Lời chúa mỗi ngày

Thứ Hai 04/04/2022 – Thứ Hai tuần 5 mùa Chay. – Khủng hoảng niềm tin.

  • In trang này
  • Lượt xem: 7,973
  • Ngày đăng: 03/04/2022 08:00:00

 Khủng hoảng niềm tin.

04/04 – Thứ Hai tuần 5 mùa Chay năm C.

"Ta là sự sáng thế gian".

  

Lời Chúa: Ga 8, 12-20

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với những người biệt phái rằng: "Ta là sự sáng thế gian. Ai theo Ta sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ có ánh sáng ban sự sống".

Những người biệt phái nói: "Ông tự làm chứng cho mình, nên chứng của ông không xác thực".

Chúa Giêsu trả lời: "Cho dầu Ta tự làm chứng về Ta, thì chứng của Ta cũng xác thực, vì Ta biết rõ Ta từ đâu tới và đi về đâu. Còn các ông, các ông không biết Ta từ đâu tới, cũng chẳng biết Ta đi đâu. Các ông đoán xét theo xác thịt; còn Ta, Ta không đoán xét ai. Hoặc nếu Ta có đoán xét, thì sự đoán xét của Ta cũng xác thực, bởi vì không phải chỉ có mình Ta, nhưng còn có Cha Ta là Đấng đã sai Ta. Vả lại trong luật của các ông có ghi: Chứng của hai người thì xác thực. Ta tự làm chứng về Ta, và Đấng đã sai Ta, là Chúa Cha, cũng làm chứng cho Ta nữa".

Họ nói: "Cha của ông đâu?" Chúa Giêsu trả lời: "Các ông không biết Ta, cũng chẳng biết Cha Ta. Nếu các ông biết Ta thì cũng sẽ biết Cha Ta".

Chúa Giêsu nói những lời trên gần nơi để Kho Tiền, khi Người giảng dạy trong đền thờ. Thế mà không ai bắt Người, vì chưa đến giờ Người.

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Tôi là ánh sáng của thế giới

(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu thường dùng lối nói “Tôi-là”

để long trọng khẳng định mình.

Sau đó, đôi khi Đức Giêsu còn đưa ra một lời mời, một lời hứa.

“Tôi là Bánh ban sự sống. Ai đến với tôi sẽ không hề đói,

Ai tin vào tôi sẽ không hề khát bao giờ” (6:35).

“Tôi là Cửa. Ai qua tôi mà vào, người ấy sẽ được cứu thoát” (10, 9).

“Tôi là sự Sống lại và là sự Sống. Ai tin vào tôi thì dù có chết cũng sẽ sống;

và ai sống và tin vào tôi sẽ không chết bao giờ” (11, 25-26).

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu long trọng tuyên bố:

“Tôi là Ánh sáng của thế giới. Ai theo tôi sẽ không đi trong bóng tối,

nhưng sẽ có ánh sáng ban sự sống” (8, 12).

Đức Giêsu là Ngôi Lời nhập thể,

là Ánh sáng đến trong thế gian để chiếu soi mọi người (1, 9).

Ngài không phải chỉ là một ngọn đèn đứng yên một chỗ,

nhưng Ngài là nguồn sáng di động, lôi kéo nhân loại đi theo.

Đi theo Ngài là bước vào cuộc hành trình dẫn đến sự sống viên mãn.

Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy tin vào Ngài để được biến đổi:

“Hãy tin vào ánh sáng để anh em trở thành con cái ánh sáng” (12, 36).

Những người Pharisêu không tin Đức Giêsu.

Có một tranh luận căng thẳng giữa đôi bên.

Họ bảo lời chứng của Ngài cho chính mình là vô giá trị.

Thật ra Đức Giêsu không làm chứng một mình.

“Chúa Cha là Đấng đã sai tôi cũng làm chứng cho tôi” (8, 18).

Ngài cũng không phán xét một mình,

nhưng phán xét cùng với Đấng đã sai Ngài (8, 16).

Đức Giêsu gắn bó chặt chẽ với Thiên Chúa Cha.

“Tôi biết tôi đã từ đâu đến và tôi đi đâu” (8, 14).

Ngài đến từ Cha, và Ngài sẽ trở về với Cha.

Cha vừa là khởi điểm, vừa là kết điểm của đời Đức Giêsu.

Nhưng các người Pharisêu không được biết mầu nhiệm này.

Họ không hiểu được tương quan thân thiết và độc đáo

giữa Đức Giêsu với Thiên Chúa như Con đối với Cha.

“Các ông không biết tôi, cũng chẳng biết Cha tôi.

Nếu các ông biết tôi, thì hẳn cũng biết Cha tôi” (8, 19).

Chính vì thế họ coi những lời của Đức Giêsu là phạm thượng.

Khi đến giờ, họ sẽ tìm cách bắt và giết Ngài (8, 20).

Khi kính nhớ cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Chúa,

Chúng ta cảm nghiệm được mãnh lực gớm ghê của bóng tối,

và sức mạnh của những người chuộng bóng tối hơn ánh sáng (3, 19).

Nhưng cuối cùng, Ánh sáng mới là người chiến thắng.

Chuẩn bị mừng lễ Phục sinh là chọn đứng hẳn về phía Đức Kitô,

là trục xuất khỏi đời mình mọi bóng tối, và cả những bóng mờ dày đặc.

Xin Ánh sáng của Đức Kitô phục sinh bắt đầu bừng lên trong tim tôi.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

ánh sáng và bóng tối thì dễ phân biệt,

còn bóng mờ thì khó nhận ra hơn.

Con đã mạnh dạn khước từ bóng tối

nhưng khi nhìn thật sâu vào lòng mình,

con vẫn thấy có nhiều bóng mờ tác động.

Con an tâm ở lại trong bóng mờ,

vì thấy đó chưa phải là một tội.

Nhưng con cũng áy náy

vì biết rằng bóng mờ là nơi

ánh sáng Chúa chưa thấm nhập trọn vẹn.

Con không muốn bóng mờ thành ánh sáng,

vì con vẫn muốn giữ lại

một điều gì đó rất quý đối với con.

Xin giải phóng con khỏi những tình cảm lệch lạc

để con được tự do yêu mến và phụng sự Chúa hơn.

Xin chinh phục những bóng mờ trong lòng con

để con được thuộc trọn về Chúa.

Xin kéo con ra khỏi thái độ lấp lửng, nước đôi,

để dứt khoát đặt Chúa trên mọi sự.

Ước gì con có đủ can đảm để dám nhìn thẳng

vào những bóng mờ trong đời con.

Và ước gì con được trở nên trong suốt

nhờ để ánh sáng Chúa

tràn ngập mọi vùng mờ tối nơi con. Amen

 

Suy Niệm 2: Khủng hoảng niềm tin do không hiểu Lời Chúa

(tinvuixuanloc.vn)

Tin Mừng hôm nay Thánh sử Gioan thuật lại đoạn đối thoại giữa Chúa Giêsu và những người Do Thái, cụ thể hơn là giữa Chúa Giêsu và những người Pharisiêu. Cuộc đối thoại không đưa đến kết quả khả quan và cũng không giải quyết được những vấn đề còn khúc mắc; bởi vì những người Do Thái không hiểu cũng không nỗ lực tìm cách hiểu đúng được mạc khải của Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu mạc khải về thiên tính của Ngài một đàng, người Do Thái hiểu và tìm kiếm Chúa Giêsu đàng khác. Cha Anthony de Mello Dòng Tên có kể lại một câu chuyện thú vị rất phù hợp với bối cảnh của đoạn Tin Mừng hôm nay như sau:

Một hôm, những người hàng xóm thấy một thanh niên đốt đèn lúi húi tìm kiếm vật gì đó ở ngoài sân. Đồng cảm với anh, những người hàng xóm tốt bụng đã phụ anh tìm kiếm chiếc chìa khóa mà anh đã đánh rơi. Sau một hồi chú tâm tìm kiếm mà không thấy, mọi người hỏi: “Anh đã làm rơi chìa khóa ở đâu?”. Người thanh niên trả lời: “Tôi làm rơi chìa khóa ở trong nhà”. Mọi người sững sờ hỏi: “Tại sao anh lại tìm ở đây?” Người thanh niên trả lời: “Tôi tìm ở ngoài sân cho dễ vì ở đây sáng hơn và không vướng các khe kẹt của bàn ghế”.

Người Do Thái cũng như anh thanh niên trong câu chuyện trên và cũng có thể là mỗi người trong chúng ta. Chúng ta khủng hoảng đức tin vì chúng ta không hiểu giáo lý của Chúa và nhiều khi chúng ta cố tìm kiếm Chúa theo ý của mình. Chúng ta tìm Chúa ở nơi không có Ngài. Chúng ta không hiểu và không cảm nghiệm được Thiên Chúa vì chúng ta không nghe cho thấu Lời Ngài.

Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu mạc khải: "Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống". Người Do Thái không hiểu và đáp: "Ông làm chứng cho chính mình; lời chứng của ông không thật!"  Chúa Giêsu mạc khải: “…Tôi biết tôi từ đâu tới và đi đâu…”, Tôi không xét đoán ai cả, cũng không xét đoán theo kiểu người phàm mà xét đoán theo đúng sự thật… Chúa Giêsu còn mạc khải thêm về chính Ngài trong tương quan với Thiên Chúa Cha và Ngài cũng nói đến sứ mạng Thiên Sai mà Ngài phải chu toàn. Nhưng tất cả những điều ấy đều trở nên tối tăm vô nghĩa đối với những người Do Thái.

Không hiểu hết các mạc khải của Chúa Giêsu sẽ dẫn đến tình trạng không tin và không yêu mến Chúa. Đối với chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng dễ đi vào khủng hoảng mất đức tin nếu chúng ta không hiểu về Chúa Giêsu. Đối với những người chưa nhận biết Chúa họ sẽ không tin theo nếu họ không được giới thiệu về Chúa và không hiểu rõ về Ngài. Đối với những người Do Thái, một trong những lý do quan trọng khiến họ đi đến căng thẳng và muốn treo Chúa Giêsu lên thánh giá cũng vì họ không hiểu được các điều Chúa nói.

Ước gì mọi thành phần trong Hội Thánh cũng khát khao học hỏi Lời Chúa, để hiểu được điều mà Chúa muốn mạc khải. Ước gì mọi thành phần trong Hội Thánh cũng ý thức được sứ vụ phải loan giảng Lời Chúa cho muôn dân. Ước gì mỗi chúng ta cũng ý thức rằng: chúng ta sẽ được củng cố đức tin nếu chúng ta chăm chú học hỏi Lời Chúa.

Lạy Chúa,

Với khoa học hiện đại, với phương tiện mới, lăng kính mới.

Nhân loại ngày càng khám phá ra những điều kỳ diệu.

Thế nhưng, chúng con lại ít có cái nhìn mới,

với phương tiện mới mãi mãi là lời Chúa mạc khải.

Xin cho chúng con hiểu được các lời mạc khải của Chúa,

để chúng con tin yêu, phó thác và luôn sống cho Chúa.

Chúng con sẽ không ngừng khám phá những điều kỳ diệu, những giá trị cao cả,

 

Suy Niệm 3: Đức Giêsu ánh sáng thế gian.

(gpbuichu.org)

Chúa Giêsu tự giới thiệu mình là ánh sáng thế gian. Với tư cách là Đấng mạc khải, Ngài phá tan bóng tối tội lỗi và chiếu soi cuộc sống của con người, giúp họ hiểu biết ý nghĩa và mục đích của cuộc sống, tìm ra con đường dẫn tới Thiên Chúa nguồn sống.

Mùa Chay, chúng ta hãy xét mình, đã bao nhiêu lần Chúa đã gởi đến cho chúng ta những luồng sáng qua Giáo hội, qua bí tích, qua từng biến cố trong đời sống, vậy mà chúng ta có thật lòng khiêm tốn đón nhận ánh sáng không? Đời sống chúng ta đang toả sáng hay đang trong u tối?

Sống Lời Chúa: Mỗi người là một ánh sáng, mỗi hành động tốt là một tia sáng cho tha nhân.

 

Suy Niệm 4: Ánh sáng trần gian

Đức Giêsu lại nói với người Do Thái: “Tôi là ánh sáng thế gian, ai theo Tôi sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8, 12)

2. Suy Niệm:

Nói đến ánh sáng, dù nghĩa đen hay bóng, luôn đóng vai trò thiết yếu cho cuộc sống con người. Cả vạn vật, cỏ cây cũng cần có ánh sáng. Ánh sáng đem lại cho con người một cuộc sống tiện nghi, sung túc và hưởng thụ biết bao niềm vui trong cuộc sống. Qua bài Tin Mừng hôm nay, Thiên Chúa muốn mọi người nhận ra ánh sáng  không phải là thứ hiện hữu trên trần gian này, nhưng ánh sáng đó chính là hình ảnh Chúa Kitô, ánh sáng giúp tôi phải  từ bỏ chính mình vác thập giá theo chân Chúa tới đỉnh đồi Gôgôtha vì “Ai theo Tôi sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8, 12).

Do đó, đứng trước những sa đọa, gian trá, bất công, đen tối của trần gian, nếu không có sự đấu tranh bênh vực công lý và hòa bình, hoặc làm ngơ trước những hậu quả ta gây ra thì chúng ta đã đánh mất đi chính mình, tổn thương đến lương tâm mình. Con người ngày nay vẫn bước đi trong bóng tối của những tệ nạn xã hội. Hơn thế nữa, một bộ phận không nhỏ giới trẻ bị cuốn vào vào các cuộc ăn chơi trụy lạc, sa đọa, lầm lạc trên con đường định hình nhân cách và lối sống, đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa. Việc sống đức tin chỉ là chiếu lệ và bề ngoài cho qua, như khi đi tham dự Thánh lễ thì đứng xa xa ngoài thánh đường…

Trước thực trạng đó, người Kitô hữu phải đồng hành với giới trẻ, giúp họ nhận ra ánh sáng của Đức Kitô sẽ cứu rỗi được bao người lạc bước. Và Giáo hội luôn mời gọi mỗi người Kitô hữu luôn là gương sáng, sống chứng nhân Tin Mừng giữa đời từ công sở, trường học đến nơi buôn bán, họp chợ, hay ngay cả nơi Thánh đường, người Kitô hữu luôn là gương sáng giữa đời bằng sự khiêm nhường, hy sinh, phục vụ cho đi nhưng không, tránh những hành vi như nói hành nói xấu mất đi thanh danh của tha nhân, luôn sống bằng sự hiệp nhất trong tình huynh đệ Giáo xứ và xã hội. Từ đó, gương sáng luôn là tín hiệu nhắc nhớ, hay kim chỉ nam cho mọi người biết nhìn lại mình, dừng lại đúng nơi, đúng lúc, ánh sáng trần gian cũng là phương cách cảnh giác hoặc tỉnh ngộ, để đề phòng mưu hại của sa tan nhằm cướp lấy bao linh hồn mù quáng, có thể hối tiếc đã đánh mất đi một đời người sống vô nghĩa này.

Tin Mừng theo Thánh Gioan: “Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Ga 1-5). Ánh sáng là chân lý, Thiên Chúa luôn chiếu soi trong trần gian những nơi âm u tối tăm, mù lòa giúp mọi người cảnh thức biết đón nhận theo Chúa, ánh sáng vinh hiển của Đức Kitô. Mùa chay là mùa ánh sáng tuôn đồ hồng ân, ân sủng này giúp con người luôn có cơ hội ăn năn sám hối, quay trở về với Chúa trong Ánh Sáng Phục Sinh và đặt mình vào sự quan phòng của Thiên Chúa, tìm sự an bình, thánh thiện, sẽ không còn phải ngậm ngùi thương tiếc cho đời người qua đi trong lãng phí. Vậy giờ đây chúng ta có nhận ra ánh sáng lời Chúa đang thức tỉnh ta không?

3. Sống lời Chúa: Trong thư gởi Tín Hữu Ê-phê-sô có lời chép rằng: “Tỉnh giấc đi, hỡi người còn mê ngủ! Từ chốn tử vong, chỗi dậy đi nào! Đức Kitô sẽ chiếu sáng ngươi!” (Ep 5-14)

4. Cầu nguyện: Lạy Chúa! Xin cho chúng con biết đem ánh sáng của Chúa đến với mọi người bằng tình thương, tình mến Chúa yêu người, chính Chúa là ánh sáng, là bánh hằng sống, bánh trường sinh bất diệt, để chúng con can đảm vượt qua cạm bẫy sa tan đang ẩn núp trong bóng tối. Xin thức tỉnh mọi người chúng con trong mùa chay Thánh này, luôn là ánh sáng chiếu soi qua máng chuyển lời Chúa chiếu tỏa trên tâm hồn mỗi người chúng con. Amen.

 

Suy Niệm 5: Luồng sinh khí mới

(gpcantho.com)

Đức Giê-su nói: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống.” (Ga 8,12-20)

Suy Niệm: Vụ án xử người phụ nữ ngoại tình là câu chuyện dẫn nhập để thánh Gio-an giúp chúng ta hiểu được lời Chúa nói hôm nay. Cái nhìn của Chúa đem lại luồng sinh khí mới: Ngài là nguồn ánh sáng đem lại sự sống. Những người tố cáo cũng được cái nhìn của Chúa soi sáng và thấy được sự thật tâm hồn mình: một con người cũng mang đầy tội lỗi như ai. Nhưng ánh sáng đó chưa kịp đem lại luồng sinh khí mới cho họ, thì họ đã vội rút lui. Còn bị cáo, người phụ nữ ngoại tình, cũng được cái nhìn đầy ánh sáng của Chúa chiếu rọi. Nhưng khác một điều, chị vẫn đứng đấy, một mình với Chúa, chấp nhận để ánh sáng Chúa soi rọi vào mọi ngõ ngách tâm hồn. Thật kỳ diệu, ánh sáng đó biến thành liều thuốc cải tử hoàn sinh. Chẳng những chị khỏi bị ném đá cho đến chết, chị còn được biến đổi thành một con người mới, con người được tha thứ tội lỗi: “Tôi cũng không kết án chị. Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa.”

Mời Bạn: Phải chăng biết bao lần bạn đã tránh né cái nhìn của Chúa? Từ nay, bạn đừng trốn tránh nữa. Nhưng hãy đến với Ngài trong bí tích Hoà giải để Ngài nhìn bạn và chuyển thông cho bạn sức sống mới.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dành ít phút, đặt mình trước cái nhìn của Chúa để kiểm điểm đời sống.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, thân phận yếu đuối tội lỗi của người phụ nữ đáng thương cũng là thân phận của con. Biết bao lần con đã phạm tội. Xin giúp con biết ăn năn trở về nhận lãnh ơn tha tội và luôn nhắc nhở lòng mình: “Hãy sám hối và từ nay đừng phạm tội nữa ».

 

Suy Niệm 6: Ánh sáng lòng thương xót

(https://nhathothaiha.net/thu-hai-ga-812-20-anh-sang-long-thuong-xot)

"Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống."

Suy Niệm: Có đặt mình vào vị trí của người thợ mỏ bị kẹt trong hầm sâu dưới lòng đất, khi bốn bề chung quanh đều chìm trong màn tối dầy đặc, mới thấy rằng chỉ cần một tia sáng le lói loé lên ở cuối đường hầm cũng có nghĩa là được sống, được giải cứu.

Chúa Ki-tô tuyên bố Ngài là ánh sáng đó, ánh sáng phát xuất từ nguồn sáng là lòng thương xót của Chúa Cha, ánh sáng duy nhất có khả năng cứu độ con người.

Quả thật, trong Thông điệp “Thiên Chúa giàu lòng thương xót”, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II viết: “Đối với nhân loại ngày nay, không còn niềm hy vọng được cứu rỗi nào khác, ngoài lòng thương xót của Thiên Chúa.”

Và cũng từ niềm xác tín mãnh liệt vào mầu nhiệm này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khai mở Năm Thánh Lòng Thương Xót (x. Tông sắc Dung nhan Lòng Thương Xót, số 11).

Mời Bạn: Giữa bến mê cuộc sống hôm nay, đâu là ánh sáng đích thực cho đời ta? Tôi có ý thức mình đang bước đi trong bóng tối không? Ai và cái gì có thể giải thoát tôi?

Bạn ơi, “việc tái chiêm ngưỡng mầu nhiệm Lòng Thương xót… là nguồn cội của niềm vui, của sự thanh thản và bình an…, cũng chính là điều kiện đối với ơn cứu độ của chúng ta” (số 02). Vậy, còn chần chừ gì nữa! Hãy để cho Chúa thương xót và cứu độ ta…!

Sống Lời Chúa: Sốt sắng tham dự các cử hành sám hối và lãnh nhận bí tích Giao hòa Trong Mùa Chay của Năm Thánh này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin thương xót chúng con là những người tội lỗi. Chúng con tín thác vào Chúa.

 

Suy Niệm 7: Ánh sáng thế gian

(GKGĐ Giáo Phận Phú Cường)

Khi nghe qua lời Chúa Giêsu nói: “Ta là ánh sáng thế gian”, rất có thể nhiều người trong chúng ta sẽ chất vấn như những người Do Thái: điều này có nghĩa là gì?

Đừng nghe Lời Chúa cách qua loa, nghe cho có, nghe rồi để đó mà không suy gẫm. Nếu chúng ta nghe Lời Chúa mà lòng không cảm xúc, trí không suy tư, tim không đụng chạm đến lời, thì Lời Chúa chỉ là một bản văn tham khảo.

“Ta là Ánh sáng thế gian; Ta là Mục tử tốt lành; Ta là đường, là sự thật và là sự sống; Ta là sự sống lại và là sự sống, v.v.”.

Chúng ta có liên tưởng gì về những điều Chúa Giêsu và Tin Mừng gọi “Ta là” “Ta là”, đó chính là mặc khải căn bản và quan trọng nhất mà từ trong Cựu ước, qua Môsê, Chúa khẳng định danh của mình. Trong triết học, người ta gọi đây là xác định hữu thể. Tôi là ai? Căn tính của chúng ta chính là cái "ta là". Thiên Chúa tự bản thể là Thiên Chúa, Ngài khẳng định bản thể của Ngài là.

Chúng ta không thể hiểu cái "là", vốn là bản thể của Chúa Giêsu là gì nếu chúng ta không ở trong Người, không hiểu biết Người.

Người là ánh sáng. Chữ ánh sáng ấy không chỉ về ánh sáng vật lý, như của bóng đèn hay của môt ngôi sao. Đó là ánh sáng khác, ánh sáng mà trong kinh Tin Kính tuyên xưng: “Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa Thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành...". Ánh sáng đó nói lên nguồn cội từ đời đời của Người, là khởi nguyên và cũng là cùng đích của nhân loại.

Chúa Giêsu là ánh sáng. Ai ở trong Người thì biết Người là Thiên Chúa. Ai biết Chúa Giêsu là biết Thiên Chúa Cha. Ai đi trong ánh sáng Người thì ở trong sự thật, và chính sự thật đó sẽ giải thoát con người, dẫn con người đến nguồn sống đích thực.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con mỗi khi nghe Lời Chúa, biết đặt tâm trí vào chính lời của Chúa và không ngừng suy niệm lời của Chúa nói với chúng con. Amen.

 

Suy Niệm 8: Ta là sự sáng thế gian-- Ga 8:12 –20

1. Nhìn vào Chúa Giêsu:

a) Xem việc Chúa làm:

- Giữa lúc người Do Thái, nhất là các biệt phái và luật sĩ tìm bắt Đức Giêsu, vì họ gán cho Người về tội phạm thượng, tự cho mình ngang hàng với Thiên Chúa, thì Chúa Giêsu lại tìm mọi cơ hội, dưới mọi hình thức: đối thoại, giảng dạy … để xác định Người là Đấng Cứu Thế, đồng bản tính với Chúa Cha…

+ Suy niệm việc của Chúa trên đây, chúng ta cần ý thức: không phải nói về Chúa một là là đủ, tìm hiểu về Chúa một lần là xong, nhưng phải học hỏi tìm hiểu về Chúa luôn mãi và giảng về Chúa trong mọi nơi, mọi lúc.

+ Khi rao giảng những chân lý về Chúa, những cản trợ, những bách hại và phải nhẫn nại, kiên trì trong việc rao giảng khi thấy người nghe chưa hiểu, chưa đón nhận…

- Chúa dựa vào thực tế để giảng dạy:

+ Người nghe nại đến lề luật làm chứng thì Chúa Giêsu nại đến chứng của Chúa Cha, thì người dẫn giải cách thấy Chúa Cha là tin vào Người … Mục đích rao giảng của Chúa là để giúp cho người nghe hiểu nguồn gốc thiêng liêng của Người.

+ Noi gương Chúa, người tông đồ phải dựa vào nhu cầu và những thực tại liên hệ đến người nghe để giảng dạy, đểtruyền giáo, để làm việc tông đồ.

b) Nghe lời Chúa nói:

-"Tôi là ánh sáng thế gian"

Qua phép rửa, chúng ta trở thành ki-tô hữu, nghĩa là thuộc về Chúa Ki-tô, và như vậy chúng ta được tham dự vào ánh sáng của Chúa: Chúng con là ánh sáng thế gian, là men trong bột, là muối cho đời. Điều này đòi hỏi chúng ta phải tạo cho mình có đời sống gương sáng trong môi trường và đời sống gương mẫu thánh thiện đối với tha nhân.

-"Tôi làm chứng cho chính mình đi nữa, thì lời chứng của tôi vẫn là chứng thật":

Noi gương Chúa Giê-su, người tông đồ phải tạo cho mình một đời sống xứng đáng được tin cậy và tín nhiệm để nhờ đó lời giảng của chúng ta dễ được đón nhận.

-"Các ông xét đoán theo kiểu người phàm":

Chúa khiển trách thói xét đoán của các biệt phái theo kiểu người phàm: vì họ xét đoán cách bất công, vụ hình thức, hẹp hòi, ích kỷ: lợi cho mình hại cho người. Là Ki-tô hữu. Chúng ta phải noi gương Chúa: Chúa không xét đoán ai cả, nghĩa là phải có lòng khoan dung nhân từ và tôn trọng tha nhân. Đàng khác, chúng ta không xét đoán để khỏi bị đoán xét, tha thứ để được thứ tha.

2. Nhìn vào các biệt phái:

-Vì có óc vụ luật và vụ hình thức nên đã nhận nên đã nhận xét sai lầm về Chúa Giêsu: điều này nhắc nhủ ta cần phải chú ý đến nội dung hơn là hình thức, đến bản chất của sự việc hơn là đáng vẻ bên ngoài, để nhận xét của ta được quân bình, khách quan và đúng sự thực hơn.

- "Cha ông ở đâu?": Các biệt phái muốn biết Chúa Cha cách cụ thể theo nhãn quan của con người. Nhưng Chúa Giêsu lại đòi hỏi biết Chúa Cha bằng đức tin. Thiên Chúa là Đấng vô hình, vì thế ta biết Chúa Cha bằng đức tin, nhưng đức tin được dưạ vào bằng chứng cụ thể nơi con người, lời nói và việc làm của Chúa Giêsu,vì "Nếu các ông biết tôi thì hẳn cũng biết Cha tôi"

3. Đặt bài Tin Mừng này và trong tâm tình và bầu khí Mùa Chay, phụng vụ muốn chúng ta:

Một đàng nhìn ngắm và suy niệm con đường thương khó của Chúa Giêsu để nhận ra tình thương cứu độ của Chúa.

Đàng khác phải thức tỉnh về đời sống và thánh hoá bản thân cho phù hợp với phẩm giá làm con Chúa hơn.

 

Bài cùng chuyên mục:

+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,206)

CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.

Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 2,994)

Thứ Bảy tuần 33 thường niên.

Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,664)

Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,386)

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.

Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,798)

Thứ Tư tuần 33 thường niên.

Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,795)

Thứ Ba tuần 33 thường niên.

Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,892)

Thứ Hai tuần 33 thường niên.

+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,132)

CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.

Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,565)

Thứ Bảy tuần 32 thường niên.

Thứ Sáu 15/11/2024 – Thứ Sáu tuần 32 thường niên. – Sống trong ngày của Chúa. (14/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,956)

Thứ Sáu tuần 32 thường niên.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7