Sống chiều sâu
- In trang này
- Lượt xem: 3,175
- Ngày đăng: 06/06/2022 17:35:50
GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO
Bài 55: SỐNG CHIỀU SÂU
Hỏi: Sinh viên chúng con muốn đi sâu, tìm hiểu sâu hơn về đời sống thiêng liêng, cũng như đi sâu vào đời sống xã hội một cách đúng đắn nhất. Chúng con phải làm sao?
Trả lời:
Bạn thân mến,
Câu hỏi của bạn làm tôi ấn tượng bởi những tính từ mạnh mẽ như “sâu” (3 lần), “đúng đắn nhất,” đi kèm những động từ thể hiện sự quyết liệt như “đi (sâu)”, “tìm hiểu (sâu).” Hẳn là trong lòng bạn đang dấy lên một thao thức muốn được sống cuộc đời thật đầy đủ ý nghĩa. Bạn đang muốn dấn thân trọn vẹn cho niềm tin lý tưởng của mình.
Thật ra không chỉ những sinh viên như bạn, tất cả mọi người nói chung đều có khao khát đó. Tuy nhiên, khác với những người có tâm hồn già nua, người trẻ thường năng động và nhạy bén hơn trước những điều mới lạ. Các bạn mong muốn được học hỏi thêm để hoàn thiện mình, dễ dàng mở lòng ra đón nhận điều hay lẽ phải, nhiệt tình mạnh mẽ dấn thân đấu tranh cho những gì mình tin tưởng.
Là sinh viên, bạn có thuận lợi là được cung cấp khí cụ tri thức, được đào tạo trong môi trường học đường. Bạn có nhiều cơ hội vươn tới những chân trời mới, không chỉ là kiến thức, nghề nghiệp hay tiền bạc, mà còn là nhân cách, lẽ sống và lý tưởng của đời người. Phía trước bạn là một tương lai dài với những cánh cửa đang dần được mở ra, chờ đợi bạn bước tới. Tương lai đó hứa hẹn nhiều điều tốt đẹp nhưng cũng đầy cạm bẫy, rủi ro.
Do vậy bạn muốn tìm ra cho mình một chìa khóa vạn năng để có thể bước qua những cánh cửa tương lai ấy một cách tự tin và vững vàng. Theo như từ ngữ bạn sử dụng trong câu hỏi đặt ra, tôi nghĩ rằng hành trang bạn cần không phải cụ thể là cái này hay cái kia, mà là cách tiếp cận có “chiều sâu” trong mọi thứ: từ đời sống thiêng liêng (tương quan với Thiên Chúa) cho đến đời sống xã hội (tương quan với tha nhân).
Nói cách khác, bạn không cầu xin những bữa ăn được dọn sẵn nhưng bạn cần ai đó chỉ cho bạn nguyên tắc nấu nướng. Điều ấy giúp bạn có khả năng biến tấu tất cả mọi gia vị đắng cay mặn ngọt mà cuộc đời gửi đến cho mình thành những món ăn ngon, hoặc chí ít là dùng được. Nếu không hiểu nhầm ý của bạn thì tôi gọi nguyên tắc đó chính là “chiều sâu.”
Bạn đủ khôn ngoan để nhận ra hậu quả của một lối sống hời hợt. Đó là lối sống chỉ tìm kiếm những giá trị vật chất hay danh vọng chóng qua ở đời này, không có chiều sâu nội tâm và nhất là không hề thao thức về chiều kích thiêng liêng. Những người sống như vậy rất dễ bị bầm dập trước sóng gió cuộc đời. Vì cái họ theo đuổi không bao giờ đủ để đem lại cho họ hạnh phúc và bình an đích thực.
Ví dụ, rất nhiều nhà có điều kiện nhưng con cái hư hỏng, thay vì chăm chỉ học hành đầu tư cho tương lai thì chúng lại sống buông thả, hưởng thụ, ỷ lại cha mẹ. Các em nghĩ rằng sống như vậy là sung sướng hạnh phúc nhưng đâu biết rằng đó là con đường dẫn đến ngõ cụt. Không chỉ có người trẻ mà người lớn cũng lâm vào tình trạng này. Nhiều người thay vì chăm chỉ làm ăn, vun đắp mái ấm gia đình, chăm sóc con cái hay giúp đỡ người khác thì lại chiều theo thú vui xác thịt, tiêu xài phung phí để rồi khi biết nhận ra sai lầm của mình thì đã quá muộn màng. Theo suy tính khôn khéo của con người, họ được coi là những người nghĩ ngắn mà không nghĩ dài, hiểu cạn chứ không sâu, thấy gần mà chẳng thấy xa.
Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa của những biểu hiện trên chính là một đời sống thiếu nền tảng, không có mục đích hay định hướng cuộc đời. Lỗi của họ không phải là do tìm kiếm vật chất hay danh vọng, nhưng là vì không biết dùng chúng như thế nào để vun đắp cho cuộc sống mình thêm ý nghĩa và để có thể tìm thấy hạnh phúc đích thực. Cái nền tảng hay định hướng cuộc sống mà người ta đang cần đó vượt lên trên những gì họ có thể sở hữu ở đời này. Con người được đặt trong tương quan với Đấng siêu việt, quy hướng mọi sự về Thiên Chúa. Đó mới là cùng đích của đời mình.
Bạn đủ trưởng thành để hiểu rằng dù có muốn thì bạn cũng không thể né tránh cuộc đời. Cách duy nhất là bạn phải can đảm bước tới đối diện những thử thách xảy đến với mình. Vì thế nên bạn mới thao thức về một đời sống có “chiều sâu,” vì cái sâu hơn thì chắc chắn sẽ bám chắc hơn, dù là trong lĩnh vực nào đi nữa. Bạn khao khát tìm cái sâu vì nghĩ rằng cái hiện tại vẫn chưa đủ sâu, chưa đủ vững chắc. Mà như thế nào là sâu? Như thế nào là cạn? Đâu là thước đo?
Suy cho cùng thì “chiều sâu” mà bạn đề cập tới dường như không có giới hạn. Bạn càng đi sâu thì càng thấy những chân trời mới được mở ra mời gọi bạn khám phá. Nhất là bạn ở trong chiều sâu của mối tương quan với Thiên Chúa và tha nhân. Bạn sẽ không bao giờ đi đến tận cùng của “chiều sâu” mà bạn muốn. Tuy vậy khao khát ấy nâng bạn lên cao. Để rồi từ đó bạn sẽ nhìn về cuộc đời và nhìn về con người trong xã hội với con mắt khác:
- Bạn sẽ có được một cái nhìn bao quát hơn về mọi biến cố xảy đến trong cuộc đời theo kế hoạch của Thiên Chúa. Để rồi bạn không chán nản thất vọng mỗi khi gặp điều không may.
- Bạn sẽ thấy được tất cả mọi người đều đáng yêu mến và trân trọng. Họ và bạn là anh chị em của nhau trong Chúa.
- Bạn sẽ bao dung hơn với lầm lỗi của người khác, vì bạn nhận thấy mình cũng bao lần vấp ngã nhưng được Chúa thứ tha.
-Thêm vào đó, bạn sẽ không còn coi mình hay bất cứ tạo vật nào khác là trung tâm của vũ trụ nữa, nhưng biết quy hướng mọi sự về Thiên Chúa.
Bởi vì “chiều sâu” này chính là thái độ sống của bạn. Nó là đôi mắt bạn nhìn về thế giới này. Thái độ này xâm nhập tất cả, chiếm trọn tất cả mọi chiều kích trong cuộc sống bạn. Do đó, khi bạn chỉ ra hai lĩnh vực mà bạn muốn sống có “chiều sâu” là đời sống thiêng liêng và đời sống xã hội, tức là bạn cũng đang hướng đến chiều sâu trong tất cả mọi sự rồi. Thực ra hai mảng này không thể dễ dàng tách rời nhau như bạn nghĩ. Không phải cứ thiêng liêng là hướng lên trời, còn xã hội là sống dưới đất.
Là tín hữu, bạn được mời gọi phải hội nhất hay kết nối toàn bộ mọi chi tiết trong đời sống của bạn với Chúa. Nghĩa là bạn để Thiên Chúa chiếm trọn con người trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nói cách khác, bạn phải sống thiêng liêng trong lòng xã hội, và sống đời sống xã hội một cách thiêng liêng. Mọi tư tưởng, lời nói và hành động của bạn đều phản chiếu chiều sâu thiêng liêng. Khi đó dường như không còn ranh giới giữa đời sống thiêng liêng và đời sống xã hội nữa.
Dù có nhận biết và tin vào Thiên Chúa hay không, đời sống của mỗi người đều mang chiều kích thiêng liêng. Đời sống của con người không thể tách rời khỏi mối tương quan với Thiên Chúa. Tất cả mọi người đều là con cái Thiên Chúa và đều được Chúa yêu thương. Do đó, nơi mỗi người đều có một khao khát sâu thẳm là được tìm về với cội nguồn và cùng đích của đời mình.
Hành trình tìm kiếm có thể được gọi theo ngôn từ của bạn là hướng về “chiều sâu.” Chỉ trong sâu thẳm nội tâm thì con người mới nhận ra ý nghĩa đích thực của đời mình, biết xác định những gì đáng để tìm kiếm. Tôi là ai? Tôi từ đâu tới? Tôi sống trên đời này để làm gì? Rồi cuộc đời tôi sẽ đi về đâu?...
Không ai có thể tìm ra câu trả lời rốt ráo cho những câu hỏi trên. Đó sẽ mãi là nỗi khắc khoải khôn nguôi của phận người. Chính vì chưa tìm thấy lời giải đáp thỏa mãn nên con người tiếp tục thao thức, tiếp tục tìm kiếm, tiếp tục đi vào “chiều sâu.” Vì được đặt trong tương quan với Thiên Chúa nên dù con người có giới hạn nhưng vẫn luôn được mời gọi đắm mình trong “chiều sâu” của Thiên Chúa là Đấng không bị giới hạn.
Xét từ thái độ đức tin, con người bước vào tương quan với Thiên Chúa ở các cấp độ “chiều sâu” khác nhau. Có người không tin có Chúa (vô thần). Có người tin có Chúa nhưng không phó thác đời mình cho Chúa. Có người khác nữa không chỉ tin có Chúa mà còn tin nơi Chúa. Tuy nhiên, khi nói tới “chiều sâu” là chúng ra đang nhìn ở khía cạnh con người, chứ thật ra ở trong Thiên Chúa thì mọi sự đều mang lấy chiều sâu của Ngài. Nghĩa là tất cả mọi tạo vật đều được bao bọc bởi tình yêu của Thiên Chúa. Ngay cả người sống tương quan với Chúa đang ở mức thấp nhất là vô tín thì họ vẫn được Thiên Chúa yêu thương và tìm cách mời gọi đi vào “chiều sâu” với Ngài trong hoàn cảnh sống của họ.
Như vậy, một đời sống gắn kết Thiên Chúa trong tương quan tình yêu mang lại cho bạn đôi mắt biết nhìn nhận mọi sự vật, sự việc với “chiều sâu.” Đó cũng chính là yếu tố nền tảng để bạn đi sâu vào đời sống thiêng liêng cũng như đời sống xã hội. “Chiều sâu” này trước hết phải có tác dụng nơi chính bản thân bạn.
Một người sống với Thiên Chúa trong chiều sâu thiêng liêng thì không thể không trổ sinh những hoa trái tốt đẹp trong cách họ tương quan với tha nhân cũng như với những tạo vật khác. Trong tương quan với tha nhân, một người yêu mến Chúa phải là người yêu mến tất cả mọi người. Cũng vậy, người yêu mến Chúa cũng phải là mẫu gương trong việc bảo vệ môi trường. Vì đó chính là ngôi nhà chung do Thiên Chúa dựng nên cho vạn vật sinh sống.
Tin nơi Chúa không phải là một quan niệm hay nhận thức mà phải là một lối sống. Nói cách khác, tin nơi Chúa là sống nơi Chúa, với Chúa và cho Chúa. Chúng ta có thể nhận thấy các cấp độ của “chiều sâu” thiêng liêng, đỉnh cao nhất là “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki–tô sống trong tôi.” (Gl 2,20). Hiểu theo nghĩa như vậy thì sống có chiều sâu cũng đồng nghĩa với việc hoán cải, thay đổi đời sống của mình để ngày càng gắn kết mật thiết với Thiên Chúa hơn.
Nếu bạn cần một mẫu gương về chủ đề này: đó chính là Đức Giêsu. Trong tương quan với Thiên Chúa, Ngài với Chúa Cha là một. Đó là sự kết hợp không thể nào “sâu” hơn được nữa! Chúng ta không phải là người ngoài cuộc trong mối tương quan tình yêu ấy. Như Chúa Giêsu đã chỉ ra một con đường và chính Ngài là con đường để chúng ta đi vào chiều sâu với Thiên Chúa:“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.” (Ga 14,23).
Chính sự gắn kết mật thiết với Chúa Cha chính là nguồn động lực và sức mạnh để Chúa Giêsu dấn thân sâu vào đời sống xã hội. Chúa Giêsu sống dấn thân trong xã hội không chỉ để hòa mình vào trong đó, nhưng còn là để soi chiếu cho mọi người thấy giá trị Nước Trời. Đó là nơi những gì nhỏ bé tầm thường, nơi những con người bị xã hội đối xử ghẻ lạnh. Chúa Giêsu mạnh mẽ lên án thói giả hình. Ngài ra tay bảo vệ kẻ cô thân cô thế, bênh vực người nghèo, chữa lành bệnh tật thể xác và tâm hồn những người cần Ngài giúp đỡ.
Ước gì chúng ta ngày càng tiến gần hơn đến một đời sống có chiều sâu. Mỗi ngày giống Chúa Giêsu một chút.
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 3, Nxb Tôn Giáo, 2020)
Giuse Lê Đắc Thắng, SJ
Bài cùng chuyên mục:
Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh (20/11/2024 07:32:12 - Xem: 103)
Ngoài việc cầu nguyện, các vị thánh sẽ đưa ra ba lời khuyên nào cho những người đang tìm kiếm người phối ngẫu tương lai?
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 145 - Thử tìm hướng đi (18/11/2024 07:48:28 - Xem: 110)
Người trẻ làm gì để không bị cuốn đi với những "tư tưởng" rất đời kia? Nếu có nhu cầu thì sao kiểm soát khi chưa lập gia đình? Tụi con làm gì để bỏ tật thủ dâm?
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 144 - Chia trí thánh thiện (13/11/2024 10:51:58 - Xem: 163)
Cha ơi có cách nào để mình không bị phạm tội về tư tưởng không ạ. Đặc biệt lúc mình đọc kinh đi lễ cầu nguyện thì lúc đó mình suy nghĩ rất nhiều không chú tâm lắm đến việc nhà chúa.
Sinh nhật nào quan trọng nhất? (11/11/2024 19:25:35 - Xem: 305)
Nói qua nói lại, cái cần nhất Nhỏ nói sau cùng nè. Sinh nhật, ngày hiện diện trên đời cũng quan trọng như sinh nhật trên Nước Trời...
Tình yêu trưởng thành hay chỉ yêu cho có lệ? (05/11/2024 07:31:46 - Xem: 233)
Quyển sách chúng ta cần cho tình yêu là quyển sách của các cặp vợ chồng đã qua nghi thức nhưng còn giữ sự cam kết qua bao thăng trầm của năm tháng viết.
Các Thánh – Họ là ai? (31/10/2024 05:53:13 - Xem: 406)
Các vị thánh đã thật sự gạt bỏ được mọi dính bén hồng trần, nên chẳng quan tâm đến chuyện mình được tôn vinh hay không. Chẳng một vị thánh đích thực nào lại đi tìm kiếm sự thừa nhận từ người khác.
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 143 - Chiếc cầu nối các thế hệ (26/10/2024 05:48:30 - Xem: 201)
Làm sao để tiếng nói của người trẻ được quan tâm và được tạo điều kiện học hỏi và phát triển trong môi trường đức tin ạ?
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 140 - Truyền thông sự sống (15/10/2024 14:48:14 - Xem: 271)
Hỏi: Người trẻ trong xã hội “bất khả phân ly” với những phương tiện truyền thông hiện nay phải chuẩn bị thái độ nào để có thể “hòa nhập” mà không “hòa tan” trước “văn hóa sự chết” đang đối diện?
Mười bài học thiêng liêng từ thánh nữ Têrêsa Avila (15/10/2024 05:26:17 - Xem: 340)
Trong bài viết ngắn này, chúng tôi muốn tri ân thánh Têrêsa Avila và nêu bật mười đóng góp vĩ đại của thánh nữ cho Giáo hội Công giáo và cho mỗi người chúng ta,
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 141 - Tại sao người Công giáo tôn kính Đức Mẹ? (13/10/2024 07:53:02 - Xem: 226)
Có lần con trò chuyện với một bạn Tin Lành. Bạn ấy không tin Đức Mẹ Đồng Trinh. Con không biết phải giải thích cho bạn ấy làm sao?
-
Gia vị cho bài giảng CN lễ Chúa Kito là Vua - 2024
Khi Người đến trong vinh quang, Chúa Kitô Vua sẽ xét xử chúng ta về những việc bác ái chúng ta làm cho tha nhân. (Cha Tony)
-
Kinh Tin Kính phổ quát
Mầu nhiệm của Chúa Kitô hoạt động thông qua các Giáo hội kitô lịch sử nhưng cũng hoạt động, và hoạt động rộng rãi, bên ngoài các Giáo hội...
-
Suy nghĩ và cầu nguyện CN 34 TN B - 2024
Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy dẫy sự dối trá, vì người ta sợ sự thật, sợ nói thật, sợ sống thật. Sự thật không còn là sự thật,...
-
Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh
Ngoài việc cầu nguyện, các vị thánh sẽ đưa ra ba lời khuyên nào cho những người đang tìm kiếm người phối ngẫu tương lai?
-
Linh hướng là gì?
Trong xã hội và thời đại hỗn loạn của chúng ta, hơn bao giờ hết, hướng dẫn đời sống tâm linh là một nguồn lực tinh thần cần thiết. Người...
-
Tôi có thể làm gì cho những đứa con không sống đạo của mình?
Tôi là phụ huynh của ba đứa trẻ, tất cả chúng tôi đều cố gắng sống theo đức tin Công giáo. Một trong số chúng có vẻ không mấy hứng thú,...
-
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 145 - Thử tìm hướng đi
Người trẻ làm gì để không bị cuốn đi với những "tư tưởng" rất đời kia? Nếu có nhu cầu thì sao kiểm soát khi chưa lập gia đình? Tụi con...
-
Bác ái là nhân đức cần thiết cho sự phát triển tâm linh
Chúng ta phải xin Chúa ban cho chúng ta đức ái mỗi ngày cho đến khi chúng ta gặp được Ngài trên Thiên Đàng!
-
Đạo còn sống khi ta còn sống đạo
Phải chăng giá trị Tin Mừng trong lòng tín hữu đang phai nhạt dần ? Phải chăng việc đạo nghĩa chỉ còn là sự quan tâm thứ yếu ? Phải chăng...
-
Gia vị cho bài giảng CN 33 & Các Thánh Tử đạo VN - 2024
Đôi khi những người muốn dẫn dắt Người khác đến với Chúa Kitô cũng trở thành chướng ngại vật lớn nhất cho ơn cứu rỗi của họ.
-
Nghĩ đến những điều tốt đẹp
Hãy thôi nghĩ đến chuyện buồn ấy và hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp và đáng yêu khác trong cuộc sống để lòng bà được thanh thản
- Sự cần thiết của việc lắng nghe
- Lớn lên từ những thử thách
- Nhận nhưng không, cho nhưng không
- Niềm tin lớn nhất