Suy niệm tin mừng chúa nhật

SCĐ CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI NĂM A

  • In trang này
  • Lượt xem: 625
  • Ngày đăng: 29/05/2023 07:02:04

CHỦ ĐỀ :

THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU

 “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người” (Ga 3,16)

 

Sợi chỉ đỏ :

– Bài đọc Cựu Ước : Thiên Chúa mặc khải cho Môsê biết Ngài là Thiên Chúa giàu lòng thương xót.

– Đáp ca : Ba trẻ trong lò lửa ca tụng Thiên Chúa đã yêu thương che chở và cứu thoát mình.

– Tin Mừng : Đức Giêsu nói cho Nicôđêmô hiểu cụ thể về Thiên Chúa yêu thương : Ngài đã yêu thương thế gian đến nỗi ban Con Một của Ngài cho thế gian.

– Bài đọc Tân Ước : Vì được yêu thương bởi Thiên Chúa tình yêu, kitô hữu hãy vui mừng và sống yêu thương nhau.

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một trong ba mầu nhiệm căn bản của đức tin chúng ta, căn bản vì có ảnh hưởng quan trọng trên cách sống đức tin của chúng ta. Nhưng hình như từ trước tới nay chúng ta chưa ý thức bao nhiều về tầm quan trọng ấy.

Trong Thánh lễ này, chúng ta xin cho Lời Chúa soi sáng cho chúng ta hiểu được tầm quan trọng ấy, và xin ơn Chúa giúp chúng ta sống đức tin của mình một cách tích cực hơn.

II. GỢI Ý SÁM HỐI

– Thiên Chúa là Cha yêu thương. Nhưng chúng ta chưa mấy tin tưởng phó thác vào tình yêu Chúa.

– Chúa Con đã chịu chết để Thiên Chúa tha thứ tội lỗi chúng ta. Nhưng chúng ta không biết tha thứ cho nhau.

– Chúa Thánh Thần muốn mọi người sống yêu thương nhau như anh em cùng một Cha trên trời. Nhưng chúng ta thường nhìn người chung quanh như những kẻ xa lạ, thậm chí là những kẻ thù.

III. LỜI CHÚA

  1. Bài đọc Cựu Ước: Xh 34,4-6.8-9

Trong đoạn sách Xuất hành này, Thiên Chúa mặc khải cho Môsê biết Ngài là một Thiên Chúa giàu lòng thương xót :

– Chính Thiên Chúa đã giải thoát Israel khỏi ách nô lệ. Nhưng họ lại phản bội Ngài đi thờ lạy tượng bò vàng. Môsê đã tha thiết nài xin Thiên Chúa tha thứ cho họ.

– Đáp lại, Thiên Chúa nói Ngài là “Thiên Chúa từ bi, nhân hậu, nhẫn nại, giàu ân nghĩa và thành tín”.

  1. Đáp ca: Đn 3,52-56

Đây là trích đoạn bài ca của ba trẻ trong lò lửa. Các em chúc tụng Thiên Chúa đã yêu thương che chở và giải thoát những kẻ đặt niềm tin vào Ngài.

  1. Tin Mừng: Ga 3,16-18

Bài Tin Mừng lặp lại ý tưởng của bài đọc Cựu Ước, nhưng cho biết cụ thể hơn : Thiên Chúa đã tỏ ra Ngài là Thiên Chúa yêu thương đến nỗi đã ban Người Con duy nhất của Ngài cho thế gian, để ai tin vào Người Con ấy thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời.

  1. Bài đọc Tân Ước: 2Cr 13,11-13

Thánh Phaolô rút ra hệ luận từ niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi : Kitô hữu hãy vui mừng và sống hòa thuận thương yêu nhau, bởi vì họ được Thiên Chúa yêu thương và ban cho dư đầy ân sủng.

IV.GỢI Ý GIẢNG

  1. Tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi có gì hay?

Có lẽ từ trước tới nay, chúng ta nghĩ tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi quá khô khan, như một công thức toán : một Chúa ba Ngôi, ba Ngôi một Chúa !

Nhưng có đi sâu vào nội dung tín điều này thì chúng ta mới thấy chúng ta thật hạnh phúc khi Thiên Chúa chúng ta thờ là Thiên Chúa Ba Ngôi :

– Ngài là Cha chứ không phải là một vị thần độc đoán.

– Chúng ta thờ Ngài, nhưng không phải trong tâm tình sợ sệt, mà trong tâm tình yêu mến như Đức Giêsu, Con của Ngài.

– Ngài không ở xa chúng ta, nhưng ở ngay trong lòng chúng ta, bằng Chúa Thánh Thần mà Ngài ban cho chúng ta.

– Ngài là ba Ngôi, nghĩa là Ngài sống tập thể, yêu thương nhau, kết hợp với nhau và luôn trao ban cho nhau. Do đó Ngài không phải là một mẫu khô cứng để ta tôn thờ, nhưng là một cuộc sống để chúng ta sống theo.

  1. Sửa lại hình ảnh lệch lạc về Thiên Chúa

Lời Chúa hôm nay vẽ lên một hình ảnh Thiên Chúa rất dễ thương, có lẽ khác hẳn hình ảnh méo mó lệch lạc trong đầu chúng ta bấy lâu nay : Ngài là Thiên Chúa yêu thương, với những biểu hiện rất cụ thể của tình yêu

– Yêu thương là Cho : “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình cho thế gian”

– Yêu thương là làm cho Sống và sống dồi dào : “… để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”.

– Yêu thương là Tha thứ : Thiên Chúa mặc khải cho Môsê biết Ngài là “Thiên Chúa từ bi, nhân hậu, nhẫn nại, giàu ân nghĩa và thành tín”.

– Yêu thương là ở chung, sống chung, đi chung : Môsê đã nài xin và được Thiên Chúa chấp nhận “Dám xin Chúa cùng đi đường với chúng tôi”. Thánh Phaolô cũng cho tín hữu Côrintô biết Thiên Chúa “sẽ ở cùng anh em”.

  1. Mầu nhiệm Ba Ngôi

Ai trong chúng ta cũng biết cầu chuyện về Thánh Augustinô ngày kia gặp một cậu bé đang cố sức lấy một chiếc vỏ sò múc nước biển đổ vào một cái hang. Thánh nhân đã chê cười cậu bé. Nhưng cậu đã đáp lại : việc tôi làm không đáng chê cười bằng việc Ngài muốn dùng trí khôn loài người để tìm hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

Mầu nhiệm là sự thật vượt quá tầm hiểu của trí khôn loài người. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là chúng ta không thể biết tí gì về mầu nhiệm ấy. Mặc dù Ba Ngôi Thiên Chúa là một mầu nhiệm, nhưng Thiên Chúa cũng cho chúng ta hiểu biết đôi điều về mầu nhiệm ấy :

– Ngài đã ban rất nhiều dấu chỉ trong vũ trụ thiên nhiên. Voltaire đã nói : “Chỉ cần mở mắt ra là ta nhận biết sự hiện hữu của Thiên Chúa”. Abraham Lincoln giải thích rõ hơn : “Tôi không hiểu làm sao người ta có thể là người vô thần được khi nhìn xuống mặt đất. Tôi cũng không thể hình dung được một người nào đó nhìn lên trời mà nói rằng không có Thiên Chúa”.

– Qua những trang Sách Thánh, Thiên Chúa còn cho ta biết thêm rằng Ngài có Ba Ngôi là Cha, Con và Thánh Thần ; rằng Ngài yêu thương loài người đến nỗi ban chính Con Một của Ngài cho chúng ta ; rằng chúng ta được Ngài nhận làm con và có quyền gọi Ngài là Cha ; rằng chúng ta có thể nói chuyện thân mật với Ngài khi cầu nguyện ; rằng Ngài để dành sẵn hạnh phúc vĩnh cửu cho chúng ta trong nhà Ngài… Tóm lại là Ngài yêu thương chúng ta vô cùng.

  1. Hãy hôn chào nhau một cách thánh thiện“

Nụ hôn bình an trong Thánh lễ đã có từ thời Thánh Phaolô. Sau đó nó bị bỏ đi một thời gian. Rồi từ việc canh tân phụng vụ của Công đồng Vaticanô II, nó lại được tái lập.

Tại sao Giáo Hội tái lập nụ hôn bình an ? Vì đó là một cử chỉ yêu thương, đoàn kết, thông hiệp. Cử chỉ này vừa biểu lộ niềm tin của chúng ta vào một Thiên Chúa Ba Ngôi yêu thương nhau, vừa nhắc nhở chúng ta phải sống yêu thương như Thiên Chúa chúng ta tôn thờ.

Khi hôn bình an trong Thánh lễ, chúng ta đừng thờ ơ chỉ làm cho xong một chi tiết lễ nghi phụng vụ, cũng đừng hôn nhau mà lòng còn đố kỵ nhau. Hãy hôn nhau “một cách thánh thiện” với nguyện ước sẽ hết lòng yêu thương người mình hôn theo gương mẫu tình yêu của chính Thiên Chúa.

  1. Chuyện minh họa

a/ Thiên Chúa mời gọi

Một tu sĩ tên là Rublev đã vẽ một bức tranh rất đặc biệt về Ba Ngôi Thiên Chúa. Ba Ngôi ngồi quanh một cái bàn, và trên bàn có một đĩa thức ăn. Nhưng nét đặc biệt là có một chiếc ghế trống. Chiếc ghế trống ấy ngụ ý một sự mời mọc, một sự sẵn sàng. Bàn ăn của Ba Ngôi còn một chiếc ghế trống nghĩa là Ba Ngôi sẵn sàng đón tiếp bất cứ ai đến thông chia sự thân mật và tình yêu thương của các Ngài.

b/ Thiên Chúa ở trong ta

Một người dân gypsy đứng gần một cái giếng uống rượu. Chốc chốc ông lại nhìn xuống giếng như nhìn một người nào đó. Một cậu bé nảy giờ quan sát người gypsy này, ngạc nhiên hỏi :

– Ai ở dưới đó vậy ?

– Thiên Chúa.

– Vậy cháu có thể nhìn Chúa không ?

– Đương nhiên rồi.

Thế rồi người gypsy bế cậu bé lên để cậu nhìn xuống giếng. Cậu bé :

– Nhưng cháu chỉ thấy mặt cháu thôi.

– Đó cũng là mặt Chúa. Chúa ở trong chúng ta mà !

V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI

CT : Anh chị em thân mến

Mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm của tình yêu : một tình yêu sáng tạo, một tình yêu cứu độ và một tình yêu thánh hóa. Chúng ta cùng cảm tạ Chúa và dâng lời cầu xin.

  1. Trong lịch sử / nhiều khi hình ảnh của Hội Thánh bị méo mó lệch lạc / vì đời sống không gương mẫu của các kitô hữu / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho nmọi thành viên trong đại gia đình Hội Thánh / biết dùng đời sống bác ái yêu thương / mà trình bày khuôn mặt đích thực của Hội Thánh cho mọi người.
  2. Mỗi ngày có biết bao nỗ lực của những người có trách nhiệm / nhằm đem lại hòa bình cho thế giới / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa soi sáng / và hướng dẫn những nhà lãnh đạo các dân tộc / để họ biết dẹp bỏ mọi tị hiềm / và chân thành cộng tác với hau / hầu mang lại hòa bình thực sự cho thế giới.
  3. Từ xưa đến nay / lúc nào cũng có nhiều người quảng đại / luôn sẵn sàng hy sinh mọi sự / kể cả tính mạng của mình / và dùng tình thương để xoa dịu đau khổ của những người bất hạnh trong các trại phong / các bệnh viện tâm thần / các nhà nuôi người già / cũng như nơi các nhà nuôi trẻ mồ côi / các trẻ em đường phố / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa nâng đỡ những con người nhiệt thành ấy.
  4. Đời sống người kitô hữu phải phản ánh trung thực đời sống yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / luôn chân thành yêu thương nhau / cũng như hiệp nhất và nâng đỡ nhau trong mọi tình huống của đời sống thường ngày.

CT : Lạy Chúa Giêsu, trong bữa Tiệc ly, Chúa đã để lại cho chúng con một điều răn mới : “Anh em hãy thương yêu nhau như chính Thầy đã yêu thương anh em”. Xin Chúa ban ơn trợ giúp để chúng con có thể sống trọn vẹn điều răn mới này. Chúa hằng sống và hiển trị…

VI. TRONG THÁNH LỄ

– Chủ tế chú ý nhấn mạnh tất cả những đoạn kết của các lời cầu nguyện có công thức Ba Ngôi.

– Trước kinh Lạy Cha : Lời kinh Lạy Cha sau đây, chúng ta hãy cố gắng đọc lên với cả tâm tình con thảo như Đức Giêsu và do Chúa Thánh Thần khơi lên trong lòng chúng ta.

– Chúc bình an : Trong bài đọc II hôm nay, Thánh Phaolô đã khuyên : “Anh em hãy hôn chào nhau cách thánh thiện”. Giờ đây chúng ta hãy thực hiện lời khuyên đó : chúng ta hãy chúc cho nhau được luôn bình an trong tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi.

VII. GIẢI TÁN

Chúng ta đã dâng Thánh lễ tôn kính Thiên Chúa Ba Ngôi đầy tình yêu thương. “Xin chúc anh chị em được đầy ân sủng của Đức Giêsu Kitô, đầy tình thương của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần”.

 

Bài cùng chuyên mục:

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7