách Tôbia cũng đã viết: “Điều gì con không thích thì cũng đừng làm cho ai cả” (Tb 4,15). Khổng Tử cũng trả lời cho một đệ tử: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, nghĩa là điều gì con không muốn thì đừng làm cho người ta. Triết gia Aristote cũng dạy: “Đừng làm lại những điều người khác làm cho ngươi nổi giận”.

Tuy nhiên, các hiền nhân xưa chỉ nói theo mặt tiêu cực. Còn Chúa Giêsu khuyên bảo theo cách tích cực: “Điều gì các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì chính các ngươi hãy làm cho họ trước”. Đó là khuôn vàng thước ngọc của Kitô giáo và là “kim chỉ nam” cho những ai theo Chúa. Thật vậy, đừng làm điều ác mà thôi thì chưa đủ, nhưng chỉ khi nào mọi người bắt tay làm điều thiện, làm điều mình muốn người khác làm cho mình, lúc đó xã hội mời hy vọng tốt đẹp được (Hiền Lâm).

Phải đi qua cửa hẹp. Có những con đường chẳng ai muốn đi, bởi vì nó chật hẹp, đầy chông gai. Bởi vì thường người ta muốn đi trên những con đường thênh thang, êm ái, muốn hưởng thụ một cuộc sống đầy tiện nghi, thoải mái. Biết bao nhiêu phát minh khoa học kỹ thuật đều nhằm thỏa mãn khát vọng đó. Thế mà Chúa Giêsu giới thiệu với chúng ta con đường hẹp, con đường ít người muốn đi: “Cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 6,14).

Cửa hẹp và đường chật chẳng ai thích đi, trừ phi họ được Thiên Chúa dẫn vào. Thời Xuất hành, nếu dân Israel không trải qua cảnh cùng cực bên Ai cập, làm sao họ chịu vào sa mạc để tìm về Đất hứa? Kể cả Chúa Giêsu, Ngài cũng từng được Thần khí dẫn vào sa mạc để chịu thử thách (Mt 4,1), Ngài cũng xin Chúa Cha cất cho Ngài khỏi chén đắng (Mt 26,42) (5 phút Lời Chúa).

Phải cộng tác với Chúa. Để có được những thiện hảo đời này hẳn nhiên không thể thiếu sự cố gắng nỗ lực. Cũng vậy để có hạnh phúc vĩnh cửu thì sự nỗ lực hoàn thiện bằng đời sống đạo đức càng phải trổi vượt hơn gấp bội. Thật thế, Thiên Chúa chuẩn bị cho ta ơn cứu độ, dọn sẵn cho ta Nước trời, nhưng Thiên Chúa muốn con người cộng tác để đạt cùng đích ấy, như thánh Augustinô nói: “Thiên Chúa dựng nên ta Ngài không cần ta, nhưng để cứu chuộc ta Ngài cần ta cộng tác”.

Dĩ nhiên để đạt tới ơn cứu độ và hưởng Nước trời không phải chỉ do sức riêng chúng ta tự nỗ lực, nhưng cần đến sự trợ giúp của Ơn Chúa (khác với tự thân nỗ lực giải thoát trong Phật giáo). Việc đi qua cửa hẹp chính là sự hy sinh mỗi ngày, vừa dành thời gian cho Chúa để được trợ lực, vừa thực hành sống đạo đức và bác ái giữa đời.

Truyện: Trên bước đường chông gai

Năm 1796, chiến tranh giữa Pháp và liên minh Ý-Áo, Đại tướng Bonaparte của Pháp đã đưa quân đội đến một địa điểm, có cây cầu bắc qua trận tuyến của địch.

Khi trận chiến đã đến hồi quyết định, Bonaparte hô quân tiến qua cầu, nhưng không một ai qua! Bonaparte xuống ngựa, giựt lá cờ quân đoàn, chân bước qua cầu, miệng hô to:

- Ai yêu tổ quốc thì theo ta.

Lịch sử kể lại rằng, lúc đó trên cầu người ta chỉ thấy có mình ông với lá cờ đã rách nhiều mảnh vì đạn của địch quân. Rất may sau đó có cậu bé 13 tuổi đánh trống thúc quân, hai tay đập mạnh vào trống, chân bước qua cầu theo đại tướng, quân sĩ thấy vậy liền tràn qua cầu. Bonaparte toàn thắng và chấm dứt chiến tranh.

8 năm sau, Bonaparte đã là hoàng đế Napoléon, trở lại chỗ cũ, có lễ nghi nghinh tiếp rất long trọng. Napoléon muốn bắt tay cậu bé Vidal đã 21 tuổi hiện ở trong quân đoàn tại đó. Hỏi đến Vidal thì cậu đã xin nghỉ phép để về đưa đám tang mẹ. Napoléon bãi bỏ tất cả nghi lễ quân đội, đi thẳng đến làng của Vidal, theo sau đám tang đến tận huyệt, đọc bài điếu văn rồi đi bộ cùng Vidal trở về. Vidal từ chối và mời Hoàng đế lên xe. Hoàng đế Napoléon đáp:

- Tám năm trước con đã liều chết theo ta trên con đường chết, nay trên con đường đau khổ, con cho ta theo con, cho có bạn!

 

Suy Niệm 9: Các giáo huấn của Chúa Giêsu

(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Phân tích

Đoạn Tin Mừng này gồm 3 giáo huấn:

1. “Đừng lấy của Thánh mà vất cho chó, đừng vất ngọc trai trước mặt heo.” Nhóm CGKPV giải thích như sau: “Chúa muốn nói rằng không được trình bày những điều cao siêu thánh thiện cho những kẻ không đủ khả năng tiếp thu, mục đích là tôn trọng sự linh thánh và tránh không để cho người ta xúc phạm.”

2. “Tất cả những gì các con muốn người ta làm cho các con thì chính các con hãy làm cho người ta như thế.”

3. “Các con hãy vào Nước trời bằng cửa hẹp.”

Suy gẫm

1. “Tất cả những gì các con muốn người ta làm cho các con thì chính các con hãy làm cho người ta như thế.” Chuyện có thật sau đây minh họa rất tốt cho lời khuyên này:

Một hôm, một người phụ nữ đến thăm một người bạn và tình cờ đọc được một câu rất ngông dán trên tủ lạnh nhà người ấy: “Hãy thực thi sự tử tế một cách càn dở và những cử chỉ đẹp một cách vô nghĩa.” Bà chép câu này đem về nhà dán ở nhà mình và quyết làm theo. Chồng bà, một giáo viên, thấy câu đó cũng thích và đem chép lên bảng trong lớp học. Một học sinh cũng thấy hay nên chép về cho cha mình. Ông này là biên tập viên của một nhật báo địa phương nên ông lại đưa lên báo. Chẳng mấy chốc, câu nói như vết dầu loang đã lan rộng nhiêu nơi tại nước Mỹ và đã thúc đẩy được nhiều cử chỉ đẹp rất “vô nghĩa.”

Thí dụ tại Chicago, một buổi sáng có một thiếu nữ tự động đến từng nhà của những người hàng xóm và cào tuyết trước gara đậu xe giúp họ; tại Saint Louis, một người đàn ông bình thường rất cau có nhưng một hôm ông ra đường bị một chiếc xe khác quệt trầy xe ông, ông thò đầu ra khỏi xe, mỉm cười nói “không có gì đâu”; tại San Francisco, một người đàn ông dừng xe để đóng thuế qua cầu San Francisco chẳng những cho xe mình mà còn cho cả dãy xe phía sau.

2. Cửa mở diễn tả một sự đón tiếp, một sự chờ đợi sẵn sàng tiếp rước. Ngược lại cửa đóng là để ngăn chặn sự qua lại, để bảo vệ hoặc để biểu lộ một sự từ chối. Như thế dù cửa nào cũng là dẫn tới đích điểm. Chữ cửa là để nói lên một sự cẩn thận lựa chọn, nhất là cửa hẹp. Cửa hẹp hay đường hẹp cũng cùng một ý nghĩa.

Chúng ta đã từng bước đi trên những bờ ruộng hẹp lối, hay len lỏi giữa những con đường mòn của triền núi để kiếm củi bứt tranh... thì đủ biết rằng đi lại giữa những chỗ hẹp đó khó khăn đến như thế nào. Chúng ta phải cố giữ thăng bằng thế nào để khỏi vướng, khỏi té xuống ruộng xuống mương, hay phải len lỏi thế nào để khỏi vướng mắc chà chuôm gai góc.

Giữ luật Chúa cũng giống như đi trên những con đường hẹp hay nép mình qua cánh cửa hẹp đó. Khi chúng ta phải cố gắng làm cho người khác điều mà chúng ta muốn người ta làm cho mình thì đó là chúng ta đi vào qua cửa hẹp. Chúng ta phải từ bỏ nhiều chuyện, không thể mang hành trang cồng kềnh khi đi vào cửa hẹp được. Chúng ta phải tự chủ để chấp nhận hy sinh gian khổ. Ở đời có những con đường hẹp mà sở dĩ chúng ta đi trên đó vì chúng ta sẽ được an vui hoàn toàn. Chính mục đích ấy khiến ta chấp nhận và phấn khởi đi trên con đường hẹp.”Hãy vào cửa hẹp” (c.13): đó là một lời mời gọi. Đúng hơn là một mệnh lệnh, một chỉ thị.

Thường thì chúng ta nghĩ ngay đến chuyện theo Chúa là được lời lãi, lợi lộc và thoả mãn sung sướng. Mà thật sự có như thế vì Chúa hứa ban không thể sai lầm được. Tuy nhiên, không nhất thiết rằng chúng ta phải trải qua những ngày nơi dương thế trong hạnh phúc hoàn toàn đâu. Khi chúng ta nói về Chúa cho anh em, chúng ta thường khuyên họ “Cứ tin Chúa đi, sẽ được lời lãi gấp trăm... được phúc lộc.” Được lắm, nhưng chúng ta quên nói cho họ hay rằng tin Chúa theo Chúa là phải chấp nhận gian khổ, là đi vào đường hẹp và cửa hẹp trước khi đạt tới vinh quang Nước trời.

Thánh Phaolô bảo “Phải trải qua bao nhiêu nỗi gian truân mới được vào Nước trời... phải chạy đua. Chúa Giêsu bảo “Phải dùng sức mạnh” (Mt 11, 12). Người xưa đã có lần đến xin theo Chúa. Chúa cảnh cáo trước “Phải bán hết mọi sự...” Và “theo Chúa thì không chỗ tựa gối đầu” (Lc 9, 50). Vậy muốn theo Chúa là sống như Chúa. Chúa bảo phải đi qua cửa hẹp. Tám cửa bát phúc, nghĩa là phải nghèo, phải khiêm hạ, mục nát như hạt giống, phải khóc, phải chịu sỉ nhục. Đó là cửa hẹp. Cửa hẹp của Chúa là phải hoán cải, có đức tin, phải thức tỉnh kẻo cửa đóng lại. Đó, Chúa bảo đi vào những cửa hẹp đó mới đi tới một nơi vĩnh phúc được. Ở đời này, con đường rộng rãi sung sướng dễ đi đến chỗ tai nạn như xa lộ... chứ còn đường khúc khuỷu ổ gà, người ta lại cẩn thận nhiều. Chính vì vậy mà con đường hẹp lại là an toàn.

Vì thế, đừng nhìn vào con đường rộng, con đường hạnh phúc tạm bợ, để mê lầm hạnh phúc. Đường rộng có nhiều người đi (c.13). Điều này nói cho chúng ta hay việc gì nhiều người làm chưa hẳn là đúng, là phải ngay đâu. Nhiều người đau không có nghĩa là mình cũng đau.

Chúa nói “Ta là đường” (Ga 14, 6). Chúng ta có đi trên đường của Ngài không? Cuối đường của Ngài là đường hẹp dẫn tới vinh quang ngày mai.

 

Suy Niệm 10: Một lời dạy bảo-qua cửa hẹp mà vào

(Lm. Giuse Đinh Tất Quý)

Đoạn Tin Mừng này gồm 3 giáo huấn:

1. “Đừng lấy của thánh mà vất cho chó" (Mt 7,6).

Một vị linh mục đang chăm chú đọc sách, trước mặt ngài là một chàng thanh niên tự xưng là vô thần. Anh ta quan sát từng cử chỉ của vị linh mục và mở đầu cuộc tấn công bằng những lời này:

- Tôi không tin bất cứ những gì mà linh mục các ông rao giảng. Các ông có biết là các ông đang bán thuốc phiện ru ngủ quần chúng không?

Bị xúc phạm như thế, nhưng vị linh mục không để lộ bất cứ phản ứng nào. Ngài nhìn người thanh niên với tất cả thông cảm và nói:

- Anh có tin Thiên Chúa, Đấng tạo thành vạn vật không?

Người thanh niên trả lời như một cái máy:

- Không, thế giới tự nó mà có, vật chất tự biến hóa thành vạn vật.

Vị linh mục mỉm cười hỏi tiếp:

- Anh bạn trẻ, anh là người có học, chắc chắn anh đã có dịp đọc một vài quyển sách đứng đắn về hiện tượng tôn giáo.

Người thanh niên lắc đầu quả quyết:

- Tôi đã và sẽ không bao giờ đọc những thứ sách vô bổ ấy.

Vị linh mục hỏi tiếp

-Thế anh có đọc Kinh Thánh?

Người thanh niên lại được dịp cho Kinh Thánh chỉ là những chuyện nhảm nhí.

Vị linh mục vẫn tỏ ra thản nhiên trước thái độ gây hấn của người thanh niên. Ngài gợi thêm:

- Chắc anh cũng đồng ý rằng, từ 2.000 năm qua, lịch sử của nhân loại đã chịu ảnh hưởng sâu rộng của một người có tên là Giêsu.

Người thanh niên phản đối.

- Anh có bao giờ suy nghĩ về những vấn đề tôn giáo và luân lý trong cuộc sống không?

Người thanh niên la lớn

- Mất giờ vô ích.

Với ánh mắt vừa buồn bã vừa trìu mến, vị linh mục nhìn người thanh niên hồi lâu rồi chậm rãi nói:

- Anh bạn trẻ! Anh không có vẻ gì là người vô thần cả, mà chỉ là người sống hời hợt nông cạn và thiếu hiểu biết mà thôi.

Vâng, sống với những con người như thế quả là không đem lại cho đời mình một ích lợi gì. Chúa bảo chúng ta đừng mất giờ cho những con người như thế.

2. “Tất cả những gì các con muốn người ta làm cho các con thì chính các con hãy làm cho người ta như thế" (Mt 7,12).

Một hôm, một phụ nữ đến thăm nhà một người bạn và tình cờ đọc được một câu rất ngông dán trên tủ lạnh của nhà người ấy: “Hãy thực thi sự tử tế một cách càn dở và những cử chỉ đẹp một cách vô nghĩa". Bà chép câu này đem về dán ở nhà mình và quyết làm theo. Chồng bà, một giáo viên, thấy câu đó cũng thích và đem chép lên bảng trong lớp học. Một học sinh cũng thấy hay nên chép về cho cha mình. Ông này là biên tập viên của một nhật báo địa phương nên ông lại đưa lên báo. Chẳng mấy chốc, câu nói như vết dầu loang đã lan rộng ra nhiều nơi tại Mỹ và đã thúc đẩy được nhiều cử chỉ đẹp rất “vô nghĩa". Thí dụ tại Chicago, một buổi sáng có một thiếu niên tự động đến từng nhà của những người hàng xóm và cào tuyết trước gara đậu xe; tại Saint Louis, một người đàn ông bình thường rất cau có, nhưng một hôm ông ra đường bị một chiếc xe khác quệt trầy xe ông, ông thò đầu ra khỏi xe, mỉm cười nói “Không có gì đâu"; tại San Francisco, một người đàn bà dừng xe để đóng thuế qua cầu San Francisco, chẳng những cho xe mình mà còn cho một dãy xe phía sau nữa. (Chờ đợi Chúa)

Vâng, nếu mỗi người chúng ta biết làm cho nhau những điều mà chúng ta muốn người khác làm cho mình, thì thế giới này sẽ biến thành một Thiên Đàng cho mọi người kể cả chúng ta.

3. “Hãy qua cửa hẹp mà vào. Cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy”. (Mt 7,13-14)

Chúng ta hãy suy gẫm một vài sự kiện đã xảy ra ngay trong cuộc sống của chúng ta:

Albert Einstein đến năm lên 4 tuổi mới biết nói, và phải đến năm 7 tuổi mới biết đọc. Thầy giáo đã từng nhận xét về ông như sau: “Chậm phát triển, khó gần, luôn có những ước mơ ngớ ngẩn”. Ông từng bị đuổi học và bị từ chối nhận vào trường Bách khoa Zurich, vậy mà ông đã trở thành một nhà bác học nổi tiếng nhất thế giới chưa ai sánh kịp ông.

Trước khi phát minh ra bóng đèn tròn, Thomas Edison đã tiến hành hơn 2.000 cuộc thử nghiệm. Một phóng viên trẻ hỏi về cảm giác của ông sau khi thất bại quá nhiều lần như vậy. Ông nói: “Tôi chưa bao giờ thấy mình thất bại, dù chỉ một lần. Tôi phát minh ra bóng đèn tròn. Quá trình phát minh này có đến 2.000 bước!"

- Henry Ford nói: “Thất bại chính là cơ hội để bạn khởi đầu lần nữa một cách hoàn hảo hơn".

Con đường vinh quang trần thế mà đã phải trả giá như vậy. Thử hỏi con đường vinh quang Nước Trời còn phải được trả giá cao hơn như thế nào. Con đường hẹp chính là cái giá để trả cho vinh quang thiên quốc của chúng ta.

 

Bài cùng chuyên mục:

+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,586)

CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.

Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,063)

Thứ Bảy tuần 33 thường niên.

Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,680)

Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,394)

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.

Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,803)

Thứ Tư tuần 33 thường niên.

Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,798)

Thứ Ba tuần 33 thường niên.

Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,896)

Thứ Hai tuần 33 thường niên.

+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,135)

CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.

Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,567)

Thứ Bảy tuần 32 thường niên.

Thứ Sáu 15/11/2024 – Thứ Sáu tuần 32 thường niên. – Sống trong ngày của Chúa. (14/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,960)

Thứ Sáu tuần 32 thường niên.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7