Suy niệm tin mừng chúa nhật

SCĐ CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN NĂM A

  • In trang này
  • Lượt xem: 600
  • Ngày đăng: 23/10/2023 07:33:35

CHỦ ĐỀ :

YÊU THƯƠNG
LÀ ĐIỀU RĂN QUAN TRỌNG 
NHẤT

  “Thưa Thầy, điều răn nào lớn nhất ?” (Mt 22,36)

Sợi chỉ đỏ :

– Bài đọc I : Những khoản luật dạy đối xử yêu thương đối với những thành phần nghèo khổ trong xã hội.

– Đáp ca : Bày tỏ lòng yêu mến Chúa.

– Tin Mừng : Hai giới luật quan trọng nhất và giống nhau, đó là mến Chúa và yêu người.

 

 I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Anh chị em thân mến

Thiên Chúa là tình yêu. Trong Thánh lễ này chúng ta hãy đến với Ngài để được Ngài châm thêm tình yêu vào lòng chúng ta, nhờ đó từ nay chúng ta sẽ mến Chúa và yêu người hơn.

 II. GỢI Ý SÁM HỐI

– Xin Chúa tha thứ vì chúng con chưa mến Chúa đủ.

– Xin Chúa tha thứ vì chúng con chưa yêu người đủ.

– Xin Chúa tha thứ vì những lần chúng con hành động không theo sự hướng dẫn của tình yêu mà lại theo sự thúc đẩy của lòng giận ghét.

III. LỜI CHÚA

  1. Bài đọc I (Xh 22,21-27)

Cựu Ước có nhiều khoản luật dạy người do thái phải yêu thương đồng bào mình. Tình yêu đó có tính cách cục bộ.

Đoạn sách Xuất hành này cũng theo chiều hướng đó, nhấn mạnh đến việc phải yêu thương những người nghèo khó và góa bụa. Ngoài ra, điểm đặc biệt của đoạn sách này là dạy yêu thương cả những ngoại kiều đang sống trên đất nước mình nữa. Biên giới Tình yêu đã được nới rộng hơn.

  1. Đáp ca (Tv 17)

Đây là lời cầu nguyện bày tỏ lòng yêu mến Chúa. Tác giả cũng coi Chúa là Đá Tảng che chở mình, vì thế tác giả tin rằng khi mình bị áp bức mà biết kêu cầu Chúa thì sẽ được Ngài cứu giúp.

Một cách gián tiếp, Tv này tuyên xưng rằng Thiên Chúa đặc biệt yêu thương những người lâm cảnh khổ sở.

  1. Tin Mừng (Mt 22,34-40)

Trong bài Tin Mừng tuần trước, những người thuộc hai nhóm Pharisêu và Hêrôđê liên minh nhau để gài bẫy Đức Giêsu về vấn đề nộp thuế cho Xêda. Họ đã thất bại. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, nhóm Pharisêu chưa chịu thua, họ chọn trong nhóm ra một người thông luật để tranh luận với Ngài.

Câu hỏi là : “Trong lề luật, giới răn nào trọng nhất”. Đây là một câu hỏi hóc búa, bởi vì đạo do thái có rất nhiều khoản luật (365 luật buộc và 248 luật cấm), mà luật nào cũng đều quan trọng cả.

Câu trả lời của Đức Giêsu rất xuất sắc : một là Ngài đã lọc ra được hai điều luật quan trọng nhất là mến Chúa và yêu người ; hai là Ngài liên kết hai điều đó lại : mến Chúa thì phải yêu người, và yêu người thì phải mến Chúa ; ba là Ngài chỉ cho thấy hai điều ấy – mà thực ra còn có thể tóm lại thành một điều duy nhất là Yêu Thương – là cốt lỏi của tất cả mọi khoản luật khác.

  1. Bài đọc II (1 Tx 1,5c-10) (Chủ đề phụ)

Giáo đoàn Thêxalônikê đã được Thánh Phaolô hết lời khen ngợi. Đoạn thư này cho chúng ta thấy lý do họ được khen ngợi là vì họ đã nhận lãnh lời rao giảng Tin Mừng giữa bao gian truân khốn khó, và họ đã sống Tin Mừng ấy đến nỗi họ trở thành gương mẫu cho nhiều nơi khác noi theo.

 IV. GỢI Ý GIẢNG

  1. Một lời để ghi nhớ : ngươi phải yêu mến

Đúng là hai điều răn : điều răn thứ nhất là điều răn lớn. Điều răn thứ hai cũng quan trọng không kém. Có nghĩa là hai giới răn ấy không cho phép ta tuỳ thích. Tình yêu mà những giới răn ấy nói tới, đối với Thiên Chúa cũng như đối với tha nhân, không phải là một thứ tình cảm trôi nổi tuỳ theo tính khí của ta. Tình yêu là một sự cam kết lớn lao, một sự dâng hiến chính mình, hiến mạng sống mình. Tình yêu không dừng lại ở nửa đường, mà đi cho tới cùng giống như đám lửa cháy. Giới răn ấy khơi dậy tình yêu khi mà thường tình và một cách tự nhiên lãnh đạm hay chối từ có nguy cơ thống trị. Giới răn ấy là như tia lửa làm bùng lên đám cháy. Giới răn ấy nâng đỡ tình yêu khi nỗi chán chường hay thói quen sẽ làm cho tình yêu ra nguội lạnh hoặc tàn lụi. Giới răn ấy làm bùng lên nhuệ khí khi tình yêu chân thực đòi hỏi nhiều hy sinh, quên mình… Nhờ tương phản và hỗ trợ giữa tình yêu và giới răn này mà đời sống ta được thăng tiến.

Giới răn yêu thương có hai mặt, hai mặt mà không tách biệt nhau như mu và lòng bàn tay. Điều răn thứ hai cũng giống, cũng quan trọng như điều răn thứ nhất, là “ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”. Chỉ có một mình Chúa là Đấng ta phải yêu mến cách tuyệt đối, hơn cả chính mình ta, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ta. Khi yêu mến Chúa hết mình, vượt khỏi chính mình, ta được vào trong tình yêu Chúa ban tặng, được sống trong tình yêu của Người, lòng ta mở ra hướng về vô biên, bởi lẽ Thiên Chúa muốn thông phần sự sống của Người cho con người, muốn thần hóa con người ! Còn về người thân cận, Đức Giêsu truyền phải yêu người thân cận như chính mình. Đây không phải là một sự so sánh bình thường, mà còn hơn thế nữa. Không phải chỉ đơn giản là muốn và làm cho người thân cận điều ta muốn cho ta. Đức Giêsu đã đưa ra một điểm son, một khuôn vàng thước ngọc : “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12). Giới răn thứ hai thật minh bạch và đi xa hơn. Giới răn ấy đòi ta yêu mến người thân cận như người ấy là chính ta, là ta đồng hóa với người ấy. Nó diễn tả một sự hiệp thông giữa hai hữu thể, giữa hai cuộc sống, giữa anh em trong một nhà, trong một gia đình Thiên Chúa. Nếu tôi không yêu mến người thân cận của tôi, Nếu tôi khinh chê người ấy, chính là tôi gây thiệt hại cho bản thân tôi. Yêu người thân cận như chính mình, chính là tôi dành cho tôi một tình yêu tuyệt vời… Thế nên, và nhất là có điều răn ấy, thật là điều hạnh phúc ! Bởi lẽ khi tôi yêu mến người giống như tôi, người mà tôi nhận ra tôi nơi con người ấy, thì tôi cũng được người ấy đáp lại bằng lòng yêu mến tự nhiên, bằng mối thịnh tình theo nghĩa mạnh nhất ; còn nếu theo bản năng tôi ngờ vực một người, thì người ấy có thể trở thành một đối thủ, một người cạnh tranh, một kẻ thù của tôi. Lịch sử từng minh chứng những biến cố thật lớn lao đượm tình huynh đệ, cũng như những cuộc bùng nổ dữ đội nhất từng châm ngòi cho thù hận giữa con người… Điều răn thứ hai quả là cần thiết, và rất cần thiết nên Đức Giêsu mới dùng tất cả những lời lẽ trang trọng mà tuyên bố là điều răn ấy cũng giống như điều răn kia, cũng quan trọng không kém. Người đã đặt con người vào đúng tước vị của nó là hình ảnh và là con Thiên Chúa.

Quả thực đây cũng là điều đơn giản và chắc chắn Chúa muốn ta tham khảo…

Yêu mến thế nào, thường là điều phức tạp ; bạn phải tìm kiếm, nhận thức rõ, kiểm soát những tình cảm tốt xấu của bạn, chứ không được miễn trừ. Bạn hãy luôn luôn phải tìm xem để yêu mến thế nào cho đúng sự thật ; cần được học hỏi về điều này. Nhưng nếu bạn có một ý chí muốn yêu thương, nếu để cho ngọn lửa của Thánh Thần điều động cuộc đời bạn, thì bạn sẽ thấy con đường phải đi và phương cách để làm. Bạn hãy tìm kiếm hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn bạn. Bạn hãy tìm kiếm như cho chính mình. Thì bạn sẽ gặp… ! (Giám mục L. Daloz. Trích dịch bởi Fiches dominicales, năm A, trang 332-334)

  1. Một từ tóm tắt tất cả Phúc âm : Yêu mến

Khi nói đến yêu, tôi vốn thích dùng động từ Yêu mến, nó có tính cách chủ động và tích cực, hơn là dùng từ tình yêu, một từ rất đẹp nhưng cũng rất dễ bị phê phán.

Làm sao có thể là tín hữu mà lại không yêu mến ? Làm sao có thể nhận biết Thiên Chúa của chúng ta nếu Người không phải là Đấng yêu mến chúng ta ?

Như vậy thì có nhiều cách yêu mến không ? Chắc hẳn là có rồi. Nên trong vấn đề này, tôi vẫn theo gót nhà sư phạm trứ danh là thánh Augustinô. Ngài phân biệt ba trình độ trong hành vi yêu mến :

Trình độ thứ nhất, thấp nhất, không có ý nói là xấu nhất : thích được yêu (aimer être aimé). Bạn hãy nói cho tôi hay có ai mà không thích điều đó không ? Phải là con người hư hỏng mới dám nói ngược lại. Mọi người đều như vậy thôi… Nhưng cuộc sống cũng đã dạy cho ta rằng tình yêu còn phải là cái gì khác hơn là niềm khoái chí (tự tôn kia).

Trình độ thứ hai : thích yêu (aimer aimer). Ta hãy tạm dịch ở đây là : lấy làm vui khi yêu mến người khác. Ở bậc này người ta có ra khỏi mình một chút, có quảng đại, có vị tha.

Chúa ơi, thật vui và đẹp biết bao khi làm được một việc thiện, khi xả thân, và đôi khi đi tới chỗ đóng vai con chim bồ nông tự để cho con rỉa thịt mình.

Ngày ở điểm này, ai lại không muốn nhận khen thưởng chứ ? Bạn hãy nói cho tôi hay bạn có đủ can đảm để đi thăm một bệnh nhân nào đó, đi uỷ lạo một cảnh khốn này, chẳng tìm thấy được ở đó một điều gì khích lệ chăng ? Nhưng bạn hãy coi chừng ! Tất cả thái quá trong lãnh vực này – quảng đại thái quá – có lẽ là một hình thức tự tôn tự đại của lòng yêu mến chính mình đó thôi.

Còn trình độ thứ ba : Yêu (aimer), có thế thôi ! Yêu mến người khác vì chính họ, không phải vì ta làm điều tốt cho họ, không phải vì làm cho nhân đức của ta lớn lên. Không phải thế, bởi lẽ xét cho cùng, người ta không yêu mến vì… Ta yêu là yêu thôi. Đó mới là đỉnh cao của “tình cho không biếu không”.

Hãy nhìn nhận điều này : ta chẳng mấy khi đạt tới trình độ đó. Chỉ có một Vị đã hiến thân chỉ vì yêu mà thôi, một Đức Giêsu ấy muốn lấy bản tính nhân loại của ta, một Đức Giêsu ấy mới ban cho ta Thần linh tình yêu khi Người tắt thở, một Đức Giêsu ấy mới có thể sáng nghĩ ra nhân vật Samaritanô nhân lành yêu thương mà không đòi đáp trả và hình dung ra một người cha đang mở rộng vòng tay đón nhận đứa con đi hoang trở về.

Nếu phải cần đến một từ để tóm tắt cả Phúc âm, đó là : Yêu mến.

(H. Denis. trích dịch bởi Fiches dominicales, năm A, trang 334-336)

  1. Những chữ đi sau chữ “yêu

Xem kỹ bản văn Tin Mừng, theo sau động từ yêu mến Chúa là những chữ “hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn” ; đi sau động từ yêu thương kẻ khác là những chữ “như chính mình ngươi”.

“Hết” là tất cả. Ngoài ra, trong ngôn ngữ do thái, người ta thường dùng một từ chỉ một phần để nói đến toàn thể : “lòng” cũng có nghĩa là cả con người, “linh hồn” và “trí khôn” cũng thế. Do đó câu nói trên có nghĩa là : “Hãy yêu mến Chúa với tất cả con người của mình, tất cả con người của mình, tất cả con người của mình.” Một kiểu nói mạnh lặp lại tới ba lần. Cũng có thể hiểu là : “Hãy yêu mến Chúa với tất cả mọi chiều kích, mọi lãnh vực, mọi khả năng của mình”.

“Như chính mình” nghĩa là không còn phân biệt chủ thể và đối tượng gì nữa. Hay nói cách khác cho dễ hiểu, không phân biệt tôi và anh, tôi và chị hoặc tôi và nó gì nữa. Chỉ còn là một thôi.

Tóm lại, những chữ đi sau động từ “yêu” nhằm diễn tả một tình yêu không biên giới, cả biên giới với Chúa lẫn biên giới với người khác. Tất cả đều yêu nhau. Cuộc sống chỉ là yêu.

  1. Bắt đầu yêu mình trước

Trong bài Tin Mừng này, Đức Giêsu bảo “Ngươi hãy yêu kẻ khác như chính mình ngươi”. Có thể hiểu là : hãy biết yêu mình trước rồi mới có thể yêu kẻ khác.

Một cụ già đang ngồi trước cổng thành. Một người khách lạ đến hỏi :

– Dân trong thành này là người thế nào ?

– Thế anh thấy dân của thành trước đây anh vừa ghé như thế nào ?

– Họ rất tử tế và sẵn sàng giúp đỡ khi mình nhờ tới.

– Thế thì anh cũng sẽ gặp những người như vậy trong thành này.

Một lúc sau, một người khách khác tới và cũng hỏi :

– Dân trong thành này là người thế nào ?

– Thế anh thấy dân của thành trước đây anh vừa ghé như thế nào ?

– Họ rất khó ưa, ích kỷ và chẳng chịu giúp mình gì cả khi mình nhờ tới.

– Thế thì anh cũng sẽ gặp những người như vậy trong thành này.

Ý nghĩa câu chuyện này là tôi thường đánh giá người khác không theo lòng họ mà theo lòng mình. Nếu ta thấy người ta khó chịu, đó là dấu trong lòng ta đang khó chịu. Người nào bình an trong lòng thì lan tỏa bình an ấy ra ngoài và cảm thấy mọi người đều hiền hòa.

Bởi thế, ta phải học yêu bản thân mình trước rồi mới có thể yêu người khác. Nhưng thế nào là yêu mình ? Là hãy ban cho lòng mình những tình cảm cao thượng, bình an, độ lượng.

Tuy nhiên cũng cần lưu ý : Yêu mình một cách sai lạc thì không thể yêu người khác. Yêu mình sai lạc là thế nào ? Là ích kỷ chỉ nghĩ tới mình, chỉ lo cho mình và dành hết mọi sự tốt cho mình. (Flor McCarthy, Love your neighbor as yourself)

  1. Chuyện minh họa : Tin Mừng trọn vẹn

Vào thời có nhiều người thích ẩn tu trong sa mạc, có một Tu Sĩ nổi tiếng đạo đức tên là Môsê. Sắp đến lễ Phục sinh, tất cả các tu sĩ đều nhất trí sẽ không ăn gì cả suốt Tuần Thánh, mỗi người ở luôn trong phòng mình và chuyên chăm cầu nguyện.

Đến giữa tuần, có hai khách lữ hành ghé thăm Thầy Môsê. Thấy họ đói quá, Thầy nấu cho họ một nồi súp. Và để họ không ngại, Thầy cũng ăn một ít trước mặt họ. Đang lúc đó, các thầy khác thấy khói và mùi thức ăn từ phòng Thầy Môsê bay ra thì bực tức tới bắt lỗi :

– Thầy đã phạm luật !

Thầy Môsê khiêm tốn trả lời :

– Đúng là tôi đã phạm luật của loài người. Nhưng đó là vì tôi giữ luật Chúa dạy phải yêu thương người khác.

Nghe thế, những thầy kia xấu hổ bỏ đi.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu được yêu cầu nêu ra hai điều luật quan trọng nhất. Ngài đã nêu ra luật mến Chúa và luật yêu người. Ngài đã nối kết cả hai lại với nhau và xem chúng đều trọng như nhau. Thế nhưng loài người chúng ta thường tách hai điều đó khỏi nhau.

  1. Mảnh suy 

Tách rời hai khoản luật lớn của Chúa là một thảm kịch và rõ ràng đi ngược ý Chúa.

Thế nhưng việc này lại thường xảy ra.

Những kẻ lo mến Chúa thì thường không yêu người, và những kẻ lo yêu người lại không mến Chúa. Thế là Tin Mừng bị xé ra làm hai. (Flor McCarthy)

 V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI

CT : Anh chị em thân mến

Trong bữa Tiệc ly Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta một điều răn mới : “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Với quyết tâm sống bác ái như Chúa đã dạy, chúng ta cùng dâng lời cầu xin.

1- Hội Thánh là dấu chỉ tình thương của Chúa đối với nhân loại / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho tất cả mọi người trong đại gia đình Hội Thánh / luôn sống hòa thuận thương yêu nhau / và cư xử bác ái với những ai chưa nhận biết Chúa.

2- Lòng bác ái yêu thương không hề có biên giới / chủng tộc / ; ngôn ngữ / địa vị xã hội / giầu nghèo / thông thái hay dốt nát / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các kitô hữu / biết cố gắng sống tinh thần quảng đại ấy.

3- Ngày nay / hận thù / bạo lực / khủng bố vẫn còn đang hoành hành dữ dội tại nhiều nơi trên thế giới / gây kinh hoàng cho biết bao người / đem tang tóc và đau khổ cho biết bao gia đình lương thiện / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho lòng bác ái yêu thương / ngự trị trong mọi sinh hoạt trên khắp hoàn cầu.

4- Chân thành yêu thương nhau / hết lòng tôn trọng nhau / và quảng đại giúp đỡ những ai thực sự đói nghèo / là bổn phận của mỗi kitô hữu / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết cố gắng yêu thương nhau như Chúa đã dạy.

CT : Lạy Chúa, thánh Phaolô quả quyết “Sống bác ái yêu thương là chu toàn lề luật của Chúa”. Xin Chúa ban ơn trợ giúp để chúng con có thể hết lòng mến Chúa và tha thiết yêu người như Chúa đã dạy. Chúng con cầu xin…

 VI. TRONG THÁNH LỄ

– Trước kinh Lạy Cha : Trong kinh Lạy Cha, chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta yêu mến Chúa là Cha chúng ta “hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn” ta, cũng như yêu thương tha nhân là anh em chúng ta “như chính mình” ta vậy.

– Sau kinh Lạy Cha : “… xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an. Xin giúp chúng con luôn cố gắng thực thi điều răn quan trọng nhất là Yêu thương. Nhờ Cha rộng lòng thương cứu giúp…”

VII. GIẢI TÁN

Chúc anh em ra về và sống yêu thương trọn vẹn đối với Chúa cũng như đối với tất cả mọi người.

Bài cùng chuyên mục:

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7