Thứ Bảy 28/09/2024 – Thứ Bảy tuần 25 thường niên. – Chấp nhận khổ đau với tình yêu
- In trang này
- Lượt xem: 3,710
- Ngày đăng: 27/09/2024 10:00:00
Chấp nhận khổ đau với tình yêu.
28/09 – Thứ Bảy tuần 25 thường niên.
“Con Người sẽ phải bị nộp. Các ông không đám hỏi Người về lời ấy”.
Lời Chúa: Lc 9, 43b-45
Đang lúc mọi người thán phục về tất cả các việc Chúa Giêsu làm, thì Người phán cùng các môn đệ rằng: “Phần các con, các con hãy ghi vào lòng những lời này là: Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời”.
Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì nó còn bị che khuất, nên các ông không lĩnh hội được ý nghĩa, và các ông không dám hỏi Người về lời ấy.
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
Suy niệm 1: Không hiểu lời đó
(Lm Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)
Bài Tin Mừng hôm nay là lời tiên báo cuộc Thương Khó lần thứ hai.
Bài này nằm ngay sau chuyện Đức Giêsu trừ quỷ cho một bé trai.
Quyền năng trừ quỷ của Ngài làm mọi người kinh ngạc, bỡ ngỡ (c. 43).
Chính vào giây phút thành công vẻ vang này,
Đức Giêsu lại bất ngờ tiên báo về cuộc Thương Khó sắp đến.
“Con Người sắp bị nộp vào tay người đời” (c. 44).
Một Giêsu đầy uy lực sẽ phải lùi bước trước một thế lực khác.
Một Giêsu có quyền năng cao cả của Thiên Chúa lại phải chịu thua.
Hẳn lời tiên báo này đã làm các môn đệ hết sức bối rối.
Thánh Luca nhấn mạnh đến chuyện họ không hiểu:
“Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì nó bị che khuất khỏi các ông,
đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa” (c. 45).
Điều gì đã che khuất ý nghĩa của lời Đức Giêsu tiên báo
về việc mình sắp bị nộp, phải chịu đau khổ và chịu chết?
Lý do đầu tiên có thể là lòng ham muốn quyền lực.
Ngay sau đoạn Tin Mừng này, các môn đệ vẫn loay hoay với vấn đề
ai là người lớn nhất trong nhóm (c. 46).
Sau bữa Tiệc ly, Đức Giêsu đã nhận mình là người phục vụ (Lc 22, 27).
Việc phục vụ suốt đời này lên đến cao điểm nơi cái chết hy sinh.
Các môn đệ thì chỉ thích làm lớn, làm đầu, hơn là phục vụ,
nên chẳng lạ gì nếu họ không hiểu được con đường Thầy sắp đi,
con đường hẹp, nơi cái tôi như bị xóa bỏ, để hiến dâng.
Có lý do khác khiến các môn đệ không hiểu được lời tiên báo của Thầy.
Đó là khi quá nôn nóng mong đợi ngày Thầy đến trong vinh quang,
họ đã quên việc Thầy phải trải qua khổ đau và cái chết trước đã.
Họ tưởng Nước Thiên Chúa sắp xuất hiện đến nơi rồi (Lc 19, 11),
và tưởng Thầy Giêsu sẽ cứu chuộc Ítraen ngay lập tức (Lc 24, 21).
Ngay sau khi Đức Giêsu phục sinh, họ đã hỏi Ngài (Cv 1, 6):
“Có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ítraen không?”
Các môn đệ nóng lòng mong đợi vinh quang cho Thầy,
thật ra là mong đợi vinh quang cho chính họ.
Họ bị ám ảnh về quyền lực, cũng là ám ảnh về vinh quang,
nên thất bại và cái chết nhục nhã là điều họ khó hiểu và khó chấp nhận.
Như các môn đệ, chúng ta cũng không hiểu được
làm sao một ngôn sứ như Đức Giêsu lại có thể bị loại trừ và thủ tiêu.
Chúng ta không chấp nhận vai trò của đau khổ, nhục nhã và cái chết,
trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa (Lc 24, 25-27).
Đức Giêsu đã phải soi sáng cho hai môn đệ Emmau về mầu nhiệm này.
Chúng ta cũng phải đối diện với mầu nhiệm đau khổ nơi chính mình.
Và chúng ta thường thấy nó vô nghĩa, vô lý, vô duyên.
Đau khổ mãi mãi là một mầu nhiệm mà chúng ta muốn chối bỏ vì sợ hãi.
Kitô giáo đã không dạy ta con đường tránh đau khổ bằng mọi giá.
Đức Giêsu đã giang tay đón lấy đau khổ với một tình yêu bao dung,
lập tức đau khổ ấy có ý nghĩa và nở hoa.
Nơi thập giá chúng ta thấy rõ nhất tình yêu vô lượng của Cha,
và tình yêu mênh mông của Đức Giêsu đối với nhân loại.
Nơi thập giá chúng ta thấy sự kinh khủng của tội ác con người,
và sự tha thứ vô bờ của Thiên Chúa.
Như thế là ta đã bắt đầu hiểu được ý nghĩa của thập giá và đau khổ.
Thật ra các môn đệ chỉ hiểu được cuộc Thương Khó nhờ Phục Sinh.
Khi sống lại, Chúa Giêsu cho tất cả những cái vô lý một ý nghĩa.
Khi được nếm trước mầu nhiệm phục sinh ngay từ đời này,
chúng ta thấy dễ đón nhận đau khổ hơn.
Hãy mạnh dạn hỏi Đức Giêsu về ý nghĩa cuộc Thương Khó của Ngài,
cuộc Thương Khó của cả nhân loại và của chính bản thân tôi.
Đừng sợ hỏi, nhưng “hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời Ngài nói” (c. 44).
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu phục sinh
Chúa đã sống đến cùng cuộc Vượt qua của Chúa,
xin cho con biết sống
cuộc Vượt qua mỗi ngày của con,
Vượt qua sự nhỏ mọn và ích kỷ.
Vượt qua những đam mê đang kéo ghì con xuống.
Vượt qua nỗi sợ khổ đau và nhục nhã.
Vượt qua đêm tăm tối cô đơn của Vườn Dầu.
Vượt qua những khắc khoải của niềm tin.
Vượt qua những thành kiến con có về người khác...
Chính vì Chúa đã phục sinh
nên con vui sướng và can đảm vượt qua,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.
Ước gì con biết noi gương Chúa phục sinh
gieo rắc khắp nơi bình an và hy vọng,
tin tưởng và niềm vui.
Ước gì ai gặp con
cũng gặp thấy sự sống mãnh liệt của Chúa.
Suy niệm 2: Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Chúa Giê-su đang làm những phép lạ lẫy lừng khiến mọi người thán phục. Đột nhiên Người nói dõng dạc với các môn đệ: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời” khiến các môn đệ sợ hãi. Thủ lãnh thế gian được quyền hoành hành ở thế gian trong một thời gian. Đó là thời kỳ thanh luyện. Chính Chúa, trong thân phận con người, cũng phải chịu một phép rửa thanh luyện. Đó là chịu đau khổ, chịu nhục nhã, chịu chết. Để thắng vượt mọi cám dỗ trần gian. Để siêu thoát mọi ràng buộc của xác thịt và thế gian. Để tự do đi vào Nước Trời. Để giải phóng con người khỏi ách nô lệ của ma quỉ, xác thịt, thế gian. Để mở con đường thăng tiến cho nhân loại. Đó là con đường khó khăn và đau khổ. Đến nỗi các môn đệ sợ hãi không dám hỏi lại.
Nhưng đó là con đường đúng đắn và cần thiết. Vì những giá trị trần gian chỉ là phù vân. Như sách Giảng viên khuyên nhủ thanh niên. Ngay lúc tuổi thanh xuân tươi đẹp hãy biết chuẩn bị cho đời sau. Vì đời này là chóng qua. “Giữa tuổi thanh xuân, bạn hãy tưởng nhớ Đấng đã dựng nên mình. Đừng chờ đến ngày tai ương ập tới, đừng chờ cho năm tháng qua đi, …Đừng chờ đến khi bụi đất lại trở về với đất, khi phàm nhân trả lại cho Thiên Chúa hơi thở Người đã ban cho mình…Phù vân chỉ là phù vân”. Hãy biết tích trữ kho tàng vĩnh cửu. Hãy biết sẽ bị Thiên Chúa xét xử để biết từ bỏ những cám dỗ vật chất trần gian. Mà chuẩn bị cho Nước Trời (năm chẵn).
Khi thế giới phù vân qua đi, một thế giới mới xuất hiện. Chúa lập nên thành Giê-ru-sa-lem mới. Vô cùng rộng lớn vì không còn biên giới. Vô cùng hạnh phúc vì được Chúa bảo vệ. Vô cùng lộng lẫy vì Chúa là vinh quang của thành. Đó là trời mới đất mới. Nơi chan hoà tiếng đàn ca. Nơi chan chứa tiếng vui cười. Nơi hạnh phúc vĩnh viễn. “Giê-ru-sa-lem phải là một thành rộng mở, sẽ có vô số người và súc vật đên cư ngụ ở đó. Phần Ta, sấm ngôn của Đức Chúa, Ta sẽ là tường luỹ bằng lửa bao quanh nó, và Ta sẽ là vinh quang ở giữa nó. Hỡi con gái Xi-on, hãy vui sướng reo hò, vì này Ta đang đến để ở lại giữa ngươi” (năm lẻ).
Chúa bị nộp vào tay người đời. Đó là tấm gương cho tôi biết sẵn sàng chịu thiệt thòi ở đời này. Từ bỏ những ràng buộc của danh vọng chức quyền đời này. Chắc chắn đó là một cuộc thanh luyện đớn đau. Nhưng khi sạch mọi vương vấn trần tục tôi mới có thể bước vào thành Giê-ru-sa-lem mới rạng ngời vinh quang, hạnh phúc vĩnh cửu.
Lạy Chúa xin cho con biết trao nộp vào tay người đời tất cả những gì của họ. Để con thuộc về Chúa. Thuộc về Nước Chúa.
Suy niệm 3: Chấp nhận khổ đau
(Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Có hai người đang bị dằn vặt với nỗi khổ đau của mình. Họ tìm đến với một vị ẩn sĩ để xin ý kiến. Vị ẩn sĩ này giới thiệu họ đến gặp một vị ẩn sĩ khác. Sau khi nghe họ giãi bày tâm sự, ông trả lời: "Tốt hơn các anh hãy tìm đến một vị khác, tôi không có đủ tư cách để trả lời câu hỏi đó, bởi vì cả đời tôi có bao giờ nhận điều xấu từ bàn tay Chúa đâu". Hai người thanh niên chợt hiểu rằng khi con người vui vẻ đón nhận khổ đau, thì khổ đau không còn là vấn đề nữa.
Trong Tin Mừng hôm nay, khi loan báo cuộc khổ nạn của Ngài, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của Ngài hãy đối đầu với khổ đau, nếu khổ đau là thành phần thiết yếu của cuộc sống. Vấn đề không phải là chối bỏ hiện thực của khổ đau hay tìm cách tránh né khổ đau, mà là đối đầu với nó. Chúa Giêsu đã vạch ra cho chúng ta cách thế đối đầu với khổ đau, đó là chấp nhận khổ đau với tình yêu. Ðau khổ mà không có tình yêu thì chỉ là hỏa ngục mà thôi.
Xem chừng tất cả các vấn đề của con người đều được gắn liền với khổ đau. Vì không muốn chấp nhận khổ đau mà con người gây ra bao nhiêu tội ác, vì không muốn hy sinh mà một người mẹ đang tâm giết đứa con trong lòng mình, vì không muốn thấy người thân đau khổ mà người ta giết họ một cách êm dịu, vì không muốn đối đầu với thực tại khổ đau mà người ta tìm quên trong men rượu, ma túy và mọi thứ kích thích khác: hỏa ngục là như thế đó.
Chúa Giêsu đã đón nhận khổ đau, Ngài đã biến khổ đau thành hiến lễ tình yêu, do đó khổ đau đã trở thành nguồn ơn cứu thoát cho nhân loại. Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ hãy vác lấy thập giá mình mà đi theo Ngài. Mỗi ngày có nỗi khổ riêng của ngày đó, hạnh phúc hay không, bình an hay không, là tùy con người có biết đón nhận khổ đau với tình yêu hay không.
Giữa muôn nghìn khổ đau và thử thách của cuộc sống, xin Chúa cho chúng ta đón nhận tất cả với lòng tin yêu, phó thác và cảm tạ tình yêu Chúa.
Suy niệm 4: Lời tuyên xưng của Thánh Phêrô
(Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Hôm qua, chúng ta đã đọc và Suy niệm đoạn Tin Mừng nơi chương 9 cũng của Phúc Âm theo thánh Luca, trong đó chúng ta ghi nhận lời Chúa loan báo lần đầu tiên về cuộc tử nạn của Ngài để đáp lại lời tuyên xưng của thánh tông đồ Phêrô: "Thầy là Ðấng Thiên Sai của Thiên Chúa". Hôm nay, chúng ta lại được Giáo Hội cho đọc đoạn ghi nhận lời loan báo của Chúa Giêsu lần thứ hai về cuộc khổ nạn của Ngài để cứu chuộc nhân loại. Ðọc lại lời loan báo này, chúng ta ghi nhận sự kiện là Chúa Giêsu sử dụng ngôn ngữ của sách tiên tri Ðaniel chương 7,13 và áp dụng cho mình cách nói Con Người đến mạc khải về chính mình như là Ðấng Thiên Sai, Ðấng có nguồn gốc từ trên cao được sai xuống trần gian, và để lưu ý và sửa lại những lệch lạc trong quan niệm về một Ðấng Thiên Sai vinh quang. Chúa Giêsu nhắc đến việc Con Người bị nộp vào tay người đời. Chúa Giêsu mạc khải một Ðấng Thiên Sai chịu đau khổ, một Ðấng Thiên Sai là người Tôi Tớ của Thiên Chúa chịu đau khổ như được nhắc đến trong sách tiên tri Isaia. Phúc Âm ghi lại phản ứng của các tông đồ lúc đó là các ngài không hiểu ý nghĩa Chúa muốn nói, tuy nhiên các ngài có trực giác trước một điều gì đó khủng khiếp sắp xảy ra cho Chúa và cả cho các ngài nữa, bởi vì trước đó, trong lần tiên báo về cuộc khổ nạn của mình tại Giêrusalem, Chúa Giêsu nhắc đến điều kiện cần phải vác thập giá để theo Chúa. Linh tính trước có điều quan trọng sắp xảy đến mà các ông không hiểu nên các ông lo sợ, lo sợ nhưng lại e ngại không dám hỏi Chúa Giêsu.
Ngày hôm nay, chúng ta cũng có thể hành sự như các tông đồ ngày xưa, chúng ta không hiểu được mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô trong đời sống chúng ta, không hiểu được mầu nhiệm thập giá trong cuộc đời của Chúa cũng như trong cuộc đời của chính mình. Không hiểu, chúng ta ngại không dám tiến tới, không dám tiếp tục con đường theo Chúa, ngại ngùng trước việc tìm hiểu biết Chúa, ngại ngùng lên tiếng xin Chúa trợ giúp cho ta hiểu biết Ngài trong việc cầu nguyện và tiếp xúc với lời Chúa và đến với Chúa trong bí tích Thánh Thể. Chúng ta hãy khiêm tốn và tin tưởng đến với Chúa và xin Ngài mạc khải cho chúng ta được hiểu về Ngài mỗi ngày một sâu rộng hơn.
Lạy Chúa,
Xin thương tha thứ cho chúng con về những lần mà chúng con nghi ngờ về Chúa và về những sự nguội lạnh làm biếng của chúng con trong việc tìm biết về mầu nhiệm Chúa. Xin thương ban cho chúng con một con tim mới. Xin mạc khải cho chúng con hiểu thêm về Chúa, về con đường thập giá cần phải đi qua để tiến đến sự sống muôn đời với Chúa.
Suy niệm 5: Sợ không dám biết
“Phần anh em hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời” (Lc. 9, 44)
Các tông đồ rất giống chúng ta, chúng ta cũng rất giống các Ngài. Các Ngài sợ biết rõ những điều Đức Giêsu muốn giải thích. Khi Người loan báo nhiều lần về cái chết của Người sắp tới. Đó là lý do tại sao các ông im không dám hỏi thêm về tin báo cái chết. Các ông tự thâm tâm từ chối nghĩ đến cái chết của Đức Kitô. Các ông không muốn hiểu dù Thầy đã thử làm sáng tỏ rằng: “Không có tình yêu nào lớn hơn hiến mạng sống cho người mình yêu”.
Các ông tuyệt đối không muốn thấy gương mù thập giá. Người ta có nên trách các ông không? các ông không thể từ bỏ quan niệm Đấng Kitô cai trị trần thế, chiến thắng huy hoàng và phục hưng nước Is-ra-el vinh quang. Người đến ban cho dân tuyển chọn tất cả mọi vinh hoa sang trọng như thời Mô-sê, Đa-vít và Sa-lô-môn xưa, để Is-ra-el trở thành vương quốc nhất thế giới. Các ông đã nuôi những tham vọnh như thế ngay cả lúc Đấng Kitô bị nộp vào tay kẻ đóng đinh Người. Cho nên, làm sao các ông có thể nắm bắt được ý nghĩ hy sinh mà Đức Giêsu đã đề cập tới? dầu các ông yêu Người và theo Người.
Sự hy sinh này là tâm trạng đời sống của Đức Kitô. Nó sẽ tóm tắt toàn diện sứ vụ của Người, đây là lý do Người đã đến trong thế gian, đây là lý do Người phải chịu đau khổ nhiều, đây là lý do Người là Đấng Trung Hòa và là Đấng Cứu Thế. Còn lý do tại sao Người không chịu giải thích tối đa để chuẩn bị các môn đệ chấp nhận thập giá? có phải thập giá gây cho các ông tuyệt vọng ê chề không?
Chúng ta cũng như các tông đô, chúng ta sợ biết phải đi vào con đường đau khổ với Đức Kitô. Chúng ta đôi khi không thích hỏi những ý nghĩa ẩn chứa trong Tin Mừng của Người. Chúng ta giải thích lời Người theo kiểu của mình, hay làm cho lời Người nên ngọt ngào êm dịu, sợ tư tưởng đó quá rõ, quá khó theo. Là môn đệ Đức Kitô, phải vui lòng chấp nhận ơn kêu gọi đặc biệt này là: “Hãy vác thập giá mình mà theo Ta”.
Suy niệm 6: Hóa giải đau khổ bằng lòng mến
Xem lại CN 25 TN B, thứ Ba tuần 7 TN và thứ Hai tuần 18 TN
Trong một thánh lễ nọ, có một cụ bà đến bàn ghi ý lễ và nói: “Xin ơn chết lành!”. Vị ghi ý lễ không chịu, vì đây là điều quái gở, nên tự ý ghi lại là: “Xin như ý”. Biết được, bà cụ không đồng ý và yêu cầu ghi đúng nguyên văn. Ôi thật là người tràn đầy đức tin!
Cũng có một câu chuyện khác kể về hai người nọ đang gặp đau khổ và đến xin một vị ẩn sĩ tìm cách giúp cho mình vượt qua thực trạng của cuộc sống mà họ đang phải đối đầu.
Sau khi nghe họ giãi bày tâm sự, vị ẩn sĩ trả lời: “Tốt hơn các anh hãy tìm đến một vị khác, tôi không có đủ tư cách để trả lời câu hỏi đó, bởi vì cả đời tôi có bao giờ nhận điều xấu từ bàn tay Chúa đâu!”. Nghe đến đây, hai người thanh niên chợt hiểu rằng khi con người vui vẻ đón nhận khổ đau, thì khổ đau không còn là vấn đề bi đát nữa.
Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn của Ngài sẽ phải chịu ngay khi dân chúng và chính các môn đệ đang trầm trồ khen ngợi vẻ huy hoàng, vinh quang qua quyền năng của Đức Giêsu nơi các việc Ngài đã làm cho dân. Khi tiên báo lúc này, Đức Giêsu muốn các môn đệ hãy đi theo con đường hy sinh, từ bỏ và đón nhận đau khổ vì tình yêu thì sẽ đạt được hạnh phúc đích thực.
Khổ đau không bao giờ buông tha chúng ta! Nếu chúng ta đối đầu với chúng trong sự tiêu cực thì chính khổ đau sẽ vùi dập cuộc đời và nó sẽ làm cho chúng ta thất vọng. Còn nếu chúng ta đón nhận nó trong lòng mến Chúa và sứ vụ thì sẽ bình an và đôi khi hạnh phúc hiện lên từ những gian nan khốn khổ. Bởi lẽ, theo niềm tin của người Công Giáo thì: “Qua đau khổ mới được vào vinh quang”.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con hiểu rằng: con đường theo Chúa là con đường của đau khổ và hy sinh. Tuy nhiên, trung thành với Chúa trong lòng mến, chúng con sẽ được phục sinh vinh hiển mai ngày. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy niệm 7: Con đường từ bỏ, vác thánh giá
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Con đường cứu thế là con đường từ bỏ mình, vác thánh giá lên núi sọ. Ai muốn đạt tới vinh quang muôn đời phải can đảm và tin tưởng bước theo Chúa Giêsu trên con đường cứu thế ấy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, vui sướng ai cũng thích, và khổ đau ai cũng sợ. Thấy vui tìm đến, thấy khổ tháo lui. Con bây giờ cũng thế, mà các tông đồ thuở xưa cũng vậy, lúc Chúa biến hình vinh quang, khi Chúa làm phép lạ diệu kỳ…, các tông đồ phấn khởi tin theo Chúa. Ngược lại, lúc tiên báo cuộc khổ nạn, lòng các Ngài như bị che khuất, chẳng hiểu và cũng không muốn hiểu.
Lạy Chúa, Chúa đến không phải được hầu hạ nhưng là để hầu hạ mọi người. Làm vua theo tinh thần của Chúa không phải là nghênh ngang trên kiệu vàng, mà là chịu khổ đau với thần dân. Điều đó trái với sự chờ đợi của mọi người. Xin cho con được hiểu rằng: theo Chúa là sẵn lòng bước đi trên con đường hẹp đòi hỏi nhiều từ bỏ hy sinh, và đón nhận một thập giá trên vai mình.
Chúa có hứa ban kho tàng trên trời cho kẻ từ bỏ mình vì Chúa. Xin cho con đừng trông chờ sự giàu sang trần thế.
Chúa có hứa ban sức mạnh tâm hồn cho kẻ theo Chúa. Xin cho con đừng thất vọng khi yếu đau sầu khổ.
Chúa có hứa ban vinh quang bất diệt mai sau. Xin cho con đừng ngỡ ngàng khi bị sỉ nhục vì Danh Chúa.
Xin cho con thêm lòng tin cậy mến để con can đảm bước vào con đường hẹp và theo Chúa tới phục sinh vinh quang. Amen.
Ghi nhớ: “Con Người sẽ phải bị nộp. Các ông không đám hỏi Người về lời ấy”.
Suy niệm 8: Tình yêu hiến dâng mạng sống vì người mình yêu
(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Một tờ báo Ý đã tiết lộ một tin quan trọng về Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Tờ báo cho biết, khi Đức Giáo hoàng còn là sinh viên du học tại Rôma, một hôm đã cùng với các bạn đi thăm cha đáng kính Piô, vị linh mục được Chúa in năm dấu thánh.
Vừa gặp, cha Piô ôm chầm lấy ngài và nói rằng một ngày kia cha sẽ làm Giáo hoàng và sẽ chịu đau khổ, máu sẽ chảy. Wojtyla trả lời: “Điều ấy tôi không sợ vì tôi sẽ không bao giờ làm Giáo hoàng”.
Nhưng thánh ý Chúa nhiệm mầu! Wojtyla đã làm Giáo hoàng và máu đã chảy trong cuộc mưu sát ngày 13/10/1981 tại công trường thánh Phêrô. Gioan Phaolô là vị Giáo hoàng thứ 264, từ ngày vị Giáo hoàng tiên khởi là thánh Phêrô được Chúa trao quyền tối thượng (Theo Lm. Hồng Phúc, Suy niệm lời Chúa, năm A, tr. 128).
Suy niệm
Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là “Đấng Kitô”, một “Đấng Kitô vinh hiển”, Đấng đến giải thoát dân tộc Do Thái khỏi ách đô hộ của người Rôma và làm cho nước Do Thái được hùng cường. Các môn đệ vẫn một mực bám vào quan niệm sai lầm về Đấng Kitô đến thiết lập một vương quốc trần gian hùng cường. Cho nên, các ông vẫn tiếp tục mong chờ một: “biến cố vẻ vang” chứng tỏ quyền năng của Đấng Mêssia. Một vương quyền, quyền uy chiến thắng sắp đến với Đấng Kitô.
Thật thế, ông và các bạn vẫn chưa hiểu hết về một Đấng Kitô như Đức Giêsu loan báo “Đấng Kitô đau khổ” mà Chúa Giêsu nhấn mạnh về Đức Kitô khổ nạn và truyền cho các môn đệ phải luôn ghi tâm khắc cốt: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời”.
Ngài chấp nhận chết để tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ, đó là hy sinh vô bờ bến để cứu chuộc nhân loại: “Không có tình yêu nào cao cả bằng tình yêu của người hiến dâng mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15,13). Chính vì thế, Đấng Kitô sẽ hy sinh trên thập tự đã làm cho cuộc sống con người có ý nghĩa và được cứu độ.
Xin cho chúng ta luôn tin vào Chúa để được cứu độ. Và hiểu rằng vì tội lỗi nhân loại, mà Chúa Kitô đã chịu khổ hình, bị đóng đinh...
Ý lực sống
“Thân lạy Chúa, Ngài là chỗ chúng con dung thân, từ đời nọ trải qua đời kia” (Tv 90,1).
Suy niệm 9: Loan báo cuộc thương khó lần thứ hai
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
Nhận thấy mọi người, trong đó có các môn đệ, kinh ngạc trước việc chữa lành đứa trẻ bị kinh phong mà nguyên nhân bởi quỷ ám. Đức Giêsu, một đàng sợ dân chúng ngộ nhận Ngài là Đấng Cứu Thế theo kiểu trần thế; đàng khác, Ngài muốn nhờ cơ hội này, để giáo huấn các môn đệ ngõ hầu từng bước một họ sẽ hiểu chính xác về công việc cứu thế của Ngài, nên Ngài đã loan báo lần thứ hai về cuộc thương khó: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời”.
Các môn đệ đang say sưa và hãnh diện về lời rao giảng và quyền năng của Thầy mình, thì đột ngột Đức Giêsu loan báo về cuộc thương khó sẽ xảy đến cho Ngài làm các ông ngỡ ngàng và không thể hiểu được.
Tại sao Thầy uy quyền, làm được những phép lạ lớn lao như thế thì ai có thể bắt được?
Tại sao Thầy chí thánh làm những việc thiện và cứu người lại bị nộp?
Nếu Thầy bị bắt thì sứ mạng Đấng Cứu Thế ở đâu?
Bởi vì từ lúc chọn theo Đức Giêsu cho đến lúc trước Phục sinh, các môn đệ chỉ nhìn Đức Giêsu với cái nhìn của con người. Họ nghĩ Ngài mang sứ mạng chính trị, dùng quyền lực giải phóng Israel khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma, lên ngôi vua Israel. Từ đó các môn đệ cũng được chia phần vương giả. Chính vì thế mà Đức Giêsu dần dần dạy các ông hiểu về con đường cứu độ của Ngài là giải phóng toàn nhân loại khỏi ách nô lệ của ma quỷ, khỏi tội lỗi và sự chết. Con đường cứu độ này chỉ được thực hiện bằng giá máu.
Trong bài Tin mừng hôm nay, khi loan báo cuộc khổ nạn của Ngài, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ của Ngài hãy đối đầu với đau khổ, nếu đau khổ là thành phần thiết yếu của cuộc sống. Vấn đề không phải là chối bỏ hiện thực của đau khổ hay tìm cách tránh né khổ đau, mà là đối đầu với nó. Đức Giêsu đã vạch ra cho chúng ta cách thế đối đầu với đau khổ, đó là chấp nhận khổ đau với tình yêu. Đau khổ mà không có tình yêu thì chỉ là hỏa ngục mà thôi.
Đức Giêsu đã đón nhận khổ đau, Ngài đã biến khổ đau thành hiến lễ tình yêu, do đó khổ đau đã trở thành nguồn ơn cứu thoát cho nhân loại. Đức Giêsu mời gọi các môn đệ hãy vác lấy thập giá mình mà đi theo Ngài. Mỗi ngày có nỗi khổ riêng của ngày đó, hạnh phúc hay không, bình an hay không, là tuỳ con người có biết đón nhận đau khổ với tình yêu hay không.
“Tôi sẽ không cho phép ai đi qua tâm trí mình với đôi chân dơ bẩn của họ” (M. Gandhi)
Tâm trí con người có một khả năng tuyệt vời là chỉ đón nhận, thông hiểu những gì thích hợp với mình, và loại trừ điều họ không thích. Khả năng ấy của tâm trí giải thích lý do tại sao các môn đệ không hiểu điều Thầy mình tiên báo về cuộc khổ nạn. Tâm trí các ông đầy ắp tham vọng ham muốn quyền lực, mong mình sẽ là người lớn nhất trong nhóm. Còn chỗ đâu để hiểu con đường quên mình, phục vụ của Thầy các ông. Lòng trí các ông chỉ biết một hướng: hướng vinh quang của Thầy trong Vương quốc, thì làm gì còn chỗ để nhận ra“Con người sẽ bị nộp vào tay người đời”(Lc 9,44) (5 phút Lời Chúa).
Ngày hôm nay, chúng ta cũng có thể hành sự như các Tông đồ xưa, chúng ta không thể hiểu được mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô trong đời sống của chúng ta, không hiểu được mầu nhiệm thập giá trong cuộc đời của Chúa cũng như trong cuộc đời của chính mình. Không hiểu, chúng ta ngại không dám tiến tới, không dám tiếp tục con đường theo Chúa, ngại ngùng trước việc tìm hiểu biết Chúa, ngại ngùng lên tiếng xin Chúa trợ giúp cho ta hiểu biết Ngài trong việc cầu nguyện và tiếp xúc với Lời Chúa và đến với Chúa trong bí tích Thánh Thể. Chúng ta hãy khiêm tốn và tin tưởng đến với Chúa và xin Ngài mạc khải cho chúng ta được hiểu về Ngài mỗi ngày một sâu rộng hơn (R.Veritas).
Truyện: Biến đau khổ thành niềm vui
Một phụ nữ được các bác sĩ cho biết là chị đang mắc cơn bệnh bất trị. Chị cảm thấy như có một ngọn lửa bừng lên trong lòng và muốn nói với Chúa rằng chị muốn bỏ Ngài. Thế là giữa đêm khuya, chị bỏ nhà thương, đi thẳng đến nhà nguyện để gặp Chúa, trước cung thánh chị thốt lên:
- Ôi, ông Chúa, ông đã phỉnh phờ lừa dối tôi. Đã hơn 2000 năm qua, ông tự nhận mình là tình yêu, nhưng mỗi lần có ai được hạnh phúc một chút, là ông lập tức lại cho họ trắng tay. Tôi muốn nói cho ông biết là tôi chán ông lắm rồi, giữa tôi và ông không còn mối liên hệ gì nữa.
Người phụ nữ chỉ nói được thế rồi ngã quỵ, không còn đủ sức đứng dậy nữa. Nhưng trong ánh sáng mờ ảo của cung thánh, chị bỗng nhận ra một hàng chữ thêu trong tấm thảm trước mắt chị: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”.
Vừa nhìn thấy thế, cơn giận trong chị bỗng tan biến. Chị gục đầu vào đôi tay. Từ trong thinh lặng u tối của nhà nguyện, và từ trong sâu thẳm của cõi lòng, người phụ nữ ấy như nghe thấy có tiếng nói với chị như sau:
- Con biết không, tất cả chỉ là lời mời gọi để hướng đời con về với Ta. Con chưa bao giờ làm như thế. Các bác sĩ đã làm hết sức mình để chữa trị cho con, nhưng chỉ một mình Ta mới có thể cho con được sức mạnh.
Suy niệm 10: Ý nghĩa tình yêu của Thập giá
(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Hạt giống...
Chúa Giêsu báo tin lần thứ hai Ngài sẽ chịu nạn chịu chết.
- Ngài báo tin này “đang lúc mọi người thán phục” về những phép lạ hiển hách Ngài đã làm.
- Dù đây đã là lần thứ hai Ngài nói về điều này, “nhưng các ông không hiểu”
- Dù không hiểu, nhưng “các ông không dám hỏi”.
B.... nẩy mầm.
1. Đang lúc các môn đệ phấn khởi về quyền phép Chúa Giêsu thể hiện qua những phép lạ Ngài làm, thì đùng một cái Ngài cho các ông biết là Ngài sẽ bị bắt, bị hành hạ và giết chết. Phải chăng Chúa muốn làm các ông mất hứng? Không, Chúa muốn dẫn các ông trở lại đúng con đường Ngài và các ông phải đi.
Nhiều khi chúng ta đang phấn khởi vì những niềm vui và những thành công, thì đùng một cái, đau khổ và thất bại ập đến. Cũng không phải là Chúa làm chúng ta mất hứng, mà Ngài đang dẫn chúng ta trở lại đúng con đường của mình. “Ai muốn theo Thầy, hãy vác thập giá mà theo”.
2. “Nhưng các ông không hiểu”: chúng con cũng chẳng hiểu. Tại sao con phải đau khổ? Tại sao Chúa để Giáo Hội gặp nhiều khó khăn? Tại sao kẻ làm lành mà lại bị thiệt thòi? Tại sao thế này, tại sao thế nọ? Tuy nhiên chúng con nhớ là Chúa đã bảo phải như thế !
3. “các ông không dám hỏi”: chúng ta đừng làm như các môn đệ xưa. Khi không hiểu về Thập giá, chúng ta cứ hỏi Chúa. Ngài sẽ trả lời: “Vì Thầy yêu thương chúng con. Thầy muốn chúng con chia sẻ thân phận của Thầy”.
4. Xem chừng như tất cả các vấn đề của con người đều được gắn liền với khổ đau. Vì không muốn chấp nhận khổ đau mà con người gây ra bao tội ác: vì không muốn hy sinh mà một người mẹ đang tâm giết chết đứa con trong lòng mình; vì không muốn thấp người thân đau khổ mà người ta giết họ chết cách êm dịu, vì không muốn đối đầu với thực tại khổ đau mà người ta tìm quên trong men rượu, ma túy và mọi thứ kích thích khác: hoả ngục là như thế đó… Đau khổ mà không chấp nhận, không có tình yêu thì chỉ là hoả ngục mà thôi ("Mỗi ngày một tin vui")
5. “Chúa Giêsu nói với các môn đệ: ‘Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời’. Nhưng các ông không hiểu lời đó” (Lc 9,44-45)
Từ khi vợ mất, ông lão dọn đến đây ở với đứa con gái duy nhất, những mong tìm được nguồn an ủi trong những tháng ngày còn lại. Nhưng hình như ông đã già lắm rồi thì phải. Ít ra, thái độ của cô con gái khiến ông cảm thấy như thế.
… Đã thành lệ, mỗi buổi sáng sau khi nhận được ít tiền từ con gái, ông lại lủi thủi một mình. Con gái ông còn bận “ngoại giao” bên hàng xóm hoặc vòng vòng ngắm nghía phố thị. Phần buồn nhớ vợ, phần cô đơn, ông đâm ra nghĩ quẩn… Vài ngày sau khi ông bỏ đi, người con gái nhận được giấy báo lên nhận xác ông, nghe đâu được một người dân chài vớt lên…
Đã bao lần tôi là thế, vô tư với nỗi niềm của người bạn bên cạnh tôi, những Giêsu của ngày hôm nay. Họ cũng đang cần sự cảm thông của tôi như Giêsu ngày xưa tìm kiếm sự đồng cảm nơi các môn đệ.
Lạy Chúa, xin cho con một trái tim đừng chỉ đập những nhịp đập cho riêng mình, nhưng còn biết rung lên những khúc ca vui với niềm vui của người khác, và cũng biết đớn đau trước nỗi đau của bao người quanh con. (Hosanna).
Suy niệm 11: Chúa Giêsu báo tin lần hai về cái chết của Ngài.
(Lm Giuse Đinh Tất Quý)
Chúa Giêsu báo tin lần thứ hai về cái chết của Ngài.
Đang lúc các môn đệ phấn khởi về quyền phép Chúa Giêsu thể hiện qua những phép lạ Ngài làm, thì đùng một cái Ngài cho các ông biết là Ngài sẽ bị bắt, bị hành hạ và bị giết chết. Phải chăng, Chúa làm thế là muốn làm các ông mất hứng? Không, Chúa không muốn làm cho các ông mất hứng mà chỉ muốn dẫn các ông trở lại đúng con đường mà Ngài đang đi, đồng thời Ngài cũng muốn cho cả các ông cùng đi trên con đường đó với Ngài.
Trong vườn Giêthsêmani, có lúc Chúa cũng cảm thấy choáng váng khi thấy đau khổ gần kề, nhưng ngay sau khi biết được đó là thánh ý của Chúa Cha thì Ngài đã can đảm chấp nhận.
Chúa đón nhận khổ đau không phải vì khổ đau tự nó là điều đáng ước mong, nhưng Ngài đón nhận khổ đau vì lòng yêu mến Thiên Chúa Cha và Ngài đã biến khổ đau thành phương tiện cứu rỗi.
Người ta kể rằng, Indira đến gặp vị đạo sĩ Makia và thưa:
- Xin ngài hãy chỉ cho tôi một vị Thần để tôi tôn thờ và một tôn giáo để tôi sống theo.
Đạo sĩ liền đưa Indira đến một tòa nhà rộng lớn, nơi đó mỗi vị thần được dành cho một căn phòng rộng. Vị đầu tiên là thần Bada được đạo sĩ Makia giới thiệu như sau:
- Đây là vị thần đã hứa sẽ cất hết mọi đau khổ khỏi thế giới con người.
Nhưng Indira lắc đầu xin được sang căn phòng khác.
Đến vị thần thứ hai, đạo sĩ Makia giới thiệu:
- Đây là vị thần có bí quyết giúp con người tránh được đau khổ.
Nhưng Indira khẽ ra hiệu cho đạo sĩ cùng đi nơi khác.
Cuối cùng, hai người đến trước một người đang bị treo trên Thập Giá, Indira tò mò hỏi:
- Vị thần này là ai mà bị treo trên Thập Tự như thế này?
Đạo sĩ chậm rãi trả lời:
- Đây là Chúa Giêsu Kitô của những người Công Giáo.
Với một chút xúc động lộ ra trên nét mặt, Indira xin đạo sĩ giải thích thêm về những gì cần phải làm để được trở thánh đồ đệ của vị bị treo trên Thập Giá. Đạo sĩ Makia ngạc nhiên hỏi lại:
- Này anh, anh làm tôi thắc mắc. Hai vị thần đã gặp lúc đầu, một đề nghị cất bớt sự đau khổ, một đề nghị tránh khỏi đau khổ, anh không thích người nào cả, thế nhưng tại sao anh lại thích và muốn làm đồ đệ của vị chịu treo nhục nhã trên Thập Giá này?
Đến phiên Indira giải thích cho vị đạo sĩ Makia:
- Hứa làm bớt sự đau khổ trên trần gian này là lời nói suông. Người ta không thể nào cất đi mọi đau khổ trên trần gian này. Dạy con người tránh sự đau khổ là dạy con người sống khiếp nhược. Tránh né được đau khổ này thì đau khổ khác sẽ đến. Nhìn vào vị Chúa của người Kitô, dám chấp nhận sự đau khổ như vậy, con người sẽ được mời gọi để hiểu ý nghĩa của sự đau khổ và chấp nhận nó, và một khi hiểu và chấp nhận mầu nhiệm đau khổ thì niềm vui và an bình có thể trổ sinh cả trên thế giới không mấy tốt đẹp này. Đó là lý do tại sao tôi cảm thấy bị thu hút bởi Đấng bị treo trên thập tự kia và muốn làm đồ đệ của Ngài.”
Linh mục Bauer có kể lại chứng từ sau đây: Một phụ nữ được các bác sĩ cho biết là chị đang mắc cơn bệnh bất trị. Chị cảm thấy như có một ngọn lửa bùng lên trong lòng và muốn nói với Chúa rằng: chị muốn bỏ Ngài. Thế là, giữa đêm khuya, chị bỏ nhà thương, đi thẳng đến nhà nguyện để gặp Chúa. Trước cung thánh chị thốt lên:
- Ôi, ông Chúa, ông đã phĩnh phờ lừa dối tôi. Đã hai ngàn năm qua, ông tự nhận mình là tình yêu, nhưng mỗi lần có ai được hạnh phúc một chút, là ông lập tức cho họ trắng tay. Tôi muốn nói cho ông biết là tôi chán ông rồi, giữa tôi và ông không còn gì nữa.
Người phụ nữ chỉ nói được có thế rồi ngã quỵ, không còn đủ sức đứng dậy nữa. Nhưng trong ánh sáng mờ ảo của cung thánh, chị bỗng nhận ra một hàng chữ thêu trong tấm thảm trước mắt chị: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”.
Vừa nhìn thấy thế, cơn giận trong chị bỗng tan biến. Chị gục đầu vào đôi tay. Từ trong thinh lặng u tối của nhà nguyện, cũng như trong sâu thẳm của cõi lòng, người phụ nữ ấy như nghe thấy có tiếng nói với chị như sau:
- Con biết không, tất cả chỉ là lời mời gọi để hướng đời con về Ta. Con chưa bao giờ làm như thế. Các bác sĩ đã làm hết sức mình để chữa trị cho con, nhưng chỉ một mình Ta mới có thể cho con được sức mạnh.
Giữa bóng tối, một tia sáng tin yêu đã lóe lên trong lòng người phụ nữ. Chị chấp nhận tất cả. Chị đã đầu hàng Chúa vô điều kiện và chị đã dâng cuộc sống còn lại cho Ngài. Chị gắng gượng trở về phòng và chưa bao giờ chị tìm được sự thanh thản trong tâm hồn như thế.
Suy niệm 11: Chúa sẽ bị nộp
(Lm. Micae Võ Thành Nhân)
Trong lúc mọi người nói chung và các tông đồ của Chúa nói riêng đang rất vui vẻ, hãnh diện, tự hào, khâm phục, tán tụng, ca ngợi, tôn vinh, chúc khen tất cả các việc Chúa đã làm là xua trừ ma quỷ, chữa lành các chứng bệnh khác nhau trong dân Chúa, nhất là việc Chúa rao giảng Tin Mừng tình yêu, cứu độ cho hết thảy mọi người trên dương gian qua mọi thời đại, thì Chúa lại nói về cuộc khổ nạn, sự chết, của Chúa mà Chúa sắp phải chịu tới đây: “Đang lúc mọi người thán phục về tất cả các việc Chúa đã làm, thì Chúa phán cùng các môn đệ rằng: Phần các con, các con hãy ghi vào lòng những lời này là: Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời” (Lc 9, 44). Phải chăng, các tông đồ nghĩ rằng đây là một điều xui xẻo, các ngài chẳng thích chuyện này chút nào xảy ra trong cuộc đời của Chúa.
Có lẽ khi nghe Chúa nói như thế, lòng mọi người và các tông đồ sẽ chùng xuống, trở về với thực tế của cuộc sống, trở lại với chính bản thân của các ngài. Việc làm của Chúa tuy là vinh quang, danh dự đó, nhưng đây không phải là điều chính trong sứ mạng cao cả của Chúa khi Chúa đến trần gian. Sứ mạng chính mà Chúa nhận lãnh từ Chúa Cha là Chúa sẽ chịu chết trên thập giá để cứu độ con người chúng ta. Các tông đồ của Chúa cần biết, cần chuẩn bị tâm hồn để cùng với Chúa đi vào cuộc khổ nạn mà an ủi Chúa và sinh ích lợi cho các ngài: “Nhưng các ngài không hiểu lời đó, vì nó còn bị che khuất, nên các ngài không lãnh hội được ý nghĩa, và các ngài không dám hỏi Người về lời ấy” (Lc 9, 45). Vì thế, các ngài cũng cần phải hiểu rằng các ngài theo Chúa là theo Chúa tử nạn, đau khổ, sau này mới được phục sinh với Chúa.
Như vậy, qua lời Chúa nói trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa dạy về cuộc đời của mỗi con người chúng ta. Nếu có những lúc chúng ta hạnh phúc thì chúng ta hãy nghĩ đến khổ đau. Nếu có những lúc chúng ta có nụ cười trên môi, thì chúng ta hãy nghĩ đến những lúc chúng ta khóc lóc. Nếu có những lúc chúng ta no đủ thì chúng ta hãy nhớ đến những khi chúng ta đói khát. Nếu có những lúc chúng ta giàu sang phú quý thì chúng ta hãy nghĩ đến nhưng lúc chúng ta nghèo khổ, khố rách áo ôm. Nếu có những lúc chúng ta được vinh quang thì chúng ta hãy nhớ đến những khi chúng ta bị nhục nhã, bị khinh bỉ, bị chê cười…..Ngược lại, khi chúng ta gặp đau buồn, chúng ta hãy nghĩ đến lúc Chúa sẽ cho chúng ta hạnh phúc. Khi chúng ta khao khát về Chúa, Chúa sẽ cho chúng ta no thỏa. Khi chúng ta khóc lóc, Chúa sẽ an ủi chúng ta. Khi chúng ta bị vùi dập, Chúa sẽ nâng đỡ chúng ta. Khi chúng ta mất mát vì cho đi, chia sẻ, Chúa sẽ bù đắp cho chúng ta……Để rồi, một khi chúng ta gặp điều tốt đẹp, như ý trong cuộc sống đời này, chúng ta hãy tạ ơn Chúa và sống khiêm nhường xứng với các ơn Chúa ban. Còn lúc chúng ta gặp những gian nan, thử thách, khắc nghiệt, thánh giá Chúa gởi đến trong cuộc sống, chúng ta cũng tạ ơn Chúa, tin tưởng cậy trông vào Chúa, sống khiêm nhường và không bao giờ thất vọng, Chúa sẽ ban ơn cho chúng ta.
Lạy Chúa, Chúa là nơi chúng con trú ẩn, là thành trì bảo vệc chúng con, xin Chúa cho chúng con luôn biết rằng, cuộc đời này sẽ mau qua đi, chỉ có Chúa mới là vĩnh cửu, để rồi chúng con luôn ý thức bản thân mình là tro bụi, là tội lỗi mà biết tin tưởng cậy trông phó thác cuộc đời chúng con cho Chúa, bám chặc vào Chúa, nhất là những lúc chúng con gặp thử thách trong cuộc sống. Xin Chúa thương nâng đỡ chúng con. Amen.
Suy niệm 12: Đức Kitô tiêu diệt thần chết
(Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB)
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Bảy Tuần 25 Thường Niên, năm Chẵn này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã thu gọn toàn thể lề luật thánh vào giới răn độc nhất là mến Chúa yêu người, xin Chúa giúp chúng ta hằng vâng giữ điều Chúa truyền dạy, để sau này đạt tới phúc trường sinh.
Vâng giữ điều Chúa truyền dạy, để được múc nước tận nguồn ơn cứu độ, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Êdêkien cho thấy: Trong xứ Paléttin khô khan, nước tượng trưng ơn lành của Thiên Chúa. Từ Đền Thờ là Nhà Thiên Chúa, phát xuất dòng suối kỳ diệu, không bao giờ cạn, cho thấy sức phát triển tuyệt vời của ân sủng. Chúa Giêsu sẽ hứa cho một mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời. Tôi đã thấy nước từ bên phải Đền Thờ tuôn ra, và tất cả những người được nước đó thanh tẩy đều được cứu độ. Đức Giêsu đã nói: Nước tôi cho người nào sẽ trở nên mạch nước chảy vọt mang lại sự sống muôn đời cho người đó.
Vâng giữ điều Chúa truyền dạy, để được tận hưởng những ân lộc Chúa ban dồi dào phong phú, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Hilariô nói: Chúng ta, những người được tái sinh nhờ phép Rửa, chúng ta vui mừng chan chứa khi cảm nhận nơi mình những hoa quả đầu mùa của Thánh Thần… Lạy Chúa, chúng con được no say yến tiệc nhà Ngài, nơi suối hoan lạc, Ngài cho uống thỏa thuê. Ân huệ nhà Chúa, chúng con được tận hưởng. Chúa quả là nguồn sống, nhờ ánh sáng của Ngài, chúng con được nhìn thấy ánh sáng.
Vâng giữ điều Chúa truyền dạy, để sống giữa những thế sự thăng trầm, mau qua, chóng tàn, lòng vẫn bám chặt vào Chúa là núi đá, thành trì vững chắc của chúng ta, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Giảng Viên nói: Giữa tuổi thanh xuân, bạn hãy tưởng nhớ Đấng đã dựng nên mình. Đừng chờ đến khi bụi đất lại trở về với đất. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 89, vịnh gia đã cho thấy: Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ, Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn. Chúa bắt phàm nhân trở về cát bụi, Ngài phán bảo: Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi! Ngàn năm Chúa kể là gì, tựa hôm qua đã qua đi mất rồi, khác nào một trống canh thôi!
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Đấng Cứu Độ chúng ta là Đức Giêsu Kitô đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời. Các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy. Đức Kitô đã tiêu diệt thần chết bằng chính cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Người. Thập giá là Tin Mừng làm sáng tỏ phúc trường sinh. Đây là cớ vấp phạm, là một nghịch lý mà trí khôn loài người không thể hiểu nổi, các môn đệ đã sợ và không dám hỏi lại Đức Giêsu. Tại sao các ông sợ? Phải chăng sợ hiểu rồi, sẽ bị liên lụy, sẽ rước vào mình những phiền phức, những điều mà mình chẳng mong muốn bao giờ. Về sau, khi Thần Khí sự thật đến, đã dẫn các ông đến sự thật vẹn toàn, và các ông đã can đảm đi đến cùng của sự thật, làm chứng cho sự thật bằng chính cái chết của mình, và được nên đồng hình đồng dạng với Thầy Chí Thánh. Ai tin tưởng và thông phần vào cuộc Khổ Nạn của Đức Giêsu, người ấy sẽ được đến múc nước tận nguồn ơn cứu độ, và từ lòng người ấy sẽ tuôn chảy những dòng nước trường sinh; những ân huệ Thánh Thần sẽ tựa như mưa sa thấm vào lòng người ấy, và những gì người ấy đã khởi sự sẽ từ từ sinh hoa kết quả dồi dào. Ước gì khi sống giữa những thế sự thăng trầm, giữa những xu hướng của thời đại, chúng ta dám giữ vững niềm tin vào Chúa, dám lội ngược dòng, để vâng giữ những gì Chúa truyền dạy. Chúa đã thu gọn toàn thể lề luật thánh vào giới răn độc nhất là mến Chúa yêu người, ước gì chúng ta hằng vâng giữ điều Chúa truyền dạy, để sau này đạt tới phúc trường sinh. Ước gì được như thế!
Bài cùng chuyên mục:
Thứ Hai 04/11/2024 – Thứ Hai tuần 31 thường niên. – Thánh Carôlô Borômêô, giám mục. Lễ nhớ. – Ân Huệ Tặng Không. (03/11/2024 10:00:00 - Xem: 1,133)
Thánh Carôlô Borômêô, giám mục. Lễ nhớ.
+ Chúa Nhật 03/11/2024 – CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN năm B. – Giới răn trọng nhất. (02/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,147)
CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN năm B.
Thứ Bảy 02/11/2024 – Thứ Bảy tuần 30 thường niên – CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI. – Bên kia sự chết. (01/11/2024 10:00:00 - Xem: 4,336)
CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI.
Thứ Sáu 01/11/2024 – Thứ Sáu tuần 30 thường niên – CÁC THÁNH NAM NỮ. Lễ trọng. Lễ HỌ. Cầu cho giáo dân. – Phúc thay!!!!. (31/10/2024 10:00:00 - Xem: 4,224)
CÁC THÁNH NAM NỮ. Lễ trọng. Lễ HỌ. Cầu cho giáo dân.
Thứ Năm 31/10/2024 – Thứ Năm tuần 30 thường niên. – Giờ của Chúa. (30/10/2024 10:00:00 - Xem: 3,886)
Thứ Năm tuần 30 thường niên.
Thứ Tư 30/10/2024 – Thứ Tư tuần 30 thường niên. – Cửa Hẹp. (29/10/2024 10:00:00 - Xem: 4,163)
Thứ Tư tuần 30 thường niên.
Thứ Ba 29/10/2024 – Thứ Ba tuần 30 thường niên. – Nước Thiên Chúa. (28/10/2024 10:00:00 - Xem: 3,878)
Thứ Ba tuần 30 thường niên.
Thứ Hai 28/10/2024 – Thứ Hai tuần 30 thường niên – THÁNH SIMON VÀ THÁNH GIUĐA TÔNG ĐỒ. Lễ kính. – Chọn Lựa Của Chúa. (27/10/2024 10:00:00 - Xem: 5,534)
THÁNH SIMON VÀ THÁNH GIUĐA TÔNG ĐỒ. Lễ kính.
+ Chúa Nhật 27/10/2024 – CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN năm B. – Chữa người mù Giêricô. (26/10/2024 10:00:00 - Xem: 6,494)
CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN năm B.
Thứ Bảy 26/10/2024 – Thứ Bảy tuần 29 thường niên. – Nếu không ăn năn hối cải, thì… (25/10/2024 10:00:00 - Xem: 3,336)
Thứ Bảy tuần 29 thường niên.
-
Khi nào sợ hãi là lành mạnh?
Chúng ta tôn vinh Chúa không phải bằng cách sống trong sợ hãi để không xúc phạm đến Ngài, mà bằng cách cung kính dùng năng lượng tuyệt...
-
Năm cách mang lại hạnh phúc cho mẹ
Những người mẹ có thể không hoàn hảo, nhưng họ luôn muốn những điều tốt đẹp nhất cho con mình, từ khi chúng ta mới chào đời cho đến khi...
-
Nền tảng thần học về Luyện ngục
Vấn đề luyện ngục có nền tảng trong Kinh Thánh tuy chưa thực sự rõ ràng, nhưng Thánh Truyền đã minh định rất rõ về chủ đề này. Có người...
-
Gia vị cho bài giảng CN 31 TN năm B -2024
Yêu người lân cận như chính mình cũng được hiểu theo chiều ngược lại: mở rộng tâm hồn đón nhận quà tặng tình yêu được trao ban.
-
Suy nghĩ và cầu nguyện CN 31 TN năm B - 2024
Ta không thể gặp gỡ và yêu mến Thiên Chúa trong tâm tưởng hay trong ước muốn, mà là nơi chính tha nhân, nơi những hành động cụ thể trong...
-
Hướng về các linh hồn đã khuất
“Linh hồn là cái làm cho ta thành một con người. Nó là nguyên lý linh thiêng của sự sống, và là cái sâu thẳm nhất trong con người.” (Sách...
-
Các Thánh – Họ là ai?
Các vị thánh đã thật sự gạt bỏ được mọi dính bén hồng trần, nên chẳng quan tâm đến chuyện mình được tôn vinh hay không. Chẳng một vị thánh...
-
Người tị nạn, nhập cư và Chúa Giêsu
Làm sao chúng ta tôn vinh sự thật rằng, là tín hữu kitô, chúng ta phải nghĩ về người nghèo trước hết? Làm sao chúng ta đối diện với Chúa...
-
Hội Thánh dạy “Nên Thánh” cách nào?
Được trở nên nghĩa thiết và bạn hữu của Thiên Chúa là một điều gì đó muôn trùng siêu vượt trên chúng ta. Chúng ta không thể mua nó bằng...
-
Ba-ti-mê, mù rồi lại sáng
Hôm nay vẫn có người ngắm bầu trời xanh, thấy ánh trăng vằng vặc nhưng chẳng nhận thấy quyền năng Chúa ; có người nhìn thấy nhan nhản người...
-
Sự cần thiết của việc lắng nghe
Lắng nghe đòi hỏi chúng ta phải chú tâm để nghe, hiểu và thấu cảm. Như vậy, lắng nghe cũng là yếu tố quyết định cuộc sống của mỗi người.
- Lớn lên từ những thử thách
- Nhận nhưng không, cho nhưng không
- Niềm tin lớn nhất
- Câu chuyện truyền cảm hứng về...