Lời chúa mỗi ngày

Thứ Bảy 02/12/2023 – Thứ Bảy đầu tháng, tuần 34 thường niên. – Tỉnh thức cầu nguyện.

  • In trang này
  • Lượt xem: 4,031
  • Ngày đăng: 01/12/2023 10:00:00

Tỉnh thức cầu nguyện.

02/12 – Thứ Bảy đầu tháng, tuần 34 thường niên.

"Các con hãy tỉnh thức, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến".

 

Lời Chúa: Lc 21, 34-36

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề bởi chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất.

Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!"

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy niệm 1: Phải đề phòng

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Tháng 9-2009, Tổng Thống Nga Medvedev

gọi nạn nghiện rượu là quốc nạn.

Mỗi năm tính bình quân mỗi người dân uống khoảng 18 lít,

gấp đôi lượng rượu được coi là nguy hiểm cho sức khỏe.

Nửa số người Nga chết giữa khoảng 15-54 tuổi là do hậu quả của rượu.

Trẻ em và phụ nữ cũng nghiện.

Tuổi thọ trung bình của đàn ông chỉ còn là 59.

Vì nhiều người chết nên dân số Nga sụt giảm mỗi năm.

Làm gì để cai nghiện cho hơn hai triệu người Nga,

đó là chuyện nhức đầu cho các nhà lãnh đạo.

Nhưng tại sao người ta lại bị nặng nề bởi rượu Vodka?

Bài Tin Mừng hôm nay nhắc chúng ta

về những thứ nặng nề đè trên trái tim người Kitô hữu.

Trong khi chờ đợi Chúa đến vào thời điểm không đoán trước được,

chúng ta có thể bị vướng vào những thú vui buông thả.

Sống bừa bãi, phóng túng, nhậu nhẹt, say sưa,

đó vẫn là cám dỗ muôn thuở của thân xác.

Chỉ cần đi một vòng thành phố hay các vùng quê vào ban đêm,

chúng ta thấy ngay cả một thế giới của ăn uống, hưởng thụ.

Nhưng trái tim con người còn có thể trở nên nặng nề

bởi những lo âu trần thế (x. Lc 8, 14).

Làm sao nhà cửa có thêm tiện nghi? làm sao thêm lương và lên chức?

Những nỗi lo toan về cuộc sống vật chất vắt kiệt con người,

khiến con người không còn khả năng mở ra trước Chúa và tha nhân.

Con người giàu lên, nhưng lại thấy mình bất hạnh và gia đình đổ vỡ.

Mỗi năm ba mươi ngàn người chết vì tự tử ở Nhật.

Trái tim nặng nề nên nhiều người mắc bệnh tim mạch.

Trái tim bị kéo xuống cái thực dụng tầm thường ở trên mặt đất,

nên con người bị còng xuống, không ngước lên được điều trên cao.

Ngày Chúa đến như một bất ngờ, như một cái bẫy sập xuống,

không phải chỉ trên người Do Thái,

nhưng trên mọi dân cư ở khắp mặt địa cầu (c. 35).

Cả thế giới phải chịu phán xét chẳng trừ ai.

Bởi đó thái độ cần có mỗi ngày của người môn đệ

là luôn luôn thức tỉnh và cầu nguyện,

để có sức mà thoát khỏi mọi điều sắp xảy ra (c. 36).

Để chuẩn bị cho cái chung cục, thì phải sống đều đặn cái hàng ngày.

Làm sao để khi Con Người là Đức Giêsu trở lại trên mây trời,

Ngài thấy chúng ta đang ở tư thế đứng thẳng,

không phải xấu hổ cúi đầu, không bị ràng buộc bởi đam mê,

nhưng vui sướng vì mình đã không uổng công chờ đợi.

Có những lo âu vẫn chi phối tôi làm tôi nặng lòng.

Có những mê đắm kéo ghì tôi xuống và bắt tôi làm nô lệ.

Mùa Vọng sắp đến mời tôi tỉnh thức và cầu nguyện, để đứng lên.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

nếu ngày mai Chúa quang lâm,

chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.

Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang,

còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa.

Chúa đâu muốn đến để hủy diệt,

Chúa đâu muốn mất một người nào...

Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa

xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng,

vui tươi và hạnh phúc,

để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn

cho mọi người và cho cả vũ trụ.

Xin nuôi dưỡng nơi chúng con

niềm tin vững vàng

và niềm hy vọng nồng cháy,

để tất cả những gì chúng con làm

đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại. Amen.

 

Suy niệm 2: Cuộc chiến cuối cùng

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Ma quỉ luôn chống phá chương trình của Thiên Chúa. Gây ra cuộc chiến giữa thiện và ác. Ma quỉ muốn bành trướng vương quốc sự dữ của nó. Cuộc chiến khởi đầu từ tạo thiên lập địa. Và sẽ kéo dài cho đến ngày tận thế.

Càng đến cuối thời gian cuộc chiến càng khốc liệt. Vì ma quỉ phải vận dụng hết năng lực tàn phá để giành lấy con người. Đa-ni-en đã thấy những con thú ngày càng hung dữ hơn. Tức là các vua chúa trần gian ngày càng hùng mạnh hơn. Đến vị vua cuối cùng thì quả thực vô đối. Ông tiêu diệt hết các vua trước. Và còn báng bổ cả Thiên Chúa. Vì ông nghiền nát cả vũ trụ dưới chân. Mọi người phải cúi đầu khuất phục trước thế lực hung hãn này. Nhưng cuối cùng thời hạn của thế gian chấm dứt. Thiên Chúa là chủ của lịch sử và vũ trụ sẽ ngự đến xét xử. Tước lấy quyền uy của vua chúa trần gian. Trao vào tay dân thánh của Chúa. Bấy giờ quyền uy mới là tối thượng. Và sẽ bền vững đến muôn đời (năm lẻ).

Chúa Giê-su diễn tả ngày của Chúa đến như chiếc lưới bất ngờ chụp xuống. Không ai và không gì trong vũ trụ thoát khỏi giờ xét xử kinh hoàng ấy. Chỉ duy những kẻ thuộc về Chúa mới được cứu rỗi. Muốn thuộc về Chúa, ta phải “đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời”. Sự đời ngày càng hấp dẫn. Khiến người ta say mê. Càng say mê lòng trí càng nặng nề. Càng sống theo xác thịt ta càng xa Thần Khí. Càng thuộc về trần gian càng xa Nước Chúa. Vì thế Chúa mời gọi ta hãy tỉnh thức và cầu nguyện. Tỉnh thức để phân định tốt – xấu, thiện – ác, Thiên Chúa – trần gian. Có những thứ men tinh vi của ma quỉ, xác thịt, thế gian nhiễm vào tâm hồn. Khiến ta lầm lạc lầm tưởng xấu là tốt. Vì thế phải rất tỉnh thức. Nhưng để dứt khoát chối từ ta cần phải can đảm. Trần gian có những giá trị quyến rũ khiến ta khó dứt lìa. Xác thịt yếu đuối lắm. Vì thế phải cầu nguyện ta mới có thể đứng vững trong ngày của Chúa.

Khi ta đã chiến thắng trong cuộc chiến cuối cùng, ta sẽ được đưa vào Nước Chúa. Ở đấy không còn chết chóc nữa. Chỉ có sự sống. Không còn bệnh tật. Chỉ có sức khoẻ. Không còn bóng tối nữa. Chỉ có ánh sáng. Không còn sự ác nữa. Chỉ còn sự thiện. Không còn chiến đấu nữa. Vì ma quỉ xác thịt thế gian đã hoàn toàn bị tiêu diệt. Ta hoàn toàn thuộc về Chúa. Ta được chiêm ngắm dung nhan Thiên Chúa. Được hiển trị với Chúa. Đến muôn thuở muôn đời (năm chẵn).

Chỉ cần một điều. Trong suốt cuộc chiến trần gian, hãy “tuân giữ các sấm ngôn trong sách này”.

 

Suy niệm 3: Tỉnh thức cầu nguyện

(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Kết thúc diễn từ về ngày tận thế, Chúa Giêsu đưa ra hai thái độ sống cụ thể trong khi chờ ngày của Chúa. Thứ nhất là thái độ sống thanh thoát: "Các con phải đề phòng, chớ để lòng mình đắm say tửu sắc, đa mang sự đời, kẻo ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu các con, vì ngày ấy sẽ ập tới mọi dân cư trên khắp mặt đất". Nói khác đi, Chúa muốn chúng ta sống sứ điệp và giá trị Tin Mừng, không để mình bị mê hoặc chạy theo các chủ trương duy vật, hưởng thụ, qua lo thu tích của cải như một bảo đảm an toàn cho cuộc sống mà lãng quên những nhu cầu tâm linh và các giá trị siêu việt của cuộc sống.

Ðể khỏi rơi vào tình trạng thiếu chuẩn bị trong ngày của Chúa, Chúa Giêsu nêu ra điều kiện tiên quyết, đó là tỉnh thức và cầu nguyện: "Các con phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có đủ sức thoát khỏi những điều sắp xẩy đến và đứng vững trước mặt Con Người". Cầu nguyện là nhìn nhận Chúa là tất cả, là đặt thánh ý Chúa trên hết. Ðồng thời, cầu nguyện là nhận biết mình yếu đuối và cậy trông vào ơn Chúa. Nhờ cầu nguyện, chúng ta sẽ có thái độ tỉnh thức trong đời sống thường ngày, sẽ nhạy bén với tiếng gọi của Chúa qua những biến cố cuộc sống để luôn tìm đẹp lòng Chúa.

Ngày mai chúng ta không biết sẽ ra sao, ngày cuối đời lại càng mù tịt. Xin Chúa cho chúng ta biết sống từng giây phút hiện tại, sao cho luôn được Chúa chúc lành và được tình thương Chúa che chở, để ngày Chúa đến sẽ là ngày hạnh phúc cho chúng ta.

 

Suy niệm 4: Nền văn hóa của sự chết

(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Hòa Lan đã dấn sâu hơn vào nền văn hóa của sự chết. Ngày 28/11/2000, quốc hội Hòa Lan đã chính thức thông qua luật mới cho phép các bác sĩ được trợ giúp những bệnh nhân nan y tự tử. Với luật này, Hòa Lan là nước đi tiên phong trong nền văn hóa của sự chết, tuy chưa chính thức ban hành luật cho phép các bác sĩ trợ giúp những bệnh nhân nan y tự tử.

Ngày nay, nhiều nước công nghiệp tiên tiến cũng đang ngày càng bị nhận chìm trong điều thường được gọi là văn hóa của sự chết. Trong khuôn khổ của ngày Năm Thánh dành cho các giáo dân tham gia truyền giáo diễn ra tại Vatican vào tháng 12/2000, một hội nghị về những khó khăn trong cuộc sống chứng nhân giữa đời đã được tổ chức. Nhân dịp này, bà Mêrian Clindon, giáo sư luật học tại đại học Harvard, Hoa Kỳ, và từng được cử làm trưởng đoàn Toà Thánh tham dự diễn đàn phụ nữ tại Bắc Kinh vào năm 1995, đã trình bày cho hội nghị về nền văn hóa chết chóc đang lan rộng trong xã hội Hoa Kỳ. Bà Clindon nói rằng một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất trong nền văn hóa sự chết là con người không còn màng đến các giá trị đạo đức nữa. Quan hệ gia đình ngày càng mong manh. Tình mẫu tử bị khinh miệt. Trẻ con dành ít giờ cho cha mẹ và anh chị em hơn là màn ảnh truyền hình. So với đám đông thầm lặng, nền văn hóa sự chết lại được thịnh hành hơn trong những thành phần ưu tú và lãnh đạo trong xã hội.

Ðặc trưng của nền văn hóa của sự chết ấy là sự phát triển tràn lan của chủ nghĩa duy vật, duy hưởng thụ, duy khoái lạc và tục hóa.

Tựu trung, luật cho phép các bác sĩ trợ giúp những bệnh nhân nan y tự tử là thể hiện cuối cùng của trào lưu khước từ sự sống, chối bỏ ý nghĩa của sự sống. Thật thế, sở dĩ con người có ý tìm đến cái chết là bởi vì họ không còn nhìn thấy giá trị và ý nghĩa của sự sống nữa. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ của Ngài hãy tỉnh thức để không chạy theo nền văn hoá của sự chết ấy. Lời kêu gọi của Chúa Giêsu được đưa ra liền sau khi Ngài loan báo về ngày tận thế. Chúa Giêsu loan báo về ngày thế tận không phải để đe dọa con người, mà trái lại mời gọi con người mặc lấy thái độ tỉnh thức và tin tưởng phó thác. Ngày thế tận không phải là một biến cố khiến cho con người phải sợ hãi hay thất vọng, mà trái lại là điểm đến tất yếu của lịch sử. Ngày thế tận không phải là tận cùng của lịch sử. Trong ý nghĩa toàn bộ của lịch sử ấy, cuộc sống con người có ý nghĩa và mọi biến cố trong cuộc sống con người đều có ý nghĩa. Niềm vui, nỗi khổ, thành công, thất bại, giàu sang, nghèo hèn, sức khỏe, bệnh tật, tất cả đều có ý nghĩa và giá trị của nó. Nhận ra ý nghĩa của tất cả mọi sự trong cuộc sống, cũng có nghĩa là tuyên xưng rằng Chúa là Chúa tể của lịch sử, và như vậy, thái độ phù hợp nhất là sống mọi biến cố với tâm tình thương yêu và phó thác. Trong một xã hội chối bỏ mọi giá trị đạo đức, cuộc sống con người có niềm tin phải là một chứng tá về những giá trị vĩnh cửu. Trong một xã hội thiếu niềm tin, cuộc sống của người tín hữu phải là một ngọn đèn pha mang lại tia sáng của tin yêu và hy vọng. Trong một xã hội vắng bóng tình yêu, cuộc sống của người môn đệ Chúa Kitô phải chiếu ngời hân hoan và quảng đại. Ðó là thách đố đang được đặt ra cho chúng ta hôm nay.

Nguyện xin Chúa củng cố niềm hy vọng của chúng ta.

 

Suy niệm 5: Tỉnh thức thật

“Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, vì ngày ấy ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.” (Lc. 21, 34-36)

Ở câu 31 thánh Lu-ca đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tỉnh thức vì nước trời gần rồi, Ngài lấy lại đề tài này vì lý do ngày phán xét đến đột ngột, nên đừng để mình mê ngủ. Lời khuyên tỉnh thức, sẵn sàng là một khía cạnh cốt yếu trong sứ điệp của Đức Giêsu. Giáo hội thời đầu đã nắm bắt rất kỹ tầm quan trọng của lời cảnh giác này, câu sau đây của thánh Phao-lô có thể soi sáng cho tâm trí chúng ta hiểu rõ vấn đề này: “Theo Thần khí hướng dẫn, anh em hãy cầu nguyện trong mọi hoàn cảnh và hãy tỉnh thức trong mọi lúc với mọi nhẫn nại chờ đợi” (Ep. 6, 18). Những cuộc canh thức đóng một vai trò lớn lao trong phụng vụ như thánh Phao-lô còn chứng tỏ: “Anh em hãy kiên trì cầu nguyện, hãy tỉnh thức cầu nguyện và tạ ơn” (Col. 4, 2). Chuẩn bị như vậy để theo Đức Kitô tiến lên mừng lễ Phục sinh.

Những cuộc canh thức đó diễn tả đúng tư tưởng của Đức Giêsu về chủ đề tỉnh thức, vì lúc đó vấn đề luôn luôn được chú trọng là cầu nguyện mỗi khi chiều đến, vì Tin mừng luôn luôn nhắc nhở: “Chiều đến Đức Giêsu vào nơi thanh vắng cầu nguyện”. Loại canh thức này của Đức Kitô không phải như thứ canh gác của người lính canh coi chừng kẻ phục kích, cũng không phải như võ sĩ luôn luôn sẵn sàng tránh những cú đấm bất ngờ, cũng không phải như con mèo rình bắt chuột. Sự canh thức của chúng ta cũng không phải thứ âm mưu quỷ quyệt của trận chiến giữa ta với Thiên Chúa. Nếu thế thì khốn cho chúng ta.

Từ ngữ tỉnh thức diễn tả chính xác phải theo tư tưởng của Đức Giêsu, tỉnh thức có nghĩa là chăm chú có ý tứ, có ý thức, như đầy tớ khôn ngoan và trung tín, chăm chú làm việc để khi chủ về bất cứ giờ nào trong đêm khuya, nó biết chuẩn bị trước những điều cần, những gì chủ muốn, nó không để thiếu thứ gì cho chủ, người mà nó yêu mến kính trọng. Tỉnh thức như thế cũng giống như bà mẹ rất quan tâm trông coi săn sóc nhà cửa với tâm tình yêu mến, để không một cái gì ở ngoài tầm tay âu yếm của bà. Gia đình sẽ không túng thiếu cái gì, dù có bất ngờ xảy đến.

Nước Thiên Chúa hiện diện trong mỗi biến cố của lịch sử cứu độ, nó không tỏ ra nơi những tiếng sụp đổ ầm ầm của những tai họa kinh hoàng, nó đi qua nhẹ nhàng vô cảm đối với những ai không lo đề phòng. Sau hết, ngôn ngữ thật của tỉnh thức mà Chúa đòi hỏi các môn đệ, đó không phải là thứ ngôn ngữ khá tinh tế sao?

RC

 

Suy niệm 6: Cầu nguyện và tỉnh thức

Nếu chúng ta chỉ còn có một ngày cuối cùng để sống, hẳn sẽ có nhiều điều trăng trối được nhắn gửi tới mọi người. Cũng vậy, nếu còn một ngày để làm việc, người ta sẽ làm nhiều chuyện tốt đẹp để lại cho đời và cho người.

Hôm nay, ngày cuối cùng của năm Phụng Vụ, Giáo Hội cũng muốn nhắn gửi chúng ta một thông điệp căn bản và quan trọng khi dùng đoạn Tin Mừng theo thánh Luca để nói về sự tỉnh thức và cầu nguyện.

Tỉnh thức và cầu nguyện là thái độ cần thiết cho ngày Chúa đến, ngày đó là ngày cuối cùng của cuộc đời con người và nhân loại.

Tỉnh thức và cầu nguyện để biết phải làm gì cho xứng hợp với Nước Trời.

Cầu nguyện và tỉnh thức để loại bỏ những thứ không cần thiết như chè chén, say sưa, mê theo khoái lạc...

Nếu còn ngày cuối cùng thì hẳn chúng ta đừng lo lắng điều gì trần thế, mà hãy chuẩn bị cho tâm hồn thật thanh thoát để được vào chung hưởng hạnh phúc Nước Trời: "Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức Công chính của Người, còn tất cả những cái khác, Người sẽ thêm cho" (Mt 6,33).

Chiếc lưới bất thần chụp xuống cho chúng ta thấy cái chết và số phận của mọi người: không ai thoát được nó. Tuy nhiên, sau đó được đem đi đâu mới là điều quan trọng. Vì thế, nó sẽ trở nên vui mừng cho những ai được đem vào nơi hạnh phúc và bình an. Ngược lại, sẽ là điều kinh hoàng và bất hạnh cho những ai bị loại ra ngoài.

Muốn được đem vào Nước Trời, thì hẳn phải tỉnh thức như chủ nhà canh trộm ban đêm; như đầy tớ mong ông chủ đi ăn cưới về; như năm cô trinh nữ khôn ngoan có đèn và dầu.

Khi cầu nguyện, chúng ta khỏi sa chước cám dỗ và có sức chiến đấu với ma quỷ; và cuối cùng, cầu nguyện để đón nhận được ơn thánh của Chúa.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: hãy trung tín với sứ điệp Lời Chúa. Sống bác ái yêu thương. Không bị vướng bận quá nhiều vào của cải ở đời. Sống vô vị lợi, không đòi hưởng thụ. Không để mình bị ngủ mê trong tội hay chạy theo các chủ trương duy vật, hưởng thụ, mà lãng quên những nhu cầu tâm linh và các giá trị siêu việt của cuộc sống.

Lạy Chúa Giêsu, mỗi ngày chúng con phải đối diện với cái chết. Xin cho chúng con biết chuẩn bị ngày đó đến với chúng con bằng thái độ tỉnh thức và cầu nguyện không ngừng. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy niệm 7: Kitô hữu cần luôn tỉnh thức và cầu nguyện

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Không ai có thể biết trước ngày tận cùng của cuộc đời. Vậy người Kitô hữu cần luôn tỉnh thức và cầu nguyện, luôn trong tư thế sẵn sàng đón nhận phút giây đó.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy con sẵn sàng đón nhận ngày cánh chung. Ngày cánh chung đến vào lúc chẳng ai ngờ, có thể là ngày mai, hay năm tới, cũng có thể là sau khi con đã nhắm mắt xuôi tay. Để chuẩn bị biến cố bất ngờ ấy, con chỉ còn cách là luôn sẵn sàng, luôn thức tỉnh và cầu nguyện.

Cuộc sống hôm nay dễ khiến con sa đà mê muội. Những tiến bộ của khoa học kỹ thuật và các sản phẩm của nó đã tạo ra một lối sống xô bồ, chạy đua hưởng các tiện nghi. Người ta lo toan cho có được những lạc thú, dù có phải trả giá bằng sự cực nhọc vất vả, bằng sự bận rộn kéo dài. Giữa cảnh người người đôn đáo làm lụng sắm sửa, mấy ai đủ tỉnh thức để nghĩ tới ngày tận thế hoặc nghĩ tới nấm mồ của mình. Con mê muội cũng vì con ít cầu nguyện, ít vào nơi thanh vắng với Chúa. Mặc dù con không thể chạy một mạch thẳng tới nấm mồ của mình, nhưng cái chết lại có thể đến với con bất kể giờ phút nào. Phúc cho con nếu đó là lúc con đang tỉnh thức và cầu nguyện.

Lạy Chúa, con tha thiết xin Chúa gìn giữ con luôn ở trong tình yêu Chúa. Xin đừng để sóng đời lôi cuốn con đi, đừng để con lìa xa Chúa, quên cả ngày trở về với Chúa là nguồn cội của con. Xin Chúa thương cứu con trong giờ lâm tử. Amen.

Ghi nhớ: “Các con hãy tỉnh thức, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến”.

 

Suy niệm 8: Chu toàn bổn phận đã được trao phó

(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Vào ngày 11/9/2001, cả thế giới kinh hoàng nhìn tháp đôi tòa nhà thương mại thế giới ở New York sụp đổ do hai chiếc máy bay Boeing 767 mà các tên khủng bố đâm vào. Biến cố kinh hoàng này đã làm cho cả thế giới thức tỉnh trước nạn khủng bố trên hành tinh chúng ta. Khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ và Tây Âu, mọi người luôn được nghe những lời kêu gọi chú ý cảnh giác ở tất cả những nơi công cộng như sân bay, nhà ga, sân vận động, xe bus, mêtro... ngay cả thùng rác.

Suy niệm

Đức Giêsu mạc khải về những dấu hiệu kinh hoàng vào ngày Chúa đến, ngày tận thế: Sẽ có những sự việc lạ xảy ra trong vũ trụ một cách toàn diện. Điều này cho thấy nếu chỉ dựa vào những biến cố riêng lẻ như trong các thời đại nhìn các biến cố xảy ra để đoán ngày tận thế là việc hoàn toàn sai lầm. Ngày Đức Giêsu trở lại để phán xét như Ngài loan báo là ngày Ngài hoàn tất tước hiệu Con Người (x. Lc 21,25-26).

Trước những điềm lạ xảy ra, nếu sống thức tỉnh, chúng ta sẽ không phải “lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ” (Lc 21,25), và cũng không “sợ hãi kinh hồn chờ đợi” (Lc 21,26), nhưng sẽ “đứng dậy và ngẩng đầu lên” (Lc 21,28). Vì chúng ta sắp được lãnh ơn cứu độ như Đức Giêsu nhắn nhủ: “giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21,28). Cho nên, chúng ta hãy vững tâm và hy vọng, vì với người thức tỉnh, ngày đó sẽ là ngày “tạo dựng” một thế giới mới như Thiên Chúa loan báo trước qua ngôn sứ Isaia trong Cựu ước: “Trời mới Đất mới được tạo dựng sẽ tồn tại trước nhan Ta như thế nào, dòng dõi các con và tên các con cũng sẽ tồn tại như vậy!” (Is 65,17; 66,22). Thánh Gioan sau này đã được thị kiến nhìn thấy trời mới đất mới vào ngày tận cùng của thế giới, Ngài ghi chép lại: “Bây giờ tôi thấy một Trời mới và Đất mới; vì trời cũ và đất cũ đã qua đi. Sẽ không còn sự chết nữa; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa.”(Kh 21,1-4). Thánh Phêrô mời gọi chúng ta mong chờ Trời mới Đất mới mang tâm tình: “Hãy cố gắng hết sức để sống làm sao cho tinh tuyền, không vết nhơ tội lỗi và an bình trước mặt Chúa!” (2Pr 3,9). Sống hết sức là thể hiện sự trung tín đến cùng mà thánh Phaolô nói với chúng ta: “Chúng ta mong chờ Chúa Kitô, Chúa chúng ta, tỏ mình ra” và mong rằng: “Chúng ta bền vững đến cùng, không có gì đáng trách trong ngày Chúa Kitô, Chúa chúng ta ngự đến” (1Cr 1,6-9).

Mong đợi trong tỉnh thức, mà tỉnh thức là luôn ở tư thế “thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn”, là chu toàn bổn phận đã được trao phó (x. Lc 12,35-48). Tỉnh thức và cầu nguyện nghĩa là tâm tư nguyện cầu không ngừng, không nhàm chán hay nản chí (x. Lc 18,1).

Tỉnh thức như thánh Phaolô kêu mời: “Hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: Không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tuông. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng” (Rm 13,14) như Chúa Giêsu đã luôn cảnh tỉnh: “Chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng việc đời…” (Lc 21,34). Cho nên, chúng ta thoát khỏi sự bám rễ của đam mê vào thế gian mà ra đi đón Chúa với tấm lòng chờ đợi, trong tâm hồn thức tỉnh như thánh Gioan Chrysostome nhấn mạnh: “Với vũ khí của ánh sáng, chúng ta sẽ trở nên chói lòa hơn cả những tia nắng mặt trời”. Mặt Trời Công Chính, Đức Kitô trong ngày Ngài đến.

Ý lực sống

“Đêm sắp tàn, ngày gần đến, chúng ta hãy từ bỏ những hành vi ám muội và mang khí giới ánh sáng, hãy đi đứng đàng hoàng như giữa ban ngày” (Rm 13,13-14).

 

Suy niệm 9: Phải tỉnh thức và cầu nguyện

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Sau khi đã trình bầy và xác quyết về việc Chúa đến, hôm nay Đức Giêsu trình bầy cho chúng ta thái độ phải có để chờ đợi Chúa đến: đó là tỉnh thức và cầu nguyện. Chúng ta còn phải hiểu rộng ra việc Chúa đến: đó là Chúa đến trong hiện tại bằng ơn thánh, trong giờ chết của mỗi người và trong ngày cánh chung của toàn thể nhân loại. Trong ngày đó , người khôn ngoan đích thực sẽ cho là một ngày an vui hạnh phúc. Còn người khờ dại thì coi ngày đó là ngày báo oán. Chúng ta khôn hay dại? Hãy dùng quyền tự do mà định đoạt ngay từ bây giờ.

2. Đức Giêsu báo trước một điều bất ngờ: Ngày Con Người quang lâm và mỗi người sẽ ra trình diện với Người. Ngày đó là ngày nào? Không ai biết được vì chỉ có Chúa Cha mới biết. Để chuẩn bị cẩn thận cho ngày phán xét, Đức Giêsu kêu gọi chúng ta hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn: phải thường xuyên canh phòng tâm hồn mình  cho khỏi mọi chước cám dỗ; phải liên lỉ cầu xin Chúa giúp sức cho mình được trung thành bền đỗ làm tôi Chúa, sống đẹp lòng Chúa đến giây phút cuối cùng. Vì ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu thoát.

3. Vì lý do Chúa đến cách bất ngờ và việc phán xét có tính cách nghiêm minh, không ai có thể thoát được như chiếc lưới bất ngờ chụp xuống, nên Chúa truyền lệnh phải đề phòng bằng cách tiêu cực và tích cự: tỉnh thức và cầu nguyện.

* Cách tích cực: Phải sống thanh thoát: “Các con phải đề phòng, chớ để lòng mình đắm say tửu sắc, đa mang sự đời, kẻo ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu các con”(Lc 21,34). Nói khác đi, Chúa muốn chúng ta sống sứ điệp và giá trị Tin Mừng, không để lòng mình bị mê hoặc chạy theo các chủ trương duy vật, hưởng thụ, quá lo thu tích của cải như một bảo đảm an toàn cho cuộc sống mà quên lãng những nhu cầu tâm linh và các giá trị siêu việt của cuộc sống.

* Cách tích cực: “Các con phải tỉnh thức và cầu nguyện, để có đủ sức thoát khỏi những điều sắp xẩy đến và đứng vững trước mặt Con Người”(Lc 21,36).

- Phải tỉnh thức: là ở trong tư thế tỉnh táo, cẩn thận để có thể đối phó kịp thời với mọi cảnh ngộ và sẵn sàng đón tiếp Chúa đến bất cứ lúc nào.

- Phải cầu nguyện: vì sức con người yếu đuối, và tự mình không làm được gì, nên cần phải cầu nguyện để cho được sức chống trả những cám dỗ, những thử thách, và bách hại để dễ dàng xứng đáng đón nhận Chúa: ”Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”.

4. Chúa bảo chúng ta phải đề phòng vì cái chết luôn luôn đến bất ngờ: “Chúng con hãy tỉnh thức vì chúng con không biết ngày nào giờ nào”. Đúng như vậy, tuy bất ngờ nhưng không hoàn toàn bất ngờ vì Chúa thương chúng ta, Chúa luôn ban cho chúng ta nhiều tín hiệu báo trước cái chết để chúng ta kịp thời chuẩn bị.

Mỗi khi chúng ta thấy một người khác chết, đó là một tín hiệu; mỗi khi chải đầu thấy mái tóc mình bạc hơn, đó cũng là một tín hiệu; mỗi chiếc răng bị hư, đôi mắt mờ xuống, tay chân yếu đi, một chứng bệnh xuất hiện... tất cả đều là những tín hiệu.

Và quan trọng hơn nữa, đó là những tín hiệu mà Chúa gửi trước cho chúng ta vì Chúa thương chúng ta. Vì thế, chúng ta đừng giả mù giả điếc trước những tín hiệu tình thương ấy. Tốt nhất là đón nhận chúng, nhận ra ý nghĩa của chúng và chuẩn bị sẵn sàng.

5. Chúa đang đến trong từng biến cố cuộc sống, chứ không chỉ đến trong uy nghi của giáo đường; Ngài đến trong từng sinh hoạt hằng ngày của chúng ta, chứ không chỉ đến trong những phút cầu kinh, nguyện ngắm; Ngài nói qua những biến cố cuộc sống, Ngài hành động ngay cả khi chúng ta  không tưởng nhớ đến Ngài. Ngài yêu thương dù chúng ta phản bội Ngài, Ngài tha thứ dù chúng ta quay mặt làm ngơ với Ngài. Ngài luôn có đó trong từng hơi thở của chúng ta. Xin Ngài cho chúng ta luôn tỉnh thức để nhận ra Ngài (Mỗi ngày một tin vui).

6. Truyện: Hãy nghĩ về sự chết.

Một vị đan sĩ tên là Mésique bất trung với ơn gọi, ông đang sống một cuộc đời không mấy tốt đẹp trong nhiều năm. Đột nhiên ông bị bệnh nặng, Thiên Chúa cho ông rơi vào tình trạng hôn mê trong một tiếng đồng hồ. Khi tỉnh dậy ông không nói gì về những điều đã cảm thấy trong thời gian một tiếng đồng hồ ấy. Ông xin người ta cho ở một mình trong một căn phòng xây kín, và ông đã ở trong đó suốt 12 năm trời. Hằng ngày, qua một cửa sổ nhỏ người ta đem đến cho ông một chút bánh mì và nước uống. Một hôm người ta tưởng ông đã chết nên đập phòng đi vào thì thấy ông đang hấp hối.

Trước mặt các tu sĩ vây quanh, ông nói với họ những lời cuối cùng: “Anh em thân mến của tôi, người nào luôn khắc ghi vào tâm khảm ý tưởng về sự chết, người đó sẽ không bao giờ dám phạm tội”.

Nói thế rồi, ông tắt thở, để lại cho mọi người một ấn tượng sâu đậm (Góp nhặt).

 

Suy niệm 10: Nghĩ đến lúc cuối cùng của lịch sử và của đời mình

(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

Đoạn Tin mừng này là một phần của diễn từ chung luận trong đó Chúa Giêsu nói tới những việc sẽ xảy ra vào những ngày cuối cùng. Chúa không dừng lâu ở việc mô tả các dấu chỉ, nhưng chú ý đến thái độ mà môn đệ Đức Giêsu phải có.

- Thái độ thứ nhất là chú ý tới việc quan trọng là đón Chúa đến: không nên để mình bị ảnh hưởng bởi những xáo trộn bên ngoài để rồi lo chè chén say sưa hoặc chỉ lo chuyện sống chết, chỉ lo chuyện thế gian... và bất cứ lúc nào cũng nghĩ đến việc Chúa đến, dù cho có thình lình, đột ngột, họ cũng không ngỡ ngàng.

- Thái độ thứ hai là kiên trì trong việc cầu nguyện liên lĩ: cầu nguyện để xin Ngài mau đến, cầu nguyện để xin ơn đứng vững trước những xáo trộn bên ngoài.

B.... nẩy mầm.

1. Trong ngày cuối cùng của năm Phụng vụ, Giáo Hội muốn chúng ta nghĩ đến lúc cuối cùng của lịch sử và của đời mình. Chúa dạy: để có thể bính an khi ngày cuối cùng ấy đến, chúng ta phải luôn nghĩ tới ngày đó và phải cầu nguyện luôn.

2. “Hãy giữ mình, kẻo lòng chúng con ra nặng nề bởi chè chén say sưa và lo lắng việc đời”: những thú vui vật chất và những lo lắng sự đời làm cho lòng con người ra nặng nề và quên đi điểm cuối của cuộc hành trình đời mình.

3. Ngày mai chúng ta không biết sẽ ra sao, ngày cuối đời lại càng mù mịt. Xin Chúa cho chúng ta biết sống từng giây phút hiện tại, sao cho luôn được Chúa chúc lành và được tình thương Chúa che chở, để ngày Chúa đến sẽ là ngày hạnh phúc cho chúng ta.

4. Cái chết thường đến một cách bất ngờ. Trong bài Tin Mừng này, Chúa Giêsu đã nói rõ điều ấy “Chúng con hãy tỉnh thức vì chúng con không biết ngày nào giờ nào”. Đành rằng có nhiều người bệnh một thời gian khá lâu rồi mới chết, nhưng chẳng ai ngờ mình sẽ chết vào ngày này, giờ này.

Tuy bất ngờ nhưng không phải hoàn toàn bất ngờ, vì Chúa thương chúng ta, Chúa luôn ban cho chúng ta nhiều tín hiệu báo trước cái chết để chúng ta kịp chuẩn bị. Mỗi khi chúng ta thấy một người khác chết, đó là một tín hiệu; mỗi khi chải đầu thấy mái tóc mình bạc hơn, đó cũng là một tín hiệu; một chiếc răng bị hư, đôi mắt mờ xuống, tay chân yếu đi, một chứng bệnh xuất hiện… tất cả đều là những tín hiệu. Và quan trọng hơn nữa, đó là những tín hiệu mà Chúa gởi trước cho chúng ta vì Chúa thương chúng ta. Vì thế chúng ta đừng giả mù giả điếc trước những tín hiệu tình thương ấy. Tốt nhất là đón nhận chúng, nhận ra ý nghĩa của chúng và chuẩn bị.

5. Một vị đan tu tên là Mésique. Bất trung với ơn gọi, ông đã sống một cuộc đời không mấy tốt đẹp trong nhiều năm. Đột nhiên ông bị bệnh nặng. Thiên Chúa cho ông rơi vào tình trạng hôn mê trong một tiếng đồng hồ. Khi tỉnh dậy ông không nói gì về những điều đã cảm thấy trong thời gian một tiếng đống hồ ấy.

Ông xin người ta cho ông ở một mình trong một căn phóng xây kín, và ông đã ở đó suốt 12 năm trời. Hàng ngày, qua một cửa sổ nhỏ người ta đem đến cho ông một chút bánh mì và nước uống. Một hôm người ta tưởng ông đã chết nên đập phòng đi vào thì thấy ông đang hấp hối. Trước mặt các tu sĩ đang vây quanh, ông nói với họ những lời cuối cùng trước khi ra đi:

- Anh em thân mến của tôi, người nào luôn khắc ghi vào tâm khảm ý tưởng về sự chết, người đó sẽ không bao giờ phạm tội.

Nói thế rồi, ông tắt thở, để lại cho một người một ấn tượng sâu đậm. (Góp nhặt).

 

Suy niệm 11: Thái độ phải có của môn đệ Chúa Giêsu

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Đoạn Tin Mừng này là một phần của diễn từ chung luận, trong đó Chúa Giêsu nói tới những việc sẽ xảy ra vào những ngày cuối cùng. Chúa không dừng lâu ở việc mô tả các dấu chỉ, nhưng chú ý đến thái độ mà môn đệ Đức Giêsu phải có.

- Thái độ quan trọng thứ nhất là phải chú ý tới việc đón Chúa đến: không nên để mình bị ảnh hưởng bởi những xáo trộn bên ngoài, để rồi lo chè chén say sưa hoặc chỉ lo chuyện sống chết, hay chỉ lo chuyện thế gian mà quên lãng việc quan trọng này.

- Thái độ thứ hai phải có là luôn kiên trì trong việc cầu nguyện: cầu nguyện để xin Ngài mau đến, cầu nguyện để xin ơn đứng vững trước những xáo trộn bên ngoài.

Có một người đàn ông kia sống rất hạnh phúc và đầy đủ, tuy nhiên, ông vẫn cảm thấy lo sợ cho cuộc đời. Một hôm, ông nảy ra ý muốn, muốn đi tìm một ai đó chỉ cho ông biết, làm thế nào để cho ông chắc chắn là ông sẽ chiếm hữu được cuộc sống đời đời mai sau. Theo lời hướng dẫn, ông tìm ra được một tu sĩ có tiếng thánh thiện. Khi đến nơi, ông thưa với tu sĩ đó rằng:

- Thưa thầy, nếu biết rằng, chỉ còn sống có một ngày nữa thôi thì thầy sẽ làm gì?”

Đưa tay ra vuốt chùm râu bạc trắng, vị tu sĩ bình thản trả lời:

- Có gì đâu, sáng dậy đọc kinh, sau đó dùng chút trà rồi ra vườn tưới cây, đi thăm và dùng cơm với bạn bè rồi về ngủ.

- Đó là việc hằng ngày thầy vẫn làm mà. Con muốn hỏi ngày cuối đời kia mà?

- Đúng vậy! Ngày thường và ngày cuối đời có gì khác đâu.

2. Quả thực là chúng ta không biết ngày mai sẽ ra sao, và ngày cuối đời thì lại càng mù mịt hơn. Chính vì thế mà Chúa bảo chúng ta phải luôn tỉnh thức.

Một tài xế xe buýt ở Hoa Kỳ đã chiếm một kỷ lục hiếm có trong suốt hai mươi ba năm hành nghề. Trên một triệu cây số, ông chưa bao giờ gặp hay gây ra một tai nạn nhỏ nào. Được hỏi lý do, ông trả lời: “Hãy nhìn đường!”. Câu trả lời tuy đơn sơ, nhưng chứa đựng cả một triết lý sống.

“Hãy nhìn đường!”. Có lắm người đi đường hoặc lái xe mà không nhìn đường. Tai nạn xảy ra hầu hết đều do sự lơ đễnh của người lái xe. Người bộ hành gặp tai nạn rủi ro có khi cũng do đi đường mà không nhìn vào con đường mình đang đi.

Chú tâm vào công việc mình đang làm, chính là luật của thành công. Một vận động viên trên sân cỏ sẽ không ngừng chú ý đến quả banh, đến đối phương, đến bạn đồng đội. Một học sinh muốn học giỏi cũng phải chú tâm theo dõi và lắng nghe lời giảng dạy. Một người mẹ trong gia đình phải chú tâm vào ngân quĩ gia đình, vào công việc hàng ngày. Đó là thái độ tỉnh thức mà chúng ta phải luôn có để khỏi quá ngỡ ngàng trước ngày Chúa đến gọi chúng ta.

Cái chết thường đến một cách bất ngờ. Tuy bất ngờ nhưng không phải hoàn toàn bất ngờ, vì Chúa thương chúng ta, nên Chúa luôn ban cho chúng ta nhiều tín hiệu báo trước cái chết để chúng ta kịp chuẩn bị. Mỗi khi chúng ta thấy một người khác chết, đó là một tín hiệu; mỗi khi chải đầu thấy mái tóc mình bạc hơn, đó cũng là một tín hiệu; một chiếc răng bị hư, đôi mắt mờ xuống, tay chân yếu đi, một chứng bệnh xuất hiện… tất cả đều là những tín hiệu. Đó là những tín hiệu mà Chúa gởi trước cho chúng ta vì Chúa thương chúng ta. Vì thế, chúng ta đừng giả mù giả điếc trước những tín hiệu tình thương ấy. Tốt nhất là đón nhận chúng, nhận ra ý nghĩa của chúng và chuẩn bị.

Một vị đan tu tên là Mésique bất trung với ơn gọi, ông đã sống một cuộc đời không mấy tốt đẹp trong nhiều năm. Đột nhiên ông bị bệnh nặng. Thiên Chúa cho ông rơi vào tình trạng hôn mê trong một tiếng đồng hồ. Khi tỉnh dậy ông không nói gì về những điều đã cảm thấy trong thời gian một tiếng đống hồ ấy. Ông xin người ta cho ông ở một mình trong một căn phòng xây kín, và ông đã ở đó suốt 12 năm trời. Hàng ngày, qua một cửa sổ nhỏ người ta đem đến cho ông một chút bánh mì và nước uống. Một hôm người ta tưởng ông đã chết nên đập phòng đi vào thì thấy ông đang hấp hối. Trước mặt các tu sĩ đang vây quanh, ông nói với họ những lời cuối cùng, trước khi ra đi:

“Anh em thân mến của tôi, người nào luôn khắc ghi vào tâm khảm ý tưởng về sự chết, người đó sẽ không bao giờ phạm tội.”

Nói thế rồi, ông tắt thở, để lại cho một người mọi ấn tượng sâu đậm. (Góp nhặt).

Xin được kết thúc bằng lời cầu nguyện của Cha Piô, người được Chúa in năm dấu thánh:

Xin ở lại với con, lạy Chúa,

vì con cần có Chúa hiện diện

Cuộc đời qua đi, vĩnh cửu gần đến.

Con cần được thêm sức mạnh

để khỏi ngừng lại dọc đường. Amen.

 

Bài cùng chuyên mục:

Thứ Năm 28/11/2024 – Thứ Năm tuần 34 thường niên. – Giờ cứu rỗi gần đến. (27/11/2024 10:00:00 - Xem: 139)

Thứ Năm tuần 34 thường niên.

Thứ Tư 27/11/2024 – Thứ Tư tuần 34 thường niên. – Làm chứng về Chúa. (26/11/2024 10:00:00 - Xem: 2,291)

Thứ Tư tuần 34 thường niên.

Thứ Ba 26/11/2024 – Thứ Ba tuần 34 thường niên.– Gắn bó với Chúa từng giây phút. (25/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,471)

Thứ Ba tuần 34 thường niên.

Thứ Hai 25/11/2024 – Thứ Hai tuần 34 thường niên – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (24/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,515)

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam.

+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 7,369)

CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.

Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,366)

Thứ Bảy tuần 33 thường niên.

Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,907)

Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,511)

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.

Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,852)

Thứ Tư tuần 33 thường niên.

Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,834)

Thứ Ba tuần 33 thường niên.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7