Lời chúa mỗi ngày

Thứ hai 26/04/2021 – Thứ Hai tuần 4 Phục Sinh. – Chúa chiên lành.

  • In trang này
  • Lượt xem: 12,073
  • Ngày đăng: 25/04/2021 11:00:00

Chúa chiên lành.

26/04 – Thứ Hai tuần 4 Phục Sinh.

"Ta là cửa chuồng chiên".

 

Lời Chúa: Ga 10, 1-10

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Thật, Ta bảo thật cùng các ngươi, ai không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối khác, thì người ấy là kẻ trộm cướp. Còn ai qua cửa mà vào, thì là kẻ chăn chiên. Kẻ ấy sẽ được người giữ cửa mở cho, và chiên nghe theo tiếng kẻ ấy. Kẻ ấy sẽ gọi đích danh từng con chiên mình và dẫn ra. Khi đã lùa chiên mình ra ngoài, kẻ ấy đi trước, và chiên theo sau, vì chúng quen tiếng kẻ ấy. Chúng sẽ không theo người lạ, trái lại, còn trốn tránh, vì chúng không quen tiếng người lạ".

Chúa Giêsu phán dụ ngôn này, nhưng họ không hiểu Người muốn nói gì. Bấy giờ Chúa Giêsu nói thêm: "Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ta là cửa chuồng chiên. Tất cả những kẻ đã đến trước đều là trộm cướp, và chiên đã không nghe chúng. Ta là cửa, ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân. Kẻ trộm có đến thì chỉ đến để ăn trộm, để sát hại và phá huỷ. Còn Ta, Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

SUY NIỆM 1: Mục tử nhân lành

Suy niệm:

Mục tử và đàn chiên trên đồng cỏ

là một hình ảnh quen thuộc đối với người Palestin.

Giữa người và chiên có một mối tương quan mật thiết.

Ở đây Ðức Giêsu tự ví mình như người mục tử.

Mục tử nhân lành khác với người chăn thuê,

vì dám hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên,

chứ không bỏ chiên mà chạy khi gặp sói dữ.

Hội Thánh là đoàn chiên của Ðức Giêsu Kitô.

Giữa Ngài và từng con chiên, có mối dây gắn bó.

Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi,

như Cha biết tôi và tôi biết Cha.

Ðây là cái biết sâu thẳm, cái biết hai chiều.

Chiên không phải là một con vật ngờ nghệch, thụ động.

Chiên là hình ảnh của một ngôi vị tự do.

Vị Mục Tử gọi tên từng con bằng giọng quen thuộc.

Chiên nghe tiếng của Ngài và đi theo.

Như thế giữa Mục Tử và đoàn chiên

có sự hiểu biết nhau sâu xa, nhận ra nhau dễ dàng,

và một sự trân trọng quý mến nhau đặc biệt.

Sau Phục Sinh, Ðức Giêsu đã giao cho Phêrô sứ mạng

chăn dắt và chăm sóc đoàn chiên của Ngài.

Sứ mạng này bắt nguồn từ một tình yêu.

Yêu mến Ngài dẫn đến yêu mến đoàn chiên Ngài.

Ðức Giêsu là Mục Tử tối cao và gương mẫu.

Mọi mục tử khác chỉ là phụ tá

giúp chăn dắt đoàn chiên của Ngài.

Mọi mục tử phải noi gương Ngài,

dám chết để cho chiên được sống.

Ngày nay, Chúa Giêsu vẫn cần những người tiếp nối công việc của Ngài,

để lo cho đoàn chiên trên thế giới.

Các bạn trẻ khi lớn lên thường lập gia đình.

Ðiều đó thật là tốt đẹp.

Nhưng Chúa Giêsu vẫn muốn một số bạn trẻ

ở bên Ngài cách đặc biệt để được Ngài sai đi.

Họ chấp nhận hy sinh quyền được lập một tổ ấm,

để có thể yêu mãnh liệt hơn và bao la hơn.

Tiếng gọi của Chúa vẫn vang lên

ở ngay nơi lời nài xin của con người.

Những người đói khát Lời Chúa, đói khát tình thương,

đói khát bánh ăn, đói khát ý nghĩa cuộc sống.

Khước từ tiếng kêu của con người là khước từ tiếng Chúa.

Chúa Giêsu mời các bạn trẻ nhìn thấy đám đông bơ vơ.

Những người bệnh hoạn tật nguyền, những trẻ em đường phố,

những người lầm lỡ, tự đặt mình ở bên lề xã hội...

Thấy họ bằng trái tim và để cho tim mình đáp trả.

Tạ ơn Chúa đã cho Hội Thánh biết bao đại chủng sinh,

các linh mục, và các tu sĩ nam nữ, các nhà thừa sai.

Nhưng đồng lúa chín vàng vẫn cần nhiều thợ gặt,

tận tụy hơn, thanh khiết hơn, vô vị lợi hơn.

Có thể chính bạn được Chúa bất ngờ mời gọi

để đứng trong đội ngũ những người phục vụ đó!

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

xin ban cho chúng con những linh mục

có trái tim thuộc trọn về Chúa,

nên cũng thuộc trọn về con người.

Xin cho chúng con những linh mục

có trái tim biết yêu bằng tình yêu hiến dâng,

một trái tim đủ lớn

để chứa được mọi người và từng người,

nhất là những ai nghèo khổ, bị bỏ rơi.

Xin cho chúng con những linh mục biết cầu nguyện,

có tình bạn thân thiết với Chúa

để các ngài giới thiệu Chúa cho chúng con.

Xin cho chúng con những linh mục thánh thiện,

có thể nuôi chúng con bằng tấm bánh thơm tho,

tấm bánh Lời Chúa và Mình Chúa.

Cuối cùng, xin cho chúng con những linh mục

có trái tim của Chúa,

say mê Thiên Chúa và say mê con người,

hy sinh đời mình để bảo vệ đoàn chiên

và dẫn đưa chúng con

đến với Chúa là Nguồn Sống thật. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM 2: CỬA GIÊSU

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Lời Chúa hôm nay chứa đầy tâm tình yêu thương. Chúa Giêsu tự ví mình như cánh cửa. Quả thật cánh cửa của Chúa đã mở ra hết mọi chiều kích phong phú cuả sự sống để ban cho ta muôn vàn ân sủng.

Cánh cửa Giê-su mở ra chiều rộng vô biên của Nước Trời. Cửa mở rộng để đón nhận mọi người. Chúa không ngừng mời gọi mọi người đến với Chúa. Thoạt tiên là người Do Thái: “Đã bao lần Ta muốn tập hợp con cái các ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh”(Mt 23, 37). Rồi đến tất cả mọi dân tộc: “Tôi còn những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về”(Ga 10, 16). Hôm nay, trong một thị kiến lạ lùng, Chúa đã truyền cho thánh Phê-rô phải mạnh dạn đi đến với dân ngoại tại Ma-kê-đô-ni-a. Quả thật cánh cửa là tấm lòng của Chúa rộng mở đến vô biên để đón nhận tất cả mọi người thuộc mọi chủng tộc, mọi mầu da, mọi ngôn ngữ vào Nước Chúa.

Cánh cửa Giêsu mở ra chiều cao vời vợi của ân sủng. Cửa mở ra cho ta đi vào cuộc sống mới trong một chân trời mới cao vượt cõi nhân gian phàm trần. Đó là cuộc sống trong Thánh Thần vượt xa mọi ràng buộc nặng nề của xác thịt. Được sinh trong Thánh Thần, ta tự do như gió, muốn thổi đâu thì thổi. Được nâng lên làm con Thiên Chúa, ta được ngồi ngang hàng với các bậc thần thánh. Chúa nâng cao phẩm giá con người. Con người không còn bị kết án dính chặt vào mặt đất. Con người trở nên Con Chúa và có một định mệnh mới cao quí vô cùng.

Cánh cửa Giê-su mở ra chiều sâu thăm thẳm của tình yêu. Chúa đến với ta trong tình yêu. Chúa yêu thương nên gọi tên từng người. Theo quan niệm của người Do Thái, tên tức là người. Biết tên là biết người. Chúa biết rõ ta từ khi ta chưa có mặt trên đời. Như lời Thánh vịnh 138: “Con mới là bào thai mắt Ngài đã thấy. Mọi ngày đời được dành sẵn cho con. Đều thấy ghi trong sổ sách Ngài “. Ta đến với Chúa bằng tình yêu vì Chúa cho ta được biết tiếng ngài. Biết tiếng không khỏi gợi nhớ đến nguồn gốc của từ ngữ “tri âm, tri kỷ” tức là một người hiểu biết mình tường tận. Chúa cho ta được nghe tiếng Chúa để trở thành bạn hữu tri âm của Chúa, để hiểu và tham dự vào mọi chương trình của Chúa như lời Chúa nói: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15, 15).

 

SUY NIỆM 3: Chúa chiên lành

Có một chàng sinh viên, sau khi tốt nghiệp đại học, đã không chọn cho mình một ngành nghề chuyên môn, nhưng lại đi chăn cừu thuê. Anh cho biết: Mỗi ngày anh phải làm việc tới mười tám tiếng đồng hồ và làm tất cả bảy ngày trong tuần. Suốt thời gian ở trên núi, anh hoàn toàn cô đơn, chỉ bầu bạn với chú chó, chú ngựa và hai ngàn con cừu.

Mỗi tuần một lần, người ta đem đến cho anh thực phẩm, thư từ và đạn dược. Công việc của anh là làm sao giữ cho đàn cừu được ở chung một chỗ, dẫn chúng đến nơi có cỏ và có nước, đồng thời bảo vệ chúng khỏi thú dữ.

Anh kể: một buổi sáng nọ, có một nhóm cừu tự rời khỏi bày, thế là tôi phải bỏ tất cả thời gian để lần theo dấu vết của chúng. Ngay khi vừa mới tìm thấy, thì một cơn mưa bão ập xuống, khiến tôi và những con cừu vừa ướt lại vừa bị lạnh cóng suốt đêm.

Câu chuyện trên cho chúng ta thấy nghề chăn cừu thời nay thật là khó khăn và cực nhọc. Nhưng ngày xưa, khi chưa có súng đạn thì công việc của họ không chỉ cực nhọc mà còn rất nguy hiểm nữa.

Trong sách Samuel, Đavid đã trả lời cho nhà vua trước lúc giao tranh với Goliath như sau: Tâu bệ hạ, thần đã từng chăm sóc đàn cừu của phụ thân, bất cứ khi nào có một con sư tử hay một con gấu cướp đi một con cừu, thì lập tức, thần rượt theo và tấn công nó để cứu con cừu. Nếu con sư tử hay con gấu ấy quay vào tấn công thần, thần sẽ xông tới, chộp cổ họng và đánh nó cho đến chết. Thần đã giết nhiều sư tử và gấu. Thần cũng sẽ làm như vậy với tên Philitinh ngoại đạo này.

Từ những mẩu chuyện trên chúng ta đi vào đoạn Tin mừng hôm nay, trong đó Chúa đã nói: Ta là mục tử nhân lành, sẵn sàng hiến mạng sống mình vì đàn chiên. Nói cách khác Chúa Giêsu chính là vị mục tử mà tiên tri Egiechiel đã loan báo: Ngài chăm sóc những con bơ vơ yếu đuối, chữa lành những con bệnh hoạn và đi tìm những con bị lạc. Chúa Giêsu còn làm hơn thế nữa, Ngài tự hiến mạng sống cho đoàn chiên. Và từ cõi chết sống lại, Ngài đã chia sẻ vinh quang Phục sinh cho đoàn chiên của Ngài. Từ đó chúng ta hãy rút ra một vài điểm thực hành:

Điểm thứ nhất, đó là hãy tỏ lòng biết ơn Ngài vì nhờ sự chết và Phục sinh, Ngài đã cứu chúng ta khỏi manh mối của thú dữ là ma quỷ và tội lỗi.

Điểm thứ hai, đó là hãy bước đi dưới sự dẫn dắt của Ngài, nhờ vậy mà chúng ta chẳng bao giờ bị lầm đường lạc lối. Trái lại, cuộc đời chúng ta sẽ được bảo đảm an toàn, bởi vì như lời thánh vịnh cũng đã xác quyết: Chúa là Mục tử, Ngài dẫn lối chỉ đường cho con đi. Đi trong tay Chúa nào con thiếu chi con sợ chi. Cỏ non rợn đồng xanh con không bao giờ thiếu suối nước trường sinh con nghỉ uống no đầy.

 

SUY NIỆM 4: Mục tử nhân lành

(TGM Ngô Quang Kiệt)

Dân Do Thái là dân du mục. Cuộc đời họ gắn liền với đoàn vật và những đồng cỏ. Nên khi Đức Giêsu đưa ra hình ảnh người mục tử và đoàn chiên, người Do Thái hiểu ngay tức khắc. Đức Giêsu đã dùng hình ảnh quen thuộc ấy để nói lên mối liên hệ của ta với Người và của Người với ta. Người là Mục tử nhân lành. Ta là đoàn chiên của Người. Người lãnh đạo đoàn chiên không phải bằng uy quyền áp chế, bằng kỷ luật khắc nghiệt, nhưng bằng tình yêu tha thiết. Tình yêu của Người được biểu lộ qua ba khía cạnh: hiểu biết, quan tâm chăm sóc và hy sinh cho đoàn chiên.

Tình yêu của Đức Giêsu là tình yêu hiểu biết. Sự hiểu biết này không phát xuất từ lý trí, do học hỏi, nhưng phát xuất từ trái tim, do tình yêu. Khi yêu, trái tim trở nên vô cùng nhậy bén đến độ hiểu được hết những âm thanh của tâm hồn và tai người thường không nghe thấy, nhìn thấy hết những gì ẩn kín trong tâm hồn mà mắt thường không nhìn thấy, cảm nhận được hết những chiều sâu thăm thẳm của tâm hồn mà không một nhà tâm lý học nào có thể cảm được. Khi Đức Giêsu nói: “Ta biết chiên Ta” có nghĩa là Người hiểu biết từng người trong chúng ta. Người không chỉ hiểu rõ hoàn cảnh sinh sống của chúng ta, mà còn thấu rõ tâm tư tình cảm của ta. Người biết những gánh nặng mà ta đang phải gánh. Người thông cảm với những đau đớn mà ta đang phải chịu. Người đau những nỗi đau trong tâm hồn ta. Người khổ những nỗi khổ đang dày vò ta. Người nhức nhối trong vết thương của tâm hồn ta.

Tình yêu của Đức Giêsu là tình yêu quan tâm chăm sóc. Sự hiểu biết sâu xa đến từ sự quan tâm chăm sóc. Sự quan tâm chăm sóc cũng phát xuất từ tình yêu. Có yêu mới quan tâm. Có quan tâm mới hiểu biết nhu cầu. Có hiểu biết nhu cầu mới biết đường chăm sóc. Đức Giêsu yêu thương ta nên Người quan tâm đến ta. Người biết rõ những nhu cầu của ta. Người chăm sóc ta. Có những tình yêu muốn chiếm hữu. Đó là thứ tình yêu ích kỷ. Có những chăm sóc khiến ta trở nên ấu trĩ, yếu ớt, không lớn lên được. Đó là thứ chăm sóc độc đoán ràng buộc. Đức Giêsu chăm sóc không phải để ràng buộc ta nhưng để giúp ta sống trong tự do. Người chăm sóc ta không phải để ta trở nên ấu trĩ, nhưng là để giúp ta trưởng thành. Người chăm sóc ta không phải để ta trở nên yếu ớt nhút nhát, nhưng là để giúp ta mạnh mẽ, tự tin. Vì thế, Nguơì cung cấp cho ta những lương thực lành mạnh. Người đưa ta đến những đồng cỏ non, đến những giòng suối trong. Lương thực Người mang đến, đó là Lời Chúa, là Mình Máu Thánh Chúa, là Thánh ý Chúa Cha. Những lương thực ấy sẽ cho ta được sống và sống dồi dào.

Tình yêu của Đức Giêsu là tình yêu hy sinh. Đây chính là dấu chỉ chắc chắn nhất của một tình yêu. Càng yêu mến nhiều càng sẵn sàng hy sinh nhiều. Yêu đến sẵn sàng hy sinh mạng sống là một tình yêu cao cả không có gì sánh được. Đức Giêsu đã xác nhận điều ấy khi Người nói: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15,13). Chính Người đã thực hiện điều ấy. Người là Mục tử nhân lành sẵn sàng liều mạng, một mình chống lại sói dữ để bảo vệ đoàn chiên. Người đã tự hiến mạng sống vì ta. Người đã chấp nhận chết đi để ta được sống.

Hạnh phúc cho ta được là đoàn chiên của Người. Ta được an ủi vì Người hiểu ta. Ta an tâm vì Người hằng quan tâm chăm sóc ta. Ta sung sướng vì Người yêu thương đến nỗi chết vì ta.

Người muốn ta chia sẻ hạnh phúc ấy cho mọi người. Người muốn ta lớn mạnh để đến lượt ta, chính ta trở thành mục tử nhân lành theo gương Người. Cha mẹ là mục tử của con cái. Thày cô giáo là mục tử của học sinh. Giám đốc là mục tử của công nhân. Y bác sĩ là mục tử của bệnh nhân. Anh chị lớn là mục tử của các em nhỏ.

Nhưng đặc biệt hơn hết, Người muốn có những người tiếp tục công việc của Người, chăm sóc đời sống tâm linh nhân loại. Chính vì thế, Giáo Hội dành ngày hôm nay để cầu nguyện cho ơn kêu gọi làm linh mục. Nhìn tình hình chung trên toàn thế giới, và riêng trong Giáo phận, ta thấy còn thiếu rất nhiều linh mục. Giáo dân cần linh mục như bệnh nhân cần bác sĩ. Giáo dân cần linh mục như học sinh cần thầy cô giáo. Giáo dân cần linh mục như một người bạn sẵn sàng cảm thông, chia sẻ vui buồn trong đời sống và như một người bạn đồng hành giúp đỡ trong cuộc hành trình tiến về đời sau.

Hãy cầu nguyện cho có nhiều thanh niên sẵn sàng hiến thân làm linh mục. Hãy khuyến khích con cháu dâng mình cho Chúa, làm linh mục để phục vụ anh em. Nhất là hãy cầu nguyện cho các linh mục được trở nên những mục tử như Đức Giêsu, vị Mục Tử nhân lành, biết yêu thương phục vụ đoàn chiên, hiểu biết tâm tư tình cảm của từng người, quan tâm chăm sóc từng con chiên và sẵn sàng hy sinh bản thân vì lợi ích của đoàn chiên.

Lạy Đức Giêsu, Mục Tử nhân lành, xin hãy ban cho chúng con nhiều mục tử tốt lành theo gương Chúa. Xin biến chúng con thành những mục tử tốt lành trong gia đình, trong khu phố, trong xã hội. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1- Đức Giêsu hướng dẫn đoàn chiên bằng cách nào? Bằng quyền lực hay bằng tình yêu thương?

2- Hãy kể ra những đặc tính của tình yêu của Đức Kitô.

3- Bạn có cảm thấy trách nhiệm là mục tử của mình không? Bạn đã đối xử với đoàn chiên của mình thế nào?

4- Bạn nghĩ gì về đời sống tu trì? Bạn có cầu nguyện cho cha Xứ của bạn không?

 

SUY NIỆM 5: Ta Là Cửa Ðoàn Chiên

Phần lớn vùng đất Giuđêa nằm trên độ cao, nhiều gồ ghề và sỏi đá, thuận tiện cho việc chăn nuôi hơn là trồng trọt. Bởi thế, người dân vùng này nói riêng và toàn thể vùng Palestina nói chung thường sống bằng nghề chăn nuôi. Họ nuôi nhiều cừu để lấy lông chiên hơn là ăn thịt. Thế nên, mối liên lạc giữa đàn chiên và người chăn thật mật thiết. Chiên hiểu chủ và chủ biết từng con chiên một.

Hình ảnh người chăn chiên là một diễn tả quen thuộc của lòng nhân từ, yêu thương. Trong Kinh Thánh các tác giả Cựu Ước đặc biệt là Thánh Vịnh thường hay so sánh mối quan hệ giữa Giavê Thiên Chúa và dân Israel như người chăn và đàn chiên. Israel và đàn chiên Giavê chăm sóc trong đồng cỏ của Ngài.

Qua tân Ước, hình ảnh người chăn và đàn chiên cũng được nhiều lần nói đến, đặc biệt là người chăn chiên được Chúa Giêsu tự đồng hóa mình với người chăn chiên nhân lành. Nỗi lòng của người chăn chiên cũng là nỗi lòng của Ngài. Một trong những diễn tả ấy được thánh sử Gioan ghi lại trong bài Tin Mừng hôm nay.

Anh chị em thân mến!

Thấy người Do Thái không lãnh hội được ý nghĩa là người chăn chiên, Chúa Giêsu nói rõ cho họ biết: "Ta là cửa chuồng chiên". Qua đó, chính Chúa Giêsu mạc khải cho họ biết con đường đi tới Chúa Cha như là cửa mà đàn chiên ra vào và được hưởng sự an toàn, được sống dồi dào. Còn những kẻ đến trước mà vào là kẻ trộm cướp nên chiên đã không nghe tiếng họ. Những người đến trước ở đây không phải là các ngôn sứ, nhưng là những người dựa vào sự khôn ngoan thông thái thế gian. Chính họ là những người Thiên Chúa dấu không cho biết những điều thuôc về ơn cứu độ. Trong thực tế, mặc dù bị áp đặt, nhưng người mù được Chúa Giêsu chữa lành không nghe lời người Pharisiêu và chỉ tin vào Chúa Giêsu. Vì họ là kẻ trộm đã giết hại chiên và phá hủy, còn Chúa Giêsu đến để chiên được sống và sống dồi dào.

Chúa Giêsu đã tóm tắt vai trò của Ngài, Ðấng chăn chiên với đàn chiên là hình ảnh cửa đàn chiên: "Ta là cửa, ai qua Ta mà vào thì sẽ được cứu độ". Ðây là hình ảnh quen thuộc của vùng Trung Ðông đối với các mục tử chăn chiên. Người mục tử nhân lành biết lo liệu cho đàn chiên của mình vào ban đêm và ban ngày, sẽ dẫn chiên tới đồng cỏ xanh tươi với dòng suối mát như tác giả Thánh Vịnh 22 vẫn hát lên "trong đồng cỏ xanh tươi Người cho tôi nằm nghỉ, Người cho tôi dòng nước trong lành".

Chúa Giêsu là cửa để qua đó từng con chiên vào và được nghỉ qua đêm an toàn. Chính nơi cửa, người mục tử sẽ cầm gậy để kiểm từng con chiên, không để một con nào bị lạc mất. Chúa Giêsu là cửa, qua đó các con chiên được dẫn đi ăn mỗi buổi sáng, để các chiên nghe và nhận biết tiếng gọi của chủ chăn. Chủ chăn gọi đàn chiên và dẫn chúng đi, người chăn chiên đi trước và chiên theo sau, vì chiên biết tiếng chủ chiên của mình. Hình ảnh cửa chuồng chiên và hình ảnh vị chủ chăn cho chúng ta thấy Ngài là Ðấng chăn chiên, là Ðấng Cứu Ðộ cho những ai nghe tiếng Ngài.

(‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ – Radio Veritas Asia)

 

SUY NIỆM 6: “TA BIẾT CHÚNG VÀ CHÚNG THEO TA” (Ga 10, 1-10)

Chuyện kể rằng: một du khách đến Palestin, gặp được người mục tử đang làm việc tại trại cừu. Người đó chỉ cho du khách thấy cảnh đồi núi và bày cừu đang tung tăng trên cánh đồng cỏ.

Phóng tầm nhìn, du khách hỏi: “Đó là trại cừu, kia là bấy cừu, đây là lối vào. Vậy còn cửa đâu?” Người mục tử hỏi lại: “Cửa hả? Chính tôi là cửa. Ban đem tôi nằm giữa lối đi này. Không một con cừu nào bước ra hay một con sói nào bước vào mà không phải qua xác tôi”.

Trong cuộc đời của Đức Giêsu, một trong những phương pháp sư phạm của Ngài khi rao giảng Tin Mừng chính là phương pháp ẩn dụ. Tức là mượn hình ảnh của thiên nhiên, động vật... để nói lên một chân lý thuộc về Thiên Chúa.

Tin Mừng hôm nay cho biết: Đức Giêsu dùng hình ảnh mục tử, đàn chiên và cửa chuồng chiên để nói lên mối tương quan giữa Ngài và dân Israel.

Mục tử là khái niệm rất quen thuộc của người Dothái; đàn chiên chính là gia sản của họ, nên ai cũng biết. Mục tử và đàn chiên cả hai đều sống du mục, nay đây mai đó, luôn tìm đến chỗ có đồng cỏ tươi, dòng suối mát để hạ trại.

Hôm nay, Đức Giêsu khẳng định Ngài là Mục Tử Nhân Lành, được Chúa Cha ban tặng cho nhân loại. Mục Tử Nhân Lành này sẵn lòng hy sinh tất cả vì đàn chiên. Ngài tự ví mình là “Cửa Chuồng Chiên”, tức là người canh phòng, bảo vệ chiên khỏi sói dữ tấn công. Vì thế, ai qua “Cửa” mà vào thì sẽ được sống.

Người Mục Tử Nhân Lành này sẵn sàng dùng mọi cách để giữ gìn chiên, ngay cả cái chết. Ngài yêu thương chiên bằng tình yêu mục tử, nên Ngài “biết” từng con chiên và từng con chiên “biết” Ngài. Vì thế, sự sống của chiên là của Ngài và sự sống của Ngài luôn dành cho chiên.

Ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta thuộc về Chúa và Chúa thuộc về ta. Chúa “biết” chúng ta và Ngài “biết” cách thấu đáo. Còn chúng ta, chúng ta có “biết” Ngài không, hay có “biết” nhưng “biết” cách vu vơ, lúc biết lúc không?

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy nghiêm túc đặt lại câu hỏi ấy cho chính mình, ngõ hầu mỗi người làm mới lại mối tương quan với Thiên Chúa để được đi trong đường lối của Ngài. Đồng thời luôn sẵn sàng làm chứng về những gì mình “biết” về Thiên Chúa cho con người và cuộc sống hôm nay, ngang qua hành vi được biểu lộ nơi lòng mến và niềm tin.

Lạy Chúa Giêsu là Mục Tử Nhân Lành, xin Chúa ban cho chúng con được “biết” Chúa như chính Chúa đã “biết” chúng con. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM 7: Đức Giêsu Chúa chiên nhân lành

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Bài Tin Mừng hôm nay trình bầy Đức Giêsu là cửa chuồng chiên:

- “Ai không qua cửa chuồng chiên mà vào thì là quân trộm cướp”: Đức Giêsu ám chỉ những người biệt phái và luật sĩ. Họ không được Thiên Chúa ủy nhiệm, họ chỉ giành quyền lãnh đạo tôn giáo, không phải mưu cầu lợi ích cho dân, mà để tìm vinh dự và quyền lợi riêng.

- “Ta là cửa chuồng chiên”: Đức Giêsu là mục tử đích thật của dân. Ngài đi vào đường hoàng, được người canh gác mở cửa cho, gọi tên từng con chiên, chiên quen tiếng nên đi theo, Ngài dẫn chúng đi ăn.

2. Nhiều người đã nghe Đức Giêsu giảng và xem nhiều phép lạ. Họ chỉ hiểu một phần nào giáo lý của Ngài, nhưng chưa nhìn ra con người thật của Ngài. Câu hỏi “Ngài là ai” phải được đặt ra. Tuy nghe Đức Giêsu giảng và làm phép lạ như vậy, nhưng họ vẫn nghi ngờ về thân thế, uy quyền và sứ mạng của Ngài.

Để nói lên sứ mạng của Ngài, Đức Giêsu đã đưa ra một dụ ngôn về người mục tử tốt lành. Người mục tử biết lo cho con chiên, tha thiết với đàn chiên, hiệp thông với đàn chiên, quên bản thân mình và sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ đàn chiên. Đức Giêsu tự nhận lấy danh hiệu ấy cho mình khi Ngài nói với họ: “Ta là mục tử nhân lành” (Ga 10,14).

3. “Ta là cửa chuồng chiên”.

Đức Giêsu còn xác định Ngài là cửa chuồng chiên để bảo vệ đàn chiên. Hình ảnh này hơi khó hiểu đối với chúng ta vì phong tục nuôi chiên của người Palestin khác với chúng ta.

Trong cuốn “The Holy Land”: vùng đất thánh, tác giả John Kellman mô tả: chuồng chiên ở Do thái có một bức tường bằng đá chung quanh cao khoảng bốn bộ (cỡ 1m4) và một lối vào. Ngày nọ một du khách Thánh Địa đã trông thấy một cái chuồng chiên ngoài đồng gần Hebron. Người du khách hỏi người mục tử đang ngồi cạnh đó: “Cửa chuồng của anh đâu”? Người mục tử liền đáp: “Tôi chính là cửa chuồng”. Đoạn người mục tử kể cho du khách nghe biết, ban đêm anh ta nằm chặn ngang lối vào chật hẹp đó. Không có con chiên nào có thể bỏ chuồng đi ra, và cũng chẳng có con thú rừng nào có thể đi vào mà không bước qua mình anh ta.

4. “Khi sói đến, người làm thuê bỏ chiên mà trốn”.

Đức Giêsu khẳng định “Ta là mục tử tốt lành”, do đó Ngài đã quên bản thân mình để phục vụ lợi ích của dân chúng và sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ đàn chiên.

Trong quyển “The land and the Book”, Thomas Thompson có ghi lại câu chuyện bi đát như sau: Một ngày nọ có một chàng mục đồng trẻ tuổi dẫn đàn súc vật đi về vùng lân cận ngọn núi Thabor. Bỗng có ba tên cướp đường người Ả rập xuất hiện. Chàng thanh niên biết rõ chàng sẽ gánh chịu những hậu quả khôn lường, thế nhưng chàng đã không bỏ trốn. Chàng kiên cường chiến đấu để giữ cho bầy súc vật của chàng khỏi rơi vào tay lũ thổ phỉ. Đoạn cuối được kết thúc bằng cái chết liều mạng của chàng thanh niên cho đàn chiên của chàng.

5. “Anh đi trước và chiên đi theo anh”.

Hình ảnh người chăn chiên đi trước và đàn chiên theo sau thật đẹp. Điều đó nói lên sự hiệp nhất giữa chủ chăn và đàn chiên, chiên nghe theo chủ chăn và do đó, chỉ có một chủ chiên và một đàn chiên.

Hiệp nhất vốn là dấu chỉ của tình yêu. Đức Giêsu mượn hình ảnh người mục tử không ngừng đi tìm kiếm những con chiên lạc, để nói lên mối quan tâm của Ngài đối với Giáo hội. Đó chính là chúc thư Ngài để lại trong những giây phút cuối đời. “Xin cho chúng nên một”, “một đàn chiên và một chủ chiên”: đó là hình ảnh của sự hiệp nhất mà Đức Giêsu luôn quan tâm đến. Hình ảnh người mục tử đi tìm kiếm những con chiên lạc cũng nói lên tất cả mối tương quan của Thiên Chúa đối với con người: không phải con người đi tìm kiếm Thiên Chúa cho bằng chính Thiên Chúa đi tìm kiếm con người. Mọi cố gắng của con người xét cho cùng  cũng đều là  những lôi kéo của Thiên Chúa.

6. Truyện: Theo anh là thủ lãnh.

Một nhà thám hiểm xứ Soudan đã tháo xiềng xích cho một tên nô lệ 12 tuổi. Rồi săn sóc dạy dỗ như con, thằng nhỏ đem lòng mến phục vị đại ân nhân.

Giờ thực hiện cuộc mạo hiểm đầy gian nguy đã đến. Nhà thám hiểm không muốn cưỡng bách em bé theo mình. Ông nói:

- Này em, anh sắp lên đường đến miền xa lạ. Cuộc hành trình rất mực cam go: Đường đi xa xôi, hành lý nặng nề, nước uống đồ ăn thiếu thốn, những mũi tên tẩm thuốc độc vù vù bên tai, rừng nhiều thú dữ... Em ở lại hay theo anh? Nếu em theo anh, chúng ta cùng nhau cực nhọc, khi thiếu nước, thiếu ăn, anh cũng chịu khát, nhịn đói như em, việc em vẫn nhẹ hơn việc anh. Bây giờ tùy em quyết định.

Em bé nhìn sâu vào mắt nhà thám hiểm, lúc này đã thành người anh, người bạn và nói:

- Theo anh là thủ lãnh của em.

Thế là em nhỏ theo anh lên đường. Những quãng đường dài cực nhọc, những ngày nắng không nước, em bé lần lượt nếm cả, chân nứt nẻ máu me, nhưng không coi sao, vì lòng vẫn hăng hái khi thấy người thủ lãnh sốt rét bị thương mà vẫn đi hàng đầu. Sức chịu đựng của con người có giới hạn, mà nguy hiểm vất vả lại cứ tăng, nhiều bạn đồng hành bỏ cuộc. Nhà thám hiểm vừa thương hại, vừa để thử lòng, hỏi em bé:

- Em có bỏ không?

Lời thưa đầy hăng hái:

- Em đã chẳng hứa với anh sao?

Sáu tháng trời qua đi, cuộc thám hiểm thành công rực rỡ. Đàng sau người thủ lãnh tươi như hoa nở, em nhỏ đứng hiên ngang đón nhận những lời hoan hô vang dội.

 

Bài cùng chuyên mục:

Thứ Ba 26/11/2024 – Thứ Ba tuần 34 thường niên.– Gắn bó với Chúa từng giây phút. (25/11/2024 10:00:00 - Xem: 145)

Thứ Ba tuần 34 thường niên.

Thứ Hai 25/11/2024 – Thứ Hai tuần 34 thường niên – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (24/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,562)

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam.

+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,883)

CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.

Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,283)

Thứ Bảy tuần 33 thường niên.

Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,808)

Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,451)

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.

Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,821)

Thứ Tư tuần 33 thường niên.

Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,812)

Thứ Ba tuần 33 thường niên.

Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,915)

Thứ Hai tuần 33 thường niên.

+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,293)

CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7