Lời chúa mỗi ngày

Thứ Ba 10/10/2023 – Thứ Ba tuần 27 thường niên. – Con đường yêu Chúa.

  • In trang này
  • Lượt xem: 4,617
  • Ngày đăng: 09/10/2023 10:00:00

 Con đường yêu Chúa.

10/10 – Thứ Ba tuần 27 thường niên.

"Martha rước Người vào nhà mình. Maria đã chọn phần tốt nhất". 

 

Lời Chúa: Lc 10, 38-42

Khi ấy Chúa Giêsu vào một làng kia, và có một phụ nữ tên là Martha rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người. Martha bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: "Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với".

Nhưng Chúa đáp: "Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện (quá). Chỉ có một sự cần mà thôi, Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy niệm 1: Chọn phần tốt hơn

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Nếu ở Việt Nam mỗi năm có khoảng mười hai ngàn người chết vì tai nạn giao thông,

thì ở Nhật có ba mươi ngàn người tự sát trong năm qua.

Tai nạn giao thông lắm khi do vội vã, không làm chủ được tốc độ.

Tự sát do áp lực của công việc quá lớn, do căng thẳng, do sợ bị khiển trách.

Xem ra cuộc sống hối hả đã dẫn đến nhiều cái chết thương tâm.

Nhiều người chết bất ngờ vì bệnh tim mạch.

Con người hôm nay có nhiều tiện nghi hơn, nhiều thú vui hơn ngày xưa,

nhưng lại thiếu sự thanh thản, bình an, trầm lắng.

Trong bài diễn văn ngày 20-08-2006 tại Castel Gandolfo,

Đức Thánh Cha đã cảnh báo về nguy hiểm khi làm quá nhiều công việc.

Ngài trích lời thánh Bênêđictô: bị quá tải thường dẫn đến sự chai đá của con tim,

tinh thần bị thương tổn, trí khôn bị mất và ơn Chúa bị phân tán.

Ngài khẳng định lời nhắc nhở này cũng áp dụng cả cho ngài và cho mọi người.

Không được đánh mất mình trong công việc:

đó là tâm niệm của người lãnh đạo trên một tỉ người Công Giáo khắp thế giới.

Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy một giây phút thư giãn của Đức Giêsu.

Trên con đường nay đây mai đó của một người rao giảng,

Đức Giêsu cũng có lúc dừng chân.

Một ngôi làng quen thuộc, một mái nhà ấm cúng, một bữa ăn ngon,

tất cả như một ốc đảo xanh tươi đem lại cho Thầy trò hạnh phúc

sau những vất vả, nhọc mệt, hiểm nguy và thiếu thốn.

Hầu chắc ngôi làng này ở Bêtania, gần Giêrusalem.

Hai chị em Mácta và Maria đã được nhắc đến trong Tin Mừng Gioan.

Mácta là người đón khách và nấu nướng (Ga 11, 20; 12, 2),

còn Maria thì hay phủ phục dưới chân Đức Giêsu (Ga 11, 32; 12, 3).

Những nét này ta lại thấy trong bài Tin Mừng hôm nay theo Luca.

Mácta vẫn là người ra đón Chúa, Maria vẫn là người ngồi duới chân Chúa.

Một người thiên về hoạt động, một người có vẻ trầm hơn.

Nhưng cả hai đều được Đức Giêsu quý mến (Ga 11, 5).

Chúng ta cần chiêm ngắm cuộc chia sẻ của Đức Giêsu với chị Maria.

Chị ngồi bên chân Chúa và lắng nghe lời Người (c.39).

Đức Giêsu là người nói và chị Maria là người nghe.

Ngài có thể đã chia sẻ với chị về đời sống nội tâm và việc tông đồ của ngài.

Được chia sẻ và có người nghe mình chia sẻ là một hạnh phúc.

Còn chị Maria thì sung sướng được ngồi nghe trong tư thế của một môn đệ.

Người ta có cảm tưởng chị có thái độ thụ động khi nghe.

Thật ra để lắng nghe cần tích cực mở tai và mở lòng.

Lắng nghe Lời Chúa là cần trước khi đem ra thực hành.

Mácta đón Chúa vào nhà,

còn Maria đón Lời Chúa vào tâm hồn mình.

Có thể định nghĩa cầu nguyện là ngồi và lắng nghe Chúa nói.

Một số người tưởng cầu nguyện là phải nói thật nhiều cho Chúa nghe.

Thật ra Chúa muốn bày tỏ cho ta những ước mơ của ngài về ta,

nên ta cũng cần dành khoảng lặng cho ngài.

Nghệ thuật đối thoại cũng là nghệ thuật thinh lặng lắng nghe.

Trong khi Maria ngồi nghe Chúa nói,thì Mácta tất bật dưới bếp.

Mácta bối rối về nhiều chuyện phục vụ (peri pollên diakonian, c. 40).

Chị sợ bữa ăn không được chuẩn bị chu đáo và kịp thời.

“Em con để con phục vụ một mình”: chị thấy cô đơn trong công việc.

“mà Thầy không quan tâm sao?”: chị nghĩ lẽ ra Thầy nên để ý chuyện ấy.

“Xin Thầy bảo em giúp con một tay”: chị muốn Maria xuống bếp giúp chị.

Mácta thật là người tốt, chị muốn tiếp đãi Đức Giêsu đàng hoàng.

Nhưng có lẽ chị quên rằng Maria cũng đang tiếp đãi Đức Giêsu,

và ngài rất vui với cách tiếp đãi đó.

Nếu đưa Maria xuống bếp phụ cho chị, thì Thầy Giêsu nói chuyện với ai?

Chúng ta cũng dễ say mê làm việc của Chúa, đến nỗi quên cả việc gặp Chúa.

Có khi chúng ta coi trọng hiệu quả của công việc ta làm cho Chúa

mà quên dành giờ cho Chúa.

Cầu nguyện là ở với Chúa, nghỉ ngơi bên Chúa,

sống tình bạn với Chúa như hai người ngồi bên nhau.

Đức hồng y Nguyễn Văn Thuận nhắc ta đặt Chúa lên trên việc-của-Chúa.

Đức Giêsu thông cảm với nỗi căng thẳng, âu lo của Mácta

thể hiện trên khuôn mặt và giọng nói của chị.

Ngài nhẹ nhàng gọi tên chị hai lần: “Mácta, Mácta ơi!”

“Chị băn khoăn lo lắng về nhiều chuyện quá!” (peri polla, c.41).

Câu này ngài cũng muốn nói với từng người chúng ta.

Chúng ta cũng lo nhiều chuyện, gánh nhiều trách nhiệm.

“Chỉ có một chuyện cần mà thôi”: ngài mời ta tập trung vào một chuyện cần.

Lo nhiều chuyện làm ta bị phân tán.

“Maria đã chọn phần tốt nhất”:

ngồi dưới chân Chúa là một chọn lựa nghiêm chỉnh giữa những công việc bề bộn.

Đặt Chúa lên trên và lên trước mọi việc khác là một chọn lựa không dễ dàng.

Dù sao Mácta là một thánh nữ, được Giáo Hội kính nhớ trong Phụng vụ.

Chúng ta phải làm Mácta, tận tụy với việc của Chúa, không phải việc của mình,

như thế ta sẽ bình an hơn khi thất bại, khiêm tốn hơn khi thành công.

Chúng ta phải làm Mácta, nhưng không được lo lắng, bôn chôn.

Chúng ta làm mọi việc trong an tĩnh, thư thái, vui tuơi, hài hước,

bởi lẽ Chúa chẳng đòi ta làm quá sức mình.

Chúng ta phải làm Mácta, đảm đang lo nhiều việc, nhưng không được tự hào,

coi thường những người thiếu khả năng, bệnh tật,

hay đánh giá người khác dựa trên hiệu quả công việc.

Chúng ta phải làm Mácta, nhưng không cần ai để ý (c.40).

không coi việc mình làm là quan trọng hơn việc người khác,

vì biết rằng Chúa ban cho mỗi người mỗi việc để phục vụ cho toàn thân.

Cuộc sống hôm nay khiến ta khó làm Maria.

Nhưng phải cố dành giờ để làm Maria mỗi ngày.

Phải thu xếp để được làm Maria, để có người thay mình làm Mácta.

Nghe lời Chúa sẽ dẫn tới hành động: đó là xây nhà trên đá.

Cuối cùng đời sống chúng ta là kết hợp của Mácta và Maria:

vừa đón Chúa như Mácta, vừa tiếp Chúa như Maria,

vừa làm việc của Chúa, vừa gặp gỡ chính Chúa,

vừa hoạt động, vừa chiêm niệm,

nhưng lúc nào cũng hướng về Chúa.

 

Cầu nguyện:

Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào,

xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.

Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc,

xin cho con quý chuộng những lúc

được an nghỉ trước nhan Chúa.

Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo,

xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa

để nghe lời Người.

Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng,

xin cho con thoát được lên cao

nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.

Lạy Chúa,

ước gì tinh thần cầu nguyện

thấm nhuần vào cả đời con.

Nhờ cầu nguyện,

xin cho con gặp được con người thật của con

và khuôn mặt thật của Chúa.

 

Suy niệm 2: Chọn phần tốt nhất

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Mục đích sau cùng của đời sống Ki-tô hữu là kết hợp với Thiên Chúa. Mọi công việc và đời sống ta đều nhằm đạt tới mục đích sau cùng này. Chỉ khi kết hợp với Thiên Chúa ta mới no thỏa hạnh phúc. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất vì đã đi đến kết hợp với Chúa. Mác-ta tốt nhưng chưa nhất vì việc phục vụ Chúa chỉ là con đường dẫn đến kết hợp với Chúa. Khi lên trời sẽ không còn phục vụ nữa. Chỉ còn kết hợp thôi. Vì thế phần của Ma-ri-a không bao giờ mất.

Kết hợp hệ tại mở lòng ta ra lắng nghe tiếng Chúa. Và để trọn vẹn tâm hồn cho Chúa chiếm ngụ. Lời Chúa tràn đầy tâm hồn lắng nghe như nước mưa thấm đẫm thửa đất khô cằn. Khi đã từ bỏ mình để lòng ra rỗng không, ta sẽ có đầy Thiên Chúa. Đó là hạnh phúc không gì so sánh được.

Chúa mong ước cho mọi người đạt tới hạnh phúc này nên không ngừng uốn nắn để ta biết lắng nghe tiếng Chúa. Hôm nay Chúa đã uốn nắn Mác-ta. Xưa kia Chúa đã uốn nắn Gio-na để không những ông nghe tiếng Chúa mà còn làm cho dân thành Ni-ni-vê được nghe tiếng Chúa qua lời rao giảng của ông (năm lẻ). Chúa cũng tuyển chọn Phao-lô để ngài đem Tin mừng cho dân ngoại (năm chẵn).

Để con người biết lắng nghe, nhiều khi Chúa phải sử dụng những biện pháp mạnh mẽ. Để Mác-ta tỉnh ngộ Chúa phải nói mạnh. Để Gio-na biết nghe và thực hành Lời Chúa, Chúa đã cho ông gặp tai nạn trên biển, bị quẳng xuống biển, bị cá nuốt 3 ngày. Để Phao-lô trở nên tông đồ dân ngoại, Chúa đã phải chiếu làn ánh sáng chói lòa làm cho ngài ngã ngựa, đui mù. Để dân thành Ni-ni-ve sám hối, Chúa đã phải cảnh báo, đe dọa.

Nhờ được nghe Lời Chúa qua tiên tri Gio-na, dân thành Ni-ni-vê đã biết chọn phần tốt nhất là trở về bên Chúa. Thực hành Lời Chúa. Nhờ được nghe Lời Chúa mà Phao-lô biết chọn phần tốt nhất. Ngài hoàn toàn kết hợp với Chúa đến nỗi có thể nói: “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống. Nhưng là Chúa Ki-tô sống trong tôi”(Gl 2,19-20). Ngài đã chọn phần tốt nhất. Và không bao giờ chịu bỏ mất. “Những gì xưa kia tôi coi là mối lợi, thì nay vì Đức Ki-tô tôi coi là thiệt thòi. So với mối lợi tuyệt vời là được biết Chúa Ki-tô”(Pl 3,8).

Tôi đang chọn lựa gì cho đời sống. Tôi có chọn phần tốt nhất là ở bên Chúa và lắng nghe Lời Chúa không?

 

Suy niệm 3: Lắng Nghe và Chiêm Niệm

(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Ngày nay, những tiện nghi do tiến bộ kỹ thuật mang lại đang tạo ra một nền văn hóa mới đặt tính hiệu năng và khả năng tiêu thụ lên hàng đầu bậc thang giá trị: người được đánh giá cao là người tài giỏi, giầu có, làm ra tiền và có khả năng tiêu thụ cao. Trong một nền văn minh như thế, dĩ nhiên những giá trị luân lý, tôn giáo hoặc bị đưa xuống thành thứ yếu, hoặc bị quên lãng và ngay cả bị chà đạp. Ðây là một thách đố lớn lao đối với Giáo Hội. Giáo Hội qua các Kitô hữu hiện diện như một dấu chỉ của cuộc sống mai hậu và những giá trị siêu việt, nhưng liệu các Kitô hữu có còn đủ thức tỉnh và can đảm làm chứng cho những giá trị siêu việt ấy không hay chính họ cũng chiều theo cám dỗ chạy theo dòng đời, thỏa hiệp với những sức mạnh tăm tối đang xói mòn những giá trị luân lý đạo đức và loại bỏ chiều kích thiêng liêng ra khỏi cuộc sống con người?

Tin Mừng hôm nay có thể được lắng nghe và Suy niệm với nỗi thao thức ấy. Chúa Giêsu hẳn không làm một cuộc so sánh về hai thái độ: một của Marta tất bật với việc tiếp đãi khách, và một của Maria ngồi bên chân khách để trò chuyện. Trong thực tế, cả hai thái độ này đều cần thiết: tinh thần hiếu khách được biểu lộ cụ thể và tích cực qua việc chuẩn bị bữa ăn, nhưng cũng được thể hiện không kém qua sự hàn huyên ân cần. Chúa Giêsu đề cao thái độ của Maria, nhưng không hề giảm thái độ của Marta. Ngài chỉ muốn mượn hình ảnh của Maria đang ngồi dưới chân Ngài để nói lên thái độ cơ bản mà con người phải có đối với Thiên Chúa, đó là thái độ lắng nghe và chiêm niệm.

Hơn bao giờ hết, sự hiện diện của những người hiến dâng cho việc cầu nguyện và chiêm niệm là một trong những kho tàng quí giá nhất của thời đại chúng ta, để nhắc nhở cho thế giới rằng cuộc sống con người không chỉ giản lược vào điều mà thánh Phaolô gọi là chuyện ăn, chuyện uống, tôn thờ cái bụng, và rằng cuộc sống chỉ có giá trị và đứng vững vì chính chiều kích siêu việt, thiêng liêng của nó.

Trong một bài nói chuyện với các nữ tu của một Dòng Kín tại Mêhicô năm 1979, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đề cao sự hy sinh của họ như sau:

"Cuộc sống của chị em quan trọng hơn bao giờ hết; sự hiến thân trọn vẹn của chị em đầy tính thời sự. Trong một thế giới đang đánh mất dần ý thức về thần linh, trong một thế giới đề cao quá mức những thực tại vật chất, hỡi các nữ tu thân mến, các chị lại dấn thân vào các tu viện Kín để làm chứng cho những giá trị mà các chị sống cho. Các chị là những chứng nhân của Chúa cho thế giới ngày nay; với lời cầu nguyện, các chị đang thổi một luồng sinh khí mới vào trong Giáo Hội và con người ngày nay".

Những lời của Ðức Gioan Phaolô II không chỉ đề cao chứng từ của các Tu sĩ chiêm niệm, mà còn nhắc nhở cho các Kitô hữu về chính chứng từ của sự cầu nguyện của họ. Có những người hiến thân trọn vẹn cho sự cầu nguyện, nhưng cầu nguyện không phải là độc quyền của một số người, mà phải là hơi thở cho tất cả những ai có niềm tin. Có những giây phút dành cho việc cầu nguyện đã đành, nhưng người Kitô hữu phải sống thế nào để biến cả cuộc sống của họ thành lời cầu nguyện. Chiêm niệm không chỉ là hoạt động dành riêng cho một số người hay một số giờ hoặc một số nơi nhất định. Chiêm niệm chính là thái độ tìm kiếm, lắng nghe và Suy niệm bao trùm mọi sinh hoạt của người Kitô hữu.

Nguyện xin Chúa nung nấu sự khát khao trong tâm hồn chúng ta, để chúng ta luôn hướng về Ngài, tìm kiếm Ngài và kết hiệp với Ngài trong mọi sự. Nguyện xin Mẹ Maria là Ðấng luôn cất giữ và Suy niệm mọi sự trong lòng, hướng dẫn chúng ta trong thái độ cầu nguyện và chiêm niệm của Mẹ.

 

Suy niệm 4: Lao Ðộng Và Cầu Nguyện

(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Câu trả lời của Chúa Giêsu cho Mácta đáng cho ta suy nghĩ thêm. Các nhà chú giải đề ra hai điểm. Trước hết Chúa Giêsu không có ý định giảm giá trị của công việc tiếp rước Chúa mà Mácta đang làm nhưng Ngài cảnh tỉnh Mácta về nguy hiểm Mácta đang lao vào, đó là thái độ ganh tị, thái độ muốn tách rời Maria ra khỏi Chúa Giêsu; kế đến Chúa Giêsu làm nổi bật một điểm tốt mà Maria đã biết rút ra từ hoàn cảnh, đó là đến ngồi bên Chúa lắng nghe và nói: "Việc lắng nghe Chúa có ưu tiên hơn, vì con người không sống nguyên bởi bánh mà thôi, nhưng còn do bởi lời Thiên Chúa phán ra. Vì thế, hãy tìm nước Thiên Chúa trước rồi mọi sự khác sẽ được ban cho dư đầy". Chúa Giêsu không đề ra một lựa chọn giữa một trong hai điều: hoặc làm việc, thái độ của Mácta; hoặc chiêm niệm, thái độ của Maria, để rồi chỉ chấp nhận một thái độ duy nhất của Maria mà thôi.

Không có sự đối nghịch giữa hoạt động và chiêm niệm trong đời sống người Kitô, bởi vì cả hai đều phát xuất từ một nguồn mạch là lời Chúa và cùng hướng đến một mục tiêu là phục vụ nước Chúa.

Việc lắng nghe lời Chúa được hướng đến hành động và hành động cần được nuôi dưỡng bởi lời Chúa. Ðây là hai khía cạnh của mối phúc thật: lắng nghe và tuân giữ lời Chúa. Mối phúc thật này đã được Chúa Giêsu tuyên bố khi Ngài trả lời với người nữ từ trong dân chúng cất tiếng chúc tụng mẹ, cũng như trả lời cho những kẻ báo tin cho Chúa biết là có mẹ và anh em Chúa đang chờ, thì lúc đó Chúa Giêsu trả lời: "Nhưng phúc thật cho những ai lắng nghe lời Chúa và tuân giữ lời ấy; những kẻ đó mới là mẹ Ta và anh em Ta". Hai chị em Mácta và Maria nhắc nhở cho cộng đoàn Kitô cũng như cho mọi người Kitô thuộc mọi thời đại về hai thái độ luôn bổ túc cho nhau, để tiếp nhận nước Chúa được hiện diện nơi chính Chúa Giêsu Kitô. Không phải chỉ cầu nguyện chiêm niệm không mà thôi; cũng không phải chỉ có hoạt động vì hoạt động. Nhưng chiêm niệm và hoạt động phải là hai chiều kích hòa hợp với nhau của cùng một trách vụ, đây là hai yếu tố không thể nào thiếu vắng của việc theo Chúa. Trong những hoàn cảnh cụ thể và tùy theo mỗi hoàn cảnh cụ thể, mà người đồ đệ của Chúa thực hiện việc hòa hợp cụ thể này giữa cầu nguyện và hoạt động. Thật là sai lầm to nếu ta muốn canh tân xã hội mà không cần cầu nguyện, nghĩa là không cần lắng nghe lời Chúa, không đối thoại với Ngài. Ðể hoạt động của chúng ta có thể trổ sinh kết quả, người đồ đệ của Chúa cần dành thời giờ im lặng để lắng nghe lời Chúa và đối thoại với Ngài. Trong ý nghĩa này, chiêm niệm là phần tốt hơn mà Maria đã chọn, nhưng không phải là phần tách rời ra khỏi việc làm, không ăn thua gì đến việc làm. Ðức tin chúng ta phải là đức tin có sức tác động qua đức bác ái, đàng khác cầu nguyện không làm cho người đồ đệ xa lạ với cuộc sống và những vấn đề của con người. Nhưng ngược lại, cầu nguyện làm cho người đó được thêm sức mạnh để hoạt động biến đổi xã hội, ngõ hầu Thiên Chúa được tôn vinh và con người được hạnh phúc.

Lạy Chúa,

Xin giúp con hiểu và thành công hòa hợp được hai yếu tố không thể tách rời của đời sống Kitô đích thực này là làm việc và cầu nguyện. Ước chi mọi việc con làm đều phát xuất từ cầu nguyện, từ việc lắng nghe lời Chúa và được nâng đỡ bởi sức mạnh của Chúa, sức mạnh được trao ban trong những giây phút con trở về lắng nghe Chúa nói.

 

Suy niệm 5: Hành động và chiêm niệm

Chúa đáp: “Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” (Lc. 10, 41-42)

Trong đoạn Tin Mừng này, Thánh Luca kể lại biến cố trong bữa cơm gia đình ấm cúng giữa Đức Giêsu, Matha và Maria, ông đặc biệt lưu ý đến vấn đề chiêm niệm và hành động, không phải chỉ có chiêm niệm hay hành động riêng rẽ.

Chắc hẳn, Đức Kitô không muốn đối lập Maria với Matha. Người chỉ ghi nhận những ưu tiên, nhưng không lên án những hành động của Matha. Cả hai chị em đều mến Chúa bằng nhau! nhưng mỗi người mỗi vẻ. Matha thích hành động, chị cảm thấy cần thiết đón khách chu đáo đàng hoàng mới tỏ ra lòng mến khách, quý khách. Cho nên, chị cần chuẩn bị nhiều thứ.... như vậy rất có lý! nhưng chị quá lo lắng bối rối nhiều chuyện quá. Chúa đã lưu ý chị thế! Chắc chắn là cần thổi nấu, sắp đĩa bát, dọn bàn ăn! quá lo lắng, áy náy không hợp với lúc này! Điều quan trọng chính là họp mặt, gặp gỡ nhau, trao đổi tâm sự hơn là mâm cao cỗ đầy.

Maria, cô ngồi bên chân Thầy rất mến, ngây ngất lắng nghe Người không ngớt! Hai người nói gì với nhau? bản văn không nói gì đặc biệt. Có phải nói về cái chết sắp tới của Người như đã nói với các Tông Đồ, về mọi thứ đau khổ Người mong chờ và chấp nhận để cứu chuộc loài người chăng? Cũng có thể Người nói với Maria về ý nghĩa ngược đời của tám mối phúc thật, về hạnh phúc nước trời. Khó với tới và những đòi hỏi vượt sức loài người của đức ái Kitô giáo! Không ai biết được câu chuyện đó như thế nào! nhưng Maria rất ham thích lắng nghe! Khi người ta yêu, người ta không chán nghe người yêu nói.

Matha bất bình như mọi người hoạt động bất bình với những người chiêm niệm: không làm gì nhưng lại rất hoạt động và hoạt động đúng nhất. Đức Giêsu đã đặt lại những giá trị, Người nói: “Tội nghiệp Matha, chị làm cũng được, Thầy khen chị, cám ơn chị, nhưng hãy tin Thầy đi, chị không biết rằng chị cần thấy: lúc chúng ta ngồi với nhau để chia vui sẻ buồn là tốt nhất, là lịch duyệt và dễ thương nhất! chị thử coi tình yêu chứng tỏ bằng những cử chỉ chị làm lúc này, không thể bằng ánh mắt chăm chú biểu lộ lòng yêu mến đối với sự hiện diện của Thầy được!

Không cần tiếng khua nồi niêu bát dĩa... nhưng cần thinh lặng hết lòng yêu mến tôn thờ”.

GF

 

Suy niệm 6: Phần tốt nhất Maria đã chọn

Xem lại CN 16 TN C

Đối với văn hóa Việt Nam luôn coi trọng vấn đề thiết đãi mỗi khi có khách đến chơi. Vì thế mới có câu: “Khách tới nhà không gà thì vịt”.

Hôm nay, bài Tin Mừng cũng trình thuật cho chúng ta thấy một cuộc tiếp đãi thịnh tình đối với Đức Giêsu mà gia đình Martha đã thực hiện. Nơi đây, Ngài nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt của hai chị em Martha và Maria.

Nếu Martha thể hiện lòng kính trọng và yêu mến Đức Giêsu qua việc nấu ăn, thì Maria cùng một lòng kính trọng và tình yêu mến Đức Giêsu như Martha, nhưng Maria thì thể hiện cách khác là lắng nghe Lời Chúa. Hai công việc đều phát xuất từ lòng mến và được khởi đi từ sự kính trọng. Hai thái độ đều tốt. Một bề ngoài, một bề trong. Nhưng giá trị thì lại khác nhau. Hôm nay Đức Giêsu khen và nói với Maria rằng: cô đã chọn phần tốt nhất.

Thật vậy, lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành phải là điều quan trọng nhất, bởi vì: mọi sự sẽ qua đi, nhưng Lời Chúa vẫn luôn tồn tại.

Trong cuốn Đắc Nhân Tâm, bà Carnegie đã viết: “Cách làm cho khách vui lòng nhất là lắng nghe khách nói, lắng nghe ước muốn, nguyện vọng, tâm tư của người khác. Như vậy, tỏ ra mình kính trọng, quan tâm đến người để hiểu biết, thông cảm, chia sẻ những tâm tình, những kiến thức, những yêu cầu thiết thực của người, quí hơn cả cơm ăn, áo mặc”.

Thật thế, Maria đã lựa chọn điều tốt nhất là được ở bên Đức Giêsu (x. Lc 10,42), nghe lời Ngài dạy (x. Lc 10,39) và lo lắng đến những gì thuộc về Ngài (x. 1Cor 7,32). Cô đã chọn cho mình phần phúc Nước Trời, bởi lẽ Đức Giêsu chính là nội dung của Tin Mừng, là hiện thân của Nước Hằng Sống. Vì thế, có Đức Giêsu là được cả Nước Trời. Nghe được Lời Chúa nói với mình và đem ra thực hành thì được ví như “… người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá" (Mt 7, 25). Maria trong bài Tin Mừng hôm nay đã có được đầy đủ các yêu tố trên, nên cô đáng được Đức Giêsu khen là người có phúc hơn Martha.

Thật vậy, việc lắng nghe Lời Chúa và tuân giữ cũng như đem ra thực hành là thể hiện lòng yêu mến Chúa trọn vẹn, vì qua đó, Lời Chúa được bén rễ sâu và sinh hoa kết quả trong đời sống của người lắng nghe.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi chúng ta: cần siêng năng đọc Thánh Kinh, suy gẫm và đem ra thực hành cách sống động trong gia đình, lối xóm, Giáo xứ và bất cứ môi trường nào... Bởi vì: “Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô” (thánh Giêrônimô), mà không biết gì về Ngài thì sao có thể định hướng đi cho cuộc đời của mình cách tốt đẹp? (x. Thư Chung 1980, số 8).

Ước gì Đức Giêsu khen ngợi cô Maria khi xưa vì đã biết chọn phần tốt nhất cũng là lời tác phúc cho mỗi chúng ta khi mỗi người thành tâm đi tìm kiếm, yêu mến Chúa bằng việc lắng nghe và đem ra thực hành Lời ấy trong cuộc sống.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con biết chọn Chúa làm chủ tể đời chúng con. Xin cho chúng con biết yêu mến và lắng nghe Lời Chúa bằng thái độ của người môn đệ. Và, xin cho chúng con biết đem Lời Chúa ra để thực hành trong cuộc sống hiện tại. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy niệm 7: Lắng nghe Lời Chúa là điều cần thiết và tốt nhất

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Lắng nghe Lời Chúa là điều cần thiết và tốt nhất. Dù sống trong hoàn cảnh nào hay làm việc gì, lắng nghe Lời Chúa vẫn là điều phải làm trước tiên.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa nói: chỉ có một chuyện cần thiết, đó là lắng nghe Lời Chúa. Nhưng con làm sao có giờ để ngồi mà cầu nguyện và suy gẫm Phúc âm cả ngày. Cuộc sống của con như bà Mat-ta, quá bận rộn với những hoạt động và việc phục vụ.

Nhưng lạy Chúa, cuộc sống của Chúa an ủi và khích lệ con. Con thấy Chúa cũng hoạt động và phục vụ cả ngày. Chúa không ngồi suốt trong đền thờ. Tuy nhiên, dù bận rộn vất vả đến đâu, Chúa vẫn xếp giờ vào nơi thanh vắng cầu nguyện cùng Chúa Cha, sáng sớm tinh sương hoặc lúc đêm về. Và trong mỗi công việc, Chúa luôn tìm biết Thánh ý Chúa Cha để thi hành.

Con nhìn lên mẫu gương của Chúa để bắt chước. Dù cuộc sống hằng ngày có vất vả bận rộn đến đâu, con cũng sẽ cố gắng xếp giờ cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa. Con thường bị cám dỗ coi việc cầu nguyện là mất giờ, coi việc đọc và Suy niệm Phúc âm chẳng đem lại lợi ích gì cho cuộc sống. Nhưng con tin rằng những giây phút gác bỏ mọi chuyện để ngồi bên Chúa như bà Maria sẽ đem lại cho con tình yêu, ánh sáng và nghị lực, để mọi việc con làm sinh hoa kết quả tốt đẹp.

Xin giúp con lắng nghe Lời Chúa mỗi ngày để con bắt đầu một ngày làm việc trong niềm vui và hăng say. Xin giúp con sau một ngày làm việc, biết ở bên Chúa để nhìn lại cuộc sống và nghỉ ngơi bên Chúa. Và trong từng công việc, xin giúp con biết lắng nghe Ý Chúa để làm mọi việc như Chúa muốn.

Lạy Chúa, con muốn sống bên Chúa để Chúa cùng sống với con trong cuộc đời. Amen.

Ghi nhớ: “Martha rước Người vào nhà mình. Maria đã chọn phần tốt nhất”.

 

Suy niệm 8: Hai cách đón tiếp Chúa

(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Lòng hiếu khách của gia chủ Việt Nam được thể hiện qua câu:

“Ai kêu cửa ngõ thì vô

Nước trà đang quạt, cá khô đang lùi”.

Khi nghe chuông, chủ nhà nhanh nhẹn mở cửa mời khách vào. Mời khách ngồi và rót nước mời, chủ nhà phải tỏ ra ưu ái đối với khách qua nét mặt vui tươi và cử chỉ:

“Ra đi chân bước nhẹ nhàng

 Là người hiếu khách, rõ ràng yên vui”.

Mời cơm khách đến chia sẻ chung vui, người hiếu khách luôn lo lắng chuẩn bị làm bữa, dành của ngon đãi khách như tục ngữ có câu: “Khách đến nhà chẳng gà thì vịt”. Hay như câu ca dao diễn tả:

“Gỏi nào bằng gỏi cá kìm,

Dọn ra đãi bạn trọn niềm thủy chung”

Hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho những của ăn ngon nhất để đãi khách, cũng như trân trọng người khách qua việc chuẩn bị bữa ăn:

“Năm tiền một khứa cá buôi,

Cũng mua cho đặng đãi người khách sang…”

Cá buôi dù đắt cũng mua cho được để đãi khách quý, hình ảnh nói về tấm lòng chủ với khách: Luôn dành cho khách những của ăn ngon nhất.

Suy niệm

Ngôi nhà bé nhỏ tại làng Bêtania, đón tiếp Chúa Giêsu ghé thăm, rộn rã tiếng cười nói, của chủ lẫn khách. Nhà Bêtania được hồng phúc Chúa cho người em út Ladarô phục sinh (x. Ga 11,1-44). Trong cuộc đón tiếp tại nhà Bêtania, Chúa Giêsu là khách quý, sự hiện diện của Ngài là tâm điểm cho mọi sự đón tiếp, Ngài cũng là hiện thân của tha nhân, Martha và Maria là mẫu gương của lòng hiếu khách đón tiếp.

Hai cách đón tiếp của Martha - người lo phục vụ bếp núc bữa ăn và Maria - người lo tiếp chuyện. Cả hai bổ túc cho việc đón tiếp tha nhân một cách tuyệt vời. Tuy nhiên, Chúa Giêsu chú trọng và yêu mến hơn cách đón tiếp của Maria vì đó là lắng nghe Lời Chúa, cũng là biểu lộ của sự quan tâm chia sẻ với khách. Ngài không phê bình cách tiếp đón của Martha, nhưng khen cách làm của Maria vì Ngài muốn nhấn mạnh đến chiều kích tâm linh và tinh thần, đó cũng là cách đón Chúa tốt nhất nơi tâm hồn của mỗi người. Ngài cũng đã nhấn mạnh đến sự cảm thông chia sẻ tâm linh trong quan hệ giữa người với người, vốn dĩ nhân loại đã bỏ quên, chỉ quan tâm đến đời sống vật chất.

Tôi và bạn học nơi Maria và Martha: Đón Chúa đến viếng thăm nhà mình, chính Ngài cũng đồng hành với biết bao biến cố thăng trầm của cuộc đời. Chúng ta học nơi cách đón tiếp của hai chị em người làng Betania với tha nhân: Người phục vụ, người lắng nghe chia sẻ. Đặc biệt là tư thế đón tiếp của Maria làm cho khách vui lòng nhất, như tác giả sách Đắc nhân tâm viết: Là lắng nghe khách nói, lắng nghe ước muốn, nguyện vọng, tâm tư của người khác. Như vậy là tỏ ra mình kính trọng, quan tâm đến người để hiểu biết, thông cảm, chia sẻ tâm tình, kiến thức, nhu cầu thiết thực của người, quý hơn cả cơm ăn, áo mặc.

Phải chăng, thế giới hôm nay nếu mặc lấy sự đón tiếp của tinh thần của hai chị em làng Bêtania, con người sẽ thoát được những nghịch lý của văn minh thời đại: Hiếu khách - cô đơn, tri thức cao - không biết đi về đâu... Thời gian vui được sống - thời gian khủng hoảng đau khổ.

Thật thế, với tinh thần của Bêtania, chúng ta mở rộng tâm hồn đón Chúa vào nhà - ngôi nhà tâm hồn mọi người, ngôi nhà gia đình và cả ngôi nhà chung của nhân loại. Có Ngài là có nguồn tình yêu, tâm hồn mở rộng đón anh em, không chỉ là văn minh, ngọt ngào, lịch sự mà bằng tình yêu chân thành phục vụ, lắng nghe chia sẻ. Thiết nghĩ sẽ bớt sợ cảnh cô đơn, khủng hoảng vì sự chia sẻ của chính Thiên Chúa đang hiện diện, của tha nhân mang tâm tình giống như Thiên Chúa.

Ước chi tâm hồn tôi, tâm hồn bạn sẽ là mái nhà Bêtania mới, rộn rã tiếng cười nói của lòng hiếu khách và niềm vui của khách viếng thăm.

Ý lực sống:

Abraham như cây già đang dần khô héo, đón Chúa thăm viếng, được ra trái sum suê: từ nơi ông cả một hậu duệ đông đảo “như sao trên trời, như cát bãi biển”.

 

Suy niệm 9: Chúa nói về tinh thần phục vụ

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

Đức Giêsu đã mạc khải cho các môn đệ Ngài là ai: Ngài là Đấng Messia đến cứu thoát loài người, nhưng cứu thoát qua con đường chịu nạn, chịu chết và sống lại. Các ông chẳng hiểu gì mạc khải đó, vì các ông vẫn quan niệm về một Đấng Messia vinh quang hiển hách. Vì thế trên đường đi các ông tranh cãi với nhau xem ai là người lớn nhất trong nước của Ngài. Về đến nhà, Ngài hỏi các ông trên đường đã tranh cãi với nhau về cái gì, các ông không dám trả lời. Nhân dịp này Ngài dạy các ông: Ai muốn làm lớn, phải làm đầy tớ mọi người. Rồi Ngài dẫn một trẻ nhỏ đến giữa các ông mà phán: “Ai đón nhận trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy và sống đơn sơ không tham vọng như nó là đón tiếp chính Thầy, và ai tiếp nhận Thầy là tiếp nhận Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy”.

Tranh giành quyền lực là chuyện thường tình của thế gian, trong bất cứ lãnh vực nào cũng có chuyện người thủ lãnh, kẻ thuộc hạ, người làm lớn kẻ làm nhỏ, người ngồi trên kẻ ngồi dưới, người được danh dự kẻ bị quên lãng. Nhưng trong Giáo hội của Ngài, Đức Giêsu đã đưa ra nguyên tắc lãnh đạo: ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người. Đức Giêsu không chỉ phục vụ và hầu hạ, lại còn hầu hạ và phục vụ đến chết. Cái chết trên thập giá của Ngài là thể hiện tột cùng của lãnh đạo và phục vụ. Vì thế, người được đặt làm thủ lãnh để phục vụ phải là người sẵn sàng chết cho mọi người. Quy luật này có giá trị cho mọi Kitô hữu. Làm môn đệ của Đức Giêsu là chọn lấy con đường phục vụ và phục vụ cho tới cùng.

Vì thế, ở cuối văn kiện Toà thánh, các Đức Giáo hoàng thường ghi dòng chữ này cùng với chữ ký của mình: “Servus servorum”: tôi tớ của các tôi tớ. Đây là tinh thần mà Đức Giêsu muốn tất cả các vị lãnh đạo trong Giáo hội phải có, như được đề cập trong bài Tin mừng hôm nay: “Ai muốn làm đầu thì phải làm người rốt hết, và làm tôi tớ mọi người”.

Bác sĩ Elizabeth Couplaros là giáo sư về môn tâm lý trị liệu tại đại học Chicago, Hoa Kỳ. Một trong những tác phẩm bán chạy nhất của bà có tựa đề “Sự chết và Chết”. Cuốn sách ghi lại sự phỏng vấn của tác giả với hàng trăm người đã từng bị bác sĩ tuyên bố là chết nhưng bỗng dưng sống lại. Có thể nói người chết sống lại này đều cho biết rằng trong khoảnh khắc mà bác sĩ gọi là chết ấy họ như sống lại cả quãng đời của họ, cứ như thế họ xem lại cuốn phim về cuộc đời của họ. Khoảnh khắc ấy có nghĩa gì không? Bác sĩ Couplaros đã nhận định như sau: “Khi bạn trải qua khoảnh khắc ấy, bạn chỉ thấy có hai điều quan trọng trong cuộc đời: một là bạn đã phục vụ, hai là bạn sống yêu thương; còn tất cả những điều mà chúng ta xem trọng như danh tiếng, tiền của, uy tín và quyền lực đều vô nghĩa”.

Một điều nghịch lý cần chấp nhận

Chúa phán: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. Để các ông hiểu rõ sự nghịch lý này, Đức Giêsu đưa ra một dụ ngôn: Ngài đem một em nhỏ, đặt vào giữa các ông rồi ôm lấy nó và nói: “Ai tiếp nhận một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy”. Em nhỏ ở đây, chính là biểu tượng của tất cả những gì bé nhỏ, hèn mọn, tuỳ thuộc, cần được người khác chăm sóc, mà không thể cho ai được cái gì. Ngài hàm ý nói rằng: điều làm cho người ta nên cao cả là khả năng đón tiếp bản thân Ngài và khi người ta tiếp đón vì danh Ngài, một người yếu đuối, vô phương tự vệ, thì khả năng đó còn lớn hơn nữa bội phần. Ai trong anh em muốn làm người đứng đầu thì hãy tự mình phục vụ những người ít được kính nể, những người bị tước đoạt nhất, hãy làm người phục vụ những người bé mọn nhất, và làm như thế vì danh Thầy, bởi lẽ Thầy yêu cầu như vậy.

Truyện: Cần tinh thần phục vụ

Những thuộc viên cao cấp của Bà-la-môn ở Ấn Độ không bao giờ cúi xuống làm việc của người đầy tớ. Vì thế Shirman Naraayan sốc làm sao khi ông được giao nhiệm vụ mà ông thấy như mình bị hạ thấp khi ông dành thời gian làm tại trung tâm Gandhi (là một trung tâm tĩnh tâm của người Hindu).

Tốt nghiệp tiến sĩ tại trường Kinh tế Luân Đôn, chàng thanh niên này đã đến tìm hướng đi cho tương lai. Chàng không biết rằng mọi người tại trung tâm này đều được giao nhiệm vụ cụ thể, và Shirman phải chùi nhà vệ sinh. Thấy bị xúc phạm ghê gớm, anh đi thẳng đến chỗ Gandhi và phàn nàn: “Tôi có bằng tiến sĩ. Tôi có thể làm được nhiều điều lớn lao hơn, tại sao lại bắt tôi phải phí thời gian và tài năng vào việc lau chùi phòng vệ sinh vậy?” Gandhi trả lời: “Tôi biết anh có thể làm được nhiều việc lớn, nhưng tôi cũng phải xem thử anh có đủ năng lực để làm những việc nhỏ không đã”.

Có thể bạn đủ năng lực để phục vụ Chúa một cách đặc biệt. Qua nền giáo dục bạn hấp thụ và ân tứ bạn có được, có thể bạn có khả năng làm những công việc lớn lao và hiệu quả. Nhưng bạn có sẵn lòng khiêm nhường làm những việc của đầy tớ, nếu Chúa giao công việc đó cho bạn không? Bạn có sẵn lòng lau chùi nhà vệ sinh hay rửa chân cho người khác không? (Ga 13,14-15). Đó mới thật sự là điều một môn đệ vâng lời cần làm.

 

Suy niệm 10: Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi

(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

Câu chuyện có 3 vai: vai chính là Chúa Giêsu, hai vai phụ là Mác-ta và Maria mỗi người phục vụ Chúa một cách khác nhau:

- Mác-ta lăng xăng lo cơm nước, giường chiếu v.v.

- Maria “ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Ngài dạy”

Mác-ta khó chịu xin Chúa Giêsu bảo Maria tiếp mình. Nhưng Chúa Giêsu nói: “Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi”, đó là việc Maria đang làm, tức là ngồi bên chân Chúa đề lắng nghe lời Chúa.

B.... nẩy mầm.

1. Ở bên chân Chúa:

a/ Thánh sử Luca thích trình bày hình ảnh người ta ở  bên chân Chúa:

- Lc 7,36-45: một hôm có một phụ nữ tội lỗi nghe biết Chúa Giêsu đang dùng bữa tại nhà 1 người biệt phái. Nàng tìm đến đó, quì dưới chân Chúa và khóc đến nỗi nước mắt làm ướt chân Ngài. Tư thế bên chân Chúa trong trường hợp này là quì, và tâm tình là sám hối.

- Lc 17,11-19: Lần khác Chúa Giêsu chữa lành 10 người phong cùi. Trong số đó có một người đã trở lại sấp mình dưới chân Chúa để tỏ lòng biết ơn. Tư thế ở bên chân Chúa trong trường hợp này là sấp mình, và tâm tình là tạ ơn.

- Lc 8,40-56: Con gái ông Giairô bị bệnh nặng. ông chạy đến sấp mình dưới chân Chúa để van xin Ngài đến cứu con gái ông. Tư thế trong trường hợp này cũng là sấp mình, và tâm tình là xin ơn.

- Lc 8,26-39: Có một người bị quỷ ám ở Ghêrasa. Sau khi được Chúa cứu, anh ngồi bên chân Chúa và sau đó xin đi theo Ngài. Tư thế lần này là ngồi, và tâm tình là muốn đi theo Chúa.

- Đoạn Tin Mừng hôm nay kể chuyện Mác-ta ngồi bên chân Chúa để lắng nghe lời Ngài. Tư thế ngồi, tâm tình lắng nghe.

* Tóm lại, ở bên chân Chúa có thể là ngồi, quì hay sấp mình sâu thẳm. Và tâm tình có thể là tạ ơn, sám hối, van xin, bày tỏ thiện chí muốn đi theo hay lắng nghe học hỏi.

  b/ Ở bên chân Chúa trong tư thế nào cũng được và với tâm tình nào cũng được, miễn là ở bên chân Chúa. Và chính Chúa Giêsu cũng đề cao việc ở bên chân Ngài: "Mác-ta Mác-ta, con lo lắng bôn chôn nhiều quá. Nhưng chỉ có 1 điều cần mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất".

c/ Tư thế ở bên chân Chúa là

  - tư thế khiêm tốn

  - tư thế gần gũi gắn bó.

  - tư thế trầm lắng, bình an.

Hằng ngày chúng ta làm nhiều việc, ở nhiều nơi và với nhiều tâm trạng. Đoạn Tin Mừng này và những đoạn tương tự  nhắc  chúng ta có 1 nơi rất tốt, đó là ở bên chân Chúa. Chúng ta hãy tìm dịp đến bên chân Chúa, bên chân Chúa chúng ta có thể ngồi, có thể quì, có thể sấp mình sâu thẳm. Chúng ta có thể van xin, có thể tạ ơn, có thể sám hối, có thể bày tỏ thiện chí muốn theo Chúa, có thể trầm lắng đón nghe lời Ngài. Đó là điều Chúa rất ưa thích và cũng rất ích lợi cho anh em.

2. “Tất cả vì Chúa và cho Chúa”, đó có lẽ cũng là bài học Chúa Giêsu muốn nói đến qua đoạn Tin Mừng hôm nay (...) Lời Chúa... mời gọi chúng ta thống nhất đời sống. Có những giây phút ưu việt danh cho cầu nguyện, thờ phượng; còn phần lớn thời giờ được dành cho những sinh hoạt khác. Đối với người kitô hữu, phải biến mọi sinh hoạt thành lời cầu nguyện kéo dài, thành những hy tế trên bàn thờ. Chính qua những sinh hoạt ấy, chúng ta gặp gỡ, lắng nghe, thực thi thánh ý Thiên Chúa” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”)

3. Đôi tay để làm việc phục vụ cũng quan trọng, nhưng đôi tai lắng nghe Lời Chúa và đôi đầu gối quì bên chân Chúa quan trọng hơn.

4. “Mác-ta đón Người vào nhà. Cô nói người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe Lời Ngài dạy. Còn Mác-ta tất bật lo việc phục vụ.” (Lc 10,39-40)

Cô giáo môn tiếng Anh của tôi không phải là người công giáo. Một hôm cô nói với lớp: “Không hiểu vì sao cô rất thích nghe nhạc của đạo công giáo. Những bài hát ấy có một sức lôi cuốn nào đó, mỗi lần nghe cô cảm thấy tâm hồn thanh thoát vui tươi và cuộc sống thật hạnh phúc.” Nói xong cô hỏi lớp: “Lớp mình có bạn nào người công giáo không? Hãy nói cho cô và các bạn nghe về Chúa!” Cả lớp vẫn im lặng. Tôi muốn nói nhưng khổ nỗi vào giờ này không ai được nói tiếng Việt. Tôi biết Chúa nhưng nói về Chúa bằng tiếng Anh thì không thể, vì tôi không có đủ vốn từ và cũng không biết phải nói làm sao.

Tôi buồn vì đã bỏ qua một cơ hội để nói về Chúa cho cô và các bạn chỉ vì thiếu khả năng ngoại ngữ. Từ đó bên cạnh việc học hỏi và chia sẻ Lời Chúa, tôi sẽ nói bằng tất  cả lòng yêu mến và kiến thức sẵn có của mình.

Lạy Chúa! cả hai thái độ của Mác-ta và Maria đều cần thiết cho con trong cuộc sống hôm nay. Xin cho con vừa là Maria vừa là Mác-ta để con xứng đáng là chứng nhân đích thực của Chúa. (Hosanna).

 

Suy niệm 11: Tìm nhiều dịp để ở gần Chúa

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Thánh Luca nói về việc Maria ở bên chân Chúa:

Thánh sử Luca rất thích hình ảnh này:

 - Lc 7,36-45: một hôm có một phụ nữ tội lỗi nghe biết Chúa Giêsu đang dùng bữa tại nhà một người Pharisêu. Nàng tìm đến đó, quì dưới chân Chúa và khóc đến nỗi nước mắt làm ướt chân Ngài. Tư thế bên chân Chúa trong trường hợp này là quì và tâm tình là sám hối.

 - Lc 17,11-19: Lần khác, Chúa Giêsu chữa lành 10 người phong cùi. Trong số đó có một người đã trở lại sấp mình dưới chân Chúa để tỏ lòng biết ơn. Tư thế ở bên chân Chúa trong trường hợp này là sấp mình, và tâm tình là tạ ơn.

 - Lc 8,40-56: Con gái ông Giairô bị bệnh nặng. Ông chạy đến sấp mình dưới chân Chúa để van xin Ngài đến cứu con gái ông. Tư thế trong trường hợp này cũng là sấp mình, và tâm tình là xin ơn.

 - Lc 8,26-39: Có một người bị quỷ ám ở Ghêrasa. Sau khi được Chúa cứu, anh ngồi bên chân Chúa và sau đó xin đi theo Ngài. Tư thế lần này là ngồi, và tâm tình là muốn đi theo Chúa.

 - Đoạn Tin Mừng hôm nay kể chuyện Maria ngồi bên chân Chúa để lắng nghe lời Ngài. Tư thế ngồi, tâm tình lắng nghe.

 Tóm lại, ở bên chân Chúa có thể là ngồi, quì hay sấp mình sâu thẳm. Và tâm tình có thể là tạ ơn, sám hối, van xin, bày tỏ thiện chí muốn đi theo hay lắng nghe học hỏi.

 2. Hằng ngày, chúng ta làm nhiều việc, ở nhiều nơi và với nhiều tâm trạng khác nhau. Đoạn Tin Mừng hôm nay và những đoạn tương tự khác nhắc chúng ta có một nơi rất tốt, đó là ở bên chân ChúaỞ bên chân Chúa trong tư thế nào cũng được và với tâm tình nào cũng được, miễn là ở bên chân Chúa.

Chúng ta hãy tìm dịp đến bên chân Chúa. Bên chân Chúa chúng ta có thể ngồi, có thể quì, có thể sấp mình sâu thẳm. Chúng ta có thể van xin, có thể tạ ơn, có thể sám hối, có thể bày tỏ thiện chí muốn theo Chúa, có thể trầm lắng đón nghe lời Ngài. Đó là điều Chúa rất ưa thích và cũng rất ích lợi cho chúng ta.

Người ta thuật lại, thánh Phanxicô Xavie vì phải mải mê rao giảng Tin Mừng cho lương dân, nên mỗi khi đêm về, ngài thường quì gối trước Chúa Giêsu Thánh Thể, có lắm lúc quá mệt mỏi phải ngủ gục trên bục bàn thờ. Lúc ấy, ngài thường cầu nguyện: “ Lạy Chúa, nếu linh hồn con không tỉnh thức được với Chúa thì ít nữa xác con đây muốn ở gần Chúa”.

Còn thánh Vincent Ferrier thì có những cách ứng xử đặc biệt hơn. Những lúc gặp các tội nhân cứng lòng, khuyên bảo mãi cũng chẳng chịu trở lại, ngài gia tăng việc ăn chay, hãm mình, cầu nguyện để kéo ơn Chúa xuống cho họ nhiều hơn. Nếu như thế vẫn chưa có kết quả thì lúc đêm về, ngài lại ra trước bàn thờ để than thở cùng Chúa và nhiều khi ngài còn táo bạo mở cửa nhà chầu ra để nói chuyện cùng Chúa.

Gần đây, chúng ta có tấm gương của Đức Thánh cha Gioan XXIII. Người ta kể lại rằng: Mặc dù công việc Hội Thánh rất bề bộn, Ngài vẫn sống một cuộc sống nội tâm dồi dào. Đặc biệt ngài rất năng tĩnh tâm, tạm dẹp hết mọi công việc và dọn một phòng riêng ở Vatican để sống những giờ khắc âm thầm bên Chúa, nghe lời giảng dạy.

Trước khi khai mạc công đồng Vaticanô II, ngài đã đi tĩnh tâm một thời gian, rồi tới Lorette, một nơi tục truyền có nhà Đức Mẹ, để cầu nguyện cùng Mẹ ban ơn cho công đồng được thành công.

Để kết thúc, tôi xin được nhắc lại lời của Đức Thánh cha Gioan Phaolô II trong bài nói chuyện với các nữ tu của một Dòng kín tại Mêhicô năm 1979. Ngài đã nói với các chị ấy như thế này:

“Cuộc sống của chị em ngày nay quan trọng hơn bao giờ hết; sự hiến thân trọn vẹn của chị em đầy tính thời sự. Trong một thế giới đang đánh mất dần ý thức về Thần Linh, một thế giới đang đề cao quá mức những thực tại vật chất, hỡi các nữ tu thân mến, vậy mà các chị lại vào các tu viện kín để làm chứng cho những giá trị mà cuộc sống dấn thân của các chị kêu mời. Các chị là chứng nhân của Chúa cho thế giới ngày nay, với lời cầu nguyện, các chị đang thổi một luồng sinh khí mới vào trong Giáo Hội và con người ngày nay”.

Hãy cố tìm thật nhiều dịp để được ở gần Chúa. Chỉ có Người mới xứng đáng là Thầy dạy chúng ta.

Lạy Chúa,

con thường thấy mình không có giờ cầu nguyện,

không có giờ để trò chuyện với Ngài.

Thực ra, mỗi ngày con có biết bao giây phút

có thể gặp Chúa mà con đã bỏ mất:

Khi chờ một người bạn, chờ đèn xanh ở ngã tư,

Khi lên cầu thang, lúc bị kẹt xe, khi bị cúp điện bất ngờ.

Lúc con chờ gặp một người thân ở bến xe, ở phi trường,

Khi chờ để lên máy bay, hay xuống một con thuyền 

xin cho con biết tìm ra sự hiện diện của Chúa bên con. Amen.

 

Bài cùng chuyên mục:

Thứ Hai 25/11/2024 – Thứ Hai tuần 34 thường niên – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (24/11/2024 10:00:00 - Xem: 2,697)

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam.

+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,772)

CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.

Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,266)

Thứ Bảy tuần 33 thường niên.

Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,790)

Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,440)

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.

Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,819)

Thứ Tư tuần 33 thường niên.

Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,811)

Thứ Ba tuần 33 thường niên.

Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,915)

Thứ Hai tuần 33 thường niên.

+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,263)

CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.

Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,583)

Thứ Bảy tuần 32 thường niên.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7