Kinh thánh - Giáo lý

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 4 mùa Chay năm C

  • In trang này
  • Lượt xem: 3,093
  • Ngày đăng: 21/03/2022 09:51:02

 

1.  Nhân vật chính của dụ ngôn này là ai? Trong hai đứa con, đứa con nào là nhân vật mà ta cần để ý hơn? Đọc Lc 15,1-3.

2.  Đâu là những hành vi bất hiếu của người con thứ? Tội bất hiếu bị xử như thế nào? Đọc Đnl 21,18-21. Người con thứ được chia mấy phần sản nghiệp của người cha? Đọc Đnl 21,15-17.

3.  Đâu là tình cảnh khốn cùng nhục nhã ê chề của người con thứ sau khi bỏ nhà ra đi? Người Do-thái coi heo là con vật như thế nào? Đọc Lêvi 11,7; 1 Mcb 1,47-49.

4.  Đọc Lc 15,17-20a. Bạn có tin người con thứ ăn năn thật sự không, hay anh ta trở về chỉ vì bụng đói?

5.  Đọc Lc 15,17-21. Bạn có thấy những bước chính của Bí Tích Giải Tội (Hòa Giải) ở đây không?

6.  Người con thứ trở về nhà cha có dễ không? Đâu là những điều anh có thể phải hứng chịu?

7.  Đọc Lc 15,25-30. Đâu là tội của người con cả?                                                                                                                

8.  Người con cả chấp nhận vào nhà cha có dễ không? Để vào nhà, anh phải thay đổi điều gì?

9.  Đọc cả bài Phúc âm, cho biết đâu là những hành vi thương xót, tha thứ của ông đối với người con thứ và người con cả?

 

CÂU HỎI SUY NIỆM: Bạn nghĩ gì về người cha trong dụ ngôn này? Ông có phải là người nhu nhược, nuông chiều các con? Hãy đặt một tựa đề cho bài Phúc âm này.

 

PHẦN TRẢ LỜI

1. Nhân vật chính trong dụ ngôn này là Người Cha. Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu cho thấy tấm lòng bao dung của Người Cha đối với cả hai đứa con. Trước đây dụ ngôn này thường được gọi là dụ ngôn “Người con hoang đàng,” như thế tập trung vào đứa con thứ hơn. Thật ra trong dụ ngôn này, người con cả mới là điểm nhấn. Đức Giêsu nói ba dụ ngôn trong chương 15 của Tin Mừng Luca nhắm vào các người Pharisêu và kinh sư đang xầm xì chống đối Ngài, vì thấy Ngài gần gũi những người thu thuế và tội lỗi (Lc 15, 1-3). Nơi người con cả, ta nhận ra hình ảnh các ông Pharisêu và kinh sư.

 

2. Tội bất hiếu của người con thứ : anh đòi cha chia gia sản cho mình ngay khi cha còn sống (thường chỉ chia sau khi cha qua đời); anh đã bỏ nhà ra đi, lãng quên nhiệm vụ làm con; anh làm gia đình mất uy tín và thể diện; cuối cùng anh đã phung phí toàn bộ tài sản đó vào chuyện ăn chơi đàng điếm. Một đứa con bất hiếu có thể bị ném đá cho chết (Đnl 21,18-21).

 

Theo sách Đệ nhị luật 21,15-17, người con cả được hưởng hai phần ba tài sản của người cha, như thế người con thứ được một phần ba.

 

 

3. Sau khi bỏ nhà cha ra đi, người con thứ đã tiêu hết sạch tài sản. Rồi khi một nạn đói kinh khủng ập tới, anh phải đi chăn heo cho một người dân ngoại, dù heo là con vật bị người Do-thái coi là hết sức ô uế (Lêvi 11,7; 1 Mcb 1,47-49). Nhưng nghề chăn heo không giải quyết được cơn đói cồn cào, anh vẫn thèm đồ ăn của heo mà không ai cho. Cuối cùng, anh thấy mình có thể chết đói (Lc 15,14-17). 

 

4.  Đọc Lc 15,17-20a ta thấy người con thứ có lòng ăn năn thật sự. Anh muốn đứng lên và đi về cùng cha (câu 18), và anh đã làm như thế (câu 20). Anh ý thức về tội mình phạm đến Trời và đến cha (câu 18). Anh thấy sự nặng nề của tội mình đã phạm, nên anh không mong mình được cha nhận lại làm con, chỉ mong được làm công cho cha thôi (câu 19). Tuy nhiên, lòng ăn năn của anh cũng pha yếu tố tự nhiên: anh muốn trở về với cha để có đủ đồ ăn, tránh khỏi bị chết đói. Có thể nói đây là một kiểu ăn năn tội cách chẳng trọn. 

 

5. Đọc Lc 15,17-21 ta có thể thấy một số nét của bí tích Hòa giải ở đây, với những bước như sau. Câu 17: hồi tâm và xét mình, nhận ra tình trạng tồi tệ hiện nay của mình. Câu 18 và 19: quyết tâm trở về với cha và xưng tội với cha. Lòng thống hối và dốc lòng chừa được biểu lộ qua việc chỉ xin làm công cho cha thôi, thay vì làm con. Câu 20 : thực hành điều đã quyết định, đi xưng tội. Câu 21 : xưng tội, thấy tội nặng nề, thấy mình bất xứng.

 

6. Cuộc trở về với cha của người con thứ không hề dễ dàng. Anh phải can đảm mới dám trở về, bởi lẽ anh có thể bị cha từ chối và xua đuổi, có thể bị người anh không chấp nhận (và điều đó đã thực sự xảy ra !), có thể bị làng xóm cười chê, có thể bị những người làm công coi thường. Anh phải dám chịu nhục khi trở về trong tình trạng thân tàn ma dại, khác hẳn với lúc ra đi.

 

 

7. Người con cả tự hào là người “bao nhiêu năm hầu hạ cha, chẳng bao giờ trái lệnh” (câu 29). Anh ở gần cha, anh không bỏ nhà ra đi như đứa em, nhưng lòng anh lại xa cha. Khi cha vui vì con thứ trở về, thì anh lại buồn giận. Anh ghen tỵ và thấy cha không công bằng khi một đứa con có hiếu như anh lại chưa hề được cha cho một con dê nhỏ, còn thằng em bất hiếu lại được cha giết bê béo ăn mừng khi nó trở về (câu 29-30). Đứa em đã bỏ nhà ra đi, còn anh bây giờ “không chịu vào nhà” (câu 28). Anh không muốn tham dự bữa tiệc vui do cha tết đãi. Anh không muốn chia sẻ niềm vui của người em. Anh đã hỗn với cha khi gọi em mình là “thằng con của cha đó” (câu 30). Người con thứ đã phạm tội bỏ nhà ra đi, còn người con cả đã phạm tội không chịu vào nhà. Cả hai đều bị đói nếu cứ đứng ở ngoài nhà cha.

 

8. Để vào nhà dự tiệc mừng đứa em, người con cả cần có trái tim bao dung của người cha, cần vui với niềm vui của cha. Anh phải coi đứa em thật là em của mình, chứ không phải là kẻ trở về để chiếm thêm tài sản. Đi từ giận dữ từ khước đến chấp nhận yêu thương là một con đường dài…

 

9. Người cha thấy con thứ từ đàng xa, chạnh lòng thương, chạy lại, ôm hôn (câu 20). Dù con tội lỗi, người cha vẫn nhìn nhận đứa con thứ là con của mình và cho anh mọi sự trong tư cách là con (câu 22-23).  Mở tiệc ăn mừng là quyết định của người cha (các câu 23,24,29 và 32). Người cha còn hạ mình đi ra để năn nỉ người con cả vào nhà (câu 28). Trước cơn giận dữ và sự hỗn hào của con cả (câu 29-30), người cha vẫn ôn tồn giải thích lý do khiến mình cư xử như thế (câu 31-32).

Bài cùng chuyên mục:

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 34 Thường niên– Năm B - 2024 (21/11/2024 08:35:00 - Xem: 34)

Kinh Tiền Tụng của lễ Kitô Vua có nói đến những nét của Nước Thiên Chúa vào ngày quang lâm: Nước đầy tràn sự thật và sự sống, đầy tràn tình thương, công lý và bình an. Bạn thích nét nào hơn cả?

Học Hỏi Phúc Âm CN lễ Các Thánh Tử đạo Việt Nam - 2024 (13/11/2024 05:52:05 - Xem: 112)

Ở Việt Nam, đức tính nào của người Công giáo có sức thu hút mạnh mẽ những người chưa biết Chúa?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 32 Thường niên– Năm A- 2024 (04/11/2024 14:34:58 - Xem: 118)

Bạn nghĩ gì về cách đánh giá của mình về người khác? Bạn có hay đánh giá theo cái nhìn bên ngoài không? Bạn học được gì nơi cách đánh giá của Thiên Chúa?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 31 thường niên Năm B - 2024 (28/10/2024 07:31:06 - Xem: 154)

Đức Giêsu tóm mọi điều răn trong một động từ “yêu mến”. Bạn có thấy tình yêu chi phối đời sống đạo của bạn không? Theo bạn, kẻ thù nguy hiểm nhất của tình yêu là gì?

Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 30 thường niên Năm B - 2024 (24/10/2024 10:27:00 - Xem: 177)

Nếu hôm nay Chúa Giêsu hỏi tôi: “Con muốn Ta làm gì cho con?” tôi sẽ trả lời ra sao? Tôi có thấy mình cần được sáng mắt về tâm linh không?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 29 Thường niên– Năm B - 2024 (14/10/2024 07:27:21 - Xem: 284)

Bạn nghĩ gì về cám dỗ của quyền lực, ở trong cũng như ngoài Giáo hội? Bạn thường theo kiểu lãnh đạo nào?

Bài 89: Con lạc đà chui qua lỗ kim… (11/10/2024 07:58:26 - Xem: 183)

Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao !” (10,23), khó đến mức mà “con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (10,25).

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 28 Thường niên– Năm B - 2024 (07/10/2024 07:23:43 - Xem: 240)

Nếu Chúa Giêsu gặp tôi hôm nay, Ngài sẽ nói tôi còn thiếu một hay nhiều điều? Điều gì vậy? Tôi sẽ đáp lại ra sao?

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 27 Thường niên– Năm B - 2024 (30/09/2024 08:01:00 - Xem: 270)

Đời sống hôn nhân ngày nay gặp nhiều khủng hoảng. Đâu là những lý do dẫn đến ly dị hay ngoại tình nơi các đôi vợ chồng hôm nay?

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 26 Thường niên– Năm B - 2024 (23/09/2024 07:58:29 - Xem: 349)

Đọc Mc 9,43.48. Theo bạn, hỏa ngục là hình phạt như thế nào? Bạn tin có hỏa ngục không? Tại sao?

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7