Lời chúa mỗi ngày

Thứ Hai 25/07/2022 – Thứ Hai tuần 17 thường niên. – THÁNH GIACÔBÊ, TÔNG ĐỒ. Lễ kính. – Chén đắng theo Chúa.

  • In trang này
  • Lượt xem: 6,649
  • Ngày đăng: 24/07/2022 08:00:00

Chén đắng theo Chúa.

25/07 – Thứ Hai tuần 17 thường niên. – THÁNH GIACÔBÊ, TÔNG ĐỒ. Lễ kính.

"Các con sẽ uống chén của Ta".

 

* Giacôbê là con ông Dêbêđê, là anh của thánh Gioan và là bạn của thánh Phêrô. Đây là những người dân chài ở hồ Ghen-nê-xa-rét đã đi theo tiếng gọi của ông Gioan Tẩy Giả trước khi theo Đức Giêsu, làm môn đệ của Người. Thánh Giacôbê đã có mặt trong hầu hết các phép lạ Chúa Giêsu làm, nhất là khi Chúa hiển dung trên núi và khi Người hấp hối ở vườn Cây Dầu. Vua Hêrôđê Ácríppa I cho chém đầu thánh nhân khoảng năm 43 hoặc 44. Thánh nhân được đặc biệt tôn kính ở Compốttela (Tây Ban Nha), nơi có một thánh đường danh tiếng kính người.

 

Lời Chúa: Mt 20, 20-28

Khi ấy, bà mẹ các con ông Giêbêđê cùng với hai con đến gặp Chúa Giêsu. Bà sấp mình xuống lạy Người, có ý xin Người điều chi đó. Người hỏi: "Bà muốn gì?" Bà ta thưa lại: "Xin Ngài hãy truyền cho hai con tôi đây được ngồi một đứa bên hữu, một đứa bên tả Ngài, trong Nước Ngài".

Chúa Giêsu đáp lại: "Các ngươi không biết điều các ngươi xin. Các ngươi có thể uống chén mà ít nữa đây ta sắp uống chăng?" Họ nói với Người: "Thưa được". Người bảo họ: "Vậy các ngươi sẽ uống chén của Ta, còn việc ngồi bên hữu hay bên tả, thì không thuộc quyền Ta ban, nhưng Cha Ta đã chuẩn bị cho ai thì người ấy mới được". Nghe vậy, mười người kia tỏ ra bất bình với hai anh em.

Chúa Giêsu gọi họ lại mà bảo: "Các con biết thủ lãnh của các dân tộc thì thống trị họ và những người làm lớn thì hành quyền trên họ. Giữa các con thì không được thế. Trong các con, ai muốn làm lớn, thì hãy phục vụ các con, và ai muốn cầm đầu các con, thì hãy làm tôi tớ các con. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

1. Không được như vậy--Lm Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Xem ra chức quyền vẫn là nỗi thèm thuồng của con người.

Từ những cuộc xung đột giữa con người sống bầy đàn thời nguyên thủy,

đến cảnh chiếu trên, chiếu dưới ở làng xã

và cảnh chạy chức chạy quyền thời bây giờ.

Ngay các môn đệ thân cận của Thầy Giêsu là Nhóm Mười Hai

cũng không thoát khỏi sức hút của quyền lực.

Họ đã từng cãi nhau xem ai là người lớn nhất trong Nước Trời (Mt 18, 1).

Bây giờ, ngay sau khi Thầy Giêsu loan báo lần thứ ba về cuộc Khổ Nạn,

họ lại có chuyện xích mích với nhau cũng về chuyện chức quyền.

Hai con ông Dêbêđê là hai môn đệ được Đức Giêsu yêu quý hơn.

Chẳng rõ có phải vì thế mà họ nuôi tham vọng

chiếm được chỗ hai bên tả hữu của Thầy trong Nước Thầy (x. Mt 19, 28).

Họ khéo léo nhờ mẹ của mình xin Thầy Giêsu ban cho ơn lớn đó (cc. 20-21).

Đức Giêsu chắc không vui vì môn đệ vẫn chưa được giải thoát khỏi cái trần tục,

“Các người không biết các người xin gì!” (c. 22).

Các môn đệ quá xa lạ với nẻo đường Thầy sắp đi,

dù Thầy vừa mới cho họ biết con đường ấy,

con đường bị chế diễu, bị đánh đòn và bị đóng đinh cho đến chết (Mt 20, 18-19).

Trong khi hai môn đệ thân tín còn loay hoay với những tham vọng thế gian

thì Ngài kéo họ vào hiệp thông với cuộc Khổ nạn gần đến của mình.

Thầy Giêsu mời họ chia sẻ với Thầy cùng một chén đắng:

“Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” (c. 22).

“Thưa uống nổi”, đó là câu trả lời đầy tự tin và mạnh dạn của Giacôbê,

Và ông đã thực hiện lời hứa này bằng cái chết (x. Cv 12, 2).

Nhưng Thầy cũng khiêm tốn cho biết Cha mới có quyền sắp chỗ ngồi (c. 23).

Sự bực tức của mười môn đệ kia khi câu chuyện vỡ lở

cho thấy họ cũng thích được ngồi hai bên tả hữu, tuy không tiện nói ra (c. 24).

Thầy Giêsu cho thấy cách sử dụng quyền lực của các nhà lãnh đạo ngoài đời.

Quyền lực là để thống trị người dân, tìm cách bành trướng cái tôi của mình.

Thầy Giêsu khẳng định dứt khoát không có chuyện đó trong Giáo hội của Thầy.

“Giữa anh em thì không được làm như vậy” (c. 26).

Quyền lực và phẩm trật trong Giáo hội là để phục vụ dân Thiên Chúa.

Những người làm lớn, làm đầu trong Giáo hội

lại là người hầu bàn, người tôi tớ, noi gương Đức Giêsu, Người Tôi Trung.

Chính Ngài đã đưa việc phục vụ đến mức cao nhất là hy sinh tính mạng (c. 28).

Cơn cám dỗ về quyền uy, chức tước là cám dỗ muôn thuở cho mọi người.

Các cộng đoàn Kitô hữu cứ phải xét mình mãi

để khỏi rơi vào thói đời mà Đức Giêsu đã long trọng cảnh báo.

 

Cầu nguyện:

Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,

xin dạy con biết phục vụ âm thầm.

Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,

xin dạy con biết yêu thương tự hiến.

Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,

xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.

Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,

xin dạy con biết coi mọi người như anh em.

Lạy Chúa Ba Ngôi,

Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,

xin cho các kitô hữu chúng con

trở thành tình yêu

cho trái tim khô cằn của thế giới.

Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,

biết sống nhờ và sống cho tha nhân,

biết quảng đại cho đi

và khiêm nhường nhận lãnh.

Lạy Ba Ngôi chí thánh,

xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa

ở sâu thẳm lòng chúng con,

và trong lòng từng con người bé nhỏ.

 

2. Theo Chúa với chén đắng--TGM Giuse Nguyễn Năng

Sứ điệp: Theo Chúa Giêsu không phải để được địa vị, giàu sang, an nhàn, nhưng là để bước theo Chúa trên con đường hy sinh, phục vụ trong khiêm tốn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, không phải chỉ có thánh Gia-cô-bê và thánh Gio-an, mà tất cả chúng con đều mơ ước được địa vị, thống trị người khác, được giàu sang, an nhàn. Có lúc con đã tự hỏi: con theo Chúa và hy sinh cho Chúa, nhưng tại sao đời con vẫn nghèo đói, vất vả, bị chèn ép.

Lạy Chúa, Chúa cho con hiểu rằng theo Chúa là phải chấp nhận uống chén đắng khổ nạn của Chúa, chấp nhận từ bỏ mình chứ không phải để được hưởng thụ hoặc được đặc quyền đặc lợi. Chính Chúa đã đến để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc loài người. Là môn đệ của Chúa, con không thể sống khác Chúa được. Con không thể có con đường nào khác ngoài con đường phục vụ dâng hiến một cách vô vị lợi cho tha nhân.

Càng tiến sâu vào con đường thập giá, con càng được sàng lọc để nên giống Chúa hơn. Nhưng để được điều đó, con phải vật lộn với chính mình, vật lộn với những cám dỗ của thế gian và nhất là phải chấp nhận thiệt thòi.

Lạy Chúa, dù phải trả giá, dù phải hy sinh, con xin sẵn sàng chấp nhận tất cả. Đường thánh giá này con đã chọn, xin tình yêu Chúa trở nên sức mạnh nâng đỡ con. Và con tin rằng chính Chúa sẽ làm cho những bước chân con trên đường hy sinh và phục vụ, nở thật nhiều hoa yêu thương, để từ đó nhiều người nhận biết Chúa và sẵn lòng bước theo Chúa cách vô điều kiện. Amen.

Ghi nhớ: “Các con sẽ uống chén của Ta”.

 

3. Thánh Giacôbê Tông đồ--Lm Giuse Đinh Lập Liễm

Lần thứ ba Đức Giêsu loan báo cuộc thương khó sắp tới của Ngài cho các môn đệ, nhưng xem ra các ông chẳng hiểu gì. Họ vẫn còn giữ nguyên quan niệm của người Do thái là chờ đợi một nước vinh quang trần thế theo nghĩa chính trị.

Họ chỉ nghĩ đến địa vị trong nước mà Đức Giêsu sắp lập. Họ lo bàn cãi và tranh luận với nhau, lo chiếm cho mình một chỗ cao hơn trong vương quốc tương lai. Nhưng Đức Giêsu đã dạy cho các ông một bài học: ở trong vương quốc của Ngài sự cao trọng thực sự không cốt ở trong uy thế và danh dự, nhưng ở trong sự phục vụ tha nhân đến tột cùng, nếu cần: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”.

Theo tâm lý chung của loài người, ai cũng muốn được giàu sang phú quí, muốn có địa vị cao, thích ăn trên ngồi trước, muốn được người ta hầu hạ… Nhưng những tiêu chuẩn đó không nhất thiết là của Chúa. Tham vọng lo liệu của những con trai ông Giêbêđê là Giacôbê và Gioan đã là dịp để Đức Giêsu nói rõ: sự cao trong đích thực ở tại cái gì?

Đức Giêsu không đáp ứng lời cầu xin của hai anh em Giacôbê và Gioan vì nó không thích hợp với đường lối của Ngài. Nhân dịp này Ngài dạy cho các ông là môn đệ đặc biệt của Ngài, và cũng là cho chúng ta một bài học: sự cao trọng không cốt ở danh dự, giàu có, chức quyền danh vọng hay sức mạnh… nhưng ở tại sự phục vụ tha nhân. Chính vì vậy, Ngài mới nói: “Ai muốn làm lớn phải làm tôi tớ mọi người”. Lời giáo huấn này đi ngược lại với lối hành xử của người đời, buộc chúng ta phải động não!

Đức Giêsu là vị thượng tế có thế giá, luôn chuyển cầu cho chúng ta trước toà Thiên Chúa. Ngài cũng đã trải qua những đau khổ trong đời sống trần thế, đồng thời cũng hé mở cho chúng ta thấy được vinh quang của Ngài sau này khi đã sống lại. Mọi Kitô hữu đều có chức năng tư tế phổ quát, nên cũng phải sống và làm chứng bằng đời sống phục vụ. Và nếu cần, họ cũng phải sẵn sàng hiến mạng sống để chứng tỏ sự trung thực của đời sống phục vụ của mình. Yêu thương là phục vụ, càng phục vụ, tình yêu càng dồi dào thắm thiết.

 

4. Tông đồ đầu tiên chết để làm chứng cho Tin Mừng --Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ

Thánh Giacôbê là anh của thánh Gioan, con của ông Dêbêđê, làm nghề chài lưới. Ngài là một trong bốn môn đệ đầu tiên được Chúa kêu gọi đi theo Người (x. Mt 4,18-22 ).

Ngài là một trong những môn đệ thân tín của Chúa, được chứng kiến những biến cố quan trọng trong đời của Chúa Giêsu. Ngài chứng kiến cảnh con ông Zairô được Chúa cho sống lại, việc Chúa biến hình trên núi Taborê, và cơn hấp hối của Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu. Ngài là người tử đạo đầu tiên trong số các tông đồ đã đổ máu ra để minh chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh dưới thời vua Hêrôđê Agrippa I vào khoảng năm 43 - 44.

Thánh Giacôbê vinh dự là tông đồ đầu tiên đã chết để làm chứng cho Tin Mừng. Xin cho chúng ta tìm được sức mạnh nhờ gương tử đạo của ngài.

Câu chuyện

Một hôm Đức Hồng y Roncalli vừa trên xe bước xuống. Ngài mới đi xa về. Phái đoàn Tòa Giám mục ra đón. Mọi người ngạc nhiên trên vai áo Hồng y có vướng mấy cọng rơm đồng quê. Ai hỏi ngài cũng cười xòa vui vẻ, nhưng mấy nhân viên phụ tá trên xe đều hiểu chuyện. Chiếc xe của Đức Hồng y đang từ hướng Bắc xuống miền Nam qua vùng đồng ruộng. Giữa đường một chiếc xe bò chở rơm sa hố. Người đánh xe gắng sức đẩy phụ nhưng xe không nhúc nhích. Đức Hồng y cho xe dừng lại, xắn tay áo hò dô ta đẩy phụ, và chiếc xe rơm sa lầy lại chuyển bánh tiếp tục lên đường.

Những cọng rơm trên vai Đức Hồng y đối với ngài chỉ cười xòa cho qua. Nhưng thực sự tỏ rõ cho chúng ta thấy một Hồng y không quản ngại khó khăn hay sợ bẩn chiếc áo dòng sang trọng.

Sau này khi lên ngôi Giáo hoàng - Đức Gioan XXIII vẫn tiếp tục nếp sống bình dị phục vụ.

Suy niệm

Chúa Giêsu loan báo về cuộc thương khó của Ngài lần thứ ba, các môn đệ vẫn chưa hiểu hết được mầu nhiệm thập giá, các ông vẫn hy vọng một triều đại Mêssia mà Thầy sắp sửa khai mạc với sự vinh quang của Thầy - Đấng Mêssia - Đấng Cứu Thế. Mẹ của hai anh em Giacôbê và Gioan nhanh chân xin trước hai chỗ danh dự trong nước Ngài: Cho ngồi bên tả và bên hữu Thầy khi vương quốc Mêssia khai mạc. Rõ ràng lời thỉnh cầu này bỏ qua mạc khải hành trình Giêrusalem, bỏ qua thập giá mà Thầy đang mạc khải.

Họ vẫn chưa hiểu gì cả về định mệnh đích thực của Chúa Giêsu. Bằng những câu hỏi: “Các ngươi không biết điều các ngươi xin. Các ngươi có thể uống chén mà ít nữa đây Ta sắp uống chăng?”. Đức Giêsu cố gắng chuyển biến tư tưởng của họ từ “vinh quang của Đấng Mêssia” theo quan niệm con người sang “con đường dẫn đến vinh quang” là xuyên qua khổ giá qua hình ảnh chén đắng. Giacôbê và Gioan dù không hiểu điều các ông xin, nhưng vẫn thưa được. Giacôbê và Gioan đã được Chúa cải hóa tham dự vào chén đắng của Thầy khiến các ông như Thầy sau này đối diện tử nạn: Giacôbê bị vua Hêrôđê Agrippa giết năm 44 và là vị tông đồ tử đạo đầu tiên ở Giêrusalem (x. Cv 12,2) và Gioan sẽ phải chịu bắt bớ thời hoàng đế Nêrôn, đã bị bỏ vào vạc dầu sôi ở cửa Latinh. Ông thoát chết bị khổ sai tại đảo Patmos (x. Kh 1,9).

Trong ý nghĩa của mầu nhiệm thập giá qua hình ảnh chén đắng và phép rửa, Chúa Giêsu dẫn từ sự mộng mơ về quyền bính vinh quang mà các ông mong muốn đến sự hiệp thông đời sống với Ngài: “Ai muốn làm lớn, thì hãy phục vụ các con, và ai muốn cầm đầu trong các con, thì hãy làm tôi tớ các con…” (Mt 20,26-27). Chúa Giêsu có quyền hạn đầy đủ của một vị Thiên Chúa, nhưng Ngài đã không hành xử như một vị thống trị, mà trở nên như “một người đầy tớ”. Ngài đã không như “lãnh chúa” mà là “gia nhân” (x. Ga 13,13) bằng cách rửa chân cho các môn đệ vào chiều thứ Năm tuần thánh và dạy bài học phục vụ cho các môn đệ. Cho nên, người môn đệ Đức Giêsu được chọn để phục vụ anh em theo lời giảng dạy và mẫu gương của chính Thầy - Đức Giêsu. Ngài đã khẳng định bổn phận phục vụ dựa trên nền tảng là lối cư xử của Ngài: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người” (Mt 20,28).

Cuộc sống là hành trình thập giá, như hai môn đệ Gioan và Giacôbê, chúng ta được mời gọi uống chén đắng xuyên qua những đối diện mọi gian nan khốn khó của cuộc đời… Là gánh vác cuộc đời như Chúa Giêsu vác thập giá là chén đắng mà Chúa Cha trao, xuyên qua và trỗi dậy.

Ý lực sống:

“Lạy Cha, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,40).

 

5. Thánh Giacôbê tông đồ--Lm Carôlô Hồ Bạc Xái

* Lịch Sử

Thánh Giacôbê (Tiền), con của ngư phủ Dêbêđê và bà Salômê, anh của Tông đồ Gioan. Phúc âm thường nhắc đến hai anh em này. Vì thấy hai anh em có tính nóng nảy, Đức Giêsu đã gọi họ la “Con của thiên lôi” (Mc 3,17).

Giacôbê là nhân chứng cuộc biến hình và những giây phút cầu nguyện của Chúa trong Vườn Cây Dầu. Ngài là người đầu tiên trong Nhóm 12 đã lấy máu đào làm chứng cho Chúa Giêsu: Vua Hêrôđê Antipas đã ra lệnh chặt đầu Ngài vào năm 44 (Cv 12,2 so Mt 20,22-23).

Theo truyền thuyết của Tây ban Nha, xác Ngài được chôn cất tại Santiago de Compostela. (Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh)

A. Hạt giống...

Bài Tin Mừng hôm nay thuật một chuyện không hay lắm về Thánh Giacôbê:

- Ngay sau khi Chúa Giêsu loan báo lần thứ ba về cuộc chịu nạn sắp tới của Ngài thì hai anh em Giacôbê nhờ mẹ đến xin cho mình hai địa vị ưu tiên trong Nước mà họ tưởng Ngài sắp thành lập: “ngồi bên hữu, ngồi bên tả” không phải chỉ là những chỗ danh dự mà là thực sự thông chia quyền cai trị.

- Trước khi trả lời, Đức Giêsu nhận xét: “Các ngươi không biết các ngươi xin gì”. Đúng vậy, 3 mẹ con này tưởng “Nước” của Đức Giêsu cũng giống như mọi thứ nước trần gian, trong đó có địa vị và quyền lợi. Họ muốn những chỗ ngồi hai bên tả và hữu của Đức Giêsu nghĩa là muốn hai địa vị ưu tiên trong nước đó.

- Rồi Đức Giêsu hỏi lại: “Các ngươi có uống nổi chén Thầy sắp ống không?” “Chén”: biểu tượng của đau khổ (x. Tv 75,9 Is 51,17-22). Chính Đức Giêsu trong vườn Cây Dầu đã thốt lên “Xin cho con khỏi chén này” (14,36). Đức Giêsu hỏi 2 ông có thể chịu những đau khổ và sự chết của Ngài không. Hai ông đáp bừa là có thể. Ngài hứa sẽ cho 2 ông thông chia những điều đó. Thực tế sau này Giacôbê đã chịu tử đạo vào khoảng năm 44 (Cv 12,1-2); còn Gioan theo thánh truyền, thì chịu bắt bớ rất đau khổ.

- Khi ấy Đức Giêsu gọi tất cả lại để giáo dục. Trong phần giáo dục, trước tiên Ngài nói tới cách cư xử của các thủ lãnh thế gian (cụ thể là các quan chức của đế quốc Rôma). Họ hay lộng quyền và độc tài. Phần các môn đệ Đức Giêsu, những lãnh tụ tương lai của Giáo hội, thì phải cư xử khác hẳn. Ngài dùng một từ rất đặc biệt là “đầy tớ”: đây là hạng người thấp hèn nhất trong xã hội. Những lãnh tụ Giáo hội phải sẵn sàng phục vụ người ta trong tư thế hèn hạ nhất.

B.... nẩy mầm.

1. Người ta thường nghĩ đến “được” hơn là “mất”. Khi làm một việc gì, người ta tính trước xem việc làm này sẽ cho họ “được” gì; hễ thấy việc gì có thể khiến họ “mất” thì lập tức họ từ chối hoặc tránh né. Lối suy nghĩ đầy tính toán đó cũng ảnh hưởng đến việc người ta đi theo Chúa: theo đạo để “được” sống bình an, sung túc; đi tu để “được” thảnh thơi và người đời coi trọng. Giacôbê và Gioan cũng nằm trong lối suy nghĩ đầy tính toàn đó.

Nhưng Chúa Giêsu dạy một lối sống ngược hẳn: ai muốn theo Ngài thì phải dám mất rồi mới có thể “được” lại sau.

2. “Chúng con không biết chúng con xin gì!”: rất nhiều khi tôi cũng không biết tôi xin Chúa điều gì. Tôi chỉ xin những điều rất phụ tuỳ và là những điều chẳng những không có lợi mà còn có hại cho sự sống đích thực của tôi. Còn những điều quan trọng hơn nhiều và rất cần thiết cho cuộc hành trình đi theo Chúa thì tôi không hề xin.

3. “Chén của Thầy, các con sẽ uống”: lời này Chúa Giêsu không chỉ nói với 2 anh em Giacôbê và Gioan mà nói chung cho 12 môn đệ, và còn nói với tôi nữa. Thế nào chẳng sớm thì muộn tôi cũng sẽ “được” uống “chén” của Chúa. Tôi có chuẩn bị mình sẵn cho lúc đó chưa?

4. “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28)

Ngay trong ngày lễ kính thánh Giacôbê tông đồ mà Hội Thánh lại chọn đoạn Tin Mừng thuật lại chuyện ba mẹ con ông Dêbêđê đến gặp và xin Chúa cho được ngồi bên hữu và bên tả Ngài trong Nước Trời thì quả là tội nghiệp cho ông Giacôbê. Nhưng thiết tưởng không chỉ cho Giacôbê mà còn cho 10 môn đệ kia đang tức tối với hai anh em Giacôbê, và cho cả tôi lẫn bạn, những kẻ thích ăn trên ngồi trước, thích chỉ tay năm ngón, thích quyền cao chức trọng, để dùng uy quyền mà sai khiến, để lấy quyền mà thống trị, nói tắt, thích được phục vụ hơn phục vụ.

Lạy Chúa, xin hãy dạy cho con biết chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân (Hosanna)

5. Tại văn phòng của một Cố vấn Tâm lý, một thiếu phụ vừa trẻ vừa giàu giải bày tâm sự: “Bất cứ thứ gì tôi muốn thì chồng tôi đều cho cả. Tôi có đủ mọi ”sụ” nhưng trong lòng trống vắng vô cùng. Xin bà hãy cho tôi một lời khuyên”. Nhà Cố vấn tâm lý không trả lời, nhưng bảo cô thư ký của bà kể chuyện đời cô. Cô này kể: chồng tôi đã chết, cách nay 3 tháng con tôi cũng chết vì xe đụng. Tôi cảm thấy mất tất cả, tôi không ngủ được, tôi không muốn ăn uống, tôi không bao giờ cười. Một hôm tôi đi làm về hơi khuya. Có một chú mèo con cứ đi theo sau tôi. Trời lạnh. Tôi cũng tội nghiệp nó, nên tôi mở cửa cho nó vào nhà. Tôi pha cho nó một ly sữa. Nó kêu meo meo và cọ mình vào chân tôi. Lần đầu tiên tôi cười. Rồi tôi nghĩ: nếu việc giúp cho một chú mèo con có thể làm tôi cười, thì việc giúp cho người nào đó chắc có thể làm tôi hạnh phúc. Thế là hôm sau tôi nướng vài ổ bánh đem cho bà cụ hàng xóm đang bệnh. Mỗi ngày tôi cố làm vài việc gì đó cho những người tôi gặp được vui vẻ. Và quả thực tôi đã thấy hạnh phúc. Tôi nghiệm ra được điều này là ta sẽ không hạnh phúc khi ta chỉ chờ người khác đem lại hạnh phúc cho mình; ngược lại ta sẽ hạnh phúc thật khi ta làm cho người khác hạnh phúc”. Nghe đến đó, người thiếu phụ trẻ bật khóc. Cô đã có bất cứ thứ gì đồng tiền có thể mua được nhưng cô đã đánh mất những thứ mà đồng tiền không mua nổi. Và cô quyết định noi gương cô thư ký nọ. (Charlene Johnson).

 

6. Hạt giống rơi xuống đất có thối đi...--Lẽ Sống

Giacôbê, vị thánh mà Giáo Hội kính nhớ hôm nay là con ông Giêbêđê và bà Salomê và là anh của thánh Gioan tông đồ. Người ta quen gọi thánh Giacôbê Tiền để phân biệt với thánh Giacôbê, giám mục đầu tiên của Giêrusalem, được gọi là Giacôbê Hậu, kính ngày 03/5 cùng với thánh Philipphê.

Giacôbê và Gioan là hai anh em được Chúa Giêsu kêu gọi sau khi Ngài đã chiêu mộ hai anh em Phêrô và Anrê. Phúc Âm thánh Matthêu thuật lại: Hai anh em ông được Chúa gọi ở bờ hồ Genezareth, trong lúc đang ở trong thuyền vá lưới với cha. Ðược Chúa gọi, hai ông bỏ thuyền và người cha để theo Chúa ngay lập tức. Ðiều này chứng tỏ lòng hăng hái nhiệt thành của hai anh em, nên hai người được Ngài cho biệt hiệu là "con cái của sấm chớp" như chúng ta thấy xảy ra ít là trong hai trường hợp sau đây:

Trường hợp thứ nhất khi người xứ Samaria ngăn cản không cho Chúa Giêsu và đoàn môn đệ đi qua lãnh thổ của họ để tiến về Giêrusalem, hai anh em Giacôbê đã hỏi Thầy: "Thưa Thầy, Thầy có bằng lòng để chúng tôi khiến lửa trên trời xuống thiêu hủy họ không?".

Sau đó, trong chuyến đi Giêrusalem lần cuối cùng, cả hai đã đến xin ngồi bên phải và bên trái Thầy, khi Chúa Giêsu sẽ thống trị trong vinh quang. Và khi không hiểu hoàn toàn ý nghĩa câu hỏi của Chúa: "Anh em có uống được chén Ta sẽ uống không?", hai ông đã nhất quyết thưa: "Chúng tôi uống được". Vì thế, sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, như các môn đệ khác, Giacôbê cũng can đảm làm chứng những điều mắt thấy tai nghe về Thầy Giêsu, dầu bị cầm tù, đòn vọt, nhưng đã vui mừng vì được đau khổ vì Chúa Giêsu.

Năm 42, vua Hêrôđê, cháu của Hêrôđê cả, người đã âm mưu giết con trẻ Giêsu, đã bách hại một số thủ lĩnh của các tín hữu Kitô, trong số đó có cả thánh Giacôbê, như sách Tông Ðồ Công Vụ ghi: "Cùng thời kỳ ấy, vua Hêrôđê ra tay bắt bớ và làm khổ mấy người trong Giáo Hội, vua đã truyền chém ông Giacôbê, anh của ông Gioan. Thấy điều này làm vừa lòng người Do Thái, ông lại bắt cả ông Phêrô nữa".

Với nguồn tin này, chúng ta biết thánh Giacôbê là vị tông đồ đầu tiên đã đổ máu đào minh chứng cho niềm tin của mình.

Trong thời nội chiến 1936-1939 tại Tây Ban Nha, các quân phiến loạn đốt nhà thờ, nhà thương, tu viện và giết hại nhiều linh mục cũng như nữ tu. Ngày nọ, một vị linh mục già nua bị phiến quân bắt và bị kết án tử hình. Khi bị trói và dẫn đến trước mặt đội lính hành quyết, cha nói với tên trưởng toán: "Xin anh làm ơn cắt dây trói này, để tôi có thể giơ tay chúc lành cho anh và xin Thiên Chúa cũng tha thứ và chúc lành cho các anh".

Lịch sử ghi nhận đa số các tông đồ đã kết thúc cuộc đời chứng tá cho niềm tn bằng những cái chết đau thương, khởi đầu cho những lớp người chứng tá khác trải qua bao thế hệ. Và cũng như vị linh mục trong câu chuyện trên, hàng trăm, hàng ngàn chứng nhân của niềm tin vẫn còn đang bị giam cầm, tra vấn, đày đọa vì niềm tin. Họ chấp nhận những khổ hình một cách bình thản, không oán hận, trái lại, noi gương Chúa Giêsu, họ sẵn sàng tha thứ cho những ngươi làm khổ họ.

"Hạt giống rơi xuống đất có mục nát và chết đi, mới nảy mầm và phát sinh hoa trái". Không gì minh chứng hùng hồn cho lời tuyên bố này của Chúa Giêsu bằng những cuộc sống chứng tá của các tín hữu Kitô đang chịu đau khổ, giam cầm và tử hình vì niềm tin.

Tử đạo là một ơn gọi đặc biệt, nhưng mọi tín hữu Kitô đều được kêu gọi dâng những ốm đau, bệnh tật, những hy sinh nho nhỏ hằng ngày để cầu cho Nước Cha được trị đến.

 

7. Thánh Giacôbê Tông Đồ--Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi

Đọc lại ơn gọi của các thánh tông đồ, nhân loại không khỏi ngạc nhiên vì tính cách huyền nhiệm và diệu kỳ của Thiên Chúa trên từng con người, trên từng cá nhân. Tin Mừng của thánh Matthêu viết: ”Đang đi dọc theo biển hồ Galilê, Chúa Giêsu thấy ông Giacôbê, con ông Dê-bê-đê, và ngươi em là ông Gio-an, cả hai đang vá lưới” (Mt 4,18.21).

ƠN GỌI CỦA THÁNH GIACÔBÊ:

Chúa muốn gọi ai là tùy ý Chúa, không ai có quyền buộc Chúa phải làm thế này, phải làm thế khác. Ơn gọi là một ơn huệ nhưng không của Chúa. Thánh Giacôbê là anh của thánh Gioan, con của ông Dêbêđê. Thánh nhân là bạn đồng nghiệp với thánh Phêrô và thánh Anrê, tất cả đều làm nghề chài lưới và là những tay chài thiện nghệ. Các Ngài đã làm nghề cổ truyền này từ đời cha ông và nay họ vẫn tiếp tục sống bằng nghề đánh cá ở biển hồ Giênêsarét. Thánh Matthêu đã tường thuật lại việc Chúa Giêsu kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên như sau: “Người đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy hai anh em kia, là ông Simon, cũng gọi là Phêrô, và người anh là ông Anrê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông: ”Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá. Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo người. Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dêbêđê, là ông Giacôbê và người em là ông Gioan. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dêbêđê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người” (Mt 4,18-22). Tin Mừng nói: Chúa gọi và lập tức họ bỏ tất cả mà theo Chúa Giêsu. Đó là một sự lạ lùng vì chỉ một tiếng gọi, các môn đệ đã bỏ mọi sự mà theo Chúa Giêsu. Thánh Giacôbê dù rằng có bị mang tiếng vì bà mẹ của hai người con ông Dêbêđê đã suy nghĩ theo ý trần gian xin cho một ông ngồi bên tả, một ông ngồi bên hữu Chúa trong vương quốc của Ngài, nhưng với sự tác động của Chúa Thánh Thần và với sự thay đổi của ơn Chúa, thánh Giacôbê và thánh Gioan đã hy sinh đến giọt máu cuối cùng để làm chứng cho Chúa.

THÁNH GIACÔBÊ TRỞ THÀNH NGƯỜI THÂN THIẾT CỦA CHÚA:

Được Chúa yêu thương, cải hóa, biến đổi, thánh Giacôbê đã trở nên người thân cận của Chúa, cùng với thánh Phêrô và thánh Gioan. Thánh nhân đã được chứng kiến con ông Zairô Chúa làm cho sống lại, việc chúa biến hình trên núi Tabôrê, và cơn hấp hối của Chúa Giêsu trong vườn cây dầu. Tất cả những điều đó nói lên con người đặc biệt và vô cùng thân tín của Ngài đối với Chúa Giêsu. Chính vì được yêu mến tin tưởng, thánh Giacôbê đã được phước trở thành người tử đạo tông đồ đầu tiên đã đổ máu ra để minh chứng cho Chúa Giêsu phục sinh dưới thời vua Hêrôđê Agrippa I năm 43 hoặc 44 trước lễ phục sinh. Chúa đã trao chén đắng cho Ngài và Ngài đã chấp nhận uống chén đắng Thầy trao. Chúa đã thưởng công và trao mũ triều thiên cho Ngài. Thánh nhân đã được tôn kính đặc biệt trên thế giới từ thế kỷ IX và lòng tôn kính thánh nhân toả lan khắp thế giới.

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã ban cho thánh Giacôbê vinh dự là tông đồ đầu tiên đã chết để làm chứng cho Tin Mừng. Xin cho Hội Thánh tìm được sức mạnh nhờ gương tử đạo của thánh nhân, và nhờ Người cầu thay nguyện giúp, Hội Thánh được luôn nâng đỡ phù trì (Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Giacô-bê tông đồ).

 

8. Thánh Giacôbê Tông Đồ--Phụng vụ chư Thánh

1. Thân thế của Giacôbê:

Giacôbê là con của ông Dêbêđê và bà Salômê, anh của thánh Gioan Tông Đồ; sống nghề chài lưới ở biển Giênêgiaréth, bạn chài với Phêrô và Andrê. Tin Mừng thường nhắc đến hai anh em Giacôbê và Gioan Tông Đồ nhiều lần.

 Họ thuộc nhóm những môn đệ tâm giao của Chúa Giêsu (cùng với Phêrô và Gioan). Các ngài được chứng kiến: Việc Chúa cho con gái ông Giairô sống lại // Sự hiển dung của Chúa ở đồi Thabor // Lúc Chúa cầu nguyện ở vườn Cây Dầu.

Giacôbê là người đầu tiên trong Nhóm Mười Hai đã lấy máu đào của mình làm chứng cho Chúa Giêsu: vua Hêrôđê Antipa đã ra lệnh chặt đầu ngài vào năm 44 (Cv 12,2; Mt 20,22-23). Như thế ứng nghiệm lời Chúa tiên báo cho ông: “ông đã thông chia chén của Chúa”.

2. Tính tình của Giacôbê: Giacôbê được gọi là vị Tông Đồ cao vọng (Mt 20,20).

Giacôbê được Chúa gọi là “con của thiên lôi”, điều này cho thấy rằng ông là con người nóng nảy và cuồng nhiệt đến thế nào. Quả vậy, phản ứng của ông đối với các dân thành Samaria đã giải thích điều đó. Khi Chúa qua con đường Samaria để về Giêrusalem, dọc đường những người Samaria đã từ chối không đón tiếp Chúa, Giacôbê đã đế nghị với Chúa: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống mà tiêu diệt chúng không?” (Lc 9,54).

Cao vọng của Giacôbê còn được thể hiện qua sự việc bà Salômê, là mẹ của ông, đã thỉnh cầu Chúa Giêsu cho Giacôbê và Gioan rằng: “Xin Ngài truyền lệnh cho các con tôi đây được ngồi một đứa bên tả, một đứa bên hữu Ngài trong Nước của Ngài” (Mt 20,21).

Cao vọng của người mẹ truyền sang cho người con đến độ người mẹ không xin thì con cũng tự xin. Bằng chứng là Márcô kể lại câu chuyện thỉnh nguyện này mà không nhắc đến người mẹ, nhưng chỉ kể Giacôbê và Gioan tự miệng nói ra câu ấy (Mc 10,37).

Tuy Giacôbê có cao vọng như vậy, nhưng Chúa vẫn chọn ông và tín nhiệm ông, và Người đã hoán cải ông. Chúa hoán cải các môn đệ:

Bằng đời sống gương mẫu của ngài: Chúa Giêsu rửa chân cho các Tông Đồ và Người bảo các Tông Đồ hãy rửa chân cho nhau, vì “Ai muốn làm lớn trong anh em, thì hãy hầu hạ anh em” (Mt 20,27).

Bằng cái chết của Người: con Người đến để thí mạng sống mình hầu làm giá chuộc thay cho nhiều người (Mt 20,28). Các Tông Đồ đã lần lượt chịu tử đạo để theo gương Chúa.

3. Nhận thức và áp dụng:

Thánh Giacôbê thuộc giới thợ thuyền làm nghề chài lưới vất vả; đàng khác lại có tham vọng đi ngược với vai trò và tinh thần của người tông đồ, nhưng Chúa Giêsu vẫn gọi và chọn ông đi theo Chúa và làm Tông Đồ cho Chúa. Điều này chứng tỏ ơn thánh của Chúa Kitô quả có sức làm biến đổi tâm hồn và cuộc sống của Giacôbê đến độ ông đã hiến mình trọn vẹn cho Chúa.

Noi gương thánh Giacôbê: người tông đồ không nên tự ty mặc cảm về những hèn kém của mình, nhưng tin tưởng vào tình thương và sức mạnh của ơn Chúa để hiến thân trọn vẹn cho Chúa.

Đi theo Chúa, Giacôbê vẫn còn có những tham vọng phàm trần, song nhờ sự giáo huấn của Chúa và nhất là gương sống của Chúa đã khiến ông từ bỏ mọi sự và từ bỏ chính bản thân mình để hiến mình cho Chúa cách trọn vẹn.

Người tông đồ cần lắng nghe lời Chúa để đón nhận những giáo huấn của Chúa; đồng thời phải biết chiêm ngắm gương sống của Chúa để noi gương bắt chước sống trọn vẹn cho Chúa.

Giacôbê được Chúa dành riêng trong nhóm những người thận cận của Chúa để được chứng kiến những sự việc cần thiết cho sứ mạng làm chứng nhân trong vai trò người Tông Đồ.

Những ai được mời gọi sống đời thánh hiến, cũng được tuyển chọn riêng trong thời gian tu luyện để tìm gặp Chúa, đến với Chúa, ở lại với Chúa và để được biến đổi trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa, hầu có thể chu toàn sứ vụ tông đồ của mình.

 

9. Thánh Giacôbê Tông Đồ--Giuse Đinh Thành Đạt SDB

Thánh Giacôbê, con ông Giêbêdê và bà Salomê, là anh của thánh Gioan và bà con với Chúa Giêsu. Người ta gọi Ngài là thánh Giacôbê Tiền, để phân biệt với thánh Giacôbê hậu, cũng là một tông đồ và làm giám mục Giêrusalem.

Thánh nhân cùng với em là Gioan được kêu gọi làm tông đồ trong khi họ đang chài lưới bên bờ biển Galilê (Mc 1,19-20). Cũng theo Tin Mừng của Marcô thì Giacôbê là một trong bốn môn đệ được Chúa gọi đầu tiên tại biển hồ Galilêa (Mc 1, 16-20). Trong những biến cố quan trọng của cuộc đời Đức Giêsu, vị Tông đồ này luôn có mặt, ông đã chứng kiến phép lạ Chúa chữa nhạc mẫu Phêrô khỏi bệnh (Mt 1, 29-31), con gái ông Giairô sống lại (Mc 5, 37-43), Chúa biến hình trên núi (Mc 9,2-8), và lúc chúa Giêsu hấp hối ở vười Gietsimani (Mt 26,37). Hai anh em Giacôbê và Gioan được Chúa đặt cho một biệt hiệu khá "kêu" là: "Boanergès" có nghĩa là con sấm sét (Mc 3,17). Chắc cũng vì cá tính của Giacôbê hơi nóng nảy khi cùng với Chúa Giêsu đi vào làng Samari và dân làng không đón tiếp. Thấy vậy, Giacôbê và Gioan cùng đề nghị với Chúa rằng: "Thưa thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không?" (Lc 9, 54)."

 Đã có những phút giây Giacôbê vì yếu đuối như các tông đồ khác, như khi ngủ vùi khi Chúa Giêsu trải qua cơn hấp hối hay như việc ông trốn chạy trước cuộc khổ nạn của Thầy. Tuy nhiên, sau khi gặp gỡ Đấng phục sinh, nhất là sau ngày lễ Hiện Xuống, Giacôbê đã thực hiện lời hứa của Ngài, trở thành vị tông đồ đầu tiên lấy máu đào làm chứng đức tin và tình mến của mình vào thế kỷ II. Theo sách Công vụ kể lại thì có thể Thánh Giacôbê chịu tử đạo dưới thời vua Hêrôđê Agrippa I, vào cuối thế kỷ thứ II, khoảng năm 44: "Thời kỳ ấy, vua Hêrôđê ra tay ngược đãi một số người trong Hội thánh. Nhà vua đã cho chém đầu ông Giacôbê là anh ông Gioan" (Cv 12,1-2). Đây là thời kỳ bách hại các Kitô hữu rất dữ dội, trong suốt ba thế kỷ đầu và chỉ tạm lắng xuống sau sắc chỉ Milan của hòang đế Constantianop vào năm 313.

Quả thực, khi xin Chúa Giêsu cho được ngồi bên hữu và bên tả của Ngài, Giacôbê đã được Chúa báo trước cuộc tử đạo mà những ai muốn theo Chúa phải đón nhận. Chén đắng cùng với mũ triều thiên vinh quang trong nước trời. Bài giảng của Thánh Gioan Kim Khẩu đã làm sáng tỏ chén đắng mà Chúa Giêsu uống, khi Người trao lại cho thánh nhân, và Giacôbê sẵng sàng đón nhận: "Ngay từ phút đầu tiên, Người đã cháy lửa nhiệt tình, và trong sự khinh chê lạ thường các lợi lộc trần gian, Người đã tiến tới đỉnh cao đến độ tức thời bị đem đi giết” (trích bài giảng của Thánh Gioan Kim Khẩu trong bài đọc giờ Kinh sách). Giáo hội phương tây mừng kính Ngài từ thế kỷ thứ VIII. Các Giáo hội theo nghi lễ Copte và Byzantin thì mừng lễ Ngài sớm hơn vào một ngày gần lễ Phục sinh.

 

10. Thánh Giacôbê Tông Đồ--Lm Phaolô Phạm Quốc Tuý

Thánh Giacôbê, con ông Giêbêdê và bà Salomê, là anh của thánh Gioan và bà con với Chúa Giêsu. Người ta gọi ngài là thánh Giacôbê tiền, để phân biệt với thánh Giacôbê hậu, cũng là một tông đồ và làm Giám mục Giêrusalem. Gọi là "tiền" vì ngài được gọi trước hay vì ngài cao lớn hơn, nhất là vì ngài lớn tuổi hơn.

Thánh nhân cùng với em là Gioan được kêu gọi làm tông đồ trong khi họ đang chài lưới bên bờ biển Galilê (Mc 1,19-20). Trong tường thuật này, chúng ta thấy gia đình ông Giêbêđê xem như cũng khá giả và có thuê những người làm công.

Kể từ khi bỏ cha mẹ, chài lưới và những người làm công, anh em Giacôbê và Gioan luôn sát cánh bên Chúa. Họ chia sẻ với Người nếp sống "con cáo có hang, con chim có tổ, con người không có chỗ dựa đầu" và trong những buổi tiệc vui như ở Cana (Ga 2,1). Trong cộng đoàn tông đồ, Giacôbê luôn giữ một chỗ đứng quan trọng sau Phêrô. Bởi vậy ngài được vào số ba môn đệ trong các biến cố phục sinh cho con gái Giarô (Mc 5,37) biến hình (Mc 9,2) và hấp hối ở Gethsemani (Mc 14,33).

Giacôbê hẳn phải hiểu rõ đặc ân của mình và ông đã đáp trả bằng một nhiệt tình cũng đặc biệt. Một lần qua Samaria, ông đã bất mãn vì dân làng không tiếp đón Chúa Giêsu một cách nồng hậu. Ông phát biểu: -Thưa Ngài, Ngài có muốn chúng tôi khiến lửa từ trời giáng xuống mà tiêu diệt chúng không?

 Nhiệt tình của ông giống như Êlia. Nhưng Chúa Giêsu lại sửa sai tính nóng nảy ấy của ông: -Các ngươi không biết các ngươi ứng theo thần khí nào (Lc 9,52-56). Và người đặt cho Giacôbê và Gioan biệt danh là Boanerghê, nghĩa là con cái của sấm sét (Mc 3,17).

Dĩ nhiên là con người, khi theo Chúa Giêsu, các ông vẫn còn những yếu đuối, khi nghe loan báo về cuộc hoàn thành sứ mạng sắp tới, Giacôbê và em ông không ngần ngại thưa: - Xin cho chúng tôi được ngồi, một người bên hữu, một người bên tả, trong vinh quang của thầy.

Không hứa sẽ thỏa mãn ước vọng của họ, Chúa Giêsu đã chỉ hỏi: -Các ngươi có thể uống chén Ta uống và chịu thanh tẩy, thứ thanh tẩy Ta phải chịu không?

Một lần nữa, các ông bày tỏ nhiệt tình của mình: - Thưa được (Mt 20,20-23; Mc 10,35-40).

Đã có những phút giây Giacôbê vì yếu đuối như các tông đồ khác, như khi ngủ vùi khi Chúa Giêsu trải qua cơn hấp hối hay như việc ông trốn chạy trước cuộc khổ nạn của Thầy. Tuy nhiên, sau khi gặp gỡ Đấng Phục Sinh, nhất là sau ngày lễ Hiện Xuống, Giacôbê đã thực hiện lời hứa của ngài. Ngài sẵn sàng chịu chết dưới lưỡi gươm theo lệnh truyền của Hêrôđê Agrippa (Cv 12,2), có lẽ vào năm 42. Thế là Giacôbê đã trở thành vị tông đồ đầu tiên lấy máu đào làm chứng đức tin và tình mến của mình vào thế kỷ II, Clêmentê thành Alexandria đã làm chứng rằng, chính kẻ tố cáo thánh nhân lại được ngài cải hóa và lãnh phúc tử đạo cùng lúc với ngài.

Truyền thống cho rằng Giacôbê đã mang Tin Mừng đến Tây Ban Nha. Tuy nhiên điều này không được chứng thực rõ ràng. Lần đầu tiên truyền thống này được viết ra vào thế kỷ VII, dựa vào nguồn Hy lạp không đáng tin. Một thế kỷ sau, khi một ngôi sao chỉ cho thấy ngôi mộ của thánh Giacôbê, niềm tin của quần chúng bắt đầu lan rộng.

Nơi hành hương ở Compostella (có lẽ bởi chữ Campustella: cánh đồng sao) là trung tâm rất nổi tiếng dầu chúng ta tin rằng thánh Giacôbê có đi Tây Ban Nha đi nữa thì cũng không thể nói được rằng nơi đây có di tích của thánh nhân.

 

11. Sức mạnh Thiên Chúa hoạt động trong sự yếu đuối của con người--Lm Anthony Đinh Minh Tiên, OP

Con người bị bao vây bởi những yếu đuối về thể xác cũng như tinh thần: về thể xác: nghèo đói, bệnh tật, nguy hiểm, chết chóc; về tinh thần: ghen ghét, hận thù, tội lỗi. Tuy thế, lịch sử Giáo Hội không ngừng chứng minh: sức mạnh của Thiên Chúa hoạt động nơi những con người yếu đuối. Ví dụ: Phêrô chối Chúa 3 lần thành người điều khiển Giáo Hội, Phaolô nhiệt thành bắt bớ Đạo thành người nhiệt thành rao truyền Đạo, Augustino một thanh niên chơi bời hư hỏng thành thánh Giám-mục loan truyền tình yêu và sự khôn ngoan của Thiên Chúa...

Các Bài Đọc hôm nay muốn làm sáng tỏ tư tưởng Thiên Chúa hoạt động trong sự yếu đuối và tội lỗi của con người. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô so sánh sức mạnh của Thiên Chúa như kho tàng chứa đựng trong bình sành là thân xác yếu đuối và tội lỗi của con người. Trong Phúc Âm, vì ham muốn quyền bính và địa vị, người mẹ của Giacôbê và Gioan xin với Chúa Giêsu cho hai con mình được một đứa ngồi bên phải và một đứa ngồi bên trái trong vương quốc của Ngài. Điều này gây sự ghen tị và chia rẽ trong hàng ngũ các môn đệ. Chúa Giêsu gọi các ông lại và chỉ dạy các ông con đường lãnh đạo: hy sinh chịu gian khổ và phục vụ mọi người.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Sự chết hoạt động nơi chúng tôi, còn sự sống thì lại hoạt động nơi anh em.

1.1/ Kho tàng chứa đựng trong bình sành: Kho tàng là các hồng ân của Thiên Chúa và sức mạnh của Đức Kitô. Một sự phân tích những tư tưởng sau cho chúng ta thấy kho tàng của Thiên Chúa chứa đựng trong bình sành là thân xác yếu đuối của con người:

+ Bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp: Phaolô phải chịu bao áp lực nhưng ông vẫn có thể tìm cách thoát ra. Ví dụ: khi bị giam hãm trong lao tù, ông vẫn có thể cầu nguyện và kết hiệp với Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa muốn, Ngài vẫn có cách để giải thoát ông nhiều lần.

+ Bị hoang mang, nhưng không tuyệt vọng: Nhiều lần trong đời, Phaolô cũng như chúng ta hoang mang không biết đâu là thánh ý Chúa để theo. Thánh Gioan Thánh Giá gọi đây là "những đêm tăm tối," khi chúng ta không cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa; nhưng chúng ta vẫn dùng đức tin để vượt qua và tiến tới. Khi đã trải qua rồi, chúng ta nhìn lại và nhận ra sự quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa.

+ Bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi: Người môn đệ của Đức Kitô sẽ bị người đời ngược đãi: nói hành, bôi nhọ, bắt bớ, tù đày... vì họ không sống theo tiêu chuẩn và đường lối của thế gian; nhưng Thiên Chúa không bỏ rơi họ. Ngài hứa sẽ ở cùng các môn đệ mọi ngày cho đến tận thế, và Thánh Thần sẽ giúp họ biết phải nói gì và làm gì khi bị thế gian ngược đãi.

+ Bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt: Phaolô cũng như các tín hữu đã nhiều lần bị quật ngã: hoặc cách thể lý như bị ngược đãi bởi người đời, hoặc cách tâm linh như những lúc sa ngã phạm tội. Nhưng với sức mạnh và ơn thánh của Chúa, họ lại trỗi dậy, giao hòa với Chúa, và tiếp tục phấn đấu cho đến hơi thở cuối cùng.

Hiểu như thế, cuộc đời mỗi tín hữu là cuộc đời luôn vác thánh giá theo chân Đức Kitô, như Phaolô diễn tả: "Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi. Thật vậy, tuy sống, chúng tôi hằng bị cái chết đe doạ vì Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân xác phải chết của chúng tôi."

1.2/ Sự chết hoạt động nơi chúng tôi, còn sự sống thì lại hoạt động nơi anh em: Trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa: Đức Kitô là người đi tiên phong mở đường cứu độ bằng cách mặc lấy thân xác yếu đuối của con người để rao truyền Tin Mừng, để huấn luyện các môn đệ trước khi sai đi, và hy sinh chịu gian khổ để chuộc tội cho con người.

Noi gương Đức Kitô, Phaolô và các môn đệ cũng đi theo con đường đó: Các ông được sai đi rao giảng Tin Mừng, thu thập và huấn luyện các môn đệ để tiếp tục sai đi, và cũng phải hy sinh chịu gian khổ để làm chứng cho Đức Kitô và cho Tin Mừng được lan rộng khắp nơi. Các môn đệ dám hy sinh tất cả cho dẫu phải đổ máu vì các ông biết rằng: "Đấng đã làm cho Chúa Giêsu trỗi dậy cũng sẽ làm cho các ông được trỗi dậy với Chúa Giêsu, và đặt các ông bên hữu Người."

Các tín hữu sau khi đã nhận được đức tin từ Phaolô và các môn đệ lại tiếp tục tiến trình đó, và cứ như vậy cho đến ngày Đức Kitô trở lại. Nếu tất cả đều trung thành với sứ vụ của mình và làm chứng cho Đức Kitô, toàn thế giới sẽ được nghe Tin Mừng và trở thành những môn đệ của Ngài. Lúc đó Nước Chúa sẽ trị đến, như Phaolô hy vọng: "Như thế, ân sủng càng dồi dào, thì càng có đông người hơn dâng lên Thiên Chúa muôn ngàn lời cảm tạ, để tôn vinh Người."

2/ Phúc Âm: Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em.

2.1/ Tính mỏng giòn yếu đuối của con người:

(1) Lòng ham muốn địa vị: "Bấy giờ bà mẹ của các con ông Zebedee đến gặp Đức Giêsu, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. Người hỏi bà: "Bà muốn gì?" Bà thưa: "Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy."

Có sự khác biệt giữa hai trình thuật giữa Marcô và Matthew về biến cố này: Theo trình thuật của Marcô, chính hai anh em yêu cầu điều này với Chúa Giêsu. Theo trình thuật của Matthew, lời yêu cầu được làm qua người mẹ. Dù sao chăng nữa, đây cũng là điều yếu đuối rất thường xảy ra nơi con người: ai cũng mong được hơn người, có quyền hành và địa vị, và được người khác kính nể, phục vụ. Hai anh em không ngại đi theo Chúa, nhưng đi theo để đạt mục đích trần thế của mình.

(2) Lòng ghen tị khi thấy người khác hơn mình: "Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó." Điều này cũng là yếu đuối con người nữa: Dưới mắt các ông, chỉ có hai chỗ cao trọng nhất mà hai anh em nhà Zebedee đã giành, còn mình ngồi đâu? Hơn nữa, hai anh em cùng với Phêrô, thường được coi là những người "thân tín" của Chúa!

2.2/ Sự khôn ngoan của Thiên Chúa:

(1) Lãnh đạo bằng hy sinh chịu đựng gian khổ: Đức Giêsu bảo họ: "Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?" Họ đáp: "Thưa uống nổi."

Đức Giêsu bảo: "Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được." Lịch sử chứng minh Giacôbê cũng uống chén đắng của Chúa bằng việc tử đạo tại Jerusalem (Acts 12:1-2), và Gioan uống chén đắng bằng cách sống trung thành với Đức Kitô cho đến tuổi già.

(2) Lãnh đạo bằng khiêm nhường phục vụ tha nhân: Đức Giêsu gọi các ông lại và nói: "Anh em biết thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy. Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người."

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta đừng bao giờ nản chí khi phải đương đầu với yếu đuối của thân xác và sa ngã của linh hồn, vì sức mạnh của Thiên Chúa vẫn đang hoạt động trong chúng ta.

- Chúng ta phải sống theo chỉ đạo và đường lối của Thiên Chúa: lãnh đạo bằng hy sinh và phục vụ. Đừng sống theo tiêu chuẩn và đường lối của thế gian để đòi danh vọng và chức quyền.

 

12. Thánh Giacôbê Giêbêđê, Vị Tông Đồ Cao Vọng--‘13 Người Đã Thay Đổi Thế Giới’

Ông tên là Gia-cô-bê, em ông cũng là Tông Đồ tên là Gio-an. Cha ông tên là Dê-bê-đê, một người ngư phủ. Mẹ ông tên là Sa-lô-mê, chị họ của bà Ma-ri-a (có thể là mẹ Đức Giê-su Na-da-rét).

Bà Sa-lô-mê là một con người độc đáo. Có một lần bà đến gặp Đức Giê-su và thỉnh cầu cho con bà. Bà nói: "Xin Ngài truyền lệnh cho các con tôi đây, được ngồi một đứa bên hữu, một đứa bên tả Ngài trong nước của Ngài..." (Mt 20, 21). Đấy, bà xin xỏ cho hai con trai được hai chỗ danh dự, thành hai quan cận thần, chức tước cỡ lớn, áo mão xênh xang.

Có những bà mẹ thúc giục con mình thực hiện điều mình mơ ước nhưng không thực hiện được. Họ xô đẩy, níu kéo con mình, họ làm áp lực. Họ muốn con mình được giàu sang vinh dự. Họ không chỉ mưu ích cho con mà còn cho cả chính mình. Thử nghĩ, khi hai con ông Dê-bê-đê làm quan to trong triều thì mọi người sẽ nhìn bà bằng cặp mắt nể phục biết bao...

Phía sau Gia-cô-bê là một bà mẹ đầy cao vọng.

Nhưng ta chớ quên đi điều này: Bà đã theo Chúa Ki-tô, Bà tin vào Chúa và bà đã được hoán cải. Bà đứng dưới chân thập giá khi Chúa chết. Chúa đã không lên ngai vàng mà Người chỉ lên thập giá. Và dưới chân Người, bà Sa-lô-mê đứng đó.

Cao vọng của người mẹ được chuyển qua người con, qua Gia-cô-bê hơn là Gio-an.

Nhưng, dù cho Gio-an mang giòng máu của bà nhưng Gio-an có một tâm hồn đầy tế nhị, yêu thương nên cao vọng xâm chiếm lòng ông ít hơn là đối với Gia-cô-bê.

Gia-cô-bê là anh, làm nghề ngư phủ với cha mình. Con người của Gia-cô-bê sôi sục, nóng bỏng, vì thế, Gia-cô-bê dễ dàng làm mồi cho cao vọng. Ông được Chúa gọi là "Con-Của-Sấm-Sét" để thấy rằng ông là người nóng nảy, cuồng nhiệt đến thế nào. Điều này cũng giải thích được phản ứng của ông đối với dân Sa-ma-ri-a.

Đức Giê-su về Giê-ru-sa-lem và phải đi qua miền Sa-ma-ri-a. Giữa người Sa-ma-ri-a và người Do-thái vốn có sự xung khắc. Đức Giê-su sai người đến một làng gần đó để chuẩn bị chỗ cho Người và các Tông Đồ nhưng dân Sa-ma-ri-a từ chối. Thế là Gia-cô-bê và Gio-an nổi giận. Họ nhớ lại có lần Ngôn Sứ Ê-li-a gọi lửa từ trời xuống, họ cũng đề nghị với Chúa tương tự: "Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng ta khiến lửa từ trời xuống mà tiêu diệt bọn chúng không?" (Lc 9, 54)

Chúng ta chứng tỏ cho bọn họ thấy quyền năng, cho mọi người biết rằng chúng ta có quyền sai lửa xuống cho họ khiếp.

Nhưng Đức Giê-su quở trách họ: "Anh em không biết anh em ứng theo Thần Khí nào. Vì Con Loài Người đến không phải để hủy diệt mạng sống người ta mà là để cứu họ..." (Lc 9, 55 – 56).

Cao vọng của người mẹ đã truyền sang người con đến độ nếu người mẹ không xin thì con cũng tự ý xin.

Bằng cớ là Thánh Mác-cô đã kể lại câu chuyện tương tự nhưng lại không nhắc đến người mẹ mà chỉ để cho chính Gia-cô-bê và Gio-an tự miệng nói ra: "Xin Thầy cho chúng con được ngồi một người bên tả, một người bên hữu trong vinh quang của Thầy" (Mc 10, 37).

Và Chúa đã dạy họ một bài học. Chúa cho họ biết rằng những chỗ danh dự trên trời không dành cho những kẻ bè phái, nịnh hót, xin xỏ, nhưng dành cho những người xứng đáng: "Anh em không biết anh em xin gì? Anh em có thể uống chén Thầy uống và chịu thanh tẩy cùng một thứ thanh tẩy mà Thầy chịu không?" (Mc 10, 38).

Muốn là phải được.

Người có nhiều cao vọng thì hứa thi hành tất cả.

Gia-cô-bê không hiểu mình đã hứa một điều hệ trọng như thế nào khi ông vội vàng đáp lời Chúa là: "Thưa Thầy được ạ!"

Và câu trả lời của Chúa tiếp đó quả thật là khó hiểu đối với ông:

"Chén của Thầy, anh em sẽ uống,

Thanh tẩy Thầy chịu, anh em sẽ chịu,

Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả của Thầy,

Thầy không có quyền ban,

Nhưng là dành cho ai đã tiền định." (Mc 10, 39 – 40)

Mãi sau này, Gia-cô-bê mới hiểu ra.

Và lúc ấy, có thể ông nhớ lại lời thỉnh cầu lúc trước và cảm tạ Chúa vì Người đã không nhận lời...

Bên hữu và bên tả ư?

Chắc không phải trong đêm Thầy bị phản bội,

vì ông đã bỏ rơi Người mất.

Chắc không phải khi Người bị đưa ra công nghị để bị la ó chế diễu,

Chắc không phải khi Người bị đánh tả tơi trong sân Phi-la-tô,

Chắc không phải khi Người bị bắt phải vác khổ giá,

Chắc không phải khi Người bị đóng đinh mà treo lên giữa trời.

Không,

Gia-cô-bê không muốn ở bên hữu bên tả Người những khi ấy.

Gia-cô-bê mừng thầm

vì lời thỉnh cầu đã không được Chúa chấp thuận.

Gia-cô-bê cũng không đứng gần thánh giá Chúa,

Gia-cô-bê không dám: ông quá hèn nhát...

Thế nhưng,

Đức Giê-su đã nói với ông rằng ông sẽ uống chén với Người.

Thử hỏi trong số chúng ta

có được mấy người mong muốn uống chén Chúa uống?

chén của đau khổ, của hấp hối,

chén của khó khăn, của thử thách...

Chén ở đây là con đường thực hiện Ý Chúa.

"Thưa được", chúng con uống được...

Chúng ta có ý thức đưọc chúng ta nói gì đó chăng?

Chúng ta có hiểu được giá phải trả

khi trở nên môn đệ Chúa chăng?

Chúng ta có biết được tương lai ra sao khi theo Chúa chăng?

Ai chấp nhận Chúa là chấp nhận vác thập giá theo Chúa.

Người theo Chúa đầu tiên là Áp-ra-ham. Áp-ra-ham là người đầu tiên trung thành bước theo tiếng nói "bóc lột" của Thiên Chúa: "Hãy ra đi, bỏ tất cả của cải ngươi, xứ sở mgươi, di sản của cha ông ngươi, tập quán, quá khứ của ngươi..." Và Áp-ra-ham đã ra đi mà không biết mình đi về đâu! (Dt 11, 8)

Và sau này, Gia-cô-bê cũng đã uống chén đó: ông chịu tử đạo,

Ông là Tông Đồ đầu tiên đổ máu dưới thời Hê-rô-đê,

Ông đã uống cạn chén Chúa đã uống...

Trong câu chuyện này, ta thấy một sự kiện khiến ta suy tư về chữ "Thánh" nằm trước tên các Tông Đồ như Thánh Phê-rô, Thánh An-rê, Thánh Mát-thêu...

"Khi 10 người kia nghe được nhũng lời thỉnh cầu của Gia-cô-bê và Gio-an, họ phẫn uất với hai anh em..." (Mt 20, 24).

Vâng, họ ganh tỵ, xét cho cùng, họ cũng đầy cao vọng. Họ cũng cao vọng bằng hai anh em nhưng họ không đủ can đảm để xin như những "Đứa-Con-Của-Sấm-Sét".

Phân tích ra như vậy thật là nản lòng. Hào quang các vị cũng bị vẩn đục ít nhiều chăng? Ta cứ nghĩ rằng mười ba người này thánh thiện, ta gán cho họ những nhân đức cao siêu.

Họ thay đổi cả thế giới,

họ di chuyển được cả núi non.

Và, ta đã tạc tượng cho họ.

Giờ đây, xem ra họ cũng như ta vậy thôi:

họ bất toàn, họ ích kỷ, họ đầy ắp cao vọng, và thêm vào đó,

họ còn giả hình nữa!

Nhưng, đây mới là điều đáng nói:

Đức Giê-su đã chọn những người ấy.

Và, quả thật họ đã thay đổi cả bộ mặt thế giới,

họ đã di chuyển cả núi non.

Đức Giê-su đã không chọn những con người hoàn hảo.

Người đã không chọn những kẻ thánh thiện ngay từ trong lòng mẹ.

Nhưng Chúa đã chọn những người có máu ganh tỵ, ích kỷ, tham lam,

cao vọng nhất, như Gia-cô-bê.

Người chọn họ vì Người muốn hoán cải họ.

Hoán cải thế nào?

Thưa, bằng chính đời sống của Người.

Họ noi gương Người,

gương của Đấng quỳ xuống mà rửa chân cho họ:

"Ai muốn làm lớn trong anh em thì hãy hầu hạ anh em" (Mt 20, 27).

Chúa còn hoán cải họ bằng cái chết của Người.

Họ biết vì sao Người sống, họ nghe Lời Người dạy.

Giờ đây, Người thi hành điều đã loan báo.

Người vâng phục Thánh Ý Cha cho đến chết,

dù là cái chết nhục nhã trên thập giá:

"Con Người đến để thí mạng sống mình

hầu làm giá cứu chuộc thay cho nhiều người..." (Mt 20, 28)

Chúa còn hoán cải họ bằng chính Thánh Thần của Người.

Một Thần Khí mới,

không phải tinh thần ích kỷ, tham lam, ganh tỵ và giận dữ,

nhưng là Thần Khí của Thiên Chúa.

Thánh Thần ở bên trong họ và thay đổi họ tự thâm sâu...

Hình ảnh thành công của chúng ta thường là hình tháp.

Ta càng lên cao thì càng ít người bằng ta,

và ta càng có nhiều người ở dưới.

Mục đích của chúng ta là đỉnh kim tự tháp.

Không ai bằng ta, ta hơn hết mọi người...

Gia-cô-bê cũng từng mong muốn như thế.

Ông mong được ngồi bên hữu hay bên tả Chúa.

Chỉ có Chúa là hơn ông, còn mọi người thì đều ở dưới chân.

Chúa đã đến, Chúa đã lật ngược hình tháp.

Càng tiến lên, ta càng có nhiều người ở bên trên,

ta càng có nhiều người để phục vụ.

Và Đức Giê-su, đỉnh của kim tự tháp lật ngược đó,

Mang lấy tội lỗi thay cho cả nhân loại:

"Con Người đến để hầu hạ,

và thí mạng sống mình làm giá chuộc..." (Mt 20, 28)

Vấn đề của chúng ta là ở đó:

Chúng ta muốn thực hiện cao vọng của ta

Hay chúng ta chấp nhận để khát vọng Chúa thể hiện trong ta?

Chúng ta muốn uống ly rượu ngọt của mình

Hay là uống chén mật đắng của Chúa?

Và, tự muôn thuở cho đến mãi mãi,

Con người chúng ta cứ bị đong đưa

giữa ý mình và Ý Chúa, giữa cửa hỏa ngục và Cửa Thiên Đàng...

 

13. Thánh Giacôbê nhiệt thành

(Sưu tầm)

Đức Giêsu là một nhà giáo dục đại tài, không chọn những nhà thông thái tài giỏi làm tông đồ, nhưng người chỉ chọn những tâm hồn đơn sơ, khiêm tốn và nhiệt thành. Lòng nhiệt thành của Thánh Giacôbê và thánh Gioan đã khiến Chúa đặt cho cái tên là con của Thiên Lôi.

Thật đẹp thay, xinh thay những bước chân người tông đồ công bố tin vui. Vượt đèo cao, sông sâu, qua núi, qua rừng đem nguồn sống cho mọi nơi. Thánh Giacôbê đã bước theo Chúa suốt ba năm Người công khai rao giảng Tin Mừng, Thánh nhân đã cùng với Đức Giêsu trải qua biết bao gian khó từ khi được gọi làm Tông đồ. Ông là một trong bốn môn đệ đầu tiên được Chúa Giêsu mời gọi.

Với lòng nhiệt thành sẵn có, ông cùng với em mình lập tức bỏ mọi sự mà theo Người. Rồi cùng với Thánh Phêrô và Thánh Gioan, được chứng kiến biến cố Hiển Dung của Chúa trên núiTabor, được cùng đi với Chúa vào vườn Giệtsimani lúc khởi đầu cuộc thương khó.

Phúc âm kể lại một biến cố lạ lùng trong đời sống của Thánh Giacôbê là: khi ấy, bà mẹ của các con ông Dêbêđê đến gặp Đức Giêsu, có các con bà đi theo, bà bái lạy và kêu xin Người một điều: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi, một người ngồi bên hữu một người ngồi bên tả Thầy trong nước của Thầy”. Đức Giêsu bảo: “Các ngươi không biết các ngươi xin gì ư, các ngươi có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” Họ đáp: “ Thưa uống nổi”. Chúa Giêsu đã chấp nhận lời đáp trả ấy vì lòng quảng đại và nhiệt thành của những người trẻ sẵn sàng làm Tông đồ loan báo Tin Mừng nhưng Chúa phán tiếp: “Chén của Thầy, các ngươi sẽ uống”. Từ lúc này, trong con người của Thánh Giacôbê đã có một cuộc biến chuyển nội tâm lâu dài. Sự nhiệt thành trước kia chống lại những người Samari không muốn đón tiếp Chúa Giêsu, đã biến nên lòng nhiệt thành vì các linh hồn. Tuy không làm mất đi cá tính hăng hái của mình, nhưng thánh Giacôbê biết rằng nhiệt tâm vì quyền lợi Thiên Chúa không thể dính dáng đến bạo lực. Chỉ có vinh quang Thiên Chúa là khát vọng duy nhất xứng đáng mà thôi. Theo trình thuật Phúc âm, cũng như các tông đồ, thánh nhân cũng có những khuyết  điểm. Tuy nhiên, bên cạnh những khuyết điểm ấy Ngài có một tâm hồn và một con tim vĩ đại. Và vì lòng nhiệt thành cho các linh hồn nên Thánh nhân đã là vị Tông đồ đầu tiên được phúc tử đạo.

Lạy Chúa, xin Chúa ban cho chúng con nguồn sức mạnh từ nơi Chúa để chúng con luôn mang trong mình một trái tim quảng đại, sẵn sàng dấn thân hy sinh nhiệt thành phụng sự Chúa, mưu ích cho các linh hồn. Noi gương Thánh Giacôbê, Chúng con sẽ trở thành những tông đồ hăng say rao giảng Tin Mừng, để nước Chúa ngày càng lan rộng khắp nơi.

 

14. Thánh Giacôbê Tông Đồ--Lm Giacôbê Tạ Chúc

Trong danh sách mười hai Tông đồ mà Chúa chọn, có hai người cùng mang tên là Giacôbê, một người là anh của Thánh Gioan viết Phúc âm, con ông Giêbêđê  và một người là con của ông Alphê. Để phân biệt hai Tông đồ này, người ta gọi Thánh Giacôbê Tông đồ hậu và Giacôbê Tông đồ tiền. Phụng vụ vào ngày 25 tháng 7 hằng năm cử hành lễ kính Thánh Giacôbê Tông đồ Tiền.

Thân thế của Thánh Giacôbê

Ông xuất thân trong một gia đình ngư phủ tương đối khá giả tại Betsaiđa, thân sinh là ông Giêbêđê có người làm thuê (Mc 1, 19-20). Cũng theo Tin mừng của Marcô thì Giacôbê là một trong bốn môn đệ được Chúa gọi đầu tiên tại biển hồ Galilêa (Mc 1, 16-20). Trong những biến cố quan trọng của cuộc đời Đức Giêsu, vị Tông đồ này luôn có mặt, ông đã chứng kiến phép lạ Chúa chữa nhạc mẫu Phêrô khỏi bệnh (Mt 1, 29-31), con gái ông Giairô sống lại (Mc 5, 37-43), Chúa biến hình trên núi (Mc 9,2-8), và lúc Chúa Giêsu hấp hối ở vười Gietsimani (Mt 26,37). Hai anh em Giacôbê và Gioan được Chúa đặt cho một biệt hiệu khá “kêu” là: ”Boanergès” có nghĩa là con sấm sét (Mc 3,17). Chắc cũng vì cá tính của Giacôbê hơi nóng nảy khi cùng với Chúa Giêsu đi vào làng Samari và dân làng không đón tiếp. Thấy vậy, Giacôbê và Gioan cùng đề nghị với Chúa rằng: ”Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không?” (Lc 9, 54).

Cuộc Tử đạo của Ngài

Theo sách Công vụ kể lại thì có thể Thánh Giacôbê chịu tử đạo dưới thời vua Hêrôđê Agrippa I, vào cuối thế kỷ thứ II, khỏang năm 44: ”Thời kỳ ấy, vua Hêrôđê ra  tay ngược đãi một số người trong Hội thánh. Nhà vua đã cho chém đầu ông Giacôbê là anh ông Gioan” (Cv 12,1-2). Đây là thời kỳ bách hại các Kitô hữu rất dữ dội, trong suốt ba thế kỷ đầu và chỉ tạm lắng xuống sau sắc chỉ Milan của hòang đế Constantianop vào năm 313. Giáo hội phương tây mừng kính Ngài từ thế kỷ thứ VIII. Các Giáo hội theo nghi lễ Copte và Byzantin thì mừng lễ Ngài sớm hơn vào một ngày gần lễ Phục sinh.

Thông điệp của Thánh nhân

Khi xin Chúa Giêsu cho được ngồi bên hữu và bên tả của Ngài, Giacôbê đã được Chúa báo trước cuộc tử đạo mà những ai muốn theo Chúa phải đón nhận. Chén đắng cùng với mũ triều thiên vinh quang trong nước trời. Bài giảng của Thánh Gioan Kim Khẩu đã làm sáng tỏ chén đắng mà Chúa Giêsu uống, khi Người trao lại cho Thánh nhân, và Giacôbê sẵng sàng đón nhận: ”ngay từ phút đầu tiên, Người đã cháy lửa nhiệt tình, và trong sự khinh chê lạ thường các lợi lộc trần gian, Người đã tiến tới đỉnh cao đến độ tức thời bị đem đi giết” (trích bài giảng của Thánh Gioan Kim Khẩu trong bài đọc giờ kinh sách).

 

15. Hãy theo Thầy--Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

(2 Cr 4, 7-15; Mt 20, 20-28)

Ơn gọi làm môn đệ là một huyền nhiệm, bởi vì chẳng ai được gọi lại cho mình là xứng đáng với sứ vụ. Mặt khác, không ai có quyền buộc Thiên Chúa phải chọn mình vào trong chức này, việc nọ theo ý riêng. Vì thế, Thiên Chúa chọn và gọi ai tùy ý Ngài, miễn sao người được chọn cảm nghiệm và sẵn sàng đáp lại lời mời gọi đầy yêu thương của Ngài.

Cảm nghiệm được tình Chúa yêu thương mình quá đỗi, thánh Giacôbê đã rắp tâm đáp lại lời mời gọi làm môn đệ của Đức Giêsu ngay lập tức. Dẫu biết rằng bản thân mình chỉ là một con người tài thô ý thiển. Thật vậy, thánh nhân làm nghề chài lưới, được truyền từ đời này sang đời khác. Một nghề bình thường trong các nghề của người sinh thời với thánh nhân.

Tuy nhiên, khi được Đức Giêsu yêu thương, gọi và chọn, thánh nhân cũng được Ngài biến đổi, cải hóa để trở thành những môn đệ thân tín nhất của Đức Giêsu trong hành trình loan báo Tin Mừng. Từ một môn đệ “tham, sân, si” khi nhờ mẹ đến xin cho mình một địa vị ưu tiên trong Nước mà Đức Giêsu sắp thành lập, trở thành một con người say mê Đức Giêsu thực sự, nên được chính Đức Giêsu cho chứng kiến các thời điểm quan trọng trong cuộc đời Ngài.

Thánh Giacôbê đã là nhân chứng cuộc biến hình trên núi Tabor; chứng kiến con ông Zairô được Đức Giêsu làm cho sống lại; chứng nhân trong vườn Cây Dầu lúc Đức Giêsu hấp hối, và là người đầu tiên trong Nhóm 12 đã lấy máu đào làm chứng cho Thầy Chí Thánh của mình.

Vì yêu mến Đức Giêsu hết lòng, ngài hiểu rõ sứ vụ Thiên Sai của Đấng Cứu Thế, Đấng ấy: “… đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28), nên ngài đã từ bỏ hết tất cả những địa vị mà trong tâm tưởng vẫn hy vọng theo kiểu thế gian, chấp nhận mất tất cả để chỉ còn một mối lợi duy nhất là được biết Đức Kitô, và sẵn sàng làm chứng cho Ngài.

Hôm nay, phụng vụ mừng kính lễ thánh Giacôbê Tông đồ. Giáo Hội muốn nêu bật gương sáng về lòng yêu mến Chúa và trung thành với sứ vụ nơi thánh nhân.

Nhân ngày lễ thánh Giacôbê, chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta được trở nên giống ngài. Biết nhìn nhận những sự bất toàn của mình để cho Lời Chúa uốn nắn ta theo ý Chúa. Luôn yêu mến và biết tạ ơn Chúa vì những hồng ân đặc biệt Chúa ban cho chúng ta. Đặc biệt, khi đã hiểu được con đường cứu độ của Thiên Chúa và thái độ cần có để được vào số những người Chúa chọn, người môn đệ cần phải khước từ những thứ không phù hợp với Đức Giêsu và sứ vụ của mình như: loại bỏ thái độ ăn trên ngồi trước, chỉ tay năm ngón. Khước từ chức quyền, nếu điều đó không có lợi cho ơn gọi và sứ vụ. Tránh cách làm việc theo kiểu sai khiến mà không cần dùng đến trái tim và tình thương. Từ bỏ thái độ thích được phục vụ hơn là phục vụ.

Lạy Chúa, đã biết bao lần con cũng giống như thánh Giacôbê là tìm mọi cách để đạt được quyền cao chức trọng mà quên đi bản chất của người tôi tớ nơi người môn đệ. Xin Chúa tha thứ cho chúng con, và xin biến đổi chúng con thành môn đệ đích thực như lòng Chúa ước mong. Amen.

 

16. Thánh Giacôbê Tông Đồ--giaophanvinhlong.net

Thánh Giacôbê là anh của Thánh Gioan Thánh Sử. Cả hai được Đức Giêsu mời gọi khi họ đang trên thuyền đánh cá, làm việc với người cha ở biển Galilê. Trước đó, Đức Giêsu đã gọi một đôi anh em khác cũng từ một hoàn cảnh tương tự, đó là Phêrô và Anrệ "Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Giacôbê, con ông Zêbêđê, và người em là ông Gioan. Hai ông đang vá lưới ở trong thuyền. Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Zêbêđê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người" (Máccô 1:19-20).

Thánh Giacôbê là một trong ba người được ưu tiên chứng kiến Chúa Hiển Dung, được thấy con gái ông Giairút sống lại và có mặt trong giờ thống khổ của Đức Giêsu trong vườn Giệtsimani.

Có hai biến cố trong Phúc Âm diễn tả tính khí của thánh nhân và người em. Thánh Mátthêu kể rằng mẹ của hai ông đến với Đức Giêsu để xin cho hai ôngï được chỗ ngồi vinh dự trong vương quốc (một bên phải, một bên trái Đức Giêsu). "Đức Giê-su bảo: 'Các người không biết các người xin gì. Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?' Họ đáp: 'Thưa được'" (Mt 20:22). Sau đó Đức Giêsu bảo, quả thật họ sẽ uống chén và chia sẻ sự thanh tẩy của Người trong sự đau khổ và cái chết, nhưng việc ngồi bên phải hay bên trái thì không phải là quyền của Đức Giêsu -- chỗ đó "được dành cho những người đã được Cha Thầy chuẩn bị" (Mt 20:23b).

Các tông đồ khác phẫn nộ khi thấy tham vọng của Giacôbê và Gioan. Sau đó Đức Giêsu dạy họ bài học về sự khiêm tốn phục vụ: Mục đích của quyền bính là để phục vụ. Họ không được áp đặt ý muốn của mình trên người khác, hay sai bảo người khác. Đây là vị thế của chính Đức Giêsu. Ngài là tôi tớ của tất cả; sự phục vụ được giao phó cho Ngài là tuyệt đối hy sinh tính mạng mình.

Trong một trường hợp khác, Giacôbê và Gioan chứng minh rằng biệt hiệu mà Đức Giêsu đặt cho họ -- "con của sấm sét"- thì rất thích hợp với họ. Người Samaritanô không đón tiếp Đức Giêsu vì Người đang trên đường đến Giêrusalem. "Thấy thế, hai môn đệ là ông Giacôbê và ông Gioan nói rằng: 'Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?' Nhưng Đức Giê-su quay lại quở mắng các ông..." (Luca 9:54-55).

Hiển nhiên Thánh Giacôbê là vị tông đồ đầu tiên chịu tử đạo. "Vào thời kỳ ấy, vua Hêrôđê ra tay ngược đãi một số người trong Hội Thánh. Vua cho chém đầu ông Giacôbê, anh ông Gioan, và khi thấy việc đó làm vừa lòng người Do-thái, nhà vua lại cho bắt cả ông Phê-rô nữa" (CVTĐ 12:1-3a).

Chúng ta đừng nhầm lẫn Thánh Giacôbê với tác giả của Thư Thánh Giacôbê, hoặc vị lãnh đạo của cộng đồng Giêrusalem.

Lời Bàn

Phương cách mà Phúc Âm đề cập đến các tông đồ là một nhắc nhở tốt đẹp về ý nghĩa của sự thánh thiện. Trong Phúc Âm, chúng ta không thấy đề cập nhiều đến các đức tính của các ngài như những sở hữu cố định mà nhờ đó họ được phần thưởng thiên đàng. Thay vào đó, Phúc Âm nhấn mạnh đến Nước Trời, đến quyền năng rao giảng Tin Mừng mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Còn về phần đời sống cá nhân của các ngài, chúng ta thấy Đức Giêsu đã thanh luyện họ khỏi những hẹp hòi, nhỏ nhen, bất nhất.

Lời Trích

"... Chúa Kitô, trong Người mà sự mặc khải trọn vẹn của Thiên Chúa tối cao được hoàn tất (x. 2 Cor. 1:20; 2:16; 4:6), truyền dạy các tông đồ rao giảng Phúc Âm cho muôn dân, đó là nguồn mạch của mọi chân lý cứu độ và lời luân lý, và vì thế thông ban cho họ ơn sủng của Thiên Chúa... Mệnh lệnh này được trung tín thực hiện bởi các tông đồ, là những người, qua lời giảng, qua gương mẫu, và qua các quy định, đã truyền lại những gì họ nhận được từ miệng Đức Kitô, bởi sống với Người, và bởi những gì Người làm hoặc những gì các tông đồ học hỏi được qua sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần" (Hiến Chế về Mặc Khải của Thiên Chúa, 7).

 

17. Bài chia sẻ của Yuse Luca--ditimchanly.org

1/ Trong danh sách 12 Tông Đồ Chúa chọn, có 2 người cùng mang tên Giacôbê: Một người là anh của Thánh Yoan Tông Đồ, cả hai cùng là con ông Giêbêđê, ngài có tên là Giacôbê Tiền, còn một người là Giacôbê nữa là con ông Alphê, mang tên là Giacôbê Hậu. Giacôbê Tiền được kính vào ngày 25/07 hàng năm.

2/ Giacôbê Tiền xuất thân trong một gia đình ngư phủ tương đối khá giả ở Betsaida. Thân sinh là ông Giêbêđê (Mc 1,19-20). Giacôbê là một trong 4 Môn Đệ được kêu gọi đầu tiên tại biển hồ Galile (Mc 1, 16-20).

3/ Trong các biến cố quan trọng trong cuộc đời Chúa Giêsu thì vị Tông Đồ này luôn có mặt. Ông đã chứng kiến Chúa chữa cho bà nhạc mẫu Thánh Phê-rô khỏi bệnh (Mt 1,29-31), con gái ông Giairô sống lại (Mc 5, 37-43), Chúa biến hình trên núi (Mc 9,2-8), và lúc Chúa Giêsu hấp hối ở vườn cây dầu (Mt 26,37).

4/ Hai anh em Giacôbê và Gioan được Chúa đặt cho một biệt hiệu khá nổi là: "Bo-anergès": Có nghĩa là con thần sấm sét (Mc 3,17). Chắc cũng vì cá tính của Giacôbê nóng nảy khi Chúa Giêsu và các Môn Đệ đi vào một làng Samari và dân làng này không đón tiếp. Thấy vậy, Giacôbê và Gioan cùng đề nghị xin Chúa thiêu đốt thành này (Lc 9, 54).

5/ Theo sách Công vụ kể lại thì Thánh Giacôbê chịu tử đạo đầu tiên dưới thời vua Hêrôđê Agrippas I, vào khoảng năm 44 (SC): Thời kỳ ấy, vua Hêrôđê ra tay ngược đãi một số người trong Hội Thánh. Nhà vua đã cho chém đầu ông Giacôbê (Cv 12,1-2). Đây là thời kỳ bách hại dữ dội nhất trong suốt ba thế kỷ đầu và chỉ tạm lắng sau sắc chỉ Milan của hòang đế Constantinople vào năm 313.

6/ Thi hài của Thánh nhân được cải táng về Santiago De Compostela bên Tây Ban Nha, và nơi đây trở thành một trong những nơi hành hương nổi tiếng thời trung cổ, và là đền thánh đức tin cho toàn thể Châu Âu.

7/ Giacôbê được Chúa yêu thương cách riêng: Ngài là một trong ba vị được chứng kiến biến cố Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor, Ngài là một trong ba Tông Đồ cùng đi với Chúa Giêsu vào vườn Cây Dầu lúc khởi đầu cuộc Thương Khó.

8/ Bà mẹ của các con ông Giêbêđê cùng đến gặp Chúa Giêsu. Bà xin Chúa dành cho các con của bà hai chỗ ưu tiên trong nước vinh quang mà Ngài sắp đến. Chúa Giêsu quay sang hai anh em và hỏi họ có thể chia sẻ số phận với Người không? Và Chúa đề nghị họ uống chung chén với Người. Đây là một dấu chỉ của tình thân hữu. Cả hai người cùng đáp: “Thưa được”.

9/ Thánh Clementê thành Alexandria kể lại: Khi vị tông đồ nước Tây Ban Nha được điệu ra trước tòa xử, thần thái của Ngài liêm chính đến độ kẻ tố cáo Ngài sau đó đã đến xin Ngài tha lỗi. Thánh Giacôbê đã ôm hôn kẻ tố cáo mình, và nói: “Anh hãy bình an”. Hai người sau đó cùng được hưởng triều thiên tử đạo.

10/ Khi suy về cuộc đời thánh Giacôbê: Chúng ta được lợi khi nhìn thấy những khuyết điểm của thánh nhân, cũng như của các Tông Đồ khác. Các ngài thiếu can trường, thiếu khôn ngoan, cũng chẳng đơn sơ. Các ngài cũng ham hố, hiếu thắng, thích tranh cãi và thiếu đức tin. Tuy nhiên, thánh Giacôbê là vị Tông Đồ được tử đạo. Như thế, thì Thiên Chúa cũng có thể ban ơn phù trợ, cũng có thể thực hiện phép lạ nơi chúng ta như vậy .

11/ Ngày nay trên Thiên quốc, thánh Giacôbê ắt phải tri ân Thiên Chúa rất nhiều vì đã hướng dẫn thánh nhân đi con đường khác với con đường mà ngài đã mơ tưởng trước đó.

12/ Thiên Chúa là Đấng tốt lành, vô cùng khôn ngoan, và tràn  đầy yêu thương vượt quá trí hiểu của chúng ta. Trong nhiều trường hợp, Chúa không ban cho chúng ta những điều chúng ta xin (như thánh Giacôbê xin), nhưng lại ban những điều thích hợp và lợi ích nhất cho chúng ta.

13/ Thánh Gioan Kim Khẩu viết: Chúng ta hãy xem xét cách  Chúa Giêsu đặt câu hỏi với Thánh Giacôbê như một lời vừa mời gọi, vừa nói khích. Chúa không nói: “Ngươi có dám chịu đổ máu không?” Nhưng Chúa lại hỏi: ‘Ngươi có thể uống chén Ta sẽ uống hay không?”

14/ Chúa Giêsu gọi cuộc Khổ Nạn của chúa là phép rửa, để nhấn mạnh đến những đau khổ của Người, sẽ là nguyên nhân, là khởi đầu cho cuộc thanh tẩy toàn thể nhân loại. Chúa cũng đang mời gọi chúng ta. Chúa cũng khuyến khích chúng ta đừng đầu hàng, đừng chán nản khi những khuyết điểm, yếu đuối của mình quá lớn, quá rõ rệt. Nếu chúng ta đến với Chúa Giêsu để xin ơn trợ giúp, Chúa sẽ ban cho chúng ta ơn can đảm để tiếp tục trung thành với sứ mạng, vì Chúa luôn nhẫn nại và cho chúng ta có đủ thời gian cần thiết để cải thiện tính nết xấu và luyện tập nhân đức.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Thánh Giacôbê vinh dự là Tông Đồ đầu tiên chịu tử đạo, để làm chứng cho Tin Mừng. Xin Chúa ban cho con được ơn sức mạnh nhờ vào lời chuyển cầu của Thánh nhân, con sẽ luôn được ơn nâng đỡ, phù trì. Amen.

 

Bài cùng chuyên mục:

+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,905)

CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.

Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,084)

Thứ Bảy tuần 33 thường niên.

Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,686)

Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,397)

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.

Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,803)

Thứ Tư tuần 33 thường niên.

Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,798)

Thứ Ba tuần 33 thường niên.

Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,897)

Thứ Hai tuần 33 thường niên.

+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,140)

CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.

Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,570)

Thứ Bảy tuần 32 thường niên.

Thứ Sáu 15/11/2024 – Thứ Sáu tuần 32 thường niên. – Sống trong ngày của Chúa. (14/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,963)

Thứ Sáu tuần 32 thường niên.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7