Lời chúa mỗi ngày

Thứ Bảy 09/04/2022 – Thứ Bảy tuần 5 mùa Chay. – Người công chính.

  • In trang này
  • Lượt xem: 6,888
  • Ngày đăng: 08/04/2022 08:00:00

Người công chính.

09/04 – Thứ Bảy tuần 5 mùa Chay.

"Ðể quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát về một mối".

 

Lời Chúa: Ga 11, 45-56

Khi ấy, trong những người đến thăm Maria và đã chứng kiến việc Ngài làm, có nhiều kẻ đã tin vào Chúa Giê-su. Nhưng trong nhóm có kẻ đi gặp người biệt phái và thuật lại các việc Chúa Giêsu đã làm. Do đó, các thượng tế và biệt phái họp công nghị, và nói: "Chúng ta phải xử trí sao đây? Vì người này làm nhiều phép lạ. Nếu chúng ta để mặc người ấy làm như thế, thì mọi người sẽ tin theo và quân Rôma sẽ kéo đến phá huỷ nơi này và dân tộc ta". Một người trong nhóm là Caipha làm thượng tế năm đó, nói với họ rằng: "Quý vị không hiểu gì cả! Quý vị không nghĩ rằng thà một người chết thay cho dân, còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt". Không phải tự ông nói điều đó, nhưng với danh nghĩa là thượng tế năm ấy, ông đã nói tiên tri rằng Chúa Giêsu phải chết thay cho dân, và không phải cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát về một mối.

Bởi vậy, từ ngày đó, họ quyết định giết Người. Vì thế Chúa Giêsu không còn công khai đi lại giữa người Do-thái nữa. Người đi về miền gần hoang địa, đến thành phố tên là Ephrem, và ở lại đó với các môn đệ. Khi đó đã gần đến Lễ Vượt Qua của người Do-thái. Có nhiều người từ các miền lên Giêrusalem trước lễ, để được thanh tẩy. Họ tìm Chúa Giêsu; họ đứng trong đền thờ và bàn tán với nhau: "Anh em nghĩ sao? Người có đến hay không?" Còn các thượng tế và biệt phái đã ra lệnh rằng nếu ai biết Người ở đâu, thì phải tố cáo để họ bắt Người.

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Chết thay cho dân

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Đức Giêsu đã từng nhiều lần bị tìm bắt, bị ném đá, bị đe dọa.

Nhưng đây là lần đầu tiên các thượng tế, các người Pharisêu

và Thượng Hội Đồng của Do thái giáo quyết định giết Ngài (c. 53).

Theo Tin Mừng Gioan, lý do gần nhất đưa đến quyết định đó

là việc Đức Giêsu làm cho anh Lazarô chết bốn ngày sống lại (Ga 11).

Sự sống lại của anh đã khiến cho nhiều kẻ tin vào Đức Giêsu.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo sợ rằng phong trào theo Giêsu sẽ tiếp tục bành trướng,

mọi người sẽ tin, và quân Rôma sẽ đến phá hủy đất nước và nơi thờ tự (c. 48).

Caipha là vị thượng tế đương nhiệm năm ấy.

Đứng trước sự lúng túng và lo âu của các thành viên trong Thượng Hội Đồng,

đột nhiên ông phát biểu như không cần suy nghĩ thêm gì nữa:

“Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (c. 50).

Lời phát biểu bộc phát như thế,

nào ngờ lại là một lời tiên tri thốt ra từ miệng một vị thượng tế.

Caipha chỉ muốn loại trừ Đức Giêsu để bảo đảm an ninh cho đất nước và Đền Thờ,

nhưng ông lại vô tình nói tiên tri về tính cứu độ của cái chết Đức Giêsu.

Cái chết ấy sẽ cứu cả dân tộc Do thái khỏi bị tiêu diệt,

Đức Giêsu chết thay cho dân của Ngài.

Nhưng Caipha không ngờ ảnh hưởng của cái chết ấy còn vượt xa hơn nhiều.

Ngài chết “không chỉ thay cho dân (Do thái) mà thôi,

nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối.”

Cái chết ấy có khả năng quy tụ mọi kẻ tin vào Đức Giêsu

về một đoàn chiên duy nhất, kể cả dân ngoại (Ga 10, 16).

Cái chết ấy có khả năng kéo mọi người lên chẳng trừ ai (Ga 12, 32).

Đức Giêsu đã bị kết án ngay khi chưa có phiên tòa chính thức.

Ngài bị kết án tử vì đã trao ban sự sống cho một con người.

Cái chết của Ngài không ngăn cản được sự sụp đổ của thành Giêrusalem

và sự tan hoang của cả đất nước Do thái vào năm 70.

Nhưng cái chết ấy đã đem lại ơn cứu độ cho mọi người tin.

Hiệu quả của cái chết ấy vẫn còn mãi đến tận thế.

Đức Giêsu đã hiến mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người (Mc 10, 45).

Năm 2008 người ta xác định được 20 nhà truyền giáo bị giết trên thế giới.

Họ đã can đảm sống trong những hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm,

và đón nhận cái chết như cái giá phải trả cho tình yêu muốn phục vụ.

Có bao tín hữu vô danh khác vẫn âm thầm nếm cái chết hàng ngày,

chỉ vì muốn theo gương Thầy Giêsu đem sự sống cho anh em.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa,

Chúa đã làm người như chúng con,

nên Chúa hiểu gánh nặng của phận người.

Cuộc đời đầy cạm bẫy mời mọc

mà con người lại yếu đuối mong manh.

Hạnh phúc thường được trộn bằng nước mắt,

và giữa ánh sáng,

cũng có những bóng mờ đe dọa.

Lạy Chúa Giêsu,

nếu có lúc con mệt mỏi và xao xuyến,

xin nhắc con nhớ rằng trong Vườn Dầu

Chúa đã buồn muốn chết được.

Nếu có lúc con thấy bóng tối bủa vây,

xin nhắc con nhớ rằng trên thập giá

Chúa đã thốt lên: Sao Cha bỏ con?

Xin nâng đỡ con, để con đừng bỏ cuộc.

Xin đồng hành với con, để con không cô đơn.

Xin cho con yêu đời luôn

dù đời chẳng luôn đáng yêu.

Xin cho con can đảm

đối diện với những thách đố

vì biết rằng cuối cùng

chiến thắng thuộc về người

có niềm hy vọng lớn hơn. Amen.

 

Suy Niệm 2: Qui về một mối

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Ngày cuối cùng của mùa Chay, Cai-pha đã tuyên án: Chúa Giê-su phải chết thay cho toàn dân. Nhưng đó là: Để qui tụ con cái Thiên Chúa tản mác khắp nơi về một mối. Như Ê-dê-ki-en tiên báo từ thời xa xưa: “Ta sẽ qui tụ chúng lại từ bốn phương và đưa chúng về đất của chúng. Ta sẽ làm cho chúng thành một dân tộc duy nhất trong xứ..; tất cả chúng chỉ có một vua duy nhất”.

Lịch sử con người là lịch sử chia rẽ. Chia rẽ với Thiên Chúa. Nghe lời ma quỉ chống lại lệnh Chúa truyền. Chia rẽ với nhau. Ca-in đã giết A-ben. Và câu chuyện tháp Ba-ben còn đó. Bất hòa cả với thiên nhiên, cỏ cây, súc vật. Nên phải lao động vất vả đổ mồ hôi mới có thể đủ ăn. Chia rẽ với chính mình. Như thánh Phao-lô nói: Điều tốt tôi muốn tôi lại không làm. Điều xấu tôi không muốn thì tôi lại làm.

Chúa Giê-su chết để hòa giải con người với Thiên Chúa. Thánh giá là chiếc cầu nối. Chúa Giê-su là trưởng tử chí hiếu dắt đoàn em bất hiếu đông đảo trở về nhà Cha. Thánh giá là bàn hội nghị cho con người có thể gặp gỡ Thiên Chúa. Thánh giá là giao ước mới, nơi Thiên Chúa một lần nữa ký kết yêu thương con người.

Chúa Giê-su chết để hòa giải con người với nhau. Con người muốn áp bức người khác, giết chết người khác để độc chiếm, bá chủ. Chúa Giê-su tự nguyện chịu chết trong tay loài người. Tự nguyện hạ mình phục vụ loài người. Tự nhận là tôi tớ rửa chân cho loài người. Để chuộc lại tội lỗi loài người. Để hòa giải con người với nhau.

Chúa Giê-su chết để hòa giải nội tâm con người. Để thống nhất con người. Chúa chiến thắng tính xác thịt, thế gian. Để trong con người từ nay được thống nhất. Không còn phân tán hai lòng hai ý. Nhưng chỉ có một con người vâng phục linh hồn. Và linh hồn vâng phục Thiên Chúa.

Thế giới hôm nay là một thế giới phân rẽ đầy mâu thuẫn. Con người muốn gạt bỏ Thiên Chúa nhưng lại qui phục những mê tín dị đoan. Con người cần lẫn nhau nhưng lại khai thác bóc lột nhau. Con người mơ ước gia đình hạnh phúc, nhưng lại cổ võ li dị. Thế giới e ngại tương lai chỉ toàn người già, nhưng không ai chịu sinh con. Con người muốn hưởng thụ khí lành, cây xanh, nhưng không ngừng tàn phá thiên nhiên và khí quyển. Ai cũng muốn được xưng tụng là người tốt, là ân nhân của nhân loại, nhưng lại làm những việc xấu xa, tàn phá con người. Trong tình hình đó, cần có những con người noi gương Chúa Giê-su để hàn gắn lại những chia rẽ, phân tán trong thế giới.

 

Suy Niệm 3: Người công chính

Tác giả thánh vịnh 58 đã có lời cầu nguyện như sau:

Lạy Thiên Chúa của con

Xin cứu con khỏi kẻ địch thù

Bênh đỡ con chống lại kẻ tấn công

Cứu vớt con khỏi vòng gian ác,

Giải thoát con khỏi bọn giết người.

Kìa mạng con, chúng rình hãm hại,

Lũ cường quyền xúm lại chống con.

Ðây là tâm trạng của một người công chính bị kẻ gian ác hùa nhau mưu hại. Tâm trạng này phù hợp với tâm trạng của Chúa Giêsu trong những ngày cuối cùng của Người ở trần gian. Sau ba năm vất vả để rao giảng Tin Mừng Cứu Ðộ và thi ân giáng phúc, Chúa Giêsu phải đối diện với một thực trạng đáng buồn. Những cố gắng của Người chỉ được những kẻ thành tâm thiện chí đón nhận, mà đa số thuộc thành phần nghèo khổ, bất hạnh. Còn những kẻ có vai vế, những kẻ tự xưng là đạo đức, là có học vấn thì lại chống đối Người. Nếu chỉ xét về bên ngoài thì công lao của Chúa ví như muối bỏ biển. Nhìn từ góc độ con người thì góc độ cứu độ của Chúa Cha dường như chẳng mang lại kết quả bao nhiêu.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa bị những người Do Thái tìm cách khử trừ, vì Chúa không những không đáp ứng nguyện vọng của họ mà lại còn tạo nên xáo trộn bất lợi cho cuộc sống của họ nữa. Họ mong chờ một vị cứu tinh, nhưng vị cứu tinh này phải phù hợp với sở thích của họ, phải mang lại cho họ thấy được những quyền lợi trước mắt, phải làm cho cuộc sống trần thế của họ trở nên thoải mái hơn. Chúa làm cho họ thất vọng thế là họ loại trừ Chúa ra khỏi cuộc sống. Ngày hôm nay, hai mươi thế kỷ sau ngày Chúa chịu chết và sống lại, Chúa vẫn tiếp tục bị tẩy chay, bị loại trừ và điều đáng buồn nhất là Chúa bị loại trừ bởi chính những người mang danh hiệu là người Kitô, trong số đó có con. Con loại trừ Chúa khi con không sống theo tinh thần Tám mối phúc thật; con loại trừ Chúa khi con chạy theo những thú vui vật chất, khi con tôn vinh những gì thỏa mãn ước mơ trần thế của con. Con xưng mình là người có đạo, nhưng con lại đi tìm một cứu Chúa không phải là Chúa Giêsu Kitô.

Lạy Chúa Giêsu, xin thương cứu con khỏi những ràng buộc hư ảo ấy. Xin cho con luôn luôn tôn thờ và tin yêu Chúa là Cứu Chúa duy nhất chân thật của con.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Chết thay người khác.

Cha Maximilien Kolbe, người Ba Lan, là một tu sĩ Phanxicô rất hăng say hoạt động. Cha đã tình nguyện sang truyền giáo tại Nhật trong ngành ấn loát. Nhưng sau vì bệnh lao phổi, cha phải về Ba Lan điều trị. Vào thế chiến thứ hai, vì thấy cha có ảnh hưởng mạnh trên quân chúng. Đức quốc xã đã bắt cha và giam vào tù, tại đây cha đã tình nguyện chết thay cho một người bạn đồng tù.

Phải chết thay người khác có thể là một hành động do hận thù bất công, nhưng với tình yêu Chúa, người Kitô hữu có thể hiến mạng sống mình cho người khác. Chính Chúa Giêsu đã trải qua kinh nghiệm này: những người Do Thái không tin đã bắt Chúa phải chết thay để người Rôma khỏi hủy diệt dân tộc Do Thái, nhưng trong chương trình cứu độ, Ngài đã chấp nhận hiến mạng sống mình để mọi người được sống.

Những người Do Thái đã nhìn hành động của Chúa theo mầu sắc chính trị. Họ đã thắc mắc: “Ta phải làm gì? Vì con người ấy làm nhiều sự lạ. Nếu cứ để như vậy, mọi người sẽ tin vào ông ta và quân Rôma sẽ đến hủy diệt nơi thánh và dân tộc ta”. Lý luận của người Do Thái không tin thật lộn xộn: Dân chúng tin theo Chúa là việc tôn giáo, quân Rôma đến phá hủy là việc chính trị, làm sao việc tôn giáo lại kéo theo hậu quả chính trị như thế được. Vả lại chính quyền Rôma lúc đó cho người Do Thái được tự do hành đạo, và chính Tổng trấn Philatô sau này cũng đâu muốn kết án Chúa vì lý do tôn giáo. Người Do Thái đã phải tố cáo Chúa về tội chính trị: xúi dân làm loạn, không nộp thuế cho Hoàng đế César. Thật là trớ trêu, nhưng Chúa đã không phản đối. Ngài chấp nhận một cái chết bất công để biến nó thành cái chết hy sinh cứu chuộc nhiều người.

Tác giả tập sách Đường Hy vọng khuyên: “Đây là bằng chứng để biết được lòng mến, đó là Đấng ấy đã thí mạng vì ta và ta cũng phải thí mạng vì anh em. Con hỏi cha: đâu là mức độ dấn thân? Hãy làm như Chúa Giêsu… Cuộc đời con phải hiến dâng để bắt nhịp cầu hy vọng đưa người khác đến với Chúa là cùng đích, là tình yêu, là tất cả. Nơi Chúa, nhân loại không còn ai xa lạ, nhưng tất cả là anh em. Con nắm vững một đường lối Tông đồ thí mạng vì anh em, con hao mòn từng giây phút và sẵn sàng tiêu hao để chinh phục người khác về với Chúa”.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 5: Đồng thuyền đồng hội

Trong một số người Do-thái đến thăm Ma-ri-a và được chứng kiến những việc Chúa Giêsu làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người. Nhưng Cai-pha một người trong thượng hội đồng nói rằng: “Các ông không hiểu gì cả, và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn qui tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối”. (Ga. 11, 45-49b-52)

Lý do người ta quy định với nhau là giống nhau, như câu châm ngôn: “Đồng thuyền, đồng hội”. Nhiều người Kitô không còn cảm nhận được hương vị tình thương của Thiên Chúa và cộng đồng dân Chúa đã làm cho họ nên giống nhau, và cần phải quy tụ lại với nhau, nhất là trong Thánh lễ ngày Chúa nhật. Nhưng hơn bao giờ hết, họ sống cô độc, chỉ vì họ khó chịu khi mang nhãn hiệu Kitô giáo. Nhiều kẻ bị thuyết phục theo chủ trương rằng: Tôn giáo là việc bản thân mỗi người, chỉ cần liên lạc chặt chẽ giữa Thiên Chúa với cá nhân thôi.

Chúng ta bỏ mất lãnh vực sống cộng đồng đức tin là chúng ta vi phạm nghiêm trọng đến kế hoạch cứu độ cộng đồng rất quý của Thiên Chúa: Ngài quy tụ chúng ta thành một gia đình trong an bình và tình yêu, để mọi người là anh em với nhau chung quanh một người Cha duy nhất của chúng ta là Thiên Chúa hằng sống.

Trước thời đại Tân ước của chúng ta, Thiên Chúa đã thực hiện kế hoạch này rồi. Qua miệng ngôn sứ Ê-giê-ki-en, Thiên Chúa đã nói với con cái Ít-ra-en rằng: “Ta sẽ quy tụ các ngươi khắp nơi vào một xứ sở. Ta sẽ làm nên một dân tộc độc nhất trong xứ sở đó … và chỉ có một vua là vua tất cả”. Điều Thiên Chúa nói thì Ngài đã làm: “Đức Giêsu sắp phải chết thay cho dân, và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối”. Thánh Gio-an đã nhắc nhở chúng ta như vậy.

Để đạt tới sự đồng hội này, chúng ta có nhiều tác nhân giúp đỡ: “Chỉ một Thiên Chúa, chỉ một đức tin, chỉ một phép Rửa, chỉ một Thiên Chúa là Cha tất cả chúng ta” (Eph. 4, 5).

Cho nên hơn bao giờ hết, những từ: tình huynh đệ, hòa bình và hợp nhất đang vắng vẻ bên tai những người đồng thời chúng ta. Nhưng cũng hơn bao giờ hết vẫn có sự hiểu lầm, chiến tranh và chia rẽ.

Có lẽ thời đại của chúng ta rất lo lắng thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa. Nhưng niềm hy vọng thực hiện tình huynh đệ cũng khó khăn và xa lạ hơn mọi thời khác. Chúng ta mong hòa bình mà chỉ thấy tái võ trang, mong hợp nhất mà chỉ thấy chia rẽ trước mắt chúng ta. “Ai gieo giống nào thì gặt giống ấy” (Gal. 6, 7).

J.M

 

Suy Niệm 6: Một người chết, toàn dân được nhờ

Câu chuyện Đức Giêsu đến Bêtania và làm phép lạ cho Ladarô sống lại đã làm rúng động trong dân chúng và nhiều người đã tin vào Đức Giêsu và giáo huấn của Ngài.

Chính vì điều này mà cuộc thương khó của Đức Giêsu ngày càng gần kề. Sự kiện này được đánh dấu bằng việc những nhà cầm quyền và các Thượng Tế quyết định họp Hội Đồng và ra lệnh bắt, giết Đức Giêsu. Họ đã ra lệnh truy nã đối với Ngài: ai biết được ông ấy ở đâu thì phải báo cho họ đến bắt.

Lý do họ bắt và quyết định giết Đức Giêsu là vì họ đã ghép cho Ngài cái tội chính trị. Họ nói: “Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rôma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta". Rồi một câu nói đầy uy lực của nhóm Thượng Tế mà Caipha là đại diện đã đem đến quyết định loại trừ Đức Giêsu: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt".

Tuy nhiên, thực tế thì lý do chính yếu khiến họ giết Đức Giêsu đó là sự ghen tỵ và sợ bại lộ lối sống hình thức và mất uy tín trong dân, đồng thời sợ bị mất lợi lộc mà các Thượng Tế đang được hưởng.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc nhở mỗi người hãy ý thức lại việc sống đạo bấy lâu nay: có bao giờ chúng ta theo Chúa chỉ vì muốn được hưởng lợi lộc trần gian? Nếu vì giá trị Tin Mừng đòi ta phải từ bỏ lối sống và hành vi không phù hợp, liệu chúng ta có sẵn sàng không? Hay có khi nào chúng ta cũng vì ghen tức mà loại bỏ anh chị em mình như những Pharisêu và Kinh Sư hôm nay đối với Đức Giêsu?

Lạy Chúa Giêsu, sự thật mà Chúa muốn chúng con sống, đòi hỏi chúng con phải có quyết tâm cao thượng mới có thể đi vào đường lối đó được. Vì thế, xin Chúa ban cho chúng con can đảm sống giá trị Tin Mừng dù có phải thiệt thòi. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 7: Chết thay cho dân

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Trong thời thế chiến II, quân đội phát xít Ðức đã chiếm đóng Ba Lan, thấy cha Maximilianô Kolbe có ảnh hưởng mạnh trên quần chúng, nên đã bắt giam cha vào ngục.

Một ngày nọ, trại giam của cha có một tù nhân vượt ngục. Sáng hôm sau, lúc điểm danh viên sĩ quan cai tù phát giác ra thiếu mất một người, viên sĩ quan liền áp dụng ngay luật lệ của phát xít Ðức: “Hễ một tù nhân trốn thoát thì mười tù nhân khác phải đền mạng”. Viên sĩ quan cai tù đang rảo bước gọi tên chọn mười tù nhân sẽ phải chết, chợt có tiếng kêu thất thanh: “Khốn cho tôi, tôi còn vợ và một đàn con nhỏ”.

Giữa bầu khí thinh lặng và rùng rợn ấy, một tù nhân đứng ra khỏi hàng, đứng im một cách nghiêm chỉnh. Viên sĩ quan Ðức quát lớn và hỏi: “Mi là ai?”. Người đứng ra khỏi hàng ấy trả lời: “Tôi là Maximilianô Kolbe, linh mục Công giáo”.

“Mi muốn gì?”. Cha Maximilianô Kolbe trả lời: “Tôi xin tự nguyện chết thay cho anh bạn tù này”. Viên sĩ quan nói tiếp: “Vào xếp hàng thế chỗ đi”.

Mọi tù nhân có mặt trên sân đều ngơ ngác ngạc nhiên và thán phục. Cha Maximilianô Kolbe đã chấp nhận chết thay cho người bạn tù…

Suy Niệm

Một số người Do Thái thấy phép lạ Đức Giêsu làm cho Ladarô chết chôn trong mồ được bốn ngày, được sống lại, nên tin vào Ngài. Nhưng nhóm chống đối lại càng thêm tức tối, vì lòng cố chấp, cùng với Thượng hội đồng kết án tử cho Đức Giêsu: “Từ ngày đó họ quyết định giết Chúa Giêsu”.

Ý kiến của thượng tế Caipha: “Thà một người chết thay còn hơn cả toàn dân bị tiêu diệt” là lời tiên tri về cái chết của Ðức Giêsu đem lại ơn cứu độ cho nhân loại như vị Tiền hô Gioan giới thiệu về Đức Giêsu: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”. Chính Chúa Giêsu chết thay cho cả dân tộc và hơn thế nữa, cho toàn nhân loại được giải thoát khỏi nô lệ tội lỗi và trở về với Thiên Chúa: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Mình cho thế gian, để ai tin vào Người Con đó thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Ðức Giêsu chết thay cho mọi người. Vì thế, cái chết của Ngài mới có ý nghĩa. Và khi sống lại Ngài cũng làm cho sự sống của mọi người trọn vẹn.

“Chết thay”, dưới con mắt người trần thế là hành động do hận thù, bất công, nhưng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa đây là tình yêu dâng hiến: Đức Kitô chết để mọi người được sống…

Trong lúc có những người Do Thái không tin vào Chúa Giêsu, người Kitô hữu theo gương Chúa Kitô hiến mạng sống mình vì hạnh phúc cho anh chị em. Ðó là một hành động của tình thương và nó sẽ khơi dậy những chuỗi tình thương tiếp nối theo gương Chúa Giêsu Kitô.

Vâng, lạy Chúa, nhìn lên Thập Giá Chúa, Ðấng đã chịu chết thay cho chúng con, vì thế con cũng được mời gọi sống như Chúa cho anh em.

Ý lực sống: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15,13).

 

Suy Niệm 8: Đức Giêsu chết thay cho dân

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Phép lạ Đức Giêsu làm cho Lazarô phục sinh làm cho nhiều người Do thái tin Ngài, nhưng cũng không ít người còn nghi ngờ. Có người đi kể lại với các thượng tế và nhóm biệt phái về những việc Ngài đã làm. Nhóm biệt phái và thượng tế quyết định lập một Thượng hội đồng để kết án tử Đức Giêsu. Ông Cai-pha đã nói: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” ... “...Với danh nghĩa là thượng tế năm ấy, ông đã nói triên tri rằng Đức Giêsu phải chết thay cho dân. Và không phải cho dân mà thôi, nhưng còn để qui tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác về một mối.

2. Đức Giêsu là người công chính đã bị các kẻ gian ác hùa nhau mưu hại. Tâm trạng này phù hợp với Đức Giêsu trong những ngày cuối cùng của Ngài ở trần gian. Sau ba năm vất vả để rao giảng Tin Mừng Cứu độ và thi ân giáng phúc, Đức Giêsu phải đối diện  với một thực trạng đáng buồn. Những cố gắng của Ngài chỉ được những kẻ thành tâm thiện chí đón nhận, mà đa số thuộc thành phần nghèo khổ, bất hạnh. Còn những kẻ có vai vế, những kẻ tự xưng là đạo đức, là có học vấn thì lại chống đối Ngài. Nếu chỉ xét về bên ngoài thì công lao của Chúa ví như muối bỏ biển. Nhìn từ góc độ con người thì góc độ cứu độ của Chúa Cha dường như chẳng mang lại kết quả bao nhiêu.

3. Trong bất cứ xã hội nào, ngày xưa cũng như ngày nay, độc lập, tự do, quyền lợi của quốc gia dân tộc, thường được người ta nại đến để biện minh cho chiến tranh và việc giết hại người vô tội, chẳng hạn hy sinh một mạng người có là gì, miễn là có lợi cho quốc gia và dân tộc.

Bài Tin mừng hôm nay cho thấy lý do tại sao người Do thái không tin nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa. Họ không tin nhận vì họ đứng ở vị thế chính trị: Họ mong đợi một Đấng Cứu Thế giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của ngoại bang, trong khi đó, Đức Giêsu lại đứng ở vị thế hoàn toàn tôn giáo. Ngài đến để giải phóng con người khỏi ách thống trị của tội lỗi.

Chứng kiến việc Đức Giêsu cho Lazarô đã chết bốn ngày được sống lại, có nhiều người Do thái tin vào Ngài. Nhưng các thượng tế và biệt phái lại sợ rằng Ngài càng làm nhiều phép lạ, dân chúng càng tin theo Ngài, thì chính quyền Rôma  sẽ đến tiêu diệt dân tộc, nên họ bàn luận và quyết định: “Thà một người chết thay cho dân, còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”. Người đó không ai khác hơn là Đức Giêsu, một mình Ngài hy sinh chịu chết để đem lại sự sống cho muôn người.

4. “Thà một người chết thay cho dân...”

Đức Giêsu đã hy sinh chịu chết để cứu độ toàn thể nhân loại và qui tụ muôn dân thành một dân mới của Thiên Chúa là Giáo hội. Thật là một thay thế lạ lùng: chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể thay thế cho mọi người, và vô tình sự tính toán vụ lợi của con người đã giúp Thiên Chúa thực hiện chương trình cứu rỗi của Ngài.

Cái chết của Đức Giêsu qui tụ con cái Thiên Chúa tản mác khắp nơi về một mối.

Trong bài giảng về “mục tử nhân lành”, Đức Giêsu từng nói: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đàn chiên và một mục tử” (Ga 10,16). Như vậy, sau cái chết của Đức Giêsu trên thập giá, một dân mới của Thiên Chúa được khai mở, không còn bị giới hạn trong dân tộc Israel nữa; con cháu của tổ phụ Abraham không chỉ thuộc huyết thống nữa mà là những ai tin vào Con Thiên Chúa; một cuộc tân sáng tạo bắt đầu, mọi Kitô hữu khắp nơi trên thế giới được sinh ra dưới chân thập giá và xuất phát từ cạnh sườn Đức Giêsu. Sự sáng tạo ban đầu đã nhiệm lạ, thì ơn cứu độ còn lạ lùng biết bao (Mỗi ngày một tin vui).

5. Một nông dân đi xe ngựa ra phố. Đến một cửa tiệm, ông dừng xe vào mua đồ. Ông vừa tới cửa thì con ngựa hí lên và bỏ chạy. Ông vội vàng chạy ra xiết chặt dây cương.

Con ngựa càng hoảng sợ hơn và chạy tứ tung trên đường, kéo theo người nông dân tội nghiệp. Dân chúng đổ xô ra, đến khi ghìm được ngựa thì người nông dân bê bết máu và thoi thóp thở. Một người hỏi: “Sao mà ông dại dột hy sinh đời mình vì con ngựa và chiếc xe như thế”?

Ông thều thào: “Cứ nhìn vào trong xe thì biết”!

Họ nhìn vào và thấy đứa con nhỏ của ông còn đang ngủ (Góp nhặt).

6. Truyện: Cha Maximilien Kolbe chết thay người tù.

Trong thế chiến thứ hai, ngày nọ trại giam có một tù nhân vượt ngục. Sáng hôm sau, lúc điểm danh thấy thiếu mất một người, viên sĩ quan áp dụng ngay luật lệ của phát xít Đức: Một tù nhân trốn thoát, mười tù nhân khác phải đền mạng.

Trên sân nhà tù, ai nấy đều thinh lặng, ai nấy đều lặng thinh và khiếp đảm. Viên sĩ quan coi tù vừa giận dữ rảo bước vừa giơ tay chỉ định: Tên này... tên này...tên này... Ai lâm vào sổ đoạn trường thì phải sang sắp hàng một bên. Chợt có tiếng kêu thất thanh: “Khốn cho tôi, tôi còn vợ và một đàn con nhỏ”.

Giữa bầu khí thinh lặng rùng rợn ấy, một tù nhân bước ra khỏi hàng, đứng nghiêm nghị. Viên sĩ quan Đức quát hỏi:  “Mi là ai”?

Maximilien Kolbe trả lời: “Linh mục Công giáo”.

“Mi muốn gì”?

“Tôi xin tình nguyện chết thay cho anh bạn tù này,  vì anh ta còn đàn con nhỏ và vợ dại”.

Mọi tù nhân có mặt trên sân đều ngơ ngẩn, ngạc nhiên, thán phục... Cha đã chết thay để trở nên chứng tích của tình yêu.

 

Suy Niệm 9: Một người chết thay cho dân

(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

1. Bài Tin Mừng: Các thượng tế và biệt phái hạ quyết tâm giết Chúa Giêsu. Thượng tế Caipha nói “Thà một người chết thay cho dân...”. Thánh Gioan hiểu lời này, tuy Caipha nói ra một cách vô ý thức, nhưng thực sự diễn tả rất đúng ý nghĩa và giá trị cái chết của Chúa Giêsu: “Không phải tự ông nói điều đó, nhưng với danh nghĩa là thượng tế năm ấy, ông đã nói tiên tri rằng Chúa Giêsu phải chết thay cho dân. Và không phải cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác về một mối”.

2. Lời tiên tri trên chính là lời của Giêrêmia, được thuật lại trong bài đọc 1: Này Ta sẽ đem con cái Israel ra khỏi các dân tộc mà chúng đang cư ngụ; từ khắp nơi, Ta sẽ quy tụ chúng lại và đưa chúng về quê hương”. Giêrêmia chỉ mới hiểu những kẻ mà Thiên Chúa quy tự là dân Israel mà thôi. Thực sự dân mới của Thiên Chúa mà Đức Giêsu dùng cái chết để quy tụ không chỉ là những người Israel, mà còn là tất cả những ai tin vào Ngài.

B.... nẩy mầm.

1. “... Với danh nghĩa là thượng tế năm ấy, ông đã nói tiên tri rằng Chúa Giêsu phải chết thay cho dân. Và không phải cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác về một mối”. Trong số những người được Chúa chết thay, có tôi nữa.

2. Chúa Giêsu đã chịu chết thay cho người khác. Ngài nêu lên cho chúng ta một lý tưởng rất đẹp mà sự khôn ngoan của thế gian không bao giờ nghĩ tới được. Nếu hôm nay tôi chưa chết thay cho người khác được, thì ít ra hãy tập những hành vi nho nhỏ chịu cực chịu khổ vì người khác, cho người khác và thay người khác.

3. Một nông dân đi xe ngựa ra phố. Đến một cửa tiệm, ông dừng xe vào mua đồ. Ông vừa tới cửa thì con ngựa hí lên và bỏ chạy. Ông vội vàng chạy ra xiết chặt dây cương.

Con ngựa càng hoảng sợ hơn và chạy tứ tung trên đường, kéo theo người nông dân tội nghiệp. Dân chúng đổ xô ra, đến khi ghìm được ngựa thì người nông dân bê bết máu và thoi thóp thở. Một người hỏi: “Sao mà ông dại dột hi sinh đời mình vì con ngựa và chiếc xe như thế?"

Ông thều thào : “Cứ nhìn vào trong xe thì biết!"

Họ nhìn vào và thấy đứa con nhỏ của ông còn đang ngủ. (Góp nhặt).

 

Bài cùng chuyên mục:

+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,114)

CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.

Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 2,970)

Thứ Bảy tuần 33 thường niên.

Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,660)

Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,384)

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.

Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,796)

Thứ Tư tuần 33 thường niên.

Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,794)

Thứ Ba tuần 33 thường niên.

Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,889)

Thứ Hai tuần 33 thường niên.

+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,130)

CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.

Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,565)

Thứ Bảy tuần 32 thường niên.

Thứ Sáu 15/11/2024 – Thứ Sáu tuần 32 thường niên. – Sống trong ngày của Chúa. (14/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,956)

Thứ Sáu tuần 32 thường niên.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7