Lời chúa mỗi ngày

Thứ Tư 10/08/2022 – THÁNH LÔRENXÔ, PHÓ TẾ, TỬ ĐẠO. Lễ kính. – Hạt lúa thối đi, sinh nhiều bông hạt.

  • In trang này
  • Lượt xem: 8,113
  • Ngày đăng: 09/08/2022 08:00:00

Hạt lúa thối đi, sinh nhiều bông hạt.

10/08 – Thứ Tư tuần 19 thường niên.– THÁNH LÔRENXÔ, PHÓ TẾ, TỬ ĐẠO. Lễ kính.

"Ai phụng sự Ta thì Cha Ta sẽ tôn vinh nó".

 

* Phó tế Lôrenxô chịu tử đạo tại Rôma ngày 10 tháng 8 năm 258, sau đức Xít-tô II bốn ngày. Chuyện kể rằng người phải chịu cực hình lửa thiêu trên một chiếc giường sắt sau khi người đã phân phát cho người nghèo tài sản của cộng đoàn. Ngay từ thế kỷ IV, lòng tôn kính người đã phổ biến trong Hội Thánh.

 

Lời Chúa: Ga 12, 24-26

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thật, Ta nói thật với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt.

Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

1. Mang nhiều hoa trái-- Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Suy niệm:

Khi nghĩ đến cái chết sắp đến của mình,

Đức Giêsu lại nghĩ đến thân phận hạt lúa mì.

Ngài nói một điều mà ai cũng biết như một định luật tự nhiên,

một điều chẳng làm ai ngỡ ngàng kinh ngạc.

Nếu một hạt lúa rơi xuống đất và không chết đi, nó trơ trọi một mình;

nhưng nếu nó chết đi, nó mới mang nhiều hoa trái” (c. 24).

Đức Giêsu ví mình như hạt lúa đem gieo.

Điều kiện để đời Ngài đơm bông kết trái, đó là cái chết.

Không chấp nhận chết đi, hạt lúa vẫn chỉ là hạt lúa trơ trọi.

Đức Giêsu không muốn mình là thứ hạt lúa ấy,

được bao bọc vững chắc bởi lớp vỏ, cố giữ cho mình được nguyên vẹn,

vì thế cũng chẳng chịu vươn ra khỏi mình,

chẳng dám đánh mất chính mình để nảy mầm sinh hạt.

Đức Giêsu đã đón lấy cái chết như con đường để sự sống sinh sôi.

Cái chết của Ngài trên thập giá có khả năng kéo được mọi người lên (Ga 12, 32),

và thu hút cả vũ trụ về với Thiên Chúa.

Có một hạt lúa mang tên Giêsu.

Hạt lúa ấy đã chấp nhận chịu mục nát,

để cả thế giới trở thành đồng lúa thơm trĩu hạt.

Mỗi Kitô hữu cũng là một hạt lúa, được mời gọi để sống như hạt lúa Giêsu.

“Ai yêu mạng sống của mình, thì sẽ mất nó;

còn ai ghét mạng sống của mình ở trần gian này,

thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời” (c. 25).

Vấn đề là yêu hay ghét cuộc sống ở đời này.

Kitô hữu không phải là những kẻ chán đời hay khinh rẻ cuộc đời tại thế.

Ghét mạng sống ở đây chỉ có nghĩa là không đặt nó lên chỗ cao nhất,

không để nó chiếm chỗ của Thiên Chúa.

Chính khi nhận ra giá trị tương đối của cuộc đời trần thế này,

chúng ta mới có hy vọng giữ được nó mãi mãi.

Ngược lại, thái độ bám chặt vào đời này, gắn bó với nó một cách lệch lạc,

lại dẫn đến việc đánh mất hạnh phúc, cả đời này lẫn đời sau.

Thánh Laurensô đã bị thiêu sống ở Rôma trên một chiếc giường sắt,

sau khi ngài đã phân phát tài sản của cộng đoàn cho người nghèo.

Thầy phó tế Laurensô đã sống như người phục vụ cho Đức Kitô (c. 26)

bằng cuộc sống và cái chết tử đạo năm 258.

Được ở bên Thầy Giêsu mãi mãi và được Cha Thầy quý trọng,

đó là điều Laurensô được hưởng và cũng là hy vọng của chúng ta.

 

Cầu nguyện:

Chỉ mong tôi chẳng còn gì,

nhờ thế Người là tất cả của tôi.

Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,

nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi,

đến với Người trong mọi sự,

và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.

Chỉ mong tôi chẳng còn gì,

nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.

Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,

nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người,

và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi. (R. Tagore)

 

2. Tham dự sự sống của Chúa-- TGM Giuse Nguyễn Năng

Sứ điệp: Nhờ cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu đã phục sinh và đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Để được sống đời đời, người theo Chúa chỉ có một chọn lựa: chết đi cho tội lỗi và sống cho Thiên Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con đường Chúa đã đi là con đường khổ giá và kết thúc bằng sự sống lại vinh hiển. Từ đó Chúa đã làm phát sinh sự sống Thiên Chúa cho con người. Con hiểu được rằng: Chúa đã chịu chết vì con như hạt lúa gieo vào lòng đất và chịu mục nát đi.

Rồi Chúa đã sống lại như hạt nảy mầm, phát sinh hoa trái, mùa màng là sự sống Thiên Chúa trong con. Và Chúa kêu mời con đến tham dự sự sống của Chúa. Nhưng để được như thế, con phải chọn đúng con đường Chúa đã đi. Con đường hẹp dẫn tới sự sống là con đường từ bỏ, hy sinh, vác thập giá hằng ngày qua các bổn phận đời thường và qua các đòi buộc của luật Chúa và luật Giáo Hội.

Nhưng lạy Chúa, bản tính con người của con lại yếu đuối quá. Con sợ phải cố gắng, phải hy sinh, phải từ bỏ và phải thiệt thòi. Con dễ ngã theo lời mời của đam mê, tìm hưởng thụ, sống phóng túng. Con thích đi vào con đường rộng dẫn đến cõi chết.

Lạy Chúa, nhờ lời cầu thay nguyện giúp của Thánh Lô-ren-xô, xin giúp con mạnh dạn đi theo con đường khổ giá. Xin giúp con từ bỏ chính bản thân mình để phục vụ anh em, phụng sự Chúa. Chính lúc chết đi cho tội lỗi và ích kỷ, là lúc con được vui sống với Chúa muôn đời. Amen.

Ghi nhớ: “Ai phụng sự Ta thì Cha Ta sẽ tôn vinh nó”.

 

3. Mục nát đi và sinh bông hạt--Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ

Câu chuyện

Tôi nhớ về tuổi ấu thơ bên ruộng lúa, rau muống ở Biên Hoà. Bên bờ ruộng, người ta có trồng chuối nên tôi đã được nhìn cây chuối mang một buồng quả chín. Lá của cây chuối mẹ héo rũ và xác xơ, và thân của nó oằn xuống như sắp gãy vì nó phải mang trên mình một buồng chuối nặng trĩu quả. Khi buồng chuối chín hoàn toàn, cây chuối mẹ sẽ gục hẳn xuống. Cây chuối mẹ đã hy sinh những phần tinh túy nhất của mình, chất dinh dưỡng trong gốc, thân và lá, cho những quả chuối được chín, để dâng cho đời những trái chuối ngon ngọt… Cây chuối tượng trưng cho một hình ảnh tuyệt đẹp về sự hy sinh.

Dưới gốc cây chuối mẹ sắp chết đi, xuất hiện nhiều chồi non của những cây chuối mới. Người trồng chuối chỉ chọn một mầm, để có một cây chuối mới cho năng suất cao. Một cuộc sống mới, một sự hy sinh mới lại bắt đầu...

Sinh trái, đơm hoa, cây chuối mẹ héo tàn và chết, từ gốc cây lại nảy ra mầm chồi non cho một sức sống mới…

Suy niệm

Chúa Kitô tự ví mình là hạt lúa gieo vào lòng đất, định mệnh của hạt giống chịu chôn vùi, chịu mục nát trong đất bùn. Mục nát không phải mất đi nhưng là để đâm chồi nảy lộc: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà… thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt” (Ga 12,23-24). Hạt giống mục nát trong đất nhưng tạo sự sống nảy mầm sống mới sinh nhiều bông hạt khác. “Hạt giống Giêsu” chết đi tạo vinh quang phục sinh, sức sống mới cho nhân loại.

Sự phục sinh khải hoàn, khơi nguồn sự sống cho cả nhân loại bắt đầu bằng việc đi vào cuộc thương khó, lãnh nhận cái chết của Đức Giêsu. Các môn đệ là những người theo Chúa Kitô cũng đều đi qua cuộc thương khó, sự cố gắng không ngừng nghỉ rao giảng Tin Mừng và đi vào cái chết như là những hạt lúa giống gieo vào lòng đất để cho mùa lúa niềm tin mới phát triển. Ngài cũng mời gọi chúng ta những môn sinh tin vào Ngài, theo Ngài cùng tháp vào Ngài mang thân phận của lúa mì gieo vào lòng đất như yêu cầu: “Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó’’ (Ga 12,26). Theo Ngài làm thân phận hạt lúa giống gieo vào lòng đất để tạo sức sống mới chung cho toàn nhân loại.

Theo chân Chúa, là được mời gọi cùng bước vào một hành trình đi vào lòng đất của hạt giống. Một hành trình mạo hiểm, chấp nhận sự hy sinh, cố gắng không ngừng: bóc trần, mục nát, hòa tan trước thánh ý của Thiên Chúa, như Đức Kitô đã bước vào. Sự mạo hiểm này đã có lần Phêrô đã chối từ bước vào, khi không cam đảm nhận mình là môn sinh của Thầy (x. Mt 26,57-58.69-75; Mc 14,53-54.66-72; Lc 22,54-62; Ga 18,15-27), cũng như trước đó ông cũng đã từng ngăn cản Thầy tiến bước đường khổ giá (x. Mt 16:21-23; Mc 8,21-33). Hình ảnh đó phác họa sự ngập ngừng, sợ hãi của người Kitô hữu trước những bước đi vào mầu nhiệm thương khó cuộc đời - mầu nhiệm hạt giống gieo vào lòng đất để chết đi.

Suy nghĩ đến thân phận của hạt giống và chiêm ngưỡng những bước đi vào sự chết của Chúa Giêsu, chúng ta có một niềm xác tín hơn vào chính mình gắn bó với Thầy với thân phận hạt giống như Thầy và hân hoan: “Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo; lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng” (Tv 125,6).

Ý lực sống:

“Bài học quan trọng nhất, con người có thể học được trong cuộc sống:

Không phải là sự đau khổ hiện hữu trong thế giới, lệ thuộc nơi chúng ta biết rút từ bài học,

biết chuyển đổi đau khổ, nỗi buồn thành niềm vui” (R.Tagore).

 

4. Hạt lúa chết đi mới sinh bông hạt--Lm Carôlô Hồ Bạc Xái

Trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu dạy các môn đệ một sự thật rất lạ thường về vấn đề sống chết:

- Có chết thì mới có sống: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi thì nó mới sinh nhiều bông hạt”; “Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”.

- Chính Chúa Giêsu đã đi con đường lạ thường ấy, và Ngài bảo các môn đệ cũng hãy theo Ngài trên con đường ấy: “Ai phục vụ Thầy thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó”

1.”Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”. Bạn hãy đọc lại câu này nhưng đổi một số chữ: hạt lúa = người tín hữu; đất = thế giới này; chết đi = hy sinh để phục vụ.

2.”Có chết thì mới có sống”, điều nghịch lý này không chỉ đúng đối với hạt giống, với các thánh tử đạo (“Máu các thánh tử đạo là hạt giống sinh ra các tín hữu”, Tertulien), mà còn rất đúng trong tu đức: tôi có chết đi con người cũ thì mới sống lại thành con người mới; tính xấu có chết đi thì tính tốt mới sinh ra được.

3. Một bà đạo đức áy náy vì một vài tật xấu bà đã cố gắng hết sức mà vẫn không chừa được. Bà đến than thở với cha linh hướng. Ngài nói:

- “Con có để ý thấy không, vào mùa đông, lá sồi rụng nhiều, nhưng vẫn còn vài chiếc. Gió đông thổi mạnh cũng không làm chúng rụng xuống. Nhưng khi mùa xuân đến, chúng tự động rụng nhường chỗ cho lá non mẩy lộc. Vậy cái gì làm cho chúng rơi rụng? Thưa đó là sự sống mới lưu chuyển trong thân cây. Với chúng ta cũng vậy, khi sự sống mới của Đức Kitô nảy nở trong đời sống, ta sẽ mau thăng tiến trên đường đạo đức.”

4.”Thật Thầy bảo thật anh em: nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi thì nó vẫn trơ trọi. Còn nếu chết đi, nó mới sinh nhiều bông hạt” (Ga 12, 24)

Nhìn đồng lúa chín vàng, hạt lúa trĩu nặng, mấy khi tôi nghĩ đến những hạt giống âm thầm đi vào lòng đất, từng ngày, từng giờ, lặng lẽ nẩy mầm trong đêm, vượt đất vươn lên…

Vẫn âm thần lặng lẽ, lặng lẽ như tiếng chổi tre của người phu quét rác, lặng lẽ như vạn đôi tay của các công nhân đang miệt mài xây dựng, lặng lẽ như tấm lưng còng của mẹ già tần tảo sớm khuya, lặng lẽ như những bước chân truyền giảng Tin Mừng…Tất cả đều tự nhiên, âm thầm và lặng lẽ trong bài học cho đi.

 

5. Thánh Laurensô, Phó tế, tử đạo, Lễ kính--Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

Các môn đệ xúm lại hỏi Chúa: ai là người lớn nhất trong Nước trời? Chúa không trả lời ngay. Người gọi một trẻ nhỏ vào đứng trước mặt các ông rồi nói: Ai không trở nên như trẻ nhỏ, không sống đơn sơ, thật thà, khiêm tốn như trẻ nhỏ thì không được vào Nước trời. Và ai trở nên giống trẻ nhỏ: đơn sơ, hoàn toàn lệ thuộc phó thác, thì sẽ làm lớn hơn hết trong Nước trời...

Cái đẹp của tuổi thơ là sự vô tư hồn nhiên, không bon chen, không hận thù tranh chấp và hoàn toàn tin tưởng cậy dựa vào cha mẹ. Trong đời sống thiêng liêng, Đức Giêsu muốn chúng ta mang lấy những tâm tình của trẻ thơ: khiêm tốn, tin tưởng và phó thác trọn vẹn vào Thiên Chúa là Cha yêu thương. Đồng thời, Ngài cũng khuyên chúng ta phải tôn trọng trẻ em, những kẻ bé mọn, những người yếu đuối và ngay cả những người tội lỗi... Tất cả mọi người đều là hình ảnh của Thiên Chúa, đều được giá Máu cứu chuộc, thế nên chúng ta phải đón nhận tất cả mọi người anh em, không trừ một ai.

Theo nhận xét của nhiều người, trẻ em giống như một cây non, chúng yếu đuối phải cậy dựa vào người lớn, chúng hoàn toàn nương nhờ vào cha mẹ và cha mẹ bảo sao chúng biết vậy. Cũng thế, trẻ nhỏ giống như tờ giấy trắng, muốn viết gì vào đấy cũng được. Rồi trẻ nhỏ rất dễ tin, chúng tin vào cha mẹ và tin rằng: chỉ có cha mẹ mới thoả mãn được mọi nhu cầu của chúng. Đó là thái độ chúng ta phải có đối với Chúa, trước mặt Ngài, chúng ta phải thấy mình thực sự nhỏ bé, yếu đuối, bất lực và cần sự trợ giúp của Ngài.

Đàng khác, trẻ nhỏ thì hồn nhiên, ngây thơ, trong sạch, không biết quanh co, lừa đảo gian dối, không biết để lòng oán hờn, thù hằn, ghen ghét, không bon chen với trăm thứ lo lắng của người lớn. Hồn nhiên là một thái độ tự nhiên của trẻ nhỏ, và được diễn tả bằng tình thương... Chúng tin vào một người, chỉ khi nào chúng cảm thấy người ấy thương chúng. Thuyết phục bằng lý lẽ sẽ không có hiệu quả, nếu không kèm bằng tình thương. Đó là thái độ của chúng ta phải có đối với Chúa, và đó là cách để chúng ta được Chúa yêu thương và được đón nhận vào Nước trời (Lm. Phạm Văn Phượng).

Chúa Giêsu dường như muốn đưa ra một giải thích về mối phúc đầu tiên, khi Ngài gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các môn đệ và tuyên bố: “Nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con không được vào Nước trời”. Trong quan niệm người Do thái, trẻ em chưa được xem như một con người hoàn toàn, do đó trẻ em được coi là biểu tượng của thiếu sót, bất toàn, yếu đuối và bị khinh thường. Có lần các môn đệ đã tỏ ra khó chịu, khi thấy Chúa Giêsu để cho trẻ em đến gần Ngài. Nơi trẻ em, Chúa Giêsu nhìn thấy hình bóng những người, mà Ngài gọi là những kẻ bé mọn. Hãy hoá nên như trẻ nhỏ có nghĩa là hãy trở nên trống rỗng, nghèo nàn để được Thiên Chúa lấp đầy. Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó. Nghèo khó chỉ có giá trị, khi nó là một cởi bỏ mọi ràng buộc có thể làm con người trở thành nô lệ trong cuộc sống. Hãy hoá nên như trẻ nhỏ cũng có nghĩa là chấp nhận thân phận mỏng dòn, tội lỗi của mình. Sự ràng buộc đầu tiên mà con người phải tháo gỡ chính là con người cũ tội lỗi, để Thiên Chúa có thể trở thành sức sống của con người (Mỗi ngày một tin vui).

Tâm hồn đơn sơ của con trẻ dễ dàng gần Chúa hơn. Con đường thơ ấu thiêng liêng của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng nhắc nhở chúng ta điều này. Không lâu trước khi qua đời, thánh nữ đã viết lại bí quyết sống của mình như sau: “Tôi muốn tìm phương thế để lên trời qua con đường nhỏ, thật ngay thẳng, thật ngắn, một con đường nhỏ thật mới. Chúng ta đang sống trong thiên niên kỷ của nhiều phát minh. Trong những nhà giàu, một thang máy thay thế cho những nấc thang thật tiện lợi. Tôi cũng muốn tìm gặp một thang máy để đưa tôi lên với Chúa Giêsu, bởi vì tôi quá nhỏ bé để leo lên cái thang của sự trọn lành”. Và theo thánh nữ, thì chiếc thang máy để đưa ta tới trời chính là đôi cánh tay của Chúa. Điều cần là chúng ta phải sống nhỏ bé và ở lại trong tình thương của Chúa.

Truyện: Tấm lòng đơn sơ thành thật

Vào mùng hai tết Canh Thìn năm 2000, trong lúc đi chơi, bé Thiên Thanh, 9 tuổi, lớp 3A trường Phạm Như Xương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Ninh, đã nhặt được chiếc ví có rất nhiều tiền.

Trên đường cầm chiếc ví đến trạm công an khu vực ở gần đó để giao, bé Thiên Thanh thấy một người khách dáng cao to, đang lúi húi tìm kiếm một vật gì đó, khuôn mặt đầy vẻ lo âu.

Đoán đây chính là người mất chiếc ví, bé đến gần và hỏi thì quả thật đúng như vậy. Em đã trao cho người khách chiếc ví còn nguyên vẹn dưới sự chứng kiến của nhiều người. Số tài sản gồm 4.100.000 đồng, 1.300 mỹ kim, 12 chỉ vàng và tất cả giấy tờ cá nhân quan trọng như hộ chiếu v.v...

Người khách may mắn đã hết lời khâm phục cám ơn bé Thiên Thanh. Để tỏ lòng biết ơn, người khách đã lấy 2 triệu đồng và 100 mỹ kim biếu em, nhưng bé một mực không nhận và hồn nhiên nói:

- Cháu xin cám ơn bác, nhưng cô giáo cháu đã dạy rằng: khi đi đường mà nhặt được của rơi, thì phải tìm cách trả lại cho người bị mất, cháu không nhận tiền thưởng của bác đâu!

 

6. Chuyện thánh Lô-ren-sô--Lm Giuse Đinh Tất Quý

Hoàng đế Valêrianô là con người độc ác lại cố tình tham lam, và khi biết Giáo hội còn nhiều tài sản có thể làm thỏa mãn lòng tham của ông, lập tức ông hạ lệnh bắt thầy Lô-ren-sô tới để tra của. Hoàng đế nói với Lô-ren-sô:

- Cha ngươi và những người Kitô giáo trách ta xử ác với các ngươi, giờ đây ta hứa sẽ dễ dãi với các ngươi, nếu các ngươi đem nộp cho ta tất cả của cải, những chén vàng, đĩa bạc, chân nến, và các đồ thờ quí giá: ta rất cần những đồ đó để tăng cường ngân quỹ quốc gia.”

Lô-ren-sô nhanh nhẹn trả lời:

- Thưa hoàng đế, Giáo hội tôi rất giầu. Của cải trong kho bạc của hoàng đế cũng không thấm vào đâu. Tôi sẽ nộp cho hoàng đế những vật quí báu ấy. Vậy xin hoàng đế cho tôi ít ngày để kịp thu thập của cải đó lại. Vậy xin hoàng đế gia hạn cho tôi 3 ngày thôi và đồng thời cử quan lãnh binh Hi-pô-lit (Hypolite) giúp đỡ.”

Trong mấy ngày sống bên cạnh Lô-ren-sô, Hy-po-lit được mắt thấy tai nghe những việc bác ái và đời sống thánh thiện của Lô-ren-sô. Được ơn Chúa thúc giục tâm hồn, quan lãnh binh và toàn gia gồm 19 người xin trở lại đạo và được thầy phó tế Lô-ren-sô rửa tội cho.

Ít ngày sau Hy-po-lit đã dâng mạng sống vì đức tin một cách quảng đại, hài cốt Ngài an táng trên đường Ti-bua (Tibur) Sau được đi về Lu-cô (Lucques). Giáo hội dâng lễ kính thánh Hy-pô-lit ngày 13.8.

Còn Lô-ren-sô, Ngài công nhiên đi khắp thành phố Roma, tập trung các bệnh nhân mà Giáo hội vẫn nuôi sống, gồm mọi thứ phong, hủi, mù lòa, què quặt…. độ ngàn rưởi người, Ngài mướn những chiếc xe ngựa và chở họ thẳng tới cung điện nhà vua.

Thấy công việc kỳ lạ của thầy Tổng phó tế, dân chúng Roma bảo nhau đi xem đông đúc. Đoàn xe ngừng lại trước sân rồng, Lô-ren-sô tâu trình lớn tiếng:

- Tâu hoàng đế, đây là tất cả kho tàng quý báu của Giáo hội chúng tôi. Đây là những người cùng khốn, nhưng nhờ công việc cứu trợ họ mà chúng tôi đã tích trữ được nhiều của quí trọng trên trời. Hoàng đế hãy đón nhận tất cả những của cải này để dùng cho dân thành Roma và cho chính hoàng đế.”

Biết mình bị lừa gạt và những lời thách thức khiêu khích đó, Valeriano đỏ mặt tía tai nổi giận đùng đùng.

- Ngươi phải chết, nhưng đừng tưởng sẽ được chết ngay đâu, ta sẽ kéo dài cái chết của ngươi bằng trăm ngàn cực hình.

Người lính chiến dũng cảm của Chúa Kitô mạnh dạn thưa:

- Ngài tưởng tôi sợ cực hình sao? Ô không! Ngài cho những cực hình đó là dữ tợn, song tôi không sợ chút nào, mà còn ước mong từ lâu.

- Ngươi tưởng rằng, những “của quý” kia sẽ cứu ngươi thoát khỏi những cực hình này sao?

- Tôi cậy vào của cải trên trời, là lòng Chúa nhân từ thương xót, Chúa sẽ ban cho hồn tôi được thanh thoát, dù khi thân xác tôi phải phanh ra trăm nghìn mảnh.

Bạo vương truyền đánh đòn thánh nhân lần nữa đồng thời lệnh cho lý hình nung đỏ những thanh sắt dí vào khắp mình thánh nhân.

Không kêu la than trách, thánh nhân chỉ ngửa mặt lên cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, Con một Thiên Chúa, xin hãy thương đến tôi tớ Chúa đã bị cáo là không chối danh Chúa, đã bị tra khảo vì dám tuyên xưng danh thánh Chúa giữa trăm ngàn cực hình”.

Bạo vương tức giận quát:

- Mày là thằng phù thủy, mày coi khinh cực hình, nhưng nhân danh các thần minh, nếu mày không tế lễ các Ngài ta sẽ hành hạ như chưa từng ai có thể làm được.

Thánh nhân mạnh bạo trả lời:

- Nhờ ơn Chúa, tôi không sợ chút nào, mọi khổ hình sẽ qua đi. Chúc đức vua hăng hái thi hành điều đức vua đã dự định để làm khổ tôi.

Hoàng đế Valêrianô vẫn chưa nguôi căm tức, ông truyền đặt trước mặt thánh tử đạo những dụng cụ hành hình có thể làm dựng tóc gáy người xem. Vua lên tiếng hỏi lý lịch thánh nhân. Lô-ren-sô trả lời:

- Quê tôi ở Tây Ban Nha, từ nhỏ tôi sang ở Rôma được rửa tội và giáo huấn trong đức tin công giáo.

- Người gọi Thiên Chúa Đấng dạy ngươi bất kính các thần minh và coi thường các khổ hình phải không?

- Nhân danh Chúa Kitô, tôi không sợ cực hình chút nào.

Nghe lời thách thức này, bạo vương căm giận như điên cuồng, ông truyền nung đỏ giường sắt và áp mình thánh nhân vào lửa. Nhưng vì toàn thân Ngài đã bị vết thương nên dù có bị đốt Ngài cũng không cảm thấy đau đớn hơn: Ngài nguyện thầm:

- Lạy Chúa, xin nhận của lễ xông mùi ngọt ngào này.

Rồi quay lại phía bạo vương Ngài nói:

- Tâu đức vua, đức vua phải biết rằng: lửa này chỉ làm cho tôi tươi tỉnh hơn, nhưng nó sẽ dành sức nóng của nó để thiêu đốt Ngài đời đời.

Người ta thấy Valêrianô có vẻ bối rối, bọt mép sùi ra; ông đã bị mù quáng trong giận dữ. Thánh nhân tươi cười nói thêm:

- Ngài không thấy nửa người tôi bị rán chín kỹ rồi sao? Hãy lật phía kia rán cho hết đi để Ngài có thể dùng thịt rán này”.

Khi lý hình đã lật Ngài lên, Ngài nói:

- Đã chín rồi, mời nhà vua ăn đi.

Lúc đó đoàn giáo dân sợ sệt đứng chung quanh thấy một vòng sáng lạ lùng bao bọc Ngài và xác Ngài tỏa ra hương thơm ngào ngạt.

Biết rằng cuộc chiến đấu sắp hoàn tất, thánh Lô-ren-sô tạ ơn Thiên Chúa rằng:

- Lạy Chúa tôi, tôi đội ơn Chúa, vì nhờ Chúa mà tôi sắp được vào nước hạnh phúc

Rồi Ngài tắt thở, hôm đó là ngày 10.8.258.

Xác thánh nhân được hai người lính kính cẩn an táng một nơi cách thành phố Roma hai ngàn thước. Tới thế kỷ IV vua Constantinô đã xây cất một ngôi thánh đường nguy nga trên chính mộ thánh nhân và thánh đường mang tên thánh nhân.

Lạy Chúa toàn năng, Chúa đã giúp thánh Lô-ren-sô toàn thắng trên ngọn lửa ác hình, xin tắt lửa ham muốn tội lỗi trong lòng chúng con.

 

7. Thánh Laurensô Phó Tế Tử Đạo—tgpsaigon.net

Thánh Laurensô sinh tại thôn Huêca nước Tây Ban Nha. Cha mẹ ngài là người rất đạo hạnh. Quãng đời thơ ấu của Laurensô không được ghi lại tường tận, chỉ biết rằng: Ngài sớm từ biệt quê hương thân yêu để sang du học tại Rôma và đã sống cả cuộc đời trần thế tại đây

Được sống nơi kinh đô Giáo Hội, Laurensô hăm hở học hành và rèn luyện nhân đức, nên chẳng bao lâu tiếng nhân đức và tài học rộng hiểu sâu của ngài vang lừng khắp nơi. Khi vừa lên ngôi ngày 30 tháng 8 năm 257, Đức tân Giáo Hoàng Xíttô đã chọn Laurensô làm Phó tế giúp việc cho ngài.

Nhưng rồi cơn bách hại đạo làm cho Giáo Hội Chúa lại phải sống trong âu lo và thử thách. Giông tố đó do Hoàng đế Valêrianô gây ra. Để trốn tránh, giáo sĩ cũng như giáo dân phải sống dưới những hang toại đạo hoặc trong những nhà giáo dân kín cổng, cao tường.

Hoàng đế Valêrianô ra lệnh cho quân lính bí mật theo dõi Đức Giáo Hoàng và một đêm kia, quân lính đã tìm ra con đường nhỏ, quanh co dẫn xuống hầm giữa nghĩa địa Prêtêta. Bắt được Đức Giáo Hoàng đang ngồi giảng dạy Lời Chúa giữa đông đảo giáo dân. Quân lính xông vào bắt Đức Giáo Hoàng và đoàn tháp tùng đem nộp cho quan. Ngài bị án chém đầu. Được tin sét đánh này, thầy Phó tế Laurensô vội vã chạy theo Đức Giáo Hoàng và năn nỉ xin được cùng chết với vị cha chung. Nhưng Đức Giáo Hoàng Xíttô an ủi:

- Con yêu dấu, cuộc bách hại đạo dữ dội đang chờ đợi con, vài ngày nữa con sẽ theo Cha. Phần Cha, nay đã già cả, Cha sẽ trải qua những thử thách này cách nhẹ nhàng, nhưng con còn trẻ trung, đầy nghị lực, con sẽ phải trải qua cuộc bách hại đạo vẻ vang hơn nhiều. Rồi Đức Giáo Hoàng ban phép lành vĩnh biệt người con yêu dấu, để đi ra pháp trường.

Trước cái tang chung của Giáo Hội và trước cảnh “Đoàn chiên không chủ chăn”, thầy Phó tế Laurensô suốt ngày đêm đi săn sóc và an ủi giáo dân đang ẩn nấp, rải rác khắp thành Rôma.

Hoàng đế Valêrianô là con người độc ác, lại tham lam, khi biết Giáo Hội còn nhiều tài sản, lập tức, ông hạ lệnh bắt thầy Phó tế Laurensô tới để tra của. Hoàng đế nói với thầy:

- Giáo Hoàng và các người Kitô giáo trách ta xử ác với họ. Giờ đây ta hứa sẽ dễ dãi nếu ông đem nộp cho ta tất cả của cải như chén vàng, đĩa bạc, chân nến và các đồ thờ quý giá: Ta rất cần các đồ đó để tăng cường ngân quỹ quốc gia.

Thầy nhanh nhẹn trả lời:

- Thưa Hoàng đế, tôi rất giàu, chính kho bạc của Hoàng đế cũng không thấm vào đâu, tôi sẽ nộp cho Hoàng đế những vật quý báu ấy. Vậy xin Hoàng đế cho tôi ít ngày để kịp thu gom của cải đó lại.

Hoàng đế gia hạn ba ngày.

Còn thầy Phó tế Laurensô ngang nhiên đi khắp thành phố Rôma, tập trung các bệnh nhân mà Giáo Hội vẫn cấp dưỡng, gồm mọi thứ bệnh: Phong cùi, mù loà què quặt, độ chừng 1.500 người. Ngài thuê những chiếc xe ngựa chở họ thẳng tới cung điện Hoàng đế.

Thấy công việc kỳ lạ của thầy, dân thành Rôma rủ nhau đi xem rất đông. Đoàn xe ngừng trước cung điện Hoàng đế, thầy tâu trình lớn tiếng:

- Tâu Hoàng đế, đây là tất cả kho tàng quí báu của Giáo Hội Công giáo chúng tôi, đây là những người nghèo khổ, bệnh tật, nhưng chính nhờ công việc cứu trợ họ và chúng tôi đã tích trừ được nhiều kho báu trên trời. Xin Hoàng đế hãy đón nhận tất cả của cải này để dùng cho thành Rôma và cho chính Hoàng đế.

Trước những lời đầy khiêu khích đó, Hoàng đế Valêrianô đỏ mặt, tía tai, nổi giận đùng đùng, ông truyền đánh đòn thầy bằng roi sắt; rồi truyền đem các dụng cụ hành hình ra trước mặt thầy và nói:

-  Ngươi sẽ phải chết, nhưng ngươi đừng tưởng sẽ được chết ngay đâu ta sẽ kéo dài cái chết của ngươi bằng trăm ngàn cực hình .

Người lính dũng cảm của Chúa Kitô mạnh dạn thưa:

- Ngài tưởng tôi sợ cực hình sao? Không đâu! Ngài cho những cực hình đó là ghê sợ, nhưng tôi không sợ chút nào, mà còn ước mong từ lâu.

- Ngươi tưởng rằng, “những của cải quí báu” kia sẽ cứu ngươi thoát những cực hình sao?

- Tôi cậy vào của cải trên trời, đó là lòng Chúa nhân từ thương xót. Thiên Chúa sẽ ban cho tôi được giải thoát, dù khi thân xác tôi phải phanh ra làm trăm ngàn mảnh.

Hoàng đế truyền đánh đòn thầy lần nữa. Đồng thời, Hoàng đế truyền cho lý hình nung đỏ những thanh sắt dí vào khắp mình ngài.

Không kêu la, than trách, thầy ngửa mặt lên trời cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, xin hãy thương đến tôi tớ Chúa đã bị kết án là không chối Chúa, đã bị tra tấn vì dám tuyên xưng Danh Thánh Chúa giữa trăm ngàn cực hình”.

Hoàng đế tức giận hét lên:

- Mày là thằng phù thủy, mày coi khinh cực hình, nhưng nhân danh các thần minh, nếu mày không tế lễ các ngài, ta sẽ hành hạ mày như chưa từng ai có thể làm được.

Thầy mạnh dạn trả lời:

-  Nhờ ơn Chúa, tôi không sợ chút nào, mọi cực hình sẽ qua đi. Chúc Hoàng đế hăng hái thi hành điều ngài dự định để làm khổ tôi.

Được lệnh, lý hình lấy roi sắt tua gắn chì đánh túi bụi vào thân xác ngài, đến nỗi những mảnh thịt bóc ra tung toé. Khắp mình mẩy tím bầm, đẫm máu. Thầy tưởng giờ phút vinh quang đã tới. Nhưng từ trời có tiếng vang lên báo cho ngài biết ngài còn phải chịu đựng thử thách gay go hơn nữa. Chính Hoàng đế cũng nghe thấy những tiếng vang đó, Hoàng đế kêu lên:

- Đoàn quân Rôma, các ngươi không nghe thấy ác quỉ đang kéo tới cứu phạm nhân, khinh dể thần minh và coi thường các khổ hình sao?

Như không để ý đến lời hò hét của Hoàng đế, thầy sốt sắng cầu xin:

-  Lạy Chúa, xin thương đến người tôi tớ bất xứng này, con nguyện xin Chúa hãy ban cho những người có mặt đây được trở lại cùng Chúa. Xin Chúa hãy an ủi họ trước toà phán xét.

Bấy giờ, một Thiên thần lấy hình một thanh niên tới an ủi và lau chùi các vết thương cho thầy. Một binh sĩ tên là Rômanô được Chúa cho xem thấy sự lạ này, đã mạnh dạn tiến thẳng tới xin thầy Phó tế Laurensô rửa tội cho anh và sau đó Rômanô cũng được phúc tử đạo.

Hoàng đế Valêrianô vẫn chưa nguôi căm tức, Hoàng đế truyền đặt trước mặt thầy những dụng cụ hành hình có thể làm sởn tóc gáy người xem. Hoàng đế hỏi lý lịch, thầy trả lời:

- Quê tôi ở Tây Ban Nha, từ nhỏ tôi đến ở Rôma được rửa tội và được giáo dục trong đức tin Công giáo.

- Ngươi tôn thờ Thiên Chúa, Đấng dạy ngươi bất kính các thần minh và coi thường các khổ hình phải không?

- Nhân danh Chúa Kitô, tôi không sợ khổ hình chút nào .

Nghe lời thách thức đó, Hoàng đế căm giận như điên cuồng, truyền nung đỏ giường sắt và đặt thầy lên giường sắt nung đỏ. Lúc đó, ngài cầu nguyện:

- Lạy Chúa, xin nhận hy lễ xông hương thơm ngọt ngào này.

Rồi, quay sang phía Hoàng đế, ngài nói:

- Tâu Hoàng đế, Hoàng đế có biết không, lửa này chỉ làm cho tôi tươi tỉnh hơn, nhưng nó sẽ dành sức nóng để thiêu đốt Hoàng đế đời đời.

Hoàng đế Valêrianô tức giận, sùi bọt mép và trở nên mù quáng trong giận dữ còn thầy tươi cười nói tiếp:

- Hoàng đế không thấy nửa người tôi được nướng chín kỹ rồi sao? Hãy lật phía kia để nướng tiếp cho kỹ đi để Hoàng đế có thể ăn thịt nướng này.

Khi lý hình đã lật thầy lên, ngài nói:

-  Đã chín rồi, mời Hoàng đế ăn đi.

Lúc đó, đoàn giáo dân đứng vây quanh, thấy một vầng sáng lạ lùng bao quanh thầy và xác ngài toả ra hương thơm ngào ngạt.

Biết rằng cuộc chiến đấu sắp hoàn tất, thầy cảm tạ Thiên Chúa:

- Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa, vì nhờ Chúa mà con sắp được vào nước hạnh phúc,

Rồi ngài tắt thở, hôm đó là ngày 10 tháng 8 năm 258.

Xác thầy được hai linh mục kính cẩn an táng một nơi cách thành phố Rôma hai ngàn thước. Thế kỷ IV, Hoàng đế Constantinô đã xây cất một ngôi thánh đường nguy nga trên chính mộ thánh nhân và được mang tên thánh Laurensô.

 

8. Như hạt lúa mì

Từ thế kỷ thứ IV, người ta đã mừng lễ kính Ngài với một đêm canh thức trọng thể và từ Roma, việc tôn kính Ngài đã lan khắp Giáo hội rất sớm. Các thánh Ambroise ở Milan, Augustin ở Châu Phi và Maxime ở Turin đều có lưu lại những bài giảng về lễ kính thánh nhân. Và sau thánh Ambroise, thánh Prudence cũng kể lại cuộc tử đạo của thánh nhân (công vụ của Polychrone và các bạn, khoảng năm 550).

Mặc dầu nhiều chi tiết trong cuộc khổ nạn đó mang tính huyền thoại, nhưng lại là nguồn gốc cho các điệp ca trong thần vụ. Thánh Ambroise khi kể lại cuộc tử nạn đó một thế kỷ sau nói rằng thánh Laurent bị thiêu trên một giàn sắt. Xác Ngài được an táng trên đường Tiburtina, nửa thế kỷ sau, hoàng đế Constantin cho xây một thánh đưòng trên mộ Ngài: Đây chính là đại giáo đường thánh Laurent ngoại thành, một trong bảy nhà thờ lớn ở Roma, và là nhà thờ chính trong tám nhà thờ của thành phố Rôma dâng kính thánh nhân.

Chuyện về các hành vi trong cuộc khổ nạn của thánh Laurent kể rằng thánh nhân bị bắt vì không tuân luật thuế quan buộc nộp các tài sản Giáo hội cho chính quyền hoàng đế. Sau khi xin khất lại, Ngài tập hợp những người nghèo khó, ốm đau lại và hai ngày sau, Ngài đưa họ đến trước mặt quan quyền và thưa: "Đây là tài sản của Giáo hội!".

Thánh nhân liền bị bắt và tra khảo nhiều lần. Ngài đã trả lời các lý hình: "Tôi tôn thờ Thiên Chúa của tôi, tôi chỉ phụng sự một mình Chúa, nên tôi đâu sợ cái tra khảo của các ông". Bị đặt trên một vỉ sắt dưới để than cháy, Ngài còn quay lại phía lý hình, đùa: "Anh trở tôi được rồi đấy, bên này chín rồi". Đức giáo hoàng Damase cho khắc trên mộ ngài: "đòn roi, lý hình, lửa thiêu, hình khổ, xích xiềng, tất cả điều thua đức tin của Lôrensô".

Niềm tin và lòng bác ái của thánh Laurent cũng như đức can đảm anh hùng của Ngài qua nhiều thế kỷ là nguồn cảm hứng cho lời cầu nguyện của Giáo hội, lòng đạo đức của giáo dân, rất nhiều tranh ảnh, thậm chí cả kiến trúc ...

Quả thế, Philippe II, để thực hiện lời hứa với thánh Lôrensô, đã xây Escorial trong tỉnh Madrid, theo dạng thiết kế một giàn sắt nhắc nhớ dụng cụ tra tấn thánh phó tế Lôrensô xưa. Còn thánh Bênado thế kỷ XII thì dâng tu viện Thoronet vùng Var để kính thánh nhân. Thánh Lôrensô được nhắc tới trong lời nguyện Thánh Thể và có tên trong kinh cầu các thánh.

Ðịnh luật chết đi để trổ sinh hoa trái đã được Chúa Giêsu Kitô, Thầy chúng ta, thi hành nêu gương trước. “Không ai có tình yêu lớn hơn kẻ hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu”, nếu không có mẫu gương đi kèm theo lời dạy đầy cương quyết của Chúa thì có lẽ chúng ta không màng chi đến việc phải chết đi, phải hy sinh chính mạng sống mình để phục vụ điều thiện hảo của anh chị em. Không hy sinh thì sẽ không có phục vụ đích thực và không phục vụ đích thực thì ta chưa phải là đồ đệ đích thực của Chúa.

Tin Mừng hôm nay dùng hình ảnh hạt giống phải chết đi mới trổ sinh nhiều hoa trái để nhắc cho môn đệ Chúa Giêsu phải biết sống hình ảnh cao cả nhất của việc cho đi là biết chấp nhận chết đi nơi bản thân, biết hy sinh chính mạng sống mình như thánh Lôrensô vì tình yêu Chúa.

"Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24). Theo định luật tự nhiên, để có bông hoa đẹp tươi nở khoe sắc lung linh trên cành, thì nguồn gốc trước kia nó từng là một hạt nhỏ xấu xí, khô lóc. Nhưng khi gặp đất và nước, nó trương lên, nứt nẻ rồi bung ra, ngoi lên mầm sống mới, cây từ từ phát triển đến lúc nở hoa sinh trái. Hạt lúa được gieo vào ruộng bùn cũng phải trương lên, hư thối để mọc lên cây mạ, rồi thành cây lúa tươi tốt và cuối cùng sinh bông hạt trĩu nặng.

Đó là một cuộc đánh đổi tự nhiên mà vô cùng lời lãi. Bởi vì “Gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ, gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí” (1Cr 15, 42-44). Chính Chúa Giêsu đã từ bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, hạ mình đến nỗi bằng lòng chịu chết trên cây thập tự, để rồi sinh ơn cứu rỗi, cho muôn người được ơn cứu độ và bước vào sự sống mới.

Chúa Giêsu dùng hình ảnh hạt lúa thật dễ hiểu để áp dụng cho cuộc đời của Người, đồng thời là qui luật chung cho những ai muốn bước theo Ngài. Người chính là hạt lúa được gieo vào lòng đất. Cuộc thương khó và cái chết của Người dẫn tới sự sống bất diệt, để quy tụ dân Do Thái và dân ngoại thành một cộng đoàn đông đảo được hưởng ơn cứu độ.

Trong cuộc đời người Kitô hữu, nếu tôi sẵn sàng chịu bung vẩy trày xước vì lội ngược dòng đời, để sống theo Lời Chúa dạy, chết đi cho những tội lỗi, nết xấu, thì chính Chúa sẽ biến đổi, làm cho tôi được lại sự sống mới, như thánh Phaolô nói: “Đấng cung cấp hạt giống cho kẻ gieo, và bánh làm của ăn nuôi dưỡng, tất sẽ cung cấp dư dật hạt giống cho anh em gieo, và sẽ làm cho đức công chính của anh em sinh hoa kết quả dồi dào (2Cr 9,10).

“Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó” (Ga 12, 25-26). Chúa Giêsu quả quyết: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy”. Cái được-mất trong sự bỏ mình hay giữ lấy, Người đã chứng minh bằng luật tự nhiên: “Nếu hạt giống rơi xuống đất không thối đi, nó sẽ chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, nó sẽ nảy sinh hàng trăm những hạt khác”.

Với ý nghĩa này, ta có thể nhận ra lý do phải hy sinh, “chết” đi để được “sống”. Ai chăm lo tìm kiếm lạc thú ở đời này thì sẽ mất đời sống vĩnh cửu. Còn ai dám từ bỏ bản thân vì Chúa và vì Tin Mừng thì sẽ được hưởng sự sống đời đời mai sau. Người môn đệ - “kẻ phục vụ Thầy” cũng phải đi cùng một con đường như Chúa Giêsu để đạt tới vinh quang. Như hạt lúa, chúng ta cũng phải chết đi cho tội lỗi để sinh nhiều bông hạt.

 

9.  Tài sản của Giáo Hội-- ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’

Hôm nay, Giáo Hội kính nhớ một vị thánh được tôn kính rất nhiều trong những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo: đó là thánh Lôrenxô.

Thật ra, người ta biết rất ít về vị thánh này...

Theo tương truyền, thì Lôrenxô là một vị phó tế người Roma phục vụ Giáo Hội dưới thời Ðức Giáo Hoàng Sixtô II, và có lẽ cũng đã chịu tử đạo trong thời kỳ bách hại của Hoàng đế Velerianô vào thế kỷ thứ 3.

Chuyện kể lại rằng, cũng như các phó tế trong giai đoạn tiên khởi của Giáo Hội, Lôrenxô được giao phó trách nhiệm quản lý tài sản của Giáo Hội và trợ giúp người nghèo. Ngày nay chúng ta gọi là hoạt động xã hội của Giáo Hội.

Sau khi Ðức Sixtô II bị bắt giữ, phó tế Lôrenxô cũng đã nghĩ ngay đến số phận chờ đợi mình mà Giáo Hội phải trải qua. Ngài tập trung lại tất cả những người nghèo, các bà góa và các em cô nhi tại Roma. Tất cả tài sản của Giáo Hội, ngài phân phát cho họ. Ðể cung cấp đủ cho số người túng thiếu quá đông, ngài đã cho bán cả các chén thánh dùng trong phụng tự...

Hoạt động bác ái quá rầm rộ này không mấy chốc đến tai viên thị trưởng Roma. Ông cho rằng, Giáo Hội phải có rất nhiều kho tàng. Thế là Lôrenxô đã bị điệu đến để cung khai về tất cả tài sản của Giáo Hội. Vị phó tế khôn ngoan này đã xin hoãn lại một thời gian để xếp đặt mọi sự và lập danh sách của cải của Giáo Hội. Trong suốt ba ngày, ngài cho triệu tập những người tàn tật, đui mù, góa bụa, cô nhi... và cho họ xếp hàng đứng trước dinh viên thị trưởng. Rồi ngài dõng dạc tuyên bố: "Ðây là tất cả tài sản của Giáo Hội".

Viên thị trưởng đã cho lời tuyên bố này là một thách thức ngạo mạn. Ông truyền lệnh cho thiêu sống Lôrenxô trên một chiếc giường sắt được nung đỏ. Các lý hình thay phiên nhau để quay trở thân xác của thánh nhân như một con thú...

Câu chuyện trên đây có thể chỉ là sản phẩm của một lòng tôn kính cao độ mà các tín hữu thời sơ khai dành cho một vị thánh. Nhưng, dù không biết nhiều về vị thánh này, chúng ta vẫn có thể xác quyết một điều: ngài đã chết vì Ðức Kitô. Sự thánh thiện ở thời đại nào cũng được định nghĩa như một sự đáp trả hoàn toàn đối với lời mời gọi bước theo Ðức Kitô.

Sống và chết cho Ðức Kitô: đó là ơn gọi từng ngày của người Kitô. Có nhiều hình thức bắt đạo khác nhau: từ những sắc lệnh cấm đạo công khai cho đến những hạn chế tự do tín ngưỡng một cách tinh vi.

Có nhiều hình thức tử đạo khác nhau: từ cảnh đầu rơi, máu đổ cho đến những cái chết dần mòn trong nơi lao tù, cũng như những khước từ hy sinh từng ngày mà mỗi người Kitô đang phải trải qua.

Sống trọn vẹn ơn gọi của người Kitô cũng là một hình thức tử đạo từng ngày. Quyết trí trung thành lắng nghe tiếng nói của lương tâm để không chạy theo những cám dỗ của quyền lực, của tiền bạc, của gian dối, của lường gạt: đó cũng là một cuộc tử đạo dai dẳng.

Quyết trí trung thành với Giáo Hội dù phải chịu những phân biệt đối xử, dù phải bị tước đoạt quyền lợi: đó cũng là một cuộc tử đạo dai dẳng.

 

10. Hy Sinh Và Phục Vụ-- ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’

Văn sĩ Robert Jordan Mayer đã viết tập sách có tựa đề Tạ Ơn Chúa. Trong đó ông chia ra ba loại cho đi: cho đi vì tức, cho đi vì bổn phận và cho đi vì lòng biết ơn.

- Kẻ cho đi vì tức thường nói: “Tôi không thích cho đi, vì kẹt quá nên đành phải làm như vậy”. Cho đi vì tức thì cho đi rất ít, vì món quà mà không có người cho thì không giá trị.

- Người cho đi vì bổn phận thì nói: “Tôi phải cho đi”. Cho đi vì bổn phận thì cho đi nhiều hơn là cho đi vì tức, nhưng món quà không hấp dẫn, không màu sắc.

- Người cho đi vì lòng biết ơn thì nói: “Tôi muốn cho đi”. Cho đi vì lòng biết ơn thì cho đi mọi sự và làm cho thế gian nhìn thấy hình ảnh Thiên Chúa.

Chúng ta hãy xét xem mình thuộc loại người nào trong ba mẫu người vừa nêu trên: cho đi vì tức, cho vì bổn phận và cho đi vì lòng biết ơn.

Bài Phúc Âm hôm nay dùng hình ảnh hạt giống phải chết đi mới trổ sinh nhiều hoa trái để nhắc cho môn đệ Chúa Giêsu phải biết sống hình ảnh cao cả nhất của việc cho đi là biết chấp nhận chết đi nơi bản thân, biết hy sinh chính mạng sống mình như thánh Laurensô vì tình yêu Chúa.

Ðịnh luật chết đi để trổ sinh hoa trái đã được Chúa Giêsu Kitô, Thầy chúng ta, thi hành nêu gương trước. “Không ai có tình yêu lớn hơn kẻ hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu”, nếu không có mẫu gương đi kèm theo lời dạy đầy cương quyết của Chúa thì có lẽ chúng ta không màng chi đến việc phải chết đi, phải hy sinh chính mạng sống mình để phục vụ điều thiện hảo của anh chị em. Không hy sinh thì sẽ không có phục vụ đích thực và không phục vụ đích thực thì ta chưa phải là đồ đệ đích thực của Chúa.

Lạy Chúa,

Xin hãy khắc ghi thật sâu vào tâm trí con Lời Chúa dạy về hy sinh và phục vụ. Vì công nghiệp của thánh Laurentio tử đạo, xin ban cho con ơn can đảm và trung thành với Chúa trong mọi hoàn cảnh và ngay cả khi phải hy sinh mạng sống vì Chúa và vì anh em.

 

11. Thánh Laurensô--Lm. Nguyễn Hưng Lợi

Ca nhập lễ lễ thánh Laurensô viết rằng: “Đây là thánh Laurensô, Người đã hiến thân phục vụ Hội Thánh: vì thế Người được phúc tử đạo, để hân hoan tiến lên gặp Chúa Kitô”.

Thánh Laurensô đã kiên cường phục vụ Giáo Hội, phục vụ dân Chúa bất chấp những gian nan, thử thách khó nguy, Ngài đã xứng đáng lãnh nhận triều thiên nước trời.

CON NGƯỜI KIÊN CƯỜNG:

Thánh Laurensô sinh ra trong một gia đình đạo đức: cha mẹ của Ngài là những người rất mực đạo hạnh. Ngài được cha mẹ hạ sinh tại miền Huescô, nước Tây Ban Nha. Vì cha mẹ Ngài rất sùng đạo, luôn ở trung tín với Thiên Chúa, với Hội Thánh và yêu thương mọi người, thánh nhân đã sớm được cha mẹ cho đi du học bên Roma và Ngài sống suốt cuộc đời tại đây. Thánh nhân học giỏi, chuyên cần và siêng năng đạo đức, trau dồi kiến thức, nên chẳng bao lâu tiếng tăm của Ngài đã vang dội khắp nơi. Đức Giáo Hoàng Sixtô liền triệu vời Ngài và đặt Ngài làm phó tế giúp việc cho tòa thánh. Thời GiáoHội sơ khai, chức phó tế không quá 7 người và chỉ có chức đó mới được chọn làm Giáo Hoàng. Cuộc bách đạo lúc đó nổi lên, Giáo Hội gặp sóng gió lớn, các kẻ thù tìm cách bắt vị thủ lãnh Giáo Hội để làm cho đàn chiên tan tác. Thánh Laurensô luôn kiên cường đi thăm viếng các tín hữu nơi các hang toại đạo, giảng dậy và ban các bí tích. Thánh nhân có tấm lòng yêu thương các người nghèo nàn, nhất là những người ốm đau, bệnh tật. Thánh nhân bị bắt, bị tra tấn dã man, nhưng Ngài vẫn một mực trung thành với Thiên Chúa, với Giáo Hội, Ngài cảm nghiệm sâu xa lời Chúa “Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó” (Ga 12,26)

THÁNH NHÂN LÃNH PHÚC THIÊN ĐÀNG:

Nhà vua đã tìm mọi cách để dụ dỗ thánh nhân bỏ đạo, nhưng thánh Laurensô đã một mực trung thành với Chúa và nhất quyết không bao giờ bỏ đạo. Vua căm phẫn vì không thuyết phục nổi thánh nhân, nên đã hạ lệnh cho lý hình nung đỏ giường sắt và đặt ngài trên đó. Thánh nhân đã vui cười chịu đựng và sau cùng đã ra đi về với Chúa trong bình an ngày 8 tháng 8 năm 258.

Lạy Thiên Chúa toàn năng, chính vì được tình yêu Chúa nung nấu, thánh phó tế Laurensô đã trung thành phục vụ và đạt tới phúc tử đạo vinh quang. Xin cho dân Chúa biết thực hành những điều Người dậy và noi gương Người mà yêu mến Chúa và anh em (Lời nguyện Nhập lễ, Lễ thánh Laurensô, phó tế, tử đạo).

 

12. Thánh Laurensô (+258)--Lm. Phaolô Phạm Quốc Tuý

Thánh Laurensô là vị thánh tử đạo Roma được biết đến nhiều nhất. Từ thế kỷ thứ IV, một mình Ngài ngoài các thánh tông đồ, được kính nhớ với thánh lễ vọng. Sách nghi thức Đức giáo hoàng Lêô thế kỷ VI có không dưới 14 lễ kính Ngài. Trời Trung Cổ đã có ít là 34 thánh đường ở Roma dâng kính thánh nhân. Ngài là vị thánh bổn mạng thứ ba của thành Roma.

Tại sao thánh Laurensô được tôn kính cách đặc biệt như vậy? Thật khó mà trả lời được. Nếu bản tường thuật về cuộc tử đạo của Ngài là đúng sự thật, câu trả lời ấy sẽ rõ rệt.

Sau đây là tóm lược bản tường thuật ấy:

Là tổng phó tế của thánh Xystô, Laurensô gặp Đức giáo hoàng đang bị bắt giữ và trách Ngài đã không cho mình được chia sẻ triều thiên tử đạo với Ngài. Đức giáo hoàng hứa rằng trong vài ngày nữa, Laurensô sẽ được lãnh phúc tử đạo, đau đớn hơn nhiều. Ngài còn truyền cho vị tổng phó tế của mình hãy phân phát tài sản Giáo hội cho người nghèo. Khi những lời này tới tai hoàng đế Đêciô, ông truyền bắt giam Laurensô. Thánh nhân cải hóa được viên gác ngục Hippolytô. Bị điệu tới trước viên tổng trấn Valrianô, Ngài được lệnh phải nhượng lại các tài sản của Giáo hội. Được dành cho ba ngày để thâu thập của cải, Ngài đã mang tất cả tài sản phân phát cho kẻ nghèo. Hết hạn Ngài dẫn họ tới trình với tổng trấn Valêrianô, như là tài sản của Giáo hội. Viên tổng trấn nổi giận, buộc thánh nhân phải dâng lễ tiến các thần minh.

Từ khước, thánh nhân phải chịu mọi cực hình, bị nướng trên sắt nung đỏ. Trên giường chết lạ lùng này, Ngài còn chế nhạo Dêciô, người đích thân ngồi ghế chánh án rằng: - Một bên đã chín rồi hãy chiên bên kia nữa mà ăn.

Bản tường thuật khó tin nổi. Tác giả đã lẫn lộn hai vị hoàng đế Dêciô và Valêrianô khi coi ông này là tổng trấn dưới quyền ông kia. Hơn nữa, Đức Xystô không bị xử mà bị chặt đầu khi bị giam.

Một cách tổng quát, người ta công nhận rằng: thánh Laurensô là một trong bảy vị phó tế của Đức Xystô và chịu tử đạo vào năm 158. Nhưng nếu Ngài chỉ bị chặt đầu như các bạn thì chắc không đủ lý do để được tôn kính đặc biệt như vậy.

 

13. Thánh Laurensô--Enzo Lodi

Thánh nhân phải chịu mọi cực hình, bị nướng trên sắt nung đỏ. Trên giường chết lạ lùng này, Ngài còn chế nhạo Đêciô, người đích thân ngồi ghế chánh án rằng:  - Một bên đã chín rồi hãy chiên bên kia nữa mà ăn.

1. Lịch sử - phụng vụ

Theo Depositio Martyrum trong lịch thánh Jérôme, thánh Lôrensô đã tử đạo tại Rôma, trên đường Tiburtina ngày 10 tháng 8 năm 258, bốn ngày sau các phó tế khác bị xử tử cùng với Đức giáo hoàng Sixte II, lễ kính ngày 7 tháng 8 (xem Cyprien, Ep 80). Từ thế kỷ thứ IV, người ta đã mừng lễ kính Ngài với một đêm canh thức trọng thể và từ Roma, việc tôn kính Ngài đã lan khắp Giáo hội rất sớm. Các thánh Ambroise ở Milan, Augustin ở Châu Phi và Maxime ở Turin đều có lưu lại những bài giảng về lễ kính thánh nhân. Và sau thánh Ambroise, thánh Prudence cũng kể lại cuộc tử đạo của thánh nhân (công vụ của Polychrone và các bạn, khoảng năm 550). Mặc dầu nhiều chi tiết trong cuộc khổ nạn đó mang tính huyền thoại, nhưng lại là nguồn gốc cho các điệp ca trong thần vụ. Thánh Ambroise khi kể lại cuộc tử nạn đó một thế kỷ sau nói rằng thánh Laurent bị thiêu trên một giàn sắt. Xác Ngài được an táng trên đường Tiburtina, nửa thế kỷ sau, hoàng đế Constantin cho xây một thánh đưòng trên mộ Ngài: Đây chính là đại giáo đường thánh Laurent ngoại thành, một trong bảy nhà thờ lớn ở Roma, và là nhà thờ chính trong tám nhà thờ của thành phố Rôma dâng kính thánh nhân.

2. Thông điệp và tính thời sự

Các lời nguyện thánh lễ cũng như các bản văn khác trong phụng vụ Giờ kinh tô điểm hình ảnh phó tế Lôrensô, vị tử đạo nổi tiếng nhất của Giáo hội Rôma.

Lời nguyện trong ngày nhắc lại lòng bác ái nồng nhiệt của vị thánh phó tế luôn trung thành với việc phục vụ đến nổi được vinh quang tử đạo, như lời thánh Augustin đã mô tả rất xác đáng: “Anh em biết đấy, trong Giáo hội ở Rôma, Ngài thi hành chức năng phó tế. Chính tại đây Ngài trình bày về Máu thánh Đức Kitô, và chính tại đây Ngài đổ Máu mình vì thánh danh Đức Kitô” (phụng vụ bài đọc: bài giảng của thánh Augustin)

Chuyện về các hành vi trong cuộc khổ nạn của thánh Laurent kể rằng thánh nhân bị bắt vì không tuân luật thuế quan buộc nộp các tài sản Giáo hội cho chính quyền hoàng đế. Sau khi xin khất lại, Ngài tập hợp những người nghèo khó, ốm đau lại và hai ngày sau, Ngài đưa họ đến trước mặt quan quyền và thưa: “Đây là tài sản của Giáo hội!”. Thánh nhân liền bị bắt và tra khảo nhiều lần. Ngài đã trả lời các lý hình: “Tôi tôn thờ Thiên Chúa của tôi, tôi chỉ phụng sự một mình Chúa, nên tôi đâu sợ cái tra khảo của các ông”. Bị đặt trên một vỉ sắt dưới để than cháy, Ngài còn quay lại phía lý hình, đùa: “Anh trở tôi được rồi đấy, bên này chín rồi”. Đức giáo hoàng Damase cho khắc trên mộ ngài: “đòn roi, lý hình, lửa thiêu, hình khổ, xích xiềng, tất cả điều thua đức tin của Lôrensô”.

Niềm tin và lòng bác ái của thánh Laurent cũng như đức can đảm anh hùng của Ngài qua nhiều thế kỷ là nguồn cảm hứng cho lời cầu nguyện của Giáo hội, lòng đạo đức của giáo dân, rất nhiều tranh ảnh, thậm chí cả kiến trúc... Quả thế, Philippe II, để thực hiện lời hứa với thánh Lôrensô, đã xây Escorial trong tỉnh Madrid, theo dạng thiết kế một giàn sắt nhắc nhớ dụng cụ tra tấn thánh phó tế Lôrensô xưa. Còn thánh Bênado thế kỷ XII thì dâng tu viện Thoronet vùng Var để kính thánh nhân. Thánh Lôrensô được nhắc tới trong lời nguyện Thánh Thể và có tên trong kinh cầu các thánh.

 

14. Thánh Laurensô Phó Tế Tử Đạo--Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

“Nếu hạt lúc mì rơi xuống đất không thối đi thì nó không sinh hoa kết quả”. Ðây là hình ảnh nói về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu: chết mới nói lên lời, chết mới được tôn vinh. "Khi nào Ta bị treo lên, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta" "Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu" (Ga 15, 13). Ðức Giêsu đã khải hoàn đi vào Giêrusalem như một vị vua hiền lành và khiêm tốn, cỡi trên mình lừa. Cuộc khải hoàn vinh thăng đưa Chúa Giêsu vào bữa tiệc ly và Ngài loan báo về cuộc tôn vinh sắp tới của Ngài (Ga 12,20-36). Chính lúc chết đi, Chúa Giêsu được Cha của Ngài tôn vinh. Giờ khổ nạn và cái chết thập giá của Chúa Giêsu là giờ Ngài được tôn vinh (Ga 12, 23).

Ðiều này rất phù hợp với cuộc đời của thánh Lô-ren-xô phó tế, vì rằng Ngài được sinh ra ở nước Tây Ban Nha, miền Huescô trong một gia đình đạo đức, thánh thiện. Ngài sống quãng đời niên thiếu với sự ấp ủ yêu thương của cha mẹ. Ngài được cha mẹ uấn nắn, giáo dục trong sự kính sợ Chúa, tuân theo ý Chúa. Thánh nhân sớm rời bỏ gia đình, nước Tây Ban Nha để du học bên Roma và sống trọn quãng đường trần thế ở Roma.

Thánh nhân luôn chứng tỏ là người ham học, tìm tòi và trau dồi tài đức. Ngài có cuộc sống trí thức và đạo đức trổi vượt. Danh tiếng Ngài lan tỏa khắp nơi, vì thế chẳng bao lâu Ðức Thánh Cha biết và cất nhắc Ngài. Ðức Giáo Hoàng Sixtô triệu Ngài và đặt Ngài làm phó tế giúp việc Tòa Thánh. Vào thời thánh nhân, chức phó tế thuộc giáo triều không được quá 7 người và chỉ có những vị này mới có cơ may lên ngôi Giáo Hoàng.

Thánh Lô-ren-xô luôn nêu gương đời sống thánh thiện cho nhiều người. Ngài sống sự sống của Chúa như lời thánh Phaolô nói: "Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Ðức Kitô sống trong tôi". Thánh nhân đã hoàn toàn lột bỏ con người cũ và mặc lấy chính Ðức Kitô. Cuộc sống của Ngài hoàn toàn thuộc về Chúa. Thánh nhân hăng say làm việc tông đồ. Ðiều Ngài lãnh nhận nơi Chúa: "Các con đã lãnh nhận nhưng không, phải cho nhưng không", thánh Lô-ren-xô đã trao ban lại tình yêu cho nhiều người khác, nhất nhất để tôn vinh Ðức Kitô. Ngài ý thức mãnh liệt: "Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi", nên trước những thử thách, trước phong ba bão táp của cuộc đời, thánh nhân vẫn luôn đặt tin tưởng vào Chúa: "Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho tới tận thế". Thánh Lô-ren-xô cảm nghiệm sâu xa lời của Chúa Giêsu: "Thầy đây đừng sợ".

Thánh nhân luôn kiên cường trước cơn bách đạo khốc liệt thời Valerius. Ðánh chủ chiên, chiên sẽ tan nát. Ðó là chủ trương của những kẻ cấm đạo. Thánh nhân đã miệt mài, siêng năng thăm viếng các kitô hữu đang trú ẩn trong các hang toại đạo, khuyến khích, động viên họ kiên cường giữ đạo, giảng dậy cho họ và ban bí tích cho họ. Thánh nhân có tấm lòng yêu thương những người nghèo, những người cùng khổ, những người bệnh hoạn tật nguyền. Hăng say với sứ mạng loan truyền ơn cứu độ và giới thiệu Ðức Kitô cho người khác, miệt mài, cần cù với công việc, Ngài không sợ hiểm nguy vì Ngài xác tín Chúa luôn hiện diện và Thánh Thần luôn hướng dẫn chỉ bảo. Ngài cứ xông xáo với công việc cứu thế. Ðể cho vinh danh Chúa được chiếu tỏa mãnh liệt, Chúa đã gửi thánh giá cho Ngài. Ngài bị bắt, bị tra tấn dã man và vì không lay chuyển được lòng tin của thánh Lô-ren-xô bỏ đạo, nhà vua đã căm tức cho nung đỏ giường sắt và đặt Ngài nằm trên giường đã được nung đỏ. Ngài quyết một lòng trung thành với Ðức Kitô. Thánh nhân tuy đau đớn thân xác tột độ, nhưng Ngài vẫn tươi cười chịu đựng những cực hình không sao diễn tả nổi. Thánh nhân đã an nghỉ trong Chúa ngày 10/8/258 trong tình yêu vô biên của Thiên Chúa.

Thánh nhân được đặt làm bổn mạng của những người nghèo và là quan thầy của những quản thủ thư viện, quan thầy của phòng cháy chữa cháy và những nghề nghiệp có liên quan tới lửa.

Mừng lễ thánh Lô-ren-xô phó tế, ta hãy xin Người cầu thay nguyện giúp ta để ta luôn cảm nghiệm sâu xa lời Chúa: "giả như hạt lúa gieo xuống đất không chết đi, thì nó trơ trọi một mình".

Xin Chúa ban cho chúng ta luôn biết noi gương bắt chước thánh nhân yêu thương người nghèo và nhiệt tình với sứ mạng mỗi người đã được Giáo Hội trao phó.

Xin thánh Lô-ren-xô thắp lên trong lòng chúng con ngọn lửa yêu mến Chúa.

 

15. Chết vì tin mừng mới sống thực--Linh mục Giuse Đinh Quang Thịnh

Phó tế Laurensô Tử Đạo vào ngày 10 tháng 8 năm 258, vào đầu thế kỉ IV các tín hữu rất sùng kính Ngài. Ngay tại Roma, có tới 35 nhà thờ mang tên Laurensô. Suốt năm phụng vụ có 25 lễ kính, trong đó có thánh lễ kính thánh Laurensô và có Kinh Chiều I. Ngài là một trong bảy Phó tế sống bên cạnh Đức Giáo hoàng. Thời ấy, Phó tế được bầu làm Giáo hoàng, nhiệm vụ của Phó tế là giữ tài sản của Giáo Hội do giáo dân dâng cúng để chia sẻ vào việc từ thiện. Đêxyô, vua Rôma đã ra lệnh chặt đầu Đức Giáo Hoàng Sistus II và các phó tế đang dâng lễ với Đức Giáo Hoàng trong hang toại đạo. Riêng có phó tế Laurensô được tha mạng nhằm bắt ông phải hiến tất cả tài sản của Giáo Hội cho vua, vì Laurensô hứa với vua là 3 ngày sau sẽ dâng tất cả. Trở về nhà, Laurensô lấy tất cả tài sản đang quản lý chia cho mọi người nghèo, rồi ông dẫn những người nghèo ấy đến trước mặt vua, thưa: “Đây là tài sản của Hội Thánh, tôi dâng hết cho ngài”. Vua căm phẫn trước cử chỉ ngạo ngược ấy của Laurensô, nên sai nung lửa tấm sắt đỏ rực, rồi trói Laurensô quăng trên đó, nằm trên tấm sắt Laurensô còn khôi hài nói với vua: “Thưa ngài, phía này chín rồi, ngài có thể ăn được!”

Như vậy, Laurensô đã thực thi Lời Kinh Thánh: “Mỗi người hãy cho tùy theo ý định của lòng mình, không buồn phiền, không miễn cưỡng, vì ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương” (2 Cr 9,7: Bài đọc). Laurensô không chỉ rộng tay chia sẻ của cải do giáo dân đóng góp, mà đặc biệt ông đã chia chính mạng sống mình vì Tin Mừng, để làm cho Lời Đức Giêsu nói về những kẻ theo Ngài được ứng nghiệm: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8,35).

Đó là định luật tất yếu phải xảy ra cho những ai theo Đức Giêsu để sinh nhiều hoa trái việc lành, như Ngài nói: “Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa mì gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24: Tin Mừng). Hạt giống vật chất nếu chết đi là thối luôn, không thể mọc lên được. Do đó, ta phải hiểu Lời Đức Giê-su nói “hạt lúa mì chết đi” là ám chỉ chính Ngài sẽ bị giết và được ông Nicôđêmô lãnh xác Ngài an táng trong lòng đất, chưa trọn ba ngày, thì “hạt giống” này đã mọc lên (Chúa Giêsu Phục Sinh), để rồi Ngài sai các Tông Đồ đi khắp thế giới tập họp môn đệ cho Ngài bằng hai việc: ban Thánh Tẩy cho họ, và dạy họ mọi điều Đức Giê-su đã truyền cho các ông (x Mt 28,19-20), và cứ như thế cho tới ngày cánh chung, thì từ “hạt lúa mì” ấy đã chết sinh ra biết bao hạt khác, mà thánh Gioan được Chúa cho nhìn thấy trước: “Con Chiên đứng trên núi Sion và với 144 ngàn người, mang danh của Ngài và danh của Cha Ngài viết trên trán họ. Ngoài 144 ngàn người ấy, những người đã được mua chuộc từ cõi đất, họ là những kẻ không bị dây dớm với phụ nữ vì họ trinh khiết; họ được tháp tùng theo Chiên Con bất cứ Ngài đi đâu; họ đã được mua chuộc giữa loài người, làm tiên thường hiến dâng Thiên Chúa và Con Chiên” (Kh 14,1.3b-4).

Những người được Chúa cứu độ đã diễn tả người tôi trung Thiên Chúa mà ngôn sứ Isaia đã nói: “Đức Chúa đã muốn người phải bị nghiền nát vì đau khổ. Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn, và nhờ người, ý muốn của Đức Chúa sẽ thành tựu. Nhờ nỗi thống khổ của mình, người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện. Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ. Vì thế, Ta sẽ ban cho nó muôn người làm gia sản, và cùng với những bậc anh hùng hào kiệt, nó sẽ được chia chiến lợi phẩm, bởi vì nó đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân; nhưng thực ra, nó đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi” (Is 53, 10-12).

Người tôi trung gương mẫu nhất của Thiên Chúa chính là Đức Giêsu, Ngài muốn chúng ta giữ được mạng sống mình, thì phải đi trên con đường Ngài đã đi (x 1 Ga 2,6). Chính vì vậy mà Đức Giêsu kêu gọi: “Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy,Cha của Thầy sẽ quí trọng người ấy”( Ga.12,26 Tin Mừng).

“Đức Giêsu ở đâu, người phục vụ Ngài cũng ở đó” nghĩa là muốn hưởng vinh quang trong Nước Thiên Chúa, thì trước đó phải phục vụ giống Đức Giêsu ở đồi Sọ. Tuy nhiên chưa phải chết khổ nhục như Ngài, thì ít ra lúc ở với Chúa Giêsu trong Thánh Lễ, phải quảng đại dâng nhiều thời giờ để nghe, tìm hiểu và suy gẫm Lời Chúa, dù có ngăn trở công ăn việc làm, có tổn thương đến cơ thể làm mỏi mệt, nhưng vì yêu lại thích sự khó nhọc đó. Kìa cô cậu yêu nhau cả ngày làm việc vất vả mỏi mệt, thế mà tối hẹn nhau nơi vắng trò chuyện tới khuya, nói nói, nghe nghe, quên hết cả thời gian. Tại sao người Công Giáo biết rằng vì yêu Chúa mà dự Lễ mới được Chúa ban nhiều ơn, thế mà không muốn nghe giảng nhiều điều, chỉ thích càng vắn càng tốt, 10 phút là dài. Nếu chủ chăn và giáo dân ai cũng nghĩ như thế, thì hỏi rằng có còn yêu Chúa hay là bất hòa, vì cô cậu lúc bất hòa thì chẳng nghe nhau nữa, cực chẳng đã nói mấy điều cho xong việc!

Vậy chỉ những người vì tin yêu Chúa Giêsu mà đến dự Lễ, thì mới được Ngài hứa: “Thầy sẽ đi dọn chỗ cho anh em và khi Thầy trở lại, Thầy sẽ đem anh em đi với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng được ở đó” (Ga.14,3), như Ngài đã xin với Chúa Cha: “Lạy Cha, Con muốn rằng Con ở đâu chúng cũng được ở đó với Con, để chúng được chiêm ngưỡng vinh quang của Con mà Cha đã ban cho Con” (Ga 17,20). Đó là “phúc lộc Chúa dành cho người biết thương xót và cho vay mượn” (Tv 112/111, 5a: Đáp ca). Vì vậy Đức Giêsu quả quyết: “Ai theo Tôi, sẽ không đi trong bóng tối nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga.8,12bc Tung hô Tin Mừng)

THUỘC LÒNG

-Hc. 29,12-13: Rộng tay chia sẻ là con chất đầy kho lẫm, và con sẽ thoát mọi nỗi gian nguy. Của chia sẻ sẽ nên vũ khí giúp con chống địch thù, lợi hại hơn cả khiên dầy giáo nhọn.

-Tb. 4,10-11: Việc chia sẻ cứu cho khỏi chết và không để rơi vào cõi âm ty. Vì trước nhan Đấng Tối Cao, của chia sẻ là một lễ vật quý giá.

-2Cor. 9,6-8: Ai gieo ít thì gặt ít, ai gieo nhiều thì gặt nhiều. Mỗi người hãy cho tuỳ theo quyết định của lòng mình, không buồn phiền, cũng không miễn cưỡng, vì ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương. Vả lại, Thiên Chúa có đủ quyền tuôn đổ xuống trên anh em mọi thứ ân huệ, để anh em vừa được luôn đầy đủ mọi mặt, vừa được dư thừa mà làm mọi việc thiện.

-2Cor.9,9: Người rộng tay ban phát cho kẻ túng nghèo, đức công chính của họ tồn tại muôn đời.

-1Ga.3,17: Đừng ai yêu bằng đầu lưỡi, nhưng yêu bằng việc làm thật sự.

-Cv. 20,35: Cho thì có phúc hơn là lấy.

-Giáo sư Alfred Adler nói: Kẻ nào không quan tâm đến người khác, chẳng những nó gặp nhiều khó khăn trên đời, mà còn là kẻ gây tác hại cho xã hội.

-Linh mục Carlyle nói: Muốn biết lòng nhân ái của ai, chỉ cần xem cách người đó đối xử với các tôi tớ.

-Nhà tâm lý học Ive nói: Phần lớn nỗi thống khổ của người nghèo là họ nhìn thấy cách dùng tiền của phung phí, vô ý thức của người giàu.

 

16. Thánh Laurensô Phó Tế Tử Đạo--Nt. M. Anh Thư OP

Sự sống con người vốn đáng quý, bởi nó bắt nguồn từ chính Thiên Chúa. Trong sự vâng phục Chúa Cha, Chúa Giêsu đã được sai đến để yêu thương cứu chuộc con người khỏi mọi tội lỗi, và cho con người sự sống vĩnh cửu. Noi gương Chúa Giêsu, có những người đã dùng chính mạng sống mình để làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu bất diệt vượt trên mọi đau khổ và cả cái chết. Đó chính là thánh Laurensô tử đạo mà hôm nay Giáo hội mừng kính.

Thánh Laurensô sinh tại một thị trấn ở Aragon, nước Tây Ban Nha. Ngay từ khi còn trẻ, Laurensô đã được gửi đi du học ở Rôma. Tại đó, ngài đã được Đức Giáo hoàng Xíttô II trao chức phó tế để phục vụ trong nhà thờ và giúp đỡ những người nghèo như “tài sản của Giáo hội”.

Vào tháng 8 năm 258, Hoàng đế Valerianô ra lệnh cấm đạo, Đức Giáo hoàng Xíttô II bị kết án tử hình cùng với sáu phó tế, trong đó có Laurensô. Khi bị bắt, viên tổng trấn Roma yêu cầu Laurensô giao tất cả tài sản của Giáo hội cho đế chế. Tuy nhiên, theo lời chỉ dạy của Đức Giáo Hoàng, trước khi ra pháp trường, Laurensô đã phân phát hết tiền của, tài sản của Giáo hội cho người nghèo, ngài còn bán cả các phẩm phục quý giá để có thêm tiền phân phát.

Khi tổng trấn chất vấn về số tài sản ấy thì Laurensô đã khẳng định những người nghèo, những người khuyết tật, người mù lòa và đau khổ mới là những thực sự là ‘tài sản của Giáo hội’. Viên tổng trấn nổi giận, buộc Laurensô phải dâng lễ tiến các thần minh. Vị phó tế Laurensô đã từ khước dù phải chịu mọi cực hình, bị nướng trên giàn sắt nung đỏ và đã lãnh phúc tử đạo vào ngày 10 tháng 8 năm 258 tại Rôma. Trước khi chết, ngài đã cầu xin cho mọi tín hữu trong thành phố Rôma được ơn trở lại với Ðức Kitô, và cho Ðức Tin Công Giáo được lan tràn khắp thế giới.

Thánh Laurensô là vị thánh tử đạo được các tín hữu ở Rôma yêu mến một cách đặc biệt. Thời Trung Cổ, đã có ít là 34 thánh đường ở Rôma được dâng kính thánh nhân. Ngài cũng là vị thánh bổn mạng thứ ba của thành Roma.

Thánh Laurensô đã sống triệt để Lời Chúa dạy, như hạt lúa mì chịu chôn vùi dưới đất, thánh nhân đã chịu mục nát trong thân phận con người để trỗi dậy mạnh mẽ trong sức sống mới của Thiên Chúa. “Người được lãnh nhận Đấng trao ban chính mình tại bàn tiệc thánh thế nào, thì người cũng trao hiến chính mình làm của ăn cho người khác như vậy. Khi sống người yêu mến Đức Kitô, thì lúc chết người cũng bắt chước Đức Kitô. Các thánh tử đạo đã đi theo Đức Kitô đến nỗi chịu đổ máu, chịu đau khổ như Người. Các thánh tử đạo đã đi theo Đức Kitô, nhưng không phải chỉ có các ngài thôi. Quả thế, các ngài đi qua, cầu vẫn chưa sập; các ngài uống nước, suối vẫn chưa khô. Thưa anh em, vườn của Chúa có đủ các loại hoa: không phải chỉ có hoa hồng tử đạo, mà còn có hoa huệ khiết trinh, có dây trường xuân hôn nhân, có hoa tím góa bụa”. [1]

Mỗi người chúng ta dù ở bậc sống nào cũng được mời gọi góp hương sắc cho vườn hoa của Giáo hội. Chúng ta đừng bao giờ thất vọng về chính mình khi gặp những đau khổ thử thách, đó chính là trường đào luyện để chúng ta nên giống Đức Kitô “Người vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 6-8). Chúng ta dễ dàng theo Chúa khi được những điều may lành, nhưng cũng dễ dàng bỏ Chúa khi gặp khó khăn thử thách. Vì thế chúng ta phải tha thiết xin Chúa ban ơn để chúng ta đủ sức đón nhận những nghịch cảnh trong niềm tín thác. Các thánh cũng là những con người yếu đuối như chúng ta, nhưng các ngài biết dựa vào sức mạnh của Chúa và quy hướng mọi sự về Chúa.

Cuộc sống xã hội hôm nay luôn cần những con người biết yêu mến và bảo vệ Giáo hội, nhất là những người nghèo khổ. Trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảm nhận rằng “Khi đời sống nội tâm tự khép kín trên những hứng thú riêng tư, thì sẽ không còn chỗ cho kẻ khác, người nghèo không tìm được lối vào; người ta không còn nghe được tiếng của Thiên Chúa; không còn hưởng được niềm vui êm ái tình yêu của Người, không còn hứng thú làm việc thiện” (EG 2). Vì thế, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta hãy canh tân việc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu Kitô để có được sức bật mới mẻ tràn đầy niềm vui, biết ra đi trao tặng yêu thương, sự quan tâm chia sẻ với những người nghèo khổ và những ai đang đói khát tình thương cứu độ.

Ngày hôm nay, chúng ta không còn phải tử đạo qua gươm giáo hay lửa nung thiêu đốt, nhưng chúng ta có thể làm chứng cho Tin Mừng bằng thái độ sống công bằng bác ái, bằng lòng thương cảm đối với những người nghèo khổ, người bị gạt ra bên lề xã hội, những con người bị tước mất quyền sống và quyền được hưởng tự do là con cái Chúa. Noi gương thánh Laurensô, chúng ta hãy cùng nắm lấy tay nhau tạo nên một vòng tròn yêu thương, lan tỏa và tiếp thêm sức mạnh của Chúa cho thế giới đang từng ngày nghèo đi và thiếu vắng tình thương.

Lạy Chúa Giêsu là Đấng đã đến thế gian để yêu thương và cứu chuộc nhân loại nghèo khổ, xin cho chúng con biết đón nhận những điều trái ý trong cuộc sống, biết thánh hóa những đau khổ trở thành ân phúc thiêng liêng mang lại cho chúng con niềm hạnh phúc đích thực.

Thánh Laurensô đã một lòng vì Chúa, vì Giáo hội và những người nghèo, xin cho chúng con cũng có được tâm tình và lòng quảng đại như thánh nhân, trung kiên làm chứng cho Chúa dù phải chịu đau khổ bách hại. Amen.

 

17. Lễ Thánh Laurensô Phó Tế Tử Đạo--Yuse Luca

(ditimchanly.org)

1/ Thánh Laurensô sinh tại Huescô nước Tây Ban Nha. Cha mẹ Ngài là những người đạo đức. Ngài rời quê hương để đi du học Roma và đã sống suốt cuộc đời trần thế tại đây.

2/ Ngài là một trong bảy phó tế được giáo hội chọn để đứng ra giúp đỡ người nghèo và Ngài được giao cho trách nhiệm quản lý tài sản của Giáo hội. Khi đạo bị cấm cách dưới thời Hoàng đế Valerian bùng nổ, Đức Giáo Hoàng Sisto bị kết án tử hình cùng với sáu phó tế khác.

3/ Khi Đức Giáo hoàng bị điệu ra pháp trường, Laurensô chạy theo khóc lóc nức nở: "Cha ơi, Cha đi đâu mà không cho nô bộc này đi theo?" Ðức Giáo hoàng trả lời: "Con ơi, ta không bỏ con đâu. Trong ba ngày nữa, con sẽ theo ta”.

4/ Nghe những lời như thế, Laurensô thật vui mừng, Ngài về lấy hết tiền của trong kho của Giáo hội phân phát cho người nghèo, và còn bán hết những phẩm phục đắt tiền để có thêm của cải mà phân phát.

5/ Khi những điều này tới tai Hoàng đế Đêciô, ông truyền bắt giam Laurensô. Khi bị điệu ra trước mặt Hoàng đế, Ngài được lệnh phải nhượng lại các tài sản của Giáo hội. Ông được dành cho 3 ngày để thâu thập của cải. Khi đã tới kỳ hạn, Ngài dẫn hết những người nghèo tới trình diện với Hoàng đế, như là tài sản của Giáo hội. Nhà vua nổi giận, buộc thánh nhân phải dâng lễ tiến các thần minh. Thánh nhân từ khước nên phải chịu mọi cực hình, Ngài bị nướng trên vỉ sắt nung đỏ. Khi sắp chết, Ngài còn khôi hài nói với Hoàng đế: “Một bên đã chín rồi, hãy nướng bên kia nữa mà ăn”.

6/ Sau đó, trước khi chết, Ngài cầu xin cho thành phố Rôma được trở lại với Ðức Kitô và cho Ðức Tin Công Giáo được lan tràn khắp thế giới. Ngài đã lãnh nhận triều thiên tử đạo vào năm 158 (sau CN).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con noi gương bắt chước Thánh Laurensô một lòng vì yêu Chúa, yêu Giáo hội và hết lòng phục vụ người nghèo. Xin cho con có được tấm lòng quảng đại như Thánh nhân, một lòng trung kiên làm chứng cho Chúa, cho dù có chịu mọi thiệt thòi trong thân xác. Amen.

 

18. 5 phút lời Chúa tháng 8/2021

Ở đời, nhiều người cúc cung phục vụ “sếp” của mình, mong có được ô dù để giúp mình thăng tiến trên quan lộ. Khi kêu gọi những ai theo Ngài phải “phục vụ”, Chúa Giê-su mời gọi chúng ta theo một cung cách sống khác. Trước hết đó là cung cách của Ngài, là một vị Thầy, chứ không phải là một ông “sếp” lớn đòi “được kẻ hầu người hạ”, vì Ngài là Đấng đến để “phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (x. Mt 20,28). Và đó cũng là cung cách của những ai muốn “theo Thầy Giê-su”: những ai “phục vụ Thầy thì cũng ở với Thầy”; họ cũng trở nên “người rốt hết” (Mc 9,35) giống như Thầy; và nếu Thầy đã “rửa chân cho họ” thì họ cũng phải “rửa chân cho nhau” (x. Ga 13,13-15).

Mời Bạn: Thầy Giê-su của chúng ta là vậy. Theo Thầy Giê-su là ở với Thầy và làm những gì Thầy làm. Thầy ở trong tâm hồn tôi, mời gọi tôi ở lại với chính mình, nơi sâu thẳm, thầm kín nhất của tâm hồn mình, là sống và hành động trước sự hiện diện của Thầy. Thầy ở trong tha nhân, trong cả những người tôi không thích; Thầy bảo tôi, yêu họ là yêu Thầy (x. Ga 21,16). Thầy ở nơi mỗi tình huống lớn nhỏ của đời tôi, Ngài mời gọi tôi nhớ đến Ngài và cùng với Ngài suy nghĩ hành động và gặp gỡ tha nhân theo cung cách của Thầy, người đến để phục vụ.

Sống Lời Chúa: Làm việc bổn phận hằng ngày của mình trong tâm thế của Thầy Giê-su là phục vụ bắt đầu từ người gần mình nhất.

Cầu nguyện: Lạy Thầy Giê-su, xin cho con được theo Thầy, phục vụ Thầy và được ở lại với Thầy như ý Thầy muốn. Amen.

 

19. Thánh Laurensô, vị thánh bảo trợ nghệ sĩ hài--Philip Kosloski

Chuyển ngữ: Duc Trung Vu, CSsR, Từ: aleteia.org (10.8.2019)

WHĐ (9.8.2021) - Hồi thế kỷ thứ 3, có bảy thầy phó tế trợ giúp công việc cho Đức Giáo hoàng Sixtus II tại Rôma. Đế chế Rôma vẫn là một nơi đầy thách thức đối với những người tin Chúa và triều đại của Hoàng đế Valerian cũng không phải là ngoại lệ.

Điều khiến Thánh Laurensô rơi vào tầm ngắm của Hoàng đế La Mã là vì vị Hoàng đế cho rằng: Giáo hội Công giáo sở hữu một lượng lớn kho báu. Một viên quan đã tra hỏi Laurensô về vị trí cất giữ kho báu của Giáo Hội, và Thánh Laurensô trả lời đơn sơ: “Hãy đón lấy những người nghèo này. Họ chính là những kho báu mà tôi đã hứa sẽ chỉ cho các ông kiếm tìm; ngoài ra còn có những viên ngọc trai và đá quý, ấy chính là những góa phụ và các trinh nữ được thánh hiến, họ là vương miện của Giáo hội.”

Câu trả lời thông minh của thánh nhân không được đón nhận và do đó ngài đã bị cầm tù. Không mất nhiều thời gian để vua quan Roma kết án thánh Laurensô bằng một cái chết dã man, vì ngài cương quyết từ chối tôn thờ các vị thần Rô-ma. Người ra còn thuật lại những gì xảy ra tiếp theo và đây sẽ là lý do giải thích tại sao thánh Laurensô được nhiều diễn viên hài nhận làm thánh quan thầy.

Những kẻ hành quyết đã lột trần thánh nhân, đặt ngài trên vỉ sắt, chất đống than cháy dưới đó và ấn những chiếc chĩa sắt đã nung nóng lên người ngài. Và với vẻ mặt vui vẻ thánh Laurensô nói với viên quan Rô-ma: "Nhìn kìa, ông đã nướng chín tôi ở một bên rồi, bây giờ lật tôi lại bên kia và sẵn sàng ăn nhé!"

Câu nói hài hước này đã khiến những người hành quyết phẫn nộ, họ tăng nhiệt và làm cho thánh Laurensô chết cháy.

Một trong những lý do giúp thánh Laurensô có thể tìm thấy sự nhẹ nhàng thanh thản trong hoàn cảnh đen tối như vậy, đó chính là niềm tin của ngài vào Thiên đàng. Ngài biết rằng chết vì Đức tin sẽ mở đường cho phần thưởng vĩnh cửu của ngài và vì thế cái chết không còn đáng sợ. Thực vậy, ngài đã đón nhận lấy cái chết trong an bình. Những lời cuối cùng của thánh nhân là một lời cầu nguyện với Chúa, "Con cảm tạ Chúa, vì con đã xứng đáng để đi qua cổng Nhà Chúa!"

Tấm gương của Laurensô về đức tin tràn đầy niềm vui giữa đau khổ là một tấm gương cho tất cả chúng ta. Nụ cười của thánh nhân ngay trong những giây phút đau khổ đến cùng cực nhất nhắc nhở chúng ta rằng: chúng ta đừng để mình trở thành những Ki-tô hữu mang vẻ mặt buồn rầu, u ám. Như thánh Laurensô, ngay trong đau khổ vẫn tìm được một lý do để mỉm cười!

 

Bài cùng chuyên mục:

+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 4,083)

CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.

Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,096)

Thứ Bảy tuần 33 thường niên.

Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,689)

Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,398)

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.

Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,803)

Thứ Tư tuần 33 thường niên.

Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,798)

Thứ Ba tuần 33 thường niên.

Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,898)

Thứ Hai tuần 33 thường niên.

+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,144)

CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.

Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,571)

Thứ Bảy tuần 32 thường niên.

Thứ Sáu 15/11/2024 – Thứ Sáu tuần 32 thường niên. – Sống trong ngày của Chúa. (14/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,963)

Thứ Sáu tuần 32 thường niên.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7