Suy niệm tin mừng chúa nhật

SCĐ CHÚA NHẬT 11 THƯỜNG NIÊN NĂM B - 2024

  • In trang này
  • Lượt xem: 479
  • Ngày đăng: 10/06/2024 06:51:11

Sợi Chỉ Đỏ Chúa Nhật 11 Thường Niên B

Chủ đề :

Sức Phát Triển Của Nước Thiên Chúa

 

“Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức,thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên”
(Mc 4,27)

 

Sợi chỉ đỏ :

– Bài đọc I (Êd 17,22-24) : Dụ ngôn về một chồi cây nhỏ lớn lên thành cây hương nam vĩ đại.

– Tin Mừng (Mc 4,26-34) : Nước Thiên Chúa giống như hạt giống được gieo vào lòng đất âm thầm phát triển thành một cây to.

I. Dẫn vào Thánh  lễ

Anh chị em thân mến

Chúng ta thường nghe nói chúng ta là công dân Nước Thiên Chúa và có bổn phận xây dựng Nước Thiên Chúa. Nhưng có lẽ chúng ta chưa hiểu bao nhiêu. Lời Chúa hôm nay sẽ dạy chúng ta những điều đó.

Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa dạy và xin Chúa giúp chúng ta thực hành Lời Ngài.

II. Gợi ý sám hối

– Chúng ta chưa sống đúng theo niềm tin của mình.

– Chúng ta không làm chứng cho những giá trị tốt của Tin Mừng.

– Chúng ta không quan tâm xây dựng Nước Thiên Chúa.

III. Lời Chúa

  1. Bài đọc I (Êd 17,22-24)

Ngôn sứ Êdêkien rao giảng dụ ngôn này trong thời dân Israel đang bị lưu đày bên Babylon :

– Cây hương nam cao nhất ám chỉ Nabuchodonosor và đế quốc của ông. Nó sẽ bị Thiên Chúa chặt xuống.

– Một chồi non được Thiên Chúa trồng và lớn lên thành cây hương nam vĩ đại ám chỉ dân Israel. Họ sẽ được Thiên Chúa cho hồi hương và đất nước họ sẽ thịnh vượng.

– Tất cả những cây rừng khác ám chỉ các vua và các nước khác. Họ sẽ nhận biết uy quyền của Thiên Chúa và vinh quang của Israel.

  1. Đáp ca (Tv 91)

Tv này cũng so sánh người hiền đức như một cây là cây chà là : được vun trồng trong nhà Chúa, lớn lên và trổ sinh hoa trái như cây hương bá đất Liban.

  1. Tin Mừng (Mc 4,26-34)

Đức Giêsu dùng hai dụ ngôn giúp người ta hiểu về Nước Thiên Chúa :

– Nước Thiên Chúa giống như hạt giống được gieo xuống đất và dù người gieo thức hay ngủ, dù ngày hay đêm, hạt giống cứ âm thầm mọc lên thành cây à Sức phát triển nội tại của Nước Thiên Chúa.

– Nước Thiên Chúa giống như một hạt cải rất nhỏ gieo xuống đất nhưng dần dà lớn lên thành cây to đến nỗi chim trời đến núp dưới bóng của nó à Sức bành trướng rất mạnh của Nước Thiên Chúa.

  1. Bài đọc II (2 Cr 5,6-10)

Giữa những gian truân khổ sở của cuộc đời, thánh Phaolô bày tỏ niềm trông cậy vào Chúa :

– bởi vì sống ở đời này cũng như bị lưu đày xa cách Thiên Chúa. Một ngày nào đó chúng ta sẽ thoát cảnh lưu đày mà về với Chúa.

– trong khi chờ đến ngày đó, chúng ta hãy cố gắng sống sao cho đẹp lòng Chúa, để khi đến ngày đó chúng ta sẽ được Thiên Chúa xét xử và thưởng công.

IV. Gợi ý giảng

* 1. “Nước Thiên Chúa giống như người kia gieo hạt xuống đất“

Cách Đức Giêsu dùng để mô tả Nước Thiên Chúa rất xa lạ với trí tưởng tượng của con người. Ngài không nói Nước Thiên Chúa giống như một đất nước đông đảo hay một đạo quân hùng mạnh, nhưng nói “Nước Thiên Chúa giống như người kia gieo hạt xuống đất”. Câu này có nhiều ý nghĩa.

– Nước Thiên Chúa là một hạt giống : thực chất của Nước Thiên Chúa không phải là hệ thống tổ chức quy mô hay thế lực mạnh mẽ bề ngoài, mà là những giá trị bên trong, những giá trị mà Đức Giêsu đã rao giảng trong Tin Mừng, như yêu thương, tha thứ, hòa thuận v.v.

– Nước Thiên Chúa giống như người kia gieo hạt : Xây dựng Nước Thiên Chúa không phải bằng cách lập hội kêu gọi càng nhiều người ghi tên vào càng tốt, hay đem quân xâm lấn để mở mang bờ cõi, mà là gieo hạt : đem những giá trị Tin Mừng vùi vào thế giới này, gieo vào lòng nhân loại này.

– Hạt giống sẽ dần dần mọc lên : Không nên nôn nóng mong chờ một sự phát triển nhanh chóng ngoạn mục mà phải kiên nhẫn chờ đợi. Nhưng đồng thời cũng phải lạc quan tin tưởng vì thế nào Nước Thiên Chúa cũng lớn lên.

* 2. Nhỏ bé mà rất mạnh, âm thầm mà bền bỉ

Nhỏ bé mà rất mạnh, âm thầm mà bền bĩ : đó là những đặc tính của hạt giống.

Đức Giêsu dùng hình ảnh hạt giống để dạy môn đệ Ngài sống và xây dựng Nước Thiên Chúa :

– Chúng ta không cần làm những việc to tát vĩ đại. Chỉ cần làm cho tốt những việc nhỏ bé hằng ngày của mình.

– Chúng ta không cần ồn ào phô trương hay quảng cáo cho niềm tin của chúng ta. Chỉ cần sống một cách âm thầm nhưng kiên trì những giá trị Tin Mừng mà mình đã nhập tâm.

* 3. Tính nóng vội

Thời nay có nhiều sản phẩm “xài liền”, như mì ăn liền, cà phê uống liền, chụp hình lấy liền v.v. Dù chúng ta biết phẩm chất của những thứ đó không được tốt, nhưng chúng ta vẫn thích, bởi vì đỡ tốn công và đỡ mất giờ.

Thế nhưng chúng ta quên rằng có nhiều thứ không thể hối thúc được. Phát triển thành một con người chín chắn là công việc của cả một đời người. Xây dựng một tương quan tốt đẹp với ai đó đòi hỏi rất nhiều thời gian. Biết và hiểu con cái mình cũng đòi cha mẹ phải tốn nhiều thời giờ. Vượt qua tội lỗi và thói xấu cũng không phải là công việc một sớm một chiều.

Thời đại chúng ta ngày này cũng được gọi là thời đại nhấn nút. Nhấn nút một cái là đèn cháy, nhấn nút một cái là máy nổ, nhấn nút một cái là cửa mở ra… Quả thật nhiều phương tiện hiện đại nhằm tiết kiệm sức người là tốt. Thế nhưng kiểu sống “nhấn nút” như thế làm cho chúng ta có khuynh hướng tìm sự dễ dãi. Đi đến thăm một người già hay một người bệnh làm chi cho mất công, sao không gọi điện thoại cho tiện ! Hơn nữa có rất nhiều chuyện không thể giải quyết bằng cách nhấn nút : không có nút nào thay thế việc nuôi dạy con cái cho nên người, cũng không có nút nào thay thế việc luyện tập thành thạo một kỹ năng…

Trong dụ ngôn hôm nay, người nông dân đã làm tất cả những gì phải làm, là dọn đất và gieo hạt giống. Sau đó là phần việc của hạt giống, phần việc này ngoài tầm của người nông dân. Người nông dân phải chờ, chờ trong kiên nhẫn và hy vọng.

Dụ ngôn này nhắc chúng ta rằng chúng ta có thể gieo hạt giống nhưng chúng ta không thể làm cho hạt giống mọc lên. Chính Chúa làm việc đó. Nếu chúng ta làm xong phần bổn phận mình thì chắc chắn Chúa sẽ cho sinh hoa kết quả. Nhưng liệu chúng ta có đủ kiên nhẫn và đủ lòng trông cậy không ? (Viết theo Flor McCarthy)

* 4. Những sự bắt đầu nho nhỏ

Dụ ngôn thứ hai của bài Tin Mừng hôm nay (hạt cải nhỏ mọc thành cây to) chứa đựng bài học này : có nhiều việc lớn phải bắt đầu bằng những việc nhỏ.

Có rất nhiều thí dụ : Muốn xây một tòa nhà thì phải bắt đầu bằng từng viên gạch ; muốn viết một quyển sách thì phải bắt đầu bằng từng trang, thậm chí từng chữ ; muốn làm một chuyến viễn du thì phải bắt đầu bằng từng bước ; muốn xây dựng một tình bạn thì phải bắt đầu bằng những lần gặp gỡ đổi trao v.v.

Sự bắt đầu rất là quan trọng. Nếu bạn muốn con bạn lớn lên thành người tốt thì bạn phải bắt đầu chăm sóc dạy dỗ nó ngay từ nhỏ. Mà khi bắt đầu thì phải chú ý đến những điều rất nhỏ. Một tính tốt dần dần thành hình từ những thói quen tốt nho nhỏ. Một tính xấu cũng thành hình từ những thói quen xấu được lặp đi lặp lại.

* 5. Câu chuyện minh họa :

a/ Hạt giống :

            Bà và cháu gái đang phân loại hạt giống chuẩn bị cho vụ mùa tới. Cô bé nhận xét khi kiểm tra những hạt trong tay : “Những mong đợi nhỏ bé và mỏng manh phải không bà ? Có phải mỗi hạt là một niềm hy vọng không ?”

– Phải, mỗi hạt là một niềm hy vọng. Nhưng vì là hy vọng, cần có những điều kiện để đi tới thành đạt.

Chúa cho chúng ta niềm hy vọng được an bình mỗi khi gặp đau khổ ; được sức mạnh khi gặp thử thách ; được ánh sáng cho những ngày tối tăm. Nhưng chúng ta phải có niềm tin và can đảm tiến về phía trước.

            Hạt giống nhỏ bé phải chịu chôn vùi trong đất và phơi mình dưới mưa nắng, thì khả năng tốt đẹp của nó mới thành hiện thực.

b/ Chìa khóa vào thiên đàng

Một thầy dòng là thợ may cho cộng đoàn. Ngày kia, ông đau nặng và chờ  chết. Ông nói với anh em : “Đưa cho tôi chìa khóa vào thiên đàng !”

Anh em nhìn nhau bối rối. Họ không biết ông muốn nói gì. Nhưng ông chỉ lập lại lời đề nghị : “Đưa cho tôi chìa khóa vào thiên đàng”. Cuối cùng, họ đưa cho ông chiếc kim may. Một nụ cười mãn nguyện làm gương mặt thầy già sáng lên khi liếc nhìn chiếc kim trong tay và nói : “Tôi làm việc mỗi ngày với chiếc kim này vì vinh quang Chúa. Bây giờ nó là chìa khóa mở cửa cho tôi vào thiên đàng”.

* 6. Hạt giống cây tre tàu.

Nhà tâm lý học Weldon cho rằng hạt giống kỳ lạ nhất thế giới là hạt giống của cây tre Trung Quốc. Hạt giống này nằm yên dưới lòng đất đến 5 năm, rồi mới nhú chồi non lên mặt đất. Suốt thời gian 5 năm này, người ta phải vất vả chăm sóc nó, nào là tưới nước nào là bón phân, mà không hề nhìn thấy hệ thống rễ phức tạp đang bố trí trong lòng đất.

Cuối cùng, một sự sống đã vươn lên đầy kinh ngạc : Chỉ trong 6 tuần đầu, cây tre đã mọc cao lên gần 3 mét.

*

Hạt giống Nước Trời cũng tương tự như hạt giống cây tre Trung Quốc. Cần một thời gian dài “vùi sâu dưới lòng đất”, điều này đòi hỏi chúng ta phải kiên nhẫn chờ đợi. Khi hạt giống nẩy mầm lớn lên thành cây, nó phải đương đầu với tính khí thất thường của thời tiết, phải đối phó với cơn giận dữ của giông tố. Đây là lúc phải sống niềm tin : tin rằng Thiên Chúa sẽ đưa Nước Người đến thời viên mãn, bất chấp những cản trở của con người. Vì thế, chúng ta không ngừng gieo vãi Lời Chúa, cho dù không thấy hạt giống đang âm thầm phát triển.

Hạt giống Nước Trời cũng không khác chi hạt giống cây tre Trung Quốc. “Hạt bé nhất” lại cho cây lớn nhất. Nước Trời khởi đầu là Đức Giêsu và một nhóm nhỏ môn đệ dân chài. Sau hai mươi thế kỷ, Kitô giáo đã lan tràn khắp nơi, đến với mọi dân tộc.

Có thể nói Đức Giêsu đã gieo hạt giống Hội thánh vào giữa lòng thế giới. Sau đó Người biến mất khỏi dòng lịch sử, để hạt giống Hội thánh “âm thầm lớn lên” với bao gian nan thử và thử thách, yếu đuối và bất lực. Dường như Người dửng dưng trước bao khó khăn của Hội thánh. Dường như Người không biết đến bao tội ác đang lan tràn thế giới. Dường như Người không quan tâm đến nỗ lực sống thánh của dân Người.

Nhưng với niềm tin yêu phó thác, chúng ta xác tín rằng : bên kia dòng thời gian, nơi cuộc sống vĩnh hằng, Thiên Chúa đang chờ đợi, nhìn xem và điều khiển cho hạt giống Nước Trời lớn lên và tăng trưởng sung mãn vào một mùa bội thu trong Ngày Cánh Chung sẽ tới.

Có thể nói Đức Giêsu cũng đã gieo hạt giống Đức tin vào tâm hồn chúng ta qua Bí tích Rửa tội. Người cũng đang chờ đợi hạt giống ấy mọc lên và tăng trưởng : qua những lời cầu nguyện âm thầm, qua việc siêng năng lãnh nhận các Bí tích, và qua đời sống chứng nhân của mỗi người. Đây là việc đòi hỏi sự kiên nhẫn lâu dài và lòng trung tín suốt đời. Đức Giêsu nói : “Kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt.10,22).

Wendell Holmes cho chúng ta một bí quyết : “Để vào Nước Trời, chúng ta luôn phải chèo lái con thuyền của mình, đôi khi thuận buồm xuôi gió, nhưng cũng có lúc phải lội ngược dòng. Điều quan trọng là phải luôn chèo chống, đừng neo thuyền lại”.

Thánh Phaolô dạy : “Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện” (Rm.12,12). Ngài cũng đã nêu gương bền chí : “Tôi đã chiến đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin” (2Tm.4,7).

*

Lạy Chúa, Chúa đã đến trần gian như hạt giống chôn vùi dưới lòng đất nhưng Chúa đã sống lại vinh quang. Xin cho chúng con biết âm thầm chết đi cho tội lỗi, để được lớn lên trong nguồn ơn Thánh Chúa. Amen (Thiên Phúc, “Như Thầy đã yêu”)

V. Lời nguyện cho mọi người

CT : Anh chị em thân mến

Đức Giêsu đã phán : “Khi nào có hai ba người họp nhau cầu nguyện thì có Ta ngự giữa”. Giờ đây chúng ta hãy hợp một ý một lòng dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện của chúng ta :

  1. Hội Thánh chính là Nước Thiên Chúa hữu hình ở trần gian. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho Hội Thánh ngày càng vững mạnh và phát triển.
  2. Thế giới ngày nay đang chạy theo những giá trị vật chất và xa dần những giá trị đạo đức. Chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp phát huy những giá trị Tin Mừng để hoán cải thế giới này.
  3. Chúng ta hãy cầu xin Chúa hỗ trợ đặc biệt những người đang âm thầm gieo những hạt giống Tin Mừng trong môi trường sống của họ.
  4. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mọi người trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta tích cực và kiên trì xây dựng Nước Thiên Chúa ở trần gian.

CT : Lạy Chúa, ngày xưa Chúa đã dùng dụ ngôn hạt giống âm thầm mọc để dạy các môn đệ Chúa hãy kiên trì và lạc quan xây dựng Nước Thiên Chúa. Sứ mạng ấy ngày nay được trao lại cho chúng con. Xin Chúa giúp chúng con chu toàn sứ mạng Chúa trao. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

VI. Trong Thánh lễ

– Trước kinh Lạy Cha : Trong Kinh Lạy Cha sau đây, chúng ta hãy đặc biệt cầu nguyện cho Nước Cha được trị đến.

VII. Giải tán

Thánh lễ đã xong. Ước gì mỗi người anh chị em trở thành một hạt giống Nước Chúa giữa cuộc đời. Chúc anh chị em bình an.

Bài cùng chuyên mục:

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7