Kinh thánh - Giáo lý

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 11 Thường niên – Năm B

  • In trang này
  • Lượt xem: 416
  • Ngày đăng: 12/06/2024 14:50:39

 

PHÚC ÂM: Mc 4,26-34

26Người nói: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất.

27Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết.

28 Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt.

29 Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa.”

30Rồi Người lại nói: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được?

31Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất.

32Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng.”

33Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà rao giảng lời cho họ, tuỳ theo mức họ có thể nghe.

34Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết.

 

CÂU HỎI TÌM HIỂU

1. Tin Mừng Mác-cô chương 4 có mấy dụ ngôn? Các dụ ngôn này có gì giống nhau? Bài Tin Mừng hôm nay gồm mấy dụ ngôn? Có dụ ngôn nào đặc sắc của riêng Mác-cô không?

2. Đọc Mc 4,26.30. Đức Giêsu dùng những dụ ngôn về hạt giống để nói lên điều gì?

3. Đọc Mc 4,27-28. Hạt giống lớn lên thành cây trĩu hạt là do ai? Con người có đóng góp gì không?

4. Đọc Mc 4,28. Cho biết ba giai đoạn tăng trưởng của một hạt giống.

5. Đọc Mc 4,29. “Mùa gặt” tượng trưng cho điều gì? Đọc Khải huyền 14,14-20.

6. Đọc Mc 4,31-32. Qua dụ ngôn hạt cải, bạn thấy Nước Trời có nét đặc biệt nào?

7. Đọc Mc 4,33-34. Theo bạn, khi Đức Giêsu dùng những dụ ngôn mà nói về Nước Trời, thì điều đó dễ hiểu hay khó hiểu đối với người nghe? Có ai nghe mà không hiểu không? Đcọ Mc 4,11-12. Các môn đệ có cần được giải thích thêm không? Đọc Mc 4,10.33.

8. Đâu là nét lạc quan của bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay?

 

GỢI Ý SUY NIỆM

Bạn nghĩ gì khi đọc hai dụ ngôn về Nước Trời trong bài Tin Mừng này? Bạn có thấy Nước Thiên Chúa đang âm thầm lớn lên trong thế giới hôm nay không? Bạn có thấy bàn tay Chúa đang hoạt động trong những biến cố của thế giới không?

 

PHẦN TRẢ LỜI

1. Chương 4 của Tin Mừng Mác-cô có ba dụ ngôn: dụ ngôn người gieo giống (4,3-9), dụ ngôn hạt giống tự mọc lên (4,26-29), và dụ ngôn hạt cải (4,30-32). Cả ba dụ ngôn này đều có chủ đề về “hạt giống” được gieo vãi xuống đất (Mc 4,3.26.31). Bài Tin Mừng hôm nay gồm hai dụ ngôn: dụ ngôn “hạt giống tự mọc lên” là dụ ngôn đặc sắc chỉ có trong Tin Mừng Mác-cô, và dụ ngôn “hạt cải”, cũng có trong Tin Mừng Mát-thêu (13,31-32) và Luca (13,18-19).

2. Đức Giêsu hay dùng dụ ngôn với những hình ảnh về hạt giống để nói về Nước Thiên Chúa (Mc 4,26.30). Nước Thiên Chúa là một thực tại khó hình dung, nên Đức Giêsu dùng hình ảnh hạt giống được gieo xuống đất rồi lớn lên trĩu hạt, để nói về sự phát triển kỳ diệu của Nước Thiên Chúa.

3. Mác-cô 4,27-28 nhấn mạnh đến việc hạt giống lớn lên thành cây lúa trĩu hạt mà không do sự can thiệp của con người. Người gieo hạt chỉ làm việc gieo hạt vào lúc đầu, và khi đến mùa gặt thì đem liềm ra gặt. Có vẻ ở giai đoạn giữa, người đó chẳng can thiệp gì. Hạt giống vẫn cứ nảy mầm và mọc lên, dù người gieo ngủ hay thức, đêm hay ngày. Nó lớn lên theo cách thức mà người đó không sao hiểu được (Mt 4,27). Như thế hạt giống tăng trưởng không do nỗ lực của con người nhưng là do hoạt động của Thiên Chúa trong tâm hồn người ta. Thiên Chúa cho đất có khả năng tự nó (automátê) làm cho hạt giống thành cây lúa trĩu hạt, nghĩa là không cần đến nỗ lực của con người (Mt 14,28).

4. Mác-cô 4,28 cho thấy ba giai đoạn tăng trưởng của một hạt giống khi mọc lên. Trước hết, từ hạt lúa nảy mầm, cây lúa bắt đầu mọc lên và lá lúa (khorton) xuất hiện. Kế đến, cây lúa trổ đòng đòng, bắt đầu có bông lúa (stakhun). Cuối cùng, bông lúa trở thành những hạt lúa đầy đặn (plêrê siton). Nước Thiên Chúa cũng từ từ lớn lên như thế qua nhiều giai đoạn trong dòng lịch sử.

5. “Mùa gặt” là một lối nói ẩn dụ thường dùng để chỉ cuộc phán xét của Thiên Chúa vào ngày tận thế. Như vậy, sau khi Nước Trời tăng trưởng và lớn lên như cây lúa trĩu hạt thì cuộc phán xét sẽ xảy đến. Dân Chúa sẽ được cứu độ, còn kẻ thù của Chúa sẽ bị xét xử. Đọc Khải huyền 14,14-16 ta thấy hình ảnh của Đấng ngự trên mây, tay vung liềm để gặt những kẻ được chọn. Còn ở Khải huyền 14,17-20, Đấng này vung liềm để tiêu diệt những kẻ thù nghịch của Thiên Chúa.

6. Qua dụ ngôn Mc 4,31-32, Đức Giêsu ví Nước Trời như chuyện một hạt cải. Hạt này được giới thiệu như là hạt nhỏ nhất trong các loại hạt giống trên mặt đất. Hạt cải nhỏ xíu được gieo xuống đất, nào ngờ nó lại lớn lên và trở thành một cây lớn hơn mọi thứ cỏ cây khác trong vườn. Cây này trổ sinh cành lá xum xuê đến nỗi chim trời có thể đến làm tổ dưới bóng của nó. Qua dụ ngôn này,

Đức Giêsu cho thấy Nước Thiên Chúa có một khởi đầu khá nhỏ bé, khiêm tốn, tưởng như sẽ chẳng gây được ảnh hưởng nào trên trần gian. Tuy nhiên, Nước này lại lớn mạnh một cách bất ngờ, và cuối cùng trở nên chỗ dựa cho các dân tộc trên mặt đất, nhờ sức sống mãnh liệt của mình.

7. Dựa trên Mc 4,33, ta thấy Đức Giêsu thường dùng dụ ngôn để nói lời Thiên Chúa. Nói về Nước Thiên Chúa là nói về một thực tại phức tạp: vừa có tính trần thế, vừa siêu việt; vừa đã bắt đầu ở trần gian này rồi, vừa chỉ kết thúc trọn vẹn vào ngày quang lâm. Bởi đó Đức Giêsu đã dùng dụ ngôn với những hình ảnh cụ thể để diễn tả Nước Thiên Chúa, nhằm giúp cho người nghe hiểu được “tùy theo mức họ có thể nghe” (Mc 4,33), nghĩa là tùy theo khả năng của họ. Người nghe ở đây phải hiểu là những người khiêm tốn mở lòng để đón nhận mầu nhiệm được ban. Còn đối với những ai cứng cỏi và khép kín, “những kẻ ở ngoài” (Mc 4,11), thì họ vẫn “không thấy, không hiểu” được dụ ngôn của Đức Giêsu (Mc 4,12).

Tuy nhiên, mỗi dụ ngôn cũng chỉ nói lên một nét nào đó của Nước Thiên Chúa, và để hiểu hết ý nghĩa sâu xa của một dụ ngôn thì cũng không dễ. Vì thế khi thầy trò ở với nhau, Đức Giêsu vẫn thường giải thích thêm cho các môn đệ về ý nghĩa các dụ ngôn (Mc 4,10.33).

8. Bài Tin Mừng đem lại cho ta niềm lạc quan, bất chấp những dấu hiệu cho thấy Nước Thiên Chúa mờ nhạt, thất bại hay có vẻ biến mất trong thế giới ta đang sống. Dụ ngôn đầu trong bài Tin Mừng cho ta thấy Nước Thiên Chúa không do con người chi phối hay làm chủ. Có thể hiểu Đức Giêsu là người gieo hạt giống trên mặt đất. Sau đó, vào thời của Hội Thánh, hạt giống ấy phát triển từ từ, có vẻ như âm thầm, không hoành tráng. Nhưng cuối cùng, vào thời Quang lâm, khi mùa gặt đến, có muôn ngàn bông lúa trĩu hạt xuất hiện. Trong dụ ngôn sau, Nước Thiên Chúa cũng lớn lên từ một khởi đầu khiêm tốn, nhỏ bé như hạt cải, đó là hoạt động của Đức Giêsu trong những năm sứ vụ. Trải qua bao gian truân thử thách, Nước ấy đã trở nên một Nước lớn, và là chỗ dựa cho mọi dân tộc.

Bài cùng chuyên mục:

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 29 Thường niên– Năm B - 2024 (14/10/2024 07:27:21 - Xem: 110)

Bạn nghĩ gì về cám dỗ của quyền lực, ở trong cũng như ngoài Giáo hội? Bạn thường theo kiểu lãnh đạo nào?

Bài 89: Con lạc đà chui qua lỗ kim… (11/10/2024 07:58:26 - Xem: 72)

Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao !” (10,23), khó đến mức mà “con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (10,25).

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 28 Thường niên– Năm B - 2024 (07/10/2024 07:23:43 - Xem: 137)

Nếu Chúa Giêsu gặp tôi hôm nay, Ngài sẽ nói tôi còn thiếu một hay nhiều điều? Điều gì vậy? Tôi sẽ đáp lại ra sao?

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 27 Thường niên– Năm B - 2024 (30/09/2024 08:01:00 - Xem: 156)

Đời sống hôn nhân ngày nay gặp nhiều khủng hoảng. Đâu là những lý do dẫn đến ly dị hay ngoại tình nơi các đôi vợ chồng hôm nay?

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 26 Thường niên– Năm B - 2024 (23/09/2024 07:58:29 - Xem: 266)

Đọc Mc 9,43.48. Theo bạn, hỏa ngục là hình phạt như thế nào? Bạn tin có hỏa ngục không? Tại sao?

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 25 Thường niên– Năm B -2024 (16/09/2024 07:55:16 - Xem: 252)

Tại sao ở đời người ta thích làm người lớn nhất, người đứng đầu, người lãnh đạo? Theo ý bạn, giá trị đích thật của một người nằm ở chỗ nào?

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 24 Thường niên– Năm B - 2024 (09/09/2024 08:51:54 - Xem: 276)

Bạn hiểu thế nào là “từ bỏ chính mình và vác thập giá của mình”? Bạn có kinh nghiệm về “cứu” rồi lại “mất,” hay “mất” rồi lại “cứu” được không?

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 23 Thường niên– Năm B -2024 (02/09/2024 08:35:15 - Xem: 324)

Có khi nào tôi thấy mình bị điếc về mặt tâm linh không, nghĩa là mất khả năng nghe tiếng Chúa và tha nhân? Điều gì thường khiến tôi bị điếc?

Học hỏi Phúc Âm Chúa nhật 22 Thường niên– Năm B -2024 (26/08/2024 08:32:24 - Xem: 278)

Trong bài Tin Mừng này, Đức Giêsu nhắc nhở những nhà lãnh đạo Do Thái về đâu là cái chính phải giữ.

Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật 21 Thường niên– Năm B - 2024 (19/08/2024 08:29:29 - Xem: 240)

Thi thoảng bạn vẫn gặp những câu Lời Chúa thật chướng tai, không thể chấp nhận được. Bạn có thể ghi lại những câu đó để tìm hiểu sâu hơn không?

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7