Lời chúa mỗi ngày

Thứ Ba 28/11/2023 – Thứ Ba tuần 34 thường niên.– Gắn bó với Chúa từng giây phút.

  • In trang này
  • Lượt xem: 4,557
  • Ngày đăng: 27/11/2023 10:00:00

Gắn bó với Chúa từng giây phút.

28/11 – Thứ Ba tuần 34 thường niên.

"Không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào".

 

Lời Chúa: Lc 21, 5-11

Khi ấy, có mấy người trầm trồ về đền thờ được trang hoàng bằng đá tốt và những lễ vật quý, nên Chúa Giêsu phán rằng: "Những gì các con nhìn ngắm đây, sau này sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào mà chẳng bị tàn phá". Bấy giờ các ông hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, bao giờ những sự ấy sẽ xảy ra, và cứ dấu nào mà biết những sự đó sắp xảy đến?" Người phán: "Các con hãy ý tứ kẻo bị người ta lừa dối: vì chưng, sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến mà tự xưng rằng: "Chính ta đây và thời gian đã gần đến", các con chớ đi theo chúng. Khi các con nghe nói có chiến tranh loạn lạc, các con đừng sợ: vì những sự ấy phải đến trước đã, nhưng chưa phải là hết đời ngay đâu".

Bấy giờ Người phán cùng các ông ấy rằng: "Dân này sẽ nổi dậy chống lại dân kia, và nước này sẽ chống với nước nọ. Sẽ có những cuộc động đất lớn mọi nơi, sẽ có ôn dịch đói khát, những hiện tượng kinh khủng từ trên trời và những điềm lạ cả thể".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy niệm 1: Anh em làm chứng cho Thầy

(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

Trong số 117 vị Tử Ðạo Việt Nam, được phong thánh năm 1988,

có một phụ nữ duy nhất, mẹ của 6 người con.

Ðó là bà Anê Lê Thị Thành, còn gọi là bà Ðê.

Trước khi là một anh hùng tử đạo,

bà đã là một người mẹ hiền gương mẫu.

“Thân mẫu chúng tôi rất chăm lo việc giáo dục các con.

Chính người dạy chúng tôi đọc chữ và học giáo lý,

sau lại dạy cách dự thánh lễ và xưng tội rước lễ.”

Ðó là lời khai của cô con gái út trước giáo quyền.

Nhà bà Ðê là nơi các linh mục trú ẩn.

Buổi sáng lễ Phục Sinh năm 1861,

quan Tổng Ðốc Nam Ðịnh cho quân bao vây làng của bà.

Bà Ðê bị bắt lúc đã 60 tuổi.

Bà bị đánh đập tra tấn, bị ép phải chối đạo,

bị lôi qua Thánh Giá, bị bỏ rắn độc vào người.

Khi con gái đến thăm bà trong nhà giam,

đau đớn vì thấy quần áo mẹ loang đầy vết máu,

bà đã an ủi con với một niềm lạc quan lạ lùng:

“Con đừng khóc, mẹ mặc áo hoa hồng đấy,

mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc?”

Sau ba tháng chịu đủ mọi cực hình,

người phụ nữ ấy đã hiến đời mình cho Chúa.

Cuộc đời của vị thánh nữ tiên khởi của Việt Nam

là một sức nâng đỡ lớn cho chúng ta.

Thiên Chúa đã làm điều phi thường

nơi một người phụ nữ già nua, yếu  đuối.

Quan “Hùm Xám” tỉnh Nam Ðịnh cũng phải bó tay

trước sự yếu đuối kiên vững của bà.

Khôn ngoan và đơn sơ, can đảm chịu đau khổ,

bà thánh Ðê đã phó mặc cho Chúa đời mình.

Bà chẳng lo phải nói gì, phải làm gì trước tòa án,

vì sức mạnh của Thánh Thần ở với bà.

Hội Thánh thời nào cũng cần những người dám sống vì đức tin,

dám làm chứng cho Chúa trước mặt người đời.

Sống đức tin là một loại tử đạo không đổ máu,

không đòi hy sinh mạng sống,

nhưng lại đòi hy sinh cả tương lai vững vàng ổn định.

Mỗi ngày, chúng ta thường bị đặt trước những chọn lựa,

trước thập giá của Ðức Giêsu,

y hệt như các vị tử đạo ngày xưa.

Có khi chúng ta đã bước qua thập giá, khi chọn mình,

đã chối Chúa bằng chính cuộc sống.

Càng có tự do, ta lại càng dễ sa sút đức tin.

Tiền bạc, tiện nghi, khoái lạc vẫn là những thụ tạo

gây ra những cuộc bách hại êm ả và khủng khiếp

mà cuối cùng chúng ta cũng phải đối diện.

Ước gì chúng ta không để mất đức tin

được mua bằng giá máu của bao vị tử đạo,

và ước gì chúng ta không ngừng chuyển giao đức tin ấy

cho hơn 80 triệu đồng bào trên quê hương.

Cầu nguyện:

Lạy các thánh tử đạo Việt Nam,

các ngài đã dám sống đến cùng ơn gọi kitô hữu

trong một hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm.

Sự hy sinh của các ngài

cho thấy tình yêu mạnh hơn sự chết

và chết là cửa mở vào cõi sống bất diệt.

Dù mang phận người yếu đuối,

nhưng nhờ ơn Chúa đỡ nâng,

các ngài đã chiến thắng khải hoàn.

Xin cầu cho chúng con là con cháu các ngài

biết can trường sống đức tin của bậc cha anh

trong một thế giới vắng bóng Thiên Chúa,

biết nhiệt thành làm chứng về tình yêu

bằng một đời hiến thân phục vụ.

Ước gì ngọn lửa đức tin

mà các ngài đã thắp lên

bằng cuộc sống và cái chết,

được bừng tỏa trên Tổ quốc Việt Nam.

Ước gì máu thắm của các ngài

thấm vào mảnh đất quê hương

để công cuộc truyền giáo sinh nhiều hoa trái.

 

Suy niệm 2: Không còn hòn đá nào

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Người Do thái yêu mến, gắn bó và hãnh diện về đền thờ Giê-ru-sa-lem. Lộng lẫy nguy nga chưa từng thấy. Uy nghi hoành tráng đến hớp hồn. Nhưng Chúa Giê-su cho biết “những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào”. Chẳng có gì vững bền trên đời. Dù những phiến đá lớn lao vững chãi. Cả thế giới còn bị tiêu huỷ ra tro. Huống hồ một công trình bé nhỏ trên trái đất. Thật đáng sợ ngày kinh hoàng ấy. “Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện”. Vì thế phải biết chuẩn bị. Đừng gắn bó với những vẻ đẹp và sức mạnh chóng qua. Càng gắn bó sẽ càng hối tiếc. Hãy chuẩn bị cho ngày kinh hoàng đó.

Sách Khải huyền diễn tả số phận thế giới giống như một vụ mùa. Thời gian Chúa cho phép vũ trụ tồn tại là thời gian gieo hạt, trồng cấy. Cho cây nho, cây lúa mọc lên. Phát triển. Thời gian chấm dứt là thời gian Chúa tiêu huỷ vũ trụ. Lúa và nho đã chín. Cần phải gặt về. Đổ vào bồn ép. Để chịu phán xét. Trong cơn lôi đình khủng khiếp. “Xin tra liềm của Ngài mà gặt, vì đã đến giờ gặt: mùa màng trên đất đã chín rồi”. Trái đất đã chín. Lịch sử đã chín. Con người đã chín. Thời hạn đã chấm dứt. Cẩn thận kẻo bị ép trong bồn ép thịnh nộ (năm chẵn).

Na-bu-cô-đô-nô-sô được ơn thấy thị kiến về vận mệnh của chính mình, của vương quốc và của thế giới. Mọi vương quốc hùng mạnh rồi cũng sẽ tiêu tan. Mọi cố gắng của loài người không vượt qua được số phận. Thời gian nhường chỗ cho đời đời. Hữu hạn nhường bước cho vô hạn. Nhân loại phải tuân phục Thiên Chúa. Sức mạnh của Thiên Chúa không ai có thể chống cưỡng được. Đó là điều Đa-ni-en giải nghĩa giấc mơ cho Vua: “Đức Chúa Trời sẽ lập một vương quốc không bao giờ bị tiêu diệt, vương quốc ấy không bị giao cho một dân khác, nhưng nó sẽ đập tan và tiêu diệt tất cả mọi vương quốc này, đến muôn đời nó sẽ đứng vững; cũng như ngài đã thấy tảng đá bị tách khỏi núi dù không có bàn tay nào đụng tới, tảng đá ấy đập tan của sắt, đồng, đất sét, bạc và vàng” (năm lẻ).

Mọi sự sẽ qua đi. Chỉ Thiên Chúa vĩnh cửu. Thật dại dột khi gắn bó với những gì mau qua. Tôi sẽ mất tất cả. Sẽ buồn phiền. Khôn ngoan là gắn bó với Thiên Chúa. Làm việc cho Nước Trời. Ở trần gian có thể bị thiệt thòi. Nhưng sẽ bền vững trong Chúa, trên trời.

 

Suy niệm 3: Thời gian chuyển tiếp

(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Ðối với người Do thái, Ðền thờ Giêrusalem là biểu tượng cho niềm vui và hãnh diện, và là nơi Thiên Chúa ngự, là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc, là nơi hằng năm muôn dân tuôn về đó để mừng lễ. Ðền thờ được xây bằng đá quí, sừng sững trên ngọn đồi này vẫn được xem là nơi nương tựa vững chắc có thể đương đầu với thời gian. Thế mà Chúa Giêsu lại tuyên bố sẽ có ngày nó bị tàn phá, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.

Về thời điểm các sự việc đó xảy ra, dưới ngòi bút của thánh Luca, câu trả lời của Chúa Giêsu không chỉ riêng cho Giêrusalem mà còn bao gồm cả chiều kích lịch sử cứu độ: cũng như Ðền thờ Giêrusalem, thế giới này dù có vững vàng đến đâu, thì một ngày nào đó cũng sẽ tàn lụi. Trong khoảng thời gian trước ngày Chúa trở lại sẽ có nhiều tai ương khốn khó. Hình ảnh các biến cố thiên nhiên, như động đất, hạn hán, mất mùa, ôn dịch; những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ trên trời, hay hình ảnh chiến tranh, loạn lạc, là những yếu tố trong lối hành văn được các Tiên tri sử dụng để báo trước về ngày chung thẩm của Thiên Chúa. Tuy nhiên, các biến cố đó không phải chỉ là những hình ảnh, mà là sự thật; chúng cũng tác dụng như một nhắc nhở con người ý thức bản chất thụ tạo yếu đuối và mỏng dòn của mình, đồng thời soi sáng cho con người biết chiều kích về ơn gọi siêu việt của mình là sống như con cái Thiên Chúa và trung thành thực hiện ơn gọi đó, trong khi chờ đợi ngày Chúa lại đến.

Xin Chúa cho chúng ta luôn biết tin tưởng vào tình thương bao la của Chúa. Xin cho chúng ta hằng gắn bó với Chúa và sống hết tình con thảo từng giây phút đời sống chúng ta.

 

Suy niệm 4: Ngôn ngữ khải huyền

(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Trong thời điểm tuần lễ cuối cùng của năm Phụng Vụ, Giáo Hội mời gọi con cái mình Suy niệm những đoạn Kinh Thánh trình bày chủ đề cánh chung trong một ngôn ngữ riêng biệt, gọi là ngôn ngữ Khải huyền. Ðoạn Phúc Âm hôm nay là đoạn mở đầu cho những lời dạy của Chúa Giêsu về cánh chung và về việc Chúa sẽ trở lại trong vinh quang. Những người nghe Chúa Giêsu giảng dạy về biến cố này thì xem ra như muốn biết rõ về thời gian, lúc biến cố xảy ra. Nhưng trong lời giảng dạy của Chúa Giêsu, Ngài xem ra nhấn mạnh nhiều hơn đến thái độ sống của những đồ đệ của Chúa: phải sống thế nào để có thể đón Chúa ngự đến vào lúc kết thúc lịch sử nhân loại và vũ trụ.

Ngôn ngữ được Chúa Giêsu dùng ở đây là ngôn ngữ Khải huyền, một lối diễn tả đặc biệt thường được dùng trong Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước. Ngôn ngữ Hy Lạp và tiếng Việt dịch ra là Khải huyền, có nghĩa là mạc khải, mạc khải điều huyền nhiệm. Mọi chi tiết, mọi sự cố diễn ra và được mô tả trong ngôn ngữ Khải huyền đều không nên được chúng ta hiểu theo nghĩa đen, nhưng là một biểu tượng, một hình bóng cho một ý tưởng nào đó. Những biến cố, những tai ương được dùng trong ngôn ngữ Khải huyền muốn nói lên cho chúng ta biết vũ trụ, thế giới chúng ta đang sống không tồn tại đời đời mãi mãi, nhưng sẽ đi đến một lúc kết thúc và cuộc đời mỗi người chúng ta cũng như toàn thể nhân loại cũng sẽ đến lúc kết thúc, và giây phút kết thúc cuối cùng đó, là giây phút Thiên Chúa thực hiện ơn cứu rỗi cho con người, nhờ qua Chúa Giêsu Kitô. Mục tiêu của ngôn ngữ Khải huyền không phải là để làm cho người ta lo sợ, lo sợ tận thế, lo sợ cái chết, nhưng như là một lời kêu gọi, một lời thức tỉnh, thôi thúc người ta hãy sống tỉnh thức một cách tích cực để lãnh nhận ơn cứu rỗi của Chúa. Ðó là những lời của niềm hy vọng. Hy vọng một cuộc biến đổi hoàn toàn và đầy vinh quang của con người cũng như của thế giới. Một niềm hy vọng về trời mới và đất mới, nơi công bằng và hòa bình của Thiên Chúa ngự trị. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi giây phút Chúa ngự đến trong vinh quang, mỗi người đồ đệ Chúa cần sống giây phút hiện tại một cách can đảm, kiên trì giữa những thử thách xảy đến, và nhất là cần sống gắn bó mạnh mẽ, kết hiệp mật thiết với Chúa để vượt thắng được những cám dỗ chối bỏ Chúa mà chạy theo những vị tiên tri giả, những chúa kitô giả, những kẻ tự phụ muốn thay thế chỗ của Chúa nơi tâm hồn con người, những kẻ mạo danh Chúa để lường gạt và hưởng lợi. Mỗi người chúng ta cần trưởng thành mỗi ngày một hơn trong đức tin, đức cậy và đức mến, để có thể khám phá ra Chúa đang ngự đến hàng ngày trong mọi biến cố lớn nhỏ, để cứu rỗi chúng ta vì Ngày yêu thương chúng ta.

Lạy Chúa, chúng con chúc tụng Chúa là chủ của vũ trụ và lịch sử, vì Chúa hiện diện trong chúng con và trong thế giới, trong những nỗi lo âu cũng như những nỗi vui mừng và hy vọng của chúng con. Xin thương giúp chúng con biết chăm chú, biết lắng nghe lời Chúa dạy và khám phá Chúa hiện vẫn đang ở với chúng con mỗi ngày mỗi lúc nơi người anh chị em đang cần được giúp đỡ, cần được yêu thương.

 

Suy niệm 5: Đền thờ sụp đổ

Nhân có mấy người nói về đền thờ được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, Đức Giêsu bảo: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” (Lc. 21, 5-6)

Đoạn Tin mừng này khá phức tạp: hai phần không liên hệ với nhau. Trong đoạn đầu, Đức Giêsu loan báo sự tàn phá đền thờ Giê-ru-sa-lem. Trong đoạn hai, người ta đặt câu hỏi mong Người trả lời: “Bao giờ xảy ra và có điềm gì báo trước?”. Nhưng Người không trả lời như họ mong muốn, Người lại nói đến những điềm báo về ngày tận thế. Chúng ta nhận xét vài điều liên hệ tới đền thờ sụp đổ.

Hai kiểu giải thích:

Tại sao đền thờ Giê-ru-sa-lem bị tàn phá? Tại sao Đức Giêsu nói tiên tri “sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” của lâu đài tráng lệ này được người Do thái tôn kính?

Đức Giêsu đã giải thích hai lần về vấn đề này. Trong Luca đoạn 19, 44 Người coi biến cố này là một hình phạt đổ xuống dân thành vì họ không nhận ra Đấng Thiên sai Cứu thế của Thiên Chúa. Lần thứ hai, trong Tin mừng theo thánh Gio-an đoạn 2, 19-22 giải thích sâu sắc hơn ẩn chứa một chút mầu nhiệm: “Hãy phá đền thờ này, và trong ba ngày, Tôi sẽ xây dựng lại”. Đức Giêsu muốn cho hiểu rằng: Đã đến thời Thiên Chúa ngự ở khắp mọi nơi và tỏ mình ra không chỉ ở đền thờ. Người quả quyết rằng đền thờ phải biến đi để Ngài hiện rõ ràng trước hết và trên hết trong chính Con Người của Con Thiên Chúa. Nói cách khác, Đức Giêsu phục sinh là đền thờ, đền thờ mới và duy nhất. Ngày phục sinh là ngày đền thờ Giê-ru-sa-lem suy tàn đi, biến đi.

Con người là đền thờ Thiên Chúa.

Thánh tông đồ Phao-lô đã bổ túc tư tưởng của Đức Giêsu khi giải thích: Mỗi Kitô hữu và toàn bộ mọi Kitô hữu hình thành Giáo hội, là đền thờ mới để Thiên Chúa ngự. Chúng ta có thể nói mà không nghịch lại với tư tưởng của thánh Phao-lô rằng: Thực sự chính trong con tim của bất cứ người nào đều là nơi Thiên Chúa ngự.

Nếu quả thật như vậy, chính trong con tim mỗi người phải đi tìm Thiên Chúa trước hết. Ai không gặp được Thiên Chúa ở với mọi người thì họ không gặp được Ngài bao giờ.

R.C

 

Suy niệm 6: Ngày phân biệt

Một công trình hoành tráng, nguy nga, hùng vĩ được xây dựng lên để thách đố với thời gian, khẳng định với thời đại, đó chính là thành thánh Giêrusalem. Quả thật, đây là công trình thế kỷ; là niềm tự hào, hãnh diện của người Dothái... Tuy nhiên, công trình này rồi cũng như hoa kia sớm nở tối tàn mà thôi. Dù nguy nga, đồ sộ cỡ nào thì trước mặt Chúa cũng chỉ là phù vân!

Quả thật, sự kiện năm 70 sau Chúa Giáng Sinh, quân đội Rôma đã phá đổ tan tành, không còn hòn đá nào chồng lên hòn đá nào, và nó đã thành biển lửa và máu. Ngày nay, người ta chỉ còn biết đến nó như là một sự kiện của lịch sử hay như một  kỷ niệm buồn tủi với nước mắt...

Hình ảnh thành thánh Giêrusalem bị tàn phá là tiền đề để giúp cho chúng ta cảm thấy trước sự kinh hoàng, ghê rợn trong ngày chung cuộc của con người và thế giới. Ngày đó đến với các điềm báo trước như: hạn hán, mất mùa, bệnh dịch, những điềm lạ xuất hiện trên trời như: kinh thiên, động địa, hay chiến tranh tàn phá và loạn lạc... Ngày đó là ngày phán xét, ngày phân biệt tốt và xấu; thiện và ác; chiên và dê; lúa và cỏ lùng; cá tốt và cá xấu...

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hướng về Nước Trời như một điểm đến của chúng ta. Cần nhạy bén với các dấu chỉ thời đại, hầu thay đổi cuộc sống để trở nên tốt hơn. Cần tránh cho xa những điều bất chính và mặc lấy thái độ của những người sống trong ân sủng. Suy nghĩ, hành động tốt để ngày Chúa đến với chúng ta là một ngày tràn ngập vui mừng. Chớ dại mà bám víu vào những thứ tưởng chừng sẽ tồn tại trong cuộc sống như: vật chất, chức quyền, danh vọng; hay những thú ăn chơi, đàn điếm, cờ bạc mà quên đi mục đích tối hậu của mình.

Chỉ có Lời Chúa là tồn tại và là Lời Hằng Sống có sức biến đổi cũng như cứu vãn chúng ta khi chúng ta lắng nghe và thực hành mà thôi.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết tỉnh thức và sẵn sàng, vì không biết ngày nào, giờ nào Chúa đến. Xin ban ơn cứu độ cho chúng con. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy niệm 7: Giá trị trần gian không tồn tại

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Đền thờ Giêrusalem sẽ bị tàn phá vì dân Do thái đã khước từ Chúa Giêsu. Tuy nhiên sự sụp đổ ấy lại mở ra một thời kỳ mới: Tin Mừng vượt ra ngoài khuôn khổ Do thái để lan rộng trên toàn thế giới.

Cầu nguyện: Lạy Cha, mọi biến cố đều góp phần làm cho chương trình cứu độ của Cha đạt tới kết quả tốt đẹp. Con hiểu rằng đền thờ tự nó là tốt. Tuy nhiên người Do thái đã quá ảo tưởng. Họ bám víu vào đền thờ, đến độ không còn nhận ra Chúa Giêsu là Đấng được Cha sai đến cứu độ loài người. Tôn giáo của họ đã trở nên cứng nhắc, sa lầy và Cha đã để cho đền thờ bị tàn phá để mời gọi họ suy nghĩ lại. Người Do thái ngỡ ngàng, tiếc xót, thậm chí tức giận vì đền thờ sẽ bị phá, nhưng Cha muốn nhờ đó thanh luyện niềm tin của họ. Biến cố ấy cũng giúp cho Tin Mừng không còn bị ràng buộc vào các thể chế Do thái, để từ nay có thể lan rộng và thấm nhập vào mọi dân tộc.

Lạy Cha, mỗi biến cố đều là một dấu chỉ và là một lời mời gọi. Xin Cha giúp con hiểu được dấu chỉ và nghe được tiếng gọi của Cha. Cha là chủ lịch sử. Qua những bước thăng trầm, Cha vẫn từng bước đưa lịch sử nhân loại đến cùng Cha. Qua những nẻo đường quanh co của con người, Cha vẫn viết lên một lịch sử cứu độ thực tốt đẹp lạ lùng. Xin Cha ban cho con lòng yêu mến, để mọi sự đều góp phần sinh ích lợi cho con. Nhiều lúc Cha để cho con phải trải qua những cơn khủng hoảng, để nhờ đó con được lớn lên trong ân sủng. Nhiều lúc Cha dắt con đi qua những chặng đường tăm tối, để nhờ đó Cha thanh luyện lòng tin của con. Con xin cảm tạ Cha và phó thác trong tay Cha. Amen.

Ghi nhớ: “Không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào”.

 

Suy niệm 8: Sự sụp đổ của thành Giêrusalem

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Sau khi chỉ trích các luật sĩ và đề cao cử chỉ quảng đại của bà góa, Đức Giêsu và các môn đệ ra khỏi Đền thờ về phía núi Cây Dầu. Từ nơi này nhìn thấy Đền thờ Giêrusalem đồ sộ nguy nga và kiên cố, các môn đệ tấm tắc khen ngợi và có cảm nghĩ Đền thờ bền vững đến muôn đời, nhưng Đức Giêsu lại báo trước sự sụp đổ của thành Giêrusalem, viễn cảnh của ngày tận thế. Dân Israel không tin và không chấp nhận Ngài là Đấng Thiên Chúa sai đến. Họ dễ dàng nghe theo những lời giáo huấn của những kẻ giả hình, những kẻ mạo danh Ngài. Đức Giêsu dạy phải tỉnh thức chờ đợi Ngài. Đồng thời cũng báo trước sẽ có những biến cố lớn lao xẩy ra trước ngày tận thế.

2. Trọng tâm của bài Tin Mừng hôm nay là Đức Giêsu loan báo việc Đền thờ Giêrusalem sẽ bị tàn phá và liên kết với việc tàn phá Đền thờ, Đức Giêsu nói về ngày tận thế. Trong khi chờ đợi “Ngày của Chúa” tức là Chúa đến lần thứ hai, các tín hữu sẽ phải trải qua nhiều gian nan thử thách, phải qua một thời đại bị bách hại. Nhưng đừng sợ, hãy kiên trì vì sự bách hại sẽ là một cơ hội để làm chứng cho Tin Mừng. Chính Chúa sẽ làm cho các tín hữu chiến thắng trong thời kỳ sau cùng với điều kiện họ phải luôn bền đỗ.

3. Hình ảnh Đến thờ Giêrusalem được Hêrôđê Cả cho tái thiết lại trang hoàng lộng lẫy và lóng lánh ngọc thạch. Mọi người tự hào và trầm trồ khen ngợi. Nhưng đúng  như những gì Tin Mừng loan báo, thành Giêrusalem đã bị tướng Titus của Rôma phóng hỏa và bình địa xóa sổ vào năm 70 và dân Do thái tản mác khắp nơi trên địa cầu. Với cách diễn tả của các tác giả Tin Mừng, các ngài thường liên tưởng đến biến cố Giêrusalem và biến cố cánh chung. Và rồi, bao nhiêu công trình mà con người tự hào và khen ngợi, từ công trình khoa học kỹ thuật đến các công trình kiến trúc... rồi sẽ trở thành tro bụi khi ngày tận thế đến (Mỗi ngày một tin vui).

4. Tin Mừng hôm nay thuật lại Đức Giêsu báo trước sự kiện Giêrusalem sẽ bị tàn phá; đồng thời cũng tiên báo về ngày cánh chung, về tận củng cũa vũ trụ này. Theo lẽ thường cái gì đã có thủy (điểm khởi đầu), thì cũng sẽ có chung (điểm cuối), “hữu hình hữu hoại”: cái gì xuất hiện hữu hình thì cũng có lúc hình thể đó bị hư hoại đi. Đó là một chân lý, một quy luật chứng nghiệm trong thực tế  chứ không phải một cái nhìn bi quan. Nhận định ấy giúp ta tiếp cận thế giới vật chất này cách khôn ngoan, chừng mực hơn, không quá bám víu vào nó, vì mọi vật có ngày rồi sẽ tiêu tan, nay còn mai mất. Khi cảm nghiệm được sự bất tất, mau qua của vạn vật, ta mới thấy được cái giá trị của vĩnh cửu, là thực tại Thiên Chúa đã từng hé lộ cho ta khi Đức Giêsu rao giảng Nước Thiên Chúa: “Trời đất sẽ qua đi nhưng lời Ta sẽ tồn tại mãi”(x.Mt 5,18)(5 phút Lời Chúa).

5. Nói đến ngầy tận thế, xem ra là vấn đề mơ hồ và xa xôi, đưa đến bi quan, nhưng lại là điều có thật. Tuy nhiên, khi nói đến ngày kết thúc cuộc đời mình thì đó là điều chắc chắn và thiết thân. Mỗi người phải lo cho số phận mình, không ai có thể thay thế được. Một lúc nào đó, ngay cả con người chúng ta dù muốn hay không, cái chết cũng đến với chúng ta. Chúng ta sẽ ra đi  như chúng ta đã vào đời. Từ trong bóng tối đi ra, chúng ta cũng trở về với bóng tối. Đã một thời không có chúng ta, và cũng sẽ đến thời không ai còn nhắc đến chúng ta nữa. Mỗi ngày có trên 200.000 người chết, mỗi giờ có 10.000 người chết. Hôm nay, ngày mai hay bất cứ lúc nào, tôi cũng sẽ được đếm trong số những người phải ra đi ấy .

6. Nhưng có nhiều người cứ sống như không bao giờ chết, họ sống không mục đích, họ sống cho qua ngày như trên tấm mộ bia của anh chàng Bopp có viết câu: “Đây là nơi yên nghỉ  của một người không biết tại sao mình sống”. Các nhà văn muốn viết một quyển truyện hay thường nghĩ trước phần kết của câu truyện. Chúng ta muốn viết quyển truyện đời mình cho hay thì cũng phải nghĩ trước về ngày chết của mình, đừng như nhân vật trong truyện dưới đây: Nhà khoa học Huxley đang gấp vì sự đến trễ phiên họp trong đó ông phải đọc một bài tham luận. Ông nhảy lên một chiếc xe ngựa và bảo người đánh ngựa: “Hãy chạy hết tốc lực”. Xe chạy một quãng, ông mới giật mình nói: “Nhưng mà ta đang chạy đi đâu vậy”? Người đánh ngựa đáp: “Tôi cũng chẳng biết, chỉ biết là xe đang chạy hết tốc lực” (Clifton Gadiman).

7. Truyện: Sắm sẵn hành trang chưa?

Một quan lớn kia có nuôi một tên hề để hầu hạ. Quan trao cho nó một cây gậy, bảo nó cứ giữ cho đến khi có ai điên rồ hơn nó thì hãy cho.

Cách vài hôm sau, quan thọ bệnh nguy kịch. Hề ta vào thăm, hỏi rằng:

- Khi qua đời rồi, quan sẽ đi đâu?

- Ta đi xa lắm.

- Vậy bao giờ quan về? Một tháng nữa chăng?

- Không.

- Một năm à?

- Cũng không.

- Vậy thì bao giờ quan mới về?

- Chẳng bao giờ về được.

- Thế thì trong cuộc man du đó quan đã sắm sẵn hành trang gì chưa?

- Chưa sắm gì hết.

- Đi xa mà chẳng có hành trang gì, quan thật điên hơn tôi. Vậy xin nhận lấy cây gậy này.

(Ms Lê Văn Thái, Những tia sáng 2, tr 159).

 

Suy niệm 9: Vấn đề chung kết của lịch sử

(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

Đoạn này mở đầu một đơn vị văn chương được gọi là “diễn từ chung luận” (Lc 21,5-36), trong đó Chúa Giêsu bàn đến những vấn đề “chung kết” của lịch sử là: sự sụp đổ của thành Giêrusalem, ngày tận thế, và ngày Đức Kitô quang lâm. Diễn từ này khó hiểu, một phần vì được viết theo văn thể khải huyền, phần khác vì 3 biến cố trên được nhắc đến xen lẫn nhau khiến người đọc không biết rõ những câu nào nói đến biến cố nào.

- các câu 5-6: Chúa Giêsu tiên báo thành Giêrusalem sẽ bị tàn phá.

- câu 7: thính giả liên tưởng tới ngày tận thế nên hỏi Chúa Giêsu khi nào thì tận thế và có dấu nào báo trước không.

- câu 8-11: Chúa Giêsu không muốn cho biết những dấu chỉ rõ ràng về ngày tận thế. Bởi đó trước tiên Ngài khuyên người ta chớ tin vào những dấu chỉ mà người này người nọ đưa ra cho rằng sắp tận thế. Kế đó Ngài dùng những hình ảnh khải huyền khó hiểu để nói một cách úp úp mở mở rằng khi tận thế thì những gì xưa nay người ta cho là chắc chắn đều sẽ lung lay.

B.... nẩy mầm.

1. Mọi công trình con người xây dựng, dù cho kiên cố và quý giá đến đâu đi nữa, kể cả Đền thờ Giêrusalem... tất cả đều sẽ có ngày sụp đổ. Chẳng có gì bền vững ở thế giới này. “Trăm năm bia đá cũng mòn”; “Phù hoa nối tiếp phù hoa, trần gian tất cả chỉ là phù hoa. Hoa nào không phai tàn? trăng nào không khuyết? ngày nào mà không có đêm? yến tiệc nào không có lúc tàn?”

2. Triết lý Á Đông: “sự vật hễ có hình thì có hoại”.

3. Trong tuần lễ cuối cùng của năm Phụng vụ, Lời Chúa nhắc chúng ta hãy suy nghĩ về những vấn đề cuối cùng của đời người: chết, phán xét, số phận đời đời...

4. Các nhà văn muốn viết một quyển truyện hay thường nghĩ trước phần kết của câu truyện. Chúng ta muốn viết quyển truyện đời mình cho hay thì cũng phải nghĩ trước về ngày chết của mình, đừng như nhân vật trong chuyện dưới đây:

“Nhà khoa học Huxley đang gấp vì sợ đến trễ phiên họp trong đó ông phải đọc một bài tham luận. Ông nhảy lên một chiếc xe ngựa và bảo người đánh ngựa “Hãy chạy hết tốc lực”. Xe chạy một quãng, ông mới giật mình hỏi “Nhưng mà ta đang chạy đi đâu vậy?”. Người đánh ngựa đáp: “Tôi cũng chẳng biết, chỉ biết là xe đang chạy hết tốc lực”. (Clifton Gadiman).

5. Cả cuộc sống êm ả lẫn cuộc sống bất ổn cũng đều tiềm tàng những thuận lợn và những hiểm nguy cho đời sống thiêng liêng. Vấn đề là làm sao luôn rút được ích lợi ngay giữa hai tình cảnh đối nghịch đó:

- Nếu được sống triền miên trong sự êm ả (vd: sống trong một xã hội sung túc đầy đủ, không bao giờ phải lo chiến tranh hoạn nạn…) người ta sẽ dễ an tâm sống đạo thờ phượng Chúa. - Nhưng cũng dễ rơi vào chỗ coi thường, bất cần đến đạo, bất cần đến Thiên Chúa. Trong Cựu Ước, mỗi khi dân Chúa li bì trong cảnh thái bình mà đâm ra truỵ lạc, tự mãn, không coi Thiên Chúa ra gì, thì thường xuất hiện vị ngôn sứ loan báo tai hoạ để nhắc nhở dân (gọi là ngôn sứ báo hoạ).

- Ngược lại, nếu luôn phải sống trong phập phồng lo sợ, người ta dễ thấy mạng sống mình mong manh, thấy của cải vật chất không giúp bảo đảm gì nhiều cho mình. Khi đó người ta dễ chạy đến với Chúa. - Nhưng nếu cứ phải sống triền miên trong bất ổn, cuộc đời dễ mất ổn định và khó lòng đạt được những hoa trái của sự bình an. Suy niệm đời ông Gióp giúp ta hiểu rõ hơn.

6. “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” (Lc 21,6)

Ồ một chiếc bông hồng vừa hé nở đẹp quá! Thế mà chỉ vài ngày sau nó đã tàn úa, vì đó chỉ là những vẻ đẹp chóng qua.

Đền thờ Giêrusalem, một công trình mất đến 40 năm mới hoàn tất, vậy mà Chúa bảo rồi sẽ có ngày bị tàn phá. Giữa những vẻ đẹp nhân tạo, những vẻ đẹp của trần thế chóng qua, Chúa muốn tôi tìm kiếm vẻ đẹp không bao giờ tàn úa. Chỉ có vẻ đẹp của tâm hồn, chỉ có sự thánh thiện mới không có gì phá huỷ đ. Vẻ đẹp đó chỉ có thể tô điểm bằng yêu thương và phục vụ.

Lạy Chúa, xin cho con biết yêu thương và phục vụ, để giữ mãi vẻ đẹp của tâm hồn. (Hosanna)

 

Suy niệm 10: Ngày tận cùng

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Đây là đoạn mở đầu cho một đơn vị văn chương được gọi là “diễn từ chung luận” (Lc 21,5-36), trong đó Chúa Giêsu nói đến những vấn đề “chung kết” của lịch sử và qua đó Chúa cũng muốn ám chỉ đến ngày tận cùng của một đời người.

Đoạn diễn từ này khó hiểu vì được viết theo văn thể khải huyền. Chúa đã dùng những hình ảnh rất thật nhưng chưa xảy ra để nói một cách úp úp mở mở về ngày chung cuộc và có ý cho mọi người hiểu rằng, ngày chung cuộc chắc chắn rồi cũng sẽ xảy đến như vậy.

Vâng! Mọi công trình do con người xây dựng, dù cho có kiên cố và quý giá đến đâu đi nữa, kể cả Đền thờ Jêrusalem...đều sẽ có ngày sụp đổ. Chẳng có gì bền vững ở thế giới này. “Trăm năm bia đá cũng mòn” ; “Phù hoa nối tiếp phù hoa, trần gian tất cả chỉ là phù hoa. Hoa nào không phai tàn? Trăng nào không khuyết? Ngày nào mà không có đêm? Yến tiệc nào không có lúc tàn?”

Triết lý Á Đông: “sự vật hễ có sinh thì có hoại”.

“Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” (Lc 21,6).

Một lúc nào đó, dù muốn hay không muốn, cái chết cũng đến với chúng ta. Chúng ta sẽ ra đi như chúng ta đã vào đời. Từ trong bóng tối đi ra, chúng ta cũng sẽ trở về với bóng tối. Đã có một thời không có chúng ta, và cũng sẽ đến thời không ai còn nhắc đến chúng ta nữa.

Một hôm trong một cuộc nói chuyện, một giáo sư dạy triết hỏi các sinh viên của mình:

- Em nào trả lời câu hỏi của thầy thì giơ tay lên - thầy nói với cả lớp.

- Ai có thể kể về cha mẹ mình?

Mọi người đều giơ tay.

- Ai có thể kề về ông bà mình?

Khoảng ba phần tư lớp giơ tay.

- Vậy em nào có thể kề về ông bà cố của mình?

Chỉ hai trong số 60 sinh viên giơ tay.

- Giờ thì các em hãy suy nghĩ kỹ đi nào - thầy bảo - Chỉ mới cách có hai thế hệ mà rất ít người biết cụ cố mình là ai. Có thể các em từng thấy một bức ảnh cũ kỹ phai màu được cất kỹ trong hộp thuốc lá mốc meo, hay đã nghe kề một câu chuyện tiêu biểu về gia tộc mình, và biết có người trong tổ tiên mình đã lội bộ năm dặm đường để đến trường. Nhưng mấy người trong các em thật sự biết tổ tiên của mình là ai, các cụ nghĩ gì, hãnh diện, lo sợ hay mơ ước điều gì. Các em thử nghĩ xem. Chỉ trong vòng ba thế hệ thôi mà các bậc tiền nhân đều đã bị lãng quên. Vậy, liệu điều đó có xảy đến với các em sau này không?

Để thầy nêu câu hỏi cụ thể hơn cho các em. Các em thử tương tượng xem ba thế hệ sau mình. Lúc ấy các em đã ra người thiên cổ lâu rồi. Chỗ các em ngồi bây giờ sẽ là chỗ của các chít chắt. Liệu chúng có biết gì về các em không? Hay là các em cũng sẽ chìm sâu trong dĩ vãng?

Các em muốn cuộc sống của mình hiện thời sẽ là dấu hiệu báo điềm xấu hay là tấm gương soi sáng cho các thề hệ sau? Các em sẽ để lại di sản nào? Sự lựa chọn hoàn toàn tùy thuộc vào quyết định của các em. Thôi bây giờ lớp chúng ta nghỉ. Không ai trong lớp đứng dậy và ùa về như mọi khi. Mọi người đều ngồi lại và suy nghĩ về lời thầy nói. (Jodie Foster)

Đó cũng là số phận chung của con người.

2. Quả thật, không gì thê thảm bằng cái chết. Chúng ta muốn sống, sống mãi, chúng ta muốn được người đời nhắc đến, nhưng rồi chúng ta phải chết, bị chìm trong quên lãng của thời gian. Mỗi ngày có trên 20.000 người chết, mỗi giờ có đến 10.000 người chết. Hôm nay, ngày mai hay bất cứ lúc nào, tôi cũng sẽ được đếm trong số người phải ra đi ấy.

Tác giả Đường Bá Hổ có bài thơ về đời người như sau:

Xuân đi, Hạ lại, Thu sang Đông,

Chóng như thoi đưa, như nước chảy,

Vừa tiễn buổi chiều chuông chùa kêu,

Đã báo rạng đông, gà gáy sáng,

Ta thử tính xem những người nhãn tiền,

Một năm đã thấy khuất vô số.

Lô nhô nắm đất cánh đồng hoang,

Quá nữa không ai người tảo mộ.

Người ta thường nói “Các nhà văn muốn viết một quyển chuyện hay thì thường phải nghĩ đến phần kết của câu chuyện trước.

Trên vòng bán nguyệt của khung cửa chính của Nhà thờ chính tòa Milanô người ta thấy có khắc ba dòng chữ. Phía dưới hình hoa hồng được trạm trổ tinh vi của vòng bán nguyệt thứ nhất, người ta đọc được dòng chữ: “Mọi hạnh phúc chỉ kéo dài trong khoảnh khắc!”. Bên vòng bán nguyệt của khung cửa kia, dưới hình một cây Thập Giá, có dòng chữ: “Mọi đau khổ chỉ kéo dài trong khoảnh khắc”.

Và ở vòng bán nguyệt của khung cửa giữa dẫn vào lòng chính Vương cung Thánh Đường có khắc dòng chữ: “Chỉ có sự đời đời mới là quan trọng nhất!”

Xin nhắc lại một lần nữa: “Chỉ có sự đời đời mới là quan trọng nhất!”

 

Bài cùng chuyên mục:

Thứ Năm 28/11/2024 – Thứ Năm tuần 34 thường niên. – Giờ cứu rỗi gần đến. (27/11/2024 10:00:00 - Xem: 147)

Thứ Năm tuần 34 thường niên.

Thứ Tư 27/11/2024 – Thứ Tư tuần 34 thường niên. – Làm chứng về Chúa. (26/11/2024 10:00:00 - Xem: 2,304)

Thứ Tư tuần 34 thường niên.

Thứ Ba 26/11/2024 – Thứ Ba tuần 34 thường niên.– Gắn bó với Chúa từng giây phút. (25/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,472)

Thứ Ba tuần 34 thường niên.

Thứ Hai 25/11/2024 – Thứ Hai tuần 34 thường niên – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (24/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,515)

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam.

+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 7,370)

CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.

Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,366)

Thứ Bảy tuần 33 thường niên.

Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,907)

Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,511)

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.

Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,852)

Thứ Tư tuần 33 thường niên.

Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,834)

Thứ Ba tuần 33 thường niên.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7