Kinh thánh - Giáo lý

Học hỏi Phúc Âm lễ các Thánh Tử đạo VN – Năm A

  • In trang này
  • Lượt xem: 576
  • Ngày đăng: 17/11/2023 14:27:38

Phúc Âm: Ga 17, 11b–19

“Thế gian đã ghét chúng”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ trong danh Cha những kẻ Cha đã ban cho Con, để chúng được nên một như Ta. Khi Con còn ở với chúng, Con đã gìn giữ chúng trong Cha. Con đã gìn giữ những kẻ Cha đã giao phó cho Con, không một ai trong chúng bị mất, trừ ra con người hư vong, để lời Kinh Thánh được nên trọn. Bây giờ Con về cùng Cha, và Con nói những điều này khi Con còn dưới thế, để chúng được đầy sự vui mừng của Con trong lòng.

Con đã ban lời Cha cho chúng, và thế gian đã ghét chúng, vì chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Con không xin Cha đem chúng ra khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ chúng cho khỏi sự dữ. Chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Xin hãy thánh hoá chúng trong sự thật: lời Cha là chân lý. Cũng như Cha đã sai Con vào thế gian, thì Con cũng sai chúng vào thế gian. Và vì chúng, Con đã tự thánh hoá, để cả chúng cũng được thánh hoá trong chân lý”.

Ðó là lời Chúa.

 

CÂU HỎI TÌM HIỂU

1. Đọc kỹ toàn bộ bài Tin Mừng này. Theo ý bạn, tại sao bài Tin Mừng này được dùng trong ngày lễ mừng kính Các Thánh Tử đạo Việt Nam? Trong bài này, Đức Giêsu cầu xin Cha cho ai, khi nào?

2. Đọc cả chương Ga 17. Chương này mấy lần nói đến việc Đức Giêsu cầu xin Cha?

3. Đọc Ga 17,11b-19. Hãy cho biết Đức Giêsu cầu xin những điều gì với Chúa Cha.

4. Đọc Ga 13,3 và 17,11a.13a. Đức Giêsu coi cái chết sắp đến của Ngài là gì?

5. Đọc Ga 17,6.9. Đức Giêsu có cái nhìn thế nào về các môn đệ?

6. Đọc Ga 17,11-14.18-19 và cho biết khi ở với các môn đệ, Đức Giêsu đã làm gì cho những người mà Ngài yêu mến?

7. Đức Giêsu sai các môn đệ vào trong thế gian (Ga 17,18), nhưng lại nhấn mạnh hai lần, họ không thuộc về thế gian (Ga 17,14.16). Theo bạn, thế nào là thuộc về thế gian?

8. Đọc Ga 17,11b.17-19. Trong các câu trên, những ai được gọi là thánh?

 

GỢI Ý SUY NIỆM

Khi đọc bài Tin Mừng này, bạn có thấy mối quan tâm của Đức Giêsu đối với các môn đệ khi Ngài sắp lìa đời không? Các thánh Tử đạo là những môn đệ Đức Giêsu bị thế gian thù ghét. Nhưng bạn có thấy họ được Cha và Con cùng nhau gìn giữ không? Đọc Ga 17,11.12.15.

 

PHẦN TRẢ LỜI

1. Bài Tin Mừng theo thánh Gioan ở chương 17 là một lời cầu nguyện của Đức Giêsu dâng lên Cha để cầu xin cho các môn đệ, khi Ngài biết đã đến giờ Ngài “đến cùng Cha”, “về với Cha” qua cái chết. Bài này được chọn để đọc trong lễ kính Các Thánh Tử đạo Việt Nam, vì ta thấy Đức Giêsu nói đến những gian khổ các môn đệ sẽ phải chịu sau khi Ngài về với Cha. Cuộc bách hại đã bắt đầu rồi: “thế gian đã thù ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian” (Ga 17,14). Trước một thế gian thù ghét và bách hại, Đức Giêsu cầu xin Cha “gìn giữ họ trong danh Cha” (Ga 17,11b), và “gìn giữ họ khỏi ác thần” (Ga 17,15).

2. Chương 17 nhiều lần nói đến việc Đức Giêsu cầu xin Cha cho các môn đệ. Động từ “cầu xin” (erôtáô) được nhắc đến trong Ga 17,9.15.20. Đây là những lời cầu xin hơn là những lời cầu nguyện. Rõ nhất là ở Ga 17,15: “Con không cầu xin (erôtô) Cha đem họ ra khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần”. Ở Ga 17,20 ta cũng thấy một lời cầu xin khác. Ở đây Đức Giêsu cầu xin Cha cho tất cả các môn đệ hiện tại và tương lai được ơn nên một, cũng như được ơn ở trong Cha và Con. Ở Ga 17,9 Đức Giêsu nói một điều làm chúng ta ngạc nhiên: Ngài không cầu xin cho thế gian, vì thế gian là một thế lực luôn chống đối Thiên Chúa (Ga 7,7; 15,18-19; 16,8-11). Nó được cầm đầu bởi tên “Thủ lãnh thế gian” (Ga 12,31; 14,30; 16,11). Tuy nhiên ở Ga 17,20-23 ta cũng thấy niềm hy vọng: đó là nhờ gương sáng của các tín hữu mà thế gian sẽ nhận biết và tin vào Đức Giêsu là Đấng được Cha sai (Ga 17,21.23).

3. Trong Ga 17,11b-19 Đức Giêsu cầu xin với Cha ba điều sau đây. Trước hết Ngài xin Cha gìn giữ những kẻ Cha đã ban cho Ngài, để họ nên một như Cha và Con (Ga 17,11b). Như thế khi sắp về với Cha, điều Đức Giêsu quan tâm là sự hiệp nhất giữa các môn đệ. Ngài ước mong họ nên một theo mẫu mực như Cha và Con: “Tôi và Cha, chúng tôi là một” (Ga 10,30). Sau đó Ngài xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần (Ga 17,15). Vì khi Đức Giêsu về với Cha, các môn đệ vẫn còn ở trong thế gian, vẫn bị thế gian thù ghét (Ga 17,14), và vẫn bị đe dọa bởi ác thần, nên Đức Giêsu xin Cha gìn giữ họ như chính Ngài đã gìn giữ họ lúc còn sống ở đời. Cuối cùng, Ngài xin Cha dùng sự thật mà thánh hiến họ (Ga 17,17).

4. Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu có cái nhìn nhẹ nhàng về cái chết sắp đến của mình. Ngài coi đây là “Giờ Ngài đi qua từ thế gian này về với Cha” (Ga 13,1), là thời điểm Ngài “đi về cùng Thiên Chúa” (Ga 13,3). Ngài về “nhà Cha” trước để “dọn chỗ” cho các môn đệ (Ga 14,2). Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ngài cũng coi cuộc ra đi sắp tới như chuyển động “đến cùng Cha” (Ga 17,11a.13a). Như thế, cuộc Khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu không phải là một biến cố thất bại buồn thảm, nhưng như một con đường dẫn Ngài trở lại với Cha là Đấng đã sai Ngài vào trong thế gian này. Ngài về với Cha sau khi đã hoàn tất việc Cha giao ở đời này (Ga 19,30).

5. Đức Giêsu quý các môn đệ của mình. Họ là “những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con” (Ga 17,6), chính vì thế họ không thuộc về thế gian (Ga 17,16). Đức Giêsu coi môn đệ là quà tặng Cha ban cho mình (Ga 17,6.9.24). Ngài luôn khẳng định “họ thuộc về Cha” (Ga 17,6.9), và Cha đã ban họ cho Ngài, nên bây giờ họ thuộc về Ngài (Ga 13,1). Trong giờ phút chia tay, Đức Giêsu không muốn đây là một cuộc vĩnh biệt. Ngài không muốn xa cách các môn đệ mà Ngài đã yêu mến ở trần gian. Ngài mong muốn họ được ở với Ngài mãi mãi trong thế giới của Cha. Ba lần Ngài nói: “Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 17,24; 12,26; 14,3).

 6. Vào giờ phút biệt ly, Đức Giêsu cho thấy Ngài yêu các môn đệ, và yêu họ đến cùng (Ga 13,1). Trong bài Tin Mừng này, ta thấy Ngài đã làm nhiều điều cho các môn đệ khi Ngài sống bên họ. Ngài đã gìn giữ họ để họ nên một (Ga 17,11-12), đã canh giữ để không ai bị hư mất (Ga 17,12). Ngài đã nhiều lần đem đến cho họ niềm vui trọn vẹn (Ga 15,11; 16,24; 17,13). Vì là Ngôi Lời, nên Ngài đã ban lời của Cha cho họ (Ga 17,14). Ngài sai họ vào trong thế gian (Ga 17,18). Cuối cùng, Ngài đã thánh hiến chính mình để các môn đệ cũng được thánh hiến trong sự thật (Ga 17,19).

7. Như Thiên Chúa Cha đã sai Đức Giêsu, là Con Thiên Chúa và là Ngôi Lời nhập thể, vào trong thế gian (Ga 3,17), thì Đức Giêsu cũng sai các môn đệ vào trong thế gian (Ga 17,18). Thế gian này là thế giới tội lỗi, cần đến ơn cứu độ, nên được Thiên Chúa yêu thương và ban Người Con Một (Ga 3,16). Nhưng thế gian này cũng là thế gian từ khước Đức Giêsu (Ga 1,10-11), làm những điều xấu xa (Ga 7,7), thù ghét môn đệ của Ngài (Ga 15,18-19) và chống đối Thiên Chúa. Dĩ nhiên các môn đệ không thể thuộc về một thế gian như thế. Đức Giêsu hai lần nhấn mạnh điều này (Ga 17,14.16). “Họ thuộc về Cha” (Ga 17,6.9).

8. Đức Giêsu đã gọi Chúa Cha là “Cha chí thánh” (Ga 17,11b). Ngài đã xin Cha chí thánh làm cho các môn đệ được thánh hiến trong sự thật (Ga 17,17). Chính Đức Giêsu cũng nhận mình là Đấng được Cha thánh hiến (Ga 10,36). Nhưng ở Ga 17,19, Đức Giêsu lại nói đến việc tự thánh hiến chính mình với cùng mục đích như Cha: để nhờ đó các môn đệ được thánh hiến trong sự thật. Như thế Chúa Cha và Chúa Giêsu đều là Đấng thánh, và đều muốn làm cho các môn đệ được thánh hiến, được nên thánh. Được thánh hiến là được tách ra khỏi thế gian hư hỏng, để dành riêng cho Thiên Chúa; nhưng được tách khỏi thế gian là để được sai vào thế gian, với sứ mạng là cứu độ nó.

Bài cùng chuyên mục:

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 34 Thường niên– Năm B - 2024 (21/11/2024 08:35:00 - Xem: 35)

Kinh Tiền Tụng của lễ Kitô Vua có nói đến những nét của Nước Thiên Chúa vào ngày quang lâm: Nước đầy tràn sự thật và sự sống, đầy tràn tình thương, công lý và bình an. Bạn thích nét nào hơn cả?

Học Hỏi Phúc Âm CN lễ Các Thánh Tử đạo Việt Nam - 2024 (13/11/2024 05:52:05 - Xem: 114)

Ở Việt Nam, đức tính nào của người Công giáo có sức thu hút mạnh mẽ những người chưa biết Chúa?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 32 Thường niên– Năm A- 2024 (04/11/2024 14:34:58 - Xem: 120)

Bạn nghĩ gì về cách đánh giá của mình về người khác? Bạn có hay đánh giá theo cái nhìn bên ngoài không? Bạn học được gì nơi cách đánh giá của Thiên Chúa?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 31 thường niên Năm B - 2024 (28/10/2024 07:31:06 - Xem: 155)

Đức Giêsu tóm mọi điều răn trong một động từ “yêu mến”. Bạn có thấy tình yêu chi phối đời sống đạo của bạn không? Theo bạn, kẻ thù nguy hiểm nhất của tình yêu là gì?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 30 thường niên Năm B - 2024 (24/10/2024 10:27:00 - Xem: 179)

Nếu hôm nay Chúa Giêsu hỏi tôi: “Con muốn Ta làm gì cho con?” tôi sẽ trả lời ra sao? Tôi có thấy mình cần được sáng mắt về tâm linh không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 29 Thường niên– Năm B - 2024 (14/10/2024 07:27:21 - Xem: 285)

Bạn nghĩ gì về cám dỗ của quyền lực, ở trong cũng như ngoài Giáo hội? Bạn thường theo kiểu lãnh đạo nào?

Bài 89: Con lạc đà chui qua lỗ kim… (11/10/2024 07:58:26 - Xem: 183)

Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao !” (10,23), khó đến mức mà “con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (10,25).

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 28 Thường niên– Năm B - 2024 (07/10/2024 07:23:43 - Xem: 241)

Nếu Chúa Giêsu gặp tôi hôm nay, Ngài sẽ nói tôi còn thiếu một hay nhiều điều? Điều gì vậy? Tôi sẽ đáp lại ra sao?

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 27 Thường niên– Năm B - 2024 (30/09/2024 08:01:00 - Xem: 271)

Đời sống hôn nhân ngày nay gặp nhiều khủng hoảng. Đâu là những lý do dẫn đến ly dị hay ngoại tình nơi các đôi vợ chồng hôm nay?

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 26 Thường niên– Năm B - 2024 (23/09/2024 07:58:29 - Xem: 349)

Đọc Mc 9,43.48. Theo bạn, hỏa ngục là hình phạt như thế nào? Bạn tin có hỏa ngục không? Tại sao?

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7