Tài liệu - Giáo huấn

Linh mục: vui trong thuộc về để tạo sinh

  • In trang này
  • Lượt xem: 193
  • Ngày đăng: 13/10/2024 09:51:22

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Tôi muốn chỉ cho anh chị em ba con đường cần thực hiện cho quá trình đào tạo linh mục, đó là: niềm vui Tin Mừng, cảm thức thuộc về Dân Chúa, khả năng tạo sinh trong việc phục vụ.

 

 

Dẫn nhập: Từ gợi ý của vị cha chung

Đây cũng chính chủ đích của cuộc “HỘI NGHỊ QUỐC TẾ VỀ THƯỜNG HUẤN LINH MỤC TỪ NGÀY 6-10.02.2024 TẠI RÔMA[1] mà chủ đề được chọn cho cuộc Hội nghi đặc biệt này đã phần nào phản ảnh: “Con hãy khơi dậy hồng ân của Chúa trong con” (2Tm 1,6): “Vẻ đẹp làm môn đệ ngày nay. Một sự huấn luyện duy nhất, toàn diện, cộng đoàn và truyền giáo”. Chính trong cuộc Hội nghị này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tới tham dự và có một bài phát biểu như một sự đóng góp “ý kiến mang tính chỉ đạo”. Ngài đã nêu rõ nội dung cũng như chủ đích của bài phát biểu đó ngay từ những lời đầu tiên như sau: “Vì thế, trong những ngày này, anh chị em hãy lắng nghe nhau và để cho mình được truyền cảm hứng bởi lời khuyên của Thánh Phaolô Tông Đồ dành cho Timôthê, cũng là chủ đề của Hội nghị: “Con hãy khơi dậy hồng ân của Chúa trong con” (2Tm 1,6). Anh chị em hãy làm sống lại hồng ân này, tái khám phá việc xức dầu, thắp lại ngọn lửa đó để lòng nhiệt thành đối với sứ vụ tông đồ không bị phai mờ.

 

Và làm thế nào chúng ta có thể thắp lại hồng ân mà chúng ta đã lãnh nhận? Tôi muốn chỉ cho anh chị em ba con đường cần thực hiện cho quá trình đào tạo linh mục, đó là: niềm vui Tin Mừng, cảm thức thuộc về Dân Chúa, khả năng tạo sinh trong việc phục vụ.”[2].

 

Để góp phần làm phong phú hóa và tăng hiệu quả mục vụ cho chương trình Thường huấn năm nay, xin được khai triển thêm về ý nghĩa “ba con đường cho quá trình đào tạo linh mục” mà Đức Phanxicô đã gợi ý: niềm vui Tin Mừng, cảm thức thuộc về Dân Chúa, khả năng tạo sinh trong việc phục vụ. Nội dung trên có thể được gồm tóm trong một chủ đề “TAM ĐẠO MỤC HUẤN TRÌNH” hay “BA CON ĐƯỜNG TRONG CHƯƠNG TRÌNH THƯỜNG HUẤN LINH MỤC” đó làVUI trong THUỘC VỀ để TẠO SINH.

 

I. LINH MỤC: CHỨNG NHÂN CỦA NIỀM VUI GIỮA MỌI NGƯỜI

1. Tnh táo trước “nc đưu su” ca ma qu

Trước khi bàn chuyện “niềm vui”, có lẽ sẽ không vô ích, nếu chúng ta dừng lại một thoáng để tìm hiểu xem cái trở lực ngược với niềm vui, một thứ “nọc độc” mà không ít người ngày nay đang nhiễm; trong số đó không loại trừ các linh mục!

 

1.1. Ưu sầu: một trong 4 thứ nọc độc ma quỷ đang gieo vào thế giới:

Đây chính là điều được Đức Giáo Hoàng Phanxicô khẳng định trong tông huấn Gaudete et Exsultate: “Do đó, chúng ta không nên nghĩ về ma quỷ như một thứ huyền thoại, một hình tượng, một biểu trưng, một hình ảnh hoặc một ý tưởng. Sai lầm này sẽ dẫn chúng ta tới chỗ mất cảnh giác, bất cẩn và rốt cuộc càng dễ bị thương tổn hơn. Ma quỷ không cần ám chúng ta. Nó đầu độc chúng ta bằng nọc độc thù hận, u sầu, ghen tị và đồi bại. Khi chúng ta xem thường mất cảnh giác, ma quỷ chụp thời cơ để hủy hoại cuộc sống, gia đình và cộng đoàn chúng ta. Chúng “như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5,8)[3].

 

1.2. Cần phân định: có hai loại ưu sầu:

1.2.1. Ưu sầu “đến từ Thiên Chúa” hay của Tin mừng “Tám mối phúc thật”:

Thánh Phaolô đã nói thật rõ: “Quả vậy, nỗi ưu phiền theo ý Thiên Chúa làm cho chúng ta hối cải để được cứu độ: đó là điều không bao giờ phải hối tiếc; còn nỗi ưu phiền theo kiểu thế gian thì gây ra sự chết” (2 Cr 7,10).

 

Đây là thứ “u sầu khóc lóc” được chúc phúc hay thứ “sầu khổ” của tâm hồn ăn năn thống hối, của trái tim “biết khóc trước nỗi đau của anh em đồng loại”; loại u sầu luôn dẫn đến niềm trông cậy vào lòng xót thương và luôn mở ra cánh cửa hy vọng để lên trời, để đạt được cõi phúc như lý giải của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong tông huấn Gaudete et Exsultate: “Một người biết nhìn các sự vật đúng như sự thật của chúng, biết cảm nhận những đau khổ và muộn phiền, thì mới có thể chạm đến chiều sâu của đời sống và tìm được hạnh phúc chân thực. Người ấy được Chúa Giêsu an ủi chứ không phải thế gian. Người như thế không sợ chia sẻ đau khổ của người khác và không trốn tránh nhũng hoàn cảnh đau thương. Như thế, họ khám phá ý nghĩa cuộc sống bằng cách giúp đỡ những người đau khố, cảm thông nỗi thống khổ của người ta và mang lại sự xoa dịu. Người ấy cảm nhận tha nhân là thịt xương của chính mình, và không sợ đến gần, thậm chí chạm vào các vết thương của họ. Họ cảm thương người khác đến nỗi mọi khoảng cách đều không còn. Như thế, người ấy có thế đón lời khích lệ của Thánh Phaolô: “Hãy khóc với người khóc” (Rm 12,15). Biết khóc với người khác: đó là sự thánh thiện” (GE 76).

 

1.2.2. Ưu sầu là “nọc độc của ma quỷ:

Ma quỷ đã gieo một thứ u sầu khác. Đó là thứ u sầu trống rỗng nội tâm khi thất bại trong việc tìm kiếm thú vui hưởng thụ vật chất; thứ u sầu thất vọng khi đối diện với những thất bại, đắng cay trong cuộc tranh giành quyền lực và giàu có thế gian; thứ u sầu ích kỷ của một cái tôi cô độc, cách ly khỏi mọi mối tương quan cộng đồng, huynh đệ và nhất là với Đấng Toàn Năng; thứ u sầu bất mãn, hận thù khi bị kẻ thù dìm xuống đất đen và không còn cơ hội để ngoi lên chà đạp kẻ khác…

 

Đó là thứ u sầu mang đầy bóng tối của những bước chân Giuđa khi rời khỏi phòng Tiệc Ly ấm cúng để dẫn tới chiếc dây thòng lọng treo cổ tự tử[4]; thứ u sầu mà người ta tìm thấy nơi bức thư tuyệt mệnh của tài từ điện ảnh nổi tiếng Marilyn Monroe: “Niềm tin của tôi đã mất dần và tôi không còn muốn nghe bất cứ điều gì nữa. Những điều đó đã khiến tôi gần như pháđiên. Tôi chợt nhận ra chính mình khi đứng trước camera và đã cố gắng tìm lại bản thân, thế nhưng tất cả đều trở nên vô vọng. Tôi không thể đứng vững được nữa trên con đường đời”[5].

 

1.3. Hiệu quả của thứ ưu sầu đến từ ma quỷ:

Từ thứ nọc đầu “u sầu” nầy, xã hội sẽ dễ dàng du nhập những phương thuốc để “giải sầu” hiệu nghiệm như rượu, ma túy, âm nhạc thất vọng, điện ảnh khiêu dâm, tự tử, stress, tâm thần… và bao thứ đồi trụy khác để dẫn dắt con người từng bước rơi vào vực thẳm tối tăm của địa ngục. Trong thế giới kỹ thuật số và hệ thống giao tiếp “thời truyền thông 4.0”, “trí tuệ nhân tạo” …, nọc độc u sầu lại được ma quỷ tận dụng hết công suất để làm lan tỏa, phủ sóng đến tận hang cùng ngỏ hẻm; và cứ thế, con số người tự tử càng ngày càng cao (không loại trừ việc các linh mục tự tử)[6], sự nổi loạn, thất vọng, sống buông thả, mất phương hướng… càng ngày càng trở nên phổ cập… Một show diễn “Bữa tiệc của các vị thần” nhố nhăng, đầy tranh cãi và gây bức xúc cho dư luận khắp thế giới trong lễ Khai mạc Olympic Paris 2024 vừa qua là một thí dụ điển hình. Ghê gớm thay nọc độc u sầu![7].

 

1.4. Hiệu quả của đời sống bế tắc dưới sức ép của “áp lực mục vụ”:

Có lẽ đây là lý do phổ cập nhất khiến cuộc đời và cuộc sống linh mục rơi vào khủng hoảng mà biểu hiện rõ nét nhất chính là sự mệt mỏi, chán nản, bi quan, cô độc… Kim Chỉ nam về tác vụ và đời sống linh mục của Thánh bộ Giáo sĩ đã chỉ ra điều này: “Công việc mục vụ là một môi trường hấp dẫn nhưng cam go, thường dễ bị hiểu lầm và kỳ thị, đặc biệt ngày nay, dễ đưa đến mệt mỏi, bi quan, cô lập và đôi khi cô đơn (số 48).

 

2. Linh mục: người kiến to và chng nhân niềm vui

2.1. Niềm vui của ân sủng: Tình bạn với Thiên Chúa - Gặp gỡ Đức Kitô:

Thực ra “niềm vui” chính là sự sống và năng lực hoạt động thường xuyên của người Kitô hữu như chính là hiệu triệu của Thánh Phaolô dành cho giáo đoàn Philipphê: “Anh em hay vui luôn trong niềm vui của Chúa! Tôi nhắc lại: anh em hãy vui lên” (Pl 4,4).

 

Riêng trong Năm Phụng vụ, giữa “Mùa Vọng áo tím đợi chờ” chúng ta có “Chúa Nhật hồng” (CN III MV) và giữa “Mùa Chay khắc khổ” chúng ta có “Chúa Nhật vui” (CN IV MC). Niềm vui mà Lời Chúa hay Phụng vụ chú trọng lại là “niềm vui ân sủng”, “niềm vui Tin mừng”, niềm vui được xây dựng trên nền tảng hồng ân: “tình bạn với Thiên Chúa” hay trong sự “gặp gỡ Đức Kitô”, như các xác quyết sau:

- Đức Giáo hoàng Phanxicô trong Phát biểu về “Hội nghị về thường huấn”: Trọng tâm của đời sống Kitô hữu là hồng ân tình bạn hữu với Chúa, một ân ban giải thoát chúng ta khỏi nỗi buồn của chủ nghĩa cá nhân và nguy cơ của một cuộc sống vô nghĩa, không có tình yêu và hy vọng. Niềm vui Tin mừng, Tin mừng đồng hành với chúng ta, chính là điều này: Thiên Chúa yêu thương chúng ta bằng một tình yêu dịu dàng và nhân hậu. Và chúng ta được mời gọi làm cho lời loan báo này vang vọng khắp thế giới bằng chứng tá cuộc sống chúng ta, để tất cả mọi người có thể khám phá ra vẻ đẹp tình yêu cứu độ của Thiên Chúa được mặc khải nơi Chúa Giêsu KitôĐấng đã chết và sống lại” (Phát biểu trong Hội nghị về Thường huấn linh mục).

 

- Đức Giáo hoàng Phanxicô trong Tông huấn Niềm vui của Tin mừng: “NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu. Những ai chấp nhận đề nghị cứu độ của Người đều được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn. Với Đức Kitô, niềm vui luôn luôn được tái sinh.” (Niềm vui của Tin mừng, số 1).

 

Khi nói tới chuyện “gặp gỡ Đức Kitô”, lý do cốt yếu của “niềm vui ân sủng”, chúng ta có thể đọc lại những “chứng từ Tin mừng”: Lêvi, Giakê, những anh chàng mù, què, câm, điếc…, những kẻ phung cùi, những người tội lỗi, bà mẹ góa ở Naim, những em bé được chúc lành, người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang, tên trộm trước khi chết được hứa phúc thiên đàng… Vâng, tất cả đều tràn ngập trong cõi lòng niềm vui sâu lắng và hạnh phúc dạt dào, là kết quả của một cuộc “hạnh ngộ” với Đấng được xức dầu bởi Thánh Thần để mang “Tin Vui” cho những kẻ nghèo hèn… (Lc 4,17-19).

 

2.2. Niềm vui của ân sủng: niềm vui mang chiều kích siêu nhiên:

- Niềm vui siêu nhiên: thuộc về Thiên Chúa:

Kinh nghiệm ngàn đời của Dân Chúa nói với chúng ta rằng: những ai đã một lần gặp được Đức Kitô đều có thể sở hữu được một niềm vui dịu dàng hay sâu lắng. Đây là niềm vui không hời hợt, chóng qua mang tính “trần tục hay vật chất”, như niềm vui sỗ sàng của một trận thắng độ bóng đá; niềm vui thỏa mãn và cao ngạo khi trúng một vài tờ vé số độc đắc hay một thành công trên thương trường hoặc chính trường…, nhưng là “niềm vui đong đầy ân sủng trong tâm hồn”, niềm vui của một đời sống “nội tâm đầy Thiên Chúa và luôn được thuộc về Ngài”. Đó chính là niềm vui của Đức Trinh Nữ Maria khi Mẹ hân hoan hát lên bài Magnificat “linh hồn tôi nhảy mừng trong Chúa”. Mẹ vui vì Mẹ đã cảm nhận được thế nào vâng phục thánh ý Thiên Chúa, “Thiên Chúa đang ở cùng Mẹ”, “Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người”. Đó là niềm vui của các thánh Tông đồ từ tòa án công nghị của quan chức Do Thái bước ra, sau trận đòn chí tử: “Các ông vui mừng vì được chịu đau khổ để làm chứng cho Đức Kitô” (Cv 5,41).

 

Đó là niềm vui cao khiết, thánh thiêng mà rất nhiều khi lại phải trả bằng máu và nước mắt, như bao vị anh hùng tử đạo trên hý trường Côlôsêum thời Giáo hội sơ khai! Vâng, các Kitô hữu này cho dù đang đối diện với mãnh thú chực chờ xé xác vẫn mỉm cười ca hát trong phó thác tin yêu đến độ làm sững sờ con tim và trí óc của bạo chúa Nêrô và cư dân La Mã: “Tại sao họ lại hát?”. Cũng vậy, Á Thánh Anrê Phú Yên khi tiến ra pháp trường thành Chiêm, đã luôn hiên ngang rạng rỡ vui mừng, miệng nói huyên thuyên, đi chịu chết mà chẳng khác nào đang đi dự tiệc![8]

 

- Niềm vui siêu nhiên: từ ân sủng hoán cải:

 “Vui biết chừng nào khi trở lại với Người sau mỗi lần chúng ta lạc lối! Xin cho tôi lặp lại điều này một lần nữa: Chúa không bao giờ thấy mệt khi tha thứ cho chúng ta; chỉ có chúng ta thấy mệt khi đi tìm lòng thương xót của Ngài.” (Niềm vui của Tin mừng, số 3).

 

Trong khi đó, Kim Chỉ Nam về tác vụ và đời sống linh mục lại nhấn mạnh:

“Vì vậy, điều hết sức cần thiết là linh mục phải biết, theo một nghĩa nào đó, đồng hóa mình với bí tích này, và mặc lấy thái độ của Đức Kitô, ngài phải biết lấy lòng thương xót cúi xuống với nhân loại bị thương tổn, như người Samaritanô nhân hậu. Lúc ấy ngài cho thấy sự mới mẻ Kitô giáo của chiều kích trị bệnh của việc thống hối nhằm chữa trị và tha thứ”[9].

 

- Niềm vui siêu nhiên: từ “ân sủng Phục sinh”:

Cho dù cuộc sống không phải lúc nào cũng “bằng phẳng”, an yên; và rất nhiều khi, phải đối diện với muôn ngàn “thập giá”, thì lựa chọn căn bản nhất của các Kitô hữu, của những mục tử, phải là “niềm vui phục sinh”, chứ không phải “nỗi buồn mùa Chay”, như lời dạy của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong tông huấn “Niềm vui của Tin mừng”: “Có những Kitô hữu sống đời mình giống như chỉ có mùa Chay mà không có mùa Phục Sinh. Đương nhiên tôi hiểu rằng niềm vui ấy không phải lúc nào trong cuộc đời cũng được biểu lộ giống nhau, nhất là trong những lúc hết sức khó khăn. Niềm vui tự thích ứng và thay đổi, nhưng nó luôn luôn tồn tại, dù chỉ như một ngọn đèn leo lét phát sinh từ niềm tin chắc của chúng ta rằng, bất luận thế nào, chúng ta được thương yêu vô bờ.” (Niềm vui của Tin mừng, số 6).

 

- Niềm vui siêu nhiên: khi có Đức Kitô đồng hành trong sứ vụ”:

 “Một người truyền giáo đích thực, … biết rằng có Đức Kitô cùng đi với mình, nói với mình, thở với mình, làm việc với mình. Họ cảm nhận được Đức Giêsu sống với mình giữa công cuộc truyền giáo. Nếu không nhìn thấy Ngài hiện diện tại tâm điểm sự dấn thân truyền giáo của chúng ta, lòng phấn khởi của chúng ta sẽ sớm nhạt nhoà và chúng ta không còn chắc chắn mình đang thông truyền điều gì; chúng ta thiếu sinh lực và đam mê.” (Niềm vui của Tin mừng, số 266).

 

- Niềm vui siêu nhiên: tỏa sáng thành “ngôn sứ của niềm vui”:

 “Và chớ gì thế giới của thời đại chúng ta, một thế giới đang kiếm tìm, khi thì trong lo âu, khi thì trong hi vọng, có thể nhận được tin mừng không phải từ những người rao giảng rầu rĩ, chán nản, mất kiên nhẫn hay lo âu, nhưng từ những thừa tác viên Tin Mừng đang sống một cuộc đời đầy nhiệt huyết, những người trước đó đã nhận được niềm vui của Đức Kitô” (Niềm vui Tin mừng, Số 10).

 

2.3. Niềm vui tự nhiên: niềm vui mang chiều kích nhân bản:

Nhưng con người không là “thiên thần”, chỉ có đời sống siêu nhiên mà là một tạo vật có xác và hồn cùng với bao hệ lụy và tương quan xã hội. Vì thế, một niềm vui trọn hảo, đích thực luôn gắn kết với “con người bằng xương bằng thịt”, luôn diễn ra cùng với cuộc sống đời thường.

 

Đức Phanxicô lưu ý: “Ân sủng vẫn có tính tự nhiên, và vì điều này cần một sự huấn luyện nhân bản toàn diện. Thật vậy, là môn đệ Chúa không phải là một tôn giáo bề ngoài, nhưng là một lối sống, và điều này đòi hỏi sự trau dồi những phẩm chất con người chúng ta. Trái với điều này là linh mục “thế gian”. Khi tinh thần thế gian đi vào tâm hồn linh mục, nó phá huỷ mọi thứ” (Phát biểu trong Hội nghị về Thường huấn linh mục).

 

Trong một chỗ khác, ngài còn nói rõ hơn: “Một linh mục có thể là rất kỷ luật, có thể có khả năng giải thích giỏi thần học, triết học, và bao nhiêu thứ. Nhưng nếu không nhân bản, thì vô ích. Linh mục ấy hãy xuất và trở thành giáo sư. Nhưng nếu không nhân bản, thì không thể là linh mục: linh mục đó thiếu điều gì đó. Ngài thiếu ngôn ngữ? Không phải, ngài có thể nói. Ngài thiếu tấm lòng; những chuyên viên về con người!”[10].

 

- Nhân bản: trường dạy linh mục về chứng nhân “niềm vui Tin mừng”:

 “Tôi yêu cầu anh chị em dành tất cả năng lực và nguồn lực của mình cho khía cạnh này: chăm sóc việc huấn luyện nhân bản. Một lần kia, một linh mục lớn tuổi nói với tôi: Khi một linh mục không có khả năng chơi với trẻ em, thì không phải là linh mục. Chúng ta cần các linh mục nhân bản trọn vẹn, có khả năng có những mối quan hệ lành mạnh, trưởng thành trong việc đối diện với những thách đố của thừa tác vụ, để niềm an ủi Tin mừng có thể đến với Dân Chúa qua nhân tính của họ được Thần Khí của Chúa Giêsu biến đổi. Chúng ta đừng bao giờ quên sức mạnh nhân bản của Tin mừng!” (Phát biểu trong Hội nghị về Thường huấn linh mục).

 

- Niềm vui nhân bản: Khi cuộc sống luôn cởi mở và sẵn sàng:

 “Ra khỏi mình để hoà vào với người khác là điều tốt cho chúng ta. Tự đóng kín mình là nếm cảm vị đắng độc hại của tính tự tại, và loài người sẽ trở nên tổi tệ hơn vì mỗi một chọn lựa ích kỷ của chúng ta.” (Niềm vui của Tin mừng, Số 87).

 

 “Tính sẵn sàng của các linh mục làm cho Hội thánh trở thành một ngôi nhà mở rộng cửa, nơi nương tựa cho các tội nhân, là nơi cư ngụ cho những người sống ở đường phố, là nơi chăm sóc yêu thương cho bệnh nhân, là lều trại cho những người trẻ, là lớp học giáo lý cho các trẻ em chuẩn bị lãnh nhận bí tích Rước lễ lần đầu... Nơi nào dân Chúa có nhu cầu hoặc mong muốn, nơi đó có linh mục, là người biết lắng nghe (ob-audire) và cảm nhận mệnh lệnh yêu thương từ Đức Kitô, Đấng đã sai linh mục đến để xoa dịu, đáp ứng nhu cầu đó với lòng thương xót hoặc đến để khuyến khích những mong muốn tốt đẹp với đức mến dồi dào trong họ”[11].

 

- Niềm vui nhân bản: phát triển tình huynh đệ linh mục:

Cần luôn đọc lại và ghi nhớ những lời dạy của Công đồng Vatican II:

 “Khi gia nhập hàng linh mục nhờ bí tích Truyền Chức Thánh, tất cả các linh mục liên kết với nhau bằng một tình huynh đệ do bí tích (). Vì vậy, mỗi vị đều được liên kết với các thành viên khác của linh mục đoàn bằng những mối dâđặc biệt của tình bác ái tông đồ, của thừa tác vụ và tình huynh đệ (). Vì thế mỗi linh mục hợp nhất với các anh em linh mục khác bằng mối dây bác ái, cầu nguyện và cộng tác dưới mọi hình thức, và như thế, thể hiện được sự hợp nhất mà Đức Kitô muốn cho các môđệ Người phải nên một với nhau, để thế gian nhận biết Chúa Con đã được Chúa Cha sai đến…” (PO 8).

 

Đức Phanxicô tái nhấn mạnh trong tông huấn “Niềm vui của Tin mừng”:

 “Một số thậm chí không còn bằng lòng sống như một phần tử của cộng đồng Hội Thánh rộng lớn hơn nhưng phát triển một tinh thần loại trừ, tạo ra một “phe nhóm nội bộ”. Thay vì thuộc về một Hội Thánh toàn thể trong tất cả sự đa dạng, họ thuộc về nhóm này hay nhóm nọ, nghĩ rằng mình thì khác hay đặc biệt.” (Niềm vui của Tin mừng, Số 98). “Chúng ta hãy làm điều đó hôm nay! Chúng ta đừng để mình bị cướp mất lý tưởng tình yêu huynh đệ!” (Niềm vui của Tin mừng, Số 101).

 

- Niềm vui nhân bản: con đường để nên thánh:

Khi nói đến “nhân bản” như bước đầu tiên trên con đường nỗ lực nên thánh, xin được nhắc lại cái “nguyên tắc vàng” mà cha bề trên Lành (Albert Delagnes)[12] đã nhắn nhủ các chủng sinh: “Các con muốn trở thành linh mục thánh thiện, trước tiên các con phải lo rèn luyện nên người lương thiện (honnête homme), trên cơ sở vững chắc ấy các con nỗ lực xây dựng con người Kitô hữu đạo đức (bon chrétien), rồi từ đó các con mới có triển vọng trở thành linh mục thánh đức (saint prêtre).

 

Đức Phanxicô tông tông huấn gọi mời Dân Chúa nên thánh (Gadete et exsultate – Hãy vui mừng hoan hỉ) đã xác quyết: sự thánh thiện luôn đi đôi với niềm vui: “Những gì chúng ta đã nói cho tới nay về sự thánh thiện của các thánh không hàm chứa sự rụt rè, buồn thảm, chua chát, u sầu, hay mang bộ mặt thê lương. Các thánh luôn vui vẻ và đầy tinh thần hài hước. Dù rất thực tế, các thánh vẫn chiếu tỏa một tinh thần tích cực và đầy hy vọng. Làm Kitô hữu có nghĩa là “đầy hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17), vì “hoa quả thiết yếu của đức ái là niềm vui. Vì ai yêu thì vui mừng được kết hợp với người mình yêu, đức ái mang lại niềm vui”. Chúng ta đã lãnh nhận món quà tuyệt vời là Lời Chúa, và đã ôm ấp Lời ấy “ngay giữa bao nỗi gian truân với niềm vui do Thánh Thần ban” (1 Tx 1,6). Nếu chúng ta để Chúa lôi kéo chúng ta ra khỏi vỏ ốc và biến đổi mình, chúng ta có thể làm như Thánh Phaolô kêu gọi chúng ta: “Hãy vui lên trong Thiên Chúa, tôi nhắc lại, hãy vui lên!” (Pl 4,4)” (Hãy vui mừng hoan hỉ, số 122).

 

II. LINH MỤC: CHỨNG NHÂN CỦA LỐI SỐNG THUỘC VỀ DÂN CHÚA

Đức Phanxicô trong bài phát biểu về thường huấn linh mục: “Con đường thứ hai: thuộc về dân Chúa. Chúng ta chỉ có thể là môn đệ truyền giáo cùng với nhau. Chúng ta chỉ có thể sống tốt thừa tác vụ linh mục nếu chúng ta hoàn toàn là một phần của dân tư tế, mà từ đó chúng ta xuất phát”.

 

1. Thuộc về Dân Chúa: linh mục là anh em giữa các anh em

1.1. Linh mục và căn tính Kitô hữu:

- Đây chính học thuyết căn bản đã được khẳng định bởi Công đồng Vatican II trong Sắc lệnh về Tác vụ và đời sống linh mục (Presbyterorum Ordinis): “Chúa Giêsu, “Đấng đã được Chúa Cha thánh hóa và sai đến trần gian (Ga 10,36), đã làm cho tất cả Nhiệm Thể của Người được thông phần vào việc xức dầu mà Người đã nhận lãnh từ Chúa Thánh Thần: thật vậy, trong Người, tất cả các tín hữu được đặt vào hàng tư tế thánh thiện và vương giả, hiến dâng lên Thiên Chúa những lễ tế thiêng liêng nhờ Đức Kitô, và tuyên xưng quyền năng của Đấng đã gọi họ từ chốn tối tăm vào nơi đầy ánh sáng diệu kỳ. Vì thế, không có chi thể nào không thông phần vào sứ mệnh của toàn thân, trái lại mỗi chi thể đều phải tôn vinh Chúa Giêsu trong tâm hồn và phải làm chứng về Người với tinh thần ngôn sứ (Presbyterorum Ordinis, viết tắt PO, Số 2).

 

Linh mục không mang ảo tưởng “thuộc về một đẳng cấp” cao: “Thật vậy, cùng với tất cả những ai đã được tái sinh trong dòng nước Thánh tẩy, các linh mục là những người anh em giữa các anh em, như những chi thể trong cùng một thân thể duy nhất của Đức Kitô mà mọi người đều có nhiệm vụ xây dựng” (PO số 9).

 

1.2. Linh mục và “cảm thức thuộc về”: “Là mục tử của cộng đoàn, theo hình ảnh của Chúa Kitô, Mục Tử nhân lành dâng hiến tất cả cuộc đời cho Giáo hội, linh mục sống và hiện hữu cho cộng đoàn; chính vì cộng đoàn mà ngài cầu nguyện, học hỏi nghiên cứu, làm việc và tự hiến; chính vì cộng đoàn mà ngài sẵn lòng để cho đi cuộc sống của mình, yêu thương cộng đoàn như Chúa Kitoo, bằng tất cả tình yêu và lòng quý mến, tiêu hủy cả sức lực và không tiếc thời gian để làm cho cộng đoàn trở thành hình ảnh của Giáo hội, Hiền Thê của Chúa Kitô, ngày càng mỹ miều và xứng đáng hơn với long nhâ hậu của Chúa Cha và tình yêu của Chúa Thánh Thần”[13].

 

1.3. Linh mục sống “chiều kích thuộc về” như thế nào:

- Khi “mang lấy mùi chiên”: “Như vậy, các người loan báo Tin mừng mang lấy “mùi của đàn chiên” và đàn chiên sẵn sàng nghe tiếng của họ” (Niềm vui của Tin mừng, Số 24).

- Khi “sát cánh” với đoàn chiên: “Như Người, các con là những vị mục tử, và đây là điều Chúa muốn. Những vị mục tử của dân thánh trung tín của Chúa. Những vị mục tử đi với dân Chúa: có những lúc đi trước, ở giữa và sau đàn chiên, nhưng luôn ở với chiên, với dân Chúa”[14].

 

- Khi đồng hành và đồng cảm với Dân Chúa: “Chúng ta phải vui mừng với những cặp vợ chồng kết hôn; chúng ta phải cùng cười với những trẻ được mang tới dòng nước rửa tội; chúng ta phải đi cùng với những cặp đôi và gia đình trẻ; chúng ta phải đau khổ với những người được xức dầu trên giường bệnh của họ; chúng ta phải than khóc với những người đang chôn cất người thân yêu... Đối với anh em linh mục chúng ta, những gì xảy ra trong cuộc sống của người dân không giống như một bản tin: chúng ta biết dân của mình, chúng ta cảm nhận những gì đang diễn ra trong trái tim của họ. Trái tim chúng ta chia sẻ sự đau khổ của họ, cảm được ‘sự đồng cảm', bị kiệt sức, bị vỡ thành hàng nghìn mảnh, bị đánh động và thậm chí ‘bị ăn' bởi dân chúng”[15].

 

1.4. “Chiều kích thuộc về” trong mầu nhiệm khổ nạn:

- Đón nhận và thánh hóa khổ đau: “Chúng ta có thể xin ơn để cùng với Chúa Giêsu chịu đóng đinh, cảm nếm mật đắng của tất cả những người thông phần thập giá của Người, và ngửi mùi hôi tanh của khổ đau - trong bệnh viện dã chiến, trong xe lửa và tàu thuyền chen chúc với mọi người. Hương thơm của lòng thương xót không che giấu mùi hôi thối này. Thay vào đó, bằng cách xức dầu cho nó, nó đánh thức niềm hy vọng mới”[16].

 

- Chứng nhân của lòng thương xót: “Thế giới đang khát khao những linh mục có khả năng thông truyền lòng nhân từ của Thiên Chúa cho những người đã trải qua tội lỗi và thất bại, những linh mục chuyên viên về con người, những mục tử sẵn sàng chia sẻ niềm vui và sự mệt mỏi của anh chị em mình, những con người để cho mình được ghi dấu bằng tiếng kêu của người đau khổ”[17].

 

2. Thuộc về Dân Chúa: Linh mục “hiệp hành”

2.1. Đức Phanxicô gọi mời:

 “Các linh mục, đặc biệt là ngày nay, được yêu cầu phải cam kết “thực hành tính hiệp hành”. Hãy luôn nhớ điều này: cùng nhau bước đi. Linh mục luôn luôn ở cùng với dân mà mình thuộc về, nhưng cũng ở với giám mục và linh mục. Chúng ta đừng bỏ bê tình huynh đệ linh mục! Về khía cạnh này, hiệp nhất với dân Chúa, Thánh Phaolô cảnh báo Timôthê: Hãy nhớ đến mẹ và bà của con. Hãy nhớ đến cội nguồn, lịch sử của anh chị em, lịch sử gia đình, dân của anh chị em. Linh mục không sinh ra từ thế hệ tự phát” (Phát biểu trong Hội nghị về Thường huấn linh mục).

 

2.2. Những “chọn lựa hiệp hành” cần được luôn hiện thực hóa:

Cho tới hôm nay (cuối năm 2024), câu chuyện “Hiệp Hành” của Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới thứ XVI e rằng đã có thể trở thành “câu chuyện cũ”, cho dù tháng 10 tới đây sẽ diễn ra cuộc Hội Nghị Giai đoạn II tại Rôma. Xã hội Việt Nam thường có cái tật “tưng bừng khai trương âm thầm dẹp tiệm”; và dĩ nhiên, cái “tật” này cũng không phải là không gặp trong nhịp sống đức tin của Dân Chúa.

 

Để ngừa trước tình trạng này, ngay từ những ngày đầu diễn ra Thượng Hội đồng ở cấp Giáo phận, Giáo hội đã đưa ra những “tiêu chí” mang tính “định hướng” và cũng là “phong cách đặc trưng”: Thượng hội đồng hiện nay không phải là soạn thêm tài liệu, mà đúng ra là tạo niềm hứng khởi để mọi người mơ về một Giáo hội mà chúng ta được mời gọi trở thành, là làm cho niềm hy vọng của họ được nảy nở, là khơi dậy lòng tin tưởng, là băng bó những vết thương, là tạo nên những mối tương quan mới mẻ và sâu sắc hơn, là học hỏi lẫn nhau, là xây dựng những nhịp cầu, là thắp sáng tâm trí, là sưởi ấm cõi lòng và phục hồi sức mạnh cho đôi tay để phục vụ sứ mạng chung của chúng ta (PD, 32). Vì vậy, mục tiêu của Tiến trình Hiệp hành này không chỉ là hàng loạt các cuộc diễn tập hết bắt đầu rồi lại kết thúc, mà là một hành trình phát triển đích thực hướng tới sự hiệp thông và sứ mạng mà Thiên Chúa kêu gọi Giáo hội thực hiện trong thiên niên kỷ thứ ba này”[18].

 

Văn kiện VADEMECUM còn đề nghị những thái độ mà Dân Chúa, hàng Giáo Phẩm, Giáo sĩ, tu sĩ và mọi giáo dân cần phải có để tham gia vào tiến trình hiệp hành: Chia sẻ và đối thoại, lắng nghe, hoán cải và biện phân, nói không với não trạng “giáo sĩ trị”, óc tự mãn…[19].

 

III. LINH MỤC: CHỨNG NHÂN CỦA CUỘC ĐỜI TẠO SINH TRONG PHỤC VỤ

Khi nói đến “tạo sinh” (generative) có lẽ nhiều người nghĩ ngay đến “sáng tạo” (creative) về mặt “vật thể”: các công trình (Xây dựng, kiến trúc, tác phẩm, dự án…) mà thường không chú trọng lắm tới khía cạnh “tạo sinh phi vật thể” (Con người, các linh hồn, đời sống hiệp nhất và niềm vui, cộng đoàn phụng vụ sinh động, các học viên giáo lý có khả năng biến đổi, canh tân, cộng đoàn đức tin trưởng thành, các hội đoàn vững mạnh, truyền giáo, giới trẻ hăng say tông đồ, giới trí thức làm việc đắc lực…)[20].

 

Chúng ta thử dừng lại để hiểu dụng ý của Đức Phanxicô về mục tiêu “thường huấn linh mục về chiều kích TẠO SINH”:

1. Tạo sinh để yêu thương phục vụ và tạo nên sự sống mới

1.1. Chủ đích thường huấn linh mục: Con người linh mục phải là ưu tiên một:

Tâm lý thường tình là ai cũng nghĩ “mỗi linh mục hãy tự huấn luyện mình” còn thường huấn là cốt để học hỏi một điều khách quan nào đó (như xưa nay chúng ta vẫn thực hiện): một tông huấn mới, một đối tượng mục vụ nào đó (giới trẻ, tu sĩ…). Nhưng theo Đức Giáo hoàng Phanxicô, việc thường huấn phải nhắm thẳng đến “bản thân linh mục”, huấn luyện chính “con người linh mục” chứ không phải ai khác, vấn đề khác…

 

“Từ quan điểm phục vụ, huấn luyện không phải là một hoạt động bên ngoài, truyền tải một lời dạy, nhưng trở thành nghệ thuật đặt người khác vào trung tâm, làm nổi bật vẻ đẹp của họ, điều tốt đẹp mà họ mang trong mình, làm nổi bật những hồng ân và cả bóng tối, những vết thương và những ước muốn của họ. Và do đó, huấn luyện linh mục có nghĩa là phục vụ họ, phục vụ cuộc sống của họ, khuyến khích hành trình của họ, giúp phân định, đồng hành với linh mục trong những khó khăn và hỗ trợ họ trong những thách đố mục vụ” (Phát biểu trong Hội nghị về Thường huấn linh mục).

 

1.2. Thường huấn để các linh mục trở thành người phục vụ:

Chỉ khi nào một linh mục trở thành một người phục vụ mới có khả năng “tạo sinh”. Một linh mục mà sống và ứng xử mục vụ như một công chức, một chủ nhân ông, một nhà lãnh đạo độc tài, một chuyên viên kỹ thuật lão luyện, một nghệ nhân bách khoa… mà không mang tinh thần phục vụ sẽ chỉ là một “góa nhân” trơ trọi!

 

 “khi chúng ta đặt mình phục vụ người khác, khi chúng ta trở thành những người cha và người mẹ của những người được ủy thác cho chúng ta, chúng ta tạo ra sự sống của Thiên Chúa. Đây là bí quyết của một mục vụ tạo sinh: chứ không phải là một mục vụ mà trong đó chúng ta là trung tâm, nhưng là một mục vụ tạo ra những người con cho cuộc sống mới, và đổ nước hằng sống của Tin Mừng trên mảnh đất tâm hồn con người và của thời đại hiện tại”. (Phát biểu trong Hội nghị về Thường huấn linh mục).

 

1.3. Con đường tạo sinh của linh mục: thập giá:

Nếu Chúa “Giêsu linh mục” đã “nói không” trước cám dỗ “trèo lên nóc đền thờ Giêrusalem nhảy xuống” (Mt 4,5-6) và đã “nặng lời với Phêrô” vì ông đã cản ngăn con đường lên Giêrusalem chịu khổ nạn của Ngài (Mt 16,22-23), thì quả thật, để “tạo sinh ơn cứu độ” cho con người, không có giải pháp tối ưu nào khác bằng “con đường thập giá!

 

Đức Phanxicô một lần nữa muốn các linh mục phải xác tín về “con đường tạo sinh” này trong chính ơn gọi và sứ vụ của mình: “Linh mục được đào tạo như thế, đến lượt mình, đặt mình vào việc phục vụ dân Chúa, gần gũi với dân chúng, và như Chúa Giêsu đã làm trên thập giá, sẵn sàng gánh vác trách nhiệm cho mọi người. Anh chị em, chúng ta hãy nhìn lên Thánh Giá. Từ đó Chúa yêu thương chúng ta đến cùng (Ga 13,1), Chúa đã sinh ra một dân mới” (Phát biểu trong Hội nghị về Thường huấn linh mục)

 

2. Những đề nghị “mục vụ tạo sinh” của tác vụ linh mục

2.1. Tạo sinh trong sứ vụ Tư tế (Phụng vụ):

- Giáo lý của Công đồng Vatican II: Vì thế, các linh mục được Thiên Chúa hiến thánh qua tay Đức Giám mục, để khi đã được tham dự cách đặc biệt vào chức tư tế của Chúa Kitô, các ngài cử hành việc phụng tự thánh với tư cách là thừa tác viên của Đấng không ngừng nhờ Chúa Thánh Thần mà thực thi trong Phụng vụ tác vụ tư tế của Người để mưu ích cho chúng ta…” (PO số 5).

 

Tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô với tư cách là “Đầu” không có nghĩa được quyền “ăn trên ngồi trước” hay có chức tước để đè đầu cởi cổ anh chị em: “Việc đồng hoá người linh mục với Đức Kitô là đầu - nghĩa là nguồn mạch chính của ân sủng - không có nghĩa là đặt người linh mục lên trên những người khác. Trong Hội Thánh, các chức vụ “không đặt một số người lên địa vị cao hơn những người khác” (Niềm vui của Tin mừng, Số 104).

 

- Loại trừ tâm thức giáo sĩ trị với “cơ chế xin cho, ban phát” trong lãnh vực Phụng vụ, Bí tích: Các Bí tích là do chính Chúa Kitô thiết lập và trao cho Hội thánh cử hành. Mà Hội thánh là “Nhiệm Thể” Chúa Kitô, là toàn thể Dân Chúa. Vì thế, các Bí tích không là “của riêng các linh mục” để tùy nghi muốn cho, muốn cấm theo ý riêng mà thuộc về toàn thể cộng đoàn. Linh mục chỉ là người “tham gia cử hành bí tích” với tư cách là “thừa tác viên của Chúa Kitô là Đầu”, chứ không là “chủ nhân ông để ban phát”! Đức Giáo hoàng Phanxicô, trong tông huấn về Phụng vụ, Desiderio Desideravi, đã khẳng định rằng: việc giảm nhẹ giá trị cộng đồng trong các cử hành Phụng vụ là do ma quỷ: “Việc cử hành phụng vụ không thuộc về cá nhân nhưng thuộc về Đức Kitô-Hội Thánh, về toàn thể các tín hữu hợp nhất trong Đức Kitô. Phụng vụ không nótôi mà nóchúng tôi và những hạn chế đối với tính cách chúng tôi này luôn luôn là do ma quỷ. Phụng vụ không để chúng ta đơn độc trong việc tìm kiếm sự hiểu biết mang tính cá nhân về mầu nhiệm Thiên Chúa, nhưng nắm lấy tay chúng ta, cùng với mọi người, trong cộng đoàn, để dẫn chúng ta vào mầu nhiệm mà Lời Chúa và các dấu chỉ bí tích bày tỏ cho chúng ta” (DD 19).

 

- Nghệ thuật tạo sinh khi cử hành Thánh lễ: Biến các dấu chỉ, nghi thức, lời ca kinh... thành vẽ đẹp tỏa thương thơm thánh thiện: “Trong cử hành này, thật là quan trọng để chăm chút cách đặc biệt sự tiện lợi và sự sạch sẽ của nơi chốn, kiến trúc của bàn thờ và của nhà tạm, sự tôn quý của các bình thánh và của áo lễ, các bài hát, âm nhạc, sự thinh lặng thánh, sự trợ giúp của hương trầm trong các cử hành long trọng hơn... trong việc lặp lại cử chỉ đáng mến của Maria đối với Chúa khi cô lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức châĐức Giêsu, rồi lấy tóc mà lau, cả nhà sực mùi thơm (Ga 12,3). Tất cả những yếu tố này có thể góp phần làm cho sự tham dự hy tế tạ ơn được sốt sắng hơn. Quả vậy, việc không chú ý đủ, sự hời hợt và sự lộn xộn sẽ làm cho mất ý nghĩa và làm suy yếu hiệu năng làm tăng trưởng đức tin của hy tế tạ ơn. Kẻ nào cử hành lôi thôi thì biểu lộ đức tin yếu kém của mình và không thể giáo dục đức tin người khác. Ngược lại, cử hành sốt sắng tạo nên một bài giáo lý đầu tiên và quan trọng về Hy Tế Thánh”[21].

 

- Một vài lưu ý trong “nghệ thuật tạo sinh” nơi chiều kích phụng vụ:

- Trong phụng vụ Thánh lễ: Không thể “độc quyền Tòa Giảng để công kích, mạ lị, kết án anh chị em mình.

 

- Trong mục vụ bí tích Hôn phối: không hạch sách, đe dọa, hành hạ đủ điều về thủ tục, về giấy tờ…, nhất là đối với những anh chị em tân tòng hay người lương (hôn nhân khác đạo) chưa quen biết gì đường đi nước bước trong cái “mạng nhện mục giáo xứ”!

 

- Trong mục vụ bí tích chữa lành: bệnh nhân cần nhận được Của Ăn đàng và các Bí tích trong giờ sau hết; các bạn trẻ luôn cảm thấy dễ chịu, thoải mái và hạnh phúc đầy tràn trong tâm hồn khi quỳ xuống nơi Tòa Giải Tội…

 

Riêng, đối với việc trao ban bí tích Hòa Giải, Đức Phanxicô lưu ý về “khía cạnh tạo sinh”: Anh chị em, xin đừng bao giờ mệt mỏi là những người có lòng nhân hậu. Luôn tha thứ. Khi mọi người đến xưng tội, đến xin sự tha thứ, họ không đến để nghe một bài học về thần học hoặc sám hối. Anh chị em hãy có lòng nhân từ. Hãy luôn tha thứ, bởi vì tha thứ có ân sủng của sự dịu dàng, đón nhận. Tha thứ luôn tạo sinh bên trong”. (Phát biểu trong Hội nghị về Thường huấn linh mục).

 

- Trong mục vụ “đạo đức bình dân”: hiện diện trong các giờ kinh của cộng đoàn; chia sẻ niềm vui với các gia đình trong những dịp đặc biệt (các ngày kỷ niệm…); chia sớt nỗi sầu khi ốm đau, tang chế (phụng vụ An táng…).

 

2.2. Tạo sinh trong sứ vụ Ngôn sứ (Rao giảng):

2.2.1. Hai chiều kích của Lời Chúa cần lưu ý: Món nợ thông truyền và vai trò hiệp nhất:

- Linh mục và món nợ thường xuyên: Rao giảng Lời Chúa cho Dân Chúa: Do đó, các linh mục mắc nợ với mọi người về việc phải thông truyền cho họ chân lý Tin mừng mà các ngài đã nhận được nơi Chúa” (PO số 4).

 

- Linh mục biến Bàn tiệc Lời Chúa, Kinh thánh thành nơi của hiệp nhất: Kinh Thánh là cuốn sách của dân Chúa, mà trong khi lắng nghe, họ vượt qua được sự phân tán và sự chia rẽ để tiến tới sự hiệp nhất. Lời Chúa hiệp nhất các tín hữu và làm cho họ trở thành một dân duy nhất” (Tông thư Aperuit illis số 4).

 

2.2.2. Một vài lưu ý về “Bài giảng Lời Chúa” trong Phụng vụ (Thánh lễ):

- Bài giảng là thước đo: “Bài giảng là viên đá thử để đánh giá sự gần gũi và khả năng truyền thông của người mục tử với dân chúng” (Niềm vui của Tin mừng, số 135).

 

- Bài giảng là một trải nghiệm thiêng liêng: “Bài giảng thực ra có thể là một trải nghiệm sâu đậm và vui sướng về Thần Khí, một cuộc gặp gỡ đầy an ủi với lời Thiên Chúa, một nguồn mạch canh tân và tăng trưởng thường xuyên” (Niềm vui của Tin mừng, số 135).

 

- Bài giảng mang chiều kích “đối thoại” và “hiệp thông”: “Bài giảng có tầm quan trọng đặc biệt vì bối cảnh Thánh Thể của nó: nó vượt quá mọi hình thức huấn giáo vì là thời điểm tột đỉnh trong cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa với dân Người, và dẫn tới việc hiệp thông bí tích” (Niềm vui của Tin mừng, số 137).

 

- Bài giảng phải ngắn gọn: “vì việc giảng dạy được đặt trong khung cảnh một cuộc cử hành phụng vụ; thế nên bài giảng phải ngắn và tránh mang dáng dấp của một bài diễn văn hay thuyết trình” (Niềm vui của Tin mừng, số 138).

 

- Bài giảng mang chiều kích “đối thoại nhân bản”: “Khung cảnh này, vừa từ mẫu vừa hội thánh, trong đó diễn ra cuộc đối thoại giữa Chúa và dân của Người, phải được khuyến khích bởi sự gần gũi của giảng viên, sự ấm áp của âm giọng, sự đơn sơ không phô trương trong cách nói, và sự vui vẻ trong các điệu bộ của giảng viên” (Niềm vui của Tin mừng, số 140).

 

- Bài giảng và sự “tạo sinh bí tích”: “Một bài giảng mà chỉ nhắm dạy đạo đức hay lý thuyết, hoặc biến thành một bài giảng về chú giải Kinh Thánh, là đi lạc khỏi sự thông truyền đích thực từ trái tim đến trái tim diễn ra trong bài giảng và mang một tính chất gần như bí tích: Có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Ðức Kitô” (Rm 10:17). Trong bài giảng, chân-thiện-mỹ đi chung với nhau. Thay vì nói về các chân lý trừu tượng và các kiểu lý luận khô khan, bài giảng truyền đạt vẻ đẹp của các hình ảnh đã được Chúa dùng để khuyến khích người ta hành thiện” (Niềm vui của Tin mừng, số 142).

 

- Sự liêm chính của người Giảng Lời Chúa: dọn bài với Chúa Thánh Thần: “Tin Chúa Thánh Thần Đấng hoạt động trong bài giảng không phải là chỉ thụ động nhưng phải chủ động và sáng tạo. Nó đòi chúng ta hiến mình và mọi khả năng của mình để làm công cụ (xem Rm 12:1) cho Chúa sử dụng. Một người giảng thuyết không chuẩn bị thì không “có thần khí”; họ là người bất lương và vô trách nhiệm đối với các ân huệ họ đã nhận” (Niềm vui của Tin mừng, số 145).

 

- Sống và trải nghiệm Lời Chúa: “Ai muốn giảng thì trước tiên phải để cho lời Thiên Chúa lay động mình một cách sâu xa và thấm nhập vào trong đời sống hằng ngày của mình. Như vậy, giảng chủ yếu là ở hoạt động quá sâu xa và hiệu quả ấy, đó là ‘thông truyền cho người khác điều mình đã chiêm ngắm’” (Niềm vui của Tin mừng, số 150).

 

- Một tấm lòng biết lắng nghe: “Người giảng thuyết cũng cần để tai nghe dân và tìm xem các tín hữu cần nghe những gì. Người giảng thuyết phải nhìn xem thế giới, nhưng cũng phải nhìn xem người dân. Bằng cách này họ học biết được về “những ước vọng, những nguồn lực và những giới hạn, những cách cầu nguyện, yêu thương, quan niệm về cuộc đời và thế giới, là những cái tạo sự khác biệt giữa một cuộc gặp gỡ này với một cuộc gặp gỡ khác” (Niềm vui của Tin mừng, số 154).

 

2.2.3. Việc tạo sinh trong mục vụ huấn giáo (Dạy giáo lý):

- Chuyển tải nội dung đích thực của Kerygma trong mục vụ huấn giáo: Vị trí trung tâm củakerygma đòi phải nhấn mạnh những yếu tố cần nhất hôm nay: nó phải diễn tả tình thương cứu độ của Thiên Chúa, là cáđi trước mọi bổn phận luân lý hay tôn giáo của chúng ta; nó không được áđặt sự thật nhưng kêu gọi tự do; nó phải được đánh dấu bằng niềm vui, sự khích lệ, sức sống và một sự cân bằng hài hoà để không giản lược việc rao giảng vào một ít giáo thuyết đôi khi mang tính triết học hơn là tính phúâm. Tất cả điều nàđòi hỏi người giảng thuyết phải có một số tháđộ nuôi dưỡng sự mở lòng ra cho sứ điệp: dễ đến gần, sẵn sàng đối thoại, kiên nhẫn, nồng ấm, niềm nở, tựu trung là thái độ không phê phán” (Niềm vui của Tin mừng, số 165).

 

- Tạo sinh đồng nghĩa với việc “Tân Phúc âm hóa” (Nova Evangelizatio): “Tân Phúc-Âm-hóa” không phải là rao giảng một Phúc Âm mới vì “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13,8), nhưng là mới về lòng nhiệt thành, mới trong phương pháp, và mới trong cách diễn tả” (Thư chung 2013 của HĐGMVN, số 4)[22].

 

2.3. Tạo sinh trong sứ vụ Vương đế (Quản trị mục vụ):

2.3.1. Mục vụ tạo sinh: phục vụ con người và tác sinh con người mới:

“chúng ta tạo ra sự sống của Thiên Chúa. Đây là bí quyết của một mục vụ tạo sinh: chứ không phải là một mục vụ mà trong đó chúng ta là trung tâm, nhưng là một mục vụ tạo ra những người con cho cuộc sống mới, và đổ nước hằng sống của Tin Mừng trên mảnh đất tâm hồn con người và của thời đại hiện tại” (Phát biểu trong Hội nghị về Thường huấn linh mục).

 

2.3.2. Mục tạo sinh: khi linh mục có cảm thức “thuộc vê cộng đoàn”:

“Là mục từ của cộng đoàn… linh mục sống và hiện hữu cho cộng đoàn; chính vì cộng đoàn mà ngài cầu nguyện, học hỏi nghiên cứu, làm việc và tự hiến; chính vì cộng đoàn mà ngài sẵn lòng để cho đi cuộc sống của mình, yêu thương cộng đoàn như Chúa Kitô, bằng tất cả tình yêu và lòng quý mến, tiêu hủy cả sức lực và không tiếc thời gian để làm cho cộng đoàn trở thành hình ảnh của Giáo Hội…”[23].

 

2.3.3. Mục tạo sinh: khi linh mục có cảm thức Giáo hội:

“Khi chu toàn tác vụ của mình, các linh mục biết thể hiện đòi hỏi này bằng thái độ liên lỉ và chân thành của việc sentire cum Ecclesia (cảm thức với Giáo hội), ngõ hầu các ngài có thể luôn làm việc trong sự hiệp thông với Đức Giáo hoàng, với các Giám mục và các anh em khác trong chức linh mục, với các phó tế, tu sĩ và sau cùng với mọi tín hữu”[24].

 

2.3.4. Mục vụ tạo sinh: Cảnh giác trước những yêu cầu và áp lực của xã hội:

- Không nô lệ cho phương tiện truyền thông hiện đại: “Đối với các phương tiện truyền thông xã hội, các linh mục, bất kể là tác giả hay người sử dụng, phải giữ sự thận trọng cần thiết và tránh những gì có thể gây hại cho ơn gọi của mình”[25].

 

- Vận dụng các phương tiện tự nhiên và siêu nhiên để bảo vệ hồng ân thánh chức và hiệu năng tạo sinh mục vụ: “các linh mục phải dựa vào tất cả các phương thế tự nhiên và siêu nhiên có rất nhiều trong truyền thống của Giáo hội… vun trồng tình bạn với các linh mục khác, chăm chút những tương quan tốt đẹp với mọi người, thực hành khổ chế… tăng cường một văn hóa về cái đẹp… nuôi dưỡng say mê tác vụ tông đồ… chấp nhân cô độc… và biết quản lý thời gian nhàn rỗi…”[26].

 

Kết: Hãy mang theo ba điều quan trọng

Kết thúc bài phát biểu trong cuộc Hội nghị về Thường huấn linh mục, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắn gởi: “Tôi để lại cho anh chị em ba điều quan trọng: niềm vui Tin Mừng vốn là nền tảng cuộc sống chúng ta, thuộc về một dân bảo vệ và nâng đỡ chúng ta, có khả năng tạo sinh trong việc phục vụ làm cho chúng ta trở thành những người cha và mục tử”. Như vậy, tôi cũng không muốn chia sẻ thêm điều gì ngoài ba nội dung cơ bản đó. Và cũng xin mượn chính lời cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng cùa bài phát biểu để kết thúc câu chuyện của chúng ta hôm nay: “Xin Đức Mẹ đồng hành với anh em trên hành trình này. Đức Mẹ trao cho các linh mục một ân ban là sự dịu dàng. Sự dịu dàng này được thể hiện nơi những người đang gặp khó khăn, người già, đau yếu, trẻ em… Chúng ta hãy xin ân ban này, và đừng sợ là những người dịu dàng. Sự dịu dàng là sức mạnh. Xin cám ơn” (Phát biểu trong Hội nghị về Thường huấn linh mục).

Lm. Giuse Trương Đình Hiền

Nguồn:gpquinhon.net

______

[1] Từ ngày 06 đến ngày 10/02, hàng ngàn linh mục năm châu quy tụ tham dự Hội nghị quốc tế tại Rôma về thường huấn cho các linh mục, với chủ đề: “Con hãy khơi dậy hồng ân của Chúa trong con” (2Tm 1,6): “Vẻ đẹp làm môn đệ ngày nay. Một sự huấn luyện duy nhất, toàn diện, cộng đoàn và truyền giáo”.
[2] Xem bài viết trên website HĐGMVN, link: Bài nói chuyện của Đức Thánh Cha tại hội nghị quốc tế về thường huấn cho các linh mục (hdgmvietnam.com)
[3] Đgh Phanxicô, Tông huấn “Hãy Vui mừng Hoan hỉ” (Gaudete et Exsultate), chuyển ngữ Giám Mục Gioan Đỗ Văn Ngân, Nxb Tôn gáo 2018, số 161, tr. 108.
[4] Ga 13,30: Sau khi ăn miếng bánh, Giu-đa liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối.
[5] Kim Dung/Vov Online, Đấu giá thư tuyệt mệnh của Marilyn Monroe, website https://vov.vn/van-hoa-giai-tri/dau-gia-thu-tuyet-menh-cua-marilyn-monroe-256013.vov
[6] Năm 2018, chỉ trong vòng 1 tháng, đã có hai linh mục triều ở Pháp tự tử: Cha Jean-Baptiste Sebe, đã tự sát ở Rouen ngày 18.9.2018 và sau đó, ngày 18.10.2018, Cha Pierre-Yves Fumery được tìm thấy đã chết trong nhà xứ của ngài ở Gien, thuộc Giáo phận Orléans. Link: Chỉ trong một tháng 2 linh mục Pháp tự tử (giaophanvinhlong.net)
[7] X. Bài viết “Ma quỷ và chiến lược ‘Ngũ Độc’. website www.truongdinhhien.net, link: Ma Quỷ Và Chiến Lược “Ngũ Độc” – Thánh Giữa Đời Vui (truongdinhhien.net).
[8] Phạm Đình Khiêm, Người Chứng thứ nhất, Nxb Tinh Việt, Sài Gòn 1959, tr. 152.
[9] Bộ Giáo Sĩ, Kim Chỉ Nam về tác vụ và đời sống linh mục, Ấn bản mới 2013, Nxb Tôn giáo 2014, số 70, tr. 117-118.
[10] Đgh Phanxicô, Bài huấn đức dịp tiếp kiến phái đoàn Chủng viện Pio X miền Marchigiano ngày 16.10.2021 tại Vatican.
[11] Đgh Phanxicô, Bài giảng thánh lễ Dầu tại Vương cung Thánh đường thánh Phêrô, ngày 17.4.2014.
[12] Giám Đốc (Bề Trên) Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn 1930-1952 (Trang wikipedia)
[13] Bộ Giáo Sĩ, Kim Chỉ Nam về tác vụ và đời sống linh mục, sđd, số 77, tr. 125-126.
[14] Đgh Phanxicô, Bài giảng lễ phong chức linh mục vào CN IV PS ngày, 25.4.2021.
[15] Đgh Phanxicô, Bài giảng Thánh Lễ Dầu ngày 2.4.2015 tại Vương cung Thánh đường thánh Phêrô.
[16] Đgh Phanxicô, Bài suy niệm thứ ba trong Năm thánh cho Linh mục, ngày 2.2.2016.
[17] Đgh Phanxicô, Bài huấn đức dịp tiếp kiến phái đoàn Chủng viện Pio X miền Marchigiano, sđd.
[18] Vademecum, 1.3.
[19] Sđd, 2.3: - Tinh thần hiệp hành đòi phải dành thời gian cho việc chia sẻ: Chúng ta được mời gọi can đảm nói thẳng nói thật (parrhesia) để có thể phối hợp giữa tự do, sự thật và bác ái. Qua đối thoại mỗi người có thể hiểu biết hơn.
- Khiêm tốn lắng nghe phải đi đôi với việc can đảm nói ra: Mọi người đều có quyền được người khác lắng nghe, cũng như mọi người đều có quyền được nói. Cuộc đối thoại hiệp hành phụ thuộc vào sự can đảm của cả người nói lẫn người nghe. Không phải là sửa soạn lao vào cuộc tranh luận để tranh thắng. Đúng hơn, là đón chào những gì người khác nói như cách thế qua đó Chúa Thánh Thần có thể nói vì lợi ích của mọi người (x. 1 Cor 12,7).
- Đối thoại đưa chúng ta đến đổi mới: Chúng ta phải sẵn sàng thay đổi ý kiến dựa trên những gì chúng ta nghe được từ người khác.
- Sẵn sàng hoán cải và thay đổi: Thông thường, chúng ta có thể kháng cự những gì Chúa Thánh Thần đang cố gắng thôi thúc chúng ta đảm nhiệm. Chúng ta được kêu gọi từ bỏ những thái độ tự mãn và an phận khiến chúng ta đưa ra những quyết định chỉ dựa vào những cách thức hoạt động xưa cũ.
- Thượng hội đồng là cuộc thao luyện biện phân của Giáo hội: Biện phân phải dựa trên niềm xác tín rằng Thiên Chúa vẫn đang hoạt động trong thế giới và chúng ta được kêu gọi để lắng nghe điều Thần Khí khơi gợi nơi chúng ta.
- Chúng ta là dấu chỉ cho một Giáo hội lắng nghe và lữ hành: Khi lắng nghe, Giáo hội noi gương Thiên Chúa, Đấng lắng nghe những tiếng than khóc của dân Ngài. Tiến trình hiệp hành mang lại cho chúng ta cơ hội mở lòng ra để thực sự lắng nghe, không dùng những giải pháp đã có hay những quyết định rập theo công thức.
- Loại bỏ các thành kiến và khuôn mẫu sẵn: Chúng ta có thể bị trì trệ bởi những yếu đuối và tội lỗi của mình. Bước đầu tiên để lắng nghe là giải phóng trí óc và con tim khỏi những thiên kiến và khuôn mẫu dẫn vào đường lầm, đưa đến u mê và chia rẽ.
- Vượt khỏi thói giáo sĩ trị: Giáo hội là Thân thể Chúa Kitô, được ban nhiều loại ân sủng khác nhau, trong đó mỗi thành viên có một vai trò duy nhất. Tất cả chúng ta độc lập với nhau và chia sẻ cùng một phẩm tính giữa Dân thánh của Thiên Chúa. Theo hình ảnh Đức Kitô, quyền lực đích thực đó là việc phục vụ. Tính hiệp hành mời gọi các mục tử chăm chú lắng nghe đoàn chiên được giao cho mình chăm sóc, cũng như mời gọi giáo dân tự do và trung thực diễn tả quan điểm của mình. Mọi người lắng nghe nhau vì tình yêu, trong tinh thần hiệp thông và sứ vụ chung của chúng ta. Như thế quyền năng Chúa Thánh Thần được biểu lộ muôn vàn cách trong và qua toàn thể Dân Chúa.
- Chữa trị virus tự mãn: Tất cả chúng ta trên cùng một con thuyền. Cùng hợp đoàn, chúng ta làm nên Thân thể Đức Kitô. Bỏ đi thói ảo tưởng tự mãn, chúng ta mới có thể học hỏi lẫn nhau, đồng hành với nhau và phục vụ lẫn nhau. Chúng ta có thể xây những nhịp cầu bắc qua những bức tường đôi khi đe dọa ngăn cách chúng ta, như tuổi tác, giới tính, giàu nghèo, năng lực, giáo dục, v.v…
- Vượt qua ý thức hệ: Chúng ta phải tránh nguy cơ cho rằng ý tưởng thì quan trọng hơn thực tại đời sống đức tin của những người đang sống niềm tin đó cách cụ thể.
- Nâng cao niềm hy vọng: Thực hiện những gì đúng đắn chân thật, chứ không lôi kéo sự chú ý hay để nổi đình nổi đám, nhưng đúng hơn, để trung thành với Thiên Chúa và phục vụ Dân Ngài. Chúng ta được kêu gọi trở nên ngọn hải đăng của niềm hy vọng, chứ phải là người báo trước họa diệt vong.
- Thượng hội đồng là thời gian để ước mơ và “dành thời gian sống tương lai”: Chúng ta được khích lệ tạo lập một tiến trình tại địa phương nhằm truyền cảm hứng cho mọi người, không ai bị loại trừ trong việc tạo ra một viễn cảnh tương lai đầy niềm vui Tin Mừng”
[20] Khi dùng từ “generative” (tạo sinh), chắc chắn ĐGH Phanxicô muốn nhấn mạnh về việc “tạo sinh mang chiều kích nhân bản, con người và hiệu quả đức tin” hơn là dừng lại ở ý nghĩa “sáng tạo” các công trình mang tính vật chất.
[21] Bộ Giáo Sĩ, Kim Chỉ Nam về tác vụ và đời sống linh mục, sđd, số 67, tr. 109-110.
[22] Cụm từ “Tân Phúc ân hóa” (Nova Evangelizatio) được Đức thánh Gáo hoàng Gioan Phaolô II sử dụng và cắt nghĩa lần đầu tiên trong cuộc Đại Hội Giám Mục Châu Mỹ La tinh (CELAM) ngày 9.3.1983 tại Port-au-Prince (Haiiti): "Việc kỷ niệm 500 năm loan báo Tin mừng (tại Mỹ châu La-tinh) sẽ có một ý nghĩa tròn đầy nếu đi kèm với hành động dấn thân của quý chư huynh Giám mục, cùng với hàng linh mục và giáo dân; dấn thân, không phải để tái phúc-âm-hóa (re-evangelización), mà là tân phúc-âm-hóa (nueva evangelización). Mới trong sự nhiệt thành, trong phương pháp, trong lối diễn tả".
[23] Bộ Giáo Sĩ, Kim Chỉ Nam về tác vụ và đời sống linh mục, sđd, số 77, tr, 125-126.
[24] Sđd, số 78, tr. 127.
[25] Sđd, số 82, tr. 136.
[26] Sđd.

Bài cùng chuyên mục:

Ủy ban Giáo dân - Thường huấn tháng 11/2024: Giáo hội trong thế giới hiện đại (11/11/2024 05:25:00 - Xem: 0)

Đề tài thường huấn tháng 11/2024 của Ủy ban Giáo dân tập trung vào chủ đề: “Giáo hội trong thế giới hiện đại”.

Ủy ban Giáo dân - Thường huấn tháng 11/2024: Giáo hội trong thế giới hiện đại (02/11/2024 08:15:36 - Xem: 112)

Đề tài thường huấn tháng 11/2024 của Ủy ban Giáo dân tập trung vào chủ đề: “Giáo hội trong thế giới hiện đại”.

Ủy ban Giáo dân - Thường huấn tháng 10/2024 (02/10/2024 13:59:45 - Xem: 197)

Đề tài thường huấn tháng 10/2024 tập trung vào chủ đề: “Nuôi dưỡng tinh thần chiêm niệm”, với mục đích giúp anh chị em tín hữu, cách riêng là thành viên Hội đồng mục vụ giáo xứ, hồi tâm phản tỉnh về đời sống thiêng liêng

Ủy Ban Giáo dân - Thường huấn tháng 9/2024 (01/09/2024 13:37:58 - Xem: 318)

Tôi có đang thực sự đi theo Chúa Giêsu trên con đường của Người hay tôi đang đi theo ý riêng, sống đạo theo cách tôi muốn?

Linh mục quản xứ - Mục tử cai quản Đoàn chiên (28/08/2024 07:58:47 - Xem: 363)

Dựa trên Lời Chúa, huấn quyền của Giáo hội và chút ít kinh nghiệm cá nhân, xin chia sẻ một vài lời về việc cai quản giáo xứ.

Yêu như Thầy đã yêu: Trưởng thành và quân bình cảm tính trong đời sống độc thân Linh mục (09/08/2024 10:15:17 - Xem: 450)

Các linh mục không là thành viên của các hội dòng, được đào tạo để phục vụ và lãnh đạo Dân Chúa, trong vai trò của người mục tử sống với và sống vì đoàn chiên

Ủy ban Giáo dân - Thường huấn tháng 08/2024 (02/08/2024 08:57:23 - Xem: 284)

Căn tính truyền giáo của Giáo Hội một đàng được thể hiện qua đời sống cá nhân của mỗi Kitô hữu giáo dân...

Ủy ban Giáo dân - Thường huấn tháng 07/2024 (02/07/2024 07:39:20 - Xem: 408)

Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.

Hãy vui lòng dạy con tình yêu - Tình yêu trinh khiết và đời tu (22/06/2024 07:25:58 - Xem: 494)

“Thuộc trọn về Chúa cả hồn và xác” là cách diễn tả tình yêu sâu đậm của một con người dành cho Thiên Chúa và nhờ đó dành cho mọi người.

Ủy ban Giáo dân - Thường huấn tháng 06/2024: (02/06/2024 09:05:25 - Xem: 458)

Vai trò của giáo dân trong Giáo Hội không có gì khác hơn là sống những điều căn bản để trở thành một Kitô hữu đích thực.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7