Tác giả - Tác phẩm

Kinh nghiệm về Thiên Chúa và ước muốn(bài 3)

  • In trang này
  • Lượt xem: 300
  • Ngày đăng: 10/05/2024 21:26:59

KINH NGHIỆM VỀ THIÊN CHÚA

VÀ ƯỚC MUỐN[1]

 

Giới thiệu

Trong bài suy tư này, Anselm Grun phân tích rất sâu sắc về ước muốn trong tương quan với kinh nghiệm về sự hiện diện của Thiên Chúa. Theo ông, chính ước muốn là chiếc neo Thiên Chúa gieo vào lòng chúng ta để chúng ta nhớ đến Ngài, biết Ngài vẫn luôn ở với chúng ta.

Hi vọng bài suy tư này giúp chúng ta hiểu rõ những ước muốn của chính mình, để từ đó, khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa và cũng nhờ đó, chúng ta thoát khỏi những lệ thuộc và tránh được thất vọng khi không đặt hi vọng vào những gì là hữu hạn.

 

                                   Linh mục Mỹ Sơn, giáo phận Long Xuyên

 

 

PHẦN III

+ Ước muốn, phương tiện để chấp nhận cái mà tôi là.

Nhận ra ước muốn của ta không có nghĩa là trốn chạy thực tế cuộc sống. Trái lại, khi chúng ta ý thức rằng trong con người chúng ta có ước muốn Thiên Chúa, và có ước muốn một thế giới mai sau, một thế giới vượt khỏi thế giới hiện tại; khi ấy, chúng ta có thể hoà giải với thực tế cuộc sống quá tầm thường, quá đơn điệu và chúng ta sẽ không thất vọng nếu người yêu thực sự không có thể thoả mãn nổi khát khao một tình yêu tuyệt đối của chúng ta: chúng ta sẽ không đòi hỏi từ người đó điều mà chỉ Thiên Chúa mới thực sự có thể ban cho.

 

Tôi thường gặp những người chờ đọi người yêu chữa lành họ, bằng cách đem đến cho cuộc đời họ một ý nghĩa. Đó là những đợi chờ mà không một người phàm nào có thể đáp trả được. Khi chúng ta chấp nhận rằng không ai trong loài người có thể thoả mãn ước muốn đó, thì nó sẽ tương đối hoá những đợi chờ của chúng ta. Nhờ đó, chúng ta sẽ ứng xử với người khác một cách nhân ái, khi để cho họ là người mà họ là, chứ không ngừng so sánh họ với Thiên Chúa là Đấng mà họ chẳng bao giờ có thể sánh bằng.

 

Thất vọng là một phần của cuộc đời chúng ta. Gia đình làm chúng ta thất vọng. Nghề nghiệp làm chúng ta thất vọng. Cũng vậy, chúng ta thất vọng về chính mình. Chúng ta đã ảo tưởng về chính mình và về người khác. Chúng ta bị lừa dối và chúng ta đau đớn khi biết điều đó. Rất nhiều người tránh không thừa nhận điều này. Vì thế, họ không ngừng trốn chạy chính mình và không bao giờ có được sự an bình. Nhưng nếu đón nhận ước muốn cách tích cực, chúng ta có thể chấp nhận những chờ đợi của chúng ta không bao giờ được lấp đầy, được thoả mãn. Lúc đó, chúng ta hoà hợp được với chính mình, với những lầm lỗi và yếu đuối của mình. Không cần thiết phải cho rằng chúng ta tự đủ, tự thoả mãn. Bởi vì ước muốn của chúng ta vượt khỏi những gì chúng ta làm và những gì chúng ta là. Ước muốn nhắm đến Thiên Chúa và chỉ có Ngài mới có thể lấp đầy nó.

 

Ước muốn sẽ tương đối hoà tất cả những gì chúng ta làm. Nhờ đó, nó giải thoát chúng ta khỏi khuynh hướng say mê thu tích thành công để được nhìn nhận (kể cả được Thiên Chúa nhìn nhận - nếu ta nghĩ như thế). Nó cũng giải thoát chúng ta khỏi áp lực mà thường chúng ta áp đặt cho chính mình. Tôi lưu ý rằng rất nhiều người không hiện hữu, không sống cho chính mình, mà là cho người khác; họ hoàn toàn bị chiếm hữu bởi ý nghĩ họ phải là những gì mà người khác mong đợi nơi họ. Và bởi vì họ nghĩ mình phải thoả mãn những mong đợi đó, nên tự áp đặt áp lực lên mình. Trong khi đó, ước muốn biểu lộ cho biết chúng ta là ai. một khi tôi đón nhận ước muốn của mình, tôi sẽ hoà giải với chính tôi, tận sâu thẳm con tim của tôi, đến nỗi những người khác và những chờ đợi của họ không còn quyền lực gì trên tôi.

 

Ước muốn cũng tránh cho chúng ta bất mãn trước những thất vọng, chán nản trong cuộc sống. Trái lại, thất vọng lại giúp cho ước muốn của tôi thức tỉnh. Cách nay chừng 30 năm, tôi có tham dự khoá học “huấn luyện cảm giác”. Khoá học đó đã giúp tôi ý thức về một số nhu cầu không được thoả mãn thời thơ ấu. Khủng hoảng đã xảy ra nơi tôi. Tôi có cảm tưởng mình bị xúc phạm. Và sau đó, trong kỳ nghỉ hè, tôi ngồi ở cuối hồ nước, nhìn các ngọn sóng nhấp nhô, một an bình sâu lắng xâm chiếm lấy tôi. Bỗng chốc, tôi thấy mình có thể chấp nhận tất cả những gì không hài lòng. Tôi có thể nói với mình: “Thật là tốt khi tôi không được thoả mãn. điều đó giúp tôi sống và tỉnh thức mở ra với Thiên Chúa. Nếu không, tôi chỉ có thể là một anh trung lưu nhỏ bé hài lòng với cuộc sống tầm thường và không bao giờ khám phá ra ơn gọi của mình.” Tôi quan niệm ơn gọi của tôi là một điều gì đó duy trì ước muốn của tôi luôn sống động trong tâm hồn và giúp tôi luôn mở ra với Thiên Chúa, cũng như mở rộng lòng mình ra với người khác. Một tâm hồn rộng mở thì biết đón nhận. Một tâm hồn rộng mở thì không kết án. Tâm hồn đó đã trải nghiệm cuộc đời với những thất vọng và ảo tưởng và chấp nhận cuộc đời vốn là thế. Nhưng nó không dừng ở đó, và ngay cả những thất vọng cũng được biến đổi thánh những tấm ván nhún đẩy ta về khoảng không bao la của Thiên Chúa. Đạt được như vậy, bởi vì nó chấp nhận hoàn cảnh của mình cách chân thành, và điều đó giúp ước muốn Thiên Chúa nơi nó mỗi ngày một tăng trưởng. Ước muốn làm gia tăng gấp mười khả năng rộng mở của tâm hồn.

 

Mọi sự dều có thể trở thành kinh nghiệm về Thiên Chúa từ lúc tôi xem xét các nhu cầu của mình được thoả mãn hay không dưới ánh sáng của ước muốn (Thiên Chúa). Khi có người yêu thương tôi thì người đó trở thành lới nhắc bảo tôi về tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu của người đó giúp tôi cảm nhận một chút gì đó của tình yêu vô biên Thiên Chúa dành cho tôi. Và khi đó, tôi sẽ không đòi hỏi người đó phải yêu thương tôi vô cùng nữa. Tuy nhiên, không chỉ có tình yêu làm tôi thức tỉnh, mà còn là sự thất vọng trước việc người đó không hiểu tôi, trước sự kiện là tôi không cảm nhận được tình yêu của người đó nữa, dù tình yêu đó có thể trở thành kinh nghiệm về Thiên Chúa nơi tôi. Bởi vì, chính do thất vọng về con người mà tôi hướng đến Thiên Chúa. Thay vì ta thán về sự cứng cỏi của người khác, tôi có thể đào sâu ước muốn tình yêu Thiên Chúa vì sự cứng cỏi đó.

 

Tôi chỉ có thể sống với người khác nếu tôi thấy lẽ sống cuối cùng của tôi nơi Thiên Chúa, chứ không phải nơi họ. Nói theo chuyên môn, tôi chỉ có thể quản lý đúng đắn thành công cũng như thất bại của tôi nếu tôi tìm thấy nơi Thiên Chúa chỗ dựa tối hậu của mình. Bởi vì chỉ sự thành công thôi thì không giúp tôi sống được. Tôi phải sống một thực tại khác. Nếu tôi nhìn kỹ đời sống hàng ngày của tôi dưới ánh sáng của ước muốn, thì mọi sự đều giúp tôi đắm chìm trong Thiên Chúa. Nhờ đó, tôi không chỉ lướt qua bên cạnh thực tế cuộc sống hàng này của tôi, nhưng tôi thấy ở đó những điều không ngừng hướng tôi đến Thiên Chúa.

 

Trong cuộc phỏng vấn mừng thọ 90 tuổi, triêt gia vô thần Ernst Bloch nói rằng: “Kinh nghiệm cuộc đời giúp tôi khám phá ra rằng ước muốn là phẩm chất chân thật của con người.” Con người có thề dối trá. Sự không xác thực và sai lầm có thể len lỏi ở khắp nơi. Tình yêu có thể là giả hình và lịch sự chỉ là vấn đề giáo dục. Sự giúp đỡ lẫn nhau thường phát xuất từ những lý do ích kỷ. Nhưng ước muốn thoát khỏi mọi thao túng. Con người là ước muốn của nó.

 

Tôi thường gặp những người tin rằng họ bị bắt buộc phải tô màu cho những gì họ làm. Khi kể lại những kỳ nghỉ hè của họ, thì tất cả đều tuyệt diệu. Khi họ theo học các giáo trình, thì đó là những kinh nghiệm tuyệt vời trong cuộc đời họ. Đôi khi tôi nghi ngờ họ rải hoa hồng trên dó để che giấu nỗi thất vọng của họ. Thực vậy, cuộc đời họ thì bình thường và trong các kỳ nghỉ hè, họ nhận ra rằng người bạn đời yêu dấu đã không thấu hiểu và cảm thông cho họ chút nào. Nhưng bề ngoài, phải tỏ ra tuyệt với để chứng tỏ rằng mọi sự họ làm đều đúng. Nhưng thực sự, đàng sau bề mặt đẹp đẽ đó là một thực tế rất khác.

 

Ước muốn giúp tôi nhìn rõ cuộc đời tôi cách chân thực. Phóng đại thì vô ích. Tôi không cần phải chứng tỏ cho người khác thấy chiều sâu của các kinh nghiệm tôi có và cũng không cần chứng tỏ ự quan trọng của những tiến bộ nội tâm tôi đạt được. Tôi chấp nhận con người của tôi: Bình thường nhưng luôn tìm tòi học hỏi; chiến đấu khi thành công lúc thất bại; có lúc cảm nhận được nhưng có khi lại vô cảm; khi sâu xa có lúc lại nông cạn. Tôi có thể nhìn cuộc đời tôi như nó vốn là, bởi vì ước muốn đưa tôi vượt khỏi thế giới này. Khi ước ao, tôi không thao túng nó. Ước muốn ở đó, đơn giản là vậy, và chỉ ở đâu có ước muốn, ở đó mới có cuộc sống thực sự. Chỉ khi đón nhận ước muốn của tôi, tôi mới tiến lên trên con đường của cuộc đời.

 

Trong tuần tĩnh tâm, tôi luôn đặt câu hỏi cho mình và cho những người tham dự: “Ước muốn sâu xa nhất của bạn là gì?” Tôi không luôn tìm thấy câu trả lời ngay lập tức. Nhưng bởi vì đã đặt ra câu hỏi đó nên tôi sẽ không còn hành hạ mình để biết phải làm thế nào trở nên tốt hơn. Theo thói quen, nhiều việc đã làm tôi lo lắng trước đây, giờ trở nên vô ích. Tôi có thể đối thoại với chính mình, với con tim của mình, với ý nghĩa cuộc đời mình. thực sự tôi là ai? Sứ vụ tôi là gì? Tôi muốn để lại dấu vết nào trong thế giới này? Cái gì lấp đầy ước muốn của tôi? Và cuối cùng, sau tất cả những câu hỏi như vậy, tôi luôn bặp gỡ Thiên Chúa. Nhưng những câu hỏi này không chỉ đưa tôi tới Thiên Chúa, mà còn đưa tôi tới câu trả lời cho ước muốn mà Chúa đã gieo vào lòng tôi.

 

Các nhà thần bí nói cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa cũng ước muốn tôi. Mechtilde de Magdebourg nói với Chúa như sau: “Lạy Chúa, mọi sự đều bừng cháy trong ước muốn của Chúa!” Thiên Chúa ước muốn yêu thương con người, và khi tôi tự hỏi về ước muốn sâu xa nhất của tôi, tôi khám phá ra câu trả lời mà tôi ao ước đem đến cho ước muốn của Thiên Chúa đối với tôi, cho tình yêu Thiên Chúa dành cho tôi: đó có lẽ sẽ hoàn toàn đi sâu vào tình yêu và lòng nhân lành của Thiên Chúa, vào lòng thương xót và sự dịu hiền của Ngài, mà sẽ không bị biến dạng chút nào do tính ích kỷ của tôi, và cũng không bị mờ tối bởi nhu cầu được nhận biết và thành công của tôi.

 

+ Ước muốn và cầu nguyện.

Làm cách nào chúng ta có thể ý thức về ước muốn của mình? Có một cách để đạt được điều ấy, đó chính là xem xét đời sống riêng tư của mình và khám phá ra ước muốn bị che giấu đàng sau những ham muốn, những lệ thuộc, những đam mê, những nhu cầu, những ước ao, những hi vọng của chúng ta. Một trong những con đường đến với Thiên Chúa, chính là suy tư sâu xa về những gì chúng ta sống và rút ra mọi hệ quả từ đó. một con đường khác là cầu nguyện.

 

Đối với Augustinô, cầu nguyện kích thích sự ước muốn. Trong kinh Lạy Cha, khi chúng ta đọc: “Nước Cha trị đến!” Điều đó không có nghĩa là chúng ta khẩn cầu Chúa để rồi cuối cùng Ngài đem Nước Ngài đến thống trị, mà là phải kích thích ước muốn của chúng ta về Nước ấy. Theo Augustinô, các thánh vịnh là những bài hát về ước muốn. Ngay khi hát thánh vịnh, khát mong về quê hương đích thực của chúng ta trong Thiên Chúa lớn lên trong chúng ta. Augustinô nói khi làm như vậy, chúng ta giống khách hành hương vào thời ngài, người ta thường đi ban đêm để tránh cướp. Nhưng vì vậy, người ta sợ hãi và để xua đi nỗi sợ, người ta cất tiếng hát các bài ca của quê hương. Giống như thế, chính chúng ta cũng vậy, xa quê hường nên chúng ta hát những bài hát ca ngợi tình yêu quê hương trên trời để xua đi nỗi sợ bóng tối và kích thích ước muốn Thiên Chúa nơi chúng ta.

 

Điều quan trọng không phải là để ý từng từ: khi suy nghĩ về nó, chúng ta sẽ dừng bước. Đúng hơn, mọi lời hát đều phải phục vụ cho sự tỉnh thức, và củng cố ước muốn Thiên Chúa của chúng ta. Điều đó có giá trị không chỉ đồi với những lời diễn tả ước muốn mà thôi. Ví dụ thánh vịnh 63: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của tôi, tôi tìm kiếm Chúa, tâm hồn tôi khao khát Chúa, thân xác tôi mong nỏi Chúa như đất khô không giọt nước.” (Tv 63,2); hoặc như thánh vịnh 84, một bài hát của khách hành hương trên đường về đền thánh hằng ao ước: “Nơi đền vàng của Chúa thật đáng mong ước biết bao! Lạy Chúa các đạo binh! Tâm hồn tôi khát mong và mong mỏi lên đền thờ của Chúa.” (Tv 84,2). Tất cả những lời này đều nhằm gia tăng sự ước muốn Thiên Chúa.

 

Trong Cựu ước, người đạo hạnh là một người khát khao Thiên Chúa hết lòng. Chính vì thế, ngôn sứ Isaia đã nói: “Tâm hồn tôi khát khao Chúa ban đêm và thần trí tôi tìm kiếm Chúa trong con người tôi.” (Is. 26,9). Đối với Augustinô, cầu nguyện không chỉ có chức năng là kích thích ước muốn nơi chúng ta, mà chính ước muốn đó đã là cầu nguyện.

 

Thánh Phaolô dạy rằng: “Hãy cầu nguyện không ngừng.” (1 Thes. 5,17). Augustinô nghĩ rằng chúng ta không thể cầu nguyện không ngừng bằng miệng. Chúng ta cũng không thể quì gối liên tục để cầu nguyện. Cách thế duy nhất để không ngừng cầu nguyện là ước muốn. Về câu thánh vịnh: “Trước nhan Ngài, mọi ước muốn của tôi”, Augustinô nói: “Ước muốn mà bạn nuôi dưỡng, chính là cầu nguyện. Và nếu nó là thường xuyên thì cầu nguyện cũng sẽ là thường xuyên… Nếu không muốn ngừng cầu nguyện thì bạn đừng ngừng ước muốn. Ước muốn không ngừng của bạn là lời cầu nguyện không ngừng của bạn.”

 

Như vậy, cầu nguyện có nghĩa là đi vào tương quan với ước muốn trong lòng bạn, và nó càng liên kết bạn với Thiên Chúa trong cuộc lưu đày trần gian của chúng ta. Đối với Augustinô, ước muốn này cũng chính là tình yêu. Vì thế, ngài nói: “Nếu bạn ngừng yêu mến, bạn sẽ im tiếng… Khi tình yêu mất sức nóng, con tim sẽ mất tiếng nói. Sự nhiệt tâm của tình yêu là tiếng gọi của con tim.” Ước muốn Thiên Chúa, đó chính là yêu mến Ngài, đồng thời cũng là hướng đến tình yêu đối với Ngài. Và cầu nguyện là cách diễn tả tình yêu này, và đồng thời làm cho tình yêu đó ngày càng sâu xa nơi tôi.

 

Đối với tôi, cầu nguyện luôn là đặt tôi trong tương quan với ước muốn đã có sẵn ở đó, tận đáy lòng tôi. Để đạt được điều ấy, khoanh tay trên ngực khi cầu nguyện đôi khi trợ giúp cho tôi. Lúc ấy, tôi được hâm nóng tự bên trong, và tôi ý thức rằng có một ước muốn ở trong tôi, và làm tôi biến thành con người hoàn toàn nhân bản, ước muốn Thiên Chúa, ước muốn tình yêu của Ngài, sẽ không quá mỏng dòn như tình yêu của con người. Khi tôi ý thức về ước muốn này, tôi cảm thấy mình tự do. Mọi sự đều trở nên tương đối. tự thâm tâm, tôi cảm thấy mình siêu việt khỏi thế giới này, và cảm thấy rằng “con tim của tôi đã neo đậu ở một nơi khác, nơi đó mới có những niềm vui đích thực”.

 

Theo tôi, cầu nguyện không phải là thốt ra nhiều lời, nhưng lời cầu nguyện là để nhắc lại cho tôi rằng quê hương của tôi không phải là trần gian này, quê hương đích thực của tôi là Nước Trời, theo lời thánh Phaolô nói với các tín hữu Philipphê. Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể cảm thấy như ở nhà mình, ở đâu có mầu nhiệm hiện diện. Điều đó đúng với đời sống gia đình cũng như đời sống một cộng đoàn tu trì. Cảm thấy như ở nhà mình không đến từ sự lặp đi lặp lại những nghi thức cổ xưa, mà chỉ đến từ sự chiêm niệm mầu nhiệm Thiên Chúa của cộng đoàn, mầu nhiệm đó luôn ở giữa chúng ta.

 

Điều đó cũng đúng với đời sống cá nhân mỗi người. Các nhà thần bí nòi, tận đáy sâu tâm hồn mỗi người, luôn có nơi mà Thiên Chúa ở lại. Đó chính là khoảng không gian im lặng, nơi chỉ có Thiên Chúa đến được, khoảng không gian này thoát khỏi sự náo động của mọi tư tưởng làm chúng ta hướng đến chỗ khác, thoát khỏi những chờ đợi và hi vọng của người xung quanh; cũng thoát khỏi những lời phàn nàn, trách móc của chúng ta, khỏi những mặc cảm thấp kém, mặc cảm tội lỗi của chúng ta. Trong không gian thân mật nội tâm nơi Thiên Chúa ở với chúng ta, chúng ta thoát khỏi quyền lực của con người. Ở đó, không ai có thể làm chúng ta thương tổn. Ở đó, chúng ta cũng hoàn toàn thoát khỏi chính mình. Ở đó, chúng ta cảm thấy hoàn toàn thoải mái. Và ai cảm thấy thoải mái nơi mình, thì ở đâu, người đó cũng cảm thấy như đang ở nhà mình, đồng thời người ấy cũng làm phát sinh xung quanh mình cảm giác như ở nhà mình.

 

Nếu trong thinh lặng chúng ta chỉ gặp chính mình với những vấn đề, những khiếm khuyết, những dồn nén, những mặc cảm của mình thì sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ trốn chạy, bởi vì không ai có thể chịu đựng được khi đối đầu với chính mình. Nhưng nếu tôi ý thức rằng, đàng sau tất cả những dồn nén, những vết thương đó, luôn có Thiên Chúa và chính Ngài ở trong tôi, lúc ấy, tôi có thể chịu đựng được, và tôi hiểu rằng trong tôi có một khoảng không gian, ở đó, tôi cảm thấy như ở nhà mình, bởi vì chính Mầu Nhiệm (tức Thiên Chúa) ở với tôi.

 

Ước muốn là sự phản chiếu của Thiên Chúa trong tâm hồn tôi. Đồng thời nó cũng là sức mạnh Thiên Chúa ban tặng. Augustinô cầu nguyện như sau: “Con mời gọi Chúa ngự vào tâm hồn con, nhờ ước muốn, Chúa chuẩn bị để đón tiếp Chúa.” Thiên Chúa đã ban cho tôi ước muốn để tôi có thể tìm kiếm Ngài không ngừng, và cũng để tôi có thể nhận biết Ngài. Ước muốn không cung cấp cho tôi một hình ảnh rõ ràng về Thiên Chúa. Nhưng khi ý thức về nó, tuy vẫn nghi ngờ, tôi tự hỏi rằng trong tôi có sự hiện diện của Thiên Chúa không, và tuy vẫn nghi ngờ, tôi tự hỏi rằng có phải ước muốn chứa đựng một mầu nhiệm vượt khỏi tôi, và rằng qua mầu nhiệm đó, tôi sẽ đạt tới Thiên Chúa.

 

Chính tôi là nơi đích thực để kinh nghiệm về Thiên Chúa. Chính khi lắng nghe tận đáy sâu tâm hồn tôi, tôi ý thức về Thiên Chúa, Đấng ở tận sâu thẳm tâm hồn tôi, và là Đấng không ngừng tỏ lộ ở đó, qua ước muốn nảy sinh trong tôi.

(Hết)­­­

 

 


[1] Chuyển ý từ “Ouvre tes sens à Dieu” (Hãy mở các giác quan của bạn cho Thiên Chúa), Anselm Grun, Mediaspaul, Paris 2006, trang 55-76.

Bài cùng chuyên mục:

Kinh nghiệm về Thiên Chúa và ước muốn(bài 2) (27/04/2024 22:17:35 - Xem: 330)

Hi vọng bài suy tư này giúp chúng ta hiểu rõ những ước muốn của chính mình, để từ đó, khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa

Kinh nghiệm về Thiên Chúa và ước muốn  (06/04/2024 10:09:20 - Xem: 564)

Hi vọng bài suy tư này giúp chúng ta hiểu rõ những ước muốn của chính mình, để từ đó, khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa

Làm sao biết đó là Ý Chúa  (03/03/2024 08:37:22 - Xem: 865)

Bài sau đây rất hữu ích về đời sống thiêng liêng cho cá nhân mỗi người và nhất là cho những người có bổn phận hướng dẫn đời sống thiêng liêng cho người khác, như các vị linh hướng…

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 4) (02/02/2024 09:04:08 - Xem: 644)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 3) (10/01/2024 05:25:47 - Xem: 763)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 2) (13/12/2023 05:58:01 - Xem: 810)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót  (02/12/2023 09:29:04 - Xem: 1,068)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Kinh nghiệm về Thiên Chúa hay chỉ là gặp gỡ chính mình? (30/08/2023 09:25:22 - Xem: 1,431)

Xin giới thiệu bài của cha Anselm Grun về sự phân định giữa kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa và sự gặp gỡ chính mình được phản chiếu qua hình ảnh Thiên Chúa mà ta tưởng là đã gặp.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 6) (19/07/2023 07:38:57 - Xem: 1,107)

Trong bài 5, chúng ta đã nói tới sự khó nghèo của linh mục là một đời sống giản dị. Trong bài này, chúng ta sẽ đề cập tới một vài mẫu linh mục tiêu biểu về cách sử dụng tiền của.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 5) (30/06/2023 08:53:13 - Xem: 1,820)

Ước gì hết thảy anh em linh mục chúng ta trở thành những mẫu linh mục đạo đức, thánh thiện như thánh Gioan-Maria Vianey, thánh Phanxicô Assisi,...

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7