Suy niệm tin mừng chúa nhật

SCĐ CHÚA NHẬT 1 PHỤC SINH NĂM C

  • In trang này
  • Lượt xem: 2,110
  • Ngày đăng: 11/04/2022 08:36:58

LỄ PHỤC SINH

Năm C

CHỦ ĐỀ :CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI RỒI

Sợi chỉ đỏ :

Những lời chứng về việc Chúa Giêsu sống lại :

- Bài đọc I (Cv 10,34a.37-43) : Lời chứng của Thánh Phêrô

- Tin Mừng (Ga 20,1-9) : Lời chứng của Thánh Gioan tông đồ

- Bài đọc II (Cl 3,1-4 ; hoặc 1 Cr 5,6-8) : Lời chứng của Thánh Phaolô

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Anh chị em thân mến

Lễ Phục sinh là lễ lớn nhất của năm Phụng vụ. Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết, không phải chỉ cho Ngài mà còn cho tất cả chúng ta. Tất cả chúng ta hãy mở rộng cõi lòng để đón nhận niềm vui to lớn này.

II. GỢI Ý SÁM HỐI

- Chúa sống lại có nghĩa là sự thiện chắc chắn chiến thắng sự ác. Chúng con xin Chúa tha thứ vì đã không tin điều ấy.

- Chúa sống có nghĩa là ân sủng chắc chắn chiến thắng tội lỗi. Chúng con xin Chúa tha thứ vì đã không tin điều ấy.

- Chúa sống có nghĩa là tình thương chắc chắn chiến thắng hận thù. Chúng con xin Chúa tha thứ vì đã không tin điều ấy.

III. LỜI CHÚA

1. Bài đọc I (Cv 10,34.37-43)

Tại nhà ông Cornêliô ở Xêdarê, Thánh Phêrô đã tóm lược sứ vụ của Chúa Giêsu. Cao điểm của sứ vụ này là việc Ngài chịu chết và sống lại. Nhưng như thế chưa phải là hết : việc Chúa sống lại có ảnh hưởng đến mọi người : "Ai tin vào Ngài thì sẽ nhờ danh Ngài mà được ơn tha tội". Vì thế các tông đồ phải làm chứng và loan truyền Tin Mừng ấy.

2. Đáp ca (Tv 117)

Ca tụng Thiên Chúa vì tình thương mà làm những việc diệu kỳ, nhất là đã làm cho Chúa Giêsu, "tảng đá thợ xây nhà loại bỏ, lại trở nên đá tảng góc tường"

3. Tin Mừng (Ga 20,1-9)

Bằng cách viết rất súc tích với những ý tưởng sâu sắc chứa đựng trong những chi tiết được chọn lựa rất kỹ, Thánh Gioan muốn mô tả hành trình đức tin của 3 nhân vật trong bài tường thuật này : Maria Mađalêna, Phêrô và "người môn đệ kia" (tức tông đồ Gioan).

- Khi ấy là "sáng sớm khi trời còn tối" : họ vẫn còn ở trong đêm tối chưa hiểu được mầu nhiệm Chúa Giêsu, nhưng đã là lúc sáng sớm rồi, bình minh sắp tỏa sáng.

- "Chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu" : "địa chỉ" của Chúa Giêsu là một điều được Tin Mừng Ga lưu ý nhiều lần. Ngay từ đầu quyển Tin Mừng, hai môn đệ đầu tiên đã hỏi "Thưa Thầy, Thầy ở đâu ?" (1,38). Đến phần cuối quyển Tin Mừng, câu hỏi "Thầy ở đâu ?" lại được lặp lại. Các môn đệ Chúa Giêsu luôn muốn biết "địa chỉ" của Ngài.

- Cả 3 nhân vật trong chuyện này đều "chạy" : Mađalêna chạy tìm Simon-Phêrô, ông này cùng với Gioan "cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn". Họ "chạy" để làm chi ? Để tìm đến "địa chỉ" Chúa Giêsu. Đây là cuộc hành trình của đức tin.

- Thiên Chúa đã đặt sẵn những dấu chỉ giúp họ tìm, đó là ngôi mộ trống, những khăn vải liệm còn đó được xếp gọn gàng và những lời tiên báo của Thánh Kinh. Nhưng chỉ một mình "môn đệ kia" đã đọc được ý nghĩa của những dấu chỉ ấy nên "đã thấy và đã tin". Gioan đã tìm được "địa chỉ" của Chúa Giêsu. Thực ra, nhiều lần Chúa Giêsu đã ám chỉ đến "địa chỉ" này ("Thầy về cùng Cha Thầy" : xem Ga 7,33-34 8,21 13,33) nhưng các môn đệ vẫn chưa hiểu. Hôm nay Gioan đã hiểu : Chúa Giêsu đã sống lại và về cùng Thiên Chúa.

4. Bài đọc II (Cl 3,1-4 ; hoặc 1 Cr 5,6-8)

Vì được thông phần vào sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô, kitô hữu phải sống một đời sống mới.

IV. GỢI Ý GIẢNG

1. "Tôi tin kính Chúa Giêsu Kitô"

Đức tin của chúng ta thường có tính cách "quy thần", nghĩa là tin có Thiên Chúa, Đấng tạo dựng trời đất muôn vật ; và Thiên Chúa ấy chúng ta chỉ biết được khi linh hồn chúng ta rời khỏi thân xác này. Một đức tin như thế thì vừa lý thuyết vừa tĩnh.

Dưới ánh sáng phục sinh, chúng ta phải làm cho đức tin trở thành sống và động ; đồng thời chúng ta phải làm chứng về đức tin sống động ấy cho những người chỉ có một đức tin vừa lý thuyết vừa tĩnh như đã nói trên. Nhưng làm thế nào ?

Thưa chúng ta phải tập tin vào Chúa Giêsu Kitô :

- Tin vào Chúa Giêsu Kitô là tin vào Đấng đã chịu nạn chịu chết và sống lại, như Thánh Gioan tông đồ (bài Tin Mừng). Thánh Gioan đã nhìn thấy ngôi mồ trống và đã tin. Khi đó đức tin của Gioan mang một chiều kích mới hẳn : Thiên Chúa của Thánh Kinh không còn là một Thiên Chúa của quá khứ nữa mà đã trở thành "Đức Chúa", "Thiên Chúa của sự sống", luôn hiện diện trong lịch sử. Một Thiên Chúa như thế luôn có ý nghĩa với cuộc đời con người : cho dù Ngài đã chịu nạn chịu chết nhưng Ngài đã sống lại. Ngài đã chiến thắng đau khổ và sự chết. Từ nay đau khổ và chết chóc không phải là những chuyện phi lý nữa. Từ nay chúng ta cứ bước theo Ngài thì sẽ đi qua được mọi khổ đau chết chóc để đến sự sống.

- Tin vào Chúa Giêsu Kitô cũng là tin vào mầu nhiệm cuộc sống của chính chúng ta : nhờ bí tích Rửa tội, chúng ta có một sự sống mới, "và sự sống mới ấy hiện đang tiềm tàng với Chúa Giêsu Kitô nơi Thiên Chúa" (Bài đọc II), vì thế chúng ta "hãy hướng lòng về những gì thuộc thượng giới".

2. Đi thăm mộ

Sáng Chúa nhật Phục sinh, các phụ nữ đi đến ngôi mồ đã chôn xác Chúa Giêsu. Họ đến đấy để ướp xác Ngài. Nhưng đó không phải là lý do duy nhất. Họ còn muốn được ở gần Đấng đã từng làm cho đời họ tràn đầy ý nghĩa, nhưng bây giờ cái chết của Ngài lại khiến lòng họ tràn ngập nỗi u sầu không gì an ủi được.

- Chúng ta cũng thường làm như các bà ấy. Khi một người thân yêu của chúng ta chết, chúng ta khó chấp nhận rằng người ấy đã vĩnh viễn xa cách chúng ta. Vì thế chúng ta thấy cần phải duy trì một sự liên kết nào đó với người đã chết. Và một trong những cách chúng ta có thể làm, đó là đi thăm mộ. Tuy nhiên việc này chẳng những không làm dịu đi nỗi đau bị mất mát, mà còn khiến mình càng thấy mất mát hơn, bởi vì không nơi nào khiến ta ý thức về cái chết của người thân cho bằng nơi chôn cất người thân ấy.

Sáng hôm ấy, nếu mọi sự diễn ra đúng như các bà dự kiến thì các bà đã ướp xác Chúa Giêsu, xong rồi lắp của mồ lại, rồi trở về nhà với cõi lòng nặng trĩu u sầu vì các bà càng ý thức rằng những chuyện khủng khiếp xảy ra hôm Thứ Sáu không phải chỉ là một giấc mơ mà là một sự thật : Thầy của họ đã chết thật rồi !

Tuy nhiên mọi sự không xảy ra như dự kiến. Khi đến mộ, các bà đã gặp hai thiên thần. Các vị ấy bảo "Sao các bà lại tìm người sống nơi cõi chết ? Ngài không còn ở đây, Ngài đã sống lại". Nghĩa là các bà đừng mất thời giờ để tìm Chúa Giêsu ở ngôi mộ nữa.

- Tất cả chúng ta thường cảm thấy tuyệt vọng khi đứng trước những nấm mồ, vì ở đó mọi sự đều nói lên chết chóc. Tuy nhiên chính ở một ngôi mộ như thế mà lần đầu tiên tin mừng sống lại được loan báo. Chúa đã chọn một nơi thật thích hợp, nơi mà xem ra sự chết thống trị, để loan báo Tin Mừng phục sinh.

Phụng vụ hôm nay cũng gởi đến chúng ta một sứ điệp tương tự : Đừng tìm kiếm những kẻ thân yêu của mình nơi những nấm mồ, vì họ chẳng có ở đó đâu. Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết, không chỉ cho bản thân Ngài mà cho tất cả mọi người chúng ta. Ngài là Đấng đầu tiên sống lại, và chúng ta cũng sẽ sống lại như Ngài. Như thế, đối với Kitô hữu thì sự chết không phải là tiếng nói cuối cùng. Người thân quá cố của chúng ta không chết, mà vẫn còn sống. Cuộc sống của họ còn thực và đẹp hơn cả cuộc sống hiện tại của chúng ta nữa. Hơn nữa họ không hề xa cách chúng ta. Những ai đã chết trong ân sủng thì khoảng cách giữa họ với chúng ta không xa hơn khoảng cách giữa Thiên Chúa với chúng ta. Mà Thiên Chúa thì rất gần với chúng ta. (FM)

3. Kỷ nguyên cứu rỗi

Một bề trên tu viện Công giáo đến tìm một ẩn sĩ ấn giáo tại chân núi Hy Mã Lạp Sơn. Ông lo âu trình bày về tình trạng bi đát của tu viện.

Trước kia tu viện này là một trung tâm thu hút nhiều khách hành hương. Nhà thờ lúc nào cũng vang tiếng hát của giáo dân khắp nơi tuôn đến. Nhà dòng không còn chỗ nhận thêm người xin gia nhập. Thế mà bây giờ tu viện chẳng khác nào một ngôi chùa hoang phế. Nhà thờ vắng lặng, tu sĩ thì leo teo mấy người. Cuộc sống thật là buồn tẻ...

Vị bề trên hỏi tu sĩ ấn giáo cho biết nguyên nhân nào hay lỗi lầm nào đã dưa tu viện tới tình trạng trên đây. Tu sĩ ấn giáo ôn tồn bảo :

- Tội của cộng đoàn đó là tội vô tình.

Và ông giải thích :

- Đấng Cứu Thế đã cải trang thành một người trong quí vị, nhưng quí vị không nhận ra Người.

Từ đó, mọi người đối xử với nhau như với Đấng Cứu Thế. Chẳng bao lâu bầu khí yêu thương huynh đệ thấm thiết, sức sống mới nảy sinh, và niềm vui tràn ngập tu viện. Khắp nơi người ta lại tìm đến tu viện tĩnh tâm cầu nguyện. Nhiều bạn trẻ lại đến xin gia nhập cộng đoàn.

*

"Sao các bà lại tìm người sống giữa kẻ chết ? Người không còn đây nữa, nhưng đã chỗi dậy rồi" (Lc 23,5-6). Buổi sáng Phục Sinh đầu tiên, Chúa Giêsu đã vinh thắng ra khỏi mộ tối, để mở đầu cho một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên cứu rỗi. Người đã hiện ra với Mađalêna, với Phêrô, với hai môn đệ trên đường Emmau, với các môn đệ "đang "tập họp trong nhà cửa đóng kín," - trên bờ biển Tibêria. Và Người" vẫn còn hiện diện giữa chúng ta, những kẻ "tin vào" Người," ở mọi nơi, trong mọi thời đại. Đó là một Tin vui không chỉ cho thành Giêrusalem mà còn cho toàn thế giới.

Tin vui chính là Chúa Giêsu Phục Sinh, ánh sáng rạng ngời, đã xoá tan bóng tối của tử thần và tội lỗi, để dẫn đưa con người bước vào miền ánh sáng sự sống.

Tin vui chính là Chúa Giêsu Phục sinh luôn hiện diện giữa những kẻ tin Người sống lại để mang lại cho họ niềm vui và an bình trong cuộc sống mới.

Nếu ngôi mộ tối đã không thể giam giữ Chúa Giêsu Phục sinh, và xiềng xích của sự chết đã bị Người bẻ gãy, thì không còn gì có thể tiêu diệt chúng ta được. Thánh Phaolô viết : "Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô ? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ gươm giáo ?" (Rm 8,35).

Vì thế,

Sống niềm vui Phục Sinh chính là chết đi cho tội lỗi để sống lại với Chúa trong đời sống mới, đời sống Phục Sinh.

Sống niềm vui Phục Sinh chính là tin rằng Chúa đã sống lại và đã cứu thoát chúng ta khỏi vòng tội lỗi, nên chúng ta hãy đặt niềm tin và hy vọng nơi Người.

Sống niềm vui Phục Sinh chính là sống vui tươi, an bình và yêu thương trong sự hiện diện của Chúa Giêsu Phục Sinh.

Cộng đoàn tu viện trong câu chuyện kể trên chỉ tìm được bầu không khí yêu thương và niềm vui huynh đệ khi mà mọi người nhận ra Đấng Cứu Thế đang ở giữa họ, trong người anh em.

*

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã vượt qua khổ nạn và cái chết để Phục Sinh về với Chúa Cha. Xin cho chúng con biết : Vượt qua ích kỷ nhỏ nhen để quảng đại yêu thương. Vượt qua tự ái, tự kiêu để tha thứ bao dung. Vượt qua đau khổ, cực nhọc để dấn thân hy sinh.

Ước gì cuộc sống chúng con luôn mãi tràn đầy niềm vui và bình an của Chúa Phục Sinh. Amen. (TP)

4. Mầu nhiệm Vượt qua

Cao điểm của năm Phụng vụ là Tuần Thánh vì có rất nhiều lễ nghi, giáo dân tham dự đông đảo và sốt sắng. Hôm nay thì Tuần thánh đã qua đi rồi. Nhưng chúng ta hãy nhìn lại một trong những lễ nghi phong phú ý nghĩa của Tuần Thánh, đó là ngọn nến phục sinh.

Trong đêm thứ Bảy Tuần Thánh, lúc mới bắt đầu nghi lễ thì mọi đèn nến trong sân nhà thờ đều tắt hết, bóng tối bao trùm tất cả. Thế rồi Chủ Tế lấy lửa từ một bếp than châm vào ngọn nến phục sinh. Một tia sáng nhỏ loé lên trong đêm tối. Tiếp đó ánh sáng từ ngọn nến Phục sinh lại được châm vào những ngọn nến của các tín hữu. Ánh sáng tỏa lan dần, và cuối cùng mọi đèn nến đều sáng rực. Ánh sáng đã hoàn toàn đẩy lui bóng tối.

Hình ảnh này rất đẹp, và nhất là chứa đựng một ý nghĩa sâu sắc :

- Bóng tối không thể nào thắng được ánh sáng.

- Ma quỷ không thể nào thắng được Thiên Chúa.

- Sự ác không thể nào thắng được sự thiện.

Đó chính là một chân lý mà các lễ nghi Tuần Thánh muốn soi sáng cho chúng ta. Khi Chúa Giêsu chết thì tưởng như bóng tối, quyền lực ma quỷ và sự ác đã hoàn toàn chiến thắng. Thế nhưng không phải như vậy, Chúa Giêsu đã sống lại. Nghĩa là ánh sáng đã chiến thắng tối tăm, Thiên Chúa đã chiến thắng Satan, và sự thiện đã chiến thắng sự ác.

Sự thật này không phải chỉ đúng cho một mình Chúa Giêsu mà còn đúng cho tất cả mọi người chúng ta nữa. Bởi vì Chúa Giêsu đi vào cuộc chịu nạn, chịu chết và sống lại là trong tư cách Ngài là đại diện của loài người, Ngài là trưởng tử của tất cả mọi người, là hoa trái đầu mùa. Ngài chiến thắng nghĩa là dọn đường cho tất cả chúng ta chiến thắng. Bởi thế, tất cả chúng ta đều có thể cùng với Chúa Giêsu mà lạc quan tin tưởng rằng sau cùng rồi mọi sự ác sự dữ đều sẽ bị đánh bại.

Chính vì thế mà trong khi các tín hữu Rôma đang phải lao đao khốn đốn vì những cuộc bách hại, thánh Phêrô đã gởi thư cho họ nói rằng "Anh em hãy vui mừng mặc dù còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. Thực ra những thử thách đó chỉ nhằm tinh luyện đức tin của anh em, cũng như lửa thử vàng vậy" (1Pr.1,3-9).

Còn thánh Phaolô, đang lúc phải ngồi tù mà đã viết thư cho giáo đoàn Philip rằng : "Anh em hãy vui lên. Tôi không ngừng nhắc đi nhắc lại rằng anh em hãy vui mừng luôn trong Chúa" (Pl.3,1).

Trong đêm thứ Bảy Tuần Thánh vừa qua, chúng ta đã thấy rất đông người lãnh nhận Bí tích Rửa tội và Thêm sức. Trong số những người đó, có nhiều người hồi trước hầu như bỏ đạo ; vì nghèo quá, khổ quá, gặp thử thách nặng quá nên họ đã chán nản. Nhưng vì trong lòng họ còn một chút ánh sáng đức tin, họ đã không buông trôi. Thế rồi dần dần những khó khăn của họ được tháo gỡ, họ đã quay trở lại với Chúa, và trong đêm đó họ đã vui mừng đứng trong vùng ánh sáng chan hòa của Chúa. Bóng tối không thể nào thắng được ánh sáng.

Trong cuộc đời của chúng ta, có nhiều lúc chúng ta thấy mình quá yếu đuối tội lỗi nên chúng ta ngã lòng muốn buông trôi luôn, có nhiều lúc chúng ta thấy mình bị ác tâm và tội lỗi của kẻ xấu tấn công mạnh quá nên bị nhận chìm trong tăm tối mênh mông… những lúc đó chúng ta chán nản vô cùng. Nhưng mầu nhiệm Chúa Giêsu phục sinh dạy cho chúng ta rằng đừng nên ngã lòng bởi vì cuối cùng thì ánh sáng sẽ luôn chiến thắng, sự thiện sẽ luôn chiến thắng sự ác.

Bởi đó từ đêm lễ phục sinh, Giáo hội hân hoan cất tiếng hát Alleluia, hãy tạ ơn Thiên Chúa. Tiếng hát Alleluia ấy vẫn tiếp tục cất lên trong suốt năm Phụng vụ để nhắc mọi người tín hữu hãy luôn sống lạc quan.

Xin cho chúng ta đừng bao giờ ngã lòng thất vọng.

Xin cho chúng ta luôn luôn tin tưởng vào mầu nhiệm phục sinh.

Xin cho cuộc đời chúng ta lúc nào cũng đầy tràn tiếng hát Alleluia.

5. Lăn tảng đá ra khỏi mộ

Khi các phụ nữ đang trên đường đến mộ Chúa Giêsu, họ băn khoăn tự hỏi "Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi mộ Chúa đây ?"

Sau một trận cãi vả với cha mình, một người kia không thèm nói chuyện với cha nữa. Nhà của hai cha con chỉ cách nhau một quãng ngắn ngủi, nhưng họ không đến thăm nhau và chẳng hề nói với nhau tiếng nào trong nhiều năm dài. Người mẹ thì đã bỏ nhà ra đi từ lâu. Do đó người cha phải sống một mình trong cô độc lẻ loi. Thế giới của ông ngày càng thu hẹp lại, bầu trời của ông ngày càng u ám hơn. Tuy ông chưa chết, nhưng có thể nói ông đang bị chôn trong mồ rồi.

Chúng ta ngạc nhiên vì quyền phép Chúa Giêsu đã làm cho kẻ chết sống lại. Nhưng chúng ta có biết rằng chính chúng ta cũng có thể làm được như thế không ? Có thể lắm chứ. Như người con trong câu chuyện trên. Anh có thể lăn tảng đá ra khỏi nấm mộ của cha anh bằng cách đến thăm ông, nói chuyện với ông. Làm như thế tức là lại mở rộng thế giới của ông và lại làm cho bầu trời cuộc sống của ông trở nên tươi sáng. (FM)

6. Lễ Phục sinh và vấn đề đau khổ

Mừng lễ Phục sinh nhưng chúng ta vẫn còn cảm nhận những đau khổ, đau khổ của bản thân và đau khổ của tha nhân.

Tuy nhiên một yếu tố mới đã phát sinh. Nó không làm đau khổ biến mất, nhưng mang lại cho đau khổ một ý nghĩa và chiếu lên đau khổ một ánh sáng hy vọng.

Mọi sự đã đổi khác rồi, vì Chúa Giêsu vẫn còn sống và nói cho chúng ta nghe những lời bình an.

Ngài đã bẻ gảy quyền lực của sự chết và ban cho chúng ta hy vọng sự sống muôn đời.

Bởi thế, dù vẫn sống giữa những khổ đau, trong lòng chúng ta đã có một niềm vui âm thầm và một cảm giác bình an sâu lắng.

Lạy Chúa, xin ân sủng Chúa bảo vệ niềm hy vọng này, và làm cho niềm hy vọng ấy được thực hiện trọn vẹn trong Nước Chúa trên trời.

7. Bài giảng của Thánh Gioan Kim Khẩu (+ 407)

Tôi sẽ giải thích cho các bạn thế nào về những sự kín nhiệm ? Tôi sẽ công bố thế nào về điều vượt quá mọi ngôn ngữ và mọi trí hiểu ? Tôi phải làm thế nào cho các bạn biết về mầu nhiệm Chúa sống lại ? Thập giá của Ngài là một mầu nhiệm, và việc Ngài chết 3 ngày cùng với những điều xảy đến cho Ngài đều là mầu nhiệm.

Thật vậy, Ngài đã được sinh ra từ cung lòng vẹn sạch của Đức Trinh Nữ như thế nào, thì Ngài cũng được sống lại từ ngôi mồ đóng kín như thể ấy. Con Một Thiên Chúa đã trở thành con đầu lòng sinh bởi một người mẹ thế nào, thì Chúa Giêsu phục sinh cũng trở thành kẻ sống lại đầu tiên của loài người như thể ấy. Hơn nữa, cũng như việc Ngài sinh ra không làm mất đi sự đồng trinh của Đức Mẹ thế nào, thì việc Ngài sống lại cũng chẳng phá vỡ những dấu ấn của ngôi mồ thế ấy. Tôi không biết dùng lời lẽ nào để nói về sự sinh ra của Ngài, tôi cũng chẳng biết nói sao về việc Ngài ra khỏi nấm mồ.

"Hãy đến xem nơi Chúa đã nghỉ" (Mt 28,6), nghĩa là "Hãy đến xem nơi soạn thảo sắc chỉ bảo đảm sự sống lại của bạn. Đó là nơi sự chết bị chôn. Đó là nơi mà một thân xác, một hạt giống không được gieo xuống bởi con người, đã trổ sinh nhiều bông lúa bất tử.

"Hãy đi loan báo cho các anh em Ta là họ phải đến Galilê và gặp Ta ở đấy" (Mt 28,10), nghĩa là "Hãy đi báo cho các môn đệ của Ta về những điều các người đã được chiêm ngưỡng".

Trên đây là những lời Chúa phán với các phụ nữ. Và ngay bây giờ nữa, bên bờ giếng rửa tội, Chúa vẫn hiện diện vô hình cạnh các tín hữu. Ngài ôm ấp những người mới được rửa tội như ôm ấp những bạn hữu và anh em. Ngài đổ đầy niềm vui và hoan lạc trong tâm hồn họ. Ngài rửa sạch mọi vết nhơ của họ trong dòng nước ân sủng. Ngài xức dầu Thánh Thần cho những người được tái sinh. Chúa trở thành lương thực và người nuôi dưỡng họ. Ngài nói với mọi tín hữu rằng "Hãy ăn bánh bởi trời, hãy uống nước chảy ra từ cạnh sườn của Ta. Các con đang đói, hãy ăn no nê ; các con đang khát, hãy uống thỏa lòng"

Ôi lạy Đức Kitô, Thiên Chúa chúng con. Chỉ mình Ngài là Đức Chúa duy nhất, đầy lòng nhân từ yêu thương con người. Cùng với Chúa Cha hoàn toàn vẹn sạch và Chúa Thánh Thần Đấng ban sự sống, chúng con xin dâng lên vinh quang và quyền lực, bây giờ và mãi mãi đến muôn thuở muôn đời. Amen.

V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI

Chủ tế : Anh chị em thân mến, Thiên Chúa Cha đã cho Đức Kitô Phục sinh để trở nên nguồn sống mới và chính Người sẽ dùng quyền năng của mình mà làm cho chúng ta sống lại trong ngày sau hết. Vì thế, với tâm tình cảm tạ tri ân, chúng ta cùng dâng lời cầu xin :

1. Khi sống lại từ cõi chết / Chúa Giêsu đã báo Tin mừng cho mấy phụ nữ  và các tông đồ / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi thành phần Dân Chúa / trở nên những chứng nhân trung thành của Đấng Phục sinh.

2. Khi sống lại từ cõi chết / Chúa Giêsu đã chiến thắng tội lỗi và tử thần / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các tín hữu / biết cởi bỏ con người cũ / và mặc lấy con người mới theo hình ảnh Đức Kitô Phục sinh.

3. Khi sống lại từ cõi chết / Chúa Giêsu đã hiện ra nhiều lần với các tông đồ / và ban Thánh thần cho các ngài / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa cũng ban Thánh thần / để Người tái tạo chúng ta.

4. Khi sống lại từ cõi chết / Chúa Giêsu đem đến cho những ai tin Người bình an và vui mừng / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi thành viên trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta / trở nên những sứ giả mang bình an / và niềm vui đến cho hết thảy mọi người.

Chủ tế : Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chết đau thương và sống lại vinh hiển để cứu chuộc chúng con. Xin cho chúng con biết luôn cố gắng sống xứng đáng với tình thương hải hà của Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

Bài cùng chuyên mục:

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7