Tâm linh - Tu đức

Trao tặng cái chết của mình

  • In trang này
  • Lượt xem: 711
  • Ngày đăng: 04/07/2024 09:36:04

TRAO TẶNG CÁI CHẾT CỦA MÌNH

 

Khi chúng ta ra đi, tất cả chúng ta đều để lại đằng sau mình một tinh thần tuy không nói ra nhưng ảnh hưởng đến người thân ở lại của chúng ta. 

 

 

 

Theo nhà thần nghiệm nổi tiếng Gioan Thánh giá, chúng ta có ba cuộc đấu tranh thiết yếu trong cuộc sống: nắm lại trong tay đời sống mình, trao tặng cuộc sống và trao tặng cái chết. Những gì trong hai cuộc đấu tranh đầu tiên thì rõ ràng. Nhưng trao tặng cái chết của mình có nghĩa gì?

 

Về bản chất, điều này có nghĩa: Cách chúng ta chết để lại di sản, một tinh thần cụ thể có thể nuôi dưỡng hoặc ám ảnh người ở lại. Nếu chúng ta chết trong cay đắng và tức giận, không hòa thuận với người thân yêu, với chính mình và với Chúa, chúng ta để lại một tinh thần độc hại hơn là nuôi dưỡng. Ngược lại, nếu chúng ta chết trong hòa giải và hòa bình với người thân yêu, với thế giới và với Chúa, thì như Chúa Giêsu, chúng ta để lại một tinh thần nuôi dưỡng, sưởi ấm, an ủi,  giúp người thân được bình an thiêng liêng. Cách chúng ta chết tô màu cho di sản chúng ta, di sản đó có thể là món quà hoặc gánh nặng cho người thân.

 

Ngày 23 tháng 11 năm 2023, Richard (Rick) Gaillardetz, thần học gia nổi tiếng qua đời vì ung thư tuyến tụy khi đang ở tuổi sung sức nhất. Ông là người chồng, người cha, người ông, diễn giả tài ba, người bạn, người cố vấn đáng mến của nhiều người, người đam mê thể thao, người có tinh thần hài hước sống động. Ông cũng là người có đức tin vững chắc thử thách trong những tháng ngày mắc bệnh nan y.

 

Khi bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư hơn một năm trước khi qua đời, các bác sĩ cho biết, đó là bệnh nan y và không có cách chữa trị; ông phải đối diện với sự thật tàn khốc: mình sẽ chết trong hai năm tới. Ông đã đối diện với sự thật này. Và khi làm như vậy, ông cố gắng (có những lúc rất đau đớn) để biến cái chết của mình thành món quà có ý nghĩa cho gia đình, cho thế giới. Trong những tháng trước khi qua đời, ông viết blog chia sẻ về cảm giác khi biết mình sắp chết, với tình yêu và đức tin, dù đau đớn, ông chấp nhận buông bỏ cuộc sống, buông bỏ đấu tranh với những bản năng kháng cự mạnh mẽ nội tâm.

 

Những trang viết này được gom lại trong quyển sách Cho đến khi tôi còn thở, tôi hy vọng (While I Breathe I Hope – A Mystagogy of Dying, Grace Agolia biên tập).

 

Đây là một số cảm xúc và suy nghĩ của ông:

 

– Không như nhiều thánh trong truyền thống của chúng ta, tôi không chọn sự suy yếu này; với tôi, tôi bị thúc đẩy, bị mời gọi, tôi không muốn. Nhưng tôi thấy đây là lời mời gọi đến với một sự yếu đuối được ban ơn, lời kêu gọi từ bỏ sự tự tin sai chỗ vào sức mạnh và quyền tự chủ cơ thể tôi.

 

– Tôi cầu nguyện cho cả hai, ơn cho sự suy yếu và ơn của sự suy yếu.

 

– Một trong những con quỷ mà tôi phải đương đầu mỗi ngày là cái tôi quá mức, nó không ngừng kêu gào tôi phải được chú ý như một đứa trẻ than van, lấn át nhu cầu và mối quan tâm của người khác. Một trong những ân sủng bất ngờ của sự suy yếu xuất hiện khi tôi ra khỏi bản ngã tự nhiên, để khám phá một nội tâm chứa lòng trắc ẩn bị lãng quên nhiều trước đau khổ của người khác.

 

– Tôi phải thú nhận, đôi khi tôi quá lo cho tiến trình chết. Nó sẽ như thế nào? Tôi sẽ xử lý thế nào khi các cơ quan bắt đầu suy yếu và khi cái chết thực sự bắt đầu? Liệu bình an tôi cảm thấy hiện tại có giúp tôi vượt qua thời gian “khác biệt” đó không? … Qua tất cả những chuyện này, điều tôi giữ vững nhất trong lòng là tin Chúa đã bao bọc tôi sâu đậm trong tình yêu của Ngài kể từ khi tôi bị bệnh, chắc chắn Chúa sẽ không bỏ rơi tôi trong những ngày giờ cuối cùng này. Bây giờ tôi thuộc về nhóm người già yếu và bất lực. Họ là những người của tôi, gia đình cuối cùng của tôi.

 

– Việc trao đi cái chết không chỉ là vấn đề chấp nhận sự ra đi không thể tránh khỏi về mặt thể xác; việc trao đi cái chết đòi hỏi tôi phải chấp nhận những kinh nghiệm thụ động khi chờ đợi, khi bị suy yếu, khi bị sống bên lề, như một giải thoát khỏi nô lệ cho thành tích cá nhân và khỏi tự phụ. Nếu tôi dành không gian thích hợp cho những trải nghiệm này, chúng sẽ đưa tôi ra khỏi bản ngã ích kỷ, mở rộng tâm hồn tôi.

 

Chúng sẽ làm cho tôi đồng cảm hơn với nỗi đau của người khác, khuyến khích tôi cầu nguyện cho họ khi họ đau khổ, khi họ trải qua cái chết sắp tới. Đó chính là cách giúp tôi nhẹ nhàng đi đến cái chết và sự phục sinh.

 

– “Nhiệm vụ cuối cùng của tôi là trả lại cho Chúa cuộc sống mà Chúa đã ban cho tôi.”

 

Khi nói lời từ giã các môn đệ, Chúa Giêsu hứa khi Ngài rời khỏi chúng ta, Ngài sẽ để lại Thần Khí hòa bình của Ngài cho chúng ta. Khi chúng ta ra đi, tất cả chúng ta đều để lại đằng sau mình một tinh thần tuy không nói ra nhưng ảnh hưởng đến người thân ở lại của chúng ta. Nếu chúng ta chết trong hòa bình với Chúa, với người khác và với chính mình, thì như Chúa Giêsu, người thân của chúng ta dù đang đau buồn vì mất mát, sẽ cảm nhận trong sâu thẳm tâm hồn họ, họ được nuôi dưỡng, sưởi ấm và an ủi khi nghĩ về chúng ta.

 

An nghỉ trong Chúa, Rick Gaillardetz, anh để lại cho chúng tôi, gia đình, bạn bè, thế giới món quà hòa bình.

 

Ronald Rolheiser,

 

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài cùng chuyên mục:

Bỏ lại sự nô dịch và pharaô (20/10/2024 08:36:08 - Xem: 135)

Pharaô nào đang giam cầm tôi? Một hình ảnh xấu về mình? Hoang tưởng? Nỗi sợ? Một vết thương nào đó? Tổn thương? Chứng nghiện? Tôi có thể đi với Chúa Kitô đến một nơi mới không còn sự nô lệ này nữa không?

Giàu có, nhưng tất bật (10/10/2024 08:24:58 - Xem: 327)

Chúa Giêsu đã nói một điều có thể diễn giải như sau: Lợi ích gì khi được cả thế gian nhưng luôn quá tất bật, quá áp lực để hưởng nó.

Di sản của chúng ta: sinh lực chúng ta để lại (05/10/2024 08:30:52 - Xem: 316)

Nếu chúng ta sống trong cay đắng giận dữ, trong ghen tương và không sẵn lòng chấp nhận người khác, nếu cuộc sống chúng ta gieo hỗn loạn và bất ổn, thì đó là những gì chúng ta sẽ để lại, và sẽ luôn là một phần di sản của chúng ta.

Chuỗi Mân Côi – Chuỗi ngày sống (01/10/2024 07:00:39 - Xem: 720)

Chuỗi Mân Côi như chuỗi ngày sống của một đời người. Chuỗi Mân Côi có thể dùng để gột bỏ những đam mê, gạn lọc những tình cảm, và kết nối những tương quan.

Ký ức đen tối (25/09/2024 09:56:58 - Xem: 375)

Để thực sự là chính mình là nhớ, chạm và cảm nhận ký ức về một chạm vào ban đầu của Chúa trong chúng ta. Ký ức đó đốt cháy năng lượng và cung cấp cho chúng ta một lăng kính để nhìn và hiểu.

Độc thân – Nên nói gì đây? (20/09/2024 09:50:07 - Xem: 409)

Độc thân làm chúng ta sống trong cô đơn mà chính Chúa đã lên án, nhưng đó cũng là cô đơn mà Chúa Giêsu đã chết cho chúng ta, và đó là biểu hiện tình yêu sáng tạo nhất của lịch sử loài người.

Đức Mẹ và kinh nghiệm của ta về Thập Giá (18/09/2024 08:09:35 - Xem: 286)

Khởi đầu cuộc đời làm mẹ, Đức Maria đã hiểu rằng những đau khổ của Chúa Kitô cũng sẽ là chính đau khổ của Mẹ.

Ảo tưởng về chính lòng tốt của chúng ta (12/09/2024 08:43:22 - Xem: 437)

Với hầu hết chúng ta, khi điều này xảy ra, chúng ta vẫn là những người tốt và hào phóng, ngoại trừ chúng ta trở nên cay nghiệt, hoài nghi và phán xét nhiều hơn trước đây.

Cầu nguyện khi cảm thấy dường như vô ích (30/08/2024 08:39:48 - Xem: 661)

Cầu nguyện không phải để thay đổi tâm trí Chúa, nhưng để thay đổi tâm trí của người đang cầu nguyện. Chúng ta không cầu nguyện để kéo Chúa về phía mình;

Sự cho phép thiêng liêng để ở trong thống khổ (19/08/2024 08:00:37 - Xem: 643)

Nếu Chúa Giêsu đã khóc, thì chúng ta cũng phải khóc. Người môn đệ không bao giờ hơn thầy. Hơn nữa, chúng ta có thể học ở Chúa Giêsu, đau buồn và than khóc trong cuộc sống không hẳn là sai trái.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7