Thứ Hai 27/11/2023 – Thứ Hai tuần 34 thường niên. – Cho Ði Tất Cả.
- In trang này
- Lượt xem: 4,351
- Ngày đăng: 26/11/2023 10:00:00
Cho Ði Tất Cả.
27/11 – Thứ Hai tuần 34 thường niên.
"Người thấy một bà goá nghèo khó bỏ vào đó hai đồng tiền nhỏ".
Lời Chúa: Lc 21, 1-4
Khi ấy, Chúa Giêsu nhìn lên, thấy những người giàu có bỏ tiền dâng cúng vào hòm tiền. Người cũng thấy một bà goá nghèo khó bỏ vào đó hai đồng tiền nhỏ, nên bảo rằng: "Thầy bảo thật các con, bà goá nghèo khó này đã bỏ vào hòm tiền nhiều hơn mọi người.
Vì mọi người kia lấy của dư thừa mà dâng cho Thiên Chúa, còn bà này túng thiếu, bà đã dâng tất cả những gì bà có để nuôi sống mình".
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
Suy niệm 1: Bỏ vào tất cả
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)
Thánh Luca là văn sĩ tuyệt vời viết về sự hiền dịu của Đức Kitô.
Nhưng thánh nhân cũng là người nhấn mạnh đến sự đòi hỏi.
Thầy Giêsu đòi ai muốn theo Ngài phải từ bỏ tất cả (Lc 14, 33).
Các môn đệ đầu tiên như Simon, Gioan, Giacôbê, Lêvi,
đều là những người đã bỏ tất cả để theo Thầy (Lc 5, 11. 28).
Bà góa nghèo trong bài Tin Mừng hôm nay (c.4)
cũng là người đã bỏ vào thùng tiền tất cả những gì bà có để sinh sống.
Tất cả và trọn vẹn, chính là điều Thiên Chúa đòi hỏi nơi con người.
Yêu Ngài bằng tất cả trái tim và tất cả sức lực của mình,
đó là mệnh lệnh của Thiên Chúa dẫn đến sự sống vĩnh cửu (Lc 10, 27).
Có người tự hỏi nếu bà góa nghèo dâng cho Đền thờ
tất cả số tiền nhỏ nhoi còn lại thì ngày mai bà sống bằng gì.
Bà có phải là người bị đầu độc và bóc lột bởi các kinh sư không,
vì đã có những kinh sư nuốt chửng nhà của các bà góa (Lc 20, 47)?
Đức Giêsu có coi bà góa này như một tấm gương cho ta không?
Khi ngồi nhìn người ta dâng cúng tiền cho Đền thờ,
Đức Giêsu thấy người giàu bỏ tiền, có khi là những món tiền lớn.
Nhưng Ngài cũng thấy một bà góa nghèo bỏ tiền vào thùng.
Một món tiền rất nhỏ, bằng đơn vị tiền tệ nhỏ nhất.
Ngài nói cho các môn đệ nghe về cách đánh giá của Ngài,
cũng là cách đánh giá của Thiên Chúa.
Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn những người giàu.
Vì các môn đệ có thể bị ngỡ ngàng, nên Ngài giải thích cho họ.
Người giàu bỏ vào từ sự dư thừa của họ.
Còn bà góa bỏ vào từ sự túng thiếu của bà (c. 4).
Trao đi một điều đụng chạm đến cuộc sống của mình
thì khó hơn gấp bội,
vì mình phải gánh chịu hậu quả ngay lập tức.
Bà góa ở Xarépta chắc chắn đã gặp khó khăn
khi ngôn sứ Êlia xin bà làm cho ông một cái bánh nhỏ trước đã,
rồi sau đó mới làm cho bà và con bà (1 V 17,13).
Bà đã dám vâng lời dù đang túng thiếu,
dù nhà chỉ còn một nắm bột trong hũ và chút dầu trong vò.
Cái chết đang đến với mẹ con bà, vậy mà bà đã dám chia sẻ.
Chia sẻ của hai bà góa trên đây đều nằm trong những tình huống
tưởng như không thể chia sẻ được, vì chẳng có gì để chia sẻ.
Chia sẻ cho Chúa hay cho tha nhân lúc ấy, thật là quý biết bao,
vì nó đòi ta ném mình vào sự mất an toàn,
và đồng thời ném mình vào vòng tay quan phòng của Thiên Chúa.
Mọi tính toán kiểu con người biến mất,
để nhường chỗ cho lòng quảng đại vô bờ.
Chắc chắn Thiên Chúa chẳng để cho bà góa nghèo phải chết đói.
Hũ bột không cạn và bình dầu không vơi
vẫn là quà tặng Chúa ban cho bất cứ ai dám trao đi tất cả đời mình,
vì trao đi mà sau đó mình không thấy thiếu thì không thật là trao đi.
Cầu nguyện:
Lạy Ngôi Lời Thiên Chúa rất đáng mến,
xin dạy con biết sống quảng đại,
biết phụng sự Chúa cho xứng với uy linh Ngài,
biết cho đi mà không tính toán,
biết chiến đấu không ngại thương tích,
biết làm việc không tìm an nghỉ,
biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào
ngoài việc biết mình đã chu toàn Thánh Ý Chúa. Amen.
Suy niệm 2: Tấm lòng
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Chúa có cách đánh giá kỳ lạ. Khác người. Chúa nhìn bề trong chứ không nhìn bề ngoài. Đối với Chúa tâm hồn quan trọng hơn của cải. Tình yêu quan trọng hơn lễ vật. Trật tự của Chúa khác với trật tự trần gian. Ở trần gian ai cũng chú trọng tới những người quyền cao chức trọng, ăn mặc sang trọng, thân hình phương phi, và nhất là dâng cúng nhiều tiền của. Nhưng Chúa lại chú ý tới những người thấp hèn, ăn mặc nghèo nàn, thân hình bé nhỏ, và dâng cúng ít ỏi. Chúa đánh giá cao bà goá dâng hai đồng kẽm. Vì: “Những người kia đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ, mà bỏ vào dâng cúng; còn bà này, tuy thật túng thiếu, đã bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình”. Như thế tuy bà có ít ỏi. Nhưng tấm lòng của bà thật lớn lao. Bài bị người đời khinh chế. Nhưng bà được đánh giá cao trước mặt Chúa. Bà từ người cuối hết trong trần gian. Trở thành người lớn nhất trong Nước Trời. Chúa không cần của lễ. Chúa cần tấm lòng. Đối với Chúa những tấm lòng quảng đại là cao quí nhất.
Đa-ni-en và ba người bạn có tấm lòng yêu mến Chúa. Các cậu chu toàn lề luật Chúa. Nên chối từ bổng lộc vua ban. Các cậu thà ăn rau cỏ. Không chịu ăn thịt luật đạo cấm. Tâm hồn cao quí đó hiện lên sắc mặt. Nên các cậu khôi ngô tuấn tú hơn những trẻ khác ăn uống theo chế độ vua ban. Còn hơn thế nữa. Chúa thưởng công cho các cậu được trí khôn ngoan, “được hiểu biết mọi thị kiến và điềm báo mộng”. Vua rất yêu thích cho các cậu được ở bên cạnh. “Thế là bốn cậu này được đứng chầu vua, và khi vua hỏi các cậu về bất cứ điều gì cần đến sự khôn ngoan và tài trí, thì đều thấy các cậu trổi vượt gấp mười lần hơn tất cả các thầy phù thuỷ và pháp sư trong toàn vương quốc”. Các cậu đã trở thành những người xuất sắc hàng đầu. Là hoa trái của quyền năng Chúa. Đó là Chúa thưởng công cho tấm lòng quảng đại của các cậu. Vì yêu mến Chúa mà chấp nhận thiệt thòi (năm lẻ).
Đó là những hình ảnh báo trước Nước Trời. Chịu thiệt thòi ở trần gian. Họ trở thành của lễ đầu mùa khiến Chúa hài lòng. Thánh Gio-an đã nhìn thấy những người được Chúa thưởng công, đi theo hầu cận Con Chiên. Và hát những bài ca mới chỉ có thiên thần mới hiểu được. “Không ai có thể học được bài ca này, ngoài một trăm bốn mươi bốn ngàn người đã được chuộc về từ mặt đất. Họ đã được chuộc về từ giữa loài người, làm của đầu mùa dâng lên Thiên Chúa và Con Chiên. Chẳng ai thấy miệng họ nói dối: không ai chê trách họ được” (năm chẵn). Đó là bài ca của tấm lòng. Chỉ có tấm lòng mới học được. Chỉ có tấm lòng mới hiểu được.
Tôi có tấm lòng không khi sống đạo? Có tấm lòng không đối với Chúa? Và đối với anh em?
Suy niệm 3: Cho Ði Tất Cả
(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Vào thời xưa cũng như thời này, có những giai tầng bị loại ra bên lề. Họ có thể là những người mắc bệnh không có thuốc chữa, họ có thể là những người nghèo không một xu dính túi. Trong số những người nghèo bị gạt ra bên lề xã hội, có các bà góa; nhất là trong hệ thống tổ chức xã hội xưa kia tại Israel, phụ nữ khi kết hôn phải cắt đứt giây liên hệ với gia đình ruột thịt, và từ lúc chồng chết cũng là lúc mọi tiếp tế vật chất từ nhà chồng bị đình chỉ.
Bà góa nghèo trong Tin Mừng hôm nay có thể nói là một người nghèo tuyệt đối. Qua nghĩa cử đơn sơ của bà, Chúa Giêsu đã khám phá ra sự quảng đại cao cả và lòng cậy trông phó thác tuyệt đối của bà vào Thiên Chúa. Mặc dù chỉ đóng góp hai đồng tiền nhỏ có giá trị 1/4 xu, nhưng bà đã cho đi tất cả những gì mình có để nuôi sống; vì thế bà xứng đáng được Chúa Giêsu khen ngợi. Tuy nhiên sự kiện và lời khen ngợi này có thể nêu lên hai vấn nạn: thứ nhất, liệu chúng ta phải nghèo về vật chất để được thuộc về Nước Thiên Chúa chăng? thứ hai, liệu người nghèo phải cho đi tất cả, kể cả những nhu yếu phẩm nếu họ muốn được Chúa khen ngợi chăng?
Ðã hẳn trong Tin Mừng, người nghèo được chúc phúc, trong khi theo cách diễn tả của Chúa Giêsu người giầu có khó vào được Nước Trời. Thật ra, người nghèo được gọi là có phúc, không phải vì họ nghèo, cũng như Tin Mừng không bao giờ đề cao sự nghèo khổ, vì sự nghèo túng tự nó không làm cho ai nên thánh, có chăng chỉ những người nghèo biết chấp nhận thân phận của mình để chờ đợi từ người khác và cậy trông phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa. Nói khác đi, cái nghèo vật chất không phải tự nó biến sự túng thiếu thành nguồn ơn phúc, nhưng chính tinh thần nghèo khó, chính ý thức sự lệ thuộc của mình vào người khác, nhất là đặt trọn niềm tín thác vào Thiên Chúa, mới làm cho những người nghèo trở nên giầu tình người và đậm đà tình Chúa.
Bà góa nghèo trong Tin Mừng hôm nay chỉ có hai đồng tiền nhỏ để sinh sống, nhưng bà đã dâng cúng trọn vẹn cho Chúa. Có lẽ bà có được hai đồng tiền đó là do lòng hảo tâm của người khác và bà muốn biểu lộ sự tín thác của mình vào sự quan phòng của Thiên Chúa qua việc cho đi tất cả. Vấn đề đáng suy nghĩ là liệu hành động của bà góa nghèo này có giá trị trong xã hội ngày nay, nếu không phải là tạo thêm sự nghi kỵ trong xã hội? Sống trong một xã hội cạnh tranh như hiện nay, còn có một mô thức của xã hội nơi bài giảng trên núi của Chúa Giêsu được đem ra thực hành, để không ai còn bị tiền tài, danh vọng, quyền lực chi phối, nhưng mọi người đều thực hành tình liên đới, yêu thương, chia sẻ. Với lời khen ngợi hành động của bà góa nghèo, Chúa Giêsu một lần nữa muốn đảo lộn trật tự xã hội, vì Ngài không những kêu gọi sự thay đổi của từng cá nhân, nhưng còn muốn đẩy mạnh tiến trình đổi mới xã hội, nơi mọi người đóng góp tất cả những gì mình có để xây dựng và phục vụ xã hội.
Ðể sống trọn Lời Chúa hôm nay, chúng ta hãy tự hỏi: Tôi có tinh thần nghèo khó để ý thức sự lệ thuộc của tôi vào người khác và vào Thiên Chúa không? Tôi đã và đang làm gì để góp phần xây dựng một xã hội mới. Ước gì mẫu gương của bà góa nghèo phản ánh tình yêu Thiên Chúa, Ðấng trao ban tất cả cho con người, giúp chúng ta mạnh tiến trên con đường xây dựng Nước Chúa giữa lòng xã hội.
Suy niệm 4: Người Ðàn Bà Góa
(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Có rất nhiều câu chuyện về những người nghèo chia sẻ một cách hào phóng cho những người túng thiếu. Câu chuyện cảm động nhất hẳn phải là câu chuyện của bà góa thành Xêrepta thời tiên tri Êlia:
Toàn vùng phải trải qua một cơn hạn hán lâu dài, trong nhà người đàn bà chỉ còn lại một ít bột và một vài giọt dầu cuối cùng đủ để bà chuẩn bị một bữa ăn cuối cùng cho bà và đứa con trai nhỏ. Vừa gặp người đàn bà đang đi kiếm củi, tiên tri Êlia đã nói hầu như ra lệnh cho bà rằng: "Hãy chuẩn bị thức ăn cho ông!" Không một chút do dự hay chống chế, người đàn bà khốn khổ đã làm theo lời vị tiên tri và phép lạ từ lòng quảng đại của bà đã diễn ra: một vò dầu trong nhà bà không bao giờ cạn cho đến khi cơn hạn hán chấm dứt.
Người đàn bà góa mà Chúa Giêsu đã nhìn thấy cử chỉ quảng đại trong Tin Mừng hôm nay cũng chia sẻ một cách hào phóng chẳng khác nào người đàn bà góa thời tiên tri Êlia. Cùng với những người giầu có đang lũ lượt đi tới trước hòm tiền để dâng cúng, người đàn bà góa chỉ bỏ đúng có hai đồng xu nhỏ. Nhưng trong khi những người giàu có làm cử chỉ dâng cúng để cho người khác thấy, và có lẽ sự sang trọng cũng dễ gây sự chú ý của những người chung quanh, thì Chúa Giêsu, Ðấng thấu suốt mọi sự bí ẩn trong lòng người đã chỉ chú ý đến người đàn bà góa. Dưới ánh mắt của Ngài, người đàn bà góa nghèo này là người dâng cúng nhiều nhất. Bà cho nhiều nhất bởi vì trong khi những người giàu có chỉ cho của dư thừa, người đàn bà góa cho chính những gì mình có để độ nhật, và cho tất cả những gì bà có chứ không phải chi một vài xu lẻ.
Mẹ Têrêsa Calcuta cũng có lần kể lại một câu chuyện tương tự: "Một năm nọ, có một người phụ nữ nghèo đến gõ cửa xin giúp đỡ. Người đàn bà cho biết rằng bà có tám đứa con nhỏ và từ nhiều ngày qua, trong nhà không còn một hột gạo. Mẹ Têrêsa lấy gạo trao cho người đàn bà. Số gạo vừa đủ cho bà và các con bà. Nhưng trước sự ngạc nhiên của mẹ, người đàn bà xin một bao trống, chia số gạo làm hai rồi giải thích rằng bên cạnh nhà bà còn có một gia đình Hồi giáo cũng không còn gạo ăn từ nhiều ngày qua".
Người đàn bà nghèo muốn chia sẻ một nửa những gì mình đang có cho người láng giềng của mình. Chúng ta có thể học được nhiều bài học từ những câu chuyện trên đây. Những người đàn bà góa và người nghèo nói chung, có thể dạy chúng ta ý thức về sự lệ thuộc vào Chúa. Họ nói với chúng ta rằng sống qua ngày quả là một nỗi khốn khổ, nhưng có Chúa luôn lo liệu mọi nhu cầu cần thiết cho chúng ta. Họ nhắc nhở chúng ta rằng mỗi ngày qua đi không biết bao nhiêu ân phúc Chúa ban, nhưng không được chúng ta nhìn nhận và đáp trả với lòng biết ơn, và cho chúng ta thấy rằng của cải vật chất có thể là những xiềng xích đang trói buộc chúng ta, và càng có ít, con người càng có cơ may để sống hạnh phúc hơn. Nhưng quan trọng hơn cả, bài học mà chúng ta có thể học được nơi những người đàn bà góa trên đây, cũng như từ những người nghèo nói chung là càng trao ban, chúng ta càng hạnh phúc. Trao ban những gì mình có đã đành, nhưng trao ban chính bản thân mới đích thực là trao ban. Một quà tặng không bao hàm người tặng thì chỉ là một món quà chơi trội. Cho là cho chính bản thân. Ðó chính là cách cho của Chúa Giêsu. Ngài trao ban thịt máu Ngài cho chúng ta. Ðược Ngài nuôi dưỡng bằng thịt máu Ngài, ước gì các tín hữu Kitô chúng ta cũng trở thành những kẻ trao ban một cách quảng đại.
Suy niệm 5: Ai quảng đại thật?
Ngước mắt lên nhìn, Đức Giêsu thấy những người giầu sang đang bỏ tiền dâng cúng của họ vào thùng tiền. Người cũng thấy một bà góa túng thiếu kia bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm. Người liền nói: “Thầy bảo thật anh em: Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn ai hết.” (Lc. 21, 1-3)
Quảng đại thật:
Những vẻ bề ngoài thường làm ta lầm. Những người quảng đại nhất không hẳn là những người bỏ nhiều tiền nhất vào thùng dâng cúng. Lòng quảng đại thật cũng không đo của mà người ta cho. Muốn đánh giá đúng lòng quảng đại, phải xem họ cho cái họ thiếu thốn. Người ta cho nhiều tiền không phải là rất quảng đại. Người ta có thể cho ít mà vẫn quảng đại.
Sự thật đó hoàn toàn đơn giản. Đức Giêsu không phải nhắc nhở điều đó một cách vô ích đâu, vì chúng ta dễ lầm tưởng đánh giá theo bề ngoài. Đức Giêsu đánh giá tận đáy lòng người ta, nên Người nói: “Bà góa nghèo này bỏ vào nhiều hơn ai hết”. Người ta ngày nay có thể nói như thế về nhiều người nghèo, mặc dầu bề ngoài nghèo, nhưng lại tỏ ra quảng đại hơn nhiều người giàu.
Dư thừa của cải:
Có phải vô tình Tin mừng cho thấy bà góa này có lòng quảng đại hơn các ông bà giàu kia không? Có lẽ không.
Quả thật, người ta có thể thấy nhiều người giàu có lòng quảng đại thật, và cũng có nhiều người nghèo hà tiện ghê gớm. Nhưng thật ra có lẽ có nhiều người nghèo quảng đại hơn nhiều người giàu. Đó là điều Đức Giêsu muốn nói. Họ cho nhiều khi họ túng thiếu hơn là lúc họ dư thừa. Lòng quảng đại đáng giá thật khi cho lúc lâm cảnh túng quẫn.
Chúng ta biết rất nhiều người nghèo dâng cúng lúc họ đang túng thiếu. Còn nhiều người giàu dâng cúng được nhiều hơn không, nếu xét theo lòng quảng đại? Có bao nhiêu người giàu dâng cúng nhiều hơn cái dư thừa của họ?
Có lẽ phải nói rằng giàu sang quá làm ngăn trở để nên quảng đại thật.
R.C
Suy niệm 6: Cần có cái nhìn của Chúa
Xem lại CN 32 TNB và thứ Bảy tuần 9 TN
Sau khi Đức Giêsu thanh tẩy đền thờ bằng việc đánh đuổi con buôn để trả lại cho đền thờ sự thánh thiêng đúng nghĩa. Hôm nay, Đức Giêsu tiến xa hơn khi nói đến tâm hồn của con người trong việc thực hành niềm tin tôn giáo. Vì thế, Ngài đã thay đổi quan niệm xưa khi cho rằng: một người được Thiên Chúa chúc phúc là một người đông con nhiều cháu, đoàn xúc vật và của cải nhiều... Đây là não trạng mang đậm truyền thống của tiền nhân nơi những người Dothái đương thời với Đức Giêsu. Lối suy nghĩ này còn bén rễ sâu vào khái niệm dâng cúng tiền bạc trong đền thờ. Họ cho rằng: ai dâng cúng nhiều thì dấu chỉ người đó được nhiều ơn..., bởi thế, ở gần hòm tiền, luôn có người phụ trách xướng lên lớn tiếng số lượng mỗi người dâng để cho mọi người biết.
Thấy thế, Đức Giêsu đã xóa bỏ quan niệm đó và mặc cho nó một ý nghĩa sâu xa được khởi đi từ tấm lòng chân thành chứ không phải là những vật phẩm bề ngoài.
Câu chuyện Tin Mừng hôm nay hiện lên hình ảnh của một bà góa nghèo. Bà được Đức Giêsu đề cao vì đã dâng tất cả những gì mình có. Thật vậy, bà không có nhiều tiền, nhưng bà có tấm lòng bao la. 2 đồng tiền nhỏ mà bà bỏ vào thùng không đáng gì so với những đồng tiền của giới nhà giàu dâng cúng. Tuy nhiên đây là cả gia sản hiện tại của bà. Thấy được nghĩa cử cao quý đó, Đức Giêsu đã lên tiếng khen ngợi: “Ta bảo thật anh em, bà goá nghèo khó này đã bỏ vào hòm nhiều hơn mọi người”.
Khi đề cao bà góa nghèo như vậy, Đức Giêsu đã không chú ý đến số lượng, mà Ngài đã đề cao phẩm chất. Sự ca ngợi của Đức Giêsu dành cho bà làm toát lên cái nhìn của Thiên Chúa. Ngài nhìn từ bên trong tâm hồn, trong khi con người thì lại nhìn từ những cái bên ngoài.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy: tấm lòng của con người mang tính quyết định chứ không phải những gì bên ngoài. Giá trị tâm linh thì quan trọng hơn lễ vật. Nếu dâng cúng nhiều mà không có tấm lòng yêu thương, bác ái thì chỉ là một cách phô trương mà thôi.
Mặt khác, với cái nhìn của Đức Giêsu cho chúng ta thấy: đừng vì bề ngoài mà xét đoán anh chị em mình tốt hay xấu. Cũng đừng vì tiền mà thay đổi thái độ trắng đen và phân biệt đối xử, hoặc đừng vì những thứ bề ngoài mà an tâm rằng ta được phúc hơn người!
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết noi gương bà góa nghèo để đến với Chúa bằng tấm lòng chân thành trong sự yêu mến. Xin Chúa cũng ban cho chúng con có cái nhìn như Chúa để được sự sống đời đời làm gia nghiệp. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy niệm 7: Thái độ khi ta làm việc lành
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Đối với Chúa, điều quan trọng không phải là số lượng, nhưng là thái độ khi ta làm việc lành. Những việc làm của ta, dù nhỏ bé, nếu được thực hiện với lòng yêu mến và tín thác nơi Chúa, Ngài sẽ vui nhận.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con vẫn hiểu rằng: khi cho đi là lúc lãnh nhận, khi quên mình là lúc gặp lại mình. Nhưng những lúc con cho đi, dù với danh nghĩa vì Chúa hay vì đồng loại, con vẫn thường cảm thấy nơi con có gì như đang mất mát, vì thế con tiếc nuối, sợ bị thiệt thòi.
Có lẽ vì thế, khi nhìn lại những tháng ngày đã qua, con thấy hầu như con đã chỉ cho người khác cái mà con dư thừa. Con cho đi bằng tay phải nhưng đã tìm cách lấy lại bằng tay trái. Con muốn quên mình, nhưng lại so đo tính toán hơn thiệt. Xét cho cùng, tình yêu của con còn quá nhỏ, lòng bác ái còn quá vụ lợi, sự dâng hiến còn quá miễn cưỡng, sự phục vụ còn quá nhỏ bé. Con chưa thật quảng đại và phó thác để dám quên mình cách triệt để, ngõ hầu tôn vinh danh Chúa và thăng tiến anh em. Do đó, đời sống đạo của con chưa thật sự đổi mới, xứ đạo và môi trường sống của con chưa phát triển tốt đẹp.
Lạy Chúa, chính Chúa nói: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người dám hiến mạng sống vì người mình yêu”. Xin ban cho con tình yêu nồng nàn và lòng tín thác cao độ như bà góa dâng hết mọi đồng xu cho Chúa, để con dám vắt kiệt thời giờ, tiền của, sức lực và cả mạng sống của con vì Chúa, vì Giáo Hội, và vì anh chị em sống quanh con. Amen.
Ghi nhớ: “Người thấy một bà góa nghèo khó bỏ vào đó hai đồng tiền nhỏ”.
Suy niệm 8: Dâng cho Chúa tất cả tấm lòng
(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Một ngày nọ, Mẹ Têrêsa đi xuống phố, một người ăn mày chạy đến gặp mẹ và nói: “Thưa mẹ Têrêsa, mọi người đều cho mẹ tiền để giúp người bệnh tật”. Anh nói thêm với giọng hơi buồn: “Con cũng muốn cho mẹ tiền. Nhưng suốt cả ngày hôm nay, con chỉ có được ba mươi xu. Dù ít, nhưng con muốn cho mẹ số tiền ấy”. Mẹ Têrêsa suy nghĩ một lúc: “Nếu mình lấy ba mươi xu thì tối nay anh ta sẽ phải nhịn ăn; còn nếu không lấy, sẽ làm tình cảm anh ta tổn thương”. Vì thế, Mẹ đưa tay ra để lấy số tiền ấy và cám ơn anh.
Mẹ chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ thấy được niềm vui như thế trên khuôn mặt của bất cứ ai như trên khuôn mặt của người ăn mày đó khi anh ta nghĩ rằng mình cũng đã cho tiền mẹ Têrêsa làm bác ái… Số tiền thật bé nhỏ đó trở nên gấp ngàn lần bởi vì nó đã được cho với bao yêu thương của anh”. Mẹ nhấn mạnh: “Thiên Chúa nhìn thấy không phải là sự to tát của công việc, mà vào tình yêu thương qua đó công việc được hoàn thành”.
Suy niệm
Bà góa bỏ vào đền thờ phần nhỏ bé, nhưng Chúa Giêsu khen ngợi và nhấn mạnh rằng bà đã dâng lên cho Thiên Chúa tất cả tấm lòng và nêu tấm gương cho các môn đệ… Bà góa đã dâng cúng với tất cả tấm lòng thành, bằng sự mến yêu nồng nàn đối với Chúa. Bà dâng cúng hai đồng tiền kẽm, tuy nhỏ nhất nhưng đó là tất cả những gì thiết yếu cho cuộc sống của bà, như thế bà đã dâng cả mạng sống. Nhìn cung cách dâng cúng của bà, Đức Giêsu đã khen: “Bà góa nghèo khó này đã bỏ vào hòm tiền nhiều hơn mọi người”.
Thiên Chúa là Đấng “dò thấu lòng dạ” (Xh 2,23; x. Tv 7,10; 17,10), Ngài không quan tâm bởi những dáng vẻ bề ngoài, như lời ngôn sứ khẳng định: “Người ta nhìn bề ngoài, nhưng Thiên Chúa nhìn tận đáy lòng mỗi người (1Sm 16,7). Sau này, thánh Phaolô cũng khẳng định: “Thiên Chúa, đấng thấu suốt tâm can” (Rm 8,27). Cho nên, dù chỉ dâng hai xu kẽm, nhưng xuất phát từ tâm can yêu mến của bà góa. Qua tấm gương bà góa, Chúa Giêsu dạy chúng ta sống với Chúa cách sống đạo đơn sơ, chân thành và quảng đại với anh em trọn tấm lòng. Cho dù một tấm lòng rất nát về vật chất nhưng giàu về sự chân thành và yêu thương như hai xu kẽm của bà góa dâng tiền cho Chúa.
Xin cho chúng con một tấm lòng thành mang trọn tình yêu với Chúa với anh em, biết ý thức về sự mỏng giòn, nhỏ bé, thiếu thốn của mình mà cậy dựa vào ân sủng của Thiên Chúa, và học biết trân trọng thiện chí chân thành của anh em. Dâng cho Chúa với cả tấm lòng, khiêm tốn, ẩn kín vì như Chúa Giêsu khẳng định: “Cha các con, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho các con”(Mt 6,8).
Ý lực sống
“Khi ta trao tặng một món quà, mà nếu là một mất mát hy sinh lớn đối với ta, thì đó mới thật là món quà” (Mẹ Têrêsa Calcutta).
Suy niệm 9: Hai đồng tiền nhỏ của bà góa
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
1. Đức Giêsu cùng với các môn đệ sau khi giảng dạy cho dân chúng trong Đền thờ, liền sau đó Thầy trò đi ra ngoài quan sát dân chúng dâng cúng để giúp cho Đền thờ; chính tại đây, Đức Giêsu đã giáo huấn các môn đệ về ý nghĩa và giá trị của việc dâng cúng. Khung cảnh của Tin Mừng hôm nay nằm rất gần kho bạc vốn được dùng để chứa các đồ dâng cúng (x.2V 12,10). Các thùng tiền dâng cúng được thiết kế theo hình dáng cái loa kèn và được đặt rất nhiều trong sân dành cho phụ nữ. Chính vì đặt trong địa thế như vậy, tạo điều kiện thuận lợi cho giới quan sát là chính các luật sĩ và tay chân lân cận. Đức Giêsu cùng các môn đệ dễ dàng quan sát những thùng tiền cũng như những người bỏ tiền dâng cúng vào đó.
2. Trong dòng người tấp nập bỏ tiền dâng cúng Đền thờ, Đức Giêsu đặc biệt chú y đến người đàn bà góa nghèo nàn. Bà đã âm thầm bỏ vào 2 đồng tiền kẽm với giá trị chỉ bằng ¼ đồng bạc Rôma. Bởi dân Do thái thời Đức Giêsu đang bị đế quốc Rôma thống trị. Chính vì thế, người dân phải sử dụng đồng tiền Rôma trên đó có mang hình và ký hiệu hoàng đế Rôma. Đây là loại tiền bạc, một đồng cân nặng 3,8g và tương đương với 0,875 quan vàng. Thấy được như thế, chúng ta mới thấy rằng đồng tiền mà bà góa trong Tin Mừng dâng cúng vốn giá trị chẳng đáng là gì, nhưng đối với Đức Giêsu, Ngài đã khen :”Bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết”(Lc 21,3).
3. Thiên Chúa ít để ý đến giá trị của dâng bề ngoài cho bằng tấm lòng nhiệt thành quảng đại của người dâng :”Thèm lòng chứ ai thèm thịt” hoặc “Cách cho quí hơn của cho”. Ý tưởng này giúp chúng ta ý thức hơn về những công việc phục vụ tha nhân, cũng như những công việc từ thiện bác ái hay dâng cúng của cải vật chất.
Tấm lòng của bà góa dành cho Chúa quả là lớn lao vì nó đụng chạm đến sự sống của bà, bà đã dâng cho Chúa không phải của dư thừa nhưng là tất cả cái mà bà có để sống. Tinh thần bác ái đích thực là biết chia sẻ cho tha nhân một phần sự sống, tức là những sự hy sinh của mình. Cũng vậy, chúng ta tỏ lòng mến Chúa bằng cách tự nguyện dâng hiến cho Chúa điều mà chúng ta có quyền được hưởng : sự nghèo khó, lòng thanh khiết và đức vâng lời.
4. Ai cũng công nhận “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” nhưng người ta thường “xem mặt mà bắt hình dong”, dựa vào hình thức bên ngoài để đánh giá phẩm chất bên trong : Tuyển nhân viên mấy ai chọn tiêu chuẩn “xấu người đẹp nết” thay vì “ưu tiên có ngoại hình” ? Lắm khi người ta đánh giá sản phẩm chỉ dựa vào mẫu mã kiểu dáng bao bì bắt mắt. Người ta cũng dễ có xu hướng thẩm định giá trị của một người dựa vào của cải, địa vị, bằng cấp v.v... Đức Giêsu thì khác, Ngài thẩm định giá trị hành vi từ đáy lòng con người. Ngài cho biết : Dù chỉ bỏ hai đồng tiền vào thùng dâng cúng, bà góa nghèo đã bỏ nhiều hơn ai hết vì đó là tất cả gia tài của bà ! Bà đã dâng tất cả những gì bà có và dâng với cả tấm lòng (5 phút Lời Chúa).
5. Một Linh mục nọ có thói quen hằng ngày viết trong nhật ký số quà nhận được và số quà cho đi. Thỉnh thoảng ngồi kiểm lại, nếu thấy phần nhận nhiều hơn phần cho, vị Linh mục ấy điều chỉnh lại điều phần cho nhiều hơn phần nhận.
Qua câu chuyện bà góa dâng hai đồng tiền kẽm vào Đến thờ, Đức Giêsu muốn dạy chúng bài học về việc cho đi cách quảng đại, cho đi mà không tính toán hon thiệt, cho đi bằng cả tấm lòng. Khi chúng ta quảng đại cho đi cả những gì cần thiết để duy trì mạng sống mình, là lúc chúng ta đang cho đi chính bản thân. Xét cho cùng, lòng quảng đại chính là trao tặng chính bản thân mình, dâng hiến mạng sống mình cho tha nhân.
6. Truyện: Bà Oseola Mc Carthy.
Báo New York Times đưa tin bà Oseola Mc Carthy: Biểu tượng “Lòng từ thiện” của nước Mỹ, vừa qua đời ngày 03/10/1999 ở tuổi 91.
Vào một ngày của tháng 7/95, ông hiệu trưởng trường đại học phía bắc Missisipi đã vô cùng ngạc nhiên, khi có một phụ nữ xa lạ tên là Oseola Mc Carthy xin được tặng 150.000 đôla làm quĩ học bổng cho các sinh viên nghèo của trường, mà không cần được ghi danh tưởng niệm hay tuyên bố công khai. Nhà trường còn sửng sốt hơn khi biết người phụ nữ ấy làm nghề giặt ủi, và số tiền kia là tiền dành dụm cả một đời người.
Ngay khi biết câu chuyện bà Mc Carthy tặng tất cả tiền bạc mình có làm quỹ học bổng cho trường, ông tỷ phú Ted Turner, trùm ngành kinh doanh cáp truyền hình Mỹ, đã tuyên bố góp thêm một tỷ đôla cho quỹ. Ông nói: ”Người phụ nữ nhỏ bé ấy đã dám ban tặng tất cả những gì bà có, thì tôi thấy mình cũng phải đóng góp phần của tôi là một tỷ đôla”.
Suy niệm 10: Bà góa nghèo cho đi chính bản thân mình
(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Hạt giống...
Gương dâng cúng của một bà goá:
- “Bà góa”: Xã hội do thái không có những quy định bảo vệ quyền lợi các góa phụ cho nên họ rất bị thiệt thòi: tài sản của chồng thì họ không được hưởng (con cái họ hưởng), gia đình cha mẹ ruột của họ cũng không còn lo lắng cho họ bao nhiêu. Vì thế, trong Thánh Kinh, bà góa, trẻ mồ côi và ngoại kiều là những hạng người xấu số nhất và nghèo nhất (x. Đnl 24,17-22).
- Bà goá nghèo này đã dâng vào hòm tiền Đền thờ “Hai đồng tiền kẽm”: nguyên ngữ là đồng tiền Kodrantes tức là loại tiền nhỏ nhất trong các loại tiền thời đó.
- Tuy số tiền là ít nhưng được Chúa Giêsu đánh giá cao hơn số tiền của những người khác, “vì mọi người kia lấy của dư thừa mà dâng cho Thiên Chúa, còn bà này túng thiếu mà đã dâng tất cả những gì bà có để nuôi sống mình”
B.... nẩy mầm.
1. Cho đi không phải của dư thừa mà là chính cái mình đang cần thiết. Sự cho đi như thế rất quý vì cũng là sự cho đi chính bản thân mình.
Thông thường khi có dư người ta mới cho: cho người nghèo và cho Giáo Hội.
2. Một Linh mục nọ có thói quen tốt là ghi kỹ trong nhật ký hằng ngày về những số quà nhận và số quà cho. Thỉnh thoảng kiểm lại, nếu thấy phần nhận nhiều hơn phần cho thì Linh mục ấy điều chỉnh lại để phần cho nhiều hơn.
Con người thường thích nhận hơn cho; có cho thì cũng để nhận lại.
3. Trong Tin Mừng Luca, Chúa Giêsu luôn luôn khuyên người ta rằng: cách sử dụng tiền của tốt nhất là cho đi, để đổi lại gia tài trên trời.
4. Cử chỉ của bà goá là một định nghĩa của lòng quảng đại: quảng đại chính là cho mà không tính toán. Xét cho cùng, quảng đại chính là trao ban chính bản thân mình. ("Mỗi ngày một tin vui")
5. Vào một mùa đông, tại một đất nước Châu Âu, một em bé 13 tuổi nghe nhà trường thông báo đợt lạc quyên tiền bạc và phẩm vật làm quà Giáng sinh cho các trẻ em nghèo trong vùng. Em đã dành dụm mọi chi tiêu vốn ít ỏi của em trong suốt 3 tháng. Khi đã được 15 đồng, em quyết định đón xe đò từ làng lên phố. Bất ngờ, một trận bão tuyết ập đến dữ dội làm tắt nghẽn mọi hoạt động giao thông. Không chịu bỏ cuộc, em xuống xe, co ro lội bộ băng qua cánh đồng đầy ngập tuyết trắng xóa và gió lốc lạnh buốt.
Ông hiệu trưởng nghe báo có người muốn đang đợi ở phòng khách. Ông thực sự kinh ngạc sửng sốt khi nhận món tiến chia sẻ từ tay em bé, bởi vì trước mặt ông chính là một trong số những em bé nghèo mà ông và nhà trường đã đưa vào danh sách tặng quà giáng sinh năm đó. (Góp nhặt).
Suy niệm 11: Biết cho đi
(Lm Giuse Đinh Tất Quý)
1. Trong Tin Mừng Luca, chúng ta thấy Chúa Giêsu luôn luôn khuyên người ta phải biết cho đi, để đổi lại gia tài trên trời.
Thánh Phanxicô còn cho chúng ta thấy một ý nghĩa cao cả hơn của việc biết cho đi khi Ngài viết: “Chính lúc hiến thân là khi lãnh nhận, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân”.
Ở bên Palestine có hai biển hồ. Biển hồ thứ nhất gọi là biển Chết. Đúng như tên gọi, không có sự sống nào có thể sống ở bên trong cũng như xung quanh biển hồ này. Chẳng ai muốn sống gần đó. Còn biển hồ thứ hai là Galilê. Đây là biển hồ thu hút nhiều du khách nhất. Nước ở biển hồ này lúc nào cũng trong xanh mát rượi, con người có thể uống được và cá cũng sống được. Nhà cửa được xây cất rất nhiều. Vườn cây xung quanh rất tốt tươi nhờ nguồn nước này...
Nhưng điều kỳ lạ là cả hai biển hồ này đều nhận được nguồn nước từ những khe suối ở trong núi chảy ra, rồi qua sông Giodan chảy vào biển Chết. Biển Chết đón nhận và giữ lại riêng cho mình mà không chia sẻ nên nước trong biển Chết trở nên mặn chát, nồng độ muối rất cao không sinh vật nào có thể chịu được. Biển hồ Galilê cũng đón nhận những nguồn nước như thế rồi từ đó tràn qua các hồ nhỏ và sông lạch, nhờ vậy nước trong biển hồ này luôn sạch và mang lại sự sống cho cây cối, muông thú và con người.
Một trong những định nghĩa về cuộc sống mà ai cũng đồng tình: một ánh lửa chia sẻ là một ánh lửa lan tỏa. Một đồng tiền kinh doanh là một đồng tiền sinh lời. Đôi môi có hé mở mới thu nhận được nụ cười. Bàn tay có mở rộng trao ban thì tâm hồn mới tràn ngập vui sướng.
Thật bất hạnh cho ai cả cuộc đời chỉ biết giữ riêng cho mình. “Sự sống”, trong họ rồi cũng sẽ chết dần, chết mòn không làm nảy sinh được cái gì tốt giống như nước trong lòng biển Chết.
2. Thông thường mà nói thì khi có dư người ta mới cho: cho người nghèo và cho Giáo Hội cũng vậy. Sự cho đi như thế theo Chúa Giêsu chưa phải là sự cho đi tốt đẹp. Sự cho đi tốt đẹp theo Chúa là sự cho đi chính cái mình đang cần thiết. Sự cho đi như thế mới quý vì là sự cho đi chính bản thân mình.
Năm 1830, khi thánh Gioan Vianey sửa lại nhà thờ xứ Ars, có một bà già đem đến cho Ngài một đồng bạc, để dâng cúng vào việc tu bổ thánh đường. Thấy bà già quá nghèo nàn và vất vả, thánh Gioan không dám nhận. Ngài sợ bà phải hy sinh nhiều quá nên mới nói với bà:
- Cha cám ơn lòng tốt của bà, và chắc Chúa cũng đã nhìn thấy lòng rộng rãi và sốt sắng của bà rồi. Bà quá vất vả và thiếu thốn, nên xin bà hãy giữ lấy đồng bạc này để tiêu xài cho những thứ cần thiết.
Lúc ấy bà già đã thưa lại cách khiêm tốn rằng:
- Thưa cha, nếu Chúa cho con có của, con sẽ dâng cúng cho Chúa nhiều hơn, nhưng vì con nghèo, nên con chỉ có thế này để dâng cúng cho Chúa. Nhưng đây là tất cả tấm lòng yêu mến của con. Vậy xin cha hãy nhận lấy đồng bạc của con. Với đồng bạc này, nếu cha không mua được cái gì quí giá, thì xin cha hãy mua một viên gạch lát trong nhà thờ, để mỗi khi Chúa Giêsu ngự trong nhà tạm nhìn ra trông thấy viên gạch ấy, Chúa sẽ nhớ tới con.
Bà già trên đây chẳng khác gì bà goá ở trong bài Tin Mừng hôm nay. Bà đã biết sử dụng tiền của vào việc đạo đức, vào việc tu sửa nhà thờ của Chúa, mặc dầu tiền bạc của bà ít ỏi, chỉ có một đồng bạc. Đồng bạc này lại là cả gia nghiệp của bà. Vậy mà bà đã bỏ ra để giúp đỡ nhà thờ. Và như chúng ta thấy Chúa đánh giá thật cao việc dâng cúng của bà.
3. Việc làm của bà goá là một định nghĩa và cũng là một tấm gương về lòng quảng đại: quảng đại chính là cho đi mà không tính toán. Xét cho cùng, quảng đại chính là trao ban chính bản thân mình. (“Mỗi ngày một tin vui”)
Vào một mùa đông, tại một đất nước Châu Âu, một em bé 13 tuổi nghe nhà trường thông báo đợt lạc quyên tiền bạc và phẩm vật làm quà Giáng sinh cho các trẻ em nghèo trong vùng. Em đã dành dụm mọi chi tiêu vốn ít ỏi của em trong suốt 3 tháng. Khi đã được 15 đồng, em quyết định đón xe đò từ làng lên phố. Bất ngờ, một trận bão tuyết ập đến dữ dội làm tắc nghẽn mọi hoạt động giao thông. Không chịu bỏ cuộc, em xuống xe, co ro lội bộ băng qua cánh đồng ngập tuyết trắng xóa và gió lốc lạnh buốt.
Ông hiệu trưởng nghe báo có người muốn gặp ông đang đợi ở phòng khách. Ông thực sự kinh ngạc sửng sốt khi nhận món tiến chia sẻ từ tay em bé, bởi vì trước mặt ông chính là một trong số những em bé nghèo mà ông và nhà trường đã đưa vào danh sách tặng quà giáng sinh năm đó. (Góp nhặt).
Bài cùng chuyên mục:
Thứ Năm 28/11/2024 – Thứ Năm tuần 34 thường niên. – Giờ cứu rỗi gần đến. (27/11/2024 10:00:00 - Xem: 138)
Thứ Năm tuần 34 thường niên.
Thứ Tư 27/11/2024 – Thứ Tư tuần 34 thường niên. – Làm chứng về Chúa. (26/11/2024 10:00:00 - Xem: 2,290)
Thứ Tư tuần 34 thường niên.
Thứ Ba 26/11/2024 – Thứ Ba tuần 34 thường niên.– Gắn bó với Chúa từng giây phút. (25/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,470)
Thứ Ba tuần 34 thường niên.
Thứ Hai 25/11/2024 – Thứ Hai tuần 34 thường niên – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (24/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,515)
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam.
+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 7,369)
CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.
Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,366)
Thứ Bảy tuần 33 thường niên.
Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,907)
Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.
Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,511)
Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.
Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,852)
Thứ Tư tuần 33 thường niên.
Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,834)
Thứ Ba tuần 33 thường niên.
-
Sự dịu dàng là bí mật của lòng chung thủy
Linh mục François Potez đồng hành với các cặp chuẩn bị hôn nhân trong suốt 35 năm, theo linh mục sự dịu dàng là chìa khóa của tình chung...
-
Bánh và Rượu
Bánh và rượu tạo nên một tổng thể cân bằng cho cuộc sống trong mọi khía cạnh của nó. Trên thực tế, khi chủ tế dâng bánh và rượu, thì đây...
-
Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh(phần 1)
Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô...
-
Đức Giesu Kito, một vị Vua khác
Hôm nay, “nếu bạn tin vào Chúa Kitô, hãy để Ngài là Vua trong cuộc đời bạn. Hãy để Ngài hướng dẫn bạn sống theo sự thật, bởi vì Ngài là...
-
Gia vị cho bài giảng CN lễ Chúa Kito là Vua - 2024
Khi Người đến trong vinh quang, Chúa Kitô Vua sẽ xét xử chúng ta về những việc bác ái chúng ta làm cho tha nhân. (Cha Tony)
-
Kinh Tin Kính phổ quát
Mầu nhiệm của Chúa Kitô hoạt động thông qua các Giáo hội kitô lịch sử nhưng cũng hoạt động, và hoạt động rộng rãi, bên ngoài các Giáo hội...
-
Suy nghĩ và cầu nguyện CN 34 TN B - 2024
Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy dẫy sự dối trá, vì người ta sợ sự thật, sợ nói thật, sợ sống thật. Sự thật không còn là sự thật,...
-
Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh
Ngoài việc cầu nguyện, các vị thánh sẽ đưa ra ba lời khuyên nào cho những người đang tìm kiếm người phối ngẫu tương lai?
-
Linh hướng là gì?
Trong xã hội và thời đại hỗn loạn của chúng ta, hơn bao giờ hết, hướng dẫn đời sống tâm linh là một nguồn lực tinh thần cần thiết. Người...
-
Tôi có thể làm gì cho những đứa con không sống đạo của mình?
Tôi là phụ huynh của ba đứa trẻ, tất cả chúng tôi đều cố gắng sống theo đức tin Công giáo. Một trong số chúng có vẻ không mấy hứng thú,...
-
Nghĩ đến những điều tốt đẹp
Hãy thôi nghĩ đến chuyện buồn ấy và hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp và đáng yêu khác trong cuộc sống để lòng bà được thanh thản
- Sự cần thiết của việc lắng nghe
- Lớn lên từ những thử thách
- Nhận nhưng không, cho nhưng không
- Niềm tin lớn nhất