Suy niệm tin mừng chúa nhật

SCĐ LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA

  • In trang này
  • Lượt xem: 4,784
  • Ngày đăng: 31/05/2021 08:44:38

LỄ KÍNH
MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA 
KITÔ

Năm B

CHỦ ĐỀ :

MÌNH VÀ MÁU ĐỨC GIÊSU
ĐÓNG DẤU GIAO ƯỚC MỚI

Sợi chỉ đỏ :

- Bài đọc I (Xh 24,3-8) : Giao ước Sinai được đóng dấu bằng máu của bò.

- Đáp ca (Tv 115) : bày tỏ tâm tình tạ ơn Thiên Chúa.

- Tin Mừng (Mc 14,12-16.22-26) : Đức Giêsu lập Giao ước mới, được đóng dấu bằng chính máu của Ngài.

- Bài đọc II (Dt 9,11-15) : Đức Giêsu là Thượng tế của Giao ước mới, thánh hóa loài người bằng chính máu của Ngài.

I. DẪN VÀO THÁNH  LỄ

Anh chị em thân mến

Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa cao cả vô cùng, thế mà Ngài đã nhiều lần hạ mình ký kết giao ước với loài người chúng ta : Giao ước cũ ngày xưa ký kết ở núi Sinai được đóng dấu bằng máu chiên bò, và Giao ước mới ngày xưa được đóng dấu bằng máu của chính Đức Giêsu.

Mỗi lần cử hành Thánh Lễ là chúng ta lặp lại Giao ước mới đó. Chúng ta hãy cử hành Thánh lễ này trong tâm tình yêu mến và tạ ơn Thiên Chúa.

II. GỢI Ý SÁM HỐI

- Chúng ta ít nhớ đến tình thương vô cùng của Thiên Chúa đã ký kết giao ước với loài người chúng ta.

- Khi đã kết giao ước với nhau, cả hai bên đều phải giữ trọn những điều cam kết. Phần Thiên Chúa thì luôn trung thành giữ giao ước, nhưng phần chúng ta thì luôn bất trung, lỗi phạm.

- Đức Giêsu đã đổ máu ra vì chúng ta. Phần chúng ta thì không can đảm hy sinh vì Ngài.

III. LỜI CHÚA

1. Bài đọc I (Xh 24,3-8) : Tường thuật nghi lễ ký kết giao ước giữa Thiên Chúa với dân do thái :

- Trước tiên, Môsê lặp lại cho dân những lệnh truyền của Thiên Chúa, và dân đồng ý tuân giữ.

- Tiếp đến, Môsê viết lại những lệnh truyền ấy của Thiên Chúa để lưu giữ mãi về sau.

- Sau cùng là nghi lễ kết giao ước : Môsê cho giết một số bò, lấy máu của chúng rảy một phần lên bàn thờ tượng trưng cho Thiên Chúa, và phần kia lên dân. Máu là tượng trưng cho sự sống, vì thế ý nghĩa của việc rảy máu là từ nay hai bên kết ước (Thiên Chúa và dân do thái) cùng một sự sống với nhau.

2. Đáp ca (Tv 115)

Tv này là một phần của Kinh Hallel (gồm các Tv 112-117) mà người do thái thường hát trong những dịp lễ lớn, nhất là trong bữa ăn vượt qua.

Ngày nay Phụng vụ dùng Tv này để bày tỏ tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, nhất là trong Thánh lễ tưởng niệm hồng ân Thánh Thể.

3. Tin Mừng (Mc 14,12-16.22-26) : Tường thuật bữa tiệc Vượt qua cuối cùng của Đức Giêsu :

- Đức Giêsu rất coi trọng bữa tiệc Vượt qua này nên đích thân thu xếp mọi chi tiết tổ chức (các câu 12-16)

- Trong bữa tiệc Vượt qua đó, Ngài đã lập Bí tích Thánh Thể (các câu 22-25).

- Đặc biệt Ngài coi việc này là Giao ước mới. Giao ước cũ (bài đọc I) được đóng dấu bằng máu sức vật, còn Giao ước mới được đóng dấu bằng máu của chính Đức Giêsu "Đây là máu Thầy, máu giao ước đổ ra vì muôn người"

4. Bài đọc II (Dt 9,11-15) : Đức Giêsu là Thượng tế của Giao ước mới, thánh hóa loài người bằng chính máu của Ngài.

IV. GỢI Ý GIẢNG

* 1. Giao ước mới

Cả 3 bài đọc trong Thánh lễ hôm nay đều nói tới Giao Ước.

Giao ước không chỉ là mối liên hệ giữa hai bên mua bán chỉ nhắm tới những công việc làm ăn. Giao ước giống mối liên hệ vợ chồng hơn. Chính vì thế mà nhiều ngôn sứ đã so sánh Thiên Chúa là chồng và loài người là vợ. Trong giao ước này Thiên Chúa luôn trung thành, tuy nhiên loài người chúng ta thì thường bất trung.

Để yêu và được yêu, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta quyền tự do lựa chọn. Giao ước giữa Thiên Chúa với loài người không phải chỉ là vấn đề quyền uy Thiên Chúa nằm trong Lề Luật của Ngài, bởi vì nếu thế thì chúng ta chỉ biết vâng giữ lề luật chứ không yêu thương. Đó phải là một thỏa thuận tự do giữa hai bên có tự do.

Trong bài đọc I hôm nay, chúng ta thấy ông Môsê cử hành lễ kết Giao ước trước mặt dân do thái trước khi họ vào Đất Hứa. Thế nhưng dân đã chẳng tuân giữ Giao ước này, họ đã chạy theo các ngẫu thần. Dù vậy Thiên Chúa cũng không bỏ dân Ngài. Ngài vẫn tiếp tục hết lần nầy tới lần khác đề nghị kết giao ước với họ ; và qua các ngôn sứ, Ngài dạy họ hy vọng ơn cứu độ.

Và khi thời giờ đã mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình xuống thế gian làm Đấng Cứu Độ chúng ta. Qua Đức Giêsu, Thiên Chúa ký kết một Giao ước mới với loài người chúng ta, và Đức Giêsu đóng dấu Giao ước mới bằng chính máu của Ngài. Đức Giêsu trở thành đầu của Dân mới. Đất Hứa mà Đức Giêsu dẫn chúng ta tiến vào không phải chỉ là một lãnh thổ mà là quê hương của cuộc sống vĩnh cửu. Chúng ta không chỉ là dân của Thiên Chúa mà còn là con cái của Ngài.

Trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô, Thiên Chúa đã ký kết một hợp đồng, một hợp đồng sẽ không bao giờ bị phá huỷ, đó chính là hợp đồng mà chúng ta cử hành trong Thánh lễ. Thật vậy, mỗi lần chúng ta cử hành Thánh lễ là chúng ta lập lại hợp đồng đã ký kết giữa Thiên Chúa với loài người chúng ta nhờ máu cứu chuộc của Đức Giêsu đổ ra trên Thánh giá.

Tóm lại, chúng ta đang sống trong Giao ước mới với một Thiên Chúa vốn luôn trung thành. Vì thế chúng ta được mời gọi phải sống thế nào cho phù hợp với mối liên hệ đặc biệt của Giao ước mới này. (Viết theo Flor McCarthy)

* 2. Tấm lòng của Chúa

Vào tháng 12 năm 1987 một cơn động đất lớn đã xảy ra ở xứ Armênia thuộc Liên Xô cũ giết chết hằng ngàn người. Trong số những người bị chôn dưới đống gạch vụn có 2 mẹ con bà Suzanna. Hai mẹ con may mắn nằm lọt vào trong một khoảng trống nhỏ. Tất cả lương thực họ có chỉ là một hủ mứt nhỏ. Nhưng chẳng bao lâu hũ mứt cũng hết sạch. Lúc đó đứa con 4 tuổi kêu lên : "Mẹ ơi con khát quá". Bà Suzanna không biết tìm đâu ra nước cho con. Nhưng tình mẫu tử đã gợi cho bà một sáng kiến táo bạo : bà dùng một miếng kính vỡ cắt đầu ngón tay mình cho máu chảy ra và đưa vào miệng đứa con cho nó mút. Một lúc sau nữa nó lại kêu khát, bà lại cắt một đầu ngón tay nữa. Cứ như thế cho đến cuối cùng người ta cứu 2 mẹ con ra. Sau khi ra ngoài, bà mẹ cho biết rằng : "Lúc đó tôi biết thế nào tôi cũng chết. Nhưng tôi muốn con tôi sống"

a/ Câu chuyện trên thật cảm động. Nhưng vẫn không cảm động bằng việc Đức Giêsu tự hiến dâng thịt máu mình cho chúng ta. Bà Suzanna đã lấy máu của mình nuôi con khi bà biết rằng chắc chắn bà sẽ chết. Thay vì chết cách vô ích. Bà đã hy sinh dòng máu của mình để cho đứa con được sống. Đó là sự hy sinh trong một tình thế bó buộc. Còn Đức Giêsu thì không có gì bắt buộc cả : Ngài đến trần gian để chết cho loài người. Càng ngày Ngài càng tiến gần đến cái chết. Tuy nhiên bất cứ lúc nào Ngài cũng có thể thoát khỏi cái chết ấy. Dù vậy Ngài vẫn cương quyết đi đến cái chết và cương quyết lấy thịt Máu mình làm lương thực nuôi sống loài người chúng ta. Thật đúng là "không có tình yêu nào cao trọng cho bằng tình của người dám chết cho người mình yêu thương". Điểm thứ hai khác biệt giữa bà Suzanna với Đức Giêsu là : việc bà Suzanna hy sinh máu mình cho đứa con chỉ xảy ra một lần ; còn việc Đức Giêsu ban thịt máu Ngài cho chúng ta xảy ra hằng ngày, như lời Ngài đã truyền dạy "Chúng con hãy làm việc này để nhớ đến Ta". Mỗi lần Giáo Hội dâng Thánh Lễ là mỗi lần việc hy sinh của Đức Giêsu được lập lại, lập lại không chỉ như một tưởng niệm mà lập lại với tất cả hiệu quả của nó. Hiệu quả ấy là như lời Đức Giêsu đã nói : "Ai ăn Thịt Ta và uống máu Ta thì sẽ được sống muôn đời".

b/ Một điều đáng buồn là lòng chúng ta đã thành chai đá trước tấm lòng của Chúa mà lẽ ra phải khiến chúng ta hết sức cảm động. Ngày nay ở phương Tây, số giáo dân tham dự Thánh Lễ đã giảm sút rất nhiều. Điển hình tại Pháp, chỉ còn có 10 % giáo dân dự lễ Chúa Nhật. Còn bên VN chúng ta, số người bỏ lễ CN cũng càng ngày càng nhiều. Trong số những kẻ còn đi lễ thì nhiều người đứng ngoài Nhà thờ, vừa dự lễ vừa trò chuyện và hút thuốc. Hình như rất nhiều người đi lễ chỉ vì sợ phạm tội trọng.

c/ Khi Nữ Tu Têrêxa Calcutta sang Liên Xô xin mở trụ sở bác ái, Bà đã gặp các vị lãnh đạo chính quyền và đã được đồng ý nhanh chóng. Tuy nhiên khi bà xin cho có Linh mục tại những trụ sở đó thì các vị ấy đã ngần ngại. Lúc Mẹ Têrêxa giải thích : nguồn sức mạnh của các Nữ Tu chúng tôi là do Mình Thánh Chúa. Nhờ mỗi ngày được rước MTC nên các Nữ Tu chúng tôi có sức hy sinh quên mình để phục vụ những người nghèo khổ. Do đó cần phải có Linh mục để mỗi ngày dâng Thánh Lễ và cho chúng tôi rước lễ. Mẹ Têrêxa và các nữ tu của Bà là những người đã cảm nghiệm được Lời Chúa phán khi lập phép MTC "Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì sẽ được sống muôn đời".

Hôm nay lễ Mình và Máu Thánh CG. Chúng ta ôn lại tình yêu bao la của Đức Giêsu khiến Ngài chịu chết vì chúng ta và trước khi chết đã ban Mình và Máu Ngài làm thương thực nuôi linh hồn chúng ta.

Nhưng chúng ta cũng nhận thấy sự giảm sút lòng sốt sống của chúng ta đối với việc dự lễ và rước lễ. Chúng ta thờ ơ với một thứ lương thực quý giá mà Chúa đã ban. Chúng ta bỏ mất biết bao ơn ích do việc rước lễ mà nhiều người đạo đức đã rất quý chuộng.

Giờ đây chắc chúng ta biết mình phải làm gì :

a/ Trước hết, là những người làm cha mẹ, làm ông bà, chúng ta hãy nhắc nhở và khuyến khích con cháu mình thường xuyên tham dự Thánh Lễ và Rước lễ sốt sắng.

b/ Phần chúng ta, mỗi khi dự lễ và Rước Lễ, chúng ta hãy cố gắng sốt sắng. Đừng làm một cách máy móc theo thói quen, nhưng hãy đặt hết tâm tình vào đó.

Để kết thúc, xin trích đọc sau đây tâm tình của một người đã biết cách dự lễ và rước lễ sốt sắng : "Mỗi Thánh Lễ, tôi lại cảm thấy có điều gì đó cần thống hối cách đặc biệt. Mỗi Thánh Lễ, tôi lại thấy mình muốn đặt lên đĩa thánh một chút cố gắng riêng tư, đau khổ, mơ ước, thao thức... Tôi không di dự Thánh Lễ với 2 bàn tay trắng, nhưng với lễ vật là chính cuộc đời tôi. Trong mỗi Thánh Lễ, Lời Chúa lại tác động lên tôi, những lời nói đã nghe nhiều lần nhưng vẫn luôn mới mẻ. Mỗi lần rước Chúa là một lần tôi nhớ rằng Ngài đã trở nên tấm bánh bẻ ra cho tôi, và tôi cũng phải trở nên tấm bán bẻ ra cho anh chị em tôi"

* 3. Mầu nhiệm Tình yêu

Du khách đến Huế không thể quên được Nam Giao, cũng như đến Bắc Kinh không thể bỏ qua Điện Trời. Chính tại nơi đây, hàng năm nhà vua sẽ tế Trời thay cho toàn dân.

Tại Huế, Điện Thái Hòa, cửa Ngọ Môn và đàn Nam Giao cũng nằm ngay trên một đường thẳng. Điện Thái Hòa là nơi vua quan lo việc triều chính. Cửa Ngọ Môn quay về hướng nam. Khi mặt trời lên tới đỉnh đầu, lúc 12 giờ trưa, tức là giờ Ngọ, thì hình và bóng sẽ trở nên đồng nhất.

Từ Điện Thái Hòa, vua sẽ qua cửa Ngọ Môn, tiến về phương nam để lên đàn Nam Giao thay dân tế Trời. Sau khi ăn chay nằm đất, vua sẽ bước lên tế đàn hình vuông tượng trưng cho đất, rồi mới tiến lên tế đàn hình tròn, tượng trưng cho Trời. Chính tại nơi đó, vua sẽ long trọng thay mặt toàn thể con dân tế Trời.

*

Vua trần gian thay dân tế Trời bằng những của lễ vật chất. Vua vũ trụ, Đức Giêsu Kitô dùng chính thân xác và linh hồn của Người để tế lễ cho Thiên Chúa.

Vua trần gian thay dân tế Trời rồi lại trở về với công việc triều chính. Vua Giêsu khi tế lễ cho Thiên Chúa lại dùng chính thân xác mình làm của ăn của uống nuôi toàn dân.

"Này là Mình Ta, các con hãy cầm lấy mà ăn… Này là Máu Ta các con hãy cầm lấy mà uống" (Mc.14,22-25). Tiệc Thánh Thể này đã được chính Đức Giêsu tiên báo trong tiệc cưới Cana, đã được Người hứa ban cho dân ở Caphanaum, đã được Người thiết lập ở Giêrusalem trước khi bước vào cuộc khổ nạn, và đã được chính Người cử hành đầu tiên tại làng quê hẻo lánh Emmau. Bốn khung cảnh này hòa quyện, đan kết với nhau tuyệt đẹp trong ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa.

Thánh Thể chính là trung tâm đời sống người tín hữu Kitô.

Thánh Thể chính là mối hiệp nhất giữa Thiên Chúa với con người, và giữa con người với nhau.

Thánh thể chính là món quà Thiên Chúa trao tặng cho nhân loại.

Thánh thể chính là lương thực thiêng liêng cho cuộc sống người tín hữu.

Thánh thể chính là bảo đảm cho hạnh phúc trường cửu của chúng ta.

Mầu nhiệm tình yêu này vượt quá tầm trí mọn của con người. Đức Giêsu đã tự hiến trọn vẹn cho chúng ta, đến nỗi Người không thể cho chúng ta điều gì hơn thế nữa.

Thánh Thể chính là sáng kiến táo bạo nhất của Thiên Chúa đang yêu. Trước khi giã từ cõi thế. Người không còn gì quí hơn để ban tặng cho con người. Người đã trao ban cả thân xác, để thấm nhập vào xác thân con người. Yêu là cho đi, là cho hết, cho cả cuộc đời.

*

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con được tham dự vào đời sống thánh thiện của Chúa, được hiệp nhất với Chúa và với nhau. Xin cho chúng con luôn yêu mến Thánh Thể và siêng năng đón nhận Bánh Trường Sinh, như một bảo đảm cho hạnh phúc muôn đời. Amen. (Thiên Phúc, "Như Thầy đã yêu")

* 4. Lời cầu nguyện trước Thánh Thể

Chúa ơi,

Bên ngoài nhà thờ, xe cộ ồn ào, người ta chạy tới chạy lui lăng xăng.

Nhưng cái thế giới náo nhiệt ấy, con xin bỏ lại sau lưng, để đến đây ở trước mặt Chúa.

Con không bỏ lại những anh chị em của con, nhưng con cũng mang họ theo con, vì con biết rằng Chúa cũng rất quý mến họ.

Thực ra con chẳng có gì, nhưng con biết rằng vì con có Chúa nên con có tất cả.

Con khép trí óc lại và mở tâm hồn ra, và thế là con được an bình.

Ở đây, con cảm nghiệm được giá trị thật của con. Giá trị ấy không phải là những gì con sở hữu được hay hoàn thành được, mà là biết rằng con được Chúa yêu thương. (Flor McCarthy)

* 5. Máu giao ước

"Đây là máu Thầy, máu giao ước"

Dân do thái, cũng như một số dân khác, thường dùng máu trong giao ước. Có thể là máu của một con vật, và cũng có thể là máu của chính những người kết giao ước với nhau. Giao ước cũ trên núi Sinai dùng máu của con vật. Giao ước mới mà Đức Giêsu thiết lập dùng máu của chính Ngài. Mà máu là biểu hiện của sự sống, cho nên lấy máu để đóng dấu giao ước ngụ ý rằng từ nay những người kết ước sẽ sống thân thiết với nhau như chỉ có cùng một mạng sống, đồng thời họ cam kết sẽ bảo vệ giao ước ấy cho dù phải đổ máu mình ra.

Giao ước có khi là đơn phương : một bên tự ý cam kết sẽ làm điều gì đó cho bên kia nhưng không buộc bên kia cam kết lại. Nhưng thường thì song phương : hai bên cam kết với nhau, bên nào vi phạm thì phải chịu những hình phạt.

Mỗi Thánh Lễ là một lần lặp lại giao ước. Nhưng tôi thường không để ý tới ý nghĩa quan trọng này.

- Đức Giêsu muốn Ngài và tôi chia xẻ cùng một sự sống. Tôi có muốn như thế không ?

- Ngài cam kết gắn bó với tôi. Tôi có cam kết lại như thế không ?

- Ngài đã hiến máu, hiến mạng sống cho tôi. Tôi có gì để dâng hiến cho Ngài không ?

6. Chuyện minh họa

Một bé trai tám tuổi lâm chứng bệnh nguy hiểm. Cả tháng trời em vật lộn với thần chết. Khi các bác sĩ cho biết cuối cùng em đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần thì em và gia đình đều mừng rỡ.

Nhưng đến lượt em gái của bé trai này lâm phải chứng bệnh như anh nó. Cả gia đình lại rơi vào cảnh âu lo. Các bác sĩ cho biết cách duy nhất để cứu sống bé gái là sử dụng máu của anh mới khỏi bệnh.

 Không thể tránh né vấn đề, người ta phải hỏi ý kiến bé trai. Thoạt đầu em tỏ ra lo lắng, nhưng trong chốc lát, em đã cương quyết trả lời : Vâng, con sẵn sàng hiến máu cho em con.

 Quả thật, nhờ sử dụng máu của anh mới được khỏi, tiếp cho em đang mê man, các bác sĩ đã cứu sống bé gái. Có điều, bé trai đã làm cho các bác sĩ ngẩn người ra khi nêu câu hỏi : Vậy ra, con vẫn còn sống à ? Bé cứ tưởng mình sẽ tắt thở ngay sau khi tiếp máu cho em.

 Nơi cậu bé tám tuổi ta chiêm ngưỡng một tình yêu lớn : "Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình" (Ga 15,13). Mặc dầu không chết như em tưởng, nhưng sự sẵn sàng chết vì tình ruột thịt đã khiến cho tình thương của em trở nên cao cả.

V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI

Chủ tế : Anh chị em thân mến, Đức Giêsu đã dùng Mình và Máu Thánh Người, như lương thực nuôi dưỡng đòi sống tin cậy mến của chúng ta. Với tâm tình tạ ơn, chúng ta dâng lên Chúa lời cầu nguyện sau đây :

1. Chúng ta cầu xin Chúa cho các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân trong Hội thánh / luôn cử hành và tham dự bí tích Thánh Thể cách tích cực và linh động / để được sức sống của Đức Giêsu bồi dưỡng.

2. Chúng ta cầu xin Chúa cho các nhà cầm quyền và mọi người trên thế giới / biết noi gương Đức Giêsu Kitô / để chia sẻ và phân phối của cải vật chất cho công bằng / nhất là chia sẻ cho những dân tộc đang đói nghèo.

3. Chúng ta cầu xin Chúa cho những người đang đau khổ và nhiều cơm ăn áo mặc / thiếu công ăn việc làm / thiếu tự do và tình thương / được nhiều người là con cái Chúa biết quan tâm và nâng đỡ.

4. Chúng ta cầu xin Chúa cho anh chị em trong cộng đồng giáo xứ chúng ta / biết noi gương Đức Giêsu Kitô / hiến dâng thời giờ, sức lực và của cải / để giúp cho những người chung quanh được nhận biết tình thương của Chúa.

Chủ tế  : Lạy Đức Giêsu, Chúa đã ban cho chúng con bí tích Thánh Thể là dấu chỉ tình thương của Chúa. Xin cho chúng con luôn được nuôi dưỡng bằng tình thương của Chúa, để chúng con sẵn sàng chia sẻ cho mọi người chung quanh. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

Bài cùng chuyên mục:

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7