Lời chúa mỗi ngày

Thứ Năm 16/12/2021 – Thứ Năm tuần 3 mùa vọng. – Được giao phó cho một sứ mệnh.

  • In trang này
  • Lượt xem: 8,798
  • Ngày đăng: 15/12/2021 08:00:00

 Được giao phó cho một sứ mệnh.

16/12 –  Thứ Năm tuần 3 mùa vọng.

"Gioan là sứ thần dọn đường Chúa". 

 

LỜI CHÚA: Lc 7, 24-30

Khi những người Gioan sai đến đi rồi, Chúa Giêsu nói với đám đông về Gioan rằng: "Các ngươi đi xem gì ở hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió ư? Vậy các ngươi đi xem gì? Một người ăn mặc lả lướt ư? Nhưng những người ăn mặc óng ả và đời sống xa hoa thì ở trong cung điện nhà vua. Vậy các ngươi đi xem gì? Một tiên tri ư? Phải, Ta bảo các ngươi, và còn hơn một tiên tri nữa. Chính về ông đã có lời chép rằng: "Này đây Ta sai sứ thần Ta đi trước con, và sẽ dọn đường cho con". Ta nói cho các ngươi biết, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một người nào cao trọng hơn Gioan, nhưng người nhỏ nhất trong nước Thiên Chúa lại cao trọng hơn ông".

Toàn thể dân chúng đã nghe Ngài, cả những người thu thuế đều vâng lời Thiên Chúa, và chịu phép rửa của Gioan. Còn những người Biệt phái và Luật sĩ đã khinh chê ý định của Thiên Chúa, và họ không chịu để Gioan thanh tẩy cho.

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Hơn cả ngôn sứ nữa

(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

“Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” (Lc 7, 23).

Dưới góc độ nào đó, có thể nói Gioan đã “vấp ngã” vì Đức Giêsu.

Khuôn mặt của Ngài không như những gì ông nghĩ và mong đợi.

Ông ngỡ ngàng vì Đức Giêsu hành động ngược với điều ông trình bày.

Rõ ràng Gioan vẫn thuộc về thời đại cũ.

Nhưng Đức Giêsu tôn trọng vị thế của Gioan,

và đã hết lời ca ngợi ông trước mặt dân chúng.

Gioan đã gây nên một phong trào rộng lớn nhằm canh tân.

Ông sinh ra một cách lạ lùng và sống cũng lạ lùng.

Hoang địa là nơi ông chọn để sống một mình và cất tiếng gọi sám hối.

Tiếng gọi này thu hút đến nỗi người ta kéo nhau đến gặp ông.

“Anh em đi xem gì trong hoang địa ?”

Câu hỏi này được Đức Giêsu nhắc đến ba lần (cc. 24-26).

Gioan hẳn không phải là một cây sậy dễ uốn mình theo mọi chiều gió.

Nếu thế thì ông đã chẳng bị bắt và tống ngục.

Gioan cũng không phải là người ăn mặc sang trọng trong cung.

Ông sống khổ hạnh cả về ăn lẫn mặc (Lc 1, 15; 7, 33).

Nếu hoang địa lôi kéo bao đoàn người háo hức đổ về

thì chỉ vì người ta muốn tìm gặp một vị ngôn sứ.

Dân chúng tin Gioan là vị ngôn sứ mà họ chờ đợi đã lâu.

Họ mong được nghe Thiên Chúa nói sau thời gian dài thinh lặng.

Đức Giêsu khẳng định Gioan còn lớn hơn một ngôn sứ nữa (c.26),

bởi lẽ ông chính là người đi trước dọn đường cho Ngài (c. 27).

Ông thuộc về một thời đại đã qua, nhưng ông giới thiệu về thời đại mới.

Ông là ngôn sứ cao trọng hơn các ngôn sứ của Cựu Ước

vì ông trực tiếp chỉ cho mọi người thấy Đấng Cứu độ.

Dọn đường cho Chúa Giêsu đến là việc chúng ta vẫn phải làm.

Ngài vẫn cần những Gioan mới để mở đường cho Ngài vào,

để trở thành nhịp cầu cho con người thế kỷ 21 gặp và tin.

Chúng ta không thể mặc áo lông lạc đà hay ăn châu chấu.

Chúng ta cũng không vào hoang địa để sống độc thân.

Nhưng lối sống của chúng ta phải khiến người đương thời

đặt những câu hỏi về Đức Giêsu, về vĩnh cửu, về ý nghĩa cuộc sống.

Chấp nhận làm người dọn đường cũng phải chấp nhận thất bại.

Những người bình dân và tội nhân đã tin vào sứ điệp của Gioan (c. 29),

còn những người trí tuệ hơn lại khước từ, không chịu phép rửa (c. 30).

Khước từ Gioan là khước từ ý định cứu độ của Thiên Chúa qua Đức Giêsu.

Kitô hữu chúng ta được diễm phúc hơn Gioan

vì được thuộc về Nước Thiên Chúa do Đức Kitô khai mở (c. 28).

Chúng ta đang được hưởng những ân phúc mà Gioan chưa được hưởng.

Gioan chỉ cho dân tộc mình thấy Đấng Cứu Độ,

còn chúng ta được sống tình thân với Đấng Cứu Độ và nên một với Ngài.

Kitô hữu cũng phải chấp nhận sống trong một thứ hoang địa khắc khổ nào đó,

để tiếng kêu của mình dễ được con người hôm nay nghe hơn.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu

Xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,

Nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,

Dễ thấy Chúa hiện diện

Và hoạt động trong đời con.

Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,

Xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,

Khép kín và nghi ngờ.

Xin dạy con sự hiền hậu

Để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.

Xin dạy con sự khiêm nhu

Để con dám buông đời con cho Chúa.

Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,

Vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,

Hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.

 

Suy Niệm 2: Ý định của Thiên Chúa

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Gio-an loan truyền ý định của Thiên Chúa. Gio-an là tiên tri trung thành. Ông kiên trung loan báo ý định của Thiên Chúa. Dù gặp biết bao khó khăn thử thách, ông không như loài lau sậy vật vờ ngả nghiêng trước gió, nhưng luôn vươn lên thẳng tắp như đại thụ giữa phong ba. Ông trung thực loan báo ý định của Thiên Chúa cách nguyên tuyền, không tô son trát phấn, chẳng gấm vóc lụa là. Ý định của Thiên Chúa vì thế sáng tỏ như ban ngày. Ông cao trọng nhất vì được vinh dự đi sát cạnh Chúa Cứu Thế. Cả một đám rước dâu Cựu Ước dài dằng dặc trong mấy nghìn năm với biết bao thế hệ, Gio-an được vinh dự là phù rể đi ngay bên cạnh Tân Lang. Nhưng trước sau ông vẫn thuộc về Cựu Ước, chỉ loan báo ý định của Thiên Chúa.

Chúa Giê-su thực hiện ý định của Thiên Chúa. Đó chính là ý định yêu thương. Yêu thương bằng xương bằng thịt là chính Ngôi Hai Thiên Chúa, Con Một yêu dấu của Thiên Chúa, chính Thiên Chúa nhập thể làm người để ở với ta, để chia sẻ thân phận của ta và nhất là để cứu độ ta.

Thiên Chúa kiên trì trong ý định yêu thương của Người. Dù con người phản bội. Dù đã có lúc Thiên Chúa nổi giận. Nhưng rồi tình yêu thương lướt thắng. Thiên Chúa không thể mâu thuẫn với chính mình nên lại tiếp tục ý định yêu thương: “Trong một thời gian ngắn Ta đã ruồng bỏ ngươi, nhưng vì lòng thương xót vô bờ, Ta sẽ đón ngươi về tái hợp. Lúc lửa giận bừng bừng, Ta đã một thời ngoảnh mặt chẳng nhìn người, nhưng vì tình nghiã ngàn đời, Ta lại chạnh lòng thương xót... Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi”. Thật cảm động biết bao.

Chúa Giê-su, để thực hiện ý định yêu thương của Thiên Chúa, đã hi sinh thân mình, không chỉ xuống thế làm người mà còn sẵn sàng chịu chết để ý định yêu thương của Thiên Chúa được thực hiện.

Phần tôi, tôi có hiểu được ý định yêu thương của Thiên Chúa không? Nếu hiểu được tôi sẽ phải dọn đường đón nhận. Nếu hiểu được tôi phải kiên trì loan báo như Gio-an, dù gặp thời thuận tiện hay không. Nếu hiểu được ý định cao quí và hệ trọng này, tôi phải noi gương Chúa Giê-su, hiến mình để ý định cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện.

Lạy Chúa Giêsu xin mở lòng con, để con sẵn sàng đón nhận Chúa là ý định yêu thương cứu độ của Đức Chúa Cha.

 

Suy Niệm 3: Gioan Tiền Hô

Đức Giêsu phác ra đây một vài nét về Gioan Tiền Hô:

Tiên tri … và còn hơn cả tiên tri. Gioan, cũng như các tiên tri, nói với người thời đại mình, chống lại não trạng, chống lại ý kiến của thời đại. Người công bố sứ điệp đầu tiên sau đây mà chúng ta đang cần tới: đừng điều chỉnh tư tưởng, hy vọng, hành động các ngươi theo những cái thiên hạ nói và làm trong một xã hội tan rã và biến động, nhưng hãy điều chỉnh mình theo Thiên Chúa. Hãy trở lại. Đừng điều chỉnh mình theo bất cứ ý tưởng nào đang lưu hành trong Giáo Hội, song hãy theo những kẻ có sứ mệnh hướng dẫn Giáo Hội.

Sứ giả đi trước dọn đường. Đây là một mầu nhiệm lớn lao, mầu nhiệm về cách thức Thiên Chúa đến trong nhân loại. Đức Kitô cũng đã có thể xuất hiện với loài người một cách đột ngột uy hùng. Nhưng thực tế đã không phải như thế và hiện cũng không xảy ra như vậy. Suốt trong lịch sử, có những người nhận được sứ mệnh chuẩn bị người khác đón nhận Chúa ngự đến. Cả ngày nay nữa, còn có những người mang sứ mệnh chuẩn bị kẻ khác đón nhận Chúa. Về phương diện này, mọi Kitô hữu đều phải tự coi như được giao phó cho một sứ mệnh.

Nhưng chúng ta không phải là Gioan Tiền Hô! Cố nhiên rồi! Nhưng Gioan làm chứng cho một cái gì? Người đã trung thành với điều Thiên Chúa xin người làm. Người đã cầu nguyện, đã tự buộc mình phải hy sinh từ bỏ, đã can đảm để làm chứng khi cần. Nhờ đó, người là đấng cao trọng, và có nơi, Chúa Giêsu tuyên bố người hạnh phúc.

(Trích trong ‘Lương Thực Hàng Ngày’)

 

Suy Niệm 4: Gioan là người có phúc

Hôm nay, Đức Giêsu khen ngợi Gioan Tẩy Giả vì cuộc sống của ông thật chính trực, công minh, cam đảm và trung thành khi sống một cuộc đời khắc khổ trong Sa mạc.

Quả thật, Gioan thật xứng đáng được ca ngợi là người có phúc và cao trọng trước mặt Thiên Chúa vì ông sẵn sàng thi hành sứ vụ ngôn sứ dù thuận tiện hay không thuận tiện. Ông đã ăn chay và cầu nguyện để làm gương cho mọi người và chỉ ra cho mọi thành phần trong dân con đường sám hối để được ơn cứu độ.

Gioan thực sự đã là vị tiền hô đi trước dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Ngài cũng là người khai mào cho Tin Mừng cứu độ của Đức Giêsu.

Những lời khen ngợi của Đức Giêsu dành cho Gioan đã khơi gợi trong lòng chúng ta về cách thức đối xử với nhau, đó là: biết khen chê đúng mức.

Nếu chỉ chê mà không khen thì phải chăng chúng ta dễ bị rơi vào tình trạng tự mãn, khinh khi, kiêu ngạo; nếu chỉ biết khen mà không dám phê bình thì sẽ dẫn tới tình trạng nịnh hót, luồn cúi, gian dối, không chân thành khi thiếu đi sự thành thực.

Mùa Vọng là mùa mời gọi chúng ta cần tránh thái độ của những người Pharisêu. Vì kiêu ngạo, tự mãn, nên họ đã không chấp nhận phép rửa sám hối của Gioan. Mặt khác, noi gương Gioan, chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa bằng cách ăn năn, sám hối để được ơn tha thứ của Thiên Chúa; cam đảm trở thành chứng nhân sự thật cho Thiên Chúa ngay giữa lòng xã hội hôm nay.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con ơn sám hối chân thành: biết mình và biết Chúa. Luôn sống cương trực, thẳng thắn để Lời Chúa không bị bóp méo trong khi loan báo. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 5: Ông Gioan Tẩy Giả

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Sau khi môn đệ Gioan ra về, Đức Giêsu khen ngợi và giới thiệu vai trò tiền hô của ông.  Ông là tiên tri trổi vượt hơn các tiên tri, vì ông là sứ giả  dọn đường cho Chúa đến trần gian. Nếu sánh ông với mọi người thì ông cao trọng hơn hết, nhưng kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông, vì họ được sống với Chúa... Mọi người nghe ông giảng đều hết lòng tin theo Chúa, cả những người thu thuế và tội lỗi cũng vậy. Chỉ có nhóm biệt phải và luật sĩ thì cứng lòng không chịu tin.

2. Đức Giêsu khen ông Gioan về hai điểm :

- Gioan không là một người nhu nhược , mềm yếu như cây sậy phất phơ trước gió. Ông là một người cương trực và can đảm dám hạch tội vua Hêrôđê đến nỗi  sẵn sàng chịu giam trong ngục và bị cắt cổ.

- Ông  không phải là một người tìm một cuộc sống xa hoa, đầy tiện nghi, ăn mặc sung sướng; trái lại, ông là một người đạo đức thánh thiện, dám sống đời khổ hạnh hãm mình, hy sinh trong hoang địa.

3. Gioan là con người cương trực, thẳng thắn, dám ăn dám nói,  không sợ bất cứ một quyền lực nào. Ông dám phê phán những quyền lực tôn giáo sống không đúng với chức danh của mình. Nếu Gioan chịu làm một cây sậy gió thổi chiều nào theo chiều đó thì cuộc đời Gioan đã không bị gẫy đổ. Vua Hêrôđê sẽ ủng hộ Gioan, mọi người quí trọng Gioan và coi Gioan là chính Đấng Messia. Tóm lại, ông sẽ được tất cả. Nhưng sứ mạng của ông không hoàn thành.

Nhưng vì Gioan can đảm thi hành sứ mạng bất chấp những phong ba bão táp, nên ngài đã bị cầm tù, bị chém đầu và kết thúc cuộc đời mình  trong ngục tù tăm tối, dưới tay một đứa con gái. Tuy nhiên, chính vì thế mà Gioan trở thành “người cao trong nhất trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ”.

Cái chết của ông là minh chứng cho sự trung thực thẳng thắn, là triều thiên tử đạo đổ máu đào cản ngăn những điều bất nhân bất nghĩa. Thật thế, Gioan chỉ luôn biết sống trung tín và loan báo những gì  mà Thiên Chúa muốn cho ông nói và làm.

4. Trong suốt cuộc đời Gioan luôn sống trung thành và tỏa sáng với nhiệm vụ tiền hô. Có thời điểm, dân chúng suy tôn tung hô ông như là Đấng Cứu Thế nhưng ông đã minh xác :”Tôi không phải là Đấng Cứu Thế, sẽ có một người đến sau tôi và tôi không xứng đáng cởi dây dầy Người” (Lc 3,16). Chính Gioan xác nhận vai trò của ông trong tương quan với Đấng Cứu Thế :”Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”. Ông chỉ là một tiên tri, là tiền hô và là chứng nhân cho Thiên Chúa như Tin Mừng thứ tư đã khẳng định :”Có một người được Thiên Chúa sai đến, người đó tên là Gioan, ông đến để làm chứng cho ánh sáng” (Ga 1,6).

5. Cái chết của mẹ Têrêsa Calcutta đã làm rúng động cả thế giới. Nhiều vị nguyên thủ quốc gia cũng như nhiều vị lãnh đạo tôn giáo đã thương tiếc Mẹ; vì nơi Mẹ, họ nhận ra hình ảnh của một người luôn sống yêu thương và nhân từ như lời Chúa dạy.

Sứ điệp của bài Tin Mừng hôm nay chất vấn chúng ta về trách nhiệm làm Kitô hữu. Ông Gioan Tẩy Giả là một vị tiên tri đích thực của Thiên Chúa. Cả cuộc đời ông, từ lời nói, hành động và cả cái chết, đều là lời giới thiệu Thiên Chúa cho mọi người.

Là Kitô hữu, chúng ta cũng được mời gọi  trở nên những tiên tri  giới thiệu Thiên Chúa cho trần gian. Chúng ta phải thực hiện sứ vụ này bằng những hành động yêu thương và phục vụ cụ thể trong cuộc sống.

6. Truyện: Câu chuyện một cụ già 75 tuổi.

Đây là một câu chuyện đã xẩy ra trong một giáo xứ  vùng sâu vùng xa. Khi về nhận xứ, Linh mục chánh xứ được biết ở đây có nhiều người đã được ơn trở lại với Chúa. Trong một buổi họp mặt ở nhà thờ, sau khi giảng, vị Linh mục hỏi mọi người:

- Ở đây ai là người có công nhiều nhất trong việc giúp cho anh chị em trở thành con cái của Chúa? Rồi ngài gợi ý: người đó có thể là một bà mẹ, là người rao giảng, là giáo viên, là người hàng xóm của anh chị em.  Và bây giờ tôi mời anh chị em đứng lên và tiến đến bắt tay người nào có ảnh hưởng nhất đối với anh chị em trong việc đem Đức Kitô như là Đấng Cứu Độ đến với mình.

Sau lời của vị Linh mục, hầu như mọi người đổ dồn cặp mắt về phía một bà cụ già đã ngoài 75 tuổi ngồi bên phải vị Linh mục. Bà cụ chưa bao giờ nói trước công chúng. Bà cũng không phải là một nhà giảng thuyết, hoặc người làm việc trong nhà thờ, bà cụ chỉ là một người mẹ, một người vợ Công giáo đầy lòng tin, hết lòng tận tụy với bổn phận hằng ngày của mình mà thôi.

Thế mà cả một chuỗi dài những người nối tiếp nhau tiến đến bắt tay bà cụ. Họ nói :

- Cuộc sống âm thầm, tận tụy, đầy lòng tin của cụ, những hành động và chứng từ của cụ đối với Chúa Giêsu đã đưa dẫn chúng tôi  đến với Đức Kitô Đấng Cứu Độ.

Chính nhờ đời sống tươi đẹp, thánh thiện đó mà người phụ nữ Công giáo này đã đưa nhiều người đến với Đấng Cứu Thế có thể hơn cả một nhà giảng thuyết tài giỏi.

 

Suy Niệm 6: Gioan là ngôn sứ, dọn đường cho Đấng Messia

(Lm Carôlô Hồ Bắc Xái)

A. Hạt giống...

Đoạn Tin Mừng này nối tiếp đoạn hôm qua. Khi các môn đệ của Gioan Tẩy giả ra đi rồi, Đức Giêsu nhận xét về ông này:

- Gioan không là một người nhu nhược như cây sậy phất phơ trước gió, trái lại ông rất can đảm dám vạch tội vua Hêrôđê.

- Gioan không phải là một người tìm sống một cuộc sống tiện nghi ăn sung mặc sướng, trái lại ông sống rất thanh đạm và kham khổ.

- Gioan chính là một ngôn sứ, và còn hơn ngôn sứ, Gioan là dọn đường cho Đấng Messia.

B.... nẩy mầm.

1. Nếu Gioan chịu làm một cây sậy gió thổi chiều nào uốn theo chiều đó thì cuộc đời Gioan đã không bị gãy đổ, Hêrôđê sẽ ủng hộ Gioan, mọi người quý trọng Gioan và coi Gioan là chính Đấng Messia. Tóm lại Gioan sẽ được tất cả. Nhưng sứ mạng Gioan không hoàn thành.

Nhưng vì Gioan can đảm thi hành sứ mạng bất chấp những phong ba bão táp, nên ngài đã bị cầm tù, bị chém đầu và kết thúc đời mình trong ngục tù tăm tối, dưới tay một đứa con gái. Tuy nhiên chính vì thế mà Gioan trở thành “người cao trọng nhất trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ”.

Xin cho con can đảm trung thành với sứ mạng của con.

2. Để thi hành sứ mạng ngôn sứ của mình, Gioan chỉ cần giảng cho dân nghe thôi là đủ, tội gì phải vào sống trong hoang địa, tội gì phải ăn uống kham khổ bằng châu chấu và mật ong rừng, tội gì phải mặc áo bằng da thú thô sơ nhám nhúa? Thưa vì Gioan không muốn giảng chỉ bằng lời mà còn bằng cách sống. Gioan giảng về sự sám hối, hoán cải, cho nên Gioan cần phải sống kham khổ như thế.

3. “Kẻ nhỏ nhất trong Nước Thiên Chúa còn cao trọng hơn Gioan”: một vị ngôn sứ cực nhọc dọn đường cho Đấng Cứu Thế, chịu sống kham khổ trong sa mạc, và chịu chết thê thảm vì sứ mạng của mình, thế mà còn không có phúc bằng tôi, một người sống thời Tân Ước!

Xin cám ơn Thánh Gioan Tẩy giả. Ngài đã chuẩn bị sẵn tất cả để cho con hưởng dùng.

Xin cám ơn Chúa đã đặc biệt ưu đãi con dù con không có công gì.

Xin cho con thực sự trở thành kẻ bé nhỏ trong Nước Chúa.

 

Bài cùng chuyên mục:

+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 351)

CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.

Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 2,457)

Thứ Bảy tuần 33 thường niên.

Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,534)

Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,332)

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.

Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,781)

Thứ Tư tuần 33 thường niên.

Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,785)

Thứ Ba tuần 33 thường niên.

Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,878)

Thứ Hai tuần 33 thường niên.

+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,085)

CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.

Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,559)

Thứ Bảy tuần 32 thường niên.

Thứ Sáu 15/11/2024 – Thứ Sáu tuần 32 thường niên. – Sống trong ngày của Chúa. (14/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,949)

Thứ Sáu tuần 32 thường niên.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7