Lời chúa mỗi ngày

Thứ Năm 11/08/2022 – Thứ Năm tuần 19 thường niên. – Thánh Clara, trinh nữ. Lễ nhớ. – Yêu thương và tha thứ.

  • In trang này
  • Lượt xem: 8,010
  • Ngày đăng: 10/08/2022 08:00:00

Yêu thương và tha thứ.

11/08 – Thứ Năm tuần 19 thường niên. – Thánh Clara, trinh nữ. Lễ nhớ.

"Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy".

 

* Thánh nữ sinh năm 1193 tại Átxidi. Năm 18 tuổi, chị xin thánh Phanxicô cho được theo nếp sống khó nghèo. Thánh Phanxicô đã cho chị ở trong một căn nhà tồi tàn, gần nhà thờ thánh Đamianô ở cửa ngõ thành Átxidi. Em của thánh nữ tên là Anê và một số thiếu nữ khác gia nhập nếp sống của chị: sống thanh bần triệt để. Đó là những nữ tu Phanxicô tiên khởi. Chị qua đời năm 1253.

 

Lời Chúa: Mt 18,21 - 19,1

Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần không?" Chúa Giêsu đáp: "Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy.

"Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: "Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, và tôi sẽ trả lại cho ngài tất cả". Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y.

"Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc: Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: "Hãy trả nợ cho ta". Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: "Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh". Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong. Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến và bảo rằng: "Tên đầy tớ ác độc kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?" Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ. "Vậy, Cha Thầy trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình".

Khi Chúa Giêsu nói những lời đó xong, thì Người bỏ xứ Galilêa mà đến Giuđêa, bên kia sông Giođan.

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Bảy mươi lần bảy

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Có khoảng cách rất lớn giữa mười ngàn yến vàng với một trăm quan tiền.

Mười ngàn yến vàng bằng một trăm triệu quan tiền.

Vậy mà người vừa được tha món tiền cực lớn ấy,

lại không tha được cho bạn của mình một món tiền tương đối nhỏ.

Thái độ độc ác này khiến tôi nhìn lại mình và tự hỏi tại sao.

Tại sao tôi không tha cho anh em tôi những điều nhỏ mọn hàng ngày,

trong khi Chúa vẫn tha cho tôi những món nợ rất lớn?

một trăm quan tiền là hơn ba tháng lương của người lao động,

nhưng nó chẳng là gì so với món tiền lớn tôi mắc nợ Chủ tôi.

Tôi mắc nợ Ngài sự hiện hữu của tôi trên đời và tất cả những gì tôi có.

Tôi mắc nợ Ngài vì tình yêu bao la Ngài dành cho tôi.

Món nợ lớn vô cùng, vì tôi là thụ tạo, còn Ngài là Tạo Hóa.

“Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết” (cc. 26. 29).

Cả hai người đầy tớ đều sấp mình van xin như thế

khi cả hai đều không thể nào trả ngay được món nợ.

Nhưng hai câu trả lời nhận được lại khác nhau.

Chỉ vị vua mới biết chạnh lòng thương xót và tha toàn bộ số nợ (c. 27).

Còn người đầy tớ vừa được tha món nợ lớn, lại không có lòng thương xót này.

Anh ta thích dùng sức mạnh và quyền lực để giải quyết.

Túm lấy, bóp cổ, tống bạn mình vào ngục cho đến khi trả xong.

Lẽ ra anh ta phải cư xử với bạn mình như ông chủ đã cư xử với anh.

Đó chính là nội dung lời buộc tội của ông chủ giận dữ:

“Ngươi không phải thương xót đồng bạn,

như chính ta đã thương xót ngươi sao?” (c. 33).

Lòng thương xót anh nhận được đã không trở thành dòng suối mát

chảy đến với người bạn đang cần chút xót thương.

Chính vì thế sự tha thứ mà anh nhận được từ chủ

phút chốc bị rút lại, bị xóa sạch.

Anh lại bị trở về tình trạng trước đây,

bị quân lính hành hạ, bị tù đầy cho đến khi trả hết (c. 34).

Sự tha thứ và lòng thương xót của Thiên Chúa đối với chúng ta

chỉ ở lại với điều kiện là nó được chuyển đi, chứ không giữ lại.

Giữ lại đồng nghĩa với bị rút lại.

Món quà tôi nhận được từ Cha phải trở thành món quà tôi trao cho anh em.

Trong cuộc sống, chúng ta là con nợ của nhau, người này nợ người kia.

Trước những xúc phạm của người anh em trong cộng đoàn,

Phêrô nghĩ phải chăng nên tha đến bảy lần.

Đức Giêsu mời ta tha đến bảy mươi lần bảy, nghĩa là tha đến vô cùng.

Ngài mời ta đi vào chỗ sâu nhất trong trái tim Thiên Chúa.

Sự tha thứ bắt nguồn từ tấm lòng, từ trái tim (c. 35).

Một trái tim tàn nhẫn chỉ biết đến một sự công bằng cứng cỏi.

Thế giới hôm nay cần một trái tim tha thứ hơn bao giờ.

Những nước nghèo mong chờ được tha những món nợ lớn.

Có những mối thù cần được tha giữa các sắc tộc, quốc gia, tôn giáo…

Người Kitô hữu chúng ta giúp gì cho sự tha thứ trong thế giới hôm nay?

 

Cầu nguyện:

Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,

xin dạy con biết phục vụ âm thầm.

Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,

xin dạy con biết yêu thương tự hiến.

Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,

xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.

Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,

xin dạy con biết coi mọi người như anh em.

Lạy Chúa Ba Ngôi,

Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,

xin cho các Kitô hữu chúng con

trở thành tình yêu

cho trái tim khô cằn của thế giới.

Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,

biết sống nhờ và sống cho tha nhân,

biết quảng đại cho đi

và khiêm nhường nhận lãnh.

Lạy Ba Ngôi chí thánh,

xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa

ở sâu thẳm lòng chúng con,

và trong lòng từng con người bé nhỏ.

 

Suy Niệm 2: Tha thứ

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Tha thứ một điều cần thiết nhưng lại khó khăn biết bao. Cần thiết vì nếu không tha thứ ta không thể sống với ai được. Con người là bất toàn. Luôn sai lỗi. Nếu ta không tha thứ thì cuối cùng chỉ còn mình ta với ta. Và ta cũng bất toàn. Nếu người khác không tha thứ thì ta cũng không sống nổi. Nhưng trên hết ta phải tha thứ để được Chúa thứ tha. Vì Chúa là Đấng hay tha thứ.

Chúa là Đấng từ bì thương xót. Luôn tha thứ lỗi lầm của con người. Lịch sử của con người là lịch sử của tình thương. Thiên Chúa yêu thương con người. Tạo dựng nên con người. Cứu chuộc con người. Sau Mô-sê đến lượt Gio-suê hướng dẫn dân Chúa ra khỏi Ai cập tiến vào Đất Hứa. Ra khỏi nô lệ khổ cực tiến vào tự do yêu thương. Ra khỏi đất ăn nhờ ở tạm vào đất sở hữu vĩnh viễn. Chúa yêu thương cho dân vượt qua Biển Đỏ. Hôm nay lại cho dân vượt qua sông Gio-đan khô chân. Qua sông qua biển. Đó là tình yêu thương của Chúa (năm lẻ).

Biết bao tình yêu thương Chúa bày tỏ với dân Ít-ra-en. Nhưng họ luôn cứng đầu cứng cổ. Phản loạn. Tội lỗi. Chúa phải sai các tiên tri đến cảnh tỉnh họ. Sửa chữa họ. Trừng phạt họ. Để họ tỉnh ngộ. Ê-dê-kiên trở nên dấu chỉ báo trước hình phạt Chúa giáng xuống ông hoàng và dân cư Giê-ru-sa-lem. “Tôi là điềm báo cho các ông. … Họ sẽ phải đi tù, đi đày. Ông hoàng đang ở giữa họ sẽ vác hành lý lên vao lúc trời tối và sẽ ra đi; họ sẽ khoét một lỗ trên tường cho ông chui qua. Ông sẽ che mặt để chính mắt khỏi nhìn thấy xứ sở” (năm chẵn). Chúa cảnh báo để họ sám hổi, để được tha thứ.

Nhưng rồi Chúa lại tha thứ tất cả. Để tha thứ Chúa gửi Con Một xuống trần gian. Chịu mọi đau khổ để đền tội cho con người. Để đưa con người vượt qua biển trần gian. Để con người được vào không phải đất hứa ở trần gian, nhưng vào đất hứa trên thiên đàng. Để tha thứ cho ta Chúa phải chịu khổ nhục thiệt thòi như vậy. Chúa dạy ta phải tha thứ cho anh em. Tha như Chúa. Tha mãi mãi. Tha không giới hạn. Đó là điều kiện để ta được Chúa tha thứ. Đó là cách thế để cứu thế giới. Thế giới tràn đầy tội lỗi. Không thể tồn tại nếu thiếu lòng tha thứ. Hơn nữa ta phải tha thứ để làm chứng cho Chúa. Làm sáng lên lòng nhân từ tha thứ của Chúa. Để nhân loại nhận biết Chúa. Đây là thời đại cuối cùng. Đây là lúc biểu lộ tình thương. Đây là thời kỳ của ân sủng. Ơn tha thứ. Lòng thương xót cho con người. Ta hãy cũng Chúa đem ơn tha thứ cho thế giới bằng chính sự khoan dung tha thứ của ta.

 

Suy Niệm 3: Tha Thứ

Một đôi vợ chồng nọ đưa nhau ra tòa xin ly dị. Vị luật sư biện hộ cho quan tòa biết: đôi vợ chồng này sống hoàn toàn yên lặng với nhau trong suốt 12 năm liên tiếp. Họ cũng không muốn gặp nhau nữa, nếu cần cho nhau biết điều gì, thì họ chỉ cần viết vào một mảnh giấy để sẵn trên bàn cho người kia đọc. Ðôi vợ chồng này trước đây đã sống hạnh phúc với nhau trong vòng 18 năm, đã nuôi nấng con cái khôn lớn, nhưng rồi không rõ vì lý do gì, hai người đã không thèm nói chuyện với nhau, và giờ đây họ không nhớ đã giận nhau vì lý do gì.

Những hờn giận, phiền muộn xẩy ra trong sinh hoạt hằng ngày, nếu không được nghiêm chỉnh giải quyết, vượt qua, thì sẽ dễ dàng chồng chất làm thành những bức tường ngăn cách giữa cha mẹ với nhau, hay giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em trong gia đình, hoặc giữa bạn bè thân thích. Những tâm tình phiền muộn tiêu cực mỗi ngày một ít cũng đủ ảnh hưởng đến cả cuộc sống, làm chúng ta không còn vui sống và bình an nữa.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta phải tha thứ và tha thứ luôn luôn. Nhưng tại sao phải tha thứ? Vì tha thứ là một điều cần thiết trong đời sống xã hội, trong gia đình, trong các đoàn thể; vì tha thứ là đặc điểm của tình yêu: trong tình yêu Chúa, chúng ta tha thứ cho nhau như Ngài đã tha thứ cho chúng ta. Tha thứ như thế không phải là yếu nhược, mà là sức mạnh của tình yêu, là khí cụ của hòa bình. Cuộc đời là một cuộc hành trình, nếu chúng ta cứ để mình mang nặng gánh ưu tư, phiền muộn thì làm sao có đủ sức để đạt tới đích được. Do đó chúng ta hãy luôn sống tha thứ để tâm hồn chúng ta được nhẹ nhàng thanh thoát trên đường đời với niềm hy vọng và an vui.

Một nhà tâm lý người Mỹ đã đưa ra nhận định như sau: Trên bình diện nhân bản, nếu suy nghĩ cho cùng, thì tha thứ là giải pháp tốt nhất cho người tha thứ và kẻ được tha thứ: sự tha thứ khai mở năng lực tinh thần con người và có tác dụng làm cho con người sống lành mạnh vui tươi hơn. Trên bình diện thiêng liêng, sự tha thứ có giá trị tích cực, chứng tỏ tình thương làm phát sinh nguồn an ủi trong tâm hồn; nếu chúng ta không thật lòng tha thứ cho nhau, thì Cha trên trời cũng không tha thứ cho chúng ta.

Xin Chúa cho chúng ta luôn biết tha thứ cho những ai xúc phạm đến chúng ta, và như vậy chúng ta trở thành khí cụ đem niềm vui đến cho mọi người.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Bản Sắc Của Người Kitô Hữu

Cuộc xung đột đẫm máu giữa người Do Thái và Palestin tại Trung Ðông cũng như những người công giáo và tin lành tại Bắc Ailen, hay giữa những chủng tộc khác nhau tại nhiều nơi khác trên thế giới cho chúng ta thấy rằng oán thù luôn sinh ra oán thù, bạo động luôn kéo theo bạo động, thế giới sẽ chẳng bao giờ có được hòa bình đích thực khi con người chưa biết tha thứ cho nhau.

Tin Mừng hôm nay một lần nữa mời gọi chúng ta đi vào cốt lõi của Tin Mừng là sự tha thứ, đây là tuyệt đỉnh của giáo huấn của Chúa Giêsu. Ngài sẽ chỉ là một kẻ lừa bịp và tòa giáo huấn của Ngài sẽ sụp đổ nếu trong giây phút cuối đời, từ trên thập giá, Ngài đã không tha thứ cho những kẻ đang hành hạ mình. Lời cầu xin tha thứ của Chúa Giêsu là bảo chứng của những lời Ngài rao giảng. Suy Niệm về sự tha thứ, trước hết chúng ta phải hướng về tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Ðấng giàu lòng thương xót, chậm giận và hay tha thứ. Toàn bộ Kinh Thánh là lịch sử của những cử chỉ tha thứ của Thiên Chúa và sự bắt đầu lại của con người. Mỗi một lần con người vấp ngã là mỗi lần Thiên Chúa thực thi lòng thương xót. Ngay từ trang đầu tiên của Kinh Thánh, chúng ta đã thấy được sự tha thứ của Thiên Chúa. Sau khi ông bà nguyên tổ phạm tội, Thiên Chúa đã không bỏ mặc hay trừng phạt, mà trái lại còn hứa ban ơn cứu rỗi. Xuyên suốt Kinh Thánh Cựu Ước, Thiên Chúa trải dài tình yêu nhẫn nhục tha thứ cho dân riêng của Ngài. Qua Chúa Giêsu, lòng tha thứ của Chúa Cha đã bộc bạch một cách trọn vẹn. Những trang cảm động nhất trong Tân Ước hẳn phải là những trang về lòng tha thứ của Thiên Chúa được thể hiện qua lời nói, cử chỉ của Chúa Giêsu.

Còn bức tranh nào đẹp và cảm động cho bằng phiên tòa xử người đàn bà phạm tội ngoại tình bị bắt quả tang. Từ buổi sáng tinh mơ, trong khi đám đông do các luật sĩ và biệt phái động viên đang hậm hực sẵn sàng ném đá người đàn bà khốn khổ, Chúa Giêsu đã giữ thinh lặng, và cuối cùng, khi đám đông đã rút lui, Ngài chỉ ôn tồn nói với chị: "Chị hãy về đi, Ta không kết án chị".

Còn áng văn nào đẹp cho bằng dụ ngôn về người con hoang đàng được ghi lại trong Tin Mừng theo thánh Luca. Còn lời nào dịu ngọt hơn lời tha thứ của Chúa Giêsu dành cho người được mệnh danh là kẻ trộm lành chịu đóng đinh bên hữu Ngài, và dĩ nhiên còn cử chỉ nào hào hùng và cao thượng hơn lời cầu xin tha thứ cho những kẻ lý hình trước khi trút hơi thở cuối cùng.

Thiên Chúa giàu lòng thương xót, chậm giận và hay tha thứ. Ðó là tuyệt đỉnh của mạc khải Kitô giáo. Thiên Chúa mà Chúa Giêsu tỏ bày cho chúng ta qua lời giảng dạy và cách cư xử của Ngài là Thiên Chúa hay thương xót và tha thứ. Lòng thương xót và tha thứ thiết yếu là của Thiên Chúa, con người không thể tự mình tha thứ. Trên thập giá, Chúa Giêsu đã không tự mình tha thứ, Ngài cầu xin Chúa Cha tha thứ. Thiên Chúa thực thi lòng tha thứ qua con cái Ngài. Tự mình tha thứ không phải là điều tự nhiên đối với bản tính con người. Chính vì thế mà Chúa Giêsu dạy chúng ta phải kêu cầu ơn tha thứ của Thiên Chúa. Chỉ khi nào chúng ta cảm nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa, chúng ta mới có thể tha thứ cho người khác: "Xin Cha tha cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con".

Cảm nhận được ơn tha thứ của Chúa và sẵn sàng tha thứ cho người khác, đó là cuộc chiến đấu của cả một đời người nhưng đó cũng là cuộc chiến làm nên bản sắc của người tín hữu Kitô. Người tín hữu Kitô chỉ thực sự là tín hữu Kitô khi họ biết tha thứ mà thôi.

 

Suy Niệm 5: Sáng và tối.

Bấy giờ ông Phê-rô đến gần Đức Giêsu mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (Mt. 18, 21-22)

Ý nghĩa hai dụ ngôn này đã rõ ràng. Chúng ta không thể khước từ tha thư cho người khác vì Thiên Chúa cũng tha thứ cho mỗi người chúng ta hơn thế nhiều. Chúng ta cũng không thể không biết rằng thái độ của chúng ta đối vời anh em lân cận. Thì không có lý gì chúng ta sẽ tránh khỏi Thiên Chúa không xử với chúng ta như vậy. Chúng ta là nạn nhân của chính lối cư xử và hành động chúng ta.

Tối.

Thường những dụ ngôn của thánh Mát-thêu cũng như câu chuyện nhỏ này mang nặng bi quan. Nó phác họa những con người, những cách đối xử với nhau đáng buồn và kết thúc bằng kết án đầy tớ độc ác kèm theo sự đe dọa của hình phạt đối với kẻ không biết tha thứ. Chắc là bi quan rồi, nhưng như thế có sai lầm không? Chúng ta có cư xử cách khác đối với anh em ta không? Người ta nói: “Người là chó sói đối với người”

Ở đây nói về các môn đệ Chúa Giêsu, nói về mỗi người chúng ta, chúng ta có cư xử với nhau như thế không? có độc ác như thế không? có dã man không? dụ ngôn này Đức Giêsu không chỉ nói với các môn đệ hình như đã sống không có tình yêu huynh đệ, nó còn nói với chúng ta hiện nay nữa.

Sáng

Xuyên qua câu truyện dụ gôn này có thấy sáng lên hình bóng của nhà vua. Lòng thương xót của nhà vua biểu lộ qua những cách cư xử ban đầu làm cho dụ ngôn này một vẻ tươi sáng, nhưng rồi lại tuôn đi. Lối cư xử của đầy tớ ban đầu có vẻ lành mạnh: Nó lăn xả vào tay Chúa. Chúa không bắt buộc nó nữa. Người Cha của đầy tớ van xin này là người cha của đứa con phung phá. “Một người phủ đầy tội lỗi luôn được quan tâm ưu ái, đó là cái đích cho lòng thương xót nhắm bắn” Lê-on Bloy nói thế.

Nơi pháp trường người tội lỗi như món nợ vô phương đền trả, được trông thấy một người tiến lại cứu giúp. Gảii thoát nó hoàn toàn! Lòng tha thứ đưa đến một chân trơì mới, đến đời sống mới và gắn bó lòng thương xót tha thứ lẫn nhau.

J.M

 

Suy Niệm 6: Tha thứ và yêu thương không giới hạn

Xem lại CN 24 TN A, Thứ Ba Tuần 3 MC.

Toàn bộ Tin Mừng được gói trọn trong hai điều răn là: “Mến Chúa và yêu người”; nói cách khác: “Mến Chúa và yêu người là hai mặt của một thực tại”, nó như hai mặt trên cùng một bàn tay. Thật vậy, nếu nói mến Chúa mà không yêu người thì là người nói dối vì sự thật không ở trong người đó. Vì thế, luật Tin Mừng đòi hỏi mến Chúa và yêu người phải luôn đi đôi với nhau như hình với bóng.

Hôm nay, Đức Giêsu dạy cho Phêrô một bài học về sự tha thứ khi ông đến hỏi: "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?". Đức Giêsu liền nói: "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy". Điều đó cho thấy rằng: tha thứ triền miên, tha thứ không giới hạn…

Nhưng muốn tha thứ trong tự do và đem lại hạnh phúc, thì điều quan trọng là nhận ra mình không là gì cả, nhưng vẫn được Chúa yêu thương. Mình đáng phải chết mà Chúa đã cứu sống và tha thứ. Vì thế, mình phải có trách nhiệm cứu giúp và yêu thương anh chị em đồng loại như Chúa đã thương mình. Dụ ngôn “tên mắc nợ không biết thương xót” là điều mà con người hay mắc phải. Tức là chỉ cầu cứu Thiên Chúa tha thứ cho mình, còn người khác khi có lỗi với mình, mình tìm mọi cách triệt tiêu và đóng đinh họ cho bằng được.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sống trong tình yêu của Chúa. Biết yêu thương như Chúa đã yêu thương chúng con. Đồng thời sẵn sàng tha thứ cho những thiếu xót, bất toàn của anh chị em chúng con. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 7: Tha thứ vô điều kiện

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúng ta phải tha thứ cho nhau vô điều kiện, bởi vì Thiên Chúa nhân lành luôn thương xót và tha thứ mọi lỗi lầm cho ta trước.

Cầu nguyện: Lạy Cha, con chúc tụng tình thương độ lượng hải hà mà Cha đã thực hiện nơi nhân loại và nơi bản thân yếu đuối của con. Chúa không nhìn đến lòng phản trắc đáng phải chết khi nguyên tổ chúng con sa ngã phạm tội, Cha đã tha thứ và gọi tên A-đam, E-và, để loan báo chương trình cứu thoát. Từ lời hứa ấy, Cha đã từng bước thực hiện ơn cứu độ và hoàn thành trong Đức Giêsu Tử Nạn và Phục Sinh. Cha còn tiếp tục ban lại cho con sự sống của Cha cách dồi dào hơn nữa trong Ngôi Thánh Linh. Vâng, nhân loại đáng chết đã được hưởng lòng thương xót thứ tha của Cha. Con sẽ mãi ca tụng Cha nhân từ trọn đời sống con.

Lạy Cha là Đấng luôn tha thứ và hay thương xót, xin cho con biết học bài học rộng lượng, khoan dung để con đối xử như thế với mọi người anh em. Xin cho con biết vì Cha mà tha thứ tất cả cho mọi người có điều xích mích, bất hòa với con, không giới hạn, không điều kiện. Con ý thức được rằng con tha thứ cho anh em không phải vì con cao thượng hay vì con nhân đức, cũng không phải vì người anh em nhận ra lỗi và hạ mình van xin. Nhưng lạy Cha, chỉ vì một lý do là Cha muốn con tha thứ, như Cha đã tha thứ cho con trước. Xin cho mỗi lần con cố gắng tập tha thứ, là con trở nên giống Cha và giống Đức Giêsu đã tha thứ cho kẻ giết hại mình.

Con cầu xin cho mọi anh chị em con cùng sống theo lời Chúa Giêsu chỉ dạy: hãy tha thứ để được thứ tha. Amen.

Ghi nhớ: “Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy”.

 

Suy Niệm 8: Trả thù: cách của người công giáo

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Có hai người thổ dân Nam Phi rất ghét nhau. Ngày kia một trong hai người gặp đứa con gái nhỏ của kẻ thù mình trong rừng. Tên ấy liền bắt cô bé, lấy dao chặt hai ngón tay rồi thả ra. Cô bé vừa chạy về vừa khóc, bàn tay máu chảy ròng ròng. Còn tên hung thủ vừa đi vừa la lớn: “Trả được thù rồi”.

 Ngày qua tháng lại, thấm thoắt mười mấy năm, cô gái đã có chồng con. Một hôm, có một tên ăn mày tới xin ăn. Người đàn bà nhận ra đó là kẻ chặt ngón tay mình, vội vàng trở vào nhà bảo đầy tớ đem sữa bánh ra cho ăn. Khi kẻ kia ăn no rồi, người đàn bà đưa bàn tay cụt hai ngón ra cho hắn xem và nói: “Tôi cũng đã trả được thù rồi”. Tên ăn mày xúc động khóc ngất. Riêng bà kia vì đã trở lại đạo nên hiểu rằng: “Nếu kẻ thù mình đói, hãy cho nó ăn, khát hãy cho nó uống...” (Rm 12,20) .

Hai cách trả thù: Cách của người ngoại giáo và cách của người công giáo (Trích “Phúc”).

Suy niệm

Trong nỗ lực đưa nhân loại đến với đức ái trọn hảo, Chúa Giêsu đã dạy con người phải biết tha thứ không ngừng cho nhau qua con số tha thứ bảy mươi lần bảy tức là luôn tha thứ. Chính Ngài là tấm gương sống động khi cất lời xin Cha tha thứ cho những kẻ thi hành án tử với Ngài (x. Lc 23,34). Tấm gương tha thứ ngay lúc họ gây cho Ngài đau khổ nhất, phản chiếu khuôn mặt nhân từ như Ngài kêu gọi: “Phải có lòng nhân từ” (Lc 6:36).

Hơn nữa, tha thứ là điều kiện để chính mình được thứ tha như Ngài dạy trong kinh Lạy Cha: “Xin tha nợ chúng con nhưng chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6,12). Sách Huấn Ca nhấn mạnh kẻ thù hận là người không có lòng yêu thương và không đáng được tha tội: “Nó chẳng biết thương người đồng loại, mà lại dám xin tha tội cho mình! Nó chỉ là người phàm mà để tâm thù hận, thì ai sẽ xin tha tội cho nó?” (Hc 28,4-5). Cho nên, sách Huấn Ca đã dạy trước: “Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha” (Hc 28,2).

Chính vì lẽ đó Chúa Giêsu kêu mời mọi người: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ... Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha” (Lc 6:36-37).

Tha thứ, khuyến khích người được thứ tha trở về với con đường chính lộ và nảy sinh tình yêu khi sống trong vòng tay nhân ái, đó là động lực để họ dấn thân trong yêu thương: Ai được tha nhiều sẽ mến nhiều, ai được tha ít sẽ mến ít (x. Lc 7,47b). Sống tha thứ là giải thoát chính chúng ta khỏi những xiềng xích của cảm xúc giận hờn đè nặng, làm cho cuộc sống được thư thái tự do, sức khỏe thăng tiến. Tha thứ làm thêm cho cuộc sống tâm linh: tiến tới đức ái trọn hảo theo gương Chúa Kitô, cũng làm cho cuộc sống thêm nhân văn: Sức khỏe được bảo vệ.

Tuy nhiên, con đường dẫn đến thứ tha cũng đầy gian nan dù chỉ nói một lời tha thứ. Mỗi chúng ta có cảm nghiệm: Để đến và hòa giải được quả thật không đơn giản, nhất là những ai gây tổn thất nặng về tinh thần và thể xác. Tha thứ luôn đòi hỏi vừa có sự nỗ lực cố gắng nơi con người, vừa cần trợ giúp ân sủng đến từ Thiên Chúa, Đấng tỏa sáng gương mặt bao dung, yêu thương, chậm giận và giàu lòng xót thương.

Con sẽ cố gắng tha thứ, xin cho con được ân sủng thứ tha của Thiên Chúa ở trong con, để con có thể can đảm tha thứ cho anh em.

Ý lực sống:

“Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6,12).

 

Suy Niệm 9: Hãy tha thứ cho nhau

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

Cuộc sống cộng đoàn cũng thường có nhiều va chạm nên Chúa Giêsu dạy thêm bài học về tha thứ: phải tha thứ luôn như Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Những gì chúng ta tha thứ cho nhau, thì không là gì cả so với sự tha thứ của Thiên Chúa với chúng ta. Thật thế, “Thiên Chúa là Tình yêu”, bản chất của Thiên Chúa chính là tình yêu. Tình yêu của Người không bờ bến, nên Người cũng muốn chúng ta trao cho nhau tình yêu vô điều kiện, không giới hạn.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta phải tha thứ và tha thứ luôn. Nhưng tại sao phải tha thứ? Vì tha thứ là một điều cần thiết trong đời sống xã hội, trong gia đình, trong các đoàn thể; vì tha thứ là đặc điểm của tình yêu: trong tình yêu Chúa, chúng ta tha thứ cho nhau như Ngài đã tha thứ cho chúng ta. Tha thứ như thế không phải là yếu nhược, mà là sức mạnh của tình yêu, là khí cụ của hoà bình. Cuộc đời là một cuộc hành trình, nếu chúng ta cứ để mình mang nặng gánh ưu tư, phiền muộn thì làm sao có đủ sức để đạt tới đích được. Do đó, chúng ta hãy luôn sống tha thứ, để tâm hồn chúng ta được nhẹ nhàng thanh thoát trên đường đời với niềm hy vọng và an vui (Mỗi ngày một tin vui).

Người Do thái cũng được dạy cho biết phải tha thứ cho nhau, nhưng các tôn sư không đồng ý với nhau là phải tha đến lần thứ mấy mới thôi. Có ý kiến cho rằng chỉ có thể tha thứ tối đa là bốn lần, người Việt Nam chúng ta thì nói “sự bất quá tam” hay “quá tam ba bận” là cùng, bước sang lần thứ tư là coi như đã vượt chỉ tiêu. Do đó, ông Phêrô đã thắc mắc và hỏi Chúa Giêsu. Chúa cho biết phải tha thứ luôn, phải tha thứ mãi, không giới hạn số lần. Và để làm sáng tỏ vấn đề, Chúa dùng một dụ ngôn. Dụ ngôn này có nghĩa là chúng ta mắc nợ với Chúa thì nhiều lắm: tội lỗi chúng ta xúc phạm đến Chúa vừa nhiều vừa rất nặng nề, dường như không thể tha thứ được, nhưng Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Trong khi đó những lỗi phạm của anh em với ta, dù thế nào chăng nữa, cũng không đáng gì so với tội lỗi chúng ta đã phạm đến Chúa, thế mà chúng ta chấp nhất, ti tiện, không tha thứ. Nếu vậy, chúng ta đừng hòng mong Chúa tha thứ cho chúng ta. Phải thực hiện lời Chúa dạy: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (kinh Lạy Cha).

Chân phước Maurice Tornay nói: “Chúng ta phải tha thứ cho nhau vô điều kiện, bởi vì Thiên Chúa nhân lành, luôn thương xót và tha thứ mọi lỗi lầm của chúng ta trước”.

Hôm nay Chúa Giêsu dạy ông Phêrô phải tha thứ cho người khác bảy mươi lần bảy. Ở đây, Chúa Giêsu không có ý nói ông Phêrô hãy đếm số lần tha thứ: một lần, hai lần... nhưng điều Chúa Giêsu muốn nói là ông phải tha thứ mãi mãi, tha thứ không tính toán, tha thứ tất cả. Tại sao vậy? Bởi vì trong văn hóa Israel con số 7 tượng trưng cho sự hoàn hảo, thành toàn, nên kiểu nói 70 lần 7 ở đây hàm nghĩa sự viên mãn tròn đầy. Vì vậy, khi Chúa Giêsu nói tha thứ 70 lần 7 nghĩa là tha thứ mãi mãi, tha thứ tất cả.

Để diễn tả tình yêu thương của Chúa hầu khích lệ chúng ta tha thứ cho nhau đã trình bày về dụ ngôn người đầy tớ mắc nợ không biết thương xót.

- Mỗi nén vàng thời xưa là sáu ngàn quan tiền, tương đương với sáu ngàn ngày công, và mười ngàn nén bạc, trị giá khoảng một trăm ngàn lượng vàng.

- Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu có ý làm nổi bật sự khác biệt giữa hai món nợ và hai thái độ, để cho thấy lòng nhân từ quảng đại của Thiên Chúa và sự vô lý của lòng dạ con người, khi không sẵn sàng tha thứ cho kẻ khác.

- Điều cần lưu ý là trong dụ ngôn này, lý do thúc đẩy ta tha thứ cho anh em chính là tình thương hải hà của Thiên Chúa đối với chúng ta, chứ không phải vì anh em biết điều mà xin lỗi, cũng chẳng phải vì chúng ta cao thượng hay nhân đức không chấp lỗi lầm (Lm. Trần Hữu Thành).

Chúa Giêsu dạy chúng ta phải kêu cầu ơn tha thứ của Thiên Chúa. Chỉ khi nào chúng ta cảm nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa, chúng ta mới có thể tha thứ cho người khác: “Xin Cha tha cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.

Cảm nhận được ơn tha thứ của Chúa và sẵn sàng tha thứ cho người khác, đó là cuộc chiến đấu của cả một đời người, nhưng đó cũng là cuộc chiến đấu làm nên bản sắc của người tín hữu Kitô. Người tín hữu Kitô chỉ thực sự là tín hữu Kitô khi họ biết tha thứ mà thôi.

Truyện: Tha thứ cho kẻ thù

Một hiệp sĩ dũng cảm tên là Hildebrand bị một bạn đồng nghiệp tên là Bruno nhục mạ nặng nề. Hildebrand thề sẽ trả thù đích đáng. Ông suy nghĩ và chuẩn bị kỹ lưỡng chương trình hành động. Cuối cùng ông chọn địa điểm và thời gian thuận lợi.

Ông thức dậy nửa đêm, một mình võ trang đầy đủ đi đến nơi thanh vắng mà ông biết là Brunô sẽ đi ngang qua. Trên đường đi ông gặp thấy một nhà nguyện nhỏ mở cửa. Ông vào đó để chờ sáng, và trong khi chờ đợi, ông tiêu khiển bằng cách nhìn các bức tranh trong nhà nguyện.

Bức thứ nhất vẽ Đấng Cứu Thế mặc áo choàng đỏ, đầu đội mão gai, phía dưới có ghi bằng tiếng La tinh câu này: “Bị lăng nhục, Ngài không đáp trả lại lăng nhục”. Bức thứ hai nhắc lại cảnh đau buồn khi bị đánh đòn, với hàng chữ: “Khi chịu những khổ đau như thế, Ngài không hề đe doạ”. Và cuối cùng bức thứ ba trình bày Chúa Giêsu trên Thập giá, hàng chữ là: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”.

Nhìn liên tiếp ba bức tranh như thế, tâm hồn Hildebrand bị xúc động mạnh. Ông quì gối xuống và bắt đầu cầu nguyện. Dần dần cơn hận thù giảm đi, rồi biến mất. Ông còn ngồi lại đó chờ kẻ thù của ông đến, nhưng chờ gặp để tha thứ và để làm hoà với nhau (Góp nhặt).

 

Suy Niệm 10: Bài học tha thứ

(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

Cuộc sống cộng đoàn cũng thường có nhiều va chạm, nên Chúa Giêsu dạy thêm bài học tha thứ:

- Phải tha luôn, tha mãi “không phải đến 7 lần nhưng đến bảy mươi lần bảy”.

- qua dụ ngôn hai con nợ, Chúa Giêsu nói: ta có tha cho anh em thì Chúa mới tha cho ta. Ta tha cho anh em ít, Chúa tha cho ta nhiều (nếu con nợ thứ nhất chịu tha cho con nợ thứ hai 100 đồng bạc, thì hắn đã được ông vua tha cho hắn mười ngán nén bạc).

B.... nẩy mầm.

1. Trẻ con thường giận nhau nhưng cũng mau làm hòa với nhau. Càng lớn thì tự ái người ta càng to và người ta càng khó tha thứ cho nhau hơn. Thêm một lý do nữa khiến Chúa Giêsu nói muốn vào Nước Trời thì phải trở lại như trẻ thơ.

2. Muốn thuyết phục chúng ta tha thứ cho nhau, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn hai con nợ để vạch cho ta thấy rõ rằng ta tha thứ cho người khác thì sẽ có lợi rất nhiều vì ta sẽ được Chúa tha cho ta nhiều hơn. Tính ra những lỗi lầm người khác xúc phạm đến ta đâu có là bao so với những tội lỗi ta xúc phạm tới Chúa.

3. “Chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn”: giận là một cảm xúc không ai có thể tránh được trong cuộc sống chung nhiều va chạm. Chúa không chấp nhất ta vì ta có cảm xúc đó. Nhưng Chúa sẽ kết tội ta nếu ta nuôi mãi lòng giận ghét không chịu bỏ qua.

4. Hận thù là một hình thức của hoả ngục và là một hình thức của tội sát nhân. Thánh Gioan viết “Ai oán ghét anh em mình, kẻ đó là người sát nhân”. Một nhà tâm lý người mỹ nói “Khi ta trút giận lên người khác, dù chỉ bằng một lời nói, ta cũng muốn nói lên một ý nghĩ tiềm ẩn là muốn giết hại người đó” (…) Ta cũng nên nhớ rằng tha thứ không phải chỉ là một hành động ý chí mà còn là một ân ban. Do đó không thể có sự tha thứ nếu không đi kèm theo sự cầu nguyện. ("Mỗi ngày một tin vui")

5. Một nhà tâm lý người Mỹ nhận định như sau: Trên bình diện nhân bản, tha thứ là giải pháp tốt nhất cho cả người tha lẫn kẻ được tha, vì sự tha thứ khai mở năng lực tinh thần con người và có tác dụng làm cho con người sống lành mạnh và vui tươi hơn. ("Mỗi ngày một tin vui")

6. Một hiệp sĩ dũng cảm tên là Hildebrand bị một bạn đồng nghiệp tên là Bruno nhục mạ nặng nề. Hildebrand thề sẽ trả thù đích đáng. Ông suy nghĩ và chuẩn bị kỹ lưỡng chương trình hành động. Cuối cùng ông chọn địa điểm và thời giờ thuận lợi. Ông thức dậy nửa đêm, một mình võ trang đầy đủ đi đến nơi thanh vắng mà ông biết là Bruno sẽ đi ngang qua. Trên đường đi ông gặp thấy một nhà nguyện nhỏ mở cửa. Ông vào đó để chờ sáng, và trong khi cờ đợi, ông tiêu khiển bằng cách nhìn các bức tranh trong nhà nguyện. Bức thứ nhất vẽ Đấng Cứu Thế mặc áo choàng đỏ, đầu đội mão gai, phía dưới có ghi bằng tiếng latinh câu này: “Bị lăng nhục, Ngài không đáp trả lại lăng nhục”. Bức thứ hai nhắc lại cảnh đau buồn khi bị đánh đòn, với hàng chữ “Khi chịu những khổ đau như thế, Ngài không hề đe dọa”. Và cuối cùng bức thứ ba trình bày Chúa Giêsu trên Thập giá, hàng chữ là “Lạy Cha xin tha cho họ vì họ không biết việc  họ làm”. Nhìn liên tiếp 3 bức tranh như thế, tâm hồn Hildebrand bị xúc động mạnh. Ông quì gối xuống và bắt đầu cầu nguyện. Dần dần cơn hận thù giảm đi, rồi biến mất. Ông còn ngồi lại đó chờ kẻ thù của ông đến, nhưng chờ gặp để tha thứ tận tình và để làm hòa với nhau. (Góp nhặt)

7. “Phêrô đến gần Chúa Giêsu mà hỏi rằng: ‘Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần?” (Mt 18,21)

Một hôm, gà con cứ bám riết lấy gà mẹ, khóc lóc kể lể:

- Mẹ ơi, tụi thỏ chế diễu tai con không bằng một góc tai chúng…

- Tha cho chúng đi con! Gà mẹ trả lời.

- Nhưng bọn cò lại nói con hèn hơn bàn chân của chúng.

- Tha cho chúng đi con!

- Mẹ! Gà con khóc to lên. Lúc nào mẹ cũng nói tha cho chúng, trong khi con bị chế diễu, bị nhạo báng…

- Tại vì họ nói đúng!

- Nhưng tại sao?

- Tại vì con là một con gà!

Như gà con nọ, tôi cảm thấy bị xúc phạm và khó tha thứ cho anh em, chỉ vì không chịu chấp nhận chính mình.

Lạy Chúa, xin cho con biết chấp nhận giới hạn bản thân, để nhận ra lòng nhân từ quảng đại của Thiên Chúa, để không chỉ tha thứ đến 7 lần, mà bảy mươi lần 7. (Hosanna)

 

Suy Niệm 11: Tha thứ_nghĩa vụ hàng đầu của Kitô hữu

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

Lời Chúa hôm nay nhắc đến một trong những nghĩa vụ hàng đầu của người Kitô-hữu đó là tha thứ. Đây không phải là lời khuyên có tính cách định lý dành riêng cho một số thành phần ưu tuyển, nhưng là một đòi hỏi thiết yếu của ơn gọi Kitô-hữu. Trong Tin Mừng chúng ta thấy Chúa Giêsu đã nói đến hình phạt hỏa ngục ba lần: một khi khẳng định những kẻ bị chúc dữ phải xa mặt Chúa là những kẻ không thực thi bác ái. Hai là khi Ngài nói: kẻ làm gương xấu cho trẻ nhỏ. Và cuối cùng, trong dụ ngôn người mắc nợ bạn mình 100 đồng.

Muốn tha thứ, trước hết nên nhớ rằng chúng ta thường thấy cái rác trong mắt anh em hơn là cái đà trong mắt mình. Chúng ta nhạy cảm đối với nhưng bất công, xúc phạm của người khác đối với chúng ta hơn là những thiệt hại mà vô tình hay hữu lý chúng ta gây cho người khác.

Thứ đến, để có thể tha thứ, chúng ta phải không ngừng sống trong bầu khí bác ái và bình an. Tha thứ là kết quả của sự tập luyện lâu dài. Nếu để mình chiều theo những sôi sục trong tâm hồn cũng như ngoại cảnh, chúng ta sẽ dễ hướng đến oán thù. Khi sống yêu thương chúng ta thắng vượt hận thù và như thế mới có thể tha thứ cho người khác được.

Cuối cùng, chúng ta cần nhớ rằng tha thứ không phải là một hành động thuần ý chí, mà là một ân ban. Do đó không thể có sự tha thứ, nếu không đí kèm theo sự cầu nguyện. Chính khi ta cầu xin với Chúa là lúc ta nhận được sức mạnh để thắng vượt hận thù trong chúng ta.

Một ngày nọ, một nữ tu gọi tôi lại bảo rằng có một người đàn ông trẻ đang hấp hối nhưng thật kỳ lạ là anh ta không thể chết. Tôi vội lại gần và hỏi anh ta:

- Có điều gì bất ổn chăng?

Anh trả lời:

- Sơ ơi! Tôi không thể nào chết được cho đến khi tôi chưa cầu xin cha tôi tha thứ.

Vị nữ tu vội vã tìm đến nhà cha anh ta và gọi ông ấy. Điều lạ lùng đã xảy ra khi người cha ôm con trai mình vào lòng và khóc:

- Con trai! Con trai yêu quý của cha.

Người con trai ấy cầu xin cha:

- Cha ơi, xin hãy tha thứ cho con.

Hai người đàn ông ôm chầm lấy nhau thật lâu. Vài giờ sau, người thanh niên từ giã cõi đời.

 

Bài cùng chuyên mục:

+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,834)

CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.

Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,082)

Thứ Bảy tuần 33 thường niên.

Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,686)

Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,397)

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.

Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,803)

Thứ Tư tuần 33 thường niên.

Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,798)

Thứ Ba tuần 33 thường niên.

Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,897)

Thứ Hai tuần 33 thường niên.

+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,139)

CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.

Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,570)

Thứ Bảy tuần 32 thường niên.

Thứ Sáu 15/11/2024 – Thứ Sáu tuần 32 thường niên. – Sống trong ngày của Chúa. (14/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,963)

Thứ Sáu tuần 32 thường niên.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7