Lời chúa mỗi ngày

Thứ Hai 11/12/2023 – Thứ Hai tuần 2 mùa vọng. – Chữa người bất toại và quyền tha tội.

  • In trang này
  • Lượt xem: 4,540
  • Ngày đăng: 10/12/2023 10:00:00

Chữa người bất toại và quyền tha tội.

11/12 – Thứ Hai tuần 2 mùa vọng.

"Hôm nay chúng tôi đã thấy những việc lạ lùng".

 

LỜI CHÚA: Lc 5, 17-26

Ngày ấy, Chúa Giêsu đang ngồi giảng, có cả những người biệt phái và tiến sĩ luật từ các làng mạc xứ Galilêa, xứ Giuđêa và Giêrusalem đến nghe Người, và Người dùng quyền lực của Thiên Chúa chữa nhiều người. Người ta khiêng một người bất toại đến, họ tìm cách vào nhà để đặt người bất toại trước mặt Người. Nhưng không tìm được lối vào, vì dân chúng quá đông, họ liền trèo lên sân thượng và thả người bất toại xuống giữa cử toạ trước mặt Chúa Giêsu. Thấy lòng tin của họ, Người nói: "Hỡi người kia, tội ngươi đã được tha!"

Các luật sĩ và biệt phái bắt đầu lý luận rằng: "Người này là ai mà dám nói phạm thượng? Trừ một mình Chúa, ai có quyền tha tội?" Chúa Giêsu biết rõ điều họ suy tính, liền nói với họ: "Sao các ngươi lại nghĩ trong lòng như vậy? Nói rằng: "Các tội của ngươi đã được tha", hay nói: "Ngươi hãy đứng dậy mà đi", đàng nào dễ hơn? Song (như thế là) để các ngươi biết Con Người có quyền tha tội ở dưới đất". Người nói với người bất toại rằng: "Ta bảo ngươi, hãy chỗi dậy vác giường về nhà".

Tức thì anh ta chỗi dậy vác giường đi về nhà và ca tụng Thiên Chúa. Ai nấy đều sợ hãi và ngợi khen Thiên Chúa; họ kinh sợ và nói: "Hôm nay chúng ta đã thấy những việc lạ lùng".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Đứng dậy mà đi

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ. )

Bệnh tật nơi thân xác con người

có thể tượng trưng cho một thứ bệnh tật nào đó nơi tinh thần.

Ít người mắc bệnh câm, nhưng ai cũng có kinh nghiệm về sự câm nín,

do sợ hãi của chính mình hay do bị đe dọa bắt phải im.

Ít người mắc bệnh điếc, nhưng lại có quá nhiều cuộc đối thoại

mà hai bên chẳng hiểu nhau, vì mất khả năng nghe.

Người mù không phải chỉ là người không thấy ánh mặt trời,

nhưng còn là người không dám thấy ánh sáng của sự thật,

không nhận ra hình ảnh người anh em nơi khuôn mặt kẻ thù.

Không phải ai cũng có bàn tay khô bại, không duỗi ra được,

nhưng ai cũng có lần thấy mình khó đưa tay ra để bắt tay người khác.

Đức Giêsu đã chữa cả thảy bao nhiêu bệnh nhân, chúng ta không biết.

Nhưng chắc Ngài đã không dừng lại ở việc chữa lành thân xác.

Ngài muốn một sự lành mạnh nơi toàn diện con người.

“Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai” (Is 35, 6).

Lời của ngôn sứ Isaia trong bài đọc 1 đã ứng nghiệm.

Khi anh bại liệt trỗi dậy, vác giường và đi một mạch về nhà,

chúng ta thấy niềm vui bừng tỏa trên khuôn mặt của anh và các bạn.

Cả gia đình của anh cũng sẽ ngập tràn hạnh phúc

khi thấy anh trở về, đi đứng như một người bình thường.

Nhưng có điều họ không nhận ra đó là chuyện anh được tha tội.

Đức Giêsu đã tha tội cho anh dù anh không xin,

vì điều anh quan tâm chỉ là sự bất toại thể lý.

Nhưng tâm hồn anh đã bước đi,

trước khi đôi chân anh đi được.

Sự trỗi dậy của anh là sự trỗi dậy của cả hồn lẫn xác.

Đức Giêsu có cơ hội để tỏ cho nhóm các luật sĩ và Pharisêu thấy

không nhất thiết phải đi gặp tư tế và dâng lễ đền tội mới được tha.

Chỉ bằng một lời nói đơn sơ và dễ dàng, Ngài có quyền ban ơn tha thứ.

Chính việc anh bất toại được chữa lành làm chứng về quyền năng này.

Ngược lại với thái độ tin tưởng táo bạo của anh bất toại và các bạn,

là thái độ thụ động ngồi của các luật sĩ và Pharisêu.

Họ cứng nhắc trong suy nghĩ truyền thống của mình:

chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể tha tội.

Họ không tin Đức Giêsu được chia sẻ quyền ấy từ Cha,

dù họ đã tận mắt thấy anh bất toại đi được.

Mùa Vọng là thời gian trỗi dậy, ra khỏi sự bất toại và bước đi.

Có những bệnh bất toại về mặt thiêng liêng,

khiến tôi không đến gần được Chúa, cũng không dám đến với anh em.

Có những bất toại về trí tuệ khiến tôi bị kẹt

trong những định kiến, thiên kiến, thành kiến,

không dám mở ra để đón nhận những sự thật bất ngờ và đáng sợ.

Có những bất toại về tình cảm khiến tim tôi như bị cầm tù,

không sao thoát khỏi được chuyện yêu ghét oán hờn dai dẳng.

Xin Giêsu giải phóng tôi, cho tôi khỏi bất toại, để tôi được tự do.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

sống cho Chúa thật là điều khó.

Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.

Chúa đòi con cho Chúa tất cả

để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.

Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa

để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.

Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà

để cây đời con sinh thêm hoa trái.

Chúa cương quyết chinh phục con

cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.

Xin cho con dám ra khỏi mình,

ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan

để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,

dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

Ước gì con cảm nghiệm được rằng

trước khi con tập sống cho Chúa

và thuộc về Chúa

thì Chúa đã sống cho con

và thuộc về con từ lâu. Amen.

 

Suy Niệm 2: Giêsu Thiên Chúa cứu độ

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Chúng ta đang mong chờ Chúa đến. Chúa đến mang theo ơn cứu độ. Tội lỗi giam hãm, trói buộc, khiến ta trở thành bại liệt không thể làm được điều mình muốn, què quặt không thể đi đàng lành, đui mù không nhìn thấy chân lý, điếc lác không nghe được Lời Chúa. Tội lỗi tàn phá khiến thiên nhiên thành sa mạc chẳng còn cây cỏ xanh tươi, đất đai trở thành khô cằn không còn trổ sinh hoa trái, ruộng vườn trở thành sỏi đá chẳng còn hoa mầu tươi tốt. Tội lỗi làm cho thế giới nhiễu nhương, khiến cho kẻ ác ức hiếp người lành, kẻ giầu bóc lột người nghèo, kẻ mạnh đàn áp kẻ yếu. Thế giới tội lỗi là thế giới què quặt, tàn lụi, tự hủy diệt. Chỉ có Chúa mới có thể đem ơn cứu độ. Vì chỉ có Chúa mới có ơn tha tội.

Bài Tin mừng và bài Sách Thánh cho ta thấy, Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ đến giải thoát ta khỏi tội lỗi khi tha tội cho ta, giải thoát ta khỏi tội lỗi trói buộc, cho ta khỏi bị tê liệt, có thể đứng thẳng lên, sống tự do, khỏe mạnh để có thể làm việc lành. Được Chúa hướng dẫn, mắt ta mở ra nhìn thấy chân lý, tai ta nghe được những tiếng gọi thanh cao, chân ta thẳng đường đi trên đường ngay nẻo chính, miệng ta vang lời ca tụng Thiên Chúa.

Được ơn cứu độ không chỉ con người phấn khởi mà cả thiên nhiên cũng reo mừng. Sa mạc khô cằn trở thành phì nhiêu mầu mỡ cho cỏ cây xanh tốt, hoa lá xinh tươi. “Và đất chúng ta trổ sinh hoa trái”.

Được ơn hoán cải, thú dữ sẽ trở nên hiền lành, người ác sẽ hoàn lương, mọi người đi trên đường hạnh phúc tiến về Nhà Chúa vì Chúa đã mở ra thánh lộ.

Được ơn cứu độ, ta sẽ không còn phải khóc lóc than van, nhưng sẽ reo vui hớn hở vì những ngày đau khổ đã qua.

Lạy Chúa, thế giới còn chìm trong đau khổ vì cái ác vẫn hoành hành. Bản thân con muốn làm điều lành nhưng con như bị tê liệt chỉ biết làm điều ác. Cuộc sống con thật khô tàn héo úa. Tâm hồn con là một sa mạc thiếu vắng sự sống. Xin Chúa mau đến giải thoát con khỏi tội lỗi, đem đến giòng nước trong lành tưới cho linh hồn con để linh hồn con trổ sinh hoa trái. Xin mau đến hoán cải để thế giới không còn cái ác, để mọi người sống với nhau trong tình huynh đệ chân thành.

 

Suy Niệm 3: Tâm hồn bình an.

Một buổi sáng tháng 7/1971, tại một thành phố bên Hoa kỳ, một người đàn ông đã đến nộp mình tại một trạm cảnh sát gần nhà. Ông thú nhận đã giết một người đàn bà cách đó 21 năm. Ông cho biết trong 21 năm qua, ông không bao giờ chợp mắt được mỗi khi màn đêm phủ xuống. Ông nói: “Chỉ vì một phút say sưa, tôi đã biến 21 năm qua thành một cơn ác mộng. Giờ đây sau khi thú nhận tội lỗi, tôi cảm thấy thanh thản trong lương tâm, tôi cảm thấy như được tái sinh”.

Những câu chuyện nộp mình và thú nhận tội lỗi như trên đây không phải là chuyện hiếm có trong lịch sử nhân loại. Riêng với người Kitô hữu, đó là một phần của cuộc sống đức tin. Trong những cao điểm của năm phụng vụ, lời nhắc nhở của Giáo Hội về nghĩa vụ này lại càng tha thiết hơn. Đặc biệt mỗi khi Mùa Vọng về, Giáo Hội khẩn khoản kêu mời chúng ta chuẩn bị tâm hồn đón Chúa Giáng sinh, Chúa của Hòa bình. Làm sao chúng ta cảm nhận được bình an trong tâm hồn, nếu tội lỗi vẫn còn đè nặng lương tâm của chúng ta?

Có lẽ, vì muốn nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết của Bí tích giao hòa, mà hôm nay Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe việc Chúa Giêsu chữa lành một người bất toại. “Này anh, tôi anh đã được tha rồi”. Lời khẳng quyết của Chúa Giêsu với người bất toại cho chúng ta thấy được ý nghĩa đích thực của niềm tin được tuyên xưng bởi chính miệng anh và đám đông khiêng anh đến trước mặt Chúa. Thật thế, tuyên xưng niềm tin trước tiên là nhìn nhận thân phận tội lỗi bất toàn của mình. Ngày nay, nhiều người đã có lý để liên kết cơn khủng hoảng đức tin với việc đánh mất ý thức tội lỗi. Quả thực khi con người không còn ý thức về tội lỗi nữa, thì điều đó cũng có nghĩa là trong sâu thẳm của tâm hồn, con người cũng không còn cảm nhận được mối liên kết của mình với Thiên Chúa nữa. Đánh mất ý thức về tội lỗi cũng có nghĩa là gạt bỏ Thiên Chúa và chối bỏ những giá trị siêu việt trong cuộc sống.

Tuyên xưng đức tin không những là nhận ra thân phận tội lỗi, bất toàn của mình, nhưng còn là nhìn nhận quyền năng cứu rỗi của Thiên Chúa. Chỉ một mình Thiên Chúa Đấng tạo dựng con người mới có thể tái tạo, nghĩa là tha thứ cho con người. Tha thứ đối với con người là tái lập một quan hệ đã bị phá vỡ. Còn đối với Thiên Chúa, tha thứ chính là tái tạo, là ban lại một sức sống mới đã bị đánh mất. Quyền năng tái tạo ấy của Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã muốn thể hiện qua các phép lạ của Ngài, nhất là các phép lạ chữa bệnh tật con người. Qua các phép lạ ấy, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể tha thứ cho con người, chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể tái tạo con người. Đó là lý do tại sao trong phép lạ chữa người bất toại, Ngài đã nói đến hành động tha thứ của Thiên Chúa.

Được Thiên Chúa tha thứ, được Thiên Chúa cứu rỗi, được Thiên Chúa tái tạo để biến thành một tạo vật mới, đó là sứ điệp quan trọng nhất mà Chúa Giêsu đã mang đến cho con người. Ngày nay, qua Giáo Hội, Chúa Giêsu cũng không ngừng nói với chúng ta sứ điệp ấy. Qua Giáo Hội, Ngài không ngừng nói với chúng ta như Ngài đã từng nói với các bệnh nhân và những người tội lỗi đương thời của Ngài: “Hãy can đảm lên, tôi con đã được tha”. “Ta cũng không kết án con”.

Mùa Vọng, tâm hồn chúng ta cảm thấy rạo rực hân hoan vì bầu khí chuẩn bị mừng Chúa Giáng sinh. Những chuẩn bị bên ngoài là cần thiết để gợi lên cho chúng ta ý nghĩa đích thực của Lễ Giáng sinh. Chúa Giêsu đã Giáng sinh là để chúng ta được sinh lại, được tái sinh. Chúng ta cần được Ngài tha thứ và tái tạo, do đó không có chuẩn bị nào cần thiết hơn là đến với Ngài trong Bí tích giải tội để được ơn tha thứ.

Vào cuối đời, Đức Gioan XXIII đã ghi lại trong nhật ký của Ngài: “Có hai ngõ dẫn chúng ta vào thiên đàng: một là tấm lòng trong sạch, hai là sự thống hối. Là những con người yếu đuối mỏng dòn, không ai trong chúng ta dám nghĩ đến ngõ thứ nhất, tuy nhiên chúng ta có thể tin chắc vào ngõ thứ hai, Chúa Giêsu đã đi qua ngõ ấy”. Ngài đã mang lấy Thập giá để đền bù tội lỗi chúng ta và mời gọi chúng ta bước theo Ngài. Nhưng theo Ngài cũng có nghĩa là sám hối, chấp nhận mỗi ngày cần được thanh tẩy thêm.

Ước gì Bí tích giải tội mà chúng ta sốt sắng lãnh nhận trong mùa vọng này đem lại cho chúng ta bình an đích thực, bình an mà các Thiên thần loan báo trong đêm Giáng sinh:

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,

Bình an dưới thế cho người thiện tâm”

 

Suy Niệm 4: Vì ghen tức mà trở thành bất nhân

Ghen ăn tức ở hay không ăn được thì đạp đổ vốn là thói xấu thường trực trong xã hội mọi thời. Bởi vậy, chúng ta không lạ gì vào thời Đức Giêsu, tình trạng này lại càng rõ nét nơi những người Pharisiêu và các Luật sĩ khi họ thấy Đức Giêsu được lòng dân và uy tín của Ngài ngày càng lan rộng. Vì thế, họ sinh ra căm phẫn và tức tối, nên muốn loại bỏ Đức Giêsu ra khỏi cuộc sống và xã hội.

Tuy nhiên, họ khó lòng kết tội cho Đức Giêsu khi Ngài làm việc thiện, việc tốt hay đứng lên bảo vệ công lý, công bình, giúp đỡ người nghèo, người không nơi nương tựa ... . Bởi lẽ, nếu họ chống đối ra mặt những việc Đức Giêsu đã làm trên thì họ sẽ bị dân chúng phản đối và đương nhiên, khuôn mặt giả hình nhân đức của họ bị bại lộ. Như thế, hoàn toàn không có lợi cho bản thân và mưu kế của những người này. Chỉ có một cách là họ ghép Đức Giêsu vào tội lộng ngôn hay phản động thì sẽ dễ dàng hơn.

Thua keo này, họ bày keo khác…. Và, hôm nay là cơ hội để họ thực thi điều ác tâm đó với Đức Giêsu.

Tin Mừng thuật lại câu chuyện Đức Giêsu chữa người bất toại cách công khai và nhân đây Ngài cũng mặc khải Thiên Tính của mình khi nói: "Hỡi người kia, tội ngươi đã được tha!". Khi nói như thế, Đức Giêsu bị những nhà lãnh đạo tôn giáo kết án Ngài nói lộng ngôn vì tự cho mình ngang hàng với Thiên Chúa khi tha tội cho người ta. Theo quan niệm của người Dothái thì những người mắc bệnh tật là do bị Thiên Chúa phạt vì tội lỗi của họ. Và đương nhiên, chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Khi họ không tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, thì hẳn là họ phủ nhận quyền tha tội của Ngài, như thế, họ có lý do để loại trừ Đức Giêsu bằng cái chết.

Về phía Đức Giêsu: khi Ngài bày tỏ uy quyền của mình bằng việc tha tội, ngay lập tức, người bất toại được lành, điều này cho thấy quyền năng và lòng thương xót của Đức Giêsu đã chứng minh sứ vụ Thiên Sai Con Thiên Chúa nơi Ngài, Ngài đến là để cứu chữa và ban ơn cứu độ cho mọi người.

Mặt khác, niềm tin của những người khiêng anh bại liệt cũng như niềm tin của chính người bại liệt đã để lại cho chúng ta bài học:

Tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa, vì Ngài làm được mọi chuyện và Ngài biết điều gì tốt nhất cho ơn cứu độ của ta thì Ngài sẽ ban ơn.

Đức tin cần phải đi đôi với việc làm. Nếu người bại liệt đã tin vào Chúa, và khi được giải phóng khỏi tội lỗi là quyền lực của Ma Quỷ, anh ta đã cất tiếng ngợi ca Thiên Chúa, thì chúng ta, khi cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa trên cuộc đời, hãy có tâm tình tạ ơn.

Đức tin cần được biểu lộ qua đức ái. Vì thế, noi gương những người Dothái khi xưa, hãy sẵn sàng giúp đỡ những người nghèo đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta. Nhất là những người cô thế, cô thân, để tăng thêm niềm tin nơi họ ngang qua những việc thiện chúng ta làm.

Tránh những kiểu kỳ thị như những người Pharisiêu và Luật sĩ. Đừng vì ích kỷ hay hình thức bề ngoài mà ngăn cản ơn Chúa đến với mọi người, cũng như căm tức những người vì lòng tốt mà làm được nhiều việc thiện hơn ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con ơn đức tin để chúng con biết tin tưởng vào Chúa. Xin cũng cho chúng con luôn biết tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh và sống đức ái với nhau cách chân tình. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 5: Chúa Giêsu chữa người bất toại

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Người ta đã khiêng người bại liệt đến cùng Chúa Giêsu. Họ dỡ ngói và thả người ấy xuống. Thấy họ có lòng tin, Chúa Giêsu đã tỏ dấu yêu thương người bại liệt ấy. Chúa vẫn hằng sống, Ngài sẵn sàng tỏ dấu yêu thương chúng ta.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con đến với Chúa đem theo những người thân trong gia đình. Con đến với Chúa đem theo mọi người trên thế giới: những con người mỏng dòn và đầy khuyết điểm. Con đang rẽ qua các lo toan, qua các công việc, qua mọi cảnh huống, qua cả những mệt nhọc sau một ngày lao động, và qua cả những khuynh hướng muốn an nhàn nghỉ ngơi thoải mái, con rẽ qua và cố gắng vượt mọi khó khăn để đến với Chúa. Con biết Chúa đến không phải vì mục đích trần tục, vật chất, nhưng vì yêu chúng con và muốn giải thoát chúng con khỏi chứng bại liệt thiêng liêng, khỏi những tính hư tật xấu. Như Chúa đã tha tội cho người bại liệt, thì xin Chúa cũng thương tha thứ những yếu đuối của con và những người con yêu mến.

Chính vì Chúa nhìn thấy tình thương và lòng tin của những người khiêng, mà Chúa đã làm cho người bại liệt được khỏi. Con cũng muốn thực sự yêu thương và hy sinh giúp đỡ, để đưa người khác đến với Chúa. Xin Chúa giúp con.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến để tỏ cho con biết bộ mặt thật của Thiên Chúa: bộ mặt “Yêu thương tha thứ” chứ không phải bộ mặt hình sự hay bộ mặt kết án. Ngày ngày biết bao người thuộc mọi lứa tuổi và bậc sống hằng được Chúa cho “chỗi dậy” nhờ quyền năng vô hình của ân sủng cứu độ. Xin cho con luôn biết tin tưởng và đầy lòng thống hối mà đến cùng Chúa. Amen.

Ghi nhớ: ”Hôm nay chúng tôi đã thấy những việc lạ lùng”.

 

Suy Niệm 6: Chúa chữa người bất toại

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Đang lúc Đức Giêsu ngồi giảng dạy trong nhà, người ta khiêng một người bất toại đến. Vì dân chúng quá đông, họ không khiêng vào được đã dỡ ngói mái nhà rồi thòng chiếc chõng người bệnh xuống trước mặt Người. Chúa thấy họ có lòng tin mạnh mẽ như thế nên nói với người bệnh: ”Này anh, anh đã được tha tội rồi”.  Nhóm biệt phái và luật sĩ không tin nhận Người là Thiên Chúa nên cho lời nói đó là phạm thượng, vì chỉ có mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Để chứng tỏ mình là Thiên Chúa có quyền tha tội. Chúa bảo người bất toại chỗi dậy vác giường mà về, tức thì anh chỗi dậy vác chõng ra về trước sự kinh ngạc của mọi người.

2. Bệnh bất toại hay bại liệt thường do đứt hay tắc mạch máu não do những chứng áp huyết cao, đau màng óc, chấn thương sọ não, sưng bướu óc, sưng cơ tim, kinh phong hay do vi khuẩn phá hủy  tủy sống. Y học ngày nay có thể giải phẫu để nối mạch máu, lấy bướu máu, chạy điện trị liệu vật lý để chữa bệnh tê liệt nhẹ. Đối với chứng bất toại nặng thì khoa học hoản toàn bất lực. Hiện nay có nhiều người bán thân bất toại hay bất toại hoàn toàn chỉ còn chờ chết thôi.

3. Đức Giêsu cũng tỏ lòng trắc ẩn đối với những bệnh nhân ấy nên đã chữa lành cho một người bị bại liệt. Nhưng cách chữa bệnh của Ngài hôm nay hơi khác thường: thay vì chữa bệnh như thường lệ, Ngài lại tha tội cho bệnh nhân trước rồi mới chữa bệnh sau. Việc làm này khiến các luật sĩ và biệt phái rất tức giận.

Tuy nhiên, Đức Giêsu làm như thế là ngầm bảo họ rằng Ngài có quyền tha tội vì Ngài là Thiên Chúa. Việc làm này cũng nhắc nhở chúng ta  phải chữa bệnh bại liệt tâm hồn . Phải chú trọng đến sứ khỏe phần hồn hơn phần xác.

4. Ai cũng biết bại liệt là bất lực, vừa là nỗi khổ cho chính mình vừa là gánh nặng cho thân nhân. Chắc chắn Đức Giêsu thấy nơi người bại liệt nỗi đau khổ về thể xác.  Nhưng tại sao câu đầu tiên Ngài nói với anh ta là lời tha tội? Anh ta có tội gì chăng nên mới bị bại liệt như vậy? Người Do thái vẫn có quan niệm như thế: bệnh tật là hậu quả của tội lỗi. Ai mắc bệnh là người có tội, trường hợp của ông Gióp đã nói lên điều đó. Bệnh càng nặng tức là lỗi càng nhiều, và càng nặng thì bệnh càng phát ra bên ngoài tương xứng.

Chắc chắn là Đức Giêsu không đồng ý với quan niệm này.  Nhưng chỉ sau này người ta mới tìm ra mầu nhiệm của đau khổ và bệnh tật. Tội lỗi và bệnh tật là hai vấn đề riêng biệt, không liên can gì với nhau; bởi vì có người vừa có bệnh vừa có tội, có người bệnh mà không có tội, có người có tội mà không bệnh. Cho nên khi Chúa nói: “Tội con được tha rồi” là Chúa muốn minh chứng Ngài là Thiên Chúa, Ngài có quyền tha tội.

5. Hành động của những người thân của người bại liệt đáng để mỗi Kitô hữu suy nghĩ trong Mùa Vọng này. Họ yêu thương người thân của mình, dù con người ấy không có khả năng hoạt động. Họ tìm cách cứu chữa, không thất vọng, mà công việc ấy chẳng phải dễ dàng. Đám đông không còn là trở ngại không thể vượt qua, bởi tình yêu giúp họ thêm sáng kiến, mở lối đưa người thân của mình đến cùng Đấng Chữa Lành. Dĩ nhiên, Chúa vẫn luôn đòi hỏi người được chữa lành phải có đức tin. Nhưng ở đây, đức tin của những người thân và sự phục vụ đầy yêu thương của họ  nâng đỡ đức tin yếu ớt và làm sống lại niềm hy vọng nơi con người bị bệnh tật chôn vùi trong nhiều năm tháng. Những người thân của anh đã giúp anh gặp lại được Đức Giêsu (5 phút Lời Chúa).

6. Qua phép lạ này, chúng ta thấy Chúa thường đáp lại lòng tin và lòng bác ái của người đến kêu xin như Ngài thường nói: “Đức tin của con đã chữa con”.  Hôm nay chúng ta phải chân nhận rằng: những người khiêng người bại liệt có lòng tin sâu sắc, lòng tin ấy được biểu lộ qua lòng bác ái chân thật, một tình thương sáng ngời, những việc làm của họ có sức lay động cả trái tim của Đức Giêsu. Và kết quả hết sức tốt đẹp như Tin Mừng hôm nay đã trình bầy cho thấy.

7. Truyện: Phép lạ ở Lộ Đức

Serge Francois mắc chứng thoát vị đệm (hernia) từ nhiều năm và được giải phẫu hai lần, khiến cho chân trái gần như hoàn toàn tê liệt. Ngày 12/4/2002, ông đến hang đá Massabielle tại Lộ Đức để cầu nguyện. Ông đã bị một cơn đau khủng khiếp khiến ông tưởng như sắp chết. Sau những giây phút cầu nguyện chỉ vài phút sau đó, cơn đau đã nhường chỗ cho một cảm giác khỏe khoắn và ấm áp. Chân trái ông hết đau và từ từ cử động được.

Ngày 01/12/2008, sau nhiều năm nghiên cứu hồ sơ, Ủy ban Khoa học quốc tế trung tâm hành hương Lộ Đức, gồm khoảng 20 bác sĩ (có cả thành viên không Công giáo và vô thần), nhìn nhận rằng việc khỏi bệnh của Francois không thể giải thích được về mặt y khoa, vì diễn ra bất ngờ, toàn diện và lâu bền  mà không qua bất cứ  một trị liệu y khoa.

Thiên Chúa chọn Lộ Đức để biểu lộ tình thương của Ngài qua trung gian nhờ lời cầu bầu của Đức Mẹ. Qua đó, Ngài đã bầy tỏ vinh quang cho nhân loại, khi chữa lành nhiều bệnh tật của nhiều anh chị em được đem đến Lộ Đức.

 

Suy Niệm 7: Chúa Giêsu chữa người bại liệt

(Lm Carôlô Hồ Bắc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống ... )

Đoạn Tin mừng này tường thuật phép lạ của Chúa Giêsu chữa một người bại liệt:

- Người bại liệt này gặp rất nhiều cản trở khiến khó mà tới gần được Chúa Giêsu: liệt không đi được, thân nhân khiêng thì bị đám đông dầy quá không vào nhà được. Nhưng thân nhân anh đã giúp anh vượt qua tất cả những cản trở đó: khiêng anh trên chõng, leo lên gỡ mái nhà, thòng anh xuống. Chúa Giêsu đánh giá những cố gắng ấy là những thể hiện của lòng tin.

- Trước khi chữa bệnh, Chúa Giêsu tha tội: vì theo Ngài, tội còn nguy hại hơn bệnh tật phần xác nữa.

- Mà vì tha tội là độc quyền của Thiên Chúa, cho nên việc này cũng chứng minh Đức Giêsu là Thiên Chúa.

B. Suy niệm ( ... nẩy mầm)

1. Một buổi sáng tháng 7/1971, tại một thành phố bên Hoa Kỳ, một người đàn ông đến nộp mình tại một trạm cảnh sát gần nhà. Ông thú nhận đã giết một người đàn bà cách đó 21 năm. Ông cho biết trong 21 năm qua, ông không bao giờ chợp mắt được mỗi khi màn đêm phủ xuống. Ông nói: “Chỉ vì một phút say sưa, tôi đã biến 21 năm qua thành một cơn ác mộng. Giờ đây sau khi thú nhận tội lỗi, tôi cảm thấy thanh thản trong lương tâm. Tôi cảm thấy như được tái sinh”.

Những câu chuyện nộp mình và thú nhận tội lỗi như trên đây không phải là chuyện hiếm có trong lịch sử nhân loại. Riêng với người Kitô hữu, đó là một phần của cuộc sống đức tin. Trong những cao điểm của năm phụng vụ, lời nhắc nhở của Giáo Hội về ý nghĩa này lại càng tha thiết hơn. Đặc biệt mỗi khi Mùa Vọng về, Giáo Hội khẩn kêu mời chúng ta chuẩn bị tâm hồn đón Chúa giáng sinh, Chúa của hoà bình. Làm sao chúng ta cảm nhận được bình an tâm hồn, nếu tội lỗi vẫn còn đè nặng lương tâm của chúng ta? ("Mỗi ngày một tin vui") 

2. Tội lỗi làm hại con người hơn bệnh tật phần xác. Thế mà khi mắc bệnh, tôi rất lo lắng và tìm đủ cách để chữa trị; còn khi có tội, tôi không mấy quan tâm sám hối để được tha.

3. Có lẽ câu chuyện này cũng muốn nói rằng tội lỗi làm cho người ta bị bại liệt. Mà thật vậy, chẳng hạn tội ích kỷ khiến người ta bại liệt không đến được với tha nhân, tội ham mê vật chất khiến người ta bị bại liệt phần tinh thần, tội xác thịt làm bại liệt phần thần khí v. v.

4. “Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giêsu bảo: “Này anh, anh đã được tha tội rồi” (Lc 5,20)

Trên đường về nhà, tôi đã nhìn thấy những người không nhà, không cửa, không cơm ăn áo mặc, nhưng vẫn vui tươi, lạc quan và hy vọng. Còn tôi, có đủ mọi thứ cho một cuộc sống hạnh phúc, vậy mà cứ trách mình, cứ như một kẻ bất đắc chí. Gặp khó khăn là chán nản buông xuôi, và lòng tin cũng chẳng còn. Tôi ngày càng xa Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho con, để con có thể đến với Chúa với niềm hân hoan và vượt mọi thử thách với lòng dũng cảm (Epphata).

 

Suy Niệm 8: Chúa Giêsu tha tội trước khi chữa bệnh

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Chúa Giêsu tha tội trước khi chữa cho người bại liệt được khỏi vì theo Chúa tội lỗi cũng là một thứ bệnh. Hơn nữa, nó còn là một thứ bệnh nguy hiểm, nhiều khi còn nguy hiểm hơn cả bệnh phần xác. Lý do vì tội làm cho con người phải xa lìa Thiên Chúa nên không thể có hạnh phúc.

Tờ New York Times ngày 17. 3. 1994 có đăng câu chuyện có thật của một phạm nhân tên là Ricardo Caputo như sau:

Ông ta là một tội phạm nghiêm trọng của tòa án liên bang. Ông đã cưới và ăn ở với 4 người vợ trong suốt 20 năm trời và đặc biệt là ông đã giết chết cả bốn người vợ đó. Rồi bằng nhiều thủ đoạn khéo léo, ông đã trốn thoát khỏi tất cả những mạng lưới bao vây lùng bắt của pháp luật. Tuy nhiên, sau 20 năm, ông ta đã tự ra đầu thú tại sở cảnh sát Mineola, New York. Bởi vì lương tâm ông cắn rứt làm ông không thể chịu nổi. Khi đầu thú, ông cho biết, ông thà bị giam cầm trong ngục còn sướng hơn bị lương tâm cắn rứt và tội lỗi dày vò.

Những câu chuyện như thế này không thiếu. Có thể nói là có rất nhiều.

2. Tin Mừng thuật lại: khi Chúa Giêsu thấy lòng tin của họ (nghĩa là lòng tin của những người đưa người bất toại đến với Chúa), Người đã làm phép lạ. Không có chi tiết cụ thể nào đề cập đến lòng tin của người bại liệt mà chỉ thấy nói đến lòng tin của những người bạn của anh ta. Họ đã khắc phục những trở ngại tưởng chừng như không thể vượt qua. Họ đã gan lì, đã thắng vượt mọi trở ngại bằng sự quyết tâm. Điều quan trọng là làm sao cho người bạn của họ được gặp Đức Giêsu. Họ đã sử dụng mọi phương tiện có trong tầm tay để cuộc gặp gỡ ấy được diễn ra.

Vâng, đó là lòng bác ái hết sức đặc biệt, một tình thương rất sáng ngời, những việc làm có sức lay động được cả trái tim của Chúa. Và kết quả tốt đẹp như thế nào thì Tin Mừng đã cho chúng ta hay.

Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta cũng có được tấm lòng biết quan tâm đến những người khác chung quanh chúng ta, nhất là những người cần đến sự giúp đỡ của chúng ta như những người tốt bụng trong Tin Mừng hôm nay.

Xin được trích ra đây một câu chuyện có thực lấy từ Internet để mọi người chúng ta cùng suy nghĩ.

Tại một phòng cấp cứu khoa tim mạch, người ta mới chuyển đến một gã đàn ông tóc dài, râu tua tủa, vừa dơ bẩn vừa béo ị một cách bệnh tật. Ông khoác hờ hững một chiếc áo jacket bằng da đã cáu bẩn và rách tươm. Toàn thân ông toát ra mùi nồng nặc của rượu và mồ hôi, và nhất là cái mùi của những bãi rác mà ông thường lê la ở đó.

Thoạt nhìn thấy ông được đẩy vào phòng, những nữ y tá đã giật mình và bối rối nhìn nhau. Và dường như những y tá đang muốn nói với nhau qua ánh mắt của mỗi người:

- Không, tôi không muốn chăm sóc người này.

 Họ lấm la lấm lét nhìn Bonnie, người y tá trưởng vốn nổi tiếng nghiêm khắc và nguyên tắc. Ai cũng sợ bị phân công tắm rửa cho người đàn ông mới được chuyển vào. Bonnie nhìn quanh một lượt rồi quyết định một điều mà không ai có thể nghĩ đến: - Đây sẽ là bệnh nhân của tôi.

Bonnie nhanh nhẹn mang găng tay cao su và một mình chuẩn bị xà phòng, thuốc sát trùng, dao cạo ...

Dịu dàng và dè dặt, Bonnie vừa tẩy rửa, vừa giúp người đàn ông đáng thương này. Cô nhẹ nhàng nói:

- Vào những ngày lễ chúng tôi rất bận. Nhiều khi việc vệ sinh cho các bệnh nhân cũng được làm qua loa. Ông hãy thư giãn cơ thể và cảm nhận làn nước mát này. Nó sẽ làm ông cảm thấy dễ chịu vì bệnh viện là nơi làm cho người ta thấy yêu cuộc sống hơn.

Thân thể người đàn ông đầy những vết sẹo nham nhở. Có thể ông đã nghiện rượu, nghiện ma tuý, đã từng tham gia trong các băng đảng ... Bonnie vừa chùi rửa vừa cầu nguyện cho một linh hồn bị vùi dập trong cuộc đời khắc nghiệt.

Công đoạn cuối cùng của Bonnie là xoa sữa làm ấm cơ thể và thoa phấn trẻ em lên người bệnh nhân. Ngược với vóc dáng dữ tợn, khi úp mặt vào gối để được xoa bóp ở lưng, người đàn ông không giấu được sự cảm động. Ông tấm tức khóc. Khi quay lại, đột nhiên ông ta nhìn Bonnie với một ánh mắt xanh lơ đẹp kỳ dị:

- Cám ơn cô. Đã lâu lắm rồi, không có ai chạm vào người tôi một cách dịu dàng thế này! Dường như trái tim tôi cũng đang liền sẹo!

Mẹ Têrêsa đã có lần nói: "Nghèo khó, không chỉ là đói ăn thiếu mặc, mà còn là sự cô độc và thiếu tình thương. "

Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho con, để chúng con có thể đến với những anh em của chúng con vì biết rằng, làm như thế là chúng con làm vui lòng Chúa, là chúng con góp phần làm nên những phép lạ cho cuộc sống này và làm như thế là làm cho trái tim của chúng con được trở nên giống trái tim Chúa hơn. Amen.

 

Bài cùng chuyên mục:

Thứ Năm 28/11/2024 – Thứ Năm tuần 34 thường niên. – Giờ cứu rỗi gần đến. (27/11/2024 10:00:00 - Xem: 260)

Thứ Năm tuần 34 thường niên.

Thứ Tư 27/11/2024 – Thứ Tư tuần 34 thường niên. – Làm chứng về Chúa. (26/11/2024 10:00:00 - Xem: 2,469)

Thứ Tư tuần 34 thường niên.

Thứ Ba 26/11/2024 – Thứ Ba tuần 34 thường niên.– Gắn bó với Chúa từng giây phút. (25/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,488)

Thứ Ba tuần 34 thường niên.

Thứ Hai 25/11/2024 – Thứ Hai tuần 34 thường niên – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (24/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,524)

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam.

+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 7,376)

CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.

Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,367)

Thứ Bảy tuần 33 thường niên.

Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,908)

Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,511)

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.

Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,853)

Thứ Tư tuần 33 thường niên.

Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,834)

Thứ Ba tuần 33 thường niên.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7