Lời chúa mỗi ngày

Thứ Ba 02/08/2022 – Thứ Ba tuần 18 thường niên. – Chúa Ði Trên Biển.

  • In trang này
  • Lượt xem: 7,368
  • Ngày đăng: 01/08/2022 08:00:00

Chúa Ði Trên Biển.

02/08 – Thứ Ba tuần 18 thường niên.

"Xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy".

 

Lời Chúa: Mt 14, 22-36

Khi dân chúng đã ăn no, lập tức Chúa Giêsu giục môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện một mình. Ðến chiều, Người vẫn ở đó một mình. Còn thuyền thì đã ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió.

Canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hồn mà nói rằng: "Ma kìa" và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng. Lập tức, Chúa Giêsu nói với các ông rằng: "Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ". Phêrô thưa lại rằng: "Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy". Chúa phán: "Hãy đến". Phêrô xuống khỏi thuyền bước đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giêsu. Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống nên la lên rằng: "Lạy Thầy, xin cứu con". Lập tức, Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông mà nói: "Người hèn tin, tại sao lại nghi ngờ?" Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: "Thật, Thầy là Con Thiên Chúa!"

Khi đã sang qua biển hồ, các ngài lên bộ và ghé vào Ghênêsarét. Nhận ra Ngài, dân địa phương liền loan tin đi khắp cả vùng xung quanh, và người ta đem đến cho Ngài hết mọi kẻ ốm đau. Họ nài xin Ngài cho họ rờ đến tua áo choàng của Ngài thôi, và ai đã rờ đến thì đều được chữa lành.

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Xin cứu con

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Bài Tin Mừng hôm nay là một loạt những kinh nghiệm thiêng liêng.

Có thể chúng ta ít nhiều đều đã có những kinh nghiệm này.

Thầy Giêsu là một nhà giáo nhân từ và cương quyết.

Ngài giáo dục các môn đệ bằng cách đưa họ vào những kinh nghiệm.

Kinh nghiệm bị Thầy bắt buộc phải qua bờ bên kia (c. 22),

dù họ rất muốn ở lại bờ bên này để nếm dư vị của thành công vừa rồi.

Sau phép lạ nhân bánh, người ta định tôn Thầy lên làm vua (Ga 6, 15).

Chỉ cần Thầy gật đầu là trò được chia sẻ tiếng tăm và quyền lực.

Các môn đệ đã bị ép lên thuyền, ngay lập tức, lúc chạng vạng tối.

Kinh nghiệm bị sóng đánh vì ngược gió.

Thuyền đã xa bờ mấy cây số, tiến tới không được, lùi lại cũng không xong.

Vào lúc khó khăn ấy lại không có Thầy ở trong thuyền.

Hầu như suốt đêm các môn đệ phải vất vả chèo chống với sóng gió.

Họ phải tập chiến đấu trong đêm tối khi không có Thầy ở bên.

Họ có nghĩ quyết định của Thầy là sai lầm, vội vã không ?

Kinh nghiệm hốt hoảng, sợ hãi và được trấn an.

Mãi đến lúc gần sáng, Thầy Giêsu mới đi trên biển mà đến với các môn đệ.

Ngài đến khi họ chưa thấy rõ mặt Ngài.

Ngài đến vào lúc bất ngờ và đến theo cách bất ngờ, khiến họ khiếp kinh.

Ngài đến đem bình an mà họ tưởng là ma quái đe dọa (c. 26).

Quả thật có những lúc không dễ nhận ra là Chúa đang đến với mình.

Chúa đến làm các môn đệ sợ hãi hơn cả sóng gió.

Nhưng “Cứ yên tâm, chính Thầy đây. Đừng sợ!” (c. 27).

Kinh nghiệm tự đưa mình vào một thách đố của lòng tin.

Một mặt Phêrô vẫn chưa tin trọn vẹn khi nói câu: Nếu quả là Thầy…(c. 28).

Nhưng mặt khác ông lại rất táo bạo khi dám xin ơn đi trên mặt nước.

Ông coi đó là cách thức chắc chắn nhất để biết có phải là Thầy không.

Nếu đúng là Thầy thì Thầy cũng có thể cho mình làm được như Thầy.

Chỉ cần Thầy truyền lệnh là đủ, Phêrô tin như thế.

Kinh nghiệm đi trên mặt nước và kinh nghiệm bị chìm.

Khi được Thầy cho phép, Phêrô đã dám từ thuyền bước xuống biển động.

Và ông đã đi được một quãng không rõ bao xa (c. 29).

Mặt nước cứng như đá hay người ông trở nên nhẹ bổng?

Bây giờ thì đúng là Thầy rồi, chỉ Thầy mới cho mình làm được như Thầy.

Phêrô sung sướng tiến về phía Thầy với lòng tin đang lớn lên.

Nhưng khi gặp gió thổi mạnh thì ông lại sợ, lại hoài nghi, yếu tin.

Ông mất tập trung vào sự hiện diện quyền năng của Thầy và bị chìm.

Người ta có thể bị chìm ngay khi biết Chúa ở trước mặt.

Kinh nghiệm được Thầy nắm tay mà dắt vào thuyền.

Khi Phêrô kêu cứu, Thầy Giêsu đã giữ ông khỏi bị nước nuốt chửng.

Sau đó hẳn hai Thầy trò đã cùng nhau đi trên sóng mà về thuyền.

Khi cả hai lên thuyền thì gió lặng, chẳng cần Thầy phải dẹp yên sóng gió.

Các kinh nghiệm môn đệ vừa trải qua thật kinh khủng và gần gũi với ta.

Buồn bực, sợ hãi, căng thẳng, bình an, nghi ngờ, chới với, hạnh phúc.

Đời Kitô hữu là một chuỗi những kinh nghiệm như thế.

Chúng ta tưởng Chúa bỏ rơi, Chúa vắng mặt, Chúa là ma làm ta sợ hãi.

Đơn giản Chúa là Thầy biết cách làm ta trưởng thành qua kinh nghiệm.

Cuối cùng chúng ta sẽ nhìn nhận: “Quả thật Thầy là Con Thiên Chúa” (c. 33).

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

con chẳng dám xin đi trên mặt nước như Phêrô,

nhưng nhiều khi con cảm thấy

sống đức tin giữa lòng cuộc đời

chẳng khác nào đi trên mặt nước.

Có bao thứ sóng gió đẩy đưa và lôi cuốn.

Có bao cám dỗ muốn hút con vô vực sâu.

Cả sự nặng nề của thân xác con

cũng kéo ghì con xuống.

Đi trên mặt nước cuộc đời chẳng mấy dễ dàng.

Nhiều khi con thấy mình bàng hoàng sợ hãi.

Xin cứu con khi con hầu chìm.

Xin nắm lấy tay con khi con quỵ ngã.

Xin nâng đỡ niềm tin yếu ớt của con,

để con trở nên nhẹ tênh

mà bước những bước dài hướng về Chúa. Amen.

 

Suy Niệm 2: Xác thịt và thần khí

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

My-ri-am đối đầu với Mô-sê. Về phương diện con người thì My-ri-am chiếm ưu thế ở 3 điểm. Về xã hội: Tập tục không cho phép người Do thái kết hôn với ngoại kiều, thế mà Mô-sê đã cưới một người xứ Cút. Về gia đình: My-ri-am là chị cả trong gia đình và Mô-sê phải vâng lời bà. Về cá nhân: My-ri-am là ân nhân cứu mạng Mô-sê và chăm sóc ông từ bé. Thế nhưng Chúa lại cho rằng My-ri-am đã đối đầu với Chúa vì dám xúc phạm đến Mô-sê là tôi tớ của Chúa. Hơn nữa, bà ghen tị vì Mô-sê được Chúa gặp trực tiếp. Đó chính là cuộc đối đầu giữa xác thịt và Thần Khí. My-ri-am đã để cho tính ghen tức xác thịt bùng nổ nên nói xấu Mô-sê. Mô-sê là người của Thần Khí vì ông tràn đầy ơn Chúa và ông cư xử theo Thần Khí, hiền lành khiêm nhường không đối đáp lại My-ri-am (năm lẻ).

Tin Mừng cũng tường thuật lại cuộc đối đầu giữa nhóm Pha-ri-sêu và Chúa Giê-su. Pha-ri-sêu cũng vận dụng tập tục tiền nhân để chống lại Chúa Giê-su. Họ cũng tự cho mình có quyền giảng dậy và cắt nghĩa lề luật để dậy dỗ Chúa và các môn đệ. Cuối cùng họ cũng bộc lộ tính xác thịt, chống lại Chúa vì ghen tức với Chúa. Chúa Giê-su cho biết ai sống theo xác thịt sẽ đi vào chỗ chết: “Cây nào mà Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời không trồng, thì sẽ bị nhổ đi. Cứ để mặc họ. Họ là những người mù dắt người mù. Mù mà lại dắt mù, cả hai sẽ lăn cù xuống hố”. Bà My-ri-am lập tức bị phong cùi, tức là đi vào đất kẻ chết.

Sống theo xác thịt sẽ chết theo xác thịt. Như Chúa nói với Giê-rê-mi-a: “Không ai biện hộ cho vụ kiện của ngươi…Mọi nhân tình của ngươi đều quên ngươi hết, chúng không kiếm tìm ngươi nữa…Ngươi kêu la vì thương tích của ngươi làm gì? Nỗi thống khổ của ngươi thật hết đường cứu chữa. Ấy chỉ vì sự gian ác của ngươi quá nhiều, và tội lỗi của ngươi quá nặng”. Nhưng khi dân ăn năn sám hối, từ bỏ con đường xác thịt để sống theo Thần Khí, Chúa lại cho phục hồi. Sống theo Thần Khí họ được tự do vì làm chủ lấy mình: “Thủ lãnh của nó sẽ từ nó xuất thân, và người thống trị nó sẽ từ giữa nó mà ra”. Họ thuộc về Chúa: “Các ngươi sẽ là dân Ta chọn, và Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi”. Biết thờ phượng, ngợi khen Chúa: “Từ các nơi ấy, sẽ vọng ra lời cảm tạ và tiếng reo mừng” (năm chẵn).

Sống theo xác thịt thì mù quáng. Sống theo Thần Khí thì sáng suốt. Sống theo xác thịt thì lăn xuống hố. Sống theo Thần khí thì thanh thoát vươn lên. Sống theo xác thịt là đi vào cõi chết. Sống theo Thần Khí đi vào đời sống. Sống theo xác thịt bị nô lệ. Sống theo Thần Khí tự do vì tự mình làm chủ lấy mình.

 

Suy Niệm 3: Chúa Ði Trên Biển

Thiên Chúa tỏ ra là một nhà giáo dục đại tài: Ngài luôn tôn trọng tư tưởng, dự định của con người, nhưng với thời gian và qua dòng lịch sử, Ngài thanh lọc, kiện toàn những gì không phù hợp với Nước Trời. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể làm người cũng đi theo đường lối đó, như chúng ta có thể thấy trong bài Tin Mừng hôm nay.

Sau khi cho dân chúng ăn no, Chúa Giêsu buộc các môn đệ lên đò sang bờ bên kia. Giải tán dân chúng xong, Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện một mình. Các môn đệ vâng lời Thầy ra đi, nhưng có lẽ các ông không được hài lòng. Các ông đã hết sức kiên nhẫn chờ đợi ngày Chúa Giêsu làm vua, cơ hội đó hôm nay đã đến, nhưng Chúa lại từ chối. Không những bỏ lỡ cơ hội, Chúa còn ra lệnh cho các ông lập tức rời bỏ hiện trường. Bất mãn, chán nản và mệt nhọc làm cho các ông ngã lòng. Chúa Giêsu biết rõ tâm trạng của các ông, không những bằng ánh mắt và bằng cả cõi lòng khi Ngài cầu nguyện trên triền núi. Ngài thấy các ông chèo chống ngược với sóng gió và ngược với cả ý muốn. Chính lúc đó, Ngài đi trên mặt biển để đến với các ông. Ngài đã làm như thế để các ông hiểu rằng Ngài có quyền năng trên các tạo vật, Ngài có chương trình của Ngài và Ngài sẽ thực hiện chương trình ấy khi giờ của Ngài đến.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đặt tất cả niềm tin vào quyền năng của Chúa. Ngài có chương trình cho mỗi người chúng ta. Ðiều quan trọng không phải là chúng ta bắt Thiên Chúa làm theo ý chúng ta, để rồi khi không được như ý nguyện, chúng ta tỏ ra buồn phiền, than trách Chúa. Trái lại, chúng ta hãy đặt hết tin tưởng vào Chúa, Ngài vẫn hiện diện để sẵn sàng cứu giúp chúng ta. Hãy phó thác vào quyền năng yêu thương của Ngài và như thế tâm hồn chúng ta sẽ được bình an.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Ðừng Sợ

Biến cố Chúa đi trên mặt biển cũng được tường thuật nơi Phúc Âm thánh Maccô chương 6 và nơi Phúc Âm thánh Gioan chương 6, nhưng nơi Phúc Âm thánh Mátthêu thì có thêm chủ ý hành văn của tác giả và ý định trình bày một cái nhìn. Các nhà chú giải đồng ý có ba phương diện giúp dễ hiểu đoạn Phúc Âm này hơn:

- Bình diện thứ nhất là bình diện của biến cố khi được tường thuật.

- Bình diện thứ hai là bình diện thần học về việc Chúa mạc khải Thần Khí của Người.

- Bình diện thứ ba là ý nghĩa xã hội học của biến cố.

Trước hết, về bình diện tường thuật biến cố thì câu chuyện được kể đơn sơ, dễ hiểu: "Sau biến cố bánh hóa nhiều, Chúa Giêsu truyền cho các tông đồ xuống thuyền sang bờ bên kia. Còn Người thì ở lại giải tán dân chúng, rồi lên núi cầu nguyện. Ðến khuya, Chúa đi trên mặt biển đang bị động để đến với các tông đồ".

Nhưng nếu nhìn biến cố trong viễn tượng việc Chúa mạc khải chính mình thì biến cố mang một đặc điểm mới. Chúa Giêsu có quyền trên mọi biến cố thiên nhiên. Câu nói của Chúa: "Thầy đây, đừng sợ!" nhắc lại công thức Thiên Chúa mạc khải chính mình bằng lời quả quyết: "Ta là Ðấng Ta là".

Ý nghĩa xã hội học được trình bày qua hình ảnh con thuyền tượng trưng cho Giáo Hội Chúa. Thuyền gặp bão, Giáo Hội Chúa gặp thử thách. Nhưng Chúa Giêsu không để cho các tông đồ một mình chống lại với bão táp, không thể để cho Giáo Hội một mình gặp thử thách: "Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế". Chúa muốn cho các tông đồ luôn kiên trì trong đức tin, đừng lo sợ mê man. Chúa đến với các tông đồ, Chúa đến với Giáo Hội trong cơn thử thách. Chúng ta hãy để cho Chúa đến với chúng ta và hiện diện với chúng ta mãi mãi.

Lạy Chúa, Ðấng đã kêu gọi mọi người "Ðừng sợ".

Xin thương củng cố đức tin chúng con trong những lúc gặp gian nan thử thách.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 5: Tôi Tin

Thấy Người đi trên mặt biển các ông hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy!”, và sợ hãi la lên. Đức Giêsu liền bảo các ông: “Cứ yên tâm chính Thầy đây đừng sợ!” Ông Phê-rô liền thưa với Người: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.” Đức Giêsu bảo ông: “Cứ đến!” Ông Phê-rô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giêsu. Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và bắt đầu chìm, ông la lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với!” (Mt. 14, 26-30)

Phêrô

Mọi chú ý đổ dồn vào một nhân vật: Phêrô. Ông là tông đồ thứ nhất. Ông nói, làm nhân danh các bạn khác. Hơn nữa, ông là người thứ nhất trong các kẻ tin. Ông tỏ vẻ rất linh hoạt và diễn xuất niềm tin xuất sắc. Ông mạnh mẽ và hiên ngang tuyên bố những lời kêu gọi và lôi cuốn con người. Đó là khát vọng sâu xa hướng về mình, ở bên mình, ở với mình. Đó là bước đường dẫn tới hố sâu vì được người ta tin cậy và yêu mến. Thế rồi, khi lòng tin cậy yếu đuối, lập tức kéo theo sự mất sức căn bản và những nguy khốn tứ bề ập tới làm mình run sợ mất lòng trông cậy. Lúc đó mình là mồi ngon cho các thế lực đe dọa, nếu mình không tìm ngay đến bàn tay của Thầy đến cứu vớt. Có lòng trông cậy, có lòng tin, nhưng quá hèn mọn, quá yếu ớt thì đừng bo bo cậy mình. Chỉ có đức tin vô điều kiện mới mong dẫn dắt các bạn một cách chân chính mà thôi. Điều xảy ra với tông đồ thứ nhất là Phêrô, luôn là gương mẫu cho tất cả những kẻ tin tưởng.

Giáo Hội

Giáo hội toàn thể luôn luôn ở trước tôn nhan Đức Giêsu. Giáo hội đã được bảo đảm thắng vượt mọi gian nan thử thách, có đủ khả năng thoát khỏi mọi nguy biến. Giáo hội biết mình được bảo đảm không bao giờ bị đắm chìm tan biến theo chiều dài của lịch sử ở điều kiện nắm vững đức tin.

Một đức tin đơn sơ

Những câu cuối cùng của đoạn Tin mừng này nhắc nhở chúng ta bài học về Phêrô bước đi trên mặt biển: một bài học về đức tin đơn sơ, không giải thích. Một đức tin biểu lộ bằng cử chỉ, bằng chỉ cần động đến gấu áo Chúa, nhưng đã diễn tả mọi rung động của con tim. “Nếu anh không trở nên trẻ nhỏ…”. Nếu đức tin không như thế, chúng ta phức tạp hóa đức tin của chúng ta, đức tin sẽ mất sức mạnh, mất sức sống! Ước chi chúng ta hãy hết lòng nói với Chúa: “Lạy Chúa, con tin”.

JM

 

Suy Niệm 6: Hãy vững tin vào Chúa

Xem lại CN 19 TN A, CN 6 PS C,

lễ Cung Hiến Đền Thánh Phê-rô và Phao-lô, ngày 18 tháng 11.

Trong cuộc sống, nơi xã hội hôm nay luôn có những bất trắc. Nào là chuyện “cá lớn nuốt cá bé”; hay “ma mới bắt nạt ma cũ”; hoặc “chân lý thuộc về kẻ mạnh”. Một xã hội như thế, người ta lấy thước đo để đánh giá vấn đề, sự kiện... dựa vào tiền và quyền... Vì thế, không lạ gì khi vẫn còn đó tình trạng áp bức, bất công với người lương thiện và thấp cổ bé họng!

Đứng trước thực trạng ấy, chúng ta không thể không đặt ra câu hỏi: “Thiên Chúa ở đâu?”; “Ngài có thực sự hiện hữu không?”; “Nếu có, tại sao lại có chuyện con người thay Trời hành đạo như vậy?”.

Hôm nay, bài Tin Mừng tường thuật việc các môn đệ đang trên thuyền để đi sang bờ bên kia. Trong lúc các ông trèo thuyền ra xa, thì gió lớn nổi lên, khiến các ông lo sợ. Đúng lúc đó, Đức Giêsu hiện đến mà các ông không nhận ra Ngài. Vì thế, trong cơn hốt hoảng, các ông đã la lên: “Ma đấy”. Thấy vậy, Ngài đã trấn an các ông và nói: "Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!". Tuy nhiên, chưa tin và vẫn còn nghi ngờ, nên Phêrô đã thử liều một phen mang tính thách thức: "Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài".

Sự kiện Đức Giêsu đi trên mặt biển để đến với các môn đệ và việc cho Phêrô đi trên mặt nước với Ngài giúp cho chúng ta hiểu rằng: Chúa vẫn luôn còn đó trong cuộc đời. Mọi khó khăn thử thách, Ngài luôn có mặt, chỉ có điều chúng ta có một đức tin đủ mạnh để vượt qua mọi khó khăn và có đủ độ nhạy bén để nhận ra Ngài hay không mà thôi!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay dạy cho chúng ta bài học: nếu có niềm tin và tín thác vào Chúa trong sự khiên tốn thì sẽ được Chúa thương.

Mong sao trong mọi hoàn cảnh, chúng ta hãy nhớ đến câu nói của Đức Giêsu khi xưa: "Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!".

Lạy Chúa Giêsu, cuộc đời của chúng con nhiều khi hoang mang và sợ hãi chẳng kém các môn đệ của Chúa là bao! Nhưng như các môn đệ, các ngài đã tin vào Chúa và được Chúa cứu, thì xin cũng ban thêm đức tin cho chúng con, để chúng con cũng được Chúa thương như các môn đệ khi xưa. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 7: Tin-nhận Chúa và bước đi bình an

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Giữa biển đời sóng gió, Chúa Giêsu vẫn hiện diện bên ta dù ta không thấy. Sự hoài nghi làm ta sợ hãi và chìm xuống biển sâu. Còn lòng tin sẽ giúp ta nhận ra Chúa và bước đi trong bình an.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chẳng bao giờ Chúa bỏ các tông đồ một mình trong sóng gió. Chúa luôn có mặt chính lúc các ngài đang gặp thử thách. Chúa đến củng cố niềm tin các ngài: “Cứ yên tâm Thầy đây, đừng sợ”.

Lạy Chúa, hôm nay con nhớ đến Giáo Hội đang gặp những cơn sóng gió, những khủng hoảng, đang phải đương đầu với nhiều thế lực, những quyền bính, những phong trào: tất cả như những đợt sóng vùng lên đòi nhận chìm Chân Lý.

Con cũng nhớ đến những khủng hoảng của loài người trong xã hội hôm nay. Khủng hoảng của gia đình và của chính bản thân con. Chúng con đang bị vật nhào giữa biển đời đầy bất công, hận thù, đang quay cuồng trong dòng sông gian nan vất vả, và linh hồn con đang thoi thóp giữa cơn sóng gào tội lỗi.

Lạy Chúa, con vẫn tin tưởng Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng con. Xin Chúa đến nâng đỡ để chúng con đi trọn hành trình trần gian trong bình an của Chúa. Xin Chúa yên ủi và giúp chúng con vượt qua những đau khổ, nhất là những người không còn được xã hội quan tâm. Xin cho chúng con nhận ra Chúa vẫn ở bên chúng con và cho chúng con biết tin tưởng vào tình yêu Chúa luôn mãi. Niềm tin sẽ là sức mạnh và bình an luôn mãi cho con. Amen.

Ghi nhớ: “Xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy”.

 

Suy Niệm 8: Chúa đi trên mặt biển

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

Sau khi cho dân chúng ăn no, Chúa Giêsu bảo các môn đệ xuống thuyền để sang bờ bên kia. Còn Người thì lên núi cầu nguyện. Thuyền các ông ra giữa biển, bỗng gió lớn nổi lên... Lúc gần sáng, Chúa đi trên mặt nước đến với các môn đệ. Các ông thấy Người thì hoảng sợ tưởng là ma. Người bảo: “Thầy đây, đừng sợ!” Nhưng Phêrô cũng còn hoài nghi nên thưa: “Nếu thật là Thầy, xin cho con đi trên nước mà đến với Thầy”. Chúa bảo ông đi. Nhưng đi một đỗi, ông thấy sóng gió thì sợ nên bị chìm xuống. Ông hoảng hốt xin Chúa cứu giúp. Chúa liền giơ tay nắm lấy ông và trách sao ông kém lòng tin, nếu ông tin Chúa vững vàng thì ông khỏi bị chìm trong nước. Các môn đệ thấy vậy thì tin thật Người là Con Thiên Chúa.

Qua biến cố Chúa Giêsu đi trên mặt biển đến với các môn đệ trong cơn giông tố, chúng ta cần có một số suy nghĩ:

- Đối với Chúa: Việc này không có gì khó khăn, và đối với chúng ta, cũng chẳng có gì là khó hiểu, vì Chúa Giêsu là Thiên Chúa, là Đấng tạo dựng vũ trụ, chính Ngài cầm quyền trên mọi định luật vật lý, nên việc Chúa đi trên sóng nước không có gì phản khoa học hay vô lý, nhưng lại minh chứng uy quyền Thiên Chúa của Ngài. Các môn đệ hôm ấy nhận thấy tỏ tường: Chúa có quyền trên sóng biển, đi trên sóng nước, truyền cho chúng yên lặng, vì thế, lòng tin của các môn đệ càng gia tăng.

- Đối với chúng ta: Lòng tin của chúng ta còn quá yếu kém, nên chúng ta cần phải cầu xin Chúa rất nhiều. Đứng trước cuộc đời đầy đau khổ, chúng ta chẳng khác nào con thuyền bập bềnh trên mặt biển đầy sóng gió. Chúa vẫn có ở đó và chờ đợi để đưa cánh tay đỡ lấy chúng ta. Đứng trước khổ đau của đồng loại, chúng ta lại được Chúa sử dụng như những chiếc phao ,để cho bao nhiêu người khác được cứu thoát.

- Đối với Giáo hội: Giáo hội được tượng trưng như con thuyền. Thuyền gặp bão, Giáo hội Chúa gặp thử thách, nhưng Chúa Giêsu không để cho các Tông đồ một mình chống lại với bão táp, không thể để cho Giáo hội một mình gặp thử thách: “Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Chúa muốn cho các Tông đồ luôn kiên trì trong đức tin, đừng lo sợ mê man. Chúa đến với các Tông đồ, Chúa đến với Giáo hội trong cơn thử thách. Chúng ta hãy để cho Chúa đến với chúng ta và hiện diện với chúng ta mãi mãi.

Chúng ta hãy coi Chúa Giêsu giáo dục đức tin cho Phêrô và các Tông đồ: ban đầu Ngài để cho các Tông đồ bị bão biển doạ (cũng như để Phêrô bị chìm xuống). Khi các ông sợ, các ông nghĩ tới Chúa. Cuối cùng Ngài ra tay cứu giúp. Kết quả là các ông tin vào Ngài: “Thật, Ngài là Con Thiên Chúa”.

Thánh Phêrô Đamianô viết: ”Giữa cuộc đời sóng gió, Chúa Giêsu vẫn ở bên ta, dù ta không thấy. Sự hoài nghi làm ta sợ hãi và chìm xuống biển sâu; còn lòng tin sẽ giúp ta nhận ra Chúa và bước đi trong bình an”.

Việc Chúa Giêsu đi trên mặt biển đến với các môn đệ và Người cho Phêrô đi trên mặt nước giúp chúng ta hiểu rằng: Chúa vẫn luôn hiện diện trong cuộc sống. Trong mọi khó khăn thử thách, Người luôn ở bên ta, chỉ có điều là chúng ta có đức tin đủ mạnh và lòng yêu mến đủ lớn, để có thể mau mắn nhận ra và kêu xin Người cứu giúp hay không mà thôi.

Trong cuộc sống, nơi xã hội hôm nay luôn có những bất trắc. Nào là chuyện “cá lớn nuốt cá bé’, hay “ma cũ bắt nạt ma mới” hoặc “chân lý thuộc về kẻ mạnh”. Một xã hội như thế, người ta lấy thước đo để đánh giá vấn đề, sự kiện... dựa vào quyền và tiền... Vì thế, không lạ gì vẫn còn đó tình trạng áp bức, bất công với người lương thiện và thấp cổ bé miệng!

Đứng trước tình trạng ấy, chúng ta không thể không đặt câu hỏi: “Thiên Chúa ở đâu ?”, “Ngài có thực sự hiện hữu không ?”; “Nếu có, tại sao lại có chuyện con người thay Trời hành đạo như vậy”.

Sự kiện Đức Giêsu đi trên mặt biển để đến với các môn đệ và việc cho ông Phêrô đi trên mặt nước đến với Ngài giúp chúng ta hiểu rằng: Chúa vẫn luôn còn đó trong cuộc đời. Mọi khó khăn thử thách, Ngài luôn có mặt, chỉ có điều chúng ta có một đức tin đủ mạnh để vượt qua mọi mọi khó khăn và có đủ độ nhạy bén để nhận ra Ngài hay không mà thôi!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta bài học: nếu có niềm tin vào Chúa trong sự khiêm tốn thì sẽ được Chúa thương (Ngọc Biển).

Truyện: Hãy bám chặt vào Ta

Có người kể: Tối qua, tôi mơ thấy mình đang cầu nguyện, bỗng một luồng sáng xuất hiện; và Chúa Giêsu hiện ra mỉm cười và nói: “Con hãy ngồi trên tấm thảm này với Ta”.

Lòng tràn đầy vui sướng, tôi làm theo ý Ngài. Tấm thảm từ từ bay bổng lên không trung đưa theo Chúa Giêsu và tôi ngồi trên đó. Tôi mỉm cười, lòng đầy vui sướng và tự nhủ: thật không còn gì hạnh phúc cho bằng được ở gần bên Chúa.

Một lúc sau, tôi quay nhìn Chúa Giêsu để tỏ bày niềm vui: nhưng tim tôi bắt đầu đập mạnh vì Ngài không còn bận tâm gì đến tôi nữa, bởi lẽ Ngài đang chăm chủ rút từng sợi chỉ của tấm thảm thả cho nó bay lơ lửng ở trên không trung. Hết sợ chỉ này đến sợi chỉ khác từ từ bay lên theo gió. Chân tay tôi bắt đầu run lên vì hoảng sợ, thế mà Chúa Giêsu vẫn thản nhiên tiếp tục rút từng sợi chỉ. Sau cùng tôi kêu lên: “Lạy Chúa, Chúa làm gì thế ? Chúa không thấy là chẳng còn mấy chốc nữa tấm thảm sẽ tan tành hay sao ?”

Chúa Giêsu mỉm cười nắm tay tôi và nói: Sao con nhát đảm và kém tin thế ? Hãy bám chặt vào Ta, con sẽ không sợ gì, dù có bị tước đoạt mọi sự, cả đến sợi chỉ cuối cùng đi nữa”.

Chúa Giêsu vừa dứt lời, thì quả thực sợi chỉ cuối cùng của tấm thảm cũng bị rút đi luôn và tôi giật mình thức giấc.

 

Suy Niệm 9: Chúa Giêsu đi trên mặt nước

(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Phân tích

Chuyện xảy ra sau phép lạ hóa bánh ra nhiều:

1. Chúa Giêsu “bắt buộc” các môn đệ phải xuống thuyền ngay, để sang bờ bên kia trước, còn Ngài thì ở lại cho dân chúng ra về. Một sự khẩn trương, vội vã, có vẻ như đang đứng trước một nguy hiểm. Tại sao? vì sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng đã quá hăng hái, một sự hăng hái trần tục vì thấy mình được hưởng thụ vật chất. Sự hăng hái này không hợp với sứ mạng Messia của Chúa Giêsu. Ngài không muốn cho sự hăng hái lệch lạc này tác động lên các môn đệ, và vội vã bảo các ông sang ngay nơi khác.

2. Chúa Giêsu đi trên mặt nước: Cựu ước nhiều lần nói về việc đi trên mặt nước ( G 9, 8- 38, 16; Tv 77, 20; Kb 3, 15; Si 24, 5) nhưng đều gán vào cho Thiên Chúa. Vậy với chi tiết Chúa Giêsu đi trên mặt nước, Mátthêu ngụ ý so sánh Chúa Giêsu với Thiên Chúa.

3. Phêrô đi trên mặt nước: So sánh với 2V 2, 1-55: Ngôn sứ Êlia dùng áo choàng đập xuống nước, nước rã làm hai cho ông đi qua. Về sau Êlisê dùng tấm áo choàng của Thầy Êlia của mình mà đập xuống nước, nước cũng rẽ làm hai cho Êlisê đi qua. Nghĩa là Êlisê đã nhận được thần lực của Thầy mình, nhưng có điểm khác biệt là: Êlisê nhận thần lực qua một vật dụng là tấm áo, còn Phêrô nhận thần lực của Thầy chỉ nhờ đức tin. Một trong những tư tưởng thần học của Mátthêu là người môn đệ được Thầy ban cho cùng quyền lực như Thầy. Hãy xem 9, 6 - 9, 8 - 10, 1 - 16, 19 - 18, 18. Nhưng điều đáng lưu ý là các môn đệ nhận được quyền lực của Thầy nhờ đức tin.

4. Phêrô sợ, nên bị chìm. Ông xin Chúa Giêsu cứu thì được Ngài cần tay nâng lên. Qua việc này Chúa Giêsu muốn huấn luyện cho các môn đệ (mà Phêrô là đại diện) để giúp họ tiến bước dần trên cuộc hành trình đến đức tin.

Suy gẫm

1. Tin Mừng Gioan cho biết thêm là sau khi hóa bánh ra nhiều, dân chúng muốn tôn Chúa Giêsu lên làm vua. Chúa Giêsu không muốn các môn đệ mình lây nhiễm các quan niệm về Đấng Messia lệch lạc ấy nên buộc họ vội vàng rời khỏi nơi đó. Chúa Kitô không muốn người ta coi Chúa như một Đấng chỉ ban cơm bánh. Chúa không muốn người ta đến với Ngài chỉ để xin những ơn vật chất.

2. Chúng ta hãy coi cách Chúa Giêsu giáo dục đức tin cho Thánh Phệrô và các tông đồ: Ban đầu Ngài để cho các tông đồ bị bão biển đe dọa (cũng như Phêrô bị chìm xuống). Khi các ông sơ, các ông nghĩ tới Chúa. Cuối cùng Ngài ra tay cứu giúp, kết quả là các ông tin vào Ngài “Thật, Thầy là con Thiên Chúa”.

Nhiều khi xem ra Chúa bỏ mặc chúng ta trong những hoàn cảng khó khăn. Nhưng đó chính là cách Chúa giáo dục đức tin cho chúng ta. Do đó đừng hoảng sợ, cũng đừng nản lòng. Hãy kêu lên Chúa như Phêrô xưa: “Lạy Thầy, xin cứu con”.

3. Có một bà nổi tiếng là đạo đức, nhân hậu và luôn bình tâm trước mọi thử thách. Một bà khác ở cách xa ít dặm, nghe nói thì tìm đến, hy vọng học được bí quyết để sống bình tâm và hạnh phúc. Bà hỏi: “Thưa bà, có phải bà có một đức tin lớn lao?” “Ồ không, tôi không phải là người có một đức tin lớn lao, mà chỉ là người có một đức tin nhỏ bé đặt vào một Thiên Chúa lớn lao.”

4.”Sau khi giải tán đám đông, Người lên núi và cầu nguyện chiều đến Ngài vẫn ở đó một mình”. (Mt14, 23).

Con thường thấy mình không có giờ cầu nguyện, không có giờ đi vào sa mạc để ở bên Chúa và trò chuyện với Chúa. Nhưng thật ra sa mạc ở sát bên con, chỉ cần một chút cố gắng của Tình yêu là con có thể tạo ra sa mạc. Mỗi ngày con có biết bao nhiêu giây phút có thể gặp Chúa mà con đã bỏ mất. Khi chờ một người bạn, chờ đèn xanh ở ngã tư, chờ điện thoại trả lời, chờ món hàng đang được gói. Khi lên cầu thang, khi đến nơi làm việc, khi bị kẹt xe, khi cúp điện bất ngờ, thay vì bực bội nóng ruột con lại cảm thấy mình sống an bình trong sự hiện diện của Chúa. Lạy Chúa, những sa mạc ngắn ngủi hằng ngày giúp con tỉnh thức để nhạy cảm với Chúa. Xin cho con yêu mến Chúa hơn, để tìm ra những sa mạc mới và vui vẻ bước vào.

5. Chúa liền đưa tay nắm lấy ông và nói: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi” (Mt14, 31).

Trong cuộc sống Kitô hữu, Đức tin là điều quan trọng. Chúng ta vẫn tin có Chúa, vẫn đi lễ, vẫn rước lễ hằng ngày, làm việc thệc thiện, việc bác ái giúp đỡ người khác; nhưng đôi lúc, chúng ta đã làm những việc đó như một người máy hay theo một thói quen.

Do đó, thật là tồi tệ khi ta gặp phải rủi ro hay thất bại nào…Vì ta đã đối phó bằng cách để Chúa qua một bên, bỏ hết mọi việc từng làm. Dần đần ta không còn giữ được đức tin và lúc này tâm trạng của ta rất giống tâm trạng của Thánh Phêrô khi được Chúa cho đi trên mặt biển. Mỗi người chúng ta thử nhìn xem mình sống đạo ra sao, mình đã thực sự có đức tin chưa? Hay chúng ta tin vì thấy bạn bè mình tin, không tin không được. Hay ta chỉ tin vì được sinh ra trong một gia đình Công giáo.v.v..

 

Suy Niệm 10: Chúa Giêsu huấn luyện đức tin cho các môn đệ

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Phép lạ bánh hóa nhiều hôm qua và đặc biệt phép lạ Chúa đi trên mặt nước hôm nay phải được nhìn như là cách Chúa Giêsu huấn luyện đức tin cho các môn đệ. Thật vậy, họ vừa sững sờ vì phép lạ bánh hóa nhiều, bởi vì chỉ với năm chiếc bánh và hai con cá, thế mà Chúa đã làm cho hơn năm ngàn người ăn mà còn dư 12 thúng đầy bánh vụn. Phép lạ này làm cho tâm trí họ nhớ lại phép lạ Manna trong sa mạc xưa. Nay đến phép lạ Chúa đi trên mặt nước, họ lại thấy quyền năng Chúa trên vạn vật, và có lẽ họ cũng nhớ lại quyền năng tạo dựng của Thiên Chúa vì thế họ mới tuyên xưng: “Quả thật, Ngài là Con Thiên Chúa.” (Mt 14,33).

Ông Phêrô bước xuống đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giêsu. Nhưng khi thấy gió nổi lên thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm xuống, ông la lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với.” (Mt 14,30)

Câu chuyện này cho thấy, Chúa thông ban quyền thắng sự dữ cho Phêrô. Nhưng điều này còn tùy thuộc vào lòng tin của ông. Bao lâu còn tập trung tâm trí vào Chúa Giêsu, thì ông khống chế được bão tố của biển khơi là sự dữ, nhưng khi tâm trí rời xa Chúa, ông liền bị chìm ngay.

Bao lâu người Kitô hữu còn tập trung tâm trí vào Chúa Giêsu thì chẳng có gì phải sợ, nhưng một khi đã quay lưng lại với Chúa thì mọi sự sẽ trở nên tồi tệ ngay lập tức.

Có người kể lại giấc mơ của mình như sau: Tối hôm qua, tôi mơ thấy mình đang cầu nguyện, bỗng chốc một luồng ánh sáng xuất hiện; trong ánh sáng huy hoàng đó, tôi nhận ra Chúa Giêsu đang đứng trước mặt tôi, Ngài mỉm cười nhìn tôi và nói:

- Con hãy đến ngồi trên tấm thảm này với Ta.

Lòng tràn đầy vui sướng, tôi tiến lại gần bên Chúa và ngồi xuống trên tấm thảm bên cạnh Ngài. Tấm thảm từ từ bay bổng lên không trung đưa theo Chúa Giêsu và tôi ngồi trên đó. Tôi mỉm cười, lòng đầy vui sướng và tự nhủ: thật không còn gì hạnh phúc cho bằng được ở gần bên Chúa.

Một lúc sau, tôi quay nhìn Chúa Giêsu để bày tỏ niềm vui của tôi; thế nhưng tim tôi thắt lại và bắt đầu đập mạnh, vì tôi có cảm tưởng như Chúa không còn bận tâm gì đến tôi nữa, bởi lẽ Ngài đang chăm chú rút từng sợi chỉ của tấm thảm thả cho nó bay lơ lửng ở trên không trung theo chiều gió. Thế là chẳng mấy chốc tấm thảm chỉ còn lại phân nửa. Hết sợi chỉ này đến sợi chỉ khác từ từ bay. Chân tay tôi bắt đầu run lên vì hoảng sợ, thế nhưng Chúa Giêsu vẫn thản nhiên tiếp tục rút từng sợi chỉ như chẳng có gì xảy ra. Sau cùng tôi kêu lên:

- Lạy Chúa, Chúa đang làm gì thế? Chúa không thấy là chẳng còn mấy chốc nữa tấm thảm của chúng ta sẽ tan tành hay sao?

Chúa Giêsu mỉm cười nắm lấy tay tôi và nói:

- Sao con lại nhát đảm và kém lòng tin như thế? Con hãy bám chặt vào Ta, con sẽ không phải sợ gì nữa, mặc dù con sẽ bị tước đoạt hết mọi sự, cả đến sợi chỉ cuối cùng.

Chúa Giêsu vừa dứt lời, thì quả thực sợi chỉ cuối cùng của tấm thảm cũng bị rút đi và tôi giật mình thức giấc.

2. Vâng, có Chúa thì không có gì phải sợ nhưng làm sao để lúc nào chúng ta cũng có thể cảm nhận được Chúa luôn ở với chúng ta?

Nhà hiền triết Uddalaka muốn dạy cho đứa con của ông là Svetalefu biết cách nhận ra Đấng Duy Nhất qua muôn vàn dáng vẻ của các sự vật. Ông thường dùng những dụ ngôn để dạy con. Một lần kia ông nói với con ông: “Hãy bỏ nắm muối này vào dĩa nước cha đặt ở đây và sáng ngày mai hãy trở lại gặp cha!”

Người con làm đúng theo lời cha anh dạy. Hôm sau, cha anh bảo:

- Con hãy lấy cho ta nắm muối hôm qua con bỏ vào trong nước.

- Thưa cha, con không thể làm được vì muối đã tan trong nước hết rồi. Người con nói.

- Vậy con hãy nếm dĩa nước đó bắt đầu từ mép bên phải qua mép bên kia xem con thấy mùi vị gì?

- Muối.

- Bây giờ, con hãy nếm phía mép kia của cái dĩa xem con thấy mùi vị gì?

Uddalaka nói.

- Muối.

- Hãy phơi cái dĩa ra ngoài nắng đi. Người cha nói.

Người con làm y như thế và nhận thấy rằng, sau khi nước bốc hơi, muối lại xuất hiện. Lúc đó Uddalaka bèn nói:

- Con ạ, con không thể nào nhận ra Thiên Chúa ở đây, nhưng thật ra Người luôn có đó.

Thiên Chúa không hiện diện như một ảo ảnh hay một bóng ma. Ngài luôn sẵn sàng đưa cánh tay ra để nâng đỡ mỗi khi con người nao núng vấp ngã. Thánh Phêrô đã thực sự cảm nghiệm được bàn tay cứu độ của Chúa, khi ngài sắp chìm xuống vực sâu. Chính vì thế mà Chúa muốn chúng ta phải luôn tin tưởng vào Chúa.

Lạy Chúa, thật sự con là kẻ yếu lòng tin. Xin Ngài hãy đến với con, giúp cho con biết bám chặt vào Chúa mỗi khi con gặp thử thách. (Hosanna).

 

Bài cùng chuyên mục:

+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,962)

CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.

Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,092)

Thứ Bảy tuần 33 thường niên.

Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,686)

Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,397)

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.

Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,803)

Thứ Tư tuần 33 thường niên.

Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,798)

Thứ Ba tuần 33 thường niên.

Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,897)

Thứ Hai tuần 33 thường niên.

+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,141)

CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.

Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,570)

Thứ Bảy tuần 32 thường niên.

Thứ Sáu 15/11/2024 – Thứ Sáu tuần 32 thường niên. – Sống trong ngày của Chúa. (14/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,963)

Thứ Sáu tuần 32 thường niên.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7