Lời chúa mỗi ngày

Thứ Ba 19/10/2021 – Thứ Ba tuần 29 thường niên. – Tỉnh Thức.

  • In trang này
  • Lượt xem: 10,021
  • Ngày đăng: 18/10/2021 08:00:00

Tỉnh Thức.

19/10 – Thứ Ba tuần 29 thường niên.

"Phúc cho đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức".

 

Lời Chúa: Lc 12, 35-38

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức.

Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng, xếp chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng. Nếu canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ ấy".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy niệm 1: Chủ sẽ phục vụ

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Chúng ta dành bao nhiêu thời gian để ăn, ngủ, và làm việc trong một đời?

Nhiều người nghĩ mình có thể đưa ra những con số khá chính xác.

Nhưng chúng ta dành bao nhiêu thời gian để chờ?

Có thứ chờ tính được bằng thời gian.

Có thứ chờ kéo dài liên tục nằm nơi trái tim mong ngóng.

Mẹ chờ con, vợ chờ chồng, những người yêu chờ nhau.

Trong một vở kịch của Samuel Beckett, văn sĩ được giải Nobel 1969,

có hai người chờ một nhân vật mơ hồ tên là Godot.

Cả hai chỉ quen sơ sơ ông này, nếu có gặp cũng chẳng nhận ra.

Vậy mà họ vẫn chờ, nhưng ông Godot nào đó đã không đến.

Có lẽ Samuel Beckett muốn nói đến cái phi lý của đời người.

Cứ chờ cứ đợi một điều mơ hồ và chẳng xảy ra.

Đức Giêsu dạy các môn đệ biết chờ đợi trong cuộc sống.

Chờ như những đầy tớ chờ chủ mình đi ăn cưới về.

Đám cưới ngày xưa hay vào ban đêm để tránh cái nóng.

Chủ có thể về trễ, nên phải chịu khó chờ,

nghĩa là phải tỉnh thức, không được ngủ quên.

Nhưng chờ lại không phải là thái độ ngồi yên, thụ động.

Chờ là đặt mình trong tư thế sẵn sàng phục vụ.

“Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sáng” (c. 35).

Người đầy tớ sẵn sàng bắt tay vào việc,

vì chiếc áo đã được vén lên gọn gàng,

và trong đêm, ngọn đèn được châm dầu vẫn luôn cháy sáng.

Có một giây phút quan trọng, giây phút ông chủ về.

Sự chờ đợi, sự tỉnh thức, sự sẵn sàng, tất cả hướng đến giây phút này.

Lỡ giây phút này là lỡ tất cả.

“Để khi chủ về tới, gõ cửa thì mở ngay” (c. 36).

Mở ngay vì mình đang chờ, đang thức, đang sẵn sàng,

áo đã được vén lên để chuẩn bị phục vụ,

đèn đã được thắp sáng để soi trong bóng đêm.

Chủ sẽ ngỡ ngàng vì sự mau mắn như vậy của các đầy tớ.

Nhưng các đầy tớ còn ngỡ ngàng hơn nhiều.

Chính khi các anh chuẩn bị phục vụ chủ, thì chủ lại phục vụ các anh.

“Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn,

và đến bên từng người mà phục vụ” (c. 37).

Rõ ràng đã có một sự đổi vai bất ngờ: chủ đã thắt lưng, phục vụ như đầy tớ.

Đầy tớ đã trở nên trọng hơn chủ, vì Thầy ở giữa anh em như người hầu bàn.

Đó là mối phúc dành cho người tỉnh thức vào giờ lẽ ra đang yên ngủ.

Canh hai, canh ba, là đã quá nửa đêm về gần sáng (c. 38).

Kitô hữu biết mình chờ ai, chờ một người sớm muộn chắc chắn sẽ đến.

Chờ một cách tích cực với thái độ sẵn sàng làm việc dưới ánh đèn.

Hạnh phúc đến với tiếng gõ cửa đầu tiên trong đêm.

Chúng ta mong nghe được tiếng gõ nhẹ ấy như một tiếng gọi.

Xin mở cửa ngay để được thấy tận mắt Thiên Chúa phục vụ con người.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,

con thường thấy mình không có giờ cầu nguyện,

không có giờ đi vào sa mạc

để ở bên Chúa và trò chuyện với Ngài.

Nhưng thật ra sa mạc ở sát bên con.

Chỉ cần một chút cố gắng của tình yêu

là con có thể tạo ra sa mạc.

Mỗi ngày có biết bao giây phút có thể gặp Chúa

mà con đã bỏ mất:

Khi chờ một người bạn,

chờ đèn xanh ở ngã tư,

chờ món hàng đang được gói.

Khi lên cầu thang,

khi đến nơi làm việc,

khi kẹt xe,

khi cúp điện bất ngờ.

Thay vì bực bội hay nóng ruột

con lại thấy mình sống an bình

trong sự hiện diện của Chúa.

Lạy Chúa,

những sa mạc ngắn ngủi hằng ngày

giúp con tỉnh thức

để nhạy cảm với ý Chúa.

Xin cho con yêu mến Chúa hơn

để tìm ra những sa mạc mới

và vui vẻ bước vào. (gợi hứng từ Madeleine Delbrêl).

 

Suy niệm 2: Giêsu Cứu Chúa

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Dụ ngôn người đầy tớ tỉnh thức nói về Nước Trời. Ta sống ở trần gian trong thao thức chờ đợi đến ngày được vào Nước Trời. Thao thức được diễn tả bằng việc chờ đợi trong đêm. Chủ về muộn nên đầy tớ phải chờ đợi. Thái độ chờ đợi được Chúa diễn tả bằng 3 hoạt động. Thao thức. Thắt lưng. Cầm đèn. Tất cả không chỉ nói lên sự tận tâm. Mà còn cả tình yêu mến. Yêu mến nên khao khát mong chờ. Yêu mến nên không thể ngủ được khi chưa gặp được ông chủ. Yêu mến nên có thể thức cho đến sáng. Chỉ khi gặp ông chủ mới thôi thao thức. Nhưng yêu mến được bày tỏ trong thái độ phục vụ. Thắt lưng gọn gàng, Sẵn sàng làm việc. Bất cứ việc gì. Lúc nào cũng trong tư thế phục vụ. Để làm đúng nhiệm vụ được trao. Yêu mến nên lo xa. Lúc nào cũng cầm đèn. Lúc nào đèn cũng sáng. Để đèn sáng đương nhiên phải chuẩn bị dầu sẵn sàng. Để chủ về thì không phải chờ một phút nào. Để soi đường đón chủ ngay. Không phải mất giờ đốt đèn. Không sợ lật đật vấp ngã. Lòng yêu mến. Sự phục vụ. Tầm nhìn xa. Không uổng công. Sẽ được đền đáp. Một đền đáp quá lớn lao. Một cuộc đổi đời. Không còn là đầy tớ nữa. Được làm chủ. Được ngồi vào bàn ăn. Lại được chính ông chủ phục vụ.

Thư Rô-ma cho biết ta được như vậy là nhờ Chúa Giê-su Ki-tô. Vì tội A-đam mọi người chịu thân phận nô lệ. Nhưng nhờ Chúa Ki-tô mọi người được tự do. Vì tội A-đam mọi người phải chết. Nhờ Chúa Ki-tô mọi người được sống. Vì tội A-đam mọi người chịu luỵ phục. Nhờ Chúa Ki-tô mọi người được thống trị. “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội. Như vậy, nếu tội lỗi đã thống trị bằng cách làm cho người ta phải chết, thì ân sủng cũng thống trị bằng cách làm cho người ta nên công chính để được sống đời đời, nhờ Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta” (năm lẻ).

Thư Ê-phê-sô cho biết ta được thừa hưởng ân sủng do công cuộc cứu độ đem lại, nhờ Chúa Giê-su Ki-tô đã phá bức tường ngăn cách người Do thái với dân ngoại. Cho ta được từ xa lạ nên gần gũi. Từ người dưng nên họ hàng vì thuộc gia tộc Thiên Chúa. “Vậy anh em không còn phải là người xa lạ hay tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa, bởi đã được xây dựng trên nền móng là các Tông Đồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Đức Ki-tô Giê-su”. Chính đá góc tường liên kết tất cả (năm chẵn).

Đó là niềm hi vọng lớn lao. Thay đổi cả cuộc đời. Thay đổi cả số phận. Đáng cho ta thao thức. Phục vụ. Và nhìn xa. Để mong chờ không ngơi trong suốt cả đời.

 

Suy niệm 3: Tỉnh Thức

Trong quyển truyện có tựa đề: "Con Ðức Mẹ" xuất bản tại Hà Nội dạo tháng 8/1990, tác giả đã miêu tả sinh hoạt của một giáo xứ miền Bắc một cách ấu trĩ như sau: Tình yêu giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái đôi khi không cần thiết, không thiêng liêng cho bằng mối tình đối với Ðức Maria. Lòng tôn sùng đối với Ðức Mẹ chỉ là một thứ bịa đặt lừa bịp của Giáo Hội. Sinh hoạt giáo xứ chỉ là những biểu dương bề ngoài, cuồng tín, người giáo dân càng sùng đạo, thì càng là thành phần bất hảo trong xã hội.

Bất cứ độc giả nào cũng có thể nhận thấy giọng điệu bôi bác ấu trĩ của tập truyện. Tuy nhiên, với thái độ tỉnh thức mà Chúa Giêsu không ngừng mời gọi, người Kitô hữu hãy nhận lấy một phần trách nhiệm trong việc gây ngộ nhận nơi nhiều người ngoài Kitô giáo. Sự thiếu sót giữa niềm tin và cuộc sống hằng ngày; sự hăng hái sinh hoạt giáo xứ, nhưng lại bỏ qua những đòi hỏi của công bằng, bác ái, tình liên đới; đó là những hình ảnh méo mó mà chúng ta tạo ra cho Giáo Hội.

"Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn". Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tỉnh thức. Có lẽ chúng ta rất tỉnh thức trong kinh kệ, trong nghĩa vụ đạo đức, nhưng lại mê ngủ trong những đòi hỏi của Tin Mừng. Kitô giáo không phải là đạo ru ngủ, nhưng luôn thức tỉnh chúng ta, bởi vì đạo là đường để đi. Người chăm chú đi đường không thể ngủ gật, trái lại luôn mở mắt để nhìn thấy cảnh trí chung quanh, để nhận ra hướng đi của mình, để đồng hành với người khác.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tỉnh táo để nhận ra Nước Trời đang đến trong từng giây phút. Chúng ta hãy sống thế nào để đạo lý và Giáo Hội không bị hoen ố, nhưng được trình bày bằng những hình ảnh cao đẹp nhất của công bằng, bác ái, yêu thương.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy niệm 4: Hạnh Phúc Của Nước Trời

Hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục cho chúng ta nghe về những dụ ngôn báo trước hạnh phúc của nước Trời. Ngài kêu gọi chúng ta tỉnh thức và sẵn sàng cho giây phút Chúa Cha gọi chúng ta về nhà Người và Ngài đã dùng hình ảnh của ông chủ và người đầy tớ. Thật ra, không bao giờ Thiên Chúa muốn coi chúng ta là đầy tớ đâu, nhưng ở đây hình ảnh này được sử dụng để giúp cho chúng ta dễ nhận ra sứ điệp của lời Chúa mà thôi. Dĩ nhiên, tự bản chất thụ tạo, chúng ta bất trung và chúng ta chỉ xứng đáng là đầy tớ nhưng Thiên Chúa luôn nhìn thấy chúng ta là con như Chúa Giêsu là Con của Chúa Cha. Vì là con nên chúng ta biết mình có chỗ trong nhà Cha, là con nên chúng ta biết mình không thể đi hoang, là con nên chúng ta biết dù gì đi chăng nữa, chúng ta vẫn có quyền được thụ hưởng gia tài của người cha.

Trong một câu chuyện cổ tích nọ, người cha già muốn cho các con mình ra đi để cứu nhân độ thế và ước mơ của ông là các con ông làm được nhiều việc thiện, nhiều việc tốt để mang lại lợi ích cho nhiều người, để sau khi kết quả trở về trong hân hoan vì những thành quả của các con mình.

Thiên Chúa sai chúng ta đến với mọi người trong trần gian này cũng với một sứ mệnh tương tự như sứ mệnh của những người con trong câu chuyện cổ tích trên. Chúng ta hãy sống yêu thương, bác ái để làm cho cuộc sống anh chị em của mình được hạnh phúc, vì Thiên Chúa đã đến trần gian để mong mang lại hạnh phúc cho mọi người.

Lạy Thiên Chúa,

Xin giúp chúng con luôn ý thức sẵn sàng như những người đầy tớ khôn ngoan luôn chờ đợi chủ. Sự đợi chờ của chúng con được thể hiện bằng tất cả nỗ lực mang tình yêu thương của Cha đến cho mọi người, với ước mơ được cùng tất cả anh chị em con được về hưởng hạnh phúc vĩnh cửu cùng Cha trên quê trời.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy niệm 5: Phải sẵn sàng

“Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa là mở ngay.” (Lc. 12, 35-36)

Trong đời sống con người, Đức Giêsu tự tỏ mình ra bằng nhiều cách khác nhau xuyên qua những biến cố. Kitô hữu phải luôn sẵn sàng nhận ra Người, đón rước và đi theo Người. Người dẫn ta đi đâu, đến đâu ta không biết. Như Thiên Chúa đã nói với tổ phụ Áp-ra-ham: Con hãy đứng dậy, lìa bỏ tất cả và sẽ đi đến xứ sở Ta chỉ cho con. Ông đi đến hết chỗ này qua chỗ khác hướng về nơi không biết. Ước chi Kitô hữu học lấy bài học tỉnh thức và luôn luôn sẵn sàng theo thánh ý Chúa như ông Áp-ra-ham.

Sẵn sàng đón rước Chúa đến:

Đức Giêsu bảo các môn đệ phải luôn luôn thắt lưng để lo phục vụ, nghĩa là sẵn sàng làm việc hay chuẩn bị lên đường trong mọi hoàn cảnh. Luôn luôn sẵn sàng lên đường như dân Do thái chuẩn bị hành trình trở về đất hứa để mừng lễ Vượt qua, lễ đón mừng Đấng Thiên sai cứu thế.

Đức Giêsu còn nói hãy cầm đèn cháy sáng để mở ngay cho chủ lúc chủ đi ăn cưới về, dù chủ có về trễ. Đó là lời khuyên bảo phải luôn luôn mau lẹ đáp lại tiếng Chúa gọi trong mọi biến cố, mọi cảnh ngộ. Trong Thánh kinh, trong kinh nguyện, mọi nơi, mọi lúc, Chúa đều thông dịch cho chúng ta hiểu qua hành động, qua dấu chỉ thời đại, vì Người luôn luôn bước tới ngày quang lâm để dẫn đưa chúng ta đi với Người.

Phúc cho những ai chủ thấy vẫn tỉnh thức, những ai chiến đấu kiên cường chống lại những dục vọng và những ươn hèn của xác thịt đang ru ngủ họ trong u mê tăm tối. Và đặc biệt hạnh phúc hơn nữa cho những ai vẫn luôn luôn sẵn sàng chờ đợi dù còn lâu Chúa mới đến.

Lãnh nhận phần thưởng:

Mỗi lần gặp Chúa là mỗi lần Kitô hữu được bình an và hạnh phúc, nhờ đó họ càng tỉnh thức, sống tỉnh táo hơn. Phần thưởng sau cùng là được mời vào tham dự tiệc nước trời. Những người vẫn luôn luôn tỉnh thức tới cùng sẽ được mời vào đồng bàn với Chúa, được Chúa chia sẻ vinh quang của Ngài đến muôn đời.

RC

 

Suy niệm 6: Tỉnh thức thì sẽ được cứu

Xem CN 19 TN C

Những trận mưa lớn kèm gió to tại nơi này hay nơi kia đã khiến bao người nhiều phen ú tim với "những cái chết không báo trước” do những cây cổ thụ đổ xuống hay do sạt lở đất đè lên người...

Hôm nay, bài Tin Mừng trình thuật việc Đức Giêsu căn dặn các môn đệ về sự tỉnh thức để đón chờ Chúa đến.

Tinh thần đón chờ này được ví như người đầy tớ đón chờ ông chủ đi ăn cưới về. Người đầy tớ không hề biết bao giờ ông chủ về, vì đám cưới của người Do thái thường kéo dài có khi buổi sáng, có khi cả ngày hay tới đêm khua... hoặc cũng có thể kéo dài lên tới vài ngày. Tuy nhiên, sự chờ đợi của họ không phải chỉ có ngồi và chờ, nhưng phải thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Như vậy, họ phải luôn trong tư thế làm việc, sẵn sàng. Tại sao vậy? Thưa! Vì sự xuất hiện của ông bất thình lình đến độ như tên trộm.

Như vậy, tỉnh thức mà Đức Giêsu nói đến ở đây chính là mỗi người cần có thái độ sẵn sàng đón chờ ngày Chúa đến; chờ đợi cái chết của chính mình trong tinh thần của kẻ tỉnh thức với đầy đủ đèn, dầu trong tay là những hy sinh, những việc đạo đức...

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức để sống trong ơn Chúa. Muốn được sống trong tâm tình con Chúa, phải luôn có thái độ sám hối, ăn năm, làm việc lành phúc đức. Cần thanh tẩy đời sống hằng ngày. Nêu gương sáng cho tha nhân.

Làm được điều đó, chúng ta sẽ được Thiên Chúa trọng thưởng là hạnh phúc đời đời trong cuộc sống mai hậu.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn có tinh thần tỉnh thức qua cuộc sống thường ngày bằng những công việc làm cụ thể trong sự hướng thiện, để một khi Chúa đến với mỗi người chúng con bất cứ giờ nào, chúng con đều sẵn sàng ra đi nghênh đón Chúa. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy niệm 7: Phục vụ trong tỉnh thức

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Ta phải luôn luôn sẵn sàng đón chờ Chúa trở lại bằng cách chu toàn bổn phận của một đầy tớ phục vụ Chúa. Nhưng khi Chúa đến, Chúa sẽ nâng ta lên cao và ân thưởng bội hậu cho ta.

Cầu nguyệnLạy Chúa Giêsu, Chúa luôn yêu thương con hơn con đáng được, và luôn ban cho con những ân huệ hơn con dám mơ ước. Con là phận một đầy tớ, làm sao dám nghĩ rằng Chúa là Thầy và là Chúa của con, mà lại trở nên người phục vụ hầu hạ con. Làm sao con có thể hình dung được rằng Chúa là Thiên Chúa mà lại trở nên đầy tớ của con. Nhưng Chúa đã quả quyết như vậy và dám sống như vậy. Ở đời này Chúa là người rửa chân cho môn đệ, là kẻ tôi tớ hy sinh vì người khác, vì thế khi trở lại, Chúa cũng vẫn muốn là người đầy tớ đi lại phục vụ, trong lúc con được ngồi ăn trong bàn tiệc Nước Trời.

Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa đã nâng con lên địa vị cao trọng. Chúa không còn gọi con là đầy tớ, nhưng gọi con là bạn hữu. Xin Chúa giúp con biết sống xứng đáng với tình thương Chúa. Xin cho con biết quý trọng tình thân mật này. Chúa là Chúa mà đã chẳng ngần ngại phục vụ con, thì xin cho con là phận đầy tớ biết tận tụy phục vụ Chúa trong hân hoan. Dù có phải hy sinh để làm theo Ý Chúa, dù có phải vất vả để chu toàn bổn phận với Chúa, thì cuộc đời làm tôi phụng sự Chúa vẫn chẳng sánh được với những hồng ân mà Chúa đã và sẽ dành cho con. Xin Chúa giúp con trung thành phụng sự Chúa.

Và lạy Chúa, xin giúp con nhìn vào gương Chúa để con biết phục vụ anh chị em. Xin dạy con sống khiêm tốn và biết tôn trọng họ. Xin cho con được luôn mang lấy tâm tình của người đầy tớ như Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “Phúc cho đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức”.

 

Suy niệm 8: Thức dậy từ những cơn say

(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Tuỳ sinh mộng tử”, nghĩa là con người sống trên đời như người say và khi chết như người đi trong mộng.

Đời sống con người luôn trong trạng thái không tỉnh thức vì say sưa nhiều thứ: say sưa danh vọng, say sưa với của cải vật chất, say sưa với những toan tính hơn thiệt và nhất là say sưa với những hận thù…

Suy niệm

Lời của Chúa Giêsu kêu gọi mỗi người chúng ta hãy “thức dậy” từ những cơn say, ý thức con người phải luôn thức tỉnh nếu không muốn “tuỳ sinh”, sống như say xỉn. Thức tỉnh là một ý niệm quan trọng trong Tin Mừng, các Tin Mừng Nhất Lãm đều trình bày giáo huấn “tỉnh thức” theo nhiều góc cạnh: Maccô nhắc đến lời kêu gọi luôn tỉnh thức của Chúa Giêsu (x. Mc 13,33); còn Matthêu ghi nhận giáo huấn tỉnh thức của Đức Giêsu qua các dụ ngôn mười cô trinh nữ đợi chàng rể (x. Mt 25,1-13) và dụ ngôn nén bạc với sự chuyển tải sứ điệp: Phải tỉnh thức và sẵn sàng (x. Mt 24,36-44) và Tin Mừng thánh Luca trình bày tư thế tỉnh thức sẵn sàng như đầy tớ cần mẫn lao công đợi chủ về: “Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay” (Lc 12,35). Lời Chúa Kitô luôn kêu gọi chúng ta trong đời: “Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21,36). Thánh Phaolô triển khai giáo huấn tỉnh thức của Thầy (x. Ep 6,18) và kêu gọi đừng quá say giấc trong giấc ngủ mê của cuộc đời (x.1Tx 5,6).

Người tỉnh thức được coi là người có phúc như những người sống phúc trong tám mối phúc của Hiến chương nước Trời như Chúa Giêsu đã phán qua hình ảnh đầy tớ thức tỉnh: “Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức... chủ sẽ đặt người ấy trông coi tất cả gia sản mình” (Lc 12,36-44).

Tỉnh thức có nghĩa là ý thức mình không “say mê”, hay không để mình say trước những phù du hão huyền, để mình phụ thuộc, thậm chí làm nô lệ với những thực tại trần thế: Vật chất danh vọng làm xa rời Thiên Chúa, hay say mê trong bát đồ trận của cảm xúc, của ý nghĩ chủ quan. Tỉnh thức là không “say” nhưng ý thức với cuộc sống, với công việc mà trong sâu thẳm của trái tim tôi và bạn tin rằng chính Thiên Chúa đã ủy thác cho chúng ta thực hiện, nên gắn bó hết lòng: Đó là tư thế sẵn sàng, thắt đai và cầm đèn sáng trong tay chờ chủ về. Thức tỉnh là biết mình đang làm gì trong đời đến nỗi vừa làm việc, vừa có thể nghe được hơi thở và nhịp đập của trái tim yêu thương và phục vụ.

Thật thế, thức tỉnh không chỉ là ý niệm thiêng liêng là chờ đợi ở đời sau, là cuộc sống ở trên trời nhưng tinh thần thức tỉnh bắt đầu từ hôm nay, từ những điều cơ bản tự nhiên trong cuộc sống hằng ngày, có thể nói chính tinh thần thức tỉnh xuyên suốt đời sống tự nhiên đến siêu nhiên là bắc cầu xuyên suốt giữa hai con đường của hai thế giới thành một “Con đường Thiên ý cho con người”. Đó là lựa chọn, định hướng cho cuộc sống được làm trong giây phút hiện tại, định đoạt số phận hiện tại với cuộc sống chúng ta đang hiện diện và hơn nữa với cuộc sống vĩnh hằng của mình sau này.

Xin cho con luôn lo tìm kiếm kho tàng trên trời bằng tinh thần tỉnh thức chuyên cần làm việc…

Ý lực sống

“Tôi thức tỉnh và tôi sống, một cuộc sống chỉ phục vụ, tôi phục vụ và tôi hiểu rằng phục vụ là niềm vui” (Rabindranàth Tagore).

 

Suy niệm 9: Hãy tỉnh thức và sẵn sàng

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

 “Tỉnh thức” là hệ luận rút ra khi được Lời Chúa tuần trước dạy rằng: mọi sự ở trần gian này đều là phù vân, tạm bợ, chỉ là những phương tiện để con người kiến tạo cho mình cuộc sống đời đời. Ai cũng phải công nhận, cuộc sống của con người thật bấp bênh. Nhiều thi sĩ Việt Nam đã diễn tả tư tưởng ấy trong thơ văn, như “Ôi nhân sinh là thế ấy! Như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao” (Nguyễn Công Trứ). Cho nên Lời Chúa hôm nay thức tỉnh chúng ta đừng coi thường chân lý nền tảng này: “Hãy tỉnh thức! Hãy sẵn sàng!”.

Hôm nay, Chúa Giêsu nhắn nhủ chúng ta phải luôn sẵn sàng cho giờ từ giã cõi đời này, để bước vào sự sống đời sau. Trong Tin mừng, Chúa Giêsu nhắc đi nhắc lại nhiều lần cụm từ “Phúc cho đầy tớ nào khi chủ về mà tỉnh thức”. Qua hình ảnh ẩn dụ đó Chúa Giêsu nói đến sự trở về bất ngờ của ông chủ là cái chết của mỗi người. Giờ chết luôn là một sự bất ngờ, không ai biết rõ. Nên phúc cho ai tỉnh thức trước giờ chết của mình. Muốn tỉnh thức chúng ta phải xa tránh tội lỗi, chăm lo làm những việc lành phúc đức. Cuộc sống luôn đầy rẫy những cám dỗ hấp dẫn, chúng dễ ru ngủ ta làm ta lơ là không đề phòng nên dễ sa ngã. Hãy tỉnh thức bằng đời sống cầu nguyện, bác ái, yêu thương, siêng năng lắng nghe Lời Chúa để luôn sẵn sàng cho giờ chết (5 phút Lời Chúa).

Vậy tỉnh thức và sẵn sàng là gì ?

Chúa Giêsu loan báo cho các môn đệ biết: Ngài sẽ trở lại trong ngày Quang lâm. Hãy chờ đợi. Hãy tỉnh thức chờ đợi. Tỉnh thức là đang ở trong tư thế sẵn sàng và sẵn sàng cũng là lúc đang tỉnh thức, đó là lúc con người đang chuẩn bị trong mọi lúc. Được chuẩn bị không có nghĩa là hoàn thành hết mọi việc mà người ta muốn hoàn thành. Nó có nghĩa là phải sống trung thực với trách nhiệm của mình trong giây phút hiện tại.

Tỉnh thức không có nghĩa là không ngủ mà là ngủ trong tỉnh thức. Tỉnh thức không phải là ngồi không mà chờ đợi, nhưng vẫn làm như thường trong tư thế chờ đợi. Có những người tỉnh thức trong kinh kệ, trong nghĩa vụ đạo đức, nhưng lại ngủ mê trong những đòi hỏi của Tin mừng. Tỉnh thức cũng không phải là suốt ngày đọc Lời Chúa, nhưng là để Lời Chúa chi phối đời mình.

Chúa phán: “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn” (Lc 12,35).

Đây là lối ăn mặc của người đang làm việc theo phong tục của người Do thái.

Theo nghĩa bóng là phải sẵn sàng, tức là loại bỏ tất cả những gì làm cản trở sức sống thiêng liêng của ta: như các đam mê theo dục vọng bất chính. Và điều này thánh Phaolô cũng khuyên nhủ chúng ta: phải tỉnh thức và tiết độ (1Pr 5,8).

“Thắp đèn cho sẵn” là thái độ tỏ lòng mong đợi Đấng Cứu Thế (Xh 12,11), nghĩa bóng là có một đời sống đức tin cậy mến sáng chơi, để chờ đợi Chúa đến trong giờ chết của mình. Về điểm này thánh Phaolô có nói: “Phải là một lính chiến, can đảm chống lại mọi mưu chước của ma quỷ, thế gian, xác thịt với khí giới của Thiên Chúa: lấy chân lý làm đai lưng, lấy công chính làm áo giáp, lấy nhiệt thành với Tin mừng làm giầy trận, lấy đức tin làm thuẫn, lấy ơn cứu độ làm mũ và lấy lời Chúa làm gươm” (Ep 6,14-17) (Lm. Trần Hữu Thành).

Đời sống là một chuỗi những ngày tháng mong đợi. Anh bảo vệ mong cho hết ca trực, chị công nhân mong cho đến giờ tan ca, em học sinh mong thi đậu, đứa bé mong mẹ đi chợ về. Trong câu chuyện dụ ngôn, người đầy tớ không phải là người thợ làm công ăn lương; trái lại, người đầy tớ ấy ở tại nhà của chủ như người trong nhà. Vì thế, dù phải thức đến canh hai hoặc canh ba, người đó vẫn chờ để mở cửa khi chủ trở về. Đó là hạnh phúc của anh. Hạnh phúc cho ai biết phụng sự Chúa như người tôi tớ trung thành. Khi ấy, chính Chúa sẽ phục vụ và chăm sóc họ như ông chủ trong câu chuyện. Người sẽ đưa họ vào Nước trời hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Người.

Truyện: Vườn hoa xinh đẹp

Tại Thụy sĩ, có một vườn hoa tuyệt đẹp, đủ loại hoa, đủ màu sắc. Nằm giữa vườn là một vườn hoa tráng lệ. Nhìn vườn hoa với cảnh phối trí, cắt tỉa, uốn nắn... ai cũng phải công nhận đã có một sự chăm sóc kỹ lưỡng, kèm theo một óc thẩm mỹ hiếm có của người chủ vườn. Một du khách đi qua đây, thoáng nhìn ông đã thấy như say mê. Giữa lúc đó, người làm vườn bước ra. Chủ khách chào hỏi lẫn nhau. Rồi từ chuyện hoa cỏ, cách chăm bón, trồng tỉa, sự phối hợp màu sắc... câu chuyện đi đến chỗ thân tình.

Du khách hỏi: - Xin lỗi cụ, cụ ở đây được bao lâu rồi ?

- Khoảng 40 năm rồi.

- Tôi đoán, có lẽ ông chủ của cụ rất sành về nghề cảnh, chắc giờ này ông có nhà ?

- Ông ta không có ở đây, thỉnh thoảng mới ghé qua đây thôi.

- Ông có thư từ gì với cụ không ?

- Không, ông ta bận lắm.

- Ông ta không về cũng không thư từ, thì ai trả lương cho cụ ?

- Hàng tháng tôi chỉ nhận được ngân phiếu từ ông ta để chi phí mọi sự cho khu vườn này.

- Thế tội gì cụ phải săn sóc kỹ lưỡng thế này, ông chủ có mấy khi đến thưởng ngoạn đâu ?

- Tôi thì lại không nghĩ thế, mình là một gia nhân được chủ tín nhiệm trao phó việc bảo quản khu vườn này, mình phải tận tụy chờ lúc nào ông chủ về cũng được, ông sẽ hài lòng với công việc của tôi. Hơn nữa, khi làm đẹp khu vườn cho chủ, chính tôi cũng được thưởng ngoạn cảnh đẹp do chính tay mình làm nên.

 

Suy niệm 10: Tỉnh thức là đang làm nhiệm vụ

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

Dụ ngôn chúng ta vừa nghe nói về sự tỉnh thức:    

1. Theo thánh Phêrô thì tỉnh thức: “đừng chiều theo những đam mê... sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em”. (1 Pr 1,13-16).

Tại sao phải tỉnh thức ? Thưa, vì “Lời Chúa được ngỏ với con người xuyên qua cuộc sống mỗi ngày, nên cũng luôn mang tính bất ngờ. Chính trong những cái thường nhật, nhỏ bé, độc điệu mỗi ngày, con người được mời gọi để nhận ra lời ngỏ của Chúa. Chính trong những cái bất ngờ của cuộc sống mà con người được mời gọi để nhận ra tiếng Ngài... (Trích “Mỗi ngày một tin vui”)

La Fontaine kể chuyện ngụ ngôn sau:

Một cụ già cuốc đất trồng cây. Chợt ba chàng thanh niên đi qua, các cậu nói: - Cụ lẩm cẩm quá, già rồi mà còn trồng cây…Thôi cụ ơi, việc ấy để tụi cháu, cụ lo dọn mình chết là vừa.

Ông cụ trả lời:

- Chắc gì lão chết trước, chắc gì các cậu sống lâu hơn lão. Tử thần xưa rầy có phân biệt già trẻ đâu. Trẻ với già có khác chi nhau về phương diện đó.

Thời gian qua, ba cậu vì công việc, đi lính, kinh doanh, hoặc vì ngộ nạn, đều chết cả.

Cụ già được tin buồn, khóc thương ba trẻ.

Câu cửa miệng vẫn nói: tre già, măng mọc, nhưng cũng nhiều khi tre già khóc măng non.

Lá vàng đeo đẳng trên cây

Lá xanh rụng xuống trời hay chăng trời ?

Trời hay, Trời biết hết chứ. Nhưng có điều cho xảy ra như vậy để con người không ai biết giờ mình chết. Có như thế con người mới lo tỉnh thức.

Bởi thế, “Thái độ cơ bản của người Kitô hữu, là tỉnh thức. Người Kitô hữu tỉnh thức vì biết rằng, mỗi khoảnh khắc đều mang một ý nghĩa đối với một giai đoạn mới hoặc cần thiết cho sự trưởng thành, mỗi biến cố đều mang nặng sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa.” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).

2. Tỉnh thức còn là luôn luôn ở trong tình trạng đang làm nhiệm vụ. Lời của một bản thánh ca: “Con Linh mục, con muốn chết ở bên bàn thờ”.

Chuyển kể rằng, một thầy dòng nọ đọc đâu được trong bộ sách khôn ngoan cũ kỹ mách bảo cho biết rằng: “Tận cùng chân trời của trái đất là nước, trời với đất gặp gỡ nhau”.

Phấn khởi vui mừng, thầy lên đường tìm kiếm nơi trời mới đất mới gặp nhau và sẽ không trở về nhà cho tới khi tìm được.

Ngày tháng trôi qua, thầy vẫn kiên nhẫn rảo bước khắp nơi với niềm hy vọng mãnh liệt trong tâm hồn, bất chấp mọi khó khăn gian khổ và thử thách, những đói khát, giá rét không gì có thể lay chuyển được ý định của thầy.

Trong bộ sách khôn ngoan cũ kỹ ấy có chỗ nói thêm rằng: “Khi tới chỗ đất với trời gặp nhau thì sẽ thấy có một cánh cửa, chỉ cần gõ nhẹ là cánh cửa sẽ mở ra và người sẽ gặp thấy Thiên Chúa”.

Thật vậy, sau nhiều ngày tháng trời đi tìm kiếm đó đây khắp mặt đất, cuối cùng, thầy dòng đã tới trước cánh cửa. Thầy vui mừng gõ cửa bước vào, lúc đó thầy dòng mới hoảng hồn nhận ra đó là Tu viện cũ của thầy, là cửa của căn phòng mà thầy đã từng sống bao nhiêu năm qua.

Thật sự không cần phải đi tìm kiếm Chúa ở tận nơi xa xôi hoặc mãi nơi chân trời nào cả. Thiên Chúa hiện diện ngay trong tâm hồn mỗi người, cùng đồng hành với mỗi người trong mọi hoàn cảnh vui buồn, sướng khổ của cuộc sống. Vấn đề quan trọng là có biết nhận ra những giờ, những nơi hẹn mà Chúa đang chờ đợi ta hay không ?

Chúng ta biết, tỉnh táo và chuẩn bị sẵn sàng là thái độ của mỗi người đầy tớ trung tín, chứ không phải là thái độ cần thiết của những người gác cổng mà thôi. Tỉnh thức có nghĩa là các đầy tớ sẽ làm các công việc khác nhau của mình một cách ý thức, là tiến hành công việc mà Thiên Chúa đã ủy thác cho họ thực hiện. Tỉnh thức là biết mình đang làm gì đến nỗi vừa làm việc vừa có thể nghe được hơi thở của mình. Sự ý thức lựa chọn mà mỗi người làm trong giây phút hiện tại sẽ định đoạt số phận vĩnh hằng của mình sau này.

Giáo Hội như người mẹ hiền nhắc nhở con cái là những người có lòng tin, phải sẵn sàng chờ đợi ngày trở lại sau cùng của Chúa Giêsu, ngày trở lại đó ai cũng biết là chắc chắn mặc dù không ai biết trước khi nào ngày giờ đó sẽ xảy đến. Cũng là điều tốt cho chúng ta khi không biết chắc chắn lúc Chúa Kitô sẽ trở lại, bởi vì nếu biết thời điểm đích xác chúng ta có thể bị cám dỗ ỷ lại, lười biếng trong công việc của mình cho Chúa Kitô, hoặc tác hại hơn nữa là tiếp tục ngồi lỳ trong con đường tội với hy vọng sẽ trở lại với Chúa trong giờ phút cuối cùng.

Để được thế, chúng ta cần luyện tập, làm việc cách trung thành với công việc Chúa đã ban cho chúng ta trong giây phút hiện tại, cũng đừng để cho trí tuệ tinh thần của chúng ta ra u mê, sống buông thả hay sự mù quáng, đuổi theo các đam mê điên rồ hoặc để cho các lo âu đời sống đè bẹp, trói buộc chúng ta mãi.

 

Suy niệm 11: Tỉnh thức là sẵn sàng

(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

Từ chìa khóa là “Tỉnh thức”

- Dụ ngôn minh họa sự tỉnh thức: như một người đầy tớ đang đợi chủ đi ăn cưới không biết sẽ về lúc nào (Tiệc cưới ở do thái kéo dài không biết đến bao giờ mới kết thúc, có khi kết thúc buổi chiều, có khi mãi tới nửa đêm hay muộn hơn nữa). Người đầy tớ ấy “thắt lưng cho gọn” (tư thế sẵn sàng làm việc), và “thắp đèn cho sẵn” (để khi chủ về thấy lối mà vào nhà. Tư thế sẵn sàng phục vụ). Nếu biết rõ lúc nào chủ về thì dễ hơn nhiều, vì chỉ cần chờ gần tới lúc đó mới thắt lưng và thắp đèn. Nhưng vì không biết chừng nào chủ về nên phải sẵn sàng luôn. Vừa nghe thấy một tín hiệu nhỏ cho biết chủ sắp về tới là mau mắn làm việc và phục vụ ngay. Như thế tỉnh thức đi kèm với sẵn sàng và nhanh nhạy.

- Tỉnh thức để làm gì ? Dụ ngôn nói “để đợi chủ về”. Nghĩa đầu tiên là đợi chờ ngày Chúa Giêsu lại đến; nghĩa thứ hai là ngày chết của mỗi người; nghĩa thứ ba là những lúc Chúa đến viếng thăm ban ơn cho ta. Trong cả 3 trường hợp ấy, chỉ có ai tỉnh thức, sẵn sàng và nhanh nhạy mới gặp được Chúa và được Chúa thưởng.

B.... nẩy mầm.

1. 1 Pr 1,13-16: Thánh Phêrô giải thích thế nào là tỉnh thức: “đừng chiều theo những đam mê... sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, đề nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em”.

2. “Lời Chúa được ngỏ với con người xuyên qua cuộc sống mỗi ngày, nên cũng luôn mang tính bất ngờ. Chính trong những cái thường nhật, nhỏ bé, độc điệu mỗi ngày, con người được mời gọi để nhận ra lời ngỏ của Chúa. Chính trong những cái bất ngờ của cuộc sống mà con người được mời gọi để nhận ra tiếng Ngài... Xin Ngài cho chúng ta luôn có đôi mắt rộng mở để nhìn thấy Ngài trong từng biến cố cuộc sống. Xin Ngài cho chúng ta đôi tai tinh tường để biết lắng nghe tiếng mời gọi của Ngài trong từng phút giây cuộc sống. Xin Ngài cho chúng ta quả tim và đôi tay rộng mở để biết chia sẻ cho tha nhân là hiện thân của Ngài” (Trích "Mỗi ngày một tin vui")

3. “Thái độ cơ bản của người kitô hữu, đó là tỉnh thức. Người kitô hữu tỉnh thức vì biết rằng mỗi khoảnh khắc đều mang một ý nghĩa đối với một giai đoạn mới hoặc cần thiết cho sự trưởng thành, mỗi biến cố đều mang nặng sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa.” (Trích "Mỗi ngày một tin vui").

4. Tỉnh thức là luôn luôn ở trong tình trạng đang làm nhiệm vụ. Lời của một bản thánh ca: “Con Linh mục, con muốn chết ở bên bàn thờ”.

5. “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, hãy thắp đèn cho sẵn”. (Lc 12,35)

Nghe ai đó quảng cáo: “Nấm tróc ăn ngon lắm” bạn tôi liền trổ tài nấu bếp. Trong ngày sinh nhật của nó, nó làm nấm rồi chế biến thức ăn rất ngon. Trước khi nhập tiệc, nó tuyên bố: sẽ đãi chúng tôi một món ăn lạ, nhưng hãy an tâm vì nó đã cho con chó ăn thử rồi. Tiệc sinh nhật sắp kết thúc, trong lúc mọi người đang vui vẻ, đứa em của bạn tôi chạy về vừa nói vừa thở: “Chị Duyên ơi, con chó nó chết rồi”. Không ai bảo ai, chúng tôi chạy tán loạn, ai cũng muốn đi bằng phương tiện nào đó đến bệnh viện nhanh nhất. Ngay lúc đó, người ta kéo xác con chó mới bị đụng xe về, mọi người thở phào nhẹ nhõm như vừa thoát chết.

Tôi thầm nghĩ: Cuộc sống đời này chỉ là tạm thời, ai cũng sẽ chết, thế mà người ta lại lo lắng, chăm sóc, bảo vệ. Nhưng bên cạnh sự sống này còn có một sự sống bất diệt, một cuộc sống cần phải gìn giữ hơn lại bị coi là thứ yếu vì không mấy người sợ phải chết đời đời.

Lạy Chúa, nếu mỗi người chúng con đều biết tỉnh thức để sắm sẵn cho mình sự sống đời đời, chắc hẳn thế giới này đã tươi đẹp hơn. (Hosanna).

 

Bài cùng chuyên mục:

+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 97)

CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.

Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 2,318)

Thứ Bảy tuần 33 thường niên.

Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,479)

Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,315)

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.

Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,777)

Thứ Tư tuần 33 thường niên.

Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,782)

Thứ Ba tuần 33 thường niên.

Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,873)

Thứ Hai tuần 33 thường niên.

+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,064)

CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.

Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,557)

Thứ Bảy tuần 32 thường niên.

Thứ Sáu 15/11/2024 – Thứ Sáu tuần 32 thường niên. – Sống trong ngày của Chúa. (14/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,948)

Thứ Sáu tuần 32 thường niên.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7