Lời chúa mỗi ngày

Thứ Ba 01/08/2023 – Thánh Anphong Maria Ligôri, – Bài học kiên nhẫn.

  • In trang này
  • Lượt xem: 4,760
  • Ngày đăng: 31/07/2023 10:00:00

Bài học kiên nhẫn.

01/08 – Thứ Ba tuần 17 thường niên. – Thánh Anphong Maria Ligôri, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

"Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy".

 

* Thánh nhân sinh năm 1696 tại Napôli. Người từ bỏ nghề luật sư để làm linh mục, rồi sau lại nhận trách nhiệm giám mục để loan báo tình yêu của Chúa Kitô. Người đi giảng không mỏi mệt, siêng năng giải tội và rất nhân từ với các hối nhân. Người đã lập Dòng Chúa Cứu Thế nhằm mục đích loan báo Tin Mừng cho dân các miền quê (1732). Người đã giảng dạy luân lý và viết nhiều tác phẩm về đời sống thiêng liêng. Người qua đời năm 1787.

 

Lời Chúa: Mt 13, 36-43

Khi ấy, sau khi giải tán dân chúng, Chúa Giêsu trở về nhà. Các môn đệ đến gặp Người và thưa rằng: "Xin Thầy giải thích dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe".

Người đáp lại rằng: "Kẻ gieo giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Còn hạt giống tốt là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái gian ác. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần.

Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy: Con Người sẽ sai các thiên thần đi thu tất cả gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác khỏi nước Chúa, rồi ném tất cả chúng vào lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng.

Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng chói như mặt trời trong nước của Cha mình. Ai có tai để nghe thì hãy nghe".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Chói lọi như mặt trời

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

“Chẳng phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng của ông sao?

Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?” (Mt 13, 27).

Có lẽ một số Kitô hữu trong Hội Thánh sơ khai đã đặt câu hỏi tương tự

khi họ thấy có những phần tử xấu trong cộng đoàn của mình.

“Ông có muốn chúng tôi nhổ đi không?”

Ông có muốn chúng tôi trục xuất họ ra khỏi cộng đoàn không?

Có người tưởng rằng một Hội Thánh phải gồm toàn những thánh nhân.

Hội Thánh không có chỗ cho tội nhân, cho con cái Ác Thần (c. 38).

Lời từ chối của ông chủ ruộng cho thấy sự nhẫn nại của Thiên Chúa.

“Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa.

Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt” (Mt 13, 28-29).

Thiên Chúa chấp nhận cỏ lùng mọc chung với lúa,

con cái Nước Trời sống chung với con cái Ác Thần cho đến tận thế.

Nhẫn nại và bao dung là dấu hiệu của sự thánh thiện đích thực,

sự thánh thiện này biết chờ đợi, biết tôn trọng tự do của con người.

Đôi khi chúng ta cũng có thái độ nóng nảy của Giacôbê và Gioan,

khi đòi đốt cả làng người Samari khi họ không chịu đón Chúa (Lc 9, 54).

Chúng ta vẫn sống trong một thế giới vàng thau lẫn lộn.

Có khi không phân biệt được lúa với cỏ lùng,

vì trong cái tốt vẫn ẩn hiện bóng dáng của cái bất toàn,

và trong cái xấu thi thoảng cũng lóe lên những tia sáng của chân lý.

Một người tốt có thể trở nên cỏ lùng.

Một người xấu có thể trở nên gié lúa trĩu hạt.

Chúng ta chưa thể nói gì về một con người khi người ấy chưa nhắm mắt,

và khi chưa nghe lời phán xử cuối cùng của Thiên Chúa.

Người đầu tiên được bảo đảm vào Nước Trời lại là một tên gian phi.

Nhiều vị thánh hôm nay là những người trước đây đã làm điều gian ác.

Nếu tôi tự đặt câu hỏi: Tôi là lúa hay cỏ lùng?

Tôi sẽ thấy lúng túng khi tìm câu trả lời.

Nơi trái tim tôi, tôi thấy có sự giằng co giữa chọn Chúa và Ác Thần.

Có lúc tôi thấy mình như đã thuộc trọn về Chúa,

có lúc lại thấy thế gian và xác thịt như hoàn toàn thống trị mình.

Ngay trong điều tốt tôi làm, vẫn có điều gì không tuyệt đối trong suốt.

Tôi hiểu rằng cỏ lùng vẫn có chỗ trong thửa ruộng của lòng tôi.

Thiên Chúa vẫn chấp nhận tôi như thế đó.

Nếu Ngài nghiêm phạt tôi thì tôi đâu còn sống đến nay.

Dụ ngôn trên nhắc chúng ta không được tiếm quyền xét xử của Thiên Chúa,

không đòi xóa sạch sự dữ trong một sớm một chiều.

Nhưng chúng ta lại không được để mặc cho sự dữ thao túng.

Chúng ta dám hy sinh mạng sống để xây dựng một thế giới công bình.

Đức Giêsu đã bị sự dữ nuốt chửng, nhưng cuối cùng Ngài đã chiến thắng.

Cuộc đời Kitô hữu là một nỗ lực không ngừng để nhổ cỏ lùng nơi mình,

và khao khát vươn tới sự thánh thiện của chính Thiên Chúa.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

nếu ngày mai Chúa quang lâm,

chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.

Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang,

còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa.

Chúa đâu muốn đến để hủy diệt,

Chúa đâu muốn mất một người nào...

Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa

xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng,

vui tươi và hạnh phúc,

để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn

cho mọi người và cho cả vũ trụ.

Xin nuôi dưỡng nơi chúng con

niềm tin vững vàng

và niềm hy vọng nồng cháy,

để tất cả những gì chúng con làm

đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại. Amen.

 

Suy Niệm 2: Thiên Chúa nhân hậu và từ bi

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Nhân hậu và từ bi là tên của Thiên Chúa. Chính Người đã mặc khải cho Mô-sê. Biết bao lần dân Ít-ra-en phản bội. Mỗi khi bỏ Thiên Chúa,họ liền gặp tai ương hoạn nạn: “Tôi bước ra đồng nội: này kẻ chết vì gươm, quay trở lại đô thành: nọ bao người đói lả”. Họ tỉnh ngộ và trở về xin Chúa tha thứ: “Lạy Chúa, chúng con nhận rằng mình gian ác và cha ông sai lỗi đã nhiều. Quả chúng con đều đắc tội với Chúa! Vì Danh Thánh, xin Chúa đừng chê bỏ chúng con”. Họ kêu cầu Danh Thánh Chúa vì biết Danh Thánh Chúa là nhân hậu và từ bi. Và Chúa luôn rộng lượng tha thứ (năm chẵn).

Danh Thánh nhân hậu và từ bi được chính Thiên Chúa ngỏ với Mô-sê. Khi dân phản loạn đúc tượng bò vàng, Mô-sê nổi giận đập vỡ bia đá giao ước. Và ông tha thiết xin Thiên Chúa tha tội cho dân: “Lạy Chúa…Dân này là một dân cứng đầu cứng cổ, nhưng xin Ngài tha thứ những lỗi lầm và tội lỗi của chúng con và nhận chúng con làm cơ nghiệp của Ngài”. Quả thật Thiên Chúa đầy nhân hậu và từ bi. Trước một tội lỗi tầy đình như thế, Thiên Chúa vẫn sẵn sàng tha thứ. Vì Người là Thiên Chúa nhân hậu từ bi: “Đức Chúa! Đức Chúa! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi” (năm lẻ).

Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi. Người đã thực hiện điều đó trong dụ ngôn lúa đồng và cỏ lùng. Nhân hậu và từ bi nên không cho nhổ ngay cỏ lùng. Chịu đựng lỗi lầm nên kiên nhẫn chờ đợi cho đến cùng. Nhân hậu và từ bi nên sợ phải trừng phạt oan uổng: “Sợ khi nhổ cỏ sẽ làm tổn thương lúa”. Nhân hậu và từ bi vì tin tưởng kẻ xấu sẽ nên tốt. Chờ đợi kẻ xấu ăn năn hối cải. Cho họ thời giờ, cơ hội. Chờ đợi cho đến khi hết thời gian. Thật lạ lùng lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa. Chỉ tìm tha thứ. Tìm thông cảm. Tìm điều tốt đẹp cho con người. Dù con người luôn phản bội. Có thể nói con người hư đi là do tội lỗi của chính mình. Chúa cho ta đủ cơ hội, đủ thời giờ. Cho đến khi hết thời gian, Chúa mới chịu xét xử.

Hãy tin tưởng nơi Chúa. Hãy mau ăn năn hối cải. Tội nào Chúa cũng có thể tha thứ. Và hãy ăn năn sám hối. Vì thời giờ có hạn. Ta không biết giờ nào kẻ trộm đến.

 

Suy Niệm 3: Bài học kiên nhẫn

(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Ngày 13/5/1917 Ðức Mẹ hiện ra với ba trẻ mục đồng tại Fatima và cho biết Nước Nga sẽ trở lại. Cũng chính năm đó, Lénine đã thực hiện cuộc cách mạng tháng mười để xóa bỏ mọi bất công của chế độ quân chủ và xây dựng thiên đàng tại thế. 80 năm trước đây, lắng nghe và tin vào những lời tiên báo của ba trẻ Fatima thật là phi lý. Nhưng thời giờ của Thiên Chúa không phải là thời giờ của con người. Lucia, một trong ba trẻ đã được diễm phúc chứng kiến sự ứng nghiệm của lời tiên báo; các bức tường đã sụp đổ, bạo động và máu nhường chỗ cho sự tha thứ, lòng nhân từ, tinh thần hòa giải.

Kiên nhẫn là một trong những bộ mặt của niềm hy vọng Kitô giáo. Con người làm lịch sử, nhưng chính Thiên Chúa mới là Ðấng hướng dẫn mọi nẻo đường về với Ngài. Ðó là bài học mà có lẽ Giáo Hội muốn nhắn gửi chúng ta qua bài Tin Mừng hôm nay.

Dụ ngôn về cỏ lùng thoạt tiên gợi lên cho chúng ta một trong những thảm kịch lớn của nhân loại. Ở thời đại nào cũng có những người muốn thanh tẩy xã hội bằng các cuộc sàng lọc không tiếc xót: từ Tần Thủy Hoàng đến Hitler, Pônpốt qua các cuộc chiến hiện nay. Khi người ta muốn loại bỏ cỏ lùng, thì người ta cũng nhổ đi cả cây lúa tốt tươi.

Qua dụ ngôn cỏ lùng, có lẽ Chúa Giêsu còn muốn nói đến một thảm kịch khác sâu sắc hơn, đó là thảm kịch của lòng người. Trong đáy thẳm tâm hồn, ai trong chúng ta cũng cảm nghiệm được sự giằng co xâu xé giữa một bên là khả năng hướng thiện và một bên là sức mạnh của tối tăm. Cỏ lùng vẫn cố gắng vươn lên trong cánh đồng tâm hồn chúng ta. Thánh Phaolô đã diễn tả chân lý ấy một cách chính xác khi Ngài nói: "Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, còn sự ác không muốn thì tôi lại làm". Sức mạnh của tội ác, của ma quỷ, của sự dữ trong tâm hồn mỗi người chúng ta là một thực tại không thể chối cãi được. Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu đã chẳng dạy chúng ta cầu nguyện: Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ đó sao?

Cảm nghiệm sâu sắc về nỗi yếu hèn và khốn khổ của mình, con người mới cảm thấy cần cảm thông, kiên nhẫn và tha thứ cho người khác hơn. Ðó là bài học thực tiễn mà có lẽ mỗi người chúng ta cần đào sâu, đồng thời cầu xin để mỗi ngày chúng ta phát hiện ra những tia sáng tình thương của Chúa và chia sẻ tình yêu với những người xung quanh.

 

Suy Niệm 4: Kiên nhẫn chờ đợi

(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Sách Xuất Hành chương 33,7-11; 34,5-9 nhắc đến việc ông Môsê nói chuyện trực tiếp với Thiên Chúa như người với người, đó là mẫu gương cho việc cầu nguyện của mọi người Kitô hôm nay. Cầu nguyện là nói chuyện trực tiếp với Chúa. Chúng ta có thể xét mình xem đời sống cầu nguyện của tôi hiện nay ra sao? Cái gì giúp tôi dễ dàng cầu nguyện tiếp xúc với Thiên Chúa?

Một người Kitô mà mất liên lạc với Thiên Chúa thì giống như là sống nơi ngõ hẽm cụt, giống cùng hoàn cảnh như kẻ chối bỏ Thiên Chúa. Hơn nữa, càng cầu nguyện chúng ta càng được biến đổi, trở nên giống như Chúa, nhất là bắt chước được thái độ kiên nhẫn và nhân từ của Thiên Chúa đối với từng tật xấu của anh chị em chung quanh. Thái độ kiên nhẫn nêu gương của Thiên Chúa được Chúa Giêsu mạc khải qua dụ ngôn Cỏ Lùng trong ruộng lúa được kể lại nơi Phúc Âm thánh Mátthêu hôm nay.

Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi cho tới ngày cuối cùng Ngài mới ra tay phán xét phân biệt kẻ lành người dữ trong khi đó thì các tôi tớ không có đủ kiên nhẫn chờ đợi, muốn nhổ bỏ cỏ lùng ngay khi vừa phát hiện ra chúng. Phải, mỗi người chúng ta cần noi gương kiên nhẫn của Thiên Chúa và người Kitô học được sự kiên nhẫn đó nhờ qua việc cầu nguyện.

Lạy Chúa,

Chúng con chúc tụng Chúa là Thiên Chúa nhân từ và kiên nhẫn bởi vì Chúa tuy là Ðấng toàn năng nhưng lại phán xét con người một cách đại độ, nhân từ. Chúa dạy chúng con sống nhân từ, kiên nhẫn như Chúa, lúc nào cũng sẵn sàng yêu thương tha thứ những sơ sót lỗi lầm của anh chị em chung quanh.

Lạy Chúa,

Xin dạy chúng con biết chấp nhận những giới hạn của chính mình cũng như của anh chị em chung quanh như chính Chúa đã chấp nhận chúng con. Xin dạy con biết dấn thân làm việc cho Chúa nhưng đồng thời biết kiên nhẫn chịu đựng chờ đợi tới ngày hạt giống Lời Chúa trổ sinh hoa trái tốt lành nơi chính chúng con và trong xã hội chung quanh.

 

Suy Niệm 5: Màn chung cuộc vĩ đại

“Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cò lùng trong ruộng cho chúng con nghe.” Người đáp: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các Thiên Thần. Vậy như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế thì cũng xảy ra như vậy.” (Mt. 13, 36b. 37-40)

Phúc Âm trình bày cho ta màn chung cuộc vĩ đại của Tấn Tuồng Nhân Loại. Lần cuối cùng người ta được gặp lại Con Người, các người lành và kẻ dữ. Các Thiên Thần được phái xuống ngay để thi hành lệnh chọn lựa!

Tôi mừng vì biết rằng nếu tôi thi hành đúng từng chữ một mà bài học Phúc Âm dạy tôi thì tôi chẳng phải dục lòng tin về thực tại những hình ảnh thánh sử dùng.

Lại nữa tôi không thể sử dụng Phúc Âm mà áp đặt những phạm trù của tôi để phân loại người lành kẻ dữ, làm như vậy có lẽ sẽ gây những ngạc nhiên, vả lại, nhiều nơi trong Phúc Âm, Chúa cũng lưu ý tôi về điều này:

Tôi nhớ hai điều Chúa gợi ý cho chúng ta.

Điều thứ nhất.

Chúa Giêsu nói: “Ai có tai hãy nghe!” không phải là lần đầu, Chúa nhắc nhở chúng ta điều này. Chúng ta có tai nghe để nghe, có mắt để nhìn, có trí khôn để hiểu biết! Chúa ngỏ lời với những người nghèo khó của Nước Trời. Người không để mình chìm đắm trong những suy nghĩ trừu tượng và không và không hiểu nổi. Ta không viện cớ biện minh cho sự ta không biết. Bởi lẽ, hết thảy chúng ta đều biết Chúa đòi hỏi nơi ta điều gì, chúng ta hiểu biết cả đấy. Nhưng ta cũng giống những người Do-thái xưa nói rằng: “Lời này chướng tai quá, ai mà nghe nổi.” Hoặc giống như những người Co-rin-tô nói với thánh Phao-lô: “Thôi để khi khác chúng tôi sẽ nghe ông nói”

Điều thứ hai.

Chúa Giêsu nói: “Khốn cho kẻ làm cớ cho người ta sa ngã”. Người không sợ hãi gương xấu, không tôn trọng lề luật họ sẽ nhận ra những nỗi khủng khiếp của hành động chối từ tình yêu Thiên Chúa. Bởi vì làm gương xấu là hành động phản bội tình yêu, đi ngược với sự thật, và ai không tôn trọng luật pháp, người ấy chối bỏ những giới răn của Chúa, những giới răn của tình yêu! Một tình yêu cũng gây tổn thương như tình yêu Đức Kitô đối với ta vậy. Một tình yêu vốn tra vấn ta trong từng giây phút cuộc đời ta. Nếu yêu mến, ta không thể sống lì trong gương xấu làm cớ cho người khác sa ngã; nếu yêu mến Chúa, ta tuân giữ lệnh truyền của Chúa.

 

Suy Niệm 6: Có nên chăng khi nhổ cỏ lùng sớm?

Ở đời, người ta thường nguyền rủa những người ác độc, bất nhân. Họ cũng không ngừng đặt ra với Chúa những vấn nạn như: “Tại sao ông này bà nọ tội lỗi như vậy mà vẫn được Chúa thương, sao Chúa không phạt quách đi cho rồi?”; Hay “tại sao buôn gian bán lận, ăn trên ngồi trước, tham nhũng, bóc lột mà không gặp phải tai ương, ngược lại, họ vẫn suôn sẻ, chót lọt và thành công? Trong khi mình đạo đức, liêm chính, tốt lành thì lại không được may mắn như thế?”.

Tin Mừng hôm nay trình thuật việc các môn đệ xin Đức Giêsu giải thích dụ ngôn cỏ lùng cho các ông hiểu thêm.

Trước khi đi vào nội dung của phần giải thích, chúng ta lược qua bản chất của cỏ lùng để thấy được tại sao Đức Giêsu lại kể dụ ngôn trên.

Cỏ lùng là một loại cỏ dại thường mọc chung với lúa. Lúc còn nhỏ, chúng giống và rất khó phát hiện. Đến ngày đơm bông thì chúng mới lộ rõ ra, bởi vì thân chúng thường cao và nhỏ hơn lúa, hạt chúng cũng nhỏ và râu dài hơn. Tuy nhiên, đã nhận ra, nhưng để nhổ cũng khó, vì rễ nó và lúa đã ăn quyện lại với nhau, khi nhổ cỏ lùng, không chừng lúa cũng lên theo. Người ta chỉ có thể tách biệt giữa cỏ lùng và lúa khi thu hoạch. Nhưng lý do tại sao lại phải tách biệt như vậy? Thưa vì hạt cỏ lùng là một loại rất độc, ăn nhiều sẽ gây chóng mặt, đau ốm, nếu nặng sẽ hôn mê.

Khi giải thích dụ ngôn, Đức Giêsu cho thấy khởi đầu là thuần chủng, tốt lành, nhưng sau có sự pha tạp. Lý do là vì kẻ thù phá hoại nên đã gieo trộm cỏ lùng vào ruộng lúa. Điều này cho thấy: Giáo Hội và mỗi người chúng ta luôn gặp phải những chống đối, thù nghịch, thế lực tội lỗi luôn tìm cách để làm hại linh hồn ta.

Mặt khác, dạy cho ta bài học về sự kiên trì, đừng nóng vội. Nếu nóng vội, nhiều khi chúng ta nông nổi và vô tình làm hỏng kế hoạch của Thiên Chúa trên cuộc đời ta và tha nhân.

Sự thật đã nhiều lần chứng minh cho chúng ta thấy: có nhiều người tội lỗi tầy trời, nhưng vào một thời điểm nhất định, họ nhận ta tình thương của Thiên Chúa và tội lỗi của họ quá nhiều. Vì thế, họ đã sẵn sàng thay đổi cuộc đời, nên lối sống của họ đẹp lòng Thiên Chúa. Ngược lại. cũng không thiếu gì nhiều người một thời được mệnh danh là “thánh sống”, nhưng kết cục lại chìm đắm trong tội do bị sa đà và nằm lỳ trong kiêu ngạo.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết quay trở về với Thiên Chúa vì Ngài rất nhân từ và khoan dung, trừ khi chúng ta không đón nhận sự tha thứ của Ngài mà thôi. Mặt khác, Lời Chúa khuyên răn chúng ta hãy bình tĩnh trong việc xét đoán anh chị em mình. Hãy để cho anh chị em ta có cơ hội hoán cải, hầu trở nên con người tốt lành. Cần nhớ rằng: sự phán quyết cuối cùng thuộc về Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con ơn sám hối với chính mình và sự khoan nhân, kiên nhẫn đối với anh chị em chúng con. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 7: Chúa kiên nhẫn chờ đợi sự hoán cải

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa kiên nhẫn chờ đợi kẻ dữ hoán cải để được cứu độ. Ta cũng hãy bắt chước Chúa để sống nhân từ bao dung với nhau.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa là Đấng nhân hậu từ bi, chậm giận và giàu lòng thương xót. Dù chúng con tội lỗi, Chúa vẫn không muốn tiêu diệt chúng con. Chúa chờ đợi và tìm kiếm chúng con là những người lầm đường lạc lối trở về với Chúa.

Lạy Chúa, trên thế giới và ngay cả trong Hội Thánh, người xấu việc xấu còn đó rất nhiều. Không ai muốn chấp nhận cái xấu. Vì vậy loài người chúng con luôn muốn tiêu diệt nhau, đối xử tàn ác với nhau, nóng giận xua đuổi nhau. Chúng con muốn nhổ sạch cỏ lùng ngay tức khắc. Và ngay chính tâm hồn con cũng vừa tồn tại lúa tốt, vừa tồn tại cả cỏ lùng. Con luôn có ơn Chúa đỡ nâng và thánh hóa, nhưng tâm hồn con lại để cỏ lùng của tội lỗi, của tính mê tật xấu phát triển. Chúa vẫn yêu thương và kiên nhẫn đợi chờ con sống tốt hơn.

Hôm nay, con nghe Lời Chúa và nhìn lên gương Chúa, để học với Chúa lòng bao dung nhân từ và kiên nhẫn. Con thấy chính con là cỏ lùng đã được Chúa cho tồn tại đến hôm nay. Xin ban cho con luôn biết chấp nhận người khác, cảm thông và chịu đựng lẫn nhau. Khi thấy người khác lầm lỗi, xin giúp con kiên nhẫn nhắc bảo, cầu nguyện cho nhau, khích lệ nhau. Xin Chúa đừng để con vì nóng giận mà đối xử tàn nhẫn với anh em. Chúa bao dung và kiên nhẫn chờ đợi con, xin cho con biết bao dung và kiên nhẫn chờ đợi anh em. Chúa hy vọng con sẽ hoán cải nên tốt, xin cho con biết hy vọng về người khác. Amen.

Ghi nhớ: “Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy”.

 

Suy Niệm 8: Quyết chừa tính xấu

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Không ai trọn lành thánh thiện toàn diện được đâu. Ai ai cũng có tật xấu, không nhiều thì ít. Người lành thánh mỗi ngày ít nhất cũng có bảy tám lần lầm lỡ, sai sót.

Chúng ta hãy học tập nơi Benjamin Franklin. Mỗi khi đêm về, ông xét mình về từng tật xấu của ông, rồi ông lập chương trình đánh tỉa từng tật xấu: Mỗi tuần, ông quyết thắng cho được một tật xấu.

Chúng ta hãy quyết chừa tính xấu, quyết diệt tính xấu, nhất là những tính xấu nổi bật nhất của mình.

Và chúng ta đừng bao giờ dại dột để rước thêm một tính xấu mới nào vào trong cuộc đời của mình.

Suy niệm

Chúa Giêsu giải thích dụ ngôn lúa và cỏ lùng: Lúa tốt là con cái nước Trời và cỏ lùng là con cái ma quỷ…

Khi đến mùa gặt là ngày tận thế, ngày Chúa phán xét chung, ngày Chúa Giêsu lại đến một cách vinh quang để hoàn tất chương trình tình yêu của Thiên Chúa. Cỏ dại, con cái bóng tối bị quăng vào lửa, hỏa ngục và lúa tốt, con cái ánh sáng được cất vào kho, tham dự vinh quang nước Trời...

Cho nên trong tiến trình gieo trồng và chăm sóc lúa, cần phát triển lúa để thu hep cỏ lùng và chúng phải bị tận diệt dần dần bằng việc thiện... Tối và sáng không thể cùng hiện diện; thiện và ác không thể cùng tồn tại trong cộng đoàn, giáo xứ, gia đình... Và cả trong mỗi người chúng ta, đôi lúc làm theo sự thiện, lại có lúc chiều theo quyền lực của sự dữ.

Cuộc sống trần thế là cuộc lữ hành, đó là thời gian thanh luyện. Chúng ta cầu xin Thánh Thần, để Ngài đến kết án tội lỗi trong chúng ta: Cỏ lùng phải được tiêu diệt để lúa thêm tốt tươi và Thánh Thần đổi mới địa cầu; để Giáo hội và mỗi người chúng ta được tinh tuyền trong ngày đón Ðức Giêsu trở lại trong vinh quang.

Ý lực sống:

“Nhưng dầu Chúa là chủ tể sức mạnh, Chúa xét xử nhân hậu, và Chúa cai trị chúng con với nhiều khoan dung”... (Kn 12,16).

 

Suy Niệm 9: Ý nghĩa dụ ngôn cỏ lùng

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

Bài Tin mừng hôm nay là chuyện các môn đệ xin Chúa Giêsu giải thích ý nghĩa dụ ngôn cỏ lùng. Một dụ ngôn chỉ ra nguyên nhân của sự thiện ác từ đâu và chứng minh một thực tế là thiện và ác cùng tồn tại song hành với nhau.

Dụ ngôn này cho biết trong các công việc của Nước Thiên Chúa, vẫn có xen lẫn những công việc của ma quỉ, mà trong giai đoạn sống ở trần gian, người ta không thể nào triệt bỏ hết được, chỉ đến ngày tận thế sự phân định mới rõ ràng. Vì thế, dụ ngôn cỏ lùng có mục đích diễn tả lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa, Ngài chấp nhận tốt xấu pha trộn, đợi đến ngày cuối cùng Chúa mới lấy quyền xét xử.

Chúa Giêsu đích thân giải thích cho các Tông đồ về ý nghĩa dụ ngôn cỏ lùng: Người đi gieo giống tốt là Chúa Giêsu, hạt giống tốt là con cái Chúa, thửa ruộng là thế gian, là nơi con người sinh sống làm việc, phục vụ, cỏ lùng là người xấu, người dữ, kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỉ, mùa gặt là ngày tận thế, thợ gặt là các thiên thần. Lúa tốt thì được thu vào kho lẫm tức là những người lành, thánh thiện thì được thưởng. Còn cỏ lùng thì được thu lại và đốt đi, tức là những người xấu thì bị tống vào hoả ngục.

Dụ ngôn này dễ hiểu và hợp tình hợp lý. Trong trần gian cũng như trong Giáo hội luôn có những người xấu sống bên cạnh người tốt, cái thiện và cái ác lẫn lộn. Ánh sáng và bóng tối trong thế giới ta đang sống, thiện và ác trong lòng mọi người, đó là cánh đồng lúa mì mà trong đó cỏ lùng mọc lẫn lộn bên cạnh cây lúa tốt. Còn đối với con người, xấu tốt ở xen lẫn với nhau, vàng thau lẫn lộn, không phân biệt được tốt xấu, hoặc đôi khi đánh giá lầm mà coi người tốt ra người xấu, hoặc người xấu ra người tốt.

Ở đâu cũng có anh hùng

Ở đâu cũng có thằng khùng thằng điên.

Trong Hội thánh và nơi mỗi người có một sự pha trộn thánh thiện và tội lỗi, thiện và ác, đó là điều không thể tránh được. Hội thánh là thánh thiện tự bản chết, nhưng Hội thánh cũng có những con người yếu đuối tội lỗi, và chúng ta, mặc dầu đã nhận nhiều ân sủng qua phép Rửa tội cũng có khuynh hướng phạm tội.

Thiên Chúa cho kẻ lành người dữ sống chung với nhau, cũng như cho cỏ lùng và lúa cùng mọc lên, đến ngày tận thế Thiên Chúa mới phân xử, mới tách biệt chiên ra khỏi dê, người lành khỏi kẻ dữ. Trong khi chờ đợi ngày phân xử, chúng ta được mời gọi yêu thương mọi người, nhất là tạo điều kiện cho những kẻ tội lỗi biết sám hối trở về đường lành, còn việc xét xử thì dành cho Thiên Chúa.

Giữa thế gian vàng thau lẫn lộn, giữa biển đời cá tốt cá xấu, giữa cuộc đời kẻ lành người dữ cùng chung sống với nhau và chỉ được Chúa phân định trong ngày ra trước toà phán xét, để thưởng công hay luận phạt. Ngày đó, như nông dân gom lúa vào lẫm và đốt cỏ lùng, thì Thiên Chúa cũng thưởng công Nước trời hạnh phúc cho kẻ lành và ném vào hoả ngục những kẻ gian ác tội lỗi (Mỗi ngày một tin vui).

Qua dụ ngôn cỏ lùng, Chúa Giêsu mạc khải Thiên Chúa là Đấng nhân từ, giàu lòng thương xót, “chậm bất bình và hết sức khoan dung”. Ngài không chỉ trì hoãn đến ngày tận thế mới “nhổ cỏ lùng” trừng phạt kẻ tội lỗi. Ngài “đợi chờ đến mùa gặt” để con người có thời gian hoán cải, biến đổi từ cỏ lùng trở thành lúa tốt. Trong khi đó, phải chăng vì kiếp người quá vắn vỏi, con người không có đủ kiên nhẫn với nhau, luôn tìm cách bới ra khuyết điểm của nhau để loại trừ nhau, tiêu diệt nhau.Thiên Chúa rất mực công minh đồng thời Ngài lại đầy lòng nhân từ, thương xót. Chỉ có một mình Thiên Chúa mới có quyền xét đoán và kết án con người. Nhưng Ngài lại chờ đợi “cho tới mùa gặt” mới thực thi quyền xét xử ấy. Và một khi xét xử Ngài lại xét xử khoan dung. Trong khi Chúa sẵn sàng chờ đợi để cho cả cỏ và lúa mọc lên cho tới mùa gặt, thì chúng ta làm gì? Phải chăng chúng ta vội vàng “nhổ cỏ” bằng những cư xử nghiệt ngã, tàn nhẫn với tha nhân? Hay chúng ta khoanh tay, trố mắt ngồi chờ “thi gan” với Chúa? Là con cái Chúa, chúng ta hãy sống bao dung nhẫn nại, quảng đại, tha thứ để góp phần làm cho “cỏ lùng” được “biến đổi gien” trở thành “lúa tốt” (5 phút Lời Chúa).

Truyện: Để thành ngọc trai

Trong tập nhật ký của một sinh viên, người ta đọc được câu chuyện này: Tôi ở cùng phòng với một người Nhật Bản. Cô ấy có một viên ngọc. Mẹ cô đã tặng cô ấy viên ngọc ấy trước khi lên đường sang Mỹ du học. Gia tộc cô từ đời này sang đời khác làm nghề nuôi trai lấy ngọc. Trước khi cô đi, mẹ đã gọi cô vào phòng, đưa cho cô viên ngọc và nói:

- Khi người ta nhét hạt cát vào bên trong vỏ con trai biển, nó cảm thấy rất khó chịu, nhưng lại không có cách nào đẩy hạt cát ra ngoài. Lúc đó, con trai phải đối mặt với hai sự lựa chọn, hoặc là phải quyết một trận sống còn với hạt cát đó, hoặc là tìm cách đồng hoá nó để hai bên có thể chung sống hoà bình với nhau. Con trai biển đã lựa chọn cách làm thứ hai. Nó dùng cơ thể mềm mại của mình ôm lấy hạt cát, đồng thời tiết ra chất xà cừ từng lớp lớp bao bọc lấy hạt cát. Vì thế sự hình thành của ngọc trai là hành trình từ đau khổ đến sự tròn trịa đầy đặn.

Có lẽ nhiều người đã từng nghe câu chuyện này, nhưng rất ít người biết dùng quan điểm của con trai biển để nhìn nhận nghịch cảnh. Trong cuộc sống có rất nhiều những sự việc không như ý, làm thế nào để bao dung, đồng hoá chúng, chấp nhận chúng như một phần của cuộc sống, để cuộc sống bớt đi phiền muộn, có lẽ đó là bài học cần thiết nhất đối với con người trong xã hội hôm nay.

 

Suy Niệm 10: Giải thích dụ ngôn lúa và cỏ lùng

(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống...)

Chúa Giêsu giải thích dụ ngôn lúa và cỏ lùng.

B- Suy gẫm (... nẩy mầm)

1. Ta hãy suy gẫm về thái độ kiên nhẫn của Chúa đối với những người xấu. Chúa kiên nhẫn vì:

a/ Nhân từ chờ kẻ xấu ăn năn. “Cây lau bị dập, Ngài không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét Ngài chẳng nở tắt đi”; “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn trở lại và được sống”;

b/ Vì tôn trọng tự do mà Ngài đã ban cho mỗi người.

Trách nhiệm mỗi người:

a/ Sử dụng tự do để chọn điều tốt;

b/ Tác động lên những người chung quanh để kêu gọi họ về phía tốt.

2. Với thời gian, lúa có thể lớn mạnh lấn át cỏ lùng, nhưng đồng thời cỏ lùng cũng có thể lớn mạnh làm chết lúa. Do đó, sự kiên nhẫn chờ đợi của Chúa vừa là cơ hội mà cũng vừa là nguy cơ cho mỗi người chúng ta. Hôm nay tôi còn xấu, nhưng ngày mai tôi có thể trở thành tốt. Ngược lại hôm nay tôi tốt, nhưng ngày mai có thể tôi sẽ xấu.

Bởi đó, tôi chớ nên vội đánh giá người khác, và cũng chớ nên tự mãn về mình. Mọi người đều phải tận dùng thời giờ và cơ hội của Chúa để ngày càng trở nên hoàn thiện như Cha trên trời.

3. Một giám mục chúc mừng viên quản lý gian hàng điện khí về công việc tốt đẹp của anh. Ngài nói rằng không bao giờ hết ngạc nhiên về khoa điện năng tuyệt vời.

- Đúng, và con cũng chưa bao giờ nghĩ về điều đó mà không ngạc nhiên về sự kiên trì của Chúa.

- Sự kiên trì của Chúa? Anh muốn nói gì?

- Ngài có bao giờ tự hỏi sao Đấng sáng tạo phải đợi hàng thế kỷ mới có một vài người khám phá nguồn điện phong phú trong vũ trụ chỉ chờ được sử dụng? (Góp nhặt)

4. “Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời trong Nước Cha họ” (Mt 13,43)

Trên đường về quê trời, từ xa chúng ta đã thấy thấp thoáng đích đến. Kìa, tại sao bạn dừng lại? Không, không thể được! Đừng dừng lại bạn nhé!

Tôi biết bạn đang chao đảo vì nắng gắt của dư luận. Tôi biết gối bạn đã chồn, chân bạn đã mỏi đã nát vì chông gai, nay lại hụt hẫng do những vực thẳm của bất công và những khúc quanh của lòng người. Đừng cố làm ra vẻ thản nhiên, đừng cố che dấu cái tôi đầy đau khổ thất vọng. Bạn hãy cùng tôi đọc lại câu Phúc Âm này để san sẻ cho nhau niềm hy vọng. Quãng đường còn lại chắc chắn sẽ vui vẻ hơn, đỡ vất vả hơn.

Bạn hãy nhìn về phía trước và cùng tôi dấn bước tiến lên. Tôi đã thấy nghị lực và khát vọng hạnh phúc trong mắt bạn. Chúng ta sẽ cập bến.

Lạy Chúa, được nên công chính trong bí tích Thánh Tẩy, xin cho chúng con biết nâng đỡ nhau trên con đường công chính, con đường về nhà Cha. (Hosanna)

.

Suy Niệm 11: Chúa nhẫn nại trước tình trạng lúa và cỏ lùng

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

Chúa Giêsu giải thích dụ ngôn lúa và cỏ lùng.

Với dụ ngôn này, Chúa muốn cho chúng ta thấy Ngài sẵn sàng chấp nhận tình trạng pha trộn tốt xấu trong Nước của Thiên Chúa trong giai đoạn trần thế.

1. Chúa muốn chúng ta cũng hãy biết chấp nhận nhau.

Đây là câu chuyện có thật. Chuyện này cho chúng ta thấy việc chấp nhận nhau trong cuộc sống sẽ đem lại nhiều niềm vui và hạnh phúc cho nhau: Học giả Lâm Ngữ Đường nổi tiếng là người chiều vợ. Để cho vợ vui, ông thường ngồi trên chiếc ghế tựa, miệng hút xì gà lắng nghe vợ nói chuyện, thỉnh thoảng lại phụ họa vài câu. Nếu vợ tức giận, ông sẽ chẳng nói một câu nào. Tuyệt chiêu của ông là: nói ít tốt hơn nói nhiều. Ông cho rằng, vợ chồng cãi cọ nhau chẳng qua là do bất đồng ý kiến, tức giận, nói thêm một câu càng làm cho tình hình thêm căng thắng. Ông thường dùng sự khôi hài để “điều hòa âm dương”. Ông còn khuyên người khác: “Lúc vợ vui, bạn nên chiều theo ý cô ấy. Lúc vợ tức giận, bạn nên nhường nhịn cô ấy”.

Vợ ông chúa ghét người khác nói cô ấy mập, thích nhất được người khác khen cô ấy có chiếc mũi dọc dừa vừa cao vừa thẳng. Vì thế, mỗi khi vợ không vui, Lâm Ngữ Đường đến gần vuốt chiếc mũi của vợ, khiến cô ấy phải bật cười. Có nhiều khi, sau bữa ăn, ông còn giúp vợ rửa bát. Vợ ông rất sợ tiếng bát vỡ cùng với sự vụng về của ông trong công việc bếp núc, nhưng nghĩ đến sự thành tâm của chồng, cô ấy để mặc cho ông “biểu diễn”.

Đối với việc trang điểm của phụ nữ, ông không hề bủn xỉn chút nào. Ông biết vợ rất coi trọng giày dép, nên mỗi khi đi ngang qua tiệm giày, ông thường để cho vợ vào chọn mua giày, còn mình thì dắt con đi xem những cửa hàng bên cạnh.

Học giả Lâm Ngữ Đường nói: “Những ký ức trong những ngày tháng gian khổ là những ký ức ngọt ngào nhất”.

Mặc dù hai vợ chồng ông lúc còn trẻ rất nghèo, nghèo đến nỗi không có tiền đến rạp xem phim, nhưng tuần nào họ cũng đến thư viện mượn một chồng sách về. Hai người cùng nằm bên ngọn đèn dầu đọc sách thâu đêm. Thú vui này của họ được duy trì đến lúc già. Ông Lâm Ngữ Đường đã chứng tỏ cho mọi người thấy: khi vợ chồng chung sống hòa thuận với nhau thì nghèo túng không đồng nghĩa với “khổ”. Hai vợ chồng luôn cảm nhận được những niềm vui mình dang có và cố gắng cùng nhau tận hưởng niềm vui đó.

Schopenhauer đã nói thật chí lý: “Chúng ta ít khi nghĩ đến những cái chúng ta có, mà chỉ nghĩ đến những cái mà ta không có. Đó là nguyên nhân hầu của hết những thảm trạng đời ta. Chính nó đã gây ra nhiều sự đau khổ hơn bất cứ cuộc chiến tranh hay bệnh thiên thời nào trong lịch sử trái đất này.”

2. Bài học kiên nhẫn.

Kiên nhẫn là một trong những bộ mặt của niềm hy vọng Kitô giáo. Con người làm nên lịch sử, nhưng chính Thiên Chúa mới là Đấng hướng dẫn mọi nẻo đường về với Người. Đó là bài học mà có lẽ Giáo Hội muốn nhắn gửi chúng ta qua bài Tin Mừng hôm nay.

Ta hãy tập kiên nhẫn như Chúa đối với những người xấu. Schopenhauer bảo: “Trên đường đời, hành lý quan trọng nhất phải mang theo là lòng nhẫn nhục”.

Chúa kiên nhẫn vì:

a/ Ngài chờ kẻ xấu ăn năn. “Cây lau bị dập Ngài không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét Ngài không nỡ tắt đi”(Mt 12,20); “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn trở lại và được sống”(Ed 33,11)

b/ Vì tôn trọng tự do mà Người đã ban cho mỗi người.

Một trong những câu chuyện dân gian hay nhất ở vùng cận Đông còn truyền tụng lại là câu chuyện về ông Abraham:

Abraham là người rất tốt bụng. Ông thường dời bữa ăn sáng lại chờ đến khi có một người đói đến để cùng chia sẻ bữa ăn với ông. Một ngày nọ, có một cụ già đi ngang qua và được ông mời vào và được dùng bữa.

Nhưng trước khi dùng bữa, Abraham nghe thấy cụ già thì thầm đọc lời kinh của người ngoại đạo, ông liền mời cụ già đi nơi khác. Cụ già chưa đi khuất, thì Abraham nghe tiếng Chúa trách:

- “Abraham! Abraham! Ta đã cung cấp lương thục để nuôi sống cụ già trên 80 năm qua, mặc dù cụ không phải là người tin thờ Ta, thế mà con không đủ kiên nhẫn và nhân từ để chia sẻ một bữa ăn với cụ sao?”

Thư 2 Phêrô 3,15: “Và anh em hãy biết rằng, Chúa chúng ta tỏ lòng kiên nhẫn chính là để anh em được cứu độ, như ông Phaolô, người anh em thân mến của chúng ta, đã viết cho anh em, theo ơn khôn ngoan Thiên Chúa đã ban cho ông”.

Lời của mẹ Têrêsa: “Hãy thật chân thành khi tiếp xúc với nhau và có lòng can đảm để chấp nhận lẫn nhau. Hãy luôn ghi nhớ cộng đồng của chúng ta không bao gồm những người đã nên thánh, mà gốm những người đang cố trở thành thánh nhân. Vì vậy, chúng ta hãy thật kiên nhẫn với lỗi lầm và thất bại của nhau”. Amen.

 

Bài cùng chuyên mục:

Thứ Hai 25/11/2024 – Thứ Hai tuần 34 thường niên – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (24/11/2024 10:00:00 - Xem: 1,578)

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam.

+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,611)

CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.

Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,248)

Thứ Bảy tuần 33 thường niên.

Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,772)

Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,435)

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.

Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,819)

Thứ Tư tuần 33 thường niên.

Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,806)

Thứ Ba tuần 33 thường niên.

Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,914)

Thứ Hai tuần 33 thường niên.

+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,247)

CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.

Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,580)

Thứ Bảy tuần 32 thường niên.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7