Kinh thánh - Giáo lý

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật XI Thường Niên – Năm B

  • In trang này
  • Lượt xem: 5,334
  • Ngày đăng: 07/06/2021 15:13:00

 

Lời Chúa: Mc 4,26-34

26 Người nói: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. 27 Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. 28 Đất tự động sinh ra hoa màu: Trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. 29 Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa”.

 

30 Rồi Người lại nói: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được? 31 Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. 32 Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng”.

 

33 Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà rao giảng lời cho họ, tuỳ theo mức họ có thể nghe. 34 Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết.

 

CÂU HỎI

1. Phúc âm Mác-cô chương 4 có mấy dụ ngôn? Các dụ ngôn này có gì giống nhau? Bài Phúc âm hôm nay gồm mấy dụ ngôn? Có dụ ngôn nào đặc sắc của riêng Mác-cô không?

2. Đọc Mc 4,26.30. Đức Giêsu dùng những dụ ngôn để nói về điều gì?

3. Đọc Mc 4,27-28. Hạt giống lớn lên thành cây trĩu hạt là do ai? Con người có đóng góp gì không?

4. Đọc Mc 4,28. Cho biết ba giai đoạn tăng trưởng của hạt giống.

5. Đọc Mc 4,29. “Mùa gặt” tượng trưng cho điều gì? Đọc Khải huyền 14,14-16.

6. Đức Giêsu kể dụ ngôn về “Hạt Giống Tự Lớn Lên” để nói về Nước Thiên Chúa. Đọc kỹ dụ ngôn này (Mc 4,26-29), bạn thấy Nước Thiên Chúa có những nét đặc biệt nào?

7. Đọc Mc 4,31-32. Qua dụ ngôn này, bạn thấy Nước Trời có nét đặc biệt nào?

8. Đọc Mc 4,33-34. Theo bạn, khi Đức Giêsu dùng dụ ngôn mà nói về Nước Trời, thì điều đó dễ hiểu hay khó hiểu?

 

CÂU HỎI SUY NIỆM:

Bạn nghĩ gì khi đọc hai dụ ngôn về Nước Trời trong bài Phúc âm này? Bạn có thấy Nước Trời đang âm thầm và mạnh mẽ lớn lên trong thế giới hôm nay không? Bạn có thấy những dấu hiệu cho thấy bàn tay Chúa đang hoạt động trong những biến cố của thế giới không?

 

PHẦN TRẢ LỜI

1. Chương 4 của Mác-cô có ba dụ ngôn: dụ ngôn người gieo giống (4,3-9), dụ ngôn hạt giống tự mọc lên (4,26-29), và dụ ngôn hạt cải (4,30-32). Các dụ ngôn này có điểm chung là “hạt giống được gieo.” Bài Phúc âm hôm nay gồm hai dụ ngôn. Dụ ngôn hạt giống tự mọc lên là dụ ngôn đặc sắc chỉ có trong Phúc âm Mác-cô.

2. Đức Giêsu dùng dụ ngôn với những hình ảnh về hạt giống để nói về sự phát triển của Nước Thiên Chúa (Mc 4,26.30).

3. Mác-cô 4,27-28 nhấn mạnh đến việc hạt giống lớn lên thành cây lúa trĩu hạt mà không do sự can thiệp của con người. Dù người gieo hạt giống ngủ hay thức, đêm hay ngày, thì hạt giống vẫn cứ nảy mầm và mọc lên, theo cách thức mà người đó không sao hiểu được.

4. Mác-cô 4,28 cho thấy ba giai đoạn tăng trưởng của hạt giống khi mọc lên thành cây: lá lúa xuất hiện trước tiên, rồi đến bông lúa, rồi đến hạt lúa đầy đặn. Nước Thiên Chúa cũng từ từ lớn lên.

5. “Mùa gặt” là một lối nói ẩn dụ thường dùng để chỉ cuộc phán xét của Thiên Chúa vào ngày tận thế. Như vậy, sau khi Nước Trời tăng trưởng và lớn lên như cây lúa trĩu hạt thì cuộc phán xét sẽ đến. Dân Chúa sẽ được cứu độ, còn kẻ thù của Chúa sẽ bị xét xử. Đọc Kh 14,14-16 ta cũng thấy hình ảnh Đấng ngự trên mây, tay vung liềm để gặt mùa màng trên đất.

6. Qua dụ ngôn ở Mc 4,26-29, ta thấy Nước Thiên Chúa có hai nét sau. Trước tiên Nước Thiên Chúa chủ yếu là công cuộc của Thiên Chúa chứ không phải của loài người, dù con người vẫn cần cộng tác để Nước đó lớn lên. Nước đó vẫn lớn lên bất chấp những chống đối của kẻ thù. Kế đến việc tăng trưởng của Nước Thiên Chúa là một mầu nhiệm mà ta không hiểu được. Khi nói “đất tự động sinh hoa kết quả,” Mác-cô có ý muốn nói chính Thiên Chúa đã làm cho đất có khả năng đó.

7. Qua dụ ngôn Mc 4,31-32, ta thấy Nước Trời có sự tăng trưởng vượt bậc. Từ một khởi đầu khiêm tốn như một hạt cải nhỏ nhất trong các loại hạt, Nước Trời sẽ trở thành một thực tại lớn lao, như một cây lớn hơn mọi thứ rau cỏ ngoài vườn, đến nỗi chim trời có thể đến trú ngụ.

8. Dựa trên Mc 4,33, ta thấy Đức Giêsu dùng dụ ngôn để nói lời Thiên Chúa “tùy theo mức họ có thể nghe”. Nói về Nước Thiên Chúa là nói về một điều có vẻ trừu tượng, nên Đức Giêsu đã dùng những hình ảnh cụ thể để diễn tả Nước Thiên Chúa nhằm làm cho mọi người hiểu được. Tuy nhiên, để hiểu hết ý nghĩa sâu xa của một dụ ngôn thì cũng không dễ. Vì thế khi thầy trò ở với nhau, Đức Giêsu vẫn thường giải thích các dụ ngôn cho các môn đệ.

Bài cùng chuyên mục:

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật lễ Chúa TT hiện xuống (14/05/2024 23:17:51 - Xem: 73)

Bạn có kinh nghiệm gì với Chúa Thánh Thần không? Bạn có được Ngài soi sáng để quyết định, được sức mạnh để làm chứng, được Ngài dạy dỗ để hiểu biết Chúa Giêsu? Bạn có thường cầu nguyện với Chúa Thánh Thần không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 5 Phục sinh – Năm B (22/04/2024 08:56:10 - Xem: 231)

Bạn có thấy bị đau khi được cắt tỉa không? Sau đó bạn có thấy cành nho của bạn sinh nhiều trái hơn không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 4 Phục sinh – Năm B (15/04/2024 07:31:04 - Xem: 294)

Trong Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, bạn mong các linh mục tu sĩ giống Đức Giêsu, người Mục Tử tốt lành, ở những điểm nào

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 3 Phục sinh – Năm B (08/04/2024 08:59:30 - Xem: 336)

“Chính anh em là chứng nhân.” Theo bạn, ở Việt Nam, chúng ta có thể làm chứng nhân cho Chúa qua những công việc gì hay qua lối sống như thế nào?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 2 Phục sinh năm B (06/04/2024 08:05:54 - Xem: 286)

Theo bạn, thái độ đòi hỏi của ông Tôma trong Ga 20,25 có quá đáng không? Có khi nào bạn gặp một người giống Tôma ở trong nhóm hay họ đạo của bạn không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật lễ Lá (20/03/2024 07:45:45 - Xem: 359)

Chiêm ngắm cảnh Đức Giêsu bị làm nhục trong dinh thượng tế (14,65), trong dinh tổng trấn (15,16-20), và trên thập giá (15,29-32). Theo bạn, trong tất cả các nỗi đau của Cuộc Thương Khó, Đức Giêsu đau nhất khi nào, bởi ai?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 5 mùa Chay – Năm B (11/03/2024 08:59:32 - Xem: 370)

Hãy đọc toàn bộ bài Phúc âm này. Bạn thấy Đức Giêsu có thái độ nào trước cái chết gần đến? Ngài thấy cái chết của mình có ý nghĩa không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 4 mùa Chay năm B (04/03/2024 07:21:56 - Xem: 354)

Bạn nghĩ phải làm gì để ánh sáng và sự thật của Chúa đến với mình trong Mùa Chay này ?

Học hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 3 mùa Chay năm B (26/02/2024 08:32:17 - Xem: 282)

Tại sao Hội Thánh lại cho đọc bài Phúc âm này vào Mùa Chay ? Bài này có nói gì về cái chết và sự phục sinh của Chúa chúng ta không ?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 2 mùa Chay Năm B (20/02/2024 09:50:39 - Xem: 349)

Khi cầu nguyện, bạn có kinh nghiệm lên núi và được thấy khuôn mặt sáng láng của Chúa bao giờ chưa ?

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7