Đức Phanxicô tưới cây của một đại diện cộng đồng bản địa Amazon trồng ở vườn Vatican ngày 4 tháng 10 năm 2019. ANDREAS SOLARO/AFP
Trong tông huấn Hãy ngợi khen Chúa, Laudate Deum được công bố ngày thứ tư 4 tháng 10, ngày lễ kính Thánh Phanxicô, Đức Phanxicô tiếp tục suy tư về sinh thái được ngài bắt đầu từ thông điệp Laudato si’ của ngài. Ngắn hơn và có tác động hơn, ít phát triển quan điểm thần học, tông huấn mới này đưa ra các đề tài để suy nghĩ về các xu hướng trong xã hội và một số sự kiện hiện tại: sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, gia tăng các phát biểu hoài nghi về khí hậu, vai trò của các hội nghị về khí hậu, v.v. Báo La Croix chọn mười câu trích dẫn nổi bật nhất từ văn bản này.
1- Trách nhiệm của những người giàu nhất
“Trong cố gắng đơn giản hóa thực tế, một số người đổ lỗi cho người nghèo vì họ sinh nhiều con, thậm chí còn tìm cách giải quyết vấn đề bằng cách cắt xẻo phụ nữ ở các nước kém phát triển. Như mọi lần, dường như đó là lỗi của người nghèo. Nhưng thực tế là một tỷ lệ nhỏ những người giàu nhất hành tinh đã gây ô nhiễm nhiều hơn 50% dân số nghèo nhất thế giới và lượng khí thải bình quân đầu người của các nước giàu nhất cao hơn nhiều so với các nước nghèo nhất.” (số 9)
2- Các cường quốc xem thường
“Thật không may, cuộc khủng hoảng khí hậu không thực sự là chủ đề được các cường quốc kinh tế lớn quan tâm, họ chỉ quan tâm đến lợi nhuận lớn nhất với chi phí thấp nhất và trong thời gian ngắn nhất có thể.” (số 13)
3- Chủ nghĩa hoài nghi về khí hậu trong Giáo hội
“Tôi buộc lòng phải nói chính xác những chi tiết này, điều này có vẻ hiển nhiên, vì một số ý kiến xem thường và vô lý mà tôi gặp ngay cả trong Giáo hội công giáo. Nhưng chúng ta không còn có thể nghi ngờ, nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi nhanh chóng bất thường này là một thực tế không thể phủ nhận: những thay đổi to lớn liên quan đến sự can thiệp không kiểm soát của con người vào thiên nhiên trong hai thế kỷ qua.” (số 14)
4- Trí tuệ nhân tạo
“Trí tuệ nhân tạo và những cải tiến công nghệ mới nhất bắt đầu từ ý tưởng về một con người không có bất kỳ một giới hạn nào, nhờ công nghệ, năng lực và khả năng của họ có thể được mở rộng đến vô tận. Do đó, mô hình kỹ trị tự dung dưỡng nó cách quái dị. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên cần thiết cho công nghệ, chẳng hạn như lithium, silicon và nhiều kim loại khác, chắc chắn không phải là vô hạn, nhưng vấn đề lớn nhất là hệ tư tưởng đằng sau nỗi ám ảnh: phát triển vượt xa sức mạnh có thể tưởng tượng của con người, trước thực tế phi-nhân là có một nguồn tài nguyên đơn giản chỉ phục vụ cho họ.” (số 22/21)
5- Đặt câu hỏi về sức mạnh con người
“Tất cả chúng ta cần phải suy nghĩ lại về sức mạnh con người, ý nghĩa và giới hạn của nó. Quả thực, chỉ trong vài thập kỷ, sức mạnh của chúng ta đã phát triển đến chóng mặt. Chúng ta đã có được những tiến bộ công nghệ ấn tượng và đáng kinh ngạc, nhưng đồng thời, chúng ta không thấy, chúng ta đã trở nên cực kỳ nguy hiểm, có khả năng gây nguy hiểm cho mạng sống của nhiều sinh vật cũng như sự sống còn của chính chúng ta.” (số 28)
6- Dự án có tác động môi trường cao
“Sự suy đồi đạo đức của quyền lực lại được ngụy trang bằng hoạt động tiếp thị và tin tức giả, vốn là những cơ chế hữu ích trong tay những người có nhiều khả năng tác động đến dư luận. Nhờ các cơ chế này, khi khởi động một dự án có tác động môi trường mạnh mẽ và gây ô nhiễm đáng kể, người dân trong khu vực bị lừa dối, họ bị thuyết phục bởi những tiến bộ có thể có được ở địa phương hoặc về các cơ hội kinh tế trong lãnh vực việc làm và phát triển con người trên con cái họ. Nhưng trên thực tế, họ lại không thực sự quan tâm đến tương lai của những người này, vì họ đã không cho người dân biết, một dự án như vậy sẽ là một vùng đất bị tàn phá, điều kiện sống và sinh hoạt bất lợi hơn rất nhiều, một vùng hoang vắng, ít người ở, không có sự sống và không có niềm vui chung sống và hy vọng, chưa kể đến thiệt hại chung mà cuối cùng sẽ gây thiệt hại cho nhiều người khác.” (số 29)
7- Hy vọng vào hội nghị COP28
“Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất sẽ tổ chức Hội nghị COP28 tiếp theo. (…) Nói rằng không còn gì để hy vọng sẽ là một hành động tự sát, khiến toàn thể nhân loại, đặc biệt là những người nghèo nhất, phải hứng chịu những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu.” (số 53)
8- Chủ nghĩa giải pháp công nghệ
“Cho rằng bất kỳ vấn đề nào trong tương lai đều có thể giải quyết bằng các biện pháp can thiệp kỹ thuật mới, đó là chủ nghĩa thực dụng giết người, giống như hiệu ứng bong bóng tuyết.” (số 57)
9- Sinh thái tận căn
Tại các hội nghị về khí hậu, hành động của các nhóm bị cho là ‘cực đoan hóa’ thường thu hút sự chú ý. Nhưng chúng lấp đầy khoảng trống trong xã hội, mà theo lẽ chúng phải tạo “áp lực” lành mạnh; vì mọi gia đình đều phải nghĩ rằng tương lai của con cái mình đang bị đe dọa.” (số 58).
10- Tầm quan trọng của những “cử chỉ nhỏ”
“Nỗ lực của các gia đình nhằm giảm ô nhiễm, giảm rác thải, tiêu dùng điều độ đã tạo ra một văn hóa mới. Thực tế đơn giản về việc thay đổi thói quen cá nhân, gia đình và cộng đồng đã làm dấy lên mối lo ngại về các thành phần chính trị đã không đảm nhận phần trách nhiệm của họ, họ phẫn nộ trước sự vô tư của những người có quyền lực. Vì thế, chúng tôi nhận thấy, dù điều này không có tác động đáng chú ý về lượng, thì nó vẫn giúp chúng ta đưa ra các quá trình chuyển đổi lớn vận hành từ sâu thẳm xã hội.” (số 7)
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch(phanxico.vn)