Bạn trẻ - Giáo dục - Ơn gọi

Thánh ý Chúa là sự bình an của con

  • In trang này
  • Lượt xem: 2,351
  • Ngày đăng: 04/07/2022 10:53:18

THÁNH Ý CHÚA LÀ SỰ BÌNH AN CỦA CON

 

WHĐ (04.7.2022) - Con người chỉ hạnh phúc thực sự khi chu toàn và bước đi trong đường lối mà Thiên Chúa đã vạch ra cho họ.

 

 

Các bạn trẻ thân mến,

Hôm nay cha muốn chia sẻ với tất cả các bạn về một kinh nghiệm cá nhân đã xảy ra hai lần đối với cha vào hai thời điểm quan trọng, hầu minh chứng với các bạn trẻ một điều mà cha hằng luôn xác tín, đó chính là, Chúa luôn hiện diện bên các con.

Học viện Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn.

Thứ Hai, ngày 28 tháng 9 năm 1998.

 

Này con xin đến để thực thi thánh ý Chúa” (Dt 10:7).

Lời này đã được Chúa gởi đến cho cha trong thời gian cha đang phục vụ tại Học viện Dòng Chúa Cứu Thế, với tư cách là giáo sư bộ môn thần học luân lý. Trong khoảng thời gian gần một năm giảng dạy tại đây, cha đã gặp phải một số khó khăn ngoài ý muốn, do ngoại cảnh đưa tới…, đến độ, cha muốn rời bỏ nhiệm sở nơi cha đã được gởi đến để phục vụ, cha muốn trở về lại nước Úc để hít thở bầu khí trong lành và được tự do đi lại…!

 

Và dưới đây là những gì mà cha đã ghi lại trong sổ tay nội tâm của mình, cha xem đó như là lời nhắn nhủ của Chúa dành cho cha, vào thời điểm đặc biệt này. Giờ đây cha mạn phép chia sẻ với quý bạn trẻ và độc giả.

 

Con người chỉ hạnh phúc thực sự khi chu toàn và bước đi trong đường lối mà Thiên Chúa đã vạch ra cho họ. Điều tối quan trọng trong cuộc sống của chúng ta là làm sao khám phá ra thánh ý của Chúa và những gì mà Ngài muốn chúng ta thực hiện trong cuộc đời.

Đôi lúc thánh ý của Chúa có thể đi nghịch lại với những gì mà chúng ta đã dự tính hay phác họa ra cho chính mình. Thánh ý của Chúa cũng có thể mời gọi chúng ta chấp nhận một thực tại mà chúng ta cảm thấy đầy khó khăn, khó có thể vượt qua nổi. Nhưng nếu Thiên Chúa đã mời gọi chúng ta dấn thân và phục vụ Ngài trong một hoàn cảnh như vậy, thì ắt nhiên là Ngài phải có một kế hoạch phòng bị. Điều quan trọng là liệu chúng ta có can đảm và có dám tín thác nơi Chúa hay không?

 

Một khi chúng ta tuân theo và bước đi trong đường lối của Chúa, hay nói một cách khác, là chúng ta sống thánh ý Chúa trong cuộc đời, thì chúng ta sẽ cảm thấy thư thái và bình an, cho dù hoàn cảnh bên ngoài xem ra có vẻ hơi bất lợi cho chúng ta.

 

Điều quan trọng không phải là cái nơi chốn mà ta đang sống, nhưng hệ tại ở chỗ: đâu là nơi mà Chúa muốn tôi ở. Bởi lẽ đó Thánh Phanxicô đệ Salê đã nói rất chí lý: ‘Chúa trồng con ở đâu, con nở hoa ở đó.’

 

Lạy Chúa, xin cho con biết bước đi trong đường lối của Chúa và xin Ngài tiếp tục hướng dẫn con. Xin cho thánh ý Chúa được thực hiện nơi con.”

 

Sau này khi cha được gởi sang du học ở Rôma (nước Ý) cho học vị tiến sĩ về bộ môn Thần học Luân lý tại Học viện Thánh Anphongsô (Alphonsian Academy) do các cha giáo sư của nhà Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) đảm trách. Tại đây một lần nữa, cha đã được Chúa mặc khải cho cha về tầm quan trọng và ích lợi của đời sống thiêng liêng khi cha biết sống và tuân theo thánh ý của Chúa, nhất là biết tín thác cuộc đời của mình cho Chúa và để cho Ngài an bài.

 

Sự kiện này đã xảy ra đối với cha vào một buổi sáng thứ Sáu của năm 2001, khi ấy cha đang nghiên cứu và bắt đầu viết luận án tiến sĩ của mình về đề tài An tử và Trợ tử. Trong thời gian viết luận án, thông thường cha hay thức khuya để làm việc, đôi khi đến 2 hoặc 3 giờ sáng, cha mới đi ngủ, vì thế, cha thỉnh thoảng dậy hơi trễ và không thể tham dự giờ kinh sáng cùng với các anh em linh mục sinh viên trong cộng đoàn, nơi cha đang theo học. Những lần như vậy, cha vào nhà nguyện của cộng đoàn và tự đọc kinh sáng một mình. Đây là ngôi nhà nguyện mang tên Thánh Anphongsô, vị sáng lập nhà Dòng Chúa Cứu Thế vào thế kỷ thứ 17 và đồng thời cũng là tiến sĩ của Hội Thánh Công Giáo, và cũng là Đấng bảo trợ của các thần học gia luân lý, vì ngài chính là một nhà thần học gia luân lý lỗi lạc và đã có công lớn trong việc canh tân nền thần học luân lý từ sau thế kỷ thứ 17 cho đến tiền Công Đồng Vaticanô I. Ngôi nhà nguyện này khá cổ kính và trang trí rất độc đáo và mỹ thuật, giúp cho chúng ta dễ nâng tâm hồn mình lên với Chúa trong lúc cầu nguyện.

 

Sáng thứ Sáu hôm ấy, cha vô nhà nguyện và đọc kinh sáng một mình, khi đến phần LỜI CẦU, gồm các lời nguyện cho kinh sáng hôm đó, cha đọc chậm rãi câu thưa bằng tiếng Ý: “Nella tua volonta, è la nostra pace, o Signore” tiếng Việt có nghĩa: “Lạy Chúa bình an của chúng con ở trong thánh ý Chúa” câu đáp này nằm ở phần “Lời Cầu” của giờ Kinh Sáng Thứ Sáu, Tuần II[1].

 

Không hiểu vì lý do gì mà khi đọc xong câu thưa đó, nó tự nhiên nhập tâm và in đậm trong trí óc của cha, như thể cha đã học thuộc lòng câu đáp ấy từ lâu lắm rồi. Cha rất đỗi ngạc nhiên…, và cha thinh lặng cầu nguyện để xin Chúa soi sáng và hướng dẫn cha, hầu cha có thể hiểu được điều mà Ngài muốn mặc khải cho cha trong giây phút đó. Khoảng một lúc sau đó, cha đã nhận ra được thánh ý của Chúa và điều mà Ngài muốn nhắc nhở cũng như nhắn nhủ cha, đó chính là: bao lâu mà cha sống và vâng theo thánh ý của Chúa, thì chính cha sẽ cảm nhận được sự bình an nội tâm. Đây chính là món quà vô giá cho những ai dấn thân bước theo Chúa và muốn trở thành người môn đệ đích thực của Ngài. Như Chúa Giêsu đã từng tuyên bố: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian.” (Ga 14, 27). Nghĩa là sự bình an này chỉ đến từ Chúa Giêsu và Ngài là Đấng duy nhất có thể ban sự bình an đó cho chúng ta, và ngược lại, thế gian không thể ban tặng.

 

Cha vui mừng và sung sướng khi khám phá ra điều này, và cha tạ ơn Chúa vì Ngài đã mặc khải cho cha trong giờ kinh cầu nguyện sáng thứ Sáu hôm ấy. Quả thật là nhiệm mầu sự tỏ bày của Chúa dành cho cha, vì có lẽ Chúa biết, cha thực sự rất cần món quà bình an của Ngài. Đối với cha, có lẽ sự bình an nội tại là một trong những điều quan trọng nhất trong cuộc sống. Vì nếu chúng ta có bình an thực sự trong tâm hồn, chúng ta sẽ có được sự thư thái, niềm vui và hạnh phúc, cho dù ngoài kia… có biết bao sóng gió đang nổi lên và bủa vây xung quanh chúng ta, như thể muốn lôi cuốn và nhận chìm chúng ta vào cõi hư vô.

 

Rồi sáng Chúa nhật ngày 3 tháng 7 năm 2022, cha có dịp đọc lại cuốn sổ nội tâm (the soul’s journal) của chính mình mà cha đã ghi chép trong thời gian cha du học tại Rôma (Từ giữa tháng 10 năm 1999 cho đến đầu tháng 4 năm 2023), và cha vô cùng ngạc nhiên khi chính mắt của cha lại nhìn thấy những gì mà cha đã viết cách đây khoảng 20 năm về trước (2002). Trong đó có đoạn cha đã ghi như sau:

Trong những ngày vừa qua, mình cảm thấy bình an trong tâm hồn một cách đặc biệt, nhất là những tâm tình của đời sống phó thác trọn vẹn nơi Thiên Chúa thường xuyên đến với mình và mình đã cầu nguyện và phó dâng mọi chuyện cho sự an bài nhiệm mầu của Thiên Chúa. Sau khi làm công việc này, mình cảm thấy rất bình thản trong lòng và một niềm vui tự trong tâm hồn dấy lên, mình thiết nghĩ: ‘Nếu cuộc đời của mình luôn sống được điều này, nghĩa là luôn luôn xác tín cách tuyệt đối nơi sự quan phòng của Thiên Chúa thì hạnh phúc biết bao.’ Cái khó ở chỗ là vì mình còn kém lòng tin nơi Chúa. Mình vẫn chưa phó thác cách trọn vẹn và tuân theo thánh ý Chúa. Có lẽ mình vẫn còn sợ hãi, vì lo lắng những gì sẽ xảy đến trong tương lai, vì có thể những điều đó nó đi nghịch lại với ý muốn của mình hoặc đôi khi mình còn bám vào ý nghĩ riêng của chính bản thân. Cho nên, lại một lần nữa, mình xin Chúa ban cho mình thêm niềm tin và lòng cậy trông nơi Chúa. Xin Chúa cho mình biết sống ‘tâm tình phó thác’, đặc biệt là phó dâng cho Chúa tất cả những gì trong tương lai của mình. Mọi sự mình chỉ biết xin vâng theo thánh ý Chúa, như Thánh Giêrôriô Nazianzenô đã nói: ‘Thánh ý Chúa là sự bình an của con.’[2]

 

Hôm nay, cha chia sẻ điều này với các bạn trẻ và với quý độc giả để minh chứng một điều mà cha đã từng xác tín từ lâu, đó chính là: “Thánh ý Chúa là sự bình an của con.”[3]

 

Cầu chúc cho các bạn trẻ Công Giáo và mọi tín hữu luôn biết tuân theo thánh ý Chúa trong cuộc đời của chính mình, để tất cả chúng ta sẽ cảm nhận được niềm vui đích thực trong tâm hồn và tận hưởng sự hạnh phúc viên mãn ngay tại đời này lẫn ngày sau trên thiên quốc.

Lm. Trần Mạnh Hùng

 


[1] . Xem Kinh Phụng Vụ, Kinh Sáng Thứ Sáu, Tuần II, trong phần “Lời Cầu”. Đáp: “Lạy Chúa bình an của chúng con ở trong thánh ý Chúa.”

[2] . San Gregorio Nazianzeno, “La tua volontà, o Signore, è la mia pace.” Trích trong cuốn Sách, “Il Giornale dell’Anima” của ĐTC Gioan XXIII, trang 18. Do Loris F. Capovilla (Biên soạn), Il Giornale dell’Anima e altri scritti di pietà (Milano: San Paolo, 1989).

[3] . Thực sự cha cũng không ngờ là niềm xác tín của chính bản thân cha cũng đã được Thánh Giêrôriô Nazianzenô tuyên xưng “la tua volontà, o Signore, è la mia pace,” và ĐTC Gioan XXIII đã trích dẫn lại trong cuốn sổ nội tâm của ngài, Il Giornale dell’Anima” của ĐTC Gioan XXIII, trang 18.

 

Bài cùng chuyên mục:

Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh (20/11/2024 07:32:12 - Xem: 103)

Ngoài việc cầu nguyện, các vị thánh sẽ đưa ra ba lời khuyên nào cho những người đang tìm kiếm người phối ngẫu tương lai?

Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 145 - Thử tìm hướng đi (18/11/2024 07:48:28 - Xem: 110)

Người trẻ làm gì để không bị cuốn đi với những "tư tưởng" rất đời kia? Nếu có nhu cầu thì sao kiểm soát khi chưa lập gia đình? Tụi con làm gì để bỏ tật thủ dâm?

Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 144 - Chia trí thánh thiện (13/11/2024 10:51:58 - Xem: 163)

Cha ơi có cách nào để mình không bị phạm tội về tư tưởng không ạ. Đặc biệt lúc mình đọc kinh đi lễ cầu nguyện thì lúc đó mình suy nghĩ rất nhiều không chú tâm lắm đến việc nhà chúa.

Sinh nhật nào quan trọng nhất? (11/11/2024 19:25:35 - Xem: 305)

Nói qua nói lại, cái cần nhất Nhỏ nói sau cùng nè. Sinh nhật, ngày hiện diện trên đời cũng quan trọng như sinh nhật trên Nước Trời...

Tình yêu trưởng thành hay chỉ yêu cho có lệ? (05/11/2024 07:31:46 - Xem: 233)

Quyển sách chúng ta cần cho tình yêu là quyển sách của các cặp vợ chồng đã qua nghi thức nhưng còn giữ sự cam kết qua bao thăng trầm của năm tháng viết.

Các Thánh – Họ là ai? (31/10/2024 05:53:13 - Xem: 406)

Các vị thánh đã thật sự gạt bỏ được mọi dính bén hồng trần, nên chẳng quan tâm đến chuyện mình được tôn vinh hay không. Chẳng một vị thánh đích thực nào lại đi tìm kiếm sự thừa nhận từ người khác.

Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 143 - Chiếc cầu nối các thế hệ (26/10/2024 05:48:30 - Xem: 201)

Làm sao để tiếng nói của người trẻ được quan tâm và được tạo điều kiện học hỏi và phát triển trong môi trường đức tin ạ?

Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 140 - Truyền thông sự sống (15/10/2024 14:48:14 - Xem: 271)

Hỏi: Người trẻ trong xã hội “bất khả phân ly” với những phương tiện truyền thông hiện nay phải chuẩn bị thái độ nào để có thể “hòa nhập” mà không “hòa tan” trước “văn hóa sự chết” đang đối diện?

Mười bài học thiêng liêng từ thánh nữ Têrêsa Avila (15/10/2024 05:26:17 - Xem: 340)

Trong bài viết ngắn này, chúng tôi muốn tri ân thánh Têrêsa Avila và nêu bật mười đóng góp vĩ đại của thánh nữ cho Giáo hội Công giáo và cho mỗi người chúng ta,

Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 141 - Tại sao người Công giáo tôn kính Đức Mẹ? (13/10/2024 07:53:02 - Xem: 226)

Có lần con trò chuyện với một bạn Tin Lành. Bạn ấy không tin Đức Mẹ Đồng Trinh. Con không biết phải giải thích cho bạn ấy làm sao?

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7