Lời chúa mỗi ngày

Thứ Sáu 29/07/2022– Thánh nữ Mát-ta, Maria và Ladarô. Lễ nhớ. – Chiêm Niệm Và Hoạt Ðộng.

  • In trang này
  • Lượt xem: 15,754
  • Ngày đăng: 28/07/2022 08:00:00

Chiêm Niệm Và Hoạt Ðộng.

29/07 – Thứ Sáu tuần 17 thường niên – Thánh nữ Mát-ta, Maria và Ladarô. Lễ nhớ.

“Mát-ta đã đón Chúa vào nhà mình, Maria đã chọn phần tốt nhất”.

 

* Mát-ta là chị của cô Maria và ông Lagiarô ở Bêtania. Trong sách Tin Mừng, thánh nữ xuất hiện ba lần: lần thứ nhất trong bữa ăn ở Bêtania, khi cùng với cô em là Maria tiếp đãi Đức Giêsu; lần thứ hai khi ông Lagiarô được Chúa cho phục sinh, lúc đó thánh nữ đã tuyên xưng lòng tin vào Chúa Giêsu; và lần cuối trong bữa tiệc đãi Chúa Giêsu sáu ngày trước lễ Vượt Qua.

Trong cả ba câu chuyện, ta luôn thấy thánh nữ đóng vai trò chủ nhà.

 

Lời Chúa: Lc 10, 38-42

Khi ấy, Chúa Giêsu vào một làng kia, và có một phụ nữ tên là Mát-ta rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người.

Mát-ta bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: “Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với”. Nhưng Chúa đáp: “Mát-ta, Mát-ta, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị ai lấy mất”.

 

Hoặc:

Lời Chúa: Ga 11, 19-27

“Con đã tin Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, nhiều người Do-thái đến nhà Mát-ta và Maria để an ủi hai bà vì người em đã chết. Khi hay tin Chúa Giêsu đến, Mát-ta đi đón Người, còn Maria vẫn ngồi nhà.

Mát-ta thưa Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy”. Chúa Giêsu nói: “Em con sẽ sống lại”. Mát-ta thưa: “Con biết ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại, thì em con sẽ sống lại”.

Chúa Giêsu nói: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?” Bà thưa: “Thưa Thầy: vâng, con đã tin Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian”.

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

1. Đón Người vào nhà--Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Suy niệm:

Trong bài Tin Mừng hôm nay, khuôn mặt Maria khá nổi bật.

Chúng ta dễ thấy là Thầy Giêsu nghiêng về cô em hơn.

Mát-ta đón Thầy vào nhà trong tư cách là chị.

Còn Maria sau đó là người tiếp Đức Giêsu.

Maria thanh thản, lặng lẽ ngồi bên chân Thầy để lắng nghe.

Còn chị Mát-ta thì ngược lại.

Hẳn là chị phải xuống bếp ngay để lo bữa ăn.

Cuộc viếng thăm của Thầy Giêsu và các môn đệ là khá bất ngờ.

Làm sao để đãi một số vị khách như thế?

Đó là mối lo chính đáng của chị Mát-ta.

Mát-ta là người đảm đang, thạo việc, nhanh nhẹn.

Nhưng trong tình thế này, chị thấy rất cần sự giúp đỡ của cô em.

Rõ ràng là Mát-ta bị cuống lên vì thấy mình có nhiều việc phải làm gấp.

Chị không muốn khách phải chờ đợi lâu,

và chị cũng muốn đãi khách một bữa ăn tương đối thịnh soạn.

“Xin Thầy bảo em giúp con một tay!”

Đó là ước mơ của Mát-ta, rất đỗi bình thường.

Tiếc thay, Thầy Giêsu lại đang kể chuyện cho Maria,

và cô này đang lắng nghe một cách thích thú (c. 39).

Nhờ Thầy kêu em xuống bếp là phá vỡ câu chuyện còn dang dở của Thầy.

Mát-ta bị mối lo về bữa ăn chi phối khiến chị quên cả lịch sự cần có.

Chị quên rằng Thầy Giêsu không chỉ cần bữa ăn, mà còn cần tình bạn.

Và tiếp khách cũng là một cách phục vụ không kém giá trị.

Thầy Giêsu nhìn thấy sự căng thẳng, lúng túng của Mát-ta.

và nhận ra lòng tốt của chị, khi chị muốn dọn một bữa ăn xứng đáng.

Thầy gọi tên chị hai lần cách trìu mến: Mát-ta, Mát-ta.

Ngài nhẹ nhàng trách chị vì đã lo lắng băn khoăn về nhiều chuyện quá.

“Chỉ cần một chuyện thôi. Maria đã chọn phần tốt hơn” (c. 42).

Thầy Giêsu không bảo rằng điều Mát-ta làm là điều không tốt.

Chắc chắn Thầy và trò đều cần bữa ăn ngon sau những ngày rong ruổi.

Nhưng ngồi nghe Thầy vẫn là điều tốt hơn, cần hơn.

Vì thế Thầy sẽ không kêu cô em xuống bếp để phụ giúp cô chị.

Điều mà Maria đã chọn, chẳng ai có thể lấy đi.

Chị Mát-ta là thánh nữ được tôn kính trong Giáo Hội.

Chúng ta phải bắt chước chị qua công việc tận tụy và đầy trách nhiệm.

Nhưng chúng ta phải làm một cách an bình, khiêm tốn, vui tươi,

không coi việc mình làm là quan trọng hơn việc người khác.

Cuộc sống hôm nay dễ làm ta trở nên Mát-ta, bị đè nặng bởi công việc.

Nhưng phải cố dành giờ để làm Maria mỗi ngày.

Phải thu xếp để khỏi phải ở dưới bếp quá lâu, để có người thay mình.

Đời sống của người Kitô hữu là kết hợp của Mát-ta và Maria.

Vừa đón, vừa tiếp; vừa làm việc của Chúa, vừa gặp gỡ chính Chúa;

nhưng dù hoạt động hay cầu nguyện, lúc nào cũng hướng về Chúa.

 

Cầu nguyện:

Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào,

xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.

Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc,

xin cho con quý chuộng những lúc

được an nghỉ trước nhan Chúa.

Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo,

xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa

để nghe lời Người.

Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng,

xin cho con thoát được lên cao

nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.

Lạy Chúa,

ước gì tinh thần cầu nguyện

thấm nhuần vào cả đời con.

Nhờ cầu nguyện,

xin cho con gặp được con người thật của con

và khuôn mặt thật của Chúa.

 

2. Chiêm Niệm Và Hoạt Ðộng--‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’

“Mát-ta, con lo lắng chi nhiều việc chỉ có một điều cần mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất rồi”. Câu trả lời của Chúa Giêsu cho Mát-ta đáng cho chúng ta suy nghĩ thêm. Các nhà chú giải đề ra hai điểm:

Trước hết Chúa Giêsu không có ý định giảm giá trị của việc đón rước Chúa mà Mát-ta đang làm, nhưng Ngài trực tỉnh Mát-ta về nguy hiểm mà chị đang lao vào đó là thái độ ganh tị. Kế đến Chúa Giêsu làm nổi bật một điểm tốt mà Maria đã rút ra từ hoàn cảnh, đó là đến ngồi bên chân Chúa, lắng nghe Người nói.

Việc lắng nghe có ưu tiên hơn “vì con người không chỉ sống nguyên bởi bánh mà thôi nhưng còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. Vì thế hãy tìm Nước Thiên Chúa trước, rồi mọi sự khác sẽ được ban cho dư đầy” (Mt 4,4). Tuy nhiên, Chúa Giêsu không đề ra một sự chọn lựa giữa một trong hai điều hoặc thái độ làm việc của Mát-ta hoặc thái độ chiêm niệm của Maria để rồi chỉ chấp nhận có một thái độ duy nhất của Maria thôi.

Không có sự đối nghịch giữa hoạt động và chiêm niệm trong đời sống của người Kitô, bởi vì cả hai đều phát xuất từ một nguồn mạch là Lời Chúa và cùng hướng đến một việc, một mục tiêu là phục vụ Nước Chúa. Việc lắng nghe Lời Chúa được hướng đến hành động và hành động cần được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa. Ðây là hai khía cạnh của mối phúc thật “lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa”. Ðó là khi trả lời cho người phụ nữ trong dân chúng cất tiếng chúc tụng Mẹ Chúa cũng như khi trả lời cho những kẻ báo tin cho Chúa biết là có Mẹ và anh em Chúa đang chờ, nhưng Chúa trả lời “những kẻ nghe Lời Chúa mà đem ra thực hành, kẻ đó mới là Mẹ Ta và anh em Ta” (Mt 12, 50).

Hai chị em Mát-ta và Maria nhắc nhở cho cộng đoàn Kitô cũng như cho mọi người Kitô qua mọi thời đại về hai thái độ luôn bổ túc cho nhau. Ðể tiếp nhận Lời Chúa hiện diện nơi chính Chúa Giêsu Kitô không phải chỉ cầu nguyện chiêm niệm mà thôi, cũng không phải chỉ có hoạt động vì hoạt động. Nhưng chiêm niệm và hoạt động phải là hai chiều kích luôn được kết hợp với nhau của cùng một chức vụ, đây là hai yếu tố không thể nào thiếu vắng đi được trong việc theo Chúa.

Trong những hoàn cảnh cụ thể và tùy theo hoàn cảnh ấy, người đồ đệ Chúa có thể hòa hợp việc làm một cách cụ thể giữa cầu nguyện và hoạt động theo một chương trình riêng. Nhưng thật là sai lầm nếu chúng ta muốn canh tân Giáo Hội mà không cầu nguyện, nghĩa là không lắng nghe Lời Chúa, không đối thoại với Ngài, ngõ hầu để hoạt động của chúng ta có thể trổ sinh kết quả. Người đồ đệ của Chúa cần dành thời giờ im lặng để lắng nghe Lời Chúa và đối thoại với Ngài. Trong ý nghĩa này chiêm niệm là phần tốt nhất mà Maria đã chọn, nhưng không phải tách rời ra khỏi việc làm. Ðức tin phải có sức tác động qua đức bái ái. Ðàng khác, cầu nguyện không làm cho người đồ đệ xa lạ với cuộc sống và những vấn đề của con người, nhưng ngược lại cầu nguyện làm cho người đồ đệ có thêm sức mạnh hoạt động biến đổi xã hội, ngõ hầu Thiên Chúa được tôn vinh và con người được hạnh phúc.

Lạy Chúa,

Xin giúp chúng con hiểu và thành công hòa hợp được hai yếu tố không thể tách rời của đời sống Kitô đích thực là làm việc và cầu nguyện. Ước chi việc chúng con làm đều phát xuất từ lời cầu nguyện là việc lắng nghe Lời Chúa và được nâng đỡ bởi sức mạnh của Chúa, sức mạnh trao ban trong những giây phúc chúng con trở về lắng nghe Chúa nói.

 

3. Thánh Mát-ta--nguoitinhuu.com

“Đức Giêsu yêu quý Mát-ta, Maria và Lagiarô”. Câu nói độc đáo này trong Phúc Âm của Thánh Gioan cho chúng ta biết về sự tương giao đặc biệt giữa Ðức Giêsu và Mát-ta, người em Maria, và người anh Lagiarô của thánh nữ.

Hiển nhiên, Ðức Giêsu là người khách thường xuyên đến nhà Mát-ta ở Bêtania, một ngôi làng nhỏ bé cách Giêrusalem chừng hai dặm. Chúng ta thấy ba lần đến thăm của Ðức Giêsu được nhắc đến trong Phúc Âm Luca 10,38-42, Gioan 11,1-53, và Gioan 12,1-9.

Nhiều người dễ nhận ra Mát-ta qua câu chuyện của Thánh Luca. Khi ấy, Mát-ta chào đón Ðức Giêsu và các môn đệ vào nhà của mình, và ngay sau đó Mát-ta chuẩn bị cơm nước. Sự hiếu khách là điều rất quan trọng trong vùng Trung Ðông và Mát-ta là điển hình. Thử tưởng tượng xem ngài bực mình biết chừng nào khi cô em Maria không chịu lo giúp chị tiếp khách mà cứ ngồi nghe Ðức Giêsu. Thay vì nói với cô em, Mát-ta xin Ðức Giêsu can thiệp. Câu trả lời ôn tồn của Ðức Giêsu giúp chúng ta biết Người rất quý mến Mát-ta. Ðức Giêsu thấy Mát-ta lo lắng nhiều quá khiến cô không còn thực sự biết đến Người. Ðức Giêsu nhắc cho Mát-ta biết, chỉ có một điều thực sự quan trọng là lắng nghe Người. Và đó là điều Maria đã làm. Nơi Mát-ta, chúng ta nhận ra chính chúng ta -- thường lo lắng và bị sao nhãng bởi những gì của thế gian và quên dành thời giờ cho Ðức Giêsu. Tuy nhiên, thật an ủi khi thấy rằng Ðức Giêsu cũng yêu quý Mát-ta như Maria.

Lần thăm viếng thứ hai cho thấy Mát-ta đã thấm nhuần bài học trước. Khi ngài đang than khóc về cái chết của anh mình và nhà đang đầy khách đến chia buồn thì ngài nghe biết Ðức Giêsu đang có mặt ở trong vùng. Ngay lập tức, ngài bỏ những người khách ấy cũng như gạt đi mọi thương tiếc để chạy đến với Ðức Giêsu.

Cuộc đối thoại của ngài với Ðức Giêsu chứng tỏ đức tin và sự can đảm của ngài. Trong cuộc đối thoại, Mát-ta khẳng định rõ ràng là ngài tin vào quyền năng của Ðức Giêsu, tin vào sự phục sinh, và nhất là tin Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa. Và sau đó Ðức Giêsu đã cho Lagiarô sống lại từ cõi chết.

Hình ảnh sau cùng của Mát-ta trong Phúc Âm đã nói lên toàn thể con người của ngài. Lúc ấy, Ðức Giêsu trở lại Bêtania để ăn uống với các bạn thân của Người. Trong căn nhà ấy có ba người đặc biệt. Lagiarô là người mà ai cũng biết khi được sống lại. Còn Maria là người gây nên cuộc tranh luận trong bữa tiệc khi cô dùng dầu thơm đắt tiền mà xức lên chân Ðức Giêsu. Về phần Mát-ta, chúng ta chỉ được nghe một câu rất đơn giản: “Mát-ta lo hầu hạ.” Ngài không nổi bật, ngài không thi hành những việc có tính cách phô trương, ngài không được hưởng phép lạ kỳ diệu. Ngài chỉ hầu hạ Ðức Giêsu.

Thánh Mát-ta được đặt làm quan thầy của các người hầu hạ và đầu bếp.

Lời Bàn

Các nhà chú giải Kinh Thánh nói rằng trong đoạn văn diễn tả việc Lagiarô sống lại, Thánh Gioan có ý nhắn nhủ chúng ta phải coi lời của Mát-ta nói với Maria (trước khi Lagiarô sống lại) như tóm lược những gì một Kitô Hữu phải vâng theo. “Thầy có mặt ở đây và đang hỏi đến em.” Chúa Giêsu kêu gọi mọi người chúng ta đến sự phục sinh -- mà sự phục sinh ấy hiện có trong đức tin khi rửa tội, được chia sẻ vĩnh viễn sự chiến thắng của Người đối với sự chết. Và tất cả chúng ta, cũng như ba người bạn của Chúa Giêsu, được mời gọi kết tình bằng hữu với Chúa trong một phương cách độc đáo.

 

4. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi--Lm. Anthony Đinh Minh Tiên OP

2.1/ Em Maria chọn ngồi bên chân Chúa để nghe Ngài giảng dạy: Nhiều người chắc cũng nghĩ như chị Mát-ta: con bé này lười quá hay “mồm miệng đỡ tay chân!” Nhưng đây là một lựa chọn rất tính toán và khôn ngoan, như Chúa Giêsu đã phải khen Maria bên dưới. Một số lý do có thể Maria đã dựa vào để làm sự lựa chọn này:

+ Cô biết rõ thứ tự ưu tiên của cuộc đời: phải chọn Thiên Chúa trước hết. Maria biết chẳng có ai có những lời khôn ngoan và mang lại sự sống như Chúa Giêsu; vì thế, cô phải hoãn tất cả các việc khác để lắng nghe những gì Ngài muốn truyền đạt.

+ Cô biết nắm lấy cơ hội khi nó xảy đến: Một người bận rộn rao giảng như Chúa không dễ gặp. Cô biết cơ hội để đàm đạo với Chúa không thường xảy ra: nếu không biết nắm lấy ngay, cô không biết có còn cơ hội nào khác không! Chúng ta phải học nơi Maria điều này, để khi Chúa gởi những nhà rao giảng đến, chúng ta biết sắp xếp công việc hàng ngày để nghe những gì họ rao giảng. Đừng giả sử cơ hội sẽ có mãi, kẻo phải tiếc nuối sau này!

+ Khách đến nhà không chỉ để ăn, nhưng còn để chuyện vãn, tâm sự. Maria thấy chị bận rộn nấu nướng; cô chọn để trò chuyện với Chúa. Nhiều người chúng ta không chịu để ý đến khía cạnh tế nhị này; nên đã để cho khách ngồi một mình trong phòng khách chờ đợi trong khi chúng ta chuẩn bị thức ăn dưới bếp. Hiểu như thế, quyết định của Maria thật sáng suốt: chị lo nấu ăn, em lo tiếp khách.

2.2/ Chị Mát-ta chọn để vất vả lo việc phục vụ Chúa Giêsu: Khi một thượng khách như Chúa Giêsu đến nhà, đó là lúc để chủ nhà biểu tỏ tài nội trợ, nấu nướng, và tính hiếu khách. Chúng ta không lạ gì khi Mát-ta quá vất vả lo lắng tới độ cô tiến lại Chúa Giêsu và than phiền với Ngài: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” Ngược lại với những gì Mát-ta mong đợi, Chúa Giêsu đáp: “Mát-ta! Mát-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” Có nhiều điều chúng ta có thể học hỏi từ câu trả lời của Chúa Giêsu:

+ Mát-ta không hiểu rõ thứ tự ưu tiên của cuộc đời: Chúa Giêsu sữa chữa lỗi lầm cho cô khi Ngài nói: “Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” Thức ăn có ngon mấy chăng nữa rồi cũng qua đi; nhưng Lời Chúa sẽ ở lại trong tâm hồn và soi sáng cho con người biết cách sống thế nào để có hạnh phúc trong cuộc đời.

+ Mát-ta không quan tâm đến người khác: Cô có thể nghĩ chỉ có việc của cô mới đáng làm, việc của Maria không quan trọng! Đây là một lỗi lầm mà nhiều người chúng ta mắc phải. Chúng ta đừng bắt người khác phải suy nghĩ và hành động như mình, vì mỗi người có những suy nghĩ và hành động khác nhau. Chúng ta cũng không hiểu đủ để xác quyết việc nào là việc tốt nhất, cho đến khi được tuyên bố rõ ràng bởi Thiên Chúa.

+ Mát-ta không biết sắp xếp thời giờ: Có thể Mát-ta không biết khi nào Chúa đến, vì ngày xưa không có thói quen có giờ hẹn như thời nay. Dù sao chăng nữa, Mát-ta không nên lo lắng quá nhiều đến chuyện ăn uống, vì khách tới nhà để thăm viếng chứ không chỉ để ăn! Các gia đình Việt-nam chúng ta cần chú trọng điều này, để đừng làm quá nhiều thức ăn mỗi khi tiếp khách. Hầu hết trong các bữa tiệc, khách không dùng hết một nửa các thức ăn của chủ nhà bày ra. Hậu quả là gia chủ phải ăn đồ thừa hay phải lãng phí thức ăn cách không cần thiết.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta phải dành ưu tiên hàng đầu cho mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa bằng cách dành thời giờ để cầu nguyện, lắng nghe, học hỏi, và thực hành những gì Chúa dạy.

- Lời Chúa soi sáng cho chúng ta biết cách lựa chọn những điều xảy ra cho phù hợp với thánh ý của Thiên Chúa; đồng thời cũng cung cấp cho chúng ta sức mạnh để làm theo.

 

5. Thánh Mát-ta

Chúng ta biết chắc về thánh Mát-ta qua 2 giai thoại trong Tin Mừng. Khi bà nhiệt thành đón rước Chúa Giêsu (Lc 10, 38-42) hay khi bà tín thác vô giới hạn vào Chúa Giêsu trước cái chết của Laxarô (Ga 11,1-44). Mát-ta, theo tiếng tramêô, có nghĩa là bà chủ. Bà hai anh em Maria và Lazarô ở làng Bêtania, là những người bạn thân tình của Chúa Giêsu. Người hay đến trú ngụ ở nhà họ để nghỉ ngơi sau những chuyến hành trình mệt nhọc.

Mát-ta đóng vai gia chủ, đã tỏ ra rất hiếu khách và tận tụy. Ngày kia, trong lúc bận rộn với việc phục dịch, bà nói: - Thưa Thày, Thày không màng nghĩ tới sao, em tôi để cho tôi một mình phục dịch? Vậy xin Thầy bảo nó đỡ đần tôi.

Chúa Giêsu đáp lại: - Mát-ta, Mát-ta, con lo lắng xôn xao về nhiều chuyện. Cần thì ít thôi, Maria đã chọn phần tốt nhất rồi và sẽ không bị ai giựt mất.

Như thế Chúa Giêsu đã cho Mát-ta biết rằng đối với Người không có gì quý hơn một tâm hồn biết suy tư cầu nguyện, Mát-ta đã hiểu, bà sẽ để lộ đức tin ấy ra dịp Lazarô từ trần. Bà nhắc tin cho Chúa Giêsu: - Thưa thầy, kẻ Thầy thương đang ốm liệt.

Vượt đường xa, Chúa Giêsu đã đến. Nhưng Người cố ý đến chậm, khi Lazarô đã chết. Đức tin của Mát-ta vẫn không thay đổi.

- Thưa Thầy, nếu thầy có mặt ở đây, em con đã không chết.

Và bà thêm: - Nhưng ngay lúc này, con biết là bất cứ điều gì Thầy xin với Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ ban cho thầy.

Khi Chúa Giêsu cho biết Người là sự sống lại và là sự sống, ai tin vào Người thì dù chết cũng sẽ sống, rồi Người hỏi: - Con có tin thế không?

Mát-ta đã mau mắn tuyên xưng: - Vâng, thưa Thầy, con tin Thầy là đức Kitô Con Thiên Chúa, đấng phải đến trong thế gian.

Và bà đã không lầm. Chúa Giêsu đã phục sinh Lazarô.

Tin Mừng không nói rõ các bạn hữu của Thiên Chúa sẽ ra sao. Chắc chắn Mát-ta có mặt trong số phụ nữ theo Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn và xức xác Người trước khi mai táng.

Có truyền thuyết nói rằng ba chị em làng Bêtania đã bị người Do thái bắt thả trôi trên một con thuyền không buồm không chèo không lái. Nhưng họ đã trôi dạt và cặp bến Marseille nước Pháp. Lazarô đã trở thành Giám mục tiên khởi Chúa thành này. Riêng Mát-ta Ngài đã rao giảng Tin Mừng ở Aix Avignon và Tarascon. Một huyền thoại còn kể thêm việc thánh nữ tiêu diệt quái vật Tarasque. Dân chúng khổ cực vì con vật dữ tợn, mồm phun lửa, đuôi cắn xé. Thánh nữ đã dùng cây thánh giá áp đảo con vật, rồi trói chặt nó lại. Quái vật bị hạ sát và nó bị tiêu diệt, người ta gọi là Tarascon.

 

6. Thánh Mát-ta

(http://giaoxutanviet.com)//GPVL)

Gương Thánh nhân: Thánh Mát-ta là chị của Ma-ri-a và La-da-rô ở Bê-ta-ni-a. Ngài là chị cả trong gia đình, nên điều khiển quán xuyến mọi việc: Ngài đối xử dịu dàng thân ái đối với hai em, nhân lành bác ái đối với người nghèo khổ, bệnh tật, và ân cần tiếp đón Chúa Giê-su với các môn đệ Người, vì đây là nơi Chúa thường trú ngụ sau những ngày truyền giáo mệt nhọc:

“Trong khi Thầy trò đi đường, Đức Giêsu vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mát-ta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Ma-ri-a. Cô nầy cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe Lời Người dạy. Còn cô Mát-ta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: – Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao! Xin Thầy bảo nó giúp con một tay.

Chúa đáp: – Mát-ta, Mát-ta ơi! Chị lo lắng và lăng xăng nhiều chuyện quá! Chỉ một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi”. (Lc. 10, 38-42)

Mát-ta tận tụy phục vụ Chúa. Nhưng Chúa muốn dạy cho Mát-ta biết: việc sống gần gũi thân mật và cầu nguyện với Chúa cao quý hơn. Tốt nhất phối hợp cả hai, vừa phục vụ vừa cầu nguyện.

Thánh Giám mục Au-tinh đã diễn giảng việc nầy như sau:

“Lời Đức Giê-su Kitô Chúa chúng ta khuyên chúng ta, đang khi lo lắng nhiều công việc ở trần gian nầy, phải vươn tới một đích điểm. Chúng ta đang vươn tới đó bao lâu chúng ta còn là lữ khách chứ chưa phải là cư dân; còn đang trên đường đi chứ chưa ở quê thật; còn đang khát vọng, chứ chưa được an hưởng. Tuy nhiên chúng ta phải vươn tới không ngừng, không biếng nhác để có ngày có thể đạt tới…

“Hỡi bà Mát-ta, xin bà để yên cho tôi nói, bà có phúc trong công việc phục vụ tốt, nhưng phần thưởng mà bà tìm được cho công việc lo lắng nầy là sự nghỉ ngơi. Bây giờ bà đang lo trăm công nghìn việc; bà muốn nuôi nấng thân thể con người cho dù là của bậc thánh nhân; nhưng khi đã tới quê thật, hỏi bà có còn gặp lữ khách để tiếp rước nữa không? Có còn gặp người đói để chia sẻ cơm bánh nữa không?…

“Nơi quê thật không còn những sự đó nữa. Vậy sẽ có gì? Có điều mà Ma-ri-a đã chọn: nơi đó ta sẽ được nuôi nấng chứ không phải nuôi nấng ai nữa. Thế nên điều mà Ma-ri-a chọn bây giờ, sau nầy ở nơi quê thật sẽ được đầy đủ và hoàn toàn…”

Khi La-da-rô bệnh nặng, thánh nữ đã báo tin cho Chúa Giê-su. Nhưng Người bảo: “Bệnh nầy không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh nầy, Con Thiên Chúa được tôn vinh” (Ga. 11,4).

Và La-da-rô đã chết. Cái chết của La-da-rô là dịp để Chúa khơi dậy niềm tin cho các môn đệ và dân chúng, vì khi được tin La-da-rô chết, Chúa và các môn đệ đến với anh.

‘‘Vừa được tin Đức Giê-su đến, Mát-ta liền ra đón Người. Còn cô Ma-ri-a thì ngồi ở nhà. Cô Mát-ta nói với Đức Giê-su: – Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. Nhưng bây giờ con biết: bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy.

Đức Giê-su nói: – Em chị sẽ sống lại… Chị có tin thế không?

Cô Mát-ta thưa: – Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.

Và Chúa đã làm phép lạ cho La-da-rô chết chôn 4 ngày được sống lại trước sự kinh ngạc của mọi người, nhờ lòng tin và nhiệt tâm của Thánh nữ.

Quyết tâm: Noi gương Thánh Mát-ta, tôi hết lòng tin tưởng Chúa, và tận tâm phục vụ Người hằng ngày, qua các anh chị em nghèo khó bệnh tật xung quanh tôi.

Lời nguyện: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xưa Con Một Chúa đã nhận lời mời và đến trú ngụ tại nhà Thánh nữ Mát-ta. Nhờ lời thánh nữ cầu thay nguyện giúp, xin cho chúng con hết tình phục vụ Đức Ki-tô hiện diện trong mọi người để mai sau được Chúa đón nhận vào nhà Chúa.

 

7. Thánh Mát-ta, con người của phục vụ--Maria Nguyễn Thái

Thế giới ngày nay đang rất cần những con người biết quên mình phục vụ tha nhân. Trước nhu cầu đó, có biết bao vị thánh đã hy sinh phục vụ vì lợi ích của người khác; cũng như xã hội ngày nay, có nhiều tấm gương quảng đại dấn thân trong hoạt động tông đồ. Trong Kinh Thánh, khi nhắc đến hai từ “phục vụ”, chúng ta liên tưởng ngay đến thánh nữ Mát-ta, một con người phục vụ. Thánh nữ Mát-ta là người phục vụ như thế nào? Chúng ta cùng nhìn trong hai giai thoại trong Tin Mừng Luca (Lc 10, 38 – 42).

Khi đọc đoạn Tin Mừng trong trình thuật thánh Luca, chúng ta nhận ra, Mát-ta là một người rất hiếu khách. Ngài đã đón tiếp Chúa Giêsu và các môn đệ rất nhiệt tình.

Tin Mừng Luca (Lc 10, 38) kể lại rằng: “Khi Đức Giêsu vào làng kia, có một người phụ nữ tên là Mát-ta đón người vào nhà”, và ngay sau đó, Mát-ta tất bật chuẩn bị cơm nước. Sự hiếu khách nơi Mát-ta, có thế nói là rất quan trọng trong vùng Trung Đông, tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, Mát-ta rất bất bình với em cô là Maria, khi cô em không chịu giúp chị mình trong việc bếp núc. Thay vì giúp chị, Maria cứ ngồi bên chân Chúa Giêsu mà nghe Người giảng. Đáng lẽ ra, lúc đó, Mát-ta có thế đến nói với em mình một cách tế nhị (nói nhỏ, nói khéo) để Maria giúp mình một tay, thế nhưng, Mát-ta lại xin Đức Giêsu can thiệp: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao?”  Phải chăng Mát-ta đang tìm sự cảm thông nơi Thầy mình? Muốn Thầy bênh vực cho mình? Nhân cơ hội này Chúa Giêsu dạy bài học, Ngài muốn mời gọi Mát-ta hướng một mối tương giao sau xa hơn nên đã trả lời rằng: “Mát-ta Mát-ta! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá, chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi, Maria đã chọn phần tốt nhất mà không bị lấy đi” (Lc 10, 38 - 42). Quả thật, lo lắng của Mát-ta là làm sao chuẩn bị cho Thầy và các môn đệ một bữa ăn ngon. Điều đó đã khiến cho Mát-ta không còn thực sự biết đến Thầy đang hiện diện ở đây nữa. Sự nhiệt tình phục vụ của Mát-ta đã làm cho cô không còn thực sự thấy được điều gì là quan trọng nhất, mà cô chỉ vì nghĩ đến phục vụ. Thật vậy, Chúa Giêsu không chối từ sự phục vụ của Mát-ta, Ngài đề cao tinh thần đó, nhưng điều đó chỉ là phần thứ yếu cho cuộc sống vật chất mà thôi. Ngài muốn Mát-ta chọn cho mình một bữa ăn tinh thần, đó là việc lắng nghe Lời Chúa dạy với tâm hồn khiêm hạ.

Đến giai thoại thứ hai trong trình thuật Gioan (Ga 11, 1-53), chúng ta sẽ nhận ra một nét rất riêng, một hình ảnh đặc biệt nơi thánh nữ Mát-ta. Tin Mừng Gioan kể lại mà ta có thể tóm tắt như sau: Đức Giêsu rất quý mến cô Mát-ta, cùng hai người em là cô Maria và anh Lazarô. Và vừa được tin Đức Giêsu đến, cô Mát-ta liền ra đón Người. Một sự đón tiếp mau mắn, Mát-ta muốn Chúa Giêsu vào nhà mình mà đã quên đi mất người em yêu quý, đã bỏ lại những người bà con lối xóm đến chia buồn với gia đình cô, trong khi đó cô là chủ nhà. Thêm nữa, Mát-ta gạt đi mọi thương tiếc, đau buồn, lưu luyến... để chạy đến với Đức Giêsu. Cuộc đối thoại giữa Mát-ta với Chúa Giêsu cho ta thấy: Mát-ta có một niềm tin rất vững mạnh vào quyền năng của Chúa về sự phục sinh và nhất là về niềm tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa.

Hình ảnh sau cùng của thánh nữ Mát-ta theo Tin Mừng Gioan (Ga 12, 1-9) đã toát lên căn tính phục vụ nơi con người của Thánh nữ. Tin Mừng kể lại: ít lâu sau, Đức Giêsu trở lại Bêtania để thăm ba chi em cô Mát-ta, trong căn nhà ấy có ba người đặc biệt đó là: Em trai cô Mát-ta là Lazaro người đã được Chúa làm cho sống lại từ cõi chết, tạo nên cả một sự chấn động lớn trong làng cũng như những vùng lân cận. Người thứ hai là cô Maria, Tin Mừng Gioan kể: cô đã dùng dầu thơm đắt tiền mà xức lên chân Đức Giêsu, đã gây lên một cuộc tranh luận trong bữa tiệc. Nhưng về phần Mát-ta, ta chỉ được nghe một câu rất đơn giản và ngắn gọn: “Cô Mát-ta lo hầu bàn”. Cô không làm gì nổi bật, cô chỉ làm một việc đơn thuần là phục vụ Đức Giêsu. Một việc tuy rất tầm thường, nhưng với Mát-ta cô đã làm vì tình yêu mến của mình dành cho Đức Giêsu và các môn đệ. Mát-ta không đòi hỏi Đức Giêsu làm cho mình nhưng cô chỉ làm một cách phục vụ âm thầm với tình yêu.

Nơi Thánh nữ Mát-ta, chúng ta thấy ngài là một người phục vụ Chúa hết tình, hết mình. Mát-ta vừa là một người có niềm tin mạnh mẽ vào quyền năng của Chúa, vừa có tình yêu mến Đức Giêsu cách đặc biệt. Quả thật, gương sáng của ngài làm cho chúng ta rất cảm phục bởi tình yêu âm thầm phục vụ.

Trong sinh hoạt đời thường của chúng ta, có nhiều điều xem ra rất cần thiết, từ chuyện mục vụ, giáo dục, huấn luyện phục vụ. Vậy, đã có bao lần chúng ta tự hỏi mình rằng: chúng ta đã làm điều đó vì lòng yêu mến Chúa hay chưa, hay chỉ làm tròn bổn phận được giao mà thôi? Chúng ta cần xem lại thái độ của mình. Với công việc phục vụ hằng ngày, tôi và bạn đã bao lần hỏi ý kiến của Chúa hay chưa? Hay chúng ta có nhờ Chúa can thiệp vào trong việc phục vụ của đời sống thường ngày chúng ta? Trong những mối tương quan với Chúa và tha nhân, hay trong những quyết định...chúng ta có tìm ý Chúa không hay vẫn muốn làm theo ý mình? Chúng ta đã tế nhị thành thật khi được người khác sửa lỗi hay khi sửa lỗi cho người khác hay chưa?

Mời bạn cùng tôi, chúng ta vào nơi thinh lặng của tâm hồn, để tìm ra ý Chúa muốn chúng ta phục vụ Chúa và tha nhân bằng cách nào; với thái độ nào; theo tinh thần của ai. Chúng ta hãy đặt mình trước mặt Chúa và hỏi lòng mình rằng: tôi có cảm nhận được niềm vui, bình an và hạnh phúc khi phục vụ Chúa và tha nhân không?

Ước mong rằng tôi và bạn, chúng ta mang tâm tình phục vụ như thánh nữ Mát-ta, phục vụ Chúa cách âm thầm với lòng yêu mến bởi: “Phục vụ là cho không, phục vụ là quên mình, phục vụ là không đòi đền đáp, phục vụ ơn nghĩa không màng”.

 

8. Thánh Mát-ta—Susan Helen Wallace FSP

Thánh nữ Mát-ta là chị ruột của Maria và Lazarô. Các ngài sống tại một ngôi làng nhỏ bé tên Bêtania gần thành phố Giêrusalem. Các ngài là những người bạn rất thân của Đức Chúa Giêsu, và Đức Chúa Giêsu cũng thường hay đến thăm các ngài. Thật vậy, sách Tin mừng nói cho chúng ta biết: “Chúa Giêsu yêu Mát-ta, Maria và Lazarô.” Chính thánh nữ Mát-ta đã phục vụ Chúa Giêsu cách rất âu yếm khi Người đến thăm gia đình Mát-ta.

Một ngày kia, thánh nữ Mát-ta đang bận sửa soạn bữa ăn cho Chúa Giêsu và các tông đồ của Người. Thánh nữ nhận thấy rằng công việc sẽ dễ dàng hơn nếu cô Maria em ngài phụ giúp ngài một tay. Mát-ta thấy Maria đang ngồi bên chân Chúa Giêsu mà nghe lời Người. Mát-ta liền đề nghị: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo em con giúp con với!” Chúa Giêsu rất hài lòng với công việc phục vụ dễ thương của Mát-ta. Tuy vậy, Người muốn cho Mát-ta hiểu rằng việc nghe lời Chúa và cầu nguyện thì có tầm quan trọng hơn. Vì thế, Chúa Giêsu đã dịu dàng nói: “Mát-ta, Mát-ta, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện! Chỉ có một chuyện cần mà thôi! Maria em con đã chọn phần tốt nhất!”

Lòng tin tưởng mãnh liệt vào Chúa Giêsu của thánh nữ Mát-ta còn được biểu lộ khi em trai Lazarô qua đời. Ngay lúc nghe tin Đức Chúa Giêsu đang đến Bêtania, Mát-ta đã đi ra tiếp đón Người. Mát-ta tin tưởng vào Chúa Giêsu và thốt lên cách rất tự nhiên: “Lạy Thầy, nếu Thầy ở đây thì em con không chết!” Sau đó, Chúa Giêsu nói với Mát-ta rằng em Lazarô sẽ sống lại. Người nói: “Ai tin vào Thầy thì dù có chết cũng sẽ sống. Con có tin điều đó không?” Và Mát-ta thưa: “Lạy Thầy, vâng con tin rằng Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa đã đến trong thế gian.” Hôm ấy, Chúa Giêsu đã làm một phép lạ vĩ đại cho Lazarô sống lại từ cõi chết!

Sau đó, Chúa Giêsu lại đến dùng bữa với Lazarô, Mát-ta và Maria. Thánh nữ Mát-ta phục vụ bàn ăn như thường lệ. Tuy nhiên, lần này với thái độ đáng yêu hơn: Mát-ta đã phục vụ với một trái tim thật vui tươi!

Thánh nữ Mát-ta đã nêu cho chúng ta một tấm gương sáng về lòng hiếu khách. Khi chúng ta chào đón hay phục vụ ai, Đức Chúa Giêsu coi đó như là chúng ta làm cho chính bản thân Người. Thánh nữ Mát-ta cũng nêu gương sáng về lòng tin tưởng và niềm trông cậy. Ngài là bạn thân của Đức Chúa Giêsu và ngài biết có thể tin tưởng vào lời Đức Chúa Giêsu đã nói. Xin thánh nữ Mát-ta cũng giúp chúng ta biết tạo mối tương quan thân thiện với Đức Chúa Giêsu như ngài.

 

Hoặc:

Lời Chúa: Ga 11, 19-27 ------- tgpsaigon.net 2021.07.29.tn17 t5

“Con đã tin Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, nhiều người Do-thái đến nhà Mát-ta và Maria để an ủi hai bà vì người em đã chết. Khi hay tin Chúa Giêsu đến, Mát-ta đi đón Người, còn Maria vẫn ngồi nhà.

Mát-ta thưa Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy”. Chúa Giêsu nói: “Em con sẽ sống lại”. Mát-ta thưa: “Con biết ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại, thì em con sẽ sống lại”.

Chúa Giêsu nói: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?” Bà thưa: “Thưa Thầy: vâng, con đã tin Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian”.

 

9. Thánh nữ Mát-ta--TGM Giuse Nguyễn Năng

Sứ điệp: Với tư cách là con người, Chúa Giêsu đến viếng thăm để an ủi. Với tư cách là Con Thiên Chúa, Ngài còn đến để phục sinh: phục sinh tâm hồn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì Chúa đã dựng nên con người có trái tim biết yêu thương. Nhờ đó, chúng con biết chung chia vui buồn với nhau. Khi chung vui, niềm vui như được nhân tăng và khi chia buồn, nỗi buồn như vơi nhẹ. Tuy thế, đôi lúc sự chia buồn của chúng con gần như vô nghĩa khi đứng trước nỗi đau quá lớn lao. Chúng con bó tay, chúng con ngọng miệng trước những đau khổ vượt sức chịu đựng của con người.

Loài người bó tay, loài người ngọng miệng nhưng Chúa thì không. Hoàn cảnh của chị Mác-ta hôm nay thật đáng thương: Gia đình có 3 chị em mà em trai duy nhất lại qua đời. Chúa đến không phải chỉ an ủi mà còn khơi lại niềm tin, niềm hy vọng cho chị em Mác-ta. ”Em chị sẽ sống lại” là lời phục sinh niềm tin cho chị Mác-ta. Lời quyền năng của Chúa đã dẫn chị ra khỏi nỗi buồn thất vọng để tới niềm vui tin tưởng. Chị đã thưa với Chúa: ”Con biết em con sẽ sống lại”.

Lạy Chúa, vì chúng con đến với nhau mà không mời Chúa đi theo, nên chúng con chưa giúp nhau được nhiều. Giúp nhau bằng sức người, có những lúc chúng con bó tay. Cần phải giúp nhau bằng sức Chúa, bằng cầu nguyện, bằng hy sinh. Động viên, hướng dẫn nhau bằng Lời Chúa mới không làm chúng con bí lối. Cần phải có Chúa Phục sinh đến thăm, chúng con mới sống lại thật về phần linh hồn.

Và lạy Chúa, mỗi khi chúng con gặp gian nan, xin cho chúng con biết khôn ngoan tìm đến Chúa. Rồi khi thấy anh em khốn khó, xin cho chúng con biết dẫn anh em đến với Chúa. Đến được với Chúa là chúng con đã tìm được địa chỉ tốt nhất để được bình an. Amen.

Ghi nhớ: ”Con đã tin Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

 

10. Thánh nữ Mát-ta ở Bêtania--Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

Hai chị em Mát-ta và Maria đón tiếp Chúa Giêsu tại làng Bêtania, nơi mà Chúa Giêsu đã quen biết hai chị em. Lúc Chúa tới nhà, Mát-ta lo lắng chuẩn bị bữa ăn trong lúc Maria ngồi yên bên Chúa để nghe lời Ngài. Câu trả lời của Đức Giêsu trước đề nghị của Mát-ta không có nghĩa là Ngài phủ nhận tất cả sự quan tâm lo lắng của Mát-ta. Nhưng Đức Giêsu muốn cho thấy một điều cao quý hơn là: lắng nghe Lời Chúa. Lo lắng cho Chúa là điều đáng quý, nhưng để hết tâm trí lắng nghe và thi hành Lời Chúa lại càng quý giá gấp bội.

Theo truyền thống của các giáo phụ, Mát-ta và Maria trong Tin mừng hôm nay là đại biểu của hai lối sống về người môn đệ Chúa Kitô. Mát-ta đại diện cho những người thích lối sống hoạt động. Còn Maria đại diện cho lối sống chiêm niệm và cầu nguyện. Lời trách móc của Mát-ta như gián tiếp cho rằng việc của mình làm là đúng, là tốt hơn người khác. Nhân cơ hội này Chúa Giêsu chỉ cho Mát-ta và chúng ta một bài học về sự lượng giá một công việc. Chúa bảo: “Chỉ có một chuyện cần mà thôi”, đó chính là ngồi nghe Lời Chúa dạy. Chúa không phủ nhận những việc bác ái, phục vụ cộng đoàn. Nhưng tất cả những hoạt động phục vụ sẽ trở thành vô ích, nếu không khởi đi từ tinh thần Tin mừng. Việc bác ái, tông đồ chỉ thực sự mang lại ơn ích cho người khác khi nó xuất phát từ một tâm hồn cầu nguyện, thích nghe Lời Chúa (5 phút Lời Chúa).

Hoạt động và cầu nguyện là hai trạng thái luôn đi đôi với nhau trong đời sống của người Kitô hữu. Đôi khi chúng ta cảm thấy thành công vì những hoạt động bên ngoài, nhưng chúng ta quên đi điều vô cùng quan trọng là đời sống cầu nguyện. Chính những lúc đó chúng ta đang tìm chính mình. Để hoạt động có hiệu quả, chúng ta cần lắng nghe tiếng Chúa trong cầu nguyện. Chính những giây phút ấy, chúng ta được tiếp thêm sức mạnh để dấn thân và hoạt động hăng say hơn. Chúa không chê trách Mát-ta nhưng Chúa mời gọi bà  hãy biết nghỉ ngơi bên Chúa, Người sẽ bổ sức cho.

Trong Tông huấn Lời Chúa (Verbum Domini) số 3, Đức Giáo hoàng Bênêdictô XVI nhấn mạnh vai trò của Lời Chúa: “Xuyên suốt dòng lịch sử, Dân Chúa gặp thấy sức mạnh nơi Lời Chúa và ngày nay cũng vậy, Giáo hội tăng cường nhờ nghe, cử hành và học hỏi Lời Chúa”.

 

Trong Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng khẳng định vai trò quan trọng bậc nhất của Lời Người. Mát-ta tất bật công việc phục vụ là tốt, nhưng Maria đã chọn phần tốt nhất, là ngồi dưới chân và lắng nghe Lời Chúa. Ngày nay, nhiều người chẳng đoái hoài, thậm chí còn thấy chán ngán với việc lắng nghe Lời Chúa, bởi vì Lời Chúa luôn thách thức và đòi hỏi con người thay đổi não trạng, hành vi của mình để sống đúng phẩm giá hơn. Ước gì chúng ta luôn có được niềm vui khi lắng nghe Lời Chúa, và có động lực để thực thi Lời ấy trong cuộc sống hằng ngày (Học viện Đa Minh).

Chắc hẳn Chúa Giêsu đã đánh giá cao sự hy sinh bận rộn của Mát-ta. Đó là biểu hiện lòng mến cao độ. Tuy nhiên, qua cử chỉ của cô Maria, Chúa Giêsu đã nhận được một tâm tình cao đẹp hơn. Đó là lắng nghe Lời Chúa, đặt Ngài vào chỗ nhất trong cuộc sống, chọn Ngài làm tất cả. Chúa Giêsu muốn lấy cử chỉ đó làm biểu tượng nói lên sự chọn lựa đúng đắn của con người. Đó là chọn Ngài làm cơ nghiệp, là đặt Ngài vào trọng tâm của cuộc sống.

Lời Chúa hôm nay một lần nữa mời gọi chúng ta thống nhất đời sống. Có những giây phút ưu việt dành cho cầu nguyện, thờ phượng, còn phần lớn thời giờ được dành cho những sinh hoạt khác. Đối với người Kitô hữu phải biến mọi sinh hoạt thành lời cầu nguyện kéo dài, thành những hy tế trên bàn thờ. Chính qua những sinh hoạt ấy, chúng ta gặp gỡ, lắng nghe, thực thi thánh ý Thiên Chúa.

Truyện: Con người chỉ vĩ đại khi cầu nguyện

Frederic Ozanam, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Giáo hội Pháp vào cuối thế kỷ 19 đã trải qua một cuộc khủng hoảng đức tin trầm trọng lúc còn là sinh viện đại học.

Một hôm, để tìm một chút thanh thản cho tâm hồn, anh bước vào một ngôi thánh đường cổ ở Paris. Đứng cuối nhà thờ, anh nhìn thấy một bóng đen đang quỳ cầu nguyện cách sốt sắng ở dãy ghế đầu. Đến gần, chàng sinh viên mới nhận ra người đang cầu nguyện ấy không ai khác hơn là nhà bác học Ampère. Anh đứng lặng lẽ một lúc để theo dõi cử chỉ của nhà bác học. Và vừa khi đứng lên ra khỏi giáo đường, người sinh viên đã theo gót ông về cho đến phòng làm việc của ông.

Thấy chàng thanh niên đang đứng trước cửa phòng với dáng vẻ rụt rè, nhà bác học liền lên tiếng hỏi:

- Anh bạn trẻ, anh cần gì đó? Tôi có thể giúp anh giải một bài toán vật lý nào không?

Chàng thanh niên đáp một cách nhỏ nhẹ:

- Thưa thầy, con là một sinh viên khoa văn chương. Con dốt khoa học lắm, xin phép thầy cho cho con hỏi một vấn đề liên quan đến đức tin!

Nhà bác học mỉm cười cách khiêm tốn:

- Anh lầm rồi, đức tin là môn yếu nhất của tôi. Nhưng nếu được giúp anh điều gì, tôi cũng cảm thấy hân hạnh lắm.

Chàng sinh viên liền hỏi:

- Thưa thầy, có thể vừa là một bác học vĩ đại, vừa là một tín hữu cầu nguyện bình thường không?

Nhà bác học ngỡ ngàng trước câu hỏi của người sinh viên, và với đôi môi run rẩy đầy xúc cảm, ông trả lời:

- Con ơi, chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện mà thôi!

 

11. Thánh Mát-ta--Lm Giuse Đinh Tất Quý

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ thánh Mát-ta. Tôi xin nói về tình thương của Chúa đối với gia đình này.

A. Sự kiện:

Chúa thương gia đình này cách đặc biệt. Tình thương của Chúa được biểu lộ ra trong những việc rất cụ thể này:

1. Đây là một gia đình mà mỗi khi Chúa có dịp lên Giêrusalem Chúa hay lui tới.

Đọc trong Tin Mừng chúng ta thấy Chúa đã tuyên bố rất rõ: “Con chim có tổ, con cáo có hang. Con người không có nơi gối đầu” (Mt 8,20). Cả cuộc đời công khai của Chúa, dường như Chúa sống ở ngoài đường hơn ở trong nhà. Việc Chúa ghé nhà nọ nhà kia quả là một việc rất họa hiếm: Thí dụ ghé nhà bà nhạc mẹ vợ ông Phêrô, ghé nhà Giakêu lùn, ghé nhà để chữa con gái ông Giairô. Khi lập Bí tích Thánh Thể Chúa ghé một nhà sang trọng.

Vậy mà chúng ta thấy địa chỉ của Mát-ta - Lazarô - Maria đã trở thành địa chỉ quen thuộc với Chúa và các Tông Đồ. Đó là một ưu ái Chúa dành cho gia đình này.

2. Chúa thương gia đình đình này cách đặc biệt bằng cách Chúa dành cho mấy chị em những tình cảm nhiều khi được bộc lộ ra cả bên ngoài... đến mức dân chúng cũng ngạc nhiên về điều đó. Thí dụ như khi nghe tin Lazarô chết, Chúa đã xúc động... Rồi khi đứng trước mộ Lazarô Chúa đã bật khóc.

3. Đặc biệt nhất là Chúa đã làm cho Lazarô sống lại từ cõi chết. Đọc lại câu truyện này chúng ta thấy thật lạ lùng. Chính Mát-ta và cả gia đình cũng không bao giờ dám tin vào điều đó. Vậy mà nó đã xẩy ra.

B. Lý giải: Tại sao thế?

1. Phải chăng vì gia đình này đã có đóng góp vào việc truyền giáo của Chúa?

Cắt nghĩa như thế tôi tưởng không ổn bởi vì trên con đường truyền giáo của Chúa, còn có những người đóng góp nhiều hơn. Thí dụ như trường hợp bà Chusa vợ của ông quản lý của Vua Hêrôđê. Không những Bà dâng cúng mà bà con đi theo để phục vụ Chúa nữa. Vậy mà không có chỗ nào trong Tin Mừng cho chúng ta thấy Chúa ghé thăm gia đình bà.

Hơn nữa lấy lý do tiền bạc ra mà đánh giá một hành động của Chúa thì quả là không đẹp tí nào. Chúa đâu cần đến mức độ như thế.

2. Hay vì Mát-ta khéo xử. Bài Tin Mừng hôm nay là một thí dụ?

 Tôi cho là cũng không phải. Tầm cỡ như Chúa thì có thiếu gì người mời. Chúng ta hãy nhớ lại trường hợp của ông Giakêu... Chúa vừa mới ngỏ ý thôi là ông ấy đã cảm thấy hạnh phúc như chưa bao giờ mơ thấy. Trong bữa tiệc ông đã biểu lộ niềm vui ấy ra bên ngoài như thế nào thì mọi người chúng ta đều biết.

3. Tôi cho là hoàn toàn do lòng Chúa yêu thương. Vâng! Tất cả là vì lòng Chúa yêu thương. Bởi vì Ngài là tình yêu. Chúa yêu thương và Chúa cứu gia đình này. Tại sao tôi dám nói như thế? Có nhiều giả thuyết cho rằng: Maria em của Mát-ta chính là Maria Madalena, người phụ nữ phạm tội ngoại tình. Đàng khác chúng ta thấy cả ba chị em đều không có gia đình. Đây là một sự kiện bất thường trong xã hội Do thái lúc đó. Lý do là vì lúc đó người ta có một quan niệm rất khắt khe về vấn đề gia đình. Người con trai lớn lên thì phải lấy vợ. Người con gái lớn lên thì lấy chồng. Trai lớn, gái đến tuổi mà không có gia đình thì người coi đó như là bị Thiên Chúa phạt.

Chính vì những lý do đó mà chúng ta có thể coi đây là một gia đình có vấn đề. Đối với xã hội con người thì không thể chấp nhận được nhưng với Chúa thì sự thể lại khác.

Chúa làm thế vì Người có lý do của Người.

Một em bé gái mồ côi sống với bà ngoại trên một căn gác nghèo nàn. Một đêm nọ, căn gác bị hỏa hoạn, bà ngoại đã thiệt mạng khi cố gắng cứu đứa cháu. Chẳng mấy chốc, lửa lan xuống tầng dưới của căn nhà những người láng giềng. Em bé gái xuất hiện trên cửa sổ của căn gác và kêu cứu, nhưng đội cứu hỏa vẫn chưa tới. Đột nhiên có một người đàn ông xuất hiện với một chiếc thang, ông leo vào căn gác và một lúc sau ông trở ra với em bé gái trên cánh tay, ông trao đứa bé cho đám đông rồi biến mất.

Qua một cuộc điều tra, người ta biết rằng đứa bé không biết có bất cứ một thân nhân nào. Một tuần lễ sau đó, ông trưởng khu phố cho tổ chức một cuộc họp để xem có ai nhận em bé về nuôi nấng dưỡng dục không? Một cô giáo đã giơ tay xin nhận em bé về nhà và hứa sẽ dạy dỗ em nên người. Một người chủ nông trại giàu có cũng ngỏ ý nhận em làm con nuôi. Nhiều người khác cũng giơ tay biểu lộ cùng một ý tưởng. Cuối cùng, người giàu có nhất của khu phố phát biểu: “Tôi có thể mang lại cho em bé này tất cả những tiện nghi mà quí vị vừa nêu lên, cộng với tiền bạc và tất cả những gì tiền bạc có thể mua được”.

Em bé gái lắng nghe tất cả những lời hứa hẹn trên đây, nhưng không để lộ một phản ứng nào, mắt em chỉ muốn cúi nhìn xuống đất. Cuối cùng, người chủ trì lên tiếng hỏi:

- Còn có ai muốn nói điều gì nữa không?

Lúc bấy giờ, từ cuối hội trường có một ông từ từ tiến lên, đến gần em bé, ông giang cánh tay ra, mọi người đều thấy những vết cháy xám trên hai cánh tay của ông. Em bé gái bỗng thét lên:

 - Đây là người đã cứu tôi.

Và em nhảy lên bá lấy cổ người đàn ông, áp mặt vào vai ông và thổn thức, rồi ngước mắt nhìn lên mỉm cười với ông. Chứng kiến cảnh tượng đó người chủ trì phiên họp tuyên bố giải tán.

 

12. Thánh Mát-ta--5phutloichua.net

Suy niệm: Qua việc cho La-da-rô sống lại, Chúa Giê-su dẫn đưa Mác-ta tiến sâu vào con đường đức tin, giúp cho cô vững tin Ngài chính “là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian” (c.27). Đối với Mác-ta, niềm vui này còn lớn hơn niềm vui tìm lại được người em đã chết, bởi vì niềm tin ấy đưa cô đến sự sống đời đời: “Ai tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (c.26). Tin vào con người Đức Ki-tô thì cũng đồng thời là tin vào Lời của Ngài, bởi vì Ngài chính là Ngôi Lời (Ga 1,1), và Lời Ngài là Lời hằng sống, Lời đem lại sự sống đời đời (Ga 6,68).

Mời Bạn: Giữa cơn thử thách lớn lao, Mác-ta đã gặp Đức Ki-tô, và lời Ngài đã vực chị dậy để chị đứng vững trong niềm tin. Bạn đã làm gì khi gặp thử thách trong đời sống, trong đức tin? Trong năm Sống Lời Chúa, bạn được mời gọi năng đọc, và sống Lời Chúa. Việc này phải dẫn bạn đến chỗ tin tưởng vào Ngài mỗi ngày một hơn.

Chia sẻ: Khi gặp thử thách mới thấy niềm tin của mình như thế nào! Bạn hãy cùng bạn bè, người thân chia sẻ kinh nghiệm cá nhân khi đối diện thử thách, dựa vào  gương của Mác-ta trong câu truyện Tin Mừng hôm nay, và hãy khích lệ nhau vững tin vào Chúa hơn.

Sống Lời Chúa: Bạn hãy tập thói quen khi gặp thử thách lớn nhỏ, nhớ đến một câu Lời Chúa, để tâm niệm, và xin ơn kiên vững trong niềm tin.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã cho con bài học về đức tin của Mác-ta. Ước gì những thử thách con gặp phải, không đẩy con xa Chúa, nhưng giúp con thêm vững tin vào Chúa, và dẫn con đến sự sống đời đời.

 

13. Thánh nữ Mát-ta

Thánh nữ Mát-ta cùng sống với em gái là Maria và em trai là Ladarô tại làng Bêtania, gần Jerusalem. Vào cuối quãng đời công khai, Chúa Giêsu thường ghé thăm nhà của ba người bạn thân thiết này. Những mối cảm tình thắm thiết đã liên kết ba vị với Chúa Giêsu.

1. Tình yêu Thầy Chí Thánh và niềm tin vào sự giúp đỡ của Người.

Ngày lễ kính thánh nữ Mát-ta là dịp để chúng ta đi vào ngôi nhà thường được diễm phúc đón tiếp sự hiện diện của Chúa Giêsu tại Bêtania. Tại đây, gia đình của Mát-ta, Maria, và Ladarô, Chúa tìm được sự nghỉ ngơi sau những chuyến rao giảng mệt nhoài qua những thị thành. Chúa Giêsu đã tìm đến nương ẩn nơi những bạn bè của Người, nhất là trong những ngày sau cùng khi Người thường xuyên gặp hiểu lầm và khinh bỉ, đặc biệt là từ những người Biệt Phái. Những tình cảm Thầy Chí Thánh dành cho những người bạn của Người tại Bêtania đã được thánh Gioan ghi lại trong Phúc Âm: Chúa Giêsu yêu thương Mát-ta, hai người em của bà là Maria và Ladarô. Quả thật, họ là những người bạn thiết của Chúa!

Phúc Âm thánh lễ hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu đến thăm gia đình này vào bốn ngày sau khi Ladarô qua đời. Trước đó, khi Ladarô đang bệnh nặng, hai người chị, đầy lòng tin tưởng, đã gửi tin báo cho Thầy Chí Thánh: Lạy Thầy, người Thầy yêu đang ốm nặng. Khi ấy, Chúa Giêsu còn ở tại Galilê, cách Bêtania một vài ngày đàng. Khi nghe tin Ladarô lâm bệnh, Chúa vẫn lưu lại nơi ấy thêm hai ngày nữa. Sau đó, Người nói với các môn đệ: ‘Nào chúng ta cùng trở lại Judaea.’ Nhưng khi Chúa đến nơi, Ladarô đã chết và chôn trong mồ được bốn ngày.

Lúc nào cũng lưu tâm sốt sắng, nên Mát-ta đã nhận ra Chúa Giêsu khi Người còn ở đàng xa, và đã kịp ra chào đón. Mặc dù phản ứng của Chúa xem ra không chiều theo ước nguyện của Mát-ta, nhưng tình yêu và niềm tin của thánh nữ vẫn không suy giảm. Mát-ta thưa với Chúa – Nếu Thầy có mặt ở đây, thì em con không chết. Bà đã tế nhị trách Chúa vì đã không đến sớm hơn. Mát-ta hy vọng Chúa chữa lành cho em bà khi còn đang bệnh. Nhưng Chúa Giêsu, với một cử chỉ thân thiện, có lẽ mỉm cười, đã làm bà phải ngạc nhiên: Em con sẽ sống lại. Mát-ta đón nhận những lời an ủi ấy, nhưng hiểu về ý nghĩa của ngày phục sinh, nên đã đáp lại: Con biết em con sẽ sống lại trong ngày sau hết. Câu đáp của thánh nữ đã mở đường cho lời tuyên bố của Chúa Giêsu về thần tính của Người: Ta là sự Sống Lại và là Sự Sống; ai tin nơi Ta thì dù có chết cũng sẽ được sống, và bất cứ ai sống mà tin Ta thì sẽ không phải chết bao giờ. Rồi Chúa hỏi thẳng Mát-ta: Con có tin không? Ai có thể phản kháng uy quyền tối thượng của lời tuyên bố: Ta là sự Sống Lại và là Sự Sống…  Ta là nguyên nhân hiện hữu của mọi vật hiện hữu. Chúa Giêsu là Sự Sống, không chỉ là Sự Sống đời sau, mà còn là Sự Sống hiện tại, trong đó, ơn thánh hoạt động trong linh hồn chúng ta đang khi chúng ta đang chiến đấu. Những lời ngoại thường này trấn an và lôi kéo chúng ta đến gần Chúa Kitô hơn nữa. Những lời ấy cũng đưa chúng ta đến chỗ nhận những lời đáp của thánh nữ Mát-ta như của chính chúng ta: Con tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, đã xuống thế gian. Sau đó một lúc, Chúa Giêsu đã làm phép lạ, cho Ladarô sống lại từ cõi chết.

Chúng ta thán phục đức tin và muốn noi gương thánh Mát-ta trong mối tương quan tín thác của thánh nữ vào Thầy Chí Thánh: Bạn đã nhìn thấy tình cảm và niềm tin mà những người bạn thân của Chúa Kitô đã xử đối với Người hay chưa?  Một cách hết sức tự nhiên, hai người chị của Ladarô đã ‘trách’ Chúa Kitô vì đã đi vắng: ‘Nếu như Thầy có mặt ở đây!’

Bạn hãy thưa với Chúa trong niềm tin tưởng an bình: “Xin dạy chúng con biết đối xử với Chúa bằng tình thân thắm thiết như Mát-ta, Maria, và Ladarô, như mười hai Tông Đồ đầu tiên đã đối xử với Chúa, ngay cả như thời gian ban đầu, khi các ngài theo Chúa có lẽ không vì những lý do siêu nhiên nào cả.”

2. Nhân tính rất thánh của Chúa Giêsu.

Một thời gian sau, gần đến lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu lại ghé thăm các người bạn: Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu đến Bêtania, nơi Ladarô đã chết, người đã được Chúa Giêsu cho sống lại từ cõi chết. Ở đó, họ dọn bữa tối thết đãi Chúa Giêsu; Mát-ta lo hầu bàn, còn Ladarô là một trong những người cùng dự tiệc với Người.

Mát-ta lo hầu bàn… Chắc hẳn thánh nữ đã thực hiện điều này với một lòng tri ân. Đấng Cứu Thế đang có mặt tại nhà; Thiên Chúa cần được thánh nữ phụng sự. Thánh nữ được phụng sự Thiên Chúa. Thiên Chúa làm người để đồng hóa với những nhu cầu nhân loại, thành ra chúng ta có thể học biết yêu mến Người qua Nhân Tính Rất Thánh của Người và có thể trở nên những bạn thân của Người. Chúng ta thỉnh thoảng hãy nhớ lại chính Chúa Giêsu đã từng ở Nazareth, ở Capharnaum, từng ở Bêtania xưa, cũng đang nóng lòng đợi chờ chúng ta tại nhà tạm gần nhất. Người đang cần sự quan tâm và phục vụ của chúng ta. Quả thật, tôi luôn luôn gọi nhà tạm của chúng ta là nhà Bêtania. Bạn hãy trở nên một bạn thân của Thầy Chí Thánh – như Ladarô, Mát-ta, và Maria – và rồi bạn đừng hỏi tôi tại sao tôi lại gọi các nhà tạm là nhà Bêtania nữa. Chúa Kitô đang hiện diện một cách bí tích tại đó. Chúng ta đừng hờ hững với Người. Hằng ngày, chúng ta hãy đến kính viếng và bầu bạn với Người, không hấp tấp, không lo ra, nhất là trong những giờ phút quí báu sau khi được lãnh nhận Thánh Thể. Thời gian ấy lợi ích biết bao cho chúng ta!

Theo thánh Thomas, đối với Thiên Chúa, nhập thể là phương thức hữu hiệu và lợi ích nhất trong việc cứu độ nhân loại. Thánh nhân nêu ra các lý do sau: đối với đức tin – điều ấy dễ tin hơn, bởi vì chính Thiên Chúa là Đấng phán dạy; đối với đức cậy – ý chí cứu độ của Thiên Chúa được biểu trưng qua bằng chứng lớn lao này; đối với đức ái – bởi vì không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người hiến mạng sống vì bạn hữu; và đối với chính các hành vi của tình yêu – bởi vì Thiên Chúa trở nên gương mẫu cho chúng ta. Qua việc nhập thể, Thiên Chúa đã tỏ ra giá trị lớn lao của từng con người.. Qua sự khiêm nhượng, Thiên Chúa đã chà đạp tính kiêu ngạo của chúng ta…

Qua Nhân Tính thánh thiện Chúa Giêsu, tình yêu Thiên Chúa đã mặc lấy hình hài nhân loại vì chúng ta. Hành vi này mở ra cho chúng ta một cánh cửa dẫn đến chỗ kết hợp với Thiên Chúa, Cha của chúng ta. Do đó, cuộc sống Kitô hữu hệ tại ở việc yêu mến, noi gương, và theo bước Chúa Kitô. Chúng ta được phấn khích nhờ tấm gương đời sống Chúa Kitô và nhờ tình thân ái giữa chúng ta với Người.

Mục tiêu chính của việc nên thánh không phải là cuộc chiến chống lại tội lỗi, không phải là vấn đề tránh lánh điều xấu, nhưng là việc yêu mến, noi gương Thầy Chí Thánh, Đấng đi khắp nơi thi ân giáng phúc… Cuộc sống Kitô hữu là một cuộc sống đầy nhân tính. Trái tim chúng ta có một vai trò quan trọng trong việc nên thánh bởi vì Thiên Chúa đã đoái thương trở nên con người. Nếu chúng ta không quan tâm đến phương diện tình cảm trong đời sống đạo đức, và dễ dãi trao gửi con tim chúng ta cho các thụ tạo, tình thân giữa chúng ta với Thầy Chí Thánh sẽ gặp nguy hại, và sức mạnh ý chí của chúng ta không đủ sức giúp chúng ta vươn lên trên con đường hẹp của sự thánh thiện. Vì vậy, chúng ta luôn luôn phải nỗ lực ý thức rằng Chúa đang gần bên chúng ta. Chúng ta có thể dùng trí tưởng tượng để hình dung Chúa Kitô, Đấng đã giáng sinh tại Bêlem, đã lao động nhọc nhằn tại Nazareth, đã có những người bạn thân thiện, và đã quí trọng cuộc sống trần gian của Người.

Ước chi chúng ta biết học từ nơi những người bạn của Chúa Kitô để đối xử với Người trong niềm tôn kính sâu xa, bởi vì Chúa chúng ta là Thiên Chúa. Đồng thời, chúng ta cũng hãy tìm đến nương tựa nơi Chúa với một niềm tin tưởng vô bờ, bởi vì Chúa là Người Bạn của chúng ta, mỗi ngày Người hằng tìm kiếm và ước ao sống gần gũi với chúng ta.

3. Tình thân với Chúa làm cho cuộc sống trở nên dễ dàng.

Một lần kia, Chúa Giêsu và các môn đệ ghé lại nhà các bạn của Người tại Bêtania trên đường lên Jerusalem. Mát-ta và Maria đã thết đãi và chuẩn bị những thức cần thiết để chứng tỏ lòng hiếu khách với Thầy Chí Thánh và những môn đệ của Người. Nhưng Maria - có lẽ khi ấy Chúa Giêsu vừa đến chưa bao lâu - đã ngồi lại dưới chân Chúa và lắng nghe Người, trong khi Mát-ta bận bịu một mình. Maria quên tất cả để chỉ lắng nghe lời Thầy Chí Thánh. Tình yêu đã lôi cuốn Maria ở lại dưới chân Chúa. Tập quán lắng nghe Chúa và sự đói khát lời Người minh chứng rằng đây không phải là cuộc gặp gỡ lần đầu, nhưng là một sự đồng cảm hiếm thấy.

Mát-ta chắc chắn không hững hờ với lời Chúa. Thánh nữ nóng lòng muốn nghe, nhưng vì phải bận bịu công việc. Không có Mát-ta, Chúa Giêsu vẫn hướng câu chuyện của Người về bình diện trên cao. Điều ấy, đối với Mát-ta, càng làm Chúa trở nên lôi cuốn hơn nữa. Vì thế, Mát-ta cảm thấy khó chịu và bực bội vì gánh nặng công việc. Trong lúc đó, thánh nữ lại thấy em mình dưới chân Chúa. Theo trình thuật Phúc Âm thánh Luca: Hơi khó chịu, nhưng đầy tin tưởng, thánh nữ đến và thưa Chúa: Lạy Thầy, Thầy không thấy em con để con phục vụ một mình sao?  Xin Thầy bảo em con giúp con với. Mát-ta đã đến với Chúa trong niềm tin tưởng!

Chúa Giêsu đã đáp lại một cách nói thân mật bằng cách lặp đi lặp lại tên thánh nữ: Mát-ta, Mát-ta, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện quá; chỉ có một điều cần mà thôi. Maria có lẽ cũng sẵn lòng giúp đỡ chị, nhưng đã không quên điều thiết yếu: đó là chọn Chúa Giêsu làm tâm điểm chú ý và trung tâm cuộc sống của mình. Chúa Giêsu đã đề cao điều ấy – tức là tình yêu của Maria.

Ngay cả những công việc của Chúa cũng đừng làm chúng ta quên mất Chúa. Mát-ta sẽ không bao giờ quên được lời nhắc nhở thân thiết ấy của Chúa. Công việc là điều không thể lơ là, nhưng đừng vì công việc mà hạ Chúa Kitô xuống hàng thứ yếu.

Những hoạt động và lo toan của chúng ta mặc dù trực tiếp qui hướng về Chúa, nhưng chúng ta cũng đừng bao giờ vì chúng mà quên lãng điều duy nhất cần thiết: đó là chính Chúa Kitô. Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta cần nhớ: đừng bao giờ để những điều xem ra hết sức quan trọng, chẳng hạn như công việc, thu nhập tài chánh, những tương giao xã hội, vượt quá địa vị của cuộc sống gia đình. Những điều ấy không đáng buộc cuộc sống gia đình phải chịu tổn thiệt. Chỉ trong những hoàn cảnh ngoại thường, người gia trưởng mới phải làm việc xa nhà, chẳng hạn như những người di cư hoặc thủy thủ. Nếu người cha hoặc người mẹ trong gia đình kiếm được nhiều tiền mà thiếu sót bổn phận đối với con cái, thử hỏi kết quả sẽ như thế nào?

Đức Thánh Trinh Nữ, Đấng muôn đời được hưởng sự hiện diện hồng phúc của Chúa Kitô trên thiên quốc, sẽ nài xin cho chúng ta ơn biết trân trọng hơn nữa mối thân tình thắm thiết với Thầy Chí Thánh. Mẹ sẽ dạy chúng ta biết chuyên cần những công việc của Chúa mà không quên mất Chúa. Trước mặt Chúa Giêsu, Mẹ sẽ cầu bầu cho chúng ta biết coi trọng giá trị gia đình hơn những mối lợi khác.

 

14. Thánh Mát-ta, một con người phục vụ--Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Tin Mừng thánh Luca thuật lại rằng: “Trong khi Thầy trò đi đường, Đức Giêsu vào làng kia. Có một phụ nữ tên là Mát-ta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Maria, cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. Còn cô Mát-ta thì tất bật lo việc phục vụ” (Lc 10, 38-40 ). Tin Mừng cũng cho thấy, Mát-ta cũng đón Chúa dùng bữa với gia đình sáu ngày trước lễ phục sinh. Trong hai bữa ăn đó, Mát-ta tỏ ra tất bật, lo lắng cho Chúa Giêsu và các môn đệ. Cô Mát-ta có lòng hiếu khách một cách triệt để: thánh nữ bận rộn với việc bếp núc, cố gắng làm những món ăn ngon, hợp khẩu vị để thết đãi Chúa Giêsu và các môn đệ. Lần khác, Chúa Giêsu tới Bêtania và làm cho Lazarô chết bốn ngày, đã nặng mùi, được sống lại. Trước khi làm phép lạ, Mát-ta đã tuyên xưng lòng tin của mình: “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian” ( Ga 11,27) Lòng tin của Mát-ta đưa nhân loại liên tưởng tới lời tuyên xưng của thánh Phêrô. Chính lời tuyên xưng đức tin của vị tông đồ trưởng làm cho Ngài trở nên tảng đá vững chắc, Chúa xây dựng Giáo Hội của Người trên ấy. Mát-ta tuyên xưng Chúa là Đức Kitô, Con Thiên Chúa. Điều này nói lên, chính Thiên Chúa đã mạc khải cho thánh nữ và Thánh Thần đã tác động trong thánh nữ để Mát-ta nhận ra Chúa là Đấng thiên sai phải đến trong thế gian. Mát-ta bận rộn, lo lắng và trong sự mệt mỏi, thánh nữ đã than phiền về việc Maria không chịu giúp cô làm bếp để hầu hạ và phục vụ Chúa Giêsu cùng các môn đệ: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay” (Lc 10, 40 ). Sự thực Chúa Giêsu rất trân trọng thái độ hiếu khách của Mát-ta, tuy nhiên, Ngài cũng trách Mát-ta quá lo âu, lo lắng mà quên đi việc chính yếu là lắng nghe lời Chúa: “Mác ta! Mát-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi”( Lc 10, 41-42 ).

Thái độ nào cần phải có?

Maria em cô Mát-ta đã lấy thuốc thơm xức cho Chúa, đã ngồi bên chân Chúa mà nghe Chúa giảng dạy (Lc 10,39). Cả hai thái độ của Mát-ta và Maria đều đáng trân trọng, nhưng phải làm sao để đời sống hoạt động và đời sống chiêm niệm, cầu nguyện trở nên hài hòa. Lo lắng, băn khoăn, náo động mà quên đi phải có những lúc tĩnh, những lúc yên nghỉ để lắng đọng tâm hồn, kết hợp với Chúa, là điều thiếu xót, chưa hoàn hảo. Chúa Giêsu muốn con người vừa phục vụ nhưng phải biết hồi tỉnh để cầu nguyện. Maria và Mát-ta sẽ bổ túc cho nhau để đời sống trở nên hoàn hảo.

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xưa Con Một Chúa đã nhận lời mời và đến trú ngụ tại nhà thánh nữ Mát-ta. Nhờ lời thánh nữ cầu thay nguyện giúp, xin Chúa cho chúng con hết tình phục vụ Đức Kitô hiện diện trong mọi người để mai sau được Chúa đón nhận vào nhà Chúa (Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh nữ Mát-ta).

 

15. Đức Giêsu yêu quý Mát-ta, Maria và Lagiarô

(http://giaoxutanviet.com)

“Đức Giêsu yêu quý Mát-ta, Maria và Lagiarô”. Câu nói độc đáo này trong Phúc Âm của Thánh Gioan cho chúng ta biết về sự tương giao đặc biệt giữa Ðức Giêsu và Mát-ta, người em Maria, và người anh Lagiarô của thánh nữ.

Hiển nhiên, Ðức Giêsu là người khách thường xuyên đến nhà Mát-ta ở Bêtania, một ngôi làng nhỏ bé cách Giêrusalem chừng hai dặm. Chúng ta thấy ba lần đến thăm của Ðức Giêsu được nhắc đến trong Phúc Âm Luca 10,38-42, Gioan 11,1-53, và Gioan 12,1-9.

Nhiều người dễ nhận ra Mát-ta qua câu chuyện của Thánh Luca. Khi ấy, Mát-ta chào đón Ðức Giêsu và các môn đệ vào nhà của mình, và ngay sau đó Mát-ta chuẩn bị cơm nước. Sự hiếu khách là điều rất quan trọng trong vùng Trung Ðông, và Mát-ta là điển hình. Thử tưởng tượng xem ngài bực mình biết chừng nào khi cô em Maria không chịu lo giúp chị tiếp khách mà cứ ngồi nghe Ðức Giêsu. Thay vì nói với cô em, Mát-ta xin Ðức Giêsu can thiệp. Câu trả lời ôn tồn của Ðức Giêsu giúp chúng ta biết Người rất quý mến Mát-ta. Ðức Giêsu thấy Mát-ta lo lắng nhiều quá khiến cô không còn thực sự biết đến Người. Ðức Giêsu nhắc cho Mát-ta biết, chỉ có một điều thực sự quan trọng là lắng nghe Người. Và đó là điều Maria đã làm. Nơi Mát-ta, chúng ta nhận ra chính chúng ta – thường lo lắng và bị sao nhãng bởi những gì của thế gian và quên dành thời giờ cho Ðức Giêsu. Tuy nhiên, thật an ủi khi thấy rằng Ðức Giêsu cũng yêu quý Mát-ta như Maria.

Lần thăm viếng thứ hai cho thấy, Mát-ta đã thấm nhuần bài học trước. Khi ngài đang than khóc về cái chết của anh mình và nhà đang đầy khách đến chia buồn thì ngài nghe biết Ðức Giêsu đang có mặt ở trong vùng. Ngay lập tức, ngài bỏ những người khách ấy cũng như gạt đi mọi thương tiếc để chạy đến với Ðức Giêsu.

Cuộc đối thoại của ngài với Ðức Giêsu chứng tỏ đức tin và sự can đảm của ngài. Trong cuộc đối thoại, Mát-ta khẳng định rõ ràng là ngài tin vào quyền năng của Ðức Giêsu, tin vào sự phục sinh, và nhất là tin Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa. Và sau đó Ðức Giêsu đã cho Lagiarô sống lại từ cõi chết.

Hình ảnh sau cùng của Mát-ta trong Phúc Âm, đã nói lên toàn thể con người của ngài. Lúc ấy, Ðức Giêsu trở lại Bêtania để ăn uống với các bạn thân của Người. Trong căn nhà ấy có ba người đặc biệt. Lagiarô là người mà ai cũng biết khi được sống lại. Còn Maria là người gây nên cuộc tranh luận trong bữa tiệc khi cô dùng dầu thơm đắt tiền mà xức lên chân Ðức Giêsu. Về phần Mát-ta, chúng ta chỉ được nghe một câu rất đơn giản: “Mát-ta lo hầu hạ.” Ngài không nổi bật, ngài không thi hành những việc có tính cách phô trương, ngài không được hưởng phép lạ kỳ diệu. Ngài chỉ hầu hạ Ðức Giêsu.

Thánh Mát-ta được đặt làm quan thầy của các người hầu hạ và đầu bếp.

Lời Bàn

Các nhà chú giải Kinh Thánh nói rằng trong đoạn văn diễn tả việc Lagiarô sống lại, Thánh Gioan có ý nhắn nhủ chúng ta phải coi lời của Mát-ta nói với Maria (trước khi Lagiarô sống lại) như tóm lược những gì một Kitô hữu phải vâng theo. “Thầy có mặt ở đây và đang hỏi đến em”. Chúa Giêsu kêu gọi mọi người chúng ta đến sự phục sinh – mà sự phục sinh ấy hiện có trong đức tin khi rửa tội, được chia sẻ vĩnh viễn sự chiến thắng của Người đối với sự chết. Và tất cả chúng ta, cũng như ba người bạn của Chúa Giêsu, được mời gọi kết tình bằng hữu với Chúa trong một phương cách độc đáo.

 

16. Thánh nữ Matta-- Enzo Lodi

1. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Lễ Thánh Nữ Matta, chị của Maria và Ladarô, được cử hành tám ngày sau lễ kính Thánh Nữ Maria Mađalêna và đã phổ biến dưới thời Trung Cổ do ảnh hưởng cuốn Các truyền thuyết ở Pronvence. Tuy nhiên thật đáng tiếc vì không có một lễ chung kính ba vị thánh của Bêtania như trong phụng vụ dòng Phan Sinh ở thế kỷ XVIII và trong niên lịch dòng Biển Đức vốn vẫn thường mừng vào ngày 2 tháng Chín.

Quyển Cuộc đời Thánh Nữ Matta (thế kỷ XII) có kể lại một truyền thuyết rằng ba chị em Matta, Maria, Ladarô đã bị người Do Thái tống xuống một chiếc thuyền nhỏ không buồm, nhưng đã lên bờ được ở Marseille và tại đây bà Matta được đặc biệt kính trọng. Còn theo những truyền thuyết khác thì Thánh Nữ Matta đã truyền giáo ở miền Provence và đã giải thoát miền này khỏi một con quái vật tên là Tarasque. Người ta thấy sự tích đó được khắc trong Nhà thờ Thánh Nữ Matta (thế kỷ XII) ở Tarascon.

2. Thông điệp và tính thời sự

Các lời nguyện trong Thánh Lễ cũng như các điệp ca nhập lễ (nhắc tới bữa ăn ở Bêtania) và hiệp lễ (nhắc tới việc Ladarô sống lại) đưa ra ba giai đoạn nổi bật của Thánh Nữ Matta, được chọn làm bổn mạng các bà nội trợ và các dưỡng đường.

Lời nguyện trong ngày ca tụng tính hiếu khách của thánh nữ, và dạy chúng ta biết “phụng sự Đức Kitô trong mỗi người anh em chúng ta”. Lời nguyện trên lễ vật nhấn mạnh “sự vội vã tận tụy” của thánh nữ trong việc đón tiếp Đức Giêsu vào nhà (Lc 10, 38).

Bài Phúc Âm Luca đọc trong Thánh Lễ (Lc 10, 38-42) nhắc lại lời Đức Kitô: ”Matta, Matta ơi, chị lo lắng, sắp xếp nhiều chuyện. Nhưng duy nhất chỉ có một điều là cần thiết… ” Bởi thế, trong lời nguyện tạ lễ, chúng ta xin Chúa ”đừng để chúng ta hướng về những gì hay hư nát”. Cũng vậy, bài giảng của Thánh Augustinô và Phụng vụ Bài đọc trích dẫn nhắc nhở chúng ta rằng “lời của Đức Giêsu Kitô mời gọi chúng ta chỉ nhắm một mục đích duy nhất khi chúng ta ngụp lặn giữa bao công việc của trần gian này”.

Điệp ca bài Benedictus: Lạy Chúa, Ngài là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, Đấng đã đến trong thế giới này, được trích dẫn từ Phúc Âm Thánh Gioan (11, 27) mà ta có thể đọc trong Thánh Lễ. Những lời này của Thánh Nữ Matta là một lời tuyên xưng đức tin rất vững chắc, đã được Giáo Hội giữ lại trong nghi thức khai tâm kitô giáo cho người trưởng thành và trong phụng vụ lễ tang.

 

17. Ba chị em Mát-ta, Maria và Ladarô được mừng kính chung vào ngày 29/7--xbvn

(Tý Linh (theo ZENIT)

Đức Phanxicô đã quyết định từ nay trong lịch phụng vụ của Giáo hội Công giáo Rôma, toàn thể Giáo hội sẽ mừng lễ thánh nữ Mátta, thánh nữ Maria và thánh Ladarô vào ngày 29/7 hằng năm. Qua đó, Đức Thánh Cha muốn nhấn mạnh ”chứng tá Tin Mừng quan trọng mà các ngài đã mang lại khi tiếp đón Chúa Giêsu vào nhà mình, lắng nghe Ngài cách chăm chú và tin rằng Ngài là sự sống lại và là sự sống”.

Cho đến nay, chỉ thánh nữ Mátta được mừng vào ngày này trong lịch phụng vụ của Giáo hội, do thiếu sự chắc chắn về căn tính của thánh nữ Maria (đôi khi được đồng hoá với thánh nữ Maria Mađalêna, được mừng vào ngày 22/7). Nhưng các nghiên cứu gần đây cho thấy đây là hai người khác nhau, và sách các thánh tử vì đạo của Rôma hiện nay cũng như một số lịch riêng đều kính nhớ ba chị em cùng ngày với nhau.

Trong sắc lệnh được công bố hôm 2/2/2021, Tổng trưởng Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích đã giải thích rằng : ”trong ngôi nhà ở Bêtania, Chúa Giêsu đã cảm nghiệm được tinh thần gia đình và tình bạn”, ”Mátta đã quảng đại bày tỏ lòng hiếu khách đối với Ngài, Maria đã chăm chú lắng nghe lời Ngài và Ladarô đã nhanh chóng ra khỏi mồ theo lệnh của Đấng đã chiến thắng sự chết”.

Lễ nhớ các ngài giờ đây sẽ nằm trong tất cả các lịch và sách phụng vụ để cử hành Thánh lễ và Phụng vụ các Giờ Kinh.

 

18. Gia Đình Chị Em Maria—Lm Giacôbê Tạ Chúc

Trong cuộc đời công khai giảng dạy, Chúa Giêsu được nhiều người thương mến và giúp đỡ. Trong số đó không thiếu những người phụ nữ đi theo Chúa, cách đặc biệt một gia đình mà Chúa thường đến thăm và quan tâm tận tình: gia đình của chị em bà Matta và Maria. Các Tin mừng ghi nhận ít là ba lần Chúa đến nhà chị em này (Ga 11, 1-45; 12, 1-11; Lc 10, 38-42).

Làng Bêtania

Nói đến gia đình Matta và Maria chúng ta không thể nào không nhắc đến một địa danh lịch sử, gắn liền với tên tuổi của hai Thánh nữ. Bêtania một làng nằm ở phía đông nam núi Cây dầu, thuộc vùng phụ cận Giêrusalem, trên đường nối liền với Giêricô. Nơi ở của Lazarô, Mátta và Maria(Ga 11,1). Là nơi Chúa cho Lazarô sống lại (Ga 11). Bêtania bây giờ là El-Azariyeh, “nhà của Lazarô”. Nhìn từ xa, làng Bêtania được mô tả như là “nơi tốt đẹp đáng ghi nhớ, nơi ẩn náu của sự bình yên, của nguồn yêu thương”. Bây giờ cũng chỉ là một làng nhỏ. Dân số hiện nay khỏang 5000 người. Bêtania ngày nay là vùng đất tự do, chẳng thuộc quản lý của Israel hay của Palestine. Từ Giêrusalem về Bêtania xe hơi chạy khỏang một giờ đồng hồ”.

Mátta và Maria

Câu chuyện Chúa Giêsu vào nhà Mátta và Maria nghỉ ngơi, khi cùng với các môn đệ đang trên đường rao giảng Tin mừng, cho chúng ta một nét đẹp trong chân dung của người Tông đồ phục vụ anh chị em mình. Trong khi cô em là Maria đang ngồi lắng nghe lời chúa, thì Mátta tất bật với công việc một người nội trợ thật tuyệt vời. Chúa Giêsu không có ý xem nhẹ, thái độ đón tiếp của bà. Bởi Chúa cũng cần lắm những cộng sự viên năng nổ, năng động như Mátta. Nếu làm một cuộc so sánh hai chị em thì chúng ta phải khẳng định rằng: Maria là người thiên về đời sống nội tâm, còn Mátta thì hướng đến sự chia sẻ và trao ban. Cả hai đều là những cách thế thể hiện một tình yêu đón nhận từ Thiên Chúa và tặng ban cho con người. Vả lại, Maria là người em nên có khi hơi ỷ lại một chút, công việc bếp núc cũng có phần nặng nhọc và cần đến sự khéo léo và tài tình, nên dành cho người chị thì có lẻ tốt hơn.

Một lần khác, khi ra chào đón Chúa Giêsu vào thăm trong hòan cảnh người em mới qua đời, Mátta bộc bạch cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Nhưng bây giờ con biết: bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy” (Ga 11, 21). Lazarô đã chết, thế nhưng Mátta vẫn tin rằng Chúa Giêsu là sự sống vĩnh cửu của con người. Nói cách khác Mátta tin nhận Thầy Giêsu là Đấng Thiên sai, Đấng Messia mà thiên Chúa tặng ban cho nhân lọai.

Lắng nghe và thực thi Lời Chúa dạy

Tin mừng dù ghi nhận sự khác biệt của hai chị em Maria và Mát-ta trong việc đón nhận lời Chúa, một bên là tĩnh lặng của tâm hồn, một bên là xao động của từng đường gân thớ thịt. Thế nhưng không ai có thể phủ nhận con tim của cả hai đang dạt dào tình yêu mến Thiên Chúa một cách vô bờ bến, trong con người của Mát-ta và Maria.

Kết hợp những nét đẹp rạng ngời của cả hai chị em, mỗi người sẽ thấy được việc lắng nghe và thực thi lời Chúa, chỉ là hai cách thế diễn tả của một tình yêu Giê-su.

 

Bài cùng chuyên mục:

+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,828)

CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.

Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,082)

Thứ Bảy tuần 33 thường niên.

Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,686)

Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,397)

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.

Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,803)

Thứ Tư tuần 33 thường niên.

Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,798)

Thứ Ba tuần 33 thường niên.

Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,897)

Thứ Hai tuần 33 thường niên.

+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,139)

CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.

Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,570)

Thứ Bảy tuần 32 thường niên.

Thứ Sáu 15/11/2024 – Thứ Sáu tuần 32 thường niên. – Sống trong ngày của Chúa. (14/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,963)

Thứ Sáu tuần 32 thường niên.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7