Tâm linh - Tu đức

Tại sao phải hy vọng và tha thứ?

  • In trang này
  • Lượt xem: 3,037
  • Ngày đăng: 25/07/2022 07:56:14

TẠI SAO PHẢI HY VỌNG VÀ THA THỨ?

 

Lm. Timothy Radcliffe OP

WHĐ (24.7.2022) - Hồi tháng 5. 2022, cha Timothy Radcliffe OP, nguyên Bề trên tổng quyền Dòng Đa Minh, đã có bài nói chuyện dành cho những bạn trẻ nam nữ tìm hiểu ơn gọi đời sống tu trì với chủ đề: các giai đoạn xung đột, tổn thương và đau khổ. Sau đây là phần thứ hai của bài nói chuyện trên. Trong phần này, cha Timothy Radcliffe OP mời chúng ta hãy trút bỏ gánh nặng của quá khứ và hân hoan trong sự tha thứ.

 

 

Sống trọn vẹn là có thể hy vọng và tha thứ. Bí tích Thánh Thể là một biểu hiện mạnh mẽ của niềm hy vọng trước những thách đố của một thế giới dường như đang bị hủy hoại. Nhưng để sống trọn vẹn với niềm hy vọng, trong thời điểm đầy rẫy sự diệt vong hiện nay, chúng ta cũng cần phải tha thứ. Chúng ta bắt đầu cử hành Bí tích Thánh Thể bằng việc nhớ lại tội lỗi của mình và nài xin sự tha thứ. Đây thật là một cách thức kỳ lạ để bắt đầu việc cử hành! Chén được chúc tụng trong Bữa Tiệc Ly là “Máu giao ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội”. Đến gần cao trào, chúng ta chiêm ngắm Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian. Do Thái giáo và Hồi giáo đều tin vào một vị Thiên Chúa nhân từ, nhưng chỉ có Kitô giáo đề cao sự tha thứ tận đáy lòng.

 

Nhưng chúng ta gặp khó khăn ngay tại chi tiết này. Nhiều người trẻ không cảm thấy bị thu hút bởi một tôn giáo mà cứ liên tục nhắc đến tội lỗi. Chẳng ai muốn đến nhà thờ để bị nhắc cho biết rằng họ là những tội nhân khủng khiếp, và vì vậy họ cần được tha thứ. Điều này nghe có vẻ đau lòng và thất vọng. Cuộc sống đã đủ khó khăn mà không cần lúc nào cũng bị nhắc rằng mình là một tội nhân. Nó giống như thể bạn phải thuyết phục mọi người rằng quần áo của họ bị bẩn để họ mua nhãn hiệu bột giặt của bạn vậy! Đây là lý do tại sao khi giảng thuyết, tôi hầu như không bao giờ dùng từ “tội lỗi”.

 

Người ta thường cho rằng những người trẻ đã mất cảm thức về tội lỗi. Nhưng đây là một đánh giá sai lầm. Vì người trẻ thay đổi cách nhìn và có một cách hiểu hoàn toàn mới về tội lỗi. Trên thực tế, họ có lý tưởng đạo đức rất cao. Họ tử tế và bao dung hơn nhiều so với thế hệ của tôi. Họ ý thức sâu sắc về sự bình đẳng nam nữ; họ căm ghét sự thành kiến​​đối với người khác chỉ vì màu da hoặc xu hướng phái tính; họ có một cảm thức rõ ràng về những thiệt hại mà chúng ta đang gây ra đối với môi trường; và họ cảm thấy kinh hoàng đối với việc lạm dụng tình dục.

 

Nhưng lý tưởng đạo đức này có thể bị triệt hạ. Làm sao chúng ta có thể chịu đựng những lý tưởng này nếu không có sự tha thứ đối với mọi lỗi phạm của chúng ta? Cố Hồng Y Francis George, Tổng Giám mục Chicago, đã từng viết rằng trong thế giới ngày nay “… khi mà trên thực tế mọi thứ đều được cho phép, thì hầu như không có gì được tha thứ”. Bầu khí của sự buộc tội thật là nặng nề. Thế giới được chia thành nạn nhân và thủ phạm. Chỉ một sai lầm, một phút điên rồ, sẽ bị lưu lại trong hồ sơ mãi mãi. Phương tiện truyền thông xã hội chẳng quên gì cả. Chúng ta bị vấy bẩn bởi bất kỳ mối liên hệ nào với những việc làm sai trái của tổ tiên chúng ta. Những bức tượng bị phá bỏ, trường học, các tòa nhà, và đường xá bị đổi tên. Những danh nhân như Mahatma Gandhi và Aung San Su Kyi lại bị bài bác như là những nhân vật phản diện. Chúng ta phải tinh ròng, không được ô nhơ, không được nhiễm độc!

 

Đây là "vòng xoắn tinh khiết" khiến người ta ngày càng cố gắng và nghiêm khắc hơn để tách mình ra khỏi sự ô uế, và sự bị công kích. Do đó, giới trẻ bị áp lực bởi việc không đạt được sự hoàn thiện về mặt đạo đức, và thường không có khái niệm về sự tha thứ nên thẩm quyền của Giáo hội trong việc giảng dạy về sự tha thứ đã bị tổn hại sâu sắc do cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục. Chúng ta là ai để nói với người khác rằng tội lỗi phải được tha thứ? Làm sao chúng ta dám?

 

Khi trở thành một tu sĩ dòng Đa Minh, bạn nằm phủ phục trên đất trong bộ áo dòng và vị Giám tỉnh hỏi bạn: "Con tìm kiếm điều gì?" Và bạn trả lời: "Lòng thương xót của Chúa và của cha". Bạn xin gia nhập một cộng đoàn được thiết lập dựa trên lòng thương xót. Trọng tâm của quá trình đào tạo là học biết ý nghĩa của việc trao tặng và đón nhận lòng thương xót. Nhưng điều này không có nghĩa là quên lãng. “Ôi, tôi vô cùng xin lỗi vì tôi đã sát hại cha giáo tập”; “Ôi, tất cả chúng ta đều bị lôi cuốn. Hãy quên điều đó đi". Không phải vậy, tha thứ là một điều gì đó rất khác.

 

Chỉ có một hành động tha thứ tuyệt vời, và đó là Chúa nhật Phục sinh. Vào Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta đặt Tình yêu Nhập thể trên thập giá. Chúng ta đã từ chối Thiên Chúa, Đấng là tình yêu. Thập giá là một hành động hủy diệt cằn cỗi, vô sinh và vô nghĩa. Nhưng vào Chúa nhật Phục sinh, Chúa Giêsu gặp bà Maria Magdalena trong một khu vườn. Đây là mùa xuân mang tính trổ sinh của Thiên Chúa. Cây thập giá bằng gỗ chết chóc đã nở hoa! Trong khoảnh khắc này, mọi sự đều được tha thứ.

 

Tôi xin đưa ra ví dụ về câu chuyện của 2 người đều là những người bạn dòng Đa Minh.

Ví dụ thứ nhất là câu chuyện về Đức cha Pierre Claverie, OP người Pháp, giám mục ở Algeria. Ngài dành cả cuộc đời mình để đối thoại với Hồi giáo. Khi đất nước xinh đẹp đó bị cuốn vào bạo lực điên cuồng vào những năm 1990, Đức cha Pierre biết rằng rất có thể mình sẽ bị sát hại, giống như các tu sĩ Trappist được miêu tả trong cuốn phim Of Gods and Men. Một ngày nọ, ngài trở về giáo phận của mình ở Oran, sau khi tham dự một cuộc họp ở Alger. Những kẻ khủng bố đã đợi sẵn. Ngài bước vào nhà cùng với một người bạn trẻ theo đạo Hồi đã đón ngài từ sân bay. Một quả bom đã phát nổ và xác của cả hai người đã bị nghiền thành bột. Khi tôi đến dự đám tang 3 ngày sau đó, tôi thấy một chị vẫn đang thu góp hài cốt bằng một chiếc thìa. Sự hủy diệt dã man đối với 2 người bạn, một người là Kitô hữu, một người là tín đồ Hồi giáo.

 

Cả nghìn người Hồi giáo đã đến dự đám tang của Đức cha Pierre. Vào phút cuối, một phụ nữ trẻ theo đạo Hồi đứng lên và nói rằng cô ấy đã bỏ đức tin của mình nhưng Đức cha Pierre đã đưa cô ấy trở lại. Ngài thực sự cũng là giám mục của người Hồi giáo. Ngay lúc ấy, mọi người cùng đồng thanh nói rằng: Đức cha Pierre cũng là giám mục của người Hồi giáo. Khi tôi đến Oran để dự lễ phong chân phước của ngài, tôi thấy ngôi mộ của ngài phủ đầy hoa do những người hành hương Hồi giáo và Kitô giáo để lại. Đây chính là sự phì nhiêu của sự tha thứ, chứ không phải của sự quên lãng. Ngôn sứ Isaia tuyên bố: “Vui lên nào, hỡi sa mạc và đồng khô cỏ cháy, vùng đất hoang, hãy mừng rỡ trổ bông, hãy tưng bừng nở hoa như khóm huệ, và hân hoan múa nhảy reo hò… Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò. Vì có nước vọt lên trong sa mạc, khe suối tuôn ra giữa vùng đất hoang vu” (Is 35, 1. 6).

 

Ví dụ thứ hai, là câu chuyện về một người bạn khác. Sơ Pauline Quinn, OP sinh ra tại Hollywood trong một gia đình giàu có và ngoài Kitô giáo. Khi còn trẻ, chị trải nghiệm sự đau đớn khủng khiếp của việc bị lạm dụng tình dục. Chị đã bị đưa đến nhiều viện nơi chị bị cưỡng hiếp liên tục, bao gồm cả các bác sĩ. Đau đớn và bế tắc, chị bắt đầu huỷ hoại cơ thể của mình khiến cánh tay chị chi chít những vết sẹo. Chị trở thành một kẻ lang thang sống trên đường phố trong nhiều năm. Và rồi, một lần kia, chị gặp được một bà người Công giáo, cùng với một con chó giống Đức tên là Joni. Lần đầu tiên chị cảm nhận được sự an toàn và tình cảm từ 2 người bạn này. Sau đó, chị được tiếp nhận vào Giáo hội và cuối cùng được nhận làm nữ tu Đa Minh. Từ đó, cuộc sống của Sơ Pauline trở nên thật tuyệt vời. Sơ đã làm việc với các nạn nhân của chiến tranh từ khắp nơi trên thế giới, tạo điều kiện giúp họ được lắp chân tay giả, và tìm việc làm cho họ. Sơ còn làm việc với các tù nhân, hướng dẫn họ cách huấn luyện chó để giúp đỡ người tàn tật. Sơ Pauline đã vượt thắng sự xấu xa của tội lỗi, và cuộc đời Sơ trở nên tươi đẹp. Sơ qua đời vì bệnh ung thư 2 năm trước, vào tháng 3. 2020.

 

Đôi khi mùa xuân của sự tha thứ phải đợi rất lâu mới đến và người ta không thể thúc ép nó. Chúng ta thấy điều này đặc biệt đúng với sự tha thứ đối với sự lạm dụng tình dục. Chúng ta cầu nguyện mỗi ngày, “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con", nhưng chúng ta không thể đòi hỏi người khác rằng họ phải tha thứ. Vì như thế sẽ trở thành một hình thức lạm dụng khác. Khi người ta lạc vào cái mà Stephen Cherry gọi là “vùng đất hoang vu của sự tổn thương”, họ cần phải có thời gian để sự tha thứ xuất hiện. Những vết thương trong nhiều thập kỷ, thậm chí nhiều thế kỷ, không thể được chữa lành theo lệnh của chúng ta, điều này còn khó khăn hơn thế đối với cơ thể bị thương tích của chúng ta. Bác sĩ phẫu thuật của tôi nói với tôi rằng sẽ mất 18 tháng để các vết thương trong lần phẫu thuật cuối cùng loại bỏ một khối u ung thư của tôi để có thể lành hoàn toàn. Hãy nghĩ về khoảng thời gian cần thiết trước khi người dân Ukraine có thể bắt đầu suy ngẫm về sự tha thứ khi họ vốn là những người đang phải gánh chịu nỗi đau khổ kinh hoàng. Sự tha thứ không thể tách rời khỏi sự kiên nhẫn.

 

Vì thế, trở thành người tha thứ không phải là trở thành người đãng trí. Sự tha thứ đang mở ra cánh cửa cho ân sủng sáng tạo của Thiên Chúa. Sự tha thứ không thể tách khỏi việc học cách nói chuyện với người đã làm tổn thương bạn. Hãy mở lối cho những lời chữa lành; Hãy làm cho sa mạc cằn cỗi của đau thương được chạm vào mùa xuân.

 

Chúng ta nên nhớ rằng cả người bị tổn thương lẫn người gây tổn thương đều không thể bị định nghĩa bằng hành động. Điều này có nghĩa là, đừng khiến họ mãi mãi bị mắc kẹt bởi các nhãn hiệu “nạn nhân” hoặc “thủ phạm”. Tại Hoa Kỳ, có một nhóm ái hữu giáo dân Đa Minh mà các thành viên chủ yếu là những người đang ngồi tù vì tội giết người. Họ có thể đã phạm tội giết người nhưng họ không bị giam cầm mãi mãi theo định nghĩa là "kẻ sát nhân". Tôi rất thích gặp một tay sát thủ Mafia trước kia, người đã từng giết nhiều người, nhưng hiện nay, anh nguyện kinh thần vụ hằng ngày. Anh ấy nói với tôi rằng: anh cảm thấy mình giống như một nữ tu dòng Đa Minh vậy. Tôi rất tự hào khi có anh ấy là anh em của tôi.

 

Chúng ta chia sẻ đức tin của mình một cách minh nhiên bằng lời nói hoặc mặc nhiên bằng cách sống của chúng ta. Chúng ta xác tín rằng đức tin của mình là chân thật, và con người chỉ có thể lớn lên trong bầu khí trong lành của sự thật. Đức Chúa của sự thật kêu gọi chúng ta hãy sống ngay từ bây giờ. Và chúng ta chỉ thực hiện được điều này bằng cách trút bỏ gánh nặng của quá khứ và mở lòng với lời hứa của tương lai. Nếu điều này mang lại sự giải thoát để chúng ta sống dồi dào hơn thì có lẽ mọi người sẽ tự hỏi tại sao lại thế được. Chúng ta thậm chí có thể bị đốt cháy một chút, giống như bụi cây đang cháy mà Môise đã thấy. Sau đó ông tự nhủ, “Chuyện gì đang xảy ra ở đây vậy? Chúng ta hãy tiến lại xem!"

 

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: 
godgossip.org (22. 7. 2022)

Bài cùng chuyên mục:

Kinh Tin Kính phổ quát (21/11/2024 09:31:48 - Xem: 60)

Mầu nhiệm của Chúa Kitô hoạt động thông qua các Giáo hội kitô lịch sử nhưng cũng hoạt động, và hoạt động rộng rãi, bên ngoài các Giáo hội của chúng ta và bên ngoài các khuôn khổ đức tin rõ ràng.

Linh hướng là gì? (18/11/2024 09:05:58 - Xem: 280)

Trong xã hội và thời đại hỗn loạn của chúng ta, hơn bao giờ hết, hướng dẫn đời sống tâm linh là một nguồn lực tinh thần cần thiết. Người tu sĩ, chủng sinh hoặc linh mục đều nên có một người linh hướng để trở nên giống Chúa Kitô hơn.

Suy nghĩ nhẹ nhàng hơn về một chủ đề nặng nề (15/11/2024 08:54:27 - Xem: 175)

Đức tin của chúng ta cho chúng ta biết rằng, với tình yêu và với lòng nhân từ của Chúa mà chúng ta tin tưởng, chỉ có lựa chọn thứ hai là hạnh phúc đang chờ chúng ta.

Bản giao hưởng dang dở (12/11/2024 08:25:17 - Xem: 267)

Trong mọi thỏa mãn, đều có ý thức về giới hạn. Phía sau nụ cười là giọt nước mắt. Trong mọi vòng tay ôm, vẫn có cô đơn. Trong mọi tình bạn, vẫn có ngăn cách”.

Khi nào sợ hãi là lành mạnh? (03/11/2024 08:16:10 - Xem: 261)

Chúng ta tôn vinh Chúa không phải bằng cách sống trong sợ hãi để không xúc phạm đến Ngài, mà bằng cách cung kính dùng năng lượng tuyệt vời Chúa ban cho chúng ta.

Người tị nạn, nhập cư và Chúa Giêsu (29/10/2024 07:58:01 - Xem: 228)

Làm sao chúng ta tôn vinh sự thật rằng, là tín hữu kitô, chúng ta phải nghĩ về người nghèo trước hết? Làm sao chúng ta đối diện với Chúa Giêsu trong ngày phán xét khi Ngài hỏi vì sao chúng ta không tiếp đón Ngài lúc Ngài ở trong hình hài người tị nạn?

Bỏ lại sự nô dịch và pharaô (20/10/2024 08:36:08 - Xem: 274)

Pharaô nào đang giam cầm tôi? Một hình ảnh xấu về mình? Hoang tưởng? Nỗi sợ? Một vết thương nào đó? Tổn thương? Chứng nghiện? Tôi có thể đi với Chúa Kitô đến một nơi mới không còn sự nô lệ này nữa không?

Giàu có, nhưng tất bật (10/10/2024 08:24:58 - Xem: 437)

Chúa Giêsu đã nói một điều có thể diễn giải như sau: Lợi ích gì khi được cả thế gian nhưng luôn quá tất bật, quá áp lực để hưởng nó.

Di sản của chúng ta: sinh lực chúng ta để lại (05/10/2024 08:30:52 - Xem: 414)

Nếu chúng ta sống trong cay đắng giận dữ, trong ghen tương và không sẵn lòng chấp nhận người khác, nếu cuộc sống chúng ta gieo hỗn loạn và bất ổn, thì đó là những gì chúng ta sẽ để lại, và sẽ luôn là một phần di sản của chúng ta.

Chuỗi Mân Côi – Chuỗi ngày sống (01/10/2024 07:00:39 - Xem: 844)

Chuỗi Mân Côi như chuỗi ngày sống của một đời người. Chuỗi Mân Côi có thể dùng để gột bỏ những đam mê, gạn lọc những tình cảm, và kết nối những tương quan.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7