Suy niệm tin mừng chúa nhật

SCĐ CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI NĂM C

  • In trang này
  • Lượt xem: 1,454
  • Ngày đăng: 06/06/2022 08:23:18

LỄ KÍNH THIÊN CHÚA BA NGÔI

Năm C

CHỦ ĐỀ :

Vai trò Ba Ngôi Thiên Chúa
trong ĐỜI SỐNG TÍN HỮU

"Chúa Thánh Thần sẽ dẫn chúng con
đến sự thật toàn vẹn"

(Ga 1613)

Sợi chỉ đỏ :

- Bài đọc I (Cn 8,22-31) : Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ.

- Đáp ca (Tv 8) : Thiên Chúa đã đặt con người cai trị những công trình của Ngài.

- Tin Mừng (Ga 16,12-15) : Thánh Thần dạy chúng ta tất cả sự thật.

- Bài đọc II (Rm 5,1-5) : Nhờ Chúa Giêsu Kitô và trong Chúa Thánh Thần, chúng ta được thông phần sự sống của Thiên Chúa.

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Anh chị em thân mến

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một trong ba mầu nhiệm căn bản của đức tin chúng ta, căn bản vì có ảnh hưởng quan trọng trên cách sống đức tin của chúng ta. Nhưng hình như từ trước tới nay chúng ta chưa ý thức bao nhiều về tầm quan trọng ấy.

Trong Thánh lễ này, chúng ta xin cho Lời Chúa soi sáng cho chúng ta hiểu được tầm quan trọng ấy, và xin ơn Chúa giúp chúng ta sống đức tin của mình một cách tích cực hơn.

II. GỢI Ý SÁM HỐI

- Thiên Chúa là Cha yêu thương. Nhưng chúng ta chưa mấy tin tưởng phó thác vào tình yêu Chúa.

- Chúa Con đã chịu chết để Thiên Chúa tha thứ tội lỗi chúng ta. Nhưng chúng ta không biết tha thứ cho nhau.

- Chúa Thánh Thần muốn mọi người sống yêu thương nhau như anh em cùng một Cha trên trời. Nhưng chúng ta thường nhìn người chung quanh như những kẻ xa lạ, thậm chí là những kẻ thù.

III. LỜI CHÚA

1. Bài đọc I (Cn 8,22-31)

Trích đoạn này trình bày Ngôi Hai như là Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa.

- Ngài hiện hữu từ thuở đời đời.

- Ngài đóng vai trò chủ chốt trong việc tạo dựng.

- Ngài vừa ở bên cạnh Thiên Chúa, vừa gần gũi với loài người.

2. Đáp ca (Tv 8)

Đây là một bài ca tụng công trình tạo dựng của Thiên Chúa, đặc biệt con người là thụ tạo cao quý nhất, chỉ thua kém thiên thần một chút.

3. Tin Mừng (Ga 16,12-15)

Đoạn Tin Mừng này nói đến sự liên hệ giữa Ba Ngôi, nhưng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Chúa Thánh Thần :

- Tất cả những gì mà Chúa Con mặc khải đều là do lãnh nhận từ Chúa Cha.

- Chúa Thánh Thần sẽ dạy các môn đệ hiểu rõ tất cả những gì Chúa Con đã dạy, nhờ đó các môn đệ được dẫn đến sự thật toàn vẹn.

4. Bài đọc II (Rm 5,1-5)

Đoạn thư Phaolô này cũng nói đến vai trò của Ba Ngôi trong cuộc sống người tín hữu : Nhờ Chúa Giêsu Kitô và trong Chúa Thánh Thần, chúng ta được thông phần sự sống của Thiên Chúa.

IV. GỢI Ý GIẢNG

1. Sự thật toàn vẹn

Chúa Thánh Thần là Đấng dẫn ta đến sự thật toàn vẹn. Sự thật toàn vẹn là gì ? Đó chính là điều Chúa Giêsu ngụ ý trong câu đầu bài Tin Mừng hôm nay "Thầy còn nhiều điều muốn nói với chúng con, nhưng bây giờ chúng con không có sức chịu nổi". Trong khoảng thời gian Chúa Giêsu sống cạnh các môn đệ, có nhiều điều Chúa Giêsu vừa mới nói hé một chút thì các môn đệ đã không chịu nổi nên Chúa Giêsu thôi không nói nữa. Thí dụ khi hai người con của bà Giêbêđê đến xin Chúa cho họ được ngồi hai bên tả hữu Ngài, Chúa Giêsu hỏi lại "Nhưng chúng con có uống nổi chén đắng của Thầy không ?" Hai ông tuy đáp liều là nổi nhưng sau đó không dám xin nữa và Chúa Giêsu cũng không nói thêm gì nữa. Trong câu chuyện ấy, sự thật toàn vẹn mà Chúa Giêsu chưa nói rõ chính là chén đắng. Một lần khác Chúa Giêsu vừa mở miệng báo tin Ngài sẽ bị bắt bị hành hạ và bị giết chết, thì Phêrô cũng không chịu nổi nên vội lên tiếng can ngăn. Trong chuyện này, sự thật toàn vẹn mà Chúa Giêsu chưa thể nói rõ chính là mầu nhiệm đau khổ của Thập giá. Trong đêm thứ năm trước khi ra đi chịu chết, Chúa Giêsu quỳ trước các môn đệ và rửa chân cho họ, Phêrô lại một lần nữa không chịu nổi nên cự nự "Không đời nào con để Thầy rửa chân cho con". Ở đây sự thật toàn vẹn mà Chúa Giêsu cũng chưa tiện nói hết là sự hạ mình của Ngài và của các môn đệ. Tóm lại sự thật toàn vẹn là các môn đệ phải chấp nhận số phận của Thầy mình, phải tự khiêm tự hạ, phải chịu đau khổ chịu bắt bớ và có thể chịu chết giống như Thầy. Nhưng trong tất cả những lần kể trên Chúa Giêsu không nói hết ý nghĩ của mình được vì các môn đệ đã không chịu nổi. Về sau khi Chúa Giêsu đã sống lại và lên trời, Chúa Thánh Thần đã dẫn các môn đệ đến sự thật toàn vẹn ấy, và khi đó, nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, các ông đã chịu nổi, chẳng những chịu nổi mà còn vui lòng chịu : một lần kia vì đã rao giảng về Chúa Giêsu, các tông đồ bị bắt giam trong tù hết một đêm, sau đó bị điệu ra Thượng Hội đồng, bị đánh đòn một trận rồi mới được thả ra. Sách Công vụ viết khi ấy các ông lòng đầy hân hoan vì được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Chúa Giêsu. Thánh Phaolô cũng thế, sau biết bao gian truân nguy hiểm vì loan báo Tin Mừng, ngài nói "Tôi sung sướng vì được thông phần cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô trong thân xác tôi". Ngài còn nói "Vinh dự của chúng ta là thập giá Đức Kitô", cái thập giá mà những người trí thức hy lạp coi là điên rồ và những người do thái sùng đạo coi là cớ vấp phạm.

2. "Khi tôi ngắm cõi trời"

Một đêm nào đó trời thanh mây tạnh, chúng ta hãy ra khỏi nhà, ngước mắt nhìn lên bầu trời. Chúng ta thấy gì ? Chúng ta sẽ thấy các tinh tú hằng hà sa số, có cái sáng nhiều có cái sáng ít, có cái nằm riêng rẻ có cái ở trong một chùm sao.

Trong hằng hà sa số các tinh tú ấy, trái đất chúng ta chẳng đáng là gì cả. Một hành tinh nhỏ bé, rất nhỏ bé.

Thế mà Thiên Chúa lại quan tâm đặc biệt đến hành tinh nhỏ bé này. Trong vô vàn tinh tú, chỉ có hành tinh nhỏ bé này được hai vinh dự vô cùng to lớn :

- Vinh dự to lớn thứ nhất là con người trên hành tinh nhỏ bé này được Thiên Chúa đặt làm chủ tể mọi loài trong vũ trụ rộng lớn bao la.

- Vinh dự to lớn thứ hai là không một hành tinh nào khác ngoài hành tinh này được Ngôi Hai Thiên Chúa đến cư ngụ. Chẳng những thế, Ngài còn chịu chết ở cái hành tinh nhỏ bé này nữa.

Tác giả Thánh Vịnh 8 đã ngỡ ngàng không hiểu nỗi tình yêu bao la của Thiên Chúa và hạnh phúc vô cùng của con người : "Khi tôi nhìn ngắm cõi trời, công cuộc tay Chúa tạo ra, mặt trăng và muôn tinh tú mà Chúa tôi gầy dựng, thì nhân loại là chi mà Chúa tôi nhớ đến, con người là gì mà Chúa để ý chăm nom. Chúa dựng nên con người chỉ kém thiên thần một chút. Chúa trang sức con người bằng danh dự với vinh quang. Chúa đặt con người cai trị các công trình tay Chúa tác thành. Chúa đặt muôn vật dưới chân con người."

3. Một cuộc sống đáng mơ ước

Chúng ta không sống cô độc một mình, nhưng cùng sống với những người khác : gia đình, vợ chồng, bạn bè, đồng nghiệp, cộng đoàn giáo xứ v.v.

Trong những cộng đoàn sống chung ấy, chúng ta thường mơ ước :

- Phải chi mọi người đều "trong suốt" với nhau, nghĩa là ai nấy cũng hiểu nhau vì ai nấy đều chân thành tỏ cho nhau hết mọi ý nghĩ của mình.

- Phải chi mọi người đều hết lòng yêu thương nhau, nghĩa là chỉ có yêu thương chứ không hề có một chút gì là ganh ghét, đố kỵ, e dè nhau…

- Phải chi mọi người đều hết sức hợp tác giúp nhau trong mọi công việc.

- Phải chi mọi người đều chia xẻ tất cả những gì của mình để tất cả đều là của chung.

Đó chính là cuộc sống của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Chúng ta mơ ước cuộc sống đó. Mơ ước này không phải chỉ là ước mơ suông không bao giờ đạt được. Chúa Giêsu nói Thiên Chúa sẵn sàng thông chia cho chúng ta cuộc sống ấy nếu chúng ta biết thông hiệp với Ba Ngôi Thiên Chúa.

4. Vài suy nghĩ về Thiên Chúa là Cha

a/ Thế nào là một người cha ?

- Cha là kẻ yêu thương con mình bằng một tình yêu vô cùng quảng đại

   . Ngay cả trước khi đứa con sinh ra : vừa biết nó thụ thai thì đã yêu thương và nôn nóng chờ ngày nó sinh ra.

   . Ngay cả khi chưa biết sau này nó sẽ ra sao : chưa biết sau này nó đẹp hay xấu, thông minh hay ngu đần, khoẻ mạnh hay yếu ớt, tốt hay xấu, hiếu thảo hay ngỗ nghịch… Chỉ vì nó là con cho nên mình yêu thương nó.

- Cha là kẻ muốn cho con mình tất cả những gì mình có :

   . Người cha nào cũng muốn đứa con khoẻ như mình, thông minh như mình, giỏi như mình, khéo như mình, có của cải địa vị như mình, hạnh phúc như mình… Thậm chí còn hơn mình… Và làm tất cả để đứa con được như thế.

- Cha là kẻ không bao giờ quên con và bỏ con :

   . Chỉ có con quên cha và bỏ cha, chứ không hề có cha quên con và bỏ con. Dù đứa con ấy xấu xa và ngỗ nghịch đến đâu đi nữa, Cha vẫn yêu thương nó.

- Hạnh phúc và đau khổ của người Cha là do thấy con hạnh phúc hay đau khổ.

. Cha sung sướng khi thấy con vui, con khoẻ, con thành đạt… Cha đau buồn khi thấy con bất hạnh, khổ sở…

- Cha là kẻ lệ thuộc con :

. Yêu thương ai là lệ thuộc người ấy, là để cho người ấy có quyền trên mình, mình ở thế yếu đối với người ấy.

. Trẻ con dù rất yếu ớt nhưng lại có quyền lực rất lớn trên cha mẹ. Do đó chúng nhõng nhẽo, đòi cái này cái nọ, giận không thèm ăn uống khi không được cho cái mà chúng đòi… Những yêu sách ấy của chúng đã làm cho cha mẹ phải "điêu đứng" khổ sở.

b/ Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu và là Cha của chúng ta

Tất cả những gì ta đã nói về người cha tự nhiên đều đúng với Thiên Chúa, và đúng một cách tuyệt đối, trọn vẹn :

- Cha là kẻ yêu thương con mình bằng một tình yêu vô cùng quảng đại : "Từ muôn đời Chúa đã yêu con"

- Cha là kẻ muốn cho con mình tất cả những gì mình có :

. Sách Sáng thế nói Thiên Chúa dựng nên con người theo hình ảnh Ngài.

   . Tin Mừng Ga ghi lại lời Chúa Giêsu "Mọi sự của Cha là của Con" (Ga 17,10)

- Cha là kẻ không bao giờ quên con và bỏ con :

. Điều này hoàn toàn và tuyệt đối đúng với Thiên Chúa : "Con người có thể sống không Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa không thể thôi làm Cha được" (Louis Evely).

   . Dụ ngôn người cha nhân hậu và đứa con hoang đàng minh họa điều này rất rõ.

- Hạnh phúc và đau khổ của người Cha là do thấy con hạnh phúc hay đau khổ.

. "Thiên Chúa là người táo bạo nhất trong thiên hạ, bởi vì Ngài đã dám đặt tất cả hạnh phúc của mình trong hành vi yêu thương. Ngài đã để hạnh phúc mình tuỳ thuộc vào một kẻ khác" (Louis Evely)

- Cha là kẻ lệ thuộc con :

. "Thiên Chúa là Cha, Cha cách trọn vẹn, hoàn toàn. Chúng ta thì khác, chúng ta chỉ là cha một ít thôi. Đồng ý rằng ta là cha của con cái chúng ta, nhưng chúng ta cũng còn lệ thuộc đủ mọi thứ khác như là công việc, nghề nghiệp, cuộc sống hôn nhân, những sở thích riêng tư, những thành công, những việc giải trí của mình, và chúng ta lại cũng còn lệ thuộc về chính mình nữa. Chúng ta không là cha cho đủ… Chỉ một mình Thiên Chúa mới là Cha mà thôi. Đối với Con của Ngài, Ngài đã hiến mình trọn vẹn. Nơi Ngài không còn có một phần nhỏ nhoi nào là quay trở về mình, là tìm "cái tôi" nữa" (Louis Evely)

* Tóm lại Thiên Chúa là Cha ở chỗ "Thiên Chúa chỉ biết yêu thương và trao ban. Ngoài ra Ngài không là cái gì khác nữa" (Louis Evely)

5. Thiên Chúa trổi vượt trên cha mẹ trần thế

Trong phòng xử án Toà án nhân dân Thành phố Hồ chí Minh sáng ngày 16-8-1996, ngay ở hàng ghế đầu, suốt những giờ xét xử của Hội đồng xử án, một người đàn bà với đôi mắt ướt đẫm nước mắt, cứ nhìn đăm đăm vào chiếc lưng của bị cáo đang đứng trước vành móng ngựa. Đó là chiếc lưng của đứa con đầu lòng của bà trong chiếc áo tù, và có in ký hiệu "AB". Cho đến khi công tố viên đọc xong lời buộc tội và đề nghị mức án "hai mươi năm tù vì tội giết người" bà bỗng nấc lên một tiếng rồi ngất xỉu. Bà ngất xỉu có lẽ vì bà chịu đựng không nổi mức án dành cho con bà : 20 năm tù vì cái tội giết người ; mà người nó định giết không ai khác hơn là chính bà. Bà là mẹ của bị cáo và cũng chính là người bị hại !

Hơn một năm trước đây, vào ngày 16 tháng 7, 1995, chính nó đã cầm một thanh gỗ tròn dài nửa mét đánh vào đầu bà, rồi cầm một con dao đâm vào ngực bà. Người đầm đìa máu bà ngã xuống ngất xỉu - vì con. Hôm nay bà lại ngã xuống, ngất xỉu... cũng vì con.

Con bà - Lương Quốc Tuấn, sinh năm 1976, ở quận 11, làm thợ cửa sắt. Từ khi lên 5 tuổi, cha của Tuấn đã bỏ mẹ con Tuấn đi sống với người khác. Mẹ của Tuấn lặn lội nuôi hai đứa con thơ lớn lên. Thế mà... Sáng hôm đó, chúa nhật, Tuấn dậy trễ. Tuấn hỏi xin mẹ mấy ngàn ăn hủ tiếu. Mẹ Tuấn không cho, bảo lấy mì ăn liền nấu ăn. Tuấn khai trước toà : "Mẹ nói từ ngày quen con nhỏ đó thân ốm nhom ốm nhách, không tiền không bạc... mẹ không cho tiền còn nói nọ nói kia..." Thế là Tuấn đã làm cái điều mà có lẽ nghe đến, ai cũng phải thấy rợn cả người : đánh, giết mẹ ! Với 10 vết thương, chỉ có hai vết ở tay, còn lại toàn ở đầu và ngực nhưng khi từ bệnh viện sau sáu ngày điều trị trở về, bà lại ráng sức để xách đồ ăn vào thăm con đang bị giam trong tù ! Sợ con bị đưa ra toà, bà đã viết giấy bãi nại xin xóa tội cho con. Và trước toà, bà cứ khóc nói : "Từ nhỏ đến khi lớn nó ngoan lắm. Nó không uống rượu, không hút thuốc, xin toà giảm tội !" Rồi bà nức nở tỏ ra ray rứt, ân hận, trách mình : "Tôi không nuôi nó ăn học đến nơi đến chốn. Nó phải đi làm sớm, lúc học xong lớp 8." Hoàn toàn bà không hề nhắc gì đến cái tội tày trời mà đứa con của mình đã mắc phải.

Bên trong phòng xử án, khi bà tỉnh lại, phóng viên Hoàng Chức Nguyên đến xin hỏi chuyện bà, bà lại khóc nói : "Tôi không nói được gì đâu, đau đớn quá." Khi có các phóng viên đến chụp ảnh con bà đang bị một tay còng vào ghế, bà van nài : "Xin đừng chụp ảnh con tôi..." Khi những người công an còng hai tay con bà giải đi, bà đã lao người với theo, bà ngã trong vòng tay của người quen. Lúc ấy phóng viên lại thấy rất rõ một vết thẹo trên trán bà. Vết thẹo do chính tay con bà cầm một thanh gỗ đập vào để lại... (theo Tuổi Trẻ 17-8-1996, trang 2).

Chắc không ai lại không bị đánh động do câu chuyện vừa kể. Một đàng là khối tình quá lớn nơi người mẹ, đàng khác là điều gì đó hơn là sự vô ơn bạc nghĩa về phía người con, có khi những con vật không xử sự với mẹ chúng cách tàn nhẫn đến như vậy ! Nhưng như vậy lại càng làm nổi bật khối tình trước sau như một, vô điều kiện và cho không nơi người mẹ. Thử hỏi do đâu mà người mẹ có được thứ tình yêu cao cả đến như thế ? Ta nên để ý về lời cắt nghĩa của sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo về vấn đề này liên quan tới Thiên Chúa Ba Ngôi như sau :

"Khi gọi Thiên Chúa là "Cha", ngôn ngữ đức tin chủ yếu muốn nêu lên hai khía cạnh : Thiên Chúa là nguồn gốc đầu tiên của mọi sự và là Đấng uy quyền siêu việt, đồng thời là Đấng nhân hậu yêu thương chăm sóc mọi con cái. Nơi Thiên Chúa, tình cha con trìu mến này cũng có thể diễn tả qua tình mẫu tử. Hình ảnh này làm rõ nét hơn tính nội tại của Thiên Chúa, mối thâm tình giữa Thiên Chúa và thụ tạo. Như vậy, ngôn ngữ đức tin được hình thành từ kinh nghiệm về cha mẹ trần thế, những người dưới một khía cạnh nào đó, là đại diện đầu tiên của Thiên Chúa nơi con người. Nhưng kinh nghiệm đó cũng cho thấy là cha mẹ trần thế có thể làm sai lệch và bóp méo hình ảnh làm cha làm mẹ. Cho nên, cần phải nhắc lại là Thiên Chúa vượt trên sự phân biệt phái tính của người phàm. Người không là nam mà cũng không là nữ. Người là Thiên Chúa. Vì Người là nguồn gốc và là chuẩn mực cho chức năng làm cha làm mẹ, nên Người luôn trổi vượt trên cha mẹ trần thế : không ai là cha một cách trọn hảo như Thiên Chúa (GLGHCG,239).

Bạn có tin vui nào để nói với gia đình này ?

Nhưng câu chuyện lại cho thấy một hình ảnh của một gia đình bi đát. Chồng đã bỏ vợ và hai con nhỏ, nay đứa con đầu lòng lớn lên dám đâm chém người mẹ đã sinh ra mình, để rồi lãnh 20 năm tù ! Nếu Thiên Chúa là nguồn gốc đầu tiên của mọi sự và là Đấng uy quyền siêu việt, đồng thời là Đấng nhân hậu yêu thương chăm sóc mọi con cái, Ngài có kế hoạch nào hữu hiệu để cứu vãn gia đình này chăng ? Nếu bạn là người từng tìm hiểu và chia sẻ đời sống Tin Mừng của Đức Kitô, Đấng cứu độ trần gian, chính bạn có tin vui nào để nói với gia đình này, với người mẹ đáng kính, người con ngồi tù, hoặc với người bố đi hoang cần được kêu gọi trở về ? Ở đây không bàn về công tác xã hội nhưng chủ yếu bàn về niềm tin, khởi đi từ niềm tin đối với Thiên Chúa Ba Ngôi.

Nhờ lý trí tự nhiên, con người có thể nhận biết Thiên Chúa cách chắc chắn, dựa vào những công trình của Người. Hãy coi người mẹ trong câu chuyện nói trên là công trình kỳ diệu biết bao về yêu thương. Nhưng còn có một loại nhận biết khác, mà con người không thể đạt tới bằng sức lực của chính mình, đó là loại nhận biết nhờ mạc khải của Thiên Chúa.

Đức Giêsu đã mạc khải cho ta biết Thiên Chúa là CHA theo một nghĩa chưa từng có : Người không chỉ là cha vì là Tạo Hoá, từ muôn thuở Người là Cha trong tương quan với Con duy nhất, Ngôi Con từ muôn thuở cũng chỉ là Con trong tương quan với Ngôi Cha : "Không ai biết Người Con trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha trừ Người Con và kẻ mà Người Con muốn mạc khải cho." (Mt 11,27) - GLGHCG, 240.

Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu báo tin sẽ cử một Đấng Bào Chữa khác, đó là Chúa Thánh Thần. Người tác động từ thuở khai thiên lập địa (x. St 1,2). Người đã dùng các ngôn sứ mà phán dạy (Kinh Tin Kính Nixêa Contantinôpôli). Nay Người sẽ ở lại với và trong các môn đệ (x.Ga 14,17) để dạy bảo (Ga 14,26) và dẫn đưa họ đến sự thật trọn vẹn" (Ga 16,13). Chúa Thánh Thần được mạc khải như một Ngôi Vị Thiên Chúa, khác với Đức Giêsu và với Chúa Cha (GLGHCG, 243).

Mọi người trong gia đình phạm nhân Lương Quốc Tuấn trong câu chuyện, đều cần được vén màn cho thấy Thiên Chúa là hạnh phúc trường cửu, sự sống bất diệt, ánh sáng không tàn lụi. Thiên Chúa là tình thương tràn lan giữa Ba Ngôi vị tựa như sức nóng và ánh sáng tràn lan từ mặt trời. Thiên Chúa tự ý muốn thông chia vinh quang sự sống hạnh phúc của Người. Đó là "kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa từ thuở đời đời" (x.Ep 1,9). Người đã cưu mang kế hoạch đó từ trước khi tạo dựng vũ trụ nơi Con yêu dấu của Người là Đức Giêsu Kitô. "Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử trong Con của Người" (Ep 1,4-5). Ta được mời gọi "trở nên đồng hình đồng dạng với Con của Người" (Rm 8,29) nhờ "Thần Trí làm nên nghĩa tử" (Rm 8,15), kế hoạch này đúng là "ân sủng được trao ban từ muôn thuở" (2Tm 1, 9-10) xuất phát trực tiếp từ tình thương Ba Ngôi. Tình thương này được trải ra trong cuộc sáng tạo, trong toàn bộ lịch sử cứu độ sau khi nguyên tổ sa ngã, trong sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần, Thánh Thần mà sứ mạng Hội Thánh nối tiếp (Sắc lệnh Truyền Giáo AG 2-90).

Chính theo kế hoạch yêu thương của Ba Ngôi mà mọi người trong gia đình phạm nhân Lương Quốc Tuấn, kể cả chính phạm nhân, người bố của phạm nhân và người mẹ đáng mến của anh, đều được mời gọi đạt tới hạnh phúc bất diệt chính họ hằng ao ước. (Lm Augustine, sj. Vietcatholic)

6. Ba Ngôi Thiên Chúa, một cộng đoàn hiệp nhất yêu thương

Người ta kể rằng : Thánh Augustin, một hôm đi bách bộ dọc bờ biển Địa Trung Hải, vừa đi vừa suy nghĩ về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Bỗng nhiên Thánh nhân gặp một em nhỏ lấy vỏ sò múc nước đổ vào một cái lỗ. Đang còn ngạc nhiên về công việc luống công vô ích này, em bé đã trả lời : việc em múc hết nước biển đổ vào lỗ nhỏ, còn dễ hơn điều mà Thánh nhân suy nghĩ về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Rồi em bé biến đi.

Nhớ lại lớp giáo lý xa xưa, ở đó, Chúa Ba Ngôi được ví như một hình tam giác đều, có ba góc bằng nhau. Hay chúng ta cũng được nghe so sánh Chúa Ba Ngôi với nước ở ba thể : khí, lỏng và rắn… Tuy nhiên, tất cả những lối so sánh ấy dường như quá khô khan, vì không phản ánh một cách trung thực và sống động hình ảnh thật sự của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Cách đây vài năm, vào ngày cuối của khoá học về Chúa Ba Ngôi, cha giáo sư hỏi chúng tôi :

- Bây giờ các anh chị đã hiểu mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi chưa ?

Gần như cả lớp đồng thanh :

- Thưa cha hiểu.

Cha bật cười :

- Vậy thì các anh chị giỏi hơn tôi rồi !

Dĩ nhiên, con người giới hạn của chúng ta không thể hiểu thấu mầu nhiệm quá siêu vượt này, nhưng để sống, lại là điều hoàn toàn có thể. Mầu nhiệm Ba Ngôi chính là hình ảnh rất thân quen, rất gần gũi nếu nhìn Ba Ngôi dưới khía cạnh tình yêu. Vâng, Ba Ngôi Thiên Chúa chính là một cộng đoàn hiệp nhất yêu thương. Tình yêu ấy đã không giữ lại cho mình, nhưng đổ tràn vào trần gian. Một tình yêu tràn ngập vũ trụ khi Thiên Chúa Cha dựng nên con người theo hình ảnh của Ngài ; là tình yêu cứu độ, thứ tha qua cái chết nhục nhằn của Chúa Con chí thánh ; là tình yêu thánh hóa, đổi mới trong Thánh Thần. Thánh Gioan đã định nghĩa : Thiên Chúa là tình yêu. Một tình yêu chan hòa, chia sẻ giữa Ba Ngôi : Cha trao cho Con tất cả, Con dâng tất cả cho Cha, tình yêu khắng khít giữa Cha-Con là Thánh Thần. Tình yêu chân thực là tình yêu hiến trao, không phải chỉ là trao quà tặng hay cái gì đó ở bên ngoài mình, nhưng là trao đi điều quý nhất : "Thiên Chúa yêu thế gian, đến nỗi tặng ban cả Con Một…"

Thiết nghĩ không có hình ảnh nào diễn tả đẹp hơn mầu nhiệm Ba Ngôi cho bằng hình ảnh một gia đình : vợ chồng yêu thương nhau và con cái là kết tinh của tình yêu." Mình với ta tuy hai mà một… Ta thương nhau quá nên hai hóa ra thành một". Dù là hai, bốn, mười hoặc nhiều hơn đi nữa, nhưng gia đình, cộng đoàn chúng ta sẽ thực sự phản ánh sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi, nếu chúng ta chỉ có một trái tim để yêu thương, một niềm vui để chia sẻ, một nỗi buồn để cảm thông nâng đỡ, một khát vọng nên thánh… Tiếc rằng ngày nay, nhiều gia đình, cộng đoàn đã không còn là tổ ấm, nhưng biến thành nhà trọ : khách đến rồi khách lại đi, chẳng cần biết những người thân yêu của mình đang nghĩ gì, làm gì, cần gì và sống như thế nào ! Đời sống gia đình nặng nề, khó thở và tẻ nhạt, bởi vì nơi ấy đã không còn tình yêu nữa.

Chợt nhớ lại câu chuyện khá ngộ nghĩnh xảy ra tại một cộng đoàn các sư huynh ở Việt Nam. Cộng đoàn gồm ba vị, người Việt mình thường quen gọi là các "phe" (frère). Lần kia, một nhân viên của sở bưu điện đem thư đến, vừa giao thư vừa lẩm bẩm : "Nhà có ba người thì ba phe, sống chó gì được !" (chỉ là vì trên bì thư, người gởi viết : Kính gởi phe M., phe H., phe B.). Thật là một sự hiểu lầm tai hại !

Chúng ta sẽ mãi còn xa lạ với mầu nhiệm Ba Ngôi, nếu chúng ta còn xa lạ với tình yêu được bắt đầu ngay trong gia đình, cộng đoàn. Gia đình, cộng đoàn chúng ta hãy trở thành một bản nhạc du dương hòa điệu, trong đó mỗi người là một nốt nhạc đã được Thiên Chúa đặt để. Xin đừng tự ý thăng giáng, cũng đừng thay đổi vị trí, vai trò của mình. Hãy sống đúng bổn phận Chúa trao, và như thế, mọi việc chúng ta làm đều bắt nguồn và quy hướng về tình yêu, tình yêu của mầu nhiệm Ba Ngôi mà mỗi ngày chúng ta lặp lại nhiều lần khi làm dấu thánh giá : Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.(Sr Têrêsa, trích từ Vietcatholic)

7. Nhìn thấy Chúa

Một vị vua kia đến cuối cuộc đời cảm thấy buồn chán. Ông nói : "Suốt đời ta, ta đã cảm thụ được tất cả những gì mà một con người có thể cảm thụ được bằng các giác quan. Nhưng vẫn còn một điều ta chưa được thấy, đó là ta chưa thấy Chúa. Bây giờ nếu ta chỉ được nhìn thấy Chúa một thoáng thôi thì ta cũng sẽ mãn nguyện mà chết". Nhà vua tham khảo ý kiến những bậc khôn ngoan, hứa cho họ đủ thứ phần thưởng nếu họ giúp ông thực hiện điều mơ ước ấy. Nhưng chẳng ai giúp được.

Thế rồi có một chàng chăn cừu nghe chuyện trên và tìm đến gặp nhà vua. Chàng nói : "Có lẽ hạ thần có thể giúp Bệ Hạ được". Nhà vua rất sung sướng theo người chăn cừu leo lên nhiều ngọn đồi. Khi đến đỉnh một ngọn đồi nọ, người chăn cừu đưa tay chỉ mặt trời và bảo : "Hãy xem kìa". Nhà vua ngước mắt nhìn lên nhưng liền nhắm lại ngay vì chói quá. Ông bảo : "Nhà ngươi muốn cho ta mù sao !" Người chăn cừu đáp : "Tâu Bệ Hạ, đây chỉ mới là một phần nhỏ của vinh quang Thiên Chúa mà Bệ Hạ còn nhìn không nổi. Thế thì làm sao Bệ Hạ có thể nhìn được Thiên Chúa bằng cặp mắt bất toàn của Bệ Hạ ? Bệ Hạ phải tìm cách nhìn Ngài bằng cặp mắt khác".

Nhà vua rất thích ý tưởng ấy, nói : "Ta cám ơn ngươi đã mở cắp mắt trí khôn của ta. Bây giờ hãy trả lời cho câu hỏi khác của Ta : Thiên Chúa sống ở đâu ?" Người chăn cừu lại đưa tay chỉ lên trời : "Bệ Hạ hãy nhìn những con chim đang bay kia. Chúng sống trong bầu không khí bao quanh. Chúng ta cũng thế, chúng ta sống trong sự bảo bọc của Thiên Chúa. Xin Bệ Hạ đừng tìm kiếm nữa, mà hãy mở rộng mắt ra để nhìn, mở tai ra để nghe. Thế nào Bệ Hạ cũng thấy được Ngài. Thiên đàng ở ngay dưới chân chúng ta cũng như ở ngay trên đầu chúng ta".

Nhà vua dừng bước, cố gắng nhìn, cố gắng lắng nghe. Thế là một cảm giác bình an lộ rõ trên khuôn mặt buồn thảm của ông. Người chăn cừu nói tiếp : "Tâu Bệ Hạ, còn một điều nữa". Rồi chàng dẫn nhà vua đến một cái giếng. Nhà vua nhìn xuống mặt nước bằng phẳng, hỏi : "Ai sống dưới đó thế ?" Người chăn cừu đáp : "Thiên Chúa". "Ta có thể nhìn thấy Ngài không ?" "Được chứ, Bệ Hạ chỉ cần nhìn". Nhà vua chăm chú nhìn xuống giếng, nhưng chỉ thấy gương mặt của mình phản chiếu trên mặt nước. Ông nói : "Ta chỉ thấy mặt Ta thôi". Người chăn cừu giải thích : "Bây giờ thì Bệ Hạ đã biết Thiên Chúa sống ở đâu rồi. Ngài sống trong Bệ Hạ đó".

Nhà vua nhận ra rằng người chăn cừu khôn ngoan và giàu có hơn ông. Ông cám ơn chàng và trở về hoàng cung. Chẳng ai biết ông có nhìn thấy Thiên Chúa không, nhưng ai cũng nói rằng có một điều gì đó đã biến đổi trái tim ông, bởi vì từ đó trở đi ông đối xử rất nhân hậu với mọi người, kể cả người đầy tớ hèn hạ nhất của ông.

Thiên Chúa ở khắp chung quanh chúng ta. Nhưng chừng nào chúng ta chưa khám phá Ngài ở ngay trong lòng chúng ta thì Ngài như vẫn còn ở xa, vẫn như một người lạ thờ ơ vô tình. Còn khi chúng ta cảm nhận Ngài ở trong chúng ta thì không bao giờ chúng ta còn cảm thấy cô đơn nữa, và khi đó chúng ta sẽ nhìn thấy thiên nhiên là một công trình của một Đấng Nghệ Sĩ thân thiết của chúng ta.

Thiên Chúa Ba Ngôi vừa ở trong chúng ta vừa siêu vượt chúng ta. Đúng là một mầu nhiệm, nhưng là một mầu nhiệm tình yêu. (FM)

8. Những hình ảnh của Thiên Chúa

Người Châu Phi có một câu chuyện sau đây về Thiên Chúa :

Một hôm Thiên Chúa đi thăm châu lục rộng lớn này và Ngài thấy có một bộ lạc bị mất đức tin. Thế là Ngài hiện ra giữa một mảnh ruộng đang có 4 người làm việc, mỗi người một góc. 4 người này thấy Chúa hiện ra giữa mảnh ruộng. Họ chăm chú nhìn Ngài rồi phục mình thờ lạy.

Sau đó Thiên Chúa biến hình rồi xem sự việc sau dó diễn tiến thế nào. 4 người kia chạy vào làng và nói rằng : đúng là có Thiên Chúa vì họ đã thấy Ngài hiện ra. Từ này về sau chúng ta đừng sống vô thần nữa mà phải lo thờ phượng Chúa. Mọi người nghe đều tin là Thiên Chúa đã hiện ra thật. Nhưng một người hỏi : "Thế thì Thiên Chúa mặc áo màu gì ?"

- Ngài mặc áo đỏ. Người thứ nhất trả lời.

- Không, Ngài mặc áo xanh. Người thứ hai cãi lại.

- Hai đứa bây sai cả. Ngài mặc áo màu lục. Người thứ ba nói thế.

- Tất cả đều điên hết rồi. Người thứ tư la to. Ngài mặc áo vàng.

Thế là mọi người cãi nhau chí choé, rồi ấu đả nhau. Cuối cùng bộ lạc chia thành 4 phe.

Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy mọi người dân bộ lạc ấy đều sai lầm. Thực ra mỗi người chỉ thấy một thoáng về Thiên Chúa. Lẽ ra mỗi người phải biết rằng mình chỉ thấy được một phần thì họ cho rằng họ thấy toàn vẹn. Nếu như họ biết lấy cái nhìn của người khác để bổ sung cho cái nhìn của mình thì họ sẽ có một hình ảnh đầy đủ và phong phú hơn về Thiên Chúa.

Thiên Chúa lớn hơn tất cả chúng ta. Chúng ta không bao giờ hiểu biết trọn vẹn về Ngài. Để hiểu biết những sự dưới thế chúng ta còn phải cố gắng rất nhiều, thế thì làm sao chúng ta nắm bắt được những sự trên trời. Chỉ có ơn ban khôn ngoan mới giúp chúng ta hiểu được đường lối của Thiên Chúa. Con người có thể biết những chân lý đức tin, nhưng không thể hiểu biết chính Thiên Chúa.

Cần phải có một hình ảnh đúng đắn về Thiên Chúa, nếu không thì mọi sự sẽ lạc hướng cả. Làm sao chúng ta có thể thờ phượng Ngài cho phải đạo hoặc có một liên hệ đúng đắn với Ngài nếu chúng ta có một hình ảnh sai lạc về Ngài ?

Muốn biết Thiên Chúa là thế nào, chúng ta hãy nhìn vào Chúa Giêsu, vì, như Thánh Phaolô nói, "Ngài là hình ảnh Thiên Chúa vô hình". Vậy, Chúa Giêsu ra sao ? Trong mọi hình ảnh Chúa Giêsu, hình ảnh đẹp nhất là Mục Tử nhân lành. Chính Chúa Giêsu đã mô tả mình bằng hình ảnh này. Chúa Giêsu là Mục tử nhân lành, hiến mạng sống mình cho đàn chiên. Trong hình ảnh Chúa Giêsu, chúng ta thấy được tình thương Thiên Chúa dành cho chúng ta.

Còn Chúa Thánh Thần thì thế nào ? Chúa Thánh Thần chính là tình thương giữa Chúa Cha với Chúa Con, và giữa các Đấng với chúng ta.

Mầu nhiệm Ba Ngôi không phải là vấn đề để tranh luận, cũng không phải là vấn đề để học biết, mà là để cầu nguyện và để sống. Kitô hữu sống trong thế giới của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Thế giới này không phải là một thế giới ở đâu xa xôi, mà chính là thế giới mà ta sống hằng ngày. Như câu chuyện của Châu Phi vừa kể phía trên, thế giới ấy là thế giới mà Thiên Chúa tỏ mình ra cho chúng ta. (FM)

V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI

Chủ tế : Anh chị em thân mến, chúng ta cùng dâng lên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh thần lời khẩn cầu cho Hội thánh là Mẹ chúng ta và cho toàn thể thế giới :

1. Hội thánh là dấu chỉ tình yêu của Chúa dành cho muôn dân / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho Hội thánh / luôn hiệp nhất trong yêu thương và chân lý vẹn toàn.

2. Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho hết thảy mọi người / nhận biết Chúa là Cha nhân hậu từ bi.

3. Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu độ duy nhất của trần gian / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những ai thành tâm đi tìm Chúa / đều được hạnh phúc gặp Người.

4. Chúa Thánh thần là Đấng Thánh hóa nhân loại / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa ban Thánh thần cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / để Người giúp chúng ta nên thánh trong bổn phận thường ngày.

Chủ tế : Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi toàn năng hằng hữu, xin nhậm lời chúng con cầu nguyện và ban cho chúng con luôn cố gắng sống xứng đáng với tình thương hải hà của Chúa. Chúng con cầu xin

VI. TRONG THÁNH LỄ

- Chủ tế chú ý nhấn mạnh tất cả những đoạn kết của các lời cầu nguyện có công thức Ba Ngôi.

- Trước kinh Lạy Cha : Lời kinh Lạy Cha sau đây, chúng ta hãy cố gắng đọc lên với cả tâm tình con thảo như Chúa Giêsu và do Chúa Thánh Thần khơi lên trong lòng chúng ta.

VII. GIẢI TÁN

Chúng ta đã dâng Thánh lễ tôn kính Thiên Chúa Ba Ngôi đầy tình yêu thương. "Xin chúc anh chị em được đầy ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần".

LỄ KÍNH MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KITÔ

CHỦ ĐỀ :

Mình và Máu Chúa Giêsu
LÀ LƯƠNG THỰC CHO LOÀI NGƯỜI

Phép lạ hóa bánh ra nhiều

(Lc 9,11-17)

Sợi chỉ đỏ :

- Bài đọc I (St 14,18-20) : Thầy cả Melkixêđê dâng bánh rượu cho ông Abraham.

- Đáp ca (Tv 109) : ca tụng Đức Kitô là Thượng Tế.

- Tin Mừng (Lc 9,11-17) : Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều

- Bài đọc II (1 Cr 11,23-26) : Tường thuật việc Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể.

Minh họa

- Mille images 60 A

- Phép lạ hóa bánh ra nhiều (Lc 9,11-17)

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Anh chị em thân mến

Thánh lễ là Bàn tiệc. Rước lễ là ăn uống chính Mình và Máu Thánh Chúa, thứ lương thực tuyệt hảo nuôi sống và bổ dưỡng linh hồn chúng ta. Nếu linh hồn chúng ta yếu, Mình Máu Thánh Chúa sẽ bổ sức cho mạnh ; nếu ta đang chán nản, Chúa sẽ ban lại cho ta niềm hy vọng ; nếu chúng ta cảm thấy người khác khó thương, Ngài sẽ ban thêm cho ta lòng mến.

Chúng ta hãy sốt sắng tham dự Thánh Lễ này, nhất là sốt sắng rước Chúa vào lòng để cho Ngài nuôi dưỡng linh hồn chúng ta.

II. GỢI Ý SÁM HỐI

- Chúng ta lo tìm lương thực phần xác hơn là lương thực phần hồn.

- Chúng ta cùng tham dự một bàn tiệc Chúa, cùng ăn một thứ lương thực là Mình Máu Chúa, nhưng chúng ta không đoàn kết yêu thương nhau.

- Chúng ta được nuôi dưỡng bằng bánh bởi trời, nhưng chúng ta còn quá lo lắng trước những khó khăn trần thế.

III. LỜI CHÚA

1. Bài đọc I (St 14,18-20) :

Văn mạch của câu chuyện này là Abraham vừa mới chiến thắng liên minh nhiều vua trong vùng (xem St 14,1-16).

Hay tin ấy, Melkisêđê, vừa là vua vừa là tư tế thành Salem, đã đem lễ vật gồm bánh và rượu tới dâng cho Abraham để chúc mừng ông ; đồng thời Melkisêđê cũng nhân danh Thiên Chúa tối cao chúc lành cho Abraham.

Phần Abraham. mặc dù lúc ấy ông đã hùng mạnh, nhưng ông cũng bày tỏ lòng thần phục vị Tư Tế của Thiên Chúa, nên đã nộp cho vị này một phần mười tất cả các chiến lợi phẩm.

2. Đáp ca (Tv 109)

Tv 109 ca tụng Đấng Messia như một vì vua thống trị tất cả các vua trên mặt đất.

Câu đáp "Con là Thượng tế đến muôn đời theo phẩm hàm Melkisêđê" lại cho thấy Vua Messia ấy còn là Thượng tế nữa.

Cả hai tước hiệu Vua và Thượng Tế đều được áp dụng cho Chúa Giêsu.

3. Tin Mừng (Lc 9,11-17) :

Phép lạ hóa bánh ra nhiều.

Cách viết của thánh Luca chứa nhiều ngụ ý :

- Ngụ ý nhắc lại phép lạ manna ngày xưa : nơi diễn ra phép lạ là "sa mạc", một đám đông dân chúng đang đói, họ đã được ban cho một thứ bánh phép lạ, dư lại 12 thúng tương đương con số các chi tộc Israel à Như thế, phép lạ này tái diễn phép lạ manna trong sa mạc ngày xưa và còn trổi vượt hơn phép lạ xưa ấy nữa.

- Ngụ ý ám chỉ bí tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu sẽ lập : thời điểm diễn ra là "khi đã xế chiều" (giống bữa tiệc ly), những cử chỉ của Chúa Giêsu "cầm lấy", "nhìn lên", "chúc tụng", "bẻ ra" và "chia" (giống những cử chỉ Chúa Giêsu làm khi lập phép Thánh Thể).

Tóm lại, phép lạ hóa bánh ra nhiều này nhắc lại phép lạ manna ngày xưa và là hình ảnh tiên báo về Bí tích Thánh Thể.

4. Bài đọc II (1 Cr 11,23-26) :

Thời đó, tín hữu có thói quen cử hành "bữa tiệc Thánh Thể" (Cena) trong khung cảnh một "bữa ăn huynh đệ" (agape). Ý nghĩa của bữa Cena là như sau : mỗi khi họp nhau để cử hành Thánh Thể, các tín hữu đem theo của ăn thức uống góp chung lại, một phần để giúp những anh em nghèo túng, phần còn lại chia nhau dùng chung.

Nhưng ở Côrintô những người giàu đã vội vàng ngồi vào bàn và ăn uống trước không chờ những người nghèo. Tệ hơn nữa, những bữa ăn ấy lại là dịp cho họ nhậu nhẹt say sưa.

Để sửa tệ nạn ấy, Thánh Phaolô nhắc lại truyền thống bữa Tiệc ly của Chúa. Ở đây, Phaolô trích dẫn một bản văn phụng vụ về việc Chúa lập bí tích Thánh Thể. Đây là một tài liệu rất quý giá (cc 23-27). Sau đó (cc 28-34) ngài khuyến khích họ cử hành Thánh Thể một cách xứng đáng và đúng nghĩa. Tham dự cách bất xứng là tham dự Thánh Thể mà không quan tâm đến việc chia xẻ với những anh em nghèo túng, không nhận biết cộng đoàn Giáo Hội là thân mình của Đức Kitô được xây dựng trong tiệc Thánh Thể (ý nghĩa kiểu nói "phân biệt được Thân mình").

IV. GỢI Ý GIẢNG

1. Lễ Tạ Ơn

Theo nguyên ngữ, Eucharistia, Thánh lễ là một lễ Tạ ơn. Ý nghĩa này rất rõ trong các bài đọc hôm nay :

- Tư tế Melkisêđê hay tin Abraham chiến thắng thì đã "chúc tụng Thiên Chúa" (bài đọc I). Chúc tụng là một cách tạ ơn.

- Abraham nộp cho vị Tư Tế của Thiên Chúa một phần mười tất cả các chiến phẩm cũng là để bày tỏ tâm tình tạ ơn (bài đọc I).

- Khi Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể, Ngài cũng "cầm lấy bánh và tạ ơn" (bài đọc II)

- Khi Ngài làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, hình ảnh tiên báo Bí tích Thánh Thể, Ngài cũng "cầm lấy, ngước mắt nhìn lên trời và chúc tụng" (chúc tụng là tạ ơn) (bài Tin Mừng).

Nhưng ngày nay khi chúng ta dự Thánh lễ, hầu như chúng ta chỉ biết xin ơn mà quên tạ ơn.

Có biết bao điều ta có thể tạ ơn Chúa mỗi khi tham dự Thánh Lễ.

2. Những điều tầm thường trở thành phi thường

Trong các bài đọc hôm nay, chúng ta thấy nhiều điều rất tầm thường trong cuộc sống bình thường : bánh, rượu, ăn, uống, cầm, bẻ ra, chia…

Nhưng Melkisêđê đã dùng bánh và rượu ấy để làm lễ tế ; Chúa Giêsu cũng dùng bánh và rượu để biến thành Mình và Máu Ngài. Và Chúa Giêsu đã làm việc đó bằng những cử chỉ bình thường như cầm lấy, bẻ ra, trao…

Trong Thánh lễ, tất cả những điều bình thường và thậm chí tầm thường đều có thể trở thành phi thường, cao cả, thánh thiện.

Vậy mỗi khi tham dự Thánh lễ, chúng ta hãy đến với những sự tầm thường và thánh hóa chúng thành những điều phi thường. Thí dụ : mồ hôi, nước mắt, việc làm, tâm tư, nguyện ước….

3. Quen thuộc hóa

Linh mục Walter Ciszek bị quân Nga bắt trong thế chiến thứ hai. Ngài bị kết tội là "Gián điệp Vatican" và phải qua 23 năm trong tù và trong các trại lao động Sibêrica. Cuối cùng, khi ra khỏi tù, Ngài viết lại một quyển sách về những kinh nghiệm của mình và đặt tựa cho nó là : "He Liadeth me" (Ngài dẫn dắt tôi)

Một số câu chuyện cảm động trong cuốn sách nói về những hy sinh mà các tù nhân phải chịu để được nhận lãnh Mình Thánh Chúa Kitô ở trong tù. Đặc biệt có một câu chuyện đáng ghi nhớ. Trước khi chia sẻ câu chuyện này với anh chị em, tôi xin trình bày bối cảnh của câu chuyện :

Vào những ngày xảy ra thế chiến thứ hai, tức là trước Công Đồng Vatican II, giáo luật buộc kiêng ăn uống suốt 24 giờ đồng hồ trước khi rước lễ. Xin lưu ý điều này khi đọc đoạn văn sau trích từ quyển sách của Linh mục Ciszek :

"Tôi thấy các tù nhân phải bỏ bớt giấc ngủ cần thiết và thức dậy trước chuông rung để tham dự thánh lễ bí mật. Chúng tôi sẽ bị trừng trị nghiêm khắc nếu bị khám phá đang hành lễ và luôn luôn lúc nào cũng có những tên chỉ điểm… Tất cả điều trên khiến cho những thánh lễ có đông tù nhân trở nên rất khó khăn, vì thế khi có thể chúng tôi thường truyền phép thêm bánh lễ để phân phối cho các tù nhân khác. Đôi khi chúng tôi thường chỉ trông thấy họ khi chúng tôi trở về trại vào ban tối trước bữa ăn. Tuy vậy, những người này thường phải thực sự nhịn đói cả ngày và phải lao động cật lực mà không dám ăn một miếng kể từ bữa ăn tối chiều hôm trứơc chỉ với mục đích là để có thể rước Thánh Thể, điều này cho thấy Bí Tích Thánh Thể có ý nghĩa với họ biết là dường nào !" (Trích từ He Leadeth me của Walter Ciszek và Daniel Fatherly, bản 1973 của Walter J. Ciszek S. J).

Nói cách khác, trường hợp các tù nhân có thể sánh hệt như vào giờ này hôm qua đến giờ này hôm nay anh chị em và tôi chẳng hề ăn uống gì cả, đồng thời chúng ta lại đang phải lao động vất vả trong thời tiết dưới không độ. Điều ấy cho thấy sự rước lễ có ý nghĩa biết bao đối với Linh Mục Ciszek và các tù nhân của Ngài.

Câu chuyện trên thật thích hợp với lễ Mình Thánh Chúa Kitô hôm nay. Hai tiếng La Tinh "Corpus Christi" có nghĩa là "Thân Thể Chúa Kitô"… Vào dịp lễ Mình Thánh Chúa Kitô này, chúng ta tôn vinh thân xác Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể.

Tại sao chúng ta dành riêng một ngày đặc biệt để tôn vinh "Mình Thánh" Chúa Kitô ? Chúng ta đã chẳng tôn vinh Mình Thánh Chúa Kitô vào mỗi khi dâng Thánh lễ sao ? Vậy tại sao lại có ngày dành riêng đặc biệt này ?

Lý do chúng ta mừng lễ Mình Thánh Chúa Giêsu cũng chính là lý do khiến chúng ta mừng ngày dành riêng cho các bậc làm cha hôm nay. Bởi khuynh hướng con người chúng ta thường xem những tặng phẩm đặc biệt là điều dĩ nhiên, chẳng hạn như thân mình Chúa Giêsu hoặc các người bố của chúng ta.

Một trong những bi kịch lớn nhất của cuộc đời chúng ta thường đánh mất sự quí trọng đối với một vài tặng phẩm quí giá nhất mà chúng ta đang có. Tại sao vậy ? Các nhà tâm lý học cho chúng ta hay là nếu chúng ta cứ phải chú ý đến từng âm thanh chúng ta nghe hoặc từng mầu sắc chúng ta thấy thì chắc chắn chúng ta sẽ phát điên lên. Vì thế để bảo vệ chúng ta khỏi sự điên khùng này, chúng ta liền thích ứng với những âm thanh và mầu sắc này, chúng ta đóng khung chúng khỏi ý thức mình. chẳng hạn, nếu chúng ta nghe ai đó đánh máy trong phòng bên cạnh thì chúng ta sẽ để cho lỗ tai làm quen với âm thanh ngay. Các nhà tâm lý học gọi tiến trình này là "Quen thuộc hoá" (habituation).

Tuy nhiên cũng có mặt trái của sự quen thuộc này. Bởi vì chúng ta thường dễ có khuynh hướng làm ngơ trước mọi sự, chẳng hạn những buổi mặt trời lặn, những bông hoa, bè bạn, các bà mẹ, các ông bố và ngay cả Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Chúng ta đánh mất sự quý chuộng và sự biết ơn về những điều ấy. Chúng ta xem đó như những điều đương nhiên.

Sự quen thuộc hoá này là một trong những lý do quan trọng khiến môn Thiền đã trở nên khá phổ biến. Mục đích của việc thiền định là giúp chúng ta tiêu trừ "sự quen thuộc hoá" này. Nó giúp chúng ta ý thức trở lại vẻ đẹp của hoàng hôn, của bông hoa, của bè bạn. Trong thiền định, người ta cố gắng tập trung chú ý vào một đối tượng thân thuộc, chẳng hạn một bông hoa, như thể lần đầu tiên người ta trông thấy nó ; hoặc tập trung vào một kẻ mình yêu mến chẳng hạn ông bố của mình như thể đây là lần sau cùng mình trông thấy ông và ao ước cho hình ảnh ông ấy trường tồn mãi trong tâm trí.

Điều này dẫn chúng ta đến với Mình Thánh Chúa Kitô. Lễ Mình Thánh Chúa Kitô đưa ra cho chúng ta lời mời gọi lẫn thách thức.

Trước hết là lời mời gọi. Mình Thánh Chúa Kitô mời gọi chúng ta tự vấn xem việc rước lễ có ý nghĩa gì với chúng ta ? Chúng ta còn trân trọng việc ấy nhiều như khi chúng ta rước lễ lần đầu không ? Việc rước lễ có ý nghĩa đối với chúng ta nhiều như đối với các tù nhân trong cuốn sách của Linh Mục Ciszek không ?

Nếu câu trả lời của chúng ta là không thì chúng ta sẽ gặp phải một lời thách thức. Đây cũng là lời thách thức dành cho các bậc làm bố đặt ra cho chúng ta. Thách thức đó là : "Làm thế nào chúng ta có thể tìm lại được sự quí chuộng đối với phép Thánh Thể cũng như sự quí chuộng đối với bố mình ? Làm thế nào chúng ta có thể phấn khích trở lại về cả hai tặng phẩm ấy ?"

Một phương cách giúp chúng ta làm được điều đó là bắt chước các thiền sư. Chúng ta cố gắng suy niệm về Mình Thánh Chúa Kitô như thể lần đầu tiên chúng ta khám phá ra mầu nhiệm này.

Cách đây một ít năm, bà Emilie Griffin làm nghề quảng cáo ở Nữu Ước đã trở lại đạo Công Giáo. Bà có viết một cuốn sách hấp dẫn tựa đề Turning (Trở lại), trong đó bà bàn về lý do lôi kéo bà đến với đạo Công Giáo như sau :

"Lòng sùng mộ gia tăng đối với phép Thánh Thể và niềm tin vào việc Chúa hiện diện thực sự đã lôi kéo tôi đến nhà các nhà thờ thuộc Công giáo Rôma và trong khi lòng sùng mộ phép Thánh Thể càng gia tăng thì tôi lại càng bị lôi cuốn đến với Công giáo Rôma".

Như thế, chúng ta nên cố gắng suy niệm về bí tích Thánh Thể theo gương Emilie Griffin khi bà khám phá ra mầu nhiệm khôn dò này ngay trong lần đầu tiên.

Tôi xin được phép kết thúc bài giảng với hai gợi ý sau.

Thứ nhất, trong tuần lễ sắp tới, anh chị em hãy gia tăng lời cảm tạ Chúa Giêsu vào giờ kinh nguyện hằng ngày vì Ngài đã tặng ban Máu Thịt Ngài làm quà cho chúng ta.

Thứ đến, kể từ nay trong giờ lễ mỗi khi bước ra khỏi hàng ghế để lên nhận Mình Thánh Chúa, anh chị em hãy tập trung ý nghĩ một cách đặc biệt vào Đấng mà anh chị em sắp lãnh nhận khi thừa tác viên Bí tích Thánh Thể nâng Bánh Thánh lên nói : "Mình Máu Chúa Kitô". Bởi vì :

Anh chị em sắp lãnh nhận thân xác sống động của Chúa Kitô.

Anh chị em sắp lãnh nhận chính Chúa Giêsu đã sinh ra ở Belem.

Anh chị em sắp lãnh nhận chính Chúa Giêsu đã chết trên thập giá.

Anh chị em sắp lãnh nhận chính Chúa Giêsu phục sinh từ cõi chết.

Khi anh chị em suy nghĩ về điều này, chắc chắn anh chị em khó thể nào tin nổi vì điều ấy thật khó mà tưởng tượng được, tuy nhiên nhờ đức tin chúng ta biết rằng điều ấy quả có thực. Chỉ một mình Thiên Chúa giàu lòng yêu thương mới có thể ban cho chúng ta một quà tặng khôn tưởng như thế. (Vietcatholic)

4. Lương thực thần linh

Một số anh chị em dự tòng sau khi được học hỏi về sự cao quý, về tầm quan trọng và về sự cần thiết của thánh lễ cũng như của bí tích Thánh Thể đã đưa ra câu hỏi : Nếu thánh lễ và mầu nhiệm Thánh Thể cao quí và cần thiết cho đời sống thiêng liêng như vậy, thì tại sao nhiều người công giáo lại không đi dâng lễ, hay nếu có đi thì lại ngồi ở ngoài hút thuốc, nói chuyện, chơi giỡn và hầu như không bao giờ rước Mình Thánh Chúa ?

Một câu hỏi quả là gây nhức nhối và rất đáng để những người mang danh là Kitô hữu phải suy nghĩ. Có lẽ ta khó có thể tìm được một lý do nào chính đáng để trả lời cho thắc mắc này ngoài việc nhận thực rằng : tại do yếu kém về giáo lý, do thiếu hiểu biết về Chúa, về những gì Người đã dạy và đã làm, do thiếu ý thức về những sự thánh thiêng, do thiếu trưởng thành trong đời sống đạo nên mới xảy ra những trường hợp như vậy. Vì thiếu hiểu biết nên không thấy được sự cao quí và tầm quan trọng của việc dâng lễ và việc rước Thánh Thể. Những người này coi việc đi dâng lễ ngày Chúa Nhật chỉ là một khoản luật phải giữ để khỏi có tội, để khỏi bị phạt mà thôi. Họ không ý thức rằng : thánh lễ và Thánh Thể là những điểm hẹn để họ gặp gỡ Thiên Chúa là Cha của mình. Họ cũng không biết rằng đây là cơ hội rất quý báu để có thể kín múc lấy nguồn sự sống, nguồn ân sủng cần thiết cho cuộc đời.

Thánh lễ và bí tích Thánh Thể không do Hội Thánh, không do bất cứ ai bịa đặt ra, nhưng là do chính Chúa Kitô thiết lập. Thánh lễ ngày nay tái diễn và làm sống lại thánh lễ Chúa Kitô đã dâng khi xưa trên thánh giá để tiếp tục chuyển thông ơn cứu rỗi cho mọi người, mọi thời và mọi nơi. Và thánh Thể chính là lương thực nuôi sống linh hồn ta trong hành trình làm người, cũng là hành trình đi về quê hương trên trời. Chúa Giêsu đã nói đi nói lại nhiều lần : "Thịt tôi thật là của ăn, máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì sẽ được sống đời đời" (Ga 6,54-55). Ngay cả khi Người biết rõ ràng rằng : Khi Người nói ra những điều ấy, người ta sẽ không tin, sẽ nhạo cười và sẽ bỏ đi, Người vẫn cứ nói. Điều đó cho thấy vấn đề Chúa Giêsu nói ra quan trọng và cần thiết như thế nào.

Con người không chỉ có thân xác nhưng còn có linh hồn. Và mục đích của đời sống làm người không chỉ là sự no đủ cơm áo phần xác mà còn là sự no đủ của đời sống tâm linh nữa : "Người ta sống không chỉ bởi bánh" (Lc 4,4).

Thiết tưởng mỗi người chúng ta đang hiện diện nơi đây đều có dư khả năng để nhận thức điều này. Vấn đề còn lại là thái độ của chúng ta đối với thánh lễ và Thánh Thể như thế nào mà thôi. (Sưu tầm)

5. Bí tích tình yêu

Trái bom nguyên tử đầu tiên đã nổ tại Hiroshima ngày 6 tháng 8, 1945. Năm giờ rưỡi sáng hôm sau, một thánh lễ được cử hành ở ngoại ô thành phố giữa những nạn nhân nằm la liệt.

Linh mục giám đốc tập viện Dòng Tên mở cửa nguyện đường đón nhận họ và tìm cách săn sóc họ. Về sau, khi đã trở nên Bề Trên Cả Dòng Tên, cha giám đốc tập viện Pedro Arrupe kể lại cảnh tượng sáng hôm đó như sau : "Nguyện đường tập viện chúng tôi phân nửa đã bị tàn phá, khi ấy tràn ngập những người bị thương do bom nguyên tử. Họ nằm la liệt bên nhau trên nền nhà, co quắp lại, bị đau khủng khiếp. Tôi khởi sự dâng thánh lễ, ráng tập trung trong một thế giới chẳng hiểu biết gì về những điều đang thực hiện trên bàn thờ. Họ là người ngoại đạo chưa hề dự một thánh lễ. Tôi không thể nào quên được cử chỉ tôi làm khi hướng về họ và nói : Chúa ở cùng anh chị em, giữa cảnh họ đang chịu đau đớn. Tôi hầu như bị tê liệt với hai tay giang ra mà tôi nghĩ tới thảm kịch con người dùng tiến bộ khoa học và kỹ thuật để tiêu diệt loài người. Đáp lại là những cặp mắt của những nạn nhân đang chờ nguồn an ủi nào đó từ bàn thờ giữa cảnh họ đang hấp hối và tuyệt vọng (...)

Sáu tháng sau, tất cả các nạn nhân được chữa trị đều trở về nhà, chỉ trừ hai người đã chết. Nhiều người trong số họ đã chịu Phép Rửa và ai thì cũng được biết thế nào là đức Ái Kitô giáo (...)

Bí Tích Thánh Thể - Dấu chỉ hữu hình của Tình Yêu siêu việt

Bí Tích Thánh Thể lại một lần nữa làm cho tôi kinh ngạc và cúi đầu thán phục trước sáng kiến vĩ đại của mầu nhiệm Nhập Thể, một sáng kiến chỉ có thể là sáng kiến của Tình Yêu. Chính để cứu chuộc con người mà Thiên Chúa đã nên một Con Người như ta. Chính để trao ban Sự Sống Đích Thực cho ta, mà Ngài đã trở nên của ăn thật sự, cụ thể cho ta. Điều kỳ diệu là sức sống thiêng liêng lại có thể ban cho ta qua Bàn Tiệc rất hữu hình và cụ thể. Ta không chỉ ăn Đức Giêsu cách biểu tượng và mầu nhiệm, mà còn một cách thực sự hữu hình và vật chất. Đó chính là sự kỳ diệu của Bí Tích vậy. Hội Thánh của Đức Giêsu được nuôi dưỡng bởi chính những dấu chỉ hữu hình đó. Thán phục trước sự kỳ diệu đó, tôi thấy mình được mời gọi yêu mến Hội Thánh, Thân Thể Mầu Nhiệm của Đức Giêsu hơn, với những phương tiện hữu hình, giới hạn nhưng đem lại sức sống dồi dào của Mẹ Thánh.

Đức Giêsu ban sự sống cho ta không với tư cách một người ban phát từ bên ngoài, nhưng Ngài tự nguyện trở thành của ăn cho ta. Đó là một hành vi tự nguyện tiêu tan đi, để cho kẻ khác nhờ đó mà được sống, tựa như hạt giống kia mục nát đi để đem lại sự sống cho vô số hạt khác. Một hành vi phục vụ đúng nghĩa. Tôi tự hỏi mình đã có một ước muốn phục vụ đích thực theo nghĩa là dám tự nguyện quên mình để nghĩ đến lợi ích người khác hay chưa.

Bí Tích Thánh Thể là Bí Tích của sự hiệp thông. Thánh Thể hiện diện nơi Nhà Tạm là trung tâm của cộng đoàn tụ họp lại trong tình huynh đệ, dâng lên Cha hiến lễ chính Người Con. Vì Hội Thánh là Nhiệm Thể của Đức Kitô, nên khi dâng lên Cha Người Con, cộng đoàn tụ họp cũng dâng lên Cha chính mình với tư cách là Hội Thánh, Thân Mình của Đức Kitô vậy. Và khi cử hành Bàn Tiệc Thánh, cộng đoàn cũng cử hành mầu nhiệm hiệp thông vậy. Làm cho tôi được kết hợp với Đức Giêsu Phục Sinh, Bí Tích Thánh Thể còn liên kết tôi với anh chị em khác vốn cũng đang mang Đức Giêsu trong mình : bởi vì họ cũng được Ngài yêu mến, hiến thân cho. Liệu tôi có thể yêu mến Đức Giêsu đích thực không khi tôi chẳng yêu thương những người mà chính Ngài yêu thương đến nỗi hiến mạng vì họ ? Nếu tôi yêu mến Thánh Thể của Đức Giêsu, thì liệu tôi có sẵn sàng quan tâm, săn sóc những thành phần đau yếu nghèo đói, bị bỏ rơi của Nhiệm Thể Ngài là Hội Thánh chăng ? Còn biết bao anh chị em trong cùng Thân Thể với tôi đang rên xiết dưới sức nặng của đau khổ và cần tôi giúp đỡ và yêu mến. Chính Bí Tích Thánh Thể là nguồn sức mạnh khiến tôi có khả năng yêu mến và thể hiện Tình Yêu đó cho anh chị em tôi. (Lm Augustine, sj. Vietcatholic)

6. "Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy"

Đôi khi chúng ta bị coi thường. Điều này thật đau buồn. Chúng ta thấy việc mình làm chẳng ai biết tới, và ngay chính bản thân chúng ta cũng bị đối xử như chẳng có gì đáng chú ý.

Nhưng tệ hơn nữa là chúng ta bị quên lãng. Điều này còn đau buồn hơn. Người ta quên chúng ta có nghĩa là không chỉ người ta không coi trọng chúng ta mà còn coi như chúng ta không có.

Bởi vậy ai cũng cố gắng làm cho người ta nhớ tới mình. Có câu nói rằng điều đáng sợ nhất không phải là chết mà là bị bỏ quên.

Chúa Giêsu cũng thế. Ngài muốn chúng ta nhớ tới Ngài. Vì thế trong đêm trước khi chịu chết, Ngài đã ngồi xuống cùng ăn với các môn đệ, rồi cầm lấy bánh và nói : "Này là Mình Thầy được ban cho các con". Rồi Ngài cầm lấy chén rượu và nói : "Này là chén Máu Thầy… Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy".

Dĩ nhiên Chúa muốn các môn đệ nhớ đến Ngài không phải chỉ vì ích lợi cho Ngài mà vì ích lợi cho chính họ. Họ cũng cần nhớ đến Ngài nữa. Vì yêu thương họ nên Ngài đã để lại một cách đặc biệt để nhớ đến Ngài, đó là Bí tích Thánh Thể.

Mỗi lần chúng ta cử hành Bí tích Thánh Thể là chúng ta nhớ lại một số lời Ngài nói và một số việc Ngài làm. Chúng ta suy gẫm những điều đó và cố gắng thực hành trong đời sống.

Mỗi lần chúng ta nhớ đến Ngài bằng cách đó thì Ngài trở nên hiện diện gần gũi với chúng ta, tuy không hiện diện hữu hình nhưng là hiện diện thực sự.

Nhờ cử hành bí tích Thánh Thể, một mối dây yêu thương nối kết chúng ta lại với Ngài, kết quả là chúng ta có khả năng đi vào sự thân mật sâu đậm với Ngài, sâu đậm hơn cả khi Ngài hiện diện hữu hình. Chúng ta không chỉ thông giao với Ngài, mà còn hiệp thông với Ngài nữa, một sự hiệp thông thánh thiện.

Nhớ là một khả năng quý giá. Nó nối kết chúng ta lại với những người và những sự việc không còn nữa. Khi chúng ta nhớ đến những người thân yêu thì họ trở thành hiện diện với chúng ta. Họ không chỉ là một ký ức mà là một sự hiện diện thực sự. Khi nhớ tới họ là chúng ta tiếp tục gặt hái những hoa trái mà họ đã gieo khi còn sống với chúng ta.

Huống chi là khi chúng ta nhớ đến Chúa Giêsu, hoa trái chúng ta gặt hái còn nhiều hơn đến mức nào nữa. Nhất là nhớ đến Ngài bằng cách thức Ngài chỉ dạy, đó là cử hành Bí tích Thánh Thể (FM)

7. Chuyện vui

   Cô giáo giảng cho các học sinh về việc Chúa Giêsu lấy 5 chiếc bánh và 2 con cá nuôi cả một đám đông : "Các em phải biết là Chúa Giêsu không thực sự nuôi dân bằng vài mẩu bánh. Chuyện đó không thể làm được. Đúng ra là Ngài đã dùng lời ngon ngọt mê hoặc họ để họ không còn cảm giác đói khát và về đến nhà vẫn còn cảm thấy no nê." Chợt một bé gái đứng lên hỏi : "Thưa cô, vậy 12 thúng bánh vụn lấy đâu ra ?"

V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI

Chủ tế : Anh chị em thân mến, khi cùng với các tông đồ dự bữa Tiệc Ly. Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh thể để thánh hóa và dưỡng nuôi các tín hữu trong cuộc lữ hành trần thế. Với tâm tình cảm tạ tri ân, chúng ta cùng dâng lời cầu xin :

1. Bí tích Thánh thể là bí tích tình yêu / dấu chỉ hiệp nhất / mối dây bác ái / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi thành phần Dân Chúa / khi tham dự bàn tiệc Thánh thể / được đức tin duy nhất chiếu soi / và được liên kết trong cùng một đức ái vững bền.

2 Chính Chúa Giêsu đón nhận người Kitô hữu khi họ rước Chúa vào lòng / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa dạy các tín hữu / biết niềm nở đón tiếp những ai đang tìm Người.

3. Chính Chúa Giêsu tự hiến làm của ăn của uống cho loài người trong bí tích Thánh thể / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho sức mạnh người Kitô hữu đã tìm được nơi bàn thánh / tồn tại mãi trong cuộc sống chứng nhân thường ngày.

4. Việc rước lễ thường xuyên sẽ giúp ta tránh xa tội lỗi / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta hiểu được điều này / và chuẩn bị thật tốt tâm hồn / để mỗi khi tham dự thánh lễ / đều có thể rước Chúa một cách xứng đáng và hữu hiệu.

Chủ tế : Lạy Chúa Giêsu, là Linh mục đích thực và vĩnh cửu, Chúa đã thiết lập hy lễ trường tồn và truyền cho chúng con cử hành mà tưởng nhớ đến Chúa. Xin cho chúng con biết tham dự thánh lễ một cách sốt sắng như Hội thánh đã dạy. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời

Bài cùng chuyên mục:

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7