Lời chúa mỗi ngày

Thứ Sáu 09/12/2022 – Thứ Sáu tuần 2 mùa vọng. – Chủ quan, phiến diện.

  • In trang này
  • Lượt xem: 7,032
  • Ngày đăng: 08/12/2022 10:00:00

Hiện tại website của Giáo phận đang bị hacker tấn công do đó để tăng tính bảo mật cũng như tạo sự thống nhất cho website nên từ ngày 12/12/2022 website xin chỉ hoạt động trên 1 tên miền duy  nhất là giaophanlongxuyen.org (ngưng hoạt động trên 2 tên miền gplongxuyen.org và gplongxuyen.com).

Mong Quý Cha và các bạn đọc thông cảm!

Chủ quan, phiến diện.

09/12 – Thứ Sáu tuần 2 mùa vọng.

"Họ không nghe lời Gioan và lời Con Người".

 

LỜI CHÚA: Mt 11, 16-19

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Ta sẽ so sánh thế hệ này với ai? Họ giống như bọn trẻ ngồi nơi phố chợ, gọi lũ trẻ khác mà rằng: "Chúng tôi thổi sáo, sao các bạn không múa nhảy; chúng tôi than vãn, sao các bạn không khóc lên!" "Vì Gioan đến, không ăn không uống, thì họ nói: "Ông ta phải quỷ ám!"

Con Người đến, ăn uống giống như thường, thì họ nói: "Ðó là người mê ăn mê uống, là bạn của quân thu thuế và những kẻ tội lỗi".

Nhưng sự khôn ngoan được biện minh bằng các công việc của mình".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Lũ trẻ ngồi ngoài chợ

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ. )

Đức Giêsu ví những người thuộc thế hệ của Ngài

với lũ trẻ ngồi chơi ngoài chợ (cc. 16-17).

Một nhóm bày trò chơi đám cưới,

thổi sáo, thổi kèn để mong nhóm kia nhảy múa.

Nhưng nhóm kia đã chẳng tham gia.

Nhóm này bèn chơi trò đám ma, hát những bài ca buồn não nuột.

Nhưng nhóm kia cũng không giả vờ than khóc.

Thế hệ của Đức Giêsu cũng có nét tương tự như lũ trẻ.

Khi Gioan Tẩy giả đến mời gọi họ sám hối ăn năn,

sự khổ hạnh của vị ngôn sứ này đã khiến họ từ khước (Lc 7, 30).

Đơn giản vì họ không thích khóc than hay hoán cải.

Lối sống của Gioan phù hợp với lời ông giảng về Nước Trời gần đến.

Nhưng lối sống khác thường ấy lại bị xem là một triệu chứng tâm thần.

Người ta đã coi ông là bị quỷ ám (c. 18),

nên cuối cùng đã không tin ông (Mt 21, 32).

Ngược lại, khi Đức Giêsu đến với thế hệ này,

Ngài đã không mang dáng dấp của một ẩn sĩ nơi hoang địa.

Ngài đã sống như một người bình thường, ăn uống bình thường.

Lối sống của Ngài phản ánh Tin Mừng Ngài rao giảng,

một Tin Mừng đem lại niềm vui và sự giải thoát.

Ngài tiếp đón những ai bị xã hội loại trừ.

Ngài ăn chung một bàn với những tội nhân cần xa tránh.

Chính trong bầu khí vui tươi, ấm áp của bữa ăn,

họ cảm nhận được tình thương tha thứ của Thiên Chúa và hoán cải.

Tiếc thay, Đức Giêsu cũng bị nhiều người từ khước như Gioan.

Ngài bị coi là kẻ chỉ biết ăn với nhậu (c. 19).

Cả Gioan lẫn Đức Giêsu đều bó tay trước sự cố chấp của thế hệ này.

Sống thế nào cũng không chiều được họ.

Khi sợ thay đổi chính mình, ai cũng cố tìm ra lý do để biện minh.

Để khỏi phải đối diện với chân lý, con người trở nên ngụy biện.

Đức Giêsu dám ví thế hệ của Ngài với đám con nít ngồi ngoài chợ.

Ngài sẽ ví thế hệ chúng ta với ai?

Nơi một số nước, người ta cho phép ly dị, phá thai, hôn nhân đồng tính.

Ở nhiều nơi vẫn còn sự kỳ thị về giới tính, màu da, tôn giáo, chủng tộc.

Bao giờ người ta cũng tìm đủ lý do để làm những điều trên.

Nguy cơ của con người thuộc mọi thời đại, là ở lại trong sự ấu trĩ,

khăng khăng với những ngang bướng ích kỷ của mình.

Cả Gioan và Đức Giêsu đều đã bị loại trừ và bị giết.

Mùa Vọng mời chúng ta dám tin vào lời chứng của Gioan và Giêsu.

Tin luôn đòi chúng ta hoán cải, không được sống như xưa.

Tiếng kêu từ hoang địa của Gioan kéo ta ra khỏi mọi dính bén trần tục.

Thái độ bao dung nơi bàn ăn của Giêsu mời tội nhân ra khỏi bóng tối.

Làm sao con người hôm nay nghe được tiếng kêu của Gioan và Giêsu?

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Thánh Thần,

xin ban sức sống cho chúng con.

Xin cho cuộc đời Kitô hữu của chúng con

đừng rơi vào sự đơn điệu nghèo nàn,

vào những lối mòn quen thuộc,

nhưng xin canh tân

và tái tạo chúng con mỗi ngày.

Xin nuôi chúng con bằng những thức ăn mới,

cho chúng con khám phá ra

những chiều sâu khôn dò của Đức Kitô

và ý nghĩa thâm thúy của Tin Mừng.

Lạy Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống,

thế giới hôm nay luôn bị đe dọa

bởi bạo lực, khủng bố, chiến tranh;

mạng sống con người bị coi rẻ.

Xin cho chúng con biết say mê sự sống,

và gieo vãi sự sống khắp nơi.

Ước gì Chúa ban cho nhân loại

một lễ Hiện Xuống mới

để con người có thể hiểu nhau hơn

và đón nhận nhau trong yêu thương. Amen

 

Suy Niệm 2: Mùa Vọng: sống hài hòa

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Để đón nhận Đấng Cứu Thế, phải sống hài hòa. Hài hòa với mọi người. Và quan trọng nhất là hài hòa với Thiên Chúa. Nói về hài hòa, chẳng cảnh tượng nào đáng mơ ước hơn cảnh Ađam và Eva sống trong vườn Địa Đàng. Hai ông bà sống chan hòa với trời đất, cỏ cây và súc vật. Ngày ngày Thiên Chúa xuống đi dạo trong vườn đàm đạo với hai ông bà. Nhưng đáng tiếc hai ông bà đã phá vỡ sự hài hòa đó khi trái lệnh Thiên Chúa.

Chương trình của Thiên Chúa luôn là hạnh phúc cho con người. Nhưng con người chỉ muốn làm theo ý riêng. Phá vỡ kế hoạch của Chúa. “Con người giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác và nói: “Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không đấm ngực khóc than”. Mang tâm thức trẻ con. Không trưởng thành. Thiếu chín chắn. Chỉ biết làm theo những ý muốn ngây ngô khờ dại của mình. Không biết gì đến tình yêu thương của cha mẹ, những chương trình đem đến cho chúng tương lai và hạnh phúc. Cư xử con người giống thái độ chợ búa. Chỉ hời hợt nhất thời. Những lý luận thực dụng không có nền tảng sâu xa. Tìm đạt đến ý riêng. Nên thế giới luôn mâu thuẫn bất hòa. Nguy hiểm nhất là phá vỡ sự hài hòa với kế hoạch của Thiên Chúa. Phê phán những kế hoạch của Thiên Chúa khi con người tự cho mình là khôn ngoan. Nhưng khôn ngoan chỉ có trong Thiên Chúa mà thôi.

Đó chính là điều Isaia khuyên nhủ ta. Con người muốn hạnh phúc, muốn phát triển, chẳng có đường nào khác hơn là sống hài hòa với chương trình của Thiên Chúa, lắng nghe và thực hành Lời Chúa: “Giả như ngươi lưu ý đến mệnh lệnh của Ta, thì sự bình an của ngươi sẽ chan chứa như dòng sông, sự công chính của ngươi sẽ dạt dào như sóng biển. Dòng dõi ngươi sẽ đông như cát, con cái ngươi sinh ra sẽ hằng hà sa số; tên tuổi ngươi sẽ chẳng bao giờ bị hủy diệt, chẳng bao giờ bị xóa bỏ khỏi mắt Ta”.

Mùa Vọng ta mong chờ Thiên Chúa. Chúa đến để cứu độ ta. Thiên Chúa có chương trình hạnh phúc cho ta. Hãy đi vào chương trình của Thiên Chúa. Hãy để cho chương trình của Thiên Chúa được thực hiện nơi ta. Đó chính là thái độ khôn ngoan nhất. Đó chính là sống mùa Vọng ý nghĩa nhất.

 

Suy Niệm 3: Pharisiêu cứng lòng

Một vị quan văn nổi tiếng vào thời nhà Tống ở Trung Quốc có câu chuyện Giáp Ất tranh luận như sau:

Giáp hỏi Ất: - Nếu lấy đồng đúc thành chuông, đẽo gỗ làm cái dùi, lấy dùi đánh vào chuông, nó lêu boong boong. Vậy tiếng kêu là do gỗ hay do đồng.

Ất đáp:

- Lấy dùi gõ vào tường vách không kêu, gõ vào chuông lại kêu. Vậy tiếng kêu ở đồng.

Giáp lại hỏi: - Lấy dùi gõ vào tiền trinh bằng đồng không kêu, thế thì có chắc tiếng kêu là do ở đồng mà ra không?

Ất lại đáp:

- Ðồng tiền đặc, cái chuông rỗng. Vậy tiếng kêu là do các đồ vật rỗng mà ra.

Giáp hỏi tiếp: - Lấy gỗ, lấy đất sét làm thành chuông đánh cũng chẳng nghe tiếng kêu boong boong, thế thì chắc gì tiếng là do các vật rỗng mà ra.

Cuộc tranh luận giữa Giáp và Ất sẽ kéo dài mãi thì chẳng thể nào có một giải đáp đúng nghĩa nếu họ chỉ giải đáp một cách phiến diện và chủ quan, chỉ giải quyết vấn đề theo từng góc cạnh riêng lẻ. Tâm trạng chủ quan và cái nhìn phiến diện của họ phần nào cũng giống như cái nhìn của người Do Thái được Chúa Giêsu nói đến trong bài Tin Mừng mà thánh Matthêu ghi lại.

Thật vậy, sống trong một thế giới đầy màu sắc và ánh sáng thì chẳng ai lại không lo sợ và đề phòng về chứng tật mù lòa. Nhìn người mù không ai mà lại không cảm thấy xót thương, động lòng trắc ẩn, vì mắc phải bệnh mù con người gần như mất một phân nửa cuộc đời, và không những họ mất hết niềm vui do cái nhìn đem lại mà trước một sự việc họ cũng chẳng hiểu được tường tận nếu chỉ đón nhận bằng đôi tai, chưa nói đến những điều đòi phải được đón nhận bằng đôi mắt.

Tuy nhiên, dù cho thiệt thòi như vậy bệnh mù lòa vẫn chưa nguy hiểm bằng căn bệnh của những người Do Thái được Chúa Giêsu nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay, đó là óc phê phán chủ quan và họ cứ tưởng mình sáng hóa ra lại chẳng thấy gì. Vì nếu người mù biết mình tối thì họ sẽ cố gắng tìm hiểu sự việc trước mắt khi không nhìn được sự khác. Còn người chủ quan và phiến diện thì muôn đời sẽ tăm tối trước chân lý, vì khi chỉ nhìn được một khía cạnh của chân lý mà họ cứ tưởng là đã đạt được chân lý để rồi cứ thế mà cố chấp trước những vẻ đạp của chân lý. Họ chẳng khác gì năm người mù đi xem voi, người thì cho con voi là cái cột đình to tướng, kẻ lại nói con voi là chiếc quạt khổng lồ, người khác lại cho con voi là quả núi đồ sộ.

Khi thánh Gioan Tẩy Giả đến rao giảng ơn cứu độ, người không ăn uống thì được gán cho nhãn hiệu là bị quỉ ám. Ðức Kitô đến, Người ăn uống như bình thường thì bị kết án là người mê ăn uống, là bạn của quân thu thuế và tội lỗi. Họ chỉ hiểu ơn cứu độ theo quan điểm riêng của mình, chỉ nhìn Ðấng Messia theo cái nhìn phiến diện nên người Do Thái đã khép chặt cửa lòng trước lời mời gọi của ơn cứu rỗi. Với cái nhìn phiến diện đã nảy sinh những phe phái chủ quan chẳng khác gì bọn trẻ nít ngồi nơi phố chợ: "Chúng tôi thổi sáo sao các bạn không nhảy múa. Chúng tôi than vãn sao các bạn không than khóc?" Chính vì thế mà ơn cứu độ đến và qua đi mà người Do Thái chẳng nhận ra: "Ngài đã đến trong nhà Ngài nhưng người nhà đã không nhận ra Ngài, không đón tiếp Ngài".

Trong Giáo Hội ngày nay cũng không thiếu những trường hợp mắc phải căn bệnh của người Do Thái. Ðức Kitô được trình bày trọn vẹn trong Kinh Thánh, qua Phụng Vụ và qua Giáo Hội, thế mà người ta lại giới hạn Ðức Kitô trong cái nhìn của họ. Họ cũng giới thiệu Ðức Kitô cho người khác nhưng đây chỉ là một Ðức Kitô bị bóp méo cho hợp với chủ trương của họ, có lợi cho họ. Và nếu có một ai giới thiệu Ðức Kitô khác với chủ trương và đi ngược lại với quyền lợi thì họ sẵn sàng kết án hoặc bôi nhọ làm sao để đừng mất đi quyền lợi của mình.

Lạy Chúa, khi nhìn lại bản thân chắc chắn không ít lần con đã hành động như người Do Thái, nhìn Chúa bằng một cái nhìn phiến diện. Chỉ đón nhận Thiên Chúa hợp với sở thích, quyền lợi, giới thiệu cho người khác hoặc Thiên Chúa bị uốn nắn theo những điều con nghĩ tưởng, và nếu có điều nào khác quyền lợi của con, con sẽ sẵn sàng kết án dù cho đó là chân lý, là sự thật.

Trong Mùa Vọng này, xin Chúa cho con được biết vượt qua các thành kiến hẹp hòi mà vươn lên khỏi những ràng buộc của quyền lợi để rộng mở tâm hồn đón tiếp Chúa, vì Chúa đang đến trong từng giây phút qua các biến cố cuộc đời cũng như qua người anh em bên cạnh con.

(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ - Radio Veritas Asia)

 

Suy Niệm 4: Chủ quan, phiến diện.

Âu dương tử, một học giả Trung hoa có viết câu chuyện sau:

Giáp hỏi Ất: Lấy đồng đúc thành chuông, đẽo gỗ làm cái dùi, lấy dùi đánh vào chuông, thì tiếng kêu phát ra đó do gỗ hay do đồng?

Ất đáp: Lấy dùi gõ vào tường vách thì không kêu, mà gõ vào chuông lại kêu, vậy tiếng kêu do bởi đồng.

Giáp lại hỏi: Lấy dùi gõ vào đồng tiền bằng đồng thì không kêu, vậy có chắc tiếng kêu là do đồng chăng?

Ất đáp: Đồng tiền đặc, cái chuông rỗng, vậy tiếng kêu phát ra là do các vật mỏng.

Giáp hỏi tiếp: Lấy gỗ, lấy đất sét khoét làm chuông, đánh lên đâu có boong boong, thế thì có chắc gì tiếng kêu phát ra là do đồ vật rỗng?

Cuộc tranh luận nếu cứ đà ấy sẽ kéo dài lẩn quẩn và chẳng có câu giải đáp nào thỏa đáng, nếu họ chỉ nhìn vấn đề một cách chủ quan, phiến diện, chỉ giải quyết vấn đề từng góc cạnh riêng rẽ.

Sống trong một thế giới đầy màu sắc và ánh sáng, thì ai cũng lo đề phòng chứng tật mù lòa. Nhìn người mù, ai lại không xót thương và trắc ẩn. Mắc phải mù lòa, con người cảm thấy như mất nửa cuộc đời. Không những mất niềm vui do cái nhìn mang lại, họ còn chịu bao thiệt thòi khi không cảm nhận được những sự việc xảy ra chung quanh.

Tuy nhiên, bệnh mù lòa vẫn chưa nguy hiểm cho bằng căn bệnh của người Do Thái như được nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay, đó là tâm trạng chủ quan và cái nhìn phiến diện. Bởi vì nếu người mù biết mình tối họ sẽ cố gắng hiểu sự vật trước mắt bằng những giác quan khác; còn người chủ quan, phiến diện sẽ muôn  đời tăm tối trước chân lý, chỉ nhìn được một khía cạnh của chân lý, họ tưởng mình đã đạt tới chân lý, để rồi cứ thế trở thành cố chấp. Gioan Tẩy giả đến rao giảng ơn cứu độ, ngài không ăn không uống thì bị gán cho là người bị quỷ ám; Chúa Giêsu đến, Ngài hòa nhập với mọi người, ăn uống bình thường, thì bị chê bai là người mê ăn uống, bạn bè với quân thu thuế và tội lỗi.

Chỉ hiểu ơn cứu độ theo quan điểm riêng của mình, chỉ hiểu Đấng Mêsia theo cái nhìn phiến diện, người Do Thái đã khép lòng trước lời mời gọi hoán cải để đón nhận ơn cứu độ. Ơn cứu độ đến và qua đi mà người Do Thái chẳng có cơ may nhận ra và đón tiếp.

Trong Giáo Hội hôm nay cũng không thiếu trường hợp mắc phải căn bệnh của người Do Thái xưa. Chúa Kitô được phô bày trong Kinh Thánh qua phụng vụ, thế mà người ta lại giới hạn Ngài trong cái nhìn của họ, hợp với chủ trương của họ, và nếu có ai tin thờ một Chúa Kitô đi ngược với quan điểm của họ, thì họ sẵn sáng phủ nhận, kết án, bôi nhọ.

Trong Mùa vọng này, chúng ta xin Chúa cho chúng ta biết vượt khỏi thiên kiến và ràng buộc của quyền lợi, để đón nhận Chúa đang đến qua từng biến cố cuộc đời và nơi mỗi người anh em.

 

Suy Niệm 5: Một trái tim cảm thương

Con Người đến, cũng ăn cũng uống, thì thiên hạ bảo: “Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi. ” Nhưng đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động. (Mt. 11, 19)

Một số người luôn luôn có tính ngang ngược. Tin mừng hôm nay vạch cho chúng ta thấy tính ngang ngược của chính chúng ta. Nếu có ai đi lễ nhiều, chúng ta nghĩ xấu họ là kẻ tốt thế đó, chẳng đứng đắn đâu. Nếu có ai siêng năng xưng tội rước lễ, thì bị coi là đạo đức ủy mị. Chúng ta luôn luôn bài bác người khác về bất cứ cái gì.

Gần đây, tôi gặp một gã thanh niên khổ sở vì một cô gái trẻ yêu thích bạn nó hơn nó. Nó không còn vui gì khi gặp bạn nó. Nó không còn trái tim muốn nhảy nhót nữa.

Và khi xảy đến một tai họa, một vụ giết người, hay có ai chết, có ai bệnh, có ai bị trừng phạt … chúng ta sẵn sàng nói: đó không phải là việc của tôi, tôi bận việc, tôi bị đau, kệ thây nó, nó phải tự lo lấy.

Chúng ta trở nên kẻ hoặc ghen ghét, hoặc lãnh đạm, nhưng lại không dám nói thẳng thắn. Thế là chính chúng ta đang bị Tin mừng phanh phui về chúng ta.

May thay, Tin mừng vẫn mời gọi chúng ta đi vào con đường hạnh phúc: “Phúc cho những ai biết cảm thương. Phúc cho trái tim biết thương xót”.

Đó là hiến chương nước trời, của triều đại đáng được mong chờ và đáng được loan báo trong mùa vọng này. Để được như thế, cần phải tước bỏ cái tôi, cần phải có con tim cảm thương nhạy bén: “Vui với người vui, khóc với người khóc”, sẵn sàng nâng đỡ nỗi cực khổ của người khác.

Ai trong các người lân cận của bạn, đã sống trong hoàn cảnh sung sướng hay khổ sở trong những ngày này? Họ cần bạn chia sẻ niềm vui nỗi buồn của họ. Họ cần tấm lòng thông cảm nhạy bén của bạn.

Và trong lễ tế Thánh Thể này, chúng ta có thể dự phần vui mừng của chính Thiên Chúa được không? Hãy vui mừng sung sướng vì Ngài sống trong Con yêu dấu của Ngài?

Hãy ngợi khen Thiên Chúa, đã cho phép chúng ta được vui sướng với Ngài, đã cho phép chúng ta được thông phần nguồn hoan lạc của Ngài.

J. Y. G

 

Suy Niệm 6: Tại sao?

Tin Mừng hôm nay tiếp nối bài Tin Mừng trước. Nếu hôm qua, Đức Giêsu khen ngợi sự xuất hiện và vai trò cũng như sứ mạng của thánh Gioan Tẩy Giả, thì hôm nay, Ngài khiển trách nặng nề đối với các vị lãnh đạo tôn giáo thời của Gioan. Tại sao vậy? Thưa vì Gioan đã kêu gọi dân chúng sám hối để đón chờ Đấng Cứu Tinh đến. Dân chúng đã tỏ lòng sám hối, xin chịu phép rửa thanh tẩy, còn những người lãnh đạo thì cứng lòng, ích kỷ và không chịu tin. Vì thế, Đức Giêsu đã mượn một trò chơi hát đối của trẻ em thời đó, nhằm diễn tả về thế hệ này vì sự cố chấp, kém tin của họ:

Các trẻ em thường chia làm hai phe. Bên xướng bên đáp. Nếu bên xướng hát những điệu buồn hay đưa đám thì bên đáp phải khóc lóc, than vãn ... , còn nếu bên xướng hát lên những điệu nhạc vui, thì bên kia phải nhảy múa hân hoan ... .

Nếu đôi bên không hiểu ý nhau thì cuộc chơi mất vui. Tuy nhiên, trong thực tế, không phải lúc nào bọn trẻ cũng thành công trong trò chơi này, vì gặp phải những “đầu biếu” cố tình chọc ngoáy làm cho cuộc chơi mất vui. Vì vậy, bên chủ động bực tức nên mới nói: "Chúng tôi thổi sáo, sao các bạn không múa nhảy; chúng tôi than vãn, sao các bạn không khóc lên!". Tệ hơn nữa là nhóm trẻ không chịu chơi đó lại còn trách móc đủ điều ... .

Sự xuất hiện của Gioan Tẩy Giả cũng vậy. Lời mời gọi của ngài không được giới lãnh đạo đáp ứng, mà ngược lại, họ còn coi ông như là: người bị quỷ ám. Đức Giêsu cũng chung số phận với Gioan vì Ngài cũng đã từng bị họ lên án là người “mê ăn mê uống, là bạn của quân thu thuế và những kẻ tội lỗi".

Tin Mừng hôm nay được đọc trong bối cảnh của Mùa Vọng, hẳn sứ điệp Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy noi gương dân chúng thời Gioan khi xưa là: hãy hoán cải đời sống, ăn năn sám hối, trở về với Chúa trong phẩm giá người Kitô Hữu, để chuẩn bị tâm hồn đón mừng đại lễ Giáng Sinh. Bên cạnh đó, Lời Chúa còn mời gọi chúng ta hãy thực thi tinh thần sám hối cách thiết thực hơn nữa chính là những việc hy sinh, hãm mình, khổ chế, làm việc bác ái…, để nêu gương sáng cho hối nhân sám hối trở về với Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con biết đáp lại lời mời gọi của thánh Gioan để ăn năn sám hối, canh tân đời sống, ngõ hầu tâm hồn chúng con được xứng đáng đón tiếp chính Chúa Giáng Sinh hằng ngày qua việc đón nhận chính Mình và Máu Chúa. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 7: Chối bỏ đường lối khôn ngoan của Chúa

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Những người DoThái tự đắc cho mình là khôn ngoan, nên cứng lòng không tin theo Chúa Giêsu. Họ tìm cách chống chế để chối bỏ đường lối khôn ngoan của Thiên Chúa. Chúa dạy ta đừng bắt chước họ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, sau hai ngàn năm rao giảng Tin mừng mà vẫn còn quá ít người tin theo Chúa.

Con cầu xin Chúa cho những người chưa được nghe Tin mừng. Xin Chúa sai nhiều thợ lành nghề đến với cánh đồng trần gian để mọi người được nghe rao giảng Tin mừng.

Nhưng Chúa ơi, con phải cầu nguyện cho chính con nhiều hơn, vì với cái nhìn của Chúa, con là đứa trẻ ngỗ nghịch luôn đòi mọi người làm theo ý con, mà con thì từ chối ngay cả lời mời gọi của Chúa. Con thường áp đặt quan điểm của con trên tư tưởng người khác và đánh giá người khác theo tiêu chuẩn của riêng con. Thậm chí đôi khi con còn nghi ngờ cả đường lối của Chúa và đòi Chúa thực hiện theo suy nghĩ của con. Con thường viện ra nhiều lý do để thoái thác, để bào chữa cho những lỗi lầm sai trái của con, để khước từ những lời mời gọi của Chúa. Có nhiều lúc con đã cứng lòng, không muốn sám hối và tin vào Chúa.

Lạy Chúa, xin ban cho con một tâm hồn thiện chí, xin mở lòng trí con, xin giúp con khiêm tốn nhận ra thân phận nhỏ bé của mình để con dễ dàng đón nhận sự khôn ngoan của Tin mừng. Xin ban cho con ơn can đảm để con thực thi tiếng Chúa mời gọi và dấn thân đi trên đường lối Chúa. Con xin trao phó bản thân con, gia đình con cho tình yêu thương và sự khôn ngoan vô cùng của Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “Họ không nghe lời Gioan và lời Con Người”.

 

Suy Niệm 8: Chúa trách những kẻ cứng lòng

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại lời Đức Giêsu mượn trò chơi của trẻ em Do thái để khiển trách những kẻ kém lòng tin. Ngài so sánh dân chúng thời đó như đám trẻ em khó tính, khó nết, nay rầy mai khác, không sao làm vừa lòng họ được. Khi thấy thánh Gioan Tẩy Giả không ăn không uống thì họ cho là bị quỉ ám. Còn Đức Giêsu ăn uống như mọi người thì họ bảo là mê ăn ham uống, là bạn với kẻ tội lỗi!. Nhưng không vì thế mà Thiên Chúa bỏ chương trình cứu độ của Người. Người vẫn tiếp thục hoạt động cách khôn ngoan trên thế giới.

2. Chúa lấy trò chơi của trẻ em Do thái để nói lên ý của Ngài: Các em thường được chia làm hai phe, một bên xướng câu tiểu khúc điệu vui hoặc điệu buồn, rồi bên kia đáp lại: Nếu xướng điệu ca buồn giả làm đám ma, thì bè bên kia than khóc, đấm ngục rên xiết. Nếu bè bên này xướng ca vui giả vờ làm đám cưới thì phe bên kia vui hát nhảy múa hòa nhịp. Nếu hai bên xướng đáp hòa hợp như vậy thì trò chơi rất vui. Nhưng nhiều khi gặp những kẻ khó nết lì lợm, hay theo ý riêng, không hòa hợp thì làm cho trò chơi mất vui: vì “chúng tôi thổi sáo mà các anh không nhảy múa” ... !

3. Qua dụ ngôn trò chơi của trẻ em Do thái này, chúng ta thấy người Do thái khước từ Gioan Tẩy Giả cũng như khước từ Đức Giêsu  vì những lý do trái ngược nhau. Sự thật là vì họ không muốn nghe lời Chúa cũng như thánh Gioan Tẩy Giả mà ăn năn thống hối tội lỗi, trở về tin tưởng Chúa, cả hai vị đều đưa ra hai đường lối để giúp họ hoán cải: thánh Gioan chỉ vạch con đường khắc khổ hy sinh, còn Đức Giêsu lại nêu lên cách sống giản dị đơn sơ. Do đó, mỗi người chúng ta đều có thể dùng hai phương cách đó mà cải thiện đời sống, đón nhận ơn cứu độ của Chúa.

4. Người Do thái cố chấp và chủ quan, họ bắt mọi người phải có cái nhìn và lối suy luận của họ. Họ là những người thiếu thiện chí, chỉ tim cách bắt bẻ, lên án người khác. Cái xấu không phải là ở nơi người khác, nhưng là ở chính họ. Vì con mắt họ xấu, vì lòng họ không ngay chính, nên họ đoán xét mọi việc cách sai lạc.

Ngày nay, nhiều người có lối sống đạo ngược đường: họ chỉ muốn Chúa theo ý họ chứ không bao giờ để ý tìm hiểu ý Chúa để mà theo.

Cách sống ngày nay là cách sống hưởng thụ, người ta chỉ ưa nhũng gì hợp với  ý mình còn cái gì không hợp với mình thì chống đối, ví dụ họ chống đối Giáo hội về hôn nhân bất khả phân ly, phá thai, luật ăn chay kiêng thịt v. v. họ  đòi Giáo hội phải xét lại, phải sửa đổi.

5. Trong một lá thư gửi các chủng sinh, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI viết như sau: ”Đời sống tập thể không chỉ cần thái độ quảng đại, bao dung và chịu đựng lẫn nhau, nhưng điều quan trọng là  làm cho nhau được thêm phong phú, đến độ mỗi người có thể đóng góp năng khiếu riêng của mình cho tập thể, trong khi tất cả đều phục vụ cùng một Giáo hội, cùng một Chúa”.

Hôm nay, Đức Giêsu phê phán những người Do thái vì thái độ tự cho mình là chuẩn mực và bắt người khác phải làm theo ý mình, lấy mình làm khuôn vàng thước ngọc bắt người khác noi theo. Khi dựng nên con người, Thiên Chúa trao cho mỗi chúng ta những “nén bạc” khác nhau (x. Lc 19,13). Chắc chắn rằng, mỗi người sẽ đáp lại hồng ân ấy theo những cách thức khác nhau, tùy theo khả năng Chúa ban.

6. “Nhưng đức Khôn ngoan được chứng minh bằng hành động”.

Câu này khó hiểu. Đức Giêsu muốn nói rằng giá trị thật của một người không tùy thuộc vào lời phê phán của người khác về người đó, nhưng tùy vào chính hành động, vào lối sống của người đó.

Vì vậy Đức Giêsu quả quyết là cả hai người (là Gioan và chính Người) với hai nếp sống khác nhau, đều phục vụ một chính nghĩa của Thiên Chúa. Bằng chứng là cả hai đều thực hiện  những công việc của Thiên Chúa đầy khôn ngoan, là công việc của Gioan trong sứ vụ tiền hô và công việc của Đức Giêsu trong sứ vụ cứu thế đều thể hiện thánh ý của Thiên Chúa.

Vì vậy người ta nói Gioan Tẩy Giả  “bị quỉ ám”, nói Đức Giêsu là “tay ăn nhậu” thì cũng không sao. Chính hành động và lối sống của hai Ngài sẽ biện minh cho hai Ngài.

7. Truyện: Phải biết đánh giá trị.

Một hôm, hoàng tử gọi vào đền vua một người lái buôn chuyên nghề bán ngựa. Ông ta dẫn đến trước mặt hoàng tử hai con ngựa bạch đã được huấn luyện rất kỹ đề hoàng tử kén chọn. Bề ngoài, hai con ngựa trông giống hệt nhau, nhưng con này gấp đôi giá con kia. Hoàng tử liền gọi các quan cận thần đến mà bảo:

- Ta có thể tặng hai con ngựa này cho ai giải thích cho ta biết tại sao con ngựa này giá gấp đôi giá con ngựa kia?

Các quan cận thần đến gần hai con ngựa và quan sát thật kỹ, nhưng không một ai nhận ra có điều gì khác biệt. Thấy vậy, hoàng tử cho gọi hai người lính hầu đến và sai họ cưỡi lên hai con ngựa, hy vọng rằng các quan cận thần sẽ nhận ra giá trị của mỗi con. Sau mấy vòng phóng ngựa chung quanh sân, không ai trong các quan nhận ra sự khác biệt về giá trị của hai con ngựa. Cuối cùng, hoàng tử phải lên tiếng giải thích cho họ:

- Chắc các ngươi đã nhận ra rằng: trong khi ngựa chạy quanh sân, con ngựa thứ nhất không để lại dấu vết gì đằng sau, nó chạy cách nhẹ nhàng như bay. Trái lại, con ngựa thứ hai để lại lớp bụi bay ngợp trời, chính vì lý do đó mà con ngựa thứ nhất có giá trị gấp đôi con ngựa thứ hai.

 

Suy Niệm 9: Sống theo ý riêng, trái Ý Chúa

(Lm Carôlô Hồ Bắc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống ... )

Chúa Giêsu so sánh thế hệ của Ngài với lũ trẻ trái tính trái nết: khi chúng chơi trò đám cưới (có “thổi sáo”) thì đòi người ta cũng chơi theo trò đó (“sao các anh không nhảy múa”); khi chúng chơi trò đám ma (có “bài hát đưa đám”) thì cũng thế. Nghĩa là chúng chỉ muốn bắt người ta theo ý riêng của chúng, ai không theo thì chúng phê phán, trách móc.

Cả Gioan Tẩy giả và Chúa Giêsu đều đến để dạy dân Do thái con đường cứu độ. Nhưng vì điều đó không hợp với sở thích của họ nên họ luôn khước từ và còn phê phán, hai ngài làm gì cũng bị họ chê: Gioan sống khắc khổ thì họ chê là “bị quỷ ám”; Chúa Giêsu sống hoà mình ăn uống với mọi người thì họ chê là “tay ăn nhậu”.

“Nhưng đức Khôn ngoan được biện minh bằng hành động”: giá trị thật của một người không tuỳ vào lời phê phán của người khác về người đó, nhưng tuỳ vào chính hành động, vào lối sống của người đó. Người ta nói Gioan tẩy giả “bị quỷ ám”, nói Chúa Giêsu là “tay ăn nhậu”. Không sao, hành động và lối sống của hai Ngài sẽ biện minh cho hai Ngài. Dân Do thái tự xưng là khôn ngoan ư? Chúa chắc, hãy coi họ sống và hành động ra sao.

B. Suy niệm ( ... nẩy mầm)

1. Ý hướng của bài đọc Cựu Ước: “Đấng dẫn dắt ngươi trong con đường phải đi”. Câu đáp trong bài Đáp ca: “Lạy Chúa, ai theo Chúa sẽ được ánh sáng sự sống”.

Sang bài Tin mừng, dân Chúa đã thực hiện những ý hướng đó ra sao? Lời than phiền của Chúa Giêsu (được ghi thành câu tóm tắt ở đầu đoạn Tin mừng) nói lên tình trạng thật đáng buồn: “Họ không nghe lời Gioan và lời Con Người”.

2. Nhiều người có lối sống đạo ngược đường: chỉ muốn Chúa theo ý họ chứ không bao giờ để ý tìm hiểu ý Chúa để mà theo.

3. Cách sống đạo càng ngày càng thịnh hành trong thời đại văn minh hưởng thụ này là: chuyện gì trái với ý thích của mình thì đòi Giáo Hội phải xét lại. Thí dụ hôn nhân bất khả phân ly, phá thai, luật ăn chay kiêng thịt v. v. Có lẽ ta cần nhớ lời Chúa: “Ai muốn vào Nước Trời hãy qua cửa hẹp mà vào ... Con đường rộng thênh thang dẫn đến hư mất” (Mt 7,13).

4. Nhiều khi trong đời sống đạo tôi quen đi theo con đường của ý riêng khi đánh giá con người và sự việc. Tôi cứ cầm sẵn một cái khung tiền chế sắc bén, như cầm cái khuôn để nhấn xuống cắt bánh lễ. Tôi sẵn sàng nhấn xuống để cắt thật gọn trên mọi người anh chị em. Bất cứ ai sống ra ngoài cái khuôn lập trường của tôi, tôi sẵn sàng cắt bỏ họ. Dầu là sở thích, dầu là tay chân đầu cẳng của họ… tôi đều sẵn sàng cắt bỏ cho vừa đúng cái khuôn của tôi. (Lời trong Kinh Hoà Bình cảnh tỉnh chúng ta: “Lạy Chúa xin hãy dạy con, tìm hiểu biết người…”).

5. “Ông Gioan đến, không ăn không uống thì thiên hạ bảo: Ông ấy bị quỷ ám. Con Người đến, cũng ăn cũng uống thì thiên hạ nói: Đấy là kẻ mê ăn, chè chén” (Mt 11,18-19)

Tôi thường tự ái, và tự ái thường làm cho tôi xa cách mọi người. Những lần như thế, tôi rất sợ đối diện với sự thật, đặc biệt khi sự thật chống lại với mình. Biết mình sai, tôi vẫn cố chấp, vẫn quyết hơn thua, thay vì khiêm tốn đón nhận sự thật. Tôi đã cư xử y hệt như cách thiên hạ đối xử với Gioan và Đức Giêsu, để rồi xa dần Đấng “là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết khiêm tốn lắng nghe và đáp lại lời Chân Lý của Ngài, để luôn sống trung thực trước mặt Chúa và mọi người. (Epphata)

 

Suy Niệm 10: Sống cố chấp và chủ quan

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Phải nói rằng, thời đại nào cũng có những người như Chúa nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay. Nhiều người có lối sống đạo ngược đời: chỉ muốn Chúa theo ý mình chứ không để ý đến việc tìm theo ý Chúa.

Nếu quả thực chúng ta cũng sống như thế thì đâu còn là theo đạo hay đi đạo của Chúa nữa. Hãy coi chừng kẻo chúng ta sẽ bị xếp vào loại Đức Phaolô VI gọi là những người Công giáo không có Thiên Chúa.

2. Ngày xưa người ta gọi những người đi theo Chúa là Kitô-hữu. Kitô-hữu là người có Chúa Kitô trong mình. Có Chúa Kitô cũng có nghĩa là luôn biết sống theo Ngài. Nhưng việc sống cho Chúa và sống như Chúa quả không phải là việc dễ dàng.

Đại văn hào Rabbindranath Tagore mặc dù không phải là người Công giáo nhưng ông rất yêu mến Chúa Giêsu. Đây là câu chuyện ông viết ra để cho người ta biết khi theo Chúa thì người ta phải sống như thế nào.

"Sáng hôm nay, con được làm bạn đường cùng đi với Chúa về làng. Con cứ thắc mắc mãi: ở nhà quê thì có cái gì vui đâu mà lại đi tổ chức ... du lịch?

Vậy mà ngang qua một bờ đê, Chúa đã dừng lại để lội xuống ruộng, đón lấy tay cày đằng sau con trâu gầy còm của một bác nông dân. Rồi Chúa lại còn cùng tát nước với họ vào một mảnh ruộng khác đang khô nước. Chúa làm một cách say mê vui vẻ trong khi nắng đã lên cao, trời nóng dần đến mức như đổ lửa... Con cũng đành phải làm theo Chúa mà miệng thì cứ lẩm bẩm: đúng là đang đâu lại đi chuốc vào thân những vất vả cực nhọc! Rõ khổ!

Đến quá trưa, Chúa chia tay với những người dân cày chất phác và vui tính sau khi uống một bát nước vối họ mời. Chúa quay lại bảo con: "Nào, chúng mình về một khu ngoại thành đi!" Con cứ ngỡ Chúa sẽ vào một quán nước có máy lạnh dành cho khách du lịch để nghỉ ngơi ...

Vậy mà, vừa gặp một tốp thợ đang thi công một đoạn quốc lộ, Chúa lại ghé vào, xắn tay áo xin cùng làm với họ. Chúa cũng xúc đá, cũng gánh sọt cát trên vai hoặc lăn một thùng hắc ín đến lò nấu dã chiến bên vệ đường với họ ... Cứ thế, Chúa vừa làm vừa trò chuyện thân tình với họ, mặc cho mồ hôi muối túa ra ướt đẫm cả lưng áo. Con lại cũng đành phải làm theo Chúa, cố tình chọn một việc nhẹ nhất cho đỡ mệt. Hơi sức đâu mà đánh liều với thứ công việc khổ sai như thế.

Sập tối, Chúa chia tay với cánh thợ bộc trực và gân guốc, sau khi rít một điếu thuốc rê với họ. Chúa lại bảo con đi tiếp đến một thị trấn nhỏ gần đó. Con cứ ngỡ phen này Chúa sẽ tìm một khách sạn để nghỉ ngơi và dùng cơm tối ... . Đói bụng lắm rồi còn gì.

Thế mà khi ngang qua một vùng ven thị trấn, Chúa lại bảo con ghé vào thăm một làng phong. Ở đây, Chúa đã ngồi xuống bên những bệnh nhân tật nguyền, xúc cơm, đổ thuốc, lau mặt, thay áo cho họ, mặc cho những vết thương lở loét của họ bốc lên mùi hôi tanh ghê sợ. Chúa còn đến tận giường để an ủi nâng đỡ một cụ già đang hấp hối sau cả một đời gánh chịu căn bệnh đau đớn cùng với những nỗi tủi nhục vì bị con cháu và xã hội xua đuổi. Con cũng đành phải làm theo Chúa, nhưng chỉ là phụ giúp giặt khăn, rót nước hoặc lấy bông băng đưa cho Chúa mà thôi.

Mãi đến khuya, Chúa mới chịu chia tay với những người phong cùi sau khi vuốt mắt cho cụ già vừa qua đời.

Về lại thành phố, con đang thầm lo: không biết Chúa còn định đi những đâu nữa đây, khổ quá đi mất! Du lịch mà cứ như là một chuyến công tác xã hội từ thiện. Biết vậy, hôm nay con đã chẳng nhận lời theo Chúa đi lang thang vật vã như thế này.

Thế rồi, ngang qua một nguyện đường nhỏ bé của một dòng tu, Chúa bảo con: "Mình cùng vào cầu nguyện một chút nhé" Con thở phào yên tâm. Nhưng tối khuya thế này, ai mà mở cửa cho vào? Không ngờ Chúa dừng lại trước cánh cửa lớn nhà thờ, quỳ xuống thềm và bắt đầu cầu nguyện với Thiên Chúa là Cha của Ngài: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha giấu không cho các người khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha ... " (Lc 10,21)

Đến lúc này thì con mới chợt hiểu tất cả ... để lặng lẽ quỳ xuống bên Chúa, lòng bật lên lời tâm nguyện:

"Con cố gắng cúi mình khiêm nhu,

xuống dấu chân nơi Ngài dừng lại

nhưng sâu hút vô ngần Ngài ơi,

vẫn không sao chạm được ... " (Thơ R. Tagore)

Vâng! Chúa Giêsu đã có lần tuyên bố: Ta là đường, là sự thật và là sự sống. Con đường Giêsu là con đường không dễ đi, nhưng ai dám đi vào con đường đó thì sẽ gặp được sự thật có sức mạnh giải phóng khỏi những mê muội lầm lạc và nhất là sẽ có được sự sống sung mãn ở đời này và sự sống vĩnh cửu mai sau. Amen.

 

Bài cùng chuyên mục:

Thứ Ba 26/11/2024 – Thứ Ba tuần 34 thường niên.– Gắn bó với Chúa từng giây phút. (25/11/2024 10:00:00 - Xem: 1,314)

Thứ Ba tuần 34 thường niên.

Thứ Hai 25/11/2024 – Thứ Hai tuần 34 thường niên – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (24/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,957)

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam.

+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 7,068)

CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.

Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,325)

Thứ Bảy tuần 33 thường niên.

Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,844)

Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,472)

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.

Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,834)

Thứ Tư tuần 33 thường niên.

Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,820)

Thứ Ba tuần 33 thường niên.

Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,927)

Thứ Hai tuần 33 thường niên.

+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,329)

CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7